Hạt me thi là hạt cỏ cà ri. Hạt cỏ cà ri gần đây được Ấn Độ xuất khẩu mạnh ra khắp thế giới vì có nhiều nghiên cứu cho rằng hạt này có tác dụng tốt trong việc điều trị nhiều bệnh hiểm nghèo, kể cả ung thư và tiểu đường. Tên của loại hạt này trong tiếng Urdu/Hindi/Nepali là methi. Vì vậy từ methi trở nên quen thuộc với nhiều người. Có nhiều khả năng me thi vào tiếng Việt qua kênh tiếng Anh, ngôn ngữ của giao dịch ngoại thương.
Friday, 17 February 2012
Tuesday, 14 February 2012
Vì sao dân kỹ thuật giao thông đường bộ gọi cua chữ chi là lát xê?
Khi góc cua lớn và bán kính cong nhỏ, khúc cua được gọi là cua tay áo. Tiếng Anh là hairpin [curve / turn / bend] và tiếng Pháp là virage en épingle à cheveux, đều có thể được dịch sát là cua hình kẹp tóc.
Nhiều cua tay áo liên tiếp nhau tạo thành một đường dích dắc, gọi là cua chữ chi (chữ 之 trong tiếng Hán, đọc theo âm Hán Việt là chi, hình dạng giống như chữ Z trong bộ chữ cái La Tinh). Thuật ngữ giao thông đường bộ tiếng Pháp gọi cua chữ chi là virage en lacets. Dân kỹ thuật Việt Nam phiên âm từ lacet thành lát xê. Monday, 13 February 2012
Lạc Long Quân nghĩa là gì? - An Chi (Đương Thời Xuân Nhâm Thìn, 2012)
Mỹ hiệu Lạc Long Quân 貉龍君 thường được diễn Nôm thành “Bố Rồng”, “Cha Rồng” mà không thấy ai thắc mắc rằng đây là một cách hiểu “cà thọt”: nếu chữ long là rồng thì chữ lạc bỏ đi đâu? Người chép truyền thuyết thời xưa ghi lại lời của Lạc Long Quân tự xưng “Ta là giống rồng” chẳng biết có ghi thiếu hay không. Còn nếu quả Lạc Long Quân chỉ tự giới thiệu như thế thì hiển nhiên ông ta quên nói với vợ con mình rằng Lạc Long là giống rồng gì (nếu lạc là định ngữ của long), hoặc là giống rồng và giống gì nữa (nếu lạc long là một danh ngữ đẳng lập). Còn chúng tôi thì hiểu rằng Lạc Long là Hạc và Cá Sấu.
Tên của “Lạc Long Quân” 貉龍君 bị đọc sai ở chữ 貉 . Chữ này tuyệt nhiên không có âm “lạc”. Đầy đủ nhất và cũng thuộc loại đáng tin nhất là Hán ngữ đại tự điển của Hán ngữ đại tự điển Biên tập uỷ viên hội (Thành Đô – Hồ Bắc, 1993) đã ghi cho nó 3 âm (không kể âm hậu khởi trong tiếng Bắc Kinh, không có hình thức Hán Việt (HV) tương ứng):
– 1. mạch (mạc bạch thiết 莫白切);
– 2. hạc (hạ các thiết 下各切);
– 3. mạ (mạc giá thiết 莫駕切).
Nó không hề có âm “lạc”. Xin nhớ rằng chữ 貉 bị đọc sai thành “lạc” này khác với chữ “lạc” trong LạcViệt, mà tự hình là 雒, cũng có khi viết thành 駱. Hai chữ này mới đúng là “lạc”. Thế mà lại có những người, có lẽ do không tra cứu, khảo chứng về tự hình, về phiên thiết, lại cứ đi phân biệt 3 chữ “lạc”: (lạc 雒 bộ chuy 隹, lạc 駱 bộ mã 馬 và lạc (!) 貉bộ trãi 豸), làm cho việc nghiên cứu về cổ sử Việt Nam thêm rắc rối. Tiêu biểu nhất là tại Hội nghị nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương lần thứ 2, tháng 4 năm 1969, trong bài tham luận “Về Hùng Vương và xã hội Hùng Vương”, học giả Hoa Bằng cũng chính thức đọc chữ 貉 thành “lạc” khi điểm lại các chữ lạc (Xin x. Hùng Vương dựng nước, tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972, tr.287). Thực ra, ở đây, ta chỉ có hai chữ “lạc” mà thôi: lạc 雒 bộ chuy 隹 và lạc 駱bộ mã 馬.
Vậy thì, với 3 âm “mạch”, “hạc” và “mạ” của nó, chữ 貉 trong tên của “Lạc(?) Long Quân” phải đươc đọc như thế nào? Chẳng thấy ai đọc nó theo một trong ba âm trên đây. Ai cũng đọc nó thành “lạc” mà không ngờ rằng đây là một cách đọc sai, ít nhất cũng không phải là một cách đọc theo đúng phiên thiết.
Vậy cái sai này do đâu mà ra? Chúng tôi cho là nó chỉ có thể xảy ra từ đầu thế kỷ XX, đặc biệt là với quyển Việt-nam sử-lược của Lệ Thần Trần Trọng Kim, xuất bản lần đầu tiên năm 1921. Đây là một quyển sử có ảnh hưởng sâu rộng đối với nhiều thế hệ người Việt Nam và trong nửa đầu của thế kỷ XX thì nó gần như là một quyển sách độc tôn về lịch sử tương đối đầy đủ và có hệ thống của đất nước và dân tộc. Tại tr.23 của bản do Nxb Tân Việt - Hanoi, in và phát hành tại Saigon năm 1949, Trần Trọng Kim viết:
“ Lạc-long-quân lấy con gái vua Đế-Lai tên là Âu-Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai.”
Về tên của Lạc-long-quân, cũng ở tr.23, Trần Trọng Kim còn chú thích cả chữ Hán là 貉龍君 nữa. Tuy nhiên, ta không thể hoàn toàn đổ lỗi cho Trần Trong Kim được vì các tác giả về sau có trách nhiệm phải khảo chứng, chứ không thể nghe theo ông một cách mù quáng (nếu đúng là họ đã nghe ông). Rất có thể là trước cả Trần Trọng Kim cũng đã có người/nguồn đọc như thế, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng sở dĩ cách đọc đó trở nên phổ biến là do quyển sử của học giả họ Trần.
Vậy thì giữa ba âm mạch, hạc và mạ, chữ 貉 phải được đọc theo âm nào? Chúng tôi cho rằng đó là âm “hạc” vì thiển nghĩ cái tên “Hạc Long Quân” hẳn phải có liên quan đến địa danh Bạch Hạc 白鶴, mà Đại Nam quốc sử diễn ca có nhắc đến:
Hùng Vương đô ở Châu Phong
Ấy nơi Bạch Hạc, hợp dòng Thao Giang.
Đặt tên là nước Văn Lang,
Chia mười lăm bộ bản chương cũng liền.
Bốn câu thơ này gợi ý cho chúng ta rằng ông Hạc Long Quân xuất thân nơi đất Bạch Hạc (mặc dù chữ “hạc” viết khác – ở đây, ta chỉ nói về mặt âm) là chuyện có lý vì Bạch Hạc thời xưa là một vùng sông nước mênh mông nên ở đó mới có nơi được đặt tên là Động Đình (để ví với Động Đình hồ bên Tàu chăng?). Trong Truyền thuyết Hùng Vương (in lần II, có sửa chữa, Chi hội Văn nghệ dân gian Vĩnh Phú, 1972), Nguyễn Khắc Xương đã chú thích rõ:“ Động Đình ở đây ( trong truyền thuyết “Hùng Hải trị nước” – AC) chỉ địa phận Hưng Hoá ngày nay, từ ghềnh Ngọc Tháp về tới bến Trung Hà thuộc sông Thao. Vùng này hàng năm vào mùa nước thường bị ngập lụt, lại có nhiều đầm hồ.” (tr.36). Hiện ta đang có một cụm địa danh đáng chú ý. Ngoài vùng đầm hồ Động Đình, ta lại có núi Động Đình, thuộc tỉnh Hưng Hoá, mà Đại Nam nhất thống chí đã chép như sau: “Cách châu Yên 6 dặm về phía Nam, núi rất cao, ngọn núi trùng điệp, khe ngòi bọc quanh, năm Tự Đức thứ 3 liệt vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ.” (Bản dịch của Phạm Trọng Điềm do Đào Duy Anh hiệu đính, tập IV, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1992, tr. 305). Ta lại có địa danh Hạc Trì, nay là tên một huyện của tỉnh Phú Thọ. Rất có thể là do người chép truyền thuyết biến Động Đình ta thành Động Đình Tàu nên mới sinh ra chuyện biên giới nước Văn-lang “Bắc giáp hồ Động-đình (Tàu), Nam giáp nước Hồ-tôn, Tây giáp Ba-thục, Đông giáp biển Đông-hải”, như đã chép trong Lĩnh Nam chích quái. Chứ chúng tôi thì cho rằng Văn Lang là một nước ra đời “tại chỗ” – vùng trung du Bắc Bộ – chứ không phải tít tận bên Tàu. Vâng, tại chỗ, với những di chỉ khảo cổ học thuộc Văn hoá Phùng Nguyên, Văn hoá Đồng Đậu, Văn hoá Gò Mun, v.v..
Chúng tôi muốn đi theo hướng tiếp cận này, chứ không tin theo thuyết của Đào Duy Anh cho rằng hình chim trên trống đồng Ngọc Lũ là hình chim Lạc, mà ông đã cất công phân tích và chứng minh trong mục “Lai lịch người Lạc-việt”, thuộc chương III của Cổ sử Việt Nam (Nxb Xây Dựng, Hà Nội, 1955, tr.51-56), rồi sau đó nhiều tác giả cũng đã mặc nhận mà nói theo, cơ hồ tạo nên cái thuyết hoàn toàn vô căn cứ hiện hành “hình chim trên trống đồng là hình chim Lạc”. Đào Duy Anh viết:
“Chữ lạc 雒 hay X (Xin xem Ảnh 1 - chữ này không lên được), có khi viết là 駱, là chỉ một loài hậu điểu ở miền Giang Nam, tương tự với loài ngỗng trời. Có thể chim lạc là vật tổ của người Lạc Việt.” (Sđd, tr.53).
Thực ra, chữ lạc X này của Đào Duy Anh lại không tồn tại; còn hai chữ kia (雒 và 駱) thì không có cái nghĩa mà ông đã nêu vì cái nghĩa này lại thuộc về chữ lạc 鵅 bộ điểu 鳥 (chứ không phải bộ chuy 隹hay bộ mã 馬).
Vậy ta không có bất cứ căn cứ xác thực nào để gọi đó là chim Lạc cả. Huống chi, trên đồ đồng, mà ngay cả trên trống đồng Ngọc Lũ, đâu phải chỉ có hình khắc của một loài chim! Ta chỉ có thể căn cứ vào những hình khắc đó mà đoán định rằng phần lớn – chứ không phải tất cả – những con chim có hình được đúc là những con thuộc bộ Cò (Ciconiiformes, cũng được dịch là bộ Hạc), có chân dài, mỏ dài và cổ dài. Theo chúng tôi thì trong những hình chim lớn nhất ở vành thứ 10 (từ trong ra) trên mặt trống đồng Ngọc Lũ có hình của con Hạc (Ảnh 2).
Tóm lại, chữ hạc 貉 ở đây có thể “thông” với chữ hạc 鶴 về mặt ngữ âm và trong tâm thức của người ghi chép truyền thuyết thì đây chỉ là cái tên của một loài chim thuộc bộ Hạc mà thôi.
Đến như chữ long 龍 thì chẳng có khó khăn gì để tái lập âm HV xưa của nó là luồng, đồng âm với luồngtrong tiếng Tày-Nùng hiện đại, cũng có nghĩa là rồng. Trong quá khứ xa xăm thì chữ này vốn dùng để chỉ co cá sấu, như chúng tôi đã trình bày trong bài “Con rồng chẳng qua là con cá sấu lên đời”, trênKiến Thức Ngày Nay Xuân Canh Thìn (năm 2000), với bút hiệu Huệ Thiên. Vậy không phải ngẫu nhiên mà luồng là một trong hai âm tiết của thuồng luồng mà thuồng luồng là một giống cá sấu. Thật vậy, trong Cổ sử Việt Nam (Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1955), Đào Duy Anh đã viết: “Người mình gọi concrocodile (một loài cá sấu nhỏ – AC) là thuồng luồng mà sách chữ Hán của ta cũng gọi là giao long. Về sau trong các sông ở Bắc nước ta, giống crocodile thành hiếm, thỉnh thoảng thấy một con, người ta cũng gọi là thuồng luồng, nhưng người thường không biết hình dạng nó thế nào nên tưởng tượng nó là một giống thủy quái hình dạng như rắn” (Sđd, tr.26). Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Nxb KHXH, Hà Nội, 1967) cũng giảng thuồng luồng là “cá sấu” (nghĩa 2), bên cạnh nghĩa 1 là “loài vật dữ ở dưới nước, hình rắn, hay hại người”. Con luồng(<long s=""> này cũng có mặt trên trống đồng Ngọc Lũ, ở vòng tròn trong cùng trên mặt trống. Ta thấy giữa những cánh sao của ngôi sao 14 cánh là những hình quạt bằng nhau, giữa mỗi hình quạt có hình một mũi tên chỉa về phía tâm của hình tròn, mỗi bên có một cái hình tựa như một quả trứng nhỏ (Ảnh 3). Mỗi hình quạt đó chính là một cái đầu cá sấu nhìn trực diện cách điệu hoá từ cái đầu của một con cá sấu thật chỉ nổi lên khỏi mặt nước với hai con mắt (là hai “quả trứng” trong Ảnh 2) còn thân hình của nó thì trầm ở dưới nước (Ảnh 4).</long>
Trang mạng http://vi.oldict.com cũng khẳng định rằng “Tô-tem của người Việt nguyên thuỷ là con cá sấu.”
Thế là trong tên của Lạc Long Quân, ta thấy có Hạc và Cá Sấu, đều là hai loài động vật mà tập tính sinh hoạt đã tìm thấy ở môi trường của vùng đầm hồ Động Đình và sông Thao những điều kiện hoàn toàn thích nghi. Lạc Long Quân là vua của vùng đầm hồ Động Đình, nơi đó, đứng đầu các loài sống dưới nước là Cá Sấu còn đứng đầu các loài có thể bay trên trời là Hạc. Ý nghĩa của cái tên Lạc Long Quân, theo chúng tôi, là như thế.
Saturday, 11 February 2012
Từ hoàn cảnh xuất hiện trong hoàn cảnh nào?
Hoàn cảnh là một từ mượn của tiếng Hán (環境) qua âm Hán Việt. Việt Nam Tự Điển là quyển từ điển đầu tiên ghi nhận từ này với nghĩa là cảnh ngộ ở chung quanh mình (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:241). Căn cứ vào một bài viết của Thượng Chi, tức Phạm Quỳnh, ở Nam Phong Tạp Chí, ta có thể đoán là từ này phải vào tiếng Việt trước năm 1924 (Thượng Chi, “Hoàn cảnh”, Nam Phong Tạp Chí số 90, 1924:471),
Friday, 10 February 2012
Lưu manh là gì? An Chi ( Năng Lượng Mới số 58 ,30 - 9 - 2011).
Bạn đọc : Xin ông cho biết nghĩa gốc của hai tiếng lưu manh. Chữ manh ở đây có phải cũng là manhtrong thong manh, và manh mối không, thưa ông? (Trần Văn Bá).
An Chi : Trước nhất xin nói về nghĩa của từng thành tố. Chữ manh 氓 có hai nghĩa mà Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) đã cho như sau:
“1.– Dân; cổ đại xưng bách tính (Người dân; xưa chỉ trăm họ).” Mao Trạch Đông hoạ thơ Quách Mạt Nhược (“Hoạ Quách Mạt Nhược đồng chí”) có câu:
Tăng thị ngu manh do khả huấn
Yêu vi quỉ hoặc(quắc) tất thành tai.
Dịch ý:
Sư cũng dân lành còn sửa được
Yêu tinh là quỉ dấy tai ương.
