Tuổi sồn sồn là tuổi nửa già nửa trẻ; cơm sồn sồn là cơm nửa sống nửa chín (Génibrel, 1898:702; Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:494; Lê Văn Đức, 1970b:1305). Vương Lộc (2001:146) coi sồn sồn với nghĩa nửa sống nửa chín là từ cổ. Nguyễn Kim Thản (2005:1410) coi là từ cũ.
Trên Internet chỉ thấy có bài vè sau đây lưu giữ dấu vết của cụm từ cơm sồn sồn:
Đầu lớn chôm bôm, là con tôm tít
Bắt người ăn thịt, là con tôm hùm
Ở bụi ở lùm là con tôm cỏ
Bắt bỏ vào giỏ là con tôm lương
Gánh đất lấp đường là con tôm đất
Vô chùa lạy Phật là con tôm tu
Sóng đánh chổng khu là con tôm cồn
Nấu cơm sồn sồn là con tôm gạo
Lấy nước thơm thảo là con tôm trầm
Bịt chén bịt mâm là con tôm bạc
Phải quấy mình gạt là con tôm càng
rèn đục rèn chàng là con tôm sắt
Hay cắn hay ngắt là con tôm chồng
Nghe bậu lấy chồng là con tôm lóng
Lấy chồng cho chóng là con tôm lang
Da thịt nó vàng là con tôm nghệ
Việc làm bê trễ là con tôm te.
Friday, 18 November 2011
Áo tô là áo gì?
Áo tốt nghiệp, áo cử nhân, áo thạc sĩ, áo tiến sĩ... các kiểu lụng thụng với một dải vải vắt qua vai, buông lòng thòng trước ngực chính là áo tô. Áo tô nguyên là y phục của công dân La Mã, được cải biên thành áo choàng của giáo sư, quan tòa, luật sư. Học sinh, sinh viên trong ngày tốt nghiệp cũng được phép mặc áo tô.
Tiếng Việt có từ tô ga gần âm với toga trong tiếng La Tinh, tiếng Anh và nhiều thứ tiếng châu Ấu khác (tiếng Nga là тога phát âm cũng giống như thế). Khó có thể xác định tô ga được mượn từ tiếng nào trước.
Ngoài ra tiếng Việt cũng có tô-giơ và tô-jơ chắc chắn là từ toge của Pháp (Lê Ngọc Trụ, 1993:780). Trong từ điển này cũng có từ tô, được xem là rút gọn của tô-giơ và tô-jơ.
Tuy nhiên do áo tô đã biến mất khỏi đời sống ở Việt Nam một thời gian khá dài cùng lúc với sự suy tàn của tiếng Pháp, từ tô hiện nay rất có thể được xem là kết quả rút gọn của tô ga.
Tiếng Việt có từ tô ga gần âm với toga trong tiếng La Tinh, tiếng Anh và nhiều thứ tiếng châu Ấu khác (tiếng Nga là тога phát âm cũng giống như thế). Khó có thể xác định tô ga được mượn từ tiếng nào trước.
Ngoài ra tiếng Việt cũng có tô-giơ và tô-jơ chắc chắn là từ toge của Pháp (Lê Ngọc Trụ, 1993:780). Trong từ điển này cũng có từ tô, được xem là rút gọn của tô-giơ và tô-jơ.
Tuy nhiên do áo tô đã biến mất khỏi đời sống ở Việt Nam một thời gian khá dài cùng lúc với sự suy tàn của tiếng Pháp, từ tô hiện nay rất có thể được xem là kết quả rút gọn của tô ga.
Thursday, 17 November 2011
Tại sao những người tự đề cao mình một cách lố bịch lại bị gọi là cái rốn của vũ trụ?
