AC:
PAD-NCT khẳng định rằng "Mực (hay mức) có nhiều nghĩa" (đây là tên của
tiểu đề mục 3). Vậy đó là những nghĩa nào? Hai tác giả này cho biết như
sau: "Mực bộ thổ có nghĩa là đen, tham ô, mực (viết), một hình phạt (bôi
mực lên chữ thích trên mặt), đạo Mặc, một đơn vị đo lường (bằng năm
thước). Các từ cá (con) mực, chó mực cho thấy cách dùng mực đã phổ thông
trong tiếng Việt như mực (viết)". Nhưng những nghĩa này cho thấy tên
của tiểu đề mục 3 mà PAD-NCT đã đặt ra là một cách gọi hoàn toàn không
thích hợp vì "mức" trong tiếng Việt không hề có các nghĩa đó. Rồi họ lại
khẳng định rằng nghĩa cổ của "mặc"
[墨] là "đo, mức độ" thì điều này cũng
rất sai. "Đo" là một động từ, còn "mức độ" là một danh ngữ có nghĩa khái
quát trong khi "mặc" là tên của một đơn vị đo chiều dài cụ thể. Trong
15 nghĩa của "mặc ≡ mực" [墨] đã cho trong Hán ngự đại tự điển (Thành Đô,
1993), không có nghĩa nào là "mức độ". Ta không biết PAD-NCT căn cứ vào
đâu mà ghi nghĩa như trên; chỉ biết trước khi dẫn Tiểu nhĩ nhã thì ngay
bên trên, Khang Hy tự điển đã ghi một cách cực kỳ súc tích rằng "(mặc
[墨] là) độ danh [度名]", mà nếu dịch một cách chính xác thì "độ danh" là
"tên [của đơn vị] đo lường". Thì đây: "Ngũ xích vi mặc, bội mặc vi
trượng (năm thước là một mực, gấp đôi mực là một trượng)". Vậy "mặc"
bằng 5 thước và bằng 1/2 trượng; sao lại nói "mặc" có nghĩa là "mức độ"?
Thêm nữa, PAD-NCT cũng dịch không sát nghĩa câu "Bất quá mặc trượng tầm
thường chi gian" trong Chu ngữ thành "chẳng qua cũng tầm thường trong
khoảng một mực một trượng". Rất sai. "Tầm, thường" ở đây cũng có nghĩa
cụ thể như "mặc" và "trượng". "Bát xích vi tầm, bội tầm vi thường"
[八尺为尋,倍尋为常], nghĩa là "tám thước là một tầm, gấp đôi tầm là một thường".
Vậy nếu đã dịch "mặc", "trượng" thành đơn vị đo lường thì cũng phải
dịch "tầm", "thường" thành tên các đơn vị đo lường cho nhất quán chứ
không thể dịch "tầm" và "thường" của tiếng Hán thành "tầm thường" trong
tiếng Việt được. Và "bất quá" ở đây cũng không phải là "chẳng qua"
(trong tiếng Việt), mà là "không bằng" (do ý "không quá" mà ra). Vậy
"bất quá mặc trượng tầm thường chi gian" [不過墨丈尋常之間], là "không vượt qua
khỏi cái độ dài của mặc, của trượng, của tầm, của thường", tức là nhỏ
nhoi, ngắn ngủi.
Hai tác giả cũng không đúng vì cho rằng
trong câu Kiều "Phong lưu rất mực hồng quần" thì chữ "mực" phải hiểu
theo nghĩa "mức", "bậc", "phù hợp với nghĩa cổ ở trên", tức là nghĩa mà
họ đã ghi là "đo, mức độ". "Mực" ở đây phải hiểu theo nghĩa "mức", "bậc"
thì dĩ nhiên là đúng nhưng nói rằng nó liên quan đến nghĩa "đo, mức độ"
thì sai vì, như đã nói, "mực" (≡ "mặc") là tên một đơn vị đo lường cụ
thể chứ không phải là một từ chỉ mức độ chung chung. Cũng vậy đối với
chữ "mực" trong câu "Mực thước thế gian dầu có phải" của Nguyễn Trãi.
