Saturday, 24 March 2012

Giữ giàng có phải là từ láy phụ âm đầu không?


Giữ giàng có nghĩa là giữ gìn, coi sóc (Vương Lộc,2001:72):
Giữ giàng họ Thúc một nhà cho yên... (Truyện Kiều, câu 2034)
Việc binh bỏ chẳng giữ giàng... (Truyện Kiều, câu 2505)
Giàng là một từ cổ, có nghĩa là giữ (Vương Lộc, 2001:69). Bài Nhàn Ngâm trong Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập có câu:
Đón yêu trăm vẻ nên giàng bụng..
Như vậy giữ giàng là một tổ hợp đẳng lập.

Friday, 23 March 2012

Giữ gìn có phải là từ láy phụ âm đầu không?

Không. Gìn có nghĩa là giữ (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:221). Truyện Kiều có câu:
Gìn vàng giữ ngọc cho hay,
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.
Như vậy giữ gìn / gìn giữ đều là những tổ hợp đẳng lập.

Wednesday, 21 March 2012

Xuất xứ của cách gọi Đàng Trong, Đàng Ngoài _ An Chi ( Đã đăng ANTG số 1.000, 9-10-2010).

Liên quan đến vấn đề này, GS Nguyễn Tài Cẩn có viết bài “Về việc dùng hai động từ «vào» «ra» để chỉ sự di chuyển đến một địa điểm ở phía Nam hay phía Bắc”, ban đầu in trong Tạp chí Khoa học số 4/91 của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nôi, sau đó in lại trong Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa ( Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001). Ngược với ý kiến cho rằng Đàng TrongĐàng Ngoài là nguyên nhân đưa đến lối nói vào Nam , ra Bắc, GS Nguyễn Tài Cẩn đã có công phát hiện những cứ liệu chứng minh điều ngược lại và những cứ liệu này, như ông đã chứng minh, chậm nhất cũng đã có từ đầu thế kỷ XV. Sau đây là những chứng cứ mà GS đã đưa ra.

