Saigon – Đường Catinat đầu thế kỷ 20 – Phần 3
Quảng trường Francis Garnier (Quảng trường Nhà hát thành phố).
Hình 14: Nhà hát thành phố, chụp từ gần tượng Francis
Garnier. Ảnh của nhà nhiếp ảnh George Victor Planté (1847-1921). Ảnh
chụp khoảng thập niên 1910. Nhà hát thành phố được bắt đầu xây vào năm
1896 qua kiến trúc được thắng giải của ông Ferret (có 3 kiến trúc sư dự
thi: Ferret, Genêt và Berger). Nhà hát được khánh thành bởi thị trưởng
thành phố Saigon, ông Paul Blanchy, với sự hiện diện của hoàng tử Đan
Mạch Waldemar ngày 1/1/1900 (thật sự lúc đó chưa hoàn tất phải đến 1901
mới xong với tổn phí 914.940 piastres hay 2.500.275 francs) (14). Nhà
hát trong ảnh chỉ hơn 10 năm từ lúc được khánh thành, vì thế hình dạng
và kiến trúc được coi như đúng như khi được xây xong. Cho đến ngày nay,
qua hơn 110 năm, nhà hát đã được sửa nhiều lần (nhất là kiến trúc ở
chính diện), vườn hai bên nhà hát hiện nay không c̣òn.
|
Sự xây dựng nhà hát thành phố không được sự đồng tình
của mọi người trong Hội đồng quản hạt và người dân ở Saigon. Họ cho
rằng nhà hát nhỏ và tổn phí quá đắt khoảng 3 triệu francs chỉ chứa tám
trăm chỗ ngồi (16). Ngay cả đa số trong 2500 người Âu lúc bấy giờ sinh
sống ở Saigon cũng không xem nhà hát là điểm họ chú ý. Hội đồng thành
phố và ông thị trưởng, Paul Blanchy, thì lại cho rằng một thành phố lớn
như Saigon thì phải có nhà hát dùng cho hoạt động văn hóa. Đây là cảm
tưởng của ông bà Jottrand đến xem vở opéra “Carmen”, đăng trong báo “La Vie Coloniale” năm 1909:
“Trong rạp đầy những người đàn ông với y phục
trắng nổi bật, cho thấy một khía cạnh bất ngờ trong nhà hát. Những người
đàn bà làm tăng lên quang cảnh quá sức của sự đồng phục này bằng các y
phục hở cổ ngực màu đậm, thường là màu đen. Thật là một thời trang đảo
lộn giữa hai phái nam và nữ. Điều này thật ra cũng có gì không xấu.
Một người, chỉ duy nhất một mà thôi, hút thuốc dễ
nhận thấy: đầu ông ta sáng đẹp lạ, thật đáng ngưỡng mộ mà chúng tôi
chưa bao giờ thấy, đúng là một tác phẩm nghệ thuật. Tôi tin là sự kiện
toàn này chỉ có thể là do người làm tóc đã miệt mài phô trương.
….
Trong lúc hồi đầu (của vở opéra “Carmen”) được
trình diễn thì một cơn mưa rào xảy ra, lớn đến nỗi hầu như người ta
không nghe được hợp ca. Nhưng may thay những trận mưa này tuy lớn nhưng
thường thì cũng ngắn; dầu vậy thì mùa xem hát rất là khá hòa giải với
mùa mưa”
Hình 15: Hình chụp từ trước nhà hát thành phố trên
đường Catinat hướng về đại lộ Bonnard khoảng đầu thế kỷ 20 (thập niên
1900). Bên trái là tượng Francis Garnier, bên phải là “Hôtel des Nations” của ông bà Pancrazi ở góc đại lộ Charner và Bonnard (104-106 Charner). Ông bà Pancrazi cũng là chủ “Café de la musique” (trong thập niên 1900) ở số 171 Catinat, góc Catinat và đại lộ Bonnard, mà sau này là “Pharmacie Solirène” và “Café Givral” (địa chỉ ngày nay là 169 Đồng Khởi, tòa nhà này nay đã bị phá). Tại khách sạn “Hôtel des Nations”,
trong thập niên 1930 theo Vương Hồng Sển (21) thì cô Yvette Trà (tức cô
Ba Trà hay Trần Ngọc Trà), một người đẹp có tiếng một thời ở Nam Kỳ Lục
Tỉnh đã có trú ngụ tại đây một thời gian khi thời vận của cô gặp khó
khăn về tài chánh, qua bài bạc và tăm tiếng.
|
Hình 16: Góc trái hình là quán “Café de la terrasse”, trên lầu quán này là khách sạn. Một “carte postale” y hệt như hình này, cũng của nhà kinh doanh Decoly có ghi “Saigon 1909 – rue Catinat”.
Người chụp hình này đứng gần tượng Francis Garnier chụp đường Catinat
về phía bến sông. Bên phải hình, đằng sau hai người Pháp và gần xe kéo
là khách sạn “Hôtel de France” và công ty “Compagnie Générale d’Exportation” ở ngay góc đường Catinat và đại lộ Bonnard.
|
Khách sạn Continental
Hình 17: Arc de Triomphe en l’honneur du Maréchal Joffre (Voir l’inscription en haut de l’Hôtel Continental). Cạnh Khách sạn Continental là “Khải hoàn môn”
chào đón thống chế Joffre. Biểu ngữ trên lầu cao khách sạn là lời gởi
chiến sĩ của thống chế Joffre trong trận đánh mở màn thế chiến thứ 1 : “Une
troupe qui ne pourra plus avancer devra, coûte que coûte, garder le
terrain conquis, et se faire tuer sur place, plutôt que de reculer”
nhân dịp thống soái Joffre đến viếng Saigon vào tháng 12 năm 1921. Tạm
dịch biểu ngữ là “đoàn quân khi không còn có thể tiến lên nữa, thì bằng
bất cứ giá nào phải giữ trận địa chiếm được, thà chết ngay ở chỗ đó chứ
không lùi”.)
|
Hình 18: Khách sạn Continental bên phải, bên trái là
tiệm thuốc tây Solirène. Hình chụp từ nhà hát thành phố khoảng thập niên
1920. Tầng dưới của khách sạn Continental là nơi tụ tập của các nhân
vật có tên tuổi ở Saigon như ông Paul Blanchy, bàn của các “senateurs”
vào cuối thế kỷ 19.