Trong bài “Manh” thuộc phần “Vệ phong” của Kinh Thi, mà câu đầu tiên là “Manh chi si si”, chữ manhcũng có nghĩa này. Đây là một bài thơ trữ tình hay nhất và sớm nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc.
“2.– Dã dân. Chu triều chỉ cư trú tại bỉ dã địa khu tùng sự nông nghiệp sinh sản đích nô lệ.”(Dân quê. Thời Chu, chỉ những người nô lệ cư trú tại những vùng quê để sản xuất nông nghiệp).
Âm xa xưa của chữ manh 氓 trong tiếng Việt là mống, còn được giữ lại trong những lối nói mang tính quán ngữ như: không mống nào chạy thoát, chết không còn một mống. Nó chẳng có liên quan gì đến chữ manh trong thong manh cả. Thong manh là biến thể ngữ âm của thanh manh 青盲, một chứng bệnh về nhãn khoa. Vậy, một đằng là manh 氓 bộ thị 氏 , một đằng là manh盲 bộ mục目, chẳng liên quan gì đến nhau. Mà nó cũng chẳng liên quan gì đến chữ manh trong manh mối vì, ở đây, chữ manh là một hình vị Hán Việt chính tông mà chữ Hán là 萌, có nghĩa là “khai mào”, “khởi đầu”, “dấy lên” như có thể thấy trong một cấu trúc khá quen thuộc là manh nha. Một đằng thuộc bộ thị 氏, một đằng thuộc bộ thảo 艹(艸), nên cũng chẳng liên quan gì đến nhau.
Lưu 流 có nghĩa gốc là trôi, chảy, rồi nghĩa phái sinh là du thủ du thực, rày đây mai đó.
Hai tiếng trên ghép lại thành danh ngữ lưu manh 流氓, được Hán ngữ đại tự điển giảng là: “Nguyên chỉ vô nghiệp du dân, hậu lai chỉ phẩm chất ác liệt, bất vụ chính nghiệp, vi phi tác đãi đích nhân.” (Vốn chỉ lưu dân không nghề nghiệp; về sau chỉ những kẻ phẩm chất dữ dằn, không làm việc chính đáng, làm bậy làm càn).
Thế là lưu manh vốn có nghĩa trung hoà, nhưng nay thì hai tiếng này có nghĩa là kẻ du thủ, du thực, rày đây mai đó, không có công việc làm ăn, rồi nghĩa bóng là đứa du côn, bất lương. Tuỳ theo ngữ cảnh mà nó có thể được dùng như danh từ hoặc tính từ. Với tư cách tính từ, nó hoàn toàn tương ứng với tiếng Anh rogue trong ngữ đoạn rogue state (= quốc gia lưu manh) mà chính quyền Reagan của Hoa Kỳ từng dùng hồi thập kỷ 1980 để chỉ chế độ và chính sách của ông Muammar Kadhafi ở Libya. Sau vụ đánh sập Toà tháp đôi WTC ngày 11-9-2001 ở New York, thì ngày 16-9 năm đó, chính quyền G.W.Bush đã công bố danh sách một số “quốc gia lưu manh” bao gồm: CHDCND Triều Tiên, Pakistan, Irak, Iran, Afghanistan và Libya. Chẳng biết có lưu manh hay không nhưng nhãn tiền thì các quốc gia này không đi xâm lược ai. Chứ hiện nay thì Hoa Kỳ, Anh, Pháp, EU và NATO hẳn hoi là những quốc gia và tổ chức lưu manh, ngang nhiên quẳng sọt rác nghị quyết 1973 của Liên Hiệp Quốc cho phép lập vùng cấm bay ở Benghazi đê oanh tạc Libya mà ăn cướp dầu hoả, vàng và tiền của nhân dân và quốc gia này.
Hiện nay, hai tiếng lưu manh cũng được dùng làm định ngữ đê chỉ một khuynh hương văn học: văn học lưu manh, mà dưới đây, chúng tôi xin dẫn một đoạn của báo Tuổi Trẻ để giới thiệu với bạn đọc:
“Như thế, khái niệm “lưu manh" từ chỗ tụt quần áo trần truồng và xả ra ngôn từ rác rưởi, dễ bị nhận diện, đã trở thành lưu manh trong lý tưởng, lối sống, và kinh khủng hơn là lưu manh trong các giá trị, ví dụ như: thưởng thức nghệ thuật xong sẽ đưa ra các lời bình luận thấp kém, phản bác, công kích nghệ sĩ; ngắm tượng Vệ Nữ xong chỉ phát hiện nàng này không mặc quần lót; gặp một cô giáo quên mình cứu học sinh thì chỉ nghĩ giá như cô giáo này làm điếm sẽ kiếm được nhiều tiền hơn; nhìn xã hội phong kiến chỉ thấy niềm vui sướng được ngủ với hàng đàn mỹ nữ mà không bị pháp luật sờ gáy; sống ích kỷ với thú vui bản thân bất chấp đạo đức xã hội lại được coi như đi tìm kiếm cái tôi đích thực, cái tôi cô đơn, khác biệt...
“Từ điển văn học online của Trung Quốc đưa ra một định nghĩa, theo đó, văn học lưu manh gần như buộc phải có hai thành tố cốt lõi là sex và báng bổ.
“Văn học lưu manh được đông đảo độc giả và nhà phê bình quan tâm, là bởi mỗi tác phẩm đều kéo theo sau nó rất nhiều lời phê phán lẫn tung hô của nhiều hạng người khác nhau trong xã hội.”
Nói chung thì lưu manh đại khái là như thế.