1.Trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi (đầu đời Lê), động từ nhập đã được dùng để chỉ việc đi vào Nam:“Trần Thái Tôn mệnh thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải NHẬP ngự Nguyên nhân vu Nghệ An ”(= Vua Trần Thái Tôn hạ lệnh cho thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải VÀOchặn đánh quân Nguyên ở Nghệ An).
2.Trong Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của một tác giả tự xưng là “nhà nho đỗ thi hương, họ Đỗ Bá, hiệu Đạo Phủ, quê ở Bích Triều, Thanh Giang” cũng đã có những câu dùng XUẤT, NHẬP, NGOẠI liên quan đến hướng Nam Bắc như vậy:  “Như tự Cửa Lạc việt, NHẬP, nghi thu đông, XUẤT nghi xuân hạ” (= Nếu từ Cửa Lạc vượt biển để VÀO thì phải đi trong mùa thu hay mùa đông, để RA thì phải đi trong mùa xuân hay mùa hạ). – “Tự Lại doanh XUẤT chí Kinh Nhà Hồ … Tự NGOẠI NHẬP chí Tam Độ” (= Từ doanh Lại RA đến Kinh nhà Hồ … Từ NGOÀI mà VÀO đến Tam Độ).
        3.Hơn nữa có chỗ văn bản vừa dùng câu chữ Hán có XUẤT, NHẬP vừa dùng câu Nôm có RA, VÀO để giải thích cho nhau: – “Tự Cầu Ngạn NHẬP tắc xanh thuyền diên Thạch Hà biên, XUẤT tắc xanh thuyền diên Thiên Lộc biên, tục vân VÀO THẠCH HÀ, RA THIÊN LỘC” ( Từ Cầu Ngạn mà VÀO thì phải chèo thuyền ven theo bên Thạch Hà, mà RA thì phải chèo thuyền ven theo bên Thiên Lộc, có câu tục ngữ rằng: VÀO THẠCH HÀ, RA THIÊN LỘC).
        Trở lên là những cứ liệu mà GS Nguyễn Tài Cẩn đưa ra để khẳng định rằng chính lối nói VÀO NAM, RA BẮC đã đưa đến cách gọi ĐÀNG TRONG, ĐÀNG NGOÀI chứ không phải là ngược lại và về mặt này thì chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Nhưng tất cả chỉ có thể chứ những điểm sau đây trong lập luận của ông thì chúng tôi cho là cần phải được xét lại. Ông chủ trương:
1. Chắc trước tiên phải có những câu nói cụ thể ở từng địa phương nhỏ, phản ánh đúng sự đi lại tùy theo địa hình từng vùng rồi sau đó mới hình thành những câu nói chung hơn như xuống Đông lên Đoài,ra Bắc vào Nam, chứ không phải là trước tiên có những công thức khái quát dựa trên địa lý toàn quốc rồi mới đem ứng dụng nhất luật vào từng vùng nhỏ.
2. Lối nói vào Nam/ra Bắc đã có mặt từ thời Nguyễn Trãi. Vậy nó phải sản sinh trên cơ sở những lối nói về việc đi lại trên địa bàn Việt Nam khoảng thời gian trước đó, tức khoảng đầu thế kỷ XV về trước. Thời gian này, như cứ liệu lịch sử cho biết, lãnh thổ Việt Nam mới bao gồm vùng Bắc Bộ và giải đất từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên.
3. Đi vào nơi hẹp, kín, bí hiểm, tận cùng mà dùng vàovào trong …, đi ra nơi rộng thoáng, mở mang mà dùng rara ngoài …, điều đó hoàn toàn không có gì xa lạ với những lối nói quen thuộc như vào ngõvào cỗngvào trong hangvào trong rừng/ra khơira đồngra ngoài sânra ngoài bãi …
4. Nhưng do một sự tình cờ của địa lý, giải đất hẹp, bí hiểm vùng biên giới lại ở phía Nam, chỗ đồng bằng rộng thoáng, mở mang lại ở phía Bắc, cho nên những lối nói có vào/ra như trên lại ngẫu nhiên mang thêm một nét nội dung mới: nói vào một địa điểm X là nói đi về phía Nam hơn, so với đồng bằng Bắc bộ; và nói ra một địa điểm Y là nói đi về phía Bắc hơn, so với các vùng Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên.
Chúng tôi thì nghĩ khác hẳn GS Nguyễn Tài Cẩn về cái hướng để giải quyết vấn đề này; mà ngay trong từng điểm cụ thể thì luận cứ của ông cũng chẳng vững chắc chút nào. Về điểm 1, ngược với ông, chúng tôi nghĩ rằng chính những công thức khái quát (vào Namra Bắc) dựa trên địa lý khu vực duyên hải Biển Đông (từ Giao Chỉ vào Cửu Chân, từ Cửu Chân vào Nhật Nam, và cứ thế mà dần dần Nam tiến …), chứ không phải chỉ toàn quốc (Việt Nam), đã được ứng dụng nhất luật vào từng vùng nhỏ. Về điểm 2, chúng tôi cho rằng lối nói vào Nam/ra Bắc đã có mặt từ trước đầu thế kỷ XV khá xa, có thể đến năm, ba thế kỷ là thường vì công cuộc Nam tiến không những diễn ra liên tục, mà còn từ rất sớm nữa là đằng khác. Chính GS cũng đã phải thừa nhận:“ Theo tài liệu lịch sử, có những đợt di dân như năm 1075, 1042, …, những đợt vận chuyển lương thực như năm 1376, và những đợt kéo quân vào tập luyện, đánh Chiêm Thành (1104, 1252, 1311, 1318, 1353, 1367, 1376-1377, 1383, 1402, 1403,…).” ( Sđd, tr.128, chth. 8). Về điểm thứ 3, khi ta nói, chẳng hạn, “Đến bốn giờ chiều hôm đó thì đại đội X mới ra khỏi cánh rừng Y mà vào thành phố Z ”, thì có lẽ nào thành phố lại là nơi hẹp, kín, bí hiểm, tận cùng?Huống chi, vào trong hang tuyệt đối chẳng khác gì vào trong cung điệnvào trong công viên nước,vào trong thảo cầm viênvào trong vườn Tao Đànvào trong khu ăn chơi Las Vegas, v.v., cả về nghĩa lẫn ngữ dụng của vị từ VÀO. Cuối cùng thì, với chúng tôi, sự việc đã diễn ra một cách hoàn toàn độc lập đối với điểm thứ 4 của GS Nguyễn Tài Cẩn.
Với chúng tôi thì vấn đề không phải ở chỗ địa bàn rộng hay hẹp; địa thế kín hay hở; môi trường bí hiểm hay mở mang; v.v.; mà là vấn đề lập trường, nghĩa là chỗ đứng để định hướng, nói rõ ra là chuyện địa bàn dân tộc. Nó na ná chuyện cái tên Hà Nội của Tàu mà chúng tôi đã nói đến trên chuyên đề An ninh Thế giới số 996 (25-9-2010). Địa danh này được từ điển Từ hải giảng: “Kim Hà Nam tỉnh Hoàng Hà dĩ Bắc địa, cựu thời thông xưng viết Hà Nội; nhi xưng Hoàng Hà dĩ Nam viết Hà Ngoại”, nghĩa là “Đất tỉnh Hà Nam hiện nay từ Hoàng Hà trở về Bắc, xưa thường gọi là Hà Nội; còn từ Hoàng hà trở xuống Nam thì gọi là Hà Ngoại”. Rõ ràng đây là một cách đặt tên theo lập trường dân tộc. Từ Hoàng Hà trở về Bắc nói chung thì thời xưa là địa bàn của tộc Hán, mà cái nôi là Trung Nguyên. Vậy từ Hoàng Hà về Bắc là TA (dĩ nhiên là “ta” của Tàu), là nhà, là bên trong, là Hà Nội. Còn bên kia Hoàng hà là Nam Man, là CHÚNG NÓ, là bên ngoài, là Hà Ngoại (dĩ nhiên đây cũng chỉ là chuyện “đời xưa”). Nhưng trong khi người Trung Quốc vận dụng chỗ đứng để xử lý việc đặt địa danh theo từng vùng BẮC/ NAM (thành NỘI/NGOẠI) thì người Việt lại vận dụng nó để xử lý việc diễn đạt sự chuyển dịch từ BẮC xuống NAM và ngược lại, bằng hai vị từ VÀO/RA.