|
Khách sạn Continental được ông Pierre Cazeau xây và
hoàn thành năm 1880. Khách sạn xưa có lịch sử lâu dài và nổi tiếng nhất
Saigon cho đến ngày nay(17). Năm 1911, công tước (Duc)
Ferdinand de Monpensier đã mua lại khách sạn này khi ông trú ngụ tại đây
trong chuyến đi vượt rừng đường xa từ Saigon đến Angkor. Monpensier đã
mang xe hơi vào Saigon, có thể nói là một trong những chiếc đầu tiên ở
Việt Nam, để chạy chuyến đi này. Xe hơi của Monpensier khởi hành từ
khách sạn Continental năm 1908 lên đường đi Angkor, một chuyến đi cam
go, đầy gian nan vì đường xá lúc đó chưa được làm cho xe hơi chạy. Ông ở
lại Việt Nam một thời gian, và lúc trên đường du ngoạn khi qua Phan
Thiết, ông hoàng Monpensier đã mua và xây một biệt thự trên ngọn đồi
nhìn ra biển và thành phố Phan Thiết. “Lầu ông hoàng” này có máy diesel
sản xuất điện riêng nên ban đêm rất sáng vì thời đó chưa có điện nhiều ở
vùng xa.
Năm 1930, Duc de Monpensier (18) bán khách
sạn lại cho ông Mathieu Francini. Ông Francini, một người Pháp gốc
Corse là một thương gia giao thiệp rộng. Sau khi đến Saigon, ông lập gia
đình với một phụ nữ Việt Nam, con một điền chủ giàu ở Nam Kỳ. Vì ông là
người Corse và có nhiều bạn bè đồng hương (“Amical Corse”) ở
Saigon nên nhiều người đồn rằng ông có liên hệ đến các giới giang hồ xã
hội đen ở Marseille, Corse và Saigon. Tuy vậy điều này không được kiểm
chứng. Ông Francini quản lý khách sạn cho đến 1964 rồi trao lại cho
người con Phillip Francini tiếp tục cho đến năm 1975. Trong các thập
niên 1930-1950, nhà hàng và quán café ở khách sạn Continental là nơi tụ
tập của các người gốc Corse gợi nhớ lại quê hương của họ.
Tầng dưới của khách sạn, theo Niên giám Đông Dương từ
năm 1907 đến 1910 là nhà sách của ông F.H. Schneider. Chính ông
Schneider là người đã sáng lập ra tờ “Lục Tỉnh Tân Văn” năm
1907 mà chủ bút là ông Trần Chánh Chiếu. Ông Schneider cũng đứng tên là
chủ của khách sạn và cơ sở Minh Tân ở số 4-6 đường Krantz(2).
Năm 1911, ông dọn khỏi khách sạn Continental đến số 22 đường Kerlan,
năm 1912 đến 15 đường Chasseloup-Laubat (1912) và cuối cùng năm 1914,
1915 ở số 2 đường Kerlan và số 7 Boulevard Norodom (trụ sở báo “Lục Tỉnh Tân Văn”, ra thứ 5 mỗi tuần). Sau khi Trần Chánh Chiếu bị bắt quản lý vào năm 1908, và giam năm 1917, “Lục Tỉnh Tân Văn” bị rút giấy phép và có lẽ ông Schneider cũng bị chút rắc rối với chính quyền(19).
Hình 19: Hình này có lẽ chụp vào cuối thế kỷ 19. Góc đường bên trái là “Café de la Musique”, kế bên là tiệm “La civette”. Theo niên giám Nam kỳ 1887 (5) thì tiệm “La Civette”
ở đường Catinat, do ông Ch. Montagne làm giám đốc, bán những hàng cho
những người hút thuốc lá. Theo Antoine Brébion (20), thì người lập ra
tiệm “La Civette” là ông A.-William Fabre, thương gia sinh ở
Bordeaux năm 1856 đến Saigon năm 1884. Ở Saigon, lúc đầu ông lập ra kho
bán thuốc lá. Sau đó ông mở ra khách sạn “Hôtel de l’ Europe” ở “quai de Commerce” (bến Bạch Đằng). Fabre cũng là người lập ra tờ báo “L’Independant”
ngày 14 tháng 2 năm 1893, đối lập với chính quyền thuộc địa. Fabre mất ở
Saigon năm 1896. Bên phải là khách sạn Continental và nhà in (tầng
dưới) “Librairie-Imprimeur F.-H. Schneider”. Đây là một hình quí hiếm của cảnh trung tâm Saigon khi chưa có xe cộ, với các kiến trúc nhà cửa và thiết kế đường xá đẹp.
|
Ngoài khách sạn “Hôtel de l’Univers” ở đường
Turc, một khách sạn lớn, tiện nghi trên đường Catinat vào những năm của
thập niên 1870 và 1880, trước khi có khách sạn Continental là khách sạn
“Hôtel Fave”. Khách sạn Fave là nơi đầu tiên mà những viên
chức quân, dân sự từ Pháp mới đến Saigon làm việc hay lập nghiệp đến tạm
trú ngụ trước khi kiếm được nhà riêng. Theo ông Arthur Delteil (20),
nhà dược học người Pháp, ghi lại (7) khi ông đến Saigon năm 1882 thì
khách sạn Fave gồm 3 tầng: tầng trệt là nhà ăn có các quạt “panca”
trên trần nhà, hai tầng trên là các phòng, mỗi phòng đều có nước
“robinet” và vòi xen (một tiện nghi lúc bấy giờ). Khách sạn được ông
Fave xây, và với sự thành công của khách sạn, ông đã trở nên giàu có khi
trở về Pháp(21).
Cũng theo ông Delteil thì khách sạn Fave ở trên đường
Catinat, chiếm hầu hết không gian giữa đại lộ Bonnard và đường Espagne.
Đối diện với khách sạn Fave là phòng bán đấu giá các bàn ghế, giường
tủ… rất tiện lợi cho những ai muốn có hay mướn được nhà riêng đến để mua
trang bị cho nhà mới. Hiện nay vẫn chưa xác định chính xác được “Hôtel Fave”
ở đâu (ở vị trí cũ của khách sạn Continental, góc đường Catinat và
đường Espagne hay cạnh đó ?). Cũng theo ông Delteil, trước khi có nhà
hát thành phố thì nơi diễn kịch, hòa nhạc “concert” là tòa nhà ở trên
đường Vannier (Ngô Đức Kế ngày nay) đối diện với quảng trường mà ông gọi
là “Rond-Point”. Trong thời gian ông viếng Nam Kỳ năm 1882, ông chứng
kiến và đã phụ giúp điều trị bệnh nhân trong trận dịch tả (cholera) lớn
làm chết 20 000 người ở các tỉnh thành Nam Kỳ trong vòng 3 tháng vào năm
1882.
