Friday, 12 October 2012

Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: lính tráng 2 (Nguyễn Ngọc Chính)

(Tiếp theo)

Trong lãnh vực văn chương, Sài Gòn xưa không thiếu những ấn phẩm viết về lính. Một trong những tác phẩm nổi bật là Đời Phi Công của nhà văn Toàn Phong, bút hiệu của Đại tá Không quân Nguyễn Xuân Vinh.  Đời Phi Công xuất bản lần đầu năm 1960 và được Giải thưởng Văn chương Toàn quốc cùng năm. Trong một phỏng vấn ở hải ngoại sau này, tác giả Toàn Phong cho biết ông bắt đầu viết Đời Phi Công vào năm 1959 và đăng mỗi tuần một kỳ vào ngày thứ Hai trên nhật báo Tự Do.

Đời Phi Công là một cuốn truyện dưới dạng những bức thư của một phi công viết cho người yêu là sinh viên tên Phượng để kể cho nàng nghe cuộc đời của những người hàng ngày “lướt gió tung mây”, đêm thì dõi theo “ánh tinh cầu”. Những bức thư ghi lại kỷ niệm vui buồn trong những phi vụ, kể lại một cuộc sống vừa lãng mạn vừa sôi nổi  của một phi công thời chiến.

Đời Phi Công ra đời làm nức lòng các thanh niên thiếu nữ. Thanh niên thì nuôi giấc mộng hải hồ, thiếu nữ thì mơ có người yêu là một chàng phi công hào hoa “đi mây về gió”. Tác phẩm này đã là đề tài của nhiều buổi thuyết trình và có những đoạn được trích dẫn trong chương trình “kim văn” trung học đệ nhất cấp.

Trong một bức thư gửi cho Phượng khi bước chân sang Pháp học lái máy bay, Toàn Phong viết: “Em cũng như tất cả những người thân-tình, cũng như tất cả những người dân Việt, chắc hẳn phