Phạm Thị Phượng
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Địa danh học là một bộ phận của Danh xưng học, một phân ngành của Ngôn ngữ học, chuyên nghiên cứu về tên gọi, danh xưng của các vùng miền, sông suối, hồ đầm, đơn vị hành chính… So với các ngành khoa học khác trên thế giới, Địa danh học là một khoa học ra đời khá muộn. Theo một số tài liệu khảo chứng công bố gần đây, trên thế giới, chuyên ngành Địa danh học được hình thành vào khoảng thế kỷ XIX và đến đầu thế kỷ XX đã thực sự trở thành một trong những lĩnh vực mới của Ngôn ngữ học và đạt được nhiều thành tựu đáng kể với hàng trăm công trình lớn nhỏ được công bố. Đến giai đoạn nửa cuối thế kỷ XX, ngành Địa danh học Việt Nam mới bắt đầu hình thành và có những bước phát triển cơ bản đầu tiên.
Là bộ phận cấu thành hệ thống từ vựng của một ngôn ngữ, địa danh và ngôn ngữ có quan hệ biện chứng với nhau. Nó vừa là một hình thức biểu hiện phong phú, vừa chính là phương thức tồn tại khá đặc biệt của ngôn ngữ. Vì thế, chúng ta không thể hiểu, giải thích địa danh nếu không sử dụng những tri thức về ngôn ngữ. Do đó, có thể xem địa danh là một loại cứ liệu lịch sử đối với việc nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển từ vựng nói riêng và ngôn ngữ nói chung.
Địa danh không chỉ gắn bó chặt chẽ với văn hoá, mà còn có mối quan hệ khăng khít với địa lý cũng như lịch sử phát triển dân cư của một vùng nhất định. Mỗi địa danh đều gắn với những chủ thể nhất định ở các giai đoạn lịch sử nhất định. Qua một địa danh nhất định nào đó, chúng ta có thể tìm hiểu được quá trình lịch sử - xã hội của một dân tộc, thấy được đặc trưng văn hoá, cuộc sống sinh hoạt, thậm chí nhu cầu tâm lý của họ. Trong một vùng đất có nhiều dân tộc cộng cư với nhau, địa danh ở nơi đó cũng mang dấu tích của nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tên gọi lịch sử của mỗi vùng miền được hình thành trong những điều kiện xã hội, lịch sử nhất định mang những dấu ấn văn hoá nhất định. Nhiều địa danh phản ánh tên gọi của dân tộc, cây cỏ, muông thú, sự vật... mang đặc trưng riêng biệt. Những địa danh ấy đã trở thành vật hoá thạch, những đài kỉ niệm bằng ngôn ngữ độc đáo, lưu trữ các thông tin văn hóa về thời đại mà nó chào đời, còn lưu giữ mãi về sau.
Bình Định là một tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ với lịch sử hình thành khá đặc biệt, là mảnh đất anh hùng và hiên nganh qua khá nhiều biến cố lịch sử. Ở vùng đất này, bên cạnh văn hoá của người Kinh, những di tích văn hóa cổ Chămpa - chủ nhân ông xa xưa, vẫn còn tồn tại khá đậm nét với những bòng tháp chàm bên rặng dừa xanh ngắt, những xóm, thôn sinh hoạt theo văn hoá Chăm và các dân tộc cộng cư khác như Bana, H’rê… Qua những biến cố lịch sử khác nhau, hệ thống địa danh của tỉnh cũng có ít nhiều thay đổi sao cho phù hợp sự phát triển của từng thời kỳ, điều đó không chỉ phản ánh một cách trung thực lịch sử, ngôn ngữ mà còn biểu hiện sự đa dạng phong phú về văn hoá, lễ tục ở địa phương này trong tiến trình phát triển của nó.
Với tư cách là sinh viên ngành Việt Nam học - Du lịch, là người làm công tác văn hoá, du lịch trong tương lai, chúng tôi nhận thấy “địa danh” là một vấn đề khá quan trọng liên quan mật thiết đến du lịch, được đông đảo khách du lịch quan tâm, tìm hiểu. Sự khai thác đúng mức và hợp lý những địa danh văn hoá trên địa bàn tỉnh Bình Định không chỉ giúp ích cho quá trình nghiên cứu về văn hoá, lịch sử mà còn góp phần tạo điều kiện phát triển du lịch tỉnh nhà.
Từ những lý do cơ bản trên, chúng tôi đi vào tìm hiểu đề tài “Địa danh Bình Định nhìn từ góc độ văn hóa”. Qua đề tài này, chúng tôi bước đầu làm sáng tỏ hơn những giá trị văn hóa vật chất cũng như tinh thần của địa phương và ảnh hưởng của chúng đến quá trình phát triển văn hóa xã hội của tỉnh. Là một đề tài khá mới mẻ trực tiếp nghiên cứu về địa danh của một địa phương cụ thể,do đó khi nghiên cứu về vấn đề này cũng sẽ gặp phải các vấn đề khó khăn về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, nhiều vấn đề lý luận cần phải giới thuyết cho phù hợp.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
2.1. Tình hình nghiên cứu địa danh trên thế giới
Vấn đề nghiên cứu địa danh được phát triển từ rất lâu trên thế giới. Sự phát triển này không phải chỉ được quan tâm ở các nước phương Tây mà ngay ở phương Đông, đặc biệt Trung Quốc, một nước liền kề với chúng ta, địa danh cũng được quan tâm từ rất sớm như: Thời Đông Hán, Ban Cố đã ghi chép hơn 4000 địa danh trong bộ Hán thư, trong đó có một số địa danh đã được ông giải thích rất rõ về nguồn gốc và ý nghĩa. Đời Bắc Ngụy (380-535 TCN) trong Thủy Kinh chú sớ, Lịch Đạo Nguyên đã ghi chép hơn 2 vạn địa danh, số được giải thích ngữ nguyên là hơn 2300 địa danh.
Ở các nước phương tây, bộ môn Địa danh học chính thức ra đời vào cuối thế kỷ XIX. Năm 1872, J.J.Eghi (Thụy Sĩ ) công bố chuyên luậnĐịa danh học. Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Ủy ban địa danh của các nước Mỹ, Thụy Điển, Anh lần lượt ra đời, góp phần thúc đẩy sự phát triển khá nhanh chóng của khoa học nghiên cứu về địa danh.
Tiên phong trong lĩnh vực xây dựng hệ thống lí luận về lí thuyết địa danh là các nhà Địa danh học Xô Viết. Những năm 60 của thế kỉ XX tại Liên Xô đã có hàng loạt công trình nghiên cứu về lĩnh vực này ra đời. E.M.Murzaev viết cuốn Những khuynh hướng nghiên cứu địa danh học (1965) và A.V.Superanskaia đã xuất bản công trình Địa danh là gì? (1985). Năm 1964, tiếp thu thành tựu ngiên cứu của các nhà khoa học tiền bối, học giả A.I.Popov đã đưa ra những nguyên tắc cơ bản của công tác nghiên cứu địa danh, trong đó chú trọng hai nguyên tắc chính là phải dựa vào tư liệu lịch sử của các ngành Ngôn ngữ học, Địa lý học, Sử học và phải thận trọng khi sử dụng phương pháp thành tố để phân tích cấu tạo của địa danh. Ngoài ra, I. A. Kapenco (1964) đã phát biểu những ý kiến bàn về Địa danh học đồng đại. Qua các công trình công bố trên tập san của Viện Hàn Lâm khoa học Xô Viết, N.V.Podonxkaija đã tập trung phân tích, lí giải nội dung địa danh đã mang những thông tin gì. Công trình của bà đã góp phần làm cho việc nghiên cứu địa danh ngày càng đi sâu vào bản chất. Nhà nghiên cứu A.V.Superanskaia trong cuốn Địa danh là gì? (1985) đã đặt ra những vấn đề vừa mang tính cụ thể vừa mang tính khái quát cao. Trong công trình nghiên cứu của mình, tác giả đã đi sâu vào những vấn đề thiết thực liên quan đến việc phân tích địa danh. Ngoài việc trình bày cách hiểu về khái niệm địa danh, bà còn nêu lên các vấn đề khác như tính liên tục của tên gọi, không gian tên riêng và các loại địa danh (địa danh kí hiệu, địa danh mô tả, địa danh ước vọng) cũng như tên gọi các đối tượng địa lí theo địa hình. Có thể nói đây là những công trình lớn, có giá trị tổng kết những kết quả nghiên cứu cơ bản, đặt nền móng vững chắc cho các công trình nghiên cứu về Địa danh học về sau.
Bên cạnh những công trình của các nhà Địa danh học Xô Viết, các nhà nghiên cứu địa danh ở một số quốc gia cũng đã có những đóng góp không nhỏ trong lĩnh vực này. Tại Pháp, học giả Ch.Rostaing (1965) trong tác phẩm Les noms de lieux đã nêu ra hai nguyên tắc nghiên cứu địa danh. Đó là phải tìm ra các hình thức cổ của các từ cấu tạo địa danh và muốn biết hình thức từ nguyên của địa danh thì phải dựa trên kiến thức ngữ âm học địa phương. Chuyên luận này đã bổ sung những vấn đề mang tính lý luận cho vấn đề mà A.I.Popov đã nêu ra trước đó.
Nhìn chung, điểm qua một số công trình cơ bản trên, chúng ta có thể hình dung lịch sử nghiên cứu địa danh học trên thế giới đã hình thành và phát triển qua ba giai đoạn. Giai đoạn phôi thai ngay từ những năm đầu công nguyên với việc tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa cũng như diễn biến của địa danh. Giai đoạn hình thành bắt đầu từ thế kỷ XIX và đến giữa thế kỷ XX giai đoạn này coi như chấm dứt chuyển sang giai đoạn phát triển và đạt được những thành công đáng kể thì Địa danh học Việt Nam mới bắt đầu dần dần hình thành.
2.2. Tình hình nghiên cứu địa danh ở Việt Nam
Ở Việt Nam, vấn đề nghiên cứu địa danh cũng được quan tâm từ rất sớm. Theo các tài liệu cổ thư của Trung Hoa như Tiền Hán thư, Dư địa chí, Hậu Hán thư, Tấn thư, trong thời kỳ Bắc thuộc, để phục vụ cho công cuộc cai trị, người Trung Hoa đã chú ý đến các địa danh ở Việt Nam. Sau thời kỳ Bắc thuộc, trong thời kỳ phong kiến độc lập, đặc biệt từ thế kỷ XV trở đi, việc nghiên cứu địa danh mới được các nhà nghiên cứu Việt Nam thực hiện. Trong thời gian này, địa danh mới chỉ được các tác giả thu thập, tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa. Đó là một số trứ tác của các học giả trí thức Nho học Việt Nam như: Thời Lý có Nam Bắc phiên giới địa đồ (1172), thời Trần có An Nam chí lược của Lê Tắc, thời thuộc Minh có Giao Châu địa chí của Trương Phụ (Trung Hoa), thời Lê Sơ có bộ Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi (1435), đặc biệt ở niên hiệu Hồng Đức, Lê Thánh Tông đã rất chú ý đến vấn đề cương vực đất nước, ông đã cho biên soạn Thiên hạ bản đồ, đến thời Lê Trung Hưng thì tăng bổ và đổi tên là Hồng Đức bản đồ, trong đó có phần phụ chú Giáp Ngọ niên bình Nam đồ, tức là phần chép thêm các địa danh thuộc vùng Thuận Quảng mới được thu phục và tổ chức lại. Từ thời Lê Trung Hưng trở về sau, vấn đề nghiên cứu địa danh được các học giả chú trọng, tiêu biểu như Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An (thế kỷ XVI), Hoan Châu Ký của Nguyễn Cảnh Thị (thế kỷ XVII), Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn. Năm 1723, nhà Hậu Lê cho biên soạn Tân Định bản đồ, Thiên Nam lộ, cũng trong thời gian này, các ông Ngô Thời Sĩ, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Tông Quải đã dựa vào Dư Địa chí của Nguyễn Trãi và biên soạn thêm bộ Nam Quốc Vũ Cống. Thời kỳ Tây Sơn, một có một số công trình khai thác về địa danh cũng được chú ý như Cảnh Thịnh Tân đồ, Mục Dã Trấn Doanh đồ. Đặc biệt, vào thời kỳ nhà Nguyễn (1802 - 1945), thành tựu nghiên cứu về địa danh đã phát triển khá mạnh mẽ, các công trình địa dư như Hoàng Việt nhất thống địa dư của Lê Quang Định (1806), Hoàng Việt Địa Dư Chí của Phan Huy Chú (1821), Phương Đình Dư Địa Chí, Đại Việt địa dư toàn biên của Nguyễn Văn Siêu (1900), Đại Nam thống chí (biên soạn thời Thiệu Trị), Đại Nam nhất thống chí (biên soạn thời Tự Đức), Đại Nam quốc cương vựng biên của Hoàng Hữu Xứng (1886), Đồng Khánh địa dư chí (biên soạn thời Đồng Khánh) và các bộ địa chí địa phương như Bắc Thành địa dư chí của Lê Chất, Gia Định thành thông chícủa Trịnh Hoài Đức, Nghệ An ký, Nam Định tỉnh địa dư chí... Nhìn chung, các công trình địa dư được biên soạn trước năm 1945 chủ yếu tập trung vào phân loại, định hình tên gọi và nghiên cứu nặng về tính hành chính, lịch sử. Các nhà biên soạn chưa chú tâm vào vấn đề giải thích ý nghĩa của hệ thống này, vì thế những công trình trên là những tư liệu cần thiết, bổ túc cho các nhà nghiên cứu địa lý lịch sử, ngôn ngữ học lịch sử và địa danh học lịch sử.
Vấn đề nghiên cứu địa danh ở Việt Nam thực sự có bước tiến đáng kể từ năm 1960 trở đi. Với công trình Mối quan hệ về ngôn ngữ cổ đại ở Đông Nam Á qua một vài tên sông của Hoàng Thị Châu (1964) được xem như công trình đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu địa danh từ góc nhìn ngôn ngữ học. Cùng với công trình của Hoàng Thị Châu, chuyên luận Vấn đề về Địa danh học Việt Nam của GS. Nguyễn Văn Âu (1978) là công trình mang tính lý luận đầu tiên dưới góc nhìn Lịch sử - Địa lý - Ngôn ngữ học.
Năm 1991, Lê Trung Hoa công bố chuyên luận Địa danh ở Thành phố Hồ Chí Minh, đây là công trình đầu tiên nghiên cứu địa danh dưới góc độ ngôn ngữ học và trình bày khá hệ thống những vấn đề mà người nghiên cứu địa danh cần quan tâm (phân loại và định nghĩa địa danh, nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu địa danh, các phương thức đặt địa danh, cấu tạo địa danh, ý nghĩa và nguồn gốc một số địa danh…) Đến năm 1996, Nguyễn Kiên Trường với luận án PTS Những đặc điểm chính về địa danh Hải Phòng đã bổ sung thêm những vấn đề lý thuyết mà Lê Trung Hoa đã đưa ra trước đó.
Đặc biệt trong những năm gần đây, việc nghiên cứu địa danh từ góc độ văn hóa cũng có nhiều khởi sắc tiêu biểu có một số công trình như:Một số vấn đề về Địa danh học Việt Nam của Nguyễn Văn Âu (1988, tái bản 1998), chuyên luận Việt Nam cái nhìn địa – văn hóacủa Trần Quốc Vượng (1999), Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam bộ của Bùi Đức Tịnh (1999), đặc biệt cụm công trình khảo cứu về địa danh của Lê Trung Hoa đã chính thức hình thành một phương pháp mới mang tính liên ngành văn hoá, ngôn ngữ trong lịch sử nghiên cứu địa danh ở Việt Nam như: Địa danh thành phố Hồ Chí Minh (1998),Nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu địa danh (1999), Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam bộ và tiếng Việt văn học (2005)…và một số các tiểu luận chuyên đề, bài báo khoa học đăng tải trên tạp chí Ngôn ngữ, Ngôn ngữ và Đời Sống, Xưa và Nay...
Để góp phần bổ túc tư liệu cho việc nghiên cứu địa danh cụ thể và tài liệu tham khảo cho các ngành Du lịch, Việt Nam học, Lịch Sử, Ngôn ngữ…, bên cạnh những công trình nghiên cứu đã nêu, chúng ta có thể kể đến một số công trình ra đời dưới dạng từ điển địa danh, dư địa chí của một số địa phương, địa danh lịch sử văn hoá, sổ tay địa danh...
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trên đã từng bước đặt nền móng cho việc xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho hệ thống lý luận về Địa danh học Việt Nam. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của những công trình này là chưa bao quát hết những vấn đề mang tính lý luận khái quát và những thể nghiệm cụ thể về hệ thống địa danh ở một vùng miền cụ thể.
2.3. Vấn đề nghiên cứu địa danh ở Bình Định
Xuất phát từ nhiều phương diện và hướng tiếp cận khác nhau, vấn đề nghiên cứu địa danh Bình Định đã và đang nhận được khá nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu văn hoá địa phương. Người đầu tiên đặt vấn đề một cách nghiêm túc, theo chúng tôi có lẽ là học giả Bùi Văn Lăng với công trình Khảo cứu một số địa danh Bình Định (tác giả tự xuất bản, Quy Nhơn, 1934), Quách Tấn trong Non nước Bình Định(1966) đã khảo sát tương đối công phu về các địa danh trong địa bàn tỉnh Bình Định, tuy nhiên công trình của ông chỉ dừng lại ở những địa danh địa lý, lịch sử. Trong công trình Tìm hiểu Nhân danh - Địa danh Nam Trung bộ từ góc độ văn hóa (Đề tài NCKH cấp trường năm 2009), ThS. Võ Minh Hải đã triển khai nghiên cứu về hệ thống địa danh của tỉnh Bình Định từ góc nhìn văn hóa. Tuy nhiên, đây lại là một công trình nghiên cứu tổng hợp cả về hệ thống nhân danh và địa danh của các tỉnh Nam Trung bộ nói chung, vì vậy số lượng tư liệu nghiên cứu về Bình Định cũng chỉ được tác giả nhắc qua và chưa có phân tích cụ thể. Tiếp theo đó, với bài viết Tìm hiểu ca dao địa danh Bình Định từ góc nhìn văn hóa (Tạp chí Khoa học, Số II, Trường Đại học Quy Nhơn, 2010), tác giả cũng chính thức đưa ra một hướng tiếp cận văn hoá đối với hệ thống địa danh Bình Định thông qua những bài ca dao được sưu tập ở địa phương. Nhìn chung, các đề tài, công trình đã đề cập trên cũng chỉ là những bước khảo sát đầu tiên chưa khái quát thành những vấn đề mang tính khái quát chung, song đây có thể xem là tiền đề cơ bản để chúng tôi đi sâu tìm hiểu và phục vụ cho mục đích nghiên cứu của mình.
Tóm lại, có thể nói, đề tài Địa danh Bình Định nhìn từ góc độ văn hóa là một hướng tiếp cận, nghiên cứu mới về hệ thống địa danh ở một địa phương cụ thể. Qua 03 hướng khái quát trên về lịch sử tiếp cận địa danh, chúng ta có thể khẳng định rằng, hướng tiếp cận văn hoá đối với địa danh Bình Định vẫn còn là vấn đề cần được đầu tư, khảo sát và bổ túc thêm.
3. Phương pháp nghiên cứu
Trong luận văn chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau:
3.1. Sưu tầm, điền dã: Để thực hiện công việc nghiên cứu một cách chính xác và thuyết phục, chúng tôi đã đi điền dã tại một số địa phương trong điều kiện cho phép để tìm hiểu thêm về năm tháng ra đời cũng như lý do đặt tên cho địa danh ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định. Đặc biệt, chúng tôi cũng sử dụng một số kết quả sưu tầm điền dã ở khu vực Nam Trung Bộ của sinh viên khoa Ngữ văn, trường Đại học Quy Nhơn từ năm 1988 đến 2009.
32. Phương pháp tổng quan tư liệu: Để có được cái nhìn bao quát về đề tài, chúng tôi sử dụng phương pháp tổng quan tư liệu, sưu tập các tài liệu hiện có ở các thư viện, trên internet thông qua các web site, tư liệu sách báo, cũng như các loại tạp chí chuyên ngành và không chuyên…
3.3. Phương pháp nghiên cứu liên ngành ngôn ngữ - văn hóa: Bên cạnh việc sưu tập, chúng tôi đã vận dụng các phương thức tiếp cận cơ bản của hai ngành ngôn ngữ và văn hóa đối với hệ thông địa danh qua các tư liệu điền dã, địa chí văn hóa. Để từ những cách thức tiếp cận ấy chúng tôi sẽ cố gắng nêu bật những giá trị văn hóa của tỉnh Bình Định thông qua hệ thống địa danh đã khảo sát.
3.4. Phương pháp phân tích, tổng hợp, khái quát hóa: Từ những cứ liệu đã khảo sát cụ thể, chúng tôi từng bước tiến hành phân tích, tổng hợp, khái quát hóa thành những luận điểm, những đặc trưng, giá trị văn hóa của Bình Định.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là hệ thống địa danh trên địa bàn tỉnh Bình Định, bao gồm: Các địa danh chỉ địa hình tự nhiên, địa danh chỉ các đơn vị dân cư, địa danh chỉ các công trình nhân tạo…
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Bên cạnh các tư liệu hiện có và chưa được xử lý, để tạo tính khách quan trong khoa học, chúng tôi khảo sát trực tiếp và phân tích hệ thống địa danh cụ thể trong hai công trình đã được xuất bản chính thống làNước non Bình Định (1966) của Quách Tấn và Ca dao Bình Định(1990) của Huỳnh Triếp, Nguyễn Có, Nguyễn Danh Phương.
5. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu hệ thống địa danh Bình Định từ góc nhìn văn hóa luận văn nhằm tìm hiểu đặc điểm lịch sử - văn hóa còn được lưu giữ và phản ánh qua ý nghĩa và hình thái bên trong của mỗi tên gọi nơi đây, góp phần làm sáng tỏ truyền thống văn hoá - lịch sử của địa phương nói riêng, của dân tộc ta nói chung.
Đồng thời thông qua kết quả nghiên cứu đạt được, khoá luận góp phần cung cấp thêm tư liệu học tập, nghiên cứu về địa danh Bình Định một cách tương đối và hệ thống cho sinh viên ngành Lịch sử, Việt Nam học - Du lịch, từng bước xây dựng lý luận về bộ môn Địa danh học vốn chưa được phát triển như một chuyên ngành khoa học thực thụ ở nước ta.
6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
6.1. Ý nghĩa khoa học
- Góp phần bổ sung lý thuyết về nghiên cứu địa danh đối với một vùng miền có sự cộng cư, đan xen của nhiều dân tộc. Trong đó, ngôn ngữ, bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc vừa bảo toàn một cách trọn vẹn song cũng đóng góp nét riêng của mình cho cộng đồng.
- Kết quả nghiên cứu của luận văn sẽ góp phần bổ sung thêm tư liệu cho ngành nghiên cứu lịch sử, văn hoá, du lịch của Bình Định nói riêng cũng như việc nghiên cứu địa danh Việt Nam nói chung. Đồng thời kết quả nghiên cứu này sẽ góp phần giúp Bình Định phát triển văn hoá, du lịch cũng như việc sử dụng làm tư liệu tham khảo bổ ích trong việc giảng dạy văn hoá, dân tộc, lịch sử và giáo dục việc giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống về bản sắc văn hoá dân tộc trong nhà trường, trong huyện, thị xã và trong tỉnh.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn: Tư liệu và kết quả của khoá luận bước đầu góp phần xây dựng một công trình về địa danh tỉnh Bình Định. Bên cạnh đó đề tài còn đóng góp cho nghiên cứu lịch sử, văn hóa và công tác hoạch định hành chính của tỉnh Bình Định nói riêng và khu vực Nam Trung bộ nói chung.
7. Bố cục của đề tài
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Phụ lục và Tài liệu tham khảo chính, đề tài của chúng tôi được chia thành ba chương, cụ thể như sau:
Chương 1: Cơ sở lý luận của đề tài
Chương 2: Khảo sát và phân loại hệ thống địa danh trên địa bàn Bình Định
Chương 3: Tìm hiểu một số địa danh văn hóa của tỉnh Bình Định
CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI
1.1. Bình Định – những nét khái quát chung
1.1.1. Địa lý tự nhiên
1.1.1.1. Bình Định là tỉnh duyên hải miền Trung của Việt Nam. Lãnh thổ của tỉnh trải dài 110 km theo hướng Bắc - Nam, có chiều ngang hẹp trung bình 55 km (chỗ hẹp nhất 50 km, chỗ rộng nhất 60 km). Diện tích tự nhiên của toàn tỉnh 6.025 km2, bao gồm một đô thị loại I (thành phố Quy Nhơn trực thuộc tỉnh) và 10 huyện (An Lão, An Nhơn, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, Tây Sơn, Vân Canh,Vĩnh Thạnh). Theo kết quả điều tra chính thức ngày 01 tháng 04 năm 2009, dân số tỉnh Bình Định là 1.485.943 người.
Bình Định nằm ở vị trí trung tâm của miền Trung và cả nước. Phía Bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi có chung đường biên giới 63 km từ đèo Bình Đê, điểm cực Bắc với tọa độ: 14o42' Bắc, 108o56' Đông - nơi có khu công nghiệp Dung Quất, phía Nam giáp tỉnh Phú Yên có chung đường biên giới 59 km, điểm cực Nam với tọa độ: 13o31' Bắc, 108o57' Đông có nhiều tiềm năng phát triển về du lịch dịch vụ, phía Tây giáp Tây Nguyên có chung đường biên giới 130 km, điểm cực Tây với tọa độ: 14o27' Bắc, 108o27' Đông - giàu tiềm năng thiên nhiên cần được khai thác và phía Đông giáp biển Đông với bờ biển dài 134 km, có điểm cực Đông ở xã Nhơn Châu (Cù Lao Xanh), có tọa độ: 13o36' Bắc, 109o21' Đông.
Với vị trí địa lý đặc biệt đó, Bình Định có một vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên. Hệ thống đường quốc lộ 1A, đường sắt xuyên Việt cùng với quốc lộ 19 lên Tây Nguyên và cảng biển nước sâu Quy Nhơn - Nhơn Hội tạo thành huyết mạch cơ bản phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Bình Định, miền Trung và Tây Nguyên, cũng như khu vực tiểu vùng sông Mê Kông bởi trục đường hành lang Đông- Tây: Quy Nhơn - Kon Tum - Aptopo - Bắc Xế - Ubon Rat Cha Tha Ni, trục hành lang này có chiều dài khoảng 770km; mặt khác từ Quy Nhơn lên đường 19 đến Kon Tum và theo đường 14 rẽ về phía Nam đến Stung Ố Treng (Campuchia).
1.1.1.2. Đồng bằng nhỏ hẹp, độ màu mỡ của đất không cao nhưng có vai trò quan trọng trong nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt là cây lương thực. Tuy nhiên nơi đây thường xảy ra lũ lụt rất nặng nề trong mùa mưa gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp của người nông dân. Ngoài ra, do ảnh hưởng của sự phân bố các dãy núi cũng như các yếu tố khí hậu và tác động của thủy triều cùng các quá trình thủy văn - động lực khác đã tạo nên nhiều đầm phá có vai trò rất lớn đối với kinh tế tỉnh Bình Định. Trong đó có thể kể tên một số hồ lớn tại các huyện trong tỉnh như: hồ Hưng Long (An Lão); hồ Vạn Hội, Mỹ Đức và Thạch Khê (Hoài Ân); hồ Mỹ Bình (Hoài Nhơn); hồ Hội Sơn và Mỹ Thuận (Phù Cát); hồ Diêm Tiêu, Hóc Nhạn và Phú Hà (Phù Mỹ); hồ Định Bình, Thuận Ninh (Tây Sơn); hồ Núi Một (Vân Canh - An Nhơn); hồ Vĩnh Sơn, hồ Định Bình (Vĩnh Thạnh). Ngoài ra Bình Định còn có một đầm nước ngọt khá rộng là đầm Trà Ổ (Phù Mỹ) và hai đầm nước lợ là Đề Gi (Phù Mỹ - Phù Cát) và Thị Nại (Tuy Phước - Quy Nhơn). Hệ thống hồ đầm này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản. Đặc biệt đầm Thị Nại là đầm lớn rất thuận lợi cho việc phát triển cảng biển tầm cỡ quốc gia và góp phần phát triển khu kinh tế Nhơn Hội, đầm còn được biết đến với cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam.
Ngoài các vùng địa hình đặc trưng nói trên tỉnh Bình Định có khá nhiều sông lớn nhỏ nhưng phân bố không đều, đáng kể nhất là 4 sông lớn: sông Lại Giang, sông La Tinh, sông Kôn và sông Hà Thanh.Ngoài các sông nói trên còn lại là hệ thống các suối nhỏ chằng chịt thường chỉ có nước chảy về mùa lũ và mạng lưới các sông suối ở miền núi tạo điều kiện cho phát triển thuỷ lợi và thuỷ điện. Độ che phủ của rừng đến nay chỉ còn khoảng trên 40% nên hàng năm các sông này gây lũ lụt, sa bồi, thuỷ phá nghiêm trọng. Ngược lại, mùa khô nước các sông cạn kiệt, thiếu nước tưới.
Tỉnh Bình Định nằm trong vùng nhiệt đới ẩm gió mùa. Do sự phức tạp của địa hình và mặt đệm biến đổi khá lớn nên gió mùa khi vào đất liền đã thay đổi hướng và cường độ khá nhiều. Nhiệt độ không khí trung bình năm: Ở khu vực miền núi biến đổi 20,1 - 26,1°C, cao nhất là 31,7°C và thấp nhất là 16,5°C. Tại vùng duyên hải, nhiệt độ không khí trung bình năm là 27,0°C, cao nhất 39,9°C và thấp nhất 15,8°C.
1.1.2. Lịch sử và tên gọi vùng đất Bình Định
1.1.2.1. Tỉnh Bình Định xưa là đất thuộc Việt Thường Thị và nền văn hóa Sa Huỳnh, sau đó người Chăm đã tới chiếm lĩnh vùng đất này. Đến đời nhà Tần xứ này là huyện Lâm Ấp thuộc Tượng Quận, đời nhà Hán là huyện Tượng Lâm thuộc quận Nhật Nam, năm Vĩnh Hoà 2 (137) người trong quận làm chức Công Tào tên là Khu Liên đã giết viên huyện lệnh chiếm đất và tự phong là Lâm Ấp vương.
Đời nhà Tùy (605) dẹp Lâm Ấp đặt tên là Xung Châu, sau đó lại lấy tên cũ là Lâm Ấp. Đời nhà Đường, năm 627 đổi tên là Lâm Châu. Năm 803, nhà Đường bỏ đất này và nước Chiêm Thành của người Chăm ra đời, đất này được đổi là Đồ Bàn (có người gọi là Trà Bàn), Thị Nại. Đời nhà Lê năm Hồng Đức 2 (1471), vua Lê Thánh Tôngđánh phá Chiêm Thành tới núi Thạch Bi chiếm đất này và chia thành 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn của phủ Hoài Nhơn thuộc thừa tuyên Quảng Nam. Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng cho đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn thuộc dinh trấn Quảng Nam.
1.1.2.2. Năm 1651, chúa Nguyễn Phúc Tần, đã đổi tên phủ Quy Nhơn thành phủ Quy Ninh. Năm 1742, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho lấy lại tên cũ là Quy Nhơn. Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát đặt các đạo làm dinh, nhưng cấp phủ vẫn giữ nguyên. Phủ Quy Nhơn vẫn thuộc về dinh Quảng Nam, đặt các chức tuần phủ và khám lý để cai trị. Phủ lỵ dời ra phía Bắc thành Đồ Bàn, đóng tại thôn Châu Thành (nay là xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn). Năm 1725, ở phủ Quy Nhơn đặt các chức quan trông coi: Chánh hộ, Khám lý, Đề đốc, Đề lãnh, Ký lục, Cai phủ, Thư ký, mỗi chức đặt một người; mỗi huyện đặt cai tri, thư ký, mỗi chức một người và 2 viên lục lại; mỗi tổng có cai tổng.
Từ 1773 đến 1797, nhà Tây Sơn chiếm cứ đất này, sau khi lấy lại đất này Nguyễn Ánh đổi tên đất này là dinh Bình Định, sai Võ Tánh vàNgô Tùng Châu trấn thủ và đặt quan cai trị gọi là Lưu Thủ, Cai Bộ, Ký Lục. Năm 1808 đổi dinh Bình Định thành trấn Bình Định. Năm1814, vua Gia Long cho xây dựng lại thành Bình Định mới, ngày nay ở thị trấn Bình Định, nằm về phía đông nam và cách thành cũ khoảng 5km ở phía gần sông Côn. Sau khi xây xong cho chuyển toàn bộ nhà cửa về thành mới này. Năm 1825 đặt tri phủ Quy Nhơn, năm 1831 lại đổi thành phủ Hoài Nhơn. Năm 1832 tách huyện Tuy viễn thành hai huyện Tuy Viễn và Tuy Phước, tách huyện Phù Ly thành hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát đồng thời Bình Định và Phú Yên thành liên tỉnh Bình Phú, sau đó bỏ liên tỉnh này. Năm 1888 đặt huyện Bình Khê. Vào năm 1885 Bình Định là một tỉnh lớn ở Trung Kỳ, nhiều vùng đất củaGia Lai - Kon Tum còn thuộc về Bình Định.
Năm 1890, thực dân Pháp sát nhập thêm Phú Yên vào tỉnh Bình Định thành tỉnh Bình Phú, tỉnh lỵ là Quy Nhơn. Nhưng đến năm 1899, Phú Yên tách ra khỏi Bình Phú. Ngày 4 tháng 7 năm 1905, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập tỉnh tự trị Pleikou Derr, tỉnh lỵ đặt tại làng Pleikan Derr của dân tộc Gia Lai. Địa bàn tỉnh Pleikou Derr bao gồm các vùng cư trú của đồng bào thiểu số Xơ đăng, Bana, Gialai tách từ tỉnh Bình Định ra. Ngày 25 tháng 4 năm 1907 xoá bỏ tỉnh Pleikou Derr. Toàn bộ đất đai của tỉnh này chia làm hai phần: một là Đại lý Kontum cho sát nhập trở lại tỉnh Bình Định và đặt dưới sự cai trị của Công sứ Bình Định; một gọi là Đại lý Cheo Reo, cho sát nhập vào tỉnh Phú Yên và đặt dưới sự cai trị của Công sứ Phú Yên. Năm 1913, thực dân Pháp lại sát nhập Phú Yên vào Bình Định thành tỉnh Bình Phú và thành lập tỉnh Kontum làm tỉnh riêng; địa bàn tỉnh Kontum bao gồm Đại lý Kontum tách từ tỉnh Bình Định, Đại lý Cheo Reo tách từ tỉnh Phú Yên và Đại lý Đắc Lắc.
Ngày 28 tháng 3 năm 1917 cắt tổng Tân Phong và tổng An Khê thuộc cao nguyên An Khê, tỉnh Bình Định, sát nhập vào tỉnh Kontum. Năm1921, thực dân Pháp cắt tỉnh Phú Yên ra khỏi tỉnh Bình Định và kéo dài cho đến năm 1945. Thời Việt Nam Cộng hòa đổi các huyện thành quận, tỉnh Bình Định có 11 quận, 1 thị xã, trong đó có 4 quận miền núi. Tháng 2 năm 1976, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ra nghị định về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam theo đó hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định hợp nhất thành tỉnh Nghĩa Bình.
1.1.3. Văn hóa và dân cư Bình Định
1.3.1.1. Về văn hóa Bình Định
Bình Định là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa mà di sản còn lưu giữ là thànhĐồ Bàn và các tháp Chàm với nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Đây cũng là nơi xuất phát phong trào nông dân khởi nghĩa vào thế kỷ XVIII với tên tuổi của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ; là quê hương và cũng là nơi dừng chân và nuôi dưỡng hồn thơ của của các danh nhân, văn thi sĩ như dũng tướng Trần Quang Diệu, đô đốc Bùi Thị Xuân, Tổng đốcĐào Tấn, thi sĩ Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách Tấn, anh hùng Ngô Mây, Tăng Bạt Hổ, Diệp Trường Phát... Bình Định còn nổi tiếng bởi truyền thống thượng võ và có nền văn hoá đa dạng phong phú với các loại hình nghệ thuật như bài chòi, hát bội, nhạc võ Tây Sơn, Hò Bá Trạo của cư dân vùng biển... cùng với các lễ hội như: lễ hội Đống Đa, lễ hội cầu ngư, lễ hội của các dân tộc miền núi...
Bên cạnh đó khi nhắc tới Bình Định chúng ta còn tự hào hơn nữa về những giá trị văn hóa của địa phương này như hát Tuồng, võ Bình Định… Bình Định là nơi có nghệ thuật tuồng rất phát triển gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ (Hiện nay, đền thờ danh nhân Đào Duy Từ toạ lạc tại xã Hoài Thanh Tây huyện Hoài Nhơn, cách quốc lộ 1A 2 km), Đào Tấn. Các đoàn hát tuồng trong tỉnh được hình thành ở khắp các huyện. Với sự giao lưu của nghệ thuật tuồng và võ Bình Định đã đưa tuồng Bình Định lên một tầm cao mới khác lạ hơn so với các đoàn tuồng của Huế hay Nguyễn Hiển Dĩnh của Quảng Nam.
Tuồng còn gọi là hát bội hay hát bộ, sở dĩ nó có tên gọi như thế là vì ngoài việc hát thì yếu tố quan trọng góp phần tạo nên một vở tuồng hay và đặc sắc là hành động điệu bộ của các đào kép. Việc kết hợp võ thuật vào các màn nhào lộn, đánh trận ở mỗi đoàn có khác nhau tùy theo trình độ của đào kép. Trước kia khi hát bội còn thịnh hành thì có nhiều đoàn hát nhưng những năm gần đây dưới sự biến động của kinh tế thị trường thì nhiều đoàn dần giải tán, bộ môn văn hóa nghệ thuật dân tộc này có nguy cơ thất truyền. Lúc còn thịnh hành các đoàn hát bội thường được các làng, những gia chủ giàu có hay các lăng, đình ven biển mời về biểu diễn. Sau những màn diễn hay người cầm chầu ném tiền thưởng lên sân khấu. Thường thì sau đêm hát cuối cùng các đoàn hay hát màn “tôn vương” để chúc tụng gia chủ, làng xóm gặp nhiều may mắn và cuối màn “tôn vương” thì thường hát câu: “Rày mừng hải yến Hà Thanh - nhân dân an lạc thái bình âu ca” hay “Ngũ sắc tường vân khai Bắc khuyết - nhất bôi thọ tửu chúc Nam san”.
Về võ thuật, ở khu vực Bình Định có hàng chục làng võ nổi tiếng. Mỗi làng võ được nhắc tới luôn kèm với các địa danh thực đã tồn tại trong lịch sử làng xã Bình Định nhiều thế kỷ. Làng xưa nhất cũng có lịch sử chừng 600 năm, làng sinh sau đẻ muộn cũng đã hơn trăm tuổi. Huyện Tây Sơn có các làng Phú Lạc, Xuân Hòa, An Vinh, Thuận Truyền. Huyện An Nhơn có các làng An Thái, Thắng Công. Huyện Tuy Phước có các làng An Hòa, Kỳ Sơn. Huyện Phù Cát có làng Phú Nhân, Đại An, Hoà Hội. Huyện Phù Mỹ có làng Mỹ Hòa. Huyện Hoài Nhơn có làng Thanh Lương... Trong đó đặc biệt nhất là các làng võ ở huyện Tây Sơn.
Như chúng ta đã biết, Tây Sơn là một huyện của Bình Định. Đặc điểm địa lý của huyện Tây Sơn hàm chứa yếu tố đắc địa của một cái nôi võ thuật: Đồi núi phía tây là sự tiếp dẫn sơn mạch của Trường Sơn trập trùng tráng khí, với những ngọn núi thiêng đã đi vào các thư tịch cổ như ngọn Hánh Hót, ngọn Trưng Sơn (hòn Sung), ngọn Hoành Sơn (có núi Ấn và núi Kiếm), núi Ông Nhạc, núi Ông Bình, núi ông Dũng, hòn Lĩnh lương. Những truông, hang, gò nổng gắn liền với việc luyện quân: gò Tập binh, gò Cấm cố, bãi Tập voi, căn cứ Hầm Hô, mật khu Linh Đỗng… Dòng sông Kôn với những bến sông thịnh đạt về đường mua bán, đồng thời cũng là chốn gặp gỡ đi về của anh hùng hào kiệt: bến Trường Trầu, quán Chiêu Anh gắn liền với bước khởi nghiệp của Nguyễn Nhạc… Những làng xã âm vang như Kiên Mỹ, Phú Lạc, Xuân Hòa, An Vinh, Thuận Truyền, Thuận Nhứt,… Đúng như TS. Đinh Bá Hoà trong chuyên luận Về văn hoá Bình Định đã nhận xét vùng đất võ trời văn Bình Định như sau: “Ấy là nơi cúi đầu nghe sông hát, ngẩng đầu nghe núi reo, nhắm mắt nghe roi quyền xé gió. Ấy là Tây Sơn, tiêu điểm của đất võ Bình Định…” [ ].