Cạnh khách sạn Continental, số 134 rue Catinat theo
niên giám Đông Dương 1900 là tiệm của nhà nhiếp ảnh J.P. Trong
(Jean-Pierre Trong). Theo Niên giám Nam Kỳ (Annuaire de la Cochinchine, 1891 et 1892)
thì ông J.P. Trong trước đó là người được nhà nhiếp ảnh Louis Talbot
mướn làm trong phòng nhiếp ảnh của ông Talbot. Sau này khi ông Talbot
rời Saigon đi Noumea (Nouvelle Caledonie, Tân Đảo) làm ăn, thì tiệm
nhiếp ảnh này được giao lại cho ông Trọng.
Niên giám Đông Dương (1905 đến 1909) không thấy đề
địa chỉ 134 rue Catinat mà chỉ đề địa chỉ 136 rue Catinat là của nhà
nhiếp ảnh nghệ thuật, Mme (bà) Terray. Như vậy có thể là vài năm sau,
thì bà Terray đã thay thế ông Trọng tại cơ sở này và địa chỉ đã được đổi
từ số 134 đến số 136. Và đến năm 1910 th́ì cơ sở nhiếp ảnh này là của
nhà nhiếp ảnh Ludovic Crespin, người đã chụp và để lại nhiều bức ảnh đẹp
và quí giá về Saigon. Cạnh tiệm ảnh, số 138 đến 142 Catinat là tiệm
thuốc tây của ông Joseph Cormod (theo niên giám 1908, 1909, và năm 1910
là của ông Dourdon). Và số 144 đến 148 là tiệm tạp hóa “bazar Hôtel de Ville” của ông Charles Garçon (1908, 1909).
Cuối đường Catinat
Bên kia đường Catinat gần khách sạn Continental, giữa
đại lộ Bonnard và đường Espagne (Lê Thánh Tông ngày nay), ta sẽ thấy
quang cảnh như sau (hình 20).
Hình 20: Ảnh sưu tập của Roger, do Voiry chụp (khoảng
1908-1916) (1) – Tiệm coiffeur (làm tóc, cắt tóc) phía trái hình có thể
là tiệm của ông Mondin ở số 173 Catinat (theo niên giám Đông Dương
1908, 1909, của ông Ernest theo niên giám 1910). Theo niên giám 1910, kế
tiệm tóc ở số 173bis là cửa hàng của ông Poujade de Ladevèze, một nhà buôn sản xuất các ảnh cartes postales. Đi ngược lại chút, số 171 là “Café de la Musique”
của ông bà Pancrazi (đến 1910 thì theo niên giám là của ông bà
Hollinger). Như vậy là hình chụp về hướng nhà thờ Đức Bà và người chụp
đứng ở khách sạn Continental. Đi lên chút nữa về hướng nhà thờ Đức Bà,
kế tiệm hớt tóc, nơi mấy người Pháp trong hình tụ tập là tiệm của ông
Poujade de Ladevèze, tiệm đổi tiền người Ấn Aboubaker (số 175) và quày
(comptoir) điện lực và bán súng đạn đi săn và tiệm nữ trang của Luc-Bai
(số 175bis) mà sau này là tiệm sách của ông A. Portail (nhà sách Xuân Thu ngày nay).
|
Cạnh quày điện lực, ở số 177 và 177bis là tiệm nữ trang Ky-Yun-Hing Ky và tiệm đổi tiền người Ấn. Số 179 Catinat là tiệm bách hóa tổng hợp “Omnium français”
của ông bà Emile Gadault (do ông Armand Diebold đứng tên, “fondé de
pouvoir”, niên giám 1908). Nơi đây sau này được xây lại trong đó có rạp
Eden cinema (179 rue Catinat, địa chỉ trong “Guide pratique”
năm 1934 của rạp Eden là 183 Catinat) của ông Frasseto và Sicé. Tại rạp
Eden này, vở cải lương đầu tiên dựa theo hài kịch phương Tây “Vì nghĩa quên nhà”
(do Lê Quang Liêm và Hồ Biểu Chánh soạn) được trình diễn ngày
11/9/1917. Theo niên giám Đông Dương 1922 thì hai ông Frasseto và Sicé
còn là chủ rạp Petit-Eden (đường Tổng Đốc Phương, Cholon), rạp Eden ở
Vũng Tàu (Cap Saint Jacques), Hôtel Frasseto et Sicé, Hôtel Victoria
(còn gọi là “Hôtel de l’Univers”, 1 rue Turc, Saigon), khách sạn “Continental Palace” và khách sạn “Grand Hôtel du Cap” (Cap Saint Jacques).
Kế cửa hàng “Omnium-français”, số 181 là cửa
hàng bán và sửa nhạc cụ của bà quả phụ Barret. Và cạnh đó, số 183-185
là tiệm làm tóc và cắt tóc của ông bà Langlois.
Tại ngã tư đường Catinat và đường Espagne (Lê Thánh
Tôn ngày nay), từ đường Catinat phía bên trái đi về hướng nhà thờ Đức
Bà, băng qua đường Espagne là tòa nhà nơi cư ngụ của viên chỉ huy trung
đoàn 3 (Hôtel du général commandant de la 3ème brigade). Đi lên chút nữa về hướng nhà thờ là trụ sở của tờ báo “L’Opinion” ở số 187-189 (niên giám 1910) và kế đó là tiệm quần áo, may mặc của ông bà C. J Tournier (số 191-197 Catinat).
Hình 21: Đường Catinat nhìn từ cuối đường về hướng
bến Bạch Đằng. Bên phải là số 225 nơi ở của quản lý ngân khố, ông Gros
(1910), Bên trái số 164 Catinat, theo niên giám 1905-1906 là nơi thu
ngân địa phương (recette locale) và từ năm 1907-1911 là nơi ông bà Descourtis, thâu ngân đặc biệt (receveur spécial) tọa lạc (niên giám 1907-1911). Và từ năm 1912 trở đi là “Trésor public” (Kho bạc, nha ngân khố). Sau này tòa nhà ngân khố trở thành bót cảnh sát của an ninh (la Sûreté) sau khi kho bạc mới được xây ở đại lộ Charner, ngay vị trí chợ Cũ trước kia.
|
Gần cuối đường Catinat, ở số 199-203 (1906), 201-205 (1907, 1908) là “Hôtel des ventes” hay “Salle des ventes”, nơi đây bán đấu giá các hàng không còn dùng của chính phủ cho công chúng. Bà Louise Bourbonnaud tả nơi này như sau (17):
“…Trước phòng đấu giá (Hôtel des ventes), một
người bản xứ đang dùng hai tay đánh trống. Đây có một ít màu sắc bản địa
rồi. Tôi đi đến gần và biết được rằng “người đánh trống” viễn đông báo
cho mọi người biết là sẽ có đấu giá trong giờ. Thế là tôi đi vào trong.
