Sunday, 21 August 2011

Pa-nen là từ mượn âm của ngôn ngữ nào ?

Pa nen (tấm bê tông dùng để lắp ghép sàn hay mái nhà) là một từ được các kỹ sư xây dựng miền Bắc mượn từ tiếng Nga (панель) trước năm 1975. Từ pa nen này được dùng để chỉ các loại vật liệu dạng tấm như pa nen [năng lượng] mặt trời.  Tấm pa nen có khi bị gọi trại thành tấm nên.
Pa nen trong pa nen điều khiển hệ điều hành Windows có lẽ là từ mượn tiếng Anh (control panel) đọc theo kiểu Việt nếu như không phải là kỹ sư tin học nào đó đã chủ ý dùng từ pa nen của tiếng Việt chuyên ngành xây dựng để dịch thuật ngữ control panel. Nhưng ai là người đầu tiên dịch như vậy và thật sự thì điều gì đã xảy ra trong óc người ấy ?


Pa nen trong pa nen hồng cầu chắc chắn là đã được các thầy thuốc Việt Nam dịch từ panel de globules rouges của tiếng Pháp. Bản thân từ panel trong tiếng Pháp vẫn đang bị coi là một từ ngoại lai gốc Anh (anglicisme), tức là một từ tiếng Anh đọc theo kiểu Pháp. Kiểu đọc này cũng tương tự như cách các kỹ sư tin học Việt Nam đọc từ panel trong thuật ngữ pa nen điều khiển.

Saturday, 20 August 2011

Tại sao nước tương được gọi là xì dầu?

Xì dầu là một loại nước chấm của người Trung Quốc được làm từ đậu nành (đỗ tương) rang chín, lên men. Xì dầu là âm Quảng Đông của  豉油 . Âm Hán Việt là thị du: du nghĩa là dầu, thị đậu thị, thường gọi là đậu xị (hàm đậu xị hay hàm thị là đậu xị muối; đạm đậu xị hay đạm thị là đậu xị nhạt).
Xì dầu trước đây không được xem là tiếng Việt mặc dù đã xuất hiện trên sách báo tiếng Việt từ rất sớm:
Những yếu-hạng về sự tăng thuế như sau này:
1.      Thuế sở-đắc,
2.      Thuế rượu,
3.      Thuế nước chấm (xì-dầu),
4.      Thuế tiêu-phí về đồ dệt,
5.      ..... (Nam Phong Tạp Chí số 7, 1918:56-57) Từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (1931) và Gustave Hue (1937) không ghi từ xì dầu. Đến Thanh Nghị (1967:1516), Lê Văn Đức (1970b:1835) mới thấy có mục từ xì dầu.

Friday, 19 August 2011

Mô-men là từ gốc Pháp hay gốc Nga?

Mô-men là một thuật ngữ dùng trong toán và vật lý. Trước đây thuật ngữ này được ghi là mo-men (Hoàng Xuân Hãn, 1959:116, Đào Đăng Vỹ, 1991:1290), rõ ràng là một từ gốc Pháp mặc dù âm của nó gần với tiếng Nga hơn (момент).

Thursday, 18 August 2011

Pa-pi-ê-ma-sê có phải là từ gốc Pháp không?

Người biết tiếng Pháp tạo ra từ này từ tiếng Pháp (papier mâché):
Papier-mâché (em xin phiên âm kiểu bình dân học vụ là pa-pi-ê ma-shê) là một từ tiếng Tây chỉ môn nghệ thuật tạo hình từ giấy, bột giấy và hỗn hợp hồ dán, tinh bột. (http://www.dieudieu.info/2011/05/papier-mache-mo-hinh-giay.html)
Nhưng trước đây pa-pi-ê-ma-sê đã xuất hiện trong từ điển Nga Việt tập 2 của Alikanôp (1977)  ở mục từ папье-маше

Alikanôp là bút danh của Nguyễn Minh Cần, nguyên phó chủ tịch Ủy Ban Hành Chính Hà Nội đã tỵ nạn ở Liên Xô từ những năm 60. Cách làm của Alikanôp cũng là cách làm của các nhà khoa học ở miền Bắc cùng thời khi chế tác thuật ngữ để diễn đạt khái niệm mới:

Nguyên tắc chung là cố gắng hạn chế vay mượn từ nước nước ngoài. Tuy nhiên tính quốc tế của thuật ngữ có thể được vận dụng nếu bản thân tiếng Nga mượn  âm thuật ngữ một tiếng châu Âu khác (thường là tiếng Pháp). Khi đó việc mượn âm cũng có thể được áp dụng trong tiếng Việt mà người đề xuất việc vay mượn không sợ bị tố là làm mất sự trong sáng của tiếng Việt. Kết quả là trong tiếng Việt chính thức xuất hiện hàng loạt từ ngữ và thuật ngữ có âm gần với gốc Pháp  mà nếu không nhờ gần âm với tiếng Nga sẽ vĩnh viễn bị cấm cửa.
Việt
Pháp
Nga
Nguồn
a-gi-ô
agio
ажио
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:15)
a pô ri
aporie
апория
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:22)
công xoóc xiom
consortium
консорциум
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:99)
nu men
noumène
ноумен
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:138)
xi ních
cynique
циник
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:242)
sa man
chaman
шаман
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội (1979:245)
ôtômat
automate
автомат
Nguyễn Đình Đằng (1979:13)
ôtônôm
autonome
автономный
Nguyễn Đình Đằng (1979:14)
alep
aleph
алеф
Nguyễn Đình Đằng (1979:16)
compac
compact
компактный
Nguyễn Đình Đằng (1979:68)
continum
continuum
континуум
Nguyễn Đình Đằng (1979:70)




Wednesday, 17 August 2011

Ống buy là ống gì?

Ống buy (gốc tiếng Pháp là buse) là từ dùng trong ngành xây dựng ở miền Bắc từ trước năm 1975. Miền Nam gọi là ống cống.

Tuesday, 16 August 2011

Tại sao người ta gọi món thịt heo nướng có ướp mắm muối (hoặc xì dầu) và húng lìu là xá xíu ?

 Xá xíu là món ăn của người Trung Quốc. Xá xíu là âm Quảng Đông của叉燒 . Âm Hán Việt của từ này là xoa thiêu ; nghĩa của nó là nướng xâu.

Sunday, 14 August 2011

Tại sao khúc ngoặt trên đường đi được gọi là khúc cua?

Cua là từ mượn âm Pháp. Gốc của nó là courbe.
Xong anh vòng một cua trên bờ sông, lộn lại đường Võ Di Nguy cốt báo hiệu cho Chơn và cả cho anh Bảy nữa  (Mai Ngữ, 2005:256)
Từ quẹo chỉ phổ biến ở miền Nam. Từ rẽ chỉ phổ biến ở miền Bắc. Dùng từ cua trên văn bản kỹ thuật là phù hợp nhất: hệ thống điều khiển cua an toàn (système de contrôle des courbes), khúc cua chữ S (courbe en S)...