1.3.1.2. Về dân cư
Bình Định là một tỉnh thành có dân số tương đối đông so với các tỉnh khác ở khu vực Trung Trung bộ. Theo số liệu thống kê của Chi cục Thống kê Bình Định, tính đến ngày 01 tháng 04 năm 2009, dân số tỉnh Bình Định là 1.485.943 người bao gồm nhiều dân tộc khác nhau:
Trong số các dân tộc cộng cư ở Bình Định, Kinh là dân tộc có số lượng lớn nhất (1431742 người), chiếm tới 98% dân số của tỉnh. Người Kinh (Việt) có mặt ở khắp nơi trên các vùng đất ở Bình Định, tuy nhiên địa bàn cư trú chủ yếu của người Kinh là ở vùng đồng bằng, thành phố, huyện lỵ, thị trấn... Các dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Định chiếm số lượng không nhiều. Trong các dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Định, dân tộc Chăm, Bana, Hrê, Hoa là những dân tộc có số lượng người tương đối đông so với các dân tộc thiểu số khác của tỉnh. Các dân tộc Chăm, Bana, Êđê là những dân tộc có mặt từ khá sớm ở vùng đất Bình Định. Họ là những dân tộc bản địa, những dân tộc thiểu số gốc của vùng. Còn các dân tộc khác như người Tày, Nùng, Thái, H’rê... ở Bình Định có số lượng không nhiều và nhất là họ mới di cư từ các nơi khác đến trong những thời gian gần đây.
Nguyên nhân dẫn đến sự có mặt của người Tày, Nùng, Thái, Êđê...trên đất Bình Định đa phần là do kết quả các cuộc di dân đi kinh tế mới, các cuộc hôn nhân. Nhưng dù nhiều hay ít, có mặt sớm hay muộn, cư dân gốc - bản địa (Chăm, Bana, H’rê) hay cư dân từ nơi khác (Tày, Nùng, Thái...) chuyển cư đến vùng đất Bình Định, họ đều gắn bó với mảnh đất này và xem Bình Định là quê hương nặng nghĩa tình đối với họ. Tuy nhiên, khi nói đến các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định chủ yếu nói đến các dân tộc Chăm, Bana, H’rê, Hoa. Bởi xét trên nhiều phương diện các dân tộc thiểu số này đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng bảo vệ và phát triển vùng đất, đã hình thành nên những nét văn hoá cơ bản của vùng đất giàu truyền thống anh hùng thượng võ.
1.2. Địa danh học – Khái niệm và phương pháp nghiên cứu
1.2.1 Khái niệm
Bất cứ một quốc gia nào trên thế giới cũng có những điểm riêng biệt về địa lý, lịch sử của nước mình. Tên gọi địa lý hay còn gọi là địa danh của mỗi nước, mỗi vùng đều có những cách thức đặt tên mang đặc trưng riêng của vùng miền. Do đó, trong sự tồn tại thực tế của nó, địa danh rất phong phú và đa dạng.
Thuật ngữ Toponima hay Toponoma được dịch là “tên gọi vị trí” là có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp. Tuy nhiên, để lý giải một cách đầy đủ và chính xác khái niệm địa danh, theo chúng tôi đây là vấn đề không hề đơn giản. Nếu hiểu theo lối chiết tự thì “địa danh” là tên đất. Cách hiểu này mang tính bó hẹp phạm vi của địa danh. Bởi địa danh không chỉ là tên gọi của các đối tượng địa lý gắn với từng vùng đất cụ thể mà còn có thể là tên gọi đối tượng địa lý cư trú sinh sống (địa danh hành chính), hay các công trình do con người xây dựng (địa danh nhân văn), hoặc đối tượng địa hình thiên nhiên (địa danh thiên nhiên).
Hiện nay trong giới nghiên cứu địa danh vẫn chưa có sự thống nhất nhau về khái niệm địa danh. Trong Từ điển Hán Việt (1999), Đào Duy Anh đã giải thích “Địa danh là tên gọi các miền đất” [ ], trongTừ điển Tiếng Việt (1999), Hoàng Phê lại quan niệm “Địa danh là tên đất, tên địa phương”. Gần với cách hiểu này, Nguyễn Văn Âu cũng xem địa danh là “tên gọi các địa phương hay tên gọi địa lý” [ ; 06]. Định nghĩa một cách đầy đủ hơn, bao quát hơn sau khi trình bày hàng loạt các vấn đề liên quan đến địa danh, A.V.Supêranskaia trong cuốn Địa danh là gì đã viết như sau: “Địa danh học - đó là một chuyên ngành của ngành ngôn ngữ học, nghiên cứu về lịch sử hình thành, thay đổi và chức năng của các tên gọi địa lí. Thành tố lịch sử trong địa danh học là bắt buộc” [ ].
Có nhiều cách định nghĩa, lý giải về hệ thống địa danh. Trong phạm vi tư liệu hiện có, chúng tôi chia thành hai quan điểm cơ bản. Quan điểm thứ nhất nghiêng về nghiên cứu địa danh gắn với địa lý - văn hoá. Đại diện tiêu biểu cho quan điểm này là GS. Nguyễn Văn Âu, ông cho rằng: “Địa danh là tên đất, gồm tên sông, núi, làng mạc... hay là tên các địa phương, các dân tộc” [ ].
Quan điểm thứ hai nghiêng về nghiên cứu địa danh theo góc độ ngôn ngữ học. Đại diện cho quan điểm này là các TS. Lê Trung Hoa, Nguyễn Kiên Trường, Từ Thu Mai, Phạm Xuân Đạm. Lê Trung Hoa quan niệm: “Địa danh là những từ hoặc ngữ cố định được dùng làm tên riêng của địa hình thiên nhiên, các công trình xây dựng, các đơn vị hành chính, các vùng lãnh thổ” [ ]. Kế thừa qua điểm của Lê Trung Hoa, Nguyễn Kiên Trường cũng khẳng định: “Địa danh là tên riêng của các đối tượng địa lý tự nhiên và nhân văn có vị trí xác định trên bề mặt trái đất” [ ]. Từ Thu Mai cho rằng: “Địa danh là những từ ngữ chỉ tên riêng của các đối tượng địa lý có vị trí xác định trên bề mặt trái đất” [ ]. Phạm Xuân Đạm đưa ra định nghĩa về địa danh và địa danh học như sau: “Địa danh là lớp từ ngữ đặc biệt được định ra để đánh dấu vị trí, xác lập tên gọi các đối tượng địa lý tự nhiên và nhân văn. Địa danh học là một ngành của ngôn ngữ học nghiên cứu hệ thống địa danh về các mặt: nguồn gốc, cấu trúc, ý nghĩa, sự chuyển hoá,biến đổi, các phương thức định danh” [ ].
Tóm lại, Địa danh học là một phân ngành của Ngôn ngữ học, chuyên nghiên cứu về nguồn gốc ý nghĩa và những biến đổi của địa danh. Ngoài ra, cũng như Nhân danh học và Tộc danh học, Địa danh học là một bộ phận của khoa Danh xưng học và nó chuyên nghiên cứu cấu tạo địa danh, các phương thức đặt địa danh.
1.2.2. Phân loại địa danh
Qua tất cả các tài liệu tham khảo, chúng tôi nhận thấy một điều: Hiện nay chưa có sự thống nhất trong cách phân loại địa danh giữa các nhà nghiên cứu. Điều này không chỉ xảy ra với các nhà nghiên cứu địa danh trên thế giới mà còn xảy ra với các nhà nghiên cứu địa danh ở Việt Nam. Ở Nga, các nhà địa danh học G.P.Smolicnaja và M.V.Gorbanevskij chia địa danh làm 4 loại: Phương danh (tên các địa phương); Sơn danh (tên núi, đồi, gò...); Thuỷ danh (tên các dòng chảy, ao, đầm, vịnh, vũng...); Phố danh (tên các đối tượng trong thành phố). Còn A.V.Supêranskaia lại chia địa danh thành 7 loại:Phương danh, thuỷ danh, sơn danh, phố danh, viên danh (tên các quảng trường), lộ danh, đạo danh (tên các đường giao thông trên đất, dưới đất, trên nước, trên không). Ở Việt Nam, Nguyễn Văn Âu chia địa danh thành 2 loại lớn: Địa danh tự nhiên và địa danh kinh tế - xãhội với 7 kiểu: Thuỷ danh, lâm danh, sơn danh, làng xã, huyện thị, tỉnh, thành phố, quốc gia và 12 dạng cụ thể như Sông ngòi, hồ đầm, đồi núi, hải đảo, rừng rú, truông - trảng, làng - xã, huyện - quận, thị trấn, tỉnh, thành phố, quốc gia. Phương thức phân loại này của tác giả tuy đơn giản trong thống kê, phân loại nhưng hơi tỉ mỉ, chi tiết, tính khái quát chưa cao. Lê Trung Hoa phân loại địa danh dựa theo hai tiêu chí: Tự nhiên và không tự nhiên. Trong địa danh không tự nhiên (địa danh nhân tạo) tác giả lại chia thành ba loại nhỏ: Địa danh chỉ các công trình xây dựng; Địa danh chỉ các đơn vị hành chính; Địa danh chỉ các vùng. Cách chia này khá hợp lý và khoa học bởi một phần do tác giả đã căn cứ vào nguồn gốc để phân loại hệ thống địa danh đã thu thập được.
Trên cơ sở vận dụng phương cách phân loại địa danh của Lê Trung Hoa và Nguyễn Kiên Trường, trong khoá luận của minh, chúng tôi đã mở rộng thêm một tiêu chí phân loại khác đó là: Phân loại địa danh theo đối tượng địa lí tự nhiên và nhân văn; Phân loại địa danh theo chức năng giao tiếp; Phân loại địa danh theo nguồn gốc ngữ nguyên.
1.2.3. Một số phương pháp cụ thể nghiên cứu địa danh
Có thể khẳng định, địa danh được phát triển dựa trên 3 ngành khoa học cơ bản: ngôn ngữ học, lịch sử, địa lí. Bên cạnh đó, địa danh còn tham khảo thêm các tài liệu của ngành văn hoá, khảo cổ, du lịch... Như đã nói, Địa danh học là một khoa học khá phức tạp vì nó liên quan đến rất nhiều các lĩnh vực khác như những biến đổi qua các thời kỳ về kinh tế, văn hóa xã hội và lịch sử… của các địa phương nơi nghiên cứu. Chúng có ảnh hưởng rất sâu sắc đến những quy luật biến đổi địa danh. Vì vậy, điều kiện để sử dụng được các phương pháp nghiên cứu chuyên ngành này là người nghiên cứu phải nắm vững các nguyên tắc cơ bản như: Am hiểu lịch sử địa bàn mình nghiên cứu, am hiểu về địa hình, tìm hiểu các hình thức cổ của địa danh, phải nắm vững các đặc điểm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp của phương ngữ tại địa bàn và cần phải thận trọng trong việc vận dụng các phương pháp ngôn ngữ học khi phân tích địa danh.
1.2.3.1. Phương pháp thống kê phân loại
Địa danh là một bộ phận đặc biệt của từ vựng, có số lượng khá lớn, do đó phương pháp đầu tiên mà các nhà nghiên cứu phải chú ý đến là phương pháp thống kê, phân loại. Trên cơ sở của các số liệu thống kê đó, chúng ta có thể sử dụng các phương pháp phân tích ý nghĩa từ vựng, các tầng nghĩa văn hóa cụ thể qua từng địa danh, nhóm địa danh.
1.2.3.2. Phương pháp liên ngành lịch sử - văn hóa và điền dã - sưu tầm
Địa danh ra đời trong một hoàn cảnh văn hóa nhất định và được lưu dấu theo thời gian. Do đó địa danh trở thành những “vật hóa thạch”, một loại di chỉ khảo cổ học, ghi dấu lại các mốc thời gian. Có thể khẳng định, địa danh được phát triển dựa trên 3 ngành khoa học cơ bản: ngôn ngữ học, lịch sử, địa lí; bên cạnh đó, địa danh còn tham khảo thêm các tài liệu của ngành văn hoá, khảo cổ, du lịch... Vì thế, không ai đi nghiên cứu địa danh chỉ bằng một phương pháp do đó, để có thể tiếp nghiên cứu một cách chính xác và toàn diện địa danh, các nhà nghiên cứu còn phải sử dụng các biện pháp tiếp cận liên ngành lịch sử - văn hóa và điền dã sưu tầm. Qua việc tìm hiểu, phân tích hệ thống địa danh từ góc độ lịch sử, văn hóa chúng ta sẽ biết được lịch sử, chính trị của một vùng, lịch sử hình thành văn hóa của một dân tộc với những đặc tính tâm lý đã sinh sống ở một địa phương cụ thể.
1.2.3.3. Phương pháp so sánh, đối chiếu
Muốn thấy được tính đặc thù của một vùng, chúng ta cần phải thực hiện các thao tác so sánh, đối chiếu địa danh của vùng đó với các vùng khác. Đây là phương pháp so sánh đối chiếu đồng đại. Ngoài ra để xác định nguồn gốc và ý nghĩa ban đầu của địa danh, chúng ta phải sử dụng phường pháp so sánh đối chiếu lịch đại.
1.2.3.4. Phương pháp khảo sát bản đồ
Ta có thể khảo sát các bản đồ theo diện đồng đại để phát hiện những loại địa danh nào xuất hiện nhiều ở địa bàn nào để tập trung khảo sát nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa lịch sử của địa danh đó. Chúng ta cũng có thể khảo sát, đối chiếu các bản đồ đó theo hướng lịch đại, theo một trình tự trước sau để có thể lý giải sự ra đời, thay thế của các địa danh mới và sự biến mất hoặc thay đổi của các địa danh cũ.
1.3. Địa danh học - Những giá trị văn hoá
1.3.1. Địa danh – tấm bia phản ánh văn hóa
Như chúng ta biết địa danh ra đời trong những điều kiện lịch sử, địa lý nhất định. Do đó phần lớn địa danh mang dấu ấn của môi trường, thời đại mà nó chào đời. Có người cho rằng địa danh giống như những vật cổ hóa thạch, người khác lại cho rằng đấy là những tấm bia kỷ niệm. Như vậy, qua địa danh ta có thể biết một vùng đất, một quốc gia về mặt địa lý, xã hội, các công trình xây dựng, lịch sử văn hóa. Do vậy địa danh Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật văn hóa ấy.
Ra đời trong môi trường nào, địa danh sẽ phản ánh hoàn cảnh địa lý môi trường đó. Đó là điều tất yếu vì địa danh là sản phẩm của tư duy mà tuy duy luôn phản ánh thực tại mà nó tiếp nhận. Hiện thực văn hóa đi vào điạ danh có thể phân chia thành ba phần lớn. Đó là địa hình, thực vật và động vật. Địa hình có thể chia làm hai dạng: Địa hình cao và địa hình thấp. Địa hình cao gồm: Núi, đồi, gò, đống,… Địa hình thấp gồm: sông, biển, hồ, đầm,…Tên địa hình đi vào địa danh trước hết qua các danh từ chung được dùng làm tên gọi các tiểu loại địa danh như núi, gò, sông, rạch như Núi Từ Bi, Gò Sặc, Sông Côn,…Bên cạnh những từ thuần Việt (hay đã được Việt hoá) chỉ địa hình, còn có nhiều yếu tố Hán Việt cũng chỉ địa hình đã nhập hệ như: sơn (núi), lâm (rừng), cốc(hang), khê (khe), xuyên (sông), chử (bãi biển, bến sông), dương, hải(biển), đàm (đầm),…Các yếu tố này chưa trở thành từ trong tiếng Việt nên không làm tiền từ mà làm thành tố chính đứng cuối địa danh: Đạm Thủy, Hố Giang, Phước Sơn,…Bên cạnh đó hình ảnh cây cỏ cũng đi vào hệ thống địa danh của người Việt và địa danh tỉnh Bình Định cũng không nằm ngoài trường hợp đó: suối Cây Sung, Đồng Tre, chợ Cây Cốc,…
1.3.2. Địa danh phản ánh những hoạt động xã hội
Những hoạt động sinh tồn của con người luôn có quan hệ mật thiết với địa danh, là một thành tố cấu thành những giá trị tinh thần mang tính dân tộc, văn hóa của các tổ chức chính trị, hành chính và hoạt động kinh tế. Việt Nam là một đất nước đa dân tộc, từ đó dẫn đến sự đa dạng về ngôn ngữ kéo theo sự phong phú về địa danh. Khu vực tỉnh Bình Định, hệ thống địa danh chủ yếu có nguồn gốc từ ngôn ngữ Việt, Chăm và một số dân tộc khác. Thực tế này một mặt kích thích sự tìm tòi của các nhà nghiên cứu, tuy nhiên cũng gây ra không ít khó khăn cho họ trong quá trình khảo sát, truy nguyên ý nghĩa của các địa danh đó.
Trong lịch sử lâu dài của dân tộc Việt Nam, qua nhiều lần thay đổi cơ cấu tổ chức hành chính theo từng chế độ, đến nay đã có khoảng 60 tên gọi đơn vị hành chính khác nhau. Nhiều tên gọi được sử dụng trước kia nay đã bị chìm vào quên lãng như: am, bãi, châu, phủ, tổng, trại trang, tấn,…tuy nhiên vẫn còn rất nhiều địa danh bảo lưu các thành tố này: thành Hoàng Đế, phủ Phù Ly, phủ Tuy Viễn…
Hoạt động kinh tế của loài người nói chung và đối với người Việt Nam nói chung chủ yếu nằm trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Hầu như tên sản phẩm của các ngành này đều có đi vào địa danh. Chủ yếu thành tố là tên sản phẩm đứng sau các từ chợ, hãng, xóm, nhà như chợ Cây Da, Chợ Gồm, Nhà Đá, Đập Đá. Qua những địa danh này ta có cảm giác như đang được chứng kiến một bức tranh vô cùng sinh động về đời sống kinh tế của một vùng đất trù phú xa xưa.
1.3.3. Địa danh góp phần phản ánh lịch sử phát triển của địa phương
Qua hàng chục vạn địa danh, chúng ta có thể biết và nhớ đến hàng trăm sự kiện lịch sử, hàng ngìn nhân vật lịch sử đã sinh sống đóng góp cho quê hương, sự phồn vinh và phát triển của đất nước.
Các địa danh Mê Linh, Bạch Đằng, Hoa Lư, Chương Dương, Hàm Tử, Đống Đa, Ba Tơ, Bắc Sơn,…vốn là những địa danh bình thường như những địa danh khác. Nhưng vì gắn với những sự kiện lịch sử vẻ vang của dân tộc, chúng đã hoá thân thành hàng trăm địa danh trong các tên đường, tên cầu, tên bến, tên công viên, tên quảng trường,…nhắc chúng ta nhớ đến cuộc khởi nghĩa oai hùng của Hai Bà Trưng, chiến công oanh liệt của Ngô Quyền, công lao thống nhất đất nước của Đinh Bộ Lĩnh, những chiến tích hiển hách của của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Quang Trung Nguyễn Huệ, ý chí bất khuất của Trương Định, của nhân dân Việt Nam dưới thời Bắc thuộc và Pháp thuộc. Nhắc lại cuộc khởi nghĩa của Chàng Lía, cuộc khởi nghĩa không những đi vào kí ức dân gian mà còn đi vào lịch sử Đàng Trong giữa thế kỉ XVIII chúng ta sẽ nhớ đến Truông Mây, Hay ngợi ca, tự hào về công tích của Tây Sơn Tam kiệt ta sẽ nhớ đến Cây me, giếng nước, mảnh vườn xưa, bến Trường Trầu... Bên cạnh những sự kiện lịch sử, văn hoá, còn có tên hàng nghìn nhân vật lịch sử đã hoá thân thành địa danh. Ta có thể chia nhân vật lịch sử làm hai loại: danh nhân và nhân vật dân gian.
Danh nhân có thể chia làm ba loại chính:
- Danh nhân chính trị: Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Hàm Nghi, Phan Bội Châu, Trần Phú, Lê Hồng Phong,…
- Danh nhân quân sự: Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hoàng Hoa Thám,…
- Danh nhân văn hoá: Lê Quí Đôn, Nguyễn Du, Phan huy Chú, Nguyễn Đình Chiểu, Đặng Đức Siêu, Đào Doãn Địch, Đào Tấn,…
Tên các danh nhân này đã biến thành hàng nghìn địa danh đường phố ở khắp đất nước, trở thành niềm tự hào của cả dân tộc qua nhiều thế hệ.
Qua các phần trình bày trên, ta thấy địa danh giống như những tấm gương phản ánh một cách trung thực môi trường sống, những sinh hoạt, những ứng xử của con người trên địa bàn đối với thiên nhiên cũng như xã hội. Vì vậy muốn tìm hiểu địa phương, một đất nước, chúng ta không thể không quan tâm đến địa danh.
Tiểu kết Chương 1
Địa danh học là một ngành của ngôn ngữ học có nhiệm vụ nghiên cứu sự ra đời, đặc điểm cấu tạo, phương thức định danh, nguồn gốc, sự gắn kết giữa văn hoá với ngôn ngữ... của các địa danh. Ở Việt Nam, địa danh được quan tâm và phát triển thực sự vào cuối thế kỷ XX. Mặc dù đi sau các nước khác rất nhiều nhưng ngành địa danh học của Việt Nam cũng gặt hái được những thành công nhất định.
Bình Định là một tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ, có quá trình hình thành lâu dài và phức tạp. Là mảnh đất có sự cộng cư sinh sống của các dân tộc anh em. Do đó địa danh Bình Định cũng có những nét đặc biệt riêng vừa có sự đan xen giữa các địa danh Hán Việt, Thuần Việt cũng như địa danh mang dấu tích của các dân tộc thiểu số. Qua quá trình biến đổi của lịch sử thì địa danh Bình Định cũng có những thay đổi đáng kể.
CHƯƠNG 2. KHẢO SÁT VÀ PHÂN LOẠI ĐỊA DANH
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
2.1. Những đặc điểm cơ bản của địa danh tỉnh Bình Định
2.1.1. Nguyên tắc định danh và sự biến đổi địa danh ở Bình Định
Ngôn ngữ là một thành tố cấu thành văn hoá. Trong ngôn ngữ, cùng với nhân danh, địa danh cũng chiếm một số lượng đáng kể. Thông qua hệ thống địa danh, người ta không chỉ góp phần nghiên cứu phương ngữ của một vùng miền, một đất nước mà còn góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá của một dân tộc. Lịch sử hình thành và phát triển của một vùng đất có nhiều tên gọi khác nhau, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Vì thế, nghiên cứu địa danh sẽ góp phần tìm hiểu lịch sử phát triển của một vùng đất, làm sáng rõ sự ảnh hưởng và tác động của những nhân tố bên ngoài vào cách đặt tên: Đặc điểm văn hoá, sự di chuyển, tiếp xúc, giao lưu giữa các dân tộc về tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán,...đúng như PGS.TS. Lê Trung Hoa đã khái quát “Nghiên cứu địa danh sẽ góp phần nghiên cứu văn hoá một vùng lãnh thổ - một trong những vấn đề đang được quan tâm hiện nay” [ ; ].
2.1.1.1. Nguyên tắc chung
Việt Nam một quốc gia đa dân tộc, 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên dải đất hình chữ S. Và hơn thế nữa nước ta có một lịch sử hình thành và phát triển khá lâu dài do đó vấn đề địa danh nước ta cũng giống như trên thế giới, vô cùng phức tạp và có nhiều biến đổi qua từng giai đoạn. Cũng như các địa phương khác, Bình Định là một tỉnh có lịch sử hình thành khá lâu dài, là mảnh đất tập trung rất nhiều đồng bào dân tộc anh em sinh sống như: Kinh, Bana, Chăm…bởi những lẽ đó mà địa danh của Bình Định cũng mang tính phức tạp chung giống như địa danh Việt Nam, chịu tác động của các quy luật xã hội, dân tộc và ngôn ngữ, địa danh cũng thường có những biến đổi nhất định.
Nghiên cứu về địa danh nước ta bắt đầu từ lâu, song việc tìm ra các đặc điểm, các nguyên tắc mang tính lý luận, hệ thống thì lại chưa được chú ý. Trong khi đó đây lại là vấn đề cơ bản nhất của Địa danh học, nhất là với các nước có lịch sử phát triển lâu đời. Đặt biệt việc nghiên cứu địa danh tại những địa phương riêng biệt (đơn vị tỉnh) ở Việt Nam cũng chưa thực sự phổ biến. Có lẽ, đây cũng là nguyên nhân cơ bản khiến cho ngành Địa danh học ở Việt Nam tuy có lịch sử phát triển và tồn tại khá lâu dài những lại chậm phát triển. Các nhà địa danh Xô Viết (cũ) thường căn cứ vào đối tượng mà địa danh biểu thị để định danh tức là phải căn cứ vào nội dung của khái niệm được định danh, vì thế họ đã nêu các nguyên tắc định danh theo phương thức: Phương danh (tên các địa phương), sơn danh (tên núi, gò đồi…), thủy danh (tên các dòng chảy, ao, hồ…), phố danh (tên các đường phố, thị thành…)
Theo tài liệu khảo cứu của tác giả Nguyễn Văn Âu, nguyên tắc chung trong định danh các địa danh Việt Nam, “các tác giả trước đây cho rằng nhân dân ta thường dựa vào các sách cổ như: Phong thổ, Cổ chí hay là thiên Vũ Cống trong Kinh Thư, tức là khi đặt tên một địa danh, thường dựa trên các nguyên tắc cơ bản là: dựa vào các đặc điểm tự nhiên (sông, núi…), các điều kiện sinh hoạt xã hội, sản xuất hay một sự kiện lịch sử nào đó” [ ]. Vì vậy, dựa vào đặc điểm khái quát của địa hình, ngôn ngữ và đặc trưng văn hoá của vùng miền là nguyên tắc khái quát nhất để định danh các địa điểm, khu vục cụ thể.
2.1.1.2. Nguyên tắc cụ thể
Từ các quan niệm đã trình bày trên, việc xác định một địa danh đều tuân theo các nguyên tắc nhất định. Các nguyên tắc này được thể hiện rõ trong các địa danh cụ thể. Tuy vậy, ở đây cũng có thể nêu lên một số nguyên tắc chủ yếu:
a. Xét từ phương diện địa lý học
Chúng ta có những phương thức định danh các đối tượng địa lý tự nhiên, địa danh được thực hiện theo một số nguyên tắc sau:
- Định danh theo địa phương: Một số địa danh cụ thể được xác định theo tên của một địa danh sẵn có ở địa phương. Đó là các địa danh: Sông Kim Sơn, sông Gò Bồi, biển Trung Lương, …
- Phương hướng: Một vài địa danh cũng đặt theo phương hướng chung như: biển Đông, xã Mỹ Chánh Tây, thôn Dương Liễu Nam, Tam Quan Bắc…
- Dân tộc, ngôn ngữ địa phương: Một số địa danh cũng được gọi theo tên các dân tộc ít người ở địa phương như: thành Hời, thành Chàm.
- Tên người: Địa danh có khi được đặt theo tên người như: Truông Bà Đờn, ẹo Bà Nho, cầu Ông Đô, chùa Ông Núi… đặc biệt đó là đối với tên các con đường ở các thành phố, người ta thường lấy tên của các vị Vua, các nhân vật anh hùng để đặt tên cho các con đường như: An Dương vương, Tây Sơn, Tăng Bạt Hổ…
- Lịch sử: Một số địa danh cũng được đặt theo tên các sự kiện lịch sử nào đó: Quảng trường chiến thắng, đường 31.3, rạp 1 tháng 4…
- Đặc điểm chung: Một vài địa danh mang tính chất chung như:…….
b. Xét từ phương diện kinh tế xã hội
Các địa danh về kinh tế xã hội cũng không kém phần phức tạp và cũng được xác định theo một số nguyên tắc sau:
- Địa phương: Một số địa danh đặt theo tên địa phương sẵn có như: thị trấn Phú Phong, thị trấn Bồng Sơn…
- Đặc sản: Địa danh cũng được đặt tên theo các đặc sản địa phương như: thôn Diêm Tiêu, Nại Muối…
- Nghề nghiệp: Một số địa danh cũng được xác định theo nghề nghiệp địa phương như: …
- Tình Cảm, nguyện vọng: Một số địa danh được đặt tên theo tình cảm, nguyện vọng của nhân dân địa phương như: An Lão, Mỹ Thọ, Phước An, Phước Nghĩa…
- Tên người: Các địa danh được đặt theo tên người như: tỉnh Tăng Bạt Hổ (Bình Định ngày nay), công viên Quang Trung, đường An Dương Vương...
- Dân tộc địa phương: Cũng có địa danh được đặt theo tên dân tộc địa phương như: tỉnh Chiêm (Bình Định ngày nay)…
- Thứ tự: Các địa danh cũng được xác định theo thứ tự như: cầu Hà Thanh 1, 2, 3…, Hồ Núi Một
- Phương Hướng: Các địa danh được xác định theo phương hướng như: Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam…
- Màu sắc: Cù Lao Xanh, núi Xanh…
- Đặc điểm chung: Một số địa phương cũng được xác định theo đặc điểm xã hội địa phương như: …….
c. Xét từ phương diện ngôn ngữ
Từ góc độ ngôn ngữ, các nhà nghiên cứu dựa vào các nguyên tắc sau:
- Dựa vào đặc điểm chính của đối tượng để đặt tên, cách này thường dùng cho các loại địa danh chỉ địa hình tự nhiên và công trình xây dựng, ít áp dụng cho các loại địa danh hành chính và địa danh vùng. Goi theo hình dáng của đối tượng như các địa danh như truông Bà Đờn, ẹo Bà Nho, gọi theo kích thước của đối tượng như: chợ Lớn, gọi theo màu sắc của đối tượng như: Cù Lao Xanh, núi Xanh…, gọi theo kiến trúc và cấu trúc của đối tượng như cầu Đôi, tháp Đôi, ..., gọi theo các loại cây trồng, đặc sản:….
- Dựa vào sự vật, yếu tố có quan hệ chặt chẽ với đối tượng để gọi, gọi theo vị trí của đối tượng so với các đối tượng khác: Cầu Thanh Trực 1, 2, 3, (An Nhơn, Phù Cát), Trà Câu 1, 2 (An nhơn); Gọi theo tên gọi người nổi tiếng trong vùng: Ngã ba Ông Thọ, cây xăng Ông Tề, ngã ba Ông Đô; gọi theo biến cố lịch sử hoặc nhân danh có liên quan đến đối tượng: Đường 31 tháng 3, Đại lộ Nguyễn Tất Thành, đường Lê Thánh Tôn…, gọi tên theo công trình xây dựng ở đó như Hồ Định Bình, khu công nghiệp Phú Tài
- Ghép các yếu tố Hán Việt để đặt tên: Cách này thường dùng để đặt tên các địa danh hành chính, nhất là tên xã, thôn. Hầu hết đều mang ý nghĩa tốt đẹp như: Mỹ, Nhơn, Cát, An, Cẩm, Nghĩa, …như Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ Cát, Mỹ Trinh (Phù Mỹ), Nhơn Châu, Nhơn Phú, …
- Dùng số đếm hoặc chữ cái để đặt tên: khu vực I, khu vực II, tổ dân phố 4, 5, 6, …
2.1.1.3. Sự biến đổi của địa danh
Địa danh ở một nơi thường biểu thị cho đặc điểm từng địa phương nên bao giờ cũng mang theo tình yêu quê hương, long tự hào dân tộc. Do đó, địa danh thường được giữ lại khá bền vững trong tâm tư tình cảm của người dân địa phương, tức là có tính bảo lưu mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong quá trình lịch sử, địa danh vẫn có những thay đổi đáng kể làm cho việc nghiên cứu trở nên khó khăn, phức tạp nếu không nắm rõ các quy luật đó.
Sự thay đổi của địa danh thường do nhiều nguyên nhân khác nhau, có khi rất phức tạp. Dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu:
- Sự phát triển hoặc lệch chuẩn của ngôn ngữ: Dân tộc ta có lịch sử phát triển lâu dài. Phù hợp với quá trình này, ngôn ngữ cũng tự thay đổi theo, ngày càng phong phú và hoàn thiện hơn… như Hoài Nhân thành Hoài Nhơn, Quy Nhân thành Quy Nhơn, Tân Quan thành Tam Quan…
- Cải cách hành chính trong lịch sử: Trong quá trình phát triển của dân tộc, nói riêng cũng như toàn thể nhân loại nói chung đều có xu hướng tiến hóa… do đó các triều đại sau thường muốn cải cách xã hội cho phù hợp với điều kiện lịch sử của đương thời. Chẳng hạn, Năm 1602, chúa Nguyễn Hoàng cho đổi phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn thuộc dinh Quảng Nam. Năm 1651, chúa Nguyễn Phúc Tần, đã đổi tên phủ Quy Nhơn thành phủ Quy Ninh…
- Húy, hèm: Địa danh nước ta cũng phải thay đổi do kỵ húy hay tục hèm. Húy là sự kiêng kỵ không được nói tên các vua hay chúa đương thời, cùng các nhân vật trong Hoàng tộc có khi ở cả Việt Nam lẫn Trung Quốc. Hèm là tục kiêng khem gọi tên các thần Thành hoàng của làng… do đó, ở mỗi thời đại mỗi địa danh phải thay đổi địa phương sao cho thích hợp với nguyện vọng của vua chúa. Nếu không sẽ bị phủ nhận, nhất là với các thí sinh trong các kỳ thi. Ví dụ
- Nguyện vọng và ý chí của nhân dân: Nhân dân ở một vùng bao giờ cũng gắn bó với địa phương mình, tự hào về mảnh đất nơi mình sinh ra và tồn tại nên thường mong muốn cho địa phương mình có được cuộc sống tốt đẹp và bình yên do vậy họ có nguyện vọng đổi trên địa phương mình cho phù hợp với ý muốn tốt đẹp của họ.Ví dụ
2.1.1.4. Các quy luật chuyển hóa địa danh của Bình Định
a. Địa danh nước ta nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng thì đều rất phức tạp, song nhìn chung vẫn thường biến đổi theo những quy luật nhất định. Những quy luật này thường rất phong phú, dưới đây là một số quy luật chủ yếu:
- Địa danh thường biến đổi từ đơn giản đến phức tạp: Địa danh lúc đầu thường có thể rất đơn giản, cụ thể nhưng dần biến đổi theo quy luật phát triển của ngôn ngữ, văn tự. Quy luật này khá phổ biến trên thế giới, trong đó có nước ta. Cụ thể, nó thường chuyển hóa trong nội bộ một loại địa danh như các địa danh chỉ địa hình thiên nhiên…
- Địa danh thường được rút gọn cho dễ đọc dễ nhớ: Lúc đầu một số địa danh có thể khá dài, song nhân dân thường có xu hướng rút gọn lại cho việc sử dụng được thuận tiện hơn. Chẳng hạn một số địa danh ở vùng dân tộc chăm cũng thay đổi như sau: Cri banoi thành Thị Nại, cửa Hà La được rút gọn từ Hà La Hải Tấn…
- Địa danh thường biến đổi theo ngôn ngữ - lịch sử: Trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, ngôn ngữ cũng có sự thay đổi nên địa danh cũng thay đổi theo là điều đương nhiên. Sự biến đổi thường xảy ra trong cả phụ âm lẫn nguyên âm, chẳng hạn như âm Nhân thành âm Nhơn, trong địa danh Quy Nhân thành Quy Nhơn.
- Địa danh biến đổi theo ý nguyện của nhân dân: Địa danh là tên gọi đặc trưng cho một vùng, song nhiều khi nhân dân lại muốn biến đổi cho phù hợp với ý nguyện của mình hơn nữa. Về phương diện ý nghĩa, địa danh mới thường mang những ý nghĩa tốt đẹp hơn như: Phú Hòa, Phú Thứ, Hoài Nhơn, An Lão, Hoài Phú…
- Địa danh thường tồn tại ở dạng song ngữ: Đa số các địa danh cổ nước ta đặc biệt là tên các làng xã thường tồn tại ở dạng song ngữ, tức là ngoài tên nôm cổ, lại còn một tên chữ theo âm Hán Việt. Nắm được quy luật này thì việc tìm hiểu địa danh sẽ đạt được kết quả chính xác hơn.
b. Địa danh thế giới đã phức tạp thì tính chất này còn thể hiện ở nước ta. Đó là một dân tộc có lịch sử phát triển lâu dài, một quốc gia đa dân tộc. Đồng thời chịu ảnh hưởng của yếu tố ngoại lai. Trong quá trình phát triển của dân tộc, các điều kiện hành chính cũng như kinh tế xã hội đã làm cho ngôn ngữ biến đổi, và do đó địa danh cũng phải biến đổi theo. Bình Định cũng mang đầy đủ những đặc điểm đó của địa danh Việt Nam.
Ngoài ra thì với những địa danh như tên của các sông, núi thường được gọi theo từng đoạn khác nhau dễ gây nên những hiện tượng nhầm lẫn. Đó là do sự hán chế về quá trình giao lưu kinh tế và văn hóa trước đây.
Một đặc điểm khác trong đia danh Việt Nam là đôi khi cũng có hiện tượng trùng tên dễ gây nhầm lẫn. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra ở cùng một hiện tượng địa lý hay các hiện tượng địa lý khác nhau: Địa danh nước ta lại bị phức tạp hóa do ngôn ngữ dân tộc, làm cho việc nghiên cứu phải tìm hiểu kỹ lưỡng. Ví dụ: Đồ Bàn, Chà Bàn…
Ngoài các ngôn ngữ nội bộ khá đa dạng, địa danh Việt Nam ở khu vực Nam Trung bộ nói chung và ở Bình Định nói riêng còn bị phức tạp hhơn nữa do ảnh hưởng bởi các nhân tố ngoại lai trực tiếp hay gián tiếp, có ý thức hay không có ý thức nữa.
Tóm lại địa danh Việt Nam thật phức tạp do quá trình phát triển lâu dài của lịch sử dân tộc, của sự hòa nhập giữa các tộc người trong một quốc gia dân tộc; đồng thời, lại chiu ảnh hưởng sâu sắc của yếu tố ngoại lai. Do đó, ngoài tính đặc thù của nó địa danh Việt Nam cũng chịu nhiều dấu vết của ngôn ngữ và địa danh của Đông Nam Á hay xa rộng hơn nữa.
2.2. Kết quả điều tra địa danh tỉnh Bình Định
2.1. Địa danh hành chính cấp huyện, xã
2.1.1. Bảng phân loại
Tỉnh Bình Định gồm một thành phố trực thuộc tỉnh Quy Nhơn và 10 huyện:
Cấp hành chính
|
Tên địa danh
|
Tổng số
|
Thành phố
|
Quy Nhơn
|
1
|
Phường
|
Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Văn Cừ, Đống Đa, Thị Nại, Hải Cảng, Ngô Mây, Ghềnh Ráng, Quang Trung, Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu.
|
16
|
Xã
|
An Dũng, An Hòa, An Dung, An Nghĩa, An Quang, An Tân, An Toàn, An Trung, An Vinh.
Nhơn Thành, Nhơn Mỹ, Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Nhơn Hậu, Nhơn An, Nhơn Hưng, Nhơn Phúc, Nhơn Khánh, Nhơn Lộc, Nhơn Hòa, Nhơn Thọ, Nhơn Tân.
Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Hữu, Ân Đức, Ân Nghĩa, Ân Phong, Ân Hạnh, Ân Tín, Ân Hảo Đông, Ân Hải Tây, Bok Tới, Đăk Mang, Ân Sơn, Ân Mỹ.
Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Phú, Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Hảo, Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây, Hoài Hương, Hoài Tân, Hoài Hải, Hoài Xuân, Hoài Mỹ, Hoài Đức.
Cát Sơn, Cát Minh, Cát Tài, Cát Khánh, Cát Lâm, Cát Hanh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Hiệp, Cát Trinh, Cát Nhơn, Cát Hưng, Cát Tường, Cát Tân, Cát Tiến, Cát Thắng, Cát Chánh.
Mỹ An, Mỹ Cát, Mỹ Chánh, Mỹ Chánh Tây, Mỹ Châu, Mỹ Đức, Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi, Mỹ Phong, Mỹ Quang, Mỹ Tài, Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ Thắng, Mỹ Trinh.
Bình Hòa, Bình Hiệp, Bình Nghi, Bình Tân, Bình Thành, Bình Thuận, Bình Tường, Tây An, Tây Bình, Tây Giang, Tây Phú, Tây Thuận, Tây Vinh, Tây Xuân, Vĩnh An.
Phước An, Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước Hưng, Phước Lộc, Phước Nghĩa, Phước Quang, Phước Sơn, Phước Thắng, Phước Thành, Phước Thuận.
Canh Hiển, Canh Hiệp, Canh Hòa, Canh Liên, Canh Thuận, Canh Vinh.
Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hòa, Vĩnh Kim, Vĩnh Quang, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thịnh.
|
124
|
Thị trấn
|
Bình Định, Đập Đá, An Lão, Tăng Bạt Hổ, Bồng Sơn, Tam Quan, Ngô Mây, Phù Mỹ, Bình Dương, Diêu Trì, Tuy Phước, Phú Phong, Vân Canh, Vĩnh Thạnh.
|
14
|
2.1.2. Nhận xét
- Qua bảng thống kê ta thấy toàn tỉnh Bình Định có 1 thành phố, 16 phường, 124 xã và 14 thị trấn, và có một số đặc điểm như sau:
2.1.2.1. Ngoài một số địa danh chỉ đơn vị hành chính cấp phường, thị trấn mang tên người chiếm 6,45%, địa danh có liên quan đến các dân tộc thiểu số chiếm 1,93% thì tuyệt đại đa số địa danh hành chính đều bằng từ Hán Việt chiếm 91,61%.
2.1.2.2. Một đặc điểm dễ thấy nữa là phần lớn các địa danh đều là từ ngữ song tiết. Chỉ có một số địa danh có thêm các từ chủ yếu dùng để chỉ phương hướng, vị trí của địa danh như: Tam Quan Bắc, Tam QuanNam…
2.1.2.3. Hiện tượng dùng yếu tố trước hoặc yếu tố sau của tên huyệnđể làm yếu tố đầu của tên xã được sử dụng tối đa.
- Huyện An Lão, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, Vân Canh, Vĩnh Thạnh thì 100% yếu tố trước hoặc yếu tố sau tên của các xã đều có sự xuất hiện yếu tố trước hoặc yếu tố sau của tên huyện.
- Huyện Hoài Ân có 14 xã, trong đó 10 xã có tên được ghép bởi yếu tố sau Ân của tên huyện làm yếu tố trước của tên xã chiếm 85,71%. Còn 2 xã còn lại có sự cư trú của dân tộc Ba-na, H’re mang tên Bok Tới vàĐăk Mang chiếm 14,29%.
- Huyện Hoài Nhơn có 15 xã, trong đó 13 xã có tên được ghép bởi yếu tố trước Hoài của tên huyện làm yếu tố trước của tên xã chiếm 86,66%, còn lại hai xã Tam Quan Bắc và Tam Quan Nam không nằm trong trường hợp đó chiếm 13,34%
- Huyện Tây Sơn có 15 xã trong đó 7 xã có tên được ghép bởi yếu tố trước Tây của tên huyện làm yếu tố trước của tên xã chiếm 46,66%, cũng có 7 xã có tên có yếu tố đầu là Bình được ghép bởi yếu tố đầu là tên huyện cũ Bình Khê cũng chiếm 46,66%, xã còn lại không nằm trong trường hợp đó chiếm 6,66%.
2.1.2.4. Địa danh hành chính còn có một đặc điểm nữa là yếu tố đứng trước thường tập trung ở một số từ có ý nghĩa tốt đẹp như: An, Mỹ, Vĩnh, Phước,…
2.1.2.5. Các địa danh hành chính cấp huyện, xã, thị trấn đều bằng chữ không có địa danh là số thứ tự. Địa danh là số thường có ở một số đơn vị hành chính như tổ, khu vực…
2.1.2.6. Địa danh hành chính Bình Định cũng thường dùng phương thức ghép và tách khi ghép hoặc tách thì các địa danh mới vẫ còn tồn tại một số yếu tố của địa danh cũ. Khi cần nhập nhiều đơn vị hành chính thành một, người ta thường dùng phương thức ghép; khi cần chia nhỏ một đơn vị hành chính thành nhiều đơn vị hành chính, người ta dùng phương thức tách.
- Phương thức ghép: thôn Thuận An và Hội An ghép thành thôn An Hội (xã Bình Tân huyện Tây Sơn hiện nay).
- Phương thức tách: Phù Ly thành Phù Mỹ và Phù Cát, Tam Quan thành Tam Quan Bắc và Tam Quan Nam.
2.2. Phân loại địa danh
Dựa vào kết quả điều tra điền dã khi đi thực tế và tư liệu sưu tầm được tại Bình Định, chúng tôi đã thống kê được 950 địa danh. Và dựa vào các tiêu chí phân chia khác nhau chúng tôi tiến hành phân chia địa danh trên địa bàn tỉnh như sau:
2.2.1 Nguồn gốc tự nhiên và không tự nhiên
Địa danh là một hệ thống bao gồm nhiều kiểu, loại khác nhau. Đối với những địa phương riêng biệt thì địa danh ở đó lại có sự đa dạng phức tạp khác nhau phụ thuộc vào các yếu tố như lịch sử, văn hóa, dân tộc… của từng địa phương đó. Một số tác giả đi trước thường chia hệ thống địa danh thành hai loại: địa danh chỉ các đối tượng địa lý tự nhiên và địa danh chỉ các đối tượng nhân văn. Từ hai loại lớn này, các tác giả lại chia thành nhiều tiểu loại nhỏ. Mỗi cách chia có những ưu điểm riêng. Trong số các tác giả, theo chúng tôi cách chia của Phạm Xuân Đạm là phù hợp hơn cả. Phạm Xuân Đạm chia địa danh làm hai loại: địa danh chỉ các đối tượng địa lý tự nhiên và địa danh chỉ các đối tượng địa lý không phải tự nhiên (nhân văn). Trong loại địa danh chỉ các đối tượng địa lý tự nhiên, ông lại chia ra hai kiểu loại: địa danh chỉ các sự vật, đối tượng lõm xuống dưới bề mặt hay còn gọi là thuỷ danh (sông, hồ, lạch, khe, suối...) và địa danh chỉ các sự vật, đối tượng nổi trên bề mặt hay còn gọi là sơn danh (đảo, núi, hang, hòn...). Loại địa danh chỉ các đối tượng địa lý không tự nhiên được chia làm ba kiểu: địa danh chỉ các đơn vị dân cư hay còn gọi địa danh hành chính (thị xã, phường, khu phố, thị trấn, xã, bản...), địa danh chỉ các đối tượng địa lý gắn với sản xuất, đời sống vật chất (đường, cầu, đập...) và địa danh chỉ các đối tượng địa lý gắn với đời sống văn hoá tinh thần (đình, chùa, miếu, đền, nghĩa trang, nghĩa địa...). Dựa vào cách phân chia trên, cộng với đặc thù của địa phương và khả năng của bản thân, chúng tôi phân chia địa danh Bình Định thành hai loại lớn (địa danh tự nhiên và địa danh phi tự nhiên), trong địa danh tự nhiên chúng tôi chia thành hai loại nhỏ (sơn danh và thủy danh). Địa danh phi tự nhiên chúng tôi đã chia thành hai loại nhỏ (địa danh hành chính và địa danh nhân văn), trong địa danh nhân văn lại chia thành hai loại nhỏ (địa danh gắn với đời sống vật chất và địa danh gắn với đời sống tinh thần). Cách chia này cũng chỉ ở dạng tương đối.
Bảng 2.2.1
TT
|
Địa danh
|
Số lượng
|
Tỉ lệ
|
Ví dụ
|
01
|
Sơn danh
| |||
02
|
Thủy danh
| |||
03
|
Địa danh Hành chính
| |||
04
|
Địa danh gắn với đời sống vật chất
| |||
05
|
Địa danh gắn với đời sống tinh thần
|
Dựa vào bảng thống kê trên ta thấy do Bình Định là một tỉnh có địa hình tương đối đa dạng và phức tạp điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống địa danh nơi đây. Theo sự phân hóa của địa hình thấp dần từ tây sang đông. Phía tây của tỉnh là vùng núi rìa phía đông của dãyTrường Sơn Nam, kế tiếp là vùng trung du và tiếp theo là vùng ven biển. Các dạng địa hình phổ biến là các dãy núi cao, đồi thấp xen lẫn thung lũng hẹp độ cao trên dưới 100 mét, hướng vuông góc với dãyTrường Sơn, các đồng bằng lòng chảo, các đồng bằng duyên hải bị chia nhỏ do các nhánh núi đâm ra biển. Ngoài cùng là cồn vát ven biển có độ dốc không đối xứng giữa 2 hướng sườn đông và tây. Tương ứng với mỗi loại địa hình là các địa danh phù hợp, địa danh chỉ đồi núi, ao hồ vũng vịnh và đồng bằng…do đó địa danh Bình Định cũng tương đối đa dạng và phức tạp.
- Đồi núi tỉnh Bình Định chủ yếu nằm tập trung tại khu vực phía tây nơi có địa hình cao, được phân bố chủ yếu ở các huyện như: An Lão, Vân Canh, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Hoài Nhơn… Trong tổng số….. địa danh chúng tôi đã thống kê được có….. địa danh là đồi núi (sơn danh) chiếm ….%.
- Bình Định là một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ có độ dài đường biển dài 134 km. Do đó, ngoài dạng địa hình đồi núi, Tỉnh còn có rất nhiều vũng vịnh, đầm phá và cửa biển. Bên cạnh đó hầu hết các con sông ở Bình Định đều phát nguyên tại dãy trường sơn phía tây chảy xuống biển đông theo chiều rộng của tỉnh nên không được rộng lắm. Trong tổng số 950 địa danh khảo sát được thì có …. Địa danh là thủy danh, chiếm…%
- Trong số các địa danh đã thống kê, có … là địa danh hành chính chiếm…%
- Có … địa đanh gắn với đời sống vật chất, chiếm …%
- có … địa danh gắn với đời sống tinh thần, chiếm …
2.2.2. Nguồn gốc ngôn ngữ
Bảng 2.2.2
TT
|
Địa danh
|
Số lượng
|
Tỉ lệ
|
Ví dụ
|
01
|
Địa danh gốc hán
|
Nhạn Sơn, An Nhơn, Vọng Phu…
| ||
02
|
Địa danh thuần việt
|
Bến Trường Trầu, Đồng Vụ…
| ||
03
|
Địa danh có nguồn gốc từ các ngôn ngữ khác
|
Thị Nại, Đồ Bàn, Đăk Mang…
|
Bình Định có số lượng người Kinh đông chiếm tuyệt đại đa số dân cư (khoảng 1,4 triệu/1,44 triệu) và phân bố khắp các huyện thành của tỉnh.Chính vì thế họ có ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn đề của Bình Định trong đó có việc đặt tên cho các địa danh. Ngược dòng lịch sử, người Kinh (Việt) ở tỉnh Bình Định hiện nay vốn là người Kinh (Việt) ở miền Bắc (đông nhất là những người Kinh của vùng Thanh - Nghệ Tĩnh) di cư vào trong nhiều thời điểm khác nhau. Có thể nói quá trình di cư của người Kinh từ miền Bắc vào Bình Định gắn bó mật thiết với quá trình “Nam tiến” của dân tộc chúng ta. Đó là một quá trình liên tục, diễn ra trong nhiều thế kỷ với nhiều nguyên nhân khác nhau. Quá trình đó có thể được bắt đầu từ cuộc hôn nhân Việt - Chiêm giữa vua Chế Mân và công chúa Huyền Trân dưới thời Trần Anh Tông, hiệu Cảnh Đức (năm 1306), hay được khởi đầu từ năm 1471 khi vua Lê Thánh Tông nhân việc vua Chiêm Thành xua quân chiếm Hoá Châu đã thân chinh đem quân đánh dẹp và mở mang lãnh thổ Đại Việt đến vùng đất Bình Định. Trong suốt chuỗi dài 5 thế kỷ (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX) di cư đến Bình Định, về đại thể chúng ta có thể thấy những đợt di cư, tụ cư lớn đến vùng đất này của người Kinh như sau:
- Đợt tụ cư sau cuộc viễn chinh của vua Lê Thánh Tông ở thế kỷ XV.
- Những đợt tụ cư trong thời kỳ các chúa Nguyễn.
- Đợt tụ cư dưới thời Tây Sơn.
- Đợt tụ cư dưới triều Nguyễn.
- Đợt tụ cư vào những năm 1954 - 1955.
- Đợt tụ cư vào những năm sau ngày miền Nam giải phóng (1975)...
Trong mỗi chuyến di dân, họ đã mang theo tên làng, tên xã đến vùng đất mới. Còn nếu phải đặt tên khác thì họ luôn lấy những cái tên mà ở đó toát nên niềm mong ước, khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp. Ước vọng đó của họ đã được gửi gắm vào các tên gọi và chỉ có những từ Hán Việt mới thể hiện đầy đủ mong muốn này. Ví dụ: Phước An, Phước Lộc, Phù Mỹ,...
Hơn nữa, người Kinh luôn thích sự uyên bác, tài hoa, lịch lãm, thích sự kín đáo nên luôn dùng những từ ngữ thể hiện nhiều ý nghĩa đẹp. Đây là những lý do chính để từ Hán Việt chiếm một vị trí quan trọng trong nguồn gốc địa danh Bình Định. Như chúng ta thấy trong tổng số 950 địa danh chúng tôi đã thống kế có đến … địa danh là địa danh mang yếu tố hán việt chiếm ...%.
Ngoài sự cư trú của người kinh là chủ yếu, trên địa bàn tỉnh còn có sự sinh sống của các dân tộc thiểu số như Chăm, Bana, H’rê….Do vậy địa danh có nguồn gốc của các dân tộc thiểu số cũng xuất hiện trong hệ thống địa danh Bình Định. Chính vì mang nguồn gốc dân tộc nên những địa danh này phần nào phản ánh được đặc trưng văn hoá, lịch sử của vùng đất đó.
Ở Bình Định, số lượng dân tộc thiểu số không nhiều trong các dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Định, dân tộc Chăm, Bana, Hrê, Hoa là những dân tộc có số lượng người tương đối đông so với các dân tộc thiểu số khác của tỉnh. Các dân tộc Chăm, Bana, Êđê là những dân tộc có mặt từ khá sớm ở vùng đất Bình Định. Họ là những dân tộc bản địa, những dân tộc thiểu số gốc của vùng.
Người Bana ở Bình Định vừa có mặt tại huyện Vân Canh, huyện An Lão nhưng địa bàn cư trú điển hình, tập trung nhất của người Bana là ở huyện Vĩnh Thạnh. Người H’rê trong hoạt động kinh tế truyền thống, bên cạnh kinh tế nương rẫy, từ khá sớm cư dân này đã biết đến kỹ thuật trồng lúa nước. Bởi vậy địa bàn cư trú của người H’rê thường gần các lưu vực của các con sông suối, những nơi có mặt bằng tương đối thuận lợi cho việc trồng lúa một năm hai vụ (như vùng núi thấp An Lão). Trong khi đó, gốc gác của người Chăm là ở vùng đồng bằng ven biển, nên khi chuyển cư lên vùng núi, họ vẫn mang theo sở thích cư trú ở những vùng thấp, nơi có điều kiện cho việc phát triển nông nghiệp dùng cày. Cũng có thể do sở thích đó người Chăm đã lấy vùng đất Vân Canh làm nơi cư trú chủ yếu cho dân tộc mình... Còn các dân tộc khác như người Tày, Nùng, Thái, H’rê... ở Bình Định có số lượng không nhiều và nhất là họ mới di cư từ các nơi khác đến trong những thời gian gần đây. Nguyên nhân dẫn đến sự có mặt của người Tày, Nùng, Thái, Êđê...trên đất Bình Định đa phần là do kết quả của các cuộc hôn nhân. Họ là những người vợ theo chồng (hay chồng theo vợ) đến sinh sống làm ăn trên đất Bình Định trong vòng 2,3 thập kỷ trở lại đây.
Các dân tộc thiểu số của Bình Định thường sống thành làng riêng biệt, tuy nhiên ở đó cũng có sự xen kẽ giữa các dân tộc do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy ảnh hưởng của việc sinh sống thành những làng riêng biệt đó ít nhiều ảnh hưởng đến hệ thống địa danh Bình Định. Trong số 950 địa danh đã thống kê, số địa danh có gốc ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số là…., chiếm …%.
Theo kết quả thống kê địa danh Bình Định chúng tôi nhận thấy tuy có sự cư trú của các dân tộc thiểu số ở Bình Định nhưng do số lượng ít và sinh sống chủ yếu ở những địa phương cố định. Nên địa danh gốc các dân tộc thiểu số tồn tại chủ yếu ở dạng một số địa danh cổ, những địa danh này tuy không nhiều nhưng cũng phần nào phản ánh được văn hóa cũng như những sự kiện lịch sử đã xảy ra tại nơi đây như : thành Đồ Bàn, Cù Lao Xanh, đầm Thị Nại…
Đối với các địa danh hành chính thì hầu như không có sự xuất hiện của các địa danh gốc dân tộc ở cấp huyện trở lên. Cấp xã thì có hai xã Đăk Mang và Bok Tới thuộc xã Hoài Ân do đây là địa bàn có sự cư trú của người dân tộc thiêu số (Bana, H’rê). Địa danh hành chính ở Bình Định có gốc dân tộc thiểu số chủ yếu là tên các bản làng nơi có người dân tộc thiểu số sinh sống.
Xã Canh Thuận huyện Vân Canh có 8 thôn làng trong đó có 7 làng có người chăm sinh sống: Cà Te, Hà Văn Trên, Hà Văn Dưới, Kà Bưng, Kà Xiêm, Hòn Mẻ, Hà Lũy, có một thôn không có sự sinh sống người Chăm mà có người Kinh và một số dân tộc khác là thôn Kinh Tế. Ngoài ra còn có Đăk Mang, Bok Tới của Hoài An, Tờ Lok và Tờ Lek của vĩnh thạnh…
Trong tổng số 950 địa danh đã thống kê được có đến… là địa danh có yếu tố Thuần Việt, chiếm …%. Giống như địa danh ở các vùng miền khác thì ở Bình Định ngoài tên địa danh Hán Việt mang những ý nghĩa tốt đẹp thể hiện ước muốn nguyện vọng của nhân dân về sự bình an, thịnh vượng… Thì bên cạnh đó cũng có những địa danh Thuần Việt giản dị mang ý nghĩa thực gần gũi với sự vật được gọi tên như: Hầm Hô, Bàu Sấu, Bến Trường Trầu…. Trong trường hợp này cũng có rất nhiều địa danh có hiện tượng song ngữ, ngoài những tên Hán sang trọng thì địa danh còn có các tên Thuần Việt gần gũi như: Thạch Tân - Bến Đá, núi Đơn - Đơn Cương, Trường Châu Lãnh - Bãi Dài…
2.3. Một vài nét đặc trưng trong địa danh tỉnh Bình Định
2.3.1. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hoá - nhìn từ góc độ địa danh
Xưa nay, các nhà văn hoá học ở nước ta khi nói đến mối liên quan giữa ngôn ngữ và văn hoá thường đưa ra quan điểm sau: Ngôn ngữ là một thành tố cơ bản và quan trọng của văn hoá, chi phối nhiều thành tố văn hoá khác; là công cụ có tác động mạnh đến sự phát triển của văn hoá.
Từ góc độ ngôn ngữ học cho thấy, theo nhiều nhà nghiên cứu, mối quan hệ giữa văn hoá và ngôn ngữ thường được thể hiện trong 3 phương diện sau:
a. Ngôn ngữ biểu hiện (express) hiện thực văn hoá.
b. Ngôn ngữ là hiện thân (embody) của hiện thực văn hoá.
c. Ngôn ngữ biểu trưng (symbolize) hiện thực văn hoá.