Những đồ bán đấu giá cho công chúng có đủ các loại: ly chén, bàn tủ,
giường, đồ dùng trong nhà, dụng cụ đủ loại. Ở đây không có gì đáng thật
sự để tôi tranh dành mua đấu giá…
À, kia kìa, một lô dụng cụ nhạc sẽ làm thích thú
giúp vui trong chuyến đi của tôi. Chỉ nghĩ tới, sở hữu dụng cụ âm nhạc
mua được ở Saigon thì thật là hào hứng ! Nhưng lô đấu giá này chắc phải
được bán sau cùng, người cảnh sát nói cho tôi biết khi tôi hỏi ông ta;
nếu vậy thì tôi còn thì giờ, tôi sẽ trở lại trong chốc lát…
Khi ra khỏi nhà thờ, tôi nghĩ đến trở lại phòng
đấu giá; nhưng khi tôi đến thì lô dụng cụ âm nhạc đã được bán rồi. Thật
là tiếc. Lúc này ở phòng đấu giá là lúc mà người ta bán các con ngựa và
các xe ngựa và tôi thấy một cỗ xe ngựa rất đẹp mà một viên đại úy mua
được với một số tiền đấu giá là một trăm mười đồng piastres”.
Số 154 Catinat, theo niên giám 1905, 1906 là “Bureau de la 3ème brigade et du point d’appui de la flotte Saigon Cap St-Jacques”, số 156 Catinat là nơi ông Finet, “capitaine de l’infanterie coloniale” (đại úy bộ binh thuộc địa) cư ngụ, và số 158 là “Contrôle des contributions directes, verification des poids et mesures” (kiểm tra đo lường). Đến năm 1910 thì 154 Catinat trở thành “Service administratif”, 156 là trụ sở công ty “de Pommerey et Cie, Carbuse et Calcium”.
Số 160 Catinat theo niên giám 1905, 1906 là tòa nhà “Direction de l’Enseignement” (nha giáo dục) nơi ông giám đốc M. de Cappe ở. Số 162 Catinat theo niên giám 1905, 1906 là “Cadastre et topographie” (nha địa dư), đến năm 1912 là “Commissariat central de police” (trụ sở trung ương cảnh sát) do ông M. Lecoeur lãnh đạo. Và tòa nhà cuối cùng ở đường Catinat là “Trésor public” (Nha ngân khố) ở số 164 Catinat.
Đến đây chúng ta sẽ thấy Nhà thờ Đức mẹ (Notre-Dame)
ngay giữa công trường nhà thờ (tức công trường công xã Paris ngày nay)
và Bưu điện thành phố. Trước nhà thờ Đức mẹ là tượng của giám mục
d’Adran (Bá Đa Lộc) và hoàng tử Cảnh. Vị trí của nhà thờ Đức bà xưa kia
chính là trung tâm của thành Phiên An (thành Quy).
Đằng sau nhà thờ là tượng của nhà chính trị gia Pháp,
ông Gambetta (8). Từ tượng Gambetta, nếu đi thẳng lên sẽ gặp bồn nước
(chateau d’eau) cung cấp nước cho thành phố. Nước được bơm lên từ giếng
lấy nước ngầm dưới lòng đất bằng một máy chạy bằng hơi nước lên bồn chứa
cao (7). Đây là điểm cao của thành phố, một vị trí thuận tiện để phân
phối nước.
Tổng Luận
Sau khoảng 40 năm từ khi người Pháp đến chiếm Saigon,
thành phố này đã có một sự thay đổi hầu như toàn diện về kiến trúc và
thiết kế. Chỉ có thành phố Chợ Lớn vào đầu thế kỷ 20 là vẫn còn hầu như
nguyên vẹn như đầu thế kỷ 19. Saigon trở thành thành phố qui hoạch và có
kiến trúc như các thành phố ở Pháp.
Cuối thế kỷ 19 đến cuối thập niên đầu của thế kỷ 20
là thời bình an và thịnh vượng của nước Pháp và ở các thuộc địa, thời kỳ
mà từ lúc Hội chợ thế giới 1900 ở Paris mở màn cho thấy có nhiều phát
minh kỹ thuật thay đổi cuộc sống xã hội ở nhiều nơi trên thế giới như xe
hơi, phim ảnh, diesel, đèn điện, điện thoại, điện tín, máy bay… Đây là
thời kỳ gọi là “Belle Epoque” ở Âu châu hay “Gilded Age” ở Mỹ, với sự
đua nở phát triển các phong trào, trào lưu mới trong nghệ thuật, âm
nhạc, ballet, hội họa như hậu ấn tượng, biểu tượng, hiện đại… “art
nouveau” trong kiến trúc. Ở Đông Dương, nói chung kinh tế phát đạt và
chính trị ổn định cho đến đầu thế chiến thứ nhất và các kiến trúc đặc
trưng thời đệ tam cộng hòa được xây dựng như nhà hát thành phố Saigon,
nhà hát Hà Nội, tòa nhà Đấu xảo cho Hội chợ quốc tế (Đấu xảo) ở Hà Nội
năm 1902 nơi có nhiều nước tham dự, các tòa nhà trên đường Catinat…
Bắt đầu từ thập niên 60 của thế kỷ 20, cảnh quan của
đường phố Catinat nói riêng và của thành phố Saigon nói chung thay đổi
nhiều làm diện mạo của nó khác đi rất nhiều so với cảnh quan trình bày
trong bài này, chỉ còn nhà hát thành phố và khách sạn Continental là còn
sót lại từ đầu thế kỷ 20 trên con đường Catinat, tức Đồng Khởi ngày
nay. Con đường lớn hơn và cũng thay đổi nhiều hơn là đường Nguyễn Huệ
(Charner), hầu như chỉ còn tòa nhà Hải quan (nhà ông Vương Đại thế kỷ
19) và tòa Ngân khố ở đầu đường là còn, tòa Hòa giải (Justice de paix)
bị phá gần đây để xây cao ốc Sun Wah.
