Friday, 14 October 2011

Làm ne là làm gì?


Trong tiếng Pháp nègre vốn có nghĩa là mọi da đen.
Cuối thế kỷ 18 từ nègre có thêm nghĩa là tác giả ma, tức người viết (mướn) để người khác ký tên. Alexandre Dumas, tác giả của cả trăm quyển tiểu thuyết lịch sử bất hủ, trong đó có Ba người lính ngự lâm (Les Trois Mousquetaires), Hai mươi năm sau (Vingt Ans Après), Hoa tu-líp đen (La Tulipe Noire)... đã sử dụng một số tác giả ma; đuợc hậu thế biết đến nhiều nhất là Auguste Maquet, chuyên làm công việc tìm tài liệu, viết phác thảo rồi chuyển cho Alexandre Dumas hoàn thiện bản thảo. Suy cho cùng cũng là làm mọi.
Dân kiến trúc nước ta gọi người giúp việc là ne, thực chất là bắt làm mọi:
Ne ơi ta bảo ne này,
Ne vô họa thất ne “cày” cùng ta,
Trưởng tràng có luật đưa ra,
Kêu gì làm nấy, liệu mà biết khôn,
Bắt cởi truồng, phải cởi truồng,
Kêu nằm “quậy cỏ”, liệu hồn “rendu”

Tuesday, 11 October 2011

Cây ắc là cây gì?



Ắc, còn gọi là cây chốt, là từ của dân cơ khí, chỉ một chi tiết máy hình đoạn thẳng làm trục cho một hoặc nhiều chi tiết khác quay quanh. Từ nguyên dân gian giải thích rằng khi cây chốt gãy thì xe kêu “ặc ặc”. Thật ra ắc là một từ gốc Pháp (axe), có nghĩa là trục.

Phơi đề là phơi cái gì?


Phơi đề không phơi cái gì cả. Phơi có nghĩa là tờ phiếu, gốc tiếng Pháp là feuille

Phơi thanh toán là tờ phiếu thanh toán:
Họ chỉ đảo từ này xuống dưới, xếp từ kia lên trên rồi đạo nguyên những câu ví dụ từ các quyển Larus Francais ra để lòe những người mới học ở trình độ i tờ và cứ thế rút tiền biên soạn, cho đệ tử cùng cạ ký đại vào tờ phơi thanh toán của Trung tâm. (Đào Quang Thép, 2007:205)

Phơi đề là tờ phơi cá độ (feuille de pari) về kết quả xổ số.

Phơi tem (feuille de timbres) là tờ phơi dùng để trình bày tem.

Sunday, 9 October 2011

Ba sô là cái gì?


Thời Pháp thuộc và ở miền Nam trước năm 1975, ba sô là từ dùng để chỉ bằng tú tài Tây:
Ba sô cao đẳng trở đi,
Như mù như điếc huống gì nữa ai.
Gốc tiếng Pháp là bachot, có sắc thái thân mật.
Cùng nghĩa và cùng sắc thái với ba sô còn có bắc (gốc tiếng Pháp là bac): bắc oong (bac I) là tú tài I, bắc đơ (bac II) là tú tài II, bắc phi lô (bac de philo) là tú tài ban triết...

Saturday, 8 October 2011

Hành ba rô có phải là tỏi tây không?

Tỏi tây là một cây thuộc họ hành (Alliaceae); lá và củ ăn được, rất phổ biến trong các thực đơn kiểu Tây.
Tỏi tây, tiếng Pháp là poireau. Từ poireau vào tiếng Việt bằng đường mượn âm dưới các dạng poa rô, boa rô, bo rô và ba rô.

Friday, 7 October 2011

Bạc đà là cái gì?

Từ bạc đà được các từ điển Nguyễn Như Ý (1999:94), Hoàng Phê (2006:24) giải thích là cái ba lô (lính).
Chỗ này hồi trước có cái tượng thằng lính Tây đen xì đeo bạc đà đứng lù lù như uy hiếp cái cột cờ trong thành cổ (Ma Văn Kháng, 2003VI:583)
Gốc Pháp là barda, có nghĩa là quân trang.

Thursday, 6 October 2011

Tơợc-phít là gì?


Trong phóng sự Cá ngựa! Cá ngựa Vũ Bằng ba lần dùng từ tơợc-phít:

Tôi bảo cụ chỉ là một tơợc-phít.
Khắp Hà Thành và Cảng, còn ai không biết ngài là một tay “tơợc-phít” có danh? 
Nhờ cái mạnh ấy, các “tơợc-phít”  khác sẽ bỏ nhà mà dọn đến ở nhà pha.


Đó là một từ gốc Pháp (turfiste, nghĩa là dân chơi cá ngựa). Anh em song sinh của nó là tuyệt phích, được ghi trong từ điển của Chu Bích Thu (2006:260):


Ở trường đua, tuyệt phích có thể cá cược hợp pháp với ban tổ chức nhưng nếu thắng, tiền độ thấp hơn so với cá cược lậu.

(Công Quang, "Những “bí mật đen” ở trường đua Phú Thọ", Dân Trí,  22/05/2009

()