Gần đúng hai tháng sau, ngày 11 tháng 2 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã trình bày đề tài Chủ nghĩa Bônsêvích ở châu Á tại Hội nghị những người Thanh niên Cộng sản Pháp quận II, Paris. Tháng 7 cùng năm, Nguyễn Ái Quốc đọc tác phẩm của Lênin về Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc thuộc địa đăng trên báo L’Humanité
(Nhân đạo) số ra ngày 16 và ngày 17 tháng 7 năm 1920. Luận cương này đã
làm cho Nguyễn Ái Quốc “cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết
bao” - một tình cảm và nhận thức mà do nhiều nguyên nhân trước đó Người
chưa có cho đến khi đọc tác phẩm của Mác. Nguyễn Ái Quốc còn viết thư
bằng tiếng Pháp gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản cho biết: “Luận cương
này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành thế giới quan của mình”.
Văn bản đầu tiên mà Nguyễn Ái Quốc nêu tên V.I.Lê nin là bài “ Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa”
viết bằng tiếng Pháp đăng trên báo L’Humanité, ký tên Nguyễn Ái Quốc,
ngày 25 tháng 5 năm 1922. Trong bài này, tác giả viết: “Chủ nghĩa Bôn
sêvích, trước con mắt người dân bản xứ có nghĩa là sự phá hoại tất cả,
hoặc tự giải phóng khỏi ách nước ngoài. Nghĩa thứ nhất, làm cho quần
chúng ít học và nhút nhát xa lánh chúng ta, nghĩa thứ hai thì dẫn họ đến
chủ nghĩa quốc gia. Cả hai điều đó đều nguy hiểm cả”.
Băn
khoăn, suy nghĩ về chủ nghĩa Bônsêvích thực ra là chủ nghĩa Mác áp dụng
như thế nào trong một nước thuộc địa có bọn đế quốc thực dân và tay
sai, có đông đảo nông dân, một bộ phận nhỏ công nhân mới hình thành cùng
với nhiều tầng lớp xã hội khác - như ở Việt Nam - là một chuỗi dài
tháng năm tư duy, chọn lọc, tìm kiếm của Nguyễn Ái Quốc.
Nguyễn
Ái Quốc đã đi từ nhận định: “Ở Đông Dương có hai con người: Người được
bảo hộ và người đi bảo hộ” (báo Le Paria, số 16 tháng 7 năm 1923) đến
kết luận: “Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống
người, giống người bóc lột và giống người bị bóc lột” (Báo Le Paria, số 25 tháng 5 năm 1924) và “ chỉ có hai loại người: Thiện và Ác”.
Trong bài Phong trào cách mạng ở Ấn Độ đăng trên Tạp chí Cộng sản
tiếng Pháp, số 18 - 19 tháng 8, 9 năm 1921, Nguyễn Ái Quốc viết: “Thảm
họa của đất nước đã xóa bỏ, sự phân biệt đẳng cấp và tôn giáo, người
giàu, người nghèo, quý tộc và nông dân, Hồi giáo và Phật giáo đều hiệp
sức đoàn kết”.
Trong năm 1924, tại
Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc đã được mời đến giảng tại một lớp học của những
đảng viên cộng sản Đức, văn bản đã được nhà sử học Pháp Alain Rusico
công bố dưới đề mục Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ.
Người đọc báo cáo này được đánh giá là một người am hiểu sâu sắc chủ
nghĩa Mác và thực tế lịch sử Việt Nam trong quá khứ và hiện tại...
Nguyễn Ái Quốc nói: “Cuộc đấu tranh giai cấp (ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam
Kỳ) không diễn ra giống như ở phương Tây”.
Tại
sao vấn đề đấu tranh giai cấp - hòn đá tảng để phân biệt những người
cách mạng chân chính hay cơ hội, là động lực phát triển của xã hội có
giai cấp đối kháng như Mác - Lênin đã nêu, lại “không diễn ra ở phương
Đông, ở Việt Nam, giống như phương Tây”? Nguyễn Ái Quốc, xuất phát từ
thực tiễn Việt Nam, với một tư duy độc lập nhằm mục đích cao nhất là tìm
ra một phương pháp tối ưu, phù hợp với Việt Nam để giải phóng dân tộc,
đã lập luận rằng: “Xã hội Đông Dương về mặt cấu trúc kinh tế không giống
các xã hội phương Tây thời Trung cổ, cũng như thời Cận đại, và đấu
tranh giai cấp ở đó (ở Đông Dương, Việt Nam) không quyết liệt như ở đây
(ở châu Âu)”.