Trong cơn lốc xây dựng cao ốc ở Trung tâm Saigon
trong các năm gần đây, thay vì ở các khu ngoại biên và qui hoạch thiết
kế đô thị với mục tiêu thương mại lợi nhuận là chính yếu, với yếu tố văn
hóa và cảnh quan không được coi trọng để ý đến thì hậu quả về lâu trong
tương lai sẽ có nhiều mất mát. Kinh nghiệm ở nhiều xã hội ở nhiều nơi
trên thế giới cho thấy ký ức và dấu ấn văn hóa lịch sử có giá trị nhiều
hơn đồng tiền và vật chất hiện đại.
Nguyễn Đức Hiệp
Chú thích:
(17) Đường Catinat từ bờ sông bắt đầu với khách sạn “Hôtel de la Rotonde” là số 2 rue Catinat, cho đến “hôtel Continental”
ở số 132 rue Catinat. Địa chỉ hai địa điểm này vẫn giữ nguyên cho đến
ngày nay, chỉ khác tên đường. Ngoài hai khách sạn này, vào đầu thế kỷ 20
còn có các khách sạn khác trên và chung quanh đường Catinat như: “Hôtel de France” 157 Catinat, “Hôtel de l’Univers” 1 rue Turc, “Hôtel des Nations” 104 b. Charner, “Hôtel de marine” 1-7 Paul Blanchy, “Hôtel de Bretagne” 35-37 b. Charner.
(18) Ngoài ông hoàng de Monpensier (1908)
và hoàng tử Đan Mạch Waldemar (1900) đến viếng thăm Saigon, trước đó còn
có hoàng tử Henri d’ Orleans, vừa là nhà nhiếp ảnh và thám hiểm, đã đến
Hà Nội và Saigon trong thập niên 1890 (mất ở Saigon năm 1901 vì bệnh
sốt rét) và các hoàng gia khác được biết nhiều sau này trong lịch sử thế
giới đã đến Saigon như hoàng tử Nga, Nicolas II (sau này là sa hoàng
cuối cùng của Nga mất sau cách mạng tháng 10) đến thăm năm 1891 và hoàng
tử Miến Điện Mingoon (hay Myinkun, 1866-1921), lưu vong sau chính biến ở
kinh đô Mandalay năm 1866, đến và sống ở Saigon cho đến khi mất
(20/09/1921).
(19) Ông F.H. Schneider là người Pháp cởi
mở tiến bộ, nhưng anh rể ông, Henry Chavigny de Lachevrotière, lại là
một thực dân bảo thủ. Ông F.H. Schneider về sau còn thiết lập cơ sở in ở
Hà Nội, in các tập san nghiên cứu của trường Viễn Đông Bác Cổ, và nhiều
sách nghiên cứu về Đông Dương (Cam Bốt, Lào và Việt Nam). Ông giúp
Nguyễn Văn Vĩnh học nghề in, xuất bản và quảng cáo và cùng với Nguyễn
Văn Vĩnh lập ra nhà in “Phổ Thông Giáo khoa Thư xã” (13). Quyển tiểu thuyết lịch sử đầu tiên trong văn học chữ quốc ngữ Việt Nam “Phan Yên ngoại sử, tiết phụ gian truân” của Trương Duy Toản (người trong phong trào Minh Tân) cũng do nhà in Schneider in năm 1910.
(20) Ông Delteil là một nhà dược học của hải quân Pháp (pharmacien principal de la Marine), ông có tác phẩm nghiên cứu khoa học mà cho đến nay vẫn còn được tham khảo và vừa được tái bản, đó là: quyển “La canne à sucre”
(cây mía). Ông làm việc ở Trung Mỹ, nghiên cứu về cách trồng mía, các
thành phần hóa học của các loại mía, các bệnh sâu mọt của cây mía, khí
hậu và đất thích hợp… và đã thử nghiệm trồng mía ở các nơi trong đó có
Saigon. Tại đây người Pháp đã thành lập một trại trồng thí nghiệm gọi là
“Nouvelle Espérance” trong cách đồng mả (plaine des tombeaux), tức trong khu vực đường cách mạng tháng 8 và đường 3/2 ngày nay. Ngoài ra còn có trại thử nghiệm ở Biên Hòa và “Lacan”
ở Đồng Nai (nơi có nhà máy làm đường của ông Michelot). Theo ông
Delteil đất ở Saigon và vùng Nam bộ không thích hợp cho loại mía có năng
xuất cao và cho nhiều đường như các nơi khác và về phương diện kinh tế
thì trồng mía rất cực và khó khăn ít có lợi so với lúa gạo và các cây
khác nên người Việt không để tâm đến và vì thế không thành công được ở
Nam Kỳ như người Pháp mong muốn.
(21) Ông Delteil ghi trong sách ông là “Hôtel Favre” nhưng theo Niên giám Nam Kỳ thuộc Pháp (“Annuaire de la Cochinchine française”) các năm 1879, 1880, 1881 thì có ghi là “Hôtel Fave”
(khách sạn Fave) trên đường Catinat chứ không phải Favre. Và người điều
hành khách sạn là ông A. E. Fave (hôtelier, restaurateur). Đến năm 1881
thì khách sạn Fave là do ông Laval quản lý và niên giám năm này có ghi
ông A. E. Fave làm bánh mì (boulanger) ở đường Catinat và đường Bonnard.
Như vậy thì ông Delteil đã ghi lầm Fave thành Favre. Theo ông Fabiani
(22) trong hồi ký xuất bản năm 1878 thì khách sạn “Hôtel Fave”
(ghi đúng là Fave) là khách sạn tiện nghi, đẹp, có vườn và thiết kế qui
củ. Các phòng đều rộng rãi, có nước, phòng tắm. Khách sạn do ông Élisée
Fave thiết kế và được xây bởi các ông Bazin, Cazaux và Salvaire dưới
thời của chuẩn đề đốc (contre-amiral) Duperré trên một nền đất đầm lầy
mà mọi người cho là khó xây dựng được. Niên giám Nam Kỳ 1876 ghi các ông
François Bazin là thầu (entrepreneur), ông Cazeaux là thợ thiếc
(ferblantier) và ông Salvaire làm đèn (lampiste) trên đường Catinat.
Phụ lục
(1) Các địa chỉ thương mại của Hoa kiều trên đường Catinat (theo niên giám Đông Dương 1908, 1909)
Tailleurs (tiệm may):
A-Hong 61 rue Catinat, A-Hôi 43 rue Catinat, Luong Da
3 rue Catinat, Luong-Tich 8 rue Catinat, Luong-Cau 18 Catinat, Ly-Can
48 Catinat, Ly-Quoi 50 Catinat, Luong-Thao 54 Catinat, Luong-Boi 59
Catinat, Ngo-Thoai 6 Catinat, Quang-Can 51 Catinat, Tran-Phuoc 63
Catinat, Tran-Hoa 57 Catinat, Tran Thuan dit A-Hoai 85 Catinat, Tran Phu
3 Catinat, Truong Anh 60 Catinat, Thoi-Thiem 12 Catinat, Dang-Chuong 61
Catinat, Duong Kim 12 Catinat, Duong-Hua 42 Catinat, Hua-Ung 63
Catinat, Huynh-Thoai 51 Catinat, Huynh-Trong 52 Catinat, Huynh-Xuong 56
Catinat, Huynh-Tuong 64 Catinat, Hua-Nu 5 Catinat, Ly-Nhu 14 Catinat,
Tran-An 16 Catinat, Truong-Binh 37 Catinat, Tran-An 42 Catinat, A-Houai
55 Catinat.
Horlogers (đồng hồ):
A-Cuu 120 Catinat, Au-Thien 45 Catinat, Lu-Nhien 58
Catinat, Luong-Ngu 111 Catinat, Luc-Vien 87 Catinat, Luc-Phu 85 Catinat,
Ly-Yen 45 Catinat, Ngô-Kim 101 Catinat
Bazars (tạp hóa), epicerie, mercerie:
A-Hi 99 Catinat, A-Sui 113-117 Catinat, A-koune 90-92 Catinat, Soa-a-Pan, Sina et Cie 157bis Catinat.
Bijoutiers (nữ trang):
Ho-Thanh 44 Catinat, Luc-Kinh 58 Catinat, Tran-Thai
83 Catinat, Ngo-Kim 101 Catinat, Kong-cheong-Seng (có lẽ là người Hoa từ
Singapore hay Mã Lai) 35 Catinat.
Các nghề khác:
Ki-Cheong, imprimerie-reliure (in và dán sách) 29
Catinat, Lam-hiong-Long, chinoiseries 31 Catinat, Nam-Tai
imprimerie-reliure 49 Catinat.
Hình 22: Một tiệm tạp hóa của người Hoa. Ảnh của nhà
nhiếp ảnh George Victor Planté (1847-1921). Planté bắt đầu sự nghiệp
nhiếp ảnh vào năm 1893. Qua kỹ thuật ảnh và chất lượng ảnh so với các
ảnh khác của Planté, ta có thể đoán bức ảnh này chụp rất sớm khoảng đầu
thập niên 1900.
|
(2) Các cơ sở thương mại người Ấn trên đường Catinat (1908)
Changeur de monnaies:
Mougamadancany 1 Catinat, Mougamadanaly 1bis, Checmedine 1bis, S. P. Tambiravanttar 89 Catinat, K. Adabakar 95 Catinat, K. Oudoumanesah 119bis, Sababady 157 Catinat, Condassamy 159 Catinat, Aboubaker 175 Catinat, Mougamadoucamy 177bis Catinat, Bavena-Oumersah, Vevena-Assengamy 179 Catinat, Mougamadoumeidine 199 Catinat.
Marchand de Bombay:
Chortimal 38-42 Catinat, Wassiamul 44-46, Netharan 60-62 Catinat
Hình 23: Tiệm đổi tiền của người Ấn, mà người Pháp
gọi là Chettys (Chệt theo tiếng Việt). Ảnh của nhà nhiếp ảnh Planté,
chụp khoảng đầu thập niên 1910.
|
(3) Địa chỉ các cơ sở và các nhà nhiếp ảnh ở Saigon (theo “Guide pratiques”, 1934)
“Khong Minh” 118 b. Albert 1er, “My Dung” 113 b.
Albert 1er, “Phuoc Tuong” 21 rue Am. Courbet, “Antoine Giau” 45 b.
Bonnard, “Khanh Ky” 54 b. Bonnard, “Morise” 70 b. Bonnard, “Artista
Photo” 76 b. Bonnard, “Photo Nadal” 118 rue Catinat, “Nguyen Duyen” 138
rue Catinat, “Innovat Photo” 155 rue Catinat, “Studio Catinat” 158c
Catinat, “Catinat photo” 217 Catinat, “In-Ich” 78 b. Charner, “Yiem
Yung” 81 b. Charner, “I. Dong” 93 b. Charner, “Nguyen v. Thuan” 120 rue
d’Espagne, “Ha Van” pl. Francis Garnier, “Modern Photo” pl. Francis
Garnier, “Dakao Photo” 10 rue Martin Palliere, “Marina Photo” 5 rue Paul
Blanchy, “Le Van Hau” 11 rue Vannier, “Nam Tan Loi” 74 rue Vannier,
“Photographie (fournitures generales pour): Nadal” 118 rue Catinat,
“Depot Kodak” pl. Francis Garnier, “Agence Commerciale de Saigon” 68 rue
Pellerin)
Trong giai đoạn đầu, ông Nadal trú ngụ ở cơ sở thương
mại ảnh số 150 rue Catinat. Trong niên giám 1922, Nadal ở số 120 rue
Catinat (sau này mới dọn đến địa chỉ số 118 như trên), và ông Paullussen
ở số 10 đại lộ Charner (Saigon photo). Cũng vậy, nhà nhiếp ảnh Ludovic
Crespin trong giai đoạn đầu trụ tại số 19 và 134 đường Catinat (niên
giám Đông Dương 1909). Trong thập niên 1910-1920, Ludovic Crespin có văn
phòng ở 136-138 rue Catinat và 10 đại lộ Charner (cùng chỗ với
Paullussen). Sau này trong thập niên 1930, số 138 là của nhà nhiếp ảnh
Nguyễn Duyên thay thế ông Crespin và vào cuối thập niên 1940 và đầu thập
niên 1950, số 136-138 “photo studio” trở thành cửa hàng của nhà nhiếp ảnh Paul Gastaldy.