Trong những nghiên cứu ngôn ngữ học có liên quan đến vấn đề văn hoá, có thể nhận thấy một điểm chung là: thông thường vấn đề này không được khảo sát song song giữa ngôn ngữ và văn hoá, mà được đặt trong mối quan hệ giữa: ngôn ngữ - văn hoá - nhận thức.
Nhắc đến khái niệm văn hoá - dù hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp - trong định nghĩa, bao giờ cũng chú trọng đến “nét riêng biệt” về mặt tinh thần, tâm lí, nhận thức giữa các dân tộc, bên cạnh nét riêng biệt về các mặt vật thể, phi nhận thức khác; hay nói cụ thể hơn đó là “lối nghĩ riêng”, “cách tư duy riêng” của dân tộc đó về các sự vật, hiện tượng của thế giới xung quanh, của tự nhiên, xã hội và con người ở đất nước đó, lãnh thổ đó; còn được gọi chung là “Văn hoá Nhận thức”.
Vậy những biểu hiện của lối nghĩ và cách tư duy ấy có từ đâu?
Trước hết ở mặt nội dung của ngôn ngữ, vì chức năng của ngôn ngữ là phương tiện của tư duy. Tiếp theo là mặt ngữ nghĩa của các từ, vì nói như nhà tâm lí học L. X. Vưgôtxki: “Nghĩa (của từ) đồng thời là ngôn ngữ và tư duy vì nó là đơn vị của tư duy (bằng) ngôn ngữ”.
Từ những vấn đề trên có thể khẳng định: không thể nghiên cứu mối liên quan giữa văn hoá với ngôn ngữ mà lại bỏ qua vấn đề nhận thức, vấn đề tư duy của những người thuộc một cộng đồng văn hoá - ngôn ngữ đang được nghiên cứu.
Địa danh là một bộ phận trong vốn từ vựng của ngôn ngữ. Vì thế, trong số các thành tố cấu tạo nên văn hoá, ngôn ngữ luôn được coi là một thành tố cơ bản, có vai trò hết sức quan trọng, giữ một vị trí hết sức đặc biệt, là sản phẩm của văn hoá nhưng ngôn ngữ cũng là phương tiện, điều kiện cho sự hình thành và phát triển các thành tố khác trong văn hoá.Với tư cách là tên gọi của các đối tượng địa lý, có thể nói rằng, trong ngôn ngữ, địa danh là một trong những bộ phận chứa đựng trong đó nhiều thông tin về các đặc trưng văn hoá.
Địa danh - ngôn ngữ - văn hoá - nhận thức luôn có mối quan hệ qua lại lẫn nhau. Địa danh, ngôn ngữ chịu sự chi phối của văn hoá, nhận thức. Văn hoá, nhận thức có ảnh hưởng đối với địa danh, ngôn ngữ.
Vì thế, khi nghiên cứu vấn đề các địa danh Bình Định thể hiện qua các đặc trưng văn hoá của vùng đất này như thế nào, chúng ta phải đồng thời nghiên cứu chúng ở cả hai phương diện văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể; văn hoá nhận thức và văn hoá phi nhận thứcđược biểu hiện qua các địa danh từ nhiều khía cạnh khác nhau.
2.3.2. Đặc trưng văn hoá thể hiện trong địa danh
2.3.2.1. Địa danh phản ánh sự tồn tại của di sản văn hoá vật thể
Cũng như đại đa số người Việt Nam, người Bình Định phần đông tin vào Trời, Phật, Quỷ, Thần…Thể hiện cho niềm tin đó ở Bình Định có rất nhiều tôn giáo khác nhau như: Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Cao Đài… Bên cạnh đó người dân Việt Nam nói chung và người Bình Định nói riêng còn có tục lệ thờ cúng tổ tiên. Đo vậy ở Bình Định tồn tại rất nhiều các địa danh là di sản, công trình văn hóa vật thể phản ánh rõ nét sự tồn tại của các niềm tin, tín ngưỡng ấy.
Trước tiên khi nhắc đến di sản văn hóa vật thể thể hiện tín ngưỡng tốn giáo của người Bình Định xưa và nay chúng ta phải kể đến các cụm tháp Chăm cổ còn được lưu giữ tại Bình Định.
Đó là tháp Bình Lâm được xây trên một gò đất cao thuộc xã Phước Hòa huyện Tuy Phước, cách thành phố Quy Nhơn 22km. Tháp có bình đồ vuông, mỗi cạnh khoảng 10m, cao khoảng 20m chia làm 3 tầng, trang trí hoa văn tinh tế, kiến trúc hài hòa với những đường nét vừa thanh tú vừa khỏe khoắn. Tháp được xếp hạng là di tích kiến trúc văn hóa nghệ thuật năm 1993.
Tháp Bánh ít (tháp Bạc) được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII tại xã Phước Hiệp, Tuy Phước trên đỉnh một quả đồi nằm giữa hai nhánh sông Kôn là Tân An và cầu Gành bên cạnh quốc lộ 1A, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20km. Đây là một quần thể gồm 4 tháp đứng nhìn từ xa trông giống như chiếc bánh ít nên gọi là tháp Bánh ít, mỗi tháp là một kiến trúc riêng biệt, mỗi sắc thái khác nhau. Về phương diện nghệ thuật trong toàn bộ di tích tháp Chàm còn lại trên đất Việt Nam, Bánh ít là quần thể kiến trúc độc đáo với dáng vẻ kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp có giá trị nghệ thuật cao. Cụm tháp này được Bộ Văn Hóa - Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 1982.
Tháp Cánh Tiên (tháp Đồng) được xây dựng bên trong quần thể di tích thành Dồ Bàn trên địa bàn xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn vào khoảng thế kỷ XII. Điểm đặc biệt của tháp Cánh Tiên là phần bên trong các cột tháp ốp tường được ốp kín bằng các phiến đá sa thạch chạm khăc hoa văn dây xoắn. Ngôi tháp được tạo dáng thanh thoát nhưng trang nghiêm, tháp có 4 tầng thu nhỏ dần về phía trên, tầng nào cũng có 4 tháp góc trang trí, mỗi góc lại có những tầng nhỏ tạo dáng lá lật nhỏ dần về phía trên tạo cảm giác như cánh chim dang bay, từ vai tháp trở lên, bốn phía đều giống như cánh tiên bay lên nên gọi là tháp Cánh Tiên. Tháp được Bộ Văn Hóa -Thông Tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1982.
Tháp Đôi (tháp Hưng Thạnh) được xây dựng cuối thế kỷ XII, nằm ở phường Đống Đa, TP.Quy Nhơn, là một công trình kiến trúc đẹp và độc đáo gồm hai tháp. Tháp Đôi được xếp vào loại đẹp “độc nhất vô nhị” của nghệ thuật kiến trúc Chămpa. Cả hai ngôi tháp đều không phải là tháp vuông nhiều tầng theo truyền thống của tháp Chàm mà là một cấu trúc gồm hai phần chính: khối thân vuông và phần đỉnh tháp mặt cong, các góc tháp hiện lên những tượng chim thần Garuda hai tay đưa cao như muốn nâng đỡ mái tháp. Vòm trên của các cửa vút cao lên như những mũi tên. Kiến trúc của tháp Đôi chịu ảnh hưởng của nghệ thuật ấn độ giáo. Tháp được Bộ Văn Hóa - Thông Tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1980.
Tháp Dương Long (tháp Ngà) ở xã Tây Bình, huyện Tây Sơn, cách TP.Quy Nhơn khoảng 50km được xây dựng vào cuối thế kỷ XII, là một quần thể gồm ba tháp (tháp giữa cao 40m, hai tháp hai bên cao 38m). Với nghệ thuật điêu khắc chạm trổ điêu luyện, các đường nét thể hiện vừa hoành tráng, lộng lẫy, vừa tinh tế mềm mại, những con vật và họa tiết trang trí vừa sống động chân thực, vừa huyền ảo kỳ bí, Tháp Dương Long được đánh giá là một trong những tháp Chăm đẹp nhất miền Trung với đặc trưng độc đáo và uy nghi. Tháp đã được Bộ Văn Hóa - Thông Tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1980.
Tháp Phú Lốc (tháp Vàng) thuộc xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, cách TP.Quy nhơn 35km về phía bắc. Tháp có vẻ đẹp ngạo nghễ nhưng đượm buồn, đứng từ chân tháp khách thập phương có thể nhìn thấy bốn hướng những cảnh trí kỳ vĩ xung quanh. Tháp được bộ văn hóa thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm1995.
Tháp Thủ Thiện được xây cất trên một vùng đất tương đối thấp, trên bờ nam sông Côn thuộc xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn cách TP.Quy Nhơn 35km về hướng tây bắc. Tháp có quy mô nhỏ, kiểu dáng trang nhã, thanh thoát, kỳ bí. Tháp được Bộ Văn Hóa - Thông Tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995.
Ngoài hệ thống tháp Chàm ghi dấu nền văn hóa cổ của người Chăm trên đất Bình Định còn rất nhiều đình, chùa, miếu…
- Chùa: Thập Tháp, Long Khánh, Linh Phong, Nhạn Sơn…
- Đền: đền Tây Sơn
- Miếu: Từ Miếu, Văn Miếu, Miếu Xà…
- Nhà thờ: nhà thờ Nhọn…
Như vậy, Bình Định cũng có những di sản văn hoá vật thể giống như nhiều địa phương khác. Trong một tỉnh mà có khá nhiều số địa danh về đền, chùa, nhà thờ, miếu như trên cũng là nét đặc trưng của các địa phương ở Việt Nam chứng tỏ sự đa dạng về thành phần dân cư, tín ngưỡng. Đây là nét đặc trưng về lịch sử - xã hội của Bình Định, vì cư dân nơi đây chủ yếu đến từ các vùng khác như Thanh - Nghệ Tĩnh. Họ đã trải qua một quá trình khai hoang, lấn biển, đấu tranh chống ngoại xâm rất cực khổ, do đó họ lập nên nhiều đền, chùa, nhà thờ...để thờ cúng các nhân vật anh hùng, hay những người dân đã được thần thánh hoá, với mong ước họ sẽ có được cuộc sống an lành, ấm no, tốt đẹp âu cũng là điều dễ hiểu. Đó là sự an ủi về mặt tinh thần rất lớn của người dân đặc biệt với những người không phải là bản địa gốc.
2.3.2.2. Địa danh phản ánh sự tồn tại của di sản văn hoá phi vật thể
Cũng như địa danh văn hóa vật thể thì Bình Định cũng giống như các địa phương khác ở Việt Nam, đó là có một số địa danh đã phản ánh được rõ nét sự hiện hữu của các di sản văn hoá phi vật thể như các giá trị tinh thần, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội... chúng ta đã thấy các địa danh văn hóa vật thể tại Bình Định chủ yếu là các đền thờ, miếu, chùa… thể hiện cho sự phong phú về tín ngưỡng tôn giáo của người dân nơi đây. Do vậy nếu đi sâu tìm hiểu những địa danh này chúng ta cũng sẽ có thể khám phá được những nét văn hóa, nhiều điều thú vị về lịch sử, tín ngưỡng của nhân dân thời bấy giờ và cả hôm nay.
Nhắc đến Đống Đa ta tìm hiểu và biết được về lễ hội Đống Đa, là lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ đến các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789). Lễ hội được tổ chức trọng thể, hoành tráng vào ngày mồng 5 giêng âm lịch hàng năm tại thị trấn phú phong huyện tây sơn. Ngoài nghi lễ truyền thống, trong lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như: Biểu diễn võ thuật Tây Sơn, đua thuyền, các trò chơi dân gian, hát bội…thu hút hàng vạn người từ khắp các mọi miền đất nước đến tham dự.
Nhắc đến Tây Sơn, Bình Định ta còn biết đến một giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc nơi đây nữa đó là nhạc võ Tây Sơn. Đây là một nét văn hóa độc đáo của vùng đất Bình Định xuất phát từ phong trào nông dân Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII. Đây là loại nhạc nhằm kích thích sĩ khí của ba quân trong lúc luyện tập cũng như trong chiến đấu. Cũng theo truyền thuyết thì tiếng võ nhạc Tây Sơn cũng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng oanh liệt của vua Quang Trung trong cuộc chiến chống ngoại xâm. Nhạc võ Tây Sơn gồm 12 cái trống để tượng trưng cho 12 giáp. Bộ trống được dựng thành dàn, theo thứ tự ba hàng từ lớn đến nhỏ. Người cử trống đánh cả hai tay và cùi chỏ cùng hai dùi trống. Một bài trống gồm ba hồi: Xuất quân - xung trận hãm thành - ca khúc khải hoàn. Nghệ nhân đánh trống có thể khiến người nghe cảm thấy cảnh mưa rào thác đổ, khi nhặt khi hoan, khi dồn dập bức tim, khi hào hùng phấn chấn. Và đặc biệt người đánh trống vừa đánh vừa di chuyển chứ không ngồi một chỗ như nhạc công tấu nhạc.
Ngoài các nội dung trên địa danh Bình Định còn mang thêm các thông tin về giá trị tinh thần tốt đẹp mà nhân dân nơi đây kỳ vọng, ước mong, gửi gắm ký thác vào địa danh. Điều này thể hiện qua các tên gọi: Bình An, Bình Phú, Mỹ Thọ, Phước lộc…
2.3.3. Địa danh và sự đa dạng văn hóa ở Bình Định
2.3.3.1 Phương diện văn hóa sinh hoạt
Địa danh luôn có sự gắn kết với văn hoá - lịch sử của mỗi vùng đất, dân tộc. Nên khi phân tích địa danh, bên cạnh nội dung ý nghĩa mà tên gọi đã thể hiện, chúng ta còn nhận thấy sự ảnh hưởng của các dân tộc trên mỗi địa danh, tên gọi đó. Nếu phân tích tất cả các địa danh của tỉnh Bình Định thì sẽ thấy rõ sự hiện hữu, giao thoa của nền văn hoá Kinh và các nền văn hoá của các dân tộc thiểu số khác một cách đầy đủ, phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, trong khuân khổ luận văn này, chúng tôi chỉ có điều kiện đi phân tích sự giao thoa văn hoá giữa các dân tộc ở Bình Định một cách giản đơn.
Ở Bình Định, có sự cộng cư của người Kinh và người của các dân tộc thiểu số nên có những địa danh có chứa yếu tố dân tộc. Chẳng hạn như một số địa danh trong các lang có các dân tộc thiểu số sinh sống thì địa danh có thành tố riêng thứ hai là ngôn ngữ các dân tộc thiểu số hoặc yếu tố thứ nhất hay thứ hai trong thành tố riêng hoặc cả hai yếu tố là tiếng dân tộc:
- Dân tộc chăm: Kà Xiêm, Dồ Bàn, Thị Nại…
- Dân tộc Bana: Tơ Lok, Tơ Lek, Hà Ri, Tà Kơn …
- Dân tộc H’rê: Dăk Mang, Bok Tới…
Nếu nhìn vào các địa danh dân tộc tại Bình Định chúng ta có thể nhận thấy cách người dân tộc thiểu số đặt tên cho địa danh của mình. Hầu hết các địa danh được đặt tên đều dựa vào đặc điểm bên ngoài dễ nhận biết bằng mắt thường của các đối tượng địa lý hoặc đối tượng khác như: hình dáng, kích thước, màu sắc, cây cối, các từ chỉ người... Đây chính là vấn đề “Văn hoá nhận thức” của mỗi dân tộc. Văn hoá nhận thức này không chỉ có ảnh hưởng đến việc đặt tên các địa danh mà còn có ảnh hưởng rất nhiều đến việc đặt tên của con người. Nếu như người Kinh thường chọn tên gọi nghe hay và có nghĩa đẹp (bằng chữ thuần Việt hoặc Hán Việt) để đặt tên cho con mình như: Mơ, Mận, Hồng, Mỹ Hạnh, Phương Thảo, Thu Trang, Thuỳ Dung... thì người dân tộc lại chọn những cái tên thuần dân tộc để đặt tên cho con mình. Tuy nhiên, chỉ nghe đọc tên lên thì những người không hiểu nghĩa sẽ thấy đó là cái tên không hay thậm chí còn buồn cười, nhưng nếu hiểu được nghĩa của chúng sẽ thấy người dân tộc thiểu số cũng có dụng ý, ước vọng khi đặt tên cho con cái họ. Bên cạnh đó Người dân tộc thiểu số ở vùng cao đặt tên tương đối đơn giản là tên cầm thú, cây cỏ hay các vật dụng trong gia đình. Các dân tộc ở đồng bằng chịu ảnh hưởng cách đặt tên của người Kinh.
Thường thì người Chăm bình dân dùng tiền tố “Ja” (nam) hay “Mư” (nữ) trước tên, tương tự Văn hay Thị của người Việt như Jamưtaharei (nhà nghiên cứu Thiên Sanh Cảnh), Jalau (thi sĩ Trượng Văn Lầu).
2.3.3.2. Phương diện văn hóa sản xuất
Bình Định là một vùng đất đa dạng về văn hóa, về phương diện sản xuất người dân Bình Định được biết đến với tình thần cần cù, chịu thương chịu khó trong lao động để có thể mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc. Trong quá trình lao động duy trì cuộc sống, bản thân họ cũng đã tạo ra các giá trị văn hóa đặc sắc. Họ đã tạo ra những giá trị văn hóa vật chất lớn lao là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ không chỉ có giá trị trong nước mà còn xuất khẩu đi nước ngoài cũng như phục vụ cho ngành du lịch qua đó chúng ta biết đến những giá trị văn hóa lớn lao mà các nghành nghề đó mang lại.
Theo số liệu điều tra mới đây (2008), hiện nay trên địa bàn tỉnh có 54 làng nghề, trong đó có 46 làng nghề truyền thống và 8 làng nghề mới hình thành trong đó có một số làng nghề có tính đặc trưng cao giàu hàm lượng văn hóa. Các làng nghề này đã giải quyết việc làm cho 36.712 lao động, với thu nhập bình quân 700.000 VND người/ tháng, tăng 200.000 VND người/ tháng so với 5 năm về trước. Ở khu vực nông thôn có các làng nghề phát triển, tỉ lệ hộ nghèo thấp hơn khá nhiêu so với các khu vực thuần nông khác.
Làng tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu ở thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu huyện An Nhơn cách Quy Nhơn 30km về hướng tây bắc, các sản phẩm của làng nghề không chỉ nổi tiếng bởi chất lượng, sự tinh xảo mà còn ở chỗ mang tính đặc trưng của văn hóa Bình Định. Các sản phẩm hiện nay của làng nghề không chỉ được tiêu thụ mạnh trong vùng, các tỉnh lân cận mà còn được xuất khẩu sang một số nước khác như: Trung Quốc, Dài Loan, Nhật Bản…
Làng rèn Tây Phương Danh thuộc thị trấn Đập Đá huyện An Nhơn, cách Quy Nhơn khoảng 30km, nghề rèn có mặt ở Tây Phương Danh phải có đến 300 năm. Thời này nông nghiệp phát triển mạnh nên rất cần những công cụ bằng kim khí. Cụ tổ là ông Dào Giã Tượng mang nghề từ phương bắc vào truyền thụ cho người dân địa phương để vừa tạo kế sinh nhai cho bà con trong vùng, vừa phục vụ sản xuất. Rồi từ đó nghề rèn được duy trì và ngày càng phát triển. Đến nay làng rèn Tây Phương Danh có đến hơn 300 hộ trong tổng số 436 hộ dân đang làm nghề rèn. Không chỉ phát triển số lượng mà chất lượng sản phẩm của làng rèn cũng ngày được nâng cao và đa dạng về chủng loại, nhưng nhiều nhất vẫn là các nông cụ cho sản xuất nông nghiệp. Một số lò rèn trong làng còn nhận hợp đồng sản xuất đinh ốc để đóng tàu biển. Hiện nay sản phẩm của lò rèn tây phương danh đã có mặt khắp nơi trong cả nước, nhất là các vùng Tây Nguyên. Cũng từ nghề này, người dân trong làng đã có cuộc sống ổn định, không ít hộ đã trở nên giàu có.
Hàng năm để nhớ ơn người khai sinh ra nghề rèn, người dân Tây Phương Danh đã tổ chức Lễ hội làng Rèn vào ngày 12 tháng 02 âm lịch. Lễ hội này không những quy tụ những hộ đang làm nghề tại địa phương mà còn lôi cuốn cả những người đang làm nghề rèn trên toàn tỉnh. Ngoài ra lễ hội còn thu hút sự tham gia của các làng nghề có liên quan đến nghề rèn như nghề sắt. Có nhiều hộ đã mang nghề rèn truyền thống của mình đi lập nghiệp phương xa cũng không bỏ lỡ dịp này.
Ngoài các nghề thủ công kể trên khi nhắc đến các nghề thủ công truyền thống tại Bình Định ta còn nghĩ ngay đến các làng nghề nổi tiếng đã đi sâu vào tiềm thức văn hóa Bình Định như: Làng nón Phú Gia thuộc xã Cát Tường huyện Phù Cát, Làng dệt thổ cẩm Hà Ri, làng gốm Vân Sơn, Làng dệt chiếu ở Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn, Chế biến thảm xơ dừa ở Tam Quan, làng sản xuất rượu Bầu Đá…
2.3.3.3. Phương diện văn hóa vũ trang
Trong quá trình đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ cho tổ quốc thì nhân dân bình định đã cùng với nhân dân cả nước đã anh dũng đứng lên đánh giặc mang lại những chiến thắng vẻ vang để người đời sau còn nhớ mãi.
Nhắc lại cuộc khởi nghĩa của Chàng Lía, cuộc khởi nghĩa không những đi vào kí ức dân gian mà còn đi vào lịch sử Đàng Trong giữa thế kỉ XVIII chúng ta sẽ nhớ đến Truông Mây, Hay ngợi ca, tự hào về công tích của Tây Sơn Tam kiệt ta sẽ nhớ đến Cây me, giếng nước, mảnh vườn xưa, bến Trường Trầu...
Nhắc đến vị anh hùng Mai Xuân Thưởng ta biết được địa danh núi Kỳ Đồng một trong những căn cứ của nghĩa quân Mai Xuân Thưởng được xây dựng ở núi Kỳ Đồng (nay thuộc ba thôn Tây Đức, Đại An và Thiết Tràng, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn). Tại địa phương núi còn có tên gọi là Bà Lam. Giống như những hòn Độc Sơn ở quanh vùng, núi Kỳ Đồng không cao lắm, chỉ chừng gần trăm thước. Bên trên toàn sõi đá, không có cây lớn. Khắp nơi chỉ toàn sim mua mọc thành từng bụi um tùm. Hình thế núi dài thoai thoải. Nếu nhìn từ phía Tây lại, dãy núi như nối liền với các gò đồng nhấp nhô tạo thành dáng một con rồng đang uốn khúc. Có lễ bởi hình thù như vậy nên những người có con mắt phong thủy gọi núi này là Thanh Long (Rồng Xanh). Núi nằm sát bờ phía Tây sông La Vĩ, nhìn qua bờ bên kia là thành cổ Đồ Bàn.
Địa danh Phù Ly là một địa danh đã đi vào lịch sử. Lần đầu tiên xuất hiện vào năm Hông Đức thứ nhất (1470), khi vua Lê Thánh Tông đánh thắng Champa, mở mang lãnh thổ đến núi Thạch Bi, Phù Ly là một trong ba huyện đầu tiên thuộc phủ Hoài Nhơn. Đến thời Minh Mạng, vào năm 1832, nhà Nguyễn chia Phù Ly ra thành hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát. Từ đó Phù Ly không còn là một đơn vị hành chính cấp huyện nhưng tên Phù Ly vẫn còn được dùng trong dân gian để chỉ chung vùng đất Phù Mỹ - Phù Cát và một số địa danh gắn liền với khu vực trung tâm của Phù Ly xưa như sông Phù Ly, chợ Phù Ly, miếu Phù Ly…
Bình Định được biết đến là một mảnh đất anh hùng kiên cường trong lịch sử chống ngoại xâm, với những vị anh hùng đó đều gắn liền với những địa danh cụ thể. Đó có thể là nơi đã sinh ra và nuôi duỡng họ, hoặc cũng có thể mảnh đất đó gắn liền với những chiến công lừng lấy mà họ đã lập được. Những địa danh đó ngày nay đã đi sâu vào tâm thức của mỗi người dân không chỉ ở Bình Định mà còn khắp đất nước Việt Nam.
Tiểu kết Chương 2
Với một vị trí địa lý đặc biệt có rừng, biển, đồng bằng, hải đảo, đã tạo cho Bình Định sự đa dạng về các mặt: địa lý, lịch sử, văn hoá, dân tộc... Đây là yếu tố cơ bản làm nên sự khác nhau giữa các vùng miền trong tỉnh.
Bình Định cũng có nguyên tắc đặt tên giống các địa phương khác ở Việt Nam, và khi nghiên cứu địa danh Bình Định phải tuân theo một số nguyên tắc chủ yếu như: xét từ phương diện địa lý, xã hội, ngôn ngữ…
Địa danh ở một nơi thường biểu thị cho đặc điểm từng địa phương nên bao giờ cũng mang theo tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc. Do đó, địa danh thường được giữ lại khá bền vững trong tâm tư tình cảm của người dân địa phương, tức là có tính bảo lưu mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong quá trình lịch sử, địa danh vẫn có những thay đổi đáng kể. bên cạnh đó cùng với sự biến đổi của ngôn ngữ thì địa danh Bình Định cũng có nhiều thay đổi đáng kể: Hoài Nhân thành Hoài Nhơn, Tân Quan thành Tam Quan… Những cải cách lịch sử hay ước nguyện của nhân dân cũng làm địa danh có những thay đổi đáng kể. địa danh Bình Định rất đa dạng và phức tạp tuy nhiên lại tuân theo những quy luật biến đổi địa danh cụ thể. Địa danh Bình Định phản ánh rõ nét các giá trị văn hóa vật chất cũng như tinh thần đặc sắc của tỉnh. Đồng thời cũng nói lên được lịch sử hình thành và nguồn gốc dân cư của người kinh cũng như các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn của tỉnh. Thông qua nguồn gốc của các địa danh, phản ánh rõ nét sự cộng cư và văn hóa, lối sống của các dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn tỉnh.
CHƯƠNG 3. TÌM HIỂU MỘT SỐ ĐỊA DANH VĂN HÓA
CỦA TỈNH BÌNH ĐỊNH
3. 1. Các địa danh thuần Việt và có yếu tố Hán Việt
3.1.1. Địa danh Gành Ráng
Quy Nhơn, thủ phủ của Bình Định, có hình dáng thon thả như một con tàu hướng mũi ra phía biển Đông. Từ lâu, bãi biển Quy Nhơn được coi là một thắng cảnh đẹp với bãi cát mịn vàng óng cùng với những cảnh vật hữu tình do thiên nhiên bài trí và con người tu tạo. Gành Ráng là một trong những tác phẩm thiên tạo. Đó là một quần thể sơn thạch chạy sát tới biển, dấu vết tận cùng về phía đông của dãy núi Xuân Vân trùng điệp nằm cách trung tâm thành phố chừng hai cây số về phía Nam. Nơi đây đá chất ngổn ngang, tạo thành hang, thành rạn, thành gành, quanh năm giỡn đùa cùng sóng biển. Bãi đá này có tên chữ là Nhạn Châu (Bãi Nhạn). Có lẽ vì đây là nới chim nhạn thường kéo đến tìm mồi, từng đàn, từng đàn đông đúc nên có tên như thế. Còn tên Gành Ráng thì chưa ai hiểu rõ được nghĩa đích thực. Theo lời dân địa phương thì tên này do những người đi biển đặt ra. Qua những nới nhiều gành, lắm rạn, người ta phải tìm cách đổ bớt gió trong buồm ra biển cho thuyền đi chậm lại. Thao tác ấy trong nghề đi biển gọi là ráng. Đia ngang qua Nhạn Châu, người ta cũng thường phải làm như thế. Lâu dần thành tên, vùng này được gọi là Gành Ráng.
Gành Ráng có diện tích rộng 35ha, là thắng cảnh đẹp với bãi cát trắng chạy dài hàng km, nước biển trong xanh. Gành cao, sóng vỗ, phong cảnh thật kỳ vỹ, góp phần tạo nên cảnh quan hấp dẫn cho bãi biển Quy Nhơn. Nơi đây có bãi Đá Trứng, còn gọi là bãi tắm Hoàng Hậu bên cạnh đồi Thi Nhân với mộ Hàn Mặc Tử (1912-1940). Nơi đây có những hang động đa dạng, những tượng đá mặt người, đầu sư tử, đầu voi, hòn Vọng phu, hòn Chồng, hòn Vợ... do thiên nhiên tạo dáng dọc gành đá bờ biển. Gành Ráng Tiên Sa còn là khu an dưỡng, chữa bệnh lý tưởng. Từ Gành Ráng có thể nhìn bao quát bờ Đông của thành phố Qui Nhơn và bán đảo Phương Mai.
Trong tâm thức dân gian, cảnh đẹp huyền ảo bao giờ cũng là nơi có bóng dáng của thần tiên. Cũng bởi lẽ đó mà Gành Ráng là nơi có truyền thuyết Tiên xuất hiện. Bên cạnh cái tên dân giã thân quen, vùng này còn được gắn với một sự tích li kì. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một gia đình nông dân nghèo, sinh được một cô con gái nết na, xinh đẹp. Khi lớn lên cô gái đã có một mối tình trong trắng và mê say với một chàng trai cùng làng. Nhưng trớ trêu thay tiếng đồn về nhan sắc “chim sa, cá lặn” của nàng đã lọt đến tai một viên quan hám sắc và độc ác. Y rắp tâm ép nàng làm vợ. Bằng thủ đoạn gian xảo và ỷ thế quyền lực, y bắt người con trai đi lính rồi đưa chàng tới tận nơibiến ải xa xôi đồng thời ra lệnh buộc nàng phải nộp đủ mười cân yến sào trong vòng một tháng, nếu không đúng hạn sẽ phải lấy y. Giữ trọn mối tình chung thuỷ với người yêu, người con gái không quản hiểm nguy, quyết chí vượt biển ra đảo tìm tổ yến. Không chịu khuất phục trước âm mưu của tên quan hiếu sắc, người con trai đã trốn về tìm lại được người yêu. Vì hạnh phúc lứa đôi và thương người yêu thân gái liễu yếu đào tơ, chàng không quản khó khăn nguy hiểm, quyết tâm thay nàng ra đảo. Người con gái trở về sống trong mong đợi và lo âu. Đến thời hạn nộp yến mà bóng chàng vẫn biền biệt. Sợ quá nàng đành bỏ trốn. Hay chuyện, viên quan cho lính đuổi theo. Bị truy đuổi gắt gao, người con gái chạy đến Gành Ráng, ẩn vào núi Vũng Chùa. Quân lính đuổi tới đây bỗng trời nổi cơn giông tố, gió cuốn ào ào, mưa bay mù mịt, sấm chớp đùng đùng. Bỗng nhiên núi nứt ra một khe lớn, nàng chạy vào vụt đó rồi biến mất. Khi giông tan, trời quang, mây tạnh, khe núi biến thành một dòng suối mát, uốn lượn trên sườn núi như một dải lụa nối trời với đất. Người đời gọi đó là Suối Tiên. Chàng trai khi tìm được đủ số yến cũng hối hả trở về những mong chuộc lại được người yêu. Nào ngờ trên đường từ đảo vào đất liền cũng gặp giông bão, yến bị sóng biển cuốn trôi hết. Chành đuối sức rồi ngất xỉu, sóng biển đã đưa chàng tấp vào Gành Ráng. Khi tỉnh lại chành còn đang ngơ ngác chưa hiểu mình bị dạt vào nơi đâu thì thấy bóng người con gái lúc hiện, lúc ẩn, chàng vừa gọi vừa chạy theo cho đến khi hai người cùng biến mất. Gành Ráng trở thành nơi đoàn tụ của đôi uyên ương, vì cường quyền mà không nên được nghĩa vợ chồng lúc còn ở dương gian. Họ đã phải thoát tục thành tiên mới đến được với nhau. Câu chuyện đượm màu huyền thoại và đậm chất nhân văn ấy đã gán cho Gành Ráng hai chữ Tiên Sa, nên trong dân gian thường gọi vùng này bằng cái tên ghép Gành Ráng-Tiên Sa.
3.1.2. Địa danh Hầm Hô
Ở vào địa phận thôn Phú Mỹ trước đây thuộc xã Bình Phú, nay thuộc, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn có một danh thắng tên gọi Hầm Hô. Không rõ cái tên dân dã và lạ tai này có tự bao giờ mà ý nghĩa của nó mỗi người giải thích một khác. Có người cho rằng do ở đây có một thác nước cao chừng sáu, bảy mét, đổ vào một hầm đá rộng, phát ra tiếng kêu ầm ồ như tiếng hô báo cho người chèo bè mảng trên dòng biết sắp tới chỗ nguy hiểm mà lo phòng bị nên gọi là Hầm Hô. Lại có người giải thích rằng ở miệng Hầm Hô đá mọc lởm chởm, chìa ra giống như hàm răng hô nên có tên ấy.
Hầm Hô là nơi gặp gỡ của hai nhánh sông Đồng Hưu và sông Cát đổ vào sông Phú Phong. Thắng cảnh là cả một khúc sông dài tới gần ba kilômét, hai bên bờ là những khối đá trập trùng, chỗ thì dựng đứng như thành vách, nới thì chồng chất lên nhau thành đống, lại có đoạn đá nhọn lởm chởm như những thanh gươm dựng đứng.. Làm dịu đi vẻ hiểm trở của những vách đa nhấp nhô là những lùm cây xanh mướt. Nhưng bụi sim, mua lá xanh, hoa tím xen lẫn những khóm phong lan cheo leo trên đá, lửng lơ trên những cành cây. Điểm xuyết vào đó là những cây cổ thụ im lìm như đang trầm mặc suy tư. Xa xa là những rừng hoa ngâu đốm vàng với lác đác những khóm Mai trắng ẩn hiện. Cây cối mọc lâu ngày, rễ rủ như tóc xoã, xoi bóng xuống mặt nước lung linh, nới từng đàn cá đang tung tăng bơi lội. Sông Hầm Hô có tiếng là nhiều cá, nhất là về mùa lũ. Cá từ khắp nơi kéo về từng bầy trông đặc cả nước. Các lội ngược dòng bị thác nước hất tung trở lại trông như thể cá bay. Dân gian truyền rằng, hàng năm Long vương tổ chức kì thi cho cá tại thác Hầm Hô. Con nào vượt qua được sẽ hoá thành rồng, nên cá từ sông Côn dồn cả về đây để thử vận may. Có lẽ do điển tích này mà thác Hầm Hô còn có tên chữ là Vũ Môn, còn dân gian gọi là thác Cá Bay. Vậy mới có thơ rằng:
Hầm Hô nước chảy trong xanh
Dưới sông cá lội, trên cành chim reo.
Thế nhưng, cảnh đẹp đích thực của Hầm Hô khiến du khách viếng thăm phải sửng sốt về sự tạo hoá của thiên nhiên ngay dưới lòng sông. Với chiều rộng trên dưới ba mươi mét, lòng sông chi chít những trụ đá hoa cương thiên hình vạn trạng. Vào mùa nước cạn, những ngày trời trong xanh, khi những tia nắng ban mai rọi xuống, những khối đá hoa cướng ánh lên muôn màu lóng lánh, rực rỡ như ngàn vạn viên kim cương khoe mình trên làn nước trong xanh. Hình dáng thật kì dị của những trụ đá đã chấp cánh cho trí tưởng tượng của bao thế hệ của cư dân nơi đây. Hòn lớn, hòn nhỏ, khối vuông, khối tròn, có những cụm nhìn tựa đàn voi đang tắm, có những dãy trông như thể bầy ngựa đang phi. Lại có tảng chẳng khác gì một con cá sấu khổng lồ đang há miệng săn người và rồi biết bao hình dạng giống như người, như thú, như vật dụng thường ngày…Tất cả bày la liệt, ngổn ngang mà hài hoà, mà ngoạn mục đến mức không một hoạ sĩ, một nhà điêu khắc tài danh nào có thể tạo dựng nổi. Vượt qua bờ đập, đi ngược dòng sông một đoạn sẽ gặp một vách đá dựng đứng như tường thành với cái tên dân gian Hòn Đá Thành. Trên vách đá rêu phủ xanh rì, từng chùm rễ cây leo lòng thòng rủ xuống trong hệt như một bức tường thành cổ kính. Bên trái thành có một bãi đá chồng chất lên nhau. Liên tưởng như có một người khổng lồ đổ cả một thúng đá xuống lòng sông, dân trong vùng gọi đây là khúc sông Trời Lấp. Qua khúc sông nay, ngược tiếp dòng sông sẽ trông thấy hai bên nhiều khối đá lô nhô, hòn cao, hoà thấp với muôn vàn hình dáng khác nhau. Bên những hòn đá vây tụ vào nhau là một vũng nước sâu có tê vũng cá Rói. Vào mùa cạn nước, trong vũng vẫn đầy, từng đàn cá Rói từ khắp nơi đổ dồn về đây. Khi có mồi ăn, chúng xông vào tranh giành xâu xé, ngồi trên bờ xem không chán mắt.
Con người dường như nhỏ bé lại trước một không gian mênh mông. Thắng cảnh Hầm Hô thật đồ sộ. Đá chất chồn, xếp thành nhiều tầng, nhiều lớp mà ngắm nhìn thì như đứng trước một tác phẩm điêu khắc hoành tráng và hoàn mĩ đến độ cho người xem một cảm giác choáng ngợp và trong lòng trào dâng những cảm xúc nghệ thuật. Những khối đá vô tri như sống động, như có hồn được bao phủ bởi rêu phong của thời gian, bởi huyền tích do con người thêu dệt. Những dáng vẻ vừa như tả thực, vừa như cách điệu siêu thoát đưa ta đi hết sự ngạc nhiên này đến sự ngạc nhiên khác mà sự linh diệu của thắng cảnh chỉ có thể cảm nhận phần nào khi được tận mắt nhìn thấy, được đắm mình trong đó.
Chính tại nơi đây, hơn hai trăm năm về trước vị danh tướng Võ Văn Dũng đã rèn quân luyện võ để rồi sau đó hợp lực với các thủ lĩnh Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa. Cũng tại nơi đây, anh hùng Mai Xuân Thưởng đã xây dựng căn cứ kháng Pháp. Địa danh này vì thế, còn có ý nghĩ thiêng liêng của một chứng tích lịch sử.
3.1.3. Địa danh Bàu Sấu
Đây là một bàu nước rộng và sâu, tên chữ là Ngạc Đàm, tục danh gọi là Bàu Sấu. Nhân dân địa phương giải thích sỡ dĩ có tên gọi như vậy vì xưa kia trong bàu có cá Sấu. Lâu ngày, trải qua nhiều trận lụt, cá Sấu theo nước bỏ đi nơi khác. Bàu Sâú cũng là nơi nổi tiếng có nhiều cá nhất là cá Chép. Cá Chép ở đây rất lớn và có màu sắc lạ. Vảy ánh như đồng và đôi mắt thì đỏ rực. Mặc dù núi Kỳ Đồng được coi là một trong “Tứ Linh”, tọa lạc ven một bàu nước rộng mênh mông nên được gán cho hình tượng “Thanh long ẩm thủy” (Rồng xanh uống nước) và Ngạc Đàm cũng có thể được gọi là một thắng cảnh đẹp trong vùng, nhưng Bàu Sấu nổi tiếng và đi vào sử sách là vì nơi đây đã diễn ra một sự kiện bi hùng, gắn liền với tên tuổi của vị nguyên soái anh hùng Mai Xuân Thưởng.
Đầu năm 1887, quân Pháp phối hợp với quân triều đình do Tràn Bá Lộc chỉ huy đã tiến công trên quy mô lớn vào các căn cứ của nghia quân Cần Vương. Do chênh lệch về lực lượng và vũ khí, nhiều vị trí hiểm yếu bị mất vào tay giặc. Trước tình thế ấy, Mai Xuân Thưởng quyết định tổ chức một trận sống mái với quân thù. Ông đã chọn Bàu Sấu làm nơi bày trận. Dưới sự chỉ huy của ông, nghĩa quân đã chiến đấu vô cùng dũng cảm với quân địch suốt hai ngày đêm. Cuối cùng vì quân địch quá đông lại được yểm trợ bằng hỏa lực mạnh, nghĩa quân không chống đỡ nổi. Quân ta bị tổn thất lớn. Ngay cả chủ soái Mai Xuân Thưởng cũng bị trọng thương. Ông đã phải cùng với tàn quân mở đường máu rút lui về mật khu Linh Đỗng, quyết chí xây dựng lại lực lượng chờ ngày phản công. Nhưng ý chí phục thù của Mai nguyên soái đã không thực hiện được. Quân thù đã thẳng tay đàn áp, dìm dân trong bể máu. Chúng đã không từ các thủ đoạn hèn hạ, bắt giam mẹ già của Mai Xuân Thưởng. Ông đã sa vào tay giặc ngày 4 tháng 5 năm 1887 và hơn một tháng sau bị xử trảm. Trong bài văn tế người anh hùng họ Mai có đoạn viết:
Đuối tay kinh tế, hàng văn thân bóng khép Đồng Hưu.
