Việt Thanh chiến dịch
Nguyễn Duy Chính
CHỮ TẮTKDANKL Khâm Ðịnh An Nam Kỷ LượcCM Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương MụcDNLT Ðại Nam Chính Biên Liệt TruyệnHLNTC Hoàng Lê Nhất Thống ChíTSC Thanh Sử CảoCCBVV Cố Cung Bác Vật Viện (Ðài Loan)YHVH Việt Nam Hán Văn Yên Hành Văn Hiến Tập ThànhTTVC Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên CứuQNNC Càn Long Trọng Yếu Chiến Tranh Chi Quân Nhu Nghiên CứuBAVH Bulletin des Amis du Vieux HuếTSSÐ Tập San Sử Ðịa [Saigon]NP Nam Phong Tạp Chí
GHI CHÚ
Ðể phân biệt
Dương Lịch và Âm Lịch, những ngày tháng theo Âm Lịch chúng tôi dùng
tháng Giêng, Hai …. Một, Chạp. Tháng 1, 2, 3 …11, 12 dành cho ngày tháng
Dương Lịch.
PHẦN I
TỔNG QUÁT
Tình hình miền Bắc nước ta cuối thế kỷ
XVIII mỗi lúc một thêm tồi tệ. Sau khi quân Trịnh thua ở Phú Xuân chính
quyền Ðàng Ngoài càng lúc càng chông chênh khiến cho Nguyễn Huệ đem quân
ra thẳng Bắc Hà mà không gặp một lực lượng phòng ngự nào đáng kể.
Trước đây vua Lê vẫn dựa vào chúa Trịnh trong mọi việc hành chánh và
quân sự, đến nay khi họ Trịnh bại vong, quả thực chỉ còn cái nước trống
không như vua Lê đã thú nhận.Miền Bắc vào những năm cuối cùng của nhà Lê là một khu vực nghèo khổ, nhiều nơi mất mùa, đói kém. Theo lá thư của Lefro gửi cho Bandin thì “… mùa này tháng Mười (âm lịch) năm 1788 đã bị mất vì đại hạn vào mùa hè năm trước. Gạo cũ còn lại của mùa trước thì bị vơ vét vào kho lương địch thành thử ngay cả lái buôn cũng chết đói [có cả bệnh dịch nữa] …”[1]Người dân lại bị tham quan nhũng nhiễu, sưu cao thuế nặng nên có làng chết mất đến một nửa hay ba phần tư, những người còn lại thì đều bị bắt lính cả. Những tỉnh địa đầu như Thanh Nghệ còn bi đát hơn. Tình hình đó không phải chỉ một vài tháng mà kéo dài nhiều năm khiến chúng ta hiểu được rằng trong hoàn cảnh nhiễu nhương, người dân gần như không còn biết gì đến những thay đổi thượng tầng mà chỉ mong đợi một chính quyền ít hà khắc.
Theo số liệu do Li Tana thu thập và phỏng đoán, vào đầu thế kỷ XIX, 11 đạo ở miền Bắc có tổng cộng 9,445 xã 578,400 suất đinh.[2] Cũng theo Li Tana, dân số miền Bắc ước lượng khoảng từ 5 đến 6 triệu người (tr. 171) trong khi dân số miền Nam chỉ chừng non 1 triệu (tr. 159 – 160). Những con số này dĩ nhiên không tuyệt đối chính xác nhất là ở Ðàng Trong một số đông các sắc tộc thiểu số vốn dĩ thần phục chúa Nguyễn trên danh nghĩa nhưng giữ sinh hoạt kinh tế, văn hoá riêng, sống du canh di chuyển luôn luôn nên không có con số rõ rệt. Cũng vì thế, quân đội của chúa Nguyễn có thể chỉ bằng 1/4 quân chúa Trịnh như giáo sĩCristophoro Borri miêu tả[3] nhưng quân số của Tây Sơn lại lớn hơn nhiều, ngoài lực lượng trú phòng họ thường điều động được nhiều vạn quân mỗi khi có chiến tranh.
Có thể nói, cuối thế kỷ thứ XVIII, toàn cõi Việt Nam bị một cuộc khủng hoảng chính trị nặng nề khi hình thức triều đình cũ không đáp ứng được những thay đổi vềkinh tế và kỹ thuật. Miền Bắc, trong nhiều năm bị cô lập và không thuận tiện trong việc giao thông, thương mại nên sức mạnh kinh tế đã chuyển dần xuống phương nam.[4] Chúa Nguyễn lại chỉ tập trung vào việc chống nhau với chúa Trịnh và có mưu đồ biến Ðàng Trong thành một quốc gia độc lập, không phải thần phục nhà Lê (dù chỉ trên danh nghĩa) nên tuy đưa ra một số cải cách hình thức cho khác với Ðàng Ngoài [về y phục, lễ nghi …] nhưng bản chất vẫn là một mô hình phong kiến không khác gì đối phương. Chính vì thế, nếu đưa lăng kính thời kỳ Tây Sơn lên một vị trí khác, chúng ta có thể coi như một biến chuyển tổng hợp hơn là tương tranh nội bộ của Việt Nam.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy phong trào Tây Sơn không chỉ đại diện cho người Việt mà có rất nhiều tương đồng, vay mượn của văn minh Nam Á, trong đó sức mạnh bản địa được khai thác rộng rãi hơn, từ trang bị võ khí tân tiến của Âu Châu, cách sử dụng hải quân của Ðàng Trong đến đội tượng binh của các sắc dân miền núi. Trong cơn sốt vỡ hạt đó, các lân bang cũng có những đột phá tương tự, đáng kể nhất là Xiêm La và Miến Ðiện, chưa nói đến các quốc gia hải đảo. Nhìn vào mặt tiếp nhận tiến bộ mới, một số quốc gia khác đã kịp thời thay đổi và du nhập văn minh thế giới nhưng nước ta vẫn duy trì mô hình Trung Hoa khiến cho hậu nhân chỉ nhìn thấy một cuộc tương tranh, nội chiến mà quên đi tính đột phá của thời kỳ này.
1. TRANH CHẤP TÂY SƠN – LÊ TRỊNH
1.1. Phù Lê diệt Trịnh
Khi khởi nghiệp anh em Nguyễn Nhạc có tham vọng thay thế chúa Nguyễn ở Ðàng Trong thành lập một quốc gia hoàn toàn tách biệt sánh vai với miền bắc. Nguyễn Nhạc đã đề cập đến chủ trương của ông với phái đoàn của người Anh là “muốn kiểm soát toàn bộ bán đảo bao gồm vương quốc Cambodia tới tận Xiêm La, những tỉnh thuộc Ðàng Trong cho tới tận cùng phía bắc nay đang ở trong tay của Ðàng Ngoài”.[5] Việc Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc “phù Lê diệt Trịnh” theo lời khuyên của Nguyễn Hữu Chỉnh là điều mà ông không tiên liệu được khiến vua Thái Ðức hốt hoảng vội vàng đem 500 thân binh ngày đêm rong ruổi ra Thăng Long để đích thân giải quyết vấn đề.
Khi thấy tình hình đã thay đổi, Nguyễn Nhạc trao thực quyền lại cho nhà Lê để xây dựng một quốc gia láng giềng không đe dọa, xóa đi thế thù nghịch trong quá khứ. Tính toán của ông không phải là không có lý vì thời kỳ đó hai bên ngăn cách đã mấy trăm năm, sinh hoạt, phong tục tập quán khác biệt, nhân dân không ưa đãđành mà sĩ phu cũng chẳng thần phục, việc chiếm Bắc Hà sẽ tạo nên một gánh nặng, tốt hơn hết là trả nước cho nhà Lê để rảnh tay diệt chúa Nguyễn cho hết hậu hoạn. Nhà Lê cũng tạo nên một lá chắn cho vương quốc Quảng Nam không bị cái nạn bắc xâm, góp phần vào sự ổn định của một khu vực nội chiến lâu ngày và giải quyết một số mâu thuẫn cũ vốn dĩ làm vấn đề thêm phức tạp.
Giấc mộng của Nguyễn Nhạc là làm vua một cõi, có riêng một triều đình ở Qui Nhơn mà người ngoại quốc gọi là nước Chàm, xem như hậu thân của vương quốc Chiêm Thành. Anh em Tây Sơn cũng đáp ứng đúng cái ước vọng của những người mong mỏi khôi phục lại một đế quốc đã mất nên triều đình mà Nguyễn Nhạc thành lập cũng khác hẳn vương quyền của chúa Nguyễn trước đây, theo những người Âu Châu chứng kiến và miêu tả thì là một dạng tù trưởng lớn, đứng đầu nhiều bộ lạc nhỏ.[6]
Ngay khi đến kinh đô Thăng Long, Nguyễn Nhạc vẫn xác định chủ trương xây dựng một đất Bắc độc lập, dưới quyền cai trị của nhà Lê:
Sau đó vài ngày, Văn Nhạc sai người xin với nhà vua (Chiêu Thống) cùng nhau hội kiến. Nhà vua xin cắt đất để khao quân. Văn Nhạc nói: “Tôi tức giận vềnỗi họ Trịnh uy hiếp ức chế, nên đứng ra làm việc tôn phò. Nếu đất đai không phải của nhà Lê, thì một tấc tôi cũng không để, nhưng nếu là đất đai của nhà Lê, thì một tấc tôi cũng không lấy”. Lại ước hẹn đời đời làm láng giềng, giao hiếu với nhau. Nhà vua tin là phải, xin Văn Nhạc ở lại ít lâu để giúp đỡ, Văn Nhạc giả vờ nhận lời, sai Hữu Chỉnh chọn ngày lành cử hành đủ nghi lễ bái yết Thái Miếu.[7]
Ngược lại, Nguyễn Huệ lại có tham vọng thay thế chúa Trịnh làm một thứ “tướng quốc” và ông rất bằng lòng với việc vua Lê nhận ông làm phò mã.[8] Việc khẳngđịnh rằng hai nước chỉ có tương quan ngoại giao mà không có liên hệ chính trị đã cắt đứt mọi tính toán của Nguyễn Huệ và khi hai anh em cùng về nam ắt hẳn đãxảy ra nhiều tranh chấp mãnh liệt về cả đường lối chính trị lẫn việc phân chia chiến lợi phẩm.
1.2. Bắc Nam giao ước
Vua Hiển Tông gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ có kèm theo những điều kiện gì chúng ta không biết rõ nhưng trong lá thư trần tình của Lê Duy Cẩn [ông hoàng Tư] trình lên nhà Thanh về nguyên nhân Nguyễn Huệ ra Bắc có một số chi tiết đáng chú ý:
– Vua Hiển Tông cắt đất Nghệ An trở vào cho Nguyễn Huệ để “khao thưởng công lao”, đền ơn đã đem quân ra diệt được họ Trịnh.
– Việc trả công đó cũng kèm theo việc gả công chúa cho Nguyễn Huệ.
Việc xác định cắt Nghệ An cho Tây Sơn trong tờ biểu của Lê Duy Cẩn cho thấy đây là đầu mối nẩy sinh những mâu thuẫn mà cả hai bên đều cho rằng mình bị bội ước.
Thành thử, khi Nguyễn Nhạc ra Bắc công khai nói rằng “đất của nhà Lê một tấc cũng không lấy”, ông muốn xóa bỏ những giao ước với Nguyễn Huệ trước đây. Chính vì hai bất đồng [mà Nguyễn Nhạc ép em mình phải thi hành không thể giải quyết được] 1/ giao tài sản lấy được của họ Trịnh và 2/ không nhận đất Nghệ An của nhà Lê đã đưa tới xung đột giữa hai anh em. Chỉ có những mâu thuẫn cực lớn mới đưa tới việc hai anh em một mất một còn trong một xung đột tưởng như “đồng qui ư tận”.
Ðối với Bắc Hà, Nguyễn Hữu Chỉnh, trước đây được coi như có công mượn sức người ngoài để trừ quyền thần họ Trịnh, nay bỗng thành một loại “cõng rắn cắn gà nhà”. Tình thế khiến cho ông rơi vào tình trạng bất ổn nên khi nghe tin anh em Tây Sơn không còn ở Thăng Long nữa vội hốt hoảng chạy theo. Khi đuổi kịp quân Tây Sơn, anh em Nguyễn Nhạc cho Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại Nghệ An với Nguyễn Duệ.[9] Việc này cũng cho ta thấy nếu Chỉnh có thành ý tôn phò thì cũng có thể ở lại Thăng Long trung hưng cơ nghiệp cho vua Lê, tuy không được hoàn toàn như cũ nhưng cũng cởi được cái ách vừa có vua lại có chúa. Cũng vì Chỉnh chạy theo nên Nguyễn Huệ cực chẳng đã phải thu nhận và giao cho cai quản vùng đất địa đầu mới được nhà Lê cắt cho.
Nghệ An là một vị trí chiến lược quan trọng Nguyễn Huệ vẫn định dùng để xây dựng kinh đô, coi như cơ nghiệp gốc của nhà mình. Theo những tài liệu mà giáo sư Hoàng Xuân Hãn tìm thấy, ngay từ những ngày đầu tiên Nguyễn Huệ đã liên lạc với một ẩn sĩ ở đây là Nguyễn Thiếp để mưu tính chuyện đó nhưng gặp khó khăn vì phần đông các nhà nho vẫn mong rằng một ngày nào đó khu vực Nghệ Tĩnh sẽ trở lại là lãnh thổ của nhà Lê. Tâm lý đó thể hiện phần nào trong lời lẽ của Nguyễn Thiếp trả lời Bình Vương và vẫn dùng niên hiệu Cảnh Hưng hay Chiêu Thống chứ chưa dùng niên hiệu Thái Ðức mặc dù đất Nghệ Tĩnh nay đã là của Tây Sơn.[10]Trong tình hình rối ren, dư đảng họ Trịnh lại nổi dậy nên vua Lê cho vời Nguyễn Hữu Chỉnh ra bắc để phò tá.
Về phần vua Chiêu Thống, việc giao cho Tây Sơn từ Nghệ An đổ vào là một mất mát lớn nên ông đã lấy cớ rằng Thanh Nghệ là đất tổ để sai Trần Công Xán vào Phú Xuân xin chuộc lại. Ðặt vấn đề chuộc đất cũng cho thấy vua Lê Chiêu Thống không bằng lòng với việc phải cắt Nghệ An cho Tây Sơn nhưng vì là lời hứa của tiên đế nên không có lý do để tranh chấp và đành phải thông qua thương thảo để mua lại. Cũng vì thế, Lê Duy Cẩn cũng xác định Lê Duy Kỳ đã “bội cát địa chi ước”, lại cấu kết với Nguyễn Hữu Chỉnh gây hấn ở Bắc Hà nên Nguyễn Huệ mới phải đem quân quay lại đánh dẹp.[11]
1.3. Mâu thuẫn Nguyễn Nhạc – Nguyễn Huệ
Trong thế mất còn, năm Ðinh Mùi (1787) Nguyễn Huệ phải động binh đánh Nguyễn Nhạc. Ðại Nam Liệt Truyện (DNLT) Chính Biên viết:
Nhạc đã đắc chí, ngày càng dâm ô, bạo ngược, giết Nguyễn Thung, lại thông dâm với vợ Huệ, người đều chê là xấu. Việc đi xâm lấn miền Bắc, của báu ở phủ chúa Trịnh, về cả tay Huệ, Nhạc đòi không cho. Huệ muốn lấy cả đất Quảng Nam, Nhạc cũng không cho, mới thành ra cừu thù hiềm khích nhau. Huệ bèn truyền hịch kể tội ác của Nhạc, đến nỗi bảo Nhạc là giống sài lang chó lợn. Hịch văn có câu nói rằng: “Tội không gì lớn là giết vua, sao có thể một sớm kinh (khinh) suất can không nghe thì đổi ngôi, thực quan hệ đến sự yên nguy muôn đời”.[12]
Cũng theo DNLT, Nguyễn Huệ đem quân vào vây Qui Nhơn cả mấy tháng, đắp núi đất để đặt súng lớn bắn vào thành, đạn to như cái đấu khiến Nguyễn Nhạc phải khóc mà nói với Nguyễn Huệ:
– Nồi da xáo thịt, lòng em sao nỡ thế![13]
Về việc này, nhiều giáo sĩ có mặt tại Việt Nam cũng chép, chẳng hạn như Doussin ở Thuận Hoá viết như sau:
Nhạc có hai em. Một em đã đi Kẻ Chợ mà không nói gì với anh, đã muốn làm vua phần đất nầy. Y để Nhạc trở về Quí-phủ (Quy Nhơn; Nhạc đã theo Huệ ra Thăng-long rồi cùng về Phú-xuân) là nơi y cư ngụ; rồi liền sau đó bảo toàn dân suy tôn mình làm Ðức Chúa. Nhạc được tin, không vừa ý, hăm doạ em, nhưng không những người em quyết không lui, mà còn cử một đạo quân sáu vạn, đem vào đánh Nhạc ở Quí-phủ. Nó vào đó từ ngày lễ Tro (trước lễ Phục-sinh thuộc đạo Cơ-đốc). Chúng nó đã đánh nhau hai lần. Người ta đồn rằng Ðức Chúa đã mất nửa quân rồi. Thế tỏ rằng y bị bối-rối, mà y bắt buộc ai cũng phải đi đánh … Thật là khổ! Dân bị lầm than đang mong đợi Chúa Nguyễn hơn khi nào cả. Thư-khố Bộ Truyền Giáo Hải Ngoại [Mission Étrangère Paris] 746.[14]
Sau đó anh em giảng hòa. Tranh chấp tuy chấm dứt nhưng Nguyễn Nhạc phải nhường đất Quảng Nam cho Nguyễn Huệ, chỉ còn làm chủ từ Quảng Ngãi đổ vào khiến thế lực suy yếu hẳn. Việc Nguyễn Huệ đem quân tấn công vào Qui Nhơn rồi sau đó hai anh em cầm chân nhau nên Nguyễn Nhạc không còn quan tâm tới phương nam, tạo khoảng trống cho Nguyễn Ánh từ Xiêm La về chiếm lại đất Gia Ðịnh.[15]
Ðây là giai đoạn mà nước ta chia làm bốn phần, gần như bốn nước riêng biệt, miền bắc gọi là An Nam như sắc phong của Trung Hoa (mặc dù ta vẫn tự xưng làÐại Việt), miền Trung gọi là Ðàng Trong, hay nước Chàm như người Âu Châu đặt tên, (còn nhà Thanh thì gọi là nước Quảng Nam) bao gồm một nửa của Nguyễn Nhạc, một nửa của Nguyễn Huệ, còn miền Nam có tên là Ðồng Nai hay Gia Ðịnh (một phần thuộc Tây Sơn, một phần thuộc Nguyễn Ánh).
Cũng vì tình hình căng thẳng như thế, Nguyễn Huệ không thể đích thân ra bắc giải quyết những vấn đề nội trị và tin tức về việc anh em Nguyễn Nhạc bất hòa khiến nhà Thanh tin tưởng rằng chỉ cần có cớ đem quân sang nước ta là sẽ đạt thắng lợi. Thế lưỡng đầu thọ địch của Nguyễn Huệ cũng khiến cho ông phải áp dụng chiến thuật thần tốc, bí mật, hư hư thực thực mà sau này người ta hay tô điểm cho thêm phần huyền hoặc.
2. TƯƠNG TRANH LÊ – TÂY SƠN
2.1. Tranh đoạt quyền hành
Trong suốt hai trăm năm Bắc Hà có vua lại có chúa, đa số sĩ phu dân dã chỉ biết có chúa mà không biết tới vua nên dẫu khi được trao quyền bính vào tận tay, vua Lê cũng không biết xoay trở ra sao. Một số đông quan lại trước nay chỉ biết phục tòng phủ chúa, trong cơn bối rối lại nghĩ ngay đến việc đi tìm con cháu họ Trịnhđể tôn phù.
Ðến khi con cháu họ Trịnh đánh lẫn nhau, vua Lê bị áp bức quá lại phải vời Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An ra. Nguyễn Hữu Chỉnh lúc đó cũng một mình một cõi Thanh Nghệ nhưng đang bị Tây Sơn kiềm tỏa nên manh nha tách ra để thành một lực lượng độc lập. Việc Lê Duy Kỳ vời Cống Chỉnh ra dẹp loạn vô hình chung đãđẩy Cống Chỉnh vào thế phải quay lưng với Tây Sơn và cũng khiến Lê Duy Kỳ phải dựa vào quân Thanh Nghệ của họ Nguyễn để có cơ tồn tại. Thanh thế lừng lẫy của Bằng Quận Công Nguyễn Hữu Chỉnh trở thành một mối lo cho Nguyễn Huệ khiến ông phải sai Vũ Văn Nhậm ra bắt, một hành vi coi như công khai xác định quyền bảo hộ đất Bắc.
Dưới nhãn quan của vua Chiêu Thống và nho sĩ miền Bắc, việc quân Tây Sơn tấn công ra bắc lần thứ hai là một xâm phạm chủ quyền chứ không còn là hành vi hộ giá của một ông rể họ. Trước đây khi Nguyễn Huệ ra Bắc tỏ ý tôn Lê được người Bắc Hà ví như “Tề Hoàn tôn Chu” [齊桓尊周] để thu phục chư hầu thì lần này lại bị gọi là “Thạch Lặc, Lưu Thông” [石勒劉聰] là những kẻ soán nghịch.
Khi Nguyễn Hữu Chỉnh đại bại, vua Lê bỏ chạy sang Kinh Bắc (Bắc Ninh), sai bọn Lê Quýnh đem tông thất trong đó có cả Hoàng thái hậu, Hoàng phi, Hoàng tử chạy lên Cao Bằng nương náu nơi những thổ quan còn trung thành với nhà Lê, bản thân nhà vua chạy sang Yên Thế. Một người rất thân cận với vua Lê lúc đó là Bùi Dương Lịch đã kể lại như sau:
… Ngày 25 tháng Một (năm Ðinh Mùi) [2-1-1788] vua sai Nguyễn Chỉnh đem đại quân đến chống cự ở sông Sinh Quyết.
Ngày 30 [7-1-1788], Nhậm [Vũ Văn Nhậm] sai người ban đêm lặn xuống sông lẻn vào chỗ quân thủy của Chỉnh đóng, dùng thừng chão buộc thuyền kéo về bờ nam, quân Chỉnh tan vỡ. Nhậm thắng trận liên tiếp kéo quân đến sát thành Thăng Long. Vua nghe tin báo có ý muốn về phía tây ngầm theo đường thượng lưu rút về Thanh Hoa.
Nửa đêm Chỉnh từ sông Sinh Quyết trở về, vua sai vời mấy lần, Chỉnh không vào mà ủy cho Tham tri chính sự Nguyễn Như Khuê [tiến sĩ, anh rể Chỉnh] vào tâu xin vua chạy lên phía bắc và nói: Nguyễn Cảnh Thước ở Kinh Bắc, thế lực có thể trông cậy được.
Vua nghe theo, đợi trời sáng, vua ngự ra điện Vạn Thọ, bọn thị vệ dần dần bỏ trốn, vua triệu các quan sảnh đường để xét hỏi, thì họ đã ngầm trốn đi từ trước, không còn một người nào trực cả. Bọn nội thị ai về nhà nấy thu xếp hành lý. Trong điện chỉ còn Hoàng thân thứ hai, cai quản vệ Hổ bôn Ðạt quận hầu[Lê Duy Ðạt], người vừa mới được tiến triều là Nguyễn Khải người Hương Cần, huyện Kỳ Hoa, người họ ngoại là Tích Xuyên hầu cùng hoàng giáp Bùi Dương Lịch bưng khăn đứng hầu mà thôi.
Xem như thế tình hình Thăng Long hết sức bi thảm, vua Chiêu Thống không còn có thể trông cậy vào ai được nữa.
Khi sắp đi, vua trước hết đến nhà tẩm miếu tiên đế bái khóc. Bọn thị vệ lại lén bỏ đi. Vua tôi chỉ đưa mắt nhìn nhau, không biết làm thế nào. Bùi Dương Lịchđến trước vua tâu rằng: “Nay Chỉnh dẫu thua trận rút lui, nhưng thủ hạ của Chỉnh còn nhiều, lòng người còn biết sợ Chỉnh, xin nhà vua truyền dụ đi đến nhà Chỉnh, sai Chỉnh đi theo hộ giá, chắc được, như thế có sự ràng buộc”.
Vua cho là phải …
Thế nhưng Nguyễn Hữu Chỉnh cũng không làm được gì hơn nên khi đến được Kinh Bắc thì Nguyễn Cảnh Thước lại có manh tâm phản trắc, cướp bóc, ngăn trở không cho qua sông. Khi qua được tới vùng Yên Thế, Lạng Sơn thì vì binh lực ít ỏi vua Lê phải dựa vào một nhóm thổ hào ô hợp nên cũng chẳng đến đâu.[16]
Tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Hòa đem binh đuổi đánh, bắt được Nguyễn Hữu Chỉnh đem về Thăng Long. Vua Chiêu Thống chạy thoát. Cha con Nguyễn Hữu Chỉnh, kẻ bị giết, người bị bêu đầu.
Nhiều chi tiết cho ta thấy trong tình trạng rối ren, tông thất nhà Lê cũng có nhiều phe phái, sĩ phu và quan lại cũng nghiêng qua ngả lại, không đồng nhất. Những người còn một số quyền hành tại địa phương thì dĩ nhiên chọn con đường “cần vương” mà chúng ta thấy nổi lên khắp nơi.[17] Những văn quan thì cố tìm cách trốn tránh mặc dù cũng có một số người chạy ra cộng tác với tân triều đóng vai trung gian chiêu dụ người khác nhưng không hoàn toàn thành công.
Khi nhận được tin Vũ Văn Nhậm có ý chuyên quyền, Nguyễn Huệ lập tức kéo quân từ Phú Xuân ra bắt Nhậm giết đi rồi ủy thác cho Ngô Văn Sở và các tướng lĩnh ở lại trấn thủ Thăng Long, sau đó dẫn binh quay về.
Vũ Văn Nhậm là con rể của Nguyễn Nhạc, trước đây vốn dĩ là một tì tướng thân cận của Nguyễn Huệ nhưng từ khi hai anh em bất hòa, vị thế của ông này trở nên nguy hiểm. Chúng ta không lấy làm lạ khi ông trừ được Nguyễn Hữu Chỉnh rồi, thay vì hỏi ý kiến Nguyễn Huệ để xin giải pháp, Vũ Văn Nhậm lại tự ý đưa Sùng Nhượng Công Lê Duy Cẩn (tức ông Hoàng Tư, chú của Lê Duy Kỳ) lên làm giám quốc, một hành vi “kỳ đà cản mũi” những toan tính của Nguyễn Huệ. Giết VũVăn Nhậm cũng cắt đứt những liên hệ (nếu có) sau cùng giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ.
Tuy nhiên việc Lê Duy Kỳ biến mất khiến cho Nguyễn Huệ lúng túng, dự tính tôn ông lên làm vua lại không được người Bắc Hà tán thành nên sau cùng ông đành chấp nhận giải pháp cũ, bằng lòng để Lê Duy Cẩn (hay Cận) làm giám quốc, một chức vụ có tính thay mặt vua Lê để điều hành chính sự. Mặt khác ông ra lệnh cho Ngô Văn Sở tìm cách tiêu diệt dư đảng nhà Lê, truy sát thân nhân của Lê Duy Kỳ để trừ hậu hoạn. Chính vì thế mà thái hậu và một số tông thất phải liều mạng vượt sông chạy sang Long Châu.
Nói đến các thế lực tại miền Bắc có điều kiện đối kháng với nhà Tây Sơn, chúng ta có thể nhắc đến những lực lượng phù Lê, dư đảng họ Trịnh và những thổ hào phần lớn sống tại vùng trung du sát với núi non.[18] Tại Yên Thế có Dương Ðình Tuấn, vốn dĩ là một tay “anh chị” ở Lạng Giang, nay hưởng ứng Cần Vương được phong làm Bình Khấu tướng quân. Trần Quang Châu, Trần Ðĩnh, Hoàng Xuân Tú ở Chí Linh. Trần Quang Châu được phong là Ðịnh Vũ Hầu. Ở Thanh Hoa[19] có con cháu nhà Lê là Lê Duy Trọng, Lê Duy Phác. Hoàng đệ Lê Duy Chi (em vua Chiêu Thống) thì dấy lên ở Tuyên Quang, Thái Nguyên. Ngoài ra còn vô số các nhóm nhỏ mỗi người làm chủ một cõi.
Quân Tây Sơn thì vẫn còn ở tình trạng trấn giữ, chưa hình thành một bộ máy hành chánh đến mọi địa phương. Ðại quân chỉ tập trung ở một số vị trí huyết mạch chứ không trải mỏng đến từng thôn xóm. Mặc dù Nguyễn Huệ cố tuyển mộ gấp rút một đoàn quân địa phương để bổ xung lực lượng, đa số quân trú đóng ở miền Bắc vẫn là quân đem từ miền Nam ra mà khác biệt về tiếng nói, phong tục, cách sinh hoạt chưa có thể một sớm một chiều khắc phục được.[20] Ngoài ra, chúng ta cũng phải kể đến thành phần Hoa kiều sinh sống trên đất nước Việt Nam, phần lớn là giới con buôn vào ra theo đường sông, cư ngụ dọc theo các trục lộ giao thông, tương đối nắm vững tình hình luôn luôn sẵn sàng nhũng nhiễu khi có cơ hội.
2.2. Hoàng tộc xuất bôn
Khi quân Tây Sơn truy nã Nguyễn Hữu Chỉnh, tông thất nhà Lê chạy tứ tán khắp nơi. Theo tài liệu của nhà Thanh còn trong văn khố, vào tháng Chạp năm Càn Long 52 (Ðinh Mùi), cựu thần nhà Lê là Ðịch Quận Công Hoàng Ích Hiểu (迪郡公黃益曉), Hoan Trung Hầu Phạm Ðình Quyền (懽忠侯范廷權) bảo hộ gia quyến vua Lê, nam nữ cả thảy hơn 200 người chạy lên Lạng Sơn nhưng bị thổ mục ở đó là Quyển Trâm (卷簪) toan bắt giữ nên cả bọn phải chạy đến xã Bác Sơn, huyện VõNhai nương náu. Ðốc trấn Cao Bằng là Ðồng Bình chương sự Tô Phái Hầu Nguyễn Huy Túc (阮輝宿) nghe tin vội chạy đến nghinh đón, có Trường Phái Hầu Lê Quýnh (長派侯黎囧[21]), anh vợ vua Lê[22] là Nguyễn Quốc Ðống (阮國棟) và Mai Trung Hầu Nguyễn Ðình Mai (梅忠侯阮廷枚) đi theo bảo hộ.
Sau một thời gian, đoàn người lưu vong lại bị các phiên mục ở Cao Bằng như Bế Nguyễn Trù (閉阮儔), Bế Nguyễn Sĩ (閉阮仕) cùng tướng Tây Sơn là Hoán Nghĩa Hầu Trần Danh Bính (煥義侯陳名炳) đem quân tới Bác Sơn truy nã. Nguyễn Huy Túc dẫn cả bọn bỏ chạy, ngày mồng 4 tháng Năm năm Mậu Thân [7-6-1788] thì tới được Bác Niệm (博 淰) giáp với tỉnh Quảng Tây nhà Thanh. Ở vùng này không có cửa ải nào đi qua Trung Hoa, lại bị Hoán Nghĩa Hầu dẫn 300 quânđuổi tới rất gắt.
Ngày 12 tháng Năm [15-6-1788], lúc giờ Dậu [khoảng 8 giờ tối], cả bọn bầy tôi quyến thuộc nhà Lê chạy được đến bên ngoài ải Ðẩu Áo (斗奧). Ðẩu Áo cách Long Châu 120 dặm,[23] phía đông bắc Thuỷ Khẩu quan, cạnh một khe suối làm biên giới chia cắt nước ta với Trung Hoa.[24]
Nguyễn Huy Túc khai với Tôn Sĩ Nghị rằng di thần quyến thuộc nhà Lê ở bên kia sông bị truy binh nên bọn Nguyễn Huy Túc phải cõng đám đàn bà trẻ con lội qua con rạch. Những người không qua được đều bị quân Tây Sơn giết chết. Ðám tòng vong nhà Lê sau khi qua được con suối thì lên được đỉnh núi, do thổ dân đưađường phải đi hái rễ cây, ăn quả rừng cho đỡ đói sống tạm mấy ngày. Khi tin đưa tới quan quân nhà Thanh thì thông phán Trần Tùng tới gặp.
… Bấy giò, Thái hậu với Nguyên phi, Nguyên tử đều ở Thái nguyên. Quýnh vâng mệnh đi lên Bắc để hộ vệ Thái hậu. Tháng Tư, đến Thái nguyên, thấy binh ít thế gấp, bèn đưa Thái hậu đi trấn Mục mã (nguyên lầm ra Mục dã) thuộc Cao bằng.
Tháng Năm, quân Tây sơn thình lình tới, Phiên mục Hoàng Ích Hiểu theo lời dặn của đốc đồng Nguyễn Huy Túc lấy thuyền buôn đưa Quốc mẫu (Thái hậu) thuận dòng đến cửa Thuỷ khẩu (cửa sông Bằng vào biên giới Long châu), tạm trú trên một gò nhỏ ở giữa sông thuộc thôn Bến xã Phất mê.
Ngày mồng 9 [12-6-1788], quân Tây sơn đến đông. Quýnh và Ích Hiểu chia nhau hai ngả mà ngăn chống. Ðốc đồng Nguyễn Huy Túc, Phượng thể hầu Nguyễn Quốc Ðống, Trường thu lịnh Phạm Ðình Quyền cùng nhau đưa Thái hậu qua sông, tới làng Ðẩu áo mà vào đất Thanh. Chiều tối, Quýnh và Ích Hiểu giữ gò nhỏ ở giữa sông Phất mê. Quân Tây sơn vây phía Tây nam. Quân giữ ải nội địa ngăn phía Ðông bắc. Lui tới đều hết đường, chỉ còn có thể đánh đến chết mà thôi. May tối đến, mưa gió to. Trong đêm tối, nhân chớp sáng mà lội qua sông. Bắt đầu vào đất Thanh tại làng Ðẩu áo trong núi Ðồ sơn.
Người nhà còn bảy đứa. Sáng dậy thấy Thái hậu với Nguyên phi, Nguyên tử, các tùng thần đều ở trong động núi. Lương hết. Tìm được vài bao ngô đem tiến. Còn hơn sáu mươi người đều lấy rễ tươi bổ cốt chỉ đập nát và quả trong rừng mà ăn cho đỡ đói.[25]
Trong “Tiêu Cung Tuẫn Tiết Hành” Nguyễn Huy Túc thuật về cuộc đời của hoàng phi Nguyễn Thị Kim cũng miêu tả như sau:
Tới Mục Mã vội vàng nghỉ lại,
Thuyền vua giong lên ải Phất Mê.
Ðịch nghe tin kíp đuổi kề,
Tên bay đạn lạc bốn bề rối ren.
Bè một mảng qua phen kinh hãi,
Bao hiểm nghèo rồi lại bình yên,
Vịn cây dẫm đá trèo lên,
Mưa mù lam chướng đầy trên một trời.
Dân sở tại chào mời đưa dắt,
Gập ghềnh theo lối tắt đường ngang.
Hết đường tới núi vào hang,
Giếng thơm trong suốt, nước đang dạt dào …[26]
Qua được đất Trung Hoa, thân quyến và bầy tôi nhà Lê chỉ còn 62 người, trong đó có thái hậu [mẹ Lê Duy Kỳ] là Nguyễn (thị) Ngọc Tố (阮玉素) và vương phi [vợ Lê Duy Kỳ] là Nguyễn (thị) Ngọc Ðoan (阮玉端),[27] vương tử [con Lê Duy Kỳ] là Lê Duy Thuyên (黎維詮).[28] So sánh với số lượng hơn 200 người tông thất nhà Lê chạy lên Cao Bằng ta thấy khoảng hơn 150 người đã bị giết hay mất tích.[29] Tất cả được đưa vào cho nghỉ tạm ở Long Châu. Nguyễn Huy Túc lúc đó mớiđem mọi việc của nước Nam loạn lạc thế nào, Thăng Long bị mất ra sao trình lên cho quan nhà Thanh như sau:[30]
… Nguyên ngày mồng 2 tháng Chạp [8-1-1788] năm ngoái, thổ tù đất Quảng Nam Nguyễn Nhạc là bên ngoại của nước chúng tôi, còn có tên là Văn Bình (ởđây nhầm Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc), năm ngụy Thái Ðức thứ 11, bọn chúng vốn không phải họ Nguyễn, cũng không phải họ Nguyễn phụ chính (tức chúa Nguyễn trong Nam), em của y là Nguyễn Huệ, ngụy xưng là Thượng Công, sai ngụy tiết chế là Nguyễn Nhậm (tức Vũ Văn Nhậm) đem mấy vạn quân thẳng đến kinh thành, quốc vương nước tôi lãnh binh các đạo chống giữ đánh thắng được địch mấy lần.
Tháng Ba năm nay, Nguyễn Huệ đem quân đến tiếp viện, quốc vương phải lánh nạn ở hạ lộ Sơn Nam. Bọn chúng tôi đưa vương mẫu, vương tử, vương phiđến trốn tránh ở Na Lữ, đất Cao Bằng.
Ngày mồng chín tháng Năm [12-6-1788], man binh bất ngờ đến cướp trại, truy sát rất gấp, không nơi chạy trốn, bọn chúng tôi phụng mệnh mẹ của tự tôn(tức Lê Duy Kỳ) chạy đến quí hạt. Trộm nghĩ vua Lê nước tôi nhiều đời phụng sự thiên triều, vẫn mong được thánh thiên tử chăm lo dạy dỗ. Nay gặp phải biến cố này nên cố bỏ đất mà chạy đến đây, mong được quí đài chiếu cố, trình lên thượng hiến, tâu lên mọi việc, cũng mong trời che đất chở không gì là không dung chứa, đoái hoài đến cả kẻ ở phương nam là mẹ con của quốc vương chúng tôi Lê Duy Kỳ đều được thương xót, có nơi nương tựa, sống nốt tháng ngày, đợi khi quốc vương nhờ uy đức thiên triều lại trở về được kinh đô, khi đó đón trở về nước, dương danh chí nhân thịnh đức của thiên hoàng đế thì cũng là do quí liệt đài thương xót mà ban cho.
Nay trình lên.(NDC)
Lá thư viết ngày 12 tháng Năm [15-6-1788] nhưng đến đầu tháng Sáu năm Càn Long thứ 53 tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh[31] mới nghe trình lên rằng ở phủ Thái Bình có gia quyến vua Lê nước Nam chạy sang lánh nạn. Ðề đốc Quảng Tây là Tam Ðức[32] (三德) lúc đó đang ở tại Tả Giang lo việc di chuyển quân sĩ vừa thắng trận trở về (chiến tranh dẹp loạn nhóm Thiên Ðịa Hội Lâm Sảng Văn (林爽文) ở Ðài Loan) nên ngay ngày mồng 3 [6-7-1788] đã tới ngay Long Châu để xem xét tình hình.
Long Châu là một thị trấn nhỏ ở sát biên giới, khí hậu oi bức, ma thiêng nước độc, vừa ngại gia quyến nhà Lê không hợp thuỷ thổ, lại sợ quân Tây Sơn có thể tấn công qua bắt lại nên Tam Ðức liền thương nghị với tổng binh Tả Giang là Thượng Duy Thăng, đưa cả bọn lên Nam Ninh (thủ phủ của tỉnh Quảng Tây). Tổng Ðốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị vội vàng đem tình hình tâu lên vua Càn Long, một mặt ra lệnh cho Thượng Duy Thăng đem quân đến Long Châu phòng ngự.
Thượng Duy Thăng liền phái 1000 quân đến phối hợp với quân sĩ trú đóng ở Long Châu, chia nhau canh giữ các nơi. Ngày mồng 4 tháng Sáu [7-7-1788], Tôn SĩNghị từ Triều Châu lên đường sang Long Châu để quan sát tình hình, sợ quân chưa đủ sức nên bí mật sai Tam Ðức điều thêm mấy ngàn binh sĩ sẵn sàng tiếp ứng nếu quân Nam tràn qua. Biên giới tỉnh Quảng Tây tiếp giáp với nước ta có ba cửa, từ trên xuống dưới là Thuỷ Khẩu Quan (水口), Bình Nhi Quan (平而) và Trấn Nam Quan (鎮南). Trấn Nam Quan – mà ta gọi là Nam Quan – là cửa chính, luôn luôn có trọng binh trấn giữ. Sứ thần nước ta mỗi khi sang Tàu đi theo con đường này. Hai cửa ải kia nhỏ hơn, chỉ là đường cho dân chúng hai nước qua lại. Tôn Sĩ Nghị sợ thất thố nên lại sai Tả Giang Trấn điều thêm 300 quân, chia ra mỗi cửa ải đặt thêm 100 người canh gác ngày đêm.
PHẦN II
CAN THIỆP CỦA THANH ÐÌNH
Ðem binh xuống phương nam không phải chỉ
vì cái cơ hội nhất thời mà đã nằm trong kế hoạch mở rộng biên cương của
nhà Thanh từ lâu. Vua Càn Long muốn tỏ ra mình là một vì vua dũng liệt
nên tìm đủ mọi cách để bành trướng thế lực và lãnh thổ ra mọi phía.Nhà Thanh trong hậu bán thế kỷ XVIII đã có ảnh hưởng quan trọng đối với Xiêm La khi một người Tàu gốc Quảng Ðông tên là Trịnh Chiêu (鄭昭) vì có công đánhđuổi quân Miến Ðiện nên lên làm vua (tức vua Taksin). Ông ta sai sứ sang Bắc Kinh cầu phong nhưng sứ giả chưa kịp về đến nhà thì Trịnh Chiêu đã bị một tướng lãnh của ông ta là Maha Kasatsuk lật đổ lên làm vua tức Chakri[33] hay Rama I. Chakri cũng sợ nhà Thanh truy cứu việc giết vua Taksin nên đổi tên Hán là Trịnh Hoa (鄭華), mạo xưng là con của Trịnh Chiêu để nối ngôi và được phong làm Xiêm La quốc vương. Nhà Thanh cũng nhân cơ hội này tìm cách vươn dài ảnh hưởng tới thành phần Hoa kiều ngày càng trở nên có thế lực cả kinh tế lẫn chính trị ở vùng Ðông Nam Á.[34]
Ngoài Xiêm La, nhà Thanh cũng tìm cách mở rộng ảnh hưởng xuống Miến Ðiện. Cũng như Việt Nam, Miến Ðiện luôn luôn bị áp lực trực tiếp vì có một khoảng biên giới tiếp giáp với nước Tàu. Người Miến cũng là một dân tộc quật cường, luôn luôn chống lại và có những thắng lợi rất tương cận với thắng lợi của Ðại Việt.[35]
Tới hậu bán thế kỷ XVIII, nhà Thanh lấn chiếm một số khu vực phía tây và tây nam tỉnh Vân Nam nhưng người Miến cương quyết đòi lại. Năm Ất Dậu, Càn Long 30 (1765), vua Miến Hsinbyushin bắt một số tiểu quốc người Shan triều cống nên gây chiến với một số bộ lạc mà người Trung Hoa bảo trợ. Quân Thanh thua, tổngđốc Vân Nam Lưu Tảo (劉藻) tự sát. Năm Ðinh Hợi, Càn Long 32 (1767), tổng đốc kế nhiệm là Dương Ứng Cư (楊應琚) cũng bị đánh bại khiến vua Càn Long nổi giận đem họ Dương ra xử tử rồi sai Minh Thuỵ (明瑞) đem quân sang đánh Miến Ðiện. Năm Mậu Tí, Càn Long 33 (1768), Minh Thuỵ bị vây và tử trận. A Quế, vị tướng lừng danh của Thanh triều trong các trận đánh Tân Cương, Mông Cổ đem quân sang lần thứ ba năm Kỷ Sửu, Càn Long 34 (1769) nhưng cũng bị đại bại.
Sau ba lần thua Miến Ðiện, nội bộ Thanh triều đã có những rạn nứt và bất đồng, nhiều tướng tài bị hi sinh nhất là vua Miến Hsinbyushin lại cứng đầu không chịu thần phục. Một số tướng lãnh và quân sĩ bị bắt làm tù binh không được thả và vua Càn Long đành phải chấp nhận rằng Miến Ðiện là xứ nóng không thích hợp cho kỵ binh nhà Thanh như khi chinh phục vùng Tân Cương.[36] May sao, quân Miến lúc này phải đối phó với quân Xiêm La và Lào tấn công ở phía nam nên nhà Thanh có cơ hội đàm phán cầu hoà cho đỡ mất mặt. Ðể trừng phạt, vua Càn Long hạ lệnh cấm thông thương với Miến Ðiện và hai bên chỉ trở lại bình thường năm Mậu Thân, Càn Long 53 (1788), mấy tháng trước khi họ đem quân sang nước ta.
Riêng với Ðại Việt, Thanh đình vẫn e ngại bị thất bại như những triều trước nên không muốn chủ động gây chuyện can qua. Việc nước ta chia thành hai miền Ðàng Trong và Ðàng Ngoài vô hình chung phù hợp với chủ trương không muốn có một quốc gia cường thịnh ở phương nam. Ðã nhiều lần xứ Ðàng Trong toan tách ra đi thẳng với Thanh triều thay vì phải thần phục vua Lê ở miền Bắc nhưng vì không muốn tạo ra những khó khăn mới nên nhà Thanh chưa bằng lòng. Ðến khi nhà Tây Sơn nổi lên, thế phân liệt Nam Bắc cũ đã mất, Thanh triều nhìn thấy đây là một cơ hội để can thiệp vào phương nam, rồi sẽ tuỳ theo tình hình mà khai thác. Việc thân quyến và bầy tôi nhà Lê chạy trốn sang Long Châu phù hợp với tham vọng đó.
Thoạt tiên, nhà Thanh vẫn chủ trương làm sao cho những phiên thuộc không quá mạnh, nên muốn Việt Nam chia ra thành ít nhất là hai tiểu quốc. Tôn Sĩ Nghị vì thếđã đưa ra kế hoạch chia cắt Ðại Việt thành hai phần,[37] miền Nam sẽ giao lại cho Xiêm La (khi đó đang khống chế cả Chân Lạp), và miền Bắc dành cho nhà Lê (dưới quyền bảo hộ của nhà Thanh). Tuy nhiên vua Càn Long đã bỏ kế hoạch đó vì không muốn cho Xiêm La nhúng tay vào ngại rằng sẽ làm mất thể diện thiên triều phải liên minh với một thuộc quốc.[38]
Dựa theo tin tức thu lượm được, vua Càn Long đưa ra một kế hoạch kẻ cả hơn. Ðó là giao miền Trung lại cho Chiêm Thành lấy cớ nước này đã từng triều cống xưng thần với Trung Hoa trong mấy thế kỷ mà không biết rằng vương quốc Chiêm nay không còn và những vùng đất cũ của họ nay chỉ toàn người Việt.[39] Vua Càn Long cũng chủ trương dùng người Việt đánh người Việt, quân Thanh càng ít tổn thất càng tốt. Trong một lá thư gửi Tôn Sĩ Nghị, vua Càn Long đã viết:
… Bọn chúng (tức bầy tôi nhà Lê ở Bắc Hà) khi nghe quân Thiên triều đến chinh phạt, ắt sẽ nổi lên hưởng ứng rất đông, tính chuyện diệt Nguyễn phù Lê, nếu như ta án binh bất động, bọn họ không khỏi có dạ trông chờ. Ðây là một cơ hội rất tốt, xem ra khi đó quan quân nội địa (tức quân Thanh) ở vào cái thế không thể không hành động …[40]
Chiến lược đó không phải mới mẻ gì vì cũng là đại kế hoạch mà người Mãn Châu trước đây đưa ra để làm chủ Trung Nguyên. Khi thôn tính nhà Minh, người Mãn Châu cũng nêu cao danh nghĩa giúp người Hán tái lập một vương triều trong sạch hơn triều đình thối nát hiện đang trị vì. Công lao lấy được trung nguyên cũng phần lớn nhờ vào nội phản, điển hình là các tướng lãnh nhà Minh có nhiệm vụ ngăn chặn những giống dân du mục nay trở giáo chạy theo quân Thanh.
Sau khi làm chủ Giang Bắc, họ cũng sử dụng những tướng lãnh nhà Minh đã đầu hàng để chiếm nốt miền Nam Trung Hoa, kể cả việc truy sát những ông vua cuối cùng của Minh triều đang trốn lánh trong rừng sâu núi thẳm. Họ đã được phong vương, cai trị một cách khá độc lập nhiều khu vực lớn mà sử gọi là Tam Phiên (三藩) (Three Feudatories) mấy chục năm sau mới bị tước đoạt quyền bính.[41] Với kinh nghiệm đó, người Mãn Châu muốn trước hết nhờ tay đám thần tử nhà Lê tiễu trừ Tây Sơn, sau đó sẽ phong vương cho họ theo nghĩa phiên trấn nội thuộc như bọn Ngô Tam Quế (吳三桂), Cảnh Trọng Minh (耿仲明), Thượng Khả Hỉ (尚可喜) rồi dần dần biến thành quận huyện của Tàu như chính sách thời đầu nhà Thanh. Kế hoạch đồng hoá từng bước đó đã thành công tại những quốc gia Tây Vực và họ cũng toan áp dụng ở phương nam.
1. KẾ HOẠCH CỦA NHÀ THANH
Ðể đem quân sang nước ta, ngoài việc tính toán cho chu đáo, sao cho lợi nhiều hơn hại, giảm thiểu về nhân mạng cũng như về tài chánh, nhà Thanh cần một danh nghĩa để che đậy những dã tâm của họ.[42] Do đó Tôn Sĩ Nghị cần những bằng chứng cụ thể để thuyết phục vua Càn Long cho phép động binh.
Cho đến nay, các sử gia Trung Hoa vẫn khăng khăng cho rằng việc nhà Thanh đem quân sang giúp Lê Chiêu Thống là một hành vi “nhân chí nghĩa tận” [仁至義盡] (hết sức nhân nghĩa) hoàn toàn chỉ vì mục tiêu muốn dựng lại dòng chính thống cho nhà Lê chứ không có âm mưu chiếm đóng hay tham vọng đất đai nào.
Theo lời tâu của Tôn Sĩ Nghị [孫士毅] (tổng đốc Lưỡng Quảng) và Tôn Vĩnh Thanh [孫永清] (tuần phủ Quảng Tây) thì khi vua Hiển Tông thăng hà, “hoàng tôn Lê Duy Kỳ không có quốc ấn vì khi họ Trịnh còn nắm quyền đã ăn trộm mất ấn tín để mưu việc soán đoạt. Lê Duy Kỳ có viết biểu tâu lên để xin một quả ấn khác (tức ấn An Nam quốc vương của nhà Thanh phong cho) nhưng Tôn Sĩ Nghị chưa tiếp được bản cáo ai, lại chưa được chiếu chỉ cho phép nên đã từ chối”.[43] Căn cứ vào đó, hoàng tôn Lê Duy Kỳ được coi như dòng chính thống và việc Nguyễn Huệ chiếm Thăng Long là một hành vi tiếm nghịch nên nhà Thanh phải can thiệp để lấy lại nước cho vua Lê.
Ðể thực hiện âm mưu lũng đoạn, chiến dịch đem quân can thiệp của nhà Thanh bao gồm hai giai đoạn chính:
1.1. Tái chiếm Bắc Hà để giao lại cho nhà Leâ
Ðể đem quân sang nước ta nhà Thanh nêu cao chủ trương “hưng diệt kế tuyệt, phất lợi kỳ thổ địa thần dân” (興滅繼絶,弗利其土地臣民) [hưng lên kẻ bị diệt, nối lại dòng bị đứt, không mưu lợi đất đai hay dân chúng]:
– Lê triều đã thần phục và triều cống Trung Hoa trong hơn một trăm năm qua [chỉ tính riêng nhà Thanh vì mỗi khi mệnh trời đổi coi như một nước mới]. Việc nối lại triều Lê là một hành vi thích đáng vì thiên triều có bổn phận với thuộc quốc, không thể để cho loạn thần ngang nhiên cướp ngôi một dòng họ đã được họ công nhận chính thức.
– Vua Càn Long cũng khẳng định là việc đem quân sang nước ta không phải vì có tham vọng muốn chiếm đất đai hay dân chúng. Trong nhiều văn thư, ông cũng ra lệnh đem gạo thóc từ “nội địa” sang để nuôi quân, không tơ hào tài sản của nước Nam và ra lệnh cho Tôn Sĩ Nghị ước thúc quân lính không cho quấy nhiễu.
1.2. Tiến quân đánh Thuận Hóa
Dự tính nguyên thủy của Thanh triều không chỉ lấy kinh đô Thăng Long rồi giao lại cho nhà Lê mà coi việc tái chiếm Bắc Hà mới là bước đầu. Một khi thành công, quân Thanh sẽ tiếp tục đánh xuống Thuận Hóa để “đảo huyệt cầm cừ” [đánh vào sào huyệt bắt kẻ cầm đầu] rồi tùy theo tình hình mà chia nước ta thành nhiều khu vực tự trị. Từ vị trí một ngoại phiên (tương tự như Triều Tiên, Lưu Cầu, Xiêm La …), An Nam sẽ trở thành một nội phiên như Tây Tạng, Mông Cổ, Tân Cương … tuy vẫn do những lãnh tụ bản xứ cai trị nhưng thực chất chỉ là những quan lại do triều đình bổ nhiệm.
Âm mưu đó trước khi xuất chinh còn mơ hồ – chỉ mới nằm trong những mật tấu của Tôn Sĩ Nghị – thì sau khi chiếm được Thăng Long lại trở nên khá rõ rệt. Có lẽ việc tiến quân quá dễ dàng khiến vua Càn Long và Tôn Sĩ Nghị đều tin rằng quân Thanh có thể làm hơn thế nữa. Ngay sau khi chiếm được Thăng Long, Tôn SĩNghị liền tính toán kế hoạch đóng thuyền và lập đài trạm từ Thăng Long vào Thuận Hoá để đến ra giêng tiến quân xuống phương Nam. Tuy nhiên kế hoạch đó không thực hiện được vì những khó khăn về quân đội, lương thực, nhân sự, tài chánh … nhất là e ngại một cuộc sa lầy tại phương nam giống như tại Miến Ðiện trước đây nên vua Cao Tông đã ra lệnh rút quân về.
Ngày 19 tháng Sáu năm Càn Long 53 [22-7-1788], vua Cao Tông gửi một đạo dụ cho Tôn Sĩ Nghị dịch ra như sau:[44]
Lưỡng Quảng tổng đốc Tôn Sĩ Nghị tâu lên, tiếp theo căn cứ vào lời bẩm của Tả Giang Trấn thì thân quyến tự tôn nước An Nam chạy qua nội địa nên ta đãra lệnh cho tùy nghi lo liệu, lại sai người đến ngay Long Châu, xem xét tình hình để tâu lên cho rõ ràng. Việc này trước đây khi Tôn Vĩnh Thanh tâu lên, trẫm sợ rằng viên tri phủ đó không có chủ kiến nên lập tức giáng chỉ ra lệnh cho Tôn Sĩ Nghị lập tức tra xét lo liệu.
Hiện nay viên tổng đốc kia chưa đợi dụ chỉ đã khởi trình đến trước rồi, như thế thực là biết việc nặng nhẹ, không thẹn là kẻ đại thần ở biên cương, thật đáng khen ngợi. Trong tấu triệp của Tôn Vĩnh Thanh trước đây, chưa biết tung tích của tự tôn Lê Duy Kỳ đang ở đâu, mà chạy sang đến hơn sáu chục người thì có liên hệ thế nào? Trẫm đã từng ra lệnh tra xét cho thấu đáo, rồi tâu ngay lên cho ta.
Nay cứ theo như lời tâu của Tôn Sĩ Nghị, lúc đầu cứ tưởng có cả Lê Duy Kỳ đi theo. Thế nhưng nếu ví thử Lê Duy Kỳ đích thân dẫn quyến thuộc sang nội địa thì cớ gì lại phải ra lệnh cho di quan Nguyễn Huy Túc đứng tên, còn bọn thổ tù Nguyễn Nhạc kia sau khi công phá Lê thành, thấy Lê Duy Kỳ bôn đào nên dẫn binh truy sát. Nếu cả nước đã bị họ Nguyễn chiếm mất rồi, ắt Lê Duy Kỳ mang quyến thuộc theo, tuy không quá 60 người, nhưng lẽ nào đi đường không lo liệu tính toán gì mà đến được nội địa?
Lê Duy Kỳ nếu đã đến Long Châu nên truyền dụ cho Tôn Sĩ Nghị đến đó tận mặt hỏi Lê Duy Kỳ xem việc họ Nguyễn nổi loạn ra sao, hai bên vì cớ gì gây hấn, gặp nạn chạy sang nội địa cốt lo bảo toàn tính mạng mẹ con mà phải bỏ đất cho họ Nguyễn. Y bỏ nước chạy sang đây rồi, trong nước thần tử có ai lo chuyện diệt giặc khôi phục để nghinh đón mẹ con y về hay không, xem chủ kiến y thế nào?
Nêáu như Lê Duy Kỳ cũng không biết rõ ràng thì nên hỏi bọn Nguyễn Huy Túc để cho rõ tình hình nước đó ngõ hầu theo tình hình mà trù biện. Theo ý trẫm thì vì quẫn bách mà tự tôn nước đó chạy sang nội địa, tuy trình lên không có giọng muốn xin quân cứu viện, nhưng nếu trấn mục nước đó có thể tụ tập dân binh, tảo trừ hung nghịch đón tự tôn về thì thế là tốt nhất. Còn như họ Nguyễn đã chiếm được cả địa phương ở Lê thành nhưng các nơi khác vẫn thuộc họ Lê, các trấn mục không diệt được họ Nguyễn nhưng việc đã định vẫn có thể sắp xếp cho ổn thỏa để nghinh đón tự tôn thì đất nước của nhà Lê cũng chưa đoạn tuyệt, cũng không cần phải hưng sư cho lớn chuyện làm gì.
Còn như họ Nguyễn công phá Lê thành xong chiếm hết nước An Nam, con cháu nhà Lê bị giết hại thì tự tôn nước đó không còn nước mà trở về. An Nam thần phục bản triều, rất là cung thuận, nay bị cường thần soán đoạt phải chạy sang đây nếu như ta bỏ qua không lý đến thật không phải là cái đạo tồn vong nên phải tập trung binh lực kể tội sang chinh thảo.
Trẫm nay đã định đoạt rồi, lại truyền dụ cho Tôn Sĩ Nghị, tuân theo dụ chỉ trước đây, xem két kỹ lưỡng thêm nữa, trù biện cho chín chắn, cứ theo tình thực mà nhanh chóng tâu lên ta sẽ đợi tới khi đó sẽ hạ chỉ để cho biện lý. Còn về phần thân thuộc của Lê Duy Kỳ thì nên sắp xếp cho ổn thỏa, cung cấp thêm chớ nên hẹp hòi, còn như các nơi cửa quan thì điều động một nghìn binh sĩ phân bố ra trấn đóng.
Ngặt vì binh lính không có nhiều, e rằng bọn phỉ thấy quan quân ít ỏi đâm ra coi thường thì hãy điều động thêm các nơi chung quanh hai ba nghìn lính nữa, phân bố quan ải để làm thanh viện, đề đốc Tam Ðức là người từng chinh chiến lâu năm, nên sai y đến đây thống lãnh, hợp với việc đàn áp tra xét, không cần phải lo gì nữa. Còn Tôn Sĩ Nghị sau khi nghe bẩm báo, lập tức lên đường đến ngay thật đúng như ý trẫm, hịch văn cũng thật là đắc thể, ngoài những điều trẫm đã nói cũng không có gì khác, nay thưởng thêm cho một đôi hà bao lớn, một đôi hà bao nhỏ để tưởng lệ.
Cùng ngày hôm đó, Tôn Sĩ Nghị tâu lên rằng một khi hư trương thanh thế, truyền hịch đem quân sang đánh nước Nam, ắt những người đã theo Tây Sơn sẽ nổi lên chống lại, và nhà Thanh không phải hao quân tổn tướng mà vẫn đạt được thắng lợi.[45] Vả lại, An Nam vốn chẳng phải là đất của Tây Sơn nên khi nghe tin quân Thanh sang đánh, họ sẽ rút về Quảng Nam không luyến tiếc. Mục tiêu gần của anh em Nguyễn Nhạc là thu vét tài vật thì họ đã làm xong, chiếm lĩnh đất đai chỉ là thứ yếu nên chắc chắn ra quân sẽ thành công.
Nói tóm lại, chủ trương của Thanh triều là làm sao tìm được vua Lê để tiền hô hậu ủng đưa ông về Lê thành [kinh đô Thăng Long], phong vương rồi can thiệp càng lúc càng sâu vào nội tình nước ta như một vùng nội phiên. Ðiều lợi trước mắt là vua Lê sẽ đích thân tham dự lễ Bát Tuần Khánh Thọ, vừa chúc mừng, vừa tạ ơnđúng như ước nguyện của vua Càn Long để ông có dịp phô trương với mọi người về chính sách “nhân chí nghĩa tận” đối với thuộc quốc. Cơ hội nghìn năm một thuở này sẽ bắc cầu cho tiền trình thăng quan tiến chức của Tôn Sĩ Nghị.
2. CHIÊU BÀI “HƯNG DIỆT KẾ TUYỆT”
Sau khi nhận được chỉ dụ của vua Càn Long, Tôn Sĩ Nghị xem xét tình hình mọi việc, ngày mồng 8 tháng Bảy năm Mậu Thân (Càn Long 53) [9-8-1788] tâu lên chính yếu dịch ra như sau:
Tra xét việc hai họ Lê Nguyễn thù hằn giết chóc lẫn nhau nguyên do đã từ lâu. Theo lời bọn Nguyễn Huy Túc thì Nguyễn Nhạc là một họ nhỏ đất Tây Sơn, không phải họ lớn phụ chính (tức chúa Nguyễn ở Ðàng Trong) nhưng hai bên đánh lẫn nhau cũng đã nhiều năm. Nay đất An Nam (nói về Bắc Hà) một nửa thuộc về Nguyễn Nhạc còn tự tôn vẫn làm chủ một giải Sơn Nam, đất đó có thể giữ được, quân binh có thể chiến đấu, xem ra dòng nhà Lê chưa đến nỗi tuyệt, tước mà bản triều phong cho vẫn còn.
Còn như đất đai khi rộng khi hẹp, quốc thế lúc thịnh lúc suy, ngoại phiên của thiên triều thật nhiều, thế không thể lấy thước tấc mà đo, không phải lúc nào cũng lấy binh mã lương tiền của nội địa mà bao biện cho được. Nếu Nguyễn Nhạc có bụng chiếm cả nước An Nam, không để cho tự tôn một tấc đất, một nước triều cống trong một trăm mấy chục năm qua, nay bỗng dưng bị diệt, thực có liên quan đến thể thống thiên triều, không thể không điều động quan binh phạt bạo thảo tội.
(Ở đây có lời châu phê của vua Càn Long: Trẫm phân vân chính là ở chỗ đó)
Dụ chỉ của hoàng thượng thật công bằng ngay chính, thần chỉ biết tùy thời tùy việc mà tuân theo biện lý.
Xin để cho thần tìm hiểu dư luận cho kỹ lưỡng, hỏi cặn kẽ tình hình nước man di kia, nếu như Nguyễn Nhạc có bụng gây họa, muốn chiếm cả nước An Nam thì nội địa không thể chỉ vì họ Lê trợ thế dương uy, e rằng tự tôn khó có thể giữ được nước, càng lúc càng tan rã, lúc đó Nguyễn Nhạc có cả nước An Nam, khí cục đã thành, không thể không hao phí binh lực nội địa, đến lúc đó cũng đã muộn rồi, thành thử thần xin được điều bát binh lực các nơi chung quanh, huấn luyện thao phòng, nói rõ định ngày ra quân, chia đường tiến đánh.[46]
Nguyễn Huệ cũng hay biết tin này nên sai quan trấn thủ Văn Uyên (文淵) là Hoàng Ðình Cầu (黃廷球) và Nguyễn Ðình Liễn (阮廷璉) đem lễ vật lên tiến cống, trên từ biểu ký tên là Nguyễn Quang Bình (阮光平).[47] Tuy chưa biết rõ tình hình ra sao nhưng Tôn Sĩ Nghị cũng hư trương thanh thế để dò xem phản ứng của quân Tây Sơn thế nào. Ngày mồng 1 tháng Bảy năm Càn Long 53 [2-81788], Tôn Sĩ Nghị đích thân đến Nam Quan ra lệnh cho phó tướng Vương Ðàn (王檀) hiệnđang chỉ huy hiệp Tân-Thái đứng trên cửa quan, lớn tiếng đọc bản hịch kết tội rồi ném hịch văn qua bên ngoài tường để cho quân Tây Sơn nhặt được.[48]
Trong tình hình đó, vua Càn Long ra lệnh cho Quân Cơ Xứ nghiên cứu tình hình, đến ngày mồng 5 tháng Bảy năm Càn Long 53 [6-8-1788], A Quế trình lên dịch ra như sau:[49]
… Nước An Nam kia ở nơi phương nam xa xôi nóng nực, từ khi kiến quốc tự đời Tống đến nay, họ Nguyễn, họ Lý, họ Trần, họ Lê qua mấy đời soán đoạt tranh chấp lẫn nhau. Ðời Vĩnh Lạc nhà tiền Minh, nhân vì Lê Quí Ly cướp ngôi nhà Trần nên đã ba lần sang dẹp loạn, mất đến hơn chục năm, ngặt vì dân nước đó tính tình phản phúc, nên cũng phải bỏ về nhân vì họ Trần vô hậu, khi Lê Lợi cầu phong liền sách lập trở lại.
Về sau hai họ Lê Mạc tranh giành nhiều năm, triều ta uy đức tràn đầy nên nước đó khuynh tâm thần phục, triều cồng không dứt. Nhưng họ Lê không tự phấn chấn lên được, bị cường thần chế ngự, hiệu lệnh lại không ban bố xuống được toàn cõi, nguy cơ từ đó mà ra. Nay Lê Duy Kỳ bị Nguyễn Nhạc bức bách phải bôn đào, theo lời bọn di mục Nguyễn Huy Túc thì tự tôn nay chạy về một giải Sơn Nam mưu tính chuyện khôi phục.
Nếu như lòng người còn nhớ đến triều đại cũ, Lê Duy Kỳ có thể tụ tập binh dân tiễu trừ được Nguyễn Nhạc, thu phục Lê thành, nghinh đón quyến thuộc trở về. Hoặc giả tuy Lê Duy Kỳ hiện đang trốn tránh, các di mục cũng có thể đón tự tôn mưu tính việc khôi phục, theo như thánh dụ đợi cho đến lúc mọi sự đãđịnh, lúc đó sẽ đón quyến thuộc về nước, không cần phải hưng sư làm cho lớn chuyện. Còn như tất cả nước An Nam đã bị Nguyễn Nhạc chiếm đóng rồi, đợi cho Tôn Sĩ Nghị tra xét rõ ràng tin tức của Lê Duy Kỳ, tâu lên, nặng hay nhẹ, gấp rút hay thư thả, khi đó phải làm gì ắt thánh minh sẽ có biện pháp.(NDC)
Quân Cơ Xứ là cơ quan quyền lực tối cao của nhà Thanh, chỉ sau hoàng đế, mọi việc đều do tập thể nhỏ bé này quyết định, A Quế là người đứng đầu nhưng chỉ trình lên rất chung chung, đủ biết họ không muốn can thiệp vào việc này. Trước đây, sử thường cho rằng những việc liên quan đến nước ta có thể lo lót một cá nhân mà xong việc. Thiển kiến đó xét ra không phù hợp với thực trạng đưa đến những nhận định sai lạc.
Chúng ta có thể khẳng định rằng các đại thần nhà Thanh đã không hưởng ứng việc đưa quân sang nước ta, việc động binh là do ý riêng của vua Càn Long và Tôn SĩNghị, không thông qua quyết định của Quân Cơ Xứ.
2.1. Chân dung vua Càn Long
Cho tới giữa thế kỷ thứ XVIII, người Mãn Châu đã cai trị Trung Hoa được hơn 100 năm và đã tiến vào giai đoạn đỉnh cao của triều đại sau ba đời vua Thuận Trị, Khang Hi, Ung Chính. Năm Bính Thìn (1736) Thái Tử Hoằng Lịch 25 tuổi lên ngôi, niên hiệu Càn Long, là hoàng đế trị vì lâu hơn cả trong lịch sử nước Tàu và cũng là thời kỳ mà uy vũ của nhà Thanh lên đến tột đỉnh. Trong suốt thời gian tại vị, vua Càn Long đã tập trung vào việc mở rộng biên cương, có thể nói là muốn bành trướng sức mạnh ra tất các quốc gia chung quanh. Như trên đã nói, vua Càn Long tự đặt cho mình cái danh hiệu Thập Toàn Lão Nhân mà các sử gia Âu Mỹđã dịch là “Old Man of the Ten Completed Great Campaigns”. Trong 45 năm từ 1747 đến 1792, nhà Thanh đã chủ động mười cuộc chiến tranh với lân bang. Mười chiến tích đó bao gồm hai lần bình định Kim Xuyên (Chin-ch’uan) là giống người ở thượng du phía Tây Tứ Xuyên (nay là người Tây Tạng) trong những năm 1771 và 1776, hai lần bình định Chuẩn Cát Nhĩ (Dzungharia) và một lần chinh phục Hồi Hồi (Turkic Muslim tức Uighurs) vào khoảng từ 1755 đến 1759, một lần chinh phạt Miến Ðiện (1765-1769), một lần dẹp loạn Ðài Loan (1787-1788), một lần “vỗ yên” (thảo hàng) An Nam (1788-1789), hai lần viễn chinh Khuếch NhĩKhách (Gurkhas of Nepal) (1790-1792).
Những lần động binh đó khi to khi nhỏ, với nhiều mục tiêu và dụng ý khác nhau, khi thì mang tính chất xâm lăng, khi thì tự vệ, có khi là dẹp loạn mà cũng có khi thất bại nhưng lại cho rằng đó là một thắng lợi ngoại giao. Sử nhà Thanh còn ghi chép khoảng 1500 bài thơ văn của chính vua Càn Long tự ca công tụng đức, nhiều bài được khắc vào bia đá đặt ở các đền đài rải rác khắp Trung Hoa. Ngoài ra nhà vua cũng ngự bút trên những tranh vẽ, kể cả tranh do các họa sĩ Tây Phươngđang lưu dụng tại triều.
Ðể tỏ ra mình là một minh quân, một hiếu tử, một nho sĩ tài hoa, một tướng lãnh hùng tài đại lược vua Càn Long bắt chước các bậc tiên hiền, dùng văn trị và chấn hưng học thuật. Thời gian đầu tại vị, ông cũng làm được một số công trình to tát nhưng càng về sau càng tỏ ra suy bại.
Trong thời gian trị vì, ông tuần thú phương nam tới Giang Tô và Triết Giang sáu lần, đi về phương đông tới tỉnh Sơn Ðông năm lần, về phương đông bắc tới Thịnh Kinh của Mãn Châu ba lần, đi về phương tây tới Ngũ Ðài Sơn sáu lần và tới Hà Nam một lần. Ông thường nghỉ hè tại Nhiệt Hà, đi săn hàng năm ở Mộc Lan vào tháng Tám âm lịch và đi chơi các vùng lân cận Thiên Tân, thăm các lăng tẩm ở phía đông nhiều đến nỗi không sách vở nào chép hết. Tháp tùng Hoàng Ðế luôn luôn có Hoàng Thái Hậu, Hoàng Hậu, hàng ngàn kẻ hầu người hạ và cận vệ. Mỗi chuyến đi kéo dài ít nhất vài tháng. Hơn nữa, mỗi lần nghỉ hè ở Nhiệt Hà kéo dài cũng trên hai tháng. Các quan chức địa phương lại cố gắng tột cùng để chiều lòng Kim Thượng, tiêu pha rất xa xỉ. Các chi phí đó lẽ dĩnhiên đổ lên đầu dân chúng khiến cho họ càng thêm khổ cực.[50]
Luôn luôn nghĩ mình là một bậc thánh quân, vua Càn Long đã nổi giận và trừng trị nặng nề những “quan lại đã cố gắng khuyên vua ngưng các chuyến tuần du tốn kém đó vì gánh nặng tài chánh đổ trên đầu dân địa phương”.
Chuyện thứ hai là việc ngăn ngừa lũ lụt luôn luôn là một công tác quan trọng mà chính quyền nào cũng phải thực hiện. Tuy nhiên hộ đê lại là dịp cho quan lại ăn tiền:
… Chính vì thế, dù quốc gia có tiêu bao nhiêu tiền vào việc đê điều và ngăn ngừa lụt lội thì cũng chẳng đi đến đâu mà chỉ làm giàu cho những kẻ có chức quyền. Về sau lụt lội trở nên thường xuyên hơn, gây thiệt hại về nhân mạng và tài sản. Theo con số của Vương Ðồng Linh, thời vua Càn Long trị vì, trong 45 năm sông Hoàng Hà vỡ đê 20 lần tại Hà Nam và Giang Tô, đổ đồng hai năm là một năm lụt. Sau khi vua Càn Long băng hà, trong 22 năm có 17 lần lụt lội tại các sông khác. Triều đình phải bỏ ra nhiều triệu lượng bạc để tu bổ đê đập khiến cho các quan lại có dịp phát tài. Nông dân vùng lụt một cổ hai tròng, trong khi nhà tan người mất lại còn phải gánh vác việc hộ đê.[51]
Các sử gia cho rằng giai đoạn này tuy văn minh Hoa Hạ lên đến cực điểm nhưng cũng là thời kỳ khởi đầu của suy tàn, vì triều đình dồn hết tiền bạc tài vật vào những chi tiêu xa xỉ của cung đình.
Buổi tiệc khánh thọ hoàng đế (emperor’s birthday) kéo dài vài thời kỳ, mỗi giai đoạn 10 ngày và tiêu một khoản tiền lớn. Chẳng hạn, những cảnh trí nhân tạo dựng lên dọc theo con đường từ Viên Minh Viên đến Tử Cấm Thành để chúc mừng vua Càn Long 80 tuổi tiêu tốn hơn 1,100,000 lượng bạc.[52]
Khi vua Ung Chính băng hà, trong kho nhà Thanh còn 24 triệu lượng bạc. Những năm phú túc của giai đoạn đầu đời Càn Long khiến cho đến 1786 quốc khố có đến 50 triệu lượng. Nhà vua cho xây Viên Minh Viên, một khu nghỉ mát tráng lệ vào bậc nhất ở phía tây Bắc Kinh. Thêm vào đó, mặc dầu dân tình đói kém vua Càn Long vẫn dùng đến 200 triệu lượng bạc vào kinh phí binh bị cho những cuộc “chinh phạt”, khiến quốc khố trở nên trống rỗng.[53] Tới cuối đời Càn Long, dân số Trung Hoa tăng vọt khiến học giả Hồng Lượng Cát (Hung Liang-chi 1746-1809) — mà sau này được mệnh danh là “Chinese Malthus” — đã phải báo động về mứcđộ tiêu thụ và xa xỉ của thế hệ ông sẽ gây họa cho con cháu.[54] Năm Canh Tuất (1790) là năm vua Càn Long ăn mừng Bát Tuần Khánh Thọ, cũng là năm cung điện mùa hè thứ 72 của ông hoàn tất.
Vào thời đó, quan lại và tướng lãnh càng ngày càng sa đọa, tiêu rất nhiều mà kết quả chẳng bao nhiêu. Cả một triều đình xa xỉ, thối nát từ trên xuống dưới một phần cũng bởi đại học sĩ Hòa Khôn[55] (Ho Shen 和珅 1750-1799) nhũng lạm nhiều hơn cả. Hoà Khôn vốn chỉ là một người lính thuộc Hồng Kỳ binh gác cửa cung điện. Một hôm, vua Càn Long ngự giá trông thấy dáng dấp bảnh bao của gã, lập tức cảm thấy yêu mến và đem lòng sủng ái. Khi đó vua Càn Long đã 65 tuổi, còn Hoà Khôn chỉ mới 25.[56] Hoà Khôn được cất nhắc lên những chức vụ cao và chẳng mấy chốc đã lên tới Phó Ðô Thống, rồi Thị Lang, đến năm 1786 lên đến Ðại Học Sĩ.[57]
Dưới quyền Hoà Khôn, hối lộ trở nên thông dụng trong đám quan lại, không ai còn trọng đạo đức, các chức vụ trong quan trường đều có thể bỏ tiền mua. Kẻ nào biết luồn cúi, nịnh bợ chiều lòng Hoà Khôn thì muốn làm gì thì làm và có thể ăn hối lộ giàu có trong một sớm một chiều.[58]
Kể từ đó y kéo bè kết đảng, cha được phối hưởng Thái Miếu, con làm phò mã lấy một công chúa vua Càn Long cực kỳ sủng ái, em trai cũng làm đến nhất phẩm triều đình. Năm 1795, vua Càn Long thoái vị lên làm Thái Thượng Hoàng, thái tử Gia Thân Vương lên nối ngôi, năm sau tức vị niên hiệu Gia Khánh (1796-1820) nhưng quyền hành vẫn nằm trong tay vua cha và đảng Hoà Khôn. Ngày 7 tháng 2 năm 1799, vua Càn Long từ trần. Năm ngày sau, Hoà Khôn bị bắt và bị tịch biên, riêng động sản đã lên đến 80 triệu lượng bạc – nhiều hơn cả quốc khố nhà Thanh lúc đó – còn tổng cộng gia tài của y thì trị giá khoảng 1.5 tỉ dollars theo thời giá ngày nay[59] bao gồm khoảng 120,000 mẫu ruộng, 84,000 lượng vàng, 55,000 thoi bạc, 1,000,000 lượng bạc và và vô số các báu vật khác chứa trong kho trị giá 9,000,000 lượng nữa chưa kể hơn 100 quán đổi tiền và cầm đồ. Ngoài ra y còn tích trữ 600 cân sâm loại tốt.[60]
Năm 1793, Lord George Macartney đại diện Anh hoàng George III sang triều kiến vua Càn Long để xin thông thương và mở một lãnh sự quán ở Bắc Kinh. NgườiÂu Châu cho rằng Macartney đã không chịu khấu đầu[61] nên vua Càn Long từ khước những yêu cầu của phái đoàn Âu Châu.[62] Sự thất bại của sứ bộ ngoại giao lịch sử này cho ta thấy hai thái độ, hai đường lối ngược chiều của Ðông và Tây. Triều đình nhà Thanh không quan tâm gì đến những tiến bộ kỹ thuật của Âu Châu lại chỉ muốn khoe khoang sự hào nhoáng và giàu có của mình, coi phái đoàn Anh như một bọn mọi rợ đem đồ tiến cống.
Macartney đã so sánh dân tộc Trung Hoa như một “chiếc tàu chiến cũ kỹ, khật khùng còn giữ được nổi lềnh bềnh nhờ có những thủy thủ và sĩ quan ưu tú” (an old, crazy, first-rate man-of-war, which a fortunate succession of able and vigilant officers has contrived to keep afloat) nhưng rồi đây khi những nhân tài đó mấtđi thì “con tàu sẽ dập dềnh vô định cho tới khi vỡ tan tành dạt vào bờ” (with lesser men and the helm, slowly drift until dashed to pieces on the shore).[63]
Nếu chỉ nhìn vào bề ngoài qua những di sản văn hóa đời Thanh, chúng ta không khỏi ngưỡng phục sự huy hoàng của họ. Tuy nhiên về phương diện thực lực, Trung Hoa đã trở thành một quốc gia bạc nhược và hèn yếu. Nguyễn Huệ đã chứng tỏ rằng Thanh triều không cường thịnh như người ta lầm tưởng.
2.2. Chân dung Tôn Sĩ Nghị
Hình ảnh mà sử nước ta miêu tả Tôn Sĩ Nghị không giống như ghi nhận của Trung Hoa. Người mình thường hình dung họ Tôn như một viên tướng Tàu bụng phệ, ham ăn, hiếu sắc, điều binh một cách ngu xuẩn khinh địch. Việc họ Tôn đại bại là một sự thật lịch sử nhưng nguyên nhân chủ quan chỉ mới là một phần. Những nguyên nhân khách quan khác như địa thế, thời tiết, cách bố phòng và tấn công, ưu và khuyết điểm của hai bên trong tổ chức, tiếp vận còn nhiều điều phải nghiên cứu, mỗi yếu tố đều dự phần vào sự thắng bại.
Theo Thanh Sử Cảo, Tôn Sĩ Nghị (tự là Trí Trị 智治, hiệu là Bổ Sơn 補山) người Hàng Châu sinh năm Canh Tí (1720), đỗ tiến sĩ năm Tân Tị, Càn Long 26 (1761) khi đó đã ngoài 40. Khi vua Càn Long du Giang Nam lần thứ ba, Tôn Sĩ Nghị dự một kỳ khảo thí đỗ đầu được vua khen triệu vào làm Nội Các Trung Thư, rồi thăng Quân Cơ Chương Kinh, làm việc với Ðại Học Sĩ Phó Hằng (傅恆). Năm Mậu Tí, Càn Long 33 (1768), Tôn Sĩ Nghị theo Phó Hằng chinh thảo MiếnÐiện (1769) lập được nhiều công trạng nên được thăng lên Hộ Bộ Lang Trung, rồi Ðại Lý Tự Thiếu Khanh, tuần phủ Vân Nam.
Năm Canh Tí (1780) Vân Quí tổng đốc Lý Thị Nghiêu bị cách chức, Tôn Sĩ Nghị cũng bị sung vào quân đi đánh Y Lê, nhưng được xá tội và trở về làm biên tu Hàn Lâm Viện. Sau vì điều tra tổng đốc Lưỡng Quảng là Furgun (Phú Lặc Hồn 富勒渾) tham nhũng được triều đình khen ngợi nên Tôn Sĩ Nghị được thăng Tổngđốc Lưỡng Quảng (1786). Thời gian sau đó, ông đối phó nhanh nhẹn đàn áp được những vụ nổi dậy ở Ðài Loan (1786-7) và luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng tiếp liệu, quân dụng nên được thăng lên Văn Uyên Các Ðại Học Sĩ, tam đẳng nam tước, lại được ban mũ với lông công hai mắt (song nhãn hoa linh – 雙眼花翎) dành cho các tôn thất cấp bậc thấp hay giới quí tộc Mãn Châu.
Ðây là một vinh dự đặc biệt cho một người gốc Hán tộc như họ Tôn. Tâm sự Tôn Sĩ Nghị cũng giống như tâm sự nhà nho nước ta là Nguyễn Công Trứ luôn luôn muốn “có danh gì với núi sông”. Ở vào tuổi gần “cổ lai hi”, họ Tôn mong mỏi một công nghiệp rực rỡ và biến loạn ở nước Nam chính là một cơ hội nghìn năm một thuở. Trương Bửu Lâm đã có nhận xét khá chí lý như sau:
Tôn Sĩ Nghị thiếu hẳn một chiến tích trong hoạn lộ. Ông ta chắc cũng tự so sánh mình với tổng đốc Mân Triết kế bên là Phúc Khang An, vốn cũng là một văn quan, nhưng nay nổi tiếng về võ nghiệp. Ðến khi cuộc chinh phạt Ðài Loan năm 1787 thì Tôn Sĩ Nghị lại càng bồn chồn. Thành thử trong nhiệm vụ tổng đốc Lưỡng Quảng, họ Tôn cũng chuẩn bị một chiến dịch quân sự, dù rằng chưa được lệnh làm việc đó. Ngờ đâu khi cuộc chiến bình định Ðài Loan nổ ra, Phúc Khang An lại được chỉ định làm nguyên soái.[64]
Cuối năm Mậu Thân (1788), Tôn Sĩ Nghị đem quân sang nước ta, vào thành Thăng Long được vua Càn Long đặc biệt thăng lên Mưu Dũng Công (謀勇公) ngay tại mặt trận. Thế nhưng chưa đầy một tháng đã bị đại bại chạy về nên bị cách chức, triệu về Bắc Kinh làm việc trong Quân Cơ Xứ rồi cuối năm ra làm tổng đốc Tứ Xuyên. Năm Canh Tuất (1790) lại sang làm tổng đốc Lưỡng Giang (Giang Nam – Giang Tây). Sau đó Tôn lại cùng với Phúc Khang An đem quân sang đánh MiếnÐiện (1792), lập nhiều công trạng và nổi tiếng về tính toán quân nhu, tiếp liệu và được về làm một trong vài các thần của Quân Cơ Xứ. Từ 1795 đến 1796, ông lại trở về làm tổng đốc Tứ Xuyên, thời kỳ mà người Miêu đang nổi lên ở Quí Châu, Hồ Nam cùng một lúc với các giáo phái ở Tứ Xuyên, Hồ Bắc.
Cứ như sử chép, họ Tôn không phải là một nhà cai trị kém và những tài liệu còn ghi lại chứng tỏ việc đem quân sang An Nam được chuẩn bị khá chu đáo. Việc thua trận một phần lỗi là ở chính vua Càn Long và cũng vì thế Tôn Sĩ Nghị chỉ bị trách phạt rất nhẹ, sau đó lại thăng tiến rất nhanh. Tôn Sĩ Nghị, Phúc Khang An và Minh Lượng là ba danh sĩ cuối đời Càn Long, tiểu sử chép chung trong một quyển. Tôn Sĩ Nghị là người nổi tiếng về văn tài, cùng với Kỷ Hiểu Lam (紀曉嵐) và Lục Tích Hùng (陸錫熊) là ba người được chỉ định trông coi biên tập bộ Tứ Khố Toàn Thư. Ông tính thích sưu tầm các loại đá lạ không kém gì Mễ Phế đời Tống.[65] Tôn Sĩ Nghị từ trần vào tháng 5 năm 1796 sau khi dẹp xong loạn người Miêu và Bạch Liên Giáo.
Sự tương đồng trong tham vọng của vua Cao Tông muốn đủ 10 võ công oanh liệt và mong mỏi của Tôn Sĩ Nghị được thăng quan tiến chức chính là nguyên nhân trực tiếp của lần động binh này.