Đối với người Việt thì vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ hiên nhiên là địa bàn gốc, địa bàn cố hữu. Khi di dân xuống phía Nam, họ định cư đến đâu thì địa bàn gốc của họ cũng kéo dài đến đó. Địa bàn này là gia hương quốc thổ mà khi họ càng đi xuống phía Nam để định cư thì sẽ trở thành cố hương của họ. Đi xuống phía Nam, vô hình trung, là RA khỏi gia hương quốc thổ, là RA khỏi ĐẤT NHÀ để đi VÀO một vùng ĐẤT KHÁC. Vùng đất này ở phía NAM cố hương của họ cho nên đi VÀO vùng đất này là ĐI VÀO NAM. Rất rõ ràng mà đơn giản. Sự đối lập về nghĩa và ngữ dụng giữa RA/VÀO ở đây cũng giống hệt sự đối lập giữa hai từ này mà ta đã thấy trong ngữ đoạn “RA khỏi cánh rừng Y để VÀO thành phố Z. Và rõ ràng là chính lối nói này (VÀO NAM, RA BẮC) đã đưa đến cách gọi Đàng TrongĐàng Ngoài, đúng như GS Nguyễn Tài Cẩn đã chủ trương. Nhưng ta phải tránh cái sai lầm lớn lao mà có người đã phạm phải vì đã cho rằng, ở đây, TRONG là NHÀ, là  “đất chính, đất của mình” (còn NGOÀI là KHÁCH), như có thể thấy trong đoạn tường thuật dưới đây của tác giả Phạm Văn Tình  do corling đưa lênCorpus Linguistics (Vietnam) ngày 26-5- 2010:
“Gần đây, theo tác giả Roland Jacques (trong cuốn Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học, NXB Khoa học xã hội, 2007), thì cách giải thích của một thầy cả Dòng Tên (và cũng là một nhà ngữ học) người Bồ Đào Nha là Gaspar do Amaral (tài liệu công bố năm 1637) có nhiều luận cứ đáng tin cậy. Theo ông, sau khi Nhà Mạc chiếm quyền thắng thế ở Thăng Long, việc phục hồi nhà Lê lập tức được tiến hành. Năm 1545, nhà Mạc đã củng cố và xây dựng đắp luỹ, làm nên một “mật khu” ở Thanh Hoá, Nghệ An. Sau đó kinh đô Thăng Long bị mất, nhà Mạc rút về hậu cứ và kiên trì tìm cách lấy lại. Mãi đến năm 1592 nhà Mạc mới đoạt lại được đất đai từ tay kẻ “thoán nghịch” sau nhiều lần chinh chiến. Chính vào giai đoạn này người ta quen gọi vùng Thanh Hoá, Nghệ An là Đàng Trong (ngụ ý đất chính, đất của mình). Phần từ đó trở ra bắc gọi là Đàng Ngoài. Cũng phải thôi, vì với triều thần nhà Mạc, dải đất Thanh - Nghệ kia mới đáng là “trái tim” trong giang sơn của họ.”
Vậy theo thông tin do cố đạo Gaspar do Amaral cung cấp thì hai tên gọi Đàng TrongĐàng Ngoài đã ra đời từ khoảng giữa thế kỷ XVI và chúng tôi thực sự tin tưởng ở thông tin này. Nhưng nói rằng Đàng Trong hàm ý chỉ “đất chính, đất của mình”, như đã thấy trong lời tường thuật trên đây, thì lại hoàn toàn sai. Chỉ hai câu điện thoại thông thường, giản dị dưới đây cũng đã đủ để bác bỏ cái cách hiểu “phản Việt ngữ” đó:
A (từ TPHCM): – Hẳn là Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị cho đại lễ 1.000 năm?
B (từ Hà Nội): – Ừ, NGOÀI NÀY đang khẩn trương lắm.
Có quá ngây ngô hoặc cực điên rồ mới dám nói (bậy) rằng NGOÀI NÀY không phải là  “đất chính, đất của mình” đối với nhân vật B. Ngoài ra, cũng xin nói thêm rằng khi nhà Mạc suy vong và chạy lên Cao Bằng thì “đất chính, đất của mình” của dòng họ này lại “di dời” lên tận Đàng Trên chứ đâu có còn ở “Đàng Trong” nữa. Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Từ điển Việt Bồ La) của cố đạo A. de Rhodes (Roma, 1651) ghi nhận danh ngữ đàng tlên (tức Đàng Trên) mà lời giảng đã được nhóm Thanh Lãng dịch là “những tỉnh ở rừng núi”. Bấy nhiêu cứ liệu đã đủ để phế truất cái cách hiểu Đàng Trong là “đất chính, đất của mình” rồi. Vậy xin mọi người vui lòng rũ bỏ cái ý “đất chính, đất của mình” ra khỏi từ TRONG của danh ngữ Đàng Trong. Tiếc rằng trong bài viết trên đây, tác giả Phạm Văn Tình còn gắn cả nội dung này vào cách hiểu của nhà Nguyễn mà viết tiếp:
“Thực tế, đã có một sự chuyển đổi, do vào thời Trịnh Nguyễn, sự khác biệt địa lí rõ rệt của hai vùng đất nước (thuộc hai triều chính khác nhau) đã tạo nên một nét nghĩa địa lí mới cho Đàng Trong vàĐàng Ngoài. Và cũng chỉ người ở phía Nhà Nguyễn ưa dùng cặp từ trái nghĩa này hơn. Bởi lẽ, như đã nói ở trên, Đàng Trong được coi là trung tâm, là tiêu điểm giang sơn, là đáng trọng, còn ngoài vùng đó (Đàng Ngoài) là “đất của mình nhưng tạm thời do người khác chiếm đoạt”. Âu cũng là một nét nghĩa mang dấu ấn lịch sử mà ta cần tham khảo.”
Ta không biết trên đây có đích thực là quan niệm của “người ở phía Nhà Nguyễn” hay chỉ là do ông Phạm Văn Tình suy diễn nhưng dù là của ai thì cũng xin thưa với các vị rằng, trong tiếng Việt, TRÊN, DƯỚI, TRONG, NGOÀI đều có thể là “đất chính, đất của mình” cả. Hai địa danh dân dã ĐÀNG TRONG/ĐÀNG NGOÀI chỉ là hệ quả của lối nói VÀO NAM/RA BẮC; còn lối nói VÀO NAM/RA BẮC thì chính nó lại bắt nguồn từ quan niệm RA KHỎI ĐẤT NHÀ MÀ VÀO ĐẤT NGƯỜI KHÁC, chứ không phải từ bất cứ quan niệm kỳ thị nào. Đằng sau lối nói đó là bóng dáng của những cuộc di dân từ Bắc xuống Nam, những đợt Nam tiến.

Sunday, 18 March 2012

Do đâu mà có từ Vu Lan?


Ở Việt Nam ngày xá tội vong nhân vào rằm tháng bảy âm lịch hàng năm (sách vở tiếng Anh dịch là Ullambana Festival, Avalambana Festival, Ghost Festival..), còn được gọi là lễ cúng cô hồn hay lễ Vu Lan. Ở Trung Quốc gọi lễ này được goi là盂蘭盆會 (âm Hán Việt là Vu Lan Bồn Hội), trước đó là烏藍婆 (âm Hán Việt: ô lam bà) /  烏藍婆拏 (âm Hán Việt: ô lam bà noa). Tuy nhiên giới học thuật không có sự nhất trí về nguồn gốc của 盂蘭盆, 烏藍婆, 烏藍婆拏.
Một số tác giả cho rằng các từ đang xét trong tiếng Hán chỉ là phiên âm của ullambana trong tiếng Xăng-crít, có quan hệ gần gũi với lambana (nghĩa là treo) hoặc avalamba (nghĩa là treo ngược), diễn tả tình trạng khổ ải cùng cực.Theo hướng tìm kiếm này, có tác giả cho rằng từ gốc không phải là ullambana mà phải là ullambhana mới đúng. Người khác lại bảo avalambana mới đúng. Một số khác thì cho rằng (bồn) không phải là từ mượn âm mà là một từ Hán có nghĩa, chỉ một vật dụng đựng thực phẩm cúng dường.
Một trường phái khác cho rằng các từ ngữ Hán mượn âm tiếng Pa-li ullumpana mà nguyên mẫu là động từ ullumpati với nghĩa là cứu, giúp (cứu vớt, cứu độ...). Không loại trừ khả năng ullumpana đuợc chuyển tự sang tiếng Xăng-crít là ullambana rồi từ đó đi vào kinh sách chữ Hán. Giả thuyết các nhà sư Trung Hoa đọc tiếng Pali và chuyển thẳng âm u  thành âm a, cũng không phải là không thể xảy ra, bởi vì từ mượn âm không nhất thiết phải giống hệt âm gốc, chuyển tự (thường nhưng) không luôn luôn tuân theo một quy luật nhất định.
Các học giả đều cố công đưa ra nhiều bằng chứng góp phần khẳng định giả thuyết của mình và/hoặc bác bỏ cách lý giải của người khác.  Nhìn chung, các bằng chứng đó đều dựa trên sự gần gũi về ngữ âm giữa từ mượn và từ được giả định là nguồn gốc, và/hoặc ý nghĩa giả định của từ gốc phù hợp đến mức độ nào với các đặc tính quan trọng của lễ Vu Lan (treo ngược, hành hạ, giải thoát...). Không có học giả nào đưa ra ngữ liệu ghi nhận thời điểm xuất hiện của  盂蘭盆, 烏藍婆, 烏藍婆拏... cũng như tên người chế tác / sử dụng đầu tiên và nguồn tư liệu của người đó. Do đó tất cả các cách kiến giải về tổ tiên xa xưa của Vu Lan đều có giá trị hạn chế như nhau, mặc dù tất cả các cách kiến giải ấy đều rất lý thú. 

Tàu lát là tàu gì?

Tàu lát (tiếng Anh là LASH, viết tắt của Lighter Aboard Ship) là tàu chuyên dùng để chở xà lan, do đó có thể nhận và trả hàng sâu trong nội thủy, vừa tiết kiệm được thời gian vận chuyển vừa hạn chế được hao hụt...

Tìm hiểu thuật ngữ Vu Lan Bồn (Thích Đồng Thành - Nhà Phật)





Thích Đồng Thành



Vu Lan Bồn[1] là một lễ hội Phật giáo đã xuất hiện rất lâu ở Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Trong các tác phẩm văn học Phật giáo Trung Hoa, thuật ngữ Vu Lan thường được dịch là đảo huyền, nghĩa là treo ngược hay nằm lơ lửng để chỉ cho trạng thái đau đớn của những vong hồn trong địa ngục đang mong được cứu độ[2].
Trong tiếng Nhật, lễ Vu Lan có tên là “Obon” hay “Ura- bon-e”, nghĩa là lễ cầu nguyện cho những người đã quá vãng[3]. Urabon-e hay Vu Lan Bồn đều là những thuật ngữ chỉ cho một lễ hội Phật giáo với mục đich là cứu độ những người quá cố đang phải chịu những quả báo nặng nề chẳng hạn như nỗi khổ bị treo ngược và giúp họ chuyển hóa tâm thức, thoát khỏi cảnh giới khổ đau và thác sanh trong cõi lành.[4] Theo kinh Vu Lan Bồn, việc thiết lễ Vu Lan không chỉ vì mục đich cứu độ cha mẹ, tổ tiên trong bảy đời quá khứ mà còn để cầu nguyện cho cha mẹ trong đời hiện tại.
Thông thường, thuật ngữ Vu Lan Bồn được xem là phiên âm của từ Ullambana trong Phạn ngữ. Tuy nhiên, các học giả ngày nay đều không tìm thấy danh từ này trong Phạn ngữ hay các bộ từ điển Pāli[5]. Theo giáo sư Vo­gel, gốc động từ lamb (có nghĩa là treo) kết hợp với tiền tố ud (nghĩa là trên cao) để hình thành từ ullambita (quá khứ phân từ) có nghĩa là bị lơ lửng hay bồng bềnh. Hai từ khác là olam-ba (vật đang bị treo) và olambo (treo ngược) được đề cập trong hai cuốn từ điển Pāli của Childer và Rhys Davids cùng William Stede cũng có nghĩa tương tự với từ ullambita, nhưng tuyệt nhiên ta không tìm thấy từ ullambana trong những tác phẩm này. Giáo sư K. Chen cho rằng danh từ ul­lambana chỉ là một từ giả định vì rằng các bộ từ điển Phạn ngữ không hề đề cập đến nó.
Khuynh hướng giải thích thứ hai cho rằng Vu Lan Bồn là phiên âm của chữ avalambana.6 Theo học giả St. Julien, trong Phạn ngữ, quá khứ phân từ của hình thái ud-lamb là ullambita cùng mang nghĩa tương đương với từ avalambana là bị treo lơ lửng. Bàn về từ avalambana, giáo sư Caland đã trích dẫn một đoạn trong bộ sử thi nổi tiếng của Ấn Độ là Mahābhārata như sau: sau khi phạm giới tà dâm, Jaratkāru chợt thấy “những người cha” đang bị treo trên một cái hố, đầu trút xuống và sắp bị rơi xuống hố vì một con chuột đang gặm những sợi cỏ còn lại đang buộc quanh chân họ. Lúc đó Jaratkāru liền hỏi: “Các ông là ai, ai đang bị treo (avalambana) vậy?” Visser, tác giả của bộ Ancient Buddhism in Japan cho rằng có lẽ dịch giả của bản kinh Vu Lan Bồn đã dựa trên đoạn văn này và nghĩa mơ hồ của thuật từ “đảo huyền” (treo ngược) mà Mạnh Tử thường dùng rồi suy diễn rằng đây là một trường hợp đặc biệt chỉ cho trạng thái đau khổ của những người quá cố để từ đó dịch thuật ngữ Vu Lan Bồn là “treo ngược”. Visser còn cho biết thêm rằng theo sự tìm hiểu của tiến sĩ Rahder trong sáu đoạn của Ngạ Quỉ Sự (Peta-vat­thu) và trong bản luận giải của ngài Pháp Hộ về tác phẩm này có nhiều từ được phát sinh từ gốc olamb và những từ này đều có nghĩa là treo. Visser cũng nêu lên ý kiến của giáo sư Przyluski là thuật ngữ Ô Lam Bà Nã trong Hoa ngữ vốn là phiên âm của từ olambana trong Pāli và avalam­bana trong Phạn ngữ.
Học giả Nhật Bản J. Takakusu thì cho rằng Vu Lan Bồn là phiên âm của chữ ullumpana trong tiếng Pāli. Là một danh từ phát sinh từ ullumpati. Ullumpana có nghĩa là cứu độ hay từ ái. Khi được giới thiệu đến xứ Tây Vức, thuật ngữ ullumpana bị hiểu lầm là ullambana. Và như thế từ gốc của Vu Lan Bồn không phải là ullambana mà là ullumpana.
Rahder cũng đồng thuận với Takakusu về lối suy diễn này. Danh từ ullumpana được tìm thấy trong hai bộ Sumaṅgalavilāsini (Luận giải Trường Bộ kinh) của ngài Phật Âm và Paramatthadīpanī (Luận giải bộ Ngạ Quỉ Sự) của ngài Pháp Hộ. Bản Luận giải của ngài Phật Âm nói rằng đức Phật là người đã từ bỏ dục lạc thế gian, tâm Ngài luôn từ ái (ullumpanam) khi thuyết giảng giáo pháp để quảng bá thiện pháp và nuôi lớn tình thương với tất cả chúng sanh. Bộ Paramatthadīpanī thì thuật câu chuyện một peti (nữ quỉ, San­skrit: preta) thưa với một trưởng lão rằng: “... vốn là vợ của một người chồng chịu nhiều đau khổ trong một ngôi làng nọ. Vì bản tính hay ghen tuông và cũng vì tạo nghiệp bất thiện nên con bị đọa trong cảnh ngạ quỉ. Cầu xin ngài hãy đến nhà con để chồng con được cúng dường ngài. Xin ngài hãy hoan hỷ nhận phần cúng dường đó và chú nguyện để con sớm thoát cảnh ngạ quỉ này.” Khi nghe những lời cầu thỉnh như thế, vì thương tưởng cho nữ quỉ và vì lòng bi mẫn vô biên (ullumpana sabbhāva-saṇthitā) các vị trưởng lão bèn đến nhà người chồng khất thực. Vừa lúc thấy những vị trưởng lão đến nhà mình, người chồng mừng rỡ ra đón và sau khi các vị ấy an tọa, anh ta bèn dâng cúng những món ăn đượm vị. Sau khi thọ trai, các vị trưởng lão bèn kể cho người chồng những gì họ đã nghe và thành tâm chú nguyện cho nữ quỉ. Ngay lúc ấy, nữ quỉ kia liền thoát khỏi cảnh khổ, được thân xinh đẹp và đêm đó nàng về báo tin cho chồng mình.
Trong Phật giáo, danh từ preta (Sanskrit) hay peta (Pāli) thường được dùng để chỉ cho những người quá cố, vong hồn của những người đã khuất, các loài ma hay hương hồn tổ tiên trong nhiều đời. Đoạn văn trên trong Paramatthadīpanī cho ta thấy rằng truyền thống cúng dường chư Tăng hầu cầu đảo cho những người quá cố đã được nói đến ngay trong các văn bản Phật giáo Nguyên thủy và Vu Lan Bồn là một lễ hội Phật giáo thuần túy chứ không phải là một sự kết hợp giữa lễ Dīpālī của Ấn giáo thường diễn ra vào ngày 25 tháng 10 dương lịch và lễ tự tứ trong Phật giáo như Visser hay J. Edkins đã từng suy diễn.
Theo Phật giáo Trung Hoa, thuật ngữ Vu Lan Bồn được biết đến đầu tiên khi ngài Trúc Pháp Hộ dịch kinh Vu Lan Bồn vào đời Tây Tấn. Trong bản dịch này, ngoài tựa đề kinh thuật ngữ này được nhắc đến ba lần khi tôn giả Mục-kiền-liên bạch đức Phật rằng trong đời sau hàng đệ tử của đức Thế Tôn có thể thiết lễ Vu Lan Bồn (phụng Vu Lan Bồn) để cứu độ cha mẹ tại thế và trong bảy đời được chăng? Đức Phật dạy rằng tất cả mọi hạng người như Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-­ni, quốc vương, thái tử... cho đến những thường dân nên đựng thức ăn trăm món trong bồn Vu Lan và dâng cúng cho chư Tăng mười phương trong ngày tự tứ (Dĩ bách vị ẩm thực an Vu Lan Bồn trung thi thập phương tự tứ Tăng). Cuối bản kinh, đức Phật lập lại rằng vào ngày rằm tháng bảy tất cả những người đệ tử hiếu thảo của Ngài nên thiết lễ Vu Lan Bồn dâng cúng đức Phật và chư Tăng để báo đáp thâm ân dưỡng dục đầy từ ái của cha mẹ (vi tác Vu Lan Bồn thi Phật cập Tăng dĩ báo phụ mẫu trưởng dưỡng từ ái chi ân). Như vậy, căn cứ vào đoạn kinh thứ hai ở trên, ngoài ý nghĩa là một lễ cúng dường Vu Lan Bồn còn mang nghĩa là cái bồn, hay nói đúng hơn, là bình bát đựng đồ cúng dường. Có lẽ vì căn cứ vào điểm này nên một số tác giả Trung Hoa đời sau lý giải rằng chữ Bồn trong Vu Lan Bồn là vật đựng thức ăn hay để đựng vật phẩm cúng dường trong lễ Vu Lan.
Khi viết Sớ giải kinh Vu Lan Bồn, ngài Tông Mật (780-841) giải thich rằng Vu Lan là thuật ngữ của Tây Vức, Trung Hoa dịch là ‘đảo huyền’ (treo ngược). Bồn là âm của xứ Đông Hạ (thuộc Trung Hoa) có nghĩa là vật cứu độ (cứu khi). Thông thường, toàn bộ thuật ngữ này có nghĩa là bồn hay vật để cứu những ai đang bị treo ngược. Sách Pháp Uyển Châu Lâm cũng dùng từ Phật bồn và Tấn bồn khi bàn về lễ cúng dường vào ngày rằm tháng bảy. Trong Phật Thuyết Báo Ân Phụng Bồn kinh, một bản kinh được dịch vào thời Đông Tấn, chữ Bồn cũng mang nghĩa là vật đựng đồ cúng dường. Ngài Pháp Vân, tác giả bộ Phiên Dịch Danh Nghĩa Tập cũng có cách giải thich hợp với quan điểm của ngài Tông Mật.
Tuy nhiên, trong tác phẩm Nhất Thiết Kinh Âm Nghĩa, ngài Huyền Ứng (TK VII) lại đưa ra một lối giải thich khác. Theo ngài, Vu Lan Bồn là lối phiên âm sai và cách phiên âm đúng phải là Ô Lam Bà Nã, nghĩa là treo ngược. Đây là nghi lễ của các nước phương Tây (của Trung Quốc) được tổ chức vào ngày tự tứ của chư Tăng. Những ai đã tạo tội lỗi nếu lúc qua đời không có con cháu cúng tế thường phải chịu nỗi khổ bị treo ngược trong cảnh ngạ quỉ. Việc thiết lễ cúng dường đức Phật và chư Tăng vào ngày cuối của mùa an cư nhằm mục đich cứu vớt những vong hồn đó ra khỏi nỗi khổ trên. Ngài Huyền Ứng còn cho rằng nếu hiểu Vu Lan Bồn là vật chứa thức ăn thì đó là một sự lầm lẫn. Như thế theo cách giải thich này, thuật ngữ Vu Lan Bồn hay Ô Lam Bà Nã không mang nghĩa là vật cứu độ hay vật đựng thức ăn để dâng cúng Đức Phật và chư Tăng như cách giải thích của các tác giả Trung Hoa khác mà nghĩa của nó là sự cứu độ (cho những ai đang chịu đựng nỗi khổ bị treo ngược).
Trong Vu Lan Bổn Sớ Tân Kí, ngài Nguyên Chiếu (1048-1116) một luật sư Phật giáo đời Bắc Tống cho rằng thuật ngữ Vu Lan Bồn có nghĩa là “treo ngược” hay “bị lơ lửng” và chữ Bồn chỉ là phiên âm của chữ bana trong thuật ngữ avalambana. Những kiến giải trên của ngài Huyền Ứng và ngài Nguyên Chiếu có phần hợp với quan điểm của ngài Ngộ Vinh, tác giả của bộ Vu Lan Bồn Kinh Sớ Hiếu Hoành Sao. Ngài Ngộ Vinh cho rằng theo các dịch giả đời Tống, Vu Lan Bồn là lối viết tắc sai của một từ trong Phạn ngữ. Cách đọc đúng phải là Ô Lam Bà Nã và từ này có nhiều nghĩa khác nhau như hiếu thảo, vâng lời, dâng tặng, yêu thương, treo ngược hay trạng thái lơ lửng. Chữ bồn cũng là một lối viết tắt sai vì cách đọc xưa là Bồn Tả Na, cách đọc mới là Môn Tả La hay Môn Tả Nãng, tức là bồn cứu độ. Nghĩa của toàn bộ thành ngữ này là cái bồn để cứu những ai đang trong trạng thái lơ lửng. K. Ch’en cho rằng Môn Tả La hay Môn Tả Nãng có thể là phiên âm của chữ muñcana hay muccana. Song những chữ này không có nghĩa là bồn hay chậu mà là giải thoát hay thả ra. Tuy nhiên Bồn Tả Na thì có âm rất giống với từ bhājana, nghĩa là bình bát hay vật đựng.
Yukihiro Murase (1748?- 1818), một trong những học giả trứ danh của Nhật Bản trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa Trung Hoa và Nhật Bản đã đưa ra một giả thuyết khá thú vị về thuật ngữ Vu Lan Bồn. Theo ông, Vu Lan Bồn không phải là phiên âm của từ ullambana trong Phạn ngữ mà là một từ ghép có nghĩa là một cái rổ bằng tre có hình dáng như một cái khay. Tác phẩm Lão Học Am Bút Ký nói rằng vào tiết Trung Nguyên người ta thường dâng cúng thức ăn lên tổ tiên và họ thường dùng cái khay bằng tre để đoán ước về thời tiết của mùa Đông sắp đến. Lễ nghi này có tên là Vu Lan Bồn. Murase còn trich dẫn cách cắt nghĩa của sách Mông Hoa Lục về chữ Vu Lan Bồn. Theo sách này, Vu Lan Bồn là cái bệ đèn bằng tre có ba chân, cao khoảng bốn hay năm bộ. Căn cứ vào hai bộ sách này, Murase đưa ra giả thuyết rằng từ Vu Lan Bồn trong tiếng Trung Hoa khác với cách phiên âm của từ ullam- bana. Vu Lan Bồn là từ để chỉ cho cái rổ có hình khay được làm bằng tre dùng để đoán ước và từ này không có liên hệ gì đến lễ ullambana trong Phật giáo. Cách giải thich này của Murase thực ra cũng chưa thuyết phục vì rằng lễ Vu Lan trong Phật giáo diễn ra đúng vào ngày và tháng của tiết Trung Nguyên nên có một sự trùng hợp ngẫu nhiên về danh xưng như trên. Bên cạnh đó, một số tác giả Phật giáo ở Trung Hoa còn diễn dịch rằng Vu Lan Bồn có nghĩa là bồn Vu Lan, tức vật đựng đồ cúng dường trong lễ Vu Lan.
Những lối giải thich khác nhau nói trên về thuật ngữ Vu Lan Bồn hay Ô Lam Bà Nã có thể phát xuất từ cách suy diễn của các tác giả Trung Hoa giữa hai gốc động từ ud-lamb (treo) và chữ ud-lump (cứu). Khi đọc đến thuật ngữ này một số tác giả bèn liên tưởng đến những hình thái phát sinh từ gốc động từ ud-lamb như là avalambana, ullambita hay olambana rồi diễn dịch ý nghĩa các từ này là treo ngược. Tuy nhiên, nghĩa thứ hai và có lẽ nghĩa chinh của thuật ngữ này là cứu độ và nghĩa này có liên hệ đến gốc động từ ud-lump. Cả hai ngài Tông Mật và Ngộ Vinh đều đề cập đến nghĩa này khi bàn về thuật ngữ Vu Lan Bồn. Nghĩa thứ hai này rất quan trọng vì rằng nội dung chinh của kinh Vu Lan Bồn đề cập việc thiết trai cúng dường để cứu độ những chúng sanh trong cõi tối tăm và giúp họ thoát khỏi đọa xứ. Có lẽ vì nhận ra tầm quan trọng của nghĩa này nên cả Takakusu và Rahder đều cho rằng Vu Lan Bồn là phiên âm của từ ullumpana, một thuật ngữ phát sinh từ gốc ud-lump, nghĩa là cứu vớt. Đề xuất này của Takakusu và Rahder mang tinh thuyết phục hơn các học giả khác.
Các tác giả Trung Hoa cũng có những quan điểm khác nhau về chữ bồn trong thuật ngữ Vu Lan Bồn. Sự khác biệt này bắt nguồn từ cách hiểu của họ về chữ bồn trong nội dung bản dịch kinh Vu Lan của ngài Trúc Pháp Hộ. Như đã nói ở trên, thuật ngữ Vu Lan Bồn xuất hiện ba lần trong nội dung bản kinh và chữ bồn được hiểu theo hai nghĩa: 1) là phiên âm của hai âm vị bana (hoặc pana), và 2) là bình bát hay vật để đựng thực phẩm dâng cúng trong lễ Vu Lan. So với ý kiến của ngài Huyền Ứng, cách lý giải của ngài Ngộ Vinh mang tinh thuyết phục hơn khi ngài cho rằng bồn là từ viết tắt của chữ Bồn Tả Na (bhājana), nghĩa là cái bồn hay bình bát. Như thế, nếu căn cứ vào quan điểm của ngài Ngộ Vinh và đề xuất của Takakusu thì nguyên văn của thuật ngữ Vu Lan Bồn hay Ô Lam Bà Nã trong Phạn ngữ hay Pāli ngữ có thể là ullumpana hoặc ullumpana-bhājana.22
Thích Đồng Thành
(Nguồn: TS. Pháp Luân số 29)
 _______________________________

[1] Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh, T16n685, tr. 779c.
[2] J. Eitel, Handbook of Chinese Buddhism, Hongkong, 1888, tr. 185. B. Nanjio, A Cata­logue of the Chinese Translation of the Bud­dhist Tripitaka, Oxford: The         Clarendon Press, 1883, p. 78. Phật Quang Đại Từ Điển, tr. 3454. W.E. Soothill & L. Hodous, A Diction­ary of Chinese Buddhist Terms, Delhi: Motilal Banarsidass, 2003. W.E. Soothill và L. Hodous còn cho rằng Vu Lan Bồn hay Ô Lam Bà Nã là phiên âm của các từ Lambana hoặc Avalamba, tr. 274.
[3] M.W.D. Visser, Ancient Buddhism in Ja­pan, Leiden: E.J. Brill, Vol.1, 1935, p. 62.
[4] Sđd, tr. 62.
[5] Rhys Davids and William Stede, Pali – English Dictionary, New Delhi: Munshiram Manohalal, 2001, p. 170.
6 K. Chen “Filial Piety in Chinese Bud­dhism”, Harvard Journal of Asiatic Studies,Vol. 28 (1968), p. 86.
7. K. Chen, Sđd.
8. Visser, Sđd, tr. 62.
9. Visser, Sđd, tr. 64.
10. E. Ashikaga, “Notes on Urabon (“Yu Lan P’en, Ullambana”), Journal of The Amarican Oriental Society, Vol. 71, No. 1 (Jan. – Mar., 1951), p. 72.
11. Visser, Sđd, tr. 67.
12. J. Edkins, Chinese Buddhism, Varanasi: Chaukhamba Amarabharati Prakashan, 1975, p. 268.
13. Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh, tr. 779c.
14. Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh Sớ, Quyển Hạ, T39n1792, tr. 506c.
15. T53n2122, tr. 750a-b.
16. T16n686, tr. 780a.
17. T54n2131, tr.1112c.
18. T54n2128, tr. 535b.
19. Visser, Sđd, tr. 61.
20. K. Chen, Sđd, p. 88.
21. E. Ashikaga, Sđd, tr. 73.
22 Theo từ điển của Rhys Davids and Wil­liam Stede, ullumpana có nghĩa là cứu, giúp.Xem Rhys Davids and William Stede, tr. 156.

“Vu lan” (lễ Vu lan) có nghĩa là gì? (Kiến Thức Ngày Nay số 399, ngày 10-9-2001)

ĐỘC GIẢ: Xin cho biết hai tiếng “Vu lan” (lễ Vu lan) có nghĩa là gì. “Vu” là gì, “lan” là gì?
AN CHI: “Vu lan” chỉ là hai tiếng vô nghĩa dùng để phiên âm mà thôi. Trong bài “Sự tích Rằm tháng Bảy và xuất xứ của hai tiếng vu lan”, (KTNN số 89, 1-8-1992, tr.41-44), Huệ Thiên đã viết như sau:
Vu lan là dạng tắt của Vu lan bồn. Đây là ba tiếng dùng để phiên âm danh từ Sanskrit ullambhana. Từ này thoạt đầu đã được phiên âm bằng bốn tiếng Hán đọc theo âm Hán Việt là Ô lam bà na (...). Về sau, Ô lam bà na được thay thế bằng dạng phiên âm mới là Vu lan bồn trong đó vu thay thế cho ôlan cho lam và bồn cho bà-n(a). Vì Vu lan bồn chỉ là ba tiếng dùng để phiên âm cho nên từng tiếng một (vu, lan, bồn) hoàn toàn không có nghĩa gì trong Hán ngữ cả. Do đó, tách bồn ra mà giảng thành “cái chậu đựng thức ăn” như hai tác giả Thích Minh Châu và Minh Chi đã làm (trong Từ điển Phật học Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr.795) là hoàn toàn không đúng.
Ullambhana có nghĩa là sự giải thoát. Danh từ Sanskrit này có ba hình vị: tiền tố ud (trở thành ul do qui tắc biến âm sandhi khi d đứng trước l), căn tố LAMBH và hậu tố ana (...) Tiền tố ud chỉ ý phủ định hoặc đối lập (...). Căn tố LAMBH là hình thái luân phiên với LABH, có nghĩa là lấy, chiếm lấy, nắm bắt. Vậy ul – LAMBH có nghĩa là giải thoát. Hậu tố ana chỉ hành động có liên quan đến nghĩa mà tiền tố và căn tố diễn đạt. Vậy ullambhana có nghĩa là sự giải thoát. Ullambhana được phiên âm sang Hán ngữ bằng ba tiếng đọc theo âm Hán Việt là Vu lan bồn. Vu lan bồn được nói tắt thành Vu lan. Vậy Vu lan là sự giải thoát”. (Bđd, tr.44)
Tiếc rằng cho đến nay vẫn còn nhiều tác giả giảng sai về xuất xứ và nghĩa gốc của hai tiếng vu lan. Vì khuôn khổ nên sau đây chúng tôi chỉ nêu một trường hợp làm dẫn chứng mà thôi.
Trong Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du (bản in lần thứ hai, An Tiêm, Paris, 1995), Hoàng Xuân Hãn đã viết như sau:
“Phạn-ngữ ullambana nghĩa là cực khổ tột bực. Nghĩa lại chuyển thành cứu khỏi cực khổ. Phiên âm Hán ngữ đã có nhiều cách; một cách là Vu-lan-bồn, nói tắt: Vu-lan”.
(Sđd, tr.14)
Không biết Hoàng Xuân Hãn đã căn cứ vào nguồn thư tịch nào về Phật học và về tiếng Sanskrit (Phạn ngữ) mà lại khẳng định rằng “ullambana là cực khổ tột bực”, rồi “nghĩa lại chuyển thành cứu khỏi cực khổ”. Để cho rõ vấn đề, trước nhất, xin nhấn mạnh rằng trong tiếng Sanskrit thì ullambhana vàullambana là hai từ khác hẳn nhau về nghĩa gốc của căn tố.
Căn tố của từ trước là LABH/ LAMBH, như đã phân tích, còn căn tố của từ sau thì lại là LAMB. Cũng như từ trước, ullambana có ba hình vị: tiền tố ud (trở thành ul vì lý do đã nêu), căn tố LAMB và hậu tốana. Ngoài nghĩa nêu trong đoạn đã dẫn của Huệ Thiên, ud (>ul ) còn chỉ hướng chuyển động từ dưới lên. LAMB là treo (vậy ul – LAMB là treo lên) còn ana là hậu tố chỉ hành động có liên quan đến nghĩa mà tiền tố và căn tố diễn đạt, như đã thấy. Vậy ullambana là sự treo lên và tất cả chỉ có thế. Từ này hoàn toàn chẳng có liên quan gì đến ý “cực khổ tột cùng”, càng không phải là “cứu khỏi cực khổ”. Chúng tôi mạo muội đoán mò rằng chẳng qua Hoàng Xuân Hãn chỉ căn cứ vào những lời giảng sai về mấy tiếng “vu lan (bồn)” trong thư tịch của Trung Hoa rồi lấy cái nghĩa đó mà gán cho danh từ Sanskritullambana, tự nó vốn cũng chẳng có liên quan gì đến mấy tiếng “vu lan (bồn)”.
Mathews’ Chinese – English Dictionary đã chú một cách ngắn gọn và chính xác về xuất xứ của ba tiếng “vu lan bồn” như sau:
From the Sanskrit ullambhana, deliverance”. (Do tiếng Sanskrit ullambhana, (có nghĩa là) sự giải thoát).
Gần đây nhất, nhà nghiên cứu Phật học Nguyên Huệ, trong bài “Lễ Vu lan – Rằm tháng bảy qua sự ghi nhận nơi một số tác phẩm biên khảo về văn hóa, phong tục, tín ngưỡng” (Nguyệt san Giác ngộ, số 65, 8-2001, tr.28-30), cũng đã chú rõ rằng “Kinh Vu lan bồn”, tiếng Sanskrit là Ullambhana sútra (sútra = kinh).
Vậy cái nghĩa “cứu khỏi cực khổ” mà Hoàng Xuân Hãn cho là nghĩa phái sinh (“chuyển”) của ullambanachính là cái nghĩa đích thực của ullambhana (sự giải thoát, sự cứu nạn,...) còn “cực khổ tột bực” chẳng những không phải là nghĩa gốc của từ này mà cũng chẳng phải của từ ullambana do Hoàng Xuân Hãn nêu ra.