Monday, 6 February 2012
“Tràm Chim”, một cái tên “méo mó” và vô nghĩa _ An Chi (Năng Lượng Mới số 66 (28 - 10 - 2011).
Bạn đọc : Tuổi Trẻ ngày 16-10-2011 (trang Du Lịch) có bài viết rất lý thú của Dương Thế Hùng nhan đề “Ngắm chim mùa nước nổi” với phần mào đầu:
“Trời mưa rỉ rả. Nước lũ lên cao. Điều đó càng hấp dẫn du khách tìm tới vườn quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp). Ở đó có gì hay? Giám đốc Trung tâm du lịch Tràm Chim Đặng Văn Chuyên ra vẻ bí mật: Cứ đi rồi biết. Đảm bảo toàn «hàng độc».”
Nhưng có một thứ “hàng độc” làm cho tôi thắc mắc hơn 20 năm nay mà chưa thấy ai giải đáp cho ra lẽ. Đó là chính cái địa danh “Tràm Chim”, một cách đặt tên kỳ lạ.(Thái Bá Thành).
An Chi : Xét theo nghĩa của từng thành tố thì “Tràm Chim” (với khái niệm “tràm” là cây tràm, được mô tả trong bài của Dương Ngọc Hùng) là một cấu trúc vô nghĩa, giống hệt như:
– Danh ngữ *Xoài Chim mà lại được dùng để chỉ một vườn xoài nào đó có rất nhiều chim thường xuyên về trú ngụ;
– Danh ngữ *Mít Chim mà lại được dùng để chỉ một vườn mít nào đó có rất nhiều chim thường xuyên về trú ngụ;
– Danh ngữ *Nhãn Chim mà lại được dùng để chỉ một vườn nhãn nào đó có rất nhiều chim thường xuyên về trú ngụ; v.v. và v.v..
Trong tiếng Việt, một danh từ chỉ một giống cây nhất định (như: mít, nhãn, tràm, xoài, v.v.) không bao giờ được dùng theo hoán dụ để chỉ một khu rừng, một ngôi vườn, một diện tích nhất định, v. v., có trồng loại cây đó. “Tràm Chim” là một cấu trúc đã bị từ nguyên dân gian gò ép thành một danh ngữ “méo mó” và vô nghĩa vì đã đi ngược lại quy tắc trên đây. Một vài nguồn và tác giả, có lẽ do cũng thấy sự vô lý này nên đã đổi “Tràm” thành “Chàm” nhưng “Chàm Chim” thì cũng chẳng kém vô nghĩa tí ti nào. Hình thức gốc chính xác của nó vốn là một danh ngữ nằm trong thế đối vị với những:
– sân chim;
– vườn chim;
– rừng chim;
– láng chim;
– đầm chim; v.v..
trong đó sân, vườn, rừng, láng, đầm, v. v., là những danh từ chỉ những vùng đất hoặc nước thường là rộng lớn có thể làm nơi kiếm ăn và/hoặc trú ngụ cho một số lượng lớn các loài chim. Ta còn có thể đi xa hơn nữa mà chứng minh rằng danh từ gốc đã bị cái từ “tràm” này thoán vị vốn là một danh từ chỉ một vùng nước rộng và cái danh ngữ gốc mà nó là trung tâm thì nằm chung trong một trường nghĩa với những:
– Bàu Cò;
– Đầm Đơi;
– Láng Le; v.v.. nữa.
Đó chính là danh ngữ chằm chim mà chằm là trung tâm còn chim là định ngữ. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên (Nxb Đà Nẵng & Vietlex, 2007) giảng chằm là “vùng đất thấp và rộng bỏ hoang, thường bị ngập nước”. Do điều kiện sinh thái của nó mà có những cái chằm đã trở thành nơi trú ngụ thường xuyên của nhiều giống loài chim chóc khác nhau, hoặc có khi vì những đặc điểm riêng mà nó chỉ được (chủ yếu) một loài đến ở, và tên cũng đã được ghi vào từ vựng, chẳng hạn như chằm nhạn, xuất hiện muộn nhất cũng là vào cuối thế kỷ XVIII, vì nó đã được ghi nhận trong Dictionarium Anamitico Latinum của Pierre Pigneaux de Béhaine (viết tay, 1772-73), rồi sau đó trong quyển từ điển cùng tên của J.L.Taberd (Serampore, 1838). Danh ngữ chằm nhạn đượcĐại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng là “chỗ nhạn ở, đầm nhạn ở”. Vậy thì, cùng một lối giảng đơn giản này, ta có thể nói chằm chim là “chỗ chim ở, đầm chim ở”. Đây chính là hình thức ngữ âm gốc và nội dung ngữ nghĩa gốc của dạng méo mó hiện tại “Tràm Chim”. Nhưng tại sao Chằm Chim lại có thể trở thành “Tràm Chim”? Xét về mặt ngữ học, đặc biệt là về hệ thống âm vị của tiếng Nam Bộ, thì đây chẳng phải là chuyện gì khó giải thích. Nhưng trước nhất, chúng tôi muốn mời bạn và bạn đọc đến với cái bằng chứng gián tiếp rất thú vị mà TS Huỳnh Công Tín cung cấp cho chúng ta. Ông đã viết:
“Tên hành chính và tên quen gọi ngày nay “Tràm Chim” thường được cắt nghĩa là nơi ấy có tràm và trong tràm có chim về trú ngụ. Nhưng nhớ từ khi lớn lên, có chút cảm nhận thì nghe nói về “Trầm Chim”, vùng đất xa xôi nào đó nhưng không rõ là xa tận đâu. Khi đậu vào Đệ thất (lớp 6 ngày nay), tôi may mắn có ba người bạn quê Trầm Chim; nhưng chưa một lần đến quê bạn trong thời gian học trung học. Hỏi bạn “Trầm Chim” là gì thì bạn bảo không biết, chỉ nói nơi ấy rất nhiều chim ( … ) Trên 30 năm chia tay bạn, giờ mới có dịp đến Tràm Chim, tìm gặp lại bạn cũ, hai người còn sống, một người đã mất; tôi cũng hỏi lại về địa danh cũ “Trầm Chim”. Có phải đọc trại từ “Tràm Chim” mà thành “Trầm Chim” hay không, hoặc ngược lại? Hai người lừng khừng, không dứt khoát, nhưng vẫn quả quyết người xưa nói “Trầm Chim”, mà không biết tại sao.”
