Bàn về việc thành lập chữ quốc ngữ, các tác giả đều đi tới một kết luận chung này: nhiều người, chứ không phải một mình giáo sĩ Đắc Lộ đã sáng chế ra thứ chữ viết theo mẫu tự Roma hay Việt ngữ phiên âm. Thật vậy, sử gia Ch.B.Maybon, trong bộ sách xuất bản năm 1919, đã công nhận việc thành lập chữ quốc ngữ là một công cuộc chung, trong đó phải kể nhiều giáo sĩ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, chứ không riêng gì giáo sĩ người Bồ Đào Nha. [1] Trong bộ Việt Nam văn học sử yếu, ông Dương Quảng Hàm có viết: “Việc sáng tác chữ quốc ngữ chắc là một công cụ chung của nhiều người, trong đó có cả các giáo sĩ người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và Pháp lan tây. Nhưng người có công nhất trong việc ấy là cố A-lịch-sơn Đắc Lộ, vì chính ông là người đầu tiên đem in những sách bằng chữ quốc ngữ, thứ nhất là một cuốn tự điển khiến cho người sau có tài liệu mà học và kê cứu”. [2] Ông Đào Duy Anh cũng đồng ý tưởng như trên khi viết: “Xưa kia Việt ngữ vốn viết bằng chữ nôm, nhưng từ khi phép học đổi mới thì Việt ngữ lại viết bằng một thứ chữ mới gọi là chữ quốc ngữ. Thứ chữ này nguyên do các nhà truyền giáo Giatô đặt ra. Vào khoảng thế kỷ XVII, khi các nhà ấy mới sang nước ta, thì có lẽ mỗi người lấy mẫu tự của nước mình mà đặt ra một lối chữ riêng, để dịch tiếng bản xứ cho tiện việc giảng dạy tín đồ. Các lối chữ riêng ấy, sau do hai nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha, rồi sau đến cố A-lịch-sơn Đắc Lộ người Pháp tổ chức lại thành một thứ chữ thông dụng chung trong truyền giáo hội tức là thuỷ tổ của chữ quốc ngữ ngày nay”. [3]Gần đây trong bộ lịch sử và văn hóa Việt Nam, ông Lê Thành Khôi, cho rằng việc thành lập chữ quốc ngữ đã bắt đầu chuẩn bị do các giáo sĩ người Ý, nhất là người Bồ Đào Nha, tỉ như giáo sĩ Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa, nhưng người hoàn tất chính là giáo sĩ Đắc Lộ. [4]Các tác giả chúng tôi vừa nêu lên, đã đồng thanh công nhận nguồn gốc chung của chữ quốc ngữ và đồng thời quyết định phần hoàn tất cho giáo sĩ Đắc Lộ. Thực ra, còn một khía cạnh của công việc mà các tác giả trên chưa đề cập tới.Giáo sĩ dòng Tên Henri Bernard, trong bài diễn văn đọc tại Hà Nội ngày 16 tháng 11 năm 1938, đã nói về chữ quốc ngữ như sau: “Thực ra, giáo sĩ Đắc Lộ đã không sáng nghĩ ra nguyên tắc, bởi những người cộng sự của ngài truyền giáo cho những người Nhật ngụ cư tại Hội An gần Đà Nẵng đã dùng các sách viết bằng chữ Nhật phiên âm hay romaji, xuất bản từ quần đảo Nhật; tuy nhiên ngài (giáo sĩ Đắc Lộ) đã làm cho hoàn hảo và theo thiển ý tôi, đã hợp lý hóa bằng việc theo phương pháp học hỏi các cung giọng, để đạt tới sự hoàn thành một dụng cụ văn tự mà người Trung Hoa ngày nay phải thèm muốn”. [5]Hai ông Huard và Durand cũng đồng ý kiến trên và còn nói rõ tên người Nhật đầu tiên đã phiên âm tiếng Nhật người đó là Yajirô, một đồ đệ của Xaviê tòng giáo vào năm 1548. Từ đó các nhà truyền giáo đã dùng thứ chữ romaji này. Bởi vậy, hai ông đã kết luận, “từ việc phiên âm tiếng Nhật đến La Mã hóa Việt ngữ, chỉ còn có một bước”. [6] Chúng tôi đồng ý với hai ông về sáng kiến đầu tiên của Yajiro và lớp giáo sĩ truyền giáo đầu tiên tại Nhật, song chúng tôi không công nhận sự chuyển tiếp nhanh chóng và trực tiếp từ chữ quốc ngữ Nhật đến chữ Việt phiên âm. “Một bước” của hai ông có lẽ chỉ là một lối nói chữ, vì thực ra, như sau này chúng ta sẽ thấy, việc La mã hóa Hoa ngữ mà các tác giả, kể cả các tác giả người Việt cũng như người Pháp, đã không đề cập tới, phiêm âm Hoa ngữ ấy họa chăng mới có ảnh hưởng một phần nào tới việc phiên âm Việt ngữ hay thành lập chữ quốc ngữ. Còn romaji Nhật chỉ là một sự việc xa xa, chứ một bước, theo thiển ý chúng tôi, chưa thể đạt tới được.Vậy căn cứ vào những kết luận của đa số các tác giả và dựa theo những khảo cứu sơ thiển của chúng tôi, chúng tôi chia bài này làm hai phần. Trong phần thứ nhất, chúng tôi sẽ trình bày ý tưởng: việc thành lập chữ quốc ngữ là một sự nghiệp chung của nhiều người. Chúng ta sẽ lần lượt đề cập tới những thực hiện xa như việc phiên âm Nhật ngữ và Hoa ngữ, rồi tới những thực hiện gần của những giáo sĩ tiên phong hoạt động chính trên Việt Nam đầu thế kỷ XVII. Phần thứ hai sẽ dành cho công cuộc của giáo sĩ Đắc Lộ mà các sử gia đã tặng cho danh hiệu “người hoàn thành chữ quốc ngữ”, “thủy tổ chữ quốc ngữ” vậy.CHỮ QUỐC NGỮ: MỘT SỰ NGHIỆP CHUNG
Chúng ta biết rằng việc phiên âm là công cuộc của các giáo sĩ thừa sai đi truyền đạo tại miền Á đông. Mục đích việc phiên âm này là một mục đích thực tiễn và tôn giáo bởi vì để có thể giảng dạy cho người bản xứ, các ngài phải học tiếng của người bản xứ và để tránh học chữ nho, chữ Hán, chữ nôm phiền phức, các ngài phải dùng mẫu tự La tinh để phiên âm các tiếng đó.Quả vậy tại Nhật, sau “tác phẩm” của Yajiro, chúng ta thấy nhà in của các giáo sĩ dòng Tên đã cho xuất bản các sách bằng chữ Nhật La mã hóa gọi là romaji. Một loại sách tôn giáo được phát hành ngay từ năm 1592, nghĩa là trước chúng ta hơn 50 năm. Trong số những sách này, người ta nhận thấy một cuốn giáo lý (Doctrina Iesus), một cuốn Tự điển La-Bồ-Nhật (Dictionarium La tinho-lusitanicum ac japonicum…) ấn hành năm 1595. Thực ra, trong thời kỳ này đang khi các giáo sĩ cho in các sách bằng romaji thì cũng xuất bản các sách bằng chữ Nhật-Hán văn, tương tự như sau này, tại Việt Nam, trong khi thành hình chữ quốc ngữ thì các sách cũng còn được biên soạn bằng chữ nôm.Những sách thuộc lớp đầu này, đã được in trên quần đảo đất Phù tang. Nhưng hơn ba mươi năm sau, nghĩa là năm 1632, tại Thánh bộ truyền giáo La Mã, một loại sách thuộc lớp thứ hai đã được ấn hành để dùng vào việc truyền giáo tại Nhật. Đó là ba cuốn bằng chữ Nhật phiên âm của một giáo sĩ dòng Họ Đỗ hay Đaminh Didaco Collado: cuốn Phương pháp cáo tội và xét mình, cuốn Văn phạm tiếng Nhật (Ars grammaticae japonicae linguae) và cuốn Tự điển tiếng Nhật (Dictionarium sive Thesouri linguae japonicae Compendium). Thực ra, muốn cho đầy đủ, chúng ta còn phải kể nhiều loại sách khác do các giáo sĩ dòng Tên tại Nhật, hoặc các giáo sĩ dòng Họ Đỗ tại Manila (Phi luật tân) biên soạn.Như vậy, trước khi giáo sĩ Đắc Lộ qua Việt Nam và trong khi ngài ở Việt Nam, người ta đã dùng những sách bằng chữ Nhật phiên âm. Hơn nữa không những dùng tại Nhật hoặc ở Macao mà còn dùng chính trên đất nước Việt, tỉ như tại Đà Nẵng là nơi có nhiều giáo dân Nhật Bổn di cư. Chính giáo sĩ Đắc Lộ đã được chỉ định đi truyền giáo tại Nhật, song chỉ vì hoàn cảnh mà ngài được chuyển tới Việt Nam. Chúng tôi chưa đo đượcmực thước ảnh hưởng này đối với giáo sĩ Đắc Lộ, nhưng chúng tôi thiết nghĩ rằng: bởi chữ Nhật là thứ chữ đa âm và không có các thanh riêng biệt như tiếng Trung Hoa, nên phần ảnh hưởng của romaji Nhật cũng ít. Trái lại, ảnh hưởng của chữ Tàu phiên âm mới thật là một ảnh hưởng, nếu thật nó đã ảnh hưởng đến giáo sĩ Đắc Lộ.Thật vậy, tại Trung Hoa, công cuộc phiên âm Hoa ngữ đã được hai giáo sĩ dòng Tên tiên khởi là Ruggieri và Ricci khởi thảo vào năm 1584-1588. Đó là cuộn Tự điển đầu tiên Bồ Đào Nha-Trung Hoa, hiện nay còn bản viết tay lưu trữ tại Văn khố dòng Tên tại Roma. Người ta nhận thấy rằng trong cuốn này, các tác giả mới chỉ phiên âm thôi, chứ chưa có dấu hiệu để ghi các thanh, một yếu tố tối ư quan trọng trong thứ tiếng độc âm như Hoa ngữ. Nhưng kết quả ghi trong bộ ngữ vựng hay tự điển kể trên mới chỉ là bước đầu. Công cuộc học hỏi ở đây sẽ còn phải tiến hành thêm lên nữa. Thật vậy, trong một cuộc hành trình, giáo sĩ Ricci và Cattaneo, một người giỏi về âm nhạc, cả hai đã bắt đầu phân biệt các thanh trong Hoa ngữ và đồng thời cũng sáng chế ra những ký hiệu để ghi các thanh ấy. Để thực hành và áp dụng ngay, cũng trong năm đó, 1598, cả hai đã soạn một tập ngữ vựng đầy đủ hơn bộ tự điển nói trên. Các thanh được đại khái biên soạn như sau:Bình thượng : gạch ngang -Bình hạ : dấu mũ sấp â ^Thượng thanh : dầu huyền `Khứ thanh : dấu sắcNhập thanh : dấu mũ ngửaTheo sự nhận xét của các giáo sư d’Elia, thì hai tác giả đã mượn giọng mềm và giọng cứng (esprit doux, esprit rude) của tiếng Hy Lạp mà áp dụng vào tiếng Trung Hoa, tiếng này cũng có giọng mềm và giọng cứng như vậy.Phát giác được các thanh và sáng chế những ký hiệu ghi các thanh đó là năm 1598, thì năm 1605 hoặc 1606, giáo sĩ Ricci cho phát hành tại Bắc Kinh một cuốn giáo lý vắn tắt bằng hình ảnh. Trong cuốn này, bên cạnh chữ Hán, có ghi theo cách đọc viết theo tự mẫu La tinh với đầy đủ các thanh. Hơn nữa, về các âm, nếu trong Tự điển đã được soạn theo cách phát âm tiếng Ý, thì ở đây lại theo tiếng Bồ Đào Nha. Điểm này sẽ giúp chúng ta hiểu những giai đoạn thành lập chữ quốc ngữ sau này, bởi vì có giáo sĩ người Ý đã phiên âm theo lối Ý ngữ, trước khi có sự ấn định theo cách thức phát âm theo Bồ ngữ, là thứ chữ thông dụng trong thời chúng ta đang tìm hiểu, tương tự như tiếng Pháp hoặc tiếng Anh ngày nay.Một khi sáng chế ra cách ghi chép các âm và các thanh trong một ngôn ngữ như Hoa ngữ, thì công cuộc La tinh hóa kể là đã hình thành. Bởi vậy, năm 1626, một giáo sĩ dòng Tên người Pháp là Trigault đã cho phát hành bộ sách vĩ đại nghiên cứu tường tận và một cách khoa học về lối phiên âm Hoa ngữ đã bắt đầu thành với Cattaneo và Ricci: đó là bộ Âm vận kinh toàn thư gồm 699 tờ giấy nhỏ hai mặt, khổ 16*26. Một cảm giác gần như sự sửng sốt đã xâm chiếm các nho gia thời đó, bởi vì một người Âu đã gia công nghiên cứu các âm vận Hoa ngữ một cách rõ rệt và tỉ mỉ. Tác giả đã xếp các chữ Hán không phải theo bộ hay theo nét trong chính chữ nho, song ngài đã xếp chữ Hán chiếu theo tự mẫu phát âm La tinh. Do đó ngoài việc kê cứu theo các tiếng đồng âm gọi là “đồng minh tự phụ”, và nguyên âm gọi là “tự minh nguyên mẫu”, tác giả còn phân biệt hai giọng đọc mềm và cứng. Giáo sĩ cũng theo Cattaneo và Ricci trong việc ghi các thanh. Như trên chúng tôi đã nói, theo Ricci thì các thanh đó là:Bình thượng : gạch ngang -Bình hạ : dấu mũ sấp â ^Thượng thanh : dầu huyền `Khứ thanh : dấu sắcNhập thanh : dấu mũ ngửaCòn theo Trigault thì cũng có một lối tương tự:Thanh thanh : gạch ngang -Trọc thanh : dấu mũ sấp â ^Thượng thanh : dầu huyền `Khứ thanh : dấu sắcNhập thanh : dấu mũ ngửaRiêng về hai chữ nguyên âm O và U, chúng ta thấy có nhiều ký hiệu đặc biệt, kiểu như O, Ơ, Ô và U, Ư của Việt ngữ.Bộ Âm vận kinh này sau năm năm đã tái bản tại Trung Hoa. Như vậy, đủ tỏ sự thành công và phổ cập của nó, ít ra trong các giáo đoàn và nhất là đoàn thể giáo sĩ thừa sai truyền đạo.Xét về ảnh hưởng của những công cuộc phiên âm Hoa ngữ này đối với giáo sĩ Đắc Lộ, chúng tôi chưa dám quả quyết cách tích cực, song chúng tôi có thể nói: một sự nghiệp quan trọng cho việc truyền giáo tại Trung Hoa như việc phiên âm Hoa ngữ này không thể không gây ảnh hưởng và không thể không góp vào những công việc tương tự, tỉ như việc phiên âm Việt ngữ. Những giáo sĩ, trước khi sang Việt Nam, đã ở lại Ao Môn và đây là giao điểm gặp gỡ không những giữa các nhân vật, mà còn là nơi chung đúc các sáng kiến. Cho nên về vấn đề này, chúng tôi có thể kết luận như sau.Nói chung, thì công việc thành lập chữ quốc ngữ đã nằm trong vị trí chung của thời đại do ý tưởng chung của một số người. Những người này gồm các giáo sĩ đi truyền đạo tại Nhật và Trung Hoa. Các ngài đã góp sức phiên âm các tiếng bổn xứ ngõ hầu xúc tiến việc truyền giáo một cách đắc lực hơn.Riêng về Hoa ngữ phiên âm chúng tôi thấy có một bước tiến quyết liệt hơn, đó là việc sáng chế ra các ký hiệu để ghi các thanh. Tiếng Việt là một thứ tiếng có các thanh tương tự như tiếng Trung Hoa. Hơn nữa Việt ngữ có đến sáu thanh, chứ không phải năm thanh như trên chúng ta đã thấy. Bởi đó, một khi người ta đã tìm ra những dấu riêng biệt để chỉ các thanh, thì trong Việt ngữ sự thực hiện cũng sẽ không xa. Nói vậy, chúng ta không hề thấy một thứ “tự ti mặc cảm”, song là một sự thực lịch sử, và thực ra giữa hai dân tộc cũng như giữa hai văn hóa, vẫn có nhiều liên lạc mật thiết. Hơn nữa, ở đây, chúng tôi mới chỉ nhận thấy những sự kiện, còn về ảnh hưởng thì chúng tôi chưa quyết định.Sau khi đã đặt vấn đề thành lập chữ quốc ngữ vào khung cảnh chung, vào vị trí của nó, chúng ta hãy rảo qua căn phòng triển lãm các hình thức thô sơ của chữ quốc ngữ để vừa thưởng thức những sáng kiến vừa nhận xét những biến chuyển từ những giai đoạn sơ khởi cho tới giai đoạn kể là hoàn thành. Khi chúng ta thấy một chiếc xe hơi nhãn hiệu Hoa Kỳ ngạo mạn lướt trên các đường phố Sài Gòn bên cạnh một chiếc xe hơi khác nhãn hiệu Pháp quốc song mã lạch bạch nhún mình cũng trên những con đường phố đó; chúng ta thầm khen kỹ thuật ngày nay! Song nếu chúng ta được biết lịch sử những xe hơi đó, hoặc lai lịch những xe tự động “automobile” nói chung, thì chúng ta sẽ thấy: để đi tới giai đoạn hiện tại tinh xảo, tiện nghi, lịch sự, đã phải trải qua thời kỳ phôi thai, thô sơ và thiếu sót. Chữ quốc ngữ cũng vậy, khi chúng ta đọc câu ca dao:Đố ai quét sạch lá rừngĐể ta khuyên gió, gió đừng rung cây;Hoặc mấy câu Kiều:Mai sau, dầu có bao giờ… Đốt lư hương ấy…
Hoặc khi con em chúng ta học vần quốc ngữ: bê a ba, bê a ba huyền bà, bê a ba sắc bá, bê a ba hỏi bả, bê a ba ngã bã, bê a ba nặng bạ, thì chúng ta đừng tưởng, thoạt kỳ thuỷ những vần chữ kia đã có đủ các ký hiệu để ghi âm thanh như vậy. Bởi vì đã có một thời kỳ, người ta chưa sáng chế ra năm dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, cũng như người ta chưa phân biệt nhiều âm vận khác nhau. Nhưng đấy là điều chúng tôi đem trình bày ở đây.Các người ngoại quốc, và nhất là các giáo sĩ truyền giáo đặt chân đến nước ta vào cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII, các ngài đã phải dùng đến tự mẫu La tinh a b c để ghi chép các danh hiệu thuộc về nơi, về người của xứ ta. Để học tiếng nước ta các ngài cũng đã dùng chữ La tinh để ghi chép. Nhưng trong những buổi đầu, chỉ là công việc của cá nhân và để tiện dùng riêng cho cá nhân. Nếu là người Ý thì phiên âm theo tiếng Ý, là người Tây Ban Nha thì theo tiếng Tây Ban Nha, là người Bồ Đào Nha thì theo tiếng Bồ Đào Nha… Có thể nói là chưa có một tôn chỉ chung, chưa theo một đường lối thống nhất với những quy luật xác đáng.Tài liệu cổ nhất mà chúng ta có thể kê cứu được, đó là mấy dòng chữ quốc ngữ cổ rải rác trong cuốn Tường trình về giáo khu miền Nam của giáo sĩ Christoforo Borri, người Ý, viết bằng tiếng Ý và xuất bản tại Ý năm 1631. [7]Trong tài liệu này, chúng ta nhận thấy mấy điểm sau:1. Chưa có ký hiệu để ghi các thanh, nghĩa là chưa có năm dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng, tỉ như lụt thì viết “lut”, cỏ thì viết “co”.2. Chưa có phân biệt a với ă, o với ô, u vơi ư, e với ê, tỉ như mặn thì viết “man”, muốn thì viết “muon”, nước thì viết là “nuoec”, biết thì viết là “biet”.[8]3. Bởi viết ở miền Nam và giáo sĩ cũng lưu tại miền Nam, nên nhiều chữ có màu sắc địa phương rõ rệt, tỉ như nhân hay nhơn thì viết là “gnin”, tôi thì viết là “tui”…4. Bởi vì Borri là người Ý, nên cách phiên âm có khuynh hướng ngã về tiếng Ý, do đó:NH đã được viết là GN, tỉ như gnin thay vì nhin, gnoo thay vì nho; X đã được viết là SC, tỉ như scin thay vì xin; CH đã được viết là C, tỉ như ciam thay vì chăng.Ngoài ra còn nhiều dị điểm chúng tôi không thể bàn giải cặn kẽ ở đây.Một tài liệu thứ hai cho phép chúng ta biết về tình trạng chữ quốc ngữ trước 1651, đó là tài liệu viết tay vào năm 1645, nghĩa là sáu năm trước khi xuất bản những bộ sách của giáo sĩ Đắc Lộ.[9]Theo văn kiện này, thì ngoài công thức “Tau rủa mâi nhân danh Cha và Con và Spirito Santo” còn có ghi nhiều câu tiếng Việt phiên âm tỉ như “blai có ba hồn bảy vía”, “Chúa blờij ba ngôy”, “nhin danh Cha…” Bằng vào những lối viết này, chúng ta nhận thấy rằng:1. Trái với văn kiện chữ in của Christoforo Borri ở trên, cách phiên âm ở đây theo tiếng Bồ Đào Nha, chứ không theo tiếng Ý, tỉ như nhân viết với NH chứ không phải với GN.2. Đã có các ký hiệu rõ rệt để ghi các thanh, chứ không như trong Borri: các dấu sắc, huyền, hỏi, nặng, được ghi rành mạch, những chữ ê, ô, ơ cũng vậy.3. Một số âm khác tương tự như trong các tác phẩm sau này của giáo sĩ Đắc Lộ, tỉ như blờij (lời hay trời), ngôy (ngôi), tau (tao); đặc biệt chữ y cuối cùng lại thêm hai dấu chấm .. ở trên, như lấÿ (lấy), bảÿ (bảy).Vậy dựa vào những tài liệu rất hiếm mà chúng tôi đã có thể kết luận về giai đoạn trước 1651 rằng:a. Vào năm 1631 chữ quốc ngữ đem in tại Ý còn trong giai đoạn phôi thai, nghĩa là chưa có các dấu hiệu để ghi các thanh.Sự kiện này không làm chúng tôi bỡ ngỡ, trái lại gần như một sự việc hiển nhiên, khi chúng ta so sánh với tình trạng chữ Trung Hoa phiên âm nguyên thuỷ: trong một thời gian, người ta chưa khám phá ra những ký hiệu để ghi các thanh, trừ trường hợp chưa kịp đúc các dấu, như chúng tôi dự đoán ở trên. Hơn nữa, cũng trong giai đoạn phôi thai này, chưa có quy luật nhất định, mỗi người theo phương pháp riêng của mình mà phiên âm, bởi đó nếu giáo sĩ Borri đã theo tiếng Ý mà phiên âm thì cũng rất có thể có những giáo sĩ khác phiên âm Việt ngữ theo tiếng mẹ đẻ của mình; tại Trung Hoa cũng đã xảy ra sự kiện đó: giáo sĩ Ricci đã phiên âm Hoa ngữ trước hết theo cách đọc của người Ý và chỉ sau này mới theo cách đọc của người Bồ Đào Nha.b. Vào năm 1645, nếu thực ra văn kiện này được chép vào thời gian đó, chữ quốc ngữ đã kể là thành hình, tương tự như trong các tác phẩm của giáo sĩ Đắc Lộ năm 1651. Như thế có nghĩa là chữ quốc ngữ đã có các dấu để ghi các thanh, như trên chúng tôi đã trình bày. Hơn nữa, cách phiên âm ngã hẳn về cách đọc của tiếng Bồ Đào Nha. Sau cùng trong tài liệu này cũng đã có những âm mà chúng ta chưa gặp thấy trong Borri (1631) như ô, ê, ơ, á… Chữ Đ hẳn cũng đã có bởi vì văn kiện dùng chữ D trong giọng mềm như danh chẳng thì dĩ nhiên phải có một chữ khác, khác với D để chỉ Đ. Và đây chúng ta bước sang giai đoạn chính thức thành lập chữ quốc ngữ với giáo sĩ Đắc Lộ.CHỮ QUỐC NGỮ: SỰ NGHIỆP RIÊNG CỦA GIÁO SĨ ĐẮC LỘ
Sau khi chúng ta đã đặt sự kiện thành lập chữ quốc ngữ vào khung cảnh chung của thời đại, sau khi đã chứng kiến một vài giai đoạn trong công cuộc đó, bây giờ chúng ta đề cập trực tiếp đến chính nhân vật đã có công hoàn tất chữ quốc ngữ: đó là giáo sĩ Đắc Lộ. Cũng như trong phần trên, chúng tôi sẽ nói đến sự sửa soạn xa và gần để rồi bàn giải về sự nghiệp văn hóa hay thành lập chữ quốc ngữ của giáo sĩ Đắc Lộ.Sửa soạn xa
Đọc tiểu sử giáo sĩ Đắc Lộ, người ta có cảm tưởng này, là ngài hình như đã được ý chí quan phòng chỉ định để hoàn thành công cuộc phiên âm Việt ngữ. Quả vậy, người ta thấy ngài vừa hấp thụ được một nền học vấn nhân bản chắc chắn và rộng rãi, vừa có khiếu học các sinh ngữ, nhất là Việt ngữ.Tháng 10 năm 1619, giáo sĩ trẻ tuổi Đắc Lộ đặt chân lên miền thuộc Ấn Độ. Lúc đó ngài thông thạo ba tử ngữ và ba sinh ngữ. Tạm gọi là ba tử ngữ, nhưng thực ra hãy nói là ba ngôn ngữ cổ: đó là tiếng Do Thái, tiếng Hy Lạp và tiếng La tinh. Nguyên trong chương nhất cuốn Văn phạm của ngài, khi bàn về các phép các âm vận, giáo sĩ Đắc Lộ đã so sánh tiếng Việt với tiếng Do Thái hai lần, với tiếng Hy Lạp mười một lần và với tiếng La tinh năm lần. Về sinh ngữ, giáo sĩ thông thạo tiếng Pháp, sau đến tiếng Ý là tiếng nói trong thủ đô Giáo hội La Mã và cuối cùng là tiếng Bồ Đào Nha, tiếng thông dụng trong toàn đế quốc thuộc Bồ Đào Nha. Bởi vậy cũng trong chương nhất cuốn Văn phạm Việt ngữ, ngài đã nhắc đến những ngôn ngữ đó, nhất là tiếng Bồ và tiếng Ý. Người ta nhận thấy rằng tuy tiếng Pháp có thể gọi là tiếng mẹ đẻ của ngài [10], song trong công cuộc truyền giáo ngài ít có dịp dùng tới: các văn từ, đơn khế thường được thảo hoặc bằng tiếng La tinh hay tiếng Ý, đa số bằng tiếng Bồ Đào Nha.Sau những tiếng cổ kim Âu châu, chúng ta còn thấy ngài học các ngôn ngữ miền Á đông. Thật vậy, vừa cập bến Ấn Độ ở Goa, năm đó ngài bắt đầu học tiếng bổn xứ ngay. Theo ngài, thì trong ba tháng lưu tại đó, ngài đã nói được tiếng canarin, cách dễ dàng đến nỗi ngài có thể giảng dạy và giao thiệp với người bổn xứ. [11]Khi ngài tới Áo Môn, giao điểm và trung tâm truyền giáo của các xứ miền Đông Nam Á châu, năm 1623, ngài bắt đầu tiếp xúc với thứ tiếng hay thứ chữ biểu ý và tượng hình là chữ Hán. Ban đầu, bởi ngài được chỉ định đi hoạt động tại Nhật Bổn, nên ngài đã bắt đầu học tiếng Nhật. Chúng ta lấy làm lạ thấy rằng trong các tác phẩm, ngài không hề nói đến những thứ chữ Hán hay chữ Nhật phiên âm. Ngài chỉ tỏ ra thất vọng trước những sự phiền phức của những từ ngữ đó. Theo ngài thì ngài không sao học được 80.000 chữ Nho, bởi vì mỗi chữ đều chỉ một sự vật hay một ý. Cho nên, ít ra phải chuyên môn học bốn hay năm năm mới trông có thể sử dụng được đôi chút.Giáo sĩ Đắc Lộ tỏ ra như không thông thạo chữ Hán, chữ Nhật và chữ nôm điều đó sau này có lẽ chỉ đưa lại ích lợi cho chúng ta. Bởi lý do là ngài sẽ nỗ lực phiên âm để dễ bề học hỏi một thứ tiếng tương tự như chữ Hán, nếu không là phiền phức hơn, thứ chữ mà chúng ta gọi là chữ nôm, một thứ chữ vừa theo nguyên tắc tượng hình, vừa theo nguyên tắc phiên âm. [12]Mặc dầu giáo sĩ có lẽ không viết được Hán tự, song ngài có thể tạm nói được tiếng Trung Hoa (và có lẽ cả tiếng Nhật). Tắt một lời, trong cuốn Văn phạm chúng tôi kể ở trên, ngài đã có lần so sánh các âm vận Nhật ngữ và Hoa ngữ với Việt ngữ.Với tiếng Việt này, hình như ngài đã sinh ra để học nói và học viết. Quả vậy, khi ngài vừa bước xuống đất liền ở cửa Thuận Hóa, cảm tưởng đầu tiên của ngài đối với tiếng Việt, là một cảm tưởng đẹp đẽ. Ngài viết:“Vừa tới miền Nam và nghe người bản xứ nói với nhau, nhất là phụ nữ, thì tôi tưởng như được nghe chim líu lo hót, đồng thời tôi tưởng không bao giờ có thể học được thứ tiếng đó”. [13]Nói vậy, song ngài đã học được một cách nhanh chóng và dễ dàng. Sau bốn tháng trời chăm chú như chăm chú sôi kinh nấu sử khi xưa tại La Mã, ngài đã có thể giao thiệp với người bổn xứ, và sáu tháng sau ngài đã bắt đầu giảng dạy.Trong việc học tiếng Việt này, ngài đã có một ông thầy và một gương mẫu, đó là giáo sĩ Francesco de Pina, người Bồ Đào Nha tới miền Nam từ mấy năm trước, một người rất thông thạo tiếng Việt mà giáo sĩ Đắc Lộ đã chịu sự dìu dắt cũng như sau này hằng ca tụng và tỏ ra biết ơn.Sửa soạn gần
Khi nói đến việc học Việt ngữ của giáo sĩ Đắc Lộ, chúng ta đã đề cập tới chính đề tài. Song một công cuộc sửa soạn gần hơn nữa sẽ cho chúng ta hiểu và theo dõi việc thành lập chữ quốc ngữ.Sau hai năm trời ở miền Nam, giáo sĩ đã được gọi lên miền Bắc để làm việc truyền giáo. Và đây là một giai đoạn quan trọng trong sự nghiệp tôn giáo và văn hóa của ngài. Thật vậy, tại đây, với những kiến thức và ngôn ngữ đã thâu lượm được, ngài xúc tiến mọi hoạt động. Về tôn giáo, có lẽ trong thời kỳ này đã thành hình sách Phép giảng tám ngày… Về mặt Việt ngữ phiên âm, ngài có dịp so sánh các giọng nói, nghĩa là ngài biết thêm cách phát âm của người xứ Bắc, để bổ túc cho những học hỏi tại miền Nam.Trong thời kỳ này, giáo sĩ Đắc Lộ đã nhận được sự cộng tác của nhiều người Việt hay các thầy giảng. Những vị này thường chép lại bằng chữ nôm những lời giảng dạy hoặc các lời kinh ngài đọc cho. Cũng có mấy người tự mình hoặc thảo ra những bài thơ bình dân kể lại sự tích thánh hay giáo lý, hoặc làm thơ chỉ trích những thói hư nết xấu của người đời. Ngài cũng soạn một ít sách tôn giáo và cho đọc trong các giáo đoàn.Cho tới năm 1630, nghĩa là chỉ sau ba năm ở đất Bắc, người ta thấy ngài trở về Ao Môn giữ chức giáo sư thần học. Đây cũng là giai đoạn may mắn cho ngài, bởi ngài được trút bỏ những nhiệm vụ truyền giáo để gần gũi với sách vở. Cho nên có thể nói được rằng trong mười năm trời tại đây (1630-1640), ngài đã có thời giờ để nghiên cứu thêm về chữ quốc ngữ hay Việt ngữ phiên âm mà ngài đã học hỏi và thực hành. Chúng tôi rất tiếc bởi không thể tìm thấy những bản viết tay để có thể quả quyết được một phần nào về thời gian sáng tác hay hoàn tất các tác phẩm bằng chữ quốc ngữ. Dẫu sao, theo lý luận, thì không thể đặt việc soạn các sách trên vào sau thời kỳ này.GIÁO SĨ ĐẮC LỘ VỚI CHỮ QUỐC NGỮ
Cho tới đây, chúng tôi đã sửa soạn đường lối để đột nhập vào một đền đài lộng lẫy là chữ quốc ngữ đã được in thành sách năm 1651 có ký tên tác giả là giáo sĩ Đắc Lộ. Song, tới ngưỡng cửa lâu đài này, chúng tôi lại cảm thấy lưỡng lự chưa muốn vào. Tại sao có sự do dự này? Tất cả những sửa soạn xa gần trên kia chẳng phải là để tìm hiểu chính sự việc đó ư? Nhưng tại sao chúng tôi còn ngập ngừng?Thật vậy, chúng tôi phải thú nhận rằng: việc khảo cứu tường tận công cuộc thành lập chữ quốc ngữ của giáo sĩ Đắc Lộ không phải là việc dễ. Cho tới nay, tuy đã có nhiều tác giả để tâm suy tầm, song mới chỉ đưa ra những kết luận nếu không quá vội vã thì cũng là quá tổng quát. Không phải chỉ đọc một vài trang của cuốn Phép giảng tám ngày… hoặc một vài tờ của cuốn Tự điển Việt-Bồ-La hay mấy dòng của cuốn Văn phạm mà đã có thể kết luận được. Cũng vậy, sau khi đã đọc kỹ toàn thể các tác phẩm của Đắc Lộ, nếu chưa có một vài bản văn in hay viết tay khác hoặc trước hoặc đồng thời, thì sự nhận xét về chữ quốc ngữ của giáo sĩ Đắc Lộ vị tất đã hoàn hảo. Bởi vậy trong khi chờ đợi một công cuộc đầy đủ và sâu rộng hơn, chúng tôi xin đưa ra mấy ý tưởng chủ chốt như sau:Trước hết Phép giảng tám ngày là sách song ngữ, chia làm hai cột đối chiếu, một cột là tiếng La tinh, một cột là Việt phiên âm. Như phụ đề của sách, Phép giảng tám ngày là sách giáo lý đạo Giatô, một thứ sách tóm tắt những điều mà mỗi người phải học biết và tin theo để được chịu phép Thánh tẩy, hay nghi thức gia nhập đạo.Sách tuy in lần đầu tiên tại Roma, sau năm 1651, song rất có thể nó đã được biên soạn hay khởi thảo từ những năm 1627-1629. Nhưng đây cũng chỉ là những ức thuyết. Chính tác giả cũng không cho ta biết them gì. Chỉ phỏng đoán rằng: trong khi giáo sĩ truyền giáo tại miền Nam hay xứ Bắc, hẳn ngài đã phải có một bản thảo viết tay hoặc bằng tiếng La tinh hoặc bằng thứ Việt ngữ phiên âm, hay cả hai.Riêng về chữ quốc ngữ dùng trong sách này có nhiều sự khác biệt với chữ quốc ngữ của chúng ta ngày nay. Nhưng chúng tôi phải nói ngay rằng, ngoài một vài sự biệt dị nhỏ mọn, còn thì chúng ta phải cắt nghĩa những điểm dị biệt khác không phải chỉ có sự bất toàn hay lúng túng, nhưng hoặc bằng những cách phát âm khác nhau của một miền, một địa phương, hoặc bằng những lề lối cổ.Đây là một điểm quan trọng chúng ta phải lưu ý nhất là khi phán đoán về những tác phẩm cổ như những sách quốc âm của Đắc Lộ. Vị này đã đặt chân trước hết lên trên đất Quảng Nam. Mà như chúng ta đã biết, giọng Quảng Nam là giọng đặc biệt, tỉ như người miền đó không đọc Quảng Nam, mà lại đọc là Quảng Nôm, ăn cơm thì đọc tương tự như eng côm. Một tỉ dụ khác chúng tôi đưa ra đây để dẫn chứng sự phát âm khác biệt của địa phương, và để giải trí đôi chút.Tại vùng Quảng Nam, có một linh mục tới hoạt động truyền giáo. Linh mục này chắc chắn không thuộc về địa phương. Một hôm, có viên quý chức đến gặp linh mục để tỏ thịnh tình và hình như ước muốn tòng giáo, nhưng, theo lời viên chức đó, thì ông không thể nhập đạo được “bởi vì – nguyên văn ông nói – ông có nhiều bò”. Vị linh mục hết đỗi ngạc nhiên, bởi vì đạo không hề phân biệt giai cấp, địa vị, giàu nghèo, cho nên việc có nhiều bò không thể là một cản trở được: có nhiều bò như ông chỉ tỏ ra là ông thuộc vào bậc giàu có. Song sau khi nghe giải thích, linh mục mới hiểu: chữ mà ông đã đọc là chữ bò, bởi thế có nhiều bò, có nghĩa là có bà nhớn, bà nhỏ, bà hai, bà ba…Cho nên, khi chúng ta thấy trong Phép giảng tám ngày có những chữ như:Nhín, nhít, rứt (Bắc: nhân, nhất, rất; Nam: nhơn, nhứt, rất), hoặc – hăọc, nhăọc, bàng, mạt.. hoặc – bậy, bà bua, bợ… hay – blời (trời, lời, giời), blai (trai, lai, giai); hoặc – mlẽ (lẽ, nhẽ), mlớn (lớn, nhớn), mlời (lời, nhời); hoặc- tlước (trước), tlộm (trộm), tlâu (trâu)… Và nhiều âm giọng tương tự, thì một phần nào, chúng ta phải cho việc phiên âm không phải chỉ có sự do dự, thiếu sót, song còn do cách phát âm của địa phương đó, của thời đại đó.Thực ra, những sự khác biệt này đã được đính chính hay bổ túc trong hai tác phẩm khác: Tự điển và Văn phạm, bởi vì trong cuốn Phép giảng tám ngày, tác giả như bó buộc chỉ được sử dụng một lối viết, trái lại trong Tự điển và Văn phạm, tác giả có thể ghi nhiều cách phát âm khác nhau, như chúng ta sẽ thấy sau.Quả vậy, trong Tự điển của Đắc Lộ khi mở vào trang có chữ ngọc thì tác giả nói: hãy coi chữ ngăọc, mở chữ thóc, tác giả nói: hãy coi chữ thăóc… Cũng vậy, nhiều âm ê trong đếy, ếy, đết… đã được đổi thành đấy, ấy, đất…Riêng về âm ghép BL, trong blời, blai, blả thì vẫn còn y nguyên. Trái lại ML đã được đổi thành L hay NH như mlạt (nhạt), mlẽ (nhẽ), mlỡ (lỡ) mlầm (nhầm, lầm)… Âm ghép TL cũng được đính chính hay bổ túc và được viết là TR (Tự điển, từ cột 801 đến cột 839), nghĩa là trên gần 40 cột, người ta đã thấy TL thành TR như ngày nay.Như vậy, ức thuyết của chúng tôi, khi nói rằng Đắc Lộ đã ghi các âm vận Việt ngữ theo một địa phương, hoặc theo một thời đại, là một ức thuyết có căn bản. Căn bản này, chúng tôi sẽ khai thác trong tác phẩm thứ ba của Đắc Lộ, đó là quyển Văn phạm Việt ngữ cũng của giáo sĩ Đắc Lộ.Quả vậy, trong chương nhất, khi nói về âm vận Việt ngữ theo mẫu tự La tinh, tác giả đã hơn một lần bàn đến sự phát âm khác nhau tuỳ địa phương của một vài từ ngữ. Như trong mục nói về chữ L, ngài viết:“Người Bắc còn đọc chữ L dính liền với mấy phụ âm khác nhau nhu BLẢ (giả hay trả hay lả); lại có một vài miền hay làng đọc chữ T thay vì chữ B như TLẢ (trả hay lả hay giả); người ta còn thêm vào sau M như MLẼ (lẽ); đôi khi song kể là hiếm, sau P như PLĂN (lăn), kẻ khác chỉ đọc có LĂN mà không thêm P; trường hợp gặp nhiều hơn cả đó là thêm T vào L như TLẢ (giả, trả, lả), TLE (tre)”. [14]Như vậy, việc phiên âm của giáo sĩ Đắc Lộ không phải ở trong giai đoạn ngập ngừng, nhưng chính là do sự cẩn thận và khảo sát tường tận của một học giả. Cũng vậy, khi bàn về chữ R, ngài viết:“R còn dùng dính sau chữ T, song trong trường hợp này R không còn phải là R nữa, song đọc chung với T một cách khác, đầu lưỡi dính vào khẩu cái làm một chút tiếng, như TRẢ; người ta hay lẫn TR với TL”. [15]Với hai thí dụ trên đây, chúng ta không thể chối bỏ sự hiểu biết rành mạch của tác giả, mặc dầu trong quyển Phép giảng ngài đã buộc lòng phải chọn một giải pháp độc nhất vì thực dụng.Vậy ngoài sự hiểu biết và ghi nhận tường tận những cách phát âm khác nhau của nhiều địa phương, mà chúng tôi vừa trình bày, để phán đoán về sự nghiệp văn hóa của Đắc Lộ trong việc thành lập chữ quốc ngữ, chúng ta còn phải chú trọng đến mấy điểm sau này.Thứ nhất, cũng trong chương nhất quyển Văn phạm, chúng ta biết thêm rằng: trong khi làm công cuộc ghi chép các âm vận Việt ngữ, nhiều lần tác giả theo lề lối đã thông dụng trong các sách. Thật vậy, khi bàn về chữ F và chữ PH, sau khi đã nói lên lý do chọn PH thay vì F, tác giả thêm một lẽ nữa đó là sự thông dụng trong các văn thư. Ngài viết:“Ở trong tự điển, chúng tôi không dùng chữ F mà sẽ chỉ dùng chữ PH, vì các sách đã chép đều quen dùng như vậy”. [16]Một lần nữa, khi giáo sĩ Đắc Lộ đề cập tới chữ G và khi nói riêng về những vần ghép GIA, GIU, GIƠ, GIƯ đọc như tiếng Ý (theo ngài thôi, thực ra không thể đọc như tiếng Ý được), ngài viết:“In libris jam scriptis ita usu invaluit… Như thế vừa tiện lợi hơn vừa hợp với thói quen đã dùng trong các sách”.Mà các sách đây là gì? Nếu không là những bản chép tay như mấy văn kiện hiếm hoi đã thất lạc, hoặc chúng tôi đã phân tích ở trên, hay bộ tự điển Việt –Bồ của Gaspar d’Amaral và Bồ-Việt của Antonio Barbosa hiện nay không còn, song Đắc Lộ đã nhắc tới trong bài tựa của bộ Việt-Bồ-La?Nhưng thực ra giáo sĩ không phải chỉ bảo tồn những thói quen đã có, như trên chúng ta đã thấy, ngài còn sửa chữa những tập quán không thiết yếu trong việc phiên âm Việt ngữ.Thật vậy, cũng trong chương nhất quyển Văn phạm khi ngài bàn giải về chữ I, ngài chủ trương bỏ hẳn ký hiệu hai chấm đặt trên chữ I, tỉ như mầy thì viết là mầð, lấy thì viết là lấÿ, cũng như khi nói về chữ U và riêng khi nói về chữ ghép ÂU, AO, ngài đề nghị bỏ ký hiệu hai chậm đặt trên U hay O, như thói quen vẫn có. Lý do ngài đưa ra đó là để tránh sự phiền phức về các dấu đã khá phức tạp trong Việt ngữ phiên âm, và cũng là các cách làm rối công việc.“ad vitandam signorum multiplicitatem… Ne multiplicentur signa quae pariant confusionem”.Điểm này phù hợp với một văn kiện mà chúng tôi đã đề cập tới ở trên, khi phân tích và học hỏi về công thức Việt ngữ phiên âm vào năm 1645, trong văn kiện ấy, người ta thấy viết hai câu này với dấu hai chấm trên chữ U, chữ I và chữ Y.“Tẵ rửa mầð… Tẵ lấÿ tên…”Trong một bản viết tay khác vào thời kỳ này, gồm có một bên là chữ nôm, một bên là chữ quốc ngữ, người ta thấy viết chữ vậy với I hhai chấm vậĩ. [17]Ông Hoàng Xuân Hãn cũng đã phát giác một tài liệu viết tay năm 1659, trong đó “âm Y đứng sau chữ âm khác hầu hết đổi sang ð, ví dụ vậy thì viết vậð…” [18]Điểm sau cùng chúng tôi muốn đem bàn giải ở đây là một điểm bao quát tất cả công cuộc nghiên cứu chữ quốc âm: giáo sĩ đã biết tận dụng hết các lợi khí có trong nhiều thứ tiếng cổ cũng như kim tại Âu châu, chứ không phải riêng một thứ chữ độc quyền nào.Thật vậy, khi đọc kỹ quyển Văn phạm của giáo sĩ Đắc Lộ, người ta thấy tác giả, trong khi nghiên cứu âm vận Việt ngữ, đã không bị ám ảnh bởi một hình ảnh độc tôn nào. Với tinh thần phổ quát, với sự hiểu biết nhiều ngôn ngữ cổ kim, có thể nói ngài là con người quốc tế. Như trên, chúng tôi đã nói ngài biết tiếng Do Thái, tiếng Hy Lạp, tiếng La tinh, ngài còn biết tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Bồ Đào Nha. Bởi thế, với ý chí đi tìm sự thật và sự ích lợi cho người Việt Nam, ngài đã đem tất cả những kiến thức về các ngôn ngữ ấy để tìm ra cách ghi âm vận cho tường tận, xác đáng, tỉ như:Q thì đọc như tiếng La tinh trong QUA hay QUI.X thì đọc như tiếng Bồ, hoặc như Sc của tiếng Ý.R không đọc cuồn cuộn như tiếng Bồ, song đơn như tiếng Ý.PH đọc như chữ PHI trong tiếng Hy Lạp.U đọc như tiếng La tinh.B đọc như chữ Bêta Hy Lạp, nhất là như chữ Beth Do Thái.NG đọc như Ngaðn của tiếng Do Thái…Dấu sắc, huyền, ngã lấy trong dấu sắc, huyền, ngã Hy Lạp, dấu nặng lấy ở chữ iota dưới, còn dấu hỏi thì lấy ở chấm hỏi La tinh. Riêng về Pháp ngữ chúng tôi không thấy tác giả đề cập tới một cách tỏ tường, mà thực ra, âm vận Việt ngữ thích hợp với âm vận La ngữ và mấy tiếng trực thuộc La ngữ như Ý, Bồ hơn là Pháp, trừ trường hợp chúng tôi đã trích ở trên về chữ sang.Bởi thế, theo thiển ý chúng tôi, thì đây là một trong lý do chính làm cho công cuộc phiên âm của giáo sĩ Đắc Lộ [19] đạt tới kết quả và là kết quả bền bỉ, bất chấp cả thời gian. Tác giả không trói buộc mình vào một hệ thống nào riêng biệt, một ngôn ngữ nào độc tôn, trái lại căn cứ vào cách phát âm đặc biệt của Việt ngữ, ngài đã tìm trong hết các ngôn ngữ mà ngài được biết ngõ hầu ghi cho xác đáng. Nếu tiếng này không phù hợp thì ngài dùng đến tiếng kia, nếu âm vận ngôn ngữ này xem ra phiền toái, thì ngài không ngần ngại cầu cứu đến ngôn ngữ khác, mặc dầu ngôn ngữ ấy không phải ngôn ngữ riêng của ngài, tiếng mẹ đẻ của ngài. Quả thật, con người quốc tế, tinh thần quốc tế của ngài đã giúp ngài rất nhiều và vì thế công cuộc đã thành tựu và như trên chúng tôi đã nói, sẽ thành tựu lâu bền.Để kết luận, trước hết chúng tôi phải thú thực rằng việc nghiên cứu về chữ quốc ngữ trong các tác phẩm của giáo sĩ Đắc Lộ mới còn trong thời kỳ phôi thai. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã nhận ra mấy điểm chủ chốt sẽ quy hướng mọi công cuộc tìm tòi sau này, và đó cũng là điều cho chúng ta xem thấy rõ những thiếu sót hay sai lầm thường gặp trong mấy sách giáo khoa hoặc khảo cứu vội vàng về chữ quốc ngữ của giáo sĩ Đắc Lộ. Vậy căn cứ vào những tài liệu viết tay cũng như sách in kể ở trên, chúng ta có thể biết về việc thành lập chữ quốc ngữ những chi tiết sau đây:1. Sự thành hình Việt ngữ phiên âm đã nằm trong một tình trạng chung, đó là chí hướng phiên âm các tiếng tượng hình tại Á châu vào thế kỷ XVI-XVII. Thực ra, người ta đã thấy công cuộc ấy được thực hiện trong Nhật ngữ và Hoa ngữ. Riêng về Hoa ngữ phiên âm, trước chúng ta gần nửa thế kỷ, người ta đã sáng chế ra các ký hiệu để ghi các thanh.2. Không kể công cuộc dùng mẫu tự La tinh để phiên âm những tiếng kể trên, trước giáo sĩ Đắc Lộ, tại Việt Nam đã có những ướm thử, những dò dẫm, những việc sơ khởi phiêm âm Việt ngữ, như chúng ta đã thấy những tài liệu vào năm 1631, 1645 và như hai tác phẩm của hai giáo sĩ người Bồ nay nguyên bản đã thất lạc, song giáo sĩ Đắc Lộ đã sử dụng để soạn quyển Tự điển Việt-Bồ-La của ngài.3. Tuy nhiên, với niên hiệu 1651, niên hiệu phát hành cùng một bận ba quyển: Phép giảng tám ngày, Tự điển Việt-Bồ-La và Văn phạm Việt ngữ, giáo sĩ Đắc Lộ đã tỏ ra không những là người đã dấn mình theo trào lưu chung. Ông đã đạt tới đích, nhờ vào năng khiếu đặc biệt của ông trong vấn đề hiểu biết các sinh ngữ cũng như từ ngữ, và nhờ vào tinh thần có thể nói là của một công dân quốc tế của ông, nhờ vào trí óc không lệ thuộc vào một hệ thống từ ngữ nào của ông, nghĩa là không bắt Việt ngữ lệ thuộc vào một khuôn khổ ngôn ngữ nào, song khai thác hết khả năng của những từ ngữ khác, nhất là bằng vào trực giác sâu sắc nhất của ông về các âm thanh không những chung cho cả nước, song riêng cho từng miền, từng địa phương. Bởi đó, trừ một vài điểm nhỏ mọn mà tôi không kịp đem trình bày trong bài này, việc phiên âm của giáo sĩ Đắc Lộ kể là đầy đủ và cặn kẽ. Những lối viết cách phát âm dị biệt mà chúng ta thấy trong Phép giảng tám ngày một phần lớn có thể được giải thích theo cách đọc của địa phương hoặc của thời đại: thực ra một số đã được tu chỉnh hay bổ túc trong tự điển và đã hơn một lần được biện bạch rõ ràng trong quyển Văn phạm Việt ngữ như chúng tôi đã trình bày trên đây. Điều này không có gì lạ; bởi vì ngày nay, trong nhiều miền, vẫn còn tồn tại những cách đọc khác nhau, phương chi Việt ngữ cách chúng ta hơn ba trăm năm nay? Những chỗ thiếu sót, những khuyết điểm trong chữ quốc ngữ của giáo sĩ chỉ là nhỏ bé. Ngoài ra, xét cho xác đàng, công cuộc phiên âm của ông kể khá đầy đủ hoàn toàn Việt Nam theo nhu cầu khoa học, lại thích hợp và giản dị. Bởi đó, chúng tôi có thể tin cậy vào sự trường tồn của nó, bất chấp thời gian và những biến chuyển mà người ta muốn tạo nên.
Chú thích
[1] Ch.B.Maybon, Histoire moderne du pays d’Annam, Paris, 1919 tr.36
[2] Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn học sử yếu, Hà nội, 1950 tr.183
[3] Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Sài gòn, 1951 tr.270
[4] Lê Thành Khôi, Le Vietnam, Histoire et Civilisation, Paris 1955, tr.292.
[5] H.Bernard, Pour la compréhension de l’Indochine et de l’Occident, Paris, 1950, tr.19.
[6] P.Huard et P.Durand, Connaissance du Vietnam, Paris, 1954 tr.52.
[7] Christoforo Borri, Relatione della nuova missione… al Regno della Cocincina, Romae, 1631.
[8] Thực ra cũng có thể lập luận rằng vào thời này đã có các dấu và ký hiệu, nhưng khi đem in tại Âu châu, người ta không sẵn có các dấu đó.
[9] Theo bài của Thanh Lãng, Những chặng đường của chữ viết quốc ngữ, trong Đại học số 19, tháng 2, năm 1651, tr.6-30, thì văn kiện này hoặc đã được sao lại, hoặc viết vào 1654. Tuy nhiên có thể coi là tài liệu 1645.
[10] Trong văn phảm Việt ngữ, khi đề cập tới NG cuối, tác giả đã trưng một câu tiếng Pháp “le sang est beau”, tr.4.
[11] Xem, A.De.Rhodes, Divers Voyages et Missions… Lille, 1854 tr.29.
[12] Xem Hoàng Xuân Hãn, Girolamo Majorica… trong Archivum Historicum Societatis Iesu, XXII, 1953, tr.206.
[13] A.De.Rhodes, Divers Voyages et Missions… tr.73, Hoàng Xuân Hãn, Girolamo Majorica… trong Archivum Historicum Societatis Iesu, XXII, 1953, tr.203-214.
[14] Xem Thanh Lãng, Biểu nhất lãm văn học cận đại, Sài gòn, 1959, tr.30.
[15] Thanh Lãng, Biểu nhất lãm… tr.32
[16] ibid, tr.27
[17] Archivum Historicum Societatis Iesu, Jap.Sin.S, f.78v
[18] Hoàng Xuân Hãn, Một vài văn kiện bằng quốc âm tàng trữ ở Âu châu, trong Đại học số 10, 1959, tr.110.
[19] Hoặc của tất cả lớp người đi trước Đắc Lộ, song tất cả đã được kết thành một hệ thống in thành sách lần đầu tiên ký tên Đắc Lộ là tác giả.
Saturday, 23 June 2012
GIÁO SĨ ĐẮC LỘ VỚI CHỮ QUỐC NGỮ (Nguyễn Khắc Xuyên)
Friday, 22 June 2012
Alexandre de Rhodes có phải là cha đẻ của chữ Quốc ngữ? (Nguyễn Minh Hoàng - Tạp Chí Hồn Việt)
Alexandre de Rhodes có phải là cha đẻ của chữ Quốc ngữ?01-12-2010 | ||
| ||
Có một thời gian ông bị người Việt Nam chúng ta nhìn bằng con mắt nghi kỵ, cho rằng ông thuộc hạng giáo sĩ thừa sai “Phúc âm đi trước, đoàn quân xâm lược theo sau”. Nhưng từ một hai thập niên gần đây, sự nghi kỵ ấy không còn nữa. Kể từ năm 1991, mọi người lại nhắc đến tên ông, tỏ lòng biết ơn ông và cho xuất bản quyển Tự vị Việt - Bồ - La cùng với mấy quyển Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài, Hành trình truyền giáo. Đồng thời cũng có nhiều bài tham luận, nhiều bài báo ca tụng công lao của ông làm ra chữ Quốc ngữ như bài: Chúng ta hãy lấy lại sự công bằng cho Alexandre de Rhodes của nhà báo Minh Hiển đăng trên Viet Nam Social Sciences (năm 1994, từ trang 88 đến 89).
Ông Hoàng Tiến, một nhà nghiên cứu ở Hà Nội cũng có viết như sau: “Những giáo sĩ sang Việt Nam như các cha cố Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa đều là người Bồ Đào Nha, sau một thời gian đã làm được Từ vị Bồ Đào Nha - Annam và Từ vị Annam - Bồ Đào Nha và nhất là cha cố người Pháp Alexandre de Rhodes là một nhà bác học rất giỏi về khoa ngôn ngữ đã tới Việt Nam, học tiếng Việt và giảng đạo bằng tiếng Việt… Tất nhiên việc này (việc khai sinh ra chữ Quốc ngữ) có công sức đóng góp của nhiều người nhưng ông là đại diện và giữ công đầu (Chữ Quốc ngữ và cuộc cách mạng chữ viết đầu thế kỉ XXcủa Hoàng Tiến).
Tuy nhiên, mới đây tôi đã đọc được một quyển sách của tác giả Roland Jacques có nhan đề là “L’oeuvre de quelques pionniers portugais vans le domaine de la linguistique vietnamienne jusqu’eu/1650” (Công trình của mấy nhà tiên phong Bồ Đào Nha trong lĩnh vực ngôn ngữ Việt Nam cho đến năm 1650). Quyển này vốn là bản luận văn mà ông Roland Jacques đã đệ trình hồi tháng 11 năm 1995 tại Viện Quốc gia về các ngôn ngữ và nền văn minh Đông Phương (Institut National des langues et Civilisations Orientales) ở Paris để lấy bằng Tiến sĩ đệ tam cấp.
Trong sách, Roland Jacques có nhắc đến lai lịch gia đình và thân thế của Alexandre de Rhodes. Theo Roland Jacques thì trong lai lịch gia đình và thân thế ấy có những yếu tố huyền thoại và thực tế lẫn lộn vào nhau. Alexandre de Rhodes sinh ra ở tỉnh Avignon bên Pháp nhưng lại không phải là thần tử của vua nước Pháp mà là con dân của Đức Giáo Hoàng. Ông học nhiều năm ở Roma (Ý). Hồi ông định sang Á đông thì Giáo hội Thiên chúa của Pháp chưa có ảnh hưởng và chân đứng nào ở vùng đất xa xôi này cả. Ông phải tuyên thệ trung thành với vua Bồ Đào Nha, tự xem mình là công dân Bồ Đào Nha để được có tên trong bản danh sách các giáo sĩ Bồ Đào Nha đang sắp sửa xuống tàu đi Đàng Trong.
Sau này, vào năm 1640 khi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đánh nhau, rồi vua Bồ Đào Nha, vào tháng 6/1641, phải kí một hiệp ước liên minh với vua Pháp thì Alexandre de Rhodes quay buồm theo ngọn gió thuận, lấy cớ mình là người ở tỉnh Avignon để tự xưng là thần dân của vua nước Pháp. Năm 1651, khi Lịch sử Vương quốc Đàng Ngoài được xuất bản ở Lyon, ông có dâng tặng cho vua Pháp một quyển với câu đề tặng như sau “Các quyền và các bổn phận của hạ thần bắt buộc hạ thần phải dâng lên cho Bệ hạ một quả ngon vừa chín tới của vùng đất Đàng Ngoài” và ông kí tên là “một thần dân rất hèn mọn, rất biết vâng lời và rất trung thành với Bệ hạ là Alexandre de Rhodes thuộc Hội dòng Giesu”.
2. Đến đây chúng ta trở lại với những sự việc đã xảy ra từ 27 năm về trước, tức là năm 1624. Năm đó Alexandre de Rhodes đặt chân lên đất Hội An và ở lại đấy để làm việc với Francisco de Pina, giáo sĩ Bồ Đào Nha cai quản Giáo phận Hội An với một số những giáo sĩ khác gồm có Francisco Buzomi người Ý; Antonio Dias, Manuel Fernandez và Antonio Fernandez- người Bồ Đào Nha; José Tsuchimochi người Nhật; Domingos Mendes K’ieu người Hoa. Trong số ấy cũng có cả Cristoforo Borri người Ý, tác giả quyển Tường trình về những chuyến đi truyền giáo của những giáo sĩ thuộc hội dòng Giesu in ở Roma năm 1631. Nhưng khoảng một năm trước khi Alexandre de Rhodes đến Hội An thì Cristoforo Borri đã được gọi về Macao nên hai người không gặp nhau.
Trong trận tấn công của các tàu chiến Hà Lan vào vùng đất Macao ngày 22/6/1622 Cristoforo Borri đã dũng cảm tham dự trận đánh và có những chiến công oanh liệt. Ngoài ra, ông cũng đã đóng góp khá nhiều trong công việc làm ra chữ Quốc ngữ.
Khi quyển Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum được xuất bản ở Roma năm 1651 trong “Lời ngỏ với người đọc”, Alexandre de Rhodes đã viết:
“… Tuy nhiên trong công việc này, ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính những người bản xứ trong suốt gần mười hai năm, thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Côsin và Đông Kinh thì ngay từ đầu tôi đã học với cha Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha thuộc hội dòng Giesu rất nhỏ bé của chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu thuyết giảng bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng công trình của nhiều cha khác cùng một hội dòng, nhất là của cha Gaspar do Amaral và cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một quyển từ điển: Ông trước bắt đầu bằng tiếng Annam, ông sau bằng tiếng Bồ Đào Nha, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm”.
(Bản dịch Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính trong Tự điển Việt - Bồ - La in năm 1991).
Nếu Alexandre de Rhodes có dùng những công trình của hai cha Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa thì có lẽ ông cũng có dùng những công trình nghiên cứu tiếng Đông Kinh của Francisco de Pina. Do đó, ông Roland Jacques đã nảy ra ý thăm dò, tìm kiếm và cuối cùng khi đến Thư viện quốc gia Ajuda ở thủ đô Lisbonne ở Bồ Đào Nha đã phát hiện trong đống bản chép tay Jesuitas jia Asia do giáo sĩ Bồ Đào Nha José Montanha cho mang từ Macao về Lisbonne năm 1742, một bức thư và một bản thảo của Francisco de Pina.
Hai tài liệu mà Roland Jacques phát hiện được là hai bài chép lại từ các tài liệu và giấy tờ do Francisco de Pina để lại nhưng chép thật đúng, thật chính xác so với nguyên bản, từ dấu chấm dấu phẩy cho đến những lỗi viết sơ sót nhỏ.
Bức thư viết dở dang nên Francisco de Pina không gửi đi Macao nhưng trong đó, ông có đoạn nói về công việc nghiên cứu và Latinh hóa tiếng Đông Kinh và về chuyện thành lập một ban nghiên cứu gồm các giáo sĩ thông thạo tiếng Đông Kinh đang truyền giáo tại Hội An. Riêng bản nháp nghiên cứu tiếng Đông Kinh của Francisco de Pina thì khá hoàn tất và có nhan đề là Manuductio ad Linguam Tunckinensem nghĩa là Phương pháp học tiếng Đông Kinh.
Khi Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong năm 1624, được Francisco de Pina dạy cho tiếng Đông Kinh, được xem là thành viên trong ban nghiên cứu tiếng Đông Kinh thì hẳn đã được đọc tài liệu Manuductio ad Linguam Tunckinensem của người thầy dạy mình.
Phần đông các giáo sĩ đã cùng Francisco de Pina học hỏi nghiên cứu tiếng Đông Kinh đều là người Bồ Đào Nha nên chữ Quốc ngữ của chúng ta ngày nay còn mang nhiều dấu vết của các quy luật ngôn ngữ học Bồ Đào Nha. Những dấu như dấu ngã đều mượn của Bồ Đào Nha cả (thí dụ não mateis có nghĩa là anh chớ giết, dấu ngã trên não mateis đã hóa thành dấu ngã tiếng Việt ngày nay).
Ngoài ra, Từ điển Việt - Bồ - La còn được Alexandre de Rhodes thêm vào ở phần phụ lục một bài nghiên cứu về tiếng Annam và Đông Kinh dày 31 trang với nhau là “Linguae Annamiticae seu Tunchinensis brevis Seclaratio” trong đó có nhiều chỗ rất giống với Manuductio ad Linguam Tunckinensem. Chẳng hạn trong chương II là chương nói về chữ và vần. Về chữ đ trong Manuductio ad Linguam Tunckinensem của Francisco de Pina viết:
“Alterum đ notatur eo signo, quia est omnino diversù à nostro et pronunciatur attollendo extremum linguae ad palatum oris illamque statim amovendo absque eo, quod ullo modo dentes attingat, ùt đa đa: perdrix. Et haec littera est valde in usu in principio dictionis”
Thì về chữ đ Linguae annamitica seu tunchinens is của Alexandre de Rhodes cũng viết gần như giống hệt.
“Aliud đ notatur eo signo quia est omnino diuersuon à nostro et pronunciatur attollendo extremum linguae ad palatum oris, illamque statim amovendo, absque eo quod vllo modo dentes attingat vt đa đa: perdrix: et haec litera est valde in vsu in principio dictionis”.
Các ông Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính đã dịch đoạn tiếng Latinh đó ra như sau:
“Một chữ khác được ghi bằng dấu hiệu này, đ, thì hoàn toàn khác chữ của chúng ta và khi phát âm phải nâng chóp lưỡi lên tới cửa miệng rồi đẩy lưỡi ra tức thì, mà không được chạm răng bằng bất cứ cách nào, thí dụ, đa đa, perdrix (chim đa đa) và chữ này rất thông dụng ở đầu các tiếng”.
Còn nhiều chỗ khác cũng giống hệt như thế nhưng tôi không chép ra đây hết được. Như thế không biết có nên bảo rằng Alexandre de Rhodes đã vay mượn rất nhiều trong Manuductio ad Linguam Tunckinensem của Francisco de Pina để làm thành Linguae Annamiticae seu Tunchinensis brevis Declaratio của mình hay không?
3. Còn nữa! Alexandre de Rhodes là người Pháp thì tại sao không biên soạn Từ điển Việt - Pháp - La mà lại làm Từ điển Việt - Bồ - La? Đây có phải chăng là một công trình tổng hợp từ hai quyển từ điển của Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa không? Chúng ta chỉ nêu nghi vấn chớ không dám khẳng định và kết luận. Cũng như Roland Jacques chưa dám hoàn toàn phủ nhận công đầu của Alexandre de Rhodes mà chỉ nói:
“Nhiều yếu tố khác nhau của lịch sử đã góp phần vào việc tôn vinh vai trò của Alexandre de Rhodes và làm lu mờ vai trò của những nhà nghiên cứu ngôn ngữ khác vốn đã từng nghiên cứu trước khi ông đến và sau này đã cộng tác với ông trong việc Latinh hóa tiếng Việt.
Ngay từ nửa sau thế kỷ XVII, giữa các Hội Truyền giáo của các nước phương Tây đã có sự cạnh tranh và xung đột với nhau, và vì những lí do này, lí do nọ mà các giáo sĩ trong Hội Truyền giáo nước ngoài ở Paris có lẽ đã tìm cách hạ thấp tầm quan trọng của những công trình mà các giáo sĩ Bồ Đào Nha của Hội dòng Giesu đã làm được, trước khi giáo sĩ của Hội Truyền giáo Paris đặt chân đến Annam năm 1666. Còn về chính quyền thuộc địa Pháp (ở Đông Dương) thì họ thấy rất là có lợi cho họ khi họ đề cao một cách đơn phương tính cách lâu đời và giá trị của phần đóng góp của nước Pháp vào nền văn hóa Việt Nam. Vả lại, nếu xem xét một cách khách quan và không thiên kiến thì thấy rằng rõ ràng là chữ Quốc ngữ không phải là kết quả của sự gặp gỡ giữa văn hóa Việt Nam lâu đời đến hàng mấy ngàn năm với văn hóa Pháp được tiêu biểu qua Alexandre de Rhodes…
Có một việc cần làm là nên xác định rõ hơn công trình của cá nhân Alexandre de Rhodes giữa một công trình tập thể mà trong đó Alexandre de Rhodes chỉ là một trong mấy người tiếp tay thực hiện mà thôi. Chính các giáo sĩ Bồ Đào Nha và những người Annam đang muốn tranh tài với họ trong công việc Latinh hóa tiếng Annam mới là những người đã đóng một vai trò quan trọng hàng đầu. (Trích trong “Công trình của mấy nhà tiên phong Bồ Đào Nha trong lĩnh vực ngôn ngữ học Việt Nam tính đến năm 1650”, tr. 211 và 212 của Roland Jacques).
Roland Jacques không chịu nói rõ hơn nhưng chúng ta đã hiểu ông định nói gì rồi.
Cuối bài cũng nên thêm rằng, giá như giáo sĩ Francisco de Pina mà không bị chết đuối ngày 15/12/1625 trong khi chèo thuyền ra khơi để cứu một chiếc tàu bị bão trên cửa biển Đà Nẵng thì có lẽ riêng ông đã có cơ hội đạt được hoài bão lớn nhất trong đời ông là tặng cho chúng ta một thứ chữ viết rất hoàn chỉnh và rất khoa học.
|
Thursday, 21 June 2012
Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tạo ra chữ Việt (An Chi - An Ninh Thế Giới))
Thứ Ba, 28/09/2010 - 8:15 PM | ||
Mục đích của bài này là đánh tan sự hiểu nhầm đó để trả cái công của Alexandre de Rhodes về đúng chỗ của nó: Giáo hội Công giáo La Mã. Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định một cách khách quan và nghiêm chỉnh rằng Alexandre de Rhodes không phải là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ. Dưới đây là lời phi lộ của Việt Nam khảo cổ tập san, số 2-1961, ra mắt nhân "Tam bách chu-niên húy-nhật giáo-sĩ Đắc-Lộ" do Trương Bửu Lâm chấp bút: "(...) Giáo-sĩ Đắc-Lộ (tức Alexandre de Rhodes - AC) thật ra không phải là ông tổ và cũng không phải là ông tổ duy nhất (Chúng tôi nhấn mạnh - AC) của chữ quốc ngữ. Trước ông, đã có nhiều người đã cố gắng tìm cách phiên âm tiếng nói của dân Việt bằng vần La Tinh và chính ông cũng đã bao lần trong những tác phẩm của ông nói đến nhiều sách vở được viết ra trước ông bằng tiếng Việt (...). Và đồng thời với giáo sĩ Đắc-Lộ, chắc chắn cũng có nhiều giáo sĩ khác quan tâm đến vấn đề phiên âm: đó là lẽ dĩ nhiên vì công cuộc phiên âm là một lợi khí rất lớn cho việc truyền giáo. Vậy thì không còn ai có thể bào chữa thuyết cho rằng giáo sĩ Đắc-Lộ là ông tổ và ông tổ duy-nhất của chữ quốc ngữ" (Sđd, tr.11). Và sau đây là lời của linh mục Đỗ Quang Chính: "Đắc-Lộ không phải là người Âu châu đầu tiên học tiếng Việt, cũng không phải người đầu tiên sáng tác chữ quốc ngữ, hơn nữa, vào năm 1636 Đắc-Lộ cũng không phải là người ghi chữ quốc ngữ đúng được như một số Linh mục Dòng tên Bồ Đào Nha ở Việt Nam thời đó (Chúng tôi nhấn mạnh - AC). Thật ra, trong giai đoạn thành hình chữ quốc ngữ, Đắc-Lộ chỉ góp một phần trong công việc quan trọng này, mà rõ rệt nhất là soạn sách chữ quốc ngữ và cho xuất bản đầu tiên". (Lịch sử chữ quốc ngữ, Sài Gòn, 1972, tr.78). Còn sau đây là lời của Đỗ Hữu Nghiêm: "Đắc Lộ đã tiếp thu, thừa kế, sắp đặt lại cho hoàn chỉnh tất cả các thành tựu của các nhà truyền giáo tiền phong hay đồng thời, dựa trên những trợ giúp quý giá, không thể thiếu được của các tín đồ người Việt tiếp xúc gần gũi với ông, chia sẻ chí hướng của ông (...). Thực sự công trình sáng tạo chữ quốc ngữ theo mẫu tự La Tinh là một công trình tổng hợp có tính chất tập thể quốc tế, trong đó Đắc Lộ là người đã có một vị trí cốt yếu khi sử dụng rộng rãi thứ chữ mới này trong các tác phẩm in trình bày những kiến thức sâu rộng. Các bậc thức giả như Dương Quảng Hàm, Đào Duy Anh, Nguyễn Khắc Xuyên, Thanh Lãng, Đỗ Quang Chính, Võ Long Tê đều khẳng định chữ quốc ngữ là một công cuộc chung của nhiều người." ("Đắc Lộ trong lịch sử hình thành chữ quốc ngữ", Công giáo và dân tộc, số 798,17/3/1991,tr.14). Nhưng hùng hồn và đáng tin hơn cả phải là lời của chính đương sự. A. de Rhodes đã viết như sau: "Tuy nhiên trong công cuộc này, ngoài những điều mà tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm, thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Cô-sinh và Đông-kinh (tức Đàng Trong và Đàng Ngoài - AC), thì ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina người Bồ Đào, thuộc Hội Dòng Giê-su rất nhỏ bé chúng tôi, là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này, và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không dùng thông ngôn, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của Cha Gaspar de Amaral và Cha Antonio Barbosa (Chúng tôi nhấn mạnh - AC), cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam (tức là từ điển Việt-Bồ - AC), ông sau bằng tiếng Bồ-Đào (tức là từ điển Bồ-Việt - AC), nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La Tinh theo lệnh các Hồng y rất đáng tôn...". (Từ điển Annam-Lusitan-Latinh, tức Từ điển Việt-Bồ-La, Nxb KHXH, 1991, phần phiên dịch, tr.3). Vậy rõ ràng A. de Rhodes không phải là người sáng chế ra chữ quốc ngữ. Chẳng những thế, ông ta cũng không phải là người châu Âu đầu tiên soạn từ điển về tiếng Việt vì trước ông ta đã có hai giáo sĩ Bồ Đào Nha là G. de Amaral và A. Barbosa. Ông ta chỉ thừa hưởng công trình của hai cố đạo kia rồi thêm tiếng La Tinh vào theo lệnh của Tòa thánh La Mã mà thôi. Chính vì những điều trên đây mà ở trong Nam, trước 1975, linh mục Thanh Lãng đã khẳng định: "Giáo sĩ Đắc Lộ không những không phải là ông tổ duy nhất của chữ quốc ngữ mà cũng không phải là một trong các ông tổ của chữ quốc ngữ". Và "Sở dĩ Đắc Lộ về sau này được lịch sử nhắc nhở đến nhiều, có lẽ không phải vì ông đã có công kiện toàn chữ quốc ngữ cho bằng ông đã để lại hai quyển sách (tức Từ điển Việt-Bồ-La và Phép giảng tám ngày - AC) được coi như tài liệu duy nhất (có hệ thống - AC) về chữ quốc ngữ". (Dẫn theo Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, t.II, TPHCM, 1988, tr.136-137). Đến đầu thế kỷ XXI, một người phương Tây đã khảng khái và khách quan đặt lại vấn đề về vai trò của A. de Rhodes. Đó là Roland Jacques, người đã học xong chương trình Ban cử nhân và tiền tiến sĩ về Việt học và Viễn Đông học tại INALCO (Học viện quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông), chuyên gia về Giáo luật Công giáo, Tiến sĩ Luật học tại Đại học Paris XI và Tiến sĩ Giáo luật tại Học viện Công giáo Paris, hiện là Khoa trưởng Phân khoa Giáo luật tại Đại học Saint-Paul, Ottawa, Canada. Trong quyển Les missionnaires portugais et les débuts de l' Église catholique au Viet-nam (Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam), in song ngữ Pháp - Việt, T.1 (Định Hướng Tùng Thư, 2004), R. Jacques viết: "Đến khi chữ quốc ngữ đã bắt đầu được sử dụng chính thức tại Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, người ta cố truy tìm lịch sử của nó, bấy giờ tên tuổi Alexandre de Rhodes đã sớm được công nhận như là người khai sinh ra việc chuyển vần Latinh vào tiếng Việt. Rồi từ đó ông được nâng lên tận mây xanh như một ngôi sao đứng một mình, soi sáng cho đêm tối của quá khứ xa xưa (...) Chính quyền thực dân và Giáo hội đều đã ca ngợi thiên tài truyền giáo và ngữ học có một không hai của vị tu sĩ dòng Tên, tán dương những lợi ích đem lại cho Việt Nam trong thời đại mới (...) Nhưng có những sự việc thường được xem là hiển nhiên mà thực sự lại sai... (Chúng tôi nhấn mạnh - AC)." (Sđd, tr.27). Vậy đã đến lúc ta nên chấm dứt câu chuyện cổ tích về sự sáng chế chữ quốc ngữ của A. de Rhodes. Còn mục đích của cố đạo này thì đã được chính ông ta xác định như sau: "(...) ước gì các Ngài trở nên những người truyền bá nhiều phương ngữ, để không những các nước lân cận và quen biết từ xưa được nghe những sự kỳ diệu của Thiên Chúa mà cả mọi miền dưới bầu trời và những vương quốc rất xa xôi ở cực Đông từ nhiều thế kỷ qua chưa được nghe, thì bây giờ những nước ấy cũng phải được nghe và rao truyền danh Chúa huyền diệu biết bao trên khắp trái đất (...). Mà lại để Lời Thiên Chúa thâm nhập dễ dàng hơn tới tận cùng Hoàn cầu, nơi người Đông- kinh và Cô-sinh, tức là tất cả mọi người An Nam đang chiếm cư, thì bây giờ lòng đại lượng bao la của quý vị cũng truyền lệnh thực hiện quyển từ điển của dân tộc An Nam, một quyển từ điển giúp ích cho những người làm công tác Tông đồ được chỉ định cho phần vườn nho này của Chúa, hầu họ hiểu biết phương ngữ xa lạ của người An Nam, tức là để những mầu nhiệm Thiên Chúa được giãi bày cho người An Nam, đồng thời cũng để người An Nam vừa làm quen với chính Đức Tin Rô-ma và Tông đồ, vừa làm quen với phương ngữ Rô-ma và La-tinh. Ai mà không thấy việc đó trong tương lai có lợi là chừng nào cho công cuộc truyền bá đức tin của Chúa Ki-tô được rộng rãi và chắc chắn hơn" (Sđd, phần đã dẫn, tr.1). Lời lẽ của chính đương sự rõ như ban ngày: A. de Rhodes làm sách bằng chữ quốc ngữ là để phụng sự cho việc truyền bá đức tin Ki-tô giáo, chứ tuyệt đối không vì bất cứ một lợi ích nhỏ nhoi nào của người Đại Việt cả. Người Việt Nam đã tận dụng chữ quốc ngữ, mà một số cố đạo đã đặt ra, với sự góp sức của một số con chiên người Đại Việt, để làm lợi khí cho việc giảng đạo, thành lợi khí của chính mình để phát triển văn hóa dân tộc, để chuyển tải một cách đầy hiệu lực những tư tưởng yêu nước và những phương thức đấu tranh nhằm lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp. Đây chẳng qua là chuyện “gậy ông đập lưng ông” mà thôi. Để đòi cho bằng được người Việt Nam ta phải tôn sùng ông cố đạo của mình, có người còn so sánh A. de Rhodes với Sĩ Nhiếp và việc Sĩ Nhiếp được tôn làm Sĩ Vương và Nam Giao Học Tổ. Nhưng so sánh thế nào được? Một là việc Sĩ Nhiếp được tôn sùng đâu đã phải là chuyện được mọi sử gia nhất trí, kể cả một vài sử gia thời phong kiến. Hai, và rất quan trọng, là việc truyền đạo của A. de Rhodes đối với một số giáo dân Đại Việt tại những nơi ông ta đã đến và ở lại làm sao có thể so sánh với công lao (nếu quả đây thực sự là công lao) của Sĩ Nhiếp đối với toàn dân Giao Châu? Ba là Sĩ Nhiếp có công phổ biến chữ Hán và Nho học chứ ông cố đạo nhà ta thì có công gì? Vâng, thì có đấy, nhưng đó chỉ là đối với Thánh bộ Truyền bá Đức tin và Giáo hội Công giáo La Mã mà thôi. Cái tâm lý đòi dân ta phải mang ơn A. de Rhodes chẳng qua là hậu quả của sự nhồi sọ mà bọn thực dân Pháp đã thực hiện trong thời kỳ chúng còn cai trị dân ta, nước ta. Ngoài ra, còn có thể có cả những nguyên nhân khác thuộc về tâm thức riêng, và cả... tín ngưỡng riêng nữa. Người ta thì làm cuốn từ điển để tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền đạo của người ta mà mình thì cứ nằng nặc đòi người Việt Nam phải ghi công ông cố đạo Alexandre de Rhodes, thậm chí có người mà lòng biết ơn cụ cố còn nặng đến những 43 tấn. Trên một số phương tiện truyền thông, người ta còn in cả bức ảnh một nhà lãnh đạo, một nhà sử học và một nhà điêu khắc ngồi với nhau mà bàn về việc tạc tượng ông cố đạo kia nữa. Chẳng khôi hài ư? Không quái đản à? Thậm chí có người còn muốn tôn vinh ông ta trong dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thì thật không còn biết phải trái là gì nữa. A. de Rhodes mà lại đủ tư cách để ăn theo Lý Thái Tổ ư? Xin chớ để cho bóng dáng ông cố đạo kia len lỏi vào mà làm giảm mất cái không khí long trọng của cuộc đại lễ ngàn năm có một này |
Wednesday, 20 June 2012
Từ nguyên của "chằm" và "trải" (Trần Trọng Dương)
Từ nguyên của "chằm" và "trải"
Bài viết tham gia hội thảo kỷ niệm 1 năm ngày mất Gs Nguyễn Tài Cẩn
KHẢO VỀ CHẰM VÀ TRẢI TRONG TIẾNG VIỆT CỔ
QUA “CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ” CỦA TRẦN NHÂN TÔNG
Nguyễn Hùng Vĩ và Trần Trọng Dương
Bắt đầu bằng việc ngồi đọc lại tác phẩm Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông. Trong tác phẩm này, ở Hội năm, câu 11 (câu 63 tính theo toàn bài) ghi:
GS Đào Duy Anh trong cuốn Chữ Nôm- nguồn gốc- cấu tạo- diễn biến phiên:
-Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc kim hoặc chỉ;
Cơm cùng áo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu xoa.
Trăn trở với cách phiên đó, GS Hoàng Xuân Hãn phiên lại:
-Áo miển (mliễn) chăn, đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xể.
Và dường như chưa thật yên tâm với cách đọc của mình, trong phần Đại ý và lược chú, GS Hoàng Xuân Hãn viết: “Áo thì mặc chằm vá, rách xể cũng chẳng hề, quí hồ ấm (hai chữ Châm 針 và Trĩ 雉 chắc đều chép chữ nôm theo phép mượn âm; nhưng đọc thế nào thì không chắc. CN đọc kim chỉ. Theo âm thì đọc châm trễ là gần nhất, nhưng tứ không hợp. Tôi đọc chằm xể, hợp hơn, tuy rằng những âm ấy ngày nay có thể viết bằng chữ Nho khác. Cũng có thể âm xể xưa là xlể)...” [tr.1118].
Rõ ràng mặc dù chủ trương đọc là chằm- xể nhưng GS cũng không chắc là đã đọc đúng. Vả lại, về nghĩa, cụ hiểu chằm là “chằm vá”, động tác dùng dây, kim luồn để nối kết các tấm vật liệu lại với nhau; còn xể là “rách xể”, lưu tích còn trong từ chổi xể.
Những băn khoăn của các nhà cựu học khiến chúng tôi phải tiếp tục suy nghĩ. Sau quá trình nghiên cứu, khảo sát các ngữ liệu cổ, chúng mạnh dạn đề xuất cách đọc hai câu phú trên như sau:
-Áo miễn chăn, đầm ấm qua mùa, hoặc chằm (chầm) hoặc trải.
Dưới đây là những giải thích của chúng tôi qua sự khảo sát từ các từ điển cổ và các ngữ liệu cổ được ghi bằng chữ Nôm. Phương pháp làm việc của chúng tôi là: dựa trên cách đọc Hán Việt của thanh phù ghi âm trong chữ Nôm, từ đó đưa ra các khả năng đoán định về âm đọc; khả năng của âm đọc được củng cố trên các tư liệu từ điển cổ từ cuối thế kỷ XIX về trước. Khi chữ Nôm có dấu vết bị sửa đổi do dọn bản của các đời sau, chúng tôi tiến hành nghiên cứu, tái lập ngữ âm tiếng Việt đồng thời soi chiếu với các cứ liệu chữ Nôm cổ để tìm ra từ nguyên cũng như lịch sử phát triển, biến đổi ngữ âm- ngữ nghĩa của ngữ tố đang khảo sát.
1. Khảo về chữ CHẰM
GS Hoàng Xuân Hãn ghi ngờ cách phiên “hoặc kim hoặc chỉ” của Gs Đào hẳn có lý của ông. Theo phép đối trong một liên phú, câu dưới ghi “dầu bạc dầu xoa” (cấu trúc: dầu + vị ngữ tính từ; dầu + vị ngữ tính từ), thì câu trên có cấu trúc (hoặc + danh từ; hoặc + danh từ) là cần phải cân nhắc lại. Cách phiên của GS Hoàng “hoặc chằm hoặc xể” với “chằm” và “xể” đều là các tính từ hoặc động từ có chức năng làm vị ngữ, theo chúng tôi là khá hữu lý. Vấn đề cần thảo luận tiếp là cách phiên chuyển, hơn nữa là cách hiểu về ngữ tố tiếng Việt cổ đang xét. Bởi lẽ, như ta biết, Cư trần lạc đạo phú có thể coi là một trong vài ba ngữ liệu sớm nhất hiện nay còn giữ được thuộc về điểm mút đầu của giai đoạn tiếng Việt cổ (thế kỷ XIII-XVI).
Chữ Châm針, chúng tôi cũng đọc là chằm (hoặc chầm) nhưng hiểu nghĩa khác đi so với giáo sư Hoàng Xuân Hãn, chúng tôi hiểu chằm là quàng, choàng, ôm lấy...
Đọc như trên, câu phú được hiểu lọn ý hơn với nghĩa nhàn nhã với cuộc sống đạm bạc của một người tu hành hòa mình với bụi trần mà vẫn thung dung lạc đạo: Để đầm ấm cho qua mùa rét thì áo hoặc chăn cái gì cũng xong, hoặc là quàng (áo) hoặc là trải (chăn), tùy lúc, không câu nệ.
Chúng ta thấy một số từ điển từ thế kỉ XIX về trước ghi nhận chữ chằm với nghĩa là quàng, choàng, ôm lấy. Cụ thể như trình bày dưới đây.
1772 – 1773, từ điển Dictionarium Anamitico Latinum (Tự vị Annam Latinh) của Piere Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu) còn ghi mục từ Chằm lấy với chữ扌針 và với nghĩa Ôm chặt [theo Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên tb. 1999, tr. 67].
1838, từ điển mang tên La Tinh như trên của Aj. L. Taberd (tên Hán Việt là Nam Việt dương hiệp tự vị) cũng có mục từ như trên, được viết bằng chữ Nôm扌針 [tr.54].
1884, Việt Pháp từ điển của Trương Vĩnh Kí có mục từ Chằm và chú tiếng Pháp là Tenir fortement.
1895, Đại Nam quấc âm tự vị của Huình – Tịnh Paulus Của cũng cho ta ngữ liệu “Chằm lấy. Giữ lấy, chụp lấy. Thấy mặt thì chằm lấy mà mắng” [tr.118]. Chữ Chằm được viết ở dạng 扌針.
Như vậy, trong quá khứ, chữ Chằm với nghĩa “ôm chặt, ôm quàng lấy” đang là một động từ hoạt động độc lập. Nghĩa của nó là rất gần gũi với các chữ quàng, choàng. Ngày nay với tư cách là một động từ như vậy, nó hầu như đã rụng khỏi ngữ dụng phổ thông, chỉ còn lại trong các kết cấu ôm chằm / ôm chầm, chằm vặp / chầm vập, ôm chằm chặp. Ta có thể giải nghĩa được từ chầm trong ôm chầm, vốn là một kết cấu đẳng lập hai động từ gần nghĩa với nhau: Ôm và Chầm. Nhưng chầm dần dần mờ nghĩa nên được hiểu như là một trạng thái bổ trợ cho Ôm và được hiểu như từ ghép chính phụ. Trong tiếng Tày ta có tiếng Chổm là quàng, ví dụ: chổm pạ slửa khửn bá mưà (choàng áo lên vai) [Hoàng Văn Ma 1984: tr.377]. tiếng Dăm có nghĩa là ôm, ví dụ: dăm chăp ăn thù nâng (ôm một mối thù) [Hoàng Văn Ma 1984: 356]. Có thể thấy chằm là một từ cổ thuộc vốn từ vựng của tiếng Việt cổ (tk XIII-XVI). Chữ này sẽ thuộc loại từ cổ thứ ba theo cách phân loại của Vương Lộc [2001, lời nói đầu tr.I]. Những từ cùng nhóm này như: han trong hỏi han, chường trong chán chường, tác trong tuổi tác, tói trong đòi tói (dây xích) và lòi tói (dây dợ),… Từ chằm không còn hoạt động một cách độc lập trong tiếng Việt Trung đại (XVII-XIX) và tiếng Việt hiện đại nữa.
Nếu nghiên cứu của chúng tôi có thể chấp nhận được, thì sẽ đem đến cho kho tàng từ cổ tiếng Việt thêm một đơn vị thú vị nữa, giải tỏa những dùng dằng mà GS Đào Duy Anh và GS Hoàng Xuân Hãn đã đề cập tới. Không những thế, có thể bổ sung cho các từ điển từ cổ và từ điển chữ Nôm một mục từ mới chưa từng xuất hiện trong bất cứ một công trình nào trước đây.
2. Khảo về chữ TRẢI
Chữ Trĩ雉đọc là trải theo kiểu mượn âm là hoàn toàn có thể xảy ra trên lý thuyết và thực tế. Mối quan hệ giữa i- ai là một mốt quan hệ đã từng được biết đến, ví dụ qua đối ứng giữa âm Hán Việt đời Đường và âm Hán Việt phi Đường: 疑nghi- ngại, 義nghĩ- ngãi,眉 mi- mày, 胝 tri- chai/ trai (cái chai tay),脂 chi- chài (mỡ chài), ,厘 li- lai (một li một lai), 理 lí- lái (lí tài- lái buôn),… Với một âm đọc phiên chuyển sang tiếng Việt hiện nay thì khả năng đọc trải là có thể chấp nhận được. Trải với tư cách động từ, có nghĩa là “trải ra, giãi ra”. Sự tương ứng của mô hình âm trong chữ Nôm, dùng thanh phù Hán có thủy âm TR- để ghi chính xác thủy âm TR- khiến chúng tôi nghĩ rằng đây có thể là một chữ Nôm do đời sau lọt vào trong quá trình dọn bản từ thiền sư Chân Nguyên (tk XVII), rồi được bảo lưu trong bản của sư Thanh Hanh (1932). Điều này chứng tỏ việc dọn bản cho chữ Nôm ở đây được thực hiện sau khi quá trình chuyển đổi của các thủy âm kép đã hoàn thành, tức quãng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Chính thiền sư Chân Nguyên cũng đã viết trong cuốn Yên Tử sơn Trần Triều Thiền tông bản hạnh rằng:
“Dược Am gió mát bóng cây
Dọn Thiền tông lại để nay san truyền”[1]
Sở dĩ chúng tôi đi đến nhận định trên đây, bởi những kết quả của ngành ngữ âm học lịch sử đã soi sáng thêm rất nhiều cho giả thuyết này. Từ điển Việt Bồ La đã có phương án ghi khá chính xác cho ngữ tố đang xét. Từ điển này ghi như sau: “blải: trải, giải nghĩa. Léy áo blải lót đàng: lấy áo trải trên đường đi” [tb1994: 39]. Đến đây ta có thể tạm thời đi đến nhận định rằng, blải thế kỷ XVII sẽ cho âm giải ở Miền Bắc và trải ở Miền Trung. Hơn nữa có thể khẳng định lại lần nữa rằng trĩ không phải là chữ Nôm đời Trần mà là chữ Nôm đời Lê Trung Hưng trong quá trình dọn bản, dùng để nghi ngữ tố trải từ thế kỷ XVIII trở lại đây.
Để hiểu thêm về từ này, chúng tôi tiến hành khảo sát các ngữ cảnh có từ thế kỷ XVII trở về trước qua một số tư liệu chữ Nôm. Sách Truyền kỷ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú ghi: Ngủ thì áng cỏ trải làm nệm chiếu, khát thì nước suối dâng làm rượu ngọt (Q.III 67b), bèn khiến trải chiếu bên Đông bên Tây, sánh ngồi luận sự văn (Q.IV 40b), chữ trải đều được ghi bằng . Có thể thấy, chữ Nôm trong Truyền kỳ mạn lục là một chữ Nôm hình thanh, nhưng vẫn có thanh phù lại 吏dùng để ghi phần âm lỏng và khuôn vần của ngữ tố đang xét. Dù cách ghi có khiếm khuyết, nhưng dựa vào cứ liệu của Từ điển Việt Bồ La, ta vẫn có thể tái lập là *blai3. Như thế mô hình âm của chữ Nôm sẽ là L-(BL-), dùng L- để ghi BL-. Theo các kết quả nghiên cứu của Vương Lộc qua An Nam dịch ngữ, từ thế kỷ XV-XVI về trước, ngữ tố này có thể có hai biến thể ngữ âm là *blai3và *tlai3. Quá trình diễn biến ngữ âm, theo chúng tôi có thể trình bày như sau:
*blai3> hòa đúc> trải (Trung)
*blai3> hòa đúc> giải (Bắc)
*blai3> rụng âm [b] > rải/ rãi.
*tlai3> rụng âm lỏng> tãi/ toãi.
Thế kỷ XII, ngữ tố đang xét xuất hiện trong câu sau: mẹ nằm ngày sinh con, năm tạng đều - ra (13a3), dịch từ câu Hán văn 慈母生居日,五臟揔開張. Từ điển Chữ Nôm của Viện NC Hán Nôm cho tự dạng Nôm là (tr.1142). Hoàng Thị Ngọ cho rằng chữ Nôm đang xét là阿 賴 [tr.58] và nhận định đây là một tổ hợp phụ âm có âm tiền tắc thanh hầu hóa. Chúng tôi theo ý kiến này và tái lập là *?laj3. Tuy nhiên, chúng tôi xin đính chính lại một điểm, tự dạng Nôm chính xác là , vi tính hóa là 阿懶 a lãn. Chữ (cự巨 + lãn懶) thì chữ cự là chữ viết bằng bút lông (chứ không phải nét khắcvốn có của bản khắc), nét chữ mềm, yếu và lạc hẳn phong cách so với toàn bộ văn bản, có lẽ do người đời sau thêm vào. Từ điển chữ Nôm của Viện NC Hán Nôm thì coi 阿 là một thành tố chưa thể lý giải, bởi nó nằm ở vị trí cuối cùng của dòng trước, cho nên mặc nhận chữ (nằm ở đầu dòng) là đúng.
Tuy nhiên, dấu cự lại là một chứng tích khá xưa do người đời sau thêm vào. Nó phản ảnh một tự dạng cổ trước thế kỷ XVII. Có thể thấy tự dạng này trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi dùng để ghi ngữ tố trái. (cự巨 + lãn懶), âm tái lập: *klai5 xuất hiện trong các câu muốn ăn *blai5 dưỡng nên cây, ai học thì hay mựa lệ chầy (Bảo kính cảnh giới 137.1), (ThuËt høng 64.4)[2]. Như thế, ta có thể có chữ Nôm cổ có trước và xuất hiện sau阿懶. Quá trình diễn biến chữ Nôm có thể như sau:
阿懶 (XII (XV)> 惐(XVII)>雉(XVIII).
Các biến thể ngữ âm đã tái lập từ thế kỷ XVII về trước có thể là, *?laj3, *klai3, *tlai3, *plai3 hoặc *blai3. Các biến thể ngữ âm hậu kỳ là: trải, giải, giãi, rải, rãi, tãi, toãi.
Ít nhiều, ta có thể thấy rằng, cổ hơn雉. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là chữ惐 là một tự dạng phổ dụng hơn nhiều so với 雉, có thể thấy chữ này xuất hiện trong hàng loạt các tác phẩm Nôm thế kỷ XVIII-XIX và đầu thế kỷ XX nữa, như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, thơ Nôm Nguyễn Khuyến,…. Lúc ấy, chỉ tồn tại như là một lưu tích của chữ Nôm cổ, chứ không mang giá trị ghi âm như trước nữa.
Về nghĩa, thì các ngữ cảnh đã xét ở trên cho ta nghĩa cơ bản của ngữ tố trải, trỏ một vật được rãi ra, tãi ra trên một mặt phẳng, trên một không gian. Như quy luật chung của ngôn ngữ, nghĩa liên quan đến không gian sẽ được chuyển sang nghĩa liên quan đến thời gian. Đến đây, chúng tôi cho rằng, trải trong các từ và các ngữ trải qua, từng trải, trải làm, trải giữ, trải đời, bươn trải,… là nghĩa dẫn thân của chữ giải/ trải/ rải/ tãi đang xét. Khảo các ngữ liệu cổ, chúng tôi bắt gặp khá nhiều ngữ cảnh có nghĩa này. Cụ thể như sau: NhËt nguyÖt soi ®ßi chèn hiÖn, §«ng hÌ tr¶i ®· xa hay (Quốc âm thi tập, TrÇn t×nh 45.6), được ghi bằng (thanh phù: lại), âm tái lập: *tlai3 > trải/ giải (-qua, kinh lịch qua). AR ghi một từ đồng âm gần nghĩa là blải (trải, giải nghĩa) [1994: 39]. Gaston Nhẫn tái lập âm *plải [1967: 50]. Chữ trải trong QATT của Nguyễn Trãi mang nghĩa “trôi qua” thuộc loại động từ bất cập vật. Bạch Vân Am thi tập thế kỷ XVI của Nguyễn Bỉnh Khiêm ghi trong câu trải gian nguy đã mấy phen (tr.3b), chữ trải mang nghĩa “từng kinh qua”, lưu tích còn trong từ nếm trải, từng trải. Hai nghĩa trên còn thấy xuất hiện trong một số ngữ cảnh sau. Truyền kỳ mạn lục thế kỷ XVI-XVII có câu trải xuân thu hai khoa thi (QI 52b), ở quan trải một tháng (QIII 4b), Trải khổ từng nghèo (QVI 36b). Truyện Kiều có câu trải bao thỏ lặn ác tà (26). Lục Vân Tiên có câu trải bao dấu thỏ đường dê (15). Nguyễn Khuyến có câu ăn chơi đã trải chết chôn chưa hề (14a). Thiên Nam ngữ lục thế kỷ XVII ghi trải xem lịch đại đế vương (tr.130a), ở ngữ cảnh này trải mang nghĩa là “khắp”, là một trạng từ bổ nghĩa cho động từ vị ngữ. Sô Nghiêu đối thoại thế kỷ XVIII ghi ngắm chơi đã trải miền thôn dã (5a), chữ trải ở đây là một động từ nghĩa là “đi hết, đi khắp”.
Với âm giãi, ta có một số nghĩa sau. Nghĩa thứ nhất là trỏ (ánh sáng) rải ra trên một bề mặt. Ví dụ QATT của Nguyễn Trãi có những câu như: Quỹ Đông giãi nguyệt in câu (Ngôn chí 14.4), cửa song giãi xâm hơi nắng (Ngôn chí 21.3), Hang thỏ chìm tăm hải nhược, Nhà giao giãi bóng thiềm cung (Thủy thiên nhất sắc 213.4). Nghĩa dẫn thân là “phơi ra” trong câu mới hay thế khốn anh hùng giãi thây (Thiên Nam ngữ lục,104a). Nghĩa bóng dẫn thân cuối cùng là “phơi bày tâm can” như giãi thực niềm đan trẫm được hay (Hồng Đức quốc âm thi tập 66b), rỉ tai nàng mới giãi bày thấp cao (Kiều 19a), lưu tích còn trong từ giãi bày, giãi lời. Chữ giãi trong các ngữ cảnh trên đều được ghi bằng chữ Nôm có thanh phù 豸trĩ /trãi. Điều này càng củng cố cho cách đọc trải cho ngữ liệu Nôm trong Cư trần lạc đạo đã bàn ở trên.
Tóm lại, qua khảo sát các cứ liệu chữ Nôm và ngữ liệu tiếng Việt cổ từ thế kỷ XIX trở về trước, chúng tôi đề xuất cách đọc chằm và trải cho câu phú của vua Trần Nhân Tông: Áo miễn chăn, đầm ấm qua mùa, hoặc chằm (chầm) hoặc trải. Đây là cách phiên chuyển từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ, từ tiếng Việt cổ sang tiếng Việt hiện đại. Còn nếu thật sự chặt chẽ, phải tiến hành phiên sang tiếng Việt cổ- với một hệ thống các ký hiệu chữ Quốc ngữ riêng biệt- đặc thù, nhất là với những ngữ tố có tổ hợp phụ âm đầu như mliễn hay klải. Tuy nhiên, vấn đề nêu ra là khá phức tạp, cần phải thảo luận chi tiết trong một dịp khác.
Hà Nội 10-13/12/2011
Tư liệu tham khảo:
A. de. Rhodes 1651. Dictionarivm Annnamiticivm Lvsitanvm et Latinvm ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide in Lucem Editum ab Alexandro de Rhodes e Societati Jesu, Eiusdemque Sacra Congregationis Missionario Apostolico. - Romae : typis & sumptibus eiusdem Sacr. Congreg. p. 633., tb.1994. Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Quang Chính phiên dịch, Nxb. Khoa học Xã hội.
Cư trần lạc đạo. Thanh Hanh trùng san 1932. Bản in ván chùa Vĩnh Nghiêm do tác giả thực hiện năm 1999.
Đào Duy Anh – Chữ Nôm, nguồn gốc, cấu tạo và diễn biến. Nxb KHXH. Hà Nội.
Gaston Nhẫn. 1967. Etude du consonantisme du Quốc âm thi tập (Nghiên cứu hệ thống phụ âm đầu của Quốc âm thi tập, Luận án Tiến sĩ đệ tam cấp, 203 trang, hiện lưu tại Thư viện I. N. A. C. O. - Pháp).
Hoàng Thị Ngọ (khảo cứu, phiên âm, chú giải). 2009. Thiền tông bản hạnh. Nxb Văn học. Tp Hồ Chí Minh.
Hoàng Xuân Hãn. Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần Lê… Trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Tập 3. Nxb Giáo dục. Hà Nội.
Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo. 1984. Từ điển Việt- Tày- Nùng. Nxb KHXH. Hà Nội.
Huình Tịnh Paulus Của, (1895-1896), “大 南 國 音 字 彙” Đại Nam quấc âm tự vị, SaiGon Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4, rue d’Adran, 4.; Nxb.Trẻ.1998 (theo ấn bản 1895-1896).
Khuyết danh. XII. Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh. Bản Trịnh Quán in <1730. Pierre Pegneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu), Dictionarium Anamitico Latinum 1772-1772 (Tự vị An nam La tinh) bản chép tay, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, Nxb.Trẻ. (tb.1999). L.J. Taberd, 1838, Dictionarium Anamitico- Latinum (南越洋合字彙 Nam Việt Dương hiệp tự vị), Frederrichnagori Vulgo Serampore. Thiều Chửu. 1997. Hán Việt tự điển. Nxb Tp Hồ Chí Minh. Trương Vĩnh Ký, P.J.-B., 1884, Petit dictionnaire français-Annamite, Saigon, Imprimerie de la Mission à Tân Định. Vương Lộc. 2001. Từ điển từ cổ. Nxb. Đà Nẵng. Vệ Thạch Đào Duy Anh. 1932. Từ điển Hán Việt. (Hãn Mạn Tử - Giao Tiều hiệu đính) TIENG DAN. HUE. (tb 2001) Nxb KHXH. Hà Nội. -------------------------------------------------------------------------------- [1] Quá trình truyền bản và “dọn bản”, Hoàng Thị Ngọ đã viết như sau: “Lúc đầu Thiền tông bản hạnh vốn chỉ có bốn bài, trong bốn bài này thì bài đầu do thiền sư Chân Nguyên sáng tác còn ba bài phú tiếp theo là do thiền sư sưu tập những trước tác của các vị sư tổ thứ nhất và thứ ba thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để làm thành một cuốn sách. Cuốn sách đầu tiên này phải được hoàn thành khi thiền sư Chân Nguyên còn sống, tức là vào khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Như vậy, rất nhiều khả năng chính thiền sư Chân Nguyên là người đầu tiên đã biên soạn lại hay nói như người xưa là "dọn" lại văn bản Nôm thời Trần và cho khắc in cùng với bài kể hạnh của mình lấy nhan đề sách là Thiền tông bản hạnh để lưu truyền lại. Sở dĩ nói là "dọn" lại hay biên soạn lại văn bản chữ Nôm thời Trần vì cả 2 văn bản hiện còn đều không phải là chữ Nôm thời Trần mà chỉ còn lưu lại dấu vết của văn Nôm và chữ Nôm thời Trần mà thôi. Bản in càng sớm thì dấu vết chữ Nôm thời Trần còn càng nhiều và ngược lại, bởi vậy mà chữ Nôm trong 2 bản khắc in đều mang những đặc điểm của chữ Nôm ở thời điểm khắc in văn bản.” [tr.26-27]. [2] Ngoài ra, QATT còn dùng tự dạng khác, để ghi một biến thể ngữ âm khác. (ba巴+ l¹i賴), âm tái lập: *blai5. . Như vậy ta có hai biến thể ngữ âm cùng tồn tại trong một văn bản là: *blai5/ *klai5> trái (cây trái). An Nam dịch ngữ ghi: 菓園:文拜quả viên: vườn trái, âm tái lập là *blai5. Từ điển Việt Bồ La tuy không có mục từ trái trỏ hoa quả, nhưng có ghi nhận từ đồng âm trái (với nghĩa phía trái, mặt trái), như: tlái áo, tay tlái, tlái mlẽ, nói tlái, tlái mặt thuốc, lúa tlái. [A. de Rhodes 1651, tb 1994: 230]. Xuất hiện tại các vị trí: co que thay bấy ruột ốc, khúc khuỷu làm chi *blai5 hòe (Trần tình 44.4).
KHẢO VỀ CHẰM VÀ TRẢI TRONG TIẾNG VIỆT CỔ
QUA “CƯ TRẦN LẠC ĐẠO PHÚ” CỦA TRẦN NHÂN TÔNG
Nguyễn Hùng Vĩ và Trần Trọng Dương
Bắt đầu bằng việc ngồi đọc lại tác phẩm Cư trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông. Trong tác phẩm này, ở Hội năm, câu 11 (câu 63 tính theo toàn bài) ghi:
GS Đào Duy Anh trong cuốn Chữ Nôm- nguồn gốc- cấu tạo- diễn biến phiên:
-Áo miễn chăn đầm ấm qua mùa, hoặc kim hoặc chỉ;
Cơm cùng áo đói no đòi bữa, dầu bạc dầu xoa.
Trăn trở với cách phiên đó, GS Hoàng Xuân Hãn phiên lại:
-Áo miển (mliễn) chăn, đầm ấm qua mùa, hoặc chằm hoặc xể.
Và dường như chưa thật yên tâm với cách đọc của mình, trong phần Đại ý và lược chú, GS Hoàng Xuân Hãn viết: “Áo thì mặc chằm vá, rách xể cũng chẳng hề, quí hồ ấm (hai chữ Châm 針 và Trĩ 雉 chắc đều chép chữ nôm theo phép mượn âm; nhưng đọc thế nào thì không chắc. CN đọc kim chỉ. Theo âm thì đọc châm trễ là gần nhất, nhưng tứ không hợp. Tôi đọc chằm xể, hợp hơn, tuy rằng những âm ấy ngày nay có thể viết bằng chữ Nho khác. Cũng có thể âm xể xưa là xlể)...” [tr.1118].
Rõ ràng mặc dù chủ trương đọc là chằm- xể nhưng GS cũng không chắc là đã đọc đúng. Vả lại, về nghĩa, cụ hiểu chằm là “chằm vá”, động tác dùng dây, kim luồn để nối kết các tấm vật liệu lại với nhau; còn xể là “rách xể”, lưu tích còn trong từ chổi xể.
Những băn khoăn của các nhà cựu học khiến chúng tôi phải tiếp tục suy nghĩ. Sau quá trình nghiên cứu, khảo sát các ngữ liệu cổ, chúng mạnh dạn đề xuất cách đọc hai câu phú trên như sau:
-Áo miễn chăn, đầm ấm qua mùa, hoặc chằm (chầm) hoặc trải.
Dưới đây là những giải thích của chúng tôi qua sự khảo sát từ các từ điển cổ và các ngữ liệu cổ được ghi bằng chữ Nôm. Phương pháp làm việc của chúng tôi là: dựa trên cách đọc Hán Việt của thanh phù ghi âm trong chữ Nôm, từ đó đưa ra các khả năng đoán định về âm đọc; khả năng của âm đọc được củng cố trên các tư liệu từ điển cổ từ cuối thế kỷ XIX về trước. Khi chữ Nôm có dấu vết bị sửa đổi do dọn bản của các đời sau, chúng tôi tiến hành nghiên cứu, tái lập ngữ âm tiếng Việt đồng thời soi chiếu với các cứ liệu chữ Nôm cổ để tìm ra từ nguyên cũng như lịch sử phát triển, biến đổi ngữ âm- ngữ nghĩa của ngữ tố đang khảo sát.
1. Khảo về chữ CHẰM
GS Hoàng Xuân Hãn ghi ngờ cách phiên “hoặc kim hoặc chỉ” của Gs Đào hẳn có lý của ông. Theo phép đối trong một liên phú, câu dưới ghi “dầu bạc dầu xoa” (cấu trúc: dầu + vị ngữ tính từ; dầu + vị ngữ tính từ), thì câu trên có cấu trúc (hoặc + danh từ; hoặc + danh từ) là cần phải cân nhắc lại. Cách phiên của GS Hoàng “hoặc chằm hoặc xể” với “chằm” và “xể” đều là các tính từ hoặc động từ có chức năng làm vị ngữ, theo chúng tôi là khá hữu lý. Vấn đề cần thảo luận tiếp là cách phiên chuyển, hơn nữa là cách hiểu về ngữ tố tiếng Việt cổ đang xét. Bởi lẽ, như ta biết, Cư trần lạc đạo phú có thể coi là một trong vài ba ngữ liệu sớm nhất hiện nay còn giữ được thuộc về điểm mút đầu của giai đoạn tiếng Việt cổ (thế kỷ XIII-XVI).
Chữ Châm針, chúng tôi cũng đọc là chằm (hoặc chầm) nhưng hiểu nghĩa khác đi so với giáo sư Hoàng Xuân Hãn, chúng tôi hiểu chằm là quàng, choàng, ôm lấy...
Đọc như trên, câu phú được hiểu lọn ý hơn với nghĩa nhàn nhã với cuộc sống đạm bạc của một người tu hành hòa mình với bụi trần mà vẫn thung dung lạc đạo: Để đầm ấm cho qua mùa rét thì áo hoặc chăn cái gì cũng xong, hoặc là quàng (áo) hoặc là trải (chăn), tùy lúc, không câu nệ.
Chúng ta thấy một số từ điển từ thế kỉ XIX về trước ghi nhận chữ chằm với nghĩa là quàng, choàng, ôm lấy. Cụ thể như trình bày dưới đây.
1772 – 1773, từ điển Dictionarium Anamitico Latinum (Tự vị Annam Latinh) của Piere Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu) còn ghi mục từ Chằm lấy với chữ扌針 và với nghĩa Ôm chặt [theo Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên tb. 1999, tr. 67].
1838, từ điển mang tên La Tinh như trên của Aj. L. Taberd (tên Hán Việt là Nam Việt dương hiệp tự vị) cũng có mục từ như trên, được viết bằng chữ Nôm扌針 [tr.54].
1884, Việt Pháp từ điển của Trương Vĩnh Kí có mục từ Chằm và chú tiếng Pháp là Tenir fortement.
1895, Đại Nam quấc âm tự vị của Huình – Tịnh Paulus Của cũng cho ta ngữ liệu “Chằm lấy. Giữ lấy, chụp lấy. Thấy mặt thì chằm lấy mà mắng” [tr.118]. Chữ Chằm được viết ở dạng 扌針.
Như vậy, trong quá khứ, chữ Chằm với nghĩa “ôm chặt, ôm quàng lấy” đang là một động từ hoạt động độc lập. Nghĩa của nó là rất gần gũi với các chữ quàng, choàng. Ngày nay với tư cách là một động từ như vậy, nó hầu như đã rụng khỏi ngữ dụng phổ thông, chỉ còn lại trong các kết cấu ôm chằm / ôm chầm, chằm vặp / chầm vập, ôm chằm chặp. Ta có thể giải nghĩa được từ chầm trong ôm chầm, vốn là một kết cấu đẳng lập hai động từ gần nghĩa với nhau: Ôm và Chầm. Nhưng chầm dần dần mờ nghĩa nên được hiểu như là một trạng thái bổ trợ cho Ôm và được hiểu như từ ghép chính phụ. Trong tiếng Tày ta có tiếng Chổm là quàng, ví dụ: chổm pạ slửa khửn bá mưà (choàng áo lên vai) [Hoàng Văn Ma 1984: tr.377]. tiếng Dăm có nghĩa là ôm, ví dụ: dăm chăp ăn thù nâng (ôm một mối thù) [Hoàng Văn Ma 1984: 356]. Có thể thấy chằm là một từ cổ thuộc vốn từ vựng của tiếng Việt cổ (tk XIII-XVI). Chữ này sẽ thuộc loại từ cổ thứ ba theo cách phân loại của Vương Lộc [2001, lời nói đầu tr.I]. Những từ cùng nhóm này như: han trong hỏi han, chường trong chán chường, tác trong tuổi tác, tói trong đòi tói (dây xích) và lòi tói (dây dợ),… Từ chằm không còn hoạt động một cách độc lập trong tiếng Việt Trung đại (XVII-XIX) và tiếng Việt hiện đại nữa.
Nếu nghiên cứu của chúng tôi có thể chấp nhận được, thì sẽ đem đến cho kho tàng từ cổ tiếng Việt thêm một đơn vị thú vị nữa, giải tỏa những dùng dằng mà GS Đào Duy Anh và GS Hoàng Xuân Hãn đã đề cập tới. Không những thế, có thể bổ sung cho các từ điển từ cổ và từ điển chữ Nôm một mục từ mới chưa từng xuất hiện trong bất cứ một công trình nào trước đây.
2. Khảo về chữ TRẢI
Chữ Trĩ雉đọc là trải theo kiểu mượn âm là hoàn toàn có thể xảy ra trên lý thuyết và thực tế. Mối quan hệ giữa i- ai là một mốt quan hệ đã từng được biết đến, ví dụ qua đối ứng giữa âm Hán Việt đời Đường và âm Hán Việt phi Đường: 疑nghi- ngại, 義nghĩ- ngãi,眉 mi- mày, 胝 tri- chai/ trai (cái chai tay),脂 chi- chài (mỡ chài), ,厘 li- lai (một li một lai), 理 lí- lái (lí tài- lái buôn),… Với một âm đọc phiên chuyển sang tiếng Việt hiện nay thì khả năng đọc trải là có thể chấp nhận được. Trải với tư cách động từ, có nghĩa là “trải ra, giãi ra”. Sự tương ứng của mô hình âm trong chữ Nôm, dùng thanh phù Hán có thủy âm TR- để ghi chính xác thủy âm TR- khiến chúng tôi nghĩ rằng đây có thể là một chữ Nôm do đời sau lọt vào trong quá trình dọn bản từ thiền sư Chân Nguyên (tk XVII), rồi được bảo lưu trong bản của sư Thanh Hanh (1932). Điều này chứng tỏ việc dọn bản cho chữ Nôm ở đây được thực hiện sau khi quá trình chuyển đổi của các thủy âm kép đã hoàn thành, tức quãng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Chính thiền sư Chân Nguyên cũng đã viết trong cuốn Yên Tử sơn Trần Triều Thiền tông bản hạnh rằng:
“Dược Am gió mát bóng cây
Dọn Thiền tông lại để nay san truyền”[1]
Sở dĩ chúng tôi đi đến nhận định trên đây, bởi những kết quả của ngành ngữ âm học lịch sử đã soi sáng thêm rất nhiều cho giả thuyết này. Từ điển Việt Bồ La đã có phương án ghi khá chính xác cho ngữ tố đang xét. Từ điển này ghi như sau: “blải: trải, giải nghĩa. Léy áo blải lót đàng: lấy áo trải trên đường đi” [tb1994: 39]. Đến đây ta có thể tạm thời đi đến nhận định rằng, blải thế kỷ XVII sẽ cho âm giải ở Miền Bắc và trải ở Miền Trung. Hơn nữa có thể khẳng định lại lần nữa rằng trĩ không phải là chữ Nôm đời Trần mà là chữ Nôm đời Lê Trung Hưng trong quá trình dọn bản, dùng để nghi ngữ tố trải từ thế kỷ XVIII trở lại đây.
Để hiểu thêm về từ này, chúng tôi tiến hành khảo sát các ngữ cảnh có từ thế kỷ XVII trở về trước qua một số tư liệu chữ Nôm. Sách Truyền kỷ mạn lục tăng bổ giải âm tập chú ghi: Ngủ thì áng cỏ trải làm nệm chiếu, khát thì nước suối dâng làm rượu ngọt (Q.III 67b), bèn khiến trải chiếu bên Đông bên Tây, sánh ngồi luận sự văn (Q.IV 40b), chữ trải đều được ghi bằng . Có thể thấy, chữ Nôm trong Truyền kỳ mạn lục là một chữ Nôm hình thanh, nhưng vẫn có thanh phù lại 吏dùng để ghi phần âm lỏng và khuôn vần của ngữ tố đang xét. Dù cách ghi có khiếm khuyết, nhưng dựa vào cứ liệu của Từ điển Việt Bồ La, ta vẫn có thể tái lập là *blai3. Như thế mô hình âm của chữ Nôm sẽ là L-(BL-), dùng L- để ghi BL-. Theo các kết quả nghiên cứu của Vương Lộc qua An Nam dịch ngữ, từ thế kỷ XV-XVI về trước, ngữ tố này có thể có hai biến thể ngữ âm là *blai3và *tlai3. Quá trình diễn biến ngữ âm, theo chúng tôi có thể trình bày như sau:
*blai3> hòa đúc> trải (Trung)
*blai3> hòa đúc> giải (Bắc)
*blai3> rụng âm [b] > rải/ rãi.
*tlai3> rụng âm lỏng> tãi/ toãi.
Thế kỷ XII, ngữ tố đang xét xuất hiện trong câu sau: mẹ nằm ngày sinh con, năm tạng đều - ra (13a3), dịch từ câu Hán văn 慈母生居日,五臟揔開張. Từ điển Chữ Nôm của Viện NC Hán Nôm cho tự dạng Nôm là (tr.1142). Hoàng Thị Ngọ cho rằng chữ Nôm đang xét là阿 賴 [tr.58] và nhận định đây là một tổ hợp phụ âm có âm tiền tắc thanh hầu hóa. Chúng tôi theo ý kiến này và tái lập là *?laj3. Tuy nhiên, chúng tôi xin đính chính lại một điểm, tự dạng Nôm chính xác là , vi tính hóa là 阿懶 a lãn. Chữ (cự巨 + lãn懶) thì chữ cự là chữ viết bằng bút lông (chứ không phải nét khắcvốn có của bản khắc), nét chữ mềm, yếu và lạc hẳn phong cách so với toàn bộ văn bản, có lẽ do người đời sau thêm vào. Từ điển chữ Nôm của Viện NC Hán Nôm thì coi 阿 là một thành tố chưa thể lý giải, bởi nó nằm ở vị trí cuối cùng của dòng trước, cho nên mặc nhận chữ (nằm ở đầu dòng) là đúng.
Tuy nhiên, dấu cự lại là một chứng tích khá xưa do người đời sau thêm vào. Nó phản ảnh một tự dạng cổ trước thế kỷ XVII. Có thể thấy tự dạng này trong Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi dùng để ghi ngữ tố trái. (cự巨 + lãn懶), âm tái lập: *klai5 xuất hiện trong các câu muốn ăn *blai5 dưỡng nên cây, ai học thì hay mựa lệ chầy (Bảo kính cảnh giới 137.1), (ThuËt høng 64.4)[2]. Như thế, ta có thể có chữ Nôm cổ có trước và xuất hiện sau阿懶. Quá trình diễn biến chữ Nôm có thể như sau:
阿懶 (XII
Các biến thể ngữ âm đã tái lập từ thế kỷ XVII về trước có thể là, *?laj3, *klai3, *tlai3, *plai3 hoặc *blai3. Các biến thể ngữ âm hậu kỳ là: trải, giải, giãi, rải, rãi, tãi, toãi.
Ít nhiều, ta có thể thấy rằng, cổ hơn雉. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là chữ惐 là một tự dạng phổ dụng hơn nhiều so với 雉, có thể thấy chữ này xuất hiện trong hàng loạt các tác phẩm Nôm thế kỷ XVIII-XIX và đầu thế kỷ XX nữa, như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, thơ Nôm Nguyễn Khuyến,…. Lúc ấy, chỉ tồn tại như là một lưu tích của chữ Nôm cổ, chứ không mang giá trị ghi âm như trước nữa.
Về nghĩa, thì các ngữ cảnh đã xét ở trên cho ta nghĩa cơ bản của ngữ tố trải, trỏ một vật được rãi ra, tãi ra trên một mặt phẳng, trên một không gian. Như quy luật chung của ngôn ngữ, nghĩa liên quan đến không gian sẽ được chuyển sang nghĩa liên quan đến thời gian. Đến đây, chúng tôi cho rằng, trải trong các từ và các ngữ trải qua, từng trải, trải làm, trải giữ, trải đời, bươn trải,… là nghĩa dẫn thân của chữ giải/ trải/ rải/ tãi đang xét. Khảo các ngữ liệu cổ, chúng tôi bắt gặp khá nhiều ngữ cảnh có nghĩa này. Cụ thể như sau: NhËt nguyÖt soi ®ßi chèn hiÖn, §«ng hÌ tr¶i ®· xa hay (Quốc âm thi tập, TrÇn t×nh 45.6), được ghi bằng (thanh phù: lại), âm tái lập: *tlai3 > trải/ giải (-qua, kinh lịch qua). AR ghi một từ đồng âm gần nghĩa là blải (trải, giải nghĩa) [1994: 39]. Gaston Nhẫn tái lập âm *plải [1967: 50]. Chữ trải trong QATT của Nguyễn Trãi mang nghĩa “trôi qua” thuộc loại động từ bất cập vật. Bạch Vân Am thi tập thế kỷ XVI của Nguyễn Bỉnh Khiêm ghi trong câu trải gian nguy đã mấy phen (tr.3b), chữ trải mang nghĩa “từng kinh qua”, lưu tích còn trong từ nếm trải, từng trải. Hai nghĩa trên còn thấy xuất hiện trong một số ngữ cảnh sau. Truyền kỳ mạn lục thế kỷ XVI-XVII có câu trải xuân thu hai khoa thi (QI 52b), ở quan trải một tháng (QIII 4b), Trải khổ từng nghèo (QVI 36b). Truyện Kiều có câu trải bao thỏ lặn ác tà (26). Lục Vân Tiên có câu trải bao dấu thỏ đường dê (15). Nguyễn Khuyến có câu ăn chơi đã trải chết chôn chưa hề (14a). Thiên Nam ngữ lục thế kỷ XVII ghi trải xem lịch đại đế vương (tr.130a), ở ngữ cảnh này trải mang nghĩa là “khắp”, là một trạng từ bổ nghĩa cho động từ vị ngữ. Sô Nghiêu đối thoại thế kỷ XVIII ghi ngắm chơi đã trải miền thôn dã (5a), chữ trải ở đây là một động từ nghĩa là “đi hết, đi khắp”.
Với âm giãi, ta có một số nghĩa sau. Nghĩa thứ nhất là trỏ (ánh sáng) rải ra trên một bề mặt. Ví dụ QATT của Nguyễn Trãi có những câu như: Quỹ Đông giãi nguyệt in câu (Ngôn chí 14.4), cửa song giãi xâm hơi nắng (Ngôn chí 21.3), Hang thỏ chìm tăm hải nhược, Nhà giao giãi bóng thiềm cung (Thủy thiên nhất sắc 213.4). Nghĩa dẫn thân là “phơi ra” trong câu mới hay thế khốn anh hùng giãi thây (Thiên Nam ngữ lục,104a). Nghĩa bóng dẫn thân cuối cùng là “phơi bày tâm can” như giãi thực niềm đan trẫm được hay (Hồng Đức quốc âm thi tập 66b), rỉ tai nàng mới giãi bày thấp cao (Kiều 19a), lưu tích còn trong từ giãi bày, giãi lời. Chữ giãi trong các ngữ cảnh trên đều được ghi bằng chữ Nôm có thanh phù 豸trĩ /trãi. Điều này càng củng cố cho cách đọc trải cho ngữ liệu Nôm trong Cư trần lạc đạo đã bàn ở trên.
Tóm lại, qua khảo sát các cứ liệu chữ Nôm và ngữ liệu tiếng Việt cổ từ thế kỷ XIX trở về trước, chúng tôi đề xuất cách đọc chằm và trải cho câu phú của vua Trần Nhân Tông: Áo miễn chăn, đầm ấm qua mùa, hoặc chằm (chầm) hoặc trải. Đây là cách phiên chuyển từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ, từ tiếng Việt cổ sang tiếng Việt hiện đại. Còn nếu thật sự chặt chẽ, phải tiến hành phiên sang tiếng Việt cổ- với một hệ thống các ký hiệu chữ Quốc ngữ riêng biệt- đặc thù, nhất là với những ngữ tố có tổ hợp phụ âm đầu như mliễn hay klải. Tuy nhiên, vấn đề nêu ra là khá phức tạp, cần phải thảo luận chi tiết trong một dịp khác.
Hà Nội 10-13/12/2011
Tư liệu tham khảo:
A. de. Rhodes 1651. Dictionarivm Annnamiticivm Lvsitanvm et Latinvm ope Sacrae Congregationis de Propaganda Fide in Lucem Editum ab Alexandro de Rhodes e Societati Jesu, Eiusdemque Sacra Congregationis Missionario Apostolico. - Romae : typis & sumptibus eiusdem Sacr. Congreg. p. 633., tb.1994. Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Quang Chính phiên dịch, Nxb. Khoa học Xã hội.
Cư trần lạc đạo. Thanh Hanh trùng san 1932. Bản in ván chùa Vĩnh Nghiêm do tác giả thực hiện năm 1999.
Đào Duy Anh – Chữ Nôm, nguồn gốc, cấu tạo và diễn biến. Nxb KHXH. Hà Nội.
Gaston Nhẫn. 1967. Etude du consonantisme du Quốc âm thi tập (Nghiên cứu hệ thống phụ âm đầu của Quốc âm thi tập, Luận án Tiến sĩ đệ tam cấp, 203 trang, hiện lưu tại Thư viện I. N. A. C. O. - Pháp).
Hoàng Thị Ngọ (khảo cứu, phiên âm, chú giải). 2009. Thiền tông bản hạnh. Nxb Văn học. Tp Hồ Chí Minh.
Hoàng Xuân Hãn. Văn Nôm và chữ Nôm đời Trần Lê… Trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Tập 3. Nxb Giáo dục. Hà Nội.
Hoàng Văn Ma, Lục Văn Pảo. 1984. Từ điển Việt- Tày- Nùng. Nxb KHXH. Hà Nội.
Huình Tịnh Paulus Của, (1895-1896), “大 南 國 音 字 彙” Đại Nam quấc âm tự vị, SaiGon Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4, rue d’Adran, 4.; Nxb.Trẻ.1998 (theo ấn bản 1895-1896).
Khuyết danh. XII. Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh. Bản Trịnh Quán in <1730. Pierre Pegneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu), Dictionarium Anamitico Latinum 1772-1772 (Tự vị An nam La tinh) bản chép tay, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu, Nxb.Trẻ. (tb.1999). L.J. Taberd, 1838, Dictionarium Anamitico- Latinum (南越洋合字彙 Nam Việt Dương hiệp tự vị), Frederrichnagori Vulgo Serampore. Thiều Chửu. 1997. Hán Việt tự điển. Nxb Tp Hồ Chí Minh. Trương Vĩnh Ký, P.J.-B., 1884, Petit dictionnaire français-Annamite, Saigon, Imprimerie de la Mission à Tân Định. Vương Lộc. 2001. Từ điển từ cổ. Nxb. Đà Nẵng. Vệ Thạch Đào Duy Anh. 1932. Từ điển Hán Việt. (Hãn Mạn Tử - Giao Tiều hiệu đính) TIENG DAN. HUE. (tb 2001) Nxb KHXH. Hà Nội. -------------------------------------------------------------------------------- [1] Quá trình truyền bản và “dọn bản”, Hoàng Thị Ngọ đã viết như sau: “Lúc đầu Thiền tông bản hạnh vốn chỉ có bốn bài, trong bốn bài này thì bài đầu do thiền sư Chân Nguyên sáng tác còn ba bài phú tiếp theo là do thiền sư sưu tập những trước tác của các vị sư tổ thứ nhất và thứ ba thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để làm thành một cuốn sách. Cuốn sách đầu tiên này phải được hoàn thành khi thiền sư Chân Nguyên còn sống, tức là vào khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Như vậy, rất nhiều khả năng chính thiền sư Chân Nguyên là người đầu tiên đã biên soạn lại hay nói như người xưa là "dọn" lại văn bản Nôm thời Trần và cho khắc in cùng với bài kể hạnh của mình lấy nhan đề sách là Thiền tông bản hạnh để lưu truyền lại. Sở dĩ nói là "dọn" lại hay biên soạn lại văn bản chữ Nôm thời Trần vì cả 2 văn bản hiện còn đều không phải là chữ Nôm thời Trần mà chỉ còn lưu lại dấu vết của văn Nôm và chữ Nôm thời Trần mà thôi. Bản in càng sớm thì dấu vết chữ Nôm thời Trần còn càng nhiều và ngược lại, bởi vậy mà chữ Nôm trong 2 bản khắc in đều mang những đặc điểm của chữ Nôm ở thời điểm khắc in văn bản.” [tr.26-27]. [2] Ngoài ra, QATT còn dùng tự dạng khác, để ghi một biến thể ngữ âm khác. (ba巴+ l¹i賴), âm tái lập: *blai5. . Như vậy ta có hai biến thể ngữ âm cùng tồn tại trong một văn bản là: *blai5/ *klai5> trái (cây trái). An Nam dịch ngữ ghi: 菓園:文拜quả viên: vườn trái, âm tái lập là *blai5. Từ điển Việt Bồ La tuy không có mục từ trái trỏ hoa quả, nhưng có ghi nhận từ đồng âm trái (với nghĩa phía trái, mặt trái), như: tlái áo, tay tlái, tlái mlẽ, nói tlái, tlái mặt thuốc, lúa tlái. [A. de Rhodes 1651, tb 1994: 230]. Xuất hiện tại các vị trí: co que thay bấy ruột ốc, khúc khuỷu làm chi *blai5 hòe (Trần tình 44.4).
Subscribe to:
Posts (Atom)