“Chủ nghĩa Mác sẽ còn
đúng ở đó (ở Đông Dương). Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở
lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở
thời mình không thể có được”.
Nguyễn
Ái Quốc nói tiếp: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý
nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu
là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”.
Ở
đây ta có thể thấy tư duy của phương Đông, của Việt Nam (mà Nguyễn Ái
Quốc là một đại diện), khác với châu Âu. Triết học ở phương Tây thiên về
lý, duy lý, có lúc đơn thuần, duy nhất, cực đoan. Ở Việt Nam có một
triết lý khác: có cả lý và tình. Trong cái xấu còn có thể tìm ra cái
tốt, ở cái mạnh vẫn bộc lộ điểm yếu, trong âm có dương...
Nguyễn
Ái Quốc dẫn ra lý luận của Mác: “Sự tiến triển của xã hội phải trải qua
3 giai đoạn: chế độ nô lệ, chế độ nông nô, chế độ tư bản và trong mỗi
giai đoạn ấy đều có đấu tranh giai cấp tuy có khác nhau”. Nhưng Nguyễn
Ái Quốc lại cảnh báo: “Chúng ta phải coi chừng. Các dân tộc Viễn Đông có
trải qua 2 giai đoạn đầu không?”
Nguyễn Ái Quốc không phủ nhận “đấu tranh giai cấp”
ở châu Âu theo chủ nghĩa Mác, mà suy tính vận dụng chủ nghĩa Mác vào
Việt Nam như thế nào để cách mạng Việt Nam giành thắng lợi.
Trên
thực tế, ở Việt Nam “chủ nghĩa dân tộc còn là động lực lớn nhất của đất
nước”. Từ quá trình lịch sử hình thành dân tộc Việt, người Việt từ xa
xưa đã có một tinh thần dân tộc cao, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau,
đoàn kết chặt chẽ chống thiên tai, ngoại xâm. Từ đó nảy sinh ra tình yêu
nước, thương dân cao cả. Hồ Chí Minh đã từng nói: “Hễ là người Việt
Nam, ai cũng có lòng yêu nước”.
Tình
yêu nước ấy gắn bó tất cả những người Việt, những cộng đồng các dân tộc
chung sống với dân tộc Việt trên đất Việt Nam thành một thành viên chung
được gọi là đồng bào. Hồ Chí Minh định nghĩa đồng bào “nghĩa hẹp là gia
đình, anh em họ hàng, bạn bè, nghĩa rộng là đồng bào cả nước, rộng hơn
nữa là cả loài người”.
Theo mạch tư duy riêng của mình, Hồ Chí Minh không định nghĩa cách mạng
theo cách châu Âu là biến đổi bất ngờ và táo bạo trong cơ cấu kinh tế xã
hội, là khởi nghĩa, nổi dậy, nổi loạn, bước ngoặt cơ bản, bước nhảy vọt
bất ngờ từ một tình trạng chất lượng này sang một chất lượng khác, cuộc
biến đổi lớn thông qua đấu tranh giai cấp... Trên cơ sở thực tiễn Việt
Nam, Hồ Chí Minh đã định nghĩa ngay từ năm 1927 - trong Đường Kách mệnh:
“Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”.
Như vậy, làm cách mạng ở Việt Nam đâu nhất thiết theo cách hiểu của
phương Tây?
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí
Minh chủ trương ở nước Việt Nam bị đô hộ, vấn đề trước hết là phải nêu
cao chủ nghĩa yêu nước, đoàn kết dân tộc, đoàn kết mọi giai cấp có thể
đoàn kết được để giải phóng dân tộc, chớ chưa phải và không phải là đấu
tranh giai cấp chống địa chủ, tư bản tràn lan. Có giải phóng được dân
tộc mới có điều kiện giải phóng được giai cấp nông dân, công nhân. Quan
điểm này đã khiến Quốc tế Cộng sản và nhiều học trò, đồng chí của Nguyễn
Ái Quốc không tán thành, ủng hộ, và cho rằng Nguyễn Ái Quốc coi nhẹ đấu
tranh giai cấp là cải lương, dân tộc chủ nghĩa, khiến cho Nguyễn Ái
Quốc đã từng trở thành một lữ hành cô đơn (câu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn giữ quan điểm của mình.