Trên đây là một đoạn trong bài “Sếu Tam Nông” của quyển Cảm nhận bản sắc Nam Bộ, tập 2 (in vi tính), mà TS Huỳnh Công Tín đã có nhã ý cho chúng tôi được đọc trước. Cứ theo ký ức tuổi thơ của tác giả, rồi lời khẳng định sau này của mấy người bạn, thì hiển nhiên là người dân sở tại đã từng gọi Tràm Chim là “Trầm Chim” mà đây chính là cái khâu trung gian giữa Chằm Chim và Tràm Chim. Và chúng tôi cho rằng sẽ rất lý thú nếu Trung tâm du lịch Tràm Chim tổ chức những chuyến điền dã để cho du khách về nguồn của hai tiếng “Tràm Chim” mà tìm hiểu về lai lịch của nó ở những người cố cựu. Còn trước mắt thì ta đang có biểu thức:
– Chằm Chim → Trầm Chim → Tràm Chim,
trong đó “Trầm Chim” chính là Chằm Chim đã bị thao tác siêu chỉnh (hypercorrection) làm cho biến dạng. Ông Huỳnh Công Tín và những người bạn của mình là những người thuộc về nửa sau của thế kỷ XX, thời điểm mà danh từ chằm không còn thông dụng nữa, dĩ nhiên là đối với cả những người có học thức. Những người này (nhà văn, nhà báo, nhà giáo, v.v.) cho rằng chằm là một cách phát âm của người bình dân, ít học đối với từ trầm – quả nhiên người bình dân Nam Bộ vẫn phát âm “trầm” thành “chằm” – vì phải là “trầm” (chìm, đắm, v.v.) thì mới liên quan đến chuyện nước, chuyện ngập, v.v.. Vì vậy nên dân có học mới “siêu chỉnh” chằm thành “trầm” và chằm chìm đã trở thành “trầm chim”. Cho đến cách đây trên 20 năm, khi đất nước mở cửa, du lịch phát triển, công cuộc bảo vệ môi trường sinh thái càng ngày càng được chú trọng, internet càng ngày càng phổ biến, v.v., thì “trầm chim” lại đổi đời một lần nữa mà sự siêu chỉnh lần này cũng là công sức của nhà văn, nhà giáo, nhà báo, chủ yếu dĩ nhiên là các nhà báo. Họ cho rằng “trầm” thì vô nghĩa vì tại “trầm chim” chỉ có “tràm” bạt ngàn mà thôi. Vì thế nên họ đã đẻ ra cái danh ngữ “tràm chim” mà không biết rằng đây là một cái quái thai của ngôn ngữ, như đã khẳng định ngay từ đầu câu trả lời này.
Gút lại, xin khẳng định rằng “tên cúng cơm” của Vườn Quốc gia Tràm Chim chỉ đơn giản và chính xác là Chằm Chim chứ không phải “Trầm Chim” hay “Tràm Chim” gì cả.
Wednesday, 1 February 2012
Cao lầu là nhà hàng hay món ăn? (Năng Lượng Mới số 54 ,16 - 9 - 2011)
Nguyên bản từ Facebook An Chi (Huệ Thiên)
Bạn đọc : Xin ông cho biết cao lầu là món ăn hay nhà hàng, hay cả hai. Nếu là cả hai thì đó là do đồng âm ngẫu nhiên hay có quan hệ gì với nhau? Rồi lai còn cao lâu nữa, thưa ông! (Thuý Hằng).
An Chi : Trước nhất, xin nói về hai tiếng cao lâu. Đây là một danh ngữ tiếng Hán mà chữ Hán là高樓, ngày xưa chỉ đơn giản có nghĩa là “lầu cao”. Còn trong tiếng Hán hiện đại thì nó có cái nghĩa tân thời là “nhà rất nhiều tầng”, mà ta cũng có một danh ngữ tân thời để chỉ là “cao ốc”. Với nghĩa này, tiếng Hán hiện đại gọi toà cao ốc Dubai, tức Đổ Bái Tháp (818m), là Thế giới Đệ nhất Cao lâu, tức toà nhà nhiều tầng cao nhất thế giới. Còn toà tháp Thượng Hải Trung tâm Đại hạ là Trung Quốc đệ nhất cao lâu, tức toà nhà nhiều tầng cao nhất Trung Quốc hiện nay. Sắp tới, sẽ có Bắc Kinh đệ nhất cao lâu, tức toà nhà nhiều tầng cao nhất Bắc Kinh, được đặt tên là Trung Quốc Tôn, vì nó có hình dáng của cái tôn, một thứ cốc vuông miệng bằng đồng hoặc bằng ngọc ngày xưa của Trung Quốc, dùng để đựng rượu.
