-
Cao Xuân Hạo
-
Thứ năm, 06 Tháng 10 2011 16:26
-
font size
Có
một người bạn làm trong một cơ quan lưu trữ cho tôi biết rằng mỗi năm
cơ quan anh phải thanh lý mấy tấn hồ sơ mà nội dung là những sáng kiến
phát minh vĩ đại từ khắp nơi trong nước gửi đến ùn ùn, trong đó các tác
giả hiến cho nhà nước những biện pháp không tiền khoáng hậu để biến nước
ta thành nước tiên tiến trong một thời hạn kỷ lục. Anh bạn nói rằng ông
giám đốc rất tiếc các hồ sơ ấy, nhưng mấy tòa nhà của cơ quan không thể
nào chứa nổi số phát minh tới tấp đổ xuống như mưa kia, cho nên đành
phải thanh lý thật nhanh sau khi gửi đến nhờ các cơ quan có thẩm năng
duyệt qua và nhận được từ các cơ quan đó một câu trả lời dứt khoát,
thường là "Bất khả thi" hoặc "Tác giả không hiểu chút gì về lĩnh vực đang bàn".
Ðể
minh họa, tôi chỉ xin đơn cử trường hợp của nhà phát minh đề nghị mượn
một tên lửa vượt đại châu của Liên Xô để bắn vào Bắc cực ở một góc độ
nhất định, làm trục quay của trái đất lệch thêm mươi độ, sao cho Việt
Nam thay vĩ độ và trở thành một nước ôn đới (vì tác giả tin rằng chỉ có
khí hậu ôn đới mới thích hợp với một tốc độ phát triển vũ bão, cho phép
ta đuổi kịp và vượt xa các nước tiên tiến).
Cái
số mấy trăm nghìn hồ sơ phát minh ấy, trong khi cho thấy một tinh thần
yêu nước chân thành và thiết tha của các nhà phát minh, đồng thời cũng
cho thấy tình hình sức khỏe tâm thần không ổn của họ, và cho phép suy ra
con số đáng ngại của những người đang cần đến sự săn sóc của các bệnh
viện tâm thần.
Khi
tôi nói chuyện này với một người bạn làm bác sĩ tâm thần, bạn ấy bảo
tôi là ngay trong các sách vở được xuất bản, hẳn cũng có khối ý tưởng
hoang đường không kém mà mọi người coi là bình thường. Bạn ấy lấy ngay
một cuốn sách dạy ngoại ngữ và chỉ cho tôi dòng sau đây: "Trong hiệu
sách có bán sách, báo, tạp chí và các tiểu thuyết khác" (câu này được
viết bằng tiếng Nga). Anh bạn bác sĩ kết luận rằng người viết câu này lẽ
ra phải đi bệnh viện từ lâu, nhưng những người như thế quá đông và có
uy tín lớn, cho nên khó đưa họ vào bệnh viện lắm.
Tôi
bất giác liên hệ tới một nhà ngữ học phân các động từ làm 5 loại: 1)
Ðộng từ nội động; 2) Ðộng từ ngoại động; 3) Ðộng từ nửa ngoại động; 4)
Ðộng từ trừu tượng; ) Ðộng từ nói năng. Không thể nào hiểu nổi làm sao
lại có thể có hai loại sau và làm sao lại không thể xếp chúng vào một
trong ba loại đầu. Cách phân loại này hoàn toàn giống cách chia sự vật
thành mấy loại: 1) sinh vật; 2) vô sinh vật; 3) cá; 4) gió. Thế mà mãi
hai mươi năm sau mới có một tác giả trẻ nêu ra tính phi lý (đúng hơn,
phải nói: tính điên rồ của cách phân loại động từ nói trên) và bài của
anh ta vừa mới in xong đã bị một bậc thầy phê là "đọc chưa hiểu mà đã
dám phê phán một tác giả lớn" như thế. Của đáng tội, làm sao anh bạn trẻ
kia hiểu được, khi anh ta tư duy theo cái cách tầm thường và hèn hạ của
toàn nhân loại, trong khi tác giả lớn kia có cách tư duy riêng, không
cần đến lô gích, của bậc vĩ nhân xuất chúng?