Một nhà buôn bán, nhưng cũng sản xuất các “cartes postales” xưa và quí thuở ban đầu ở Saigon là bà quả phụ Wirth. Theo niên giám Đông Dương 1897 (phần Nam Kỳ) (15) thì bà “Mme Veuve Wirth, marchand en détail” ở số 59 Catinat. Niên giám 1905, 1906 bà Wirth “epicerie art. de luxe Au Gagne Petit” (bán hàng cao cấp của cửa hàng Au Gagne Petit, lúc bấy giờ là nơi bán hàng nổi tiếng ở Paris) ở số 120 Catinat ; và niên giám 1907, 1908, bà “Mme Vve Winth, commerçante”
ở số 128 Catinat. Ngoài ra trong giai đoạn này còn có nhà nhiếp ảnh
Joseph Brignon ở 319 đại lộ Bonnard và nhà nhiếp ảnh Lê Văn Ba, có cửa
tiệm ở số 95 Charner (theo niên giám 1908), nơi đây ông Ba cũng bán xe
đạp và làm bánh mì (boulanger).
Hình 24: Photo-Studio 136 rue Catinat của nhà nhiếp
ảnh Crespin, kế bên khách sạn Continental (chính giữa hình). Hình chụp
hướng về quai Francis Garnier (bến Bạch Đằng). Hình chụp khoảng đầu thập
niên 1920.
|
(4) Một vài quảng cáo…
…trên báo “L’Ère Nouvelle” (28/8/1926) của luật sư Phan Văn Trường, tiệm “Viên An”, “Phong cảnh khách lầu”
của ông Nguyễn Phong Cảnh (nơi này hiện nay là di tích về buổi họp đầu
tiên, tháng 8 1929, của Đảng Cộng sản Annam do Châu Văn Liêm sáng lập),
và các quảng cáo của người Hoa, Pháp và Ấn. Cách hành văn và ngữ pháp
đầu thế kỷ 20 có nhiều khác biệt với ngày nay. “Lục châu” là tên người Hoa dùng để chỉ Lục tỉnh (6 tỉnh) Nam Kỳ, và người Hoa cũng tự gọi họ là “Tàu”
như người Việt thời đó và cho đến trước 1975 từ này vẫn được dùng để
chỉ Hoa kiều. Boulevard Bonhoure sau này là đường Khổng Tử và ngày nay
là đường Hải Thượng Lãn Ông. Đường Mac-Mahon nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa,
đường Fipippini là Nguyễn Trung Trực và Ohier là Tôn Thất Thiệp. Chúng
tôi giữ nguyên văn, kể cả chính tả, của các quảng cáo dưới đây :
*
“Về việc kiện tụng
Các đồng bào hể khi nào có việc kiện thưa chi, trước hết nên tới Saigon đường Mac-Mahon, số 116
Hỏi ông trạng sư
Phan Văn Trường
Nguyên trạng sư tòa thượng thẩm thành Paris
Ông sẽ nói trước cho biết việc ấy hay dở thế nào, và chỉ cách cho mà theo, khỏi lầm đường và khỏi tốn công tốn của.”
*
“Viên An
Boulevard Bonhoure No. 14
Bán sỉ và bán lẻ
Bán xe máy hiệu BRILLANT tốt nhứt và nhiều thứ hiệu khác
Đồ phụ tùng theo xe máy đủ thứ và giá rẻ
Bổn hiệu mới lại thứ xe “BRILLANT” thiệt tốt mà chắc
lắm. Có hơn 20 năm danh tiếng trong Nam kỳ. Khi trước nhà Mottet trử
bán. Thứ xe nầy thiệt nhẹ nên mới ra đua kỳ nào cũng có ăn hết. Hôm ngày
14 Mars 1926 đua trên Plate 5000 thì Thiên (Maurice) ăn hạng nhứt, Xuân
hạng nhì. Hôm 21 Mars chạy 2000 thước Xuân ãn hạng nhứt, còn chạy 5000
thước thì Thiên (Maurice) hạng nhì. Còn kỳ vô địch 2000 thước hôm ngày
28 Mars thì Thạch ăn hạng nhứt, hết thảy cũng đều cởi xe “BRILLANT” có
đủ thứ màu.
Xin quí vị đến bổn tiệm xem chơi cho biết.
Ở Lục-tỉnh có muốn mua sỉ hay là mua lẻ viết thơ thương nghị. Và có trữ đồ phụ tùng nhiều lắm.”
*
“Phong Canh Khach Lau
Angle des boulevard Bonnard et rue Filippini
Chambres confortablement meublées, propres, aérées,
2e et 8e étages. Ascenseur. Douche et W.C. dans tous les chambers.
Personnel discipliné.
Nguyen-Phong-CANH, Propriétaire”
(Ère Nouvelle, 28/2/1928)*
“Thiệt rất tiện và lại có lợi
Là thứ đèn cầy hiệu “SAM-KONG” đốt không khói, mà ít
hao, không có mùi như các thứ khác, còn sự sang ít thứ sánh cho bằng;
nhưng vậy mà giá lại rẻ.
Xin quí vị ai có dùng xin nài cho được thứ đèn cầy hiệu “SAMKONG” đỏ hay trắng thì thấy sự lợi nhiều.
Bán sĩ và bán lẻ tại hảng Lucien Berthet & Cie ở
đường Mac-Mahon môn bài 66 và tại các nhà hàng cùng tiệm chạp-phô toàn
trong cỏi Đông-Pháp.
Ba hiệu: hình thánh giá. Hai trái đất. Hai sư tữ cầm trái đất.
SAMKONG CANDLES FACTORY”
*
“Thợ làm đồ nữ trang
A.– Chanh
Đường Ohier, số 7, Saigon
Bổn hiệu có thợ thiện-nghệ, lảnh làm đũ kiểu đồ
nữ-trang bằng vàng và hột xoàn theo kiểu kim thời. Công việc làm đã kỷ
lại tinh-xảo hơn các nơi. Quí khách đến viếng bổn-hiệu và xem công cuộc
của bổn-hiệu sắp đặt đặng toại lòng. Tính giá thiệt nhẹ.
A.– Chanh”
*
“Đồ sứ và đồ sành
Kính trình lục-châu quí-khách đặng rỏ: bổn tiệm thân
tự chuyên bán các thứ đồ sành và đồ sứ ở tỉnh Giang-tây (1) bên Tàu đem
qua. Đồ cổ-ngoạn có kim-thời có, cũng có huê thảo nhân vật thứ thì bông
chìm, thứ thì bông nổi v.v. Những đồ nầy càng dùng lâu ngày càng tốt
không hề xuống màu.