Còn nó liên quan đến cái gì thì chúng tôi sẽ nói sau.
PAD-NCT: "(…) mực với nghĩa mức là một
từ thuộc nhóm phổ thông bậc nhất trong tiếng Việt, vẫn còn giữ nghĩa cổ
của mặc 墨 là mức, độ, trong khi đó ở Hán ngữ nét nghĩa này có phần mai
một, đây là một điều rất đáng lưu ý khi tìm hiểu lịch sử tiếng Việt,
người Việt".
AC: Nhưng, như đã nói ở ngay trên đây,
"mặc" [墨] không hề có nghĩa cổ là "mức, độ". Cái nghĩa "ngũ xích vi mặc"
[五尺爲墨] của chữ "mặc" [墨] mà hai tác giả đã dẫn từ Tiểu nhĩ nhã là một
khái niệm về đơn vị đo chiều dài cụ thể, hoàn toàn cụ thể, mà họ đã
cưỡng chế thành hoàn toàn khái quát là "đo, mức độ". Ta cũng không biết
được hai ông đã thống kê bằng phương pháp nào mà có thể khẳng định rằng
"mực với nghĩa mức là một từ thuộc nhóm phổ thông bậc nhất trong tiếng
Việt". Còn "mực" với nghĩa là "mức" liên quan đến cái gì thì chúng tôi
cũng sẽ nói đến ngay dưới đây.
PAD-NCT: "Mực còn có thể là mặc bộ mịch 纆
[……….] TVGT (Thuyết văn giải tự - AC) ghi mực là sách dã 索也 (dây
thừng). Đây là một nghĩa mà rất ít người biết đến! Ta có thể tìm thấy
cách dùng chữ mực (viết) thông với dây đo mực 墨 (mực viết) hay mực/mức 纆
(dây đo) đã dùng tương đương trong thư tịch Hán cổ - được ghi nhận bởi
học giả nhà Hán Dương Hùng 揚雄 (53 TCN - 18 SCN) trong Giải Trào, một
chuyên gia (cũng như là tác giả) "Phương Ngôn"[………]".
AC: Vậy thì cái nghĩa "dây, thừng" ("sách dã" [索也]) của chữ "mặc" [墨] và, hiện tượng chữ "mặc" [墨] bộ "thổ"
[土] cũng dùng thay cho chữ "mặc" [纆] bộ
"mịch" [糸] do đâu mà ra? Xin thưa rằng "dây, thừng" (sách dã) thực chất
là một cái nghĩa phái sinh từ nghĩa "mực" của chữ "mặc" [墨]. Đó là một
hoán dụ đã từ vựng hoá từ danh ngữ "mặc thằng" [墨繩], tức là "dây [có
thấm] mực". Nhiều nguồn thư tịch như tc.wangchao.net.cn,
zhidao.baidu.com, v.v... đều cho biết rằng "trọng thùy tuyến tại cổ đại
thời hậu đích khiếu pháp thị mặc thằng" [重垂线在古时候的叫法是"墨绳"], nghĩa là "vào
thời cổ xưa thì mặc thằng là cách gọi dùng để chỉ dây dọi (fil à plomb
[Pháp]; plumb line [Anh])". Các quyển từ điển Hán Anh trực tuyến đều
dịch "mặc thằng" [墨绳] thành "inked marking string", nghĩa là "dây [có
thấm] mực [dùng để] đánh dấu". Trở xuống, chúng tôi sẽ gọi "mặc thằng"
là "dây mực" cho gọn. Trong cái đấu mực, tức "mặc đẩu" [墨斗], thì dây mực
là bộ phận chính dùng để nảy mực lên gổ làm chuẩn cho việc cưa, xẻ theo
đường thẳng. "Nảy mực", tiếng Hán xưa gọi là "phụ thằng" [負繩], mà