Cách
đây không lâu có một cuốn sách giáo khoa mà chương nào, mục nào cũng mở
đầu bằng câu: "Lâu nay người ta cứ tưởng rằng (...) nhưng thật ra thì
(...)". Cái mà "lâu nay người ta tưởng" là những sự thật đã được cả loài
người công nhận như "hai với hai là bốn" chẳng hạn, còn mấy chữ "thật
ra thì" là những phát minh kiểu "hai với hai là chín" mà chỉ có những
thiên tài như tác giả mới hiểu được. Cuốn sách ấy dày hơn 300 trang, mỗi
trang đều chứa đựng những phát minh như thế mà không có lấy một lời
biện hộ hay chứng minh, vì tác giả tin chắc rằng tư tưởng của mình là
chân lý tuyệt đối và hiển nhiên, chỉ có nhân loại tầm thường mới không
biết, và các nhà khoa học đi trước ngu dốt đến nỗi một vĩ nhân như tác
giả ấy không hơi đâu mà hạ mình xuống tranh luận với họ.
Trên
đây là một vài biểu hiện của chứng vĩ cuồng, một chứng bệnh tâm thần có
vẻ vô hại vì quá lắm cũng chỉ góp phần làm phong phú thêm vốn chuyện
tiếu lâm, nhưng lại có thể trở thành rất nguy hiểm trong những điều kiện
nhất định, khi nó nhiễm vào những người làm nghề viết lách hay giảng
dạy, nhất là những người có tên tuổi hay có học hàm học vị. Vào tay
những người này, nó có thể tăng rất nhanh theo cấp số nhân và biến thành
một bệnh dịch quật ngã hàng triệu người.
Một
tình hình báo hiệu điềm gở là khi nghe hay đọc những điều quái đản mà
chúng tôi vừa dẫn trên đây, phần đông đều thấy là bình thường, hợp lý và
lành mạnh, và khi có ai tỏ ý kinh hoàng, thì chính người ấy bị mọi
người coi là bệnh hoạn, hay vô đạo đức, vì đã có những lời lẽ bất kính
đối với người trên.
Cho nên thiết tưởng cũng không đến nỗi thừa nếu ta thử khảo sát thực trạng và đi tìm căn nguyên của chứng bệnh này.
Vĩ
cuồng (mégalomanie) là một bệnh tâm thần mà người ta thường tưởng là
chỉ có một số nhân vật lịch sử hãn hữu như Nero hay Hitler. Thật ra, ít
nhất ở ta hiện nay, nó khá phổ biến. Vì sao? Căn nguyên là ở đâu?
Trong
một cuốn phim của Xưởng phim truyền hình Việt Nam, hai anh bộ đội phục
viên đang thất nghiệp, tâm sự với nhau về căn nguyên của cái nghèo. Một
anh nói: "Chẳng qua cũng chỉ vì nghèo. Càng nghèo càng dốt, càng dốt lại
càng nghèo". Hình như đó cũng là một chân lý. Nhưng xem ra, có lẽ cái
chuỗi "DỐT - NGHÈO - DỐT" này còn thiếu một khâu nữa mới thật trọn vẹn:
đó là khâu "KIÊU": Càng nghèo càng dốt, càng dốt càng kiêu, càng kiêu càng dốt, càng dốt càng nghèo.
Phàm
sinh ra ở đời, ai cũng dốt. Ði học được mươi năm, ta bớt dốt đi chút
ít, nhưng người học sinh thông minh và biết điều hiểu rõ rằng những gì
mình biết được so với những gì mình chưa biết chỉ là hạt muối bỏ biển,
cho nên càng học càng thấy mình dốt. Thành thử có thể định nghĩa người
có học thức là người biết mình dốt, hay nói như Khổng tử, "Tri chi
vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri gia"; "biết cái gì thì biết là
mình biết cái ấy; không biết thì biết là mình không biết, ấy là biết
vậy".
Có
lẽ đó chính là cái yêu cầu, cái lý tưởng khó thực hiện nhất đối với
người "có học thức". Nó đòi hỏi nhiều đức tính rất khó có ở con người.