Còn ở Việt Nam thì cao lâu tuy vẫn được hiểu là “lầu cao” nhưng có kèm theo nét nghĩa đặc biệt “là nơi kinh doanh ẩm thực”. Phù hợp với nghĩa này, Việt Nam tự điển của Khai Trí Tiến Đức đã giảng là “lầu cao, thường nói về cửa hàng cơm”. Quyển từ điển cùng tên của Lê Văn Đức cũng giảng theo nghĩa dùng trong Hán văn là “lầu cao” và nghĩa lưu hành trong tiếng Việt là “hàng-cơm có lầu, cơm Tàu”. Đây là nơi mà, theo thơ tự vịnh, thì Tú Xương thường lui tới:
Vị Xuyên có Tú Xương,
Dở dở lại ương ương.
Cao lâu thường ăn quỵt,
Thổ đĩ lại chơi lường.
Cao lâu là như thế còn cao lầu là cách nói của tiếng Việt Miền Nam tương ứng với cao lâu trong đólầu là điệp thức (doublet) xưa hơn của lâu. Phàm đối với hai yếu tố Hán Việt cùng gốc bắt đầu bằng “l-“ thì yếu tố mang thanh điệu 2 (dấu huyền) xưa hơn yếu tố mang thanh điệu 1 (không dấu): – là (trong lụa là) xưa hơn (xh) la (trong la ỷ); – làn (trong làn gió) xh lan (= làn sóng to); – Lào xh Lao (trong Ai Lao); – liềm xh liêm (trong câu liêm); – liền (trong nối liền) xh liên (trong liên bang); v.v.. Đã đành là như thế nhưng tại sao ngoài Bắc nói cao lâu mà trong Nam lại là cao lầu?
Thực ra thì thời xưa ngoài Bắc cũng nói thành “cao lầu” như trong Nam. Bằng chứng là những danh ngữ đẳng lập có yếu tố “lâu” như lâu các, lâu đài thì ngày xưa ngoài Bắc vẫn phát âm thành lầu các, lầu đài như đã được ghi nhận trong Từ điển Việt-Bồ-La của A. de Rhodes (Roma, 1651). Đây là một quyển từ điển lấy tiếng Đàng Ngoài làm nền tảng nên sự ghi nhận này của nó chứng tỏ rằng trước kia Nam Bắc phát âm hai tiếng cao lầu như nhau. Nhưng về sau thì xảy ra Trịnh-Nguyễn phân tranh, lấy sông Ranh (“Gianh”) làm ranh giới; sự thông thương giữa Đàng Ngoài với Đàng Trong không thuận lợi. Vì thế cho nên khi ở ngoài Bắc, một số tiếng (âm tiết) có các phụ âm đầu l-, m-, n-, v.v., vốn mang thanh điệu 2 (dấu huyền) chuyễn dần sang thanh điệu 1 (không dấu) thì ở trong Nam không hề hay biết. Đó là còn chưa kể các chúa Nguyễn ở Đàng Trong muốn làm cho lãnh thổ do mình cai trị khác với Đàng Ngoài về nhiều mặt sinh hoạt, từ vật chất đến tinh thần. Vì vậy cho nên việc ngoài Bắc đã đổilầu thành lâu mà trong Nam vẫn giữ nguyên không phải là chuyện lạ.
Vậy thì cao lầu trong Nam chính là cao lâu ngoài Bắc, do đó, nói chung đặc điểm về kiến trúc và kinh doanh cũng giống nhau, ít nhất cũng là cho đến trước giữa thế kỷ XIX, nghĩa là trước khi Pháp cướp nước ta làm thuộc địa. Theo tư liệu có thể biết được thì cao lâu/cao lầu chỉ là nhà gác, mà gác cũng không cao, thậm chí có khi chỉ bằng gỗ, tại đó các món ăn cũng không nhất thiết đều là thật sang trọng. Vì thế nên Việt-Nam tự điển của cả Khai Trí Tiến Đức lẫn Lê Văn Đức mới đều giảng một cách khá nôm na là “hàng cơm”. Nhưng đến thời Pháp thuộc thì đã có khác: kiến trúc đã theo lối mới của thành phố kiểu Phương Tây (mặc dù phong cách trang trí có thể là Tàu), phục vụ là phục vụ kiểu Tây, món ăn có thể là Tây hay là Tàu, còn chủ nhân thì là…Tàu. Giữa thập kỷ 1950, Sài Gòn không có cao lầu. Continental Palace là nhà hàng, La Pagode là nhà hàng, Brodard và Givral cũng không phải là cao lầu. Chợ Lớn thì chính xác chỉ có hai nơi được xem một cách xác đáng là cao lầu: Ái Huê và Ngọc Lan Đình (Palais de Jade), đều nằm trên Rue des Marins (đường Thuỷ Binh), đoạn từ bót Chợ Lớn đến Đèn năm ngọn. Arc-en-Ciel là vũ trường kiểu Tây, Băng Gia (Quảng Đông: Pính Ká) thì sang mà không có lầu, Soái Kình Lâm thì tuy có lầu nhưng chất sang lại không rõ rêt. Sau này mới có Á Đông, Đồng Khánh xứng danh cao lầu.