Tiệm chúng tôi bán giá hạ hơn các nơi là bởi bổn-tiệm
chúng tôi mua cất tại chổ làm. Vậy xin lục châu quí khách các ngài mô
muốn chưng dọn trong nhà cho sang trọng, vườn cảnh cho ngoạn nhỉ mục, đồ
ăn thức đựng cho lịch-sự xin hẩy dời gót lại hiệu Phúc-Xương-Hằng số
nhà 22 đường hẻm Gialong Chợlớn, chúng tôi hết lòng hoan nghinh
Phúc-Sương-Hằng Tư Trang
Kính Cáo”
*
“Wishwanath Bazar
Naraindas Thadharam & Cie
Commercant du Bombay
Quai de Vinh-Phuoc. — SADEC
CÁO BẠCH
Kính cùng lục-châu quí bà đặng rỏ. Bổn hiệu có mở một
ngôi hàng rất lớn, bán rông các thứ hàng lụa trong toàn cầu: như hàng
Tây, hàng Nhựt-bổn, hàng Huê-kỳ, hàng Bombay và hàng Bắc đũ kiểu và đũ
màu.
Hàng của bổn hiệu thiệt, rộng tin những đồ thương hạng rất chắc và rất đẹp của mấy hảng có danh tiếng bấy lâu nay bên Âu-mỹ.
Bổn hiệu buôn bán rất thật thà và người của bổn hiệu
dùng bán rất nên khuôn phép, tuy là người Bombay chớ ở xứ Nam đã lâu rồi
nên lời ăn nói rất nên lể nghĩa và chẳng hề xão trá. Còn giá cả thì
tính rất phải chăng, chớ không phải như mấy tiệm khác đâu.
Bổn hiệu cũng chuyên gởi hàng đi Lục-tỉnh, như quí
ông quí bà không thể đến tiệm đặng, xin cứ viết thơ thì bổn hiệu cũng
vui lòng mà hồi âm lại cùng muốn mua chi bổn hiệu cũng gởi lập tức.
Bổn hiệu gởi đồ không tính tiềng chở chuyên, đều về phần bổn hiệu chịu cã.
Như quí ông quí bà có diệp chi đi Sadec xin ghé tiệm tôi một khi thì mới rỏ.
Vài lời thành thật xin quí ông quí bà chiến cố.
NAY KÍNH”
(Ère Nouvelle, 11/01/1927)Tham khảo
(1) Annuaire général de l’Indo-Chine française
[“puis” de l’Indochine], Publisher: F.-H. Schneider (Hanoi) 1906, 1907,
1908, 1909, 1910, 1911, 1912, 1914, 1922, 1925
(2) L. Lacroix-Sommé, R. J. Dickson et A. J.
Burtschy, Annuaire complet (européen et indigène) de toute l’Indochine,
commerce, industrie, plantations, mines, adresses particulières…:
Indochine, adresses, 1ère année 1933-1934, A. Portail (Saigon), 1933
(3) Guide pratique, renseignements et adresses. Saïgon, J. Aspar (24 rue Catinat Saïgon), 1934.
(4) Huỳnh Ngọc Tráng, Trương Ngọc Tường, Phạm Thiếu
Hương, Nguyễn Đại Phúc, Đỗ Văn Anh, Saigon-Gia Định xưa, Tư liệu &
Hình Ảnh, Nxb Tp Hồ Chí Minh, 1996.
(5) Annuaire de Cochinchine Française pour l’ année 1887, Saigon, Imprimerie Coloniale 1887.
(6) L’Ère Nouvelle, 28/8/1926, 11/01/1927, 28/2/1928
(7) Arthur Delteil, Un an de séjour en Cochinchine: guide du voyageur à Saïgon, Challamel aîné (Paris), 1887.
(8) L. I., Saïgon-Souvenir, petit guide saigonnais à
l’usage des passagers des débutants dans la colonie, Coudurier et
Montégout (Saïgon), 1906.
(9) Notice historique, administrative et politique
sur la ville de Saïgon. Publiée par les soins du secrétaire général de
la mairie, Impr. de l’Union (Saïgon), 1917
(10) Vương Hồng Sển, Saigon năm xưa, 1992, Nxb Trẻ.
(11) Các hình ảnh từ belleindochine.free.fr, http://www.delcampe.net và http://www.flickr.com/photos/13476480@N07/sets/
(12) Nguyễn Liên Phong, Nam Kỳ nhơn vật diễn ca, quyển 1: www.archive.org/details/NamKyPhongTucNhonVatDienCa và quyển 2: http://www.archive.org/details/NamKyPhongTucNhonVatDienCa2
(13) Christopher Goscha, ‘The modern barbarian’: Nguyen Van Vinh and the complexity of colonial modernity in Vietnam, European J. of East Asian Studies, 2004, Vol. 3, no. 1, pp. 135-169.
(14) Joseph Ferrière, Georges Garros, Alfred Meynard,
Alfred Raquez, L’ Indo-Chine 1906, publíé sous les auspices du
Gouvernement général de l’Indo-Chine, 1906.
(15) Annuaire de l’Indo-Chine française, première partie: Cochinchine, Imprimerie Coloniale, Saigon, 1897.
(16) Emile Jottrand, Saigon et Cholen, opinions et
souvenirs, La Vie coloniale: revue de la colonisation, du commerce et de
l’industrie, No. 78 1/3/1909, pp. 47-48, No. 79, 1/4/1909 pp. 65-66.
(17) Louise Bourbonnaud , Les Indes et l’Extrême-Orient, impressions de voyage d’une Parisienne, Paris, 1889, http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5684832m/f178.tableDesMatieres
(18) Annuaire de la Cochinchine pour l’année 1876
(1879, 1880, 1881, 1885, 1887), Imprimerie du Gouvernement (Coloniale),
Saigon, 1876 (1879, 1880, 1881, 1885, 1887).
(19) Xavier Guillaume, La Terre du Dragon Tome 1, Publibook, Paris, 2004.
(20) Antoine Brébion, Dictionnaire de
bio-bibliographie générale, ancienne et moderne de l’Indochine
française, publié après la mort de l’auteur par Antoine Cabaton, 1935.
(21) Vương Hồng Sển, Saigon Tạp Pín Lù, Nxb Văn Hóa-Thông Tin, 1997.
(22) Horace Fabiani, Souvenirs d’Algérie et d’Orient, E. Dentu (Paris), 1878.
(23) Christina Firpo, personal communication.