baike.com/wiki giảng là "dụng mặc thằng đả trực tuyến vu mộc"
[用墨绳打直线于木], nghĩa là "dùng dây mực [để] kẻ đường thẳng trên gỗ". Còn Tàu
hiện đại thì gọi "nảy mực" (tức "phụ thằng") là "đàn tuyến"
[彈綫]. Nếu hiểu thành danh từ thì "đàn
tuyến" là "dây dùng để nảy mực lên gỗ" còn ở đây, chúng tôi hiểu theo
động từ, tức là "nảy mực bằng dây mực" (tiếng Việt cũng có dị bản dùng
"nẻ" thay cho "nảy"). "Nảy mực bằng dây mực" thường được nói tắt thành
"nảy mực", như có thể thấy trong thành ngữ "cầm cân, nảy mực". Và chính
vì căn cứ vào cái thực tế cụ thể và hiển nhiên này mà chúng tôi khẳng
định rằng "mực ở đây là cái chất sệt thường là màu đen, dùng để viết,
vẽ, đánh dấu, v.v... chứ không phải là cái dụng cụ của nghề mộc, như
PAD-NCT đã khẳng định, và như chúng tôi sẽ phê phán ngay dưới đây.
PAD-NCT: Mực tàu có hiệu Đốc Thằng thẳng ngay [………] "Mực tàu" ở đây chỉ
một dụng cụ của thợ mộc vì đề mục đã xác định rõ là "Mộc công bộ", có lý
hơn so với nghĩa thường hiểu (hiện nay) là mực (viết) của người Tàu
(người Trung Hoa). Nếu mực trong mực tàu là mực viết/vẽ, thì đây chỉ là
cách dùng đơn giản hóa trong tổ hợp "mực tàu" chỉ dụng cụ gồm ba thành
phần chính: (a) mực (b) dây (thằng) và (c) tàu (hũ chứa, máng chứa
mực)".
AC : Vì mải miết theo đuổi cách hiểu chủ
quan của họ về hai tiếng "mực tàu" nên PAD-NCT đã không quan tâm đến
đặc điểm cú pháp – ngữ nghĩa của danh ngữ này. Hai tác giả cho rằng
trong "mực tàu" thì "tàu" là "hũ chứa, máng chứa mực". "Tàu" thì đúng là
"máng" nhưng phải là máng có kích thước to, cỡ như máng trong chuồng
ngựa, chuồng voi chứ ngay cả máng lợn thì cũng chẳng ai gọi là "tàu".
Thế cho nên ta chỉ có "tàu ngựa", "tàu voi", chứ không có "tàu lợn". Vậy
"tàu" là một loại máng, nhưng phải là máng to. Đến như nói "tàu" là "hũ
chứa [mực]" thì chỉ là nói đùa cho vui về kích thước của cái "tàu" mà
thôi. Cái "tàu" không thể nằm gọn trong cái "mực tàu" của PAD-NCT được.
Đó là nói về mặt ngữ nghĩa. Còn nói về cú pháp thì, nếu được phép dùng
"tàu" với nghĩa "hũ", người ta cũng sẽ phải gọi cái đồ nghề của PAD-NCT
là "tàu mực", chứ không phải "mực tàu" vì đây chỉ là cách nói "ngược"
của Tàu mà thôi.
TẠM KẾT LUẬN: Với những nhận xét trên
đây, ta đã có thể thấy rằng bài "Tản mạn về nghĩa của 'mực tàu' 墨艚 qua
từ điển Việt Bồ La (phần 1)" của PAD-NCT có nhiều chỗ sơ hở quan trọng
nên không phải là chỗ dựa đáng tin cậy để tìm hiểu về nghĩa của hai
tiếng "mực tàu". "Mực tàu", với chúng tôi, vẫn là mực Trung Hoa.