Cái rốn vốn chỉ là cái ống dẫn máu từ nhau vào bào thai. Cái ống đó được cắt bỏ khi đứa nhỏ sinh ra được cắt. Cái sẹo hình tròn còn lại ở giữa bụng cũng gọi là rốn. (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:472; Lê Văn Đức, 1973b:1247; Hoàng Phê, 2006:833). Do ảnh hưởng của tiếng Pháp, rốn có thêm nghĩa bóng là trung tâm: cái rốn của vũ trụ là kết quả dịch sao phỏng cụm từ tiếng Pháp le nombril de l’Univers. Cũng bằng cách dịch sao phỏng, le nombril du monde sang tiếng Việt thành cái rốn của thế giới. Điều thú vị là người Việt hay nói tưởng mình là cái rốn của vụ trụ hơn tưởng mình là cái rốn của thế giới. Trong khi đó người Pháp lại hay nói se prendre pour le nombril du monde. hơn se prendre pour le nombril de l’Univers. Bởi vậy dịch cụm từ cái rốn của vũ trụ ra tiếng Pháp là một vấn đề nan giải. Cách dịch nào cũng có cái hay và cái dở của nó.
Wednesday, 16 November 2011
Tại sao dây dọi còn được gọi là lập lòn?
Dây dọi / lập lòn gồm một quả đồng thau dằn chì cho nặng treo vào đầu một sợi dây. Thợ xây thả dây dọi/lập lòn để kiểm tra xem tường có thẳng đứng hay không. Dây dọi tiếng Pháp là fil à plomb, dịch sát từng từ là sợi dây có cục chì. Người Việt bỏ âm tiết đầu, chỉ giữ đoạn sau thành ra lập lòn.
Tuesday, 15 November 2011
Trăm hay chưa được thì nghìn hay được không?
Trăm trong Trăm hay không bằng tay quen không phải là từ chỉ số lượng. Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:594) giảng là nói líu lo dấp dính. Ví dụ: nói trăm như tiếng mọi. Từ trăm với nghĩa này cũng được ghi nhận trong Génibrel (1989:873), Hue (1937:1052). Trăm hay trong câu tục ngữ trên đây có nghĩa là nói hay. Ý nghĩa của cả câu đó là nói hay không bằng quen làm.
Monday, 14 November 2011
Tăng đơ là cái gì?
Bộ phận dùng để căng dây xích/sên nay gọi là bộ tăng sên, xưa gọi là tăng đơ, do ảnh hưởng của tiếng Pháp (tendeur de chaîne).
Thiết bị điều chỉnh sức căng dùng để chằng buộc hàng hóa, các công trình như cột điện, trạm phát sóng.. cũng được gọi là tăng đơ: tăng đơ chữ U (tiếng Pháp là tendeur en U), tăng đơ dạng khung (tiếng Pháp là tendeur à lanterne), tăng đơ cáp (tendeur de câble)...
Một số người, thường là người Nam, không nói tăng đơ mà phát âm là tăng đưa, tức là dùng một nguyên âm đôi trong tiếng Việt để thể hiện trường độ của nguyên âm /œ/ trong âm tiết thứ hai của từ tiếng Pháp (–deur).
Sunday, 13 November 2011
Quay tít thò lò là làm sao?
Quay tít thò lò là quay như bông vụ/con quay. Thò lò là âm Quảng Đông của (陀 螺 tuóluó). Âm Hán Việt của từ này là đà loa.
Thò lò còn có nghĩa là một lối đánh bạc thời trước, bằng con quay có sáu mặt số (Nguyễn Kim Thản: 2005:1533; Hoàng Phê, 2006:945). Con quay này là cái dụng cụ đổ bác hình lăng trụ sáu mặt, có ghi chấm tròn ở mỗi mặt từ 1 đến 6 xoay nhanh quanh trục đứng cắm xuyên qua tâm (Lê Văn Đức, 1970a:1575; Lê Ngọc Trụ, 1993:774). Người tráo trở được gọi là thò lò sáu mặt là vì vậy (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:570).
Thò lò còn có nghĩa là một lối đánh bạc thời trước, bằng con quay có sáu mặt số (Nguyễn Kim Thản: 2005:1533; Hoàng Phê, 2006:945). Con quay này là cái dụng cụ đổ bác hình lăng trụ sáu mặt, có ghi chấm tròn ở mỗi mặt từ 1 đến 6 xoay nhanh quanh trục đứng cắm xuyên qua tâm (Lê Văn Đức, 1970a:1575; Lê Ngọc Trụ, 1993:774). Người tráo trở được gọi là thò lò sáu mặt là vì vậy (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:570).
Subscribe to:
Posts (Atom)