Friday, 7 October 2011

Bạc đà là cái gì?

Từ bạc đà được các từ điển Nguyễn Như Ý (1999:94), Hoàng Phê (2006:24) giải thích là cái ba lô (lính).
Chỗ này hồi trước có cái tượng thằng lính Tây đen xì đeo bạc đà đứng lù lù như uy hiếp cái cột cờ trong thành cổ (Ma Văn Kháng, 2003VI:583)
Gốc Pháp là barda, có nghĩa là quân trang.

Thursday, 6 October 2011

Tơợc-phít là gì?


Trong phóng sự Cá ngựa! Cá ngựa Vũ Bằng ba lần dùng từ tơợc-phít:

Tôi bảo cụ chỉ là một tơợc-phít.
Khắp Hà Thành và Cảng, còn ai không biết ngài là một tay “tơợc-phít” có danh? 
Nhờ cái mạnh ấy, các “tơợc-phít”  khác sẽ bỏ nhà mà dọn đến ở nhà pha.


Đó là một từ gốc Pháp (turfiste, nghĩa là dân chơi cá ngựa). Anh em song sinh của nó là tuyệt phích, được ghi trong từ điển của Chu Bích Thu (2006:260):


Ở trường đua, tuyệt phích có thể cá cược hợp pháp với ban tổ chức nhưng nếu thắng, tiền độ thấp hơn so với cá cược lậu.

(Công Quang, "Những “bí mật đen” ở trường đua Phú Thọ", Dân Trí,  22/05/2009

()

Vên là cái gì?

Từ bielle của tiếng Pháp nghĩa là thanh truyền, vào tiếng Việt thành biên (ở phía Bắc) và vên/dên ở phía Nam. Từ điển Hoàng Phê (2006:62) có biên, không có vên. Từ điển Lê Văn F9ức (1970b:1765) có vên, không có biên. Từ điển Nguyễn Như Ý (1999) có cả biênvên.

Tuesday, 4 October 2011

Đi rỏn là đi đâu?


Từ rỏn có mặt trong các từ điển Lê Văn Đức (1970b:1242), Nguyễn Như Ý (1999:1408). Đi rỏn do gốc tiếng Pháp là faire la ronde, nghĩa là đi tuần (đêm).

Con sa mù là con gì?

Sa mù là lạc đà. Gốc tiếng Pháp là chameau.
Bác đã đi nhiều, đâu cũng biết, biết cả con “sa mù” có hai cái bướu trên lưng quanh năm nhịn nước. (Tô Hoài, 2007:20)

Monday, 3 October 2011

Một mi-crôn là bao nhiêu mét?

Một mi-crôn là một phần triệu (10-6) mét, tức là 1/1000 mi-li-mét. Đồng nghĩa là mi-crô-mét.
Trong tiếng Việt có ba dạng tương đương về nghĩa nhưng khác nguồn là mi-crôn, mi-cron (gốc Nga микрон) và mi-crông (gốc Pháp micron). Các dạng gốc Nga phổ biến trên văn bản chính thức hơn; dạng gốc Pháp rất hiếm khi xuất hiện trong thực tế. 

Sunday, 2 October 2011

Kèn lập binh là kèn gì?

Lập binh là từ cũ, gốc Pháp là l’appel, nghĩa là gọi. Thời Pháp thuộc, thổi kèn lập binh, tiếng Pháp là sonner l’appel, là thổi kèn gọi lính.
Kèn hiệu dưới thời Pháp thuộc còn có: kèn la vầy (réveil) là kèn báo thức, kèn la mác/la mát (la marche) là kèn diễu hành.