PHẦN III
CHUẨN BỊ TIỀN CHIẾN DỊCH
1. CHUẨN BỊ1.1. Ðiều động của Thanh triều
1.1.1. Hăm dọa động binh
Trước khi xuất quân, vua Cao Tông sai tổng đốc Vân Nam – Quí Châu theo đường Mông Tự hư trương thanh thế, lại muốn đánh đòn tâm lý nên tung ra một tờ hịch giả vờ để cho Nguyễn Huệ một sinh lộ cốt cho lực lượng Nam binh ngã lòng, dịch ra như sau:
… Bản bộ đường tổng đốc các tỉnh Vân Nam – Quí Châu cùng với tổng đốc Quảng Ðông – Quảng Tây họ Tôn đều trông coi hai tỉnh, cùng phụng thánh chỉ đem quân tiễu trừ bọn giặc. Nghĩ đến tổ tiên trấn mục các ngươi từ trước đến nay vẫn là bầy tôi họ Lê, nay đến cháu con lại không biết cùng đứng lên, đồng tâm hiệp lực, vì tự tôn ngoài chống xâm lấn, trong sửa sang chính sự, lại đem lòng phản chủ, theo kẻ thù, cam tâm làm điều tà vạy, đến nỗi Nguyễn tặc đuổi chủ làm loạn luân thường, tàn hại dân chúng, sưu cao thuế nặng, làm điều trái nghĩa. Một khi đại quân tập hợp cùng tiễu trừ, bọn chúng lập tức bị tiêu diệt, còn những kẻ hùa theo đảng giặc, ắt sẽ bị (dân) nổi lên chém giết. Chính vì thế, nay ta truyền hịch cho các trấn mục các ngươi hãy nghĩ đến đại nghĩa, cùng nhau ra sức một lòng, chiêu tập binh dân, quét sạch nghịch tặc, nghênh đón chủ cũ, không những được tiếng trung với quốc gia, mà cũng còn được đại hoàng đế ân thưởng.
Còn như muối mặt mà chạy theo giặc, quay sang cho Nguyễn tặc dùng, chiếm giữ một vùng, thì bọn trấn mục các ngươi quả là vô nhân tâm, không biết gì đến thiên lý. Ðại binh tiến lên tiễu trừ, nhanh như sấm chớp, ắt những kẻ đi theo giặc sẽ bị tru diệt trước hết. Hiện nay bản bộ đường đang tập hợp mấy vạn binh mã Vân Nam – Quí Châu, cùng tổng đốc bộ đường họ Tôn của Lưỡng Quảng định kỳ tiến phát. Ðợi khi Lưỡng Quảng Tôn tổng đốc cho biết ngày giờ tiến quân rồi, bản bộ đường sẽ tức tốc đốc thúc quan binh hai mặt cùng đánh vào, các ngươi mỗi đứa chiếm cứ một vùng nhỏ bằng viên đạn, liệu chống đỡ được bao lâu, thiên binh tới nơi, ắt thành tro bụi. Còn như trấn mục các ngươi biết tỉnh ngộ mà theo đường thuận, danh tiết cũng vẹn toàn, còn như chấp mê theo đường nghịch thì thân mình, gia quyến không bảo vệ được, hoạ phúc đã rõ ràng, hãy tự chọn lấy, ấy là tình thực bảo cho biết điều thay cũ đổi mới, chẳng phải là ta xui các ngươi làm điều phản phúc.
Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ các ngươi vốn là bầy tôi họ Lê, nay dám làm điều phản loạn, đem quân đuổi chủ, dân trong nước không ai là không phẫn hận, hiện nay Tôn tổng đốc đích thân dẫn đại binh tiễu trừ, lại có trấn mục Lạng Sơn là Phan Khải Ðức cùng nhân mã bảy châu, thêm xưởng dân châu Văn Uyên là Hoàng Liêu Ðạt, xã mục châu Thất Tuyền là Nguyễn Trọng Khoa tất cả kéo nhau đi trước. Binh mã Lưỡng Quảng uy phong cường tráng, liệu bọn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ yêu ma tiểu xú các ngươi, dám giơ cái càng bọ ngựa chống trả, một khi bắt được rồi ắt sẽ lập tức tru diệt, còn như trốn chạy vào nơi núi rừng, thì dân trong nước cũng sẽ bắt lấy đem hiến cho vua Lê, quốc vương các ngươi trước bị đuổi đi, lẽ nào bây giờ lại dung thứ?
Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đường Quảng Tây đã không còn cách nào chạy, tội thật do chính các ngươi gây ra. Nếu như sớm hối lỗi đổi mới, cải tà qui chính, mang thân đến biên cảnh Vân Nam, bản bộ đường âu cũng thay mặt tâu lên đại hoàng đế gia ân đặc biệt, tha cho khỏi chết, cũng như trước đây An Nam di mục các ngươi là Hoàng Công Toản vì đắc tội với Lê vương mà chạy qua, cũng được đại hoàng đế gia ân cho sinh sống nơi nội địa, cho đến nay bảo toàn được bao nhiêu tính mạng.
Nếu như Nguyễn Nhạc biết tức tốc quay đầu, bản bộ đường sẽ tâu lên đại hoàng đế mở cho một đường, tìm cách chiếu liệu. Bản bộ đường ngưỡng vọng đức hiếu sinh của đại hoàng đế như trời nên đặc biệt chỉ đường mê cho ngươi, tìm một sinh lộ mới, hoạ phúc hay không chỉ trong khoảnh khắc, chớ nên chần chờ, hãy vâng theo lời dụ này.[66]
Người em thứ ba của Lê Duy Kỳ là Lê Duy Chỉ khi nghe tin quân Thanh dự định qua đánh cũng sai Nguyễn Thời Kiệt (阮時傑) sang Trung Hoa trình lên Tôn Sĩ Nghị một tờ bẩm như sau:
Em thứ ba tự tôn của quốc vương nước An Nam là Lan Quận Công Lê Duy Chỉ rập đầu quì trước tổng đốc đại nhân tâu lên rằng:
Anh của Chỉ này vì đức bạc nên tai vạ xảy ra, nghịch tặc nổi lên khiến hoạ đến quốc gia, tông miếu xã tắc gần như sụp đổ. Vào tháng Một năm ngoái (Ðinh Mùi), quân giặc họ Nguyễn tiến vào Lê thành, anh của Chỉ là Duy Kỳ bỏ chạy, Chỉ này còn non trẻ không biết gì, cũng hoảng hốt tránh loạn, may nhờ được các bầy tôi bảo hộ, mẹ của Chỉ và quyến thuộc tị nạn Thái Nguyên.
Ngờ đâu nghịch tặc Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ không nghĩ gì đến ơn của ông Chỉ (tức vua Hiển Tông), quay giáo giết chóc, đuổi theo mẹ Chỉ và quyến thuộc tới tận ngoài ải Ðẩu Áo, toan bề giết sạch cả nhà. Trong cơn nguy cấp, may nhờ đại ân thiên triều, tế nạn phù nguy, cứu mẹ Chỉ và quyến thuộc hơn sáu mươi nhân mạng về Long Châu bên kia ải, cho cơm ăn áo mặc, lại được chế hiến đại nhân tâu lên hoàng đế đưa về Nam Ninh, sống yên ổn no đủ, trên dưới ai ai cũngđược hưởng ơn mưa móc.
(Hoàng đế) lại nghĩ đến ông cha Chỉ này trước nay thờ phụng thiên triều, không nỡ để cho họ Lê tuyệt diệt, nên điều mấy chục vạn quân đóng ở ba cửa ải, giúp cho anh của Chỉ toan tính việc khôi phục, trước tung ra hịch văn cho mọi người rõ, để cho giặc vỡ mật. Chỉ nay đang tị nạn ở Ba Bồng, nghe được chuyện đó, xúc động đến rơi nước mắt.
Nghĩ đến nước non tổ tông Chỉ này đều do thiên triều ban cho, hơn trăm năm nay được hoà bình cũng là nhờ ơn che chở ấy cả. Nay nhân nghịch khấu tràn vào trong nước, lại chịu ơn cứu thoát ra khỏi nơi nước lửa, khiến cho mẹ con anh em Chỉ này đang nguy trở lại an, đang mất mà lại còn, tất cả đều do hồng ân tái tạo của đại hoàng đế vậy.
Chỉ này hèn mọn quê mùa, lang thang không nhà, chẳng biết làm sao đệ đạt lên thiên triều, chỉ mong đại nhân đem tấc lòng cảm kích của mẹ con, anh em Chỉ tâu lên thiên đình, để tỏ tấm lòng báo chủ của thân chó ngựa.
Ngày 26 tháng Năm năm nay [29-6-1788], Chỉ ở xưởng Ba Bồng bị Nguyễn khấu sai thích khách chém mấy nhát, may nhờ xưởng dân cứu hộ, giết được thích khách. Ðến nay các vết thương cũng đã lành, đang tập hợp nghĩa dân, hiệu triệu hương dũng để toan tính việc khôi phục Lê thành, ai nấy hăng hái hớn hở. Nếu anh của Chỉ lấy lại được nước, cốt nhục đoàn viên, đời đời cháu con, sống thì rập đầu, chết nguyện kết cỏ.
Duy Chỉ hoảng hốt run rẩy, lập cập tâu lên.
Càn Long năm thứ năm mươi ba, ngày 20 tháng Chín [18-10-1788].[67]
Nguyễn Thời Kiệt (阮時傑) trình bày với quan quân nhà Thanh rằng nước Nam mấy năm qua bị hạn hán, từ mùa thu năm nay lại mưa dầm, đường đi nhiều nơi bị ngập nước. Từ Lạng Sơn xuống đến Thăng Long phải qua bốn con sông lớn, nước chảy xiết, binh mã khó đi, phải chờ cho đến sau tháng Mười trời tạnh ráo hãy xuất quân mới thuận tiện. Trong cái thế chủ quan sẵn có tin chắc rằng việc thôn tính nước ta thật dễ, Tôn Sĩ Nghị lập tức tính chuyện chiến thắng nên tâu lên:
… Nghe rằng nước Xiêm La đường biển ngay sát Quảng Nam (tức miền Nam nước ta khi đó nhà Thanh gọi là nước Quảng Nam), đã từng cùng Nguyễn tặc hai bên chém giết nhau, chẳng biết có đúng hay không. Theo hạ kiến của thần, Trịnh Vương[68] nước Xiêm La thần phục thiên triều, cực kỳ cung thuận, lại là nước mới thành lập, binh lực hẳn là sung túc, việc gì mình phải tốn phí tiền bạc lương thực thu hồi Quảng Nam cho họ Lê làm gì, để gây ra cái vạ về sau. Vậy xin bệ hạ chỉ dụ cho quốc vương Xiêm La, nhân lúc thiên binh tiễu trừ khiến Nguyễn tặc không thể nào quay lại chống đỡ được, ra lệnh cho y đem binh chiếm Quảng Nam rồi đem đất đó giao luôn cho Xiêm La để cho họ thu thuế má, ắt nước đó sẽ từ nay ngoan ngoãn phục tòng ta.[69]
Thoạt đầu vua Càn Long thấy kế đó có thể thực hiện được nhưng sau đó suy nghĩ lại, thấy không ổn[70] liền ra lệnh cho Tôn Sĩ Nghị nhờ Xiêm giăng lưới bắt giữ Nguyễn Huệ nếu như ông bỏ chạy, họ Tôn bèn gửi một văn thư cho vua Xiêm như sau:
Lưỡng Quảng tổng đốc kiêm Quảng Ðông tuần phủ toàn hạt vì hịch mà biết được việc rằng quí quốc vương ở một góc biển, vẫn thường ngưỡng mộ điều nghĩa, nên được đại hoàng đế đãi ngộ hậu hĩ, đặc biệt sách phong nên mới có thể cai trị, vỗ về nhân dân ở nơi đó, mãi mãi được vui vẻ lợi lộc, nên quí quốc vương cực kỳ cảm kích, không biết bao nhiêu cho hết.
Gần đây nhân nước An Nam có nghịch thần là Nguyễn Huệ, đuổi chúa, chiếm lấy đất đai nên thân tộc họ Lê đã đầu phục qua Trung Quốc. Vì thế bản đôác bộđường theo lệnh chỉ đích thân thống lãnh đại binh đến hỏi tội, chẳng khác gì sấm ran gió cuốn, thế như chẻ tre, Nguyễn tặc ắt sẽ bị bắt trong nay mai.
Ta cũng biết rằng tên giặc Nguyễn hùng cứ nơi đất Quảng Nam, vốn đường biển ngay sát với Xiêm La, chạy trốn rất dễ, Nguyễn tặc cũng hẳn biết rằng tội ác khó dung, gặp lúc cùng đường ắt sẽ bỏ chạy để mong lấy chút hơi tàn.
Quí quốc vốn thờ phụng thiên triều, chịu ơn thật nặng, theo lẽ thì phải hết sức ra công, nên vì thế phải phái binh ra, đến duyên hải Quảng Nam để hỗ trợ phòng khi bọn chúng đào tẩu. Nếu như tên giặc Nguyễn đi theo đường biển chạy sang Xiêm La, quí quốc vương hãy tìm cách bắt lấy y, dùng chính pháp mà xử tử như thế thì công lao không biết là nhường nào. Vả lại quí quốc cùng Nguyễn tặc đã đánh qua đánh lại, nay Nguyễn tặc tự tìm chỗ diệt vong mà phải chạy thoát thì quốc vương nếu bắt được tên giặc cùng đường này cũng để rửa được mối hờn, lại cũng là cách thiên triều vỗ về ngoại phiên luôn thể. Nước An Nam có nghịch thần thì cũng không khác gì Xiêm La có nghịch thần vậy.
Nguyễn tặc hiếp chúa làm loạn luân thường, có ý soán nghịch, đại hoàng đế vì nghĩ đến tình An Nam thần phục đã lâu, xưa nay rất cung kính thuận tòng, nên mới đặc khiến đại binh sang để khôi phục lại, cốt lấy lại quốc đô cho họ Lê, tuyệt nhiên không có ý dòm ngó đất đai, quả là hết sức nhân nghĩa, vượt quá cổ kim, phàm là thuộc quốc nên nghĩ đến như thế mà thêm cảm kích.
Xiêm La đất đai liền với An Nam, trông thấy thiên triều làm những điều đó, thì cũng nên nghĩ đến việc có chung mối thù, lại chẳng là món thưởng lớn hay sao? Nay truyền hịch này đến quốc vương lập tức một mặt phát binh chặn đường, một mặt chờ bản bộ đường xong việc rồi sẽ tâu lên đại hoàng đế, ắt sẽ hết sức khen ngợi là quốc vương vì ngưỡng mộ lòng quyến cố, lại hiểu đại nghĩa nên trợ điều thuận bỏ điều nghịch, hãy nên gắng sức làm theo điều hịch này.[71]
Theo tài liệu của Trung Hoa, vua Càn Long ra lệnh cho các trấn dọc theo biên giới như Tả Giang, Cao Liêm, Khai Hoá, Lâm Nguyên … điều động binh mã giữ chặn các nơi hiểm yếu để ngăn chặn quân Tây Sơn thừa dịp tiến sang đánh phá, một mặt hư trương thanh thế để cho Lê Duy Kỳ nếu còn sống nghe được sẽ cùng các toán dân quân nổi lên. Vua Càn Long cũng ra mật lệnh rằng “việc động binh chỉ một mình Tôn Sĩ Nghị biết mà thôi, bên ngoài vẫn làm ra vẻ như không có gì cả, chớ cho các trấn được biết.[72]
1.1.2. Ði tìm vua Chiêu Thống
Khi biết rằng Lê Duy Kỳ không có trong đám tòng vong, tình hình trở nên phức tạp. Ngay cả tông thất nhà Lê lưu lạc sang Quảng Tây, cũng không biết Lê Duy Kỳ đang ở đâu, còn sống hay đã chết. Nhà Thanh cũng phân vân không biết xử trí thế nào cho phải phép vì nếu chỉ ngang nhiên nghe một bề rồi đem quân sang nước ta chưa biết sẽ đi đến đâu và cũng không có chính nghĩa (dù chỉ là giả). Việc đầu tiên Tôn Sĩ Nghị phải làm là tìm ra tung tích vua Lê cho được danh chính ngôn thuận trước khi có thể xin vua Càn Long chấp thuận cho động binh.
Các tòng vong nhà Lê cũng nóng ruột muốn vua Lê ra mặt để việc cầu viện nhà Thanh được danh chính ngôn thuận. Khi được đưa về phủ Nam Ninh, sáu người trong nhóm, đứng đầu là Nguyễn Huy Túc lập tức tình nguyện theo đường núi về nước kiếm Lê Duy Kỳ, trước là thông báo tin tức gia quyến đang bình an sống bên Trung Hoa cho nhà vua khỏi khắc khoải, mặt khác giúp vua Chiêu Thống tính chuyện khôi phục để còn đón thân nhân về.
Biên giới nước Tàu giáp với nước ta bao gồm địa phận của ba tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Ðông[73] chỗ nào cũng có quân Tây Sơn trấn giữ, đi một đường e có chuyện bất lợi. Di thần nhà Lê chia thành hai bên, Nguyễn Huy Túc, Hoàng Ích Hiểu, Phạm Ðình Quyền ở lại chăm sóc cho vương quyến, những người kia chia thành hai đường, Lê Quýnh theo đường thủy Quảng Ðông, Nguyễn Quốc Ðống, Nguyễn Ðình Mai[74] theo đường Vân Nam.
1.2. Nhà Lê chính thức cầu viện
Khi tờ hịch được nhóm phò Lê chuyển tới tay vua Chiêu Thống, ông vội vàng viết một tờ biểu sai Nguyễn Thời Ðĩnh đem sang Trung Hoa. Lá thư đầu tiên của Lê Duy Kỳ gửi Tôn Sĩ Nghị còn tàng trữ trong văn khố[75] dịch ra như sau:
… Kỳ tôi [tức Lê Duy Kỳ tự xưng] vốn còn trẻ tuổi, gặp lúc nhà nhiều tai nạn. Tháng Sáu năm Bính Ngọ (1786), giặc Quảng Nam trong nước là Nguyễn Văn Nhạc lấy danh nghĩa đánh họ Trịnh, sai em là Nguyễn Văn Bình xua quân nhập khấu, nhân vì ông của thần đang bệnh nặng nên việc phòng ngự lỏng lẻo, phủ thành không giữ được, ông của Kỳ chẳng may lìa đời, y mới hiếp chế, may nhờ lòng người chưa quên, khắp nơi nổi dậy tấn công, y đành phải vơ vét đồ dùng khí dụng, luôn cả quốc ấn đem đi.
Người dân để cho Kỳ tôi nắm quyền chủ nước cho đến tháng Chạp năm Ðinh Mùi thì Nguyễn Văn Bình phản lại anh, chiếm lấy thành Thuận Hóa, rồi quay lại cướp bóc. Khi đó nước mới kiến tạo, tài lực hai đàng đều cạn kiệt, không thể bảo vệ cương vực, khiến y tiến thẳng đến kinh thành, rồi xưng thiên hoàng đế, kỷ nguyên Thái Ðức, sưu cao thuế nặng, thật là lầm than. Dân chúng vì sợ uy lệnh nên đành phải miễn cưỡng tuân theo, Kỳ tôi phải chạy ra ngoài, cùng thần dân tính chuyện khôi phục, nhưng đại thế đã mất, ít không chống được với đông người, đỡ đông chạy tây rồi cũng phải tan.
Ðến tháng Tư năm nay (Mậu Thân), thân mẫu của Kỳ tôi cùng quyến thuộc đem thân qua quí hạt, mong được đề tấu, may được hai vị đại nhân dung nạp, xem xét rõ sự tình, yết dụ cáo tri đại nghĩa, bản hịch tới tay, Kỳ tôi cùng văn võ quan viên đọc đi đọc lại, thực cảm kích không đâu cho hết, thâm kiến hai vị đại nhân trên thì tỏ lòng nhân đức trời cao, dưới biểu lộ chỗ tình cận kề, thương cho lòng thành của kẻ thế cô bị cướp mất cơ nghiệp, nên tỏ ra thành lời.
Người dân trong nước nghe được cũng bi phẫn đứng lên, ai nấy tự sắm sửa giáp binh, công phá thành ấp, ngày ngày mong đợi vương sư kéo đến, riêng Kỳ tôi nay chỉ còn chút hơi tàn, không tự mình nổi lên được, lòng chỉ muốn đem thây gửi nơi nội địa (chỉ Trung Quốc), dựa vào oai linh của thiên triều, nhưng vìđường sá gian nan trở ngại, mỗi cử động đều bị dòm ngó, quốc ấn lại luân lạc mất rồi, nên không dám mạo muội ra mặt, e thất lễ của kẻ bầy tôi, nghĩ lại tổ tông của Kỳ này, đời đời ở cõi Nam, luôn giữ phận triều cống, nay không giữ được nước để đến nỗi lang thang hèn hạ, trên thì mất chức phiên phong, dưới thìđắc tội với dân chúng, làm phiền nhiễu cả uy phong khiến cho vương sư mất công từ xa kéo đến, Kỳ tôi thực hết sức hoảng hốt, nay không còn đất để dung thân, chỉ mong thánh đức thể niệm cho nội ngoại ai chẳng là kẻ vương thần, cúi mong hai vị đại nhân nghĩ tình lúc trước mà đề đạt lên cho thiên tử, thương xót cho kẻ cô nguy nơi hoang viễn, sinh linh đồ thán, cứu kẻ đang ở nơi nước lửa, trải rộng đức chí nhân.
Cứ trộm nghĩ theo hình thế bản quốc, phía đông, phía nam là biển cả, phương tây phương bắc tiếp giáp nội địa (Trung Quốc), bọn giặc thắng thế quen mùi trở nên kiêu ngạo, phòng thủ lơ là, trong thành cùng ngoài các đạo cựu binh chưa đầy 6 vạn, quá nửa là quốc dân bị bức bách, không có lòng chiến đấu. Nay truyền cho nghe rằng quân thiên triều đã tới nơi, nếu như không biết hối tội, thì thế ắt sẽ mỗi người dân đều là một người lính, mọi nhà đều là chỗ cung cấp lương ăn, đem tính mạng ra chiến đấu, để thử xem mũi nhọn thế nào, chỉ trong sớm tối hai bề thuỷ lục cùng tiến, bốn mặt giáp công. Thế bên kia chia rẽ, sức yếu, không cứu ứng được nhau, thần dân bản quốc tình nguyện ứng nghĩa mà xông lên trước, tặc đồ không đánh cũng tan.
Kỳ tôi trốn ở nơi xa xôi hẻo lánh, thực trông mong hết sức, cảm ơn tái tạo của thiên hoàng đế, lại do hai vị đại nhân hết sức giúp đỡ, cũng may nhờ vào ân đức tổ tiên, không uổng công bôn tẩu nên được bề trên chấp thuận, Kỳ tôi cùng các bầy tôi văn võ, nguyện ghi khắc trong lòng, nên hôm nay cung kính dâng thư này.
Ngày 24 tháng Tám, Càn Long năm thứ 53 [23-9-1788]
Lá thư này có lẽ không tới kịp nên sau đó Lê Duy Kỳ lại viết một lá thư khác sẽ dịch ở sau. Theo tài liệu nhà Thanh, phái đoàn Lê Quýnh đi từ Khâm Châu ngày mồng 4 tháng Tám [3-9-1788], theo đường thủy đến được Tứ Kỳ [Hải Dương] gặp Lê Duy Kỳ ngày mồng 8 tháng Chín năm Mậu Thân [6-10-1788].
Trước đó, vào tháng Tám năm Mậu Thân [1788], khi Lê Duy Ðản[76] còn đang ẩn trốn thì vua Lê sai Lan Trì Bá [không rõ tên] cho vời gặp, đồng thời ban cho 4 chữ ngự bút “Tiết Khí Khả Gia” [節氣可嘉] (khí tiết đáng khen). Ông đi cùng một người đầy tớ lội mưa gió lên gặp vua Lê ở thôn Ngọc Lâu [玉摟], Cẩm Giang [錦江] Hải Dương. Vua Chiêu Thống phong cho Lê Duy Ðản tước Hương Phái Bá [香派伯] làm chánh sứ để cùng Ðịnh Nhạc Bá Trần Danh Án[77] cầm quốc thư sang Trung Hoa, có Lê Quýnh làm hướng đạo và liên lạc viên.
Theo thời biểu chúng ta thấy rằng khoảng tháng Bảy thì nhà Thanh phát hịch, đầu tháng Tám vua Lê biết tin nên một mặt cho người đi kiếm Lê Duy Ðản một mặt viết thư [ngày 24 tháng Tám] cho người đem sang Trung Hoa [lá thư thứ nhất]. Ðến mồng 8 tháng Chín [6-10-1788], Lê Quýnh về trình bày mọi việc, vua Lê thấy rằng một lá thư tay gửi Tôn Sĩ Nghị chưa đủ lễ nghi mà phải cử một phái bộ chính thức mang quốc thư sang cầu viện, nhất là không có quốc ấn [tức ấn An Nam quốc vương mà nhà Thanh ban cho họ Lê] nên càng cần những người có vai vế đem đi. Trần Danh Án vốn là cận thần ở cùng với vua Lê lâu nay, còn Lê Duy Ðản là đồng tộc, cả haiđều là tiến sĩ xuất thân, nên việc đi sứ cũng đồng thời đem tin nhà coi như bảo đảm rằng đây là người của vua Lê gửi sang thật.
Ngày 15 tháng Chín [13-10-1788] năm đó, hai sứ thần mang lá thư [thứ hai] của vua Chiêu Thống lên đường sang Trung Hoa. Lá thư đó dịch ra như sau:[78]
Tự tôn nước An Nam là Lê Duy Kỳ kính cẩn trình lên trước đài của bộ đường đại nhân thiên triều Thái Tử Thái Bảo Binh Bộ Thượng Thư kiêm Ðô Sát Viện HữuÐô Ngự Sử thế tập Nhất Ðẳng Khinh Xa Ðô Uùy tổng đốc Quảng Ðông, Quảng Tây kiêm lo việc lương hướng, phục vụ đại hoàng đế đường bay rong ruổi, thành công đắc lực của bậc đế vương, lòng nhân rộng rãi, lượng rộng như trời đất cha mẹ, uy quyền thêm đầy đủ, đức không bến bờ:
Nhà Kỳ tôi tổ tông lâu đời làm chủ đất nước, vỗ về chăn dắt nhân dân, chẳng may mất nghiệp, bản thân mình phải trốn lánh nơi sơn cùng thủy tận, người thân phải tìm đường sống nơi đất thiên triều, hơn sáu mươi người già trẻ được giúp cho nơi ăn chốn ở.
Ðại hoàng đế trước nay thương xót đến cả những kẻ xa xôi, cả những kẻ chưa từng thần phục, nay giương cao tinh việt, điều động mấy chục vạn quân tinh nhuệ, tụ tập chiến thuyền, chuyển vận vài lộ ức vạn thiên tiền gạo, điểm binh lữ, vừa thuận thiên thời, lại lo đến Kỳ tôi đang lúc nguy cơ nên sai bồi thần vềkiếm tung tích, ơn bao la ấy phải ghi khắc trong tim, lại mang theo bằng chứng của mẫu thân về nước, nghĩ đến sự lo toan của thánh thượng mà rơi lệ, thấy bềtrên không gì không nghĩ tới, biết rằng ngày giờ khôi phục đã đến nơi.
Bọn Nguyễn tặc ngu xuẩn kia chưa biết hối tội, đem hai trăm năm của bản quốc, vỏn vẹn cơ nghiệp Ðộng Hải, Phú Xuân, dăm sáu vạn quân man mọi, khoe vài cái thành con, mỗi nơi mai phục vài tên thảo mãng, dàn trận voi ở bờ sông, ngây ngô học đòi kháng cự binh thiên triều.
Thế nhưng bọ ngựa làm sao chống nổi xe, chim sẻ biết đâu lưới đã giăng tứ phía, chồn cáo không qua, bậc thánh nhân một khi nổi giận, ngọc đá đều tan, trảiđại nghĩa khắp thiên hạ, giữ mối giềng cho thuộc quốc. Kỳ may mắn còn chút hơi tàn, ẩn nơi lều cỏ, mong thánh đức ban xuống để cho mất rồi lại còn, đứt rồi lại nối, đợi khi binh thiên triều nhập cảnh, nguyện đích thân bầu nước giỏ cơm, dù có tan thây nát thịt cũng không đủ báo đáp cái ơn tái tạo của thiên triều.
Vì quốc ấn đã bị thất lạc, không dám trình lên thiên tử, cung kính mong đại nhân thay mặt chuyển tấu, khấu tạ hoàng ân, Kỳ không khỏi xúc động, run lẩy bẩy, kính cẩn trình lên.
Ngày 15 tháng Chín, năm Càn Long thứ 53,[13-10-1788]
Khi chuyển lên ngoài tờ biểu của Lê Duy Kỳ, chính tay Lê Quýnh lại cũng viết thêm một tấu thư khác, dịch ra như sau:[79]
Từ khi An Nam lập quốc đến nay thì chỉ có họ Lê được nước một cách chính đáng, ân huệ đủ để lòng người hướng về, lễ nghĩa đủ cho sĩ phu đi theo.
Tuy ở giữa thời có họ Mạc tiếm vị hơn sáu mươi năm nhưng lòng người vẫn mến cũ không đổi. Sau đó lại trung hưng hơn hai trăm năm qua, có họ Trịnh phụ chính, là bầy tôi nắm quyền đời nọ sang đời kia. Vua nước tôi tuy làm chủ một nước nhưng phương nam thì có họ Nguyễn phụ chính trông coi đất đai, còn phương bắc thì họ Trịnh phụ chính, nắm giữ binh quyền cho đến tận ngày nay.
Cả họ Trịnh lẫn họ Nguyễn đều bị Nguyễn Nhạc đánh đuổi, khi đó lòng người nghĩ rằng y muốn trừ nạn cho nước nên không ai chống lại. Ðến khi tâm tích của giặc Nguyễn lộ ra, hết sức hung bạo. Ðầu tiên là cách đây một kỷ, Nguyễn tặc tự đặt niên hiệu là Thái Ðức. Nay y định chiếm nước phạm thượng thì cày bừa cũng thành gươm giáo, vì chưng họ Lê ân thấm đến người, ấy là vì nhân nên đạo nghĩa dân quay về, giặc Nguyễn tuy mạnh nhưng không thể cưỡng bức người ta theo được.
Nếu được thiên triều vì lòng nuôi kẻ nhỏ mà ngó xuống, giúp kẻ khốn cùng, đem binh đến sát với biên cảnh thì có thể thanh viện cho hạ quốc, dân trong nước nghe tin này ắt sẽ nổi lên chống lại, chẳng phải phiền binh lực thiên triều trợ giúp mà lập tức đầu Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ sẽ đến ngay.
Qua bản văn trên chúng ta thấy nguyên thủy nhóm Lê Quýnh, Nguyễn Huy Túc chỉ chủ trương nhờ nhà Thanh thanh viện để can thiệp nếu không dọa cho quân Tây Sơn rút về Thuận Hóa thì bắt họ trả lại một phần đất ở giáp biên thùy tương tự như trước đây nhà Lê cắt đất Cao Bằng cho họ Mạc. Việc nổi lên chống với Tây Sơn ở Bắc Hà vẫn do lực lượng trong nước đảm trách có lẽ vì cũng ngại rằng một khi quân Thanh sang nước ta, việc đánh đuổi họ còn khó khăn hơn. Trong khi đó vua Chiêu Thống lại muốn nhờ quân Thanh lấy lại toàn bộ miền bắc trả lại cho mình nên mới có việc Lê Quýnh gửi thêm một lá thư khác cho Tôn Sĩ Nghị mà nội dung không cùng một đường lối với Lê Duy Kỳ.[80]
2. TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC
2.1. Lực lượng tôn Lê
Những bồi thần nhà Lê khi sang Tàu đều cố gắng trình bày tình hình nước ta một các lạc quan mà tình hình giao tranh giữa các cựu thần và quân Tây Sơn xen kẽ như hình da beo. Theo lời thuật của một giáo sĩ trong Hội Truyền Giáo Hải Ngoại thì mấy năm qua đất Bắc Hà chỗ nào cũng loạn lạc nhưng vì mỗi người một ý nên không kết hợp được thành một lực lượng. Vả lại việc nổi lên phần lớn vì “kiến cơ nhi tác” [thấy nhân cơ hội mà nổi dậy] chứ không phải vì ghét nhà Tây Sơn hay có dạ hoài Lê. Có nhóm tự xưng con cháu nhà Lý, lại có người tự nhận là con cháu cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm mà sấm Trạng có đoán rằng y là chân long thiên tử.[81] Khi nghe tin quân Thanh sắp sửa sang đánh nước ta, một số cựu thần nhà Lê toan đem quân đánh úp Thăng Long và tấn công quân Tây Sơn nhưng âm mưu bị bại lộ.[82]
Tựu trung, tuy dư đảng của Bắc Hà có mặt ở khắp nơi nhưng chưa hẳn đã đồng tình với quân Thanh và cũng không chịu đặt dưới quyền của Lê Chiêu Thống hay một tôn thất nhà Lê mà phần lớn hoạt động như một sứ quân cát cứ. Tuy nhiên họ cũng cầm chân một số lớn quân Tây Sơn phải đóng ở các địa phương chung quanh thành Thăng Long bảo vệ cho đại quân rút lui. Khi quân Thanh tiến sang, những cánh quân Tây Sơn bị bỏ lại đó, phần thì bị thổ hào phản kích, phần thì bị dân chúng nhân cơ hội nổi lên tiêu diệt hay bắt giao lại cho giặc để lâäp công.
Về vua Lê, Lê Duy Kỳ vốn dĩ có ba anh em [có nơi viết là cùng cha khác mẹ], người lớn nhất là hoàng thái tôn Lê Duy Kỳ [còn có tên là Khiêm, khi lên ngôi lấy niên hiệu Chiêu Thống], kế tiếp là Ðiền Quận Công Lê Duy Lứu (佃郡公黎維鎦), sau nữa là Lạn Quận Công Lê Duy Chỉ (蘭郡公黎維祗).[83] Trong khi Lê Duy Kỳ đang lẩn trốn, nay chỗ này, mai chỗ khác bên cạnh chỉ có một hai người thân tín thì hai người em khởi binh, Lê Duy Lứu nổi lên ở Tuyên Quang, Hưng Hoá, Lê Duy Chỉ nổi lên ở Thái Nguyên, Kinh Bắc. Khi thành Tuyên Quang bị thất hãm, quân Tây Sơn bắt được Lê Duy Lứu ở Ðô Long (都龍) đem về Thăng Long chém đầu. Lê Duy Chỉ chạy lên Ba Phùng (波篷) (hay Ba Bồng) bị thích khách chém trúng đùi nhưng may nhờ dân chúng bảo vệ nên chạy thoát.
Cứ theo sử nước ta, khi tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị và tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh được lệnh của vua Càn Longï liền tung ra vài trăm tờ hịch để tuyên bố cho gần xa đều biết.[84]
Tháng Bảy năm Mậu Thân, Càn Long 53 (1788) một viên thổ mục là Lục Văn Minh (陸文明) đem một nghìn người đến nói với quan canh cửa Quảng Tây là Biện Cụ Trình (弁具呈) xin tình nguyện làm tiên phong. Ngày 21 tháng Bảy [22-8-1788], đốc trấn Cao Bằng Chu Văn Uyển (朱文琬) nghe tin quân Thanh kéo sang nước ta,đêm hôm đó đem 300 quân chạy về Thăng Long, để đốc đồng Nguyễn Viễn Du (阮遠猷) và cai kỵ Chu Ðình Lý (朱廷理) ở lại Mục Mã giữ thành. Ðến tháng Tám, thổ ti Mục Mã là Bế Nguyễn Luật,[85] Bế Nguyễn Hào tập hợp mấy trăm lính đến bắt Nguyễn Viễn Du và Chu Ðình Lý đem sang nạp cho Tôn Sĩ Nghị lập công.[86]Bảy châu huyện ở Văn Uyên thấy thanh thế quân Thanh quá lớn nên cũng nguyện ý đầu hàng, lại vẽ địa đồ bảy châu dâng lên, nguyên văn tờ bẩm dịch ra như sau:[87]
Phiên thần thế tập giữ ải phủ Trường Khánh tỉnh Lạng Sơn là Nguyễn Ðình Liễn, châu Văn Uyên là Nguyễn Ðình Vượng, Nguyễn Ðình Tài, châu Thoát Lãng là Nguyễn Cung Ðỉnh, Nguyễn Ðình Dung, châu Thất Tuyền là Nguyễn Ðình Ðỉnh, Nguyễn Ðình Ðiền, Ôn Châu Nguyễn Ðình Tạo, Nguyễn Ðình Diễm, Văn Lan châu Hà Quốc Bằng, Nông Công Hảo Lộc, Bình châu Vi Phúc Quyền, Hoàng Ðình Xán, An Bác châu Vi Phúc Dao cùng toàn thể nhân dân bảy châu kính bẩm:
Nhân Quảng Nam nổi lên đuổi chúa chiếm lấy nước thật uất ức không chịu nổi, trộm nghĩ chúng tôi ăn lộc quốc dân thì phải nghĩ đến việc báo ơn vua, chẳng may tháng Tư năm nay, lại có bọn cường tặc họ Nguyễn hoành hành ngang dọc đuổi vua rồi chuyên quyền khiến cho mẹ và quyến thuộc chủ chúng tôi phải sangđầu thiên triều, đã được ơn tái tạo lại ban cho chỗ trú thân.
Nhớ đến khi xưa ngày còn Lê chủ, cỏ cây nơi nơi hớn hở, đến nay họ Nguyễn đương triều, vạn dân chỉ tay oán hận, quả là sài lang vô đạo, cướp bóc tài vật làm tổn thương nhân mạng, dân chúng tôi nguy nan trong sớm tối. Nay nghe thiên binh đã đến biên cảnh, chinh tiễu giặc Nguyễn, rạp mình mong ơn thương xót, cứu dân ra khỏi nơi nước lửa.
Chúng tôi nguyện thống suất nghĩa dũng bảy châu, ra sức đi trước. Kính cẩn dâng lên toàn đồ địa lý trong khu vực, nếu như Lê chủ phục vị rồi, thực cảm kíchđức lớn như trời của đại hoàng đế, rập đầu kính cẩn trình lên.
Càn Long năm thứ 53, ngày 29 tháng Bảy.[30-8-1788]
Tờ hịch được lưu truyền đến các nơi khiến cho tình hình dao động, nhất là các quan nhà Lê làm việc với Tây Sơn vẫn hoài vọng nước cũ. Trấn thủ Lạng Sơn Phan Khải Ðức[88] (潘啓德) khi đọc được hịch tiến quân của Tôn Sĩ Nghị, đã đem cả trấn thành đầu hàng [trên danh nghĩa thì là bỏ Lê Duy Cận quay trở về với Lê Duy Kỳ]. Ngày mồng 1 tháng Tám [31-8-1788] họ Phan gửi lên Tôn Sĩ Nghị tờ bẩm dịch ra sau đây:[89]
Trấn thủ Lạng Sơn nước An Nam là Phan Khải Ðức rập đầu trước ngọc chiếu tôn đài của thiên triều, nhận được hịch dụ, không khỏi sợ hãi, Lê triều bị quyền thần khống chế, người nước nam không ai không nghiến răng (căm hận). Tháng Tám năm Nhâm Dần (1782), bản quốc bị nạn kiêu binh, các tướng tự hại lẫn nhau khiến cho quyền thần Nguyễn Chỉnh đầu hàng Tây Sơn, cầu viện binh lực họ Nguyễn, thẳng đến Thăng Long, phù Lê diệt Trịnh, khoảng giữa Nguyễn Chỉnh có tự trị được một thời gian ngắn, đến khi binh Tây Sơn trở lại tấn công, vua nước tôi bỏ thành mà chạy.
Lúc đó văn thần võ tướng dưới quyền nhà vua, chẳng một ai có chí nối lại nghiệp cũ, phù kẻ suy. Bản chức vốn nhỏ bé nghèo nàn, sinh ở nơi thôn dã, thấy thời thế như vậy, cảm thán nhà Lê bồi dưỡng sĩ phu trên ba trăm qua, không có lấy một người có khả năng lo việc lớn, nên đành mượn thế để mưu tính việc khác, không phải là hùa theo đảng giặc.
Trộm nghĩ việc như hiện nay, dân nước tôi đã khổ vì loạn lạc, lại thiếu người chăn dắt, nếu như thiên triều động binh ắt sẽ giỏ cơm bầu nước, chỉ tiếc sao không đến cho mau mau, huống chi tôn đài đã theo lệnh của đại hoàng đế, lòng yêu phiên vương, khôi phục cho nghiệp bá của dòng họ Lê, truyền hịch khắp nơi ắt dù cây cỏ cũng thành binh lính, chỗ hiểm trở nào mà không tiêu diệt, chỗ kiên cố nào mà không tan vỡ, huống chi là một thằng mọi đen ở đất Tây Sơn?
Những kẻ sĩ có chí, thấy cơ hội này nghĩ có thể giải quyết được việc của nước An Nam chẳng mấy chốc mà xong, cho nên đã xin hạ chức nghinh đón quốc vương, chuẩn bị binh giáp trong trấn, ắt quốc vương vì việc này mà phục quốc, binh Tây Sơn nghe tiếng mà rút lui, bản chức không mất tiếng trung với họ Lê, không mất tiếng nghĩa với họ Nguyễn, thật quả là ơn đức không khác gì cha mẹ của tôn đài.
Kính bẩm.
Càn Long năm thứ 53, ngày mồng một tháng Tám.[31-8-1788]
Họ Phan đinh ninh rằng lòng người vẫn còn lưu luyến chúa cũ, quân Thanh nếu tiến qua dân chúng ắt sẽ “giỏ cơm bầu nước” (đan thực hồ tương) chạy ra nghinh đón. Khi đó Tôn Sĩ Nghị đang ở tại Long Châu, Phan Khải Ðức xin với viên quan nhà Thanh giữ ải để được qua yết kiến quan tổng đốc. Ngày mồng 6 tháng Tám [5-9-1788] năm đó, họ Phan cùng ba đầu mục và 6 người tuỳ tòng đi qua Nam Quan. Tôn Sĩ Nghị cho vào gặp nhưng cũng sợ không biết có thực sự là đúng không, e ngại thông ngôn dịch sai nên cầm tờ bẩm lật qua lật lại tra vấn, họ Phan tâu rằng “vốn dĩ là dân nhà Lê lầm đường theo họ Nguyễn, nay được đọc tờ hịch của thiên triều, vừa hối hận vừa hổ thẹn nên tình nguyện đón chủ cũ để chuộc tội”.[90]
Ngoài ra, các đầu mục xã Hoa Sơn, châu Thất Tuyền là Nguyễn Trọng Khoa (阮仲科) và Nguyễn Trọng Ðặng (阮仲鄧) cả thảy năm người cũng đến Nam Quan tình nguyện đem 700 dân quân đi theo đánh Nguyễn Huệ.[91] Nhiều khu vực biên giới cũng chấn động, không ít châu huyện tự nguyện đầu phục quân Thanh.
2.2. Ðối phó của Tây Sơn
2.2.1. Khuyên dụ Phan Khải Ðức
Nghe tin Thanh triều rục rịch động binh, tổng trấn Thăng Long Ngô Văn Sở sai hiệp trấn Trần Danh Bính (陳名炳) đem quân tấn công Lạng Sơn, họ Trần thấy các nơi chỗ nào cũng trương tờ hịch nên lại theo giặc nốt.[92] Ngô Văn Sở nghe tin đó liền viết thư đề ngày 11 tháng Chín [9-10-1788] gửi cho Phan [Khải Ðức] và Trần [Danh Bính], trách họ manh tâm bội bạc, vong ân phụ nghĩa dịch ra như sau:[93]
Khâm sai tổng lý mọi việc binh dân là Ðại Tư Mã Quận Công thống lãnh đại đô quận công có lời hiểu dụ Tham đốc Ðức Nghĩa Hầu Phan Khải Ðức và chưởng kỳ Hoán Nghĩa Hầu Trần Danh Bính được biết:
Thường nghe cái nghĩa của kẻ bầy tôi là phải tận trung. Các ông từ khi phàn lân phụ dực[94]đến giờ, phụng sự vương thượng chia cơm xẻ áo, ân tình biết là nhường nào, trải qua hàng trăm trận đánh, đi theo xông xáo nơi tên đạn phải bao công lao mới có được ngày hôm nay.
Mới đây các ông được ủy thác nặng nề làm vây cánh, cũng mong hết lòng báo đáp để khỏi phụ tình tri ngộ của vương thượng, cùng nhau hưởng cái vui vẻ tôn vinh, tưởng như gan ruột đá vàng, không thể nào mà lay chuyển được.
Ta nghe đồn rằng quan nội địa gửi mật dụ khuyên các ông qui hàng, các ông lập tức đem thân theo họ, có lẽ nào vong ân phụ nghĩa đến thế sao? Há chẳng nghĩquốc gia hưng vong cũng do số trời, nếu trời đã cho hưng thì ai mà phế được, còn như trời phế rồi thì ai mà hưng được.
Trước đây quyền bính nhà Lê giao xuống dưới, gian thần họ Trịnh nắm giữ hơn hai trăm năm, có biết đâu trèo cao ngã đau, lại đem quân xâm chiếm một giải Phú Xuân đẩy dân đen vào nơi nước lửa, khiến ai nấy đều chạy theo Tây Sơn.
Vương thượng ta trên thuận theo thiên ý, dưới hợp lòng người, chiến dịch Giáp Ngọ (1774), gió nồm giúp cho, chỉ trong mươi ngày thu phục Phú Xuân, tiến thẳng đến thành Thăng Long, vốn chỉ muốn dẹp nạn cứu dân, không phải có bụng lấy nước. Lúc đó họ Lê cũng đã nhường quyền trị nước cho, vương thượng ta mấy lần từ chối, đến khi vua Lê tạ thế lại lập người rồi mới trở về, việc đó các ông chính mắt trông thấy, chứ có phải đâu tham đất của người ru?
Ðến khi trở về mới nghe Lê Duy Kỳ là người dâm bạo, tin dùng kẻ gian trá (tức Nguyễn Hữu Chỉnh), giết chú tư thông với em, bên trong ly tán, bên ngoài chống lại, khiến cho đại loạn, dân chúng lại rơi vào chỗ lầm than, chỉ mong có người cứu vớt. Vương thượng ta bất đắc dĩ phải cất quân trở lại để cứu lấy muôn dân. Ngày vừa đến thành, Lê Duy Kỳ hoảng hốt bỏ chạy, đất nước không còn ai cai trị, quốc dân tất cả cùng suy tôn, mong vương thượng chúng ta trông coi quốc sự,đành phải miễn cưỡng theo lời cầu xin, để cho dân được thỏa lòng, lập tức kể lại ngọn nguồn, viết thành tấu bản, sai người đem lên cửa Nam Quan rập đầu trình lên, hướng về thiên đình (triều đình nhà Thanh), mấy tháng chầu chực, việc đó các ông cũng chính mắt thấy rồi.
Nghĩ đi nghĩ lại, vương thượng ta xưa nay làm việc, danh chính ngôn thuận biết chừng nào, nhân chí nghĩa tận biết chừng nào, sợ trời lòng thành cũng biết chừng nào, nếu không phải là trời cho hưng lên thì làm sao được như thế. Thế nhưng công văn bản quốc chưa đệ đạt lên, sự tình trong nước chưa được thiên triều xem xét, quan ngoài biên ải chỉ mới nghe lời một phía, đã toan động binh, các ông giữ chức bảo vệ biên cương, đáng lẽ phải tùy cơ lựa lời, đem mọi việc tình nghi trong nước trình lên, để cho việc nước sớm êm, khỏi gây hấn nơi biên cảnh, có phải là lập được công lớn cho nước nhà hay chăng? Cớ sao các ông lại nỡ nhẹ lời, khom mình hướng về phương bắc, không biết suy nghĩ ra thế nào? Hay là các ông cho rằng quan binh của ta không địch nổi binh lực đại quốc nên lo cái kế sách vẹn toàn chăng? Có biết đâu chuyện thắng phụ của binh gia là do cái lý thẳng hay cong chứ đâu phải là do quân nhiều hay ít.
Nước ta tuy nhỏ nhưng vẫn dựa vào lẽ trời, từ xưa cũng có lúc hưng lúc phế, cũng là sự thường. Ngày nay vương nghiệp đang lên, ấy cũng là thuận lòng trời vậy. Nội địa tuy có tinh binh trăm vạn nhưng cũng không qua khỏi cái lẽ phế hưng, nếu như muốn xâm lấn nước ta thì lấy cái danh nghĩa gì? Các ông há chẳng thấy vương thượng chúng ta anh võ như thế nào, binh tinh tướng dũng như thế nào, khi mới khởi nghĩa chỉ lưa thưa một nhóm, thế mà Chiêm Thành, Xiêm Lađều thua xiểng liểng, huống hồ hôm nay đã có toàn cõi nước Việt ta, đất rộng dân đông, gấp trăm lần khi trước, nhưng cũng đã sai sứ trình lên một niềm cung thuận. Nước lớn có chinh phạt chi binh thì nước nhỏ cũng có kế sách chống đỡ, các ông việc gì mà phải lo?
Còn như Lê Duy Kỳ phạm tội đào vong, chắc đã chết nơi rừng sâu nước độc nào rồi, nếu có sống mà trở về thì cũng có khả năng giữ được nước hay chăng? Lẽ hưng vong đến đàn bà trẻ con cũng biết, các ông không lẽ không nhận ra được hay sao? Nếu như còn nghĩ đến ơn xưa thì hãy mau quay đầu lại, đem gián văn của ta trước đây trình lên để liệt vị đại nhân chiếu cố, cho người trần tình nơi cửa khuyết, mong được thiên triều hiểu cho nguyên nhân, ắt sẽ bàn thảo xử trí, hai đằng trong ngoài đều ấm êm, chẳng phải đẹp hay sao? Còn như thay lòng đổi dạ, nhất định không chịu quay về, thì cái nợ bội bạc kia, không còn đường nào mà chạy được nữa, cái tội bỏ đi, quan hệ không nhỏ, các ông hãy suy nghĩ cho kỹ, đừng để phải hối hận về sau.
Nay hiểu dụ.
Thái Ðức năm thứ 11, ngày mười một tháng Chín.[9-10-1788]
2.2.2. Cựu thần phân trần
Ngô Văn Sở cũng sai cựu quan nhà Lê là Tạ Ðình Thực (謝廷植) cùng một số châu mục ở miền Bắc[95] viết biểu tâu lên Tôn Sĩ Nghị dịch ra như sau:
Ngày 12 tháng Mười năm Càn Long thứ 53 [9-11-1788], (chúng tôi) tiếp nhận được hiểu dụ rằng bản quốc bị thổ mục đất Quảng Nam là Nguyễn Huệ chiếm cứ Lê thành,[vậy nên] thần dân nhà Lê ai ai cũng phải nghĩ đến đức cũ, đồng lòng căm hận, đợi khi thiên binh qua ải tiễu trừ sẽ chia nhau ra để được sử dụng.
Ngưỡng mộ đại nhân có lòng chí nhân thương xót người bị nạn, đỡ đần kẻ đang ngả nghiêng, khẳng khái lấy điều hoạ phúc, danh nghĩa để chỉ bảo những điều mờ tối cho chúng tôi, thực hết sức cảm kích.
Trộm nghĩ Lê vương nước tôi thụ phong, thiên triều nghĩ đến vua nước dưới hơn ba trăm năm đời đời thừa kế, bọn chúng tôi là dân ăn lộc, chịu ơn vua, nay tự tôn một sớm mất cả xã tắc, lưu lạc bôn đào, hễ ai còn chút khí huyết không thể không chua xót. Thế nhưng bản quốc trước đây sở dĩ đổ nát, mối hoạ chẳng phải một ngày một buổi. Vua Lê mất hết quyền bính, việc cai trị giao cho họ Trịnh cả, đã mấy đời nay, để cho yêm hoạn lộng quyền, chính trị pháp luật không ai gìn giữ, trong nước sinh ra biến cố, không năm nào không, để đến xảy ra binh đao năm Giáp Ngọ (1774), dân chúng Nam Hà khốn khổ về sưu thuế, đã mỏi mệt chuyện binh đao, lại xây thành đắp luỹ, mười phần thì chết đến bốn năm. Ðến khi Trịnh Ðống nắm quyền, loạn lạc lại càng quá lắm, quan tham lại nhũng, binh kiêu dân oán.
Chính vì thế mà anh em thổ mục đất Quảng Nam mới thừa cơ nổi lên, dân chúng cả một dải biển Nam, bấy giờ mới tập hợp lại. Mùa hạ năm Bính Ngọ (1786) (quân Tây Sơn) tiến đến thẳng kinh thành, hai bên giao chiến, phụ chính cũ là Trịnh Ðống bị thua, xuất bôn rồi chết ở lộ Sơn Tây, Nguyễn Huệ vào thành chiêu an, phủ dụ không hề giết một ai, người nào hàng thì tiếp nhận khiến người đi theo càng lúc càng đông. Năm trước quốc vương Duy Ðoan già cả bệnh hoạn, Nguyễn Huệ đăng điện phù tá, dâng lên hộ tịch binh dân, việc xong cuốn giáp trở về nam, người dân trong nước chạy theo không biết bao nhiêu mà kể.
Chẳng bao lâu tiền vương tạ thế, tự tôn Duy Kỳ kế vị, lại ngầm vời phản thần của Nguyễn Huệ là Nguyễn Chỉnh đem quân vào hộ vệ, Nguyễn Chỉnh chuyên quyền trị nước, khiến dân tình không theo, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam các nơi, đâu đâu cũng nổi lên làm loạn, binh lửa không ngày nào không. Cố chủ bị Nguyễn Chỉnh mê hoặc, ra tay tru lục không kể gì, người người ngả nghiêng không biết đường nào, ai nấy chạy đến Nguyễn Huệ xin đem binh dẹp loạn Nguyễn Chỉnh, khiến cho Nam binh lại phải trở ra, cố chủ bị Nguyễn Chỉnh ép bức, thua trận bỏ chạy.
Năm nay Nguyễn Huệ vào đô thành, lập con thứ của tiền vương là Duy Cận giám quốc thờ phụng, hơn tháng lại trở về đất cũ. Thần dân nước tôi thấy con cháu vua cũ yếu hèn, không giữ nổi nước nên mời Nguyễn Huệ ở lại chăn dắt, dẹp an phản trắc, thật chẳng phải có ý nọ tâm kia, bỏ cũ thay mới, có điều sự thế thayđổi, kẻ yếu không thể tự tồn được, bản quốc vững vàng cũng là nhờ vào Nguyễn Huệ mà yên ổn, mấy lần muốn giữ lại nhưng Nguyễn Huệ bụng dạ khiêm nhường, quả không có ý chiếm thành lấy nước.
Nay nghe đại nhân kể tội, e rằng chỉ là nghe những lời đồn, phần lớn không phãi chuyện thực, mẹ và quyến thuộc cố chủ mất nước hoảng hốt, cho nên đổ tội cho người, còn thần dân bản quốc thì bị cái tiếng chạy theo kẻ nghịch nên phải viết thư trình bày, mong việc này được sáng tỏ, sợ danh nghĩa bị hoen ố mà hoạ phúc cận kề, mong đại nhân đèn trời soi xét thông hiểu được tình cảnh ở xa, đoái thương đến thân phận chúng tôi mà miễn cho tội lỗi.
Phàm tính trời ai chẳng nhớ nguồn gốc, việc mất còn không lẽ không nghĩ đến hay sao? Nay cố chủ đi rồi không nghe tung tích, đại nhân xin đại hoàng đế đem binh tiến thẳng đến Lê thành, sức cho chúng tôi nghênh đón cố chủ về nước, thật không biết một khi (vua Lê) ra đi rồi, phong ba lam chướng, biết đâu mà kiếm. Một khi đã ra quân, nhân dân nơi hòn tên mũi đạn, ắt lòng trắc ẩn của đại nhân chẳng nỡ nào. Nước chúng tôi từ thuở binh đao đến nay, tài lực đều cạn kiệt, nay các đạo quan binh mấy chục vạn kéo sang, tư lương chu cấp, ắt là chẳng đủ, thật trong lòng sợ hãi khôn xiết.
Nay xin đại nhân rủ lòng soi xét, tâu lên đại hoàng đế tra xét rõ ràng Nguyễn Huệ hai lần nhập đô ra sao, để cho dân nước tôi được đón mẹ và quyến thuộc cố chủ trở về, (để cho) rõ ràng ngay cong, còn nhân mã, lương thảo đã xuất khẩu, bản quốc sẽ liệu đường lo toan, bọn chúng tôi không khỏi kinh hoảng mà bẩm lên.
Ngày 22 tháng Mười năm Càn Long thứ 53 [19-11-1788].[96]
2.2.3. Lê tộc biện bạch
Ngoài ra Ngô Văn Sở cũng yêu cầu Lê Duy Cẩn và một số quan lại nhà Lê trình bày mọi việc để xin nhà Thanh bãi binh. Tờ biểu này tuy có nhiều điểm không hoàn toàn đúng sự thực nhưng cũng cung cấp được một số chi tiết trước đây các sử gia chưa rõ, chẳng hạn tên những hoàng thúc bị Lê Duy Kỳ làm hại, xác định lại một số sự việc và chuyện Lê Hiển Tông nhường đất Nghệ An cho Tây Sơn, mà chúng ta ngờ rằng chính là đầu dây mối nhợ mà Nguyễn Huệ có ác cảm với Lê Duy Kỳ.
Tờ bẩm gửi Tôn Sĩ Nghị đề ngày 22 tháng Mười năm Càn Long thứ 53 [19-11-1788][97] dịch ra như sau:
Con ruột của tiền vương nước An Nam Lê Duy Ðoan (tức vua Hiển Tông) là Lê Duy Cẩn cùng các người trong họ cúi đầu bẩm trước ánh sáng Lưỡng Quảng Tổng Ðốc Bộ Ðường đại nhân của thiên triều:
Ngày mồng 10 tháng Mười năm Càn Long thứ 53 [7-11-1788] (chúng tôi) nhận được hịch dụ về nguyên do việc thổ mục đất Quảng Nam Nguyễn Huệ trộm đấtđuổi chủ, sự việc liên quan trọng đại, thiên binh (chỉ quân Thanh) kéo sang ảnh hưởng đến sinh linh bản quốc không nhỏ nên đứa con hèn mọn của tiền vương là Duy Cẩn xin đem mọi việc tình hình trong nước, từ trước tới sau chính mắt trông thấy, chẳng lẽ ngậm miệng không nói, vậy xin trình lên:
Tổ tiên nhà Duy Cẩn trước nay nhiều đời thờ phụng thiên triều, tuy vẫn kính cẩn triều cống nhưng thực ra uy phúc không có, hơn hai trăm năm qua quyền hành ở trong tay họ Trịnh phụ chính. Ðến khi cha của Duy Cẩn (tức vua Hiển Tông) tuổi già, người phụ chính trước là Trịnh Ðống (tức Trịnh Tông hay Trịnh Khải)trông coi việc nước, tình hình rối ren, đất nước chia rẽ. Nguyễn Huệ ở biên thùy phía nam xa xôi, được một phương dân hòa, nhân tháng Sáu năm Bính Ngọ (1786) kéo rốc quân ra tiến đến đô thành, giao chiến với họ Trịnh, Trịnh Ðống chiến bại bỏ chạy rồi chết, Nguyễn Huệ liền đem binh dân hộ tịch trong nước giao lại cho thân phụ Duy Cẩn, một tháng sau trở về nam.
Cha của Duy Cẩn cắt đất Nghệ An để làm vật khao thưởng công lao, lại đem con gái gả cho. Chẳng bao lâu, thân phụ Duy Cẩn ngọa bệnh tạ thế, Nguyễn Huệ lại ủng lập tự tôn Duy Kỳ lên nối ngôi. Ngờ đâu Duy Kỳ lại âm mưu dụ dỗ phản thần của Nguyễn Huệ là Nguyễn (Hữu) Chỉnh, đem binh vào bảo vệ. Nguyễn Chỉnh tác oai tác phúc, trong triều ngoài nội đều oán hận, Duy Kỳ nghe lời xúc xiểm, làm chuyện tru lục, đem các chú Lê Duy Lữ, Lê Duy Lân, Lê Duy Hội ba người ném xuống giếng trong cung, Duy Cẩn và các thân tộc khác lo không tự bảo vệ được, (nên phải) chạy đến dựa vào Nguyễn Huệ cho được yên thân. Ðến ngay cả các bầy tôi ở ngoài triều như võ lão tướng Hoàng Phùng Cơ, vì thù riêng mà giết văn lão thần Dương Trọng Tế, ai nấy cảm thấy nguy cơ, cũng vội vàng chạy đến với Nguyễn Huệ mong được sống.
Duy Kỳ lại bội ước cắt đất, cùng với Nguyễn Chỉnh tập hợp binh chúng gây rối ở đất Nghệ An, thành thử Nguyễn Huệ phải sai gia tướng đem quân từ Thuận Hóa rong ruổi kéo vào kinh đô, phạt tội Nguyễn Chỉnh. Duy Kỳ bị Nguyễn Chỉnh ép phải xuất bôn, Nguyễn Chỉnh thua trận mà chết, Duy Kỳ lưu lạc, không biết ở đâu.
Tháng Ba năm nay, Nguyễn Huệ tiến vào đô thành, chiêu an các quan lại đang tứ tán các nơi, hỏi người trong nước xem con cái vua trước có ai, các quan văn võ cùng người già cả viên mục mới xin Nguyễn Huệ ở lại trị nước không để họ nhà Duy Cẩn nữa.[98] Thế nhưng Nguyễn Huệ là người lễ phép khiêm tốn, thấy Duy Cẩn là máu huyết của tiền vương, trước đây khi huynh trưởng mất sớm (tức thái tử Duy Vĩ, cha của anh em Lê Duy Kỳ), đã từng được tiền vương lập làm thếtử, nên ủy nhiệm việc giám quốc, tế lễ, lại sợ thế lực yếu ớt, người trong nước không theo, nên để gia thần cầm quân ở lại trấn thủ, còn như binh dân của Duy Cẩn nhất thiết trả lại cả, rồi đưa quân trở về Thuận Hóa …
Sau đó chúng tôi đã từng đem tình hình trong nước sai quan ở biên giới tâu lên mọi việc, thế nhưng kẻ viên mục giữ ải cầm ấn trốn đi,[99] quan thiên triều lại lờ mờ không rõ chuyện, thành ra quốc thư không đến được. Còn như việc mẹ và quyến thuộc của Lê Duy Kỳ đem khổ tình vong quốc khẩn cầu thượng hiến thương xót đưa về nước, dựa vào lòng vỗ về kẻ ở xa của đại hoàng đế xuống đến chúng tôi, thượng hiến tuân phụng thánh ý, không đành để cho giòng giõi nhà Duy Cẩn tôi bị tàn lụi, thương xót cả thần dân nên mong cho có đường khôi phục.
Trộm nghĩ Duy Kỳ không giữ nổi xã tắc, đi rồi không biết tung tích ra sao, còn Nguyễn Huệ quả không có ý chiếm đoạt, nay người ta bịa đặt ra rằng cướp nước, xin thượng hiến lấy danh nghĩa bá cáo cho mọi người, lại tâu lên đại hoàng đế để đem mấy chục vạn thủy lục quan binh các tỉnh, định thời hạn đem sang tiễu trừ, lại sức cho thần dân bản quốc các nơi chia nhau ứng phó, những kẻ bất mãn trong nước trong lòng khấp khởi, chỉ vì người trong họ nhà Duy Cẩn bỏ nước mong lấy lại, gây chuyện can qua nên tâu lên sự việc không rõ ràng khiến thiên triều vì lòng thành mà cực chẳng đã phải điều động đến binh đao.
Trộm nghĩ thân thuộc nhà Duy Cẩn có lẽ vì hung hăng quá mà đành lòng làm thế chứ bản quốc bốn năm năm nay đói khổ điêu tàn chưa hồi phục, một khi thiên binh nhập quốc, ngoài việc bầu nước giỏ cơm ra đón chắc không thể cung ứng nổi, nhân dân trẻ già lớn bé trốn tránh hết, thật không phải là điều thuận tiện cho thượng hiến tuyên bá lòng nhân ái của hoàng đế đến phương xa, ban bố huệ đức cho dân chúng, vậy xin tra xét rõ ràng việc Nguyễn Huệ nhập quốc rồi lại trở về, cùng nguyên do việc thần dân bản quốc khẩn cầu Nguyễn Huệ ở lại cai trị, để cho Duy Cẩn cùng văn võ quan viên tiếp lãnh mẹ con, quyến thuộc Duy Kỳvề nước an dưỡng. Còn như Duy Kỳ gây hấn để đến nỗi mất nước, nếu không chết thì cũng lưu lạc nơi đâu không có tin tức gì, mọi chuyện xin vì bản quốc màđề đạt lên đại hoàng đế để truyền chỉ xử phân, miễn cho thần dân bản quốc cái khổ binh qua, ấy là công đức thương xót, giải nạn của thượng hiến vậy. Duy Cẩn cùng toàn thể tông tộc vô cùng đội ơn, nay trình lên.
Xin đệ lên thổ vật hai chiếc sừng tê, nặng bảy cân một lượng, một trăm súc lụa. Nay sai tông nhân hai người là Lê Duy Phùng, Lê Duy Trọng cùng ba văn quan theo hầu là Nguyễn Nha, Võ Huy Phác, Trần Bá Lãm, ba viên võ quan theo hầu là Nguyễn Ðình Khoan, Nguyễn Ðăng Cai, Lê Huy Tán.
Càn Long năm thứ 53, ngày 22 tháng Mười [19-11-1788].[100]
Xem như thế, khi nghe tin quân Thanh sắp sửa kéo qua, nhà Tây Sơn cũng hết sức nỗ lực dùng đường lối ngoại giao mềm mỏng để yêu cầu đối phương bãi binh.
PHẦN IV
QUÂN THANH TIẾN BINH
Ngày 28 tháng Tám năm Mậu Thân, Càn Long 53 [27-9-1788], Tôn Sĩ Nghị cùng Hứa Thế Hanh chuẩn bị xuất phát.[101] Sau khi cả hai mặt trận đông và tây đều đãtruyền hịch để phô trương thanh thế, quân Thanh bắt đầu tiến sang nước ta.1. LỰC LƯỢNG NHÀ THANH
1.1. Bộ Phận Tham Mưu
Cứ như tổ chức hành chánh và quân đội của Thanh triều, đội quân viễn chinh sang đánh nước Nam được đặt dưới quyền chỉ huy của các viên chức sau đây:
– Chỉ huy tối cao: Tôn Sĩ Nghị, tổng đốc Lưỡng Quảng
– Chỉ huy yểm trợ: Phú Cương, tổng đốc Vân Quí
o Chỉ huy quân đội (cánh quân mặt đông): đề đốc Quảng Tây Hứa Thế Hanh (許世亨),[102] có hai phụ tá
§ tổng binh[103] Quảng Tây Thượng Duy Thăng (尚維昇),[104] phó tướng Tôn Khánh Thành[105]
§ tổng binh Quảng Ðông Trương Triều Long (張朝龍),[106] phó tướng Lý Hóa Long
o Chỉ huy quân đội (cánh quân mặt tây): đề đốc Vân Nam Ô Ðại Kinh,[107] có hai phụ tá
§ tổng binh Thọ Xuân Ðịnh Trụ (定柱)[108]
§ tổng binh Khai Hóa Tôn Khởi Giao (孫起蛟)[109]
1.2. Quân Ðội Ðiều Ðộng
1.2.1. Quân chính quy
Theo những chi tiết ghi trong các tài liệu của Thanh triều (Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược, Thanh Cao Tông Thuần Hoàng Ðế Thực Lục, Thanh Sử Cảo, Ðông Hoa Tục Lục và các sổ sách của Bộ Hộ, Bộ Binh …) được Lai Phúc Thuận (賴福順) tổng kết trong Càn Long Trọng Yếu Chiến Tranh chi Quân Nhu Nghiên Cứu (乾隆重要戰爭之軍需研 究) thì quân Thanh chia làm hai đạo chính: Quảng Tây và Vân Nam.
1.2.1.1. Lưỡng Quảng
Thoạt tiên nhà Thanh điều động 5,000 quân Quảng Ðông, 10,000 quân tỉnh Quảng Tây, tổng cộng là 15,000 người. Về sau Tôn Sĩ Nghị thấy 15,000 không đủ nên lạiđiều động thêm 3,000 lính nữa từ Quảng Ðông, 3,500 lính từ Quảng Tây nâng con số mặt đông lên tổng cộng 21,500 người, nếu tính cả phu dịch chăn ngựa thì vào khoảng 23,000 Thanh binh các loại.
Tháng Giêng năm Càn Long thứ 54 (Kỷ Dậu, 1789), sau khi triệt binh, nhà Thanh lại đưa thêm 3,000 quân tỉnh Quảng Ðông, 2,100 quân tỉnh Quảng Tây đến Nam Quan chia ra các nơi phòng thủ, ngoài ra tổng binh trấn Hữu Giang là Vương Lâm cũng điều động từ 900 đến 1,400 quân chia ra canh phòng các cửa ải thuộc phủ Trấn An. Quân số chính thức của hai tỉnh Quảng Ðông – Quảng Tây dùng vào chiến dịch vào khoảng 3 vạn người (mặc dù một số binh sĩ chỉ mới điều động nhưng chưa di chuyển sang nước ta), không tính phu phen và thổ binh, hương dũng.
1.2.1.1.1 Quảng Ðông:
Quân Quảng Ðông từ Quảng Châu đưa tới, theo đường thủy đến phủ Triệu Khánh, qua huyện Phong Châu ra khỏi cảnh giới [biên giới hai tỉnh Quảng Ðông – Quảng Tây] vào huyện Thương Ngô, phủ Ngô Châu (Quảng Tây) đi qua phủ Tầm Châu, Nam Ninh đến bến đò huyện Tuyên Hóa, rồi từ đó đi theo đường bộ đến huyện Sùng Thiện, phủ Thái Bình, từ châu Ninh Minh mà qua Nam Quan để vào nước ta.
Năm ngàn quân (đợt I) điều động từ tỉnh Quảng Ðông gồm có bao quát (quân địa phương) và đề tiêu (quân trực thuộc đề đốc) mỗi đội 1,500 người, cánh tả, cánh hữu mỗi cánh 1,000 người, do hai tổng binh Trương Triều Long, và Lý Hóa Long chỉ huy, chia từng đội 500 người tổng cộng là mười đội lần lượt kéo đến biên cảnh Quảng Tây. Những quân này là quân mới đánh Ðài Loan, phần lớn vừa trở lại quân doanh thì đã bị xuất chinh lần nữa.
Quân Quảng Ðông vào huyệân Thương Ngô (Quảng Tây) thì đã ra khỏi địa giới tỉnh mình, chiếu theo qui định về quân nhu thì khi nào còn ở bản tỉnh – từ lúc xuất quânđến khi tới giáp giới hai tỉnh – chỉ mang theo gạo ăn, không cần mang muối hay đồ ăn, còn khi đã rời khỏi bản tỉnh thì tất cả gạo muối thức ăn đều được chu cấp. Nếu thắng trận trở về thì đến bản tỉnh cũng chỉ phải mang theo gạo ăn, quan viên các tỉnh sẽ ứng chiếu cung cấp dân đinh phục dịch những nhu cầu khác.
Quan binh tỉnh Quảng Tây chiếu theo như thế mà cấp, chỉ có đến Nam Quan rồi, ở nội địa thì theo luật trong nước, ra khỏi quan thì theo luật xuất cảnh. Thế nhưng Tôn Sĩ Nghị lại ra lệnh cho những viên chức biện sự, quan binh từ khi chưa xuất cảnh cũng chiếu theo chiết giảm thực phẩm, định rằng mỗi người quan binh mỗi ngàyđược phát lương hai lần, phó tướng 1 tiền 6 phân, tham tướng, du kích 1 tiền, đô ti 7 phân, thủ bị 6 phân, thiên, bả tổng cho chí ngoại ủy 4 phân, tiền đó bao gồm cả gạo lẫn đồ ăn, muối mắm. Lính 2 phân, còn binh đinh, căn dịch (lính chăn ngựa), dư đinh (phu phen) mỗi ngày được 8 hợp 3 dược gạo.[110]
Cứ tính theo lương bổng lúc bình thời, việc cấp dưỡng như thế bị giảm bớt nhiều, nếu tính một tháng thì phó tướng bị bớt đi 2 lượng 4 tiền, tham tướng, du kích 1 lượng 2 tiền, đô ti 9 tiền, thủ bị 6 tiền, thiên thống 8 tiền, bả tổng, ngoại ủy 3 tiền, binh lính phu phen 3 tiền. Ðổ đồng ra lương lậu bị giảm khoảng 30%, trong đó thiên tổng, binh đinh bị giảm nhiều nhất.[111]
Vào thời kỳ này bên ngoài cũng như bên trong Nam Quan, mưa dầm rất nhiều, đường đi lại càng khó khăn, mấy năm liền bị hạn hán nhưng từ vào thu đến nay lại quá nhiều nước, nhiều đoạn đường núi bị ngập. Từ Nam Quan đến Thăng Long, đường khoảng 600 dặm, đi qua ba con sông Thọ Xương, Thị Cầu, Phú Lương, nước sông chảy xiết, binh mã qua lại rất khó khăn, phải đến trung tuần tháng Mười trời tạnh ráo, đại binh lúc ấy mới tiến qua được. Bốn ngàn quân lính phòng thủ các ải của tỉnh Quảng Tây vì bị mưa dầm nên rất đông người bị bệnh. Còn quân của tỉnh Quảng Ðông bị điều đi từ cuối tháng Chín, mất 10 ngày từ mồng 1 đến ngày 11 tháng Mười [29-10 đến 8-11-1788] tất cả mới ra khỏi cảnh giới nhưng phải sau ngày 20 tháng Một [17-12-1788] mới đến được Nam Quan.
Tôn Sĩ Nghị không đợi cho quân Quảng Ðông đến đủ số đã ra lệnh phát binh, đích thân hối thúc quan binh, cho rằng đã trễ lắm rồi. Thế nhưng thời đó bên ngoài Nam Quan trời mưa tầm tã, quân có đi cũng ướt át lầy lội, nếu ra khỏi cửa quan rồi đứng lại chờ thì cũng thế, đành phải đợi đến trung tuần tháng Mười về sau, trời tạnh ráo mới tiếp tục đi.
Ngày 28 tháng Mười, giờ Mão [25-11-1788] quân Thanh tế cờ mở cửa ải tiến qua. Tôn Sĩ Nghị đích thân đưa 3,800 quân tỉnh Quảng Tây, thêm 1,500 quân tỉnh Quảng Ðông, tổng cộng 5,300 người xuất phát, tới Lạng Sơn thì đóng quân đợi viện binh. Ngày 12 tháng Một [9-12-1788], thêm 3,500 quân Quảng Ðông, 1,200 quân tỉnh Quảng Tây đến, Tôn Sĩ Nghị phân bố 2,000 quân phòng thủ trên đường đi, đưa 8,000 quân tiến lên.
1.2.1.1.2. Quảng Tây:
Về tỉnh Quảng Tây, ngoài 5000 quân bản bộ, Tôn Sĩ Nghị cũng điều động 4000 quân đang trấn giữ ở Nam Quan và các cửa ải, lại tuyển thêm 1000 quân bổ sung thành 5000 người nâng quân số của tỉnh Quảng Tây lên tổng cộng 10,000 người.[112] Ngoài lính ra, Quảng Tây còn mang theo 423 con ngựa, về sau tăng viện 3,500 binh sĩ, tổng cộng 13,500 quân và 423 ngựa.
Tính như thế tổng cộng số quân do Tôn Sĩ Nghị trực tiếp chỉ huy bao gồm hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây là 21,500 quân và 751 con ngựa. Trong số này, khoảng chừng 18,000 người qua Nam Quan tiến vào Thăng Long, 5,000 còn lại chia thành ba toán, 2,000 người ở lại phòng thủ Lạng Sơn, 1300 người chia ra canh gác 17 kho lương thực được thành lập dọc theo tuyến đường từ Lạng Sơn đến kinh đô, 1700 người khác chia ra canh phòng các nơi hiểm yếu.[113]
Ðường qua nước ta lắm rừng nhiều núi, súng lớn (大礟) không thể mang theo được nên chỉ đem được loại nhỏ hơn gọi là phách sơn pháo (劈山礟) vì tương đối gọn nhẹ dễ vận chuyển. Có điều Quảng Tây lại không được trang bị loại súng này, Tôn Sĩ Nghị phải điều động đem 20 khẩu phách sơn pháo từ Quảng Ðông sang.
1.2.1.2. Vân Quí
Các phủ Khai Hóa và Lâm An của Vân Nam thông với An Nam, trong đó huyện Mông Tự tiếp giáp với trấn Hưng Hóa của nước ta, từ Lâm An đến biên giới khoảng chừng hơn 30 trạm, từ biên giới Hưng Hóa đến Thăng Long, xa gần thế nào, qua những vùng nào thì quân Thanh cũng không biết đích xác. Từ Lâm An đến biên giới phải qua 3 con sông, đều phải qua đất của dân thiểu số, chướng khí rất nặng, nước sông tuy chảy xuôi nhưng lại không có thuyền bè gì mà qua được, cũng chẳng biết làđi đến đâu. Một đường do phủ Khai Hóa tới Mã Bạch Quan rồi qua Tuyên Quang xuống Thăng Long, lộ trình phải qua hơn 20 trạm, gần hơn lối Mông Tự, khí hậu cũng dễ chịu hơn, lại không xa đất Cao Bằng, Lạng Sơn.
Ngày 15 tháng Chín [13-10-1788], tổng đốc Vân Quí là Phú Cương phụng chỉ điều 3,000 quân từ ba phủ Khai Hóa, Lâm An, Quảng Nam (thuộc Vân Nam), lại sai tổng binh Khai Hóa Tôn Khởi Giao đưa thêm 2,000 quân của hai phủ Lâm An, Khai Hóa đến đóng tại Mã Bạch Quan, cùng với 3,000 người ở các doanh khác, định ngày mồng 10 tháng Một sẽ cùng đến biên giới nước ta.
Ngày 13 tháng Một [10-12-1788], Phú Cương dẫn 1,000 binh đến Mã Bạch, cộng thêm 2,000 quân trú đóng sẵn nơi đây chia thành từng đội định ngày 17 [14-12] ra khỏi cửa ải. Tuy nhiên vì phu lương chưa đủ nên phải hoãn lại đến giờ Thìn ngày 20 [17-12] mới khởi trình, 3,000 binh chia làm ba ngả sai phó tướng Ðịnh Trụ điđầu, Phú Cương, Ô Ðại Kinh dẫn hai đội theo sau. Còn những binh lính chưa tới kịp thì sau đó sẽ đi.
Theo Sư Phạm trong Chinh An Nam Kỷ Lược thì cánh quân Vân – Quí điều động 20,000 dân phu, chia ra để vận chuyển 25 đài trạm. Ngoài ra họ cũng dùng đến 2000 con ngựa và 2000 con bò để chuyên chở lương thực.
Ra khỏi cửa ải đường rừng rậm rạp, lộ trình càng thêm hiểm trở, 1000 lính thuộc phủ Quảng Nam và 500 lính thuộc phủ Phú Châu thông thạo đường lối nên đi trước dẫn đường. Quân Thanh phải đi qua những triền núi rất hẹp, leo trèo, dắt díu nhau mà tiến theo hàng một, mỗi ngày chỉ đi được ba bốn chục dặm.
Tính như thế tổng cộng tất cả quân số của Vân Nam – Quí Châu sử dụng là 8000 người do Ô Ðại Kinh và Ðịnh Trụ chỉ huy nhưng đợt đầu tiên chỉ đem 3000 quân đi trước, 5000 quân đóng tại biên giới chờ lệnh. Theo tài liệu của nhà Thanh, tổng đốc Vân Quí Phú Cương tình nguyện chỉ huy 5000 quân cùng với đề đốc Ô Ðại Kinh xuất quan nhưng vua Cao Tông không bằng lòng, lấy lý do là một đoàn quân không thể có hai nguyên soái ngang nhau, không người nào dưới người nào.[114] Thành thử khi ra khỏi cửa ải chỉ có Ô Ðại Kinh và Ðịnh Trụ mà thôi.
1.2.2. Quân phụ trợ
1.2.2.1. Thổ binh
Các trấn, hiệp, doanh tại đốc phủ đề lân cận cũng được lệnh chuẩn bị thêm vài nghìn quân để điều động sau, tính ra riêng tỉnh Vân Nam cũng đã dự bị cả thảy hơn một vạn quân. Ngoài ra còn thổ quan châu Bảo Lạc là Nông Phúc Tấn (農福縉) cũng tình nguyện đem 2000 quân đi theo, Tôn Sĩ Nghị liền sai y tấn công Cao Bằng. Thổ ti Ðiền châu (田洲) là Sầm Nghi Ðống (岑宜棟) cũng dẫn 2000 thổ binh đến Thái Bình [Quảng Tây] đi theo quân Thanh.[115] Ngoài ra còn thổ quan (quan lại người thiểu số ở các vùng trung, thượng du nước ta) Ðô Long (都龍) là Hoàng Văn Trăn (黃文溱) và thổ quan Bảo Thắng (保勝) là Hoàng Văn Thao (黃文韜) cũng đem quân đi theo để đánh Tây Sơn. Riêng mạc hữu xưởng Ba Bồng (波篷) là Lâm Tế Thanh (林際清) được nhà Thanh đặc thưởng hàm tri huyện, thống suất những người trong xưởng đi theo quân Thanh.
Ở cánh quân Vân Quí, nhà Thanh cũng điều động 1,500 thổ binh vùng biên giới Hoa – Việt để dẫn đường nhưng cánh quân này không đụng độ với quân Nam thì đã rút về nước. Tổng số thổ binh như vậy vào khoảng 5,500 quân mặc dầu không ít quân của một số châu huyện phía bắc nước ta cũng nhân dịp này tiếp tay với địch, gia nhập đoàn quân viễn chinh.
1.2.2.2. Mã phu
Quan binh hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây cùng các phu phen, binh lính chuyên chở lương thảo, đường bộ và đường thủy, tốn phí tổng cộng hơn 70,800 lượng bạc. Năm Càn Long thứ 53, tỉnh Quảng Ðông điều động 5000 quân, đem theo 266 con ngựa, Quảng Tây điều động 10,000 quân cùng 423 con ngựa. Năm Càn Long thứ 54 lại điều thêm 3000 quân tỉnh Quảng Ðông, thêm 62 con ngựa, tỉnh Quảng Tây thêm 3,500 binh sĩ nhưng không đem thêm ngựa. Theo tiêu chuẩn mỗi con ngựa là 2 người phu thì họ phải điều động thêm khoảng 1500 dân phu để phục dịch cho 751 con ngựa, riêng cánh quân phía đông (Lưỡng Quảng) tổng cộng cả lính lẫn phu chăn ngựa lên khoảng trên dưới 23,000 người. Cũng nên nói rõ là ngựa mà quân Thanh dùng trong chiến dịch không phải là loại ngựa chiến mà là loại ngựa bản địa, nhỏ nhưng dai sức để dùng cho quan quân cưỡi và chở đồ đạc, súng đạn.[116]
Ngựa được nuôi bằng đậu mà tỉnh Quảng Tây không sản xuất được đậu nên khi đi qua châu huyện nào thì các trạm sẽ ứng chiếu cung cấp bốn thăng thóc, mỗi thạch trả cho 4 tiền, 10 cân cỏ tính thành một bó.
Ra khỏi cửa ải rồi (tức qua bên nước ta) trên đường tới Thăng Long vì đường đi gập ghềnh hiểm trở, đất bằng rất ít, ngựa không thể đi nhanh nên tính theo lối cũ, mỗi con ngựa ngày cho ăn 4 thăng đậu như lúc bình thời nuôi doanh mã, thêm 5 thăng 3 hợp 3 dược thóc nhưng vì ra ngoài không có thóc cho ngựa ăn nên đổi thành 2 thăng 6 hợp 6 dược gạo và 2 bó cỏ, chiếu quân nhu tính giá là 2 phân bạc.
Những quan binh không có ngựa thì chiếu tiền nuôi ngựa mà cấp cho để trả phu phen. Tổng kết lần này quan binh Lưỡng Quảng, cả lính lẫn ngựa cùng phu phen, hao phí 22,153 lượng bạc, gạo 2,804 thạch gạo. Những quan đi ngựa trên bộ, mỗi con ngựa được cấp hai người phu, còn những phu phen, ngựa cần thêm thì các trạm tùy theo nhu cầu mà cung ứng, nếu không có đủ thì bắt thêm dân phu. Phu phen cứ theo lệ mỗi người được trả 5 phân bạc, không có gạo nhưng lần này ở quan nội thì mỗi người được 5 phân, ra quan ngoại thì được 8 phân, mỗi ngày được một thăng gạo. Trước đây khi ra đánh các vùng quan ngoại (miền bắc) thì ngựa cho thả rong kiếmăn nhưng lần này Thanh triều phải cấp gạo cỏ cho ngựa vì tình hình địa thế không giống nơi khác.
1.2.2.3. Dân phu
Ngoài thành phần lính chính qui, quân Thanh còn có thêm những đoàn dân phu đi theo để chăn ngựa, khuân vác nhưng không rõ rệt là bao nhiêu, được sử dụng theo từng công tác hay đi kèm theo với quân đội. Ðể làm công tác vận tải súng ống, quân dụng, canh giữ và chuyển vận lương thảo … đóng rải rác dọc theo trục lộ tiến quân hay phục dịch tại mặt trận họ cũng điều động một lượng dân phu tính ra còn đông hơn cả binh sĩ.
Số người này phần lớn là dân chúng vùng nam Trung Hoa bị bắt đi làm công không lương (được cơm ăn trong số gạo họ mang vác) và cả một số người Việt tại các vùng biên giới. Riêng cánh quân Quảng Tây đã lên đến 54,000 người. Con số dân phu Vân Quí như trên đã viết là 20,000 người để vận chuyển 40,000 thạch gạo. Ngoài ra, dân phu thường xoay chuyển (rotation) hết đoàn này đến đoàn khác nên qua lại nhộn
* thạch: 125 cân khoảng 74.5 kg (đời Thanh).
Ngày xưa, đơn vị đo lường 10 hợp thành một thăng, 10 thăng thành một đấu, 10 đấu thành 1 thạch.
Như vậy tính đơn giản thì 1 thăng khoảng 745 gram, 1 đấu khoảng 7.45 kg.
2. TIẾP LIỆU
2.1. Binh Lương
Khó khăn về tiếp liệu cho quân đội vẫn là trở ngại lớn lao nhất mỗi khi quân Tàu sang đánh nước ta.[117] Ðể giải quyết vấn đề lương thực, Tôn Vĩnh Thanh tâu lên vua Càn Long để tạm thời đặt tổng hành dinh tại phủ Thái Bình (Quảng Tây) do quận đạo Diên Kiến (延建) là Lục Hữu Nhân (陸有仁) phối hợp với tri phủ Thái Bình Lâm Hổ Bảng (林虎榜) cùng lo toan. Khi quân ra khỏi Nam Quan rồi thì lúc ấy binh lương sẽ do các lương trạm (糧站) cung ứng. Các lương trạm này do Hữu GiangÐạo Tống Văn Hình (宋文型) cùng tri phủ Nam Ninh Cố Quỳ (顧葵), tri phủ Trấn An Trần Ngọc Lân (陳玉麟) quản lý. Ðể chi phí, ngoài số lượng hơn 30 vạn lượng bạc tồn ngân của tỉnh Quảng Tây, Tôn Vĩnh Thanh phải tâu về triều để yêu cầu các tỉnh phụ cận phụ thêm hơn 50 vạn lượng nữa cho đủ chi dụng.[118]
Riêng hai tỉnh Lưỡng Quảng, phu phen và tiền chuyên chở cả bộ lẫn thuỷ để từ các nơi tập trung đến cửa Nam Quan trước khi ra đi cũng đã tốn 70,800 lượng bạc. Còn về ngựa thì phải nuôi bằng đậu mà tỉnh Quảng Tây không sản xuất được nên các trạm sẽ phải thay thế bằng thóc, mỗi thạch tính giá 4 tiền, còn cỏ thì mười cân tính thành một bó. Sau khi ra khỏi ải, đường đi từ Nam Quan đến Thăng Long gập ghềnh khó đi, hiểm trở nên không thể đi nhanh, ngựa cho ăn theo lối cũ, mỗi ngày 4 thăng đậu thêm 5 thăng, 3 hợp, 3 dược thóc nhưng vì không có thóc nên đổi thành 2 thăng, 6 hợp, 6 dược gạo và 2 bó cỏ, chiếu quân nhu tính thành tiền là 2 phân bạc.
Những quan binh nào không có ngựa thì chiếu tiền nuôi ngựa mà trả cho phu phen. Quan đi ngựa trên bộ thì mỗi con được cấp hai mã phu, đi đến trạm nào thì trạm ấy phải lo, nếu không có mã phu thì bắt dân phu thay thế. Phu theo lệ mỗi người là 5 phân bạc, ra khỏi nước thì được 8 phân và một thăng gạo.
Quân của tỉnh Quảng Ðông đi từ Quảng Châu tới theo đường thủy đến Triệu Khánh, qua Tầm Châu rồi đi theo đường bộ đến Ninh Minh để qua Nam Quan. Quân Thanh chia thành từng đội mỗi đội 500 người, phải tự mang gạo nhưng muối và đồ ăn tới đâu thì quan lại địa phương cung cấp, chỉ khi đã qua khỏi Nam Quan vào địa giới nước ta thì mới được hưởng luật xuất cảnh. Cũng theo Lại Phúc Thuận, viên chức và binh sĩ được cấp phát theo biểu xuất sau đây:
Tiền này là tiền lương bao gồm cả gạo lẫn đồ ăn, mắm muối cho một ngày. Theo tính toán của Lai Phúc Thuận, nếu tính ra lương tháng thì đổ đồng mỗi người mất đi 1/3 lương, quả là một thiệt thòi lớn. Có điều chúng ta không rõ khi bớt lương như thế, các quan binh có được hứa hẹn gì về việc truy lãnh sau này, hay trợ cấp gì cho gia đình không. Tuy nhiên điều đó cũng xác định rằng công khố của nhà Thanh ở địa phương hay trung ương cũng đều kiệt quệ nhất là vào thời gian này, Thanh triềuđang tập trung tài vật chuẩn bị buổi tiệc thọ bát tuần của vua Càn Long, một đại lễ hết sức tốn phí và huy hoàng năm 1790. Nhà Thanh cũng phải đúc thêm một loại tiền đặc biệt để dùng trong chiến dịch đánh Ðại Việt, một mặt có bốn chữ Càn Long Thông Bảo (乾隆通寶) một mặt có hai chữ An Nam (安南).[119]
Ðây là loại tiền đúc ra để tiêu trên đất nước ta và giá trị của nó tùy theo hàng hóa có thể mua được[120] là nỗ lực của Thanh triều đẩy việc binh lương sang dân An Nam, trên danh nghĩa thì vẫn là mua thực phẩm nhưng thực ra họ không tốn phí gì bao nhiêu, đã không mất của lại chẳng tốn công chuyên chở từ Trung Hoa sang. Việc thúc bách đó Tôn Sĩ Nghị giao cho vua Chiêu Thống nên dân chúng chỉ nghĩ rằng vua Lê gom góp thóc lúa dâng cho giặc mà thực ra ông cũng chỉ là nạn nhân.
Theo như sử sách thì quân Thanh không điều động bát kỳ binh (tức quân Mãn Châu) mà chỉ dùng Hán quân (tức Lục doanh). Ngoài ra họ còn sử dụng một số lớn thổ binh tức là những cánh quân riêng trực thuộc những thổ ti, thổ hào, châu mục, tù trưởng … các dân tộc thiểu số ở khắp miền tây nam Trung Hoa (và một số ở miền bắc nước ta, biên giới Hoa Việt). Dẫu cho đoàn quân ngoại nhập này có được sự hưởng ứng và tiếp tay của quân binh nhà Lê cùng một số Hoa kiều đang sinh sống trênđất nước ta, tổng số binh sĩ chiến đấu dưới quyền Tôn Sĩ Nghị không quá 5 vạn người (mặc dầu số dân phu có thể thêm nhiều vạn người khác) trong số đó một phầnđược phân chia để giữ các trục lộ tiến quân và vận chuyển lương thảo nên con số vào được đến Thăng Long để chia ra trú đóng phải thấp hơn. Bỗng dưng có thêm hàng chục vạn người ở khắp nơi hẳn sinh hoạt bình thường của quần chúng bị xáo trộn và vì thế con số được thổi phồng hơn cả sự thực.[121]
Riêng tại kinh đô, quân Thanh được trải mỏng ra nhiều khu vực ngoại ô để bảo vệ cho chủ tướng. Ðó cũng là lý do tại sao nhiều tài liệu của Âu Châu cho thấy quân Thanh trông rất nhếch nhác, đi đâu mang cả nồi niêu vật dụng thật bệ rạc. Số lượng đông đảo như thế trú đóng ở một thành phố nhỏ bé như Thăng Long thời đó quả là một vấn đề, việc ăn ở sinh hoạt không đơn giản, dễ dàng gây ra bệnh truyền nhiễm, dịch tễ … còn nguy hiểm hơn cả chiến tranh. Các phủ đệ của vua Lê và chúa Trịnh khi ấy cũng đã bị phá tan hoang rồi nên quân Thanh phải đóng quân ở bên ngoài, thời tiết khắc nghiệt của năm ấy khiến cho họ lâm vào cảnh hết sức khốn khổ lúc nào cũng chỉ mong được trở về đoàn tụ với gia đình nhất là vào dịp cuối năm.
2.2. Liên Lạc
Hai đường xuất binh Quảng Tây, Vân Nam thì việc truyền tin của quân Thanh về triều đình cũng chia làm hai nhánh.
Cánh quân Quảng Tây theo đường đi từ Trực Lệ qua Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, các tỉnh phía trên Hồ Bắc thì từ Võ Xương xuống phía nam qua Nhạc Châu, Hồ Nam, Trường Sa, Hành Châu vào cảnh giới Toàn Châu, Quảng Tây, qua Quế Lâm, Liễu Châu, Thái Bình rồi trở lại Ninh Minh, đi qua Nam Quan, xuống Lạng Sơn tới Thăng Long. Từ Hồ Nam về bắc thì sử dụng các dịch trạm để truyền tin, không phải thêm đài trạm, còn tỉnh Quảng Tây vốn dĩ chưa thiết lập dịch trạm, từ Toàn Châuđến biên giới tới Nam Quan tổng cộng là hơn 1800 dặm đã sắp xếp 35 chỗ chính trạm, yêu trạm (trạm phụ), tùy theo đường bằng phẳng hay khó đi, lộ trình xa hay gần mà mỗi trạm đặt từ 1 đến 20 con ngựa, dùng tất cả 580 con.
Từ Nam Quan đến Thăng Long, thiết lập 18 trạm thông tin, mỗi trạm đặt 20 con ngựa, tổng cộng 360 con, nhu cầu cả thảy 940 con ngựa, do những châu ở quan nội có sản xuất ngựa đem đến. Còn như đường từ Thăng Long xuống Thuận Hoá, phỏng chừng phải đặt hơn 50 trạm, tùy theo đường sá phẳng hay hiểm trở mà đặt 10 hay 12 con, tính ra khoảng 5 đến 600 con ngựa nữa, sẽ phải xuất tiền ra mua nhưng về sau Tôn Sĩ Nghị thua trận chạy về nên việc này bãi bỏ.
Còn về trong địa hạt tỉnh Quảng Tây các phủ Quế Lâm, Liễu Châu, Tư Ân, Nam Ninh, Thái Bình đường đi lắm cầu khỉ, hiểm trở khó dùng ngựa, đi bộ thuận tiện hơn. Các tấu chương hay văn báo và tin tức quan binh, dân phu, những nơi người ngựa khó qua lại thì phải tu sửa còn khe suối rãnh thì phải bắc cầu nổi để qua, từ Nam Quan trở xuống có ba con sông phải làm cầu bằng tre bắc ngang để dễ dàng cho việc truyền tin tức quân sự.
Cánh quân Vân Nam thì việc truyền tin phải đi qua các tỉnh Trực Lệ, Hà Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Quí Châu, từ Bình Di (平彝) vào địa giới Vân Nam thì từ tỉnh Vân Nam chuyển qua Khai Hóa, tới Mã Bạch Quan rồi ra khỏi biên cảnh đi tới Tuyên Quang của An Nam, cả thảy thiết lập 25 đài trạm, còn từ Tuyên Quang đến Thăng Long lập thêm 15 trạm, cả thảy 40 trạm để truyền tin tức quân sự.[122]
So sánh với những chiến dịch khác (trong 10 chiến dịch của nhà Thanh đời Càn Long) thì việc truyền tin của chiến dịch này dễ dàng hơn nhiều, giao tranh lại cũng ngắn ngủi, tổng đốc Tôn Sĩ Nghị chỉ phải sử dụng có 5 cái tráp (là loại hộp có khoá được niêm phong để truyền tin quân cơ từ chiến trường về triều và ngược lại), nhưng vua Cao Tông cũng đã sắp xếp nếu như tin tức binh nhung truyền đạt không sai sót thì binh đinh các dịch trạm cũng được khen thưởng.
3. CHIẾN SỰ TỪ LẠNG SƠN ÐẾN THĂNG LONG
Sau khi được lệnh, quân Thanh chia hai ngả kéo sang nước ta. Cánh quân Quảng Ðông vì điều động từ nhiều nơi nên mãi đến 20 tháng Mười trước sau mới tới được Nam Quan. Ðược cái vào mùa này thời tiết tương đối tạnh ráo nên việc di chuyển cũng không mấy khó khăn. Tôn Sĩ Nghị không đợi cho quân các nơi tới đủ, truyền lệnh cho đề đốc Hứa Thế Hanh tập trung cánh quân Quảng Tây ngày 28 tháng Mười, giờ Mão [25-11-1788] tế cờ mở cửa quan tiến qua.[123]
Từ Nam Quan đến Lạng Sơn đường sá còn bằng phẳng dễ đi nên khi đến thị trấn rồi, Tôn Sĩ Nghị ra lệnh cho quân nghỉ lại 2 ngày chờ quân ở sau đi tới rồi mới tiếp tục. Ngoài Lạng Sơn phải qua một con sông (sông Kỳ Cùng), hàng tướng nhà Tây Sơn là Phan Khải Ðức cho chặt tre làm bè kết thành cầu phao quân Thanh mới quađược.
Ngày mồng một tháng Một năm đó, Tôn Sĩ Nghị bàn với Hứa Thế Hanh chia quân thành hai ngả:
– Ðạo quân thứ nhất theo phía trái đường Mai Pha (枚坡) do tri huyện Lâm Tế Thanh dẫn xưởng dân (tức phu phen từ bên Tàu sang khai mỏ ở nước ta) và đám quân cần vương dẫn lộ. Ðường phía này vừa hẹp vừa hiểm trở nên chỉ có 1000 quân Thanh đi theo.
– Ðường thứ hai theo Giang Hán (江漢) ở cánh hữu tỉnh Lạng Sơn do Phan Khải Ðức tuyển thổ binh đưa lối,[124] đi theo các ngả Nhân Lý (仁里), Ðường Giáp (唐甲), Mai Tiêu (枚梢), Quang Lang (桄榔) … Phía này đường tương đối rộng rãi dễ đi, chính là đường mà xưa nay sứ thần nước ta vẫn dùng mỗi khi qua Tàu. Tuy nhiên vào thời kỳ này, vì tình hình loạn lạc nên trộm cướp nổi lên như rươi, không ai dám qua lại. Suốt đoạn đường này chỉ có hai chỗ tương đối khó đi là Núi Mẹ Con (Mẫu Tử Lãnh) và Úy Thiên Quan (tên thường gọi là Quỉ Môn Quan).[125]
Tôn Sĩ Nghị tiến quân theo đường Lạng Sơn thấy nơi nơi nhà cửa tiêu điều, xóm làng tan nát vì chiến tranh lâu nay, nhiều nơi còn cả xương trắng lẫn xác người thối rữa. Ngày mồng 6 tháng Một, đốc tiêu quân tỉnh Quảng Ðông lại tăng viện thêm 1000 người nữa.
Ðoàn quân đi theo hướng Mai Pha vì đường khó đi nên lại phải chia thành hai nhánh, một đội theo lối Ðài Cao (苔高) và Cúc Thung (菊椿), một đội vẫn theo lối Mai Pha rồi gặp lại ở Gia Quan (嘉關). Quân Tây Sơn đóng ở Gia Quan nghe thanh thế quân Tàu quá lớn nên rút lui để bảo tồn lực lượng, giao binh khí, súng ống, thuốc nổ lại cho thổ quan Phan Khâm Doãn (潘欽允) thống lãnh dân chúng chống giữ nhưng khi quân Thanh tới vây đánh, Phan Khâm Doãn và Hoàng Ngọc Bá (黃玉伯) liền ra hàng.
Quân Tây Sơn rút về giữ Tiên Lệ (先麗), Cần Dịch (芹驛), Ha Hộ (訶戶),[126] Trụ Hữu (柱右), dựa vào thế đất hiểm trở để ngăn giặc. Vì quân Thanh còn đang tiếp tục tiến qua, Tôn Sĩ Nghị ra lệnh cho đóng quân lại chờ cho đủ để cùng tiến.
Trong khi quân Tàu đưa quân tiếp viện, cả đường bộ lẫn đường thủy, một biến cố nhỏ đã xảy ra. Một số thuyền của quân Thanh từ Quảng Ðông theo đường biển (có lẽ là chở lương thực hoặc đi dò thám vì sử sách không đề cập đến việc Trung Hoa có đủ chiến thuyền để tổ chức thành một cánh quân đi theo hải đạo) bị bão thổi, một viên bả tổng tên là Hứa Xương Nghĩa (許昌義)[127] cùng 40 tên lính bị gió thổi dạt xuống Nghệ An, được quan An Nam đưa về Thăng Long, do giám quốc Lê Duy Cẩn đứng ra nuôi ăn, sau đó chia bọn Hứa Xương Nghĩa và 40 tên lính thành hai đội đưa trả về doanh trại cho Tôn Sĩ Nghị. Cứ theo lời bẩm của Hứa Xương Nghĩa thì viên Ðại Tư Mã và thủy binh Ðô Ðốc tại Thăng Long ngày ngày thao diễn thủy quân, lại đóng nhiều thuyền lớn trên sông Phú Lương, thuyền nào hai bên cũng có rất nhiều mái chèo, trong thuyền có để súng lớn, các viên đạn sắt mỗi viên ước chừng 2, 3 mươi cân.[128]
Cho đến lúc này, bản thân Lê Duy Kỳ vẫn còn bị quân Tây Sơn săn bắt ráo riết nên tiếp tục trốn tránh, phần khác tình hình không lạc quan như các lời tâu của đám tòng vong cho rằng một khi quân Thanh tiến qua cửa ải ắt dân chúng sẽ nổi lên chống lại Nguyễn Huệ. Chính vì thế, Tôn Sĩ Nghị cũng hoang mang nên đã gọi những bầy tôi nhà Lê đến trách cứ về việc chưa thấy Lê Duy Kỳ ra mặt.
Nếu như Lê Duy Kỳ thất tung hay đã chết, nhà Thanh sẽ khó có thể nói cho xuôi được việc đem quân sang nước ta.[129] Tôn Sĩ Nghị vội vàng tính một đường khác, tâu lên xin cho hoàng đệ Lê Duy Chỉ tạm coi việc nước nhưng vua Càn Long gạt đi e rằng một khi Lê Duy Kỳ xuất hiện, hai anh em sẽ có tranh chấp, nếu không tìm thấy vua Lê thì khi tình hình yên ổn sẽ lập Lê Duy Thuyên là đích truyền của vua Hiển Tông [con của Lê Duy Kỳ đang ở với mẹ và bà nội tại Nam Ninh, Trung Hoa] lên làm vua.[130]
Không phải chỉ dự trù việc phong vương, vua Càn Long lại phá lệ cho đúc sẵn ấn và sắc giao cho Tôn Sĩ Nghị mang theo để làm lễ trao lại. Chính vua Càn Long đãviết:
Theo định lệ của bản triều đối với Triều Tiên, Lưu Cầu, An Nam nếu muốn xin phong vương thì trước hết người kế thừa ngôi vua phải tâu lên, triều đình sẽ sai chánh phó sứ thuộc bộ Lễ sang làm lễ sách phong, sau đó tự vương sẽ sai bồi thần mang biểu và lễ vật đến kinh sư tạ ân.
Tháng Mười năm ngoái, khi Tôn Sĩ Nghị tâu lên xin xuất quan, ta nghĩ rằng việc chinh thảo ắt sẽ lập lại nhà Lê theo cách cũ nên tuy không đúng thể chế (vẫnđịnh rằng) khi chiếm lại Lê thành liền sách phong cho Lê Duy Kỳ để thu phục nhân tâm…[131]
Theo tài liệu nhà Thanh, việc tổng đốc đại thần của triều đình đích thân sang phong vương sẽ khiến cho nhà Lê có đủ uy tín trị nước, nhân dân tâm phục. Chiếu điển lệ, ấn phong vương cho phiên bang làm bằng bạc mạ vàng, núm ấn hình con lạc đà. Tuy nhiên vì ấn cũ thất lạc nên vua Cao Tông cho đúc ấn mới, chữ khắc có khác điđể nếu như tìm thấy ấn cũ thì không lẫn lộn.[132] Ấn cũ khi đó sẽ trao lại cho nhà Thanh đem về kinh sư tiêu huỷ.
Sử nước ta gần như không đề cập gì đến việc quân ta chuẩn bị nghinh chiến, còn sử Trung Hoa thì chỉ miêu tả đường tiến quân của họ mà thôi. Tuy nhiên rải rác trong một số sử liệu, chúng ta cũng biết được quân Nam không chỉ triệt thoái mà thực tế cũng có sắp xếp với mục đích cầm chân địch để đại quân rút về Ninh Bình. Chính vì tiến quân khá dễ dàng Tôn Sĩ Nghị tưởng rằng quân Tây Sơn đã rút khỏi Bắc Hà trả lại cương thổ cho nhà Lê. Cuộc triệt binh đó êm thắm đến nỗi gần như không ai hay biết và quân Thanh không khỏi phóng đại lên một số chiến công để báo cáo về triều đình.
Bắc Hà thời kỳ đó đang lâm vào cảnh đói kém, một phần vì chiến tranh tàn phá trong nhiều năm, lại thêm thiên tai mất mùa. Theo lời của các quan nhà Lê, mấy năm trước trời hạn hạn lại thêm dịch tễ nên bị nạn đói, đến năm này (Mậu Thân, 1788) thì lại mưa dầm. Ở Thăng Long, Ngô Văn Sở cho xúc tiến việc xây đắp thành luỹ, trai tráng, đàn bà con trẻ đều phải tham gia các công tác lao dịch. Ðể có đủ chi phí, quân Tây Sơn thu thuế “mãi loä”, ai muốn vào thành Thăng Long thì phải đóng tiền từ 20 đến 30 văn.
Việc tận dụng nhân lực và thu góp tài lực, lương thực đã tạo cho đối phương nhiều khó khăn và chính nhà Thanh cũng phải thú nhận rằng họ đã không tìm được đủ gạo thóc mà trái lại còn phải dùng gạo đem sang để nuôi đám quân nhà Lê.
… Ngoài số quân lương cung ứng cho quan binh, lần này ta còn phải phát cho người An Nam ở Lê thành về hàng 3, 4 vạn thạch, đến sau chỉ còn cho được vài trăm thạch còn bao nhiêu phát tiền.[133]
Theo sử nước ta thì vua tôi nhà Lê bị bắt phải cung ứng lương thực cho quân Thanh mà tình hình thê thảm như sau:
… Bấy giờ luôn năm mất mùa, đói kém, nhất là năm này lại càng quá lắm. Quân lính nhà Thanh đóng ở kinh thành rông rỡ cướp bóc; dân chúng lại càng chán ghét. Triều đình đốc thúc lương quân, các châu và các huyện đều không cung ứng. Nhà vua (Lê Duy Kỳ) bèn sai các quan chia nhau làm việc này. Dân chúng có người đến nỗi phải khóc lóc mà dâng nộp. Ðường tiếp tế lương thực quân Thanh thì xa, nên bao nhiêu lương và tiền mà triều đình thu được của dân đều đem cung đốn cho họ hết sạch. Còn vài vạn người vừa nghĩa binh các đạo vừa ưu binh Thanh Nghệ thì đều lòng không dạ trống đi theo việc binh nhung. Lòng người do đấy lại càng chia rẽ tan tác.[134]
Khi nghe tin quân Thanh sắp sửa sang đánh, nội hầu Phan Văn Lân đem 1000 quân lên chỉ huy các phòng tuyến chống giữ. Từ Lạng Sơn đến Thăng Long, đường nhiều núi non, rừng rú rất khó đi, Phan Văn Lân thiết lập nhiều đồn trại mà theo nhà Thanh miêu tả thì là cho nhiều toán quân phục kích sẵn để đón đánh giặc. Một số đồn luỹ bằng gỗ được dựng lên, ngoài đào hào, cắm chông theo lối bố trí của Ðàng Trong. Theo sử nhà Thanh còn để lại, quân ta mai phục sáu nơi, ít thì 1, 2 ngàn người, nhiều thì lên tới 3, 4 ngàn. Tuy nhiên đây chỉ là con số mà Tôn Sĩ Nghị tâu lên để cho chiến công thêm hiển hách, thực sự mỗi nơi quân ta chỉ đóng từ vài chục đến một, hai trăm ngoại trừ các vị trí hiểm yếu dựa vào ba con sông lớn.
Những luỹ đó giao cho thổ quan, thổ binh phòng ngự, chỉ có một số ít là quân sĩ từ Thăng Long lên yểm trợ. Ngoài ba vị trí chính yếu ở ba con sông, quân ta cũngđóng thêm ba vị trí phụ để cầm chân địch mà sử nhà Thanh ghi là Gia Quan – Ha Hộ, Tam Dị – Trụ Hữu, Thọ Xương, Thị Cầu và Phú Lương, dựa vào địa thế hiểm trở để ngăn địch và dùng nghi binh để làm chậm bước tiến quân Thanh. Một khi thấy không chống đỡ nổi, quân Tây Sơn liền rút lui để bảo toàn lực lượng còn thổ binh, thổ quan thấy quân Thanh thế mạnh thường đầu hàng.
Một trong những bất lợi của quân Nam là khu vực Lạng Sơn, vị trí yết hầu để chặn địch thì trấn thủ Phan Khải Ðức đã theo giặc, lại chủ động đóng vai tiên phong đưa quân đánh xuống.
3.1. Trận Thị Cầu
Khi phái đoàn Lê Duy Ðản, Trần Danh Án, Lê Quýnh sang Quảng Tây mang theo tờ bẩm của Lê Duy Kỳ, họ đã xác quyết rằng một khi quân Thanh tiến qua khỏi cửa ải thì vua Lê sẽ tới ngay để cùng với Tôn Sĩ Nghị tiến xuống Thăng Long. Thế nhưng ra khỏi Nam Quan đã gần nửa tháng vẫn chưa thấy bóng dáng Lê Duy Kỳ đâu nên ngày 11 tháng Một năm Mậu Thân [8-12-1788], Tôn Sĩ Nghị sai Lê Quýnh đi tìm vua Chiêu Thống.
Ðến hôm sau, quân hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây đã đến đủ, Tôn Sĩ Nghị lập tức điều động 2000 quân đóng dọc theo bờ sông phòng thủ, 8000 quân còn lại tiếp tục tiến xuống nhưng khoa trương là dưới tay có đến 10 vạn quân.[135]
Trên đường dọc từ Lạng Sơn xuống Thăng Long, quân Tây Sơn đã xây dựng nhiều đồn luỹ bằng gỗ rất kiên cố, chung quanh đào hào cắm chông tre nhưng khi nghe quân Thanh tiến đến, các tướng trấn giữ liền rút lui để bảo toàn lực lượng. Tôn Sĩ Nghị tuyển vài trăm binh đi cùng với bồi thần nhà Lê là Nguyễn Ðĩnh (阮挺) hợp cùng đám thổ binh ra hàng, nhân lúc trời tối theo các khu vực cây cối rậm rạp tiến lên nhưng không gặp phục binh vì quân Nam đã lui về dựa vào các sông lớn ở Thọ Xương (壽昌),[136] Thị Cầu (市球), Phú Lương (富良) án ngữ chống giặc.
Ngày Tân Mùi 13 tháng Một năm Mậu Thân [10-12-1788], tổng binh Thượng Duy Thăng (尚維昇) và phó tướng Tôn Khánh Thành (孫慶成), tham tướng Vương Tuyên (王宣), du kích Tiêu Ứng Ðắc (蕭應得), thủ bị Trương Vân (張雲) dẫn 1200 binh đến bờ sông Thọ Xương thì quân Tây Sơn đã chặt đứt cầu phao lui về giữ nam ngạn. Hôm đó trời sương dầy đặc, thiên tổng Liêu Phi Hồng (廖飛鴻) đem quân vừa bắn vừa đuổi theo, y không biết cầu đã đứt nên cùng với 20 binh sĩ rơi tõm xuống sông may sao níu bè tre trèo lên bờ được.
Quân Thanh vội chặt tre kết bè làm cầu qua sông Thọ Xương theo đường Gia Quan đánh vòng xuống. Tổng binh Trương Triều Long (張朝龍) cũng đem 1500 quân theo đường mòn trên núi tràn xuống Tam Dị (三異). Khi Trương Triều Long đến ranh giới Tam Dị, Trụ Hữu (柱右) thì đụng độ với quân Nam. Quân Tây Sơn chia làm nhiều mặt phân binh theo cờ đỏ, cờ trắng, cờ đen đánh trống tấn công, Trương Triều Long cũng chia binh ba mặt, do tham tướng Dương Hưng Long (楊興龍), du kích Minh Trụ (明柱) và đô ti Phú Tang A (富桑阿), thủ bị Lưu Quang Quốc (劉光國) nghinh chiến, quân ta phải rút lui.
Trương Triều Long lại sai du kích Lưu Việt (劉越) mai phục ở thung lũng, sáng ngày 14 tháng Một [11-12-1788], khoảng 200 quân ta đến đây bị quân Thanh xông ra tấn công phải nhảy xuống khe nước bơi theo dòng trở về. Ngờ đâu quân Thanh do biện viên Trương Phan (張璠) cùng đám xưởng dân (phu người Hoa sang khai thác mỏ ở nước ta) và một số thổ binh quen thuộc địa thế đã đón từ trước trong những khu rừng rậm ở hạ lưu sông Thương đổ ra vây đánh, quân Nam tan vỡ bị địch bắt sống 79 người.[137]
Ngày 12 tháng Một [9-12-1788], quân Thanh do du kích Trương Thuần (張純) và đô ti Châu Ðôn (珠敦) đi theo đường Gia Quan, gặp một đầu mục đội khăn đỏ từ núi cao đổ xuống đánh[138] nhưng bị quân Thanh đẩy lui, mười người bị giết, 13 người bị bắt, người đầu mục bị trúng đạn từ trên ngựa ngã xuống tử trận. Quân ta lập tức lui binh, Trương Thuần đem quân đuổi từ Gia Quan, Vân Long đến Ha Hộ (訶戶) gặp quân của Trương Triều Long từ Tam Dị, Trụ Hữu hai mặt đánh ập xuống, hơn một trăm người bị giết, 52 người bị địch bắt giải về chém đầu thị uy.
Trước đây khi Trần Danh Bính (陳名炳) đem quân tấn công Phan Khải Ðức thấy thế giặc to nên cũng đã bí mật ra hàng, đến khi nhận được thư của Ðại Tư Mã NgôVăn Sở phủ dụ thì quay về đái công chuộc tội, khi đó đóng ở Trụ Hữu đem quân nghinh chiến. Tôn Sĩ Nghị sai Tôn Khánh Thành, thủ bị Lê Chí Minh (黎致明) đem 300 quân đánh úp, hiệp trấn Trần Danh Bính, chỉ huy Lê Ðình (黎廷), nội vệ Lật Toàn (栗全) đều bị bắt.[139] Trần Danh Bính bị xử tử.
Nghe tin quân ta thua ở sông Thương, nội hầu Phan Văn Lân (潘文璘) đem binh lên giữ Thị Cầu, đóng trên các sườn núi và chỗ hiểm yếu ở bờ sông phía nam, lại thiết lập nhiều đồn luỹ bằng tre, gỗ dọc theo bờ sông phòng ngự. Ngày 15 tháng Một năm Mậu Thân [12-12-1788], quân Thanh từ núi Tam Tằng[140] (三層) tiến xuốngđóng ở bắc ngạn sông Thị Cầu. Phía bắc sông Thị Cầu đất thấp, Phan Văn Lân tập trung súng lớn bắn sang, quân Thanh chống đỡ không nổi cố gắng theo cầu phao vượt sông. Quân ta chặn cầu phao và dùng thuyền nhỏ đánh tới khiến quân Thanh tổn thất nặng nề, du kích Vu Tông Phạm (于宗範) trúng đạn chết, du kích Trần Thượng Cao (陳上高), thủ bị Trương Vân (張雲) thiên tổng Trần Liên (陳連) bị trọng thương, tổng binh Thượng Duy Thăng cũng bị thương ở ngón tay, Hứa ThếHanh vội vàng sai quân đắp tường đất để ngăn đạn, hết sức chống giữ. Hai bên dàn đại pháo bên bờ sông bắn sang nhau từ giờ Tỵ (khoảng gần trưa) ngày 15 đến chiều tối ngày 16 tháng Một [13-12-1788].
Trận địa của quân ta vững chắc, lại có lợi thế từ cao bắn xuống khiến địch lâm vào thế bị động. Dòng sông ở đây ngoằn ngoèo, địa thế tối tăm nên bọn tòng vong nhà Lê hiến kế vòng ra xa rồi quay lại tấn kích vào phía sau quân ta.
Tôn Sĩ Nghị mừng rỡ một mặt sai dân quân dùng thuyền chở tre gỗ giả vờ như định làm cầu nổi để qua sông nhưng bí mật sai tổng binh Trương Triều Long đem 2000 quân nhân lúc tối trời đi xuống 20 dặm dùng cầu phao và thuyền cướp được của thổ dân, mang theo lương khô len lén vượt qua. Trương Triều Long cho để lại 500 quân chặn giữ cửa sông, đem 1500 quân tiến lên trước, sai các thổ dân dẫn đường. Tôn Sĩ Nghị lại sợ quân đi quá ít nên sai tổng binh Lý Hoá Long (李化龍) đem 500 quân đi tiếp ứng.
Ðến giờ sửu ngày 17 tháng Một (khoảng 2, 3 giờ sáng) [14-12-1788] quân Thanh ôm ống tre làm phao, theo cầu nổi từ chính diện tiến sang, trong khi Trương Triều Long dẫn quân qua sườn núi tập hậu đánh bất ngờ vào đại doanh của Phan Văn Lân. Khi thấy lửa nổi bốn bề, quân ta tan vỡ phải bỏ đồn chạy về Thăng Long. Theo báo cáo của quân Thanh, trận này quân ta chết hơn 1000 người,[141] hơn 500 bị bắt. Tôn Sĩ Nghị muốn thị uy nên ngoài một số dân công bị cắt tai cho về báo tin còn chém đầu 423 người, tịch thu 34 khẩu đại pháo.[142] Phan Văn Lân rút quân về bảo vệ Thăng Long.
3.2. Trận Phú Lương
Theo tài liệu của Trung Hoa, ngày 19 tháng Một năm Mậu Thân [16-12-1788], lúc trời mờ mờ sáng, quân Thanh kéo đến phía bắc sông Nhị Hà, quân Nam dùng thuyền chở đại pháo ở trên sông bắn chặn quân địch. Quân Thanh cướp được một số thuyền của ngư dân và bè tre chở khoảng 100 binh vượt sông, hai bên đụng độ nhiều trận, cùng thiệt hại. Quân ta bị địch bắt mất 17 người. Vì tre nứa dọc bên sông đã bị quân Nam đốn sạch để xây đồn luỹ, quân Thanh không kiếm đâu ra tre đểđóng bè vượt sông. Tờ mờ sáng ngày 20 tháng Một [17-12-1788], theo báo cáo của quân Thanh, Hứa Thế Hanh sai 200 quân cảm tử vượt sông cướp được ba chục chiếc thuyền nan, dùng những thuyền đó chở quân. Quân Thanh cũng huyên hoang là họ còn đánh thắng nhiều trận nhỏ khác, nhưng xem ra chỉ là những bịa đặt cốt để phóng đại chiến thắng và báo công.
Theo sử sách, kể cả những bút ký của nhiều người có mặt ở Thăng Long vào thời gian đó thì khi quân Thanh tới nơi, thành đã bỏ trống. Tài liệu của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Ba Lê có chép:
… ngày 13 tháng 11 [chi tiết này không chính xác, phải là tháng 12 mới đúng], hai người lính Bắc Kỳ, thuộc quân đội Tây Sơn chạy trốn đến nơi chúng tôi ở và kể lại rằng quân Nam Kỳ đã bị đánh tan trong sáu cuộc chiến; một số lớn tử trận, quân còn lại thì tẩu tán. Tin đồn đó được tiếp theo nhanh chóng bởi nhiều tin khác. Chiều ngày 15 và hôm 16 [tháng 12 tức 18/19 tháng Một, đúng như báo cáo của quân Thanh vào tiếp thu thành Thăng Long ngày 20], Ðại Tư Mã và các sĩquan Tây Sơn khác đã rời bỏ thủ đô và chạy trốn với đội ngũ, khí giới và hành lý họ. Nhưng không thấy ai bị bắt cả.[143]
Ngày 20 tháng Một [17-12-1788], quân Thanh tiến vào Thăng Long. Triều đình Lê Duy Cẩn lập tức ra hàng. Theo lời tâu của Tôn Sĩ Nghị trong KDANKL thì:
Tông thất họ Lê và bách tính đều ra khỏi thành quì đón, Lê thành không tấn công mà tự phá. Thần và Hứa Thế Hanh chỉ đưa vài tướng lãnh mang đồ nhẹ cưỡi ngựa vào thành, đến các đường lớn ra cáo thị phủ dụ an dân xong, tức khắc ra khỏi thành về quân doanh. Binh đinh không một ai được vào trong thành.
Xem xét thấy chung quanh dùng đất đắp cao chừng 4 thước[144] bên trên trồng tre rậm rạp, bên trong thành đất có hai thành bằng gạch không rộng lắm. Thần ra lệnh cho tông thất họ Lê bảo vệ cung thất của quốc vương, họ nói là hiện đã bị tàn phá không còn nguyên vẹn, các đồ vật đều mất cả rồi.[145]
Tôn Sĩ Nghị cũng miêu tả sinh hoạt ở Thăng Long trong thơ văn, sự tiêu điều của kinh thành, và hình ảnh những quan lại nhà Lê [nguyên văn “ông đồ” 翁荼 đọc như chữ Nôm] di chuyển bằng võng cùng việc dân chúng đem trầu cau ra đón tiếp.[146]
Sau khi Tôn Sĩ Nghị, Hứa Thế Hanh chiếm được thành rồi, quân Thanh ra tuyên cáo rồi chia quân ra đóng ở hai bên bờ sông, làm cầu nổi qua sông Nhĩ Hà để tiện qua lại. Một số quan lại nhà Lê xin theo quân Thanh lập công. Những đồn nhỏ lẻ tẻ của Tây Sơn ở các nơi chưa rút lui kịp bị quân Thanh và dư đảng nhà Lê tiếnđánh, lính trấn giữ bị bắt và bị giết. Một số làng ở miền Bắc đánh trống để hưởng ứng với đoàn quân viễn chinh.
4. RÚT LUI ÐỂ BẢO TOÀN
Khi Nguyễn Huệ rút quân về, ông chỉ để một số tì tướng trấn thủ Bắc Hà với số quân chính qui khoảng 3,000 người [có tài liệu chép là 8,000 người]. Miền Bắc lúc này có hai hệ thống, quan lại cũ của nhà Lê đóng nhiệm vụ hành chánh dưới quyền của giám quốc Lê Duy Cẩn, còn hệ thống quân sự do Ngô Văn Sở chỉ huy giữ nhiệm vụ bảo hộ trị an thuộc quyền Nguyễn Huệ tại Phú Xuân.
DNCBLT, tr. 32-3 chép như sau:
… Tôn Sĩ Nghị từ khước. Ngô Văn Sở bèn hội các tướng thương nghị đánh hay giữ. Ngô Nhậm đề nghị rút lui giữ núi Tam Ðiệp cho thuỷ quân và lục quân thông nhau chiếm cứ chỗ hiểm yếu mà cố thủ, sai người gấp đưa thơ cáo nguy cấp.
Ngô Văn Sở bèn mật truyền các trấn Kinh Bắc, Thái Nguyên, Lạng Sơn lên (đánh) tiếng nói (phao rằng) hội quân xây luỹ đất ở sông Nguyệt Ðức rồi ngầm thu quân mà lui về. Ngô Văn Sở đưa thông tư cho các quan trấn thủ Hải Dương, Sơn Tây nội ngày phải hội quân ở Bắc Thành, cho trấn thủ Sơn Nam phải chỉnh bị thuyền tàu chờ thuỷ quân đến thì cùng tiến phát.
… Ngô Văn Sở … ra lệnh cho các đạo quân chỉnh tề đội ngũ mà đi đến núi Tam Ðiệp (Tằng?), chia đồn đóng quân cố thủ, gấp sai Nguyễn Văn Tuyết, một tên nữa là Ðinh Công Tuyết, vội chạy về báo nguy cấp.[147]
Trong tình hình đó, việc tập trung quân về một vị trí cổ ngỗng như Tam Ðiệp cũng do tướng lãnh Tây Sơn suy nghĩ về thế yếu, thế mạnh của ta và địch rồi tự quyết chứ không cần đến Ngô Thì Nhậm hiến kế như ngoại sử tô vẽ.[148] Theo Lịch Triều Tạp Kỷ, sau khi vua Quang Trung thắng trận, Ngô Thì Nhậm mới “ra hàng” và trong di văn của ông còn chép bài biểu ông thay mặt quan lại nhà Lê tạ ơn tân triều đã dung nạp. Do đó ông không thể cùng đi trong đoàn quân Tây Sơn như một mưu sĩ hàngđầu mà hậu duệ khoe khoang.
Về việc quân Thanh không đóng ở trong thành, chúng ta có thể hiểu được lý do tại sao. Kinh thành Thăng Long khi được tạo dựng đã dựa vào sông Nhị Hà để làm một chướng ngại thiên nhiên đối phó với giặc bắc mỗi khi tràn xuống. Cho đến thế kỷ thứ XVIII, thành trì của nước ta chưa được xây dựng như một pháo đài với chủ đích phòng thủ theo lối của Trung Hoa hay ở Âu Châu. Khi quân Tây Sơn đánh Thăng Long, chiến tranh đã khiến cho hầu hết cung điện, nhà cửa bị hư hại. Cuối năm Bính Ngọ (1786), Vũ Văn Nhậm đem quân ra Bắc Hà, Quyển Trâm (卷簪) và trấn thủ Lạng Sơn là Nguyễn Khắc Trần (阮克陳) đem quân chống lại. Khi rút khỏi kinh thành, hai người thừa cơ đốt phá cung điện, Thăng Long tan nát không còn gì nữa.[149] Năm sau, khi Nguyễn Huệ kéo quân ra bắc giết Vũ Văn Nhậm, ông lại phá một số dinh thự để đem vật liệu về xây kinh đô mới ở Nghệ An. Một giáo sĩ đã viết trong thư gửi về Hội Truyền Giáo Ba Lê như sau:
… Trong khi chờ đợi, vì Bắc vương (tức Nguyễn Huệ) sắp phải lên đường vào Nam, ông nhất định cho phá huỷ thủ đô Bắc Kỳ, gọi là Kẻ Cho (Chợ), Kinh Ðô hay Kinh Ki (Kỳ) và xây lại tại xứ Nghệ An một hoàng thành mới gần quốc gia nhỏ bé của ông (Phú Xuân) và gần Nam Kỳ thượng, ở khoảng giữa hai vương quốc.Ông liền cấp tốc cho thực hiện kế hoạch này …[150]
PHẦN V
QUÂN THANH Ở THĂNG LONG
1. SÁCH PHONG QUỐC VƯƠNG1.1. Vua Chiêu Thống xuất hiện
Việc vua Chiêu Thống xuất hiện đón quân Thanh có nhiều điểm có thể gây ngộ nhận. Cương Mục, Liệt Truyện và HLNTC đều chép là vua Chiêu Thống gặp quân Thanh ở Kinh Bắc, [ CM còn viết là đem theo trâu bò, rượu để khao thưởng] rồi cùng đi với họ vào thành Thăng Long.
Tuy nhiên những chi tiết trên đều không phải chính người trong cuộc mà do đời sau viết, rất có thể từ một nguồn chép lại lẫn nhau nên người đi trước sai lầm thì người sử dụng cũng sai theo. Do đó, chúng tôi xin dẫn ba tài liệu có tính nhân chứng (eye witness) 1/ của Lê Quýnh [người đi tìm vua Chiêu Thống và đưa vua Lê về gặp Tôn Sĩ Nghị], 2/ của Lê Duy Ðản [người đi theo quân Thanh từ Quảng Tây về đến Thăng Long có tham dự trong lễ phong vương cho Lê Duy Kỳ] và 3/ của chính Tôn Sĩ Nghị [trong tấu thư gửi lên vua Càn Long].
1.1.1. Theo lời kể của Lê Quýnh trong Bắc Hành Tùng Ký thì:
… Tháng Mười (Mậu Thân 1788), yết kiến tổng-đốc Tôn (Sĩ Nghị) ở phủ Thái Bình [thuộc Quảng Tây, Trung Hoa]. Bấy giờ đại binh đã nhóm.
Ngày 24 tháng ấy, (đại binh) khởi hành. Ngày sóc tháng Một, ra cửa Trấn nam quan, lấy thành Lạng-sơn… Ðại quân thẳng tới huyện Bảo-lộc thuộc Giang-bắc. Ba lần đánh đều được. Bắt đô–đốc Trần Danh-Hoán [thực ra là Bính, viết nhầm].
Quan lớn Tôn bảo người hỏi rằng: “Bộ-đường ta ra khỏi cửa ải đã hơn tám trăm dặm. Vì cớ gì chưa thấy Quốc-vương động tĩnh ra sao? Quýnh trả lời rằng vìđường-sá cách-trở, và xin một mình cưỡi ngựa đi tìm chủ. Ngài bằng-lòng.
… Ngày 20 [tháng Một], qua sông Thị-cầu, phá doanh giặc, tiến đến bờ bắc sông Phú-lương (muốn nói sông Nhị). Giặc Tây-sơn bỏ thành Thăng-long, chạy vềphương nam.
Ngày 21, vua yết-kiến quan lớn Tôn ở bờ Bắc sông.[151]
1.1.2. Theo Sứ Diêu Hành Trạng là tập thơ Lê Duy Ðản ghi lại chuyến đi sứ sang Trung Hoa cầu viện[152] thì khi quân Thanh đến bờ phía bắc sông Phú Lương,[153]quân Tây Sơn đã bỏ đi nên vào thu phục kinh thành, [Lê Duy Ðản] theo hầu nhà vua đến điện Vạn Thọ làm lễ sách phong”.[154] Ông không nói rõ vua Lê đến lúc nào nhưng ngay trước đó khi quân Thanh qua sông Thị Cầu thì chưa nói tới tự hoàng nên chúng ta có thể biết được vua Lê gặp Tôn Sĩ Nghị khi quân Thanh đã lấy được Thăng Long đúng như lời kể của Lê Quýnh.
1.1.3. Lời tâu của Tôn Sĩ Nghị trong Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược [KDANKL] có nhiều chi tiết hơn về việc vua Lê đến gặp quân Thanh. Khi tiến xuống Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị rất nóng ruột vì nếu không tìm thấy vua Chiêu Thống hay ông đã bị giết thì việc đem quân sang nước ta sẽ không còn chính nghĩa, biến thành một cuộc tiến binh xâm lấn gây bất lợi cho uy tín của Thanh triều.
Theo tấu thư của Tôn Sĩ Nghị [KDANKL, quyển IX, trang 10] thì khi quân Thanh đã vào thành Thăng Long, canh hai (khoảng 9-11 giờ đêm) ngày 20 tháng Một [17-12-1788] Lê Duy Kỳ mới đến gặp Tôn Sĩ Nghị:
Ngày 20 tháng Một thần thống lãnh quan binh khắc phục Lê thành. Canh hai đêm hôm đó, An Nam tự tôn Lê Duy Kỳ đến quân doanh, cùng thần gặp mặt, vọng về hướng bắc khấu đầu tạ ơn hoàng thượng tái tạo. Y dãi bày rằng nước nhà đã bị nghiêng đổ, không ngờ lại được ân điển của đại hoàng đế. Y phục xuống đất khóc lóc, không sao dứt được.[155]
Cũng nên nhắc lại, ngày 20 tháng Một [17-12-1788] Tôn Sĩ Nghị chỉ đem theo vài ba người vào thành Thăng Long để nhận đầu hàng của triều đình Lê Duy Cẩn. Việcđóng quân trong một tòa thành trống trải, đổ nát thực là bất tiện nên sau khi xem xét Tôn Sĩ Nghị đã quay ra đóng quân ở hai bên bờ sông. Tối hôm đó, Lê Duy Kỳ mới về kịp.
1.2. Phong Vương Cho Lê Duy Kỳ
Khi vua Lê xuất hiện Tôn Sĩ Nghị rất vui mừng nên lập tức tổ chức sách phong Lê Duy Kỳ làm An Nam quốc vương. Như vậy, việc vua Lê đem bò rượu ra đón Tôn Sĩ Nghị là sai sự thật, mặc dầu theo lời tường thuật của Lê Duy Ðản [đi cùng với quân Thanh sang nước ta] thì sau khi ra khỏi Nam Quan, một số hào mục Lạng Sơn có đem trâu bò, rượu thịt đến khao quân nhưng không phải theo lệnh vua Chiêu Thống. Lê Quýnh và Lê Duy Ðản không nhắc đến những chi tiết khi vua Lê gặp tổngđốc Lưỡng Quảng có lẽ vì việc ra mắt ấy không lấy gì làm vinh quang, chỉ có hai thầy trò vào hành doanh quân Thanh lúc đêm khuya một cách không minh bạch.
Ngày 22 tháng Một năm Mậu Thân [19-12-1788], Tôn Sĩ Nghị vào thành làm lễ phong vương cho Lê Duy Kỳ, tuyên đọc sắc phong sau đây:
Nguyên văn
奉天承運皇帝制曰:
朕惟撫馭中外,綏靖邇遐,義莫大於治亂持危,道莫隆於興滅繼絕,其有夙共朝命,久列世封,遘家國之多難,屬臣民之不靖,則必去其蟊賊,拯厥顛際,俾還鍾簴之觀,以肅屏藩之制。
爾安南國嗣孫黎維祁,化沐炎陬,序承家嗣,當爾祖奄逝之日,正阮逆搆亂之時,肇釁蕭牆,失守符印,孑身播越,闔室遷移,棄彼故都,依於上國。
溯百五十年之職貢,能不念其祖宗,披一十六道之輿圖,原非利其土地,且柔遠人所以大無外,討亂賊所以儆不虔,是用輯爾室家,克完居處,勵爾臣庶,共復仇讐。
特敕大吏以濯征,爰董王師而迅剿,先聲所讋,巨憝奚逃,內難斯寧,群情更附,釋其瑣尾流離之困,加以生死骨肉之恩,舊服式循,新綸允賁,玆封爾為安南國王,錫之新印。
王其慎修綱紀,祗奉威靈,戢和民人,保守彊土,勿怠荒而廢事,勿懷安以敗名。
庶荷天朝再造之仁,益迓國祚重延之福。
欽哉!
毋替朕命。[156]
Dịch âm
Phụng thiên thừa vận hoàng đế chế viết:
Trẫm duy phủ ngự trung ngoại, tuy tĩnh nhĩ hà, nghĩa mạc đại ư trị loạn trì nguy, đạo mạc long ư hưng diệt kế tuyệt, kỳ hữu túc cộng triều mệnh, cửu liệt thế phong, cấu gia quốc chi đa nạn, thuộc thần dân chi bất tĩnh, tắc tất khứ kỳ mâu tặc, chửng quyết điên tế, tỉ hoàn chung cự chi quan, dĩ túc bình phiên chi chế.
Nhĩ An Nam quốc tự tôn Lê Duy Kỳ, hoá mộc viêm tưu, tự thừa gia tự, đương nhĩ tổ yêm thệ chi nhật, chính Nguyễn nghịch cấu loạn chi thời, triệu hấn tiêu tường, thất thủ phù ấn, kiết thân bá việt, hạp thất thiên di, khí bỉ cố đô, y ư thượng quốc.
Tố bách ngũ thập niên chi chức cống, năng bất niệm kỳ tổ tông, phi nhất thập lục đạo chi dư đồ, nguyên phi lợi kỳ thổ địa, thả nhu viễn nhân sở dĩ đại vô ngoại, thảo loạn tặc sở dĩ cảnh bất kiền, thị dụng tập nhĩ thất gia, khắc hoàn cư xứ, lệ nhĩ thần thứ, cộng phục cừu thù.
Ðặc sắc đại lại dĩ trạc chinh, viên đổng vương sư nhi tấn tiễu, tiên thanh sở triếp, cự đỗi hề đào, nội nan tư ninh, quần tình cánh phụ. Thích kỳ toả vĩ lưu ly chi khốn, gia dĩ sinh tử cốt nhục chi ân, cựu phục thức tuần, tân luân doãn bí, tư phong nhĩ vi An Nam quốc vương, tích chi tân ấn.
Vương kỳ thận tu cương kỷ, chi phụng uy linh, tập hoà dân nhân, bảo thủ cương thổ, vật đãi hoang nhi phế sự, vật hoài an dĩ bại danh.
Thứ hà thiên triều tái tạo chi nhân, ích nhạ quốc tộ trùng diên chi phúc.
Khâm tai!
Vô thế trẫm mệnh.
Dịch nghĩa
Phụng mệnh trời, tuân theo vận nước, hoàng đế xuống chiếu rằng:
Trẫm chỉ vỗ về để dẫn dắt trong ngoài, khiến cho nơi xa xôi cũng phục, dùng nghĩa lớn để trị việc loạn giúp kẻ nguy, đạo được lớn để hưng diệt kế tuyệt. Những người trước nay theo phò, đời đời phong tước, một khi quốc gia gặp nạn, thần dân không yên, phải làm sao đưổi được giặc, cứu vớt kẻ lao đao, đem lại mối rường cho nước, tỏ lộ cái lòng che chở cho phiên thuộc.
Ngươi tự tôn nước An Nam Lê Duy Kỳ, ở nơi phương nam nóng nực, kế thừa dòng dõi. Gặp lúc ông ngươi vừa mất, nhân thời giặc Nguyễn dấy loạn, trong triều gặp chuyện rối ren, mất cả ấn tín, gia đình tan tác phải bỏ kinh đô mà chạy tứ phương, nương tựa vào thượng quốc.
Trong một trăm rưởi năm qua không quên triều cống, nên trẫm phải nghĩ đến tổ tông, còn đối với dư đồ mười sáu đạo kia, trẫm không màng đến việc lấy đất,đạo nhu viễn không ngoài như thế. Trừ loạn tặc sở dĩ cũng là để răn đe, cốt lấy lại cho gia tộc ngươi trở về nơi cũ, khuyến khích cho dân chúng bầy tôi, cùng trả được mối thù.
Nay ta đặc biệt sai kẻ đại lại cất binh chinh phạt, đem vương sư chinh tiễu, trước lên tiếng doạ cho chúng sợ tội mà chạy đi, để đem các ngươi về cho mối giềng trở lại, người ly tán nay đoàn viên ấy là cái ơn chết đi sống lại, cốt nhục nối liền. Y phục cũ nay trở lại, giây thao mới nay rực rỡ, phong cho ngươi làm An Nam quốc vương, ban cho ấn mới.
Hãy cố gắng mà tu sửa kỷ cương, vâng mệnh uy linh, hoà thuận với nhân dân, giữ gìn cương thổ, chớ có bê trễ mà bỏ phế việc, đừng cầu an mà mang tiếng. Hãy nhớ đến cái đức nhân tái tạo của thiên triều, hãy nghĩ đến cái phúc vận nước được nối dài trở lại.
Kính thay!
Chớ bỏ qua lệnh của trẫm.
Về diễn tiến phong vương ở điện Vạn Thọ, tài liệu nhà Thanh viết như sau:
Thần nhận được sắc ấn An Nam bổ cấp [thay cho ấn cũ bị mất] nên lập tức ra lệnh cho Lê Duy Kỳ kính cẩn sửa soạn chăng đèn kết hoa, đầy đủ nghi trượng. Thần đích thân tiến thành, Lê Duy Kỳ dẫn quan dân trong nước, quì ở bên đường đón vào căn nhà chính của quốc vương, vọng về cung khuyết hành lễ tam quị cửu khấu, làm lễ nhận lãnh xong, kính cẩn dâng biểu văn, giao đến tận nơi thần ở, cung tạ thánh ân, tình cảnh cảm kích vui sướng thật tràn ra khắp phố phường…[157]
Ngày hôm sau 23 tháng Một năm Mậu Thân [20-12-1788], Lê Duy Kỳ dâng biểu tạ ơn, dịch ra sau đây:[158]
Thần là Lê Duy Kỳ mới được phong làm An Nam quốc vương tâu lên cảm tạ thiên ân. Thần nhà gặp tai nạn, mất cả ngôi báu, một thân chạy trốn, quyến thuộc phải chạy sang nội địa, mong được đại hoàng đế lòng nhân rộng rãi, lượng như cha mẹ, phủ khắp trong ngoài, vỗ về, thương xót cho việc tồn vong, sai bồi thần xuất quan thăm hỏi, không đợi nghe lời trần tình đã tính chuyện nguyên nhung, không chỉ binh quan mà thôi, còn cả phu phen mấy tỉnh.
Nhớ năm xưa binh Tần xuất cảnh, đem lòng thương xót đến sứ thần nước láng giềng,[159] đất nước đã mất nay nhờ thiên vương đất bắc tái tạo, ánh mặt trời soi xuống khiến kẻ cuồng khấu kia phải tiêu tan ra mây khói, đến ngày hai mươi tháng Mười một đã dẹp sạch bọn sói lang, lấy lại quốc thành. Thần vốn thế cô,đang khi nguy khốn, sức khó có thể tự đứng lên, được bệ hạ truyền chỉ Lưỡng Quảng đốc thần giúp cho nên mới được như thế, lại vun đắp thêm, đoái thương kẻ dưới nên ban chức, kẻ ngoại phiên chưa ai từng được như vậy, quả là sử sách hiếm khi nghe thấy.
Thần nguyện hết sức làm phên giậu ở biên cương để báo đáp sự đoái hoài của thánh chúa, nếm mật để phúc được lâu dài, không dám thờ ơ ngồi trên đống lửađể cầu an, từ nay nghiền xương nát thịt, cũng không trả được cái ơn kế tuyệt phù nguy, khi thức lúc ngủ, mãi mãi kết cỏ ngậm vành trong dạ.
Thần còn trẻ tuổi, gặp ách nguy nan, nay lại thấy được lăng miếu, được tế tổ tiên, ơn ấy ngày ngày mong được báo đáp, xin đại hoàng đế cho thần được tới nơi kinh khuyết để chiêm ngưỡng thánh nhan để tỏ chút lòng thành, quì nghe lời dậy, thần thật không khỏi bồi hồi mong mỏi.
Kính cẩn tâu lên.
Càn Long năm thứ năm mươi ba, ngày hai mươi ba tháng Một.[20-12-1788]
Trong biểu tạ ơn này Lê Duy Kỳ xin được sang Tàu đến Bắc Kinh triều kiến vua Cao Tông nhà Thanh, lời văn hết sức khiêm tốn, hạ mình. Tôn Sĩ Nghị lập tức tâu ngay lên vua Càn Long kèm theo tờ biểu tạ ân của vua Chiêu Thống, coi như công tác tái lập Lê triều đã thành công mỹ mãn. Xem ngày giờ xít xao chỉ trong ba ngày mà tiếp thu Thăng Long, phong vương, tạ ân đủ biết nhà Thanh hết sức đắc ý về việc khôi phục kinh thành và đưa vua Lê lên ngôi trở lại.
Ðược tin Tôn Sĩ Nghị chưa đầy một tháng đã chiếm được Thăng Long, vua Cao Tông mừng rỡ lập tức giáng chỉ thăng cho Tôn Sĩ Nghị lên Nhất Ðẳng Mưu Dũng Công (一等謀勇公), thưởng cho mũ có gắn hồng bảo thạch, còn Hứa Thế Hanh thì thăng lên Nhất Ðẳng Tử Tước (一等子爵), các quan văn võ khác ai cũng được ban thưởng.
Ngày mồng 2 tháng Chạp [28-12-1788], Lê Duy Kỳ cũng viết một tấu thư khác, lần đầu tiên dùng ấn An Nam quốc vương để giao thiệp với Trung Hoa, dịch ra như sau:
Thần là Lê Duy Kỳ mới nhận chức An Nam quốc vương hoảng hốt rập đầu mà tâu rằng:
Tổ tiên nhà thần đời đời kế nhau được phong làm phiên, luôn luôn triều cống. Thế nhưng vì vận nước gặp phải tai ương, kẻ cuồng man xâm chiếm, thần một thân bôn đào, quyến thuộc chạy sang nội địa, may được phúc nhân của đại hoàng đế, lượng rộng mà bao biện cho, lập tức phái binh mã mấy tỉnh, tiễu trừ kẻ hung đồ xấu xa, mau chóng lấy lại quốc thành.
Thần lâu nay bôn ba rong ruổi, sức khó có thể tự đứng lên, chẳng dám cầu phong, nay được ban cho tước vương, lại thêm ấn sắc mới. Cái ân sủng đặc biệt vỗ về người trong nước đến kẻ xa xôi, cho chí kẻ phiên bang, cái đức tài bồi ấy xưa nay hiếm có. Từ nay trở đi, đời đời con cháu thần, mãi mãi là kẻ tôi đòi của thánh triều, bảo vệ bờ cõi, kính cẩn dâng biểu tạ ơn.
Ðược mặt trời sáng chói chiếu rọi, ân đức cao cả biết nhường nào, mùa xuân nay lại quay trở lại, cỏ cây nay lại tốt tươi, che chở xa dày, nguyện xin kết cỏ ngậm vành.
Kính duy hoàng đế bệ hạ đức như vua Thuấn ngày xưa, đem cái văn hoá nhà Chu trải ra bốn phía, pháp độ rõ ràng, người người hoà thuận, bao phủ cả đến bên ngoài,[160] xa gần thảy đều cảm phục, ánh sáng toả như cha mẹ khiến cho hạ quốc đều hướng về. Nghĩ đến thần nhiều đời lòng thành cung thuận, thương xót cho kẻ gặp lúc nguy nàn, không đợi đến thần phải kêu cứu, sớm sai nguyên nhung, chỉnh đốn lại cho làm phên giậu, cho mặc lại áo cũ, cái đức kế tuyệt hưng suy quả là hết sức, ơn cao dày xưa nay hiếm thấy ít nghe.
Thần gặp lúc nguy nan, may sao nay lại được phú quí, không biết làm thế nào để báo đáp, trong lòng mong mỏi được triều yết, mở miệng nói lời đội ơn.
Quay về đá ở Nam sơn mà ghi khắc, ngẩng lên Bắc khuyết để nhớ ơn, nguyện sẽ học tiếng Trung Thổ, không phải phiền người dịch lại, mãi mãi giữ mối cháu con để được hưởng phúc lâu dài, mãi mãi được trời cao soi rọi.
Kính cẩn dâng lên biểu tạ ơn này.
Càn Long năm thứ năm mươi ba, ngày mồng hai tháng Chạp.[161]
Lê Duy Kỳ cũng nhờ Tôn Sĩ Nghị và Tôn Vĩnh Thanh đệ trình lên vua Cao Tông xin năm tới (tức năm Kỷ Dậu, Càn Long 54) sẽ sai hoàng đệ Lê Duy Chỉ đưa một phái đoàn sang tiến cống theo lệ hai năm một lần để thay mặt quốc vương khấu đầu tạ ơn. Bản thân Lê Duy Kỳ xin được đích thân qua chúc thọ vua Cao Tông vào năm Canh Tuất [1790] là năm bát tuần đại khánh để tỏ lòng thành.[162]
Vua Chiêu Thống cũng cho anh vợ là Nguyễn Quốc Ðống sang Trung Hoa để đón gia quyến, thân nhân. Theo KDANKL, thái hậu, vương phi, nguyên tử … về đến Thăng Long đúng vào tối ba mươi Tết, chỉ vài ngày trước khi xuất bôn một lần nữa:
Lê Duy Kỳ sau khi tập phong lập tức sai bồi thần tiến quan, đón mẹ và quyến thuộc về nước được tuần phủ Tôn Vĩnh Thanh sai tri phủ Nam Ninh Cố Quì trênđường lo liệu mọi việc. Ngày trừ tịch tháng Chạp đến Lê thành, nghe nói mẹ con y tại bờ sông gặp nhau, cảm kích thiên ân của hoàng thượng, tình hình vừa buồn vừa vui, những người chứng kiến, ai cũng cảm động.[163]
2. TÌNH HÌNH THĂNG LONG
Sau khi trở lại kinh đô, vua Chiêu Thống lập tức tổ chức lại triều chính, bổ nhiệm quan lại, thăng thưởng và trừng phạt theo từng trường hợp.[164] Tôn Sĩ Nghị cũng yêu cầu vua Lê thu góp binh lương, mộ lính, đóng thuyền để chuẩn bị tiến xuống Thuận Hóa.
Tôn Sĩ Nghị cũng bố cáo cho dân chúng biết về thắng lợi của quân Thanh, và khẳng định sẽ xử tử bất cứ ai tơ hào cành cây ngọn cỏ đồng thời hăm dọa không được chứa chấp hay ẩn lậu quân Tây Sơn[165] để yêu cầu dân chúng bắt nộp cho họ:
Các ngươi bị tặc phỉ làm hại đã lâu, nay đại binh tiến tiễu, ngoài số bị giết khi lâm trận, chạy trốn chắc là đông. Nếu ta ra lệnh cho quan binh đến các làng xóm tìm bắt, không khỏi gây chuyện phiền nhiễu. Chi bằng các thôn trại tự tra xét trói chúng đem trình ra, vừa để các ngươi hả lòng phẫn hận, vừa được miễn tội bao che, dấu diếm.[166]
Theo báo cáo của nhà Thanh, mỗi ngày dân chúng lùng bắt vài chục người giao lại để lập công. Những người đó đều bị chém đầu, tính ra phải đến vài trăm. Quân Thanh lại nhân cớ phòng gian bảo mật, bắt bớ những người dân nghèo làm nghề buôn bán lẻ, cắt tóc, bán thuốc hút … vu cho tội do thám rồi đem ra giết.[167]
Vì vua Chiêu Thống không có quân đội, Tôn Sĩ Nghị đã điều một nửa số “nghĩa dũng” tức là thành phần dân thiểu số do các châu, huyện đi theo quân Thanh sang đặt dưới quyền của Lê Duy Chỉ [em vua Lê mới đi theo Sầm Nghi Ðống trở về] làm túc vệ cho thêm thanh thế. Theo báo cáo của Tôn Sĩ Nghị, ông ta cũng đem những súng ống lấy được của Tây Sơn giao cho Lê Duy Kỳ để sử dụng.[168]
Ðể đáp lại, vua Lê cũng bốn lần mang bò gạo heo dê đến để Tôn Sĩ Nghị khao quân. Tôn Sĩ Nghị không nhận nhưng làm ngơ để cho các xưởng dân, Hoa kiều qua lại với triều đình An Nam một cách bán chính thức.[169] Ngoài ra, Lê Duy Kỳ còn sai Nguyễn Ðình Mai, Lê Duy Tông và Lê Xuân Kinh đem lễ vật và quà cáp lên tạ ơn tổng đốc Phú Cương ở An Biên.[170]
Về việc tập trung vật liệu, thuê mướn công nhân để đóng 40 chiếc đại thuyền chuẩn bị đem quân vào đánh Quảng Nam thì Lê Duy Kỳ thoái thác vì không có phương tiện nên nhà Thanh phải bỏ kế hoạch dùng đường thủy.
Với cách thức đối xử rất kẻ cả, Tôn Sĩ Nghị luôn luôn coi triều đình vua Chiêu Thống như một đám người vô năng, nhút nhát. Các kế hoạch hành quân được giữ bí mật khiến người ngoài chỉ thấy tướng lãnh Trung Hoa “bỏ qua những lời kêu than và vô tình trước những đại bại, chĩ biết kêu gọi Tư mã và quân Nam Kỳ đầu hàng hay ra giao chiến thử tài”.[171] Người ta thường hay nhắc đến hình ảnh quân Thanh chỉ lo chè chén, vui chơi nhân dịp Tết Nguyên Ðán và những giáo sĩ Tây phương cũng miêu tả quân Thanh “chỉ thao diễn hay vận động quân sự để phô trương”.
Sau này, ông tiến sĩ đầu triều là Lê Duy Ðản cũng cho rằng Tôn Sĩ Nghị đã nghe lời sàm nịnh của kẻ dưới, vua Lê thì trúng kế ly gián của Phan Khải Ðức, tướng sĩkiêu ngạo là nguyên nhân của việc thua trận. Thực ra, chính sự cồng kềnh của tổ chức đưa đến những khó khăn mà quân Thanh không thể giải quyết được.
2.1. Chủ trương của Thanh triều
Lúc ban đầu vua Cao Tông đã ra lệnh cho Tôn Sĩ Nghị thừa thắng đánh xuống phương Nam “đảo huyệt cầm cừ” [đánh vào sào huyệt bắt đầu sỏ] để “nhất lao vĩnh dật” [công khó một lần mà mãi mãi thong thả]. Việc tiến quân quá dễ dàng khiến cho Thanh triều tưởng rằng chỉ cố thêm một chút thì sẽ đạt được toàn thắng. Có lẽ vua Cao Tông mong mỏi sẽ bắt được Nguyễn Huệ để tổ chức một đại lễ “hiến phù” như trước đây đã làm đối với các đầu mục Tân Cương. Tính toán sơ khởi cho thấy chuyện mở một đường tiến quân dài đến hơn 3,000 dặm, thêm 50 kho gạo và trạm truyền tin sẽ rất khó khăn tốn kém, nhất là thời tiết sắp vào mùa mưa, bệnh tật, lam chướng sẽ gây rất nhiều khó khăn cho đoàn quân viễn chinh.
Nếu kế hoạch thứ nhất không thực hiện được, Tôn Sĩ Nghị sẽ kêu gọi Nguyễn Huệ ra hàng rồi sau đó có thể công nhận cả hai nước: An Nam của nhà Lê và Quảng Nam của nhà Nguyễn [Tây Sơn]. Chính sách chia để trị, lấy nước này khống chế nước khác vốn dĩ là chủ trương lâu đời của Trung Hoa, lúc nào cũng muốn đóng vai trung tâm của thiên hạ [dưới vòm trời], các nước nhỏ quây quần chung quanh quay về như các vì sao chầu sao Bắc Thần.
Tuy nhiên, nếu có chiếm làm nội thuộc thì thuế má thu được cũng không đủ để chi phí cho tổ chức hành chánh, quân sự. Vả lại, vua Càn Long đã công khai nói rõ“không vì lợi đất đai hay dân chúng” nên vua Thanh đổi ý ra lệnh cho Tôn Sĩ Nghị lập tức triệt binh lấy lý do là mục tiêu “hưng diệt kế tuyệt, tự tiểu tồn vong” xem như đã xong.
2.1.1. Ý định của Tôn Sĩ Nghị
Thoạt tiên, Tôn Sĩ Nghị cũng sai Tôn Vĩnh Thanh điều động 3,000 quân thủy từ Quảng Ðông xuống biên giới và chuẩn bị phu phen để lo việc thiết lập đài trạm, dịch trạm tiến xuống Thuận Hóa. Ðể diệu võ dương oai, ngày ngày quân Thanh duyệt binh, tập luyện nhưng thực ra họ cũng không còn bụng dạ nào để chiến đấu mà chỉ trông ngóng sớm trở về quê hương bản quán.
Khi tính toán binh lương, Tôn Sĩ Nghị thấy rằng số lượng gạo dành cho quân đội thực tế chỉ chưa đầy 1/5 số gạo dành cho phu phen, chưa kể tiền muối rau thành phí tổn quá cao nếu muốn duy trì một trục lộ dài 3000 dặm.[172] Việc đưa quân vào Thuận Hóa nay trở thành một nạn đề nhưng ông ta không dám đề nghị ban sư khi công việc chưa hoàn tất.
Dẫu thế, Tôn Sĩ Nghị biết rằng một khi rút về, Nguyễn Huệ đem binh quay lại thì vua Lê sẽ không thể nào đương cự nổi và mọi sự đâu lại hoàn đấy. Nhà Thanh dù rộng rãi thế nào chăng nữa cũng không thể đem quân sang một lần nữa, công của ông ta hóa ra “xôi hỏng bỏng không”. Chính vì lo ngại tình hình sẽ xấu đi một khi quân Thanh rút về nên Tôn Sĩ Nghị đã nấn ná chờ Nguyễn Huệ xin thần phục. Do đó, Tôn Sĩ Nghị xin vua Càn Long được ở thêm một tháng để giúp vua Chiêu Thống ổn định tình hình, thu phục những nơi chưa hoàn toàn ổn định cốt kéo dài thời giờ để mong rằng Thanh triều sẽ có kế hoạch khác ổn thỏa hơn.
2.1.2. Quyết định triệt binh của vua Càn Long
Sau khi đọc những báo cáo từ mặt trận gửi về, vua Càn Long và triều đình cũng thấy việc “đánh vào sào huyệt địch bắt đầu sỏ” đem về kinh như khi đánh Tân Cương không thể thực hiện được. Dù tự hào là kho đầy, nước thịnh nhưng nếu sa vào một cuộc chiến kéo dài ở phương nam, công việc tổ chức một đại lễ Bát Tuần Khánh Thọ huy hoàng có thể trở ngại nên vua Càn Long hạ chỉ ra lệnh cho Tôn Sĩ Nghị giả vờ như đem quân đi tuần tra biên giới rồi nhân đó rút về nước:
Trước đây Tôn Sĩ Nghị tâu lên Quảng Nam đường sá xa xôi hiểm trở, đại binh hành quân vào sâu khó khăn nên trẫm đã giáng chỉ dụ lệnh cho Tôn Sĩ Nghị, giả vờ làm như tiến quân, tìm cách vời lại, nếu như Nguyễn Huệ sợ hãi, ra mặt cam kết, nhận tội xin hàng thì có thể coi như việc đã hoàn thành.
Lại dụ cho Tôn Vĩnh Thanh thám thính tin tức triệt binh của Tôn Sĩ Nghị để theo đó mà việc nhân phu, ngựa kéo cũng ngừng lại. Hôm nay xem lời tâu của Tôn Vĩnh Thanh về việc quân doanh lương đài, số phu cần dùng đến hơn 10 vạn người, bản tỉnh khó mà lo được nên cần phải có tỉnh Quảng Ðông hiệp trợ, xem tình hình như thế, từ Lê thành đến Quảng Nam đường sá xa xôi việc biện lý thật là trở ngại, không cần phải mọi nơi ùn ùn trưng điều người khiến cho hao tốn, mệt nhọc.
Vậy truyền dụ cho Tôn Sĩ Nghị nhận được chỉ này nếu như đã từ Lê thành tiến quân rồi thì giả vờ tuần tra biên giới tìm cách triệt binh. Nếu như nhân phu lương hướng chưa đến đủ thì đừng tiến binh, tổng đốc hãy dụ lệnh cho quốc vương chấn tác tự cường, liệu sắp xếp cho ổn thỏa, phòng bị biên giới cho nghiêm mật rồi lập tức triệt binh về Việt [Quảng Tây], một mặt thông tri cho quan binh cánh quân tỉnh Ðiền cũng đồng thời rút về. Sốn nhân phu tỉnh Quảng Ðông giúp cho hãy truyền dụ cho Tôn Vĩnh Thanh, Ðồ Tát Bố không cần phải lo nữa.[173]
Sự thay đổi liên tục ba kế hoạch khác nhau, lúc đầu thì muốn “đảo huyệt cầm cừ, nhất lao vĩnh dật”, sau đó lại tính chuyện chiêu hàng rồi cuối cùng là rút quân một cách bí mật cho thấy việc đem quân sang nước ta không phải là một kế hoạch được Quân Cơ Xứ Thanh triều trù liệu chu đáo mà chỉ là cảm hứng nhất thời của vua Cao Tông do gợi ý của Tôn Sĩ Nghị. Vì thế vua Càn Long chỉ xử phạt Tôn Sĩ Nghị rất nhẹ và tìm đủ mọi cách để đạt được một thắng lợi ngoại giao ngõ hầu có thể tự hào là “thắng mà không cần dụng binh”.
2.2. Vua Lê và các thế lực Cần Vương
Sách vở nước ta viết nhiều về vua Chiêu Thống và các bầy tôi khi ở Thăng Long, phần lớn là những chi tiết không mấy gì làm vẻ vang. Thực ra ngay trong thời điểm quan trọng này, vai trò của nhà Lê và các lực lượng cần vương cũng chỉ hòan toàn phụ thuộc, không được tham gia vào những quyết định lớn. Những khó khăn nhà Thanh phải đối diện về quân lương, phu dịch vua Lê và người chung quanh chỉ biết rất mơ hồ và kế hoạch triệt binh của vua Càn Long cũng không được tiết lộ. Trong khi đó ở các tỉnh Quảng Tây, Quảng Ðông, Vân Nam … và ngay tại Thăng Long vẫn tiếp tục có những công tác bề mặt để che dấu những chuẩn bị mới. Hãy xem một việc nhỏ là kế hoạch đưa Lê Duy Cẩn sang Trung Hoa an tháp để biết lối phòng gian bảo mật của Tôn Sĩ Nghị:
Còn việc thần khâm phụng dụ chỉ, ra lệnh cho đưa Lê Duy Cẩn về nội địa đủ thấy hoàng thượng vì vua nước này mà trù liệu vạn toàn. Khi quốc vương kia xuất thành đến nơi quân doanh của thần ở bờ sông, thần liền ngay tận mặt viết một tờ giấy mật truyền ân chỉ cho tòng quan ở ngoài trướng không biết, để y một mình đọc mà thôi.
Lê Duy Kỳ cũng chính tay viết trả lời cảm kích ca tụng lòng nhân của hoàng thượng lo nghĩ cả đến việc sâu xa. Ý của y là Lê Duy Cẩn là người ngốc nghếch[nguyên văn xuẩn ngu – 蠢愚] dễ dàng quản thúc, hiện nay xem xét cử động không thấy có thái độ gì khác, lúc này hãy để yên không đụng chạm đến, nếu như tương lai có dấu hiệu khả nghi, lúc ấy hãy bắt giữ trừng trị.
Thần viết trả lời rằng tuy Lê Duy Cẩn là kẻ vô năng nhưng y lại dễ bị người dẫn dụ lừa dối, kẻ bên ngoài có thể lợi dụng danh nghĩa mưu tính việc nọ kia, gây họa không nhỏ. Vậy hãy tuân chỉ để khi thần triệt binh đưa y nhập quan an tháp để khỏi ai xúi bẩy, dứt các mối manh gây loạn.[174]
Cũng vì xét đoán theo bề ngoài như thế, Ngô Cao Lãng đã viết trong Lịch Triều Tạp Kỷ:
… Khi ấy tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị đã thu được đô thành Thăng Long, tự cho là xong xuôi mọi việc, giữ quân ở Tây Long không có ý ngó ngàng tới phương Nam nữa. Các thần dân ứng nghĩa của 4 trấn Thanh Nghệ hàng ngày tới trước cửa quân doanh xin cho tiến quân vào Nam, đều bị Nghị bỏ qua không đếm xỉa tới. Vua Chiêu Thống ngày đêm van xin, Nghị cũng nói khéo để thoái thác ...[175]
Việc được giao lại một chính quyền để tổ chức và ổn định trong một thời gian gấp rút đã gây ra rất nhiều khó khăn cho vua Lê. Ngoài một số văn quan giỏi từ chương hơn cai trị, vua Chiêu Thống gần như không có một chỗ dựa nào khác. Ngay cả việc nuôi ăn số nghĩa dũng được Tôn Sĩ Nghị giao cho cũng đã là một gánh nặng. Các khu vực khác thì thổ hào vẫn là chính, quan lại bổ nhiệm chỉ cho có mặt.
Theo Bắc Hành Tùng Ký, vua Chiêu Thống giao cho Lê Quýnh lo việc binh lương để gấp kỳ tiến đánh nhưng Tôn Sĩ Nghị gọi vua Lê bắt phải thu lại ấn, đổi làm bình chương sự. Sự thay đổi đó ít nhiều đưa đến những bất hoà giữa vua Lê và Lê Quýnh mà người ngoài cho rằng nguyên nhân chính là việc Lê Duy Kỳ chỉ lo “đền ơn báo oán”, không lo đến chuyện đại sự. Có lẽ vì bất mãn, nhân đang sốt rét, Lê Quýnh về quê ông ở Ðại Mão để chữa bệnh.
Theo lời tâu của Tôn Sĩ Nghị [lúc này ông ta đã đổi sang làm tổng đốc Tứ Xuyên] ngày mồng 3 tháng giêng năm Càn Long thứ 55 [16-2-1790] thì:
Năm trước, Lê Quýnh đưa mẹ và vợ Lê Duy Kỳ đến gõ cửa quan cầu cứu. Thần [Tôn Sĩ Nghị tự xưng] đến biên ải Việt Tây [tức biên giới tỉnh Quảng Tây] xem xét cựu thần nhà Lê, chỉ thấy Lê Quýnh ngôn từ, cử động có vẻ khí khái, xem ra nhanh nhẹn tháo vát nên đã sai đi theo đường Quảng Ðông về nước tìm chủ.
Thần cũng tuân theo thánh ân cấp cho Lê Quýnh tiền bạc phí tổn nên khi gặp Lê Duy Kỳ rồi trở qua báo tin liền cho y theo làm hướng đạo. Về sau không thấy Lê Duy Kỳ đâu nên thần đã sai y đi tìm, mãi đến khi thần tiễu sát qua sông, khắc phục Lê thành [tức thành Thăng Long] rồi, Lê Quýnh lúc bấy giờ mới cùng Lê Duy Kỳ đến quân doanh.
Nguyên do là vì bọn họ dò thám thấy quân địch đóng ở các sông Thọ Xương, Thị Cầu, Phú Lương thế mạnh, nghĩ rằng quan binh không thể thắng nổi nên không dám ra. Thần biết ngay bọn Lê Quýnh trước đây qua cửa ải, nói khoác rằng ở xứ này nghĩa sĩ tụ tập, một khi đại binh đến nơi sẽ đứng lên tiếp tay đánh giặc làđiều không thực.
Thần đóng binh ở bờ sông Lê thành, Lê Quýnh lúc đầu có đi theo Lê Duy Kỳ đến yết kiến mấy lần, sau đó mất tăm không thấy nữa. Thần mới hỏi Lê Duy Kỳ thì nghe nói Lê Quýnh bị sốt rét nặng, hiện đang ngoạ bệnh. Thần nghĩ lúc này Lê thành mới khôi phục, quân giặc chưa trừ xong, đâu phải là lúc lặng thinh chữa trị, nên mới truyền cho y đến bờ sông, trách mắng các ngươi khi còn ở nội địa [tức ở Trung Hoa] từng bẩm là một khi đại binh xuất quan, người trong nước sẽ vân tập hưởng ứng, thế mà mấy lần cùng giặc huyết chiến, nào có thấy các ngươi tụ tập nghĩa dũng, để trợ thanh uy đâu?
Ðến bây giờ lại cáo ốm không ra, đủ biết các ngươi không chút thiên lương, phụ lòng đại hoàng đế giúp cho sự mất còn của kẻ yếu. Thần nặng lời mắng mỏ, Lê Quýnh phục xuống đất dạ dạ, khăng khăng nói là quả thực bị bệnh. Thần lại gặng hỏi kỹ càng, Lê Quýnh [ngươi] tuy có ốm thật nhưng [có phải] vì khi Lê Duy Kỳ được nước rồi, lại không hết lòng uỷ nhiệm nên mới thoái thác?
Thần xem y tính khí không biết đại thể, lòng dạ bạc bẽo. Lại nghe Lê Duy Kỳ ở kinh thành, tru lục mấy kẻ bạn thần là do mấy kẻ tuỳ tòng như bọn Lê Quýnh ở bên cạnh xúi biểu nên lập tức ngăn Lê Duy Kỳ không cho làm nữa. Lại viết một bài dụ mấy trăm câu, chỉ cho y biết lúc này cần phải đối xử khoan dung, thu phục nhân tâm để an lòng kẻ phản trắc, tuyệt đối không được toan tính chuyện trả thù khiến cho lòng dân phản bạn, thân thích chia lìa.
Lê Duy Kỳ vâng lời, cầm tờ dụ của thần viết đi ra.[176]
PHẦN VI
LỰC LƯỢNG TÂY SƠN
Quân Tây Sơn có một số đặc tính ảnh hưởng đến chiến thuật, chiến lược của Nguyễn Huệ mà chúng ta cần nghiên cứu:
– Thành phần đa tạp không thuần nhất:
o Thân binh Thuận Quảng là quân đội ông mang từ miền Nam đi ra
o Binh sĩ ra từ trước dưới quyền chỉ huy của Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân …
o Tân quân dân chúng bị cưỡng bách tòng chinh tại các làng mạc ông đi qua hay do các tướng lãnh đã tuyển mộ
o Các lực lượng phụ thuộc vào ông bao gồm các toán quân người thiểu số ở phía tây và các toán dân chài, du thương, hải phỉ … ở biển đông
Chính vì gia nhập hàng ngũ vào nhiều thời điểm khác nhau, tại nhiều địa phương nên tổ chức và trang bị cũng thay đổi không đồng nhất. Tuy nhiên để bảo đảm sự có mặt của họ và vận dụng tối đa lực lượng trong chiến đấu, tham mưu Tây Sơn không thể không áp dụng một số biện pháp thông thường của quân đội vùng Nam Á:
o Kỷ luật thép trong tuyển mộ và trừng phạt
o Lương thực tối thiểu, do cá nhân tự mang theo hay do từng tổ nhỏ đảm trách để có thể di hành nhanh mà không thể bỏ trốn, lệ thuộc hoàn toàn vào đoàn thể, không tồn tại được nếu sống riêng rẽ
o Ði theo đường núi để giới hạn tối đa tiếp xúc với quần chúng vừa bảo toàn bí mật vừa không tạo những xáo trộn một khi binh đội đi ngang qua
o Chia thành nhiều toán nhỏ riêng rẽ chỉ tập trung ở những điểm nhất định
o Không đóng quân tại đâu một thời gian dài để khỏi tạo ra những nhu cầu thực tế như buôn bán, liên hệ trai gái, trộm cắp và tiết lộ tin tức quân sự
Ðể bù lại tổn thất trong chiến tranh và có đủ nhân sự, chính sách cưỡng bách tòng quân đến mức tối đa. Nhiều người ngoại quốc đến Ðàng Trong thời gian đó đã ghi nhận rằng xã hội hầu như không có đàn ông, chỉ có đàn bà trẻ em và người già cả.[177] Sự khủng hoảng về dân số cũng đưa đến việc đàn bà Nam Hà dễ dãi hơn trong giao tiếp với người nước ngoài.