Kết trận thư hùng, đoàn nghĩa sỹ máu trôi Bàu Sấu.
Bàu Sấu đã trở thành nới chứng kiến trận chiến quyết tử cuối cùng của Mai Xuân Thưởng cùng các chiến binh yêu nước. Di tích đồn lũy tại căn cứ Kỳ Đồng, Bàu Sấu sau này đã bị thực dân Pháp cho san phẳng, không còn để lại dấu vết gì, nhưng tinh thần chiến đấu quả cảm vì độc lập của tổ quốc của những người con anh dũng sẽ được ghi tạc mãi mãi trong lòng dân.
3.1.4. Địa danh Bến Trường Trầu
Cây Me cũ, bến Trầu xưa
Không nên tình nghĩa thì cũng đón đưa cho trọn niềm…
Câu ca rất đỗi quan thuộc với người Bình Định, và nay cũng đã trở nên quen thuộc với nhân dân cả nước, đã thành lời của một bài hát về quê hương Tây Sơn…Trở về Kiên Mỹ, quê hương thứ ba của dòng họ Tây sơn, nơi sinh trưởng của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, đến thăm điện Tây Sơn, thăm cây me cũ, thăm giếng nước xưa và cùng đến thăm bến Trường Trầu… Bến Trường Trầu vốn là một bến buôn bán trầu lớn bên bờ sông Kôn, xưa thuộc xóm Trầu thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn, nay là xóm Hưng Hòa (đội 7) khối I thị trấn Phú Phong huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định… Từ thị ttrấn Phú phong, qua cầu Kiên Mỹ theo cả Ngạn sông Kôn về phía đông khoảng 300m là tới bến Trường Trầu.
Hơn hai trăm năm đã trôi qua, sông Kôn đã bao lần đổi dòng. Ở nơi ngày xưa là bến Trương Trầu mực nước sâu thăm thẳm khiến thuyền ghe chở hàng hoá có thể ghé sát bờ một cách dễ dàng, thì nay đã bị bồi lấp, vào mùa khô nhìn xuống chỉ là một bãi cát trắng ven sông… Bến không còn nhưng cái tên Bến Trường Trầu thì đã đi vào lịch sử, đã được khắc sâu trong ký ức dân gian và sẽ sống mãi với thời gian như chính sự nghiệp lẫy lừng của người anh hùng cờ đào áo vải Tây Sơn. Đến Kiên Mỹ nay, trước bến Trầu xưa, nhìn về xa xăm nơi hai đầu sông Kôn mà lòng thấy bồi hồi xao xuyến. Ký ức như được đánh thức để trở về với hơn hai trăm năm trước cùng chứng kiến cảnh nơi đây tấp nập trên bến dưới thuyền, những xấp trầu xanh biếc, những buồng cau nở nang, và cả cái không khí hối hả chuẩn bị cho một sự nghiệp lớn từ bến Trường Trầu.
3.2. Các địa danh gốc Hán
3.2.1. Vọng Phu Thạch
Ở địa phận thôn Chánh Oai, trên một ngọn núi cao, có hai khối đá, một cao, một thấp trông tựa hình người. Từ phía biển nhìn vào giống như một người đàn bà tay dắt đưa con đang ngóng nhìn ra phía khơi xa. Dân địa phương gọi đó là hòn Vọng Phu. Tác phẩm như có hồn của tạo hoá đã khiến con người phải động lòng. Khối đá xanh đứng hoài dưới nắng mưa, thi gan cùng năm tháng đã biểu tượng cho lòng chung thuỷ của nghĩa vợ chồng trong tâm thức dân gian. Nó cũng giống như hòn Tô Thị gần Tam Thanh xứ Lạng. Có điều sự tích vợ ngóng chờ chồng thì mỗi nơi một khác. Nàng Tô Thị ở Lạng Sơn phải chia lìa với chồng do loạn lạc, chiến tranh. Chồng nàng chẳng biết đang phải trấn thủ, lưu đồn nơi nào mà biệt âm vô tín, khiến cho nàng phải bồng con ngóng đợi cho đến ngày hoá đá. Hòn Vọng Phu ở Bình Định lại là hoá thân của một phụ nữ gặp cảnh đời éo le. Sự tích kể lại rằng, từ thuở xa xưa có một gia đình chỉ sinh được hai ngươì con, một trai, một gái. Lúc còn nhỏ tuổi, người anh lỡ tay làm người em bị vỡ đầu, máu ra lênh láng. Sợ quá, người con trai bỏ nhà trốn đi biệt xứ. Thế rồi năm tháng qua đi, sự đời trớ trêu lại se kết họ nên duyên vợ chồng. Hạnh phúc giản dị và êm đềm đã đến với họ, nhất là sau khi hai người sinh hạ được một đứa con. Nào ngờ đến một ngày nọ, người chồng tình cờ phát hiện ra rằng người vợ chính là em gái ruột của mình. Đau đớn và ân hận đến khôn cùng, người chồng đành lặng lẽ bỏ đi không một lời giã biệt. Không mảy may hay biết về duyên cớ ra đi của chồng, người phụ nữ thương nhớ khôn nguôi mới dắt con lên ngọn núi ngóng trông cho đến khi hoá thành đá. Có lẽ chẳng mấy ai tin vào tính xác thực của sự tích huyền thoại này, nhưng nó cứ được truyền từ đời này qua đời khác như một lời nhắc nhở và gửi gắm vào đó sự cảm phục đức thuỷ chung, một phẩm hạnh có thực của người phụ nữ Việt Nam.
3.2.2. Quy Nhơn
Di tích lịch sử phủ thành Quy Nhơn nay chỉ còn là một phế tích thuộc địa phận thôn Châu Thành xã Nhơn Thành huyện An Nhơn tỉnh Bình Định. Trên quốc lộ 1 từ thị trấn Bình Định ra Bắc, đi khoảng 8km là tới uỷ ban nhân dân xã Nhơn Thành, rồi rẽ theo con đường đất ven sông nhỏ về hướng Đông Bắc khoảng chừng 500m là tới di tích phủ thành xưa.
Phủ thành Quy Nhơn như tên gọi, là lị sở trấn trị của phủ Quy Nhơn. Sau cuộc hành quân Bình Định Chiêm Thành năm1471 Lê Thánh Tông đặt phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện là Bồng Sơn, Phù Li và Tuy Viễn, rồi đến năm 1604 phủ Hoài Nhơn đổi làm phủ Quy Nhơn, năm 1651 đổi phủ Quy Nhơn làm phủ Quy Ninh, năm 1742 lại đổi phủ Quy Ninh làm phủ Quy Nhơn. Trong khoản thời gian hai thế kỷ rưỡi, trị sở của phủ này là thành cũ Đồ Bàn, quốc đô của Chiêm Thành, được xây dựng từ thế kỷ thứ X, mãi đến năm 1744 mới dời ra thôn Châu Thành, nơi còn để lại dấu tích đến ngày nay. Thực ra tên thôn Châu Thành là mới đặt từ thời Minh Mạng, còn trước nữa là phường, có tên là xã Thời Lượng, tổng hạ huyện Phù Ly.
3.2.3. Địa danh Phù Ly
Với Bình Định, Phù Ly là một địa danh đã đi vào lịch sử. Lần đầu tiên xuất hiện vào năm Hồng Đức thứ nhất (1470), khi vua Lê Thánh Tông đánh thắng Chămpa, mở mang lãnh thổ đến núi Thạch Bi, Phù Ly là một trong ba huyện đầu tiên thuộc phủ Hoài Nhơn. Đến thời Minh Mạng, vào năm 1832, nhà Nguyễn chia Phù Ly ra thành hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát. Từ đó Phù Ly không còn là một đơn vị hành chính cấp huyện nhưng tên Phù Ly vẫn còn được dùng trong dân gian để chỉ chung vùng đất Phù Mỹ -Phù Cát và một số địa danh gắn liền với khu vực trung tâm của Phù Ly xưa như sông Phù Ly, chợ Phù Ly, miếu Phù Ly…
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Bình Định là vùng tự do. Phù Mỹ và Phù Cát là một địa bàn trọng yếu không chỉ đối với Bình Định mà còn đối với cả vùng Nam Trung Bộ. Năm 1948 thực dân Pháp đã tiến hành một kế hoạch tấn công càn quét với quy mô lớn vào khu vực Phù Ly. Trọng điểm đánh giá của chúng là vung giáp ranh giữa hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát, dọc theo tỉnh lộ 633 nối thông quốc lộ 1 với cửa biển Đề Gi. Nhưng ngay từ những giờ phút đầu tiên quân địch đã bị các lực lượng vũ trang của ta đánh cho tơi tả. Kế hoạch càn quét của địch hoàn toàn thất bại. Đây là trận thắng lớn đầu tiên và có ý nghĩa hết sức quan trọng của quân và dân Bình Định trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Di tích của chiến thắng oanh liệt này hiện nay chỉ còn là những địa điểm, địa danh, nơi đã xảy ra chiến trận. Đó là thôn Phù Ly, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, chợ Phù Ly, miếu Phù Ly… Năm tháng đã đi qua, dòng sông Phù Ly đã bị bồi cạn, miếu Phù Ly đã sập đổ chỉ còn lại nền nhưng những chiến công Phù Ly đã được ghi vào những trang sử hào hùng của quê hương và dân tộc, vẫn luôn khắc sâu mãi trong lòng dân Bình Định và cả nước.
3. Các địa danh gốc chăm
3.3.1 Địa danh Đồ Bàn, Chà Bàn
Thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, cách thành phố Quy Nhơn 27km về hướng Tây Bắc. Thành được xây dựng vào cuối thế kỷ 10, dưới triều đại vua Yangpuku Vijaya. Đây là kinh đô cuối cùng của vương quốc Chămpa, các vua Chăm đã đóng ở đây từ thế kỷ thứ 11 đến thế 15. Di tích hiện nay không còn nguyên vẹn chỉ còn sót lại các bức tường thành. Tường thành cây dựng bằng đá ong, có hào, đường lát đá hoa cương.
Trong thành có những di tích cũ của người Chăm như: giếng vuông, tượng nghê, voi, bên cửa hậu có gò Thập tháp, trên gò vốn có 10 ngôi tháp. Đặc biệt có ngôi tháp Cánh Tiên cao gần 20m, góc tháp có tượng rắn làm bằng đá trắng, 2 voi đá và nhiều tượng quái vật. Chùa Thập tháp Di Đà nằm ở phía Bắc thành, Chùa Tháp Nhạn nằm ở Nam thành, trong đó còn giữ nhiều di tích, hiện vật liên quan đến văn hóa Chămpa và phong trào Tây Sơn.
Đến năm 1778, Nguyễn Nhạc tự xưng là Trung Ương Hoàng Đế đóng đô ở đây gọi là Hoàng Đế Thành, mở rộng về hướng đông xây dựng nhiều công trình lớn. Năm 1779, thành bị quân nhà Nguyễn chiếm gọi là thành Bình Định. Năm 1814, nhà Nguyễn phá bỏ thành cũ, xây thành mới cách thành cũ khoảng 5km về hướng nam. Không chỉ là một căn cứ quân sự đơn thuần mà còn là Tổng hành dinh của nghĩa quân và sau đó là kinh đô của Triều đình Nguyễn Nhạc, thành Hoàng Đế được bố phòng khá chắc chắn. Ngoài ra các vòng tường thành kiên cố, thành còn được phòng vệ bằng cả một hệ thống sông ngòi, núi, đồi, gò tự nhiên và nhân tạo bao bọc xung quanh. Sông Đập Đá tách ra ở Thiết Trụ (xã Nhơn Mỹ) rồi hợp lại ở Lý Tây( xã Nhơn Thành) đã bao bọc thành Hoàng Đế như những con hào tư nhiên, đồng thời là những con đường thủy thuận lợ. Phía Tây Bắc thành còn dấu vết một bến thuyền xưa ở khu vực Bến Gỗ. Từ đó thuyền có thể theo đường sông Quai Vạc trở lại sông Kôn rồi ngược lên Thượng Đạo hoặc xuôi theo sông Đập Đá, sông Đại An về phía Đông ra cửa Thị Nại. Cùng với tuyến sông- hào, các gò núi quanh thành cũng đóng vai trò không nhỏ trong hệ thống phòng thủ. Phía Nam thành có gò Vân Sơn, gò Tập. Đây là những cao điểm lợi hại án ngữ phía nam thành Ngoại. Theo giải thích của nhân dân địa phương, gò Tập chính là nơi trước đây dùng để luyện tập quân sĩ. Xa hơn gò Tập một chút là Long Cốt. Ngọn núi này, án ngữ phía trước cửa thành. Sử sách còn ghi lại nhiều trận chiến ác liệt xung quanh ngọn núi này. Thành còn có một hệ thống phòng vệ từ xa trên cả hai mặt thủy và bộ. Đó là các thành lũy dã chiến trên núi Càn Dương, Mò O, Hàm Long, Kì Sơn…, các đồn bảo ở cửa biển Đề Gi, Nha Phiên, Thị Nại. Ngoài tòa thành, hiện còn một số di tích liên quan trực tiếp đến phong trào Tây Sơn.
So với những công trình kiến trúc mà quân Tây Sơn đã từng tu tạo và xây dựng như thành Phú Xuân (Huế), Phượng Hoàng Trung đô ( Nghệ An) và các thành lũy khác trên đất Bình Định, thành Hoàng Đế có quy mô lớn nhất. Tòa thành này đã giữ một vai trò quan trọng trong sự nghiệp thắng lợi vẻ vang của phong trào Tây Sơn đồng thời cũng đã chứng kiến những sự kiện bi tráng trong những năm tháng cuối cùng của triều Tây Sơn, nay trở thành một di tích lịch sử nhắc nhở muôn đời sau về một thời oanh liệt của những người anh hùng áo vải cờ đào.
3.3.2. Địa danh Thị Nại
Đầm Thị Nại là một đầm nước mặn nằm trên địa phận thành phố Qui Nhơn, huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát thuộc tỉnh Bình Định, có diện tích hơn 5.000 ha. Một phần nhỏ của đầm Thị Nại được sử dụng làm cảng biển (Cảng Quy Nhơn). Địa danh này có âm gốc tiếng Champa(Chiêm Thành) gọi đầy đủ là Thi Lị Bi Nại, tên phiên âm chữ Cri-Banoi là tên hải cảng của Vương quốc Champa; người Hoa gọi cảng này là Tân Châu.
Trong đầm ở gần biờ phía tây có một núi nhỏ - trên đó có một ngôi miếu nhỏ do dân chìa lập ra để thờ thủy thần – hình dáng núi tựa như một ngôi tháp cổ, gọi là tháp thầy bói (do chim bói cá thường tụ tập trên các khối đá nên ngôi miếu có tên như vậy. Làm cho cảnh quan đầm thêm sinh động và hấp dẫn. Hiện nay tỉnh Bình Định đã thành lập khu bảo tồn thiên nhiên để bảo tồn và phát triển sự đa dạng của hệ sinh thái nơi đây.
Trong lịch sử đầm Thị Nại là căn cứ thủy quân của nhà Tây Sơn, nơi diễn ra những trận thủy chiến ác liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Ánh vào cuối thế kỷ XVII. Đặc biệt ở đầm thị nại còn có cầu thị nại bắc qua với chiều dài 2.477,3m – là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam hiện nay với 54 nhịp nối liền thành phố Quy Nhơn với khu kinh tế Nhơn Hội.
3.3. Địa danh Cù Lao Xanh
Là một hòn đảo cách thành phố Quy Nhơn khoảng 22km, Cù Lao Xanh là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho người dân Bình Định. Tên gọi Cù Lao Xanh xuất phát từ tiếng Chăm Palaw (Plogam Bir) nghĩa phần đất hoặc núi nổi lên giữa mặt nước. Đây là hòn đảo duy nhất tại Bình Định có cư dân sinh sống
KẾT LUẬN
Bình Định là một vùng đất sông núi hữu tình, là mảnh đất cộng cư của nhiều dân tộc anh em và giàu truyền thống văn hoá. Do đó, nghiên cứu về địa danh Nam Trung bộ qua cái nhìn văn hoá sẽ góp phần tôn vinh thêm những giá trị tinh thần, những nét đẹp trong phong tục tập quá lâu đời mà người dân ở đây đã gìn giữ và phát huy.
Địa danh và địa danh học mặc dù ra đời muộn hơn các ngành khoa học khác nhưng đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm đầu tư. Chính vì thế, trong những năm cuối của thế kỷ XX đặc biệt những năm đầu thế kỷ XXI đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu về địa danh ra đời. Nghiên cứu địa danh không chỉ vận dụng kiến thức của ngành địa danh học mà cần có sự kết hợp của nhiều ngành khoa học khác. Trong luận văn này, chúng tôi cố gắng vận dụng kiến thức của các ngành: Ngôn ngữ, Lịch sử, Văn hóa, Dân Tộc học…
Ở Việt Nam, Địa danh học là chuyên ngành khoa học còn khá non trẻ và đang có xu hướng phát triển. Tuy chưa thật sự hoàn thiện về mặt cơ sở lý luận nhưng chúng ta có thể tiếp thu được từ thành tựu nghiên cứu của các nước bạn và công lao khai phá của các nhà khoa học tiền bối. Bên cạnh đó, chúng ta có thể tìm được cho mình một hướng tiếp cận riêng, nhất là từ phương diện văn hoá. Đóng góp to lớn của phương thức tiếp cận này là những giá trị văn hoá, lịch sử được lưu giữ trong tập quán đặt tên, định danh lâu đời của người Việt Nam một lần nữa lại được khẳng định và tôn vinh như những biểu tượng văn hoá tinh thần đặc sắc. Địa danh là tên gọi của địa hình thiên nhiên, các công trình xây dựng, các đơn vị hành chính, các vùng lãnh thổ nào đó. Do đó, địa danh là đối tượng quan tâm của nhiều lĩnh vực khoa học như lịch sử, địa lý, dân tộc học, văn hóa học, ngôn ngữ học.
Tuy nhiên, địa danh, xét về bản chất cấu tạo, là một đơn vị từ ngữ, có chức năng định danh sự vật, do đó, địa danh là một bộ phận của từ vựng và vì vậy, trước hết, là đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học. Nếu xem xét địa danh trong mối quan hệ với các bộ môn của ngôn ngữ học, chúng ta có thể nhận thấy, địa danh không chỉ là đối tượng của từ vựng học mà còn là tài liệu nghiên cứu của ngữ âm học. Bởi vì địa danh được cấu tạo bởi những đơn vị ngữ âm, chịu sự tác động của các quy luật ngữ âm. Địa danh học thực sự là một ngành của ngôn ngữ học, chuyên nghiên cứu ý nghĩa, nguồn gốc, và những biến đổi của địa danh. Ngoài ra, địa danh học còn nghiên cứu cấu tạo của địa danh, đặc điểm của địa danh, các phương thức đặt địa danh. Địa danh học còn được phân loại thành các phần nhỏ như thủy danh học (chuyên nghiên cứu tên sông suối rạch...), sơn danh học (chuyên nghiên cứu các tên đồi, núi, đèo, dốc...), phương danh học (chuyên nghiên cứu các tên làng, vùng, xóm, bản...) phố danh học (chuyên nghiên cứu các tên đường, phố, quảng trường...). Với đối tượng và nội dung nghiên cứu như trên, rõ ràng, địa danh học là một lĩnh vực nghiên cứu khá phức tạp, đòi hỏi người nghiên cứu địa danh cần phải xác định điểm xuất phát một cách nhất quán và những tri thức cần thiết của các lĩnh vực nghiên cứu khác phục vụ cho việc nghiên cứu địa danh.
HẾT