Đại loại, cao lầu là như thế và ở trong Nam, đặc biệt là ở Sài Gòn – Chợ Lớn trước đây, hễ nói “đi ăn cao lầu” thì lẽ ra phải đến Ngọc Lan Đình hay Ái Huê để tận hưởng món ngon, nhưng người ta đã mở rộng nghĩa của lối nói này để chỉ việc đi ăn nhà hàng sang trọng, mà nói chung là của…Tàu. Nhưngcao lầu còn có một nghĩa khác nữa vì đây còn là một danh từ chỉ món ăn. Đây là một món đặc sản của Phố cổ Hội An, xưa là nơi tập trung làm ăn, buôn bán của thương nhân nước ngoài, kễ cả Phương Tây, nhưng đông nhất vẫn là Tàu và Nhật.
Theo BACSI.com thì:
“Mới nhìn thoáng qua, cao lầu trông giống như mì Quảng, nhưng khi thưởng thức mới ngộ ra không phải là mì, lại càng không giống phở. Thật ra nguyên liệu chính làm nên sợi cao lầu là gạo, được chế biến công phu. Gạo ngâm với tro lấy từ củi tràm ở Cù Lao Chàm. Nước hòa cùng với tro phải lấy từ giếng cổ Bá Lễ, thứ nước vừa ngọt lành vừa trong vắt. Chính vì ngâm với nước tro nên gạo sẽ có màu vàng nhạt như pha nghệ. Gạo được xay thành bột, để ráo nước, nhồi cho mịn. Cao lầu không tráng như mì, người ta cán bột thành miếng dày 3-4 mm rồi đem hấp cách thủy, sau đó cắt bột thành sợi to bằng sợi mì.
“Cao lầu ngon hay không phần nhiều phụ thuộc vào nước nhưn. Các bà nội trợ thường chọn thịt heo đùi vừa mỏng da vừa nhiều thịt, để nguyên khổ ướp nước mắm, ngũ vị hương, gia vị cho thật thấm. Sau đó xíu thịt với lửa đỏ vừa phải. Khi thịt chuyển sang màu vàng ươm, bốc mùi thơm ngây ngất, vớt thịt ra chỉ để nước xíu lại. Cuối cùng khử cà chua, hành tây đã xay nhỏ với dầu, đổ hỗn hợp này cùng nước thịt xíu để làm nước xốt nhưn. Cao lầu là món trộn, chứ không phải món chan. Cao lầu không phải là món ăn nóng mà ăn nguội. Khi ăn phải trộn thật đều. Cao lầu mà cho nước vào thì vứt đi. Mất hết vị của cao lầu.
“Còn gì thú vị bằng khi được thưởng thức món cao lầu ngay trên đất Hội An. Những sợi cao lầu đã chần qua nước sôi được cho vào chiếc tô nhỏ, thêm một ít giá trụng vừa chín tới và không thể thiếu rau sống thơm ngon của làng Trà Quế. Đặt những lát thịt xíu thái mỏng vào giữa, rưới nước xốt lên, điểm thêm một ít cao lầu khô hình vuông đã chiên, vài cọng rau thơm, quả ớt xanh, lát chanh mỏng... để tăng thêm phần hấp dẫn. Ai cần đậm đà thì thêm nước mắm hoặc nước tương.”
Trên Dân Trí, Đức Trung có cho biết ông Dương Hứa Xương, người gốc Phúc Kiến, chủ tiệm cao lầu Hoàng Hà ở Hội An, đã khẳng định món cao lầu không có nguồn gốc từ Trung Quốc, cũng chẳng phải của Nhật, mà cũng chẳng phải của Việt Nam. Nó có thể là món ăn tổng hợp của nhiều dân tộc, do những thế kỷ trước, Hội An là thương cảng của rất nhiều nước đến buôn bán, sinh sống. Chúng tôi tán thành ý kiến này.
Còn về tên gọi của món này thì xin chú ý đến lời ghi nhận của Đức Trung: “Đặc điểm của các quán cao lầu ở Hội An là thường có hai tầng, không máy lạnh và treo rất nhiều đèn xanh đỏ. Khách có thể ngồi ăn ở tầng hai và ngắm nhìn dòng người bên dưới.” Rồi ở đoạn cuối: “Các tiệm cao lầu chủ yếu được làm ở các ngôi nhà cổ, bằng gỗ nên dù nóng nhễ nhại cũng không thể chạy máy lạnh.” Một tác giả khác cũng lưu ý: “Một đặc trưng của cao lầu là muốn ăn món này phải leo lên lầu cao của quán. Khi xưa các doanh nhân buôn bán nơi phố cảng vì muốn trông coi hàng hóa của mình nên thường leo lên lầu cao của quán. Điều này có thế thấy ở các quán cao lầu Hội An. Ngồi trên lầu cao ngắm cảnh đẹp và thưởng thức món ngon, đây có thể là xuất phát của tên gọi cao lầu.
Cứ như trên thì cao lầu vốn là món ăn đặc sản của Hội An:
Tiếng đồn mì Quảng Phú Chiêm,
Cao lầu Phố Hội, mắm nêm Cẩm Hà.
Ở Hội An, nó lại hầu như chỉ được bán tại các hàng ăn có lầu, các cao lầu. Chỉ được bán tại các cao lầu đã trở thành một đặc trưng của món ăn này nên người ta mới dùng luôn danh ngữ cao lầu mà làm tên cho nó theo hoán dụ. Vậy, cứ theo diễn tiến ngữ nghĩa của danh ngữ đang xét trong tiếng Việt Miền Nam, ta có:
Cao lầu (= lầu cao) → cao lầu (= hiệu ăn có lầu) → cao lầu (= món ăn vốn là đặc sản của các cao lầu ở Hội An).
Subscribe to:
Posts (Atom)