Ðể tổ chức một hệ thống quân đội đúng nghĩa, phù hợp cho nhu cầu của một vương quốc hùng mạnh, Nguyễn Huệ đã có những cải cách quan trọng, đáng kể nhất là những pháp qui và kỷ luật mà trước đây vẫn tuỳ tiện. Cuối năm 1788, trước khi lên ngôi không lâu, Nguyễn Huệ đã công bố một văn bản quan trọng đánh dấu một bước ngoặt lớn trong vai trò của ông, vừa khẳng định được vị thế của ông đối với toàn thể lãnh thổ, vừa cảnh cáo tất cả những ai đã từng dung túng cho bộ hạ làm những điều thất nhân tâm.
Tiếc rằng chúng tôi chưa tìm được bản chính bằng Hán Văn [của tờ chiếu Nguyễn Huệ gửi cho Ngô Văn Sở và quan binh Bắc Hà] nhưng xuyên qua bản tiếng Pháp [do các giáo sĩ dịch ra] và bản tiếng Việt của Ðặng Phương Nghi cũng phần nào thể hiện tinh thần đó:
Bởi sắc lệnh này ta cho các tướng Ðại Tư Mã, Ðại Ðốc (tức Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân) và các sĩ quan khác biết rằng từ trước tới nay các vua chúa đều lấy luật pháp để cai trị thần dân và duy trì hoà bình, nên ta cũng noi gương các vị tiền bối mà đánh dấu ngày khởi đầu triều đại ta bằng cách soạn ra một bộ luậtđể dân chúng sống trên đất đai ta nghiêm nhặt tuân theo. Vì thế ta đã giao cho các quan tư pháp và tham chính viện nhiệm vụ hoàn tất các tác phẩm đó trong một, hai tháng. Trong khi chờ đợi ta ban bố vài pháp quy yêu cầu mọi người và mỗi các ngươi đứng đắn thi hành. Nội dung điều lệ đó như sau:
1. Nếu một sĩ quan hay binh lính nào phạm tội gì, các quan văn võ sẽ họp lại để xử họ và nếu họ đáng bị xử tử họ sẽ bị kết án tử hình.
2. Song le trong thời chiến tranh, mỗi lần một vị chỉ huy sai bộ hạ mình đi đánh địch, bộ hạ đó phải tuyệt đối tuân theo, người nào tử trận một cách can đảm sẽđược vẻ vang. Trái lại ai vì sợ chết mà bỏ trốn sẽ bị sỉ nhục. Bởi vậy ta cho phép xử tử tức thì những kẻ trốn bổn phận cũng như những kẻ cho địch có thì giờ dưỡng sức lại và tấn công vì hèn nhát hay vì chậm chạp; sau rồi các tướng lãnh phải báo cáo hành động của họ trong trường hợp đó.
3. Khi chiến tranh chấm dứt và khi quân đội trở về kinh đô và được trả lại cho chính quyền, không một quan chỉ huy nào được tự tiện xử tử một người ngang quyền hay ngang chức và ai mà vi phạm luật này sẽ không có hi vọng được khoan hồng.
4. Mỗi lần xảy ra chuyện gì liên quan đến quốc gia hay công ích, mọi người đều phải lưu ý ngay đến việc đó kẻo một sự chậm trễ nhỏ nhặt cũng có thể gây trở ngại cho công việc. Thời bình, sự mau lẹ đó cũng cần thiết rồi, huống chi tại Bắc Kỳ nơi cuộc chiến càng ngày càng ác liệt, một cuộc chiến mà các ông phải coi như việc trọng yếu bởi vì mỗi giây phút có thể mang lại nhiều thay đổi bất ngờ liên tiếp theo nhau như gió, chớp hay như hơi và những biến chuyển đó lúc thì thuận, lúc thì nghịch thành thử không thể căn cứ trên cái gì chắc chắn được. Bởi vậy mỗi khi nhu cầu quốc gia hay tình hình chiến tranh bắt phải họp để thảo luận về những việc phải làm và mỗi khi ngày giờ họp được ấn định, các quan văn võ sẽ phải họp ngay lập tức vào ngày giờ đó để bàn bạc và quyết định với nhau. Nếu bất đồ có người vì sơ xuất mà quên tới nơi họp đúng giờ, ta cho phép Tư Mã và Ðại Ðô Ðốc phạt họ tuỳ theo lỗi nặng hay nhẹ.
5. Nếu mỗi khi thuộc hạ quan chỉ huy chi đội hay thuộc hạ của ông đi đuổi bắt kẻ gian, đáng lẽ bảo vệ và che chở dân vô tội và hiền lành họ lại cưỡng đoạt của cải của dân chúng đáng thương sẽ đau khổ và thất vọng, vì họ phải chịu nhiều tai vạ hơn dưới thời ác quỉ Nhậm hay Tiết chế. Họ cư xử như vậy thì làm sao dân chúng yên lành được? Và làm sao gọi hành động đó là giải phóng dân chúng khỏi áp bức và làm sao phạt thủ phạm cho được? Vậy ta ra lệnh cho các sĩ quan phải công bố trong trung đội hay binh đoàn mình điều nghiêm cấm, không được lấy bất cứ vật gì của dân dù là một ngọn cỏ, như ta không ngớt tuyên cáo trướcđây. Các sĩ quan sẽ chắc chắn làm vừa lòng ta và đúng theo tình ý ta nếu hết sức thi hành điều nghiêm cấm đó. Ai cư xử như vậy có thể tin rằng sau khi chia sẻ cùng ta những nỗi khổ nhọc và những mối hiểm nghèo của thời chiến này, họ cũng sẽ chia sẻ thanh danh và hưởng thú vui thời bình cùng ta. Vả lại nữa, không ai có quyền dựa vào sự vắng mặt hay sự xa cách của ta để phiền nhiễu cướp bóc dân chúng và uy hiếp đàn bà con gái. Chỉ khi nào ngưng và dẹp được những bạo hành đó, họ mới có thể tự phụ giữ nổi chức vụ và bảo đảm an ninh cho cá nhân và gia đình họ, bằng không, đừng mong gì ta dung thứ họ.
Ðó là những điều ta muốn các ngươi phải biết.
Ngày 3 tháng Mười [âm lịch] năm Thái Ðức (Tiếm vương Nhạc) thứ 11 [31-10-1788].[178]
1.1. Bộ Binh
Cứ theo truyền thống của Ðàng Trong và cũng như bất cứ danh tướng nào từ cổ chí kim, Nguyễn Huệ luôn luôn có một đạo thân binh, được trang bị tối tân và rất kỷ luật. Những toán quân xung hãm này gọi là đội thân binh Thuận Quảng, bao gồm binh sĩ các vùng Thuận Hoá và Quảng Nam ở Ðàng Trong, trong đó có một số đông người Thượng và người Hoa rất thiện chiến.
Theo nhiều tài liệu, các cấp chỉ huy Tây Sơn thường chít khăn đỏ (hồng cân), người miền Bắc gọi họ có ý khinh rẻ như man binh (quân mọi), cuồng Chiêm (quân Chiêm hung tợn)[179] hay quân Quảng Nam. Những người từ Ðàng Trong ra bắc thường được giao cho chức vụ chỉ huy các toán thổ binh, nhưng những địa điểm quan trọng thường có quân “Quảng Nam” đóng nút chặn. Sự khác biệt về ngôn ngữ, phong tục cũng gây ra thất lợi khi cần phải rút lui để bảo toàn lực lượng. Theo Hoàng Xuân Hãn, “quân Tây Sơn cầm cờ đỏ có tháp lông gà nhuộm đỏ, gọi là cờ hồng mao”.[180] Lê Quí Dật Sử thì viết rằng quân Tây Sơn khi đóng ở Nghệ An mặc áo màu đỏ tía, chỏm mũ đính lông chiên đỏ, vũ khí dùng tên lửa buộc trên đầu ngọn giáo gọi là hỏa hổ.[181] Y phục này cũng được nhắc đến trong Ðại Nam Quốc Sử Diễn Ca trong câu 1829-30:
Quân dung đâu mới lạ nhường,
Mão mao, áo đỏ chật đường kéo ra.
1.2.Thượng BinhKhu vực Ðông Nam Á vào cuối thế kỷ XVIII không phải là những quốc gia có lãnh thổ hành chánh rõ rệt được qui định theo công pháp mà là những khu vực ảnh hưởng của từng bộ tộc sống rải rác, du canh. Bên cạnh sinh hoạt của từng bộ lạc, khu vực này còn có một hệ thống sơn lộ chằng chịt mà chỉ dân bản xứ mới am tường. Nhiều đoàn thương nhân (caravan) đã sử dụng hệ thống giao thông này để đi buôn tới tận Miến Ðiện, Xiêm La và Nam Trung Hoa khiến cho sản phẩm từ vùng này có thể đem tới vùng khác. Những thương nhân đó rất đa dạng bao gồm người Trung Hoa, người Thái, người Shan (?), người Bhamo (ở Miến Ðiện).[182] Chính anh em Nguyễn Nhạc cũng là những đầu nậu trong những đoàn buôn này, thông thạo đường sá, phong tục của vùng Tây nguyên, quen thuộc với những loại bùa chú, thuốc men, chất kích thích mà dân tộc thiểu số thường dùng để chữa bệnh.
Sử sách chép không đầy đủ nhưng quân Tây Sơn chắc chắn bao gồm một lực lượng lớn những đồng bào thiểu số, không phải chỉ trong vùng Qui Nhơn mà gần như toàn cõi Tây Nguyên, kể cả Nam Lào và bắc Campuchia ngày nay.[183] Căn cứ khởi nghĩa của họ nằm ở An Khê, thời đó gọi là đèo Mang (có nghĩa là cổng theo tiếng Bahnar). Vùng đất ở phía đông đèo Mang gọi là Tây Sơn hạ đạo, còn vùng phía tây trở lên chen lẫn rừng rậm núi cao gọi là Tây Sơn thượng đạo.
Khi làm chủ luôn cả miền Bắc, ảnh hưởng của Nguyễn Huệ bao trùm luôn cả vùng Thượng Lào và đã nhiều lần đem quân tiêu diệt các dư đảng của nhà Lê tại nơi đây. Ngay cả cái tên Tây Sơn mà chúng ta gọi cũng không phải chỉ là một địa danh nhỏ bé của vùng Qui Nhơn mà là tên gọi chung cho toàn thể khu vực rừng núi phía tây, không phân biệt sắc tộc.
Con đường mòn này không chỉ là một trục lộ giao thông mà cả một khu vực phía Tây là một địa bàn chiến lược với những sắc dân người Thượng và hàng trăm, hàng ngàn con voi, lưu động tới những khu vực cần thiết.[184]
1.3. Tượng Binh
Một trong những binh đội quan trọng nhất của Ðàng Trong là tượng binh. Miền nam có nhiều voi nhưng người Việt không biết cách huấn luyện nên các vua chúa thường phải mua của lân bang hay đòi các thuộc quốc tiến cống. Giáo sĩ Cristophoro Borri đã viết như sau:
Có rất nhiều voi trong xứ Ðàng Trong, nhưng họ không dùng được vì chưa biết cách bắt và huấn luyện. Vì thế phải đưa những con đã thuần thục và biết khuôn phép từ Campuchia là một nước láng diềng. Voi ở đây lớn gấp hai voi ở Ấn độ. Chân và vết chân nó để lại đo chừng một piê rưỡi đường kính. Răng thò ra từ miệng gọi là ngà voi thì thường dài tới mười bốn piê, đó là voi đực. Còn voi cái thì ngắn hơn nhiều. Vì thế người ta dễ nhận thấy voi ở xứ Ðàng Trong to lớn hơn những voi người ta vẫn dẫn đi diễu ở Âu châu: ngà chưa được hai piê rưỡi.[185]
Vào thế kỷ XVII, XVIII khu vực rừng núi bao gồm miền bắc Campuchia, Nam Lào và miền trung nước ta còn nhiều loại voi lớn không như giống voi cỏ là loại voi nhỏ hiện nay ta thường thấy.[186] Chính đó là những con voi được huấn luyện dùng trong tượng binh mà người ta miêu tả là mang cả đại bác.
Khi có chiến tranh và trận mạc thì người ta nhấc mui (trên) bành đi để thành một thứ chòi chở lính giao chiến với nỏ, với súng và có khi với khẩu đại bác: voi không thiếu sức để mang nổi và là con vật rất khoẻ, nếu không có gì khác. Chính tôi (tức giáo sĩ Borri) đã thấy một con dùng vòi chuyên chở những vật rất nặng, một con khác chuyển một khẩu súng lớn và một con nữa một mình kéo tới mười chiếc thuyền, chiếc nọ theo sau chiếc kia, giữa đôi ngà một cách rất khéo và đưa xuống biển …[187]
Voi dùng trong chiến đấu cũng khác hẳn những con voi được thuần hoá để dùng trong các đoàn lưu diễn hay trong lễ lạc và cũng không giống như một gia súc mà nhiều dân tộc dùng trong công việc hàng ngày. Nhiều khi người ta chỉ cần so sánh đội tượng binh của một quốc gia cũng đủ đánh giá sức mạnh quân sự của nước ấy vàđoàn voi trận thường được dùng như một cách phô trương trong các buổi tiếp sứ thần nước ngoài. Những con voi trận có khi còn được mặc giáp bằng da hay kim loại và theo Maurice Collis, một người chuyên môn huấn luyện voi, thì “đây là những con vật được đào tạo để hung dữ theo lệnh lạc, sử dụng như một mũi xung kích trong chiến đấu và cũng là một sát thủ giết người bằng cách tung lên, dày đạp, xé nát (đối phương) một cách thích thú như trẻ con”.[188]
Thực ra quân Thanh cũng có khá nhiều kinh nghiệm với việc chống lại voi chiến vì vùng Vân Nam cũng có voi và trong lịch sử họ cũng đã có khi điều động tượng binh. Quân Nguyên dùng tên lửa và vũ khí nhọn đánh bại đoàn voi của nhà Trần năm 1257 rồi sau đó quân Minh cũng đã đánh thắng 15 vạn quân Maw Shan và 100 con voi bằng súng và hoả tiễn.[189]
Trong chiến tranh với Miến Ðiện trước khi sang nước ta không lâu, quân Thanh đã học tập khá nhiều và Tôn Sĩ Nghị cũng từng đi theo đoàn quân viễn chinh nên không xa lạ gì với voi chiến. Ðối với binh sĩ chưa từng trông thấy con vật khổng lồ này, việc kinh hoàng là điều đương nhiên, nhất là nhiều khi người ta đồn đãi nhữngđiều quá sự thật.
1.4. Thuỷ Binh
Khi người Việt còn định cư tại miền Bắc, kỹ thuật đi biển của ta chưa có gì khởi sắc mặc dù đã nói đến biển cả từ những truyền kỳ thời Hùng Vương. Hai trận đại thắng của Ngô Quyền và của Trần Quốc Tuấn đều xảy ra trên sông, nơi giáp giới với biển chứ không phải ở ngoài khơi. Mãi tới đời nhà Hồ, con trưởng của Hồ Quí Ly là Hồ Nguyên Trừng mới bắt đầu đóng những chiến thuyền loại lớn. Với thói quen sống biệt lập thành từng làng xã, sinh hoạt kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị của dân miền Bắc thu hẹp trong một không gian nhỏ. Mỗi làng là một đơn vị tự túc về mọi mặt mà không cần phải giao tiếp với khu vực khác.
Trái lại các vương quốc ở Ðàng Trong đã có những quá khứ rất oai hùng liên quan đến mặt biển, một phần vì truyền thống học hỏi của các nước ở vùng Ðông Nam và Nam Á, phần khác vị trí địa lý là bao lơn trông ra đại dương, nơi qua lại của một hải lộ đã nổi danh là Con Ðường Gia Vị (Spice Route) ngay từ thời thượng cổ.
Về kỹ thuật, người Chiêm Thành đã biết dùng thuyền nhẹ dàn thành thế trận tấn công những tàu buôn từ lâu. Người Chăm có một đội hải thuyền hùng hậu và những thủy thủ can trường thường liều mạng xông xáo trên biển cả để buôn bán và chiến đấu. Kiểu mẫu tàu chiến của người Chăm có hình dáng tương tự như của thuyền vùng Nam Dương mà hiện nay chúng ta còn thấy dấu vết để lại nơi các thuyền trạm trổ mỹ thuật của người Thái Lan trong những cuộc đua thuyền. Theo những hình ảnh mà người Âu Châu vẽ lại về chiến thuyền của Ðàng Trong, đó là một loại thuyền chèo tay, mũi ngẩng cao, trạm trổ và trang trí hoa văn kỳ dị, thân thon và dài đủ biết có thể lướt sóng với tốc độ cao.[190] Ðể gia tăng sức chịu đựng khi đụng vào nhau, mũi thuyền dùng trong chiến đấu thường ghép thêm những thanh gỗ chéo vẫn còn thấy ở các thuyền nơi cửa sông vùng Quảng Ðông.[191]
Những chiến thuyền đó không chở được nhiều nhưng hiệu quả khi tấn công bất ngờ những thương thuyền hay tàu lớn trong đêm tối, chiến thuật quen thuộc với người Chiêm Thành từ lâu mà Nguyễn Huệ thường sử dụng. Tuy không có những tài liệu nào miêu tả chính xác các kiểu thuyền của Tây Sơn, chúng ta có thể tin rằng chiến thuyền vào thế kỷ XVIII ở Ðàng Trong cũng tương tự, khác nhau họa chăng là số lượng, chiến thuật hay cách điều động mà thôi.
Do ảnh hưởng của văn minh hải đảo Malaysian, thủy thủ vùng Ðông Nam Á nói chung và thủy thủy người Chiêm Thành nói riêng có thể ra khỏi bờ bể hàng ngàn dặm chẳng cần hải bàn hay hải đồ, chỉ dựa theo màu sắc của những đám mây, màu nước biển và độ sóng, giương buồm nương theo sức gió và nhìn sao để lấy hướng. Chỉ cần tìm hiểu các loài chim biển và rong biển họ gặp, người Chăm có thể nhận biết những hòn đảo còn cách xa đến 30 dặm và kiến thức về biển cả được truyền miệng từ đời này sang đời khác theo kiểu cha truyền con nối.[192] Phương thức và kỹ thuật đóng thuyền của họ cũng rất độc đáo và người Việt chúng ta đã kế thừa khá nhiều truyền thống của họ. Những con số chúng ta còn ghi nhận được cho thấy tốc độ đóng thuyền rất đáng kể cho thấy vào thời kỳ này miền Nam Việt Nam có những phát triển kỹ thuật mà nhiều điều đến nay vẫn chưa khám phá hết.[193]
Những thuyền đó khác hẳn những thuyền buôn hay tàu chiến của người Trung Hoa (junks) nặng nề, thô kệch, tuy trang bị nhiều đại pháo hơn nhưng thiếu linh động, khó xoay trở. Cũng như người Chiêm Thành, Nguyễn Huệ rất chú trọng đến chiến thuyền và cũng có hai loại: thuyền lớn để chở quân, lương thực, vật liệu và tàu nhỏ nhẹ và linh động đùng để bao vây, tấn công và xung kích. Ðội chiến thuyền đó rất đông, ít ra cũng vài trăm, có khi lên hàng ngàn. Ðó cũng là lý do tại sao thủy quân thời Tây Sơn có một vị trí đáng kể, phù hợp với những gì sử sách đã cho ta biết, Nguyễn Huệ luôn luôn dùng binh thần tốc, bất ngờ, áp đảo và tiến đánh cũng như rút lui rất nhanh.
Trong nhiều thế kỷ tuy nạn cướp biển có hoành hành nhưng cũng không trở thành một lực lượng đáng kể vì thiếu một căn cứ địa để trốn tránh khi bị săn đuổi. Thếnhưng đến thế kỷ thứ XVIII, triều đình nước ta đã nhìn ra được tiềm năng và vai trò của họ nên thu dụng để dùng vào việc tuần phòng duyên hải. Nguyễn Huệ cũng tập hợp được nhiều nhóm, phân chia lãnh bàn hoạt động, chỉ đạo các chiến dịch và cho họ nơi trú ẩn. Robert J. Antony đã nhận ra rằng ở cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, cướp biển đã thành một vài tập hợp lớn, có đến hàng ngàn chiến thuyền, tổng cộng đến hơn 7 vạn người.[194] Dian Murray cũng tường thuật khá chi tiết về những thủ lãnh mà Nguyễn Huệ chiêu dụ được căn cứ trên những tấu triệp của nhà Thanh (văn thư các quan tâu về triều) còn giữ trong Quân Cơ Xứ. Những tên tuổi của họ giải thích được phần nào một số “đô đốc” chỉ có tên mà không có họ trong danh sách các tướng lãnh:
… Ðối với đám hải khấu lẻ tẻ vùng Quảng Ðông, Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tô, Nguyễn Văn Huệ được gọi là Ðại Ca Việt Nam, là người bán những đồ họ cướp được và chia cho họ từ 20 đến 40% số tiền. Những bọn cướp lớn cũng được Hoàng đế che chở vì họ không những được phép neo thuyền tại vùng biên giới (Trung Hoa và Ðại Việt) để tuyển quân và trộm lương thực mà còn có thể dùng Việt Nam như một “sào huyệt” để rút về. Bọn hải khấu đó coi nhà vua như chủ nhân của họ vì dưới thẩm quyền của ông họ có thể thu hoạch nhiều nguồn lợi từ biển cả.[195]
Ngay từ khoảng cuối năm 1773, anh em Nguyễn Nhạc đã sử dụng thương nhân Hoa kiều là Tập Ðình (集亭) và Lý Tài (李才) chiêu mộ một số người Hoa tổ chức thành Trung Nghĩa Quân và Hoà Nghĩa Quân. Hai đạo quân này rất dữ tợn, sử nhà Nguyễn chép là:
… Lại lấy người thổ trước cao lớn, cạo đầu dóc tóc, lẫn lộn với người Thanh. Lúc đánh thì cho uống rượu say, cởi trần, đeo giấy vàng giấy bạc vào cổ, để tỏ ýlà tất chết; thường làm quân tiền xung, quan quân không thể chống được …[196]
Một trong những danh tướng của Nguyễn Huệ xuất thân cướp biển là Trần Thiêm Bảo (陳添保). Theo Dian Murray thì Trần làm nghề đánh cá ở vùng Liêm Châu (廉州), Quảng Ðông cùng với vợ và hai con trai. Tháng 10 năm 1780, thuyền của y bị bão thổi dạt xuống phương Nam nên cư ngụ luôn tại khu vực gần Thăng Long. Năm 1783, gia đình y đầu nhập Tây Sơn, được phong chức tổng binh và tham gia cuộc hành quân chống lại họ Trịnh. Theo lời khai của Trần Thiêm Bảo thì y được người tài công cũ là Lương Quí Hưng (梁貴興) tiến dẫn và cả hai cùng tham gia trận đánh chiếm Thuận Hoá năm 1785. Lương Quí Hưng được phong tước Hiệp Ðức Hầu (合德侯) và được ban một quả ấn khắc “súc hữu đầu phát” (蓄有頭髮) nghĩa là được quyền để tóc dài.[197]
Trần Thiêm Bảo lập nhiều công lao nên được phong làm Tổng Binh Bảo Ðức Hầu, dưới tay có đến sáu chiến thuyền, chỉ huy một đạo quân trong đó có 200 người Việt. Chỉ trong mấy tháng, Tổng Binh Bảo đã chiêu tập được tất cả các nhóm hoạt động trong vùng biển đông và vịnh Bắc Việt, xây dựng cho Nguyễn Huệ một lực lượng thuỷ binh đáng kể. Trong số các thủ lãnh, kiệt hiệt nhất có hai người là Lương Văn Canh (梁文庚) và Phàn Văn Tài (樊文才). Lương Văn Canh gốc là ngư phủ ở Tân Hội (新會), khi về đầu quân được Trần Thiêm Bảo phong cho làm thiên tổng (lieutenant). Phàn Văn Tài gốc ngư phủ ở Lục Thuỷ (陸水), Quảng Ðông, theo từ năm 1786, được phong chức chỉ huy (commander).
Ðến năm 1788, Nguyễn Huệ bị áp lực từ phương Bắc nên gấp rút tổ chức thuỷ quân để đối phó với tình hình ngày càng quyết liệt. Tổng binh Bảo được cấp thêm 16đại thuyền nữa và phương tiện để tuyển mộ thêm quân. Nhờ thế, Trần Thiêm Bảo chiêu dụ được Mạc Quan Phù (莫官扶) và Trịnh Thất (鄭七). Mạc Quan Phù người Toại Khê (遂溪), gia nhập cướp biển năm 1787. Năm 1788, y liên kết với Trịnh Thất và cả hai được Trần Thiêm Bảo chiêu mộ, phong cho làm tướng quân. Trần Thiêm Bảo có nhắc đến hai người “ra biển chiến đấu nhiều lần, khi trở về Việt Nam có đem biếu lụa là, vải vóc và tiền bạc ngoại quốc”. Những chức vụ của một số cấp chỉ huy cho ta thấy họ thực sự đóng một vai trò trong tổ chức quân sự của vua Quang Trung.
2. VŨ KHÍ
2.1. Vũ Khí Cổ Ðiển
Những loại vũ khí truyền thống không những thông dụng trong chiến đấu mà cả trong sinh hoạt thường nhật của người dân Ðàng Trong bao gồm lao, dao lớn (đao) và quan trọng nhất là một loại đoản đao rất phổ biến trong các dân tộc Mã Lai gọi là kris. Theo một số tác giả, kris có thể coi như một loại võ khí độc đáo và độc nhất của người Chăm vào thế kỷ XVI, rất tiện dụng khi đi rừng, ra khơi hay cận chiến.[198] Việc trang bị cho quân đội có thể thay đổi tuỳ từng thành phần, những đội thân binh và các toán quân tinh nhuệ đều mang hoả khí (firearms) trong khi các toán dân quân hay tân tuyển chỉ được trang bị những loại vũ khí có thể tìm thấy tại địa phương, kể cả những dụng cụ của nông dân như câu liêm, đinh ba, đòng (lao đâm cá), rựa, búa …
Một loại võ khí của quân đội Ðại Việt mà người Tây phương ghi nhận là loại đao dài sử dụng bằng cả hai tay (two-handed swords). Loại đao này chúng ta cũng thấy hiện hữu nơi nhiều dân tộc khác trong vùng Ðông Nam Á, nhất là khi chiến đấu trên lưng ngựa hay lưng voi, rất hiệu quả để chặt đứt các loại áo giáp. Cán đao có thể dài bằng lưỡi đao (giống như cái rựa của người Thượng) hay dài hơn (như đại đao của người Trung Hoa).[199] Theo ghi nhận của giáo sĩ Borri, các chúa Nguyễn ởÐàng Trong thường mua đao kiếm của người Nhật vì thép của họ rất tốt. Vào thế kỷ XVI, người Nhật cũng nổi tiếng về nghề đúc súng bán cho các lân bang.
2.2. Hỏa Khí
2.2.1 Hỏa Hổ
Một trong những câu hỏi lớn mà nhiều sử gia tránh né không muốn đề cập đến là võ khí vẫn được của quân Tây Sơn gọi là “hỏa hổ ” thực sự đó là gì. Nhiều người khẳng định rằng đây là một loại súng phun lửa. Thực ra, muốn phun được lửa người ta phải có những loại chất lỏng hoặc hơi có độ bắt lửa cao (chẳng hạn như xăng hay dầu ngày nay) và cơ phận tạo sức ép mạnh để tống nhiên liệu về phía trước. Vào thế kỷ thứ XVIII chúng ta chưa có loại chất lỏng hay máy móc nào có đủ nhữngđiều kiện đó. Vả lại dẫu có súng phun lửa, với sức người thì cũng không thể nào phun được xa, chưa tới gần địch e rằng đã bị súng và cung nỏ của họ tiêu diệt trước. Hai tác giả Nguyễn Lương Bích và Phạm Ngọc Phụng thì lại giải thích rằng hỏa hổ chính là đuốc mà quân Tây Sơn chế tạo ra từ những ngày đầu tiên.[200]
Ngoài ra chúng ta không thể không nhắc đến một loại hỏa tiễn hình đầu quạ, thân bằng tre có nhồi thuốc súng. Bốn ống phun ở đuôi có thể đẩy loại tên lửa này bay xađến 300 mét và thường được dùng để đốt phá doanh trại hay tàu bè của đối phương đã khá phổ biến và thông dụng từ trước thế kỷ XVII.
Những loại đạn phóng như thế cũng đã được quân Mông Cổ dùng trong những cuộc tấn kích Nhật Bản và các quốc gia vùng Ðông Nam Á mà sử sách còn ghi chép. Việc sử dụng thuốc súng vào trong những loại súng phóng tay (hand-held projectile weaponry) đã được dùng khá rộng rãi trên bộ cũng như trên biển vào thời kỳ đó nhưng cụ thể loại võ khí đó ra sao thì chưa thấy ai đề cập đến.[201] Tài liệu duy nhất miêu tả sơ qua chỉ được thấy trong tờ biểu của Nguyễn Huy Túc như sau:
Tháng Sáu năm thứ 51 (tức năm Bính Ngọ 1786) Nguyễn Nhạc, Nguyễn Văn Huệ công thành, nghe nói có đến hơn 5 vạn quân, khí giới của chúng phần lớn là giáo mác và hỏa đồng (火筒), còn có tên là hoả hổ (火虎), có bầu (nguyên văn doanh bả 盈把) lớn, dài chừng một thước (khoảng 30 cm), khi lâm trận phun lửa, trong ống tống nhựa thông ra, trúng phải đâu, lập tức bốc cháy, có cả hoả pháo nhưng không nhiều …[202]
2.2.2 Hỏa Cầu
Một loại võ khí đặc biệt khác cũng có tác dụng tương tự là hỏa cầu (fireball) được các binh sĩ ngồi trên lưng voi ném ra. Ðây là những bình đất nung chứa thuốc súng trộn rượu mạnh. Diêm sinh được chứa vào nắp bình, treo sẵn, khi xáp trận sẽ ném lên sàn tàu địch, bình sẽ vỡ và bén lửa.[203] Hỏa cầu đã được hải quân (và cả giặc cướp) dùng từ lâu để phá vỡ tàu địch nhưng chỉ được dùng trên bộ khi người ta đã chế tạo được những loại thuốc súng tốt, bén lửa nhanh và ít khói. Kỹ thuật chế tạo thuốc nổ bộc phát ở Âu Châu từ thế kỷ XIV, XV đã truyền sang Nam Á và được sản xuất khá nhiều trong thời kỳ này.[204]
Thế nhưng ngay từ nhiều thế kỷ trước, hải khấu đã biết dùng một loại bom làm bằng bình đất nung, miệng hẹp trong chứa thuốc súng và miểng, ném ra như một loại lựu đạn chế tạo giản dị. Loại bom này gần đây đã được tìm thấy nơi biển Ðài Loan do quân của Trịnh Thành Công sử dụng khi tấn công quân Hòa Lan.[205] Dian Murray cũng đề cập đến việc hải phỉ dùng những loại miểng vụn của nồi sắt hay đinh, có khi còn dùng tiền đồng hay các loại bình chứa. Họ cũng hay đánh hỏa công bằng thuyền chất đầy đồ dẫn hỏa xông thẳng vào địch hoặc ném những loại pháo bằng ống tre để đánh gãy cột buồm.
2.2.3. Hỏa Long
Một giả thuyết khác mà chúng tôi đưa ra là ở vào thời kỳ này người ta đã biết chế tạo một loại hỏa tiễn đốt theo hai giai đoạn (two-stage rocket) gọi là “hỏa long” (fire-dragon). Con rồng lửa là một loại ống phóng có bốn hỏa tiễn ở thân chính, khi cháy hết sẽ mồi vào những tên lửa ở trong bụng rồng và những tên lửa đó sẽ được bắn vọt ra đằng miệng. Vì chưng hỏa tiễn bắn ra hàng loạt trông như một con rồng lửa bay trên mặt nước nên được đặt tên là hỏa long.[206] Có thể cũng loại võ khí nàyđược cải tiến đôi chút để sử dụng trên bộ nên được đặt tên là hỏa hổ để tượng trưng cho một loại trên bờ, một loại dưới nước nhưng thực chất chỉ là một. Vả lại hỏa long, hỏa hổ chủ yếu đều dùng tre, nứa làm ống chứa thuốc mà tre trúc là một loại thảo mộc rất thông dụng ở phương nam nên việc quân Tây Sơn sử dụng các loại võkhí này cũng không phải là chuyện lạ. Có thể nói, nguyên thủy võ khí đó do người Trung Hoa nghĩ ra nhưng lại được dùng như một thứ võ khí chiến lược của quân Nam để chống lại phương Bắc. Có lẽ vì thế mà người thời đó đã truyền tụng là:
Hổ tự Tây Sơn xuất
Long tòng Ðông Hải lai
虎自西山出, 龍從東海來
(Hỏa hổ phát xuất từ rừng núi phía Tây,
Hỏa long nguồn gốc từ biển cả phía Ðông)
2.3. Ðại Pháo và các loại Súng
Ngoài những loại võ khí thông dụng như kiếm kích, cung nỏ, gươm đao, quân Tây Sơn có nhiều loại súng ống bao gồm cả súng đại bác và súng điểu thương (súng chim). Súng đại bác được dùng để phòng thủ, nếu đưa ra trận thì dùng voi kéo hay chở. Việc chở súng trên lưng voi và đội hình dùng voi xung phong không phải là sáng kiến của Nguyễn Huệ mà là một truyền thống khá lâu đời ở khắp vùng Ðông Nam Á. Trong những trận đánh của Xiêm La và Miến Ðiện chúng ta cũng thấy họ sử dụng chiến thuật này. Không nói gì về sau khi họ đã trở thành một lực lượng đáng kể, ngay từ những ngày đầu còn ở tại căn cứ nơi núi rừng, họ cũng đã có súng. Trong một lá thư của giáo sĩ Diégo de Jumilla viết 15 tháng 2 năm 1774 cũng kể lại là khoảng đầu tháng 4 năm 1773 ông ta đã thấy những người lính Tây Sơn xuống chợ “kẻđeo gươm, người mang cung tên, lại có người mang súng”.[207]
2.3.1. Súng tay
Theo nhiều người Âu có mặt trên đất nước ta thời đó, trang bị của quân Nam rất hùng hậu. Quân Tây Sơn kế thừa tất cả những kỹ thuật của xứ Ðàng Trong[208] nên cũng có được nhiều loại võ khí tối tân nhất thời đó, đáng kể là một số lượng lớn các loại súng điểu thương (flintlock), hỏa mai và đại bác.[209] Về kỹ thuật, người Việt ở Ðàng Trong cũng nổi tiếng là thiện xạ và thuần thục trong việc sử dụng các loại súng tay cũng như đại pháo.
Người Ðàng Trong hiện giờ đã hết sức chuyên môn trong việc dùng súng lớn và súng nhỏ vượt xa cả Âu Châu; vì dường như suốt ngày họ chẳng làm gì khác ngoài việc tập bắn. Họ giỏi đến nỗi họ có thể dùng súng lớn bắn trúng còn hơn người ta bắn bằng súng nhỏ. Súng hoả mai họ bắn cũng tài lắm vì ngày nào cũng ra đồng để thực tập.[210]
Súng thời đó thường đúc bằng đồng cho ít bị nứt vỡ, nạp tiền nghĩa là nạp thuốc và đạn từ đằng trước. Ðại bác thời đó đủ cỡ và dài ngắn khác nhau tùy theo mỗi nước, mỗi thời kỳ. Muốn bắn được xa thì nòng phải dài, việc đợi cho thuốc cháy hết cũng lâu hơn. Thoạt tiên, những súng trường được gọi dưới các tên matchlock, arquebus hay musket là những súng cá nhân trang bị cho bộ binh. Những súng đó dài và nặng nề nhưng về sau nòng súng (barrel) đã có khương tuyến (grooves) để khi viên đạn bắn ra sẽ xoay tròn và vì thế đi được xa hơn. Ðạn là đạn chì hình tròn, vừa khít với nòng súng, phải nhồi từ trước bằng môït cây thông nòng (ramrod) và một cái búa gỗ (mallet). Khi viên đạn bắn ra, đạn đạo sẽ bay thẳng và không bị lệch hướng như đạn súng trường thuở trước.
Súng trường dài từ 1.5 đến 1.6 mét, hơn chiều cao trung bình của người Việt Nam, có báng và gỗ đỡ nòng, được trang trí bằng những hoa văn kim loại. Dùng trong chiến trận, viên đạn có thể đúc nhỏ hơn một chút cho tự động chạy vào trong nòng súng. Loại súng điểu thương được mồi bằng đá lửa (flint) bằng một cái cần mổ hình như mỏ gà (pecking hen). Mỏ gà được kéo ngược ra sau bằng tay cho mắc vào khớp và sẽ giữ tại đó. Khi người lính bóp cò, mỏ gà sẽ bật ra, mổ viên đá vào một thanh sắt cho xẹt ra tia lửa, đồng thời buồng thuốc súng sẽ mở ra để lửa bén vào.
Súng quân lính thời Tây Sơn dùng chính là loại điểu thương này, cộng thêm việc sử dụng rộng rãi các loại hỏa long, hỏa hổ, các loại bình chứa miểng như một loại bom đơn giản … đã khiến cho họ có nhiều ưu thế về sức mạnh, việc huấn luyện cũng mau, hiệu năng lại cao hơn lối đánh dùng các loại cung nỏ, gươm giáo.
2.3.2. Tiểu Pháo
Vì địa thế chật hẹp, gập ghềnh quân Tây Sơn ít dùng đại pháo[211] nhưng có rất nhiều súng đại bác loại nhỏ (small cannon). Những khẩu đại bác đó có thể mang trên lưng và bắn một loại đạn nặng chừng hơn 100 gr (4 ounces). Một người lính “cõng” cái nòng súng (barrel), dài chừng 2 thước, trong khi một người lính khác mang cái “giá” là một khúc gỗ tròn dài cũng chừng cái nòng súng. Khi tác xạ, cái giá được dựng lên bằng hai cái càng hay một cái chạc cao khỏi mặt đất chừng một mét, nòng súng sau đó để lên trên giá trong một cái ngàm sắt. Người lính có thể điều chỉnh độ nhắm và kiểm soát bằng một cái báng tì lên trên vai.[212] Các loại súng này rất tiện lợi cho việc di chuyển và phục kích quân địch.[213]
2.3.3. Thuốc Nổ
Quân Tây Sơn cũng được huấn luyện để tự pha chế lấy thuốc nổ và người Âu Châu đã kinh ngạc vì họ nạp đạn nhanh hơn bất cứ quân đội nào khác. Trong khi người Anh phải thực hiện đến 20 động tác cho mỗi lần nạp đạn thì người Việt chỉ cần có 4 động tác.[214] Thuốc súng được chia thành từng liều chứa trong các ống trúc, vừa tiện dụng, vừa khô ráo, tiện hơn người Âu Châu chứa vào các hộp giấy dễ bị ẩm ướt trong khí hậu nhiệt đới.
Có điều vì thuốc súng còn sơ khai, nhất là của nhà Thanh bắt lửa kém, nhiều khói nên họ thường đốt để làm màn khói che cho trận đánh hơn là dùng để tác xạ. Chính vì thế mà sử sách đã ghi là vua Quang Trung sau trận đánh “áo bào đen như mực” vì ám khói.
Chúng ta không có con số cụ thể bao nhiêu binh sĩ các loại và trang bị như thế nào nhưng so sánh với những lực lượng đối nghịch, trang bị của quân Tây Sơn chắc hẳn không kém hơn.[215]
3. TỔ CHỨC ÐIỀU HÀNH
3.1 Tổ Chức
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa đưa ra được một sơ đồ về tổ chức hành chánh và quân sự của triều đại Tây Sơn. Liệt Truyện đưa ra một số chức vụ nhưÐại Tư Khấu, Ðại Tư Mã, Thái Úy, Ðô Ðốc, Nội Hầu … nhưng quyền hạn và phạm vi các chức vụ đó đều không rõ ràng. Dường như sự liên hệ giữa chứcvụ, quyền hạn và số binh sĩ dưới quyền không có tương quan chặt chẽ. Một số cấp chỉ huy các đội chiến thuyền được phong tới tước vương, không hiểu căn cứ trên công lao hay khu vực quản hạt.
Theo cách tuyển mộ và ấn định ngạch số cho từng địa phương, dường như tổ chức quân sự vẫn dựa theo khả năng “bắt lính” của mỗi người, số lính tuyển được coi như quân bản bộ của họ. Do đó, để có được số quân đông đảo, các tướng lãnh thường rất gay gắt và cứng rắn trong việc thúc đẩy dân chúng tòng quân.
Quân đội được chia thành Ngũ Quân (Trung, Tiền, Hậu, Tả, Hữu) nhưng chỉ khi ra trận, bình thời không có những chức vụ Tả quân, Hữu quân … như đời Nguyễn. Trong chiến dịch đánh với quân Thanh, các tướng chỉ huy quân của mình theo những đường đi và nhiệm vụ nhất định nhưng đều được toàn quyền đưa ra cách thức tấn công, phòng ngự mà không phải chịu một mệnh lệnh tuyệt đối từ cấp chỉ huy tối cao là vua Quang Trung.
3.2. Ðiều Hành
3.2.1 Di Chuyển
Một trong những huyền thoại về vua Quang Trung là việc điều quân nhanh chóng từ nam ra bắc. Thực tế việc đi nhanh có lẽ ông chỉ thực hiện được từ Ninh Bình đến Thăng Long vì một đội quân lớn không thể di chuyển trên một khoảng đường dài mà không có những chuẩn bị thích hợp. Hệ thống đường sá thời đó cũng còn rất sơ khai, khó có thể đưa đại quân đi mà không trở ngại. Chúng ta không hiểu Nguyễn Huệ và bộ tham mưu của ông đã thực hiện việc di chuyển, tiếp liệu, lương thực, y tế, tải thương … như thế nào. Những vấn đề đó là những ưu tư hàng đầu của các tướng lãnh trước khi bàn đến chiến thuật, chiến lược. Hậu cần cũng liên quan đến thực trạng chính trị, kinh tế và khung cảnh xã hội phải được sử dụng một cách linh động và thời nào cũng có những hạn chế có tính qui luật không thể vượt qua. Ðó là những nguyên tắc chặt chẽ của ngành hậu cần đã được Jomini định nghĩa là “nghệ thuật thực dụng của việc chuyển quân” (the practical art of moving armies) trong đó bao gồm cả “cung ứng những đội ngũ tiếp liệu liên tục” (providing for the successive arrival of convoys of supplies) và “thiết lập, tổ chức đường tiếp liệu” (establishing and organizing … lines of supplies).[216] Một cách tổng quát, vấn đề tiếp vận là làm sao một mặt di chuyển được binh đội, mặt khác cung cấp đủ cho họ những điều kiện vật chất để sẵn sàng chiến đấu.
Tình hình miền Bắc nước ta thời kỳ đó hoàn toàn chưa yên ổn, phần lớn dân chúng và sĩ phu vẫn có bụng hoài Lê và mong mỏi vương triều cũ được tái lập. Sự hoài vọng không khỏi khiến con người có những ảo tưởng, từ trông đợi quân Thanh sang giúp đến mong đợi chúa Nguyễn ở trong Nam kéo ra (nhiều người nghĩ rằng chúa Nguyễn cũng như chúa Trịnh vẫn là thần tử nhà Lê, niên hiệu vẫn dùng Cảnh Hưng, chỉ đến sau này khi vua Gia Long lên ngôi mới thực sự thất vọng) đánh đuổi nhà Tây Sơn. Chính vì hoàn cảnh bấp bênh đó, Nguyễn Huệ phải tính toán những biện pháp tương đối quyết liệt và ngắn hạn, không thể chuẩn bị một cuộc chiến kéo dài khi chung quanh bạn thù rất khó phân biệt. Rất đông người tuy nhất thời phải khuất phục ra cộng tác với nhà Tây Sơn trong hai triều Quang Trung và Cảnh Thịnh (sau là Bảo Hưng) nhưng nếu có dịp đều sẵn sàng trở mặt. Chúng ta không thể bỏ qua tâm lý quần chúng thờ ơ, không cộng tác một cách tích cực khiến cho quân Tây Sơn phải hoạt động rất bí mật, nhanh gọn và luôn luôn phải đề phòng những bất trắc có thể làm đảo ngược tình thế.
Tuy có được lợi điểm là “đánh trên đất nhà” nên binh sĩ Tây Sơn có thể bám rễ vào quần chúng nhưng không phải vì thế mà chúng ta hoàn toàn phủ nhận một số nhược điểm hiện diện trong bản chất. Những khó khăn đó vốn dĩ đã được các quân sự gia Tây phương nhấn mạnh, gọi là “cọ xát” của chiến tranh (friction of war), ám chỉ sự tiêu hao năng lực ảnh hưởng đến chiến đấu vẫn thường bị các sử gia bỏ quên nên miêu tả như những hiện tượng hiển nhiên và chìm lẫn vào những chi tiết sôi động hơn.
Một quân sự gia Tây phương đã nhận định:
Cơ bản để hoạch định của cấp chỉ huy là kiến thức vững chắc về tiếp liệu và di hành; có thế ông ta mới biết làm sao và khi nào có thể liều lĩnh, mà chiến trận chỉ có thể thắng khi dám mạo hiểm.[217]
Cuộc tiến quân của Nguyễn Huệ trong giai đoạn đầu rõ ràng phải dựa vào một hệ thống tiếp liệu tại chỗ bao gồm một số doanh trại ông bố trí sẵn từ Phú Xuân ra Nghệ An. Trong thời gian di hành, ông đã thực hiện nhiều lối di chuyển khác nhau theo nhiều trục lộ và chỉ ấn định một “điểm hẹn” để tập kết. Việc tập trung lực lượng để chuẩn bị “bôn tập” đó được thực hiện một cách rốt ráo, cực đoan có tính một mất một còn. Lịch sử chứng minh rằng ông đã tính toán đúng trong lối tấn công quyết tử (predatory warfare) nên hậu thế ít ai nhắc đến những thiệt hại của bên mình.
Chắc chắn khi tiến quân đánh Thăng Long, Nguyễn Huệ không thể coi thường dân chúng ở vùng Nghệ An Thanh Hóa trước đây đã từng phục kích tấn công Nguyễn Nhạc, hiện đã trở thành một cánh quân nằm phục sau lưng. Nếu như vì một lý do nào đó mà việc giao binh với quân Thanh kéo dài hơn dự tính, sau lưng lại có con cháu nhà Lê, dư đảng họ Trịnh nổi lên tấn công từ hai mặt, ông sẽ khó tránh khỏi một cuộc chiến tiêu hao vốn là sở trường của Bắc Hà.
Nếu đúng như sự thông tin của các giáo sĩ cho nhau, ông lên ngôi ngay từ đầu tháng Mười (Âm Lịch) và mất khoảng từ 40 đến 45 ngày để ra đến Nghệ An (cuối tháng Một) trung bình mỗi ngày có thể đi từ 10 đến 15 cây số. Con số này xem ra có vẻ hợp lý với một đội quân vào thế kỷ XVIII, phức tạp và cồng kềnh, tổ chức còn sơ khai, thiếu hẳn một hệ thống tiếp liệu chu đáo. Nói tóm lại, một khi đặt Nguyễn Huệ trở về vai trò của một tướng lãnh cần “mạo hiểm” để chiến thắng, việc điều quân “thần tốc” chính là phương thức để khắc phục những sở đoản mà ông không thể nhất thời giải quyết được.
Vào thời kỳ đó đường từ Phú Xuân ra Bắc chưa có đường lớn, chỉ là đường mòn dọc theo triền núi nên nếu dùng đường bộ thì phải thật gọn nhẹ, muốn di chuyển vớiđồ đạc, quân lương, khí giới phải đi bằng thuyền trong mùa thuận gió.
Theo người ta mục kích, quân Tây Sơn có voi, ngựa, võng, các loại xe kéo … nhưng chủ yếu vẫn là đi bộ và hầu hết các phương tiện chỉ dành cho cấp chỉ huy hay chuyên chở vũ khí, lương thực. Theo truyền thống của vùng Ðông Nam Á, voi của quân Tây Sơn có khá đông nhưng ngựa không nhiều, các loại súng ống, vật liệu nặng thường dùng các loại xe trâu, xe bò hay xe lừa kéo. Trong những trường hợp cấp bách, sức người được điều động thay súc vật và việc di chuyển không khỏi nhọc nhằn, hao binh tổn tướng. Khi tình hình khó khăn, binh lính đào ngũ cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Các giáo sĩ cũng ghi nhận là trong lần ra Bắc thứ hai, Nguyễn Huệ:
… tiến như vũ bão … từ Thanh Hoá ra Ninh Bình chỉ mất có một ngày, không quản đường xa khó nhọc đã giết chết nhiều ngựa voi của ông, trong khi người khác phải mất ba bốn ngày …[218]
Nếu gặp gió thuận, thuyền buồm hay thuyền chèo tay đỡ hao tốn nên được dùng nhiều hơn. Chính vì thế những chiến dịch lớn chỉ được tiến hành khi có gió mùa trong thời gian không có mưa.
Tốc độ di hành luôn luôn có liên hệ mật thiết với phương tiện và địa thế. Trong lịch sử, những đạo quân có thể di chuyển nhanh thường là những dân tộc vùng thảo nguyên bằng phẳng dùng chiến xa hay ngựa cưỡi. Ở cuối thế kỷ XVIII, đơn vị căn bản của nước ta là làng xã có dân số trung bình chỉ khoảng vài trăm đến một ngàn, việc di chuyển hàng vạn người (tương đương với vài chục xã) đi một khoảng cách vài trăm cây số chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn đến những địa phương ngang qua. Những đoàn quân đó thông thường cũng kéo theo một cái đuôi dài bao gồm xe cộ, lừa ngựa, gia súc, vật dụng cá nhân … và cả đàn bà, trẻ con, ông già, bà cả … Ðây là tình trạng chung của mọi quốc gia, mọi quân đội, nhất là trong đó rất đông những binh sĩ người Thượng có thói quen đi chung với nhau thành từng bầy.
3.2.2. Tiếp Vận
Về tình hình tại Ðàng Trong thế kỷ thứ XVIII chúng ta thấy rất ít khả năng xây dựng những doanh trại lớn trú đóng hàng vạn quân. Nhu cầu chiến tranh và cơ cấu xã hộiđơn sơ khiến chúng ta phải nghĩ đến một phương thức đồn trú rất thông dụng là mỗi người lính đều ở với gia đình và ra trình diện khi gọi đến còn khi ra khỏi địa phương thì chia ra từng tiểu tổ ở lẫn với dân. Lương thực vì thế cũng thất thường và chủ yếu dựa vào số gạo thóc lấy được của địch hay mua tại những địa phương mà họ đi ngang qua. Những phương thức đó đều rất bấp bênh nhất là vào những năm đói kém.
Theo tính toán của các chuyên gia về hậu cần, ngoài lương thực, binh lính còn nhiều nhu cầu khác như y phục, vũ khí, vật dụng hàng ngày, củi lửa … chỉ có thể kiếmđược tại những thị trấn có đông dân cư. Nếu không có quần chúng yểm trợ và tiếp tế – trong trường hợp phải di chuyển trong rừng sâu hay hoang địa – một người chỉđủ sức mang theo thực phẩm căn bản trong vòng 5 đến 10 ngày, nếu đi xa hơn thì bắt buộc phải có những trạm tiếp liệu (magazines) hay (đôi khi) phải cử người đi trước để kiếm lương hoặc gầy dựng chợ búa ngõ hầu các cánh quân đi sau có chỗ mua bán đồ dùng cần thiết.
Phương thức tiếp liệu và sinh hoạt của quân Tây Sơn theo các giáo sĩ miêu tả thì thường chia nhau ra đóng tại các đền chùa, miếu mạo, nhà thờ … là cách sinh hoạt tự túc đơn giản và hữu hiệu hơn cả. Ðể có vật liệu đúc súng hay rèn vũ khí, nhiều tượng thờ, chuông đồng và dụng cụ canh nông đã bị trưng dụng cho nhu cầu chiến tranh.
Về vấn đề lương thực và trang bị của quân Tây Sơn có người cho rằng lương khô của binh sĩ thời đó là món bánh tráng, mỗi khi ăn chỉ cần nhúng nước là có thể qua bữa. Ngoài lương thực cũng không thể bỏ qua súng ống, đạn dược … vốn dĩ rất nặng nề, không dễ dàng di chuyển trên đường đất ngoằn ngoèo, lầy lội vào mùa đông và thường đòi hỏi một số dân công đông đảo để phục dịch. Súng thần công loại nhỏ được chở trên lưng voi, quân Tây Sơn không đem các loại súng lớn và đã công thành bằng sức người và các cuộn rơm để xông vào, sau đó đánh hoả công.
Những vấn đề liên quan đến hậu cần khác như chữa bệnh, tản thương hay các chính sách quản trị nhân sự khác (lương bổng, tử tuất, khen thưởng, tưởng lệ …) thì hoàn toàn không ai ghi lại. Với hình thức tổ chức còn sơ khai, những vấn đề đó chắc chưa được qui định rõ ràng mà chỉ giải quyết dựa theo tình hình và khả năng tại chỗ.
Trên thực tế, quân đội của Nguyễn Huệ tuyển mộ từ nhiều khu vực khác nhau, gồm nhiều thành phần, nhiều dân tộc, có tập quán và sinh hoạt đa dạng. Quân đội đó phần lớn không theo tổ chức chính qui nên thường thì không có lương bổng, phải tự túc nhiều mặt chứ không có tiêu chuẩn hàng tháng, hàng ngày. Việc ăn uống vì thếkhông theo quy định mà tuỳ theo tình hình, theo thói quen của từng nhóm, không hiếm những thành phần có lối sống còn sơ khai.
Chỉ những khi đóng quân và phải ổn định trật tự thì kỷ luật thép mới được áp dụng. Theo thư của giáo sĩ Le Roy ở Nam Ðịnh viết cho ông Blandin ở Paris ngày 11 tháng 7 năm 1786 thì:
… Những người Nam Hà này đã áp dụng sự xử án khắc nghiệt, mới thấy tố cáo chẳng cần đợi xét xử lôi thôi, họ đã chém đầu những bọn trộm cướp hay tất cả những kẻ nào bị người ta tố cáo là trộm cướp Người ta rất lấy làm thích sự xử phạt như vậy và sự liêm khiết của quân Tây Sơn. Vì họ không cướp bóc ai, họ chỉ biết chặt đầu mà thôi. Ðiều đó đã khiến cho yên lành ở một vài nơi trong một thời gian.[219]
Không phải chỉ sử gia Việt Nam, hầu hết những nhà nghiên cứu thế giới cũng ít ai nghiên cứu vấn đề tiếp vận một cách tường tận và thường đơn giản hoá việc di hành. Nhiều sử gia còn coi việc di chuyển một đoàn quân quá giản dị đến mức không đếm xỉa gì đến những điều kiện thực tế tưởng chừng như “một đoàn quân có thể di chuyển đi bất cứ phương hướng nào, bằng bất cứ tốc độ nào, bất cứ khoảng cách nào một khi cấp chỉ huy đã quyết định”.[220] Con người cũng như con vật trong một đoàn quân đều cần lương thực, quân trang, khí giới … và những điều kiện tối thiểu về sinh hoạt, nghỉ ngơi khi di hành mặc dù trong nhiều trường hợp con người bị bắt buộc “áp giải” đi một cách miễn cưỡng nhưng tinh thần chiến đấu đương nhiên rất thấp.
3.2.3. Truyền Tin
Quân Tây Sơn vốn dĩ không phải chỉ gồm một chủng tộc, một tiếng nói nên hay dùng tiếng kêu để truyền hiệu lệnh cho nhau được gọi là “binh Ó”. Một đặc điểm khác có thể do ảnh hưởng của dân vùng thượng du là họ cũng hay dùng chiêng trống để thúc quân, thu quân. Khi ra Bắc, để khỏi lẫn lộn việc khi vui chơi với hiệu lệnh của chiến trận, họ đã cấm dân chúng không được đánh trống.
… từ ngày 17 (tháng 12 năm 1788) [tính ra là ngày 20 tháng Một, trước khi quân Thanh vào Thăng Long một ngày], các làng mạc đánh trống để đánh dấu sự vui mừng của họ vì trống tuy là một nhạc khí được dân Bắc Kỳ rất ưa chuộng đã bị cấm đánh và ngưng sử dụng từ ngày quân Tây Sơn làm chúa tể xứ này …[221]
Trên đường tiến xuống Thăng Long khi quân Thanh đụng độ với Tây Sơn tại ranh giới Tam Dị, Trụ Hữu. Quân Nam dùng ba loại cờ, đỏ, trắng, đen chia thành ba độiđánh trống tấn công. Ngoài ra, chiếc khăn đỏ thường dùng để bịt đầu của cấp chỉ huy cũng có khi được sử dụng như một loại kỳ hiệu. Những đội quân chính qui của họ cũng có sắc phục. Việc dùng các màu cờ khác nhau cũng là một đặc tính nổi bật của các dân tộc vùng Ðông Nam Á, tuy ý nghĩa và công dụng có khác các qui định của Trung Hoa. Một số nhà nghiên cứu phân tích màu cờ sắc áo của quân Tây Sơn theo biện chứng ngũ hành đã không tìm thấy những giải đáp thoả đáng.
PHẦN VII
TRẬN ÐÁNH TẾT KỶ DẬU
Ðối chiếu nhiều tài liệu chúng ta có nhiều thời điểm khác nhau về việc đăng quang của Nguyễn Huệ. Hiện tại có ba tài liệu với ba nhật kỳ: chính sử triều Nguyễn (LT, Nguỵ Tây), Hoàng Lê Nhất Thống Chí (HLNTC), và chi tiết trong thư của Hội Truyền Giáo Bắc Hà. Ngoài ra còn một ngày tháng hơi chênh lệch một chút với sử triều Nguyễn là bài Chiếu Lên Ngôi (Tức Vị Chiếu) [222] của Ngô Thì Nhậm chép trong Hàn Các Anh Hoa.
Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện, quyển 32 (Nguỵ Tây, Nguyễn Văn Huệ) chép là “ngày 25 tháng Một” [22-12-1788],[223] Hoàng Lê Nhất Thống Chí (Ngô Gia Văn Phái) thì viết “ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân” [20-1-1789][224] còn theo thư “đề ngày 20 tháng 9 của đức ông La Bartette gửi cho ông Le Breton” còn lưu lại trong Nhật Ký Về Những Sự Kiện Ðáng Ghi Nhớ, Nha Văn Khố Quốc Gia Paris (Paris, Archives Nationales số F5; A 22) thì “… Bắc vương đã ấn định ngày 11 tháng Mười (âm lịch) tức ngày mồng 8 tháng 11 là ngày ông tự phong mình làm Hoàng đế dưới danh hiệu “Quang Trung”[225]
Ngoài ra trong Hàn Các Anh Hoa còn chép một bài Chiếu Lên Ngôi của vua Quang Trung do Ngô Thì Nhậm soạn, trong đó có đoạn như sau:
… Vừa đây, tướng sĩ văn võ, thần liêu trong ngoài đều muốn trẫm sớm định vị hiệu, để thu phục lòng người, dâng biểu khuyên mời đến hai, ba lần. Các tờ biểu vàng suy tôn, không hẹn mà cùng một lời. Trẫm nghĩ: nghiệp lớn rất trọng, ngôi trời khó khăn, trẫm thật lòng lo không đương nổi. Nhưng ức triệu người trong bốn bể trông cậy vào một mình trẫm. Ðó là ý trời, há phải việc người? Trẫm ứng mệnh trời, thuận lòng người, không thể cố chấp nhún nhường mãi, lấy ngày 22 tháng Một [19-12-1788] năm nay lên ngôi thiên tử, đặt niên hiệu là Quang Trung nguyên niên.[226]
Bài chiếu này nếu xét trong hoàn cảnh xuất hiện của nó, nếu thực do Ngô Thì Nhậm soạn, thì hoặc ông đang ở Phú Xuân, hoặc đã soạn sẵn theo lệnh của Nguyễn Huệ, chờ đúng dịp là đem ra sử dụng. Phân tích một số chi tiết trong bài Chiếu Lên Ngôi chúng ta ngờ rằng bài này được soạn trước khi nghe tin quân Thanh sang chiếm nước ta, nếu không đồng thời với tờ biểu “suy tôn” lần thứ ba (Vừa đây, tướng sĩ văn võ, thần liêu trong ngoài đều muốn trẫm sớm định vị hiệu, để thu phục lòng người, dâng biểu khuyên mời đến hai, ba lần. Các tờ biểu vàng suy tôn, không hẹn mà cùng một lời.) thì cũng chỉ sau đó một thời gian ngắn.
Văn trong bài chiếu tức vị này hoàn toàn là văn chương thời bình, không phải thời chiến, không nhắc đến xa gần gì về việc quân Thanh xâm chiếm nước ta và lên ngôiđể thu phục nhân tâm (để chiến đấu) như sử đã chép. Chính vì thế, một số câu văn sáo mòn đầy giả tạo, chẳng hạn: “Bản ý chỉ muốn quét trừ loạn lạc, cứu dân trong chốn nước lửa, rồi trả nước cho họ Lê, trả đất cho Ðại huynh, ung dung áo gấm hài thêu, ngắm cảnh yên vui ở hai cõi đất mà thôi. Nhưng việc đời dời đổi, rốt cuộc trẫm không được như chí nguyện.” hay “Người làm quan hãy giữ phong độ hoà mục, người làm dân yên trong lệ tục vui hoà, trị giáo mở mang hưng khởiđến chỗ rất thuận, để vãn hồi thời thịnh trị của Ngũ đế, Tam vương, khiến cho tông miếu xã tắc được phúc không cùng, há chẳng đẹp đẽ sao?” vẫn còn hiện diện trong bài chiếu.
Sắp xếp lại những sự kiện nêu trên, việc Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế ít nhất cũng đã được dự tính từ tháng Tám năm Mậu Thân khi ông phong vương cho Nguyễn Quang Toản theo tin tức của những giáo sĩ[227] nghĩa là tách riêng ra thành một vương triều mới không còn lệ thuộc vào vua Thái Ðức ở Qui Nhơn. Việc phong cho con lên tước vương đồng nghĩa với việc xác định người cha lên ngôi hoàng đế nên lễ đăng quang của vua Quang Trung chỉ là hợp thức hóa một sự việc đã công khai. Chi tiết này phủ nhận việc ông lên ngôi để đánh quân Thanh cho chính vị [hàm ý ông không muốn nhưng vì tình thế đòi hỏi] như ghi trong LT hay HLNTC.
Cũng theo nhật ký của các giáo sĩ trong Hội Truyền Giáo Bắc Hà thì Nguyễn Huệ định ngày đăng quang là ngày 11 tháng Mười năm Mậu Thân [8-11-1788], tính ra trước cả khi Tôn Sĩ Nghị ra khỏi Nam Quan (28 tháng Mười năm Mậu Thân [25-11-1788]) .[228] Cho nên, khi quân Thanh vào Thăng Long (cuối tháng Một), Nguyễn Huệ đã là hoàng đế Quang Trung rồi, không còn phải bận bịu gì về việc lên ngôi hay sắp đặt triều chính trong ngoài nữa.
Chúng ta cũng có thể tin rằng trong khoảng bốn tháng [từ tháng Bảy đến tháng Mười năm Mậu Thân] tin tức về việc quân Thanh sang đánh nước ta được loan truyền rộng rãi tại Bắc Hà và Nguyễn Huệ muốn sớm lên ngôi để ông còn có thì giờ chuẩn bị chiến tranh, đúng như bản hịch văn kêu gọi tướng sĩ mà các nhà truyền giáo đãdịch sang tiếng Pháp (đề ngày 3 tháng Mười, Thái Ðức 11 [31-10-1788]) 8 ngày trước khi lên ngôi theo tin tức của các nhà truyền giáo.[229]
Trong ba nhật kỳ, của các giáo sĩ, trong tờ chiếu lên ngôi và trong HLNTC thì nhật kỳ 25 tháng Chạp trong HLNTC phải loại ra vì xem ra quá xít xao, không thể thực hiện được [25 tháng Chạp lên ngôi ở Phú Xuân, 30 tháng Chạp đã kéo quân ra đến Nghệ An]. nhật kỳ trong chiếu lên ngôi và trong Liệt Truyện khá gần [25 tháng Một và 22 tháng Một], tuy khác nhau nhưng cũng có cơ sở. Có thể ông đã đăng quang ngày 11 tháng Mười [theo báo cáo của các giáo sĩ] nhưng khi nghe tin quân Thanh sang đánh, vua Quang Trung đã tổ chức một đại lễ ở núi Bân mà sách vở gọi là đại sư (大師) hay thân chinh để đích thân nhà vua đem quân đi vào ngày 22 tháng Một như Liệt Truyện ghi nhận.
Với những mốc nhật kỳ tương đối chính xác theo ghi nhận của những nhà truyền giáo thì sau khi lên ngôi, vua Quang Trung còn mất một thời gian tuyển mộ binh lính, thu góp lương thực để chuẩn bị cho một đại chiến dịch đối phó với quân Thanh. Khi đến Thanh Hóa, vua Quang Trung lại tổ chức một đại lễ xuất quân [hay đại duyệt] cuối tháng Chạp để cho quân ăn Tết trước mà tin loan truyền qua lại khiến dân chúng Bắc Hà nhầm rằng đây là lễ đăng quang. Ðại lễ xuất quân này còn được ghi chép trong nhiều sách vở điển hình là Lịch Triều Tạp Kỷ của Ngô Cao Lãng:
… Huệ không nghe, liền chỉnh đốn binh tượng, làm lễ ra quân ở Thọ Hạc. Huệ ngồi trên đầu voi, ra lệnh rằng:
“Trong các quân của ta, ai muốn đánh thì phải vì ta mà giết cho hết lũ chó Ngô. Nếu không muốn đánh, hãy xem ta chỉ trong một trận giết hàng mấy vạn mạng người cho coi, không phải là nói khoác đâu”.
Nói xong các quân đều dạ ran như sấm, núi rừng rung động, chiêng trống vang rền, hành quân tiến gấp.[230]
Xét như thế, chúng ta thấy rằng trong khoảng thời gian từ tháng Mười đến tháng Chạp năm Mậu Thân, không phải chỉ có một lễ đăng quang của vua Quang Trung mà có tới ba lễ khác nhau, lễ đăng quang tháng Mười ở trong cung (theo đúng thủ tục mà bên ngoài ghi nhận), lễ thân chinh tháng Một ở núi Bân để cho quân sĩ biết rằngông sẽ đích thân cầm quân ra Bắc (như sử triều Nguyễn ghi nhận), và sau cùng là lễ đại duyệt ở Thanh Hóa tháng Chạp (như dân Bắc Hà ghi nhận) để khẳng định rằngông sẽ đánh cho địch “chích luân bất phản, phiến giáp bất hoàn”.Về diễn tiến trận chiến Việt – Thanh đầu năm Kỷ Dậu (1789), sử nước ta chép chủ yếu tại hai tài liệu, Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục (CM), quyển XLVII [40-42] và Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện (LT), quyển XXX, Nguỵ Tây, phần viết vềNguyễn Huệ [32-35].
Cương Mục chép:
[Tôn] Sĩ Nghị từ lúc ra khỏi Nam Quan đến nay đều thắng cả nên có bụng khinh địch, thấy việc chiếm lại Thăng Long chẳng có gì khó. Hào kiệt ứng nghĩa[theo việc nghĩa mà dấy lên, ý nói các đạo cần vương nhà Lê] ở các trấn tranh nhau đến yết kiến ở quân môn xin tiến binh đều không được đoái hoài đến. Mãiđến khi nhận được thủ chiếu của Thanh đế ra lệnh khi nào thu phục lại toàn bộ đất đai cho vua Lê mới được rút quân về, Sĩ Nghị bắt đầu tính kế.
Ðến lúc binh của [Nguyễn] Văn Huệ đã đến núi Ba Dội [Tam Ðiệp sơn], vua [Lê] biết được lấy làm lo sợ vội hỏi kế Sĩ Nghị. Sĩ Nghị đáp:
– Ta “dĩ dật đãi lao” [lấy nhàn nhã chống với mệt nhọc], chẳng việc gì phải gấp gáp.
Thế là cứ dương dương chẳng lý gì đến cả. Quân giặc đánh thẳng lên phía bắc mà không gặp sự kháng cự của một người một ngựa nào. Khi tới Sơn Nam, SĩNghị mới ra lệnh cho đề đốc Hứa Thế Hanh đem bốn cánh quân tiến lên chia ra đóng trại ở Hà Hồi, Ngọc Hồi để chống lại. Ngày mồng 4 tháng đó [tháng Giêng năm Kỷ Dậu] du binh của giặc đến trước, đụng độ mấy lần đều thảm bại nên Sĩ Nghị cũng hơi coi thường. Canh năm hôm sau [tức mồng 5], Văn Huệ xăn tay áođứng dậy, đốc thúc bộ thuộc xua binh ào ạt tiến lên, đích thân đốc chiến, đưa hơn một trăm con voi đực đi đầu.
Tờ mờ sáng, kỵ binh tinh nhuệ của quân Thanh hùng hổ xông ra, thấy voi ngựa liền hí vang chồm lên quay trở đầu chạy về. [Thế là] giặc liền thúc voi tràn tới, các cánh quân không kịp cứu ứng cho nhau chỉ quay về đồn tự thủ, rải chông sắt bốn bề, súng lớn và cung nỏ bắn ra như mưa. Quân giặc dùng rơm bện thành bó lớn lăn lên để chắn đạn, binh lính theo sau, lớp trước ngã xuống lớp sau tiến lên, hết sức tử chiến, tất cả các đồn luỹ đều tan vỡ bỏ chạy. Giặc đuổi tới đồn Nam Ðồng, thừa thắng chém giết thoả thuê, quân bắc chết đến quá nửa. Thế Hanh cùng tiên phong Trương Sĩ Long, tả dực Thượng Duy Thăng chết tại trận. Sầm Nghi Ðống đóng quân ở Loa Sơn [tục gọi là Ðống Ða] bị một cánh quân của giặc tấn công, không có cứu viện, Nghi Ðống tự ải. Thân binh cũng treo cổ chết theo đến vài trăm. Khi ấy Sĩ Nghị đang ở trong trướng bỗng nghe quân giặc đã đến sát Thăng Long, không biết làm sao chỉ vội nhổ trại vượt sông bỏ chạy. Cầu gãy, chết đuối không biết bao nhiêu mà kể. (NDC)
Liệt Truyện viết:
… Nguyễn Huệ chia thân binh thành tiền, hậu, tả, hữu bốn doanh còn lính mới tuyển ở Nghệ An thì giữ lại trung quân. Khi đại duyệt binh ở trấn doanh [chỗđóng quân ở Nghệ An] quân tinh nhuệ tính ra hơn mười vạn, voi chiến cũng vài trăm, đại duyệt ở trấn doanh.
Huệ đích thân cưỡi voi ra ngoài doanh khao quân, sau đó hạ lệnh tiến phát. Ngày 20 tháng Chạp, quân đến núi Tam Ðiệp. Sở [Ngô Văn] và Lân [Phan Văn] lạy phục ở bên đường chịu tội. Huệ nói:
– Các ngươi tội quả đáng chết muôn lần. Cô nghĩ đất bắc mới bình định, lòng người chưa theo. Các ngươi có thể giữ được quân cho toàn vẹn [trở về] để tránh mũi nhọn của địch, trong thì khích tướng sĩ thêm tức, ngoài thì khiến kẻ địch thêm kiêu, ấy là kế dụ địch vậy. Nay cô cho các ngươi đái tội lập công để xem hiệu lực thế nào.
Sau đó mở tiệc khao tướng sĩ rồi nói:
– Nay hãy ăn tết trước, đợi đến mồng bảy tháng Giêng vào thành Thăng Long khi đó lại mở đại tiệc ăn mừng. Các ngươi rồi xem lời nói của ta liệu có khoác lác hay chăng?
Huệ truyền cho tam quân đợi lệnh.
Sai đại tư mã Sở, nội hầu Lân đem tiền quân đi tiên phong. Hô hổ hầu chỉ huy hậu quân.
Ðại đô đốc Lộc, đô đốc Tuyết coi tả quân kiêm luôn cả thuỷ quân, tiến theo đường biển vào sông Lục Ðầu, Tuyết đem quân dàn ngang vùng Hải Dương để tiếp ứng cho mặt đông còn Lộc thì xua binh chiếm gấp các vùng Lạng Giang, Phượng Nhãn, Yên Thế … để chặn đường về của địch.
Ðại đô đốc Bảo, đô đốc Mưu coi hữu quân luôn cả tượng binh, mã binh. Mưu đi xuyên qua Chương Ðức để thẳng tới Nhân Mục thuộc huyện Thanh Trì đánh ngang hông vào đồn quân Ðiền Châu ở đó. Bảo thống lĩnh tượng binh theo Sơn Minh đi ra Ðại Áng thuộc Thanh Trì lo việc tiếp ứng cánh phải.
Năm quân cùng phục lạy nhận lệnh.
Ngày 30 tết quân vượt sông Giản Thuỷ. Quân của trấn thủ Sơn Nam nhà Lê là Hoàng Phùng Nghĩa tan vỡ trước. Quân do thám của nhà Thanh đều bị bắt giết sạch cả nên không thể báo tin.
Từ Ổ Môn ở Thăng Long đến Hà Hồi thuộc Thượng Phúc, quân Thanh xây đồn luỹ, bố trí đại pháo, bên ngoài lại ngầm chôn địa lôi phòng bị thật chắc chắn. Nửa đêm ngày mồng ba tháng Giêng năm Kỷ Dậu, binh của Huệ đến Hà Hồi, bí mật vây quanh đồn rồi dùng loa, kẻ hô người ứng tiếng vang vọng như đến mấy vạn người, khiến cho trong đồn hoảng sợ không đánh cũng tan, quân Nam thu hết quân tư khí giới.
Ngày mồng năm khi trời mờ sáng, quân Nam tiến đánh Ngọc Hồi, trên luỹ quân Thanh bắn ra như mưa. Huệ ra lệnh cho chiến sĩ dùng ván gỗ để chắn xông vào trận, còn mình đích thân thúc voi từ phía sau lên. Khi phá được cửa luỹ vào trong rồi, quân Nam liền vứt ván gỗ xuống, dùng dao ngắn xông vào đâm chém loạn xạ. Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tứ tán, dẫm phải bẫy chôn từ trước nên bị địa lôi nổ tung chết hại rất nhiều. Quân Tây Sơn ầm ầm xông lên phá luôn các đồn Văn Ðiển, Yên Quyết.
Ðề đốc nhà Thanh Hứa Thế Hanh, tổng binh Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng, tri phủ Ðiền Châu Sầm Nghi Ðống đều tử trận. Nghị [Tôn Sĩ] đang ở trên cồn cát [đại bản doanh quân Thanh ở trên cồng cát giữa sông Nhị Hà, hai bên bắc cầu phao[231]để đi lại] nghe báo một mình một ngựa chạy về bắc, tướng sĩ cũng tranh nhau qua cầu. Cầu đứt cả bọn ngã xuống sông chết đến hàng vạn. Sông Nhĩ Hà vì thế không chảy được.
Hôm đó Huệ xua binh vào thành [Thăng Long], áo chiến mặc trên người ngả màu đen cũng do ám khói thuốc súng mà ra. Vua Chiêu Thống cũng vội vã qua sông chạy theo Tôn Sĩ Nghị về bắc. Thế là nhà Lê mất …(NDC)
Các nhà nghiên cứu gần đây thấy các tài liệu của triều Nguyễn quá đơn sơ nên thường sử dụng một số chi tiết ngoại sử. Trong những tài liệu cuối đời Lê, tác phẩmđáng tin cậy hơn cả có lẽ là Lịch Triều Tạp Kỷ của Ngô Cao Lãng, tiếc rằng trong toàn bộ 6 quyển thì quyển V [chép từ khi vua Hiển Tông qua đời đến khi Tôn SĩNghị chiếm được Thăng Long] lại thất tung nên vì thế các sự kiện trở thành rời rạc, thiếu liên tục.[232]
Ðể dựng lại trận đánh, chúng ta hoàn toàn thiếu những tài liệu cung cấp trực tiếp từ chính người tham gia trong bộ chỉ huy Tây Sơn. Nhiều người vẫn cho rằng NgôThì Nhậm là một trong các bộ óc chiến lược của Nguyễn Huệ trong bộ chỉ huy chiến dịch thời ấy [theo tường thuật trong HLNTC] nhưng thực ra chi tiết này không có những cơ sở chắc chắn. Những di văn của ông chỉ nhắc đến những sự việc sau khi quân Thanh đã rút chạy [kể cả một bài biểu đại diện cựu thần nhà Lê tạ ơn vua Quang Trung đã thu nạp] nên chúng ta có thể tin rằng chi tiết viết trong Lịch Triều Tạp Kỷ không sai. Ngô Thì Nhậm và nhiều người khác chỉ “ra hàng” để trở thành thư lại sau khi vua Quang Trung thắng trận.[233] Trước đó, trên danh nghĩa, tuy cộng tác với Tây Sơn nhưng Ngô Thì Nhậm vẫn là một viên quan nhà Lê đóng vai con thoi giữa triều đình Lê Duy Cẩn và bộ chỉ huy của Ngô Văn Sở [tương tự vai trò của nhiều văn quan khác dưới thời vua Lê chúa Trịnh] nên khi Lê Duy Kỳ trở về ông cũng bị trừng phạt nhẹ [cách chức đuổi về làm dân thường].
Trong chiến dịch Việt –Thanh, hầu như không có cơ hội nào cho các văn thần tham gia nên họ hoàn toàn là những người ngoại cuộc, có chăng là một số tin đồn ngheđược và những sinh hoạt không có tính quyết định. Do đó, nhiều suy đoán được trám vào những sự việc mà họ không nắm vững:
1. Trước hết, tài liệu do chính người Việt ở trong cuộc mà chúng ta còn có được là tường thuật của Lê Quýnh và của Lê Duy Ðản. Lê Quýnh chỉ ở Thăng Long một thời gian ngắn rồi vì bị sốt rét phải về quê chữa bệnh nên ông không biết gì về trận đánh quyết định này, chỉ nghe tin sau khi quân Thanh đã thua chạy và vua Lê đã sang Trung Hoa. Lê Duy Ðản là người đi sát với chiến cuộc nhất, tuy ông không biết gì về các giao tranh nhưng lại nói về nguyên nhân của bại trận:
…Kinh thành thu phục xong, tổng đốc thì bị người dưới dẫn dắt, lại thêm tướng giặc là Phan Khải Ðức trá hàng, ngày ngày gièm pha li gián nước ta, thần dân nói gì cũng không nghe. Các tướng đánh trận ngày nào cũng thắng nên khi Nguyễn Huệ tập trung binh đến đánh thì toàn quân đều thua chạy.
2. Về phía quân Thanh, theo những qua lại giữa vua Càn Long và Tôn Sĩ Nghị, ngay khi chiếm được Thăng Long, họ Tôn tính chuyện đánh vào Thuận Hóa nên yêu cầu vua Chiêu Thống sắm sửa vật liệu và nhân công để đóng thuyền. Ðây là một việc ngoài tầm tay của triều đình miền Bắc vì việc kiến tạo tàu bè không phải là việc có thể thực hiện trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, đó chỉ là mặt ngoài vì bên trong vua Càn Long thấy rằng việc đem quân vào Quảng Nam rất phức tạp, hầu như không thể nào có đủ nhân công và phương tiện thiết lập một hệ thống đài trạm gần 3000 dặm để yểm trợ cho đại quân nên ông ra lệnh rút về càng sớm càng tốt.
Chính vì chuẩn bị triệt binh, Tôn Sĩ Nghị không chấp thuận những yêu cầu tiến quân mà vua tôi nhà Lê đề nghị. Việc thiếu thông tin đã khiến cho người Bắc Hà cho rằng vua Lê bạc nhược, lệ thuộc, Tôn Sĩ Nghị khinh địch, ham vui, thiếu cảnh giác là nguyên nhân chính khiến quân Thanh đại bại.
2. DIỄN TIẾN MẶT TRẬN
Trong một báo cáo lên vua Càn Long Tôn Sĩ Nghị đã nhắc lại lời tường thuật của Phan Khải Ðức khi về hàng là “Nguyễn Huệ nghe tin quân Thanh kéo sang đã bỏ trốn về Thuận Hoá nhưng hẹn sẽ đem binh quay lại tái chiếm Lê thành” để ngầm nhắc triều đình rằng việc triệt binh một cách vội vã sẽ đưa mọi việc trở lại tình trạng cũ. Chúng ta không xác định được những lời đó có thực hay chỉ là bịa đặt của tổng đốc Lưỡng Quảng để dễ bề xin vua Càn Long thực hiện kế hoạch tiến đánh Phú Xuân và tìm cách chiếm nước ta làm quận huyện.
Tuy nhiên, thắng lợi quá nhanh chóng và dễ dàng của Tôn Sĩ Nghị khiến cho người khác muốn tranh công. Phú Cương, tổng đốc Vân – Quí vốn người Mãn Châu, trước đây được lệnh sai Ô Ðại Kinh đem 5,000 quân đến đóng ở Bạch Mã để “thanh viện”, vội vàng xin vua vua Càn Long cho mình chỉ huy một cánh quân tiến sang bắt sống Nguyễn Huệ [hoặc đóng vai “ông Thiện” để Nguyễn Huệ có thể đến đầu hàng]. Cánh quân Vân – Quí tiến xuống Tuyên Quang rồi thuận đường đi thẳng xuống Bạch Hạc, trên danh nghĩa là tạo thành thế “ỷ dốc” để đánh ngang hông nếu Nguyễn Huệ ra Bắc nhưng thực ra có ý tranh tiên, phỗng tay trên cơ hội của Tôn SĩNghị.
Chính vì e ngại Phú Cương làm hỏng việc của mình, Tôn Sĩ Nghị [với sự phụ hoạ của tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh] đã nêu lên những khó khăn trong việc thiết lập thêm 50 đài trạm xuống Thuận Hoá cùng việc tuyển mộ thêm hơn 100,000 dân phu làm công tác chuyên chở binh lương để xin vua Càn Long chuyển gánh nặng sang cho cánh quân Vân – Quí.
Ðể khỏi sa lầy một lần nữa tại Ðông Nam Á [trước đây quân Thanh đã từng sa lầy tại Miến Ðiện trong bốn lần xâm lăng từ 1765 đến 1776], vua Cao Tông ra lệnh triệt binh, lấy cớ công tác cơ bản là lấy lại nước cho nhà Lê đã hoàn thành, phần đất phía Nam vốn thuộc Chiêm Thành, không phải thuộc An Nam, chẳng việc gì phải “hao tốn lương tiền thêm nữa”. Tuy nhiên, Tôn Sĩ Nghị đối diện với một thực tế khó xử là vua Lê chỉ là tầm gửi, một khi không còn sự bảo hộ của quân Thanh, triềuđình nhà Lê không thể nào tự tồn được.[234]
Vả lại, theo suy nghĩ chủ quan, ông ta tin rằng chỉ cần áp lực thêm một chút là Nguyễn Huệ sẽ đầu hàng và Thanh triều sẽ có thể khống chế cả hai bên khứng hợp với ước vọng của vua Càn Long là tương lai sẽ có hai thuộc quốc, trên là An Nam, dưới là Quảng Nam [tức Chiêm Thành cũ]. Chính phân vân và dự tính đó đã khiến Tôn Sĩ Nghị chần chừ không muốn rút quân, mặc dù chưa đưa ra một chương trình rõ rệt.
Trong hơn một tháng đóng quân tại Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị không những không bố trí tiến sâu hơn mà còn ngăn cản quân nhà Lê muốn giao tranh với nhóm Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân đang đóng ở Tam Ðiệp. Như bất cứ một thất bại nào, người đời sau thường chê trách những người mà họ biết nên phần lớn chỉ chép về sự nhu nhược, lệ thuộc, bất tài của vua Lê và những cận thần qua hành vi đến chầu Tôn Sĩ Nghị để nhận lệnh như một kẻ bù nhìn. Lịch Triều Tạp Kỷ chép:
… Khi ấy, tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị đã thu được đô thành Thăng Long, tự cho là xong xuôi mọi việc, giữ quân ở Tây Long không có ý ngó ngàng gì tới phương Nam nữa. Các thần dân ứng nghĩa của 4 trấn Thanh Nghệ hàng ngày tới trước cửa quân doanh xin cho tiến quân vào Nam, đều bị Nghị bỏ qua không đếm xỉa tới. Vua Chiêu Thống ngày đêm van xin, Nghị cũng nói khéo để thoái thác. Vừa lúc ấy, có chiếu của vua Thanh đưa đến, ra lệnh cho Nghị phải tiến hành, và thu phục toàn bộ đất đai của vua Lê mới được đưa quân về, nhưng Nghị vẫn cứ ở lại Thăng Long để chỉ huy điều động.[235]
Thực tế lúc đó cho thấy chính Lê Duy Kỳ và những người theo ông đều không biết nhà Thanh đang mưu định gì. Họ lại càng không biết gì về phía “địch” [nghĩa là phía Tây Sơn] khi tin tức từ hai miền bị ngăn cách nên hoàn toàn thụ động với tình thế. Trong khi triều đình vua Lê đinh ninh quân Thanh sẽ tiếp tục tiến lên thu phục các vùng đất ở phía nam, nhưng Tôn Sĩ Nghị lại tính một sách lược mềm mỏng hơn để thu phục Nguyễn Huệ ngõ hầu có thể rút quân về cho êm thắm.
2.1. Tình Hình quân Thanh
Theo những miêu tả ghi nhận trong các tấu triệp, quân Thanh đóng tập trung ngay tại ngoại ô Thăng Long, gần bờ sông cho tiện việc sinh hoạt, thiết lập cầu phao làm phương tiện giao thông. Ðể bảo vệ cho đại quân, Tôn Sĩ Nghị sai các tướng đem quân đóng đồn ở phía nam kéo dài đến mấy chục dặm. Vì chưa có những đụng độ lớn nên quân Thanh lại quay về với lối sống của một quân đội thời bình, nặng hình thức, ít thực dụng. Ðám Hoa kiều sống nhờ trên đất nước ta lập tức tổ chức những sinh hoạt vui chơi, hưởng lạc để phục vụ đoàn quân từ chính quốc.
