Sunday, 9 January 2022

Về một bài viết của Phan Anh Dũng - Nguyễn Cung Thông (An Chi - Năng Lượng Mới

Về một bài viết của Phan Anh Dũng - Nguyễn Cung Thông

14:14 | 16/11/2015

|
Bạn đọc: Trong bài “Lẽ ra họ phải được gọi là người GHE”, đăng trên Báo Năng lượng Mới số 454 (4-9) & 456 (11-9-2015), ông An Chi vẫn khẳng định rằng “Tàu” trong “mực tàu” là từ dùng để chỉ nước Trung Hoa. Mới đây, www.khoahocnet.com (29-10-2015) đã đăng bài “Tản mạn về nghĩa của ‘mực tàu’  墨艚  qua từ điển Việt Bồ La (phần 1)” của Phan Anh Dũng/ Nguyễn Cung Thông. Xin ông An Chi cho biết nhận xét của ông về bài này. Xin cám ơn. LVT  (Phú Yên)  

Học giả An Chi: Chắc sẽ còn ít nhất là "phần 2" nên kỳ này chúng tôi chỉ xin nhận xét sơ bộ theo trình tự: PAD-NCT (ý kiến của Phan Anh Dũng - Nguyễn Cung Thông) rồi liền ngay dưới là nhận xét của AC (An Chi). Sau đây là các chữ viết tắt của PAD-NCT : - VBL là Từ điển Việt Bồ La); - HV = Hán Việt.

PAD-NCT: "Sinh thì (nghĩa là chết/VBL) so với sinh thì (sinh thời, dạng này hiện diện sau thập bán thế kỷ XIX cho đến nay) nghĩa là lúc còn sống".

AC: Hai tác giả đã so sánh không đúng. VBL có hai mục từ "sinh" khác nhau. Mục trước là "sinh, sóũ [sống]" mà A. de Rhodes dịch sang tiếng Bồ là "vivo" (= sống, còn sống) và tiếng La là "vivus,a,um" (cùng nghĩa). Còn mục sau là "sinh, lên" mà A. de Rhodes dịch sang tiếng Bồ là "subir" (= lên, lên cao) và tiếng La là "ascendo, is" (cùng nghĩa). Mục sau còn có "sinh thì, giờ lên" mà "giờ lên" chính là nghĩa của "sinh thì". Vậy "sinh" trong "sinh thì" là "lên" chứ không phải là "sống" nên không thể đánh đồng "sinh thì" ở đây với "sinh thời" hiện nay được. Huống chi, chính hai tác giả đã khẳng định rằng "sinh thời" chỉ "hiện diện sau thập bán thế kỷ XIX" thì nó không thể trực tiếp dính dáng gì về nguồn gốc với "sinh thì" của VBL (1651). Từ điển từ cổ của Vương Lộc và Từ điển từ Việt cổ của Nguyễn Ngọc San - Đinh Văn Thiện đều xác định rõ ràng rằng "sinh thì" chỉ là một lối nói riêng của Công giáo. Nó không thuộc tiếng Việt toàn dân. Vậy "sinh thời" không phải là "sinh thì" mở rộng nghĩa.

PAD-NCT: "Nhân danh dùng trong Kinh Thánh (nhân danh cha...) bây giờ đã mở rộng nghĩa (nhân danh đạo đức, nhân danh con người ...)".

AC: Cũng chẳng có mở rộng nghĩa gì cả. Chẳng qua là ở đây, Kinh Thánh đã xài lối nói của tiếng Việt toàn dân.    PAD-NCT: "bơm (bơm thơm - tóc bờm xờm, bù xù) - bây giờ không còn dùng nữa mà thay thế bằng nét nghĩa ống (máy) bơm từ kỹ thuật Tây phương nhập vào. AC: Ở đây hai từ "bơm" cũng chẳng có dây mơ rễ má gì với nhau cả. Trong "bơm thơm" thì "bơm" là một hình vị không rõ nghĩa của tiếng Việt hiện đại còn trong "máy bơm" thì "bơm" là một động từ có nghĩa và xuất xứ cụ thể (< "pompe" của tiếng Pháp). Thật là dị thường khi hai tác giả lại đánh đồng "bơm" này với "bơm" kia!

PAD-NCT: "Ghe nghĩa là nhiều (VBL) bây giờ không còn dùng nữa, thay bằng danh từ ghe (tàu)". AC: Ở đây ta cũng có hai từ "ghe" hoàn toàn khác nhau. Làm sao có thể nói "ghe" trong "ghe tàu" đã thay thế cho "ghe" có nghĩa là nhiều. Ta chỉ có thể nói "ghe" (= nhiều) là một từ cổ còn từ đồng âm với nó là "ghe" (= thuyền) thì vẫn còn tồn tại trong phương ngữ Nam Bộ.

PAD-NCT: "Non dạ (VBL - buồn nôn) bây giờ hàm ý thiếu suy nghĩ, còn non nớt ...".

AC: Ở mục này, ta phải nhận xét với óc phê phán rằng đây là "nôn" chứ không phải "non", nhất là khi mà chính A. de Rhodes đã liên hệ "non dạ" với "buồn nôn". Đây có thể chỉ là do lỗi in ấn mà ta có thể thấy không ít trong VBL (nên chính A. de Rhodes cũng đã phải làm bảng "Đính chính" [Appendix - Errata declarationis linguae corrige] nhưng vẫn còn để sót nhiều).

PAD-NCT: "Mực (hay mức) có nhiều nghĩa. Mực là một biến âm của mặc HV, thường là chữ mặc bộ thổ 墨 [……….] Chữ Mặc 墨 vốn có một nghĩa cổ là đo, mức độ. Khang Hy Tự Điển dẫn Tiểu nhĩ nhã và Chu ngữ: 小爾雅】五尺爲墨,倍墨爲丈。【周語】不過墨丈尋常之閒。 [Tiểu nhĩ nhã] ngũ xích vi mặc, bội mặc vi trượng (năm thước là một mực, gấp đôi mực là một trượng). [Chu ngữ ] bất quá mặc trượng tầm thường chi gian (chẳng qua cũng tầm thường trong khoảng một mực một trượng). Truyện Kiều có câu "Phong lưu rất mực hồng quần. Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê" rõ ràng mực câu này phải hiểu theo nghĩa "mức", "bậc", phù hợp với nghĩa cổ ở trên.

 

Năng lượng Mới 474

 

 https://petrotimes.vn/ve-mot-bai-viet-cua-phan-anh-dung-nguyen-cung-thong-349441.html

No comments:

Post a Comment