Là người, ai cũng bị rất nhiều thứ áp lực thúc bách, trong đó áp lực
mạnh nhất là áp lực của nhu cầu tự khẳng định. Nhu cầu này là trở ngại
lớn nhất cho ý thức "tri chi vi tri chi". Trong những điều kiện khó khăn
như ở nước ta (nhất là trong thời chiến), người ta cần có địa vị, cần
có bằng cấp, và cho thật nhanh. Học thì lâu quá, và nhiều người trong
thâm tâm cũng biết là mình không đủ sáng dạ để học cho thật nhanh. Phải
đi bằng con đường khác. Có những con đường có sức cám dỗ rất lớn - những
con đường tắt và những con đường vòng của sự gian trá. Nhưng sự gian
trá không phải không nguy hiểm. Nó có thể bị bại lộ. Có những người có
lương tâm quá lớn, không thể tự dung túng cho mình sự gian trá. Mặt
khác, không thể chọn con đường lao động học tập. Bị khép chặt giữa hai
sức mạnh quá lớn, cõi vô thức trong tâm lý của những người ấy chọn một
con đường thứ ba: một buổi sáng đẹp trời nào đấy, có một cái gì lóe lên
trong trí họ. Họ chợt giác ngộ ra rằng họ là một người không cần học gì
hết, vì một lẽ đơn giản là họ đã biết hết rồi, họ là một vĩ nhân, cách
xa nhân loại hàng chục năm ánh sáng. Họ chợt hiểu rõ như ánh ban mai
rằng những sách vở "kinh điển" mà họ đọc mãi không hiểu và tưởng đâu quá
khó đối với mình, chẳng qua là một mớ giấy lộn do những đầu óc ngu đần
viết ra - sản phẩm của những con người không đáng là học trò của họ.
Trang tử, Mặc tử, Platon, Aristote, Einstein, Marx - một lũ dốt nát mà
không hiểu tại sao người ta sùng kính. Sở dĩ mình đọc mãi mà không hiểu
là vì những con người đó quá thấp so với tầm cỡ mình. Họ lấy làm lạ là
sao ba bốn chục năm trời mình mới phát hiện được một điều đơn giản như
vậy.
Cái
hạnh phúc ấy quá lớn để họ có thể khước từ. Nó đưa những người như thế
từ địa ngục lên thiên đường. Nó biến họ từ con sâu thành thần thánh. Từ
nay, họ bước đi trên đường đời, lòng tràn đầy hoan lạc, nhìn xuống đám
nhân loại tội nghiệp kia đang chìm trong cõi u tối, giương mắt bé nhìn
mình mà không biết là đang nhìn ÁNH SÁNG CỦA CHÂN LÝ TUYỆT ÐỐI.
Cần
lưu ý rằng họ đi đến sự thể này không phải do họ muốn. Họ không thể làm
khác đi được. Họ chỉ là những nạn nhân, hoàn toàn bị động và vô thức.
Họ như những người bị choáng hay bị ngất. Cho nên ta không thể trách họ.
Cái giây phút oan nghiệt mà họ đã trải qua khi đột ngột trở thành vĩ
nhân trước mắt chính mình, chỉ là kết quả cuối cùng của một quá trình
tác động của những nhân tố phức tạp, khách quan có, chủ quan có, có thể
kéo dài mấy chục năm.
Chứng
vĩ cuồng không có cách gì chữa được. Không có cách gì lôi một con người
ra khỏi cõi cực lạc mà họ đã đắm mình vào một cách hoàn toàn vô thức.
Chính vì sự giác ngộ về sự vĩ đại của bản thân là hoàn toàn vô thức, cho
nên không có cách gì chứng minh cho đương sự thấy rằng đó là một ảo
giác.
Phòng
bệnh hơn chữa bệnh, nhất là một bệnh nan y như thế. Cách đề phòng duy
nhất là làm sao các thế hệ đang lên không mắc vào cái họa ấy. Và muốn
thế, chỉ có một cách là gạt bỏ mọi trở ngại trên con đường học vấn của
con em chúng ta, làm sao cho chúng tiến đủ nhanh trên con đường ấy để
khỏi bị dồn vào cái thế bí, buộc chúng tự huyễn hoặc mình bằng những ảo
ảnh sinh ra từ chứng vĩ cuồng, để chúng luôn luôn nhớ rằng mình còn dốt,
rất dốt, nhưng không phải là dốt một cách vô vọng, chỉ cần kiên nhẫn ít
lâu là có thể đuổi kịp các bạn cùng lứa trên thế giới, rồi từ đó rất có
thể vươn tới những đỉnh cao chân chính của khoa học hay nghệ thuật, chứ
không phải những đỉnh cao hư ảo của sự điên rồ.
TP. Hồ Chí Minh, tháng 4 năm 2000
Nguồn: vannghe.free