Thời gian chờ đợi đó lại đúng dịp giáp Tết nên không khí khá nhộn nhịp, nhất là có thêm hàng vạn phu phen di chuyển ngày đêm trên trục lộ tiếp vận từ Quảng Tây xuống Thăng Long. Thành phần ngoại nhập đó cũng mang theo những thói quen mất vệ sinh, tranh giành, thô tục, nhất là cướp bóc, o ép làm gia tăng ác cảm của dân chúng. Tôn Sĩ Nghĩ lại muốn tâng công với Thanh triều nên tìm đủ cách để tàn sát người Việt, cắt tai báo thưởng.[236] Trần Nguyên Nhiếp, một đô ti trong quân Tôn SĩNghị ghi lại:
Ngày 25 tháng Một,[237] đại binh chiếm lại kinh đô nhà Lê. Sắp xếp triều đình an dân.[238] Vì nghịch Nguyễn[239] đã chạy đi ẩn náu ở nước Thanh Hoa rồi nên tađóng quân ngay tại Lê thành, ngày ngày thao luyện để tăng quân uy. Từ kinh đô nhà Lê về phía nam, quân ta đóng trại liên tiếp bốn mươi dặm, tính kế chiêu phục Nguyễn nghịch xong sẽ lập tức rút về Nam Quan.
Ngờ đâu Nguyễn nghịch quỷ quyệt nên đã sắp đặt gian tế khắp nơi, lẻn vào đại doanh thám thính hư thực. Các doanh tra xét bên ngoài, hỏi dò bên trong, bắtđược những kẻ vào buôn bán, cắt tóc hay bán thuốc hút đều đem ra chém. Những nơi chứa lương hướng, hoả khí của ta đều có tai mắt của giặc, tuy đã tra xét nghiêm nhặt và bêu đầu nhưng từ trong núi non rừng rậm, dư đảng của giặc vẫn vào ra vô thường. Quân ta ở nơi yên chướng mưa gió xứ man, ngày đêm tuần tra qua lại liên tục như mắc cửi. Có điều vào sâu trọng địa, đại công đã xong, ngày ngày chỉ có việc duyệt binh còn việc rút quân chưa nghe gì cả.
Tôn Sĩ Nghị cho rằng Nguyễn Huệ sợ mình nên tung ra nhiều tờ hịch kêu gọi đầu hàng, còn lính tráng thì lấy cớ đã “giải phóng” cho dân miền Bắc khỏi tai hoạ của Tây Sơn nên chỉ lo “hội hè, chè chén, ăn uống thô tục”. Vì những thắng lợi từ Lạng Sơn xuống Thăng Long quá dễ dàng nên tướng lãnh nhà Thanh đều cho rằng Nguyễn Huệ sẽ chỉ cố thủ ở phần đất hiện có mà không đủ khả năng đánh ra Bắc, nhất là những thế lực thù nghịch của ông hiện đang đe doạ ở phía Nam.[240]
Nguyễn Huệ cũng tương kế tựu kế “gửi thư cho Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị, giả vờ nhún mình nhận tội, và nói rằng không biết thiên triều có chịu xá tội cho không, nên chưa dám sai sứ đi xin tha tội”. Không biết đây có phải là một kế hoạch để cho Tôn Sĩ Nghị thêm tin tưởng vào kế hoạch tái lập nước Chiêm Thành của vua Cao Tông, trong thư gửi nhà Thanh Nguyễn Huệ lại viết rằng “… thần vốn là dòng dõi của quốc vương Chiêm Thành, cha ông bị mất nước nên phải trốn đến đất Tây Sơn, ấn bạc của triều trước sách phong cho vẫn còn đoù”. Tôn Sĩ Nghị lại ra chiều kẻ cả, gửi thư ra lệnh cho vua Quang Trung “… phải rút quân về Thuận Hoá để chờ nghe xét xử, không được liều lĩnh làm càn, mà chuốc lấy tội.”[241]
2.2. Từ Ninh Bình Ðến Thăng Long
Trước khi tiến ra Bắc, vua Quang Trung tập hợp đại binh tại châu Thọ Hạc [thuộc Ðông Sơn, Thanh Hoá] để tỏ ý chí sắt đá quyết tâm đánh bại quân Thanh. Lịch Triều Tạp Kỷ chép:
… Huệ ngồi trên đầu voi, ra lệnh rằng:
– Trong các quân của ta, ai muốn đánh thì phải vì ta mà giết hết lũ chó Ngô. Nếu không muốn đánh, hãy xem ta chỉ trong một trận giết hàng mấy vạn mạng người cho coi, chứ không phải là nói khoác đâu!
Nói xong các quân đều dạ ran như sấm, núi rừng rung động, chiêng trống vang rền, hành quân tiến gấp.[242]
Cuộc duyệt binh vĩ đại và hùng tráng này được nhiều nguồn ghi lại, nhiều tài liệu còn ghi những lời nói hùng hồn như một dạng “hịch tướng sĩ” nhưng rất tiếc chúng ta không có được những tài liệu khả tín nên không biết chính xác đến mức độ nào.[243]
2.2.1. Ðụng độ với quân nhà Lê
Theo những tường thuật của các giáo sĩ tại Ninh Bình, Nam Ðịnh, quân Tây Sơn tuy đã rút về Tam Ðiệp nhưng vẫn cố thủ ở nhiều nơi mặc dù chưa đụng độ trực tiếp với quân Thanh. Ngoài bộ chỉ huy của Ngô Văn Sở bí mật rút đi trước, các toán quân đóng rải rác tiếp tục giao tranh với quân nhà Lê [nổi lên khi nghe tin quân Thanh sang] trong khoảng một tháng từ khi Tôn Sĩ Nghị vào Thăng Long (20 tháng Một năm Mậu Thân) cho đến cuối năm. Những trận chiến đó tuy lẻ tẻ nhưng không phải là không khốc liệt và cả hai bên đều thiệt hại. Ngô Huy Dao, một nho sĩ thần tử nhà Lê đã viết trong một khúc ngâm của ông như sau:
… Lại phân sai sắp bày tiến thảo,
Hội giáp công các đạo tranh tiên.
Mặt Nam thời chú Hàm Xuyên,
Vi thần đại thảo hịch truyền một chương…[244]
Ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân (nhằm ngày 20 tháng 1 năm 1789), khi nghe tin đại quân của vua Quang Trung sắp đến, binh lính của Ngô Văn Sở cảm thấy lên tinh thần và bắt đầu các chiến dịch phản công. Một đạo quân Tây Sơn giao tranh với quân nhà Lê gần Kẻ Vinh,[245] thắng trận rồi đảm trách nhiệm vụ tiên phong tiến lên trước.[246] Những giáo sĩ đã viết như sau:
… Ngày nào cũng vậy, người ta chỉ thấy các sứ giả đem hung tín về tới thủ đô. Trong khi đó, các sĩ quan Trung Hoa, bỏ qua tai những lời kêu than và vô tình trước những đại bại [của quân nhà Lê], chỉ biết kêu gọi Tư Mã [Ngô Văn Sở] và quân Nam kỳ đầu hàng hay ra giao chiến thử tài...[247]
Ngày 29 tháng Chạp [24-1-1789], quân Tây Sơn bắt đầu tấn công. Ngày 30 tháng Chạp [25-1-1789] vượt sông Gián [Giản Thuỷ] đánh vào lực lượng của Hoàng Phùng Nghĩa. Quân nhà Lê tan vỡ, Nguyễn Huệ thừa thắng tiến theo đường Thanh Quyết tiêu diệt một số đồn trại lẻ tẻ ở Nguyệt Quyết, Nhật Tảo.
2.2.2. Ðụng độ với quân Thanh
Theo tấu thư của Ô Ðại Kinh nhà Thanh nhận được ngày 20 tháng Giêng năm Kỷ Dậu [14-2-1789] thì ngày 25 tháng Chạp năm Mậu Thân [20-1-1789], y tiến quân ra khỏi Tuyên Quang, ngày 29 đến Bạch Hà, chỉ còn cách Thăng Long 120 dặm. Y bèn đem toàn bộ lực lượng giao lại cho phó tướng Ðịnh Trụ đóng lại đây rồi lênđường đi gặp Tôn Sĩ Nghị.[248]
Ðúng ngày tết Nguyên Ðán, Ô Ðại Kinh hội kiến với Tôn Sĩ Nghị tại bờ sông Phú Lương [tức Nhĩ Hà] để bàn thảo tình hình và theo lệnh vua Càn Long soạn thảo hịch văn để gửi cho Nguyễn Huệ. Trong hịch văn này, họ Ô ra lệnh cho Nguyễn Huệ phải “lập tức chạy đến quân doanh của y để tâu xin đại hoàng đế thi ân, mở cho một đường sống”.[249]
Tôn Sĩ Nghị cũng viết giùm cho Ô Ðại Kinh hai bản hịch văn gửi cho Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ cho người chia hai đường mang đi, sau đó họ Ô quay về Bạch Hà. Những chi tiết mà các giáo sĩ ghi lại có lẽ là nội dung của các bản hịch dụ này. Như thế, ngay trong ngày đầu năm Kỷ Dậu, Tôn Sĩ Nghị và các tướng nhà Thanh vẫn còn khệnh khạng, tưởng chừng như có thể tự tung tự tác và hoàn toàn không e ngại gì về lực lượng của Nguyễn Huệ đang tiến tới gần.
Theo những miêu tả của tàn quân Thanh sau khi thua chạy, quân Nam đa diện giáp công để quân giặc không cứu ứng được nhau. Nhiều đồn luỹ của quân Thanh cũng khá kiên cố và quân Nam phải thay đổi chiến thuật liên tục cho phù hợp với tình thế. Các sử gia Trung Hoa khi đề cập đến trận đánh đầu năm Kỷ Dậu dùng những câu như “Nguyễn Văn Huệ tam hãm Lê Thành” (Nguyễn Văn Huệ ba lần đánh Thăng Long) để nhấn mạnh là quân Nam không phải chỉ tấn công một lần là xong.
Một cách tổng quát, Nguyễn Huệ điều động nhiều binh đội tấn công đồng loạt vào nhiều vị trí khác nhau dọc từ Nam Ðịnh lên Hà Ðông. Quân nhà Lê tan vỡ đã đành mà các toán tiên phong của Hứa Thế Hanh (許世亨) cũng không chống cự nổi. Trong khi địch còn hoang mang cố thủ để chờ tiếp viện thì trung quân của Nguyễn Huệ tiến lên, dùng chiến thuật biển người tràn vào. Những đoàn quân tinh nhuệ nhất, được trang bị hỏa lực tối tân nhất, kể cả hỏa hổ, hỏa long trùng trùng lớp lớp, tràn lên như những đợt sóng triều cuốn hết những chướng ngại ngăn trở đường ra kinh đô.
Theo tài liệu của Trung Hoa thì sau một ngày yến ẩm, sáng mồng 2 Tết [27-1-1789] [giờ Mão, khoảng 6-8 giờ], Lê Chiêu Thống chạy đến báo cho Tôn Sĩ Nghị rằng thám thính cho hay Nguyễn Huệ đã đem quân vượt sông kéo đến rồi, lại phao lên rằng vì mẹ con họ Lê cầu cứu quân Thanh khiến cho đại binh tiến sang giết mất mấy nghìn binh sĩ của họ, nên quân Tây Sơn nhất quyết báo thù. Tôn Sĩ Nghị ghi trong tấu chương của y rằng “Lê Duy Kỳ khẩn thiết kêu xin với hạ thần, chỉ mong hai mẹ con được đưa về nội địa (tức Trung Hoa), xin Ðại Hoàng Ðế cho cơm ăn, mong toàn tính mạng, không còn thiết gì đến chức An Nam quốc vương nữa”. Thấy vậy Tôn Sĩ Nghị nghĩ đến nghĩa lớn nên vỗ về an ủi khiến họ Lê “gạt nước mắt mà đi”.[250] Tuy nhiên, nhiều lời khai của những người tham dự có khác biệt mà chúng ta cần tìm lại sự thật.[251]
Tôn Sĩ Nghị liền cùng Hứa Thế Hanh liền truyền lệnh cho chư tướng sĩ rằng “cứ xem như thế này thì quân giặc đã đang trên đường tới đây, chẳng mấy chốc sẽ chiếm cứ An Nam, giết hại mẹ con Lê Duy Kỳ, trước đây quân ta không tấn công chúng ngay được, chỉ vì đường sá xa xôi, lương thực khó khăn không dễ mà làm. Ðến nay Nguyễn Văn Huệ muốn chiếm An Nam ắt sẽ tự mình đem quân đến, chẳng qua cũng vì ta vướng mắc nên đã không phụng thánh chỉ triệt binh, bỏ mặc y không lo tới”.[252]
Tôn Sĩ Nghị thấy tình hình nguy cấp vội sai tổng binh Trương Triều Long tuyển 3000 quân tinh nhuệ chia ra đóng ở Hà Hồi, Ngọc Hồi cự địch. Thế nhưng Nguyễn Huệ quân đông thế mạnh nên họ Tôn lại phải sai Hứa Thế Hanh dẫn 1500 binh, còn y đích thân dẫn 1200 binh đi theo tiếp ứng. Tôn Sĩ Nghị cũng phi hịch điều động cánh quân Vân – Quí [đang ở Sơn Tây] ứng chiến để chia lực lượng quân Tây Sơn. Các cánh quân nhà Lê của Lê Duy Chỉ, Phan Khải Ðức, Trần Quang Châu cũng vội vàng tiếp cứu tuy có thắng được vài trận nhỏ nhưng về sau đều bị đánh bại phải chạy về.
2.2.3.Trận Hà Hồi
Theo sử nước ta, ngày mồng 3 tháng Giêng năm Kỷ Dậu [28-1-1789], ngay từ tờ mờ sáng quân ta đã kéo đến, đốt sạch quân lương của địch. Vua Quang Trung đích thân chỉ huy, buộc khăn vàng vào cổ để tỏ cho quân sĩ biết phải liều chết chứ nhất định không chịu lùi. Suốt ngày mồng 3 tháng Giêng [28-1-1789], Trương Triều Long mấy lần đẩy lui được đạo tiền đội của Nguyễn Huệ nhưng đến tối hôm đó thì quân Nam lại tấn công. Cũng theo tài liệu của nhà Thanh, sang ngày mồng bốn [29-1-1789], quân Tây Sơn kéo đến như đàn ong, vây kín chung quanh doanh trại của Trương Triều Long.
Buổi sáng, lực lượng công hãm chủ yếu là bộ binh và các đơn vị cơ giới, đến trưa có thêm một số voi. Quân Nam dùng nhiều loại hoả khí như hoả hổ, hoả cầu, hoả long … là các tên lửa thông dụng vùng Ðông Nam Á [được dùng rộng rãi từ Miến Ðiện đến Xiêm La, Nam Chưởng] để đốt cháy các công sự và thành luỹ củađịch.[253] Trương Triều Long và phó tướng là Dương Hưng Long hết sức chống giữ, cầm cự liên tục một ngày một đêm để chờ viện binh, sau cùng đành phá được vòng vây bỏ chạy, quân ta lập tức đuổi theo.
Lực lượng của Hứa Thế Hanh mới được điều lên lập tức bố trí chặn hậu hợp lực với tàn quân Thanh vừa chạy về vừa chống đỡ vừa cho kỵ binh dàn thành thế trận ngăn chặn quân Nam. Kỵ binh nhà Thanh tuy vẫn nổi tiếng là tinh nhuệ nhưng vẫn còn trang bị cung tên, gươm giáo (súng chỉ bộ binh mới có vì chưa tiện cho việc nạpđạn khi ngồi trên lưng ngựa, không tiện lợi bằng cung nỏ).[254]
2.2.4. Trận Ngọc Hồi
Sáng sớm ngày mồng năm tháng Giêng, vua Quang Trung “tự mình đốc chiến” tập trung toàn bộ chiến tượng xua đi đầu, các cánh quân khác ùn ùn từ các nơi đổ xuống.[255] Lịch Triều Tạp Kỷ chép:
…Không ngờ, hôm ấy, khi trời chưa sáng, Văn Huệ tự mình đốc chiến, dùng hơn 100 thớt voi hùng dũng đi đầu, quân tinh nhuệ tiến theo sau, đánh nhau to hồi lâu. Những con ngựa của quân kỵ và tướng soái nhà Thanh, trông thấy voi thì đều hí vang rồi quay đầu chạy lui. Lính bộ quân Thanh bị voi dầy xéo liền chạy cả vào trong hàng rào, bắn súng lớn liều chết cố thủ. Huệ và các thuộc tướng gấp rút xua voi xông pha tên đạn, nhổ rào luỹ mà tiến vào …[256]
Theo tài liệu của Hội Truyền Giáo Bắc Hà, quân Thanh chống trả rất kịch liệt khiến quân ta bị chết mất khá nhiều voi, Nguyễn Huệ phải bỏ voi cưỡi ngựa, xông lênđầu chỉ huy sĩ tốt.
… Ngày 30-1 [mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu] Quang Trung rời Kẻ Vôi trên lưng voi và đến chung sức, khuyến khích đội ngũ ông nhưng khi thấy họ chiến đấu không được hăng hái lắm, ông liền bỏ voi và dùng ngựa. Theo lời đồn, ông đeo 2 cái đoản đao (gươm) và chạy ngang dọc chém rơi đầu nhiều sĩ quan và binh lính TH [Trung Hoa] làm rất nhiều người chết về tay ông. Ông luôn mồm hô xung phong và lúc nào cũng ở trận tuyến đầu ...[257]
Thủ bị Lao Hiển (勞顯) bị bắt làm tù binh, khi được trao trả đã khai rằng:
Y theo Thượng tổng binh (tức Thượng Duy Thăng) và tham tướng Vương Tuyên đem quân đóng ở đường nhỏ phía nam Lê Thành (tức Thăng Long). Ngày mồng bốn tháng Giêng, quân giặc kéo đến, Lao Hiển đi theo tham tướng đem quân tiếp ứng, đến sáng sớm ngày mồng năm, mấy nghìn quân giặc vây kín doanh trại mà binh còn trong trại không bao nhiêu, Lao Hiển ra lệnh cho lính dùng súng bắn ra, đến trưa thì quân địch càng lúc càng đông, voi cũng đã đến, bắn hỏa tiễn, hỏa cầu như mưa khiến quan quân tán loạn. Sức thấy không giữ nổi nên Lao Hiển vội đem quân phá vòng vây chạy ra khỏi doanh, bị quân giặc dùng giáo đâm vào bụng ngựa, ngã vật xuống, chân bên phải lại trúng thương, không chạy được nữa, nên bị quân giặc bắt đưa vào một căn nhà trống trong thành… Mỗi ngày họ có cho người đem cơm đến, đến ngày 16 tháng 2 (tức bị giam 40 ngày), quân giặc cho ngựa, cùng tất cả các binh sĩ (cùng bị giam) được thả ra. Y nói chưa từng gặp Nguyễn Huệ, chỉ nghe nói Thượng tổng binh, Vương tham tướng bị quân giặc vây đã chết rồi nhưng không chính mắt trông thấy chuyện đó.[258]
Theo miêu tả của Trần Nguyên Nhiếp, một tướng lãnh cấp nhỏ [du kích đề tiêu] của nhà Thanh tham dự trực tiếp mặt trận này thi:
Ngày mồng 1 tháng Giêng năm Càn Long 54 [26-1-1789], quân giặc thừa lúc quân ta ăn Tết từ trong núi đột nhiên đổ ra khắp nơi, phất cờ la hét, tư thế cực kỳhung mãnh. Quân ta vội vàng kết trận nghinh địch. Lại phái binh ra bốn ngả sắp xếp phòng ngự và tiếp ứng lẫn nhau.
Từ ngày mồng 1 đến ngày mồng 4, liên tục chiến đấu suốt bốn ngày đêm. Người bị trúng đạn và bị thương vì gươm đao không biết bao nhiêu mà kể.
Sáng sớm ngày mồng 5, voi từ phía sau núi kéo ra. Ta vội vàng dùng đại pháo oanh kích tượng trận. Voi liền chia thành hai cánh vòng ra đằng trước xông thẳng vào đại doanh, Khi đó thế địch đông, ta phải phân ra chống giữ. Quân giặc tập trung như kiến, mạnh như sóng biển ập vào. Nghe nói đại doanh đã bị trận voi xông vào đốt cháy vì chưng mỗi con voi trên lưng đủ chỗ cho ba bốn tên giặc đầu quấn khăn đỏ ngồi ném các loại lưu hoàng, hoả cầu vào mọi nơi đểđốt người.
Tuy nhiên, đội tượng binh cũng chỉ có tác dụng giới hạn và không thể vượt qua được hoả lực của quân Thanh, chưa kể gần đồn còn những chướng ngại vật và hào nước. Sau khi bị thiệt hại khá nặng, Nguyễn Huệ phải cho voi thoái lui đưa khinh binh trang bị dao ngắn và hoả hổ, đẩy các loại xe chắn lót rơm tiến lên. Trong thànhđịch bắn ra như mưa nên quân ta không vượt qua được hào sâu, địa lôi và chông sắt của địch.[259] Quân Thanh đốt thuốc súng để làm màn khói nhưng một lát sau gióđổi chiều, quân ta liền nhất loạt xông lên, cuối cùng cũng vào được trong đồn.[260]
Ở đây chúng ta có thể mở một dấu ngoặc để đưa ra một số chi tiết về kỹ thuật công đồn (siege techniques) của vùng Ðông Nam Á mà Nguyễn Huệ đã áp dụng hay ít ra cũng rút kinh nghiệm khi ông đem quân vây thành Qui Nhơn nhiều tháng liền. Chính thất bại này đã khiến ông nhìn ra được sự bất lợi về hao tổn lực lượng và tiếp vận nếu đối phương cố thủ trong một thời gian dài nên ông luôn luôn khai thác ưu điểm về nhân lực, vũ khí trong một cuộc chiến chớp nhoáng.[261]
Những miêu tả là dùng ván [Liệt Truyện] hay các cuộn rơm [Cương Mục] trong sử triều Nguyễn có lẽ là một số lá chắn bằng gỗ bọc rơm có bánh xe để tiến đến gầnđồn, sau đó dùng ngay những lá chắn đó làm cầu để vượt qua hào chông của địch. Phương thức công thành đó tương đối thông dụng, đã từng được sử dụng tại MiếnÐiện, Xiêm La và nhiều nơi khác.[262] Những loại xe khổng lồ do người đẩy hay dùng dây thừng kéo khi vào được trong thành lại dùng như vật liệu dẫn hoả để đốt doanh trại địch và là một loại chiến xa công thành khá độc đáo của vùng Nam Á. Loại lá chắn này cũng giúp cho bộ binh không bị chôn chân tại một điểm cố định và thừa thế núp đàng sau tiến vào công thành.[263]
Trước kia, khi binh sĩ chỉ cận chiến bằng các loại võ khí thô sơ như gươm giáo, cung tên việc che chắn khó thực hiện và nhiều khi không cần thiết. Áo giáp là hình thức bảo vệ thông dụng hơn cả. Ðây là lần đầu mà cả hai bên, ta cũng như địch, đã dùng hoả khí [súng ống, đại pháo] trong một qui mô lớn để chiếm ưu thắng, chiến thuật công đồn đã thay đổi. Cải tiến kỹ thuật này là lần đầu tiên được áp dụng nên người dân Bắc Hà chưa từng chứng kiến, việc tường thuật không khỏi pha chút hư cấu, miêu tả thành ván bọc rơm mà nhiều tác giả tỏ ý nghi ngờ về phương pháp và hiệu quả của nó. Con rồng lửa nhắc đến có lẽ là những loại phi pháo của các nhóm hải phỉ thường dùng để đốt tàu địch chứ không phải là những bùi nhùi bằng rơm như một số sách vở chép. Tài liệu người Thanh cũng chép là quân Nam bắn rất nhiều hoả cầu, hoả hổ, hoả long. Nói tóm lại, chiến thắng Kỷ Dậu nhờ vào quân số áp đảo cộng với hoả lực mạnh của quân Nam.
Theo lời khai và tấu chương của Tôn Sĩ Nghị thì họ Tôn thấy tình hình nguy cấp, quân Nam đã vây bốn bề nên ra lệnh cho tướng sĩ phải tử chiến một trận để báo hoàng ân, bọn Hứa Thế Hanh đáp lời xông lên trước, sau khi bắn hết đạn rồi dùng đoản binh (tức dùng gươm giáo) đánh cận chiến.[264] Quân Thanh càng đánh thì quân ta càng kéo đến đông hơn. Trong hai ngày huyết chiến, những đại tướng như như Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng … đều tử trận.[265] Ðây là trận đánh kinh hoàng nhất và quân Nam cũng bị thiệt hại nhiều tuy sử sách không ghi chép rõ rệt. Riêng các giáo sĩ ghi nhận rằng bên ta thiệt hại ít nhất là 8000 người trong đó có cả một tướng lãnh cao cấp là Ðô Ðốc Lân.[266]
Khí thế dũng mãnh đó khiến quân Thanh hoảng hốt bỏ chạy bị quân Nam tàn sát, chết và bị thương đến quá nửa. Hứa Thế Hanh thấy tình hình không cự nổi, đành gọi gia nhân đem ấn tín đề đốc vượt sông đem về Trung Hoa như một quyết định sẽ đánh đến chết mới thôi.[267]
2.2.5. Trận Ðống Ða
Quân Nam không dừng lại lập tức tiến lên đánh vào Khương Thượng (Ðống Ða), phía tây nam ngoại thành Thăng Long. Ðồn này do Sầm Nghi Ðống và toán quân Miêu, rất thiện chiến trấn giữ.[268] Sầm Nghi Ðống chỉ huy độ 1,000 binh chống giữ rất hăng, một số lớn bị giết số còn lại đến ngày hôm sau mới ra hàng.[269] Các tài liệu của Việt Nam viết rằng Sâm Nghi Ðống thắt cổ tự tử nhưng theo các quân sĩ chạy về được thì Sầm Nghi Ðống bị chém đứt một cánh tay, ngã ngựa rồi bị giết. Hài cốt của y sau được con cháu sang nhận đem về và người Trung Hoa có xây cho y một ngôi miếu ở Hà Nội, sau này gọi là ngõ Sầm công. Nhiều người nhận lầm ngôi miếu này là ngôi đền Nguyễn Huệ dựng cho các tướng nhà Thanh ở phía nam Thăng Long[270] theo yêu cầu của vua Càn Long.[271]
3. QUÂN THANH RÚT CHẠY
3.1. Vượt sông Nhị Hà
Sáng ngày mồng 5 Tết [30-1-1789], các cánh kỵ binh, tượng binh và thủy binh của Nam quân từ ba mặt cùng kéo đến vây Thăng Long. Trong khi các tướng liều chết chống cự, Tôn Sĩ Nghị vội vàng đem mấy trăm thân binh vượt cầu phao sông Nhị Hà chạy về bắc khiến binh lính, dân phu hoảng hốt chạy tán loạn. Các tướng lãnh thấy thế cũng không còn lòng dạ nào chiến đấu nên cũng lật đật tháo chạy. Ngay sau khi qua sông, Tôn Sĩ Nghị ra lệnh chặt cầu khiến một số đang đi trên cầu rơi xuống sông chết đuối.[272] Trong số người nịch tử có một số tướng lãnh nhà Thanh, những người chưa qua được đành quay lại huyết chiến cho đến chết.[273]
Theo đúng kế hoạch của vua Quang Trung, các toán thuỷ, hải quân đã bố trí sẵn trong vịnh Bắc Việt đi theo đường sông đánh vào các lực lượng quân Thanh canh giữ các đài trạm chứa lương thực dọc từ Thăng Long lên đến Lạng Sơn.
Ðể biện minh cho việc bỏ chạy thoát thân lấy một mình, Tôn Sĩ Nghị khai rằng “tuy giết được nhiều quân giặc nhưng phải đối phó với cả hai mặt, không biết hay dở sống chết thế nào. Nếu như thần chẳng may trúng phải mũi tên hòn đạn thì e rằng sẽ nhục đến quốc thể nên phải dẫn bọn phó tướng Khánh Thành (慶成),Ðức Khắc Tinh Ngạch (德克精額), tham tướng Hải Khánh (海慶) dẫn hơn ba trăm quân phá vòng vây mà chạy”.[274]
Ðến ngày mồng 6 tháng 2 năm đó [2-3-1789], trong thượng dụ xin vua Càn Long thu hồi tước công của Tôn Sĩ Nghị, lại viết:
Thần Tôn Sĩ Nghị thấy Lê Duy Kỳ bỏ chạy trước, biết rằng chẳng nên ở lại Lê thành làm gì, cũng lập tức triệt binh, đem quân đến bờ phía bắc sông Thị Cầuđứng chờ đại quân.[275]
Những lời tâu của Tôn Sĩ Nghị xem ra không đúng sự thật và mâu thuẫn với các lời tường thuật của những người khác. Ngay những lời khai của quân Thanh cũng đãkhông giống nhau.
Trong Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược (欽定安南紀略) để tránh cái tiếng “chưa đánh đã chạy” Tôn Sĩ Nghị đem bản văn đó tô vẽ lại:
Nào hay càng giết địch càng đông, vây đại binh cả bốn bề. Thần cùng với đề trấn [đề đốc, tổng binh] dẫn các tướng xông thẳng vào trước địch quân. Hứa ThếHanh nghĩ rằng thần là tổng đốc đại thần, không thể so với các trấn tướng được, nếu có điều gì sơ sẩy thì quan hệ đến quốc thể, hết sức ngăn trở. Sau đó sai phó tướng Khánh Thành hộ tống. Lại ra lệnh cho thiên tổng Tiết Trung cầm cương ngựa của thần gò lại. Thần vung roi vừa đánh vừa quát mắng, ra lệnh cho y buông ra, Tiết Trung nhất quyết không bỏ.
Thần nghĩ lại lời của Hứa Thế Hanh, quả quan hệ đến đại thể, nên dẫn bọn Khánh Thành, theo phía sau điện mà ra.[276]
Theo tài liệu của Trung Hoa thì số quân Thanh đóng ở bờ phía nam sông Phú Lương gồm ba ngàn người do tổng binh Thượng Duy Thăng (尚維昇), phó tướng HìnhÐôn Hành (邢敦行), tham tướng Vương Tuyên (王宣), thổ quan Ðiền Châu Sầm Nghi Ðống (岑宜棟) được lệnh rút về tiếp cứu đề đốc Hứa Thế Hanh. Tuy nhiên những cánh quân đó cũng đang bị vây đánh, không thể tăng viện cho nhau được. Tôn Sĩ Nghị và bọn Khánh Thành thì dẫn hơn ba trăm quân định qua cầu nổi, nhưng bị ba, bốn nghìn quân Tây Sơn truy kích, vừa lúc tổng binh Lý Hóa Long dẫn hơn hai trăm quân chạy theo đến. Tôn Sĩ Nghị liền sai y đi qua bờ bên kia đóng lại tại phía bắc để hộ vệ cho ông ta qua sông. Lý Hóa Long chạy được tới giữa cầu, quính quáng trượt chân ngã xuống sông chết đuối, bọn tuỳ tùng thấy tổng binh chết rồi càng thêm hoảng loạn. Tôn Sĩ Nghị vội vàng sai bọn Khánh Thành bảo vệ phía sau, dùng súng bắn chặn, dẫn binh theo phiệt kiều chạy qua bắc ngạn trước, sau đó chặt đứt cầu nổi khiến cho quân sĩ, phu tướng còn ở phía nam không ai qua sông được nữa, đành phải quay lại tử chiến.[277]
Một tướng nhỏ là Trương Hội Nguyên (張會元) bị bắt làm tù binh khi được trả về cung khai như sau:
Lần này phụng lệnh đóng quân tại phía nam Lê thành cách chừng mười dặm, ngày mồng 5 tháng Giêng, giờ Dần đánh nhau với giặc, giết được rất nhiều tặc phỉ, cho đến giờ Mùi, quân giặc càng giết càng đông, cùng xông cả lên khiến quan binh tán loạn. Hội Nguyên đem quân xung sát đến bờ sông, thấy phù kiều đứt mất rồi, không qua sông được nữa, bên mình chỉ còn độ hơn trăm binh. Hội Nguyên kêu lên rằng không lẽ bó tay chịu chết, chi bằng liều mạng đánh về phía Lê thành, giết được thêm vài đứa giặc thì có chết cũng nhắm mắt. Bọn lính nghe nói thế, ai nấy cố hết sức, theo đường cũ xung sát về hướng Lê thành, bị quân giặc vây bốn bề. Hội Nguyên bị quân giặc dùng giáo đâm trúng bên yết hầu và mạng sườn, mê man ngã xuống ngựa, lại bị chém một đao ở cổ, bất tỉnh nhân sự.[278]
Ðấy là nói về những người không qua được, còn người liều mạng vượt qua thì thế nào. Theo lời Trần Nguyên Nhiếp thì:
Ðến được bờ sông, đại binh tranh nhau vượt qua. Cầu nổi làm bằng tre và gỗ bắc ngang sông đã bị đứt chìm xuống nước, lại thêm số nhân mã bị tượng trận đốt cháy chết chồng thêm lên một tầng nữa đè cầu xuống. Người đi qua chân đạp lên xác người ở bên dưới, chỉ còn đầu trồi lên phải đến ba dặm mới qua được bờ bên kia. Quần áo giày dép đều ướt sũng, yên cương, ngựa cưỡi cũng mất cả trên cầu.
Cũng ngày hôm đó, cánh quân Vân – Quí [chỉ có hơn 3000 người] đóng ở Sơn Tây của Ô Ðại Kinh kéo đến sông Phú Lương để tiếp cứu thì thấy “cầu nổi đã đứt chìm mất rồi, phía bên kia sông lửa cháy rực trời”. Tuy nhiên tiếng súng đã dứt chứng tỏ quân Thanh nếu không chết thì cũng đầu hàng. Họ Ô biết rằng đại binh đãthua không dám tham chiến vội vàng theo đường cũ chạy về nước.[279]
Việc Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy mà chưa từng chạm mặt với quân Tây Sơn là chuyện do chính y thú nhận, và chính những nhà nghiên cứu Trung Hoa cũng đồng ý về điềuđó. Ngoài ra còn những chi tiết tuy nhỏ bé nhưng lại đóng một vai trò quan trọng khi chúng ta tìm hiểu về bang giao Thanh – Việt thời hậu chiến. Theo lời tâu của Tôn Sĩ Nghị, thì “Lê Duy Kỳ nghe tin Nguyễn tặc (tức Nguyễn Huệ) đích thân đến đánh, kinh hồn táng đởm, tay bồng con thơ, vội vàng dẫn mẹ vượt sông Phú Lương, chẳng kịp đem theo vợ, dân chúng trông thấy tình cảnh đó, cũng hoảng hốt chạy tán loạn, tin đồn lan đến quân doanh, bọn giặc cũng đã hay biết, nên chúng càng hăng tiết”. Ý của họ Tôn muốn đổ tội cho Lê Chiêu Thống chưa đánh đã chạy làm loạn nhân tâm khiến cho bị đại bại.
Theo Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục – Chính Biên – Quyển XLVII thì:
Bấy giờ, đương ở nơi màn tướng, thình lình được tin quân giặc (quân Tây Sơn) đã tiến sát Thăng Long, Sĩ Nghị không biết xoay trở ra sao, bèn nhổ đồn lũy, vượt qua sông chạy. Cầu gãy người chết vô số kể.
Bấy giờ nhà vua (tức Lê Chiêu Thống) đang hội kiến với Tôn Sĩ Nghị ở nơi màn tướng, có tám người theo hầu là Hoàng Ích Hiểu (黃益曉), Nguyễn Quốc Ðống (阮國棟), Lê Hân (黎昕), Phạm Như Tùng (范如松), Nguyễn Viết Triệu (阮曰肇), Phạm Ðình Thiện (范廷僐), Lê Văn Trương (黎文張) và Lê Quí Thích (黎貴適) thì chợt được tin bại trận đưa đến. Sĩ Nghị rút chạy. Nhà vua cũng cưỡi ngựa cùng đi với Sĩ Nghị lên phía Bắc. Riêng Viết Triệu cầm cương ngựa đi theo nhà vua. Nhà vua sai bọn Hoàng Ích Hiểu gấp về nội điện, hộ vệ thái hậu và nguyên tử vượt qua sông. Hoàng đệ Duy Chi (維祗) hộ vệ bọn hoàng phi và cung tần đến bến sông thì cầu gãy, không qua sông được, phải hướng về phía tây mà chạy trốn.[280]
Ngày mồng 9 tháng Giêng năm Kỷ Dậu [3-2-1789], Tôn Sĩ Nghị chạy được về đến Lạng Sơn qua Nam Quan trở về Quảng Tây. Suốt một tháng sau đó, quân Thanh thoát chết chạy được về theo báo cáo của quan nhà Thanh vào khoảng 8000 người, còn số tử trận và mất tích khoảng hơn 5000 tên.[281] Trong khi giao tranh, số lượng dân phu chết không phải là ít nhưng vì họ chỉ là thành phần được sử dụng tạm thời nên sinh mạng của họ không ai tính tới. Thanh triều chỉ ghi số binh sĩ chính qui bị giết, còn những giáo sĩ và sử sách của ta thì ghi cả dân phu.[282]
3.2. Tổn Thất Của Quân Thanh
Tôn Sĩ Nghị khi về đến Quảng Tây, tự nhận mình đã không điều binh đúng phép khiến cho chiến dịch thất bại nên xin vua Càn Long cách chức trị tội nhưng chính vua Cao Tông đã phê trên tấu thư là “sao lại nói thế?” (何出此言 – hà xuất thử ngôn). Tôn Sĩ Nghị cũng xin một mình được bồi thường tất cả mấy chục vạn lượng bạc chi phí trong chiến dịch,[283] vua Thanh cũng lại phê “việc gì đến nỗi thế?”. Tôn Sĩ Nghị trong dạ bất an nên tự ý giao lại bốn vạn lượng bạc cho Lưỡng Quảng quân doanh để đền bù phần nào tốn phí, quân trang, quân dụng,[284] vua Cao Tông tuy bất đắc dĩ chấp thuận nhưng cũng phê rằng “việc này thôi cũng được để cho khanhđỡ mất mặt và cho được thoả lòng”.[285]
Vua Thanh chỉ thu hồi lại tước công và chiếc mũ có gắn hồng bảo thạch đã ban cho Tôn Sĩ Nghị nhưng vì uy tín họ Tôn đã bị suy sụp nên không thể nào tiếp tục để cho giữ chức vụ bèn ra lệnh triệu hồi về kinh, đặt dưới quyền điều động của bộ Binh, rồi cử Phúc Khang An làm tổng đốc Lưỡng Quảng đến Nam Quan tiếp tục giải quyết công việc.
Tổng số chi phí mà triều đình nhà Thanh đã tiêu vào cuộc chiến ở Việt Nam là 1,346,508 lượng bạc bao gồm tỉnh Quảng Tây chi ra 1,057,322 lượng và tỉnh Vân Nam chi ra 289,186 lượng.[286] Trong những chiến dịch lớn mà vua Cao Tông tự hào, chiến dịch này là chiến dịch ít tốn phí hơn cả.
Theo tài liệu chính thức, đề đốc Hứa Thế Hanh (許世亨), tổng binh Thượng Duy Thăng (尚維昇), Trương Triều Long (張朝龍), tham tướng Dương Hưng Long (楊興龍), Vương Tuyên (王宣), Anh Lâm (英林), phó tướng Hình Ðôn Hành (邢敦行), du kích Minh Trụ (明柱), Trương Thuần (張純), Vương Ðàn (王檀), Lưu Việt (劉越), đô ti Ðặng Vĩnh Lượng (鄧永亮), thủ bị Lê Chí Minh (黎致明) đều tử trận.[287] Còn đạo quân Vân Nam bố trí từ biên giới đến Thăng Long hơn 30 trạm,[288]Ô Ðại Kinh rút về đến Tuyên Quang ngày mồng 9 tháng Giêng, sau đó theo cửa quan triệt hồi.
Tuần phủ Quảng Tây là Tôn Vĩnh Thanh sau khi nghe tin báo đại binh thất trận liền sai tham tướng Vương Lập Công (王立功) đem 300 quân chạy xuống Lạng Sơn tiếp cứu những người chạy về, rồi trong hai ngày 10, 11 tháng Giêng [4/5-2-1789] chuyên chở số binh lương, thuốc súng còn để tại Lạng Sơn về nước.
Quân Thanh trước đây đã thiết lập 17 kho lương thực dọc theo đường từ Lạng Sơn xuống Thăng Long, bố trí 5,000 quân chia thành ba toán, 2,000 người ở lại phòng thủ Lạng Sơn, 1300 người chia ra canh gác 17 kho lương thực được thành lập dọc theo tuyến đường từ Lạng Sơn đến kinh đô, 1700 người khác chia ra canh phòng các nơi hiểm yếu.[289]
Tuy nhiên, các đài trạm dọc theo đường từ Lạng Sơn đến Thăng Long quân Thanh không di tản được. Hai viên quan phụ trách đài trạm là tri huyện Lăng Vân (凌雲) Viên Thiên Quì (袁天逵) và kinh lịch Trương Thành (張誠) đều tử trận.[290] Theo báo cáo của quan nhà Thanh thì chính họ đã đốt các kho lương thực và quân cụ nhưng chỉ là ngoa ngôn để che dấu việc bị quân Nam chiếm đoạt. Theo các giáo sĩ phương Tây, số lượng “chiến lợi phẩm” quân Tây Sơn thu được rất lớn.
Theo Lại Phúc Thuận thì:
Ngày mồng 5 tháng Giêng năm Càn Long thứ 54 [30-1-1789] Lê thành bị thất hãm, Tôn Sĩ Nghị hoảng hốt bỏ chạy, dẫn theo 500 quân qua sông, còn bao nhiêu bỏ lại bờ phía nam sông Phú Lương cho địch giết. Ngày mồng 9 tháng Giêng [3-2-1789], Tôn Sĩ Nghị chạy được về Lạng Sơn, thu hồi tàn binh. Ngày 11 lui vềđến Trấn Nam Quan. Khi trước Tôn Sĩ Nghị ở Lê thành quân số tổng cộng 5,700 người, thêm tổng binh Thượng Duy Thăng chỉ huy 3,000 người đóng ở bờ sông, tổng cộng 8,700 người, chạy về được đến Trấn Nam Quan hơn 3,000 người. Còn lại hơn 5,000, kể cả những người tử trận ở sông Thị Cầu và bệnh hoạn mà chết, thêm một số về sau chạy được trở về cửa ải. Cuối tháng Ba, tân nhiệm Lưỡng Quảng tổng đốc là Phúc Khang An báo cáo là ở Trấn Nam Quan mỗi ngày vẫn còn 3, 4 có khi 7, 8 người qua ải, phần lớn bệnh hoạn hoặc bị trọng thương.[291]
Số quân về được Trung Hoa không phải là đi cùng Tôn Sĩ Nghị mà là quân Thanh đóng dọc theo trục lộ và nhất là 2000 quân đóng ở Lạng Sơn. Tuy về sau có nhiềuđoàn quân lẻ tẻ chạy theo đường mòn, băng rừng vượt suối về lại Trung Hoa nhưng không phải đi theo Tôn Sĩ Nghị như ông ta đã báo cáo.
Cuộc chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu không phải là không đem đến những tổn thất cho quân ta. Tuy vua Quang Trung hết sức dấu kín tổn thất của bên mình nhưng quân ta cũng phải chết đến hàng vạn người và một số tướng lãnh tử trận, trong đó có cả một đô đốc được an táng rất trọng thể. Riêng trận Ngọc Hồi, theo sự ghi nhận của các giáo sĩ Tây phương đang ở Bắc Hà, bên ta thiệt hại ít ra cũng phải 8000 người.[292] Nguyễn Huệ sau khi đánh thắng quân Thanh, ông lập tức xúc tiến việc phòng thủ bằng cách bắt tất cả binh lính và dân chúng “xây một lũy đất dầy 6.6 m (20 feet), cao 3.6 m (12 feet) chung quanh điện của Chiêu Thống”,[293] đồng thời sai Ngô Văn Sở đem truy binh đuổi theo nhưng bị địch đẩy lui. Ðây cũng là một câu hỏi cần được đặt ra vì theo các chi tiết từ sử liệu Trung Hoa, không có một trậnđánh lớn nào xảy ra sau khi quân Thanh đã thua chạy và họ cũng không có đủ thời giờ hay phương tiện để ngăn chặn quân Nam. Số lượng quân Thanh đóng giữ tại cácđài trạm cũng không nhiều, làm nhiệm vụ canh gác hơn là chiến đấu nên hầu như không nơi nào có điều kiện để chiến đấu mà chỉ mạnh ai nấy chạy khi nghe tin đại binh đã thua.
Nhiều chi tiết cho chúng ta một kết luận là chính vua Quang Trung không muốn đuổi tận giết tuyệt vì còn để một khoảng trống ngõ hầu tiến hành việc bang giao với nhà Thanh, một sứ mạng mà ông cho rằng quan trọng hơn một thắng lợi quân sự. Nguyễn Huệ đã có một kế hoạch “giữ thể diện” cho nhà Thanh trước khi ông tấn công nên hết sức tránh những động thái nào có vẻ như khiêu khích đối phương, và sau khi lấy lại Thăng Long rồi ông cũng cố gắng giảm thiểu việc truy sát. Theo những lời khai của tù binh và quân sĩ chạy về được, thái độ của quân Nam xem ra rất độ lượng trong việc đối xử cũng như tạo cơ hội cho họ khỏi mất mặt. Xem như thế, vua Quang Trung đã có một chính sách cụ thể và minh bạch ngay từ đầu về mục tiêu tái lập bang giao với Trung Hoa.
Dân chúng sống trong vùng biên giới ở nam Trung Hoa khi nghe tin Tôn Sĩ Nghị đại bại, e ngại một cuộc tập kích tiếp theo nên cũng hoảng vía thu dọn tài sản chạy loạn. Về việc này, sử nước ta có phóng đại ít nhiều nhưng không phải là không có. Chính trong một mật chỉ của vua Càn Long gửi Phúc Khang An cũng có đề cập đến việc cử ông ta tới làm tổng đốc Lưỡng Quảng nhằm mục đích “trấn định nội địa nhất đái nhân tâm” [để làm yên lòng người một dải biên giới].[294]
Trong thời gian mấy tháng liền, vua Quang Trung đã phòng ngự cẩn mật đề phòng một cuộc đại chiến thứ hai và đến khi thấy việc thông hiếu với nhà Thanh đã hình thành, ông mới đem chiến lợi phẩm về Phú Xuân.
Theo Thanh Cao Tông thực lục thì trong bản văn tế “Xuất Sư An Nam Trận Vong Tướng Sĩ” (出師安南陣亡將士), liệt kê rõ như sau:
Nguyên văn
乾隆五十五年十二月,是年,追予出師安南陣亡游擊蕭應得一員,都司虛文魁等六員,守備馮天輿等九員,千總楊赴龍等十四員,把總李世俊等十員,外委謝廷超等九十一員,額外外委關秀芳等十四員,漢士馬步兵丁李上通等六千八百七十六名,祭葬恤賞如例,俱入祀昭忠祠。[295]
Dịch âm
Càn Long ngũ thập ngũ niên thập nhị nguyệt, thị niên, truy dư xuất sư An Nam trận vong: du kích Tiêu Ứng Ðắc nhất viên, đô ti Hư Văn Khôi đẳng lục viên, thủ bị Phùng Thiên Dư đẳng cửu viên, thiên tổng Dương Phó Long đẳng thập tứ viên, bả tổng Lý Thế Tuấn đẳng thập viên, ngoại uỷ Tạ Ðình Siêu đẳng cửu thập nhất viên, ngạch ngoại ngoại uỷ Quan Tú Phương đẳng thập tứ viên, Hán sĩ mã bộ binh đinh Lý Thượng Thông đẳng lục thiên bát bách thất thập lục danh, tế táng tuất thưởng như lệ, câu nhập tự Chiêu Trung Từ.
Dịch nghĩa
Tháng Chạp năm Càn Long thứ 55 (1790) truy cứu những người chết trận trong chuyến đánh An Nam gồm có: một du kích là Tiêu Ứng Ðắc, sáu đô ti là bọn Hư Văn Khôi, 9 thủ bị là bọn Phùng Thiên Dư, 14 thiên tổng là bọn Dương Phó Long, 10 bả tổng là bọn Lý Thế Tuấn, 91 ngoại uỷ là bọn Tạ Ðình Siêu, 14 ngoại uỷ ngoại ngạch là bọn Quan Tú Phương, còn lại mã binh, bộ binh, quân sĩ là 6876 người, theo lệ tế và chôn cất, thưởng tuất, tất cả đều được thờ trong Chiêu Trung Từ.
Xem như thế chúng ta thấy theo danh sách chính thức của nhà Thanh, số binh sĩ tử trận, ngoài những võ quan cao cấp như đề đốc, tổng binh ra, số quan binh trung cấp và lính thường gồm có:
– du kích 1
– đô ti 6
– thủ bị 9
– thiên tổng 14
– bả tổng 10
– ngoại uỷ 91
– ngoại uỷ [ngoài ngạch] 14
– mã bộ, binh đinh 6876
Tổng cộng 7021
Theo qui chế nhà Thanh, gia đình những người tử trận được hưởng tiền tử tuất tính bằng ngân lượng [bạc tính theo lạng] như sau: đề đốc (800), tổng binh (700), phó tướng (600), tham tướng (500), du kích (400), đô ti (350), thủ bị (300), thủ ngự sở thiên tổng (250), vệ thiên tổng (200), doanh thiên tổng (150), bả tổng, ngoại uỷ (100), mã binh (70), bộ binh (50), hương dũng, thổ binh (25).[296]
Ngoài ra còn khoảng gần 800 người bị bắt, tính ra quân Thanh (chính qui) tổn hại tổng số độ 8000 người. Những con số trên đây không tính tới những thành phần tham chiến khác như quân Cần Vương của nhà Lê, các thổ binh, thổ hào, dân phu, và một số đông phu mỏ, Hoa kiều … có thể cũng bị giết trong khi giao chiến hay bị trả thù. Theo cách tổ chức quân đội và điều động nhân sự của nhà Thanh, trong những lần viễn chinh, số lượng dân phu sử dụng thường từ 3 đến 5 lần số quân hiện dịch. Riêng cánh quân Lưỡng Quảng, số dân phu điều động lên đến khoảng một chục vạn người nhưng có mặt tại trận địa lúc đó chắc ít hơn. Nếu cho rằng số dân phu bị chết ít ra cũng phải tương đương với số quân lính thì dân phu người Thanh thiệt hại khoảng một tới hai vạn. Con số dân phu tử thương này [phần lớn là các dân tộc thiểu số sống ở nam Trung Hoa và rừng núi biên giới Hoa – Việt] nhà Thanh bỏ lơ không nhắc đến mà bên nước ta thì cũng không muốn khơi ra nên số người Trung Hoa bỏ xác lại trên đất Việt vẫn chỉ là những ước đoán.[297]
Ðáng kể nhất phải là toán thổ binh Ðiền Châu của Sầm Nghi Ðống từ Quảng Tây và quân của châu Bảo Lạc là người thiểu số của nước ta từ biên giới xuống. Theo sử nhà Thanh thì một số đông dân phu mỏ (mà họ gọi là xưởng binh) là dân Trung Hoa lén trốn sang làm việc ở nước ta đã tự nguyện đi theo đoàn quân Thanh và thành phần này bị thiệt hại khá nặng. Theo các văn thư của nhà Thanh, số xưởng dân đi theo quân Thanh có đến mấy vạn người. Thành phần này vốn dĩ sống ngoài vòng pháp luật nên khi xuống Thăng Long quen thói cường đạo, nhũng nhiễu nên khi thua trận bị dân chúng tìm giết rất nhiều. Vì quen địa thế những người sống sót đã chạyđược về Tàu và được đặc ân không bị bắt tội và cho hồi tịch (theo luật nhà Thanh, những ai bỏ nước ra đi đều mang tội phản quốc và vì thế Thanh triều không can thiệp vào những vụ tàn sát Hoa kiều ở các nước Ðông Nam Á như trường hợp Phi Luật Tân, Gia Ðịnh …).
Nếu ước đoán như thế, tổng cộng số quân Thanh và đồng bọn chết trong chiến dịch này có thể lên đến trên dưới hai vạn người, mặc dù nhà Thanh chỉ đề cập đến thành phần chính qui của họ bị tổn thất [tức thành phần được hưởng tử tuất] vào khoảng trên dưới một vạn người mà thôi.
Một nhân vật hoàn toàn không còn được nhắc đến sau trận đánh đầu năm Kỷ Dậu là Lê Duy Cẩn, có lẽ cũng là một nạn nhân của trận chiến. Chúng ta chỉ biết rằng trước đây vua Cao Tông đã ra lệnh cho Tôn Sĩ Nghị “truyền dụ cho Lê Duy Kỳ đem Lê Duy Cẩn giải sang nội địa [Trung Hoa] để an tháp”. Tuy nhiên Lê Duy Kỳ– có lẽ một phần vì tình đồng tộc [Lê Duy Cẩn là chú Lê Duy Kỳ] đã chống chế rằng “Lê Duy Cẩn là kẻ ngu si, dễ dàng quản thúc, hiện đã bị giám sát mọi cử động không thấy có điều gì khác lạ, trong tương lai nếu có chuyện gì đáng ngờ, lúc đó giam cấm nghiêm trị cũng còn kịp”.[298] Như vậy, Lê Duy Cẩn đã cùng với một số đông tôn thất nhà Lê ra hàng khi quân Thanh tiến vào Thăng Long và sử sách chỉ thấy chép một số ít sau này nổi lên chống lại triều đình Tây Sơn ở các vùng rừng núi phía tây và thượng Lào nên có lẽ đã bị thất tung trong cơn binh lửa.
Về phần quân Nam, trong vai tấn công, đánh biển người, đánh thí mạng chắc chắn thiệt hại cũng không ít nhưng con số không được tính toán chính xác nên không rõ là bao nhiêu. Thành phần tân tuyển từ Thanh – Nghệ hẳn là đông hơn cả. Số binh lính đó về sau không biết ra sao, phần lớn phải tự tìm đường trở về nhà nhưng không ít người hoà nhập với dân ở ngoài bắc hoặc lần mò tới một số vùng đất tân bồi vùng duyên hải lập nghiệp, kiến tạo một số làng xã mới vẫn còn tồn tại tới ngày nay.
TỔNG KẾT THIỆT HẠI NHÂN MẠNG CỦA QUÂN THANH
Họ và Tên
|
Chức vụ – Cấp bậc
|
Số lượng
|
Tình trạng
|
Chú thích
|
Tôn SĩNghịPhú Cương | Tổngđốc | 2 người | Vềnước an toàn | Quanđứngđầu trông coi một, hai hay ba tỉnh |
Ô Ðại Kinh | Ðềđốc | 1 người |
“
|
Chỉ huy trưởng quân sự của một, hai hay ba tỉnh |
Ðịnh TrụTôn Khởi Giao | Tổng binh | 2 người |
“
|
Chỉ huy quân sự của một tỉnh |
Khánh Thành | Phó tướng | 1 người |
“
|
|
Họ và Tên
|
Chức vụ – Cấp bậc
|
Số lượng
|
Tình trạng
|
Chú thích
|
Hứa ThếHanh (許世亨) | Ðềđốc | 1 người | Tử trận | |
Thượng Duy Thăng (尚維昇)Trương Triều Long (張朝龍) | Tổng binh | 2 người |
“
|
|
Lý Hoá Long (李化龍) HìnhÐôn Hành (邢敦行) | Phó tướng | 2 người |
“
|
|
Dương Hưng Long (楊興龍)Vương Tuyên (王宣)Anh Lâm (英林) | Tham tướng | 3 người |
“
|
|
Tiêu ỨngÐắc (蕭應得) Minh Trụ (明柱) Trương Thuần (張純) VươngÐàn (王檀) Lưu Việt (劉越) Vu Tông Phạm (于宗範) | Du kích | 6 người |
“
|
Chết tại Thăng Long“““ “ Chết trong trận Thị Cầu |
Hư Văn Khôi (虛文魁)Ðặng Vĩnh Lượng (鄧永亮) | Ðô ti | 6 người |
“
|
4 người không rõ tên họ |
Phùng Thiên Dư (馮天輿)Lê Chí Minh (黎致明) | Thủ bị | 9 người |
“
|
7 người không rõ tên họ |
Dương Phó Long (楊赴龍) | Thiên tổng | 14 người |
“
|
13 người không rõ tên họ |
Lý ThếTuấn (李世俊) | Bả tổng | 10 người |
“
|
9 người không rõ tên họ |
TạÐình Siêu (謝廷超) | Ngoại uỷ | 91 người |
“
|
90 người không rõ tên họ |
Quan Tú Phương (關秀芳) | Ngoại uỷ (ngoại ngạch) | 14 người |
“
|
13 người không rõ tên họ |
Viên Thiên Quì (袁天逵) | Tri huyện | 1 người |
“
|
|
Trương Thành (張誠) | Kinh lịch | 1 người |
“
|
|
Binh sĩ | 6876 người |
“
|
mã bộ, binhđinh | |
Sầm NghiÐống (岑宜棟) | Thổ quan | 1 người |
“
|
Thổ tiÐiền Châu |
Xưởng dân | Không có số liệu |
“
|
Là dân phu mỏ lậu ở biên giớiKhoảng chừng 20000 người đi theo quân Thanh | |
Thổ binh | Không có số liệu |
“
|
Là dân binh thiểu sốđượcđiềuđộng khoảng 2000đến 3000 người | |
Dân phu từ Trung Hoa sang | Không có số liệu |
“
|
Không có số liệu [ước chừng 100,000 người] luân chuyển lẫn nhau | |
Hoa kiều | Không có số liệu |
“
|
Không có số liệu | |
Quân nhà Lê | Không có số liệu |
“
|
Không có số liệu [có thể lênđến 30,000 người] |
PHẦN VIII
KẾT LUẬN
Quân Thanh di chuyển cồng kềnh và lỉnh kỉnh đủ mọi loại quân trang, vật dụng trong khi quân Ðàng Trong vì trang bị và sinh hoạt đơn giản, quen với đời sống di động nên có thể đóng quân và nhổ trại rất nhanh. Chính vì quân Thanh vốn dĩ thuộc loại đồn binh [binh đóng quân tại một chỗ để phòng thủ, canh tác sinh hoạt như một tập thể định cư], việc điều binh trở nên phức tạp phù hợp với nhận định của John Keegan là “chiến tranh nào cũng cần di chuyển nhưng đối với những dân tộc định cư thì chỉ đi một đoạn ngắn cũng gặp nhiều khó khăn”.[299]
Quân đội của nhà Thanh điều động sang đánh nước ta cũng chỉ gồm Lục Doanh, là quân đội người Hán, khác hẳn với các kỳ binh ở miền bắc và chung quanh hoàng thành. Chúng ta có thể tham khảo những phân tích cụ thể về sức mạnh của Thanh triều tương đối chính xác khi phái đoàn Anh Macartney sang Trung Hoa năm 1793, ngoài công tác ngoại giao còn đưa ra những nghiên cứu nhằm đánh giá sức mạnh của đế quốc Trung Hoa để phác họa một chính sách đối phó. Bên cạnh những số liệu, người Anh còn cất công vẽ hàng trăm bức về cảnh quan, về sinh hoạt thực tế thời đó. Tài liệu của phái bộ Anh có thể giúp chúng ta thấu đáo hơn về đoàn quân sang cứu viện cho vua Lê.
Một điểm cần nhấn mạnh là y phục của họ rất lụng thụng, vướng víu vốn dĩ dùng trong lễ lạc và trình diễn. Áo giáp của binh lính làm bằng da và các mảnh kim loại, bên trong lót bằng nhiều lớp giấy bản trông bề ngoài rất oai vệ, tuy phần nào hộ thân khi chiến đấu và phòng thủ nhưng rất bất lợi khi cần di động nhanh. Miền bắc nước ta trong mùa đông, mưa phùn gió bấc, nhiều hồ ao, đầm chằm nên khi quân Thanh bị sa lầy đều không gượng được.[300] Theo quan sát của nhiều tác giả ngoại quốc đã tìm hiểu thì thực lực của nhà Thanh không hùng mạnh như người ta tưởng.[301]
Dưới mắt người nước ngoài,[302] quân Thanh sang nước ta được miêu tả như “một đoàn quân vừa yếu vừa quá mê tín dị đoan … lính Trung Hoa mang theo cả điếu hút, bát đĩa và các hành trang phụ khác, đeo lủng lẳng ở thắt lưng họ. Họ vừa là lính vừa là lái buôn bồi bếp …” [303] nhưng lại bị “… những kẻ man rợ từ cao nguyên miền Nam … trông giống như một toán bệnh nhân ốm yếu hơn là một đoàn chiến binh”[304] đánh cho thảm bại.
Hai trở ngại lớn của quân Thanh khi điều động ra khỏi biên giới là tổ chức các đài trạm [lán lương thực] và dịch trạm [trạm truyền tin]. Theo qui định của Thanh triều, ngoài việc tính toán cho các trạm này theo khoảng cách để lương thực có thể vận chuyển liên tục tiếp tế cho tiền tuyến – quân đến đâu, lương thực tới đó. Vì tình hình đường sá nước ta khó khăn, Tôn Sĩ Nghị không thể sử dụng các loại phương tiện hữu hiệu hơn như thuyền bè, xe ngựa, trâu bò … mà hoàn toàn phải dựa vào sức người để mang vác. Nhân phu khi đó chỉ có thể điều động dân chúng sống ở các tỉnh giáp biên giới nhưng Quảng Tây đất rộng người thưa, việc trưng dụng rất khó khăn và chậm chạp, gây phiền toái cho quần chúng. Vùng biên giới lại nhiều bộ lạc, nhiều nhóm thổ dân khác nhau về phong tục, về tiếng nói nên cũng khó đôn đốc,điều hợp.
Nhà Thanh cũng tính đến việc sử dụng, thuê mướn dân phu An Nam nhưng lại e ngại việc dò thám hư thực, bất lợi cho quân cơ. Vả lại những năm trước đó, tình hìnhđói kém, chiến tranh, bên nào cũng bắt lính, mộ phu nên làng xóm tiêu điều, dân chúng thưa thớt nhiều nơi xương trắng còn nằm dọc bên đường, di thể không ai chôn cất.
Nói chung, tuy bề ngoài diệu võ dương oai nhưng thực ra quân Thanh không có khả năng thực hiện những chiến dịch ngoại biên, điển hình là các lần chinh phạt MiếnÐiện đều thảm bại. Ngoài ra, khí hậu thất thường, muỗi mòng rắn rết, thời tiết phương Nam không hợp nên nếu ở lâu chắc chắn quân Thanh và phu phen của họ sẽ bị những trâän đại dịch. Dịch tả, sốt rét, thương hàn … là kẻ thù còn nguy hiểm hơn đối phương nhiều. Chính Tôn Sĩ Nghị khi trở về cũng bị phong thấp nặng, phải điều dưỡng lâu ngày, Tôn Vĩnh Thanh thì cũng chết vì bệnh mặc dù chỉ trú đóng tại biên giới mà không qua nước ta.
Về quân ta, đã có nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến ưu điểm và khả năng của Nguyễn Huệ trong chiến thắng Kỷ Dậu.
1. DI ÐỘNG NHANH
Một trong những yếu tố khiến quân Tây Sơn có thể tấn công bất ngờ là việc họ có thể tập trung một binh lực áp đảo về lượng cũng như về phẩm mà địch không tiên liệu được. Không ít sách vở đề cao về ưu điểm làm tướng của Nguyễn Huệ, đó là kỷ luật nghiêm minh.
Lẽ dĩ nhiên, kỷ luật thép là một yếu tố quan trọng khiến binh sĩ chỉ biết tiến chứ không lùi. Trong một mức độ nào đó, kỷ luật và đè nén rất khó phân biệt. Ðối với các nhà nghiên cứu, kỷ luật quân đội chỉ có thật khi đời sống của người lính được bảo đảm mọi mặt, nhất là phần lương thực, trang bị và những nhu cầu cá nhân kể cả bản thân họ và gia đình.
Vào thời kỳ đó, những cánh dân quân tổ chức còn lệ thuộc nhiều vào tương quan “chủ tướng – thuộc hạ” không có những doanh trại trú đóng những đại đơn vị thường trực trong tư thế “nuôi quân ba năm dùng một giờ”. Theo nhận xét của giáo sĩ de la Bissachère, quân của Nguyễn Huệ đều là dân binh được tuyển mộ gấp rút từ các làng xã dọc theo trục lộ tiến quân, tới đâu bắt lính tới đó và lớn dần theo hiện tượng tuyết lăn.[305]
Trong trận đánh ở Thăng Long, lực lượng chủ yếu của ông là quân bản bộ Ngô Văn Sở đóng tại Tam Ðiệp cộng thêm số quân “vét” được trên đường ra Bắc, đáng kể nhất tại hai xứ Thanh Nghệ. Danh tiếng của Ngô Văn Sở đã vang dội tới tận tai vua Càn Long chứng tỏ công lao không nhỏ trong chiến dịch này.
Thứ hai, quân của ông cũng không tiến theo hàng dọc theo đường thiên lý. Vào thời kỳ đó, đường cái quan dọc theo bờ biển chưa được thiết lập, đường thông từ Bắc vào Nam chủ yếu là đường thủy. Tuy nhiên vì gió bấc, chúng ta không tin rằng ông dùng đường biển để chuyển quân, mà chú trọng vào đường thượng đạo xuyên qua khu vực Bắc Lào (khi đó là một vùng hoang sơn trái độn giữa Xiêm La và Ðại Việt) thuận tiện và quen thuộc hơn với đám thân binh người Thượng và voi trận củaông. Con đường đó được sử dụng rất thường xuyên cho tới đầu thế kỷ XIX khi nhà Nguyễn xây dựng con đường cái quan và các dịch trạm từ Nam ra Bắc. Những cánh quân đó được điều động mà điểm tập kết là Nghệ An qua đèo Qui Hợp.
Chúng ta có thể hình dung được cách chuyển quân của ông tương tự như phương pháp “just-in-time” trong quản trị, các cánh quân khắp nơi được phối hợp để cùng di chuyển, mỗi đơn vị chỉ nhận một lệnh rất đơn giản là chuyển người đến điểm tập trung vào một hạn kỳ đã định trước.
Những đơn vị nhỏ đó không liên lạc với nhau, cũng không biết mình được điều động để làm gì (rất có thể vì ngôn ngữ phức tạp, họ cũng không hiểu được nhau nữa).Ðể có thể đem đại quân ra Bắc đánh một trận hết sức bất ngờ, Nguyễn Huệ có lẽ chỉ tập hợp bộ tham mưu tại trung quân để ra chỉ thị, khi hành quân chính ông cũng trộn lẫn vào trong số đông, tránh cảnh bị địch dồn sức đánh vào bản doanh chỉ huy đưa đến cảnh rắn mất đầu như Chế Bồng Nga thuở trước.
Những việc có tính chất thủ tục như tập hợp đại binh để cưỡi voi truyền hịch chắc không làm rầm rộ như người ta phóng đại sau này. Việc hỏi ý kiến các nho sĩ miền Bắc lại càng không thể làm, vì bí mật quân sự cũng có, vì tình hình thực tế cũng có. Bài hịch hùng hồn của Nguyễn Huệ chép trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí nếu không phải là một hư cấu của người kể chuyện thì cũng là một sáng tác sau này để chính danh hoá việc Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc, tô điểm cho chiến dịch sau khiđã thành công. Những tạo dựng như thế không phải là hiếm trong lịch sử.
2. TRANG BỊ NHẸ
Trang bị là một yếu tố quan trọng trong di hành. Quân Tây Sơn vào thời đó bao gồm rất nhiều sắc dân, chủ yếu là các sắc dân thiểu số Ðàng Trong với lối ăn mặc hết sức giản dị thường chỉ đóng khố, đi chân không. Cánh quân người Kinh của ông thì ăn mặc giống như người Chàm ngày nay, quần áo thoải mái, không quân phục mà là quần áo hàng ngày, không cần phải trang bị hay đồng phục [ngoại trừ những cánh thân binh]. Truyền thống đi chân không của vùng Nam Á trở thành một yếu tố quyếtđịnh trong chiến thuật gọi là “thần tốc” của vua Quang Trung.[306]
Vấn đề quan trọng nhất của quân đội là vũ khí và lương thực thì đã có những kho ông để sẵn, không nhiều nhưng đủ để cho quân của ông ăn từ 5 đến 10 ngày.[307] Ðể xây dựng một tân đô ở Thanh Nghệ, ông đã tập trung khá nhiều nhân lực, tài lực, vật liệu về vùng này kể cả những kho lương thực để làm hậu cần cho quân đội. Một kinh đô hành chánh không thể không có những huyết mạch kinh tế kèm theo. Ðây cũng là một yếu tố cần nghiên cứu về sự thất bại quá dễ dàng của quân Thanh khi họ chỉ chiếm được Thăng Long, một kinh đô “ảo” đã mất hết “vượng khí” như lối tin tưởng của người Nam Á nên cần tìm một vùng đất mới để xây dựng trung đô.[308]
Những cánh quân di chuyển mang một số lượng lương thực ít ỏi như thế nên họ có thể đi nhanh và chỉ được nghỉ khi đến trạm kế tiếp để lấy thêm lương thực. Việc tự mang lấy lương thực cũng là một cách để gia bội lực lượng chiến đấu, giảm thiểu cơ cấu hậu cần. Trong khi một binh sĩ chiến đấu của quân Thanh cần từ ba [nếu di hành trong khu vực nội địa] đến năm [nếu chiến dịch bên ngoài biên giới] phu dịch để phục vụ thì mỗi người lính của vua Quang Trung đều tự bảo đảm việc cung cấp cho chính mình, cả lương thực tự mang theo lẫn mưu sinh tự túc. Người nước ngoài khi đến vùng Ðông Nam Á đã ghi nhận khung cảnh “toàn dân vi binh” từ rất sớm.
Khi tập trung quân ở cứ điểm sau cùng trước khi bôn tập, Nguyễn Huệ đã hẹn ngày vào Thăng Long không phải như một lời tiên tri mà người ta thường ca tụng mà là một kỳ hạn tối hậu cho số lượng lương thực mỗi người có thể mang theo. Với những người dân Thanh Nghệ đang đói ăn, ăn Tết trước và hẹn vào kinh đô chiếm lấy các kho đụn của quân Tàu cũng là một hình thức “vọng mai chỉ khát” [chỉ rừng mơ để cho lính bớt khát] để kích thích lòng quân. Chúng ta cũng không bỏ qua mối căm phẫn sẵn có của ưu binh Thanh Nghệ khi phải chạy về quê vì biến động tại kinh đô cuối đời Cảnh Hưng, và trong những thời kỳ đói kém, việc tòng quân còn là một chọn lựa để mưu sinh bên cạnh tinh thần vì đại nghĩa.
Chiến thắng của người Việt cũng gần giống như những trận đánh của người Miến chống quân Thanh hay giao tranh giữa người Xiêm và người Miến. Những trận đánhđó cũng khốc liệt không kém và chiến thuật sử dụng voi để làm tiền đạo, kỵ binh và bộ binh tiến theo chính là một điều hợp quân sự khá thông dụng và phổ biến ở khu vực Nam Á.
3. CHỦ ÐỘNG TẤN CÔNG
Nhiều sử gia vẫn ngạc nhiên về chiến thuật bất ngờ và chớp nhoáng mà chúng ta thường gọi là thần tốc. Thực tế cho thấy, đây là một yếu tố quyết định của những thắng lợi trong suốt cuộc đời cầm quân của Nguyễn Huệ. Mặc dầu ông không bỏ qua yếu tố địa hình (advantage of terrain) và tấn công từ nhiều phía, nhiều hướng, nhiều mặt nhưng nếu không có tính chất đột ngột và quân số áp đảo (surprise attack with superior numbers), chúng ta khó có thể tin rằng Nguyễn Huệ đạt được như mong muốn.
Nguyễn Huệ đã khai thác được nhược điểm cốt lõi của đối phương (crucial errors) và đã lướt thắng được những ưu điểm của một đoàn quân trú phòng chính vì ông tìm ra được cách tấn công chí mạng. Rõ ràng ông không dàn trận để đợi địch tới như phương pháp chúng ta thường thấy của một đội quân yếu và ít đánh với một kẻđịch mạnh và đông, mà trái lại ông để cho địch đã bố trí đâu ra đấy rồi mới tìm cách phá giặc. Chiến thuật của ông cho ta thấy một điểm mà ít sử gia nhắc tới. Ông luôn luôn nghi ngại việc tập trung đóng quân ở những vùng đất lạ – và cũng là vùng đất thù – như ở Bắc và Nam vì ông biết rằng một khi đã đồn trú và bảo vệ diệnđịa, ông trở thành bị động, là kẻ bị tấn công mà không còn thế tiên cơ như khi đem quân tới tấn công địch.
Ông cũng nắm được nhược điểm của chính ông là không thể duy trì một cuộc chiến kéo dài mà không bị khó khăn về binh lương, về nhân lực. Cuộc tranh chấp của Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc tại Qui Nhơn năm 1788 đã cho thấy ông không có ưu thế về công kiên khi địch quân cố thủ trong thành. Nguyễn Huệ có nhiều ưu điểm hơn khi mặt trận xảy ra trên đất “lạ” vì ông không bị ràng buộc với địa phương như tại Qui Nhơn. Các nhà nho thường dùng những từ ngữ mang tính gợi hình như “quyển địa” [cuốn đất] để miêu tả cách hành binh thần tốc và bất ngờ. Ðoàn quân ấy đi đến đâu lập tức phân tán lẩn vào thôn ấp, sử dụng những công ốc như đình chùa, miếu mạo … làm chỗ đóng quân nên không khỏi bị dân địa phương oán trách vì không tôn trọng tín ngưỡng của họ.
4. HỢP ÐỒNG TÁC CHIẾN
Chúng ta không thể hình dung Nguyễn Huệ đi đến đâu đều kéo theo toàn bộ quân số dưới quyền như một ông bầu gánh hát đem theo cả đoàn khi lưu diễn. Trong tình hình cuối năm 1788, Nguyễn Huệ phải đối phó với nhiều nguy cơ từ nhiều phía trong đó không thể thờ ơ với đe doạ của Nguyễn Nhạc từ Qui Nhơn kéo ra, và có thể cả Xiêm La hợp lực với Nguyễn Ánh từ Gia Ðịnh tấn công theo đường thuỷ và đường núi nhân cơ hội ông bị vướng vào một trận chiến lớn. Vì thế, Nguyễn Huệ phải giữ lại rất nhiều chủ lực để bảo vệ những trọng điểm chiến lược ở Ðàng Trong.
Trong chiến dịch đánh quân Thanh, vua Quang Trung chỉ điều động quân địa phương và các lực lượng phụ thuộc. Ðó chính là điểm các nhà nghiên cứu không thể xácđịnh được lý lịch của những toán quân xuất hiện rất bất ngờ và vô danh, sau đó hầu như biến mất. Cũng như Chế Bồng Nga thuở trước, Nguyễn Huệ đã đạt được một uy tín lãnh tụ khiến nhiều tiểu quốc, nhiều bộ lạc thần phục ông. Phương thức hợp đồng tác chiến đó đã khiến nhiều quốc gia tập hợp được một lực lượng mạnh khi cầnđến, điển hình là Miến Ðiện và Xiêm La khi giao tranh không phải do lực lượng của chính họ mà do các khu vực thần phục mỗi bên đánh với nhau. Ngay cả khi “quân Xiêm” sang giúp Nguyễn Ánh, đoàn quân đông đảo đó cũng bao gồm nhiều sắc dân ở Chân Lạp và Nam Lào nên khi bại trận đã “theo đường thượng đạo” chạy về[đất của họ].
Thứ đến, quân sĩ chiến đấu muốn hiệu quả phải có tính chuyên nghiệp, được huấn luyện và quen với khung cảnh máu đổ, đầu rơi. Không phải cứ đưa dao kiếm cho một người vốn quen nghề ruộng rẫy sẽ biến họ thành một chiến sĩ, nhất là ở thời kỳ mà chưa có những vũ khí sát thương ở tầm xa. Việc tập hợp hàng chục vạn nông dân để trở thành một binh đội thiện chiến không thể chỉ trong đoản kỳ. Riêng việc có đủ binh khí để trang bị cho họ cũng là một vấn đề lớn khi đoàn ngũ hoá tầng lớp dân chúng ở nông thôn. Ðó cũng là lý do tại sao các thổ hào không thể có được những đội quân tinh nhuệ. Cho nên, dù tinh thần cao chăng nữa, muốn hữu hiệu ba cánh quân của vua Quang Trung trong chiến dịch Bắc Hà phải là những chiến binh chuyên nghiệp, không phải là những tân binh mới tuyển mộ. Chỉ có những chiến binh vớiđầy đủ khả năng, Nguyễn Huệ mới tính toán được một chiến thuật gọi là “thần tốc”.
– Cánh quân thứ nhất do các tiểu vương và bộ lạc phía tây dãy Trường Sơn mang theo voi trận vốn dĩ là lực lượng quan trọng nhất của họ. Chắc chắn nếu Nguyễn Huệ mang voi từ Phú Xuân ra, bên cạnh việc trở ngại trong vấn đề di chuyển, chỉ riêng thời tiết thay đổi đột ngột và cung ứng lương thực cho đoàn thú to lớn này cũngđã làm cho vai trò của tượng binh bị hạn chế rất nhiều.
– Cánh thứ hai là hải quân do những tướng lãnh và lực lượng hải khấu ông thu phục được từ biển theo đường sông đánh ngang hông và chặn các đường rút quân củađịch.
– Bộ binh do chính ông chỉ huy ngoài các lực lượng cơ hữu của Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân lại được bổ sung bởi một thành phần đã quen với chiến đấu. Ðó chính là ưu binh Thanh Nghệ vốn dĩ là lực lượng quan trọng nhất của chúa Trịnh bị truy sát đang trở về trốn tránh tại quê hương, bản quán.[309]
Việc điều động ba lực lượng chủ chốt với ba đặc tính riêng rẽ vô hình chung phù hợp với lối đánh của Nam Á mà những nhà nghiên cứu đã đề cập đến. Rất có thể đây chỉ là một ngẫu nhiên nhưng chúng ta thấy có nhiều tương đồng khi đối chiếu với binh thư của những quốc gia chịu ảnh hưởng của văn minh Ấn Ðộ mà không tìm thấy tại những khu vực vay mượn ở văn minh Trung Hoa. Ông cũng không đánh cầu may mà thực tế thường chuẩn bị và tính toán kỹ càng, có điều ông dựa vào tin tức tình báo và sử dụng cái năng khiếu bén nhậy của mình để quyết định. Tin tức tình báo đó do một mạng lưới thương nhân có những liên hệ mật thiết với ông, được mua chuộc bằng cả lợi lộc lẫn đe doạ. Thương nhân nếu ở phe ông được ưu đãi bao nhiêu thì không liên minh với ông sẽ bị trừng trị thảm khốc bấy nhiêu, điển hình như vụ tàn sát người Hoa ở Gia Ðịnh năm 1782.[310] Ðể bảo đảm sự tuân hành tuyệt đối những lệnh lạc của mình, Nguyễn Huệ áp dụng một thứ kỷ luật sắt, tạo cho binh sĩ thói quen chỉ biết nghe lệnh ông mà không cần suy nghĩ, không đóng đồn hạ trại, dùng lương khô khi di hành và ăn uống giản dị tới mức chỉ ăn cơm nhạt với muối.
Chiến thuật của ông cũng khác hẳn cổ nhân. Trong khi Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn sử dụng lối đánh dằng dai để địch tự tiêu hao rồi mai phục tại những địađiểm hiểm yếu phá địch bằng những trận then chốt khi họ rút lui thì vua Quang Trung lại tấn công khi địch đang đóng quân một chỗ, lấy ưu thế nhân số và di động để bao vây áp đảo đối phương.
Hưng Ðạo Vương có thể đánh chặn đường vì ông được lòng dân, có cả một khối quần chúng hậu thuẫn “cả nước đấu sức lại mà đánh”, trái lại Nguyễn Huệ tuy phải chiến đấu với kẻ thù nguy hiểm và to lớn trước mặt nhưng vẫn phải đề phòng khối quần chúng bản địa vì trong số địch quân lại có những người đã từng là vua, là chúa của vùng đó. Ông chỉ có thể vô hiệu hóa quần chúng chứ khó lòng mà dùng họ như một lực lượng hậu cần để bổ sung thiệt hại. Nhiều chi tiết rải rác cho thấy quân Tây Sơn luôn luôn phải dè chừng khi ra Bắc vào Nam, từ việc Nguyễn Nhạc bị người dân Nghệ An tấn công khi ông ra gặp Nguyễn Huệ, đến việc Nguyễn Hữu Chỉnh khi bị bỏ rơi đã phải vội vã chạy theo chứng tỏ quân Tây Sơn dưới mắt người Bắc Hà vẫn chỉ là một đoàn quân ngoại nhập, có nhiều cách biệt về phong tục, ngôn ngữ, một thứ quân của Quảng Nam quốc mà các nhà nho đã gọi là “man binh”, không ngang hàng với quân Trịnh, quân Lê vốn dĩ có những liên hệ mật thiết với quần chúng.
Chính vì phải đối phó với một tình thế khó khăn, Nguyễn Huệ không thể trải rộng mà phải tập trung thanh toán địch theo lối bẻ đũa, tiêu diệt địch bằng lối hành quân bất ngờ và một lực lượng đông đảo gấp bội để chiếm tiên cơ. Lối điều binh đó cho ta thấy ý định giữ đất giành dân, thành lập vương quốc của ông chỉ được hình thành sau khi những thế lực thù nghịch đã hoàn toàn bị thất bại.
Có thể nói, Nguyễn Huệ đã tập hợp được nhiều ưu điểm mà nhiều người đã đánh giá là tính sáng tạo, khác hẳn với truyền thống cố hữu. Trong khi có những triều đại luôn luôn coi Trung Hoa như bậc thầy để bắt chước, Nguyễn Huệ đã chứng tỏ rằng người Việt Nam có những đặc tính riêng và sự phát huy một bản sắc dân tộc là mộtđiều cần thiết.
Một yếu tố tinh thần được nhắc đến nhiều là tinh thần quyết thắng của vua Quang Trung. Không biết chính xác tới mức nào nhưng được ghi lại trong tài liệu của nhà Thanh [theo lời khai của Phan Khải Ðức với Tôn Sĩ Nghị] là đích thân ông đã bí mật lên vùng biên giới để thám sát địa hình[311] và ra lệnh cho chư tướng nếu quân Thanh tiến sang thì sẽ rút lui để bảo toàn lực lượng, chờ ông ra chỉ huy phản công.
Nếu thực như thế, ngay từ đầu Nguyễn Huệ đã có kế hoạch triệt thoái để bảo tồn lực lượng và tái chiếm Bắc Hà khi tình hình thuận tiện hơn. Tinh thần quả cảm đó đãkhiến cho binh sĩ dưới quyền ông hết lòng với chủ tướng và cũng phù hợp với những nhận xét của người ngoài về con người dũng mãnh của ông.
Trận chiến Việt – Thanh đã được khai thác rất nhiều trong lịch sử Việt Nam, xoáy mạnh vào thắng lợi ở Thăng Long đầu xuân năm Kỷ Dậu. Chúng ta cũng nói nhiềuđến thành tựu ngoại giao và ưu thế của Ðại Việt trong đời Càn Long sau khi hai bên trở lại hoà hoãn. Từ trước đến nay, những nghiên cứu về trận đánh long trời lở đất này chỉ được soi xét dưới khía cạnh quân sự, ít khi được quan sát trong bối cảnh chính trị của Trung Hoa, đặc biệt dưới triều đại Càn Long sau khi vị hoàng đế đã trị vì hơn nửa thế kỷ.
Với quan niệm ăn sâu trong đầu rằng vai trò của một thiên tử thay mặt Trời để cai trị thiên hạ, vua Càn Long vẫn nhân danh một nhiệm vụ rất cao cả là “hưng diệt kếtuyệt, tự tiểu tồn vong” [dấy lại một dòng đã đứt để nuôi nấng sự mất còn của nước nhỏ] để sai Tôn Sĩ Nghị đem quân sang nước ta. So sánh những bất đồng qua những sử liệu của cả hai bên, chúng ta cũng biết được rằng việc Nam chinh có những âm mưu bất chính của giới quan lại địa phương muốn khai thác cơ hội để thăng quan tiến chức, nhưng bản thân vua Càn Long lại e ngại một sa lầy mới có thể làm hỏng đại lễ “Bát Tuần Khánh Thọ” vào năm sau nên khi thấy rằng nhiệm vụ cơ bảnđã hoàn thành, chữa được nỗi bất bình sau nhiều lần thất bại ở Miến Ðiện, ông ra lệnh rút quân về.
Chiến lược của nhà Thanh trong thời điểm đang trên đà thắng lợi vì thế không thống nhất. Vua Cao Tông tuy ra lệnh triệt binh nhưng cũng chỉ nói nửa chừng, đặc biệt nhất trong bài thơ liên hoàn ngày mồng Một Tết tại Trùng Hoa Cung không đề cập gì đến chuyện đó. Những tin tức về diễn tiến mặt trận gửi về Bắc Kinh vẫn là những tin tức đầy hứa hẹn và triều đình Trung Hoa chưa dứt khoát sẽ rút quân như thế nào nếu không tiến hành chiến dịch đánh xuống Phú Xuân.
Ðại thần nhà Thanh cũng biết được tâm lý của đấng chí tôn. Ở tuổi 80, vua Càn Long mong mỏi một kỳ thịnh thế bằng sự phô trương tốn kém để đón nhận triều yết của chư phiên hơn là bày mưu tính kế, lo nghĩ về một chuyện tranh chấp ở biên cương. Do đó, khi tiếp nhiệm tổng đốc Lưỡng Quảng, Phúc Khang An đã khôn khéo đề ra chính sách “dưỡng quân uy, tồn quốc thể” làm cơ sở đối phó với An Nam, một đường lối cương nhu thật thích hợp với tình thế, vừa chữa một thất bại quân sự, vừa góp phần vào việc nâng cao uy tín vua Càn Long.
Tuy nhiên cũng còn một chi tiết mà hầu như không một ai trong chúng ta nhắc đến. Ðó là trọng điểm chiến lược trong cai trị mà nhà Thanh luôn luôn muốn duy trì: làm thế nào để tuyệt đại đa số quần chúng người Hán luôn luôn chỉ nghĩ rằng họ chỉ là một loại “công dân hạng hai” trong xã hội, không thể đòi hỏi những biệt đãi như người Mãn Châu.
Ý thức đó luôn luôn được điều chỉnh để sao cho người Mãn, tuy chỉ là thiểu số, vẫn nắm giữ tất cả những chức vụ lớn, được hưởng những đặc quyền đặc lợi một cáchđương nhiên không thể dị nghị. Chính vì thế, một mặt vua Càn Long rất phấn khởi với những thắng lợi nhanh chóng ban đầu, một mặt ông lại tìm cách ghìm lại để cho vai trò của Tôn Sĩ Nghị không vượt qua một giới hạn có thể chấp nhận được.
Như đã viết, ngoài việc giao cho Phú Cương (người Mãn) và Ô Ðại Kinh truyền hịch dụ hàng Nguyễn Huệ để cướp lấy công lao, vua Càn Long cũng hạ lệnh triệt binh khi cánh quân Quảng Tây chiếm được Thăng Long cốt để tạo cơ hội cho cánh quân Vân-Quí có thể tiếp tục công tác thời bình là “cải thổ qui lưu”, phương thức cổđiển mà nhà Thanh thực hiện để bình định và đồng hoá các khu vực ở tây và tây nam Trung Hoa. Dù không thôn tính một cách lộ liễu, nhà Thanh có thể cho những người Trung Hoa lén lút qua khai khẩn mỏ ở Tuyên Quang, Hưng Hóa [xưởng dân] được tách ra thành một khu tự trị [qui chế thổ ti] để một lúc nào đó sẽ sáp nhập vào nước Tàu. Một người làm quan lâu năm như Tôn Sĩ Nghị không thể không biết điều đó nên ông miễn cưỡng thi hành, hẹn đến đầu năm sẽ thực hiện lệnh rút quân.
Chính ở điểm tế nhị này, khi Tôn Sĩ Nghị đại bại chạy về, vua Càn Long lập tức đưa Phúc Khang An (một trong bốn người con đại thần Phó Hằng, người Mãn) sang làm tổng đốc Lưỡng Quảng, vừa lấy binh uy trấn ngự biên giới, vừa bí mật nhận lệnh chủ hoà để biến một thất bại quân sự (của một đại thần người Hán) thành một thắng lợi ngoại giao (của một đại thần người Mãn).
Chính sách ức Hán hưng Mãn của Thanh triều được thi hành tương đối chặt chẽ trong hai trăm năm. Mãi về sau, khi bị hoạ xâm chiếm của Tây phương và nhà Thanh phải nhượng bộ trong nhiều hiệp ước bất bình đẳng, dân chúng đói khổ khiến loạn lạc tại nhiều khu vực, người Hán lúc đó mới có cơ hội vươn lên cao hơn và một số người được giữ nhiệm vụ hành chánh và quân sự quan trọng (Tăng Quốc Phiên, Tả Tông Ðường, Lý Hồng Chương, Lâm Tắc Từ, Viên Thế Khải …) Tuy nhiên, đó là những thay đổi trong chính sách ở thời Thanh mạt chứ không phải vào thời thịnh trị của Khang Hi, Ung Chính, Càn Long.
Ðể khai thác triệt để lợi điểm chính trị này, vua Càn Long sau đó đã mau chóng chấp nhận phong vương cho Nguyễn Huệ và ra lệnh “vô hiệu hoá” những chống đối của vua tôi nhà Lê bằng cách phân tán mỏng, an tháp những người chạy sang Trung Hoa.
Xét riêng một trận đánh trong khoảng mươi ngày trước và sau Tết Nguyên Ðán, chiến thắng đầu xuân này là một điểm son trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đặt lên bàn cân những tương quan rộng lớn trong một thời gian dài, chúng ta có thể phải cân nhắc kỹ trước khi đi đến một kết luận về hậu quả của nó.
Về phần nhà Thanh, sự thần phục của Ðại Việt dưới triều đại Quang Trung đã đem lại ít nhiều tiếng vang đối với phiên thuộc, củng cố thêm uy tín của một triều đình vốn dĩ bị coi là ngoại tộc vào cai trị Trung Nguyên. Ðại Việt đóng một vai trò phên giậu đã giải quyết cho nhà Thanh mối lo về một số thổ ti dọc theo biên giới Hoa – Việt, không còn cơ hội chống lại triều đình và qua lại quấy phá những tỉnh dọc theo biên cương.
Ðối với nhà Tây Sơn, tuy những biến chuyển không nằm trong dự tính của Thanh triều nhưng lại đưa tới những hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều. Vua Quang Trung bị cầm chân vào những thủ tục và nghi lễ ngoại giao trong suốt hai năm (1789-1790) là thời kỳ tối quan trọng để xây dựng thực lực nên đã bỏ lửng việc đối phó với mốiđe doạ từ phía Nam, tạo cơ hội cho Nguyễn Ánh chiếm lấy Gia Ðịnh làm bàn đạp tiến ra Phú Xuân. Lẽ dĩ nhiên, lịch sử còn nhiều vấn đề được đặt ra bằng chữ “nếu” vì ví thử Nguyễn Huệ không chết sớm, cục diện không biết rồi sẽ đi về đâu.
Tháng 5, 2011
Nguyễn Duy Chính
CHÚ THÍCH:
[1] Ðặng Phương Nghi, “Triều đại vua Quang Trung dưới mắt các nhà truyền giáo Tây phương”. Một Nhóm Học Giả, Một Vài Sử Liệu về Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ (1992) tr. 234
[2] Li Tana, Nguyễn Cochinchina: Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries (1998) tr. 171
[3] Cristophoro Borri, Tường Trình Về Khu Truyền Giáo Ðàng Trong 1631 Hồng Nhuệ (dịch), tr. 50
[4] John Crawfurd, một nhà quí tộc Anh trong chuyến du hành tới Việt Nam năm 1822 (thời Minh Mạng) đã nhận định rằng gần như toàn bộ những thành phố quan trọng của Việt Nam đều nằm dọc theo bờ biển ở Ðàng Trong trong đó gồm có Hà Tiên, Saigon, Nha Trang, Phú Yên, Qui Nhơn, Hội An (Faifo), Ðà Nẵng (Tourane), Huế. John Crawfurd, Journal of an Embassy to the Courts of Siam and Cochin China (1967) tr. 510.
[5] He was then pleased to disclose some of his future designs to me. They were no less than to subdue the Kingdom of Cambodia with the whole penisula as far as Siam, and the Provinces belonging to Cochin China to the north now in the hands of the Tonquinese. “Charles Chapman’s narrative of his mission to Vietnam”. Alastair Lamb, The Mandarin Road to Old Hue. (1970) tr. 100. Đây là trích nguyên văn từ lời tường thuật của Chapman, một thương gia người Anh trong kỳ gặp gỡ với vua Thái Đức [nguyên văn Ignaac tức ông Nhạc] ở Qui Nhơn năm 1778. Tài liệu này nguyên bản còn lưu trữ tại India Office Library, London trong China Factory Records series, vol. 18.
[6] Theo một bức vẽ của người Âu Châu thời đó, “vua xứ Ðàng Trong” cưỡi voi, cởi trần có lính theo hầu trông hoàn toàn là một tù trưởng thiểu số, không phải nghi vệ quốc vương nước Nam.
[7] Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Khâm định Việt sử thông giám cương mục II (bản dịch Viện Sử Học) (1998) [viết tắt là CM II] q. XLVI, tr. 793
[8] CM II,– XLVI, (1998) tr. 790 chép về việc Nguyễn Huệ ra Bắc vào yết kiến vua Lê Hiển Tông như sau:
Trước đây họ Trịnh chuyên giữ chính quyền trong nước, một người dân, một tấc đất đều không do quyền triều đình. Nay Văn Huệ vào triều yết, bèn xin ngày cử hành nghi lễ đại triều, dâng sổ sách binh và dân để tỏ rõ ý nghĩa nhà vua nhất thống và Nguyễn Huệ tôn phò. Ðến nay, nhà vua cố gượng dậy, ra ngự điện Kính Thiên nhận lễ, rồi ban hành chiếu thư về việc nhất thống để bá cáo cho trong kinh, ngoài trấn biết. Lại sách phong Văn Huệ làm Nguyên Soái Phù Chính Dực Vận Uy Quốc Công. Sau khi Văn Huệ nhận sách phong, bèn nói riêng với Hữu Chỉnh rằng: “Ta cầm vài vạn quân, đánh một trận mà bình được Bắc Hà, một tấc đất, một người dân, đều là của ta, nếu muốn xưng đế hay xưng vương việc gì mà ta không làm được? Còn như sắc mệnh nguyên soái quốc công đối với ta có hơn kém gì? Bầy tôi Bắc Hà lại muốn dùng danh vị hão để lung lạc ta hay sao? Ðừng tưởng ta là người mọi rợ được chức tước ấy bèn lấy làm vinh dự đâu!”. Hữu Chỉnh biết ý Văn Huệ không mãn nguyện, bèn bí mật khuyên nhà vua đem công chúa Ngọc Hân gả cho, Văn Huệ rất bằng lòng.
[9] Theo sử nhà Thanh thì việc anh em Nguyễn Nhạc rút về có thêm một số chi tiết:
…五十二年,維端卒,嗣孫維祁立,阮惠盡取象載珍寶歸廣南,使鄭氏之臣貢整留鎮都城。貢整思扶黎拒阮,乃以王命率兵奪回象五十 …
… ngũ thập nhị niên, Duy Ðoan tốt, tự tôn Duy Kỳ lập, Nguyễn Huệ tận thu tượng tải trân bảo quy Quảng Nam, sử Trịnh thị chi thần Cống Chỉnh lưu trấn đô thành. Cống Chỉnh tư phù Lê cự Nguyễn, nãi dĩ vương mệnh suất binh đoạt hồi tượng ngũ thập …
Năm (Càn Long) thứ 52, Duy Ðoan (tức vua Lê Hiển Tông) chết, tự tôn là Duy Kỳ lên thay, Nguyễn Huệ thu hết châu báu dùng voi chở về Quảng Nam, để bầy tôi họ Trịnh là Cống Chỉnh trấn giữ đô thành. Cống Chỉnh tính chuyện phù Lê chống lại họ Nguyễn nên dùng vương mệnh đem binh đoạt lại năm chục con voi … Thanh Sử Cảo, tập 48 (1996) tr. 14634-5
[10] Xem Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu Tử (1952)
[11] Xem thêm bẩm văn của bọn Tạ Ðình Thực đề ngày 22 tháng Mười, Càn Long 53 [19-11-1788]. Trang Cát Phát (莊吉發), Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu (清高宗十全武 功研究), (1982) tr. 366-7 và bẩm văn của Lê Duy Cẩn ngày 22 tháng Mười, Càn Long 53 [19-11-1788], Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 365-6.
[12] Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Ðại Nam Liệt Truyện (DNLT) tập II (Ngô Hữu Tạo, Ðỗ Mộng Khương dịch) (1997) tr. 531-2
[13] DNLT, tập II, (1997) tr. 532
[14] Hoàng Xuân Hãn, “Thống Nhất Thời Xưa”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn tập II (1998) tr. 1375
[15] Theo lá thư của ông Sérard gửi ông Letondal đề ngày 17 – 7 – 1791 thì vào khoảng tháng 3 năm 1791, khi vợ vua Quang Trung mất, Nguyễn Nhạc đã tưởng lầm là Nguyễn Huệ từ trần nên đem quân ra toan lấy Phú Xuân và phải quay về khi biết em ông còn sống. Ðặng Phương Nghi, “Triều Ðại Quang Trung …”, Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 264
[16] Lê Quí Dật Sử (Phạm Văn Thắm dịch) (1987) tr. 80-2
[17] Hoàng Xuân Hãn, “Phe Chống Ðảng Tây Sơn ở Bắc với tập Lữ Trung Ngâm”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn tập II (1998), tr. 1245-1332
[18] Ðại đa số các địa phương miền Bắc lúc đó đều đã qui thuộc nhà Tây Sơn, chỉ riêng một số vùng như châu Hoan, châu Diễn (tức vùng Thanh Hoá, Nghệ An) và một số trấn Sơn Nam, Sơn Tây, Hải Dương, Kinh Nam, Kinh Bắc, Tuyên Quang, Hưng Hoá … vẫn còn một số thổ hào, hưởng ứng cần vương nổi lên chống lại nhưng lực lượng yếu ớt, không có gì đáng kể. Những tòng vong nhà Lê khai với quan nhà Thanh như sau:
… đất An Nam trước nay có 52 phủ, trong đó 12 phủ là do thổ mục, man tù sinh sống (tức người vùng núi), còn thực quyền là 40 phủ, trong đó đạo Thanh Hoa gồm 4 phủ 15 huyện,đạo Tuyên Quang 3 châu 1 huyện, đạo Hưng Hóa 10 châu 2 huyện là chưa đầu hàng Nguyễn Văn Huệ, ngoài ra An đạo 4 phủ 12 huyện của miền trên cũng chưa hàng, còn miền dưới thì hàng cả rồi. Ðạo Sơn Nam 9 phủ 36 huyện, miền trên cũng đã hàng, miền dưới chưa hàng (?). Ðạo Sơn Tây gồm 5 phủ 24 huyện, miền trên chưa hàng, miền dưới cũng đãhàng. Ðạo Kinh Bắc gồm 4 phủ 20 huyện, miền trên chưa hàng, miền dưới hàng rồi. Ðạo Hải Dương 4 phủ 19 huyện, miền trên đã hàng, miền dưới chưa hàng (?). Ðạo Thái Nguyên 8 huyện, 3 châu, miền trên chưa hàng, miền dưới đã hàng. Ðạo Cao Bằng 1 phủ, 4 châu và Lạng Sơn 1 phủ, 7 châu cũng đã đầu hàng. Nguyễn Văn Huệ muốn xúi bẩy dân chúng bắt giao Lê Duy Kỳ nên đã hứa miễn giảm sưu thuế cho dân trong mười năm. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 346 và tr. 353
[19] lúc này chưa đổi thành Thanh Hoá vì chưa kiêng tên bà Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng.
[20] Nguyễn Huệ cũng không trải quân lẫn vào các thôn xóm, phần sợ bị tiêu diệt, phần khác vì phương pháp điều binh nếu cần có thể di chuyển thật nhanh. Thành thử quân của ông chỉ đóng ở các đình chùa, miếu mạo … luôn luôn sẵn sàng nhổ trại không xây dựng hệ thống phòng ngự kiên cố.
[21] Chữ Quýnh nguyên có bộ Nhân đứng ở bên trái.
[22] Nguyên văn trong tài liệu của nhà Thanh là thê cữu (妻舅).
[23] Về độ dài đời Thanh cho đến nay những số liệu chính thức tìm được không thống nhất (căn cứ vào những thước mẫu tàng trữ trong Viện Bảo Tàng), 1 thước (xích) thay đổi từ 32 đến 36.7 cm. Theo cách tính của Trung Hoa, 1 lý [里] là 18 dẫn [引], 1 dẫn là 10 xích [尺], tính ra một lý (dặm) ngắn nhất là 576 mét, dài nhất là 660 mét. Như vậy khoảng cách giữa hai địa điểm theo sách vở ghi lại chỉ là ước tính không hoàn toàn chính xác như chúng ta ngày nay.
[24] Theo Lê Quýnh trong Bắc Hành Tùng Ký thì chỗ này có tên là bến Phất Mê. La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II. (1998) tr. 876
[25] Lê Quýnh, “Bắc Hành Tùng Ký”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II (1998) tr. 876-7
[26] Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê Nhất Thống Chí (HLNTC), (2002) tr. 425-26
[27] Tên thực là Nguyễn thị Kim. GS Hoàng Xuân Hãn viết là Nguyễn thị Ngọc Thuỵ, theo tờ trình của Nguyễn Huy Túc thì là Ngọc Ðoan. Hai chữ Thuỵ (瑞) và Ðoan (端) rất giống nhau. Tờ trình nay còn nguyên bản chắc phải đúng hơn.
[28] Cung Trung Ðáng (The Palace Records) Cố Cung Bác Vật Viện (National Palace Museum) Ðài Bắc: Tờ trình của Tôn Vĩnh Thanh đề ngày 1 tháng Sáu năm Càn Long 53 [4-7-1788], tờ trình của Tôn Sĩ Nghị ngày mồng 4 tháng Sáu năm Càn Long 53 [7-7-1788], tờ trình của Tôn Vĩnh Thanh ngày 13 tháng Sáu [16-7-1788]. Trang Cát Phát, TTVC (1982). tr. 359.
[29] Con số có thể lớn hơn nữa vì hơn 200 là tông thất nhà Lê lúc ban đầu, về sau có thêm bọn Nguyễn Huy Túc, Lê Quýnh … không biết bao nhiêu. Tính theo tỉ lệ số người bị Tây Sơn bắt giết là đa số, những người còn sống sót chỉ là thành phần quan trọng nhất được bảo vệ mà thôi.
[30] Quân Cơ Xứ, CCBVV, bản sao tờ trình của di mục nước An Nam đề ngày 12 tháng Năm năm Càn Long 53 [15-6-1788]. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 345-6.
[31] người Vô Tích, tự Hoành Ðộ (宏度), hiệu Xuân Ðài (春臺), đỗ cử nhân đời Càn Long giữ chức tuần phủ Quảng Tây.
[32] Thuộc Nhương Hồng Kỳ, từng đánh Miến Ðiện, Kim Xuyên, lập nhiều công lao được giữ chức tổng binh Hưng Hán, Thiểm Tây. Sau làm đề đốc tỉnh Quảng Tây, bệnh chết trước khiđem quân đánh Ðại Việt.
[33] Chakri nguyên nghĩa là nguyên soái hay tướng quân vì trước đây ông ta chỉ huy quân đội của Phraya Taksin và dùng tên này làm tên triều đại.
[34] Ðông Nam Á người Trung Hoa gọi là Nam Dương (biển phía nam) bao gồm khu vực mà ngày nay chúng ta đặt tên là Southeast Asia, Mã Lai Á, Indonésia, Philippines.
[35] Năm 1273, khi Nguyên Thế Tổ (Kubilai) nhà Nguyên đòi vua Miến triều cống và thân hành sang chầu, vua Miến Ðiện đã xử tử sứ giả. Năm 1277, nhà Nguyên đem quân từ Vân Nam xuống đánh, thắng được tại vùng lòng chảo Nam Ti nhưng người Miến vẫn không chịu khuất phục. Năm sau, 1278, nhà Nguyên lại đem quân sang đánh lần nữa, nhưng vẫn không tiến được đến kinh đô Bhamo. Khí hậu viêm nhiệt nhất là bệnh dịch đã khiến cho quân Mông Cổ tổn thất nặng nề.
Năm năm sau, 1283, một đạo quân do tướng Mông Cổ Singtur (thay vì do người Hồi chỉ huy như trước đây) tiến đánh thung lũng Irrawaddy và ép vào kinh thành khiến vua Miến phải lui vềvùng đầm lầy để chống trả. Ðến năm 1287, quân Nguyên chiếm được Miến Ðiện (khi đó có tên là Pagan) và sáp nhập vào đế quốc Mông Cổ. Miến Ðiện chỉ thu hồi được lãnh thổ khi nhà Nguyên bị diệt vong. C.P. Fitzgerald, The Southern Expansion of the Chinese People. (1972) tr. 81
[36] Alexander Woodside, “The Ch’ien-Lung Reign” trong Willard J. Peterson (ed.), The Cambridge History of China, Vol 9, phần 1: The Ch’ing Dynasty to 1800 (2002) tr. 264-68.
[37] To break the power of Nguyễn Huệ, Sun (Sun Shih-I tức Tôn Sĩ Nghị) proposed to Ch’ien-lung that Vietnam be dismembered. Central Vietnam would be awared to Siam, in return for Thai aid against the Tay-son brothers. It was clear to Sun and his master that the Le prince whom they were supporting was incompetent, even as a figurehead. At first Ch’ien-lung thought a military alliance with the Thai regime “seemed like something that could be done”. He subsequently rejected the idea, not because it was politically immoral, but because it would shower disproportionate favor upon the Thai king and, even worse, damage the reputation he had earned in his Sinkiang triumphs of using only his own armies and not accepting the assistance of an “outer region military power”. Alexander Woodside: “The Ch’ien-Lung Reign” trong Willard J. Peterson (ed.). The Cambridge History of China, Vol. 9 Part 1 – The Ch’ing Dynasty to 1800 (2002) tr. 277
[38] Tuy nhiên theo một lá thư của giáo sĩ Le Labousse gửi từ Sài Gòn ngày 15 tháng 6 năm 1789 thì Nguyễn Ánh đã bắt được một bức thư của vua Càn Long gửi vua Xiêm yêu cầu đánh vào mặt nam Ðại Việt (Le Roy d’ici (tức Nguyễn Ánh) a intercepté une lettre écrire au nom de L’empereur de Chinois au Roy de Siam pour lui dire de venir attaquer les T.S. de coté-ci par la Cochinchine) Nguyễn Nhã, “Một Thiên Tài Quân Sự”, Một Vài Sử Liệu …(1992) tr.107-8, cước chú 38
[39] Alexander Woodside, “The Ch’ien-Lung Reign” (2002) tr. 277
[40] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 362
[41] Ðời Thuận Trị, nhà Thanh phong cho Ngô Tam Quế (吳三桂) làm Bình Tây Vương trấn đóng ở Vân Nam, Cảnh Trọng Minh (耿仲明) làm Tĩnh Nam Vương, trấn đóng Phúc Kiến, Thượng Khả Hỉ (尚可喜) làm Bình Nam Vương, trấn đóng Quảng Ðông. Tam Phiên khi đó được giữ trọng binh, thế lực càng lúc càng lớn. Tháng Ba năm Khang Hy thứ 12 (1673), Thượng Khả Hỉ dâng sớ xin cáo lão về Liêu Ðông để cho con là Thượng Chi Tín kế vị, nhân cơ hội đó triều đình xuống chiếu triệt phiên. Tới tháng Bảy, Ngô Tam Quế và Cảnh Tinh Trung (con của Cảnh Trọng Minh) cũng dâng sớ xin triệt binh, vua Khang Hy liền ra lệnh cho cả 3 phiên di chuyển ra ngoài Sơn Hải Quan. Ngày 21 tháng Một, Ngô Tam Quế khởi binh chống lại nhà Thanh, tuyên bố ủng lập Chu Tam Thái Tử (tức Chu Từ Quýnh 朱慈炯, con của Sùng Trinh hoàng đế, khi đó thất tung nhưng người Hán dùng danh vị để phát động phong trào phản Thanh phục Minh), viết thư cho Cảnh Tinh Trung, Thượng Khả Hỉ cùng khởi sự, gây ra cái loạn Tam Phiên. Năm Khang Hy thứ 17, Ngô Tam Quế xưng đế ở Hành Châu 衡州, quốc hiệu Ðại Chu nhưng chẳng bao lâu thì từ trần, cháu là Ngô Thế Phan 吳世璠 kế vị. Ngày 19 tháng Mười năm Khang Hy thứ 20, quân Thanh đánh tới Côn Minh, Ngô Thế Phan tự tử, loạn Tam Phiên chấm dứt, tổng cộng 8 năm.
[42] Mỗi lần nhà Thanh động binh đều phải tìm một cớ “chính đáng”, không bình định nội loạn thì cũng chinh phạt ngoại hoạn … Tuỳ trường hợp mà họ dùng một động từ thật kêu chẳng hạn như bình định (平定) Kim Xuyên, đãng bình (蕩平) Chuẩn Cát Nhĩ, chinh phục (征服) Hồi bộ, thảo phạt (討伐) Miến Ðiện, tĩnh tuy (靖綏) Ðài Loan, thảo hàng (討降) An Nam …
[43] Lai Phúc Thuận, Càn Long Trọng Yếu Chiến Tranh chi Quân Nhu Nghiên Cứu, (1984) tr. 30, trích từ Cung Trung Ðáng, CCBVV, tấu chương của hai họ Tôn ngày mồng 8 tháng Năm năm Càn Long thứ 52 [22-6-1787]
Nguyên văn:
然已亡失國之印信,因鄭氏擅權時,曾竊奪國印,謀取簒位。黎維祁乃咨請憑信,兩廣總督孫士毅以其未經具本告哀,尚未奉旨承襲,不便先給印信,拒之。
(Nhiên dĩ vong thất quốc chi ấn tín, nhân Trịnh thị thiện quyền thời, tằng thiết đoạt quốc ấn, mưu thủ soán vị. Lê Duy Kỳ nãi tư thỉnh bằng tín, Lưỡng Quảng tổng đốc Tôn Sĩ Nghị dĩ kỳ vị kinh cụ bản cáo ai, thượng vị phụng chỉ thừa tập, bất tiện tiên cấp ấn tín, cự chi.)
[44] Thanh Cao Tông thuần hoàng đế thực lục [Thanh Thực Lục], q 1307, tr 9, ỷ tín thượng dụ ngày Canh Tuất, tháng Sáu, Càn Long năm thứ 53. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 348-9.
[45] nguyên văn theo tấu thư là “điếu phạt chi sư vị động, hưng kế chi nghiệp khả thành” (弔伐之師未 動,興繼之業可成) quân điếu phạt chưa cần ra tay thì công việc làm cho kẻ mất nghiệp kia được trở lại đã thành rồi.
[46] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 349. Cung Trung Ðáng, CCBVV, tấu triệp của Tôn Sĩ Nghị đề ngày mồng 8 tháng Bảy, Càn Long thứ 53 (1788); Quân Cơ Xứ, CCBVV, bản sao tấu triệp của Tôn Sĩ Nghị ngày mồng 8 tháng Bảy năm Càn Long 53.
[47] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 353
[48] Ngươi Nguyễn Nhạc đuổi chủ làm loạn cương thường, vọng tưởng việc soán nghịch. Tổng đốc nghe tin đích thân đến đây, đã tâu lên đại hoàng đế điều động quan binh các tỉnh Vân Quí, Xuyên Quảng, Phúc Kiến vài mươi vạn, chia đường ra tiến đánh. Nguyễn Nhạc ngươi nếu không hối tội tự mình đổi mới, nghinh đón chủ cũ trở về, bảo toàn gia quyến, lại dám quấy nhiễu thiên triều, đem nạp cống vật.
Di mục các ngươi đã từng nhận quan chức của họ Lê, bỗng dưng trở mặt thờ kẻ thù, thay chúng gõ cửa quan cầu xin, thực đúng là kẻ vô liêm sỉ. Ðúng ra ta phải bắt các ngươi ngayđể xin hoàng thượng hạ chỉ đem ra chính pháp. Nhưng nghĩ rằng các ngươi chỉ là những di quan thấp kém, không đáng để trừng trị, vậy hãy mau mau trở về nói cho Nguyễn Nhạc biết rằng, hoạ phúc chỉ trong nháy mắt, các ngươi tự thu lấy.
Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 353-4. Cung Trung Ðáng, CCBVV, bản sao tấu thư của Tôn Sĩ Nghị đề ngày mồng 8 tháng Bảy năm Càn Long 53 [9-8-1788]. Bản văn này cũng xuất hiện trong Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược [quyển II] (bản dịch Nguyễn Duy Chính, chưa xuất bản).
[49] Quân Cơ Xứ, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 350.
[50] Chen-Ya Tien, Chinese Military Theory, Ancient and Modern (1992) tr. 70-1 (bản dịch Nguyễn Duy Chính)
[51] Chen-Ya Tien, Chinese Military Theory … (1992) tr. 70-1
[52] Cố Cung Bác Vật Viện (故宮博物院). Thanh Cung Yến Lạc Tàng Trân (清宮宴樂藏珍) (Qinggong Yanyue Cangzhen). (2002) tr. 29
[53] Frederic Wakeman, Jr., The Fall of Imperial China (1975) tr. 102
[54] Alexander Woodside, “The Ch’ien-Lung Reign” (2002) tr. 270
[55] Có chỗ dịch là Hòa Thân
[56] Ngoại sử bảo là vì tướng mạo gã giống một người thiếp của vua cha Ung Chính mà vua Càn Long từng tư thông trước đây, bị hoàng hậu phát giác nên bức tử người quí phi đó. Cũng có nhiều lời đồn đãi là vua Càn Long có quan hệ đồng tính luyến ái với gã này vì vua Càn Long cho rằng y là người phi tần cũ đã đầu thai (A homosexual liason was implied in popular stories, such as one suggesting Heshen was the reincarnation of one of Emperor Yong-zheng’s concubines, with whom Qianlong had been infatuated as a youth). Theo những miêu tả của nhiều người ngoại quốc được gặp Hòa Khôn thì y là người “thanh tú, đẹp trai, ăn mặc ra chiều thiếu đạo đức” (elegant in looks, sprucely handsome in a dandified way that suggested a lack of virtue). Ðó là lý do tại sao vua Càn Long lại sủng hạnh một gã bất học vô thuật đến 20 năm. Jonathan D. Spencer, In Search for Modern China (1990) tr. 115.
[57] Lê Kiệt, Thanh Sử (quyển thượng) (1964) tr. 339-340
[58] Chen-Ya Tien, Chinese Military Theory … (1992) tr. 70
[59] Ann Paludan, Chronicle of the Chinese Emperors (1998) tr. 202
[60] Bạch Thọ Di, (Bai Shouyi – 白壽彝) Trung Quốc Thông Sử Cương Yếu (An Outline History of China) (1982) tr. 402
[61] Macartney chỉ bằng lòng khấu đầu (kowtow) nếu các quan nhà Thanh cũng phải trả lễ khấu đầu trước Anh Hoàng George III (đại diện bằng một bức tranh sơn dầu lớn bằng người thật) W. Travis Hanes III and Frank Sanello, The Opium Wars (2002) tr. 18
[62] Thực ra mọi thủ tục ngoại giao chỉ là nghi lễ vì Thanh triều luôn luôn có những bàn thảo và quyết định trước khi cho phép sứ bộ ngoại quốc lên kinh đô. Việc cho rằng bất đồng trong việc ứng xử chỉ là những suy đoán không đúng với cách thức làm việc của triều đình Trung Hoa. Theo tài liệu của nhà Thanh, lá thư trả lời đã được soạn từ trước khi phái đoàn Anh tới Bắc Kinh nên những nỗ lực của Macartney hầu như không có tác dụng gì.
[63] Ann Paludan, Chronicle … (1998) tr. 203.
[64] Truong Buu Lam:, “Intervention versus tribute in Sino-Vietnamese Relations, 1788-1790”, John K. Fairbank (ed.), The Chinese World Order 2nd ed. (1970) tr. 168
[65] Tài liệu về Tôn Sĩ Nghị trích từ các nguồn: Cao Dương. Thanh Triều Ðích Hoàng Ðế, Q. II, (1989) tr. 639-40. Trung Quốc Danh Nhân Tự Ðiển (Tang Lệ Hòa chủ biên), (1979) tr. 750, Arthur W. Hummel. Eminent Chinese of the Ch’ing Period 1644-1912 (1970) tr. 680-2
[66] Thượng Dụ Ðáng, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 359-60.
[67] Quân Cơ Xứ, CCBVV. Tờ bẩm của Lê Duy Chỉ đề ngày 20 tháng Chín năm Càn Long 53 [18-10-1788]. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 361.
[68] Trịnh Vương nguyên là tên gọi Trịnh Quốc Anh (Taksin), một người Tàu lai làm vua Xiêm La từ 1767 nhưng đến năm 1782 đã bị Chaopraya Chakri lật đổ lên ngôi tức vua Rama I (1782-1809). Theo sử Trung Hoa, khi vua Rama I lên ngôi sai sứ sang Bắc Kinh nói thác là con của Taksin tên là Trịnh Hoa nối ngôi.
[69] Cung Trung Ðáng, CCBVV. Tấu triệp của Tôn Sĩ Nghị, Càn Long năm thứ 53, ngày 26 tháng Chín (1788). Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 362.
[70]… Kế đó là hạ sách, xưa nay cái đạo vỗ về ngoại vực, bao giờ cũng lấy uy của thiên triều làm trọng, đâu có phải nhờ ngoại vực đem sức hỗ trợ đâu? Vả lại Xiêm La vốn cùng Nguyễn Văn Huệ đánh phá lẫn nhau, nếu như bây giờ bảo họ chiếm lấy Quảng Nam, một mai việc bình định xong xuôi rồi, ắt phải đem Quảng Nam cho không Xiêm La. Cung Trung Ðáng, CCBVV. Tấu triệp của Tôn Sĩ Nghị, Càn Long 53, ngày 1 tháng Một [28-11-1788]. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 362.
[71] Thượng Dụ Ðáng, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 362-3.
[72] Thanh Cao Tông Thuần Hoàng Ðế Thực Lục, quyển 1308, trang 25, dụ của vua Càn Long đề ngày Canh Ngọ, tháng Bảy, năm thứ 53 [11-8-1788].
[73] đời Thanh, Quảng Ðông còn một phần tiếp giáp với nước ta (xem bản đồ). Hiện nay chỉ còn hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây mà thôi.
[74] Bọn Nguyễn Quốc Ðống lên đường ngày mồng 10 tháng Tám năm Càn Long 53 [9-9-1788], đem theo vài bảng hịch văn của nhà Thanh. Lương thực, ngựa phu và vật dụng đều được quan nhà Thanh chu cấp. Tôn Vĩnh Thanh lại trích công khố phủ Nam Ninh 300 lượng bạc, chia cho mỗi người 100 lượng làm lộ phí nhưng không tìm được vua Lê.
[75] Cung Trung Ðáng, CCBVV. Giản văn Lê Duy Kỳ ngày 24 tháng Tám năm Càn Long 53 [23-9-1788]. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 356-7
[76] Sinh năm 1743, người làng Hương La, huyện An Phong, tỉnh Bắc Ninh, đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi (Cảnh Hưng 36, 1775).
[77] Người xã Bảo Triện, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, đỗ nhị giáp tiến sĩ khoa Ðinh Mùi (Chiêu Thống thứ 2, 1787).
[78] Quân Cơ Xứ, CCBVV. Tờ trình của Lê Duy Kỳ đề ngày 15 tháng Chín năm Càn Long 53 [13-10-1788] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 352.
[79] Quân Cơ Xứ, CCBVB. Tờ trình của Lê Quýnh ngày 15 tháng Chín năm Càn Long 53 [13-10-1788]. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 353
[80] Ðối chiếu những bài thơ xướng họa của vua Chiêu Thống và nhóm tòng vong ở Yên Kinh thì giọng văn của ông luôn luôn bùi ngùi cảm thán, trái với nhóm bầy tôi thường nhiều hào khí khuyên ông kiên nhẫn nằm gai nếm mật đễ mưu định đường trở về phục quốc.
[81] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 191
[82] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”, Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 195
[83] Chữ Ðiền nguyên có bộ ngọc 玉, chữ Lạn cũng có bộ ngọc, chữ Lứu bộ kỳ 礻, có sách dịch là Trứu. Chữ Lứu một bên bộ kỳ (礻), một bên chữ do (由), các sách nhà Thanh như Thánh Vũ Ký, Thanh Ðại Thông Sử chép nhầm thành tụ 袖 (bộ y nghĩa là tay áo)
[84] CM II, quyển XLVII (1998), tr. 837-8
[85] Chữ này viết bộ nhân đứng, Khang Hi từ điển phiên thiết là lặc một thiết (勒沒切).
[86] Tấu thư của Tôn Sĩ Nghị đề ngày 21 tháng Tám năm Càn Long 53 [20-9-1788]. Thanh Cao Tông Thuần Hoàng Ðế thực lục, quyển 1312, trang 25. Những người này sau được trả lại khi vua Quang Trung traođổi tù binh ngoại trừ Nguyễn Viễn Du chết vì bệnh trong khi bị giam.
[87] Quân Cơ Xứ, CCBVV. Nguyên văn tờ bẩm của bảy châu nước An Nam ngày 29 tháng Bảy năm Càn Long 53 [30-8-1788]. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 355
[88] vốn là học trò của Nguyễn Thiếp
[89] Cung Trung Ðáng, CCBVV. Tờ bẩm này bên phải có gắn xi đóng dấu vàng, ghi rõ là “kèm theo nguyên văn của trấn thủ Lạng Sơn nước An Nam để cho hoàng đế ngự lãm, tra xét quả đúng là di quan nhưng không có đóng dấu, vì chưng con dấu cũ do vua Lê nước nam cấp cho đã bị họ Nguyễn thu mất rồi, nay chỉ có nguỵ ấn nên không dám dùng”. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 355-6
[90] Theo tờ trình của Tôn Sĩ Nghị. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 356
[91] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 356
[92] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 356-7. Tuy nhiên, theo sử nước ta thì Trần Danh Bính chỉ trá hàng, về sau khi quân Thanh tiến sang, đem binh cự địch bị giặc bắt giết.
[93] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 357-9. Cung Trung Ðáng, CCBVV. Bài văn này phải kể là một tuyệt tác, không biết do danh nho nào [có lẽ là Ngô Thì Nhậm] nhân danh Ðại Tư Mã Ngô Văn Sở soạn ra.
[94] nghĩa đen vin vào vảy (con rồng), tựa vào cánh (con phượng), tức là phò tá một bậc minh chủ (còn viết là phàn long phụ phượng)
[95] trong tấu văn không liệt kê nhưng trong sách có ghi là của các quan ở Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Thanh Hoa, Nghệ An, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hưng Hoá, An Quảng … các nơi. Trang Cát Phát,TTVC (1982) tr. 366.
[96] Nguyên văn từ Quân Cơ Xứ, CCBVV, bẩm văn của bọn Tạ Ðình Thực đề ngày 22 tháng Mười năm Càn Long 53 [19-11-1788]. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 366-7.
[97] Tờ bẩm của Lê Duy Cẩn ngày 22, tháng Mười năm Càn Long 53 [19-11-1788] lưu giữ tại Quân Cơ Xứ, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 365-6.
[98] Trong CM, quyển XLVII có chép là “Văn Huệ sai người lùng hết các bầy tôi văn võ, cưỡng ép họ đến cửa cung khuyết để cùng đứng tên vào tờ biểu khuyên mời Văn Huệ lên ngôi vua. Huy Trạc bị bắtđến Ngự sử đài, không chịu ký tên vào tờ biểu ấy, đêm đến, uống thuốc độc tự tử. Việc này do đó cũng đình chỉ”. Như vậy việc này có thể là thật.
[99] Chỉ trấn thủ Lạng Sơn Phan Khải Ðức
[100] Tờ biểu trên đây tuy có thể nhiều phần không đúng sự thật nhưng có một điểm chúng ta có thể cải chính. Trước đây, sử ta đều dựa theo HLNTC mà chép rằng khi nghe tin Tôn Sĩ Nghị kéo quân sang, Lê Duy Kỳtheo về đến Thăng Long, lúc đó mới trả ân báo oán, trong đó có việc chặt chân ba hoàng thúc vứt xuống giếng trong cung. Nhưng theo lá thư này, việc ba người chú Lê Duy Kỳ bị giết xảy ra từ khi mới lên nắm quyền trước khi lưu vong. Chúng ta cũng biết được tên của ba người hoàng thúc đó là Lê Duy Lữ, Lê Duy Lân, Lê Duy Hội. Theo HLNTC thì những người viết lá thư này là Nguyễn Quí Nhạ, Trần Bá Lãm, Vũ Huy Tấn cũng bị hạ ngục khi Lê Duy Kỳ trở về, chỉ có Nguyễn Bá Khoan được miễn vì dốt nát, già cả. Một giáo sĩ trong Hội Truyền Giáo Ba Lê (Société des Missions Étrangère de Paris) cũng nhắc đến một sắc dụ của Nguyễn Huệ trong đó kết tội “Chiêu Thống đã phạm trọng tội gian dâm và loạn luân ghê tởm với em gái ông và sát nhân vì ông đã cho giết một cách dã man ba người chú ông và một người vợ của Cảnh Hưng, tổ phụ ông …” để đưa ra một trọng thưởng cho người nào bắt được Lê Duy Kỳ. Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …” Một Vài Sử Liệu (1992) tr. 187
[101] Ðề đốc Quảng Tây là Tam Ðức đã bị bệnh mất ngày mồng 8 tháng Bảy năm đó [9-8-1788], Hứa Thế Hanh (từ Chiết Giang được điều động lên thay) đem quân tới Long Châu phòng thủ (theo Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược, quyển 2 trang 1). Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 359.
[102] người Tân Ðô, Tứ Xuyên gốc người Hồi, tòng quân đánh Kim Xuyên, lập công trạng trong vụ đánh Ðài Loan nên được làm đề đốc Quảng Tây, khi bị chết ở Thăng Long được thăng Tráng Liệt Bá, ban tên thuỵ Thiệu Nghị.
[103] Theo Ian Heath trong Armies of the Nineteenth Century: Asia V. 2: China (Great Britain: Foundry Books, 1998) trang 18-9 thì những cấp bậc đó tương đương với hiện thời như sau: ÐềÐốc (đại tướng), Tổng Binh (trung tướng), Phó Tướng (thiếu tướng), Tham Tướng (đại tá), Du Kích (thượng tá), Ðô Ti (trung tá), Thủ Bị (thiếu tá), Thiên Tổng (đại uý), Bả Tổng (trung uý) … Tuy nhiên nếu là ngoại vi thiên tổng thì chỉ tương đương trung sĩ còn ngoại vi bả tổng chỉ tương đương hạ sĩ. Thực ra những danh hiệu này là chức vụ, không phải cấp bậc nên những phiên dịch không hoàn toàn chính xác nhưng cũng cho ta một số khái niệm về vai trò quân sự của các tướng lãnh nhà Thanh thời đó.
[104] thuộc Nhương Lam Kỳ Hán quân, làm tổng binh Hữu Giang trấn Quảng Tây, khi chết tại nước ta được ban thuỵ là Trực Liệt (直烈)
[105] Tôn Khánh Thành (孫慶成) là chắt (great-grandson) của Chấn Võ tướng quân Tôn Tư Khắc, một danh tướng đầu đời Thanh.
[106] Người Ðại Ðồng nhưng sang sống ở Quí Châu, từng tham dự các trận đánh Miến Ðiện, Kim Xuyên lập nhiều công lao nên thăng lên đô ti. Sau tham dự đánh Ðài Loan trong chiến dịch bình Lâm Sảng, Trang Ðại Ðiền nên được lên tổng binh Nam Áo (南澳), Phúc Kiến. Khi chết ở nước ta được ban tên thuỵ là Tráng Quả (壯果).
[107] Người Trường An, đậu tiến sĩ võ đời Càn Long, làm tham tướng Ðức Châu. Khi Vương Luân nổi loạn ở Thọ Trương, ông đem quân đánh dẹp, thăng lên đề đốc Vân Nam và ở đây cho tới chết.
[108] Thuộc Nhương Hoàng Kỳ Mãn Châu, từng tham gia các cuộc chiến đánh Miến Ðiện, Kim Xuyên, thăng lên tổng binh Thọ Xuân. Ðến đời Gia Khánh có công trong việc đánh dẹp các giáo phái tại Hà Nam, Thiểm Tây. Sau lên làm đề đốc Ô Lỗ Mộc Tề (烏魯木齊)
[109] người Võ Thành, có chiến công nên được làm ngoại uỷ đời Càn Long, tham dự đánh Kim Xuyên, sau lên làm đề đốc Quảng Ðông
[110] Theo hệ thống đo lường của Trung Hoa thì 10 dược [龠] là 1 hợp [合], 10 hợp là một thăng [升], 10 thăng là 1 đẩu [斗], 10 đẩu là 1 thạch [石]. Theo cách tính đong gạo, đời Thanh một thạch là 125 cân, thời Dân Quốc lại là 150 cân. Một cân đời Thanh là 596 gram. Như vậy 1 thạch là 74.5 kg, 1 đẩu là 7.45 kg, 1 thăng là .745kg, 1 hợp là 74.5 gram, 1 dược là 7.45 gram. Trung Quốc Lịch Sử Ðại Từ Ðiển, (Thượng Hải từ thư, 2000)
[111] Mặc dù Tôn Sĩ Nghị giảm lương vì muốn tiết kiệm ngân sách nhưng cũng vì thế mà quan binh trong lòng bất mãn nên không có chí chiến đấu, gặp lúc núng thế liền bỏ chạy như khi tại Thăng Long sau này.
[112] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 360.
[113] Tôn Sĩ Nghị vốn dĩ định sau khi chiếm được Thăng Long rồi sẽ đem quân đánh vào Quảng Nam nên đã dự bị thủy lục hai mặt, quân thủy nửa tháng sau sẽ qua nhưng vì thuyền lớn qua khôngđược mà cửa sông Nhĩ Hà thì quân địch đã chặn rồi nên ra lệnh cho đóng 40 chiến thuyền, đủ sức chở 2,000 quân, lập thêm 25, 26 trạm trên bộ cách nhau chừng 8, 90 dặm, ngoài ra còn xây thêm 53 trạm lương thực nhưng vì sau này bị thua ở Thăng Long nên những công tác này không thực hiện.
[114] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 363.
[115] Nhiều tài liệu chỉ chép số quân của Sầm Nghi Ðống là 1500 người nhưng các con số trên đây trích từ chính tấu thư của Tôn Sĩ Nghị (KDANKL, quyển X, tr. 14)
[116] Trong chiến dịch đánh An Nam, rút kinh nghiệm các trận đánh ở Miến Ðiện, nhà Thanh đổi chiến lược không điều động kỵ binh từ miền bắc xuống mà chỉ dùng quân địa phương, thổ binh và chủ yếu phương tiện của bốn tỉnh miền tây nam giáp với nước ta. Chính vì thế, công tác chuẩn bị cũng nhanh mà lực lượng điều động cũng nhỏ (nhỏ nhất trong mười chiến dịch đời Càn Long), không ghê gớm như chúng ta thường tưởng tượng.
[117] Không riêng gì quân Thanh ở cuối thế kỷ XVIII, 500 trước quân Mông Cổ cũng lâm vào những khó khăn tương tự. Ðoàn quân ngoại nhập phải mang theo một số lượng thực phẩm rất lớn cho cả quân đội lẫn phu phen. Nhà Nguyên cũng phải thiết lập nhiều trạm tiếp vận, cách nhau 30 dặm (khoảng 15 km) và một dịch trạm mỗi 60 dặm (30 km). Trong một lá thư của quan chức nhà Nguyên gửi triều đình có đề cập đến những khó khăn như sau:
Ngay từ thời cổ, khi điều binh thì luôn luôn phải sao cho hợp với thiên thời. Trung Nguyên đất phẳng, vậy mà ta cũng vẫn phải tránh cái nóng mùa hè. Còn như Giao Chỉ là nơi oi nồng (feverish) ôn dịch (pestilential), khí hậu nơi đây khiến cho quan quân thiệt hại còn nhiều hơn cả đối phương tấn công. Nay ta lại điều binh xuống vào tháng Bảy, trước khi tới được An Nam đã chết mất khá nhiều, thế thì khi gặp địch làm sao mà đối phó? Xứ Giao Chỉ lại chẳng có gạo thóc, thủy đạo bất tiện, không thể không tiếp tế bằng đường bộ nhưng lại không có ngựa, bò, xe cộ. Mỗi người có thể mang được 5 đấu, nhưng trên đường đi phu cũng phải ăn, thành thử quân chỉ còn được một nửa. Cho nên nếu như muốn gửi tới 100,000 thạch gạo thì phải dùng đến 40 vạn phu để chuyên chở, mà gạo đó cũng chỉ đủ ăn 1 đến 2 tháng mà thôi. Xie Qikun, Guangxi Tongzhi (Quảng Tây thông sử) bản đời Gia Khánh (1796-1821) (Quảng Tây Nhân Dân Xb xã tái bản, 1988) Vol VIII, chương 187, trang 5032.
Lấy trong http://mcel.pacificu.edu /as/resources/ zhuang/zhuang11.htm tr. 22-3.
[118] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 363
[119] Nguyễn Anh Huy, Lịch Sử Tiền Tệ Việt Nam: Sơ Truy và Lược Khảo (2010) tr. 151 Tấm ảnh của đồng tiền này có in trong trong Phụ Lục Ảnh Màu của tài liệu trên. Xem thêm Annam and its minor currency (Ed. Toda 1882) phần II, chương XX Chinese intervention in Tunquin, and the Nguyen Dynasty (http://art-hanoi.com/toda/20.html).
[120] Vào thế kỷ XVII, XVIII tiền tệ có thể dùng lẫn lộn tại nhiều nơi và lưu hành nhiều loại tiền cùng một lượt ở nước ta.
[121] Trong bất cứ lần Nam chinh nào, Trung Hoa đều gặp phải những khó khăn tương tự và quân đội điều động tuy có lớn trên số lượng nhưng thành phần binh sĩ chiến đấu chỉ là 1/4, 3/4 còn lại là phu khuân vác thường là các sắc dân thiểu số vùng Vân – Quí và người dân tại hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây. Nếu với tỉ lệ tương ứng, quân Thanh tuy tiếng là 20 vạn nhưng thực ra chỉ độ 5 vạn quân chiến đấu, 15 vạn kia là phu phen. Những số liệu đó phù hợp với con số mà sổ sách binh nhu, chi phí của nhà Thanh trong chiến dịch và cũng phần nào giải thích được tại sao Nam sử lại chép một số lượng quá chênh lệch với số quân nhà Thanh điều động.
[122] Lai Phúc Thuận, QNNC (1984) tr. 314-5
[123] Trang Cát Phát: TTVC (1982) tr. 363.
[124] Thanh Cao Tông ngự chế thi văn toàn tập (quyển 9) (1976) ngự chế thi tập V, quyển 43, trang 34.
[125] Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí (Quốc Sử Quán triều Nguyễn) Phạm Trọng Ðiềm dịch (1997) thì cách châu Ôn 11 dặm về phía tây có núi Kháo gồm 2 ngọn, một cao một thấp gọi là “kháo mẹ, kháo con”, trên đỉnh có đường lớn cho sứ bộ đi, khách buôn bán cũng qua đường này. Phía nam châu Ôn thì có Quỉ Môn Quan, thuộc xã Chi Lăng, đường hẹp, khó đi, hiểm trở, nướcđộc, đá hình như đầu ma, đầu quỉ nên đặt như thế. Khi sứ bộ Trung Hoa sang sách phong cho vua Lê đổi tên thành Úy Thiên Quan. (quyển 4, tr. 377, 387)
[126] chữ Hộ nguyên có bộ ngôn 言 ở bên trái
[127] theo tờ biểu của vua Quang Trung gửi lên vua Cao Tông thì bọn tuần dương binh ấy do Hắc Thiệu Tông cầm đầu, khi trả về cũng bị Tôn Sĩ Nghị giết cả. Hoa Bằng. Quang Trung Nguyễn Huệ, Anh Hùng Dân Tộc 1788-1792. (1958) tr. 214. Thực ra những người này một số được dùng vào đội thủy quân, một số trả về nguyên quán.
[128] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 364
[129] Vua Càn Long cũng đã đề cập đến việc ngay từ đầu Tôn Sĩ Nghị đã tâu rằng nhân cơ hội này lấy luôn nước Nam. (Nguyên văn: 孫士毅初奏安南內訌情形有乘此機會剿平後收其土地之意 … Tôn Sĩ Nghị sơ tấu An Nam nội hồng tình hình hữu thừa thử cơ hội tiễu bình hậu thu kỳ thổ địa chi ý …) Thanh Cao Tông ngự chế thi văn toàn tập (1976) Ngự Chế thi V, quyển 43, tr. 26. Chi tiết này hoàn toàn không thấy các sử gia Trung Hoa nhắc đến và cũng phù hợp với sử nước ta nói rằng khi bắt được một số văn thư mật, họ Tôn đã đề cập đến việc khai thác tình hình rối loạn của An Nam để trục lợi. Câu chúng tôi trích dẫn ở trên là chính lời nguyên chú của vua Cao Tông không phải của sử thần.
[130] Thanh Cao Tông ngự chế thi văn toàn tập (1976) Ngự Chế thi V, quyển 43, tr. 35
[131] Thanh Cao Tông ngự chế thi văn toàn tập (1976) Ngự Chế thi V, quyển 43, tr. 36
[132] Theo tấu thư của Tôn Sĩ Nghị khi còn ở Triều Châu được lệnh đúc ấn có dụ chỉ là ấn mới nên thêm hay bớt đi một chữ để phân biệt với ấn cũ, ngõ hầu biết cái nào thực, cái nào không thực. Tôn Sĩ Nghị đề nghị đem mẫu ấn cũ bỏ đi chữ chi (之) chỉ còn An Nam Quốc Vương Ấn (安南國王印). Ấn cũ dọc 11.6 phân, ngang 11.5 phân, trên khắc 6 chữ An Nam Quốc Vương Chi Ấnbằng chữ triện bằng cả hai thứ chữ Mãn Châu và Hán. Tuy nhiên việc này không thực vì theo con dấu mới đóng trên các tấu biểu của Lê Duy Kỳ vào ngày mồng 2 và 24 tháng Chạp năm đó (còn lưu tại văn khố Ðài Loan) thì ngang dọc cũng bằng ấn cũ, chỉ có chữ khắc mảnh mai hơn, và cũng vẫn thấy đủ 6 chữ An Nam Quốc Vương Chi Ấn, không bỏ chữ chi. Trang Cát Phát, TTVC (1982) chú thích 72 trang 411.
[133] Cung Trung Ðáng, CCBVV, Lai Phúc Thuận, QNNC (1984) tr. 259
[134] CM II (1998) tr. 843-4
[135] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 368.
[136] tức sông Thương
[137] Theo tấu thư của Tôn Sĩ Nghị đề ngày 15 tháng Một năm Mậu Thân (Càn Long 53) [12-12-1788]. Cung Trung Ðáng, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 368.
[138] đây có lẽ là một cánh quân người Thượng từ trong nam ra
[139] Ðại quân thẳng tới huyện Bảo Lộc, thuộc Giang Bắc. Ba lần đánh đều được. Bắt đô đốc Trần Danh Hoán, chém đi. (Có lẽ hai chữ bính 炳 và hoán 煥 vì mặt chữ khá giống nhau nên tam sao thất bổn) Lê Quýnh, “Bắc Hành Tùng Kyù “.La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II (1998) tr. 879.
[140] núi có ba tầng chồng lên nhau, ở xã Nam Ngạn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Ninh, cách huyện Việt Yên 9 dặm về phía đông.
[141] có thể không đến con số này nhưng quân Thanh phao lên để báo tiệp cho thêm vẻ vang.
[142] Minh Thanh sử liệu, thiên Canh, bản thứ 2, trang 101. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 368-9. Trận Thị Cầu mỗi sách chép một khác, chẳng hạn trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí:
… Phan Văn Lân nói:
– Quân không cứ nhiều, nước không cứ lớn. Nay ta làm tướng cầm quân ở ngoài, giặc đến, chưa tửng tiếp chiến, mới nghe thấy tiếng doạ hão đã tự lui nhụt, thì còn dùng tướng làm gì? Tôi xin tự đem một nghìn tinh binh tiến thẳng lên sông Như Nguyệt, chọi nhau với nó một trận, xem nó có khí thế gì? Người Nam với người Tầu ai khoẻ hơn ai? Và cho nó biết mình đây không nhát. Ðó cũng là cách “chặn trước thì đè được người”.
Sở (Ngô Văn) cho là phải. Lân bèn đốc quân qua sông Bắc canh ba, tới bờ phía nam sông Nguyệt Ðức, vừa nghe Tôn Sĩ Nghị đã đóng ở núi Ba Tầng. Lúc ấy tiết trời cực giá rét, Lân cứ dồn quân sang sông khai chiến. Tướng sĩ sợ oai của Lân, đều phải liều xông hơi lạnh, lội bừa xuống nước. Ra đến giữa sông nhiều người cóng quá không thể sang được, đều bị chếtđuối, kẻ nào vào được tới bờ, cũng bị quân Thanh giết chết. Lân liệu không thể giao chiến, tức thì vẫy quân chạy lùi. Dư đảng tan vỡ, chạy vào các làng, lại bị dân quê săn bắt đem nộp cho quân Thanh. Lân phải một mình một ngựa chạy về Thăng Long … Ngô Thời Chí, Hoàng Lê Nhất Thống Chí, (1969) tr. 290-1.
Việt Thanh chiến sử của Nguỵ Nguyên thì chép theo Thanh sử, tuy không rõ ràng nhưng cũng đầy vẻ ngoa ngôn:
… Ngày 15, tiến đến Thị Cầu (Nguyệt Ðức). Sông rộng. Vả bờ nam dựa vào núi, cao hơn bờ bắc. Giặc giữ chỗ hiểm dàn súng. Quân ta không thể kết bè. Các tướng nghĩ rằng hình thếsông cong queo, (khiến) giặc trông ra thấy không được xa. Bề ngoài, bèn chở tre gỗ, làm cầu phao để tỏ rằng thế nào cũng qua sông (chỗ ấy). Rồi giấu hai nghìn quân ở thượng du (cách đó hai mươi dặm), chỗ nước chảy chậm, lầy thuyền con đang đêm qua sông.
Ngày 17 (tháng Một) quân ta cưỡi bè áp bờ. Cầm cự với nhau đang sôi nổi, thì gặp khi quân từ thượng du đả vòng ra sau lưng giặc, nhân chỗ cao mà hét to, đánh xuống. Tiếng ran các hang núi. Giặc không biết vương sư từ đâu xuống, bèn tan rã chạy lùi. Nguỵ Nguyên, “Việt Thanh Chiến Sử”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn tập II (1998) tr. 1342.
Riêng Lê Quýnh trong Bắc Hành Tùng Ký thì viết là mưu đánh tập hậu là do bồi thần nhà Lê hiến kế như sau:
… Quýnh và Lê Duy Ðản bàn với nhau rằng: “Từ khi (ta) ra cửa ải đến nay, quân địch thua luôn. Chắc chúng đặt nhiều quân ở núi Thị Cầu, (mong) có nước chặn, để cự lại. Nhưng chúng nó dùng binh chỉ biết nhìn phía trước, thường không ngoảnh về phía sau. Nên dùng kỳ binh chộp phía sau, thì chắc sẽ thắng. Quân ở doanh Thị Cầu (nếu) đã bại, thì khôi phục cốđô dễ như nhổ nước bọt vào tay”.
Ðến khi đại binh tiến đến núi Tam Tằng, cách địch con sông. Lê Duy Ðản nói (mưu ấy) với quan lớn Tôn. Quan lớn bèn nghe kế. Ngày 20, qua sông Thị Cầu, phá doanh giặc, tiến đến bờ bắc sông Phú Lương (muốn nói sông Nhị). Giặc Tây Sơn bỏ thành Thăng Long chạy về phương nam. Lê Quýnh, “Bắc Hành Tùng Ký”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn tập II (1998) tr 880.
[143] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …” Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 216. Những ngày tháng mà các giáo sĩ nêu ra có lệch (trước) với tài liệu của nhà Thanh 3 ngày.
[144] Một thước đời Thanh nếu đo đất thì khoảng 34.5 cm, đo vải thì khoảng 35.5 cm. Bốn thước xem ra chỉ khoảng 1.4 m.
[145] KDANKL, quyển IX, tr. 3
[146] Viên Mai, Tùy Viên Thi Thoại [Trương Ðình Chi dịch] (2002) tr 839-41
[147] Tạ Quang Phát (dịch). Nhà Tây Sơn (1970) tr. 127-9
[148] Các tài liệu do nhiều nguồn khác nhau viết rất mâu thuẫn về vai trò của một số văn thần nhà Lê. Tây Sơn thuật lược viết là Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Gia Phiền (Phiên?), Phan Huy Ích, Ngô Vi Quí, Ðoàn Nguyên Tuấn cùng vào Phú Xuân yết kiến Nguyễn Huệ (hay bị đưa đi theo?) khi Nguyễn Huệ ra Bắc trừ khử Vũ Văn Nhậm. Hoàng Lê Nhất Thống Chí cũng có chỗ viết tương tự trong khi KÐVSTGCM thì viết là Ngô Thì Nhậm còn ở Thăng Long với Ngô Văn Sở. Việc quân Tây Sơn rút lui các sách vở Việt Nam cho là do mưu của Ngô Thì Nhậm và được Nguyễn Huệ khen là biết thời thế, trái lại theo tin của các giáo sĩ thì Ngô Văn Sở bị khiển trách nặng nề. “Mấy giáo đồ Bắc Kỳ là bộ hạ của quan Ðại Tư Mã mà tôi nhắc tới ở trên, đã quả quyết với tôi rằng Tiếm vương phạt vị quan này về tội hoảng sợ bằng cách trừ của ông một tháng lương và cấm ông không được đụng tới thực phẩm của binh lính. Ngoài ra Quang Trung … mời các võ quan cao cấp dự tiệc, nhân đó ông bắt Ðại Tư Mã quì xuống cách xa ông trong khi các quan khác ăn uống và dùng lời lẽ gay gắt, dữ dội nhứt quở trách về tính nhút nhát của ông này. Ít lâu sau muốn làm ông [Ðại Tư Mã] thất đảm, Quang Trung cho xử trảm viên trấn thủ Than (Thanh) Hoa và một đại thần khác bị khép tội quấy nhiễu đàn áp dân chúng … bắt ông ra chỉ huy quân đội (nhưng) bãi chức Tổng Nguyên Soái (tư lệnh quân đội tại Bắc Kỳ) …” Chú thích số 49, Ðặng Phương Nghi, Vài tài liệu … (1992) tr. 227-8. Các tướng lãnh Tây Sơn chắc không tin tưởng vào quan lại nhà Lê và nếu có tính toán gì cũng không bao giờ bàn bạc với họ để khỏi lộ bí mật quân sự.
[149] Theo lời tâu của Khách Ninh A (喀寧阿). Thanh Cao Tông ngự chế thi văn toàn tập, tập 9, quyển 43 (1976) tr. 25
[150] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 188.
[151] La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn tập II (1998) tr. 879-880. Có lẽ Lê Quýnh viết chệch đi một ngày để khỏi tiết lộ việc hai thầy trò vào gặp Tôn Sĩ Nghị vào đêm hôm trước có vẻ khôngđược đắc thể.
[152] Hai sứ thần Trần Danh Án và Lê Duy Ðản phải ăn mặc rách rưới để len lỏi núi rừng sang Trung Hoa.
[153] trong sách viết nhầm là Phú Thần, hai chữ thần 辰 và lương 良 hơi giống nhau
[154] Nguyên văn 天兵下寨富辰江北賊渠衆宵遁進復京城奉駕御萬夀殿行册封禮 (thiên binh hạ trại Phú Thần giang bắc, tặc cừ tất chúng tiêu độn, tiến phục kinh thành, phụng giá ngự Vạn Thọ điện hành sách phong lễ). Lê Duy Ðản: Sứ Diêu Hành Trạng(YHVH), quyển VI (2010) tr. 180
[155]KDANKL, quyển IX, tr. 10-11
[156] Thượng Dụ Ðáng, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC, tr. 370-1
[157]臣親送進城。黎維祁率該國官民。跪伏道旁。迎至該國王正屋。望闕三跪九叩衹領訖。並敬具表文。交到臣處 … (thần thân tống tiến thành. Lê Duy Kỳ suất cai quốc quan dân. Quỵ phục đạo bàng. Nghinh chí cai quốc vương chính ốc. Vọng khuyết tam quỵ cửu khấu kỳ lãnh cật. Tịnh kính cụ biểu văn. Giao đáo thần xứ) KDANKL, quyển 10, tr. 14
[158] Quân Cơ Xứ , CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 371-2.
[159] nhắc lại tích Thân Bao Tư cầu viện nước Tần đem quân đánh nước Ngô để cứu nước Sở thời Xuân Thu. Tạ Mẫn Hoa – Uông Hiển Huy (chủ biên), Trung Hoa thành ngữ điển cố đại toàn.(2003) tr. 930.
[160] ở đây biểu văn dùng rất nhiều điển như vua Thuấn, nhà Chu, quẻ Càn, Ðại Ðồng, Khôn … đều là nói về thời thịnh trị nên chúng tôi chỉ dịch thoát.
[161] Quân Cơ Xứ, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 372.
[162] Quân Cơ Xứ, CCBVV, tờ trình của Lê Duy Kỳ đề ngày 24 tháng Chạp năm Càn Long thứ 53. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 372-3.
[163]KDANKL, quyển 12 tr. 23-4
[164]… Nhà vua đã khôi phục được nước, bèn hạ lệnh thăng chức cho bầy tôi đi hộ giá:
– Phạm Ðình Dữ lên bình chương sự, thượng thư bộ Lại.
– Lê Duy Ðản và Vũ Trinh lên tham tri chính sự.
– Nguyễn Ðình Giản lên thượng thư bộ Binh, tri Xu mật viện sự.
– Trần Danh Án, lên phó đô ngự sử.
– Lê Quýnh lên Trung quân đô đốc, tước Trường phái hầu. Ngoài ra đều được thăng chức có cao thấp khác nhau.
Liền đó nhà vua sai trị tội những người hàng giặc:
– Ngô (Thì) Nhậm và Phan Huy Ích đều truất về làm dân.
– Nguyễn Hoãn bị bãi mất tước Quận công.
– Phan Lê Phiên bị giáng xuống Ðông Các học sĩ.
– Mai Thế Uông bị giáng xuống Tư huấn.
CM II (1998) [quyển XLVII] tr. 839-42
[165] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …” Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 202
[166]KDANKL, quyển IX, tr. 6
[167] Trần Nguyên Nhiếp, An NamQuân Doanh Kỷ Lược. Bản chép tay thư viện Harvard-Yenching [Tạp Sử, 2404]
[168]KDANKL, quyển XII, tr. 22-3
[169]KDANKL, quyển XI, tr. 28
[170]KDANKL, quyển XII, tr. 28
[171] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu …(1992) tr. 205.
[172]KDANKL, quyển XI, tr. 25
[173]KDANKL, quyển X, tr. 27
[174]KDANKL, quyển XII, tr. 11-2
[175] Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (Hoàng Văn Lâu dịch) (2005) tr. 585
[176]KDANKL, quyển XXVI, tr. 1-3
[177]… Ðinh bạ các làng xã còn lại đến nay được tìm thấy đều có kê khai số dân đinh tham gia phong trào Tây Sơn. Chẳng hạn trong số tư liệu Hán Nôm ở làng Xuân Hoà, có tập đinh bạ nhiều năm liên tiếp thuộc triều Tây Sơn. Ðinh bạ lập ngày 14-3 năm Thái Ðức thứ 11 (1788) kê khai toàn bộ dân đinh đều tham gia quân đội, giữ các công việc khác nhau, ngay cả người già trên 60 tuổi và trẻ em dưới 14 tuổi cũng được bố trí công việc ở các bộ, các dinh … UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Ðịa Chí Thừa Thiên Huế – Phần Lịch sử (2005) tr. 115
[178] Cũng theo tin của các giáo sĩ thì sắc thư này ban hành ngày 6 tháng Mười năm Mậu Thân [3-11-1788] và còn đề niên hiệu Thái Ðức nên việc Nguyễn Huệ lên ngôi ngày 11 tháng Mười [8-11-1788] có lẽ chính xác. Ðặng Phương Nghi, “Vài tài liệu mới lạ …”. Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 195-8.
[179]Lê Duy Ðản thi tập.Tài liệu chép tay, Viện Hán Nôm Hà Nội, BEFEO A.2821
[180] Hoàng Xuân Hãn: “Phe đảng chống Tây Sơn ở Bắc”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II (1998) chú thích 12, tr. 1258
[181]Lê Quí Dật Sử, [Phạm Văn Thắm dịch] (1987) tr. 77
[182] David J. Steinberg (ed.): In Search of Southeast Asia (1987) tr. 52.
[183] Vào thời đó các quốc gia chung quanh Việt Nam đều thần phục và Nguyễn Huệ tự coi như làm chủ cả Ai Lao, Chiêm Thành (tức các sắc tộc Tây Nguyên, Nam Lào) và Cao Miên. Trong một bức thư gửi quan nhà Thanh để nhờ trình lên vua Càn Long lý do tại sao chưa dùng ấn vàng mới được phong có câu: “Duy Thăng Long tiền đại cố đô, vượng khí toả yết. Bộc (tiếng khiêm xưng) thuỷ doanh tân ấp vu Nghệ An, kiến lập miếu triều ư vị, nghĩ tức kỳ địa ưng thụ phi hiển chi mệnh, dĩ khải vô cùng chi cơ, thả bản quốc phong vực ư yên thủ trung, tây hữu Ai Lao, Nam hữu Chiêm Thành, Cao Miên chi thuộc …” (惟昇龍前代故都,旺氣鎖歇。僕始營新邑于乂安,建立廟朝於位,儗卽其地,膺受丕顯之命,以啟無窮之基,且本國封域於焉取中,西有哀牢,南有占城,高綿之屬 …) … Còn như Thăng Long là kinh đô cũ của các triều đại trước, vượng khí đã tiêu tan hết rồi, kẻ hèn này mới xây một ấp mới ở Nghệ An, kiến lập triều đình, tông miếu, nơi đó hẳn là lập được cơ nghiệp lớn lao, tính cái kế mãi mãi, lại là nơi trung tâm của bản quốc, tây có Ai Lao, nam có Chiêm Thành, Cao Miên đều là thuộc quốc … (Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập I, tr. 690) Về sau Nguyễn Huệ lại cũng thân chinh đi dẹp dư đảng nhà Lê tại Ai Lao và có những kế hoạch theo đường núi đi vòng xuống đánh chặn đường rút lui của Nguyễn Ánh.
[184] Ðiểm đáng chú ý là những đạo quân này không phải do người Kinh chỉ huy, hoặc có thể là người Thượng, hoặc người Tàu nên sử ta chỉ chép những tên và chức vụ mà không có họ, ngay cả tên cũng mỗi chỗ một khác. Ðô đốc Lộc, đô đốc Tuyết trông coi tả quân đánh từ biển vào sông Lục đầu, đô đốc Bảo và đô đốc Long (hay Mưu?) trông coi hữu quân cai quản đội voi ngựa từ Lào đánh qua Hà Ðông.
[185] Cristophoro Borri, Tường Trình về Khu Truyền Giáo Ðàng Trong 1631 Hồng Nhuệ (dịch) (không đề năm) tr. 24
[186] hình ảnh con voi mà hoạ viên William Alexander trong phái bộ Macartney ghé ngang Cửa Hàn năm 1793 (Touron hay Tourane) với người quản tượng bé tí teo nằm trên đầu con vật cho thấy thời kỳ đó con vật nhà Tây Sơn dùng trong chiến tranh lớn hơn các loại voi hiện nay. Xem “Elephant, Tourane Bay, 3 June 1973” trong Susan Legouix, Image of China: William Alexander(1980) tr. 45. Voi Á châu cao tới 3 thước, nặng từ 3 đến 4 tấn (3-4000 kg),sống thành đàn. Voi Xiêm La (tức cùng giống dùng trong tượng binh Ðàng Trong) to nổi tiếng và nhiều cái tên còn lưu lại trong các đoàn xiếc và phim ảnh Tây phương hồi đầu thế kỷ XX như Queenie, Happy, Sally, Ziggy … Martin Hintz: Tons of Fun Training Elephants, (1982) tr. 30. Những giống voi lớn nhất thường tìm thấy ở Lào và Bắc Thái mà người ta miêu tả là cao đến 12-3 feet (gần 4 thước), có lẽ là voi mà người Âu Châu thấy ở Ðàng Trong thời Tây Sơn.
[187] Cristophoro Borri, Tường Trình … tr. 26
[188]… an animal trained to be obediently ferocious, in battle to wield a mightly sword, and, as an executioner, to kill men by tossing, trampling, and rending them. Such monsters relished a bran mash flavored with babies … Ping Amranand và William Warren: The Elephant in Thai Life & Legend (1998) tr. 58
[189] Sun Laichen, “Military Technology Transfers from Ming China and the Emergence of Northern Mainland Southeast Asia (c. 1390-1527)” Journal of Southeast Asian Studies, vol. 34, 3 (10-2003) tr. 500
[190]Les Grands Dossiers de L’Ilustration L’Indochine, Histoire d’un Siècle 1843-1944 (1995) tr. 27. Tấm hình vẽ một chiếc thuyền mũi cong, có 32 người lính và một khẩu đại bác, mỗi bên hông có 12 mái chèo, thuyền thân dài và nhọn có chú thích là Embarcation Annamite Armée en Guerre de l’escorte des ministres Annamites (tức phái bộ Phan Thanh Giản).
Li Tana trong một bài viết cũng nói là “tam bản đầu to của An Nam” được bọc vài lớp da bò chưa thuộc với mũi thuyền cao hơn đuôi nhằm mục đích phòng thủ … Li Tana, ”Thuyền và Kỹ Thuật đóng thuyền ở Ðàng Trong cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX” – Ðức Hạnh dịch, Tạp Chí Nghiên Cứu và Phát Triển, số 4(38). 2002 tr. 79.
[191]… Ngành nghệ thuật độc đáo của người Ðàng Trong có thể coi là tuyệt vời vào thời buổi hôm nay là kỹ thuật đóng tàu mà không tuỳ thuộc chút nào vào phẩm chất và tầm cỡ của loại gỗ dùng trong mục tiêu đó. Những chiếc thuyền chèo tay để đi chơi quả là khéo léo. Những con tàu đó, dài từ 50 đến 80 feet (15 đến 24 mét), lắm khi chỉ độc có năm mảnh ván ghép lại, mỗi thanh dài suốt từ đầu nọ đến đầu kia, cạnh ghép bằng mộng, gắn khít khao chặt chợm bằng chốt gỗ, buộc với nhau bằng lạt tre chứ không cần phải có sườn hay khung gỗ nào khác. Mũi và đuôi thuyền ngỏng lên khá cao, chạm khắc thành những thuỷ quái hình rồng, thuồng luồng, trang tri bằng sơn hay thếp vàng. John Barrow: A Voyage to Cochinchina (1806) bản in lại (1975) tr. 318-9.
[192] Lyda Norene Shaffer, Maritime Southeast Asia to 1500 (1996) tr. 11-2.
[193] Theo Biên Niên nhà Nguyễn, từ 1778 đến 1819, Nguyễn Ánh đóng 235 ghe bầu (kiểu Chăm-Mã Lai prahu), 460 sai thuyền (thuyền chèo loại lớn hơn), 490 chiến thuyền, 77 đại chiến thuyền, 60 thuyền lớn nhỏ kiểu phương Tây hay là thuyền buồm dọc, 100 ô thuyền và 60 lê thuyền (thuyền chèo có chạm khắc và trang trí) tạo nên tổng số là 1482 chiếc ( Li Tana: “Thuyền và Kỹ Thuật đóng thuyền ở Ðàng Trong cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX” (Ðức Hạnh dịch). Huế: Tạp Chí Nghiên Cứu và Phát Triển, số 4(38). 2002 tr. 81.
[194] Robert J. Antony, Like Froth Floating on the Sea: The World of Pirates and Seafarers in Late Imperial South China. (2003) tr. 20
[195]To the petty pirates of Kwantung, Fukien, Chekiang, and Kiangsu, Nguyen Van Hue was the “Big Boss of Yueh-nan” (Yueh-nan ta-lao-pan 粵南大老板) who sold their booty and gave them between 20 and 40 percent of the profits. The big pirate gangs also benefited from the Emperor’s rule, because he not only allowed them to anchor in the border area to gather recruits and steal food, but also let them use Vietnam as a “nest” to which they could retreat. These pirates accepted the Emperor as their master because under his authority they were able to reap great profits from the sea (Na Ngạn Thành [那彦成]: The collected memorials of Na-yen-ch’eng 1834, Ðài Bắc 1974) trích lại theo Dian H. Murray, Pirates of the South China Coast 1790-1810(1987) tr. 40-41
[196] Quốc Sử Quán triều Nguyễn: Ðại Nam Liệt Truyện, tập II (1997) tr. 524
[197] Dian Murray, Pirates of the South …(1987) tr. 36
[198] Michael W. Charney, Southeast Asian Warfare 1300-1900 (2004) tr. 29
[199]Two-handed swords may have been especially important for Vietnamese combatants, as Chinese soldiers were equipped with thick coats that apparently deflected low calibre bullets as the Burmese dicovered. Michael W. Charney, Southeast Asian Warfare 1300-1900 (2004) tr. 33
[200] Nguyễn Lương Bích – Phạm Ngọc Phụng, Tìm Hiểu Thiên Tài …(1971) tr. 38
[201] Jeremy Black, War, Past, Present & Future (2000) tr. 96-7
[202] Quân Cơ Xứ, CCBVV, lời khai của Nguyễn Huy Túc, ngày mồng 4 tháng Sáu Càn Long năm thứ 53 [7-7-1788]. Trang Cát Phát, TTVC tr. 339 [sách viết nhầm là Càn Long 54]
[203] Dian Murray, Pirates of the South …(1987) tr. 97
[204] Thomas J. Barnes: Tay Son, Rebellion in 18th Century Vietnam (2000) tr. 133 có ghi lại 10 điều quân lệnh của Tôn Sĩ Nghị trong đó điều 5 và 6 như sau:
… 5. Người An Nam có một loại võ khí đặc biệt gọi là hỏa tiễn. Họ dùng một loại súng có nòng dài chừng hai tấc rưỡi. Họ nhồi thuốc súng chia thành ba phần, sau đó dùng cây thụt phần thứ nhất và phần thứ hai riêng rẽ xuống nòng súng, đóng chặt mỗi phần vài trăm lần. Phần thuốc nổ còn lại nhét vào đầu bằng sắt của một mũi tên cắm vào trong nòng súng. Bước kế tiếp là nhét một sợi tre khô vào trong hộp súng có dây dẫn lửa nối vào. Khi bùi nhùi được đốt lên, mũi tên bén lửa và bay ra. Mục tiêu của chúng là đốt cháy quần áo các ngươi để cho quân ta (tức quân Thanh) phải hoảng sợ. Thế nhưng võ khí đó không bì với võ khí của ta được. Nếu đối phương phóng hỏa tiễn, chỉ cần cầm trong tay mấy lá trầu không để dập tắt lửa còn tay bên kia vung kiếm lên, bọn chúng sẽ phải bỏ chạy.
6. Một loại võ khí đặc biệt khác của người An Nam là hỏa cầu (fireball). Ðó là một khối kim khí rỗng ruột nhét đầy thuốc súng và miểng sắt cùng lưu hoàng, trên đầu có ngòi truyền ra. Lính của chúng sẽ đốt ngòi nổ và ném về phía ta, nếu thấy hỏa cầu thì chỉ cần né tránh là không việc gì cả.
Mặc dầu tác giả có ghi rằng tài liệu tham khảo chủ yếu căn cứ vào ba tác phẩm Khởi Nghĩa Diệt Nguyễn và Chống Xiêm (1993), Lật Ðổ Vua Lê – Chúa Trịnh Ðại Phá Mãn Thanh (1994) và Xây Dựng Ðất Nước (1995) của Ty Văn Hóa Thông Tin tỉnh Bình Ðịnh (theo Ghi Chú ở trang 202-203) nhưng những điều quân lệnh này lại không thấy ghi chép trong các sử sách khác và cuốn sách của Barnes là một cuốn tiểu thuyết lịch sử với nhiều dật sự không chính xác nên chúng tôi chỉ chép lại để độc giả biết thêm. Một điều hơi vô lý là loại mà gọi là hỏa tiễn (fiery rocket) kia chế tạo rất phức tạp. Nếu quả thuốc súng nhồi vào nòng thì như vậy mỗi khẩu súng (musket) chỉ bắn được một lần mà thôi và hiệu quả cũng không có gì đặc biệt, e rằng bất tiện hơn loại tên lửa bắn bằng cung. Vì tính chất mơ hồ của tài liệu này, chúng tôi chỉ ghi lại làm tài liệu tồn nghi.
[205] Bức hình của loại “bom” này có trong A Journey Into China’s Antiquity (V. 4) của National Museum of Chinese History (1997) tr. 165 dưới nhan đề 159. Military “national surname bottle”, Qing Dynasty
[206] China Science and Technology Palace Preparatory Committee and the Ontario Science Centre, China, 7000 Years of Discovery (1982) tr. 11
[207] Nguyễn Lương Bích – Phạm Ngọc Phụng. Tìm Hiểu Thiên Tài Quân Sự của Nguyễn Huệ (1971) tr. 33
[208]Cochin-China maintained its independence by its superior firepower (Donald F Lach & Edwin J. Van Kley: Asia in the Making of Europe, vol III, book 3 – Southeast Asia, The University of Chicago Press 1993 tr. 1281). Theo các giáo sĩ và thương nhân Âu Tây, chúa Trịnh đã được đặt cho cái biệt danh là “thủy vương” (lord of water) vì có một lực lượng hải quân khá hùng hậu trong khi Chúa Nguyễn được gọi là “hỏa vương” (lord of fire) vì quân đội miền nam được trang bị khí giới đầy đủ và tân tiến hơn. Ðó cũng là lý do tại sao Ðàng Trong tuy kém thế hơn nhưng vẫn cầm cự được mà không bị đánh bại.
[209] Năm 1792, các giáo sĩ ghi nhận hai chiếc tàu từ Macao và Manille sang bán cho vua Quang Trung 100,000 cân (livres) lưu huỳnh (khoảng 50 tấn) để chế tạo thuốc súng. Ðặng Phương Nghi, “Triều Ðại Vua Quang Trung …” Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 241-2
[210] Nicholas Tarling (ed.), The Cambridge History of Southeast Asia, tập I, phần 2: từ 1500 đến 1800 (1999) tr. 47 (trích lại của C.R. Boxer trong Asian potentates and European artillery in the 16th-18th centuries: a footnote to Gibson-Hill, JMBRAS, 38, 2 (1965) tr. 166
[211] Vào thời đó để giảm thiểu những khó khăn trong việc tiếp liệu, đến cuối thế kỷ XVI nước Pháp chỉ còn 6 cỡ đại bác, Tây Ban Nha còn 12 cỡ và người Anh chỉ còn 16 cỡ, lớn nhất nặngđến 4 tấn, đạn nặng 74 pounds (khoảng 33.5 kg), nhỏ nhất chỉ nặng 300 pounds, bắn đạn chỉ có 5 ounces mà thôi. Súng lớn nòng có thể dài đến 3.3 m.
[212] Nicholas Tarling, The Cambridge History … (1999) tr. 47-8
[213] thường được gọi là jinjal hay gingall bắt nguồn từ tiếng Hindi janjal.
[214] Nicholas Tarling, The Cambridge History … (1999) tr. 48
[215] Theo Ðại Nam Thực Lục, bản thân chúa Nguyễn Ánh cũng là một xạ thủ giỏi và đã đặt mua ở Bồ Ðào Nha một vạn súng điểu thương, 2000 cỗ súng gang mỗi cỗ nặng 100 cân, 2000 viênđạn nổ đường kính 10 tấc vào năm 1791, một năm trước khi Nguyễn Huệ mất. Chi tiết đó đủ biết vào giai đoạn này, lực lượng hai bên đều phải dựa vào súng ống của Tây Phương để chiếnđấu và với những trang bị mới, chiến thuật, chiến lược thủy cũng như trên bộ đã thay đổi nhiều cho phù hợp với tình thế.
[216] Martin Van Creveld, Supplying War: Logistics from Wallenstein to Patton (1992) tr. 1
[217]A real knowledge of supply and movement factors must be the basis of every leader’s plan; only then can he know how and when to take risks with those factors, and battles are won only by taking risks. A. C. P. Wavell, Speaking Generally (London, 1946) tr. 78-9. Trích lại theo Martin Van Creveld, Supplying War: Logistics from Wallenstein to Patton, (1992) tr. 232
[218] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”, Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 206
[219] BEFEO, 1912, t. XIII n 7, p. 8. Nguyễn Nhã “Nguyễn Huệ Một Thiên Tài Quân Sự “ Một Vài Sử Liệu …(1992) tr. 91
[220]It may be that this requires, not any great strategic genius but only plain hard work and cold calculation. While absolutely basic, this kind of calculation does not appeal to the imagination, which may be one reason why it is so often ignored by military historians. The result is that, on the pages of military history books, armies frequently seem capable of moving in any direction at almost any speed and to almost any distance once their commanders have made up their minds to do so. Martin Van Creveld, Supplying War: Logistics from Wallenstein to Patton (1992) tr. 1-2
[221] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”, Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 199
[222] Ngô Thì Nhậm tác phẩm (quyển I) (2001) tr. 172
[223] Tạ Quang Phát (dịch), Nhà Tây Sơn (1970) tr. 130-33
[224] tính ra là ngày 20-1-1789DL. Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê Nhất Thống Chí (2002) tr. 371-2
[225] Ðặng Phương Nghi, “Vài tài liệu mới lạ …”, Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 195
[226]Ngô Thì Nhậm tác phẩm (quyển I) (2001). Toàn văn bản chữ Hán trang 513-517, bản dịch Mai Quốc Liên trang 172-174.
[227]Ngày 18 tháng Mười Một tôi đọc một lá thư đề ngày 20 tháng Chín của đức ông La Bartette gữi cho ông Le Breton trong đó Ðức ông cho biết rằng: Tiếm vương Phú Xuân hay Bắc vương vừa mới phong cho con trai ông làm Nam vương lúc đó mới có bảy tuổi, nhưng hoàng tử được coi như được mười hai tuổi vì theo như lời đồn, các quan muốn nịnh người cha nên tăng cho người con nhiều tuổi hơn. Ðặng Phương Nghi, “Vài tài liệu mới lạ …”, Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 213-4
[228]KDANKL, quyển VI
[229] Ðặng Phương Nghi, “Vài tài liệu mới lạ …”, Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 214-6
[230] Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (1995) tr. 586
[231] Cầu nổi (phù kiều 浮橋 hay trúc phiệt kiều-竹笩橋) là cầu làm bằng các bè tre kết lại với nhau thả dưới nước để quân Thanh qua sông vì khi bọn họ tiến đến thì bao nhiêu thuyền bè đãbị quân Tây Sơn đem về nam cả rồi.
[232] Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ, (1995) còn ghi lại nhiều chiếu biểu quan trọng đời Lê và bang giao đời Tây Sơn, đối chiếu rất phù hợp với các tài liệu của nhà Thanh về diễn tiến nghị hoà.
[233] mãi đến tháng Hai, sau khi tình hình đã lắng xuống thì “… các tiến sĩ triều Lê như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch và bọn cống sĩ văn chức Vũ Huy Tấn, Ðoàn Nguyễn Tuấn,Ðào Xuân Lãng lần lượt về hàng. Nguyễn Quang Bình trao quan chức cho từng người, cho tham gia vào việc thảo từ lệnh bang giao.” Lịch Triều Tạp Kỷ, (1995) tr. 591. Trong những chiếu biểu giao thiệp với nhà Thanh, khi liệt kê danh sách các bồi thần, tên Ngô Thì Nhậm luôn luôn được nhắc đến sau cùng theo thứ tự (hàng võ) Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Danh, Ðặng Văn Chân, Nguyễn Văn Dụng, (hàng văn) Loan Hồi Ðại [có lẽ là thư ký tiếng Mãn] Lê Xuân Tài, Ngô Thời Nhiệm nên khó có thể tin rằng ông đóng một vai trò quan trọng trong triều đình Tây Sơn như HLNTC miêu tả. Nếu quả là một nhân vật cao cấp như thế, ông chắc bị những hình phạt nặng nề hơn khi vua Gia Long thống nhất đất nước. Xem Ðại Việt Quốc Thư (1973) các tr. 93, 97, 124, 127, 131, 134 … hay Lịch Triều Tạp Kỷ (1995) các tr. 629, 641, 644 …
[234] Theo nhận xét của họ Tôn khi đóng quân tại Thăng Long thì thành phần ủng hộ vua Lê rất yếu ớt không như lời thổi phồng của một số quan văn. Ngay khi Lê triều được tái lập, các dưđảng của chúa Trịnh lập tức nổi lên. Tài liệu sử nước ta cũng cho biết Trịnh Bồng lập tức quay lại và Lê Chiêu Thống phải phong cho ông ta làm Huệ Ðịch Công. Hoàng Xuân Hãn, “Phe ChốngÐảng Tây Sơn ở Bắc với tập Lữ Trung Ngâm”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II (1998) tr. 1252
[235] Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (1995) tr. 585. Chi tiết này thực ra không đúng. Chính Tôn Sĩ Nghị muốn tiến quân trong khi Thanh triều lại chủ trương rút lui, lấy cớ là bên trong làđất Quảng Nam, không phải đất nhà Lê, nhà Thanh không việc gì phải phí hao tiền bạc, binh lương để giúp An Nam nữa.
[236] Trong tấu thư ngày mồng 9 tháng Chạp năm Mậu Thân [4-1-1789], họ Tôn có kể lại việc quân Thanh cắt thủ cấp và tai những người bị chúng giết, còn ai bị bắt thì đem ra chém ngay, mỗi ngày lên đến vài chục người (…每日縳送數十人訊係賊匪。隨到隨即正法 … mỗi nhật phọc tống sổ thập nhân tấn hệ tặc phỉ. Tuỳ đáo tuỳ tức chính pháp) KDANKL, quyển IX, tr. 5
[237] Chi tiết này không chính xác, đúng là ngày 20 tháng Một năm Mậu Thân
[238] Trí quân an dân [置君安民]. Cứ bình thường, khi binh lính tới đâu thì dùng chữ quân [軍] là quân đội nghĩa là đóng binh các nơi để giữ yên cho dân chúng. Trong sách này, tác giả dùng chữ quân [君] là vua, không biết có phải là một lối chơi chữ trịch thượng [ý nói phong vương cho Lê Duy Kỳ] hay vì sao chép nhầm. Theo báo cáo của Tôn Sĩ Nghị thì ngày quân Thanh vào Thăng Long là ngày 20 tháng Một.
[239] đầu sỏ giặc gọi là nghịch, tay chân bộ hạ gọi là tặc. Do đó Trần Nguyên Nhiếp dùng chữ nghịch khi chép về Nguyễn Huệ.
[240] Cũng theo tài liệu của Hội Truyền Giáo ở Bắc Kỳ, chúng ta biết rằng Tôn Sĩ Nghị và các tướng nhà Thanh đã có những quan điểm rất “Tàu” khi họ chủ động gửi thư cho Nguyễn Huệ ấnđịnh sẽ giao tranh vào ngày mồng 6 AL – mà các giáo sĩ cho rằng đó là một ngày tốt [theo Trung Hoa] để xuất quân – nhưng Nguyễn Huệ đã tấn công ngay ngày Tết Nguyên Ðán khiến họ trở tay không kịp. Nhiều tài liệu cho thấy Tôn Sĩ Nghị đã nhận được một số thư “trần tình” của Nguyễn Huệ nên ra vẻ thiên triều khi y trả lời đối phương hãy “án binh bất động” để ra Tết y sẽ phân xử xem ai phải ai trái. Sử Trung Hoa thường nhấn mạnh đến yếu tố chủ quan khinh địch của họ Tôn như lý do chính khiến cho quân Thanh đại bại.
[241] Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (1995) tr. 586
[242] Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (1995) tr. 586
[243] Một chi tiết cũng khá quan trọng về trận đánh năm Kỷ Dậu là một câu văn viết bằng chữ Nôm – tương truyền là của Nguyễn Huệ khi ra Bắc – trích từ một tập hợp tài liệu nhan đề MinhÐô Sử do Lê Trọng Hàm và một số người trong Nam Việt Ðồng Thiên Hội sưu tầm trong khoảng từ 1922 đến 1930:
Ðánh cho để dài tóc,
Ðánh cho để đen răng.
Ðánh cho nó chích luân bất phản,
Ðánh cho nó phiến giáp bất hoàn.
Ðánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Tuy nhiên chính học giả Trần Văn Giáp cũng phải than rằng vì tính chất thiếu khoa học và xuất xứ mù mờ của nó “… nhiều người Quí công phu của các tác giả sách Minh đô sử, nhưng đến khi sử dụng một cách đúng đắn lại ngần ngại vô cùng”. Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm Tập 1 (in lần thứ hai). (1984) tr. 187.
[244] Lê Huy Dao, “Lữ Trung Ngâm” Nguyễn Cẩm Thuý, Nguyễn Phạm Hùng, Văn thơ Nôm thời Tây Sơn (1997) tr. 291-2
[245] một làng hoàn toàn theo đạo Thiên Chúa, được coi như thủ phủ của Xứ Nam (Vicariat du Tonkin occidental), một giáo khu quan trọng vào thế kỷ XVIII. Nơi đây có một trường dòngđào tạo nhiều nhà truyền giáo bản xứ (catechists) Xem thêm John R. Shortland, M.A. The Persecutions of Annam: A History of Christianity in Cochin China and Tonking (1875) tr. 85-9
[246] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu (1992) tr. 205-8
[247] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu (1992) tr. 205. Chi tiết này cho thấy đúng như báo cáo của quân Thanh, Tôn Sĩ Nghị hay biết việc tiến quân của Nguyễn Huệ nhưng đinh ninh rằng không dám đụng đến mình.
[248]KDANKL, quyển XII, tr. 24-25
[249]令其速行投至臣處軍營。當為奏請大皇帝施恩。寬其一綫生路。(Lệnh kỳ tốc hành đầu chí thần xứ quân doanh. Ðương vi tấu thỉnh đại hoàng đế thi ân. Khoan kỳ nhất tuyến sinh lộ]. KDANKL, quyển XII, tr. 25
[250] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 377
[251] Những báo cáo của Tôn Sĩ Nghị và các quan lại khác đều được soạn sau khi quân Thanh đại bại chạy về Trung Hoa nên chắc chắn không đúng sự thật và cố tình tìm những lý lẽ bào chữa cho sự bất tài của mình để chạy tội. Ngoài ra, chúng ta cũng không quên sau trận chiến Việt Thanh, các quan nhà Thanh cũng cảm nhận được chiều hướng mới của triều đình là giảng hoà với An Nam nên tìm cách vẽ nên một hình ảnh “Lê Duy Kỳ lười biếng, vô tài” để cho vua Cao Tông dễ chấp nhận. Hơn nữa, tất cả những báo cáo nội bộ của vua tôi Càn Long bên ta hoàn toàn không được biết nên họ muốn nói gì cũng được theo chiều hướng có lợi và chỉ có một phần sự thật mà thôi.
[252] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 378.
[253] Michael W. Charney trong Southeast Asian Warfare 1300-1900 (2004) tr. 96 viết khá kỹ về chiến thuật công thành (siege warfare) trong đó những hoả khí (pyrotechnic devices) được sử dụng tại Miến Ðiện. “ … During his siege of Chiengmai in 1557, Bayin-naung’s forces used incendiary devices to set fire to the upper works of the defenses. Rockets were also let off in great numbers to aid the siege. Rockets were an unreliable resource, however, and were easily rendered useless by rain while being transported to a siege. During the Burmese attack on Syriam in 1601, Ribeyro writes that the Burmese used “bomb of fire” in their assault …” [Trong lần vây hãm Chiengmai năm 1557, lực lượng của Bayin-naung dùng hoả khí để đốt các công sự thượng tầng của phe cố thủ. Hoả tiễn được bắn rất nhiều để phụ với quan quân. Tuy nhiên tên lửa không phải là một vũ khí đáng tin cậy vì thường mất hiệu dụng khi gặp mưa trong lúc vận chuyểnđến nơi công hãm. Trong lần người Miến đánh Syriam năm 1601, Ribeyro viết là phe Miến Ðiện dùng các “hoả cầu” để tấn công …]
[254] Không biết ở những đồn này súng ống được trang bị như thế nào nhưng sau trận đánh năm Kỷ Dậu – theo các giáo sĩ thì vua Quang Trung đã lấy được của địch quân “…2, 3000 cỗ đại bác và súng thần công (chiến pháo), không biết bao nhiêu là súng dài và khí giới khác nhau cùng với vô số tiền bạc và (đại khái) tất cả những vật liệu quí giá bắt được của quân Tàu …” để đem về Phú Xuân. Tuy nhiên cũng có thể một phần khí giới là của ông đem ra Bắc. Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu (1992) tr. 209-10.
[255] Ðối chiếu với những tài liệu rải rác, chúng ta thấy đây là một thế trận khá quen thuộc của những quốc gia dùng voi như một cánh quân tiền phong để tấn công vào một vị trí đóng quân cố định của địch. Súng đại bác loại nhỏ được chở trên lưng voi tiến trước để uy hiếp, kế đó là bộ binh, sau cùng là bộ phận chỉ huy thường đi bằng ngựa hay xe. Tuỳ theo khả năng kỹ thuật, thếtrận có thể thay đổi phần nào nhưng rõ ràng sức mạnh của tượng binh, đại pháo và súng điểu thương là lực lượng chủ yếu để phá vỡ phòng tuyến của địch, thường là hàng rào đất hay tre, bên ngoài có cắm chông, hào nước và địa lôi. Trên thực tế, khi chủ tướng cưỡi voi xung trận, mặc dầu ngồi trên cao có thể tạo nên một vẻ uy nghi khác thường và cũng dễ dàng quan sát bốn bề để chỉ huy nhưng cũng lại là cái đích cho địch quân tập trung hoả lực hay cung nỏ bắn vào. Một mục tiêu to lớn với nhiều đối tượng, từ người chủ soái đến quản tượng, ngay cả bản thân con vật sẽ khó có thể chịu đựng được lâu.
Trong trường hợp đó, khi tới gần nằm trong tầm đạn của địch chủ tướng thường phải xuống khỏi lưng voi, cưỡi ngựa hoặc đi bộ. Tuy nhiên, một khi quân lính không còn thấy chủ tướng trên bành chỉ huy thường có khuynh hướng hốt hoảng, dễ bỏ chạy nên việc xông xáo của Nguyễn Huệ không phải để chiến đấu mà là để trấn an các thuộc hạ. … During the actual fighting, the elephant provided the commander with a lofty but quickly movable seat from which he could watch all parts of the field and issue suitable orders as the tide of battle changed from time to time … But the use of the elephant in battle had an insoluble disadvantage as well. The king or his general, seated on the tallest elephant, presented a conspicuous target to the enemy’s gunners or even the horsemen whirling round him on swift horses. If the king was hit or had, for some reason, to dismount from that elephant and take horse, his empty howda at once convinced his troops all over the plain that their master was dead and they fled in panic. Or, if the mahout was shot off his seat the elephant could become uncontrollable … E. Jaiwant Paul, ‘By My Sword and Shield’ – traditional weapons of the Indian warrior (1995) tr. 107-8
[256] Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (1995) tr. 587
[257] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu (1992) tr. 208. Tuy Nguyễn Huệ là một cấp chỉ huy can đảm thường đi đầu sống chết với thuộc hạ nhưng việc ông xông lên múa song đao chém quân Thanh không những điên cuồng mà còn dại dột và tắc trách nên chỉ là một điều tưởng tượng.
[258] Quân Cơ Xứ, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 378.
[259] Theo tài liệu của Việt Nam, Nguyễn Huệ ra lệnh cho quân lấy ván ghép lại bên ngoài bọc rơm ướt để làm mộc chống với tên lửa che cho đại quân theo sau. Theo dã sử, quân Thanh bắn ra khiến voi của ta không tiến lên được, Nam quân phải dựng những bức tường rơm tẩm nước để tiến lên. Theo tài liệu của Trung Hoa thì “Nguyễn Huệ ra lệnh cho quân lính dùng rơm rạ kết lại thành từng bó lớn, lăn xả vào rồi quân lính núp ở sau tiến lên” Nguyên văn: 阮文惠命兵丁以禾稈綑紮成束,亂滾而前,勁兵隨後推進 (Nguyễn Văn Huệ mệnh binh đinh dĩ hoà cán khỗn trát thành thúc, loạn cổn nhi tiền, kính binh tuỳ hậu thôi tiến)
[260] Vào thời kỳ đó, thuốc súng (black powder) bao gồm 75% là potassium nitrate (saltpeter), 15% than (carbon) và 10% lưu huỳnh (sulfur), khi cháy ra rất nhiều khói. Thuốc súng mạnh hơn và không khói như các loại nitrocellulose, nitroglycerin, ballistite … chỉ mới được chế tạo vào thế kỷ XIX. (Harold S. Sharp, The Invention of Gunpowder – Footnotes to World History – The Scarecrow Press, Inc. Metuchen, N.J. & London 1979) tr. 117-8. Ngoài ra cũng có thể quân Thanh và quân Tây Sơn đã đốt loại khói độc (toxic smoke-bombs) tức hoả cầu (火毬) trong có chứa các loại thạch tín (arsenic tức phê sương 砒霜) mà thuỷ khấu rất thường sử dụng trong các trận đánh trên biển cả.
[261] Một điểm tuy không ghi trong sử nhưng cũng đáng cho chúng ta chú ý. Ðó là trong quân của Nguyễn Huệ có một số đông dư đảng của Thiên Ðịa Hội mới thua trận ở Ðài Loan [1788] chạy ra biển làm hải khấu đã được ông thu nạp. Chắc chắn khi sử dụng thành phần này, Nguyễn Huệ không thể không tìm hiểu về ưu và khuyết điểm của quân Thanh và chuẩn bị những phương thức khắc chế sở trường của địch từ kinh nghiệm của họ. Với những thuộc hạ như thế, có thể nói Nguyễn Huệ biết rõ về địch hơn là địch biết về ông.
[262]More threatening to the besieged were the walking, or rolling, forts employed to move attackers closer to the walls and, if they amounted to towers, to aid them in scaling the walls or firing over them. Michael W. Charney, Southeast Asian Warfare 1300-1900 (2004) tr. 98
[263]… After the introduction of firearms, however, defenders, firing muskets from protected positions, could wreak terrible damage on an ememy in the open field outside fortress walls. The logical reaction was for besiegers to provide as much protection as possible for their foot soldiers. Some soldiers could find ready cover behind tree trunks or on the inner slopes of dykes, but this would obviously pin a soldier down and prevent a complete rush to the walls. Michael W. Charney, Southeast Asian Warfare 1300-1900 (2004) tr. 97
[264] Theo báo cáo của phía quân Thanh, trong lần tử thủ này, quân ta phải nhiều lần tiến lên đánh theo lối tràn ngập nên tổn thất cũng không nhỏ. Theo báo cáo của tù binh sau khi trở về thì “quân của Nguyễn Văn Huệ chết chất thành đốngđâu phải chỉ vài ngàn mà thôi”.Trang Cát Phát: TTVC (1982) tr. 379
[265] Theo Ngụy Nguyên thì những tướng lãnh này bị chết khi tranh nhau quan cầu phao vượt sông Nhị Hà nên bị chết đuối. Ngụy Nguyên cũng viết là quân Nam đánh vào Thăng Long ngày mồng một Tết khi quân Thanh đang ăn cỗ. Thực ra mãi đến mồng 5 quân Tây Sơn mới đụng độ với quân Sầm Nghi Ðống tại Ðống Ða (sau này giỗ trận Ðống Ða vào ngày mồng 5). Việc miêu tả Tôn Sĩ Nghị còn đang yến ẩm thì quân ta kéo đến cũng là hư cấu vì trong mấy ngày liền các trận đánh càng lúc càng ác liệt, càng tới gần, quân Thanh lo chống trả còn chưa xong, không thể nào vui chơi ca hát được. Cũng không có việc quân ta kéo đến nhanh quá nên địch không biết gì cả.
[266] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu (1992) tr. 208.
[267] Khi tướng lãnh thấy tình hình quá bi đát, phải liều chết để bảo toàn danh tiết thì sai người mang ấn tín vượt vòng vây đem về như một dấu hiệu tận trung báo quốc.
[268] Vào thời kỳ đó, những dân tộc thiểu số dọc theo biên giới Hoa – Việt được tổ chức thành những đơn vị dân quân, trang bị súng điểu thương. Sở dĩ họ được trang bị súng vì nhà Thanh cho là dùng súng không linh hoạt và uy nghi như cung nỏ họ vẫn dùng nên đem các loại súng này (lấy được khi giao tranh với người Hồi) trang bị cho các dân tộc vùng núi. Cho đến nay, nhiều sắc dân tại vùng tây nam nước Tàu vẫn còn sử dụng những loại súng cổ điển này để tự vệ và săn bắn.
[269] Theo tài liệu nhà Thanh, số quân Ðiền Châu theo Sầm Nghi Ðống sang nước ta là hơn 2000 người nhưng một số chia ra đi theo các cánh quân thiểu số [mà họ gọi là di binh] ở Cao Bằng, Thái Nguyên để hỗ trợ cho Lê Duy Chỉ nên tại Ðống Ða chỉ khoảng 1000 người.
[270] Khi sứ thần nhà Thanh là Thành Lâm sang phong vương cũng có đến tế ở ngôi đền này.
[271] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu (1992) tr. 209. Trong các văn bản nôm còn giữ được có một bản văn tế “cúng dàng” quân Thanh chết trận thời Tây Sơn còn lưu lại đến ngày nay có viết: “… Ðiền châu thái thú đảm đương, Liều mình tử trận chiến trường nên công” xác nhận Sầm Nghi Ðống chết trận, đúng như lời khai của quân Thanh khi được trả về. [Xem Nguyễn Thị Lâm “Một Bài Văn Tế Tướng Sĩ nhà Thanh Tử Trận” (Thông báo Hán Nôm Học 2005, tr. 373-378) và “Văn cúng quân Thanh chết trận Ðống Ða: Tài liệu Nôm thời Tây Sơn” (Nghiên Cứu Lịch Sử 1997 – Số 2, 185, tháng 3-4)]
[272] Tài liệu của triều Nguyễn nói là cầu đứt nhưng theo chính lời tâu của Tôn Sĩ Nghị [văn thư đề ngày 15 tháng Hai năm Càn Long 54, Cung Trung Ðáng, hòm 2727, bao 226, số hiệu 56526] thì chính ông ta ra lệnh chặt cầu phao. Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược đã cố tình không đề cập đến chi tiết này mặc dù cũng dùng bản tấu thư nêu trên.
[273] Ngoại trừ Hứa Thế Hanh tử trận, các tướng lãnh khác chết ra sao không có tài liệu nào ghi chép rõ rệt. Theo Thánh Vũ Ký (聖武記) trang 188 thì “Tôn Sĩ Nghị sau khi qua được sông Phú Lương rồi, lập tức chặt đứt cầu phao đoạn hậu, những người còn ở bờ sông phía nam như đề đốc Hứa Thế Hanh, tổng binh Trương Triều Long trở xuống và phu dịch hơn một vạn người (?) rơi xuống sông chết đuối”. Theo cuốn Trường Phát Di Nhân (長髮夷人) của Trung Hoa thì lại viết rằng “cầu phao bị giặc chặt gãy nên một số quan binh không còn đường chạy đành lộn trở lại phía Lê thành tử chiến nên bị giặc sát hại”. Chú thích 88 của Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 412.
[274] Quân Cơ Xứ, CCBVB. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 379.
[275]Minh Thanh sử liệu, thiên Canh, bản thứ 2, tr. 108 (bản sao tấu chương Tổng đốc Lưỡng Quảng của bộ Lễ). Dẫn theo Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 379.
[276]KDANKL, quyển XIII, trang 3 (bản dịch Nguyễn Duy Chính)
[277] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 379-80
[278] Quân Cơ Xứ, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 380.
[279] Những tài liệu mới đây cho thấy Ngụy Nguyên (Thánh Vũ Ký – Càn Long Chinh Vũ An Nam Ký) viết nhiều chỗ hoàn toàn sai sự thực. Các tướng Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long… theo Ngụy Nguyên thì chết đuối nhưng thực ra đều chết trận vì bị bỏ lại phía nam sông Nhĩ Hà không qua được sông (hoặc có thể đã chết từ trước).
[280]CM II, XLVII (1998) tr. 847-8
[281] Cung Trung Ðáng, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 380
[282] Chúng ta cũng không thể không dè dặt khi sách vở nước ta có khuynh hướng thổi phồng những gì không nắm vững, nghĩ rằng địch càng nhiều thì chiến thắng càng vinh quang mà quênđi những yếu tố thực tế như tổ chức quân sự của nhà Thanh, phương pháp điều động, tiếp liệu, trang bị của một đoàn quân chính qui.
[283] nguyên văn 應由其一人賠補 – ứng do kỳ nhất nhân bồi bổ. Thực ra đến 1,346,508 lượng như đã viết ở trên nhưng chắc khi đó Tôn Sĩ Nghị chưa có những con số chính thức, tưởng chỉ tốn vài chục vạn lượng.
[284] Tôn Sĩ Nghị vẫn được liệt vào hàng “thanh liêm” trong đám vây cánh của Hoà Khôn nhưng xem ra ông ta cũng không phải là “nghèo” như chúng ta tưởng.
[285] Cung Trung Ðáng, CCBVV. Tấu thư của Tôn Sĩ Nghị đề ngày 23 tháng Giêng năm Càn Long 54 [17-2-1789]. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 381
[286] Lai Phúc Thuận, QNNC (1984) tr. 430
[287] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 380
[288] Về số đài trạm mà quân Thanh thiết lập từ Vân Nam theo tấu thư của Phú Cương thì từ Mã Bạch đến An Biên là 11 trạm, từ An Biên đến Tuyên Quang là 14 trạm, từ Tuyên Quang đến Thăng Long hơn 10 trạm. KDANKL, quyển XI, tr. 26
[289] Tôn Sĩ Nghị vốn dĩ định sau khi chiếm được Thăng Long rồi sẽ đem quân đánh vào Quảng Nam nên đã dự bị thủy lục hai mặt, quân thủy nửa tháng sau sẽ qua nhưng vì thuyền lớn qua không được mà cửa sông Nhĩ Hà thì quân ta đã chặn rồi nên ra lệnh cho đóng 40 chiến thuyền, đủ sức chở 2,000 quân, lập thêm 25, 26 trạm trên bộ cách nhau chừng 8, 90 dặm, ngoài ra còn xây thêm 53 trạm lương thực từ Thăng Long vào Phú Xuân. Tuy nhiên khi Tôn Sĩ Nghị bị thua ở Thăng Long thì những công tác này không thực hiện được.
[290] Cung Trung Ðáng, CCBVV, tấu triệp của Tôn Vĩnh Thanh đề ngày 14 tháng Giêng năm Càn Long 54. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 380-1
[291] Lai Phúc Thuận, QNNC (1984) tr. 145
[292] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu (1992) tr.208
[293] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu (1992) tr.209
[294] Thượng dụ gửi Phúc Khang An. KDANKL, quyển XIII, tr. 29a
[295]Cao Tông thực lục, quyển 1369 (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1986) tr. 374 (trong sách đánh số nhầm là quyển 1370). Quách Chấn Phong, Trương Tiếu Mai, Việt Nam Thông Sử (2001) tr. 526
[296] Lai Phúc Thuận, QNNC (1984) tr. 409-10. Theo qui chế nhà Thanh dân phu bị chết trong chiến dịch này không được hưởng trợ cấp tử tuất, vừa để giảm thiểu chi phí cho triều đình, vừađể thu hẹp tổn thất. Ðó chính là chênh lệch trong hai cách tính của Việt và Thanh. Ðối với chúng ta, bất cứ người nào đi theo đoàn quân Tôn Sĩ Nghị thì đều là “quân Tàu”, không phân biệt. Ðây là điểm quan trọng cần lưu ý khi nói đến số quân Thanh sang đánh nước ta cũng như thiệt hại của họ.
[297] Theo một số tài liệu, xác người Thanh được gom lại chôn tập thể thành 12 gò ở ngoại ô Thăng Long. Tuy nhiên có lẽ đây chỉ là một phần nhỏ vì dù cho mỗi gò có khoảng 200 xác thì cũng chỉ độ hơn 2000 người.
[298] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 375
[299] “All war require movement, but for settled peoples even short-range moves impose difficulties” John Keegan, A History Of Warfare (1994) tr. 164
[1] Ðặng Phương Nghi, “Triều đại vua Quang Trung dưới mắt các nhà truyền giáo Tây phương”. Một Nhóm Học Giả, Một Vài Sử Liệu về Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ (1992) tr. 234
[2] Li Tana, Nguyễn Cochinchina: Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries (1998) tr. 171
[3] Cristophoro Borri, Tường Trình Về Khu Truyền Giáo Ðàng Trong 1631 Hồng Nhuệ (dịch), tr. 50
[4] John Crawfurd, một nhà quí tộc Anh trong chuyến du hành tới Việt Nam năm 1822 (thời Minh Mạng) đã nhận định rằng gần như toàn bộ những thành phố quan trọng của Việt Nam đều nằm dọc theo bờ biển ở Ðàng Trong trong đó gồm có Hà Tiên, Saigon, Nha Trang, Phú Yên, Qui Nhơn, Hội An (Faifo), Ðà Nẵng (Tourane), Huế. John Crawfurd, Journal of an Embassy to the Courts of Siam and Cochin China (1967) tr. 510.
[5] He was then pleased to disclose some of his future designs to me. They were no less than to subdue the Kingdom of Cambodia with the whole penisula as far as Siam, and the Provinces belonging to Cochin China to the north now in the hands of the Tonquinese. “Charles Chapman’s narrative of his mission to Vietnam”. Alastair Lamb, The Mandarin Road to Old Hue. (1970) tr. 100. Đây là trích nguyên văn từ lời tường thuật của Chapman, một thương gia người Anh trong kỳ gặp gỡ với vua Thái Đức [nguyên văn Ignaac tức ông Nhạc] ở Qui Nhơn năm 1778. Tài liệu này nguyên bản còn lưu trữ tại India Office Library, London trong China Factory Records series, vol. 18.
[6] Theo một bức vẽ của người Âu Châu thời đó, “vua xứ Ðàng Trong” cưỡi voi, cởi trần có lính theo hầu trông hoàn toàn là một tù trưởng thiểu số, không phải nghi vệ quốc vương nước Nam.
[7] Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Khâm định Việt sử thông giám cương mục II (bản dịch Viện Sử Học) (1998) [viết tắt là CM II] q. XLVI, tr. 793
[8] CM II,– XLVI, (1998) tr. 790 chép về việc Nguyễn Huệ ra Bắc vào yết kiến vua Lê Hiển Tông như sau:
Trước đây họ Trịnh chuyên giữ chính quyền trong nước, một người dân, một tấc đất đều không do quyền triều đình. Nay Văn Huệ vào triều yết, bèn xin ngày cử hành nghi lễ đại triều, dâng sổ sách binh và dân để tỏ rõ ý nghĩa nhà vua nhất thống và Nguyễn Huệ tôn phò. Ðến nay, nhà vua cố gượng dậy, ra ngự điện Kính Thiên nhận lễ, rồi ban hành chiếu thư về việc nhất thống để bá cáo cho trong kinh, ngoài trấn biết. Lại sách phong Văn Huệ làm Nguyên Soái Phù Chính Dực Vận Uy Quốc Công. Sau khi Văn Huệ nhận sách phong, bèn nói riêng với Hữu Chỉnh rằng: “Ta cầm vài vạn quân, đánh một trận mà bình được Bắc Hà, một tấc đất, một người dân, đều là của ta, nếu muốn xưng đế hay xưng vương việc gì mà ta không làm được? Còn như sắc mệnh nguyên soái quốc công đối với ta có hơn kém gì? Bầy tôi Bắc Hà lại muốn dùng danh vị hão để lung lạc ta hay sao? Ðừng tưởng ta là người mọi rợ được chức tước ấy bèn lấy làm vinh dự đâu!”. Hữu Chỉnh biết ý Văn Huệ không mãn nguyện, bèn bí mật khuyên nhà vua đem công chúa Ngọc Hân gả cho, Văn Huệ rất bằng lòng.
[9] Theo sử nhà Thanh thì việc anh em Nguyễn Nhạc rút về có thêm một số chi tiết:
…五十二年,維端卒,嗣孫維祁立,阮惠盡取象載珍寶歸廣南,使鄭氏之臣貢整留鎮都城。貢整思扶黎拒阮,乃以王命率兵奪回象五十 …
… ngũ thập nhị niên, Duy Ðoan tốt, tự tôn Duy Kỳ lập, Nguyễn Huệ tận thu tượng tải trân bảo quy Quảng Nam, sử Trịnh thị chi thần Cống Chỉnh lưu trấn đô thành. Cống Chỉnh tư phù Lê cự Nguyễn, nãi dĩ vương mệnh suất binh đoạt hồi tượng ngũ thập …
Năm (Càn Long) thứ 52, Duy Ðoan (tức vua Lê Hiển Tông) chết, tự tôn là Duy Kỳ lên thay, Nguyễn Huệ thu hết châu báu dùng voi chở về Quảng Nam, để bầy tôi họ Trịnh là Cống Chỉnh trấn giữ đô thành. Cống Chỉnh tính chuyện phù Lê chống lại họ Nguyễn nên dùng vương mệnh đem binh đoạt lại năm chục con voi … Thanh Sử Cảo, tập 48 (1996) tr. 14634-5
[10] Xem Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu Tử (1952)
[11] Xem thêm bẩm văn của bọn Tạ Ðình Thực đề ngày 22 tháng Mười, Càn Long 53 [19-11-1788]. Trang Cát Phát (莊吉發), Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu (清高宗十全武 功研究), (1982) tr. 366-7 và bẩm văn của Lê Duy Cẩn ngày 22 tháng Mười, Càn Long 53 [19-11-1788], Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 365-6.
[12] Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Ðại Nam Liệt Truyện (DNLT) tập II (Ngô Hữu Tạo, Ðỗ Mộng Khương dịch) (1997) tr. 531-2
[13] DNLT, tập II, (1997) tr. 532
[14] Hoàng Xuân Hãn, “Thống Nhất Thời Xưa”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn tập II (1998) tr. 1375
[15] Theo lá thư của ông Sérard gửi ông Letondal đề ngày 17 – 7 – 1791 thì vào khoảng tháng 3 năm 1791, khi vợ vua Quang Trung mất, Nguyễn Nhạc đã tưởng lầm là Nguyễn Huệ từ trần nên đem quân ra toan lấy Phú Xuân và phải quay về khi biết em ông còn sống. Ðặng Phương Nghi, “Triều Ðại Quang Trung …”, Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 264
[16] Lê Quí Dật Sử (Phạm Văn Thắm dịch) (1987) tr. 80-2
[17] Hoàng Xuân Hãn, “Phe Chống Ðảng Tây Sơn ở Bắc với tập Lữ Trung Ngâm”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn tập II (1998), tr. 1245-1332
[18] Ðại đa số các địa phương miền Bắc lúc đó đều đã qui thuộc nhà Tây Sơn, chỉ riêng một số vùng như châu Hoan, châu Diễn (tức vùng Thanh Hoá, Nghệ An) và một số trấn Sơn Nam, Sơn Tây, Hải Dương, Kinh Nam, Kinh Bắc, Tuyên Quang, Hưng Hoá … vẫn còn một số thổ hào, hưởng ứng cần vương nổi lên chống lại nhưng lực lượng yếu ớt, không có gì đáng kể. Những tòng vong nhà Lê khai với quan nhà Thanh như sau:
… đất An Nam trước nay có 52 phủ, trong đó 12 phủ là do thổ mục, man tù sinh sống (tức người vùng núi), còn thực quyền là 40 phủ, trong đó đạo Thanh Hoa gồm 4 phủ 15 huyện,đạo Tuyên Quang 3 châu 1 huyện, đạo Hưng Hóa 10 châu 2 huyện là chưa đầu hàng Nguyễn Văn Huệ, ngoài ra An đạo 4 phủ 12 huyện của miền trên cũng chưa hàng, còn miền dưới thì hàng cả rồi. Ðạo Sơn Nam 9 phủ 36 huyện, miền trên cũng đã hàng, miền dưới chưa hàng (?). Ðạo Sơn Tây gồm 5 phủ 24 huyện, miền trên chưa hàng, miền dưới cũng đãhàng. Ðạo Kinh Bắc gồm 4 phủ 20 huyện, miền trên chưa hàng, miền dưới hàng rồi. Ðạo Hải Dương 4 phủ 19 huyện, miền trên đã hàng, miền dưới chưa hàng (?). Ðạo Thái Nguyên 8 huyện, 3 châu, miền trên chưa hàng, miền dưới đã hàng. Ðạo Cao Bằng 1 phủ, 4 châu và Lạng Sơn 1 phủ, 7 châu cũng đã đầu hàng. Nguyễn Văn Huệ muốn xúi bẩy dân chúng bắt giao Lê Duy Kỳ nên đã hứa miễn giảm sưu thuế cho dân trong mười năm. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 346 và tr. 353
[19] lúc này chưa đổi thành Thanh Hoá vì chưa kiêng tên bà Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng.
[20] Nguyễn Huệ cũng không trải quân lẫn vào các thôn xóm, phần sợ bị tiêu diệt, phần khác vì phương pháp điều binh nếu cần có thể di chuyển thật nhanh. Thành thử quân của ông chỉ đóng ở các đình chùa, miếu mạo … luôn luôn sẵn sàng nhổ trại không xây dựng hệ thống phòng ngự kiên cố.
[21] Chữ Quýnh nguyên có bộ Nhân đứng ở bên trái.
[22] Nguyên văn trong tài liệu của nhà Thanh là thê cữu (妻舅).
[23] Về độ dài đời Thanh cho đến nay những số liệu chính thức tìm được không thống nhất (căn cứ vào những thước mẫu tàng trữ trong Viện Bảo Tàng), 1 thước (xích) thay đổi từ 32 đến 36.7 cm. Theo cách tính của Trung Hoa, 1 lý [里] là 18 dẫn [引], 1 dẫn là 10 xích [尺], tính ra một lý (dặm) ngắn nhất là 576 mét, dài nhất là 660 mét. Như vậy khoảng cách giữa hai địa điểm theo sách vở ghi lại chỉ là ước tính không hoàn toàn chính xác như chúng ta ngày nay.
[24] Theo Lê Quýnh trong Bắc Hành Tùng Ký thì chỗ này có tên là bến Phất Mê. La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II. (1998) tr. 876
[25] Lê Quýnh, “Bắc Hành Tùng Ký”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II (1998) tr. 876-7
[26] Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê Nhất Thống Chí (HLNTC), (2002) tr. 425-26
[27] Tên thực là Nguyễn thị Kim. GS Hoàng Xuân Hãn viết là Nguyễn thị Ngọc Thuỵ, theo tờ trình của Nguyễn Huy Túc thì là Ngọc Ðoan. Hai chữ Thuỵ (瑞) và Ðoan (端) rất giống nhau. Tờ trình nay còn nguyên bản chắc phải đúng hơn.
[28] Cung Trung Ðáng (The Palace Records) Cố Cung Bác Vật Viện (National Palace Museum) Ðài Bắc: Tờ trình của Tôn Vĩnh Thanh đề ngày 1 tháng Sáu năm Càn Long 53 [4-7-1788], tờ trình của Tôn Sĩ Nghị ngày mồng 4 tháng Sáu năm Càn Long 53 [7-7-1788], tờ trình của Tôn Vĩnh Thanh ngày 13 tháng Sáu [16-7-1788]. Trang Cát Phát, TTVC (1982). tr. 359.
[29] Con số có thể lớn hơn nữa vì hơn 200 là tông thất nhà Lê lúc ban đầu, về sau có thêm bọn Nguyễn Huy Túc, Lê Quýnh … không biết bao nhiêu. Tính theo tỉ lệ số người bị Tây Sơn bắt giết là đa số, những người còn sống sót chỉ là thành phần quan trọng nhất được bảo vệ mà thôi.
[30] Quân Cơ Xứ, CCBVV, bản sao tờ trình của di mục nước An Nam đề ngày 12 tháng Năm năm Càn Long 53 [15-6-1788]. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 345-6.
[31] người Vô Tích, tự Hoành Ðộ (宏度), hiệu Xuân Ðài (春臺), đỗ cử nhân đời Càn Long giữ chức tuần phủ Quảng Tây.
[32] Thuộc Nhương Hồng Kỳ, từng đánh Miến Ðiện, Kim Xuyên, lập nhiều công lao được giữ chức tổng binh Hưng Hán, Thiểm Tây. Sau làm đề đốc tỉnh Quảng Tây, bệnh chết trước khiđem quân đánh Ðại Việt.
[33] Chakri nguyên nghĩa là nguyên soái hay tướng quân vì trước đây ông ta chỉ huy quân đội của Phraya Taksin và dùng tên này làm tên triều đại.
[34] Ðông Nam Á người Trung Hoa gọi là Nam Dương (biển phía nam) bao gồm khu vực mà ngày nay chúng ta đặt tên là Southeast Asia, Mã Lai Á, Indonésia, Philippines.
[35] Năm 1273, khi Nguyên Thế Tổ (Kubilai) nhà Nguyên đòi vua Miến triều cống và thân hành sang chầu, vua Miến Ðiện đã xử tử sứ giả. Năm 1277, nhà Nguyên đem quân từ Vân Nam xuống đánh, thắng được tại vùng lòng chảo Nam Ti nhưng người Miến vẫn không chịu khuất phục. Năm sau, 1278, nhà Nguyên lại đem quân sang đánh lần nữa, nhưng vẫn không tiến được đến kinh đô Bhamo. Khí hậu viêm nhiệt nhất là bệnh dịch đã khiến cho quân Mông Cổ tổn thất nặng nề.
Năm năm sau, 1283, một đạo quân do tướng Mông Cổ Singtur (thay vì do người Hồi chỉ huy như trước đây) tiến đánh thung lũng Irrawaddy và ép vào kinh thành khiến vua Miến phải lui vềvùng đầm lầy để chống trả. Ðến năm 1287, quân Nguyên chiếm được Miến Ðiện (khi đó có tên là Pagan) và sáp nhập vào đế quốc Mông Cổ. Miến Ðiện chỉ thu hồi được lãnh thổ khi nhà Nguyên bị diệt vong. C.P. Fitzgerald, The Southern Expansion of the Chinese People. (1972) tr. 81
[36] Alexander Woodside, “The Ch’ien-Lung Reign” trong Willard J. Peterson (ed.), The Cambridge History of China, Vol 9, phần 1: The Ch’ing Dynasty to 1800 (2002) tr. 264-68.
[37] To break the power of Nguyễn Huệ, Sun (Sun Shih-I tức Tôn Sĩ Nghị) proposed to Ch’ien-lung that Vietnam be dismembered. Central Vietnam would be awared to Siam, in return for Thai aid against the Tay-son brothers. It was clear to Sun and his master that the Le prince whom they were supporting was incompetent, even as a figurehead. At first Ch’ien-lung thought a military alliance with the Thai regime “seemed like something that could be done”. He subsequently rejected the idea, not because it was politically immoral, but because it would shower disproportionate favor upon the Thai king and, even worse, damage the reputation he had earned in his Sinkiang triumphs of using only his own armies and not accepting the assistance of an “outer region military power”. Alexander Woodside: “The Ch’ien-Lung Reign” trong Willard J. Peterson (ed.). The Cambridge History of China, Vol. 9 Part 1 – The Ch’ing Dynasty to 1800 (2002) tr. 277
[38] Tuy nhiên theo một lá thư của giáo sĩ Le Labousse gửi từ Sài Gòn ngày 15 tháng 6 năm 1789 thì Nguyễn Ánh đã bắt được một bức thư của vua Càn Long gửi vua Xiêm yêu cầu đánh vào mặt nam Ðại Việt (Le Roy d’ici (tức Nguyễn Ánh) a intercepté une lettre écrire au nom de L’empereur de Chinois au Roy de Siam pour lui dire de venir attaquer les T.S. de coté-ci par la Cochinchine) Nguyễn Nhã, “Một Thiên Tài Quân Sự”, Một Vài Sử Liệu …(1992) tr.107-8, cước chú 38
[39] Alexander Woodside, “The Ch’ien-Lung Reign” (2002) tr. 277
[40] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 362
[41] Ðời Thuận Trị, nhà Thanh phong cho Ngô Tam Quế (吳三桂) làm Bình Tây Vương trấn đóng ở Vân Nam, Cảnh Trọng Minh (耿仲明) làm Tĩnh Nam Vương, trấn đóng Phúc Kiến, Thượng Khả Hỉ (尚可喜) làm Bình Nam Vương, trấn đóng Quảng Ðông. Tam Phiên khi đó được giữ trọng binh, thế lực càng lúc càng lớn. Tháng Ba năm Khang Hy thứ 12 (1673), Thượng Khả Hỉ dâng sớ xin cáo lão về Liêu Ðông để cho con là Thượng Chi Tín kế vị, nhân cơ hội đó triều đình xuống chiếu triệt phiên. Tới tháng Bảy, Ngô Tam Quế và Cảnh Tinh Trung (con của Cảnh Trọng Minh) cũng dâng sớ xin triệt binh, vua Khang Hy liền ra lệnh cho cả 3 phiên di chuyển ra ngoài Sơn Hải Quan. Ngày 21 tháng Một, Ngô Tam Quế khởi binh chống lại nhà Thanh, tuyên bố ủng lập Chu Tam Thái Tử (tức Chu Từ Quýnh 朱慈炯, con của Sùng Trinh hoàng đế, khi đó thất tung nhưng người Hán dùng danh vị để phát động phong trào phản Thanh phục Minh), viết thư cho Cảnh Tinh Trung, Thượng Khả Hỉ cùng khởi sự, gây ra cái loạn Tam Phiên. Năm Khang Hy thứ 17, Ngô Tam Quế xưng đế ở Hành Châu 衡州, quốc hiệu Ðại Chu nhưng chẳng bao lâu thì từ trần, cháu là Ngô Thế Phan 吳世璠 kế vị. Ngày 19 tháng Mười năm Khang Hy thứ 20, quân Thanh đánh tới Côn Minh, Ngô Thế Phan tự tử, loạn Tam Phiên chấm dứt, tổng cộng 8 năm.
[42] Mỗi lần nhà Thanh động binh đều phải tìm một cớ “chính đáng”, không bình định nội loạn thì cũng chinh phạt ngoại hoạn … Tuỳ trường hợp mà họ dùng một động từ thật kêu chẳng hạn như bình định (平定) Kim Xuyên, đãng bình (蕩平) Chuẩn Cát Nhĩ, chinh phục (征服) Hồi bộ, thảo phạt (討伐) Miến Ðiện, tĩnh tuy (靖綏) Ðài Loan, thảo hàng (討降) An Nam …
[43] Lai Phúc Thuận, Càn Long Trọng Yếu Chiến Tranh chi Quân Nhu Nghiên Cứu, (1984) tr. 30, trích từ Cung Trung Ðáng, CCBVV, tấu chương của hai họ Tôn ngày mồng 8 tháng Năm năm Càn Long thứ 52 [22-6-1787]
Nguyên văn:
然已亡失國之印信,因鄭氏擅權時,曾竊奪國印,謀取簒位。黎維祁乃咨請憑信,兩廣總督孫士毅以其未經具本告哀,尚未奉旨承襲,不便先給印信,拒之。
(Nhiên dĩ vong thất quốc chi ấn tín, nhân Trịnh thị thiện quyền thời, tằng thiết đoạt quốc ấn, mưu thủ soán vị. Lê Duy Kỳ nãi tư thỉnh bằng tín, Lưỡng Quảng tổng đốc Tôn Sĩ Nghị dĩ kỳ vị kinh cụ bản cáo ai, thượng vị phụng chỉ thừa tập, bất tiện tiên cấp ấn tín, cự chi.)
[44] Thanh Cao Tông thuần hoàng đế thực lục [Thanh Thực Lục], q 1307, tr 9, ỷ tín thượng dụ ngày Canh Tuất, tháng Sáu, Càn Long năm thứ 53. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 348-9.
[45] nguyên văn theo tấu thư là “điếu phạt chi sư vị động, hưng kế chi nghiệp khả thành” (弔伐之師未 動,興繼之業可成) quân điếu phạt chưa cần ra tay thì công việc làm cho kẻ mất nghiệp kia được trở lại đã thành rồi.
[46] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 349. Cung Trung Ðáng, CCBVV, tấu triệp của Tôn Sĩ Nghị đề ngày mồng 8 tháng Bảy, Càn Long thứ 53 (1788); Quân Cơ Xứ, CCBVV, bản sao tấu triệp của Tôn Sĩ Nghị ngày mồng 8 tháng Bảy năm Càn Long 53.
[47] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 353
[48] Ngươi Nguyễn Nhạc đuổi chủ làm loạn cương thường, vọng tưởng việc soán nghịch. Tổng đốc nghe tin đích thân đến đây, đã tâu lên đại hoàng đế điều động quan binh các tỉnh Vân Quí, Xuyên Quảng, Phúc Kiến vài mươi vạn, chia đường ra tiến đánh. Nguyễn Nhạc ngươi nếu không hối tội tự mình đổi mới, nghinh đón chủ cũ trở về, bảo toàn gia quyến, lại dám quấy nhiễu thiên triều, đem nạp cống vật.
Di mục các ngươi đã từng nhận quan chức của họ Lê, bỗng dưng trở mặt thờ kẻ thù, thay chúng gõ cửa quan cầu xin, thực đúng là kẻ vô liêm sỉ. Ðúng ra ta phải bắt các ngươi ngayđể xin hoàng thượng hạ chỉ đem ra chính pháp. Nhưng nghĩ rằng các ngươi chỉ là những di quan thấp kém, không đáng để trừng trị, vậy hãy mau mau trở về nói cho Nguyễn Nhạc biết rằng, hoạ phúc chỉ trong nháy mắt, các ngươi tự thu lấy.
Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 353-4. Cung Trung Ðáng, CCBVV, bản sao tấu thư của Tôn Sĩ Nghị đề ngày mồng 8 tháng Bảy năm Càn Long 53 [9-8-1788]. Bản văn này cũng xuất hiện trong Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược [quyển II] (bản dịch Nguyễn Duy Chính, chưa xuất bản).
[49] Quân Cơ Xứ, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 350.
[50] Chen-Ya Tien, Chinese Military Theory, Ancient and Modern (1992) tr. 70-1 (bản dịch Nguyễn Duy Chính)
[51] Chen-Ya Tien, Chinese Military Theory … (1992) tr. 70-1
[52] Cố Cung Bác Vật Viện (故宮博物院). Thanh Cung Yến Lạc Tàng Trân (清宮宴樂藏珍) (Qinggong Yanyue Cangzhen). (2002) tr. 29
[53] Frederic Wakeman, Jr., The Fall of Imperial China (1975) tr. 102
[54] Alexander Woodside, “The Ch’ien-Lung Reign” (2002) tr. 270
[55] Có chỗ dịch là Hòa Thân
[56] Ngoại sử bảo là vì tướng mạo gã giống một người thiếp của vua cha Ung Chính mà vua Càn Long từng tư thông trước đây, bị hoàng hậu phát giác nên bức tử người quí phi đó. Cũng có nhiều lời đồn đãi là vua Càn Long có quan hệ đồng tính luyến ái với gã này vì vua Càn Long cho rằng y là người phi tần cũ đã đầu thai (A homosexual liason was implied in popular stories, such as one suggesting Heshen was the reincarnation of one of Emperor Yong-zheng’s concubines, with whom Qianlong had been infatuated as a youth). Theo những miêu tả của nhiều người ngoại quốc được gặp Hòa Khôn thì y là người “thanh tú, đẹp trai, ăn mặc ra chiều thiếu đạo đức” (elegant in looks, sprucely handsome in a dandified way that suggested a lack of virtue). Ðó là lý do tại sao vua Càn Long lại sủng hạnh một gã bất học vô thuật đến 20 năm. Jonathan D. Spencer, In Search for Modern China (1990) tr. 115.
[57] Lê Kiệt, Thanh Sử (quyển thượng) (1964) tr. 339-340
[58] Chen-Ya Tien, Chinese Military Theory … (1992) tr. 70
[59] Ann Paludan, Chronicle of the Chinese Emperors (1998) tr. 202
[60] Bạch Thọ Di, (Bai Shouyi – 白壽彝) Trung Quốc Thông Sử Cương Yếu (An Outline History of China) (1982) tr. 402
[61] Macartney chỉ bằng lòng khấu đầu (kowtow) nếu các quan nhà Thanh cũng phải trả lễ khấu đầu trước Anh Hoàng George III (đại diện bằng một bức tranh sơn dầu lớn bằng người thật) W. Travis Hanes III and Frank Sanello, The Opium Wars (2002) tr. 18
[62] Thực ra mọi thủ tục ngoại giao chỉ là nghi lễ vì Thanh triều luôn luôn có những bàn thảo và quyết định trước khi cho phép sứ bộ ngoại quốc lên kinh đô. Việc cho rằng bất đồng trong việc ứng xử chỉ là những suy đoán không đúng với cách thức làm việc của triều đình Trung Hoa. Theo tài liệu của nhà Thanh, lá thư trả lời đã được soạn từ trước khi phái đoàn Anh tới Bắc Kinh nên những nỗ lực của Macartney hầu như không có tác dụng gì.
[63] Ann Paludan, Chronicle … (1998) tr. 203.
[64] Truong Buu Lam:, “Intervention versus tribute in Sino-Vietnamese Relations, 1788-1790”, John K. Fairbank (ed.), The Chinese World Order 2nd ed. (1970) tr. 168
[65] Tài liệu về Tôn Sĩ Nghị trích từ các nguồn: Cao Dương. Thanh Triều Ðích Hoàng Ðế, Q. II, (1989) tr. 639-40. Trung Quốc Danh Nhân Tự Ðiển (Tang Lệ Hòa chủ biên), (1979) tr. 750, Arthur W. Hummel. Eminent Chinese of the Ch’ing Period 1644-1912 (1970) tr. 680-2
[66] Thượng Dụ Ðáng, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 359-60.
[67] Quân Cơ Xứ, CCBVV. Tờ bẩm của Lê Duy Chỉ đề ngày 20 tháng Chín năm Càn Long 53 [18-10-1788]. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 361.
[68] Trịnh Vương nguyên là tên gọi Trịnh Quốc Anh (Taksin), một người Tàu lai làm vua Xiêm La từ 1767 nhưng đến năm 1782 đã bị Chaopraya Chakri lật đổ lên ngôi tức vua Rama I (1782-1809). Theo sử Trung Hoa, khi vua Rama I lên ngôi sai sứ sang Bắc Kinh nói thác là con của Taksin tên là Trịnh Hoa nối ngôi.
[69] Cung Trung Ðáng, CCBVV. Tấu triệp của Tôn Sĩ Nghị, Càn Long năm thứ 53, ngày 26 tháng Chín (1788). Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 362.
[70]… Kế đó là hạ sách, xưa nay cái đạo vỗ về ngoại vực, bao giờ cũng lấy uy của thiên triều làm trọng, đâu có phải nhờ ngoại vực đem sức hỗ trợ đâu? Vả lại Xiêm La vốn cùng Nguyễn Văn Huệ đánh phá lẫn nhau, nếu như bây giờ bảo họ chiếm lấy Quảng Nam, một mai việc bình định xong xuôi rồi, ắt phải đem Quảng Nam cho không Xiêm La. Cung Trung Ðáng, CCBVV. Tấu triệp của Tôn Sĩ Nghị, Càn Long 53, ngày 1 tháng Một [28-11-1788]. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 362.
[71] Thượng Dụ Ðáng, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 362-3.
[72] Thanh Cao Tông Thuần Hoàng Ðế Thực Lục, quyển 1308, trang 25, dụ của vua Càn Long đề ngày Canh Ngọ, tháng Bảy, năm thứ 53 [11-8-1788].
[73] đời Thanh, Quảng Ðông còn một phần tiếp giáp với nước ta (xem bản đồ). Hiện nay chỉ còn hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây mà thôi.
[74] Bọn Nguyễn Quốc Ðống lên đường ngày mồng 10 tháng Tám năm Càn Long 53 [9-9-1788], đem theo vài bảng hịch văn của nhà Thanh. Lương thực, ngựa phu và vật dụng đều được quan nhà Thanh chu cấp. Tôn Vĩnh Thanh lại trích công khố phủ Nam Ninh 300 lượng bạc, chia cho mỗi người 100 lượng làm lộ phí nhưng không tìm được vua Lê.
[75] Cung Trung Ðáng, CCBVV. Giản văn Lê Duy Kỳ ngày 24 tháng Tám năm Càn Long 53 [23-9-1788]. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 356-7
[76] Sinh năm 1743, người làng Hương La, huyện An Phong, tỉnh Bắc Ninh, đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi (Cảnh Hưng 36, 1775).
[77] Người xã Bảo Triện, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, đỗ nhị giáp tiến sĩ khoa Ðinh Mùi (Chiêu Thống thứ 2, 1787).
[78] Quân Cơ Xứ, CCBVV. Tờ trình của Lê Duy Kỳ đề ngày 15 tháng Chín năm Càn Long 53 [13-10-1788] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 352.
[79] Quân Cơ Xứ, CCBVB. Tờ trình của Lê Quýnh ngày 15 tháng Chín năm Càn Long 53 [13-10-1788]. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 353
[80] Ðối chiếu những bài thơ xướng họa của vua Chiêu Thống và nhóm tòng vong ở Yên Kinh thì giọng văn của ông luôn luôn bùi ngùi cảm thán, trái với nhóm bầy tôi thường nhiều hào khí khuyên ông kiên nhẫn nằm gai nếm mật đễ mưu định đường trở về phục quốc.
[81] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 191
[82] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”, Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 195
[83] Chữ Ðiền nguyên có bộ ngọc 玉, chữ Lạn cũng có bộ ngọc, chữ Lứu bộ kỳ 礻, có sách dịch là Trứu. Chữ Lứu một bên bộ kỳ (礻), một bên chữ do (由), các sách nhà Thanh như Thánh Vũ Ký, Thanh Ðại Thông Sử chép nhầm thành tụ 袖 (bộ y nghĩa là tay áo)
[84] CM II, quyển XLVII (1998), tr. 837-8
[85] Chữ này viết bộ nhân đứng, Khang Hi từ điển phiên thiết là lặc một thiết (勒沒切).
[86] Tấu thư của Tôn Sĩ Nghị đề ngày 21 tháng Tám năm Càn Long 53 [20-9-1788]. Thanh Cao Tông Thuần Hoàng Ðế thực lục, quyển 1312, trang 25. Những người này sau được trả lại khi vua Quang Trung traođổi tù binh ngoại trừ Nguyễn Viễn Du chết vì bệnh trong khi bị giam.
[87] Quân Cơ Xứ, CCBVV. Nguyên văn tờ bẩm của bảy châu nước An Nam ngày 29 tháng Bảy năm Càn Long 53 [30-8-1788]. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 355
[88] vốn là học trò của Nguyễn Thiếp
[89] Cung Trung Ðáng, CCBVV. Tờ bẩm này bên phải có gắn xi đóng dấu vàng, ghi rõ là “kèm theo nguyên văn của trấn thủ Lạng Sơn nước An Nam để cho hoàng đế ngự lãm, tra xét quả đúng là di quan nhưng không có đóng dấu, vì chưng con dấu cũ do vua Lê nước nam cấp cho đã bị họ Nguyễn thu mất rồi, nay chỉ có nguỵ ấn nên không dám dùng”. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 355-6
[90] Theo tờ trình của Tôn Sĩ Nghị. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 356
[91] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 356
[92] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 356-7. Tuy nhiên, theo sử nước ta thì Trần Danh Bính chỉ trá hàng, về sau khi quân Thanh tiến sang, đem binh cự địch bị giặc bắt giết.
[93] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 357-9. Cung Trung Ðáng, CCBVV. Bài văn này phải kể là một tuyệt tác, không biết do danh nho nào [có lẽ là Ngô Thì Nhậm] nhân danh Ðại Tư Mã Ngô Văn Sở soạn ra.
[94] nghĩa đen vin vào vảy (con rồng), tựa vào cánh (con phượng), tức là phò tá một bậc minh chủ (còn viết là phàn long phụ phượng)
[95] trong tấu văn không liệt kê nhưng trong sách có ghi là của các quan ở Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Thanh Hoa, Nghệ An, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hưng Hoá, An Quảng … các nơi. Trang Cát Phát,TTVC (1982) tr. 366.
[96] Nguyên văn từ Quân Cơ Xứ, CCBVV, bẩm văn của bọn Tạ Ðình Thực đề ngày 22 tháng Mười năm Càn Long 53 [19-11-1788]. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 366-7.
[97] Tờ bẩm của Lê Duy Cẩn ngày 22, tháng Mười năm Càn Long 53 [19-11-1788] lưu giữ tại Quân Cơ Xứ, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 365-6.
[98] Trong CM, quyển XLVII có chép là “Văn Huệ sai người lùng hết các bầy tôi văn võ, cưỡng ép họ đến cửa cung khuyết để cùng đứng tên vào tờ biểu khuyên mời Văn Huệ lên ngôi vua. Huy Trạc bị bắtđến Ngự sử đài, không chịu ký tên vào tờ biểu ấy, đêm đến, uống thuốc độc tự tử. Việc này do đó cũng đình chỉ”. Như vậy việc này có thể là thật.
[99] Chỉ trấn thủ Lạng Sơn Phan Khải Ðức
[100] Tờ biểu trên đây tuy có thể nhiều phần không đúng sự thật nhưng có một điểm chúng ta có thể cải chính. Trước đây, sử ta đều dựa theo HLNTC mà chép rằng khi nghe tin Tôn Sĩ Nghị kéo quân sang, Lê Duy Kỳtheo về đến Thăng Long, lúc đó mới trả ân báo oán, trong đó có việc chặt chân ba hoàng thúc vứt xuống giếng trong cung. Nhưng theo lá thư này, việc ba người chú Lê Duy Kỳ bị giết xảy ra từ khi mới lên nắm quyền trước khi lưu vong. Chúng ta cũng biết được tên của ba người hoàng thúc đó là Lê Duy Lữ, Lê Duy Lân, Lê Duy Hội. Theo HLNTC thì những người viết lá thư này là Nguyễn Quí Nhạ, Trần Bá Lãm, Vũ Huy Tấn cũng bị hạ ngục khi Lê Duy Kỳ trở về, chỉ có Nguyễn Bá Khoan được miễn vì dốt nát, già cả. Một giáo sĩ trong Hội Truyền Giáo Ba Lê (Société des Missions Étrangère de Paris) cũng nhắc đến một sắc dụ của Nguyễn Huệ trong đó kết tội “Chiêu Thống đã phạm trọng tội gian dâm và loạn luân ghê tởm với em gái ông và sát nhân vì ông đã cho giết một cách dã man ba người chú ông và một người vợ của Cảnh Hưng, tổ phụ ông …” để đưa ra một trọng thưởng cho người nào bắt được Lê Duy Kỳ. Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …” Một Vài Sử Liệu (1992) tr. 187
[101] Ðề đốc Quảng Tây là Tam Ðức đã bị bệnh mất ngày mồng 8 tháng Bảy năm đó [9-8-1788], Hứa Thế Hanh (từ Chiết Giang được điều động lên thay) đem quân tới Long Châu phòng thủ (theo Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược, quyển 2 trang 1). Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 359.
[102] người Tân Ðô, Tứ Xuyên gốc người Hồi, tòng quân đánh Kim Xuyên, lập công trạng trong vụ đánh Ðài Loan nên được làm đề đốc Quảng Tây, khi bị chết ở Thăng Long được thăng Tráng Liệt Bá, ban tên thuỵ Thiệu Nghị.
[103] Theo Ian Heath trong Armies of the Nineteenth Century: Asia V. 2: China (Great Britain: Foundry Books, 1998) trang 18-9 thì những cấp bậc đó tương đương với hiện thời như sau: ÐềÐốc (đại tướng), Tổng Binh (trung tướng), Phó Tướng (thiếu tướng), Tham Tướng (đại tá), Du Kích (thượng tá), Ðô Ti (trung tá), Thủ Bị (thiếu tá), Thiên Tổng (đại uý), Bả Tổng (trung uý) … Tuy nhiên nếu là ngoại vi thiên tổng thì chỉ tương đương trung sĩ còn ngoại vi bả tổng chỉ tương đương hạ sĩ. Thực ra những danh hiệu này là chức vụ, không phải cấp bậc nên những phiên dịch không hoàn toàn chính xác nhưng cũng cho ta một số khái niệm về vai trò quân sự của các tướng lãnh nhà Thanh thời đó.
[104] thuộc Nhương Lam Kỳ Hán quân, làm tổng binh Hữu Giang trấn Quảng Tây, khi chết tại nước ta được ban thuỵ là Trực Liệt (直烈)
[105] Tôn Khánh Thành (孫慶成) là chắt (great-grandson) của Chấn Võ tướng quân Tôn Tư Khắc, một danh tướng đầu đời Thanh.
[106] Người Ðại Ðồng nhưng sang sống ở Quí Châu, từng tham dự các trận đánh Miến Ðiện, Kim Xuyên lập nhiều công lao nên thăng lên đô ti. Sau tham dự đánh Ðài Loan trong chiến dịch bình Lâm Sảng, Trang Ðại Ðiền nên được lên tổng binh Nam Áo (南澳), Phúc Kiến. Khi chết ở nước ta được ban tên thuỵ là Tráng Quả (壯果).
[107] Người Trường An, đậu tiến sĩ võ đời Càn Long, làm tham tướng Ðức Châu. Khi Vương Luân nổi loạn ở Thọ Trương, ông đem quân đánh dẹp, thăng lên đề đốc Vân Nam và ở đây cho tới chết.
[108] Thuộc Nhương Hoàng Kỳ Mãn Châu, từng tham gia các cuộc chiến đánh Miến Ðiện, Kim Xuyên, thăng lên tổng binh Thọ Xuân. Ðến đời Gia Khánh có công trong việc đánh dẹp các giáo phái tại Hà Nam, Thiểm Tây. Sau lên làm đề đốc Ô Lỗ Mộc Tề (烏魯木齊)
[109] người Võ Thành, có chiến công nên được làm ngoại uỷ đời Càn Long, tham dự đánh Kim Xuyên, sau lên làm đề đốc Quảng Ðông
[110] Theo hệ thống đo lường của Trung Hoa thì 10 dược [龠] là 1 hợp [合], 10 hợp là một thăng [升], 10 thăng là 1 đẩu [斗], 10 đẩu là 1 thạch [石]. Theo cách tính đong gạo, đời Thanh một thạch là 125 cân, thời Dân Quốc lại là 150 cân. Một cân đời Thanh là 596 gram. Như vậy 1 thạch là 74.5 kg, 1 đẩu là 7.45 kg, 1 thăng là .745kg, 1 hợp là 74.5 gram, 1 dược là 7.45 gram. Trung Quốc Lịch Sử Ðại Từ Ðiển, (Thượng Hải từ thư, 2000)
[111] Mặc dù Tôn Sĩ Nghị giảm lương vì muốn tiết kiệm ngân sách nhưng cũng vì thế mà quan binh trong lòng bất mãn nên không có chí chiến đấu, gặp lúc núng thế liền bỏ chạy như khi tại Thăng Long sau này.
[112] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 360.
[113] Tôn Sĩ Nghị vốn dĩ định sau khi chiếm được Thăng Long rồi sẽ đem quân đánh vào Quảng Nam nên đã dự bị thủy lục hai mặt, quân thủy nửa tháng sau sẽ qua nhưng vì thuyền lớn qua khôngđược mà cửa sông Nhĩ Hà thì quân địch đã chặn rồi nên ra lệnh cho đóng 40 chiến thuyền, đủ sức chở 2,000 quân, lập thêm 25, 26 trạm trên bộ cách nhau chừng 8, 90 dặm, ngoài ra còn xây thêm 53 trạm lương thực nhưng vì sau này bị thua ở Thăng Long nên những công tác này không thực hiện.
[114] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 363.
[115] Nhiều tài liệu chỉ chép số quân của Sầm Nghi Ðống là 1500 người nhưng các con số trên đây trích từ chính tấu thư của Tôn Sĩ Nghị (KDANKL, quyển X, tr. 14)
[116] Trong chiến dịch đánh An Nam, rút kinh nghiệm các trận đánh ở Miến Ðiện, nhà Thanh đổi chiến lược không điều động kỵ binh từ miền bắc xuống mà chỉ dùng quân địa phương, thổ binh và chủ yếu phương tiện của bốn tỉnh miền tây nam giáp với nước ta. Chính vì thế, công tác chuẩn bị cũng nhanh mà lực lượng điều động cũng nhỏ (nhỏ nhất trong mười chiến dịch đời Càn Long), không ghê gớm như chúng ta thường tưởng tượng.
[117] Không riêng gì quân Thanh ở cuối thế kỷ XVIII, 500 trước quân Mông Cổ cũng lâm vào những khó khăn tương tự. Ðoàn quân ngoại nhập phải mang theo một số lượng thực phẩm rất lớn cho cả quân đội lẫn phu phen. Nhà Nguyên cũng phải thiết lập nhiều trạm tiếp vận, cách nhau 30 dặm (khoảng 15 km) và một dịch trạm mỗi 60 dặm (30 km). Trong một lá thư của quan chức nhà Nguyên gửi triều đình có đề cập đến những khó khăn như sau:
Ngay từ thời cổ, khi điều binh thì luôn luôn phải sao cho hợp với thiên thời. Trung Nguyên đất phẳng, vậy mà ta cũng vẫn phải tránh cái nóng mùa hè. Còn như Giao Chỉ là nơi oi nồng (feverish) ôn dịch (pestilential), khí hậu nơi đây khiến cho quan quân thiệt hại còn nhiều hơn cả đối phương tấn công. Nay ta lại điều binh xuống vào tháng Bảy, trước khi tới được An Nam đã chết mất khá nhiều, thế thì khi gặp địch làm sao mà đối phó? Xứ Giao Chỉ lại chẳng có gạo thóc, thủy đạo bất tiện, không thể không tiếp tế bằng đường bộ nhưng lại không có ngựa, bò, xe cộ. Mỗi người có thể mang được 5 đấu, nhưng trên đường đi phu cũng phải ăn, thành thử quân chỉ còn được một nửa. Cho nên nếu như muốn gửi tới 100,000 thạch gạo thì phải dùng đến 40 vạn phu để chuyên chở, mà gạo đó cũng chỉ đủ ăn 1 đến 2 tháng mà thôi. Xie Qikun, Guangxi Tongzhi (Quảng Tây thông sử) bản đời Gia Khánh (1796-1821) (Quảng Tây Nhân Dân Xb xã tái bản, 1988) Vol VIII, chương 187, trang 5032.
Lấy trong http://mcel.pacificu.edu /as/resources/ zhuang/zhuang11.htm tr. 22-3.
[118] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 363
[119] Nguyễn Anh Huy, Lịch Sử Tiền Tệ Việt Nam: Sơ Truy và Lược Khảo (2010) tr. 151 Tấm ảnh của đồng tiền này có in trong trong Phụ Lục Ảnh Màu của tài liệu trên. Xem thêm Annam and its minor currency (Ed. Toda 1882) phần II, chương XX Chinese intervention in Tunquin, and the Nguyen Dynasty (http://art-hanoi.com/toda/20.html).
[120] Vào thế kỷ XVII, XVIII tiền tệ có thể dùng lẫn lộn tại nhiều nơi và lưu hành nhiều loại tiền cùng một lượt ở nước ta.
[121] Trong bất cứ lần Nam chinh nào, Trung Hoa đều gặp phải những khó khăn tương tự và quân đội điều động tuy có lớn trên số lượng nhưng thành phần binh sĩ chiến đấu chỉ là 1/4, 3/4 còn lại là phu khuân vác thường là các sắc dân thiểu số vùng Vân – Quí và người dân tại hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây. Nếu với tỉ lệ tương ứng, quân Thanh tuy tiếng là 20 vạn nhưng thực ra chỉ độ 5 vạn quân chiến đấu, 15 vạn kia là phu phen. Những số liệu đó phù hợp với con số mà sổ sách binh nhu, chi phí của nhà Thanh trong chiến dịch và cũng phần nào giải thích được tại sao Nam sử lại chép một số lượng quá chênh lệch với số quân nhà Thanh điều động.
[122] Lai Phúc Thuận, QNNC (1984) tr. 314-5
[123] Trang Cát Phát: TTVC (1982) tr. 363.
[124] Thanh Cao Tông ngự chế thi văn toàn tập (quyển 9) (1976) ngự chế thi tập V, quyển 43, trang 34.
[125] Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí (Quốc Sử Quán triều Nguyễn) Phạm Trọng Ðiềm dịch (1997) thì cách châu Ôn 11 dặm về phía tây có núi Kháo gồm 2 ngọn, một cao một thấp gọi là “kháo mẹ, kháo con”, trên đỉnh có đường lớn cho sứ bộ đi, khách buôn bán cũng qua đường này. Phía nam châu Ôn thì có Quỉ Môn Quan, thuộc xã Chi Lăng, đường hẹp, khó đi, hiểm trở, nướcđộc, đá hình như đầu ma, đầu quỉ nên đặt như thế. Khi sứ bộ Trung Hoa sang sách phong cho vua Lê đổi tên thành Úy Thiên Quan. (quyển 4, tr. 377, 387)
[126] chữ Hộ nguyên có bộ ngôn 言 ở bên trái
[127] theo tờ biểu của vua Quang Trung gửi lên vua Cao Tông thì bọn tuần dương binh ấy do Hắc Thiệu Tông cầm đầu, khi trả về cũng bị Tôn Sĩ Nghị giết cả. Hoa Bằng. Quang Trung Nguyễn Huệ, Anh Hùng Dân Tộc 1788-1792. (1958) tr. 214. Thực ra những người này một số được dùng vào đội thủy quân, một số trả về nguyên quán.
[128] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 364
[129] Vua Càn Long cũng đã đề cập đến việc ngay từ đầu Tôn Sĩ Nghị đã tâu rằng nhân cơ hội này lấy luôn nước Nam. (Nguyên văn: 孫士毅初奏安南內訌情形有乘此機會剿平後收其土地之意 … Tôn Sĩ Nghị sơ tấu An Nam nội hồng tình hình hữu thừa thử cơ hội tiễu bình hậu thu kỳ thổ địa chi ý …) Thanh Cao Tông ngự chế thi văn toàn tập (1976) Ngự Chế thi V, quyển 43, tr. 26. Chi tiết này hoàn toàn không thấy các sử gia Trung Hoa nhắc đến và cũng phù hợp với sử nước ta nói rằng khi bắt được một số văn thư mật, họ Tôn đã đề cập đến việc khai thác tình hình rối loạn của An Nam để trục lợi. Câu chúng tôi trích dẫn ở trên là chính lời nguyên chú của vua Cao Tông không phải của sử thần.
[130] Thanh Cao Tông ngự chế thi văn toàn tập (1976) Ngự Chế thi V, quyển 43, tr. 35
[131] Thanh Cao Tông ngự chế thi văn toàn tập (1976) Ngự Chế thi V, quyển 43, tr. 36
[132] Theo tấu thư của Tôn Sĩ Nghị khi còn ở Triều Châu được lệnh đúc ấn có dụ chỉ là ấn mới nên thêm hay bớt đi một chữ để phân biệt với ấn cũ, ngõ hầu biết cái nào thực, cái nào không thực. Tôn Sĩ Nghị đề nghị đem mẫu ấn cũ bỏ đi chữ chi (之) chỉ còn An Nam Quốc Vương Ấn (安南國王印). Ấn cũ dọc 11.6 phân, ngang 11.5 phân, trên khắc 6 chữ An Nam Quốc Vương Chi Ấnbằng chữ triện bằng cả hai thứ chữ Mãn Châu và Hán. Tuy nhiên việc này không thực vì theo con dấu mới đóng trên các tấu biểu của Lê Duy Kỳ vào ngày mồng 2 và 24 tháng Chạp năm đó (còn lưu tại văn khố Ðài Loan) thì ngang dọc cũng bằng ấn cũ, chỉ có chữ khắc mảnh mai hơn, và cũng vẫn thấy đủ 6 chữ An Nam Quốc Vương Chi Ấn, không bỏ chữ chi. Trang Cát Phát, TTVC (1982) chú thích 72 trang 411.
[133] Cung Trung Ðáng, CCBVV, Lai Phúc Thuận, QNNC (1984) tr. 259
[134] CM II (1998) tr. 843-4
[135] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 368.
[136] tức sông Thương
[137] Theo tấu thư của Tôn Sĩ Nghị đề ngày 15 tháng Một năm Mậu Thân (Càn Long 53) [12-12-1788]. Cung Trung Ðáng, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 368.
[138] đây có lẽ là một cánh quân người Thượng từ trong nam ra
[139] Ðại quân thẳng tới huyện Bảo Lộc, thuộc Giang Bắc. Ba lần đánh đều được. Bắt đô đốc Trần Danh Hoán, chém đi. (Có lẽ hai chữ bính 炳 và hoán 煥 vì mặt chữ khá giống nhau nên tam sao thất bổn) Lê Quýnh, “Bắc Hành Tùng Kyù “.La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II (1998) tr. 879.
[140] núi có ba tầng chồng lên nhau, ở xã Nam Ngạn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Ninh, cách huyện Việt Yên 9 dặm về phía đông.
[141] có thể không đến con số này nhưng quân Thanh phao lên để báo tiệp cho thêm vẻ vang.
[142] Minh Thanh sử liệu, thiên Canh, bản thứ 2, trang 101. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 368-9. Trận Thị Cầu mỗi sách chép một khác, chẳng hạn trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí:
… Phan Văn Lân nói:
– Quân không cứ nhiều, nước không cứ lớn. Nay ta làm tướng cầm quân ở ngoài, giặc đến, chưa tửng tiếp chiến, mới nghe thấy tiếng doạ hão đã tự lui nhụt, thì còn dùng tướng làm gì? Tôi xin tự đem một nghìn tinh binh tiến thẳng lên sông Như Nguyệt, chọi nhau với nó một trận, xem nó có khí thế gì? Người Nam với người Tầu ai khoẻ hơn ai? Và cho nó biết mình đây không nhát. Ðó cũng là cách “chặn trước thì đè được người”.
Sở (Ngô Văn) cho là phải. Lân bèn đốc quân qua sông Bắc canh ba, tới bờ phía nam sông Nguyệt Ðức, vừa nghe Tôn Sĩ Nghị đã đóng ở núi Ba Tầng. Lúc ấy tiết trời cực giá rét, Lân cứ dồn quân sang sông khai chiến. Tướng sĩ sợ oai của Lân, đều phải liều xông hơi lạnh, lội bừa xuống nước. Ra đến giữa sông nhiều người cóng quá không thể sang được, đều bị chếtđuối, kẻ nào vào được tới bờ, cũng bị quân Thanh giết chết. Lân liệu không thể giao chiến, tức thì vẫy quân chạy lùi. Dư đảng tan vỡ, chạy vào các làng, lại bị dân quê săn bắt đem nộp cho quân Thanh. Lân phải một mình một ngựa chạy về Thăng Long … Ngô Thời Chí, Hoàng Lê Nhất Thống Chí, (1969) tr. 290-1.
Việt Thanh chiến sử của Nguỵ Nguyên thì chép theo Thanh sử, tuy không rõ ràng nhưng cũng đầy vẻ ngoa ngôn:
… Ngày 15, tiến đến Thị Cầu (Nguyệt Ðức). Sông rộng. Vả bờ nam dựa vào núi, cao hơn bờ bắc. Giặc giữ chỗ hiểm dàn súng. Quân ta không thể kết bè. Các tướng nghĩ rằng hình thếsông cong queo, (khiến) giặc trông ra thấy không được xa. Bề ngoài, bèn chở tre gỗ, làm cầu phao để tỏ rằng thế nào cũng qua sông (chỗ ấy). Rồi giấu hai nghìn quân ở thượng du (cách đó hai mươi dặm), chỗ nước chảy chậm, lầy thuyền con đang đêm qua sông.
Ngày 17 (tháng Một) quân ta cưỡi bè áp bờ. Cầm cự với nhau đang sôi nổi, thì gặp khi quân từ thượng du đả vòng ra sau lưng giặc, nhân chỗ cao mà hét to, đánh xuống. Tiếng ran các hang núi. Giặc không biết vương sư từ đâu xuống, bèn tan rã chạy lùi. Nguỵ Nguyên, “Việt Thanh Chiến Sử”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn tập II (1998) tr. 1342.
Riêng Lê Quýnh trong Bắc Hành Tùng Ký thì viết là mưu đánh tập hậu là do bồi thần nhà Lê hiến kế như sau:
… Quýnh và Lê Duy Ðản bàn với nhau rằng: “Từ khi (ta) ra cửa ải đến nay, quân địch thua luôn. Chắc chúng đặt nhiều quân ở núi Thị Cầu, (mong) có nước chặn, để cự lại. Nhưng chúng nó dùng binh chỉ biết nhìn phía trước, thường không ngoảnh về phía sau. Nên dùng kỳ binh chộp phía sau, thì chắc sẽ thắng. Quân ở doanh Thị Cầu (nếu) đã bại, thì khôi phục cốđô dễ như nhổ nước bọt vào tay”.
Ðến khi đại binh tiến đến núi Tam Tằng, cách địch con sông. Lê Duy Ðản nói (mưu ấy) với quan lớn Tôn. Quan lớn bèn nghe kế. Ngày 20, qua sông Thị Cầu, phá doanh giặc, tiến đến bờ bắc sông Phú Lương (muốn nói sông Nhị). Giặc Tây Sơn bỏ thành Thăng Long chạy về phương nam. Lê Quýnh, “Bắc Hành Tùng Ký”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn tập II (1998) tr 880.
[143] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …” Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 216. Những ngày tháng mà các giáo sĩ nêu ra có lệch (trước) với tài liệu của nhà Thanh 3 ngày.
[144] Một thước đời Thanh nếu đo đất thì khoảng 34.5 cm, đo vải thì khoảng 35.5 cm. Bốn thước xem ra chỉ khoảng 1.4 m.
[145] KDANKL, quyển IX, tr. 3
[146] Viên Mai, Tùy Viên Thi Thoại [Trương Ðình Chi dịch] (2002) tr 839-41
[147] Tạ Quang Phát (dịch). Nhà Tây Sơn (1970) tr. 127-9
[148] Các tài liệu do nhiều nguồn khác nhau viết rất mâu thuẫn về vai trò của một số văn thần nhà Lê. Tây Sơn thuật lược viết là Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Gia Phiền (Phiên?), Phan Huy Ích, Ngô Vi Quí, Ðoàn Nguyên Tuấn cùng vào Phú Xuân yết kiến Nguyễn Huệ (hay bị đưa đi theo?) khi Nguyễn Huệ ra Bắc trừ khử Vũ Văn Nhậm. Hoàng Lê Nhất Thống Chí cũng có chỗ viết tương tự trong khi KÐVSTGCM thì viết là Ngô Thì Nhậm còn ở Thăng Long với Ngô Văn Sở. Việc quân Tây Sơn rút lui các sách vở Việt Nam cho là do mưu của Ngô Thì Nhậm và được Nguyễn Huệ khen là biết thời thế, trái lại theo tin của các giáo sĩ thì Ngô Văn Sở bị khiển trách nặng nề. “Mấy giáo đồ Bắc Kỳ là bộ hạ của quan Ðại Tư Mã mà tôi nhắc tới ở trên, đã quả quyết với tôi rằng Tiếm vương phạt vị quan này về tội hoảng sợ bằng cách trừ của ông một tháng lương và cấm ông không được đụng tới thực phẩm của binh lính. Ngoài ra Quang Trung … mời các võ quan cao cấp dự tiệc, nhân đó ông bắt Ðại Tư Mã quì xuống cách xa ông trong khi các quan khác ăn uống và dùng lời lẽ gay gắt, dữ dội nhứt quở trách về tính nhút nhát của ông này. Ít lâu sau muốn làm ông [Ðại Tư Mã] thất đảm, Quang Trung cho xử trảm viên trấn thủ Than (Thanh) Hoa và một đại thần khác bị khép tội quấy nhiễu đàn áp dân chúng … bắt ông ra chỉ huy quân đội (nhưng) bãi chức Tổng Nguyên Soái (tư lệnh quân đội tại Bắc Kỳ) …” Chú thích số 49, Ðặng Phương Nghi, Vài tài liệu … (1992) tr. 227-8. Các tướng lãnh Tây Sơn chắc không tin tưởng vào quan lại nhà Lê và nếu có tính toán gì cũng không bao giờ bàn bạc với họ để khỏi lộ bí mật quân sự.
[149] Theo lời tâu của Khách Ninh A (喀寧阿). Thanh Cao Tông ngự chế thi văn toàn tập, tập 9, quyển 43 (1976) tr. 25
[150] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 188.
[151] La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn tập II (1998) tr. 879-880. Có lẽ Lê Quýnh viết chệch đi một ngày để khỏi tiết lộ việc hai thầy trò vào gặp Tôn Sĩ Nghị vào đêm hôm trước có vẻ khôngđược đắc thể.
[152] Hai sứ thần Trần Danh Án và Lê Duy Ðản phải ăn mặc rách rưới để len lỏi núi rừng sang Trung Hoa.
[153] trong sách viết nhầm là Phú Thần, hai chữ thần 辰 và lương 良 hơi giống nhau
[154] Nguyên văn 天兵下寨富辰江北賊渠衆宵遁進復京城奉駕御萬夀殿行册封禮 (thiên binh hạ trại Phú Thần giang bắc, tặc cừ tất chúng tiêu độn, tiến phục kinh thành, phụng giá ngự Vạn Thọ điện hành sách phong lễ). Lê Duy Ðản: Sứ Diêu Hành Trạng(YHVH), quyển VI (2010) tr. 180
[155]KDANKL, quyển IX, tr. 10-11
[156] Thượng Dụ Ðáng, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC, tr. 370-1
[157]臣親送進城。黎維祁率該國官民。跪伏道旁。迎至該國王正屋。望闕三跪九叩衹領訖。並敬具表文。交到臣處 … (thần thân tống tiến thành. Lê Duy Kỳ suất cai quốc quan dân. Quỵ phục đạo bàng. Nghinh chí cai quốc vương chính ốc. Vọng khuyết tam quỵ cửu khấu kỳ lãnh cật. Tịnh kính cụ biểu văn. Giao đáo thần xứ) KDANKL, quyển 10, tr. 14
[158] Quân Cơ Xứ , CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 371-2.
[159] nhắc lại tích Thân Bao Tư cầu viện nước Tần đem quân đánh nước Ngô để cứu nước Sở thời Xuân Thu. Tạ Mẫn Hoa – Uông Hiển Huy (chủ biên), Trung Hoa thành ngữ điển cố đại toàn.(2003) tr. 930.
[160] ở đây biểu văn dùng rất nhiều điển như vua Thuấn, nhà Chu, quẻ Càn, Ðại Ðồng, Khôn … đều là nói về thời thịnh trị nên chúng tôi chỉ dịch thoát.
[161] Quân Cơ Xứ, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 372.
[162] Quân Cơ Xứ, CCBVV, tờ trình của Lê Duy Kỳ đề ngày 24 tháng Chạp năm Càn Long thứ 53. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 372-3.
[163]KDANKL, quyển 12 tr. 23-4
[164]… Nhà vua đã khôi phục được nước, bèn hạ lệnh thăng chức cho bầy tôi đi hộ giá:
– Phạm Ðình Dữ lên bình chương sự, thượng thư bộ Lại.
– Lê Duy Ðản và Vũ Trinh lên tham tri chính sự.
– Nguyễn Ðình Giản lên thượng thư bộ Binh, tri Xu mật viện sự.
– Trần Danh Án, lên phó đô ngự sử.
– Lê Quýnh lên Trung quân đô đốc, tước Trường phái hầu. Ngoài ra đều được thăng chức có cao thấp khác nhau.
Liền đó nhà vua sai trị tội những người hàng giặc:
– Ngô (Thì) Nhậm và Phan Huy Ích đều truất về làm dân.
– Nguyễn Hoãn bị bãi mất tước Quận công.
– Phan Lê Phiên bị giáng xuống Ðông Các học sĩ.
– Mai Thế Uông bị giáng xuống Tư huấn.
CM II (1998) [quyển XLVII] tr. 839-42
[165] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …” Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 202
[166]KDANKL, quyển IX, tr. 6
[167] Trần Nguyên Nhiếp, An NamQuân Doanh Kỷ Lược. Bản chép tay thư viện Harvard-Yenching [Tạp Sử, 2404]
[168]KDANKL, quyển XII, tr. 22-3
[169]KDANKL, quyển XI, tr. 28
[170]KDANKL, quyển XII, tr. 28
[171] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu …(1992) tr. 205.
[172]KDANKL, quyển XI, tr. 25
[173]KDANKL, quyển X, tr. 27
[174]KDANKL, quyển XII, tr. 11-2
[175] Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (Hoàng Văn Lâu dịch) (2005) tr. 585
[176]KDANKL, quyển XXVI, tr. 1-3
[177]… Ðinh bạ các làng xã còn lại đến nay được tìm thấy đều có kê khai số dân đinh tham gia phong trào Tây Sơn. Chẳng hạn trong số tư liệu Hán Nôm ở làng Xuân Hoà, có tập đinh bạ nhiều năm liên tiếp thuộc triều Tây Sơn. Ðinh bạ lập ngày 14-3 năm Thái Ðức thứ 11 (1788) kê khai toàn bộ dân đinh đều tham gia quân đội, giữ các công việc khác nhau, ngay cả người già trên 60 tuổi và trẻ em dưới 14 tuổi cũng được bố trí công việc ở các bộ, các dinh … UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Ðịa Chí Thừa Thiên Huế – Phần Lịch sử (2005) tr. 115
[178] Cũng theo tin của các giáo sĩ thì sắc thư này ban hành ngày 6 tháng Mười năm Mậu Thân [3-11-1788] và còn đề niên hiệu Thái Ðức nên việc Nguyễn Huệ lên ngôi ngày 11 tháng Mười [8-11-1788] có lẽ chính xác. Ðặng Phương Nghi, “Vài tài liệu mới lạ …”. Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 195-8.
[179]Lê Duy Ðản thi tập.Tài liệu chép tay, Viện Hán Nôm Hà Nội, BEFEO A.2821
[180] Hoàng Xuân Hãn: “Phe đảng chống Tây Sơn ở Bắc”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II (1998) chú thích 12, tr. 1258
[181]Lê Quí Dật Sử, [Phạm Văn Thắm dịch] (1987) tr. 77
[182] David J. Steinberg (ed.): In Search of Southeast Asia (1987) tr. 52.
[183] Vào thời đó các quốc gia chung quanh Việt Nam đều thần phục và Nguyễn Huệ tự coi như làm chủ cả Ai Lao, Chiêm Thành (tức các sắc tộc Tây Nguyên, Nam Lào) và Cao Miên. Trong một bức thư gửi quan nhà Thanh để nhờ trình lên vua Càn Long lý do tại sao chưa dùng ấn vàng mới được phong có câu: “Duy Thăng Long tiền đại cố đô, vượng khí toả yết. Bộc (tiếng khiêm xưng) thuỷ doanh tân ấp vu Nghệ An, kiến lập miếu triều ư vị, nghĩ tức kỳ địa ưng thụ phi hiển chi mệnh, dĩ khải vô cùng chi cơ, thả bản quốc phong vực ư yên thủ trung, tây hữu Ai Lao, Nam hữu Chiêm Thành, Cao Miên chi thuộc …” (惟昇龍前代故都,旺氣鎖歇。僕始營新邑于乂安,建立廟朝於位,儗卽其地,膺受丕顯之命,以啟無窮之基,且本國封域於焉取中,西有哀牢,南有占城,高綿之屬 …) … Còn như Thăng Long là kinh đô cũ của các triều đại trước, vượng khí đã tiêu tan hết rồi, kẻ hèn này mới xây một ấp mới ở Nghệ An, kiến lập triều đình, tông miếu, nơi đó hẳn là lập được cơ nghiệp lớn lao, tính cái kế mãi mãi, lại là nơi trung tâm của bản quốc, tây có Ai Lao, nam có Chiêm Thành, Cao Miên đều là thuộc quốc … (Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập I, tr. 690) Về sau Nguyễn Huệ lại cũng thân chinh đi dẹp dư đảng nhà Lê tại Ai Lao và có những kế hoạch theo đường núi đi vòng xuống đánh chặn đường rút lui của Nguyễn Ánh.
[184] Ðiểm đáng chú ý là những đạo quân này không phải do người Kinh chỉ huy, hoặc có thể là người Thượng, hoặc người Tàu nên sử ta chỉ chép những tên và chức vụ mà không có họ, ngay cả tên cũng mỗi chỗ một khác. Ðô đốc Lộc, đô đốc Tuyết trông coi tả quân đánh từ biển vào sông Lục đầu, đô đốc Bảo và đô đốc Long (hay Mưu?) trông coi hữu quân cai quản đội voi ngựa từ Lào đánh qua Hà Ðông.
[185] Cristophoro Borri, Tường Trình về Khu Truyền Giáo Ðàng Trong 1631 Hồng Nhuệ (dịch) (không đề năm) tr. 24
[186] hình ảnh con voi mà hoạ viên William Alexander trong phái bộ Macartney ghé ngang Cửa Hàn năm 1793 (Touron hay Tourane) với người quản tượng bé tí teo nằm trên đầu con vật cho thấy thời kỳ đó con vật nhà Tây Sơn dùng trong chiến tranh lớn hơn các loại voi hiện nay. Xem “Elephant, Tourane Bay, 3 June 1973” trong Susan Legouix, Image of China: William Alexander(1980) tr. 45. Voi Á châu cao tới 3 thước, nặng từ 3 đến 4 tấn (3-4000 kg),sống thành đàn. Voi Xiêm La (tức cùng giống dùng trong tượng binh Ðàng Trong) to nổi tiếng và nhiều cái tên còn lưu lại trong các đoàn xiếc và phim ảnh Tây phương hồi đầu thế kỷ XX như Queenie, Happy, Sally, Ziggy … Martin Hintz: Tons of Fun Training Elephants, (1982) tr. 30. Những giống voi lớn nhất thường tìm thấy ở Lào và Bắc Thái mà người ta miêu tả là cao đến 12-3 feet (gần 4 thước), có lẽ là voi mà người Âu Châu thấy ở Ðàng Trong thời Tây Sơn.
[187] Cristophoro Borri, Tường Trình … tr. 26
[188]… an animal trained to be obediently ferocious, in battle to wield a mightly sword, and, as an executioner, to kill men by tossing, trampling, and rending them. Such monsters relished a bran mash flavored with babies … Ping Amranand và William Warren: The Elephant in Thai Life & Legend (1998) tr. 58
[189] Sun Laichen, “Military Technology Transfers from Ming China and the Emergence of Northern Mainland Southeast Asia (c. 1390-1527)” Journal of Southeast Asian Studies, vol. 34, 3 (10-2003) tr. 500
[190]Les Grands Dossiers de L’Ilustration L’Indochine, Histoire d’un Siècle 1843-1944 (1995) tr. 27. Tấm hình vẽ một chiếc thuyền mũi cong, có 32 người lính và một khẩu đại bác, mỗi bên hông có 12 mái chèo, thuyền thân dài và nhọn có chú thích là Embarcation Annamite Armée en Guerre de l’escorte des ministres Annamites (tức phái bộ Phan Thanh Giản).
Li Tana trong một bài viết cũng nói là “tam bản đầu to của An Nam” được bọc vài lớp da bò chưa thuộc với mũi thuyền cao hơn đuôi nhằm mục đích phòng thủ … Li Tana, ”Thuyền và Kỹ Thuật đóng thuyền ở Ðàng Trong cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX” – Ðức Hạnh dịch, Tạp Chí Nghiên Cứu và Phát Triển, số 4(38). 2002 tr. 79.
[191]… Ngành nghệ thuật độc đáo của người Ðàng Trong có thể coi là tuyệt vời vào thời buổi hôm nay là kỹ thuật đóng tàu mà không tuỳ thuộc chút nào vào phẩm chất và tầm cỡ của loại gỗ dùng trong mục tiêu đó. Những chiếc thuyền chèo tay để đi chơi quả là khéo léo. Những con tàu đó, dài từ 50 đến 80 feet (15 đến 24 mét), lắm khi chỉ độc có năm mảnh ván ghép lại, mỗi thanh dài suốt từ đầu nọ đến đầu kia, cạnh ghép bằng mộng, gắn khít khao chặt chợm bằng chốt gỗ, buộc với nhau bằng lạt tre chứ không cần phải có sườn hay khung gỗ nào khác. Mũi và đuôi thuyền ngỏng lên khá cao, chạm khắc thành những thuỷ quái hình rồng, thuồng luồng, trang tri bằng sơn hay thếp vàng. John Barrow: A Voyage to Cochinchina (1806) bản in lại (1975) tr. 318-9.
[192] Lyda Norene Shaffer, Maritime Southeast Asia to 1500 (1996) tr. 11-2.
[193] Theo Biên Niên nhà Nguyễn, từ 1778 đến 1819, Nguyễn Ánh đóng 235 ghe bầu (kiểu Chăm-Mã Lai prahu), 460 sai thuyền (thuyền chèo loại lớn hơn), 490 chiến thuyền, 77 đại chiến thuyền, 60 thuyền lớn nhỏ kiểu phương Tây hay là thuyền buồm dọc, 100 ô thuyền và 60 lê thuyền (thuyền chèo có chạm khắc và trang trí) tạo nên tổng số là 1482 chiếc ( Li Tana: “Thuyền và Kỹ Thuật đóng thuyền ở Ðàng Trong cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX” (Ðức Hạnh dịch). Huế: Tạp Chí Nghiên Cứu và Phát Triển, số 4(38). 2002 tr. 81.
[194] Robert J. Antony, Like Froth Floating on the Sea: The World of Pirates and Seafarers in Late Imperial South China. (2003) tr. 20
[195]To the petty pirates of Kwantung, Fukien, Chekiang, and Kiangsu, Nguyen Van Hue was the “Big Boss of Yueh-nan” (Yueh-nan ta-lao-pan 粵南大老板) who sold their booty and gave them between 20 and 40 percent of the profits. The big pirate gangs also benefited from the Emperor’s rule, because he not only allowed them to anchor in the border area to gather recruits and steal food, but also let them use Vietnam as a “nest” to which they could retreat. These pirates accepted the Emperor as their master because under his authority they were able to reap great profits from the sea (Na Ngạn Thành [那彦成]: The collected memorials of Na-yen-ch’eng 1834, Ðài Bắc 1974) trích lại theo Dian H. Murray, Pirates of the South China Coast 1790-1810(1987) tr. 40-41
[196] Quốc Sử Quán triều Nguyễn: Ðại Nam Liệt Truyện, tập II (1997) tr. 524
[197] Dian Murray, Pirates of the South …(1987) tr. 36
[198] Michael W. Charney, Southeast Asian Warfare 1300-1900 (2004) tr. 29
[199]Two-handed swords may have been especially important for Vietnamese combatants, as Chinese soldiers were equipped with thick coats that apparently deflected low calibre bullets as the Burmese dicovered. Michael W. Charney, Southeast Asian Warfare 1300-1900 (2004) tr. 33
[200] Nguyễn Lương Bích – Phạm Ngọc Phụng, Tìm Hiểu Thiên Tài …(1971) tr. 38
[201] Jeremy Black, War, Past, Present & Future (2000) tr. 96-7
[202] Quân Cơ Xứ, CCBVV, lời khai của Nguyễn Huy Túc, ngày mồng 4 tháng Sáu Càn Long năm thứ 53 [7-7-1788]. Trang Cát Phát, TTVC tr. 339 [sách viết nhầm là Càn Long 54]
[203] Dian Murray, Pirates of the South …(1987) tr. 97
[204] Thomas J. Barnes: Tay Son, Rebellion in 18th Century Vietnam (2000) tr. 133 có ghi lại 10 điều quân lệnh của Tôn Sĩ Nghị trong đó điều 5 và 6 như sau:
… 5. Người An Nam có một loại võ khí đặc biệt gọi là hỏa tiễn. Họ dùng một loại súng có nòng dài chừng hai tấc rưỡi. Họ nhồi thuốc súng chia thành ba phần, sau đó dùng cây thụt phần thứ nhất và phần thứ hai riêng rẽ xuống nòng súng, đóng chặt mỗi phần vài trăm lần. Phần thuốc nổ còn lại nhét vào đầu bằng sắt của một mũi tên cắm vào trong nòng súng. Bước kế tiếp là nhét một sợi tre khô vào trong hộp súng có dây dẫn lửa nối vào. Khi bùi nhùi được đốt lên, mũi tên bén lửa và bay ra. Mục tiêu của chúng là đốt cháy quần áo các ngươi để cho quân ta (tức quân Thanh) phải hoảng sợ. Thế nhưng võ khí đó không bì với võ khí của ta được. Nếu đối phương phóng hỏa tiễn, chỉ cần cầm trong tay mấy lá trầu không để dập tắt lửa còn tay bên kia vung kiếm lên, bọn chúng sẽ phải bỏ chạy.
6. Một loại võ khí đặc biệt khác của người An Nam là hỏa cầu (fireball). Ðó là một khối kim khí rỗng ruột nhét đầy thuốc súng và miểng sắt cùng lưu hoàng, trên đầu có ngòi truyền ra. Lính của chúng sẽ đốt ngòi nổ và ném về phía ta, nếu thấy hỏa cầu thì chỉ cần né tránh là không việc gì cả.
Mặc dầu tác giả có ghi rằng tài liệu tham khảo chủ yếu căn cứ vào ba tác phẩm Khởi Nghĩa Diệt Nguyễn và Chống Xiêm (1993), Lật Ðổ Vua Lê – Chúa Trịnh Ðại Phá Mãn Thanh (1994) và Xây Dựng Ðất Nước (1995) của Ty Văn Hóa Thông Tin tỉnh Bình Ðịnh (theo Ghi Chú ở trang 202-203) nhưng những điều quân lệnh này lại không thấy ghi chép trong các sử sách khác và cuốn sách của Barnes là một cuốn tiểu thuyết lịch sử với nhiều dật sự không chính xác nên chúng tôi chỉ chép lại để độc giả biết thêm. Một điều hơi vô lý là loại mà gọi là hỏa tiễn (fiery rocket) kia chế tạo rất phức tạp. Nếu quả thuốc súng nhồi vào nòng thì như vậy mỗi khẩu súng (musket) chỉ bắn được một lần mà thôi và hiệu quả cũng không có gì đặc biệt, e rằng bất tiện hơn loại tên lửa bắn bằng cung. Vì tính chất mơ hồ của tài liệu này, chúng tôi chỉ ghi lại làm tài liệu tồn nghi.
[205] Bức hình của loại “bom” này có trong A Journey Into China’s Antiquity (V. 4) của National Museum of Chinese History (1997) tr. 165 dưới nhan đề 159. Military “national surname bottle”, Qing Dynasty
[206] China Science and Technology Palace Preparatory Committee and the Ontario Science Centre, China, 7000 Years of Discovery (1982) tr. 11
[207] Nguyễn Lương Bích – Phạm Ngọc Phụng. Tìm Hiểu Thiên Tài Quân Sự của Nguyễn Huệ (1971) tr. 33
[208]Cochin-China maintained its independence by its superior firepower (Donald F Lach & Edwin J. Van Kley: Asia in the Making of Europe, vol III, book 3 – Southeast Asia, The University of Chicago Press 1993 tr. 1281). Theo các giáo sĩ và thương nhân Âu Tây, chúa Trịnh đã được đặt cho cái biệt danh là “thủy vương” (lord of water) vì có một lực lượng hải quân khá hùng hậu trong khi Chúa Nguyễn được gọi là “hỏa vương” (lord of fire) vì quân đội miền nam được trang bị khí giới đầy đủ và tân tiến hơn. Ðó cũng là lý do tại sao Ðàng Trong tuy kém thế hơn nhưng vẫn cầm cự được mà không bị đánh bại.
[209] Năm 1792, các giáo sĩ ghi nhận hai chiếc tàu từ Macao và Manille sang bán cho vua Quang Trung 100,000 cân (livres) lưu huỳnh (khoảng 50 tấn) để chế tạo thuốc súng. Ðặng Phương Nghi, “Triều Ðại Vua Quang Trung …” Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 241-2
[210] Nicholas Tarling (ed.), The Cambridge History of Southeast Asia, tập I, phần 2: từ 1500 đến 1800 (1999) tr. 47 (trích lại của C.R. Boxer trong Asian potentates and European artillery in the 16th-18th centuries: a footnote to Gibson-Hill, JMBRAS, 38, 2 (1965) tr. 166
[211] Vào thời đó để giảm thiểu những khó khăn trong việc tiếp liệu, đến cuối thế kỷ XVI nước Pháp chỉ còn 6 cỡ đại bác, Tây Ban Nha còn 12 cỡ và người Anh chỉ còn 16 cỡ, lớn nhất nặngđến 4 tấn, đạn nặng 74 pounds (khoảng 33.5 kg), nhỏ nhất chỉ nặng 300 pounds, bắn đạn chỉ có 5 ounces mà thôi. Súng lớn nòng có thể dài đến 3.3 m.
[212] Nicholas Tarling, The Cambridge History … (1999) tr. 47-8
[213] thường được gọi là jinjal hay gingall bắt nguồn từ tiếng Hindi janjal.
[214] Nicholas Tarling, The Cambridge History … (1999) tr. 48
[215] Theo Ðại Nam Thực Lục, bản thân chúa Nguyễn Ánh cũng là một xạ thủ giỏi và đã đặt mua ở Bồ Ðào Nha một vạn súng điểu thương, 2000 cỗ súng gang mỗi cỗ nặng 100 cân, 2000 viênđạn nổ đường kính 10 tấc vào năm 1791, một năm trước khi Nguyễn Huệ mất. Chi tiết đó đủ biết vào giai đoạn này, lực lượng hai bên đều phải dựa vào súng ống của Tây Phương để chiếnđấu và với những trang bị mới, chiến thuật, chiến lược thủy cũng như trên bộ đã thay đổi nhiều cho phù hợp với tình thế.
[216] Martin Van Creveld, Supplying War: Logistics from Wallenstein to Patton (1992) tr. 1
[217]A real knowledge of supply and movement factors must be the basis of every leader’s plan; only then can he know how and when to take risks with those factors, and battles are won only by taking risks. A. C. P. Wavell, Speaking Generally (London, 1946) tr. 78-9. Trích lại theo Martin Van Creveld, Supplying War: Logistics from Wallenstein to Patton, (1992) tr. 232
[218] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”, Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 206
[219] BEFEO, 1912, t. XIII n 7, p. 8. Nguyễn Nhã “Nguyễn Huệ Một Thiên Tài Quân Sự “ Một Vài Sử Liệu …(1992) tr. 91
[220]It may be that this requires, not any great strategic genius but only plain hard work and cold calculation. While absolutely basic, this kind of calculation does not appeal to the imagination, which may be one reason why it is so often ignored by military historians. The result is that, on the pages of military history books, armies frequently seem capable of moving in any direction at almost any speed and to almost any distance once their commanders have made up their minds to do so. Martin Van Creveld, Supplying War: Logistics from Wallenstein to Patton (1992) tr. 1-2
[221] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”, Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 199
[222] Ngô Thì Nhậm tác phẩm (quyển I) (2001) tr. 172
[223] Tạ Quang Phát (dịch), Nhà Tây Sơn (1970) tr. 130-33
[224] tính ra là ngày 20-1-1789DL. Ngô Gia Văn Phái, Hoàng Lê Nhất Thống Chí (2002) tr. 371-2
[225] Ðặng Phương Nghi, “Vài tài liệu mới lạ …”, Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 195
[226]Ngô Thì Nhậm tác phẩm (quyển I) (2001). Toàn văn bản chữ Hán trang 513-517, bản dịch Mai Quốc Liên trang 172-174.
[227]Ngày 18 tháng Mười Một tôi đọc một lá thư đề ngày 20 tháng Chín của đức ông La Bartette gữi cho ông Le Breton trong đó Ðức ông cho biết rằng: Tiếm vương Phú Xuân hay Bắc vương vừa mới phong cho con trai ông làm Nam vương lúc đó mới có bảy tuổi, nhưng hoàng tử được coi như được mười hai tuổi vì theo như lời đồn, các quan muốn nịnh người cha nên tăng cho người con nhiều tuổi hơn. Ðặng Phương Nghi, “Vài tài liệu mới lạ …”, Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 213-4
[228]KDANKL, quyển VI
[229] Ðặng Phương Nghi, “Vài tài liệu mới lạ …”, Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 214-6
[230] Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (1995) tr. 586
[231] Cầu nổi (phù kiều 浮橋 hay trúc phiệt kiều-竹笩橋) là cầu làm bằng các bè tre kết lại với nhau thả dưới nước để quân Thanh qua sông vì khi bọn họ tiến đến thì bao nhiêu thuyền bè đãbị quân Tây Sơn đem về nam cả rồi.
[232] Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ, (1995) còn ghi lại nhiều chiếu biểu quan trọng đời Lê và bang giao đời Tây Sơn, đối chiếu rất phù hợp với các tài liệu của nhà Thanh về diễn tiến nghị hoà.
[233] mãi đến tháng Hai, sau khi tình hình đã lắng xuống thì “… các tiến sĩ triều Lê như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch và bọn cống sĩ văn chức Vũ Huy Tấn, Ðoàn Nguyễn Tuấn,Ðào Xuân Lãng lần lượt về hàng. Nguyễn Quang Bình trao quan chức cho từng người, cho tham gia vào việc thảo từ lệnh bang giao.” Lịch Triều Tạp Kỷ, (1995) tr. 591. Trong những chiếu biểu giao thiệp với nhà Thanh, khi liệt kê danh sách các bồi thần, tên Ngô Thì Nhậm luôn luôn được nhắc đến sau cùng theo thứ tự (hàng võ) Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Danh, Ðặng Văn Chân, Nguyễn Văn Dụng, (hàng văn) Loan Hồi Ðại [có lẽ là thư ký tiếng Mãn] Lê Xuân Tài, Ngô Thời Nhiệm nên khó có thể tin rằng ông đóng một vai trò quan trọng trong triều đình Tây Sơn như HLNTC miêu tả. Nếu quả là một nhân vật cao cấp như thế, ông chắc bị những hình phạt nặng nề hơn khi vua Gia Long thống nhất đất nước. Xem Ðại Việt Quốc Thư (1973) các tr. 93, 97, 124, 127, 131, 134 … hay Lịch Triều Tạp Kỷ (1995) các tr. 629, 641, 644 …
[234] Theo nhận xét của họ Tôn khi đóng quân tại Thăng Long thì thành phần ủng hộ vua Lê rất yếu ớt không như lời thổi phồng của một số quan văn. Ngay khi Lê triều được tái lập, các dưđảng của chúa Trịnh lập tức nổi lên. Tài liệu sử nước ta cũng cho biết Trịnh Bồng lập tức quay lại và Lê Chiêu Thống phải phong cho ông ta làm Huệ Ðịch Công. Hoàng Xuân Hãn, “Phe ChốngÐảng Tây Sơn ở Bắc với tập Lữ Trung Ngâm”, La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II (1998) tr. 1252
[235] Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (1995) tr. 585. Chi tiết này thực ra không đúng. Chính Tôn Sĩ Nghị muốn tiến quân trong khi Thanh triều lại chủ trương rút lui, lấy cớ là bên trong làđất Quảng Nam, không phải đất nhà Lê, nhà Thanh không việc gì phải phí hao tiền bạc, binh lương để giúp An Nam nữa.
[236] Trong tấu thư ngày mồng 9 tháng Chạp năm Mậu Thân [4-1-1789], họ Tôn có kể lại việc quân Thanh cắt thủ cấp và tai những người bị chúng giết, còn ai bị bắt thì đem ra chém ngay, mỗi ngày lên đến vài chục người (…每日縳送數十人訊係賊匪。隨到隨即正法 … mỗi nhật phọc tống sổ thập nhân tấn hệ tặc phỉ. Tuỳ đáo tuỳ tức chính pháp) KDANKL, quyển IX, tr. 5
[237] Chi tiết này không chính xác, đúng là ngày 20 tháng Một năm Mậu Thân
[238] Trí quân an dân [置君安民]. Cứ bình thường, khi binh lính tới đâu thì dùng chữ quân [軍] là quân đội nghĩa là đóng binh các nơi để giữ yên cho dân chúng. Trong sách này, tác giả dùng chữ quân [君] là vua, không biết có phải là một lối chơi chữ trịch thượng [ý nói phong vương cho Lê Duy Kỳ] hay vì sao chép nhầm. Theo báo cáo của Tôn Sĩ Nghị thì ngày quân Thanh vào Thăng Long là ngày 20 tháng Một.
[239] đầu sỏ giặc gọi là nghịch, tay chân bộ hạ gọi là tặc. Do đó Trần Nguyên Nhiếp dùng chữ nghịch khi chép về Nguyễn Huệ.
[240] Cũng theo tài liệu của Hội Truyền Giáo ở Bắc Kỳ, chúng ta biết rằng Tôn Sĩ Nghị và các tướng nhà Thanh đã có những quan điểm rất “Tàu” khi họ chủ động gửi thư cho Nguyễn Huệ ấnđịnh sẽ giao tranh vào ngày mồng 6 AL – mà các giáo sĩ cho rằng đó là một ngày tốt [theo Trung Hoa] để xuất quân – nhưng Nguyễn Huệ đã tấn công ngay ngày Tết Nguyên Ðán khiến họ trở tay không kịp. Nhiều tài liệu cho thấy Tôn Sĩ Nghị đã nhận được một số thư “trần tình” của Nguyễn Huệ nên ra vẻ thiên triều khi y trả lời đối phương hãy “án binh bất động” để ra Tết y sẽ phân xử xem ai phải ai trái. Sử Trung Hoa thường nhấn mạnh đến yếu tố chủ quan khinh địch của họ Tôn như lý do chính khiến cho quân Thanh đại bại.
[241] Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (1995) tr. 586
[242] Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (1995) tr. 586
[243] Một chi tiết cũng khá quan trọng về trận đánh năm Kỷ Dậu là một câu văn viết bằng chữ Nôm – tương truyền là của Nguyễn Huệ khi ra Bắc – trích từ một tập hợp tài liệu nhan đề MinhÐô Sử do Lê Trọng Hàm và một số người trong Nam Việt Ðồng Thiên Hội sưu tầm trong khoảng từ 1922 đến 1930:
Ðánh cho để dài tóc,
Ðánh cho để đen răng.
Ðánh cho nó chích luân bất phản,
Ðánh cho nó phiến giáp bất hoàn.
Ðánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Tuy nhiên chính học giả Trần Văn Giáp cũng phải than rằng vì tính chất thiếu khoa học và xuất xứ mù mờ của nó “… nhiều người Quí công phu của các tác giả sách Minh đô sử, nhưng đến khi sử dụng một cách đúng đắn lại ngần ngại vô cùng”. Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm Tập 1 (in lần thứ hai). (1984) tr. 187.
[244] Lê Huy Dao, “Lữ Trung Ngâm” Nguyễn Cẩm Thuý, Nguyễn Phạm Hùng, Văn thơ Nôm thời Tây Sơn (1997) tr. 291-2
[245] một làng hoàn toàn theo đạo Thiên Chúa, được coi như thủ phủ của Xứ Nam (Vicariat du Tonkin occidental), một giáo khu quan trọng vào thế kỷ XVIII. Nơi đây có một trường dòngđào tạo nhiều nhà truyền giáo bản xứ (catechists) Xem thêm John R. Shortland, M.A. The Persecutions of Annam: A History of Christianity in Cochin China and Tonking (1875) tr. 85-9
[246] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu (1992) tr. 205-8
[247] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu (1992) tr. 205. Chi tiết này cho thấy đúng như báo cáo của quân Thanh, Tôn Sĩ Nghị hay biết việc tiến quân của Nguyễn Huệ nhưng đinh ninh rằng không dám đụng đến mình.
[248]KDANKL, quyển XII, tr. 24-25
[249]令其速行投至臣處軍營。當為奏請大皇帝施恩。寬其一綫生路。(Lệnh kỳ tốc hành đầu chí thần xứ quân doanh. Ðương vi tấu thỉnh đại hoàng đế thi ân. Khoan kỳ nhất tuyến sinh lộ]. KDANKL, quyển XII, tr. 25
[250] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 377
[251] Những báo cáo của Tôn Sĩ Nghị và các quan lại khác đều được soạn sau khi quân Thanh đại bại chạy về Trung Hoa nên chắc chắn không đúng sự thật và cố tình tìm những lý lẽ bào chữa cho sự bất tài của mình để chạy tội. Ngoài ra, chúng ta cũng không quên sau trận chiến Việt Thanh, các quan nhà Thanh cũng cảm nhận được chiều hướng mới của triều đình là giảng hoà với An Nam nên tìm cách vẽ nên một hình ảnh “Lê Duy Kỳ lười biếng, vô tài” để cho vua Cao Tông dễ chấp nhận. Hơn nữa, tất cả những báo cáo nội bộ của vua tôi Càn Long bên ta hoàn toàn không được biết nên họ muốn nói gì cũng được theo chiều hướng có lợi và chỉ có một phần sự thật mà thôi.
[252] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 378.
[253] Michael W. Charney trong Southeast Asian Warfare 1300-1900 (2004) tr. 96 viết khá kỹ về chiến thuật công thành (siege warfare) trong đó những hoả khí (pyrotechnic devices) được sử dụng tại Miến Ðiện. “ … During his siege of Chiengmai in 1557, Bayin-naung’s forces used incendiary devices to set fire to the upper works of the defenses. Rockets were also let off in great numbers to aid the siege. Rockets were an unreliable resource, however, and were easily rendered useless by rain while being transported to a siege. During the Burmese attack on Syriam in 1601, Ribeyro writes that the Burmese used “bomb of fire” in their assault …” [Trong lần vây hãm Chiengmai năm 1557, lực lượng của Bayin-naung dùng hoả khí để đốt các công sự thượng tầng của phe cố thủ. Hoả tiễn được bắn rất nhiều để phụ với quan quân. Tuy nhiên tên lửa không phải là một vũ khí đáng tin cậy vì thường mất hiệu dụng khi gặp mưa trong lúc vận chuyểnđến nơi công hãm. Trong lần người Miến đánh Syriam năm 1601, Ribeyro viết là phe Miến Ðiện dùng các “hoả cầu” để tấn công …]
[254] Không biết ở những đồn này súng ống được trang bị như thế nào nhưng sau trận đánh năm Kỷ Dậu – theo các giáo sĩ thì vua Quang Trung đã lấy được của địch quân “…2, 3000 cỗ đại bác và súng thần công (chiến pháo), không biết bao nhiêu là súng dài và khí giới khác nhau cùng với vô số tiền bạc và (đại khái) tất cả những vật liệu quí giá bắt được của quân Tàu …” để đem về Phú Xuân. Tuy nhiên cũng có thể một phần khí giới là của ông đem ra Bắc. Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu (1992) tr. 209-10.
[255] Ðối chiếu với những tài liệu rải rác, chúng ta thấy đây là một thế trận khá quen thuộc của những quốc gia dùng voi như một cánh quân tiền phong để tấn công vào một vị trí đóng quân cố định của địch. Súng đại bác loại nhỏ được chở trên lưng voi tiến trước để uy hiếp, kế đó là bộ binh, sau cùng là bộ phận chỉ huy thường đi bằng ngựa hay xe. Tuỳ theo khả năng kỹ thuật, thếtrận có thể thay đổi phần nào nhưng rõ ràng sức mạnh của tượng binh, đại pháo và súng điểu thương là lực lượng chủ yếu để phá vỡ phòng tuyến của địch, thường là hàng rào đất hay tre, bên ngoài có cắm chông, hào nước và địa lôi. Trên thực tế, khi chủ tướng cưỡi voi xung trận, mặc dầu ngồi trên cao có thể tạo nên một vẻ uy nghi khác thường và cũng dễ dàng quan sát bốn bề để chỉ huy nhưng cũng lại là cái đích cho địch quân tập trung hoả lực hay cung nỏ bắn vào. Một mục tiêu to lớn với nhiều đối tượng, từ người chủ soái đến quản tượng, ngay cả bản thân con vật sẽ khó có thể chịu đựng được lâu.
Trong trường hợp đó, khi tới gần nằm trong tầm đạn của địch chủ tướng thường phải xuống khỏi lưng voi, cưỡi ngựa hoặc đi bộ. Tuy nhiên, một khi quân lính không còn thấy chủ tướng trên bành chỉ huy thường có khuynh hướng hốt hoảng, dễ bỏ chạy nên việc xông xáo của Nguyễn Huệ không phải để chiến đấu mà là để trấn an các thuộc hạ. … During the actual fighting, the elephant provided the commander with a lofty but quickly movable seat from which he could watch all parts of the field and issue suitable orders as the tide of battle changed from time to time … But the use of the elephant in battle had an insoluble disadvantage as well. The king or his general, seated on the tallest elephant, presented a conspicuous target to the enemy’s gunners or even the horsemen whirling round him on swift horses. If the king was hit or had, for some reason, to dismount from that elephant and take horse, his empty howda at once convinced his troops all over the plain that their master was dead and they fled in panic. Or, if the mahout was shot off his seat the elephant could become uncontrollable … E. Jaiwant Paul, ‘By My Sword and Shield’ – traditional weapons of the Indian warrior (1995) tr. 107-8
[256] Ngô Cao Lãng, Lịch Triều Tạp Kỷ (1995) tr. 587
[257] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu (1992) tr. 208. Tuy Nguyễn Huệ là một cấp chỉ huy can đảm thường đi đầu sống chết với thuộc hạ nhưng việc ông xông lên múa song đao chém quân Thanh không những điên cuồng mà còn dại dột và tắc trách nên chỉ là một điều tưởng tượng.
[258] Quân Cơ Xứ, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 378.
[259] Theo tài liệu của Việt Nam, Nguyễn Huệ ra lệnh cho quân lấy ván ghép lại bên ngoài bọc rơm ướt để làm mộc chống với tên lửa che cho đại quân theo sau. Theo dã sử, quân Thanh bắn ra khiến voi của ta không tiến lên được, Nam quân phải dựng những bức tường rơm tẩm nước để tiến lên. Theo tài liệu của Trung Hoa thì “Nguyễn Huệ ra lệnh cho quân lính dùng rơm rạ kết lại thành từng bó lớn, lăn xả vào rồi quân lính núp ở sau tiến lên” Nguyên văn: 阮文惠命兵丁以禾稈綑紮成束,亂滾而前,勁兵隨後推進 (Nguyễn Văn Huệ mệnh binh đinh dĩ hoà cán khỗn trát thành thúc, loạn cổn nhi tiền, kính binh tuỳ hậu thôi tiến)
[260] Vào thời kỳ đó, thuốc súng (black powder) bao gồm 75% là potassium nitrate (saltpeter), 15% than (carbon) và 10% lưu huỳnh (sulfur), khi cháy ra rất nhiều khói. Thuốc súng mạnh hơn và không khói như các loại nitrocellulose, nitroglycerin, ballistite … chỉ mới được chế tạo vào thế kỷ XIX. (Harold S. Sharp, The Invention of Gunpowder – Footnotes to World History – The Scarecrow Press, Inc. Metuchen, N.J. & London 1979) tr. 117-8. Ngoài ra cũng có thể quân Thanh và quân Tây Sơn đã đốt loại khói độc (toxic smoke-bombs) tức hoả cầu (火毬) trong có chứa các loại thạch tín (arsenic tức phê sương 砒霜) mà thuỷ khấu rất thường sử dụng trong các trận đánh trên biển cả.
[261] Một điểm tuy không ghi trong sử nhưng cũng đáng cho chúng ta chú ý. Ðó là trong quân của Nguyễn Huệ có một số đông dư đảng của Thiên Ðịa Hội mới thua trận ở Ðài Loan [1788] chạy ra biển làm hải khấu đã được ông thu nạp. Chắc chắn khi sử dụng thành phần này, Nguyễn Huệ không thể không tìm hiểu về ưu và khuyết điểm của quân Thanh và chuẩn bị những phương thức khắc chế sở trường của địch từ kinh nghiệm của họ. Với những thuộc hạ như thế, có thể nói Nguyễn Huệ biết rõ về địch hơn là địch biết về ông.
[262]More threatening to the besieged were the walking, or rolling, forts employed to move attackers closer to the walls and, if they amounted to towers, to aid them in scaling the walls or firing over them. Michael W. Charney, Southeast Asian Warfare 1300-1900 (2004) tr. 98
[263]… After the introduction of firearms, however, defenders, firing muskets from protected positions, could wreak terrible damage on an ememy in the open field outside fortress walls. The logical reaction was for besiegers to provide as much protection as possible for their foot soldiers. Some soldiers could find ready cover behind tree trunks or on the inner slopes of dykes, but this would obviously pin a soldier down and prevent a complete rush to the walls. Michael W. Charney, Southeast Asian Warfare 1300-1900 (2004) tr. 97
[264] Theo báo cáo của phía quân Thanh, trong lần tử thủ này, quân ta phải nhiều lần tiến lên đánh theo lối tràn ngập nên tổn thất cũng không nhỏ. Theo báo cáo của tù binh sau khi trở về thì “quân của Nguyễn Văn Huệ chết chất thành đốngđâu phải chỉ vài ngàn mà thôi”.Trang Cát Phát: TTVC (1982) tr. 379
[265] Theo Ngụy Nguyên thì những tướng lãnh này bị chết khi tranh nhau quan cầu phao vượt sông Nhị Hà nên bị chết đuối. Ngụy Nguyên cũng viết là quân Nam đánh vào Thăng Long ngày mồng một Tết khi quân Thanh đang ăn cỗ. Thực ra mãi đến mồng 5 quân Tây Sơn mới đụng độ với quân Sầm Nghi Ðống tại Ðống Ða (sau này giỗ trận Ðống Ða vào ngày mồng 5). Việc miêu tả Tôn Sĩ Nghị còn đang yến ẩm thì quân ta kéo đến cũng là hư cấu vì trong mấy ngày liền các trận đánh càng lúc càng ác liệt, càng tới gần, quân Thanh lo chống trả còn chưa xong, không thể nào vui chơi ca hát được. Cũng không có việc quân ta kéo đến nhanh quá nên địch không biết gì cả.
[266] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu (1992) tr. 208.
[267] Khi tướng lãnh thấy tình hình quá bi đát, phải liều chết để bảo toàn danh tiết thì sai người mang ấn tín vượt vòng vây đem về như một dấu hiệu tận trung báo quốc.
[268] Vào thời kỳ đó, những dân tộc thiểu số dọc theo biên giới Hoa – Việt được tổ chức thành những đơn vị dân quân, trang bị súng điểu thương. Sở dĩ họ được trang bị súng vì nhà Thanh cho là dùng súng không linh hoạt và uy nghi như cung nỏ họ vẫn dùng nên đem các loại súng này (lấy được khi giao tranh với người Hồi) trang bị cho các dân tộc vùng núi. Cho đến nay, nhiều sắc dân tại vùng tây nam nước Tàu vẫn còn sử dụng những loại súng cổ điển này để tự vệ và săn bắn.
[269] Theo tài liệu nhà Thanh, số quân Ðiền Châu theo Sầm Nghi Ðống sang nước ta là hơn 2000 người nhưng một số chia ra đi theo các cánh quân thiểu số [mà họ gọi là di binh] ở Cao Bằng, Thái Nguyên để hỗ trợ cho Lê Duy Chỉ nên tại Ðống Ða chỉ khoảng 1000 người.
[270] Khi sứ thần nhà Thanh là Thành Lâm sang phong vương cũng có đến tế ở ngôi đền này.
[271] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu (1992) tr. 209. Trong các văn bản nôm còn giữ được có một bản văn tế “cúng dàng” quân Thanh chết trận thời Tây Sơn còn lưu lại đến ngày nay có viết: “… Ðiền châu thái thú đảm đương, Liều mình tử trận chiến trường nên công” xác nhận Sầm Nghi Ðống chết trận, đúng như lời khai của quân Thanh khi được trả về. [Xem Nguyễn Thị Lâm “Một Bài Văn Tế Tướng Sĩ nhà Thanh Tử Trận” (Thông báo Hán Nôm Học 2005, tr. 373-378) và “Văn cúng quân Thanh chết trận Ðống Ða: Tài liệu Nôm thời Tây Sơn” (Nghiên Cứu Lịch Sử 1997 – Số 2, 185, tháng 3-4)]
[272] Tài liệu của triều Nguyễn nói là cầu đứt nhưng theo chính lời tâu của Tôn Sĩ Nghị [văn thư đề ngày 15 tháng Hai năm Càn Long 54, Cung Trung Ðáng, hòm 2727, bao 226, số hiệu 56526] thì chính ông ta ra lệnh chặt cầu phao. Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược đã cố tình không đề cập đến chi tiết này mặc dù cũng dùng bản tấu thư nêu trên.
[273] Ngoại trừ Hứa Thế Hanh tử trận, các tướng lãnh khác chết ra sao không có tài liệu nào ghi chép rõ rệt. Theo Thánh Vũ Ký (聖武記) trang 188 thì “Tôn Sĩ Nghị sau khi qua được sông Phú Lương rồi, lập tức chặt đứt cầu phao đoạn hậu, những người còn ở bờ sông phía nam như đề đốc Hứa Thế Hanh, tổng binh Trương Triều Long trở xuống và phu dịch hơn một vạn người (?) rơi xuống sông chết đuối”. Theo cuốn Trường Phát Di Nhân (長髮夷人) của Trung Hoa thì lại viết rằng “cầu phao bị giặc chặt gãy nên một số quan binh không còn đường chạy đành lộn trở lại phía Lê thành tử chiến nên bị giặc sát hại”. Chú thích 88 của Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 412.
[274] Quân Cơ Xứ, CCBVB. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 379.
[275]Minh Thanh sử liệu, thiên Canh, bản thứ 2, tr. 108 (bản sao tấu chương Tổng đốc Lưỡng Quảng của bộ Lễ). Dẫn theo Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 379.
[276]KDANKL, quyển XIII, trang 3 (bản dịch Nguyễn Duy Chính)
[277] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 379-80
[278] Quân Cơ Xứ, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 380.
[279] Những tài liệu mới đây cho thấy Ngụy Nguyên (Thánh Vũ Ký – Càn Long Chinh Vũ An Nam Ký) viết nhiều chỗ hoàn toàn sai sự thực. Các tướng Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long… theo Ngụy Nguyên thì chết đuối nhưng thực ra đều chết trận vì bị bỏ lại phía nam sông Nhĩ Hà không qua được sông (hoặc có thể đã chết từ trước).
[280]CM II, XLVII (1998) tr. 847-8
[281] Cung Trung Ðáng, CCBVV. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 380
[282] Chúng ta cũng không thể không dè dặt khi sách vở nước ta có khuynh hướng thổi phồng những gì không nắm vững, nghĩ rằng địch càng nhiều thì chiến thắng càng vinh quang mà quênđi những yếu tố thực tế như tổ chức quân sự của nhà Thanh, phương pháp điều động, tiếp liệu, trang bị của một đoàn quân chính qui.
[283] nguyên văn 應由其一人賠補 – ứng do kỳ nhất nhân bồi bổ. Thực ra đến 1,346,508 lượng như đã viết ở trên nhưng chắc khi đó Tôn Sĩ Nghị chưa có những con số chính thức, tưởng chỉ tốn vài chục vạn lượng.
[284] Tôn Sĩ Nghị vẫn được liệt vào hàng “thanh liêm” trong đám vây cánh của Hoà Khôn nhưng xem ra ông ta cũng không phải là “nghèo” như chúng ta tưởng.
[285] Cung Trung Ðáng, CCBVV. Tấu thư của Tôn Sĩ Nghị đề ngày 23 tháng Giêng năm Càn Long 54 [17-2-1789]. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 381
[286] Lai Phúc Thuận, QNNC (1984) tr. 430
[287] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 380
[288] Về số đài trạm mà quân Thanh thiết lập từ Vân Nam theo tấu thư của Phú Cương thì từ Mã Bạch đến An Biên là 11 trạm, từ An Biên đến Tuyên Quang là 14 trạm, từ Tuyên Quang đến Thăng Long hơn 10 trạm. KDANKL, quyển XI, tr. 26
[289] Tôn Sĩ Nghị vốn dĩ định sau khi chiếm được Thăng Long rồi sẽ đem quân đánh vào Quảng Nam nên đã dự bị thủy lục hai mặt, quân thủy nửa tháng sau sẽ qua nhưng vì thuyền lớn qua không được mà cửa sông Nhĩ Hà thì quân ta đã chặn rồi nên ra lệnh cho đóng 40 chiến thuyền, đủ sức chở 2,000 quân, lập thêm 25, 26 trạm trên bộ cách nhau chừng 8, 90 dặm, ngoài ra còn xây thêm 53 trạm lương thực từ Thăng Long vào Phú Xuân. Tuy nhiên khi Tôn Sĩ Nghị bị thua ở Thăng Long thì những công tác này không thực hiện được.
[290] Cung Trung Ðáng, CCBVV, tấu triệp của Tôn Vĩnh Thanh đề ngày 14 tháng Giêng năm Càn Long 54. Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 380-1
[291] Lai Phúc Thuận, QNNC (1984) tr. 145
[292] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu (1992) tr.208
[293] Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ …”. Một Vài Sử Liệu (1992) tr.209
[294] Thượng dụ gửi Phúc Khang An. KDANKL, quyển XIII, tr. 29a
[295]Cao Tông thực lục, quyển 1369 (Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1986) tr. 374 (trong sách đánh số nhầm là quyển 1370). Quách Chấn Phong, Trương Tiếu Mai, Việt Nam Thông Sử (2001) tr. 526
[296] Lai Phúc Thuận, QNNC (1984) tr. 409-10. Theo qui chế nhà Thanh dân phu bị chết trong chiến dịch này không được hưởng trợ cấp tử tuất, vừa để giảm thiểu chi phí cho triều đình, vừađể thu hẹp tổn thất. Ðó chính là chênh lệch trong hai cách tính của Việt và Thanh. Ðối với chúng ta, bất cứ người nào đi theo đoàn quân Tôn Sĩ Nghị thì đều là “quân Tàu”, không phân biệt. Ðây là điểm quan trọng cần lưu ý khi nói đến số quân Thanh sang đánh nước ta cũng như thiệt hại của họ.
[297] Theo một số tài liệu, xác người Thanh được gom lại chôn tập thể thành 12 gò ở ngoại ô Thăng Long. Tuy nhiên có lẽ đây chỉ là một phần nhỏ vì dù cho mỗi gò có khoảng 200 xác thì cũng chỉ độ hơn 2000 người.
[298] Trang Cát Phát, TTVC (1982) tr. 375
[299] “All war require movement, but for settled peoples even short-range moves impose difficulties” John Keegan, A History Of Warfare (1994) tr. 164
[300] Một chi tiết chép trong ngoại sử đáng chú ý: … Ông Quang Trung thấy chỉ (tức hịch của nhà Thanh) nói xấc xược thể ấy thì giận quá. Có bao nhiêu binh sĩ sẵn thì đem đi tức thì, cho đượcđánh quân Ðại Minh (thực ra là quân Thanh nhưng khi đó miền Nam quen gọi người Trung Hoa là người Minh). Ông ấy đi vội vàng bất phân nhựt dạ (ngày đêm) cho nên trong 15 ngày thì đãđến Vân Làng, là nơi quân Ngô đã đóng trại, cùng xông vào đánh quân ấy xuất kỳ bất ý. Vốn khi trước, ông Quang Trung đánh được nhiều trận cả thể và đã giết nhiều quân giặc; song le chẳng bao giờ được trận cả thể cùng giết nhiều giặc cho bằng lần nầy. Vì chưng nơi hai bên giao chiến với nhau thì đầy những bùn lầy; mà quân Ngô thì mặc nhiều áo, cùng gánh lương thực và khí giái (giới), nó lại dùng những giày nặng nề, cho nên hễ bước xuống bùn, thì chịu phép mà thôi, không thể nào mà rút chân lên được.
Còn quân An Nam thì đi chơn (chân) không, mặc áo nhẹ và cầm gươm giáo mà thôi, thì đánh quân Ngô chẳng khác gì đánh giống ngoại vật; lại nó mắc lầy chẳng giết đặng người An Nam nào. Vã (sic) lại ông Quang Trung đem nhiều voi, mà quân Ngô chẳng quen đánh thể ấy; cho nên khi thấy voi thì sợ mà tìm đàng trốn hết. Vậy những quân Ngô bị tử trận hay là phải chết đói khi trốn dọc đàng thì hằng hà sa số. Còn lính An Nam tữ (sic) trận không đầy hai trăm (?). Bao nhiêu lương thực và những đồ khí giái, vàng bạc quân Ngô đã đem sang thì lính An Nam lấy đặng cả, mà các giống ấy thì nhiều lắm, vì chừng bảy mươi con ngựa mới chở hết những vàng bạc quân ấy bỏ lại … Sử Ký Ðại Nam Việt (in lần thứ năm) 1909) [Sài gòn: Nhà In Nhà Dòng Tân Ðịnh (Imprimerie de la mission à Tân Ðịnh), 1909 (nhóm Nghiên Cứu Sử Ðịa xuất bản tại Sài gòn 1974, tái bản theo lối chụp ảnh tại Montréal, 1986) tr. 42-3. Chúng tôi chỉ trích dẫn về tin đồn mà giới thừa sai ghi nhận, những chi tiết khác trong sách này nhiều chỗ sai lầm cả về địa danh cũng như nhân danh, niên hiệu.
Còn quân An Nam thì đi chơn (chân) không, mặc áo nhẹ và cầm gươm giáo mà thôi, thì đánh quân Ngô chẳng khác gì đánh giống ngoại vật; lại nó mắc lầy chẳng giết đặng người An Nam nào. Vã (sic) lại ông Quang Trung đem nhiều voi, mà quân Ngô chẳng quen đánh thể ấy; cho nên khi thấy voi thì sợ mà tìm đàng trốn hết. Vậy những quân Ngô bị tử trận hay là phải chết đói khi trốn dọc đàng thì hằng hà sa số. Còn lính An Nam tữ (sic) trận không đầy hai trăm (?). Bao nhiêu lương thực và những đồ khí giái, vàng bạc quân Ngô đã đem sang thì lính An Nam lấy đặng cả, mà các giống ấy thì nhiều lắm, vì chừng bảy mươi con ngựa mới chở hết những vàng bạc quân ấy bỏ lại … Sử Ký Ðại Nam Việt (in lần thứ năm) 1909) [Sài gòn: Nhà In Nhà Dòng Tân Ðịnh (Imprimerie de la mission à Tân Ðịnh), 1909 (nhóm Nghiên Cứu Sử Ðịa xuất bản tại Sài gòn 1974, tái bản theo lối chụp ảnh tại Montréal, 1986) tr. 42-3. Chúng tôi chỉ trích dẫn về tin đồn mà giới thừa sai ghi nhận, những chi tiết khác trong sách này nhiều chỗ sai lầm cả về địa danh cũng như nhân danh, niên hiệu.
[301] Maurice Collis đã trích lại một
bản tường thuật trên tờ Chinese Repository tháng 8 năm 1836 nhận định
về quân lực nhà Thanh [tuy cách sự việc vài chục năm] mà chúng tôi
nghĩ rằng khá chính xác như sau: Quân đội Trung Hoa, từ thời điểm mà họ phát minh ra thuốc súng năm 1275 đến nay [1836] không khác nhau mấy [từ đời Tống sang đời Thanh khoảng hơn 500 năm]. Các giáo sĩ dòng Tên [Jesuits] hồi thế kỷ XVII và XVIII hẳn đã đúc cho các vị Hoàng đế nhiều đại pháo tốt, nhưng không biết vì lý do gì mà họ không bắt chước nên các súng lớn họ sử dụng thường bị vỡ tung khiến pháo thủ còn nguy hiểm hơn cả kẻ thù. Nếu súng không bể thì cũng bởi vì họ dùng loại thuốc đạn phẩm chất kém nhất, mà chứng cớ rõ rệt nhất là khi hai chiến hạm Andromache và Imogene tấn công Hổ Môn (Bogue) năm 1834, người ta thấy tận mắt là nhiều viên đạn trúng thành tàu chỉ dội ra, nếu bắn xa được tới đó, mà chỉ một số ít vì ngay cả nhắm thẳng, hầu hết cũng không tới và có khi còn rơi ngay trước nòng súng. Thuốc súng, họ bảo rằng, do một nhà thầu địa phương cung cấp (và những ai có chút kinh nghiệm thì biết ngay nhà thầuđịa phương ở Á Ðông làm ăn ra sao rồi). Chính vì thế mà trận đánh chỉ làm các chiến thuyền này thiệt hại có hai người, trong khi có đến 300 đại pháo trang bị cho pháo đài Bogue và chiến hạm đã phải theo thuỷ triều để cự lại một luồng gió bấc nên tiến vào vùng hẹp nhất. Và pháo đài Hổ Môn (Bogue) là chiến luỹ kiên cố nhất trên toàn cõi Trung Hoa.
Còn đạo quân trú đóng ở Quảng Châu (Canton) thì chỉ để trình diễn (stage army). Bạn có thể bắt gặp mỗi khi thả bộ tới công đường. Ðội quân này do một gã “trông như cu li, chân quấn xà cạp, tay cầm quạt, có khi thêm một cái roi mây”. Nếu bạn đi với vài người ngoại quốc nữa và ra vẻ như muốn đệ thỉnh nguyện thư thì công sai sẽ bước ra. Họ đi từng người một “không quân phục, không võ trang, không sửa soạn và đang ngái ngủ”. Trong đám đó có một cấp chỉ huy và thường là “viên chức cao cấp nhất có thể gặp được”. Y ra lệnh cho lính gác mặc quân phục lấy trong đống quần áo vừa đem ra. Khi ăn vận rồi trông họ tươm tất hơn, trên ngực và sau lưng có thêu chữ đen trên nền vàng một chữ dũng. Kiếm của họ thì han rỉ đến nỗi rất khó khăn mỗi khi rút ra. Ðây là quân chính qui và không nhiều vì khi khẩn cấp cần binh lính sẽ phải đi thuê thêm tính theo ngày … Maurice Collis. Foreign Mud: being an account of the Opium Imbroglio at Canton in the 1830’s and the Anglo-Chinese War that followed. (1946) (reprinted 1969) tr. 187-8
Còn đạo quân trú đóng ở Quảng Châu (Canton) thì chỉ để trình diễn (stage army). Bạn có thể bắt gặp mỗi khi thả bộ tới công đường. Ðội quân này do một gã “trông như cu li, chân quấn xà cạp, tay cầm quạt, có khi thêm một cái roi mây”. Nếu bạn đi với vài người ngoại quốc nữa và ra vẻ như muốn đệ thỉnh nguyện thư thì công sai sẽ bước ra. Họ đi từng người một “không quân phục, không võ trang, không sửa soạn và đang ngái ngủ”. Trong đám đó có một cấp chỉ huy và thường là “viên chức cao cấp nhất có thể gặp được”. Y ra lệnh cho lính gác mặc quân phục lấy trong đống quần áo vừa đem ra. Khi ăn vận rồi trông họ tươm tất hơn, trên ngực và sau lưng có thêu chữ đen trên nền vàng một chữ dũng. Kiếm của họ thì han rỉ đến nỗi rất khó khăn mỗi khi rút ra. Ðây là quân chính qui và không nhiều vì khi khẩn cấp cần binh lính sẽ phải đi thuê thêm tính theo ngày … Maurice Collis. Foreign Mud: being an account of the Opium Imbroglio at Canton in the 1830’s and the Anglo-Chinese War that followed. (1946) (reprinted 1969) tr. 187-8
[302] Theo lá thư của M. Le Roy viết cho giáo sĩ Blandin ngày 8 tháng 7 năm 1789 thì “Ces
soldats chinois portaient tout avec eux, comme ce sage de la Grèce qui
disait omnia mecum porto, leurs pipes, leurs vasselles et autres meubles
de marmiton leur pendant à la ceinture; ils sont soldats, marchands,
médecins, marmitons […]; de pareilles armes ne sont guère d’usage au
fort d’un combat…” Alain Forest: Les Missionaires Francais au Tonkin et au Siam (1998) tr. 119
[303] Ðặng Phương Nghi, “Triều đại vua Quang Trung …” Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 233.
[304] Ðặng Phương Nghi, “Triều đại vua Quang Trung …” Một Vài Sử Liệu … (1992) tr. 233-34
[305]… une nombreuse armée chinoise
étant venue au Tonquin pour rétablir sur le throne l’ancienne famille Lé
qui s’était réfugiée à Pékin, Quang trung qui pour lors était en
Cochin-Chine apprenant l’arrivée de cette armée chinoise accourut au
Tonquin seulement avec quelques centaines de soldats, il marchait jours
et nuits ramassant sur sa route par force tous les hommes en état de
porter les armes, il n’avait d’autres provisions que celles qui se
trouvoient dans les villages par où il passait, il faisait couper la
tête à tous ceux qui refussaient de le suivre, et bruloit lês maisons de
ceuxdes habitans qui ne mettaient pas à la disposition de ses troupes,
du riz des buffles et des cochons, souvent de rage et de colère il
faisait tuer devant lui les hommes et les chevaux qui ne pouvoient pas
marcher … [ … khi nghe tin Trung Hoa đưa một đạo quân đông đảo sang
Bắc Hà để lập lại ngôi vua cho dòng họ Lê hiện đang lánh nạn tại Bắc
Kinh, Quang Trung lập tức đem vài trăm quân rong ruổi ngày đêm và cưỡng
bách ngay trên đường đi tất cả những ai có thể chiến đấu được, lương
thực thì không gì khác hơn là của dận chúng những làng mạcông đi ngang,
ai không theo sẽ bị chặt đầu, ai chống lại sẽ bị đốt nhà và tịch thu
thóc gạo, trâu bò, lợn và giận dữ giết ngay người ngựa nào không đủ sức
bước đi …] Charles B. Maybon, La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine de Mr de la Bissachère (1919) tr. 132
[306] một tấm hình của hoạ sĩ William
Alexander vẽ một người lính Ðàng Trong năm 1792 cho chúng ta những chi
tiết đáng chú ý về y phục của quân Tây Sơn.
[307] Theo những nhà nghiên cứu, binh
sĩ chỉ có thể mang theo mình lương thực 10 ngày là tối đa, hành quân lâu
hơn phải có một hệ thống tiếp liệu. Lính tập và các đơn vị binh
sĩ người Việt thời Pháp thuộc mang gạo bằng những ruột tượng bắt chéo
trên vai xuống hông.
[308] Chính niềm tin rằng Thăng Long
không còn xứng đáng là thủ đô nữa nên về sau Nguyễn Huệ đã khẩn khoản
xin nhà Thanh xuống Nghệ An để phong vương. Trong những thư từ qua lại
với Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ cũng chủ yếu nhờ ông xem đất để xây
cung điện chứ không phải muốn dùng ông vì tài kinh bang tế thế.
[309] Theo nhiều nguồn, đoàn quân tân tuyển lại chính là lực lượng trung quân do ông chỉ huy.
Một tướng lãnh kinh nghiệm không ai dại gì điều động một đoàn quân mới
góp nhặt, thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Chỉ có thể là ưu binh Thanh Nghệ
hiện cư ngụ tại bản quán mới có khả năng vua Quang Trung đòi hỏi.
[310] Trên một số hoạt động thì hải phỉ cũng chính là tầng lớp thương nhân, mua qua bán lại những món hàng có lời nhiều.
[311] KDANKL, quyển III, tr. 1
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tạp chí
– Nam Phong Tạp Chí [Ấn Bản Ðiện Tử] Viện Việt Học, 2009, California, USA.
– Nghiên Cứu Huế, tập năm 2003. Trung Tâm Nghiên Cứu Huế, 2003, Thừa Thiên.
– Nghiên Cứu Lịch Sử, 1997 – Số 2, 185, tháng 3-4. Viện Sử Học (UBKHXHVN), Hà Nội.
– Tập san Sử-Ðịa [9-10] 1968, [13] 1-3, 1969, [21] 1-3, 1971, [26] 1-3, 1974, Saigon.
– Tạp Chí Hán Nôm 2 (5), 1988, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm (UBKHXHVN), Hà Nội.
– Tạp Chí Nghiên Cứu và Phát Triển, số 4(38). 2002, Huế.
– Thông báo Hán Nôm Học năm 2005, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm (UBKHXHVN), 2006, Hà Nội.
Từ Ðiển
– Cổ Hán Ngữ Thường Dụng Tự Tự Ðiển (古漢語常用字字典) Phồn Thể Tự Bản (繁體字本). Bắc Kinh: Thương Vụ Ấn Thư Quán, 2000.
– Cổ Ðại Hán Ngữ Từ Ðiển (古代汉语词典). Bắc Kinh: Thương Vụ Ấn Thư Quán, 1998.
– Hummel, Arthur W. (chủ biên) Eminent Chinese of the Ch’ing Period (1644-1912) (清代名人傳略) Taipei: Ch’eng Wen Publishing Company, 1970. (in lại theo bản của chính phủ Mỹ, Washington 1943)
– La, Trúc Phong (罗竹风) chủ biên. Hán Ngữ Ðại Từ Ðiển (漢語大詞典). Thượng Hải: Thượng Hải Từ Thư Xuất Bản Xã, 1986.
– Lã, Tông Lực (呂宗力) chủ biên. Trung Quốc Lịch Ðại Quan Chế Ðại Từ Ðiển (中國歷代官制大辭典) (2nd ed.). Bắc Kinh: Bắc Kinh xb xã, 1995.
– Ðàm Kỳ Tương 潭其驤 (chủ biên). Trung Quốc Lịch Sử Ðịa Ðồ Tập (中國曆 史地圖集) (8 quyển). Bắc Kinh: Trung Quốc Ðịa Ðồ xb xã, 1996.
– Ðào, Duy Anh. Hán Việt Từ Ðiển (漢越辭典) [in lần thứ ba]. Saigon: Trường Thi, 1957
– Phương, Thi Danh. Niên Biểu Lịch Sử Trung Quốc. Nguyễn Liên Hoàn (dịch). Hà Nội: Thế Giới, 2001.
– Tạ, Mẫn Hoa, Uông Hiển Huy 謝敏華,汪顯輝 (chủ biên). Trung Hoa Thành Ngữ Ðiển Cố Ðại Toàn 中華成語典故大全( 4 vol.). Cát Lâm: Cát Lâm nhiếp ảnh xuất bản xã, 2003.
– Tang, Lệ Hoà (臧勵龢) (chủ biên). Trung Quốc Cổ Kim Ðịa Danh Ðại Từ Ðiển (中國古今地 名大辭典) (in lần thứ hai). Hương Cảng: Thương Vụ ấn thư quán, 1982.
– Tang, Lệ Hòa (臧勵龢) chủ biên. Trung Quốc Nhân Danh Ðại Từ Ðiển (中國人名大辭典). [bản tăng bổ lần thứ 2] Ðài Bắc: Ðài Loan Thương Vụ Ấn Thư Quán, 1979.
– Tchang, Le P. Mathias. Synchronismes Chinois. Chang-hai: Imprimerie de la Mission Catholique, 1905. (reprinted by Ch’eng-wen Publishing Co., Taipei, 1967)
– Trần, Văn Chánh. Từ Ðiển Hán Việt: Hán Ngữ Cổ Ðại và Hiện Ðại (in lần thứ hai). tpHCM: Trẻ, 2001
– Trịnh, Thiên Ðĩnh (鄭天挺) (chủ biên). Trung Quốc Lịch Sử Ðại Từ Ðiển (中國歷史大辭典) (thượng và hạ). Thượng Hải: Thượng Hải từ thư xb xã, 2000.
Việt Văn
– Borri, Cristophoro. (Hồng Nhuệ dịch) Tường Trình Về Khu Truyền Giáo Ðàng Trong 1631. Thăng Long, không rõ năm.
– Hoa Bằng. Quang Trung Nguyễn Huệ, Anh Hùng Dân Tộc 1788-1792. Saigon: Thư Lãm Ấn Thư Quán, 1958.
– Hoàng, Xuân Hãn. La Sơn Phu Tử. Saigon: Minh Tân, 1952
– Hoàng, Xuân Hãn. La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, [ba tập]. Hữu Ngọc – Nguyễn Ðức Hiền (sưu tập). Hà Nội: nxb Giáo Dục, 1998.
– Hồ, Bạch Thảo (dịch). Thanh Thực Lục: Quan hệ Thanh – Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. Hà Nội: Hà Nội, 2010.
– Hoàng, Văn Hoè (dịch). Ðại Việt Quốc Thư. Saigon: Trung Tâm Học Liệu Bộ Giáo Dục, 1972.
– Mai, Quốc Liên (chủ biên). Ngô Thì Nhậm tác phẩm (4 quyển) Hà Nội: nxb Văn Học, 2001-2
– Một Nhóm Học Giả. Một Vài Sử Liệu về Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Cali.: Ðại Nam, 1992.
– Ngô Gia Văn Phái. Hoàng Lê Nhất Thống Chí (bản dịch Nguyễn Ðức Vân – Kiều Thu Hoạch) Hà Nội: nxb Văn Học, 2002.
– Ngô, Cao Lãng. Lịch Triều Tạp Kỷ (bản dịch Hoa Bằng và Hoàng Văn Lâu) Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 1995.
– Ngô, Thời Chí. Hoàng Lê Nhất Thống Chí (bản dịch Ngô Tất Tố) Saigon: Phong Trào Văn Hóa tái bản, 1969.
– Nguyễn, Anh Huy. Lịch Sử Tiền Tệ Việt Nam: Sơ Truy và Lược Khảo. [越南古錢學初考] (An Initial Researching Into Vietnamese Numismatics). tpHCM: VHSG, 2010.
– Nguyễn, Cẩm Thuý, Nguyễn Phạm Hùng. Văn thơ Nôm thời Tây Sơn. tpHCM: KHXH, 1997.
– Nguyễn, Khắc Ngữ. Bộ Sưu Tập Bản Ðồ Cổ Việt Nam. Montréal: Nhóm Nghiên Cứu Sử Ðịa Việt Nam, 1987.
– Nguyễn, Lương Bích – Phạm Ngọc Phụng. Tìm Hiểu Thiên Tài Quân Sự của Nguyễn Huệ . Hà Nội: nxb QDND, 1971
– Nguyễn, Thu. Lê Quí Kỷ Sự (Hoa Bằng dịch, Văn Tân hiệu đính). Hà Nội: KHXH, 1974.
– Phạm, Văn Thắm (dịch). Lê Quí Dật Sử. Hà Nội: Khoa Học Xã Hội, 1987
– Phú Xuân Thuận Hóa thời Tây Sơn (nhiều tác giả). Kỷ Yếu Hội Thảo Khoa Học Huế: nxb Thuận Hoá, 2001.
– Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Khâm định Việt sử thông giám cương mục I, II (bản dịch Viện Sử Học). Hà Nội: nxb Giáo Dục, 1998.
– Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện: Nhà Tây Sơn (bản dịch Tạ Quang Phát) Saigon: Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá, 1970.
– Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Ðại Nam Liệt Truyện tập II (Ngô Hữu Tạo, Ðỗ Mộng Khương dịch). Huế: nxb Thuận Hoá, 1997.
– Sử Ký Ðại Nam Việt (in lần thứ năm, 1909) [Sài gòn: Nhà In Nhà Dòng Tân Ðịnh (Imprimerie de la mission à Tân Ðịnh)] (nhóm Nghiên Cứu Sử Ðịa xuất bản tại Sài gòn 1974, tái bản theo lối chụp ảnh tại Montréal, 1986)
– Tạ Quang Phát (dịch), Nhà Tây Sơn (Ðại Nam chính biên liệt truyện – Nguỵ Tây liệt truyện) Saigon: Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá, 1970
– Tạ, Quang Phát (dịch). Tây Sơn Thuật Lược (西山術略). Saigon: Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá, 1971
– Trần, Văn Giáp. Tìm Hiểu Kho Sách Hán Nôm, tập I (in lần thứ hai). Hà Nội: Văn Hóa, 1984.
– Uỷ Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam. Lịch Sử Việt Nam (tập I) Hà Nội: nxb KHXH, 1976
– Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Ðịa Chí Thừa Thiên Huế – Phần Lịch sử . Hà Nội: nxb Khoa Học Xã Hội, 2005.
– Viên Mai. Tùy Viên Thi Thoại [Trương Ðình Chi dịch] tpHCM: nxb Văn Nghệ, 2002
Anh Văn
– Amranand, Ping và William Warren. The Elephant in Thai Life & Legend. Bangkok: Monsoon Editions, Ltd.,1998.
– Antony, Robert J. Like Froth Floating on the Sea: The World of Pirates and Seafarers in Late Imperial South China. Berkeley: Institute of East Asian Studies, UC Berkeley, 2003.
– Bạch, Thọ Di (Bai Shouyi – 白壽彝). An Outline History of China (Trung Quốc Thông Sử Cương Yếu). Bắc Kinh: Trung Quốc Quốc Tế Thư Ðiếm, 1982.
– Barnes, Thomas J. Tay Son, Rebellion in 18th Century Vietnam. Xlibris Corporation, 2000.
– Barrow, John. A Voyage To Cochinchina. Kuala Lumpur: Oxford University, 1975 (in theo lối chụp ảnh nguyên bản năm 1806)
– Black, Jeremy. War, Past, Present & Future. New York: St Martin’s Press, 2000.
– Brighton Borough Council. William Alexander: An English Artist in Imperial China. Brighton: Nottingham University Art Gallery, 1981.
– Chakrabonse, Chula. Lords of Life: A History of the Kings of Thailand (2nd Ed). London: Alvin Redman, 1967
– Charney, Michael W. Southeast Asian Warfare 1300-1900. Netherlands: Brill Leiden Boston, 2004.
– Collis, Maurice. Foreign Mud: being an account of the Opium Imbroglio at Canton in the 1830’s and the Anglo-Chinese War that followed. London: Faber and Faber Limited, 1946 (reprinted 1969 by John Dickens & Co Ltd Northampton)
– Crawfurd, John. Journal of an Embassy from the Governor-General of India to the Courts of Siam and Cochin China exhibiting a view of the Actual State of those Kingdoms. New Delhi: Asian Educational Services, 2000 (chụp lại nguyên bản London, 1828)
– Crawfurd, John. Journal of an Embassy to the Courts of Siam and Cochin China. Kuala Lumpur and London: Oxford University Press, 1967.
– Creveld, Martin Van. Supplying War: Logistics from Wallenstein to Patton. Cambridge: Cambridge University Press, 1992
– Do, Phuong Quynh. Arts and Handicrafts of Viet Nam. Hanoi: The Gioi (Foreign Languages Publishing House), 1992
– Dutton, George. The Tây Sơn Uprising – Society and Rebellion in Eighteenth-Century Vietnam. Honolulu: University of Hawai’i Press, 2006.
– Dyer, Gwynne. War. New York: Crown Publishers, Inc., 1985.
– Fairbank, John K. (chủ biên) The Chinese World Order. (2nd printing) Mass: Harvard University Press, 1968.
– Fairbank, John K., Reischauer and Craig: East Asia – Tradition and Transformation. Harvard University, Houghton Mifflin Co., 1973.
– Fitzgerald, C.P. The Southern Expansion of the Chinese People. New York-Washington: Praeger Publishers, 1972.
– Graff, David A. và Robin Higham. A Military History of China. Boulder, Colorado: Westview Press, 2002.
– Griess, Thomas E. (ed.) Ancient and Medieval Warfare (The West Point Military History Series). Department of History, US Military Academy, West Point, New York. New Jersey: Avery Publishing Group Inc., 1984
– Hanes, W. Travis III v Frank Sanello. The Opium Wars. Illinois: SourceBooks, Inc. 2002.
– Heath, Ian. Armies of the Nineteenth Century: Asia (V. 2: China). Great Britain: Foundry Books, 1998.
– Heath, Ian. Armies of the Nineteenth Century: Asia (V. 4 – Burma and Indo-China). Great Britain: Foundry Books, 2003.
– Hintz, Martin. Tons of Fun Training Elephants. New York: Julian Messner, 1982
– Hocquard, Eùdouard. War and Peace in Hanoi and Tonkin (A Field Report of the Franco-Chinese War and on Customs and Beliefs of the Vietnamese 1884-1885) Bangkok: White Lotus Press, 1999. (dịch từ nguyên tác Trente Mois au Tonkin trong bộ Le Tour du Monde, Vols. 57-61, 1889-91, Paris)
– Keegan, John. A History Of Warfare. New York: Alfred A. Knopf, 1994
– Lach, Donald F. Asia in the Making of Europe (4 vol.) Chicago: The University of Chicago Press, 1993.
– Lamb, Alastair. Asian Frontiers – Studies in a Continuing Problem. New York-Washington-London: Frederick A. Praeger, Publishers, 1968.
– Lamb, Alastair. The Mandarin Road to Old Hué. London: Chatto & Windus, 1970
– Latourette, Kenneth Scott. The Chinese, Their History and Culture (7th ed.) New York: The Macmillan Co., 1968.
– Legouix, Susan. Image of China: William Alexander. London: Jupiter Books, 1980.
– Lewis, E. Jon (ed.) The Mammoth Book of Soldiers at War: Firsthand accounts of warfare from the Age of Napoleon. New York: Carrol & Graf Publishers, Inc. 2001.
– Majumdar, R.C. Champa, History & Culture of an Indian Colonial Kingdom in the Far East 2nd-16th Century A.D. New Delhi: Gyan Publishing House, 1985.
– Murray, Dian H. Prirates Of The South China Coast 1790-1810. Calif.: Stanford University Press, 1987.
– National Museum of Chinese History. A Journey Into China’s Antiquity (4 volumes). Beijing: Morning Glory Publishers, 1997
– Ngaosrivathana, Mayoury và Kennon Breazeale (ed.). Breaking New Ground In Laos History. Chiang Mai: Silkworm Books, 2002
– Ngaosyvathn, Mayoury và Pheuiphanh Ngaosyvathn. Paths to Conflagration: Fifty Years of Diplomacy and Warfare in Laos, Thailand, and Vietnam, 1778-1828. New York: Cornell Southeast Asia Program Publications, 1998.
– Paludan, Ann. Chronicle of the Chinese Emperors. New York: Thames & Hudson, 1998.
– Parker, Geoffrey. The Military Revolution – Military innovation and the rise of the West 1500-1800. Cambridge: Cambridge University Press, 1996.
– Parker, Geoffrey. The Military Revolution: Military innovation and the rise of the West 1500-1800. Cambridge: Cambridge University Press, 1996
– Paul, E. Jaiwant, By My Sword and Shield – traditional weapons of the Indian warrior. (Lotus Collection) New Delhi: Roli Books, 1995.
– Peers, Chris, Christa Hook. Late Imperial Chinese Armies 1520-1840. London: Reed International Book Ltd, 1997.
– Peterson, Willard J. (ed.) The Cambridge History of China, Vol. 9, Part One: The Ch’ing Dynasty to 1800. Cambridge University Press, 2002
– Pluvier, Jan M. Historical Atlas of South-East Asia. New York: E. J. Brill, 1995.
– Reid, Anthony. Southeast Asia in the Age of Commerce 1450-1680 (volume II) New Haven, London: Yale University Press, 1993
– Reid, Anthony. Southeast Asia in the Age of Commerce 1450-1680. (vol I) New Haven, London: Yale University Press, 1988.
– Shortland, John R., M.A. The Persecutions of Annam: A History of Christianity in Cochin China and Tonking. London: Burns and Oates, 1875
– Simms, Peter và Sanda Simms. The Kingdoms of Laos: Six Hundred Years of History. Richmond: Curzon Press, 1999
– Singh, Sarva Daman. Ancient Indian Warfare. Delhi: Motilal Banarsidass Publishers, 1997
– Smith, Bradley và Wan-go Weng. China: A History in Art. Doubleday & Company, Inc., không đề năm.
– Spencer, Jonathan D. In Search for Modern China. New York : W.W. Norton & Co., 1990.
– Steinberg David J. (ed.). In Search of Southeast Asia. Hawaii: University of Hawaii Press, 1987.
– Sun, Laichen, “Military Technology Transfers from Ming China and the Emergence of Northern Mainland Southeast Asia (c. 1390-1527)” Journal of Southeast Asian Studies, vol. 34, 3 (10-2003)
– Tana, Li. Nguyễn Cochinchina: Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries. New York: Cornell University – Southeast Asia Program Publications, 1998.
– Tarling, Nicholas (ed.) The Cambridge History of Southeast Asia, tập I, phần 2: từ 1500 đến 1800. Cambridge: Cambridge University Press, 1999.
– The Cambridge History of China, Vol. 9 Part 1 – The Ch’ing Dynasty to 1800. Cambridge University Press, 2002.
– Tien, Chen-Ya. Chinese Military Theory, Ancient and Modern. Mosaic Press, 1992.
– Wakeman, Frederic Jr. The Fall of Imperial China. New York: The Free Press, 1975.
– Woodside, Alexander B. A Comparative Study of Vietnamese and Chinese government in the first half of the nineteenth century. Mass: Harvard University Press, 1971.
– Woodside, Alexander B. Vietnam and the Chinese Model – A Comparative Study of Nguyễn and Ch’ing Civil Government in the First Half of the Nineteenth Century. MA: Harvard University Press, 1971.
Pháp Văn
– Durand, Maurice. Histoire des Tây Sơn. Paris: Les Indes Savantes, 2006
– Forest, Alain. Les Missionnaires Franҫais au Tonkin et au Siam XVIIe – XVIIIe siècles. Livre II: Histoires du Tonkin. Paris: Éditions l’Harmattan, 1998.
– Le Livre de Paris. Les Grands Dossiers de L’illustration L’indochine, 1995.
– Maybon, Charles B. Histoire Moderne du Pays d’Annam (1592-1820). Paris: Librairie Plon, 1920
– Maybon, Charles B. La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine de Mr de la Bissachère. Paris: Librairie Ancienne Honoré Champion, 1919.
Hoa/Hán Văn
– Bách, Dương (柏楊). Trung Quốc nhân sử cương (中國人史綱) (thượng và hạ) Ðài Bắc: Tinh Quang xb xã, 1996.
– Cao, Dương (高陽). Thanh Triều Ðích Hoàng Ðế, (清朝的皇帝) Q. II. Ðài Bắc Viễn Ảnh xb Sự Nghiệp Công Ty, 1989.
– Chu, Viễn Liêm (周遠廉). Càn Long Hoàng Ðế Ðại Truyện (乾隆皇帝大傳) Hà Nam: Hà Nam nhân dân xb xã, 1996.
– Cố Cung Bác Vật Viện (故宮博物院). Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược (欽定安南紀 略) (bản chụp lại gồm 30 quyển) Hải Nam: Hải Nam xb xã, 2000.
– Cố Cung Bác Vật Viện (故宮博物院). Thanh Cung Yến Lạc Tàng Trân 清宮宴樂藏珍 (Qinggong Yanyue Cangzhen). Bắc Kinh: Bắc Kinh xb xã, 2002.
– Lại, Phúc Thuận (賴福順). Càn Long Trọng Yếu Chiến Tranh Chi Quân Nhu Nghiên Cứu (乾隆重要戰爭之軍需研究). Ðài Bắc: Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện, 1984
– Lam, Ngọc Xuân (藍玉春). Trung Quốc Ngoại Giao Sử – Bản Chất Dữ Sự Kiện, Xung Kích Dữ Hồi Ứng (中國外交史- 本質與事件,衝擊與回應). Ðài Bắc: Tam Dân thư cục, 2007.
– Lã, Nguyên Thông – Cát Vinh Tấn (呂元驄 – 葛榮晉). Thanh Ðại Xã Hội Dữ Thực Học (清代社會與實學) Hongkong: Hongkong University Press, 2000.
– Lê, Kiệt (藜傑). Thanh Sử (清史) Trung Quốc Cận Ðại Sử. Hongkong: Hải Kiều xb xã, 1964.
– Lê, Ðông Phương (藜東方). Tế Thuyết Thanh Triều (細說清朝) (thượng và hạ). Ðài Bắc: Truyện Ký Văn Học Xã, 1987.
– Lưu, Gia Câu (劉家駒). Thanh Sử Bính Ðồ (清史拼圖) Ðài Bắc: Viễn Ảnh, 2003.
– Nguỵ, Nguyên (魏源). Thánh Vũ Ký (聖武記). Ðài Bắc: Thế Giới Thư Cục, 1980.
– Ðường Văn Cơ – La Khánh Sái (唐文基-羅慶洒). Càn Long Truyện. Bắc Kinh: Nhân Dân xb xã, 1994.
– Phan, Thúc Trực (潘叔直). Quốc Sử Di Biên (國史遺編). Hương Cảng: Viện Nghiên Cứu Ðông Nam Á, 1965
– Phương, Thiết 方鐵(chủ biên). Tây Nam Thông Sử 西南通史 (Series of a Complete History of China Borders – A Complete History of China Southwest Borderland). Hà Nam: Trung Châu Cổ Tịch Xb xã, 2003.
– Quách, Chấn Phong (郭振鋒) và Trương Tiếu Mai (張笑梅) (chủ biên). Việt Nam Thông Sử (越南通史). Bắc Kinh: Trung Quốc Nhân Dân đại học xb xã, 2001
– Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Ðại Nam Liệt Truyện, [大南列傳] quyển XXX, Nguỵ Tây [偽西].
– Thanh Cao Tông ngự chế thi văn toàn tập (清高宗御製詩文全集)(10 quyển). Ðài Bắc: Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện, 1976.
– Thanh Sử (清史) (8 quyển) Thanh Sử Biên Toản Uỷ Viên Hội (清史編纂委員會) Ðài Bắc: Quốc Phòng Nghiên Cứu Viện (國防研究院), 1961.
– Thanh Sử Cảo (清史稿) (48 quyển) Triệu Nhĩ Tốn 趙爾巽 (tuyển). (in lần thứ 5). Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1996.
– Tiêu, Nhất Sơn (蕭一山). Thanh Sử (清史). Ðài Bắc: Trung Hoa Văn Hoá, không đề năm.
– Tôn, Cảnh Phong (孫景峰), Lý Kim Ngọc (李金玉). Chính Thuyết Thanh Triều Tam Bách Niên (正說清朝三百年). Bắc Kinh: Trung Quốc Quốc Tế Quảng Bá xb xã, 2005.
– Tống, Liên Sinh (宋連生). Ðại Thanh Thịnh Thế (大清盛世). Bắc Kinh: Ðương Ðại thế giới xb xã, 2006.
– Trần, Chí Bình (陳致平). Trung Hoa Thông Sử (中華通史) q. 11 & 12. Ðài Bắc: Lê Minh Văn Hóa Sự Nghiệp Công Ty, 1979.
– Trần, Khánh Hạo (陳慶浩) chủ biên. Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết Tùng San (越南漢文小說叢刊) (đệ nhất tập) [7 quyển] Paris-Taipei: École française d’Extrême-Orient & Editions Universitaires de Taipei, 1986
– Trần, Khánh Hạo (陳慶浩) chủ biên. Việt Nam Hán Văn Tiểu Thuyết Tùng San (越南漢文小說叢刊)(đệ nhị tập) [5 quyển] Paris-Taipei: École française d’Extrême-Orient & Editions Universitaires de Taipei, 1992
– Trạch, Văn Minh (翟文明) (chủ biên). Trung Quốc Toàn Sử (中國全史) (4 quyển). Bắc Kinh: Quang Minh Nhật Báo xb xã, 2002.
– Trạch, Văn Minh (翟文明). Càn Long Ðồ Truyện (乾隆圖傳). Bắc Kinh: Trung Quốc Hí Kịch xb xã, 2001.
– Trang, Cát Phát (莊吉發). Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu (清高宗十全武功研究). Ðài Loan Cố Cung Tùng San, Giáp Chủng số 26, tháng 6 năm 1982.
– Trang, Cát Phát (莊吉發). Thanh Sử Giảng Nghị (清史講議). Ðài Bắc: Thực Học Xã, 2002.
– Trang, Cát Phát (莊吉發). Thanh Sử Luận Tập 清史論集(quyển XII) “Thanh Cao Tông Sách Phong An Nam Quốc Vương Nguyễn Quang Bình Thuỷ Mạt” 清高宗冊封安南國王阮光平始末. Ðài Bắc: Văn Sử Triết, 2008
– Trần, Nguyên Nhiếp, An Nam Quân Doanh Kỷ Lược. Bản chép tay thư viện Harvard-Yenching [Tạp Sử, số hiệu 2404]
– Trương, Hiểu Quang (張曉光). Thanh Ðại Ðồng Bản Chiến Công Ðồ Toàn Biên (清代銅版戰功圖全編) Bắc Kinh: Học Uyển xb xã, 2000.
– Trương, Minh Canh (張明庚), Trương Minh Tụ (張明聚). Trung Quốc Lịch Ðại Hành Chánh Khu Hoạch (中國歷代行政區劃). Bắc Kinh: Trung Quốc Hoa Kiều xb xã, 1996.
– Trương, Ngự Hoàn (張馭寰). Trung Quốc Thành Trì Sử (中國城池史). Thiên Tân: Bách Hoa Văn Nghệ xb xã, 2003.
– Trương, Tú Dân (張秀民). Trung Việt Quan Hệ Sử Luận Văn Tập (中越關係史論文集). Ðài Bắc: Văn Sử Triết, 1992
– Trung Quốc Quân Sự Sử Biên Tả Tổ. Trung Quốc Lịch Ðại Quân Sự Chế Ðoä (中國歷代軍事制度). Bắc Kinh: Giải Phóng Quân xb xã, 2006.
– Trung Quốc Thông Sưû (中國史通) (10 quyển). Sái Lỗi 蔡磊 (chủ biên). Bắc Kinh: Thời Ðại Văn Nghệ xb xã, 2002.
– Trung Quốc Thông Sử 中國通 史(22 quyển). Bạch Thọ Di (Bai Shouyi – 白壽彝) (chủ biên). Thượng Hải: Thượng Hải Nhân Dân xb xã, 2000.
– Viện Nghiên Cứu Lịch Sử Vân Nam. “Thanh Thực Lục” Việt Nam, Miến Ðiện, Thái Quốc, Lão Qua Sử Liệu Trích Sao (清實錄 – 越南緬甸泰國老撾史料摘抄). Vân Nam: Vân Nam Nhân Dân xb xã, 1985.
– Vương Nhung Sinh (王戎笙). Thanh Ðại Toàn Sử (清代全史) (10 quyển). Thẩm Dương: Liêu Ninh xb xã, 1995.
Nguyễn Duy Chính
https://nghiencuulichsu.com/2013/03/27/viet-thanh-chien-dich/