Trong sách Sửa đổi lối làm việc
viết năm 1947, ký tên X.Y.Z, Hồ Chí Minh đã nhắc cán bộ rằng: “Nghe
người ta nói giai cấp đấu tranh mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu
tranh mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”.
Tiếp đó, trong bài Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử ký tên X.Y.Z, đăng trên tờ Sinh hoạt nội bộ,
Ban Chấp hành Liên chi khu bộ tái bản năm 1950, Hồ Chí Minh viết:
“Trong lúc cần toàn dân đoàn kết mà chủ trương đấu tranh là một điều ngu
ngốc. Việc gì cũng phải đúng với địa điểm, điều kiện và thì giờ thì mới
thành công”. Ba điều đúng (địa điểm, điều kiện, thời cơ) đó chính là
thực tiễn - thực tiễn Việt Nam.
Hồ
Chí Minh viết tiếp: “Chính sách mà Đảng cách mạng lập ra trên sự cần kíp
của xã hội, trên lực lượng chính của sự phát triển xã hội, chớ không
phải lập ra trên những lý luận mênh mông”.
Đi từ thực tiễn Việt Nam, đối chiếu với chủ nghĩa Mác, theo Luận cương của Lênin về vấn đề thuộc địa,
Hồ Chí Minh có lần giải thích rằng: “Chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam
là đại đoàn kết”. Đại đoàn kết tất cả các giai tầng xã hội, theo Hồ Chí
Minh không phải là đoàn kết vô nguyên tắc, mà chỉ là đoàn kết những
người yêu nước, phụng sự Tổ quốc, không đoàn kết với những kẻ phản bội
Tổ quốc, những kẻ tham ô, tham nhũng.
Trong
cải tạo công thương nghiệp tư doanh trên miền Bắc, sau khi hoàn thành
cải cách ruộng đất, Hồ Chủ tịch đã nói trong một hội nghị cán bộ cao cấp
rằng: “Không nên coi tư sản dân tộc là đối tượng cách mạng, mà nên coi
họ là đồng minh”.
Nguyễn Ái Quốc đã
từng vận dụng đấu tranh giai cấp ở Pháp, ở Hoa Nam, ở Xiêm trong đồng
bào người Việt Nam. Năm 1941, sau 30 năm học tập lý luận, đối chiếu thực
tiễn, qua kinh nghiệm hoạt động của bản thân, với những luận điểm riêng
của mình đã được Quốc tế Cộng sản chấp nhận bước đầu qua Đại hội VII
của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã trở về Việt Nam với đầy đủ kinh
nghiệm để thực hiện đại đoàn kết. Người viết trên tờ trên tờ báo Việt Nam độc lập
rằng: “Lực lượng chúng ta là ở chỗ đoàn kết, đoàn kết toàn dân, đoàn
kết người đàn ông, đoàn kết đàn bà, người già, trẻ con, đoàn kết người
làm ruộng, làm thợ, đi buôn, người làm việc cho Tây, người đi lính cho
Tây”, “không phải đoàn kết nhất thời mà đoàn kết mãi mãi”.
Đại
đoàn kết của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - một vận dụng sáng tạo đấu
tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác ở Việt Nam, đã tập hợp, đại hòa hợp
được tất cả con Rồng, cháu Tiên, nông dân, công nhân, trí thức, đại tư
sản..., nghĩa là gần như tất cả những người dân yêu nước, chỉ trừ những
kẻ phản quốc, Việt gian, kẻ chống lại Tổ quốc, dân tộc. “Đại đoàn kết ấy
thực sự là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng
Việt Nam”.
Là một di sản quốc bảo của
Hồ Chí Minh, của Tổ quốc ta, dân tộc ta, bài học về đại đoàn kết, đấu
tranh giai cấp này mãi mãi vẫn là một nhân tố quyết định đồng hành với
thắng lợi của đất nước ta trong thế kỷ mới. Đối với một số quốc gia, dân
tộc, di sản này còn là một phương án tham khảo tích cực.
Theo Dấu ấn của nhà báo Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc