TỪ NGUYÊN CỦA TỪ “VĂN HIẾN” QUA BỐI CẢNH TRI THỨC NHO GIÁO VIỆT NAM- TRUNG HOA
Trần Trọng Dương
Đã đăng: Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa. Hà Nội. số tháng 3/2012. tr.5- 14.
“Văn hiến” là khái niệm trước nay hay được sử dụng trong nhiều công trình nghiên cứu, nhất là nghiên cứu về lịch sử văn hóa Việt Nam thời Trung đại. Đây là một thuật ngữ của Nho gia có lẽ đã được sử dụng tại Việt Nam trong gần hai thiên niên kỷ qua. Mục đích của bài viết xuất phát từ quan niệm: khi nghiên cứu bất cứ một lĩnh vực nào thì người nghiên cứu nên tự đặt mình vào bối cảnh thời đại cũng như bối cảnh tri thức của thời đại đó, tộc người đó. Điều này sẽ giúp chúng ta có được cái nhìn từ bên trong, tránh đi lối nhìn đã “hiện đại hóa” của đời sau. Chính vì vậy, bài viết sẽ khảo về từ nguyên của “văn hiến” để ngõ hầu lý giải được phần nào nội hàm của khái niệm này trong quá khứ từ đó góp phần vào việc nghiên cứu văn hiến nói riêng và văn hóa truyền thống nói chung.
Bài viết tiến hành khảo cứu về khái niệm văn hiến theo chiều lịch đại. Phương pháp khảo cứu của chúng tôi gồm các bước sau. Bước thứ nhất, khảo về cách hiểu về văn hiến qua ghi nhận của các từ điển được biên soạn sau khi Nho học bị bãi bỏ. Bước thứ hai, khảo khái niệm văn hiến trong bối cảnh văn hóa và ngôn ngữ của tiếng Hán, từ đó nhằm phân biệt nội hàm của khái niệm này giữa tiếng Việt và tiếng Hán. Bước thứ ba, khảo về khái niệm này thông qua sự ghi nhận của hệ thống từ điển và văn liệu của tiếng Việt lịch sử. Bước thứ tư, khảo về các văn cảnh của Hán văn Việt Nam (qua các tư liệu sử ký, văn bia đề danh tiến sĩ, văn sách đình đối, và các văn bản nghệ thuật khác), để từ đó phân suất các trường nghĩa của khái niệm này từ bối cảnh tri thức Nho học.
1. Từ cách hiểu về “văn hiến” sau khi Nho học bị bãi bỏ
Văn hiến là từ vựng gốc Hán, được viết bằng tự dạng 文獻. Kể từ sau khi Nho học bị bãi bỏ ở Việt Nam năm 1919, và nhất là kể từ sau khi chữ Hán chữ Nôm bị thay thế hoàn toàn vào năm 1945, thì văn hiến cùng những từ gốc Hán khác đã chịu chung một số phận. Đó là sự cắt đoạn rời khỏi lịch sử vốn có của nó. Thêm nữa, việc cắt rời ấy đã khiến cho ngành từ nguyên học gặp rất nhiều khó khăn; ấy là chưa kể đến những thất thiệt khác cho sự đọc hiểu và nghiên cứu về tiếng Việt. Mục này, bài viết sẽ tiến hành khảo lại các định nghĩa của một số từ điển tiếng Việt được biên soạn trong thế kỷ XX, để hiểu thêm về lịch sử các cách định nghĩa cho khái niệm này.
Đại từ điển tiếng Việt (2008) kế thừa và bổ sung “văn hiến: dt. Truyền thống văn hóa lâu đời, có nhiều nhân tài.”[1] Từ điển từ Hán Việt (2007) của Lại Cao Nguyện và Phan Văn Các và Từ điển tiếng Việt (2007) của Trung tâm từ điển ghi: “văn hiến.t.d. truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp”[2]. Từ điển bách khoa Việt Nam (2003) ghi: “văn hiến. truyền thống văn hoá tốt đẹp và lâu đời. Chu Hy đời Tống chú thích một câu trong sách "Luận ngữ" như sau: "Văn là điển tịch; hiến là tốt đẹp, tài giỏi" (sic). Như vậy, "văn hiến" nguyên nghĩa là văn chương, sách vở hay, bảo tồn truyền thống văn hoá lâu đời.”[3] Từ điển tiếng Việt (2000) của Viện Ngôn ngữ học ghi: “văn hiến d.truyền thống văn hóa lâu đời và tốt đẹp.”[4] Từ điển tiếng Việt (tb lần 2, 1977) do Văn Tân và Nguyễn Văn Đạm chỉnh lý bổ sung ghi: “văn hiến.t. Cg. Văn vật. Yêu chuộng văn học, văn hóa: Việt Nam là nước văn hiến”[5] Từ điển Hán Việt từ nguyên (1999) của Bửu Kế ghi: “văn hiến. văn: sách sử. Hiến: kẻ hiền tài...Một nước có nhiều hiền tài có sử sách thì gọi là nước văn hiến”[6]. Tự điển Việt Nam của Ban Thu thư Khai trí (1971) ghi văn hiến cũng như văn minh.[7] Từ điển Việt Nam phổ thông (1951) của Đào Văn Tập, sau ghi giải thích đúng từ nguyên chữ văn hiến, lại phân suất nghĩa thành: “chỉ những cái hay trong một đời, đáng làm gương mẫu” [8]. Việt Nam tân từ điển (1951) của Thanh Nghị ghi: “văn hiến.d. sách vở hay và nhân vật tốt, nghĩa rộng như tiếng văn minh: nghìn năm văn hiến.”[9] Tự điển Việt- Hoa- Pháp (1937) của Gustave Hue ghi nhận văn hiến = văn minh[10]. Hán Việt từ điển giản yếu (1932) của Đào Duy Anh ghi: “văn hiến: sách vở và nhân vật tốt trong một đời.”[11] Việt Nam tự điển (1931) của Hội Khai trí Tiến đức ghi: “văn hiến文憲.học hành, hiền đức. Nơi văn hiến”[12]. Tuy nhiên, chữ Hán chế bản sai do đồng âm, 獻nhầm thành 憲. Đây là cuốn từ điển sớm nhất có mục từ này. Các từ điển của A.de Rhodes (1651) cho đến Huình Tịnh Của (1898) đều không thấy ghi nhận.
Có thể nói, các từ điển tiếng Việt hiện đại chỉ phân suất khái niệm này với một nét nghĩa chung chung mơ hồ. Đặc biệt là sự không phân biệt rạch ròi giữa khái niệm văn hóa và văn hiến, coi văn hiến là nền văn hóa tốt đẹp được kéo dài. Gần đây, để kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, bộ sách “Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long” đã được ấn bản với số lượng trang sách lên đến 8000 trang, trong đó tinh thần làm việc của các soạn giả đều bàng bạc một sự mơ hồ về khái niệm.
Có tác giả, mặc dù sau khi đã bàn qua về từ nguyên của khái niệm văn hiến vẫn sẵn sàng quy tất cả những lĩnh vực như toán học, kiến trúc, thương nghiệp, nghề truyền thống, thiết kế đô thị, và...tinh thần yêu nước vào nội hàm của văn hiến[13]. Hơn thế nữa, cách hiểu ôm đồm ấy còn dẫn đến việc tác giả dùng các khái niệm (văn hiến, văn minh, văn hóa, văn vật,...) một cách lẫn lộn theo cảm hứng và xúc cảm của người cầm bút.
Năm 1998, Đỗ Trọng Huề đã định nghĩa như sau: “Văn hiến là trình độ văn hóa của một dân tộc đã thoát khỏi bóng tối của thời tiền sử để bước vào ánh sáng của thời kỳ lịch sử”[14].
Đặc biệt, trước đó, văn hiến còn được triết gia Kim Định sáng tạo theo phong cách tư duy triết học của mình, bất kể sự thực lịch sử và những giới hạn cho phép của từ nguyên học cũng như văn hóa học và lịch sử tư tưởng. Ông viết: “Văn hiến là những người hy hiến thân tâm cho văn hóa và được người trong nước kính nể nghe theo. Đó là một loại tông đồ và có thể nói ở đây cũng tìm ra được nét đặc trưng của nền văn hóa Việt Nho. Bên Ấn Độ tuy cũng có văn hiến nhưng không vươn lên đến địa vị cao nhất trong xã hội vẫn dành cho tăng lữ Brahmana. Bên Âu Châu còn kém nữa đến độ không có văn hiến, chỉ mới có văn hào, văn sĩ.” [15] Cách định nghĩa của Kim Định xuất phát từ cách ông hiểu về nguyên tự của văn hiến. Ông hiểu văn là văn hóa (theo nghĩa rộng và khá hiện đại), và hiến là hy hiến (hy trong từ hy sinh, hiến với nghĩa cơ bản của nó trong tiếng Hán là dâng hiến). Ông coi văn hiến là một danh từ trỏ người (người hy hiến, như văn hào, văn sĩ), chứng tỏ ông cũng từng biết đến nét nghĩa nguyên gốc thứ hai mà cổ nhân hiểu (hiến còn trỏ hiền nhân). Nhưng tư duy tư biện của ông quá mạnh!
Có thể nói, văn hiến là một khái niệm đến nay khá mơ hồ đối với người hiện đại, nhất là khi nó được so sánh với một số khái niệm khác như văn hóa[16], văn minh[17], văn vật[18]. Thực tế, những thuật ngữ cơ bản trên của ngành văn hóa học đều xuất phát từ kinh điển Nho giáo. Nguyễn Vinh Phúc nói “Phương Tây không có khái niệm văn hiến. Chỉ ở Việt Nam, Trung Quốc và những nước chịu ảnh hưởng của Nho giáo mới có khái niệm này”[19] là hoàn toàn hữu lý.
Như trên đã bàn, văn hiến là một thuật ngữ của Nho gia, thuật ngữ này đã đi vào hệ thống từ vựng tiếng Việt khá sâu. Sâu đến mức nhiều người Việt (quãng gần 100 năm trở lại đây) dường như đã quên hẳn ý nghĩa từ nguyên của nó vốn được dùng trong quãng thời gian rất dài. Đây là một ví dụ cho thấy sự đứt gãy văn hóa do từ bỏ văn tự truyền thống (chữ Hán và chữ Nôm, và nhiều văn tự truyền thống khác).
Chúng tôi cho rằng từ văn hiến đã gia nhập vào Việt Nam từ trước đây khá lâu. Nếu theo lý thuyết, thì chữ này có thể được đưa vào nước ta cùng với kinh sách của Nho học cách nay 2000 năm, ít nhất từ thời Sĩ Nhiếp. Nhưng từ văn hiến thực sự là một yếu tố của tiếng Việt thì có lẽ chỉ trong khoảng 1200 năm trở lại đây[20]. Để xác định được thời điểm gia nhập của nó, chúng ta có thể tiến hành khảo cứu theo hai hướng. Hướng thứ nhất là tìm được ngữ liệu cụ thể của nó trong một văn bản tiếng Việt qua các văn bản Nôm. Hướng thứ hai là tìm được ngữ liệu cụ thể của nó trong văn bản Hán văn Việt Nam. Nhưng trước khi thực hiện những khảo cứu trên, bài viết sẽ tiến hành nghiên cứu về khái niệm này trong lịch sử tiếng Hán và văn hóa Hán.
2. Khái niệm văn hiến trong lịch sử tiếng Hán
2.1.Sách Luận ngữ thiên Bát dật có đoạn: Tử viết: Hạ lễ, ngô năng ngôn chi, Kỷ bất túc trưng dã; Ân lễ, ngô năng ngôn chi, Tống bất túc trưng dã; văn hiến bất túc cố dã” 子曰夏禮吾能言之杞不足徴也殷禮吾能言之宋不足徴也文獻不足故也 nghĩa là “Lễ nhà Hạ thì ta có thể bàn được, nhưng nước Kỷ (dòng dõi nhà Hạ) chẳng đủ để làm chứng; lễ của nhà Ân, thì ta cũng bàn được, nhưng nước Tống (dòng dõi nhà Ân) chẳng đủ để làm chứng. Ấy là vì văn hiến hai nước ấy không đủ”. Chu Hy chú: Văn, điển tịch dã; hiến, hiền dã 文典籍也獻賢也[21] nghĩa là: văn là điển tịch; hiến là người hiền vậy.
Đoạn này cho thấy ý rất quan trọng về văn hiến. Trong đó, ta nên chú ý đến mối quan hệ giữa văn hiến và lễ. Cộng với lời chú của Chu Hy thì ta có thể có tam đoạn luận sau:
Đoạn 1: Văn hiến = lễ
Đoạn 2: Văn = điển tịch ; Hiến = người hiền
à Đoạn 3 Văn hiến = điển tịch (ghi chép về lễ) + người hiền (người chế lễ, hành lễ)
Đây có thể coi là nghĩa nguyên bản nhất của từ văn hiến từ bối cảnh tri thức của Nho học Trung Quốc, và cũng có thể coi đây là khái niệm trùng khít giữa Nho học Tiên Tần và Tân Nho học.
2.2. Sách Vũ cống đồi chỉ 禹貢錐指(quyển 19) của Hồ Vịnh đời Thanh: “自兩漢以降嶺南之風氣漸移犀象毒冒珠璣銀銅果布之湊於是乎在魁奇忠信材徳之民於是乎生一以為脂膏之地一以為文獻之邦 nghĩa là “từ đời lưỡng Hán về sau, phong khí Lĩnh Nam[22] dần đổi; cho nên sừng tê, ngà voi, đồi mồi, ngọc bích, vàng, đồng, hoa trái tích tụ đã nhiều; mà những bậc khôi kỳ, trung tín, tài đức xuất hiện cũng lắm, có thể coi [Lĩnh Nam] vừa là đất màu mỡ, vừa là nước văn hiến.”[23]
Đoạn này nhấn mạnh đến nhân vật - yếu tố chủ thể làm nên văn hiến của một đất nước. Nhân vật đó phải là bậc khôi kỳ, có đức trung tín và tài năng theo quan niệm của Nho giáo.
2.3. Từ điển Từ nguyên - cuốn từ điển phổ dụng được soạn vào đầu thế kỷ XX, đã giải thích trên cơ sở định nghĩa của Chu Hy, nên đã viết: “văn trỏ những tư liệu văn tự liên quan đến điển chương chế độ, hiến trỏ những người nghe rộng biết nhiều” [tr.0737].
Cách định nghĩa trên đây của từ điển Từ nguyên là tiếp thu tinh thần của Chu Hy. Tuy nhiên, định nghĩa hiến (trỏ những người nghe rộng biết nhiều) lại mang nét nghĩa hơi hẹp hơn so với thực tế. Bậc hiền đương nhiên là “bác lãm quần thư”, tri thức hoàn bị; song tri thức chỉ là một yếu tố, ngoài ra người hiền còn phải đáp ứng nhiều tiêu chí khác như đức độ, khí tiết, phải có chính tích, có trứ thư lập ngôn.
2.4. Từ điển Từ hải sau khi giải thích về từ nguyên, đã ghi nhận nghĩa của chữ văn hiến trong tiếng Hoa hiện nay chỉ còn một nghĩa mở rộng là “những tư liệu văn vật có giá trị lịch sử như: lịch sử văn hiến, đồng thời cũng chỉ những tư liệu sách vở quan trọng liên quan đến một ngành khoa học cụ thể, ví dụ: y học văn hiến. Nay (văn hiến) còn là tên gọi chung cho bất cứ một dạng vật chất nào sử dụng văn tự, tranh ảnh, phù hiệu, để kí tải tri thức, thông tin như: ấn phẩm, băng từ, đĩa CD, băng hình, bản in ốp sét”[24].
Tóm lại, có thể nói rằng, từ văn hiến trong tiếng Hán đã thu hẹp nét nghĩa ban đầu của Nho học, mà trỏ chung cho các tư liệu lưu trữ thông tin. Còn từ văn hiến trong các từ điển tiếng Việt hiện đại được biên soạn trong suốt thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI thể hiện sự bất nhất và không tường minh về mặt khái niệm như đã nêu.
3. Từ văn hiến trong tiếng Việt lịch sử
Chúng tôi tìm được văn liệu có niên đại sớm nhất là vào thế kỷ XVII trong cuốn Thiên Nam ngữ lục khi viết về Sĩ Nhiếp/ Tiếp 士燮[25]. Tác phẩm này đã ca ngợi “Nam Giao học tổ” như sau:
Quan quân mà lại thầy ta,
Phủ quân tôn vị hiệu là Sĩ vương
Nước nên “văn hiến chi bang”
Đức giáo chẳng nhường Đậu thị Hà Tây (câu 1930-1933)
Ca ngợi Sĩ Nhiếp ở các mặt:
tuần này ắt chẳng lo chi
mối giềng đã tỏ, luật lề đã phân
Đồng niên quý thuế có ngần
Quan quân rõ phép, binh dân rõ đường
Điều hòa chế độ kỷ cương
Mở kho giáo hóa, rỡ ràng nhân luân” (c.1924-1928)
Đoạn thơ trên ca ngợi họ Sĩ là bậc vương, bởi ông đã có công giáo hóa biến Giao Chỉ trở thành “văn hiến chi bang”. Về hình thức, ông là “quan quân”, nhưng thực tế ông lại là bậc sư biểu (thầy ta). Bậc sư biểu ấy đã dùng đức giáo để cho dân ta hiểu rõ “mối giềng”, “luật lệ”. Chữ mối giềng dịch từ chữ cương thường. Như thế, văn hiến ở đây tạm có thể phân suất được những nét nghĩa sau: 1.Cương thường (nhân luân); 2. Luật lệ (cho binh và dân); 3. Giáo hóa. Trong đó, cương thường là những thiết chế về mặt huyết tộc và đạo đức xã hội. Luật lệ là những quy phạm mang tính pháp chế và quản lý hành chính nhà nước.
Sử cũ đều ca tụng Sĩ Nhiếp là vị quan tốt, rất có uy tín trong dân chúng. Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt sử ký toàn thư: "Vương (Sĩ Nhiếp) độ lượng khoan hậu, khiêm tốn, kính trọng kẻ sĩ, người trong nước yêu mến, đều gọi là vương. Danh sĩ nhà Hán tránh nạn sang nương tựa có hàng trăm người"... Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương, công đức ấy không những chỉ ở đương thời mà còn truyền mãi đời sau, há chẳng lớn sao? Đoạn trên cho ta hai nét nghĩa nữa của khái niệm văn hiến: 1. thông thi thư (thông: hiểu nằm lòng; thi: Kinh thi; thư: Kinh thư); 2.học Lễ và Nhạc.
Ngữ cảnh tiếng Việt thứ hai mà chúng tôi biết được, xuất hiện trong lời giáng bút của thánh mẫu năm 1923, có đoạn mở đầu như sau:
Sông Nhị núi Nùng, nước bốn ngàn năm văn hiến
Con Hồng cháu Lạc, dân hai mươi triệu đồng bào[26]
Văn cảnh này không cung cấp thêm nét nghĩa nào cho khái niệm văn hiến. Tạm thời chúng tôi không bàn đến quãng thời gian đã được kéo dài bằng tâm lý dân tộc bản vị. Giá trị là ở chỗ, đây là văn cảnh tiếng Việt sớm nhất xuất hiện cụm từ“bốn ngàn năm văn hiến”.
4. Khái niệm văn hiến qua bối cảnh tri thức Nho gia Việt Nam
4.1. Sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi do Lý Tử Tấn viết thông luận, có đoạn: “từ khi người Nguyên vào Trung Quốc, về sau thiên hạ biến thành nói tiếng Hồ, mặc áo Hồ. Không thay đổi thì chỉ có nước ta cùng họ Chu ở Kim Lăng, họ triệu ở Kim Sơn mà thôi. Đến khi Thái tổ nhà Minh lên làm vua, sai Dịch Tế Dân sang thông hiếu, vua Dụ Tông sai Doãn Thuấn Thần sang cống nhà Minh. Vua Minh úy lạo hỏi quốc sứ khen phong tục, y phục vẫn giống như văn minh Trung Hoa, ban cho bài thơ ngự chế rằng”:
安南際有陳 / 風俗不元人
衣冠周制度/ 禮樂宋君臣
An Nam tế hữu Trần/ Phong tục bất Nguyên nhân
Y quan Chu chế độ/ Lễ nhạc Tống quân thần.
(đất An Nam có họ Trần/ phong tục không theo người Nguyên
áo mũ[27] vẫn theo chế độ nhà Chu/ lễ nhạc vẫn hệt như vua tôi nhà Tống)
Rồi cho bốn chữ “Văn Hiến Chi Bang” và thăng địa vị cho sứ thần của Đại Việt lên trên sứ thần Triều Tiên ba cấp.”[28]
Đây là đoạn thông luận mà Lý Tử Tấn chua cho phần chính văn của Nguyễn Trãi đang gián tiếp bàn về văn hiến, đoạn ấy cụ thể như sau: “Người trong nước không được bắt chước ngôn ngữ và y phục của các nước Ngô[29], Chiêm, Lào, Xiêm, Chân Lạp để làm loạn phong tục trong nước”[30].
Đoạn văn trên cho chúng ta biết một số dữ kiện như sau: 1. Chữ văn hiến được dùng cho Đại Việt vào cuối đời Trần, điều này chứng tỏ 2. Nho sỹ đời Trần mạt ít nhiều tạo dựng được bối cảnh tri thức cũng như bối cảnh văn hóa Nho giáo ở một mức độ nhất định, đến mức vua Minh Thái Tổ làm thơ ngự chế và ban tặng đích danh bốn chữ “văn hiến chi bang文獻之邦” vào năm Đại Trị thứ nhất (1368)[31] 3. Như thế, đây là tư liệu thành văn sớm nhất khảo được (trái với quan niệm phổ biến trước đây, coi chữ văn hiến lần đầu xuất hiện trong bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi).
Đoạn văn trên cũng cho biết một số thông tin cụ thể về nội hàm của khái niệm văn hiến trong bối cảnh tri thức Nho giáo. Đó là bốn yếu tố: 1.Phong tục, 2.chế độ y quan; 3.chế độ lễ nhạc[32]. 4.Ngôn ngữ.
4.2. Chữ văn hiến được đưa vào văn chương trong bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (1428):
維我大越之國/ 實為文獻之邦
Duy ngã Đại Việt chi quốc/ Thực vi văn hiến chi bang
Nghĩa là: Như nước Đại Việt ta/ Thực là nước văn hiến.
Thế kỷ XV trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu Hà Nội khoa Quang Thuận thứ 4 (1463) có ghi đoạn văn sau: "Học trò may được khắc trên bia đá này, phải theo danh nghĩa sửa đức hạnh, bắt chước tính giữ gìn văn hiến".
Tuy nhiên, hai ngữ cảnh trên đều không cho biết nội hàm của khái niệm văn hiến. Bình Ngô đại cáo cung cấp một thông tin lịch sử đáng chú ý, đó là sự ghi nhận Đại Việt “vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Phải chăng đây chính là cứ liệu quan trọng (duy nhất!) để các nhà làm từ điển hiện đại phân suất nghĩa của từ văn hiến thành “truyền thống văn hóa lâu đời” như đã nói đến ở trên?
4.3.Bài tựa Tân đính Lĩnh Nam chích quái tự新訂嶺南摘怪序 của Vũ Quỳnh trong sách Lĩnh Nam chích quái 嶺南摘怪được viết năm 1492 có đoạn như sau: 嶺南摘怪之書。所以嵇考古奇幻之事。憑諸俗話。出於群儒記載。蔓引輯述不一。蓋我越文敎最古。較諸國甚遠。其怪誕遺編。默付前鋻皆得於偶語常談。以愈世紀耳。況洪荒事迹。至歷千古。驗之無証著之難明。多有缺疑。豈可詳辨乎哉。Nghĩa là: Vốn sách Lĩnh Nam chích quái[33] nhằm khảo sát những việc quái lạ xưa nay, thường căn cứ vào lời kể dân gian, do các nhà nho chép thì rất nhiều và không thống nhất. Như nền văn hiến nước Việt ta, vốn rất cổ, so với các nước khác. Biết bao nhiêu điều quái lạ, được ghi lại, phản ánh việc xưa, đều là câu chuyện trao đổi hằng ngày của các thời kỳ đó.
Trong văn cảnh trên, văn hiến được coi như là những ghi chép (thư tịch) về chuyện kể dân gian.
4.4. Bài ký văn bia đề danh Tiến sĩ khoa Đinh Mùi niên hiệu Cảnh Trị năm thứ 5 (1667) do Nguyễn Kiều[34] soạn và khắc năm Vĩnh Thịnh 13 (1717) có đoạn như sau: “kính nghĩ quốc triều nhân nghĩa dựng nước, văn hiến nức danh. Khoa thi Tiến sĩ đặt ra từ lâu, khắc đá đề tên quy mô to lớn...Thực nhớ một lòng sửa đức, trăm việc mở mang, chính sự tốt đẹp của nước nhà đổi thay rạng rỡ, hiền tài trong thiên hạ nượp nượp kéo về... Đến nay, hoàng thượng vẻ vang kế thừa ngôi báu, hết sức xây đắp cơ đồ, nắm giữ quyền bàn bạc nghi lễ, theo thể thức tôn quý người hiền...Như vậy đủ biết sự chế tác của thánh triều có quan hệ đến phong hóa”[35].
Đoạn văn trên cho biết một số dữ kiện về khái niệm văn hiến như sau: 1.Khoa cử; 2. Văn vật (khắc đá); 3. Hiền tài; 4. Nghi lễ. và 5.Phong hóa (phong tục giáo hóa)[36].
4.5. Thế kỷ XIX, trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú đã viết: "Khi nhà Lê dựng nước, văn hóa lại thịnh dần, hơn 300 năm chế tác đầy đủ kỹ càng, văn hiến đứng đầu trung châu, điển chương rạng cả triều đại" (Văn tịch chí, bản dịch, quyển 4, tr. 41).
4.6. Điện Thái Hòa (Huế) đời Nguyễn còn khắc một bài thơ như sau:
文獻千年國 / 車書 萬里圖
鴻龐開闢後 / 南服一唐虞
Phiên âm:
Văn hiến thiên niên quốc
Xa thư vạn lý đồ
Hồng Bàng khai tịch hậu
Nam phục nhất Đường Ngu
Nghĩa là:
Nước nghìn năm văn hiến
Cơ đồ[37] muôn dặm xa thư
Kể từ sau khi Hồng Bàng mở nước
Nước Nam lại là một Đường Ngu
Dịch thơ:
Nước văn hiến nghìn năm đã có
Mối xa thư muôn dặm cơ đồ
Hồng Bàng mở nước từ xưa
Nam bang lại một Đường Ngu thái hòa
Đây cũng có thể coi là một định nghĩa nữa về văn hiến. Trong đó, khái niệm quan trọng nhất là Xa thư. Xa là xe, thư là sách. Xa thư nguyên dẫn từ thiên Trung dung中庸sách Lễ ký: kim thiên hạ xa đồng quỹ thư đồng văn 今天下車同軌書同文 nghĩa là “nay thiên hạ: xe cùng cỡ trục, sách chung văn tự”, sau xa thư trỏ thể chế pháp độ của nhà nước theo mô hình Nho giáo. Xét về từ nguyên thì thể chế pháp độ ấy bao gồm văn tự- thư tịch và quy tắc xã hội. Sách Đại Nam quốc sử diễn ca của Phạm Đình Toái có câu: dõi truyền một mối xa thư, cũng là nói về văn hiến nước Đại Nam vậy.
4.7. Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội có đôi câu đối:
南邦文獻千年國
東魯儒宗萬世師
Nam bang văn hiến thiên niên quốc
Đông Lỗ nho tông vạn thế sư
Nam bang là nước ngàn năm văn hiến
Ngài sáng lập đạo Nho ở đất Đông Lỗ là bậc thầy của muôn đời.
Qua nội dung câu đối và bài thơ trên, có thể thấy văn hiến Đại Việt luôn được so sánh, đối chiếu với thời đại thịnh trị viễn cổ là Đường Ngu (nhà Chu) với các nhân vật lý tưởng, các thánh nhân của Nho gia như Chu Công, Khổng Tử. Rõ ràng, văn hiến là một khái niệm của Nho giáo, và được dùng bởi các nhà Nho thuần thành. Văn hiến được dùng để ngợi ca một cảnh tượng thái hòa về chính trị, bình ổn về xã hội và nhân tâm. Đặt trong, bối cảnh như vậy, những biểu tượng và ý nghĩa của khái niệm này đã dần rõ nét.
4.8. Bài văn sách đình đối của Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân Vũ Tông Phan khoa Bính tuất niên hiệu Minh Mệnh thứ bảy (1826): Hựu dĩ ngã Việt quan chi, Đinh bình sứ quân chi loạn, Lý xưng văn hiến chi bang, Lê phủ thái bình chi vận, trị nhật hà đa dã? 又以我越觀之丁平使君之亂李稱文獻之邦黎撫太平之運治日何多也nghĩa là: “Lại đem [sử] nước Việt ta ra mà xét, triều Đinh thì bình loạn sứ quân, triều Lý thì gọi là nước văn hiến, triều Lê chăm vận thái bình, thời gian trị vì sao nhiều vậy?”[38]
Đến đây, chúng ta thấy, sách vở thư tịch cũ đã ghi chép những đoạn khen ngợi , xác nhận nước ta là “văn hiến chi bang” từ thời Sĩ Nhiếp cho đến Lý, Trần, Lê, Nguyễn.
4.9. Bài văn sách đình đối của đệ nhị giáp tiến sĩ Nguyễn Đình Dương khoa Canh thìn niên hiệu Tự Đức thứ ba mươi ba (1880): Ngã quốc tố xưng văn hiến, nhi nhân gian thư tịch chi truyền, thực giác quả lậu. Bất duy ngoại quốc chư thư, nhân sở hãn kiến, nhi kinh, sử, tử, điển, diệc sở hãn kiến. 我國素稱文獻而人間書籍之傳實覺果漏不維外國諸書人所罕見而經史子典亦所罕見[39] Nghĩa là : Nước ta vốn xưng là văn hiến mà việc lưu truyền sách vở trong dân gian thực là ít ỏi. Không chỉ có các sách nước ngoài người ta ít được thấy, mà các sách kinh, sử, chư tử, điển chế cũng ít được coi .
5. Phân suất cấu trúc nghĩa của khái niệm văn hiến
Về mặt tự nguyên, Văn có bốn nghĩa: văn tự, ngôn ngữ, văn thư, và văn chương[40], cũng như chỉ những tư liệu nói chung có liên quan đến điển chương chế độ, hiến chỉ người hiền tài, chủ thể sáng tạo có học thức.
Mặt khác, từ những cứ liệu như đã dẫn ở trên, trong bối cảnh của tri thức Nho giáo, tạm thời có thể phân suất nghĩa của khái niệm văn hiến như sau.
1.Ngôn ngữ
2.Văn tự
3.Sách vở, điển tịch
4.Văn chương
5.Các yếu tố văn hóa- chính trị thuộc điển chương, chế độ của Nho giáo, như: chế độ y quan, chế độ lễ nhạc, pháp độ tiên vương, hiến pháp hoàng triều. Điển chương là “các khuôn phép lễ chế từ vua trước đặt ra’[41], chế độ là “những phép tắc định lập rõ ràng”[42], pháp độ là những quy định tiêu chuẩn (pháp) về hành vi để đánh giá (độ) phẩm hạnh, đức độ, học vấn của một người.
6.Phong tục (phong giáo): những ảnh hưởng của chế độ lễ nhạc quan phương đối với cộng đồng xã hội.
7. Giáo dục và chế độ khoa cử.
8. Người hiền tài (chủ yếu trỏ Nho sĩ, nhưng bản thân mỗi Nho sĩ lại là một phức thể dung hội Tam giáo và có thể còn hơn thế nữa, nên đối tượng ngoại diên thuộc loại hình nhân vật lịch sử này cũng khá là phong phú).
Có thể biểu diễn cấu trúc khái niệm văn hiến qua mô hình sau:
Tuy nhiên, ở từng yếu tố cũng cần phải có sự phân định một cách cụ thể. Thư tịch gồm những loại sách gì? Theo phân loại thời trung đại thì thư tịch được chia ra làm kinh, sử, tử, tập, tức các sách kinh điển, sách lịch sử, các sách trước tác của kẻ sĩ và các sách biên soạn lại khác. Theo thời gian, thì thư tịch chia làm hai loại: 1. Cổ thư (sách vở của người xưa để lại) và 2. Kim thư (sách do người đương thời soạn). Vì thế, khi nghiên cứu về văn hiến đời nào đó ở diện thư tịch, thì sẽ có hai hướng nghiên cứu. Thứ nhất là việc nghiên cứu cổ thư thuộc về nghiên cứu thư mục học. Cách nghiên cứu này dựa vào các bộ thư mục của từng thời đại để có thể biết được khối lượng tri thức của đời đó như thế nào. Thứ hai là nghiên cứu sách vở trước tác vào một giai đoạn lịch sử cụ thể đó. Và cuối cùng, đối với người nghiên cứu, thư tịch còn bao gồm cả những sách vở của đời sau sưu tập hay biên soạn về thời đại đó nữa.
Mặt khác, mối quan hệ giữa các yếu tố của khái niệm văn hiến cũng cần phải bàn đến. Ngôn ngữ văn tự được coi là yếu tố tiên quyết của một quốc gia văn hiến. Đặc biệt là văn tự, văn tự là một trong những phát minh quan trọng nhất để xác độ trình độ phát triển của một dân tộc. Có văn tự thì mới có thể ký chép sách vở. Sách vở có tính truyền thống, có ảnh hưởng đến nhiều người, là khuôn mẫu của muôn đời thì gọi là kinh điển. Kinh điển của cổ nhân là nguồn tri thức quan trọng nhất để tích lũy các tri thức và tạo nguồn cho trí thức của một cộng đồng. Khi đã có được vị trí nhất định trong một hệ thống chính trị quan phương, giới trí thức sẽ góp phần quan trọng để tái tạo và thi hành những điển chương của cổ nhân; đồng thời họ cũng sẽ tiến hành kiến tạo những chế độ mới, điển chương mới, phép tắc mới. Thêm nữa, bất kỳ một quan lại nào theo lối học cử tử ngày xưa cũng đồng thời là một văn sỹ. Cho nên, các sách vở biên soạn của cá nhân mỗi người cũng có thể coi là một nguồn thư tịch góp phần làm nên văn hiến của thời đó. Dù văn chương, lịch sử hay sách tư tưởng triết học đều xoay quanh khía cạnh điển chương giáo hóa, với chức năng “văn dĩ tải đạo”, “củng cố hồng đồ”. Sách vở góp phần tạo nên nhân tài với những chuẩn tắc của quá khứ, nhân tài dựa vào những chuẩn tắc cũ để thiết lập nên hệ thống chuẩn tắc mới (mang màu sắc cổ nhân) và biên soạn những sách vở mới. Đây có thể coi là một mô hình tái tạo tuần hoàn và sáng tạo khép kín của những nền văn hóa thuộc ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo.
Có thể thấy văn tự, thư tịch, hiền tài và điển chương chế độ là sản phẩm là kết quả của các hành vi chính trị - văn hóa. Chúng là phần nổi, phần dễ nhìn thấy của các hoạt động xã hội. Cụ thể, thư tịch là kết quả của quá trình biên soạn, trước tác, dịch thuật của cá nhân cũng như nhà nước. Hiền tài vừa là sản phẩm tự thân vừa là sản phẩm chính thống của chế độ khoa cử. Điển chương chế độ là yếu tố lũy tích của các triều đại, qua rất nhiều lần “chế lễ tác nhạc, định triều quy” (tức hành vi thiết định pháp độ và hệ thống hành chính). Các quá trình hoạt động văn hóa xã hội trên đều có thể quy vào quá trình kiến tạo văn hiến. Có thể thấy rõ điều này qua mô hình dưới đây.
Mô hình văn hiến và kiến tạo văn hiến trên đây tạm có thể coi như là bảng chuẩn để tiến hành khảo sát từng tiêu chí qua từng trường hợp cụ thể cho các giai đoạn lịch sử nhất định nào đó. Việc khảo sát này dựa trên những thư tịch cổ còn lại, cũng có khi có sự kế thừa các kết quả nghiên cứu trước đây.
Tiểu kết: Bài viết, từ việc khảo sát các văn cảnh xuất hiện chữ “văn hiến” trong các thư tịch Nho gia, đã phân suất được tám nét nghĩa của khái niệm này trong bối cảnh tri thức của những người biên soạn (là các nhà Nho) trong chiều dài lịch sử quãng 600 năm. Sự khảo sát này chỉ có tính chất thao tác và thực hiện thí điểm, chứ chưa phải đã bao quát hết toàn bộ tư liệu sách vở cổ của Việt Nam trong thời Trung đại, vì thế, kết luận và mô hình đưa ra ở đây tạm chỉ gói gọn trong những tư liệu mà chúng tôi hiện có. Việc áp dụng mô hình cấu trúc văn hiến từ bối cảnh tri thức Nho giáo cũng như khảo sát hoạt động kiến tạo văn hiến của các triều đại quân chủ trước đây cần được khảo sát qua từng nhân vật hay thời đại cụ thể từ đó mới cho phép chúng ta có một hình dung bước đầu về một nền văn hiến của dân tộc, góp phần vào việc nghiên cứu so sánh sự tiếp xúc văn hóa giữa Việt Nam và trung Hoa trong quá khứ xa xưa.
Nhuệ Giang, tháng 6 năm 2010- tháng 8 năm 2011
Tác giả: Trần Trọng Dương
Địa chỉ: Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 13 Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội.
Email: trantrongduonghn@gmail.com
--------------------------------------------------------------------------------
[1] Nguyễn Như Ý (chủ biên). Đại từ điển tiếng Việt. Nxb.Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh. Tr.1744.
[2] Lại Cao Nguyện và Phan Văn Các. 2007. Từ điển từ Hán Việt. Nxb.KHXH. H. tr.534.
Trung tâm Từ điển học Vietlex. 2007. Từ điển tiếng Việt. Nxb. Đà Nẵng. tr.1697.
[3] http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn
[4] Viện Ngôn ngữ học. 2000. Từ điển tiếng Việt. Nxb. Đà Nẵng & TT từ điển học. tr.1100.
[5] Từ điển tiếng Việt (tb lần 2, 1977). Nxb.KHXH.H. tr.846.
[6] Bửu Cầm. (1999). Từ điển Hán Việt từ nguyên. Nxb. Thuận Hóa. Tr.2309.
[7] Ban Tu thư Khai trí, (1971), Tự- điển Việt Nam , Nhà sách Khai trí 62 Lê Lợi Sài Gòn. Tr.911.
[8] Đào Văn Tập, (1951), Từ điển Việt Nam phổ thông, Nhà sách Vĩnh Bảo, Sài Gòn. Tr.689.
[9] Thanh Nghị. (1951). Việt Nam tân từ điển, Nhà in Thời Thế 185/54 đường Colonel Grimaud- Saigon. tr.1428.
[10] Gustave Hue, (1937), Dictionaire Vietnamien Chinois Français ( Tự điển Việt- Hoa- Pháp), Nhà sách Khai trí, 62,Lê Lai-Saigon, 1971 (in theo ấn bản Imprimerie Trung Hòa). Tr.1113.
[11] Đào Duy Anh, (2001 -in theo ấn bản cũ 1932), Từ điển Hán Việt 辭 典 漢 越 , Nxb Khoa học Xã hội, Tp Hồ Chí Minh. Tr.537.
[12] Hội Khai trí Tiến đức, (1931), Việt Nam tự điển, HANOI Imprimerie Trung-Bac Tan-Van. Mặc Lâm xuất bản. tr. 626.
[13] Xem Nguyễn Vinh Phúc.2009.Sự hiện diện của văn hiến Thăng Long. www.tapchinhavan.vn
[14] Xem Đỗ Trọng Huề. 1998. Văn Hóa Và Văn Chương, Đặc San Gió Việt.Calgary, Canada.
[15] Kim-Định 1979. Hồn Nước với Lễ Gia Tiên. USA. tr.303.
[16] Văn hóa文化 là cách nói tắt của cụm văn chương giáo hóa: tức là dùng văn chương dạy dỗ, để cảm hóa và biến đổi đời sống tinh thần cũng như đời sống vật chất của một người hay một cộng đồng xã hội. Từ điển của Hội Khai trí Tiến đức ghi: “văn hóa: sự giáo dục do văn học đã thấm thía vào trí não người ta” [tr.626] Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh ghi: “văn hóa: văn vật và giáo hóa, dùng văn tự mà giáo hóa cho người” [tr.537]. “Lín lao thay v¨n ho¸ ph« bµy lan to¶, cao ngót thay mét phen ®¹i chÊn Nho phong.” [Bµi ký ®Ò danh TiÕn sÜ khoa QuÝ Mïi niªn hiÖu Quang ThuËn n¨m thø 4 (1463) kh¾c n¨m Hång §øc thø 15 (1484) do §µo Cö so¹n]
[17] Tạm thời có thể phân suất nghĩa từ nguyên của từ văn minh 文明như sau nghĩa thứ nhất là rực rỡ. Cái đức của nó cương kiện và văn minh, ứng với trời thì mùa vận hành, cho nên đứng đầu và hanh thông (Kinh dịch, quẻ Đại hữu). 2. Tt. Văn vẻ và sáng rực rỡ (dùng cho đạo đức, Nho), Vua Thuấn uyên thâm và văn minh (Tuấn triết văn minh) (Kinh Thư). 3. Tt. Trạng thái có giáo hóa, có đạo đức, có lễ nghi, có điển tắc. Thánh Tông Thuần Hoàng Đế sáng lập pháp chế, mở ra muôn đời văn minh (ĐVSKTT) Họ Đinh vốn dòng họ đàn anh, giữ được đất xa, có lòng hâm mộ phong thói văn minh, thường tỏ ý muốn phụ thuộc với Trung Quốc. (KĐVSTGCM) Phong tục văn minh của đất Lĩnh Nam bắt đầu từ hai thái thú ấy.(ĐVSKTT) Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh ghi: “cái tia của đạo đức phát hiện ra ở nơi chính trị, pháp luật, học thuật, điển chương,…” [tr.537].
[18] Văn vật 文物 1. dt. Những dấu ấn về vật chất thể hiện văn hiến của một triều đại. Thái tổ Hoàng đế ta được nhà Chu nhường ngôi, thanh danh, văn vật, biến đổi trở lại như xưa. (An Nam chí lược)// Vua khéo biết kế thừa, cho nên thời cuộc đi tới thái bình, chính trị trở nên tốt đẹp, văn vật chế độ ngày càng thịnh vượng, cũng là bậc vua tốt của triều Trần. (ĐVSKTT) 2. Dt. Các di vật cổ có giá trị về lịch sử và nghệ thuật. Hà Nội nghìn năm văn vật. KTTD chú văn vật nghĩa như văn hiến. Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh ghi: “những sản vật của văn hóa như lễ nhạc, chế độ” [tr.539]
[19] Nguyễn Vinh Phúc. Bdd.
[20] Nguyễn Ngọc San.. 2003. Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
Nguyễn Tài Cẩn. 2001. Thử phân kỳ lịch sử 12 thế kỷ của tiếng Việt. Trong “Một số chứng tích về ngôn ngữ, văn tự và văn hóa”. Nxb. Đại học Quốc Gia Hà Nội. Tr.401-411.
[21]Tứ thư dại toàn四書大全. Luận ngữ tập chú đại toàn論語集註大全(quyển 3 卷三). Bát dật đệ tam八佾第三. tr.14b.
[22] Lĩnh Nam: trỏ toàn bộ vùng đất từ phía Nam dãy Ngũ Lĩnh trở lại, gồm phần đất thuộc Quảng Đông, Quảng Tây và nước ta. Với người Việt, từ Lĩnh Nam cũng được dùng để trỏ lãnh thổ quốc gia của nước mình. Đại Nam quốc sử diễn ca có câu: Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta.
[23] Hồ Vị胡渭.( 乾隆四十三年Kiền Long tứ thập tam niên). Vũ cống đồi chỉ (hai mươi quyển)禹貢錐指二十巻.
[24] Từ hải. tr.1860.
[25] Sĩ Nhiếp 士燮 (137-226) tự là Ngạn Tín, người đất Quảng Tín, quận Thương Ngô, là Thái thú Giao Chỉ từ năm 187 đến năm 226 (cuối thời Đông Hán, đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc). Sĩ Nhiếp được đánh giá cao nhất bởi có công trong việc duy trì tình trạng hòa bình yên ổn ở Giao Chỉ trong suốt giai đoạn nội chiến Tam Quốc hết sức phức tạp tại Trung Quốc kéo dài hơn nửa thế kỷ. Chính tích đó giúp Sĩ Nhiếp gần như trở thành một vị vua tự trị của quận Giao Châu, thoát hẳn ra khỏi ảnh hưởng và mệnh lệnh của nhà Hán. Điều đó thể hiện qua lá thư của Viên Huy, vốn là quan nhà Hán bấy giờ đang ở Giao Châu, gửi cho Thượng thư lệnh nhà Hán là Tuân Úc năm Đinh Hợi, Kiến An năm thứ 12 (207) đời Hán. Lá thư có đoạn: "Giao Châu Sĩ phủ quân đã học vấn sâu rộng lại thông hiểu chính trị, trong thời buổi đại loạn, giữ vẹn được một quận hơn hai mươi năm, bờ cõi không xảy ra việc gì, dân không mất nghiệp, những bọn khách xa đến trú chân đều được nhờ ơn, dẫu Đậu Dung giữ đất Hà Tây cũng không hơn được. Khi việc quan có chút nhàn rỗi thì chăm xem các sách thư, truyện. Phàm những chỗ biên chép không rõ ràng trong sách Xuân Thu Tả Thị truyện, (tôi) đem hỏi, đều được ông giảng giải cho những chỗ nghi ngờ, đều có kiến giải của bậc thầy, ý tứ rõ ràng, chặt chẽ. Lại như sách Thượng thư, cả cổ văn và kim văn, những ý nghĩa to lớn, ông đều hiểu biết tường tận, đầy đủ."
Ông được coi là một vị quan cai trị có tài và được giới Nho học phong kiến Việt Nam sau này suy tôn là một trong những nhân vật mở đường cho Nho giáo ở Việt Nam. Nhiều nơi hiện còn thờ ông.
[26] Đào Duy Anh.1989. Nhớ nghĩ chiều hôm (Hồi ký). Nxb. Trẻ. tr. 216-218. Nhân đây xin gửi lời cảm ơn Ts. Nguyễn Xuân Diện đã chỉ dẫn nguồn tư liệu này.
[27] (1).áo và mũ. Thời cổ kẻ sĩ đội mũ trên đầu, nhân thế dùng để trỏ trang phục của lớp người này. (2).chuyên chỉ lễ phục. (3).thay chỉ cho các bậc sĩ đại phu. (4), chỉ văn minh lễ giáo.
từ điển Từ nguyên dẫn câu trong sách luận ngữ: “quân tử chính kỳ y quan” (người quân tử chỉnh tề mũ áo”, chua là, sau trỏ nơi hoàng đế nghe việc chính sự. [tr.1528]《ZDIC.NET 汉 典 网》
[28] Nguyễn Trãi. An Nam Vũ Cống安 南 禹 貢(q.6). Ngô Ngọ Phong 吳 午 峰, Nguyễn Thư Hiên 阮 舒 軒, Nguyễn Hi Tư 阮 希 思viết tiểu chú và lời bình; Lí Tử Tấn 李 子 晉 thông luận, Nguyễn Thiên Túng 阮 天 縱 tập chú. Trong Ức trai di tập (7.q). Phúc Khê tàng bản. Ký hiệu. VHv.1772/2-3. tr.30a-30b. Bản dịch tham khảo theo Phan Duy Tiếp và Hà Văn Tấn (hiệu đính, chú thích) trong Nguyễn Trãi Toàn tập tân biên (T2). Nxb. Văn học & TT Nghiên cứu Quốc học. H. tr.481-482.
Xem thêm Nguyễn Thanh Tùng. 2010. Về lai lịch bài thơ Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục vẫn được xem là của Hồ Quý Ly. Trong “Thông báo Hán Nôm học năm 2009”. Nxb. Thế giới. Hà Nội. tr.1014-1027.
[29] Tức nhà Nguyên.
[30] Xem chú trên. Sđd.
[31] Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỷ), q.7, tr.28a.
[32] “Tức Lễ và Nhạc, là các phạm trù chính trị và luân lý của Nho gia. Lễ là do điển chương, chế độ, lễ nghi từ thời Tây Chu trở đi phát triển thành. Thuyết văn: “Lễ tức là Lý vậy. Lễ dùng để thờ thần cầu phúc” Như vậy, Lễ lúc ban đầu là để chỉ việc thờ thần, sau mới mở rộng ra Lễ nghi. Sau này, Lễ dần dần tách khỏi Nghi và có ý nghĩa chính trị “trị quốc an bang”. Nhạc là âm nhạc. Thuyết văn: “Nhạc là tên gọi chung của ngũ thanh, Bát âm”. Trịnh Huyền chú thích Lễ Ký- Nhạc Ký: “Bát âm cùng nổi lên một cách hài hoà thì gọi là nhạc. Lễ nhạc gọi gộp thì chỉ chung hình thái ý thức xã hội và quy phạm đạo đức, chế độ đẳng cấp toôg pháp của xã hội nô lệ, xã hội phong kiến. Tác dụng xã hội của nó là “quản lý quốc gia, ổn định xã tắc, giữ gìn trật tự trong nhân dân, làm lợi cho việc nối dõi về sau. (kinh quốc gia, định xã tắc, tự nhân dân, lợi hậu tự).” [Lao Tử- Thịnh Lê (chủ biên).2001. Từ điển Nho- Phật- Đạo. Nxb.Văn học. Hà Nội. tr.728]
[33] Chỉ cuốn sách gốc từ thời Trần, tác giả khuyết danh, mà Trần Thế Pháp đã chép được và đề Tựa năm Nhâm Tý hiệu Hồng Đức 23 (1492) tức bài Cổ thuyết tựa dẫn, trích ở phần sau sách Lĩnh Nam chích quái
[34] “Nguyễn Kiều (1695-1752 hiệu Hạo Hiên, người xã Phú Xá huyện Từ Liêm (nay thuộc xã Phú Thượng huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội). Ông là chồng của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, 21 tuổi đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi Vĩnh Thịnh 11 (1715) đời Lê Dụ Tông, làm quan Tả thị lang bộ Binh và được cử đi sứ sang nhà Thanh. Ông là tác giả của 4 bài văn bia tiến sĩ các khoa 1667, 1683, 1697, 1713).” [Theo Trịnh Khắc Mạnh.2006. văn bia đề danh tiến sĩ Việt Nam. Nxb Giáo dục. H]
[35] Trịnh Khắc Mạnh.2006.sđd.
[36] Từ Hải. tr.1851.
[37] Trong nguyên văn chữ đồ là một danh từ. Theo Hán ngữ đại tự điển, chữ đồ này mang nghĩa là pháp độ [Q thượng, tr.276], đây cũng là nguyên từ của các chữ cơ đồ, hồng đồ.
[38] Quốc triều Đình đối sách văn國 朝 庭 對 策 文, VHv.318/1 (Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm).
[39] Quốc triều Đình đối sách văn 國 朝 庭 對 策 文, ký hiệu VHv.318/2 (Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm).
[40] Xem thêm cách phân suất từ nguyên của Liam Kelley.2003. Vietnam as a ‘Domain of Manifest Civility’ (Văn hiến chi bang). Journal of Southest Asian Studies, Vol.34, No. 1, pp 63-76.
[41] Đào Duy Anh. Sdd. tr.276.
[42] Đào Duy Anh. Sdd. tr.158.
Monday, 11 June 2012
Ngôn ngữ học thống kê và thống kê ngôn ngữ học có gì khác nhau?
Tháng 8/1999 tôi ra bảo vệ luận án cấp nhà nước (từ ngữ cũ là bảo vệ chính thức). Một trong hai câu hỏi của thầy Đào Thản (phản biện 1) từ Hà Nội gửi vào là:
Luận án này, theo tác giả, có nhất thiết phải thuộc chuyên ngành mã số là ngôn ngữ học so sánh không? Tại sao không thể thuộc chuyên ngành ngôn ngữ học thống kê, ngôn ngữ học ứng dụng, ngôn ngữ học toán học...?
Câu hỏi có vẻ hiền lành. Nhưng tôi thi ngành này thì không thể nộp bài của ngành khác được.
Tôi chọn cách trả lời là không có cái gọi là ngôn ngữ học thống kê. Vừa nói đến đó thì thầy Trần Ngọc Thêm, thư ký hội đồng, lập tức giễu:
-Anh ấy và thẩy của anh ấy là giáo sư Nguyễn Đức Dân viết chung hai quyển sách về ngôn ngữ học thống kê thế mà bây giờ lại bảo là không có cái gọi là ngôn ngữ học thống kê.
Hội đồng và cử tọa cười ồ vui vẻ rồi chuyển sang tiết mục khác.
Nhưng quyển sách in ở nhà xuất bản Giáo Dục có tựa là Thống kê ngôn ngữ học. Tập 1 là Nhập môn in năm 1998. Tập 2 là Một số ứng dụng in năm 1999. Không phải ngôn ngữ học thống kê.
Năm 1984 thầy Dân ra quyển Ngôn ngữ học thống kê ở nhà xuất bản Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp. Thuật ngữ ngôn ngữ học thống kê đã được giới chuyên môn chấp nhận mấy chục năm rồi. Thầy Dân dạy ngôn ngữ học thống kê ở đại học Tổng Hợp Hà Nội từ đầu những năm 70. Tôi thay thầy dạy môn này ở đại học Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1994. Tên môn học trong chương trình vẫn là ngôn ngữ học thống kê. Bảo là không có ngôn ngữ học thống kê, người ta thấy buồn cười là phải.
Năm 1996 tôi sang Pháp học, thấy người ta bảo rằng thuật ngữ linguistique statistique (tiếng Việt là ngôn ngữ học thống kê) có chỗ không ổn. Việc áp dụng phương pháp thống kê trong nghiên cứu ngôn ngữ không thể là lý do duy nhất để hình thành một chuyên ngành hẹp trong ngôn ngữ học. Ngay cả một số người làm ngôn ngữ học thống kê cũng không gọi các nghiên cứu của mình là linguistique statistique. Họ thích được công nhận là một nhà ngôn ngữ học chân chính, hay là thành viên của một chuyên ngành nào đó đã có uy tín. Charles Muller, tiên sư của ngôn ngữ học thống kê ở Pháp, là một ví dụ. Sách của thầy Dân in năm 1984 trên căn bản dựa vào quyển sách kinh điển của Muller (Larousse xuất bản năm 1968) có tựa là Initiation à la statistique linguistique (Nhập môn thống kê ngôn ngữ học).
Khi nhà xuất bản Giáo Dục đề nghị viết lại quyển sách năm 1984, tôi bàn với thầy Dân đổi cái tựa cũ (Ngôn ngữ học thống kê) thành Thống kê ngôn ngữ học. Thầy vui vẻ chấp nhận sự thay đổi đó. Nhưng xem ra với giới chuyên môn, đây chỉ là một sự lạm phát từ ngữ. Để cho các bên cùng vui vẻ, có lẽ nói thế này thì ổn hơn: Ngôn ngữ học thống kê là một chuyên ngành sử dụng thống kê ngôn ngữ học. Có điều những người bác bỏ tư cách chuyên ngành hẹp của ngôn ngữ học thống kê không khi nào chấp nhận định nghĩa đó.
Ngành của tôi còn vài chục cặp thuật ngữ như vậy: xã hội-ngôn ngữ học / ngôn ngữ học xã hội, thần kinh ngôn ngữ học / ngôn ngữ học thần kinh... Nghe mà phát thần kinh luôn. Nhưng đó là câu chuyện khác ở một dịp khác.
Subscribe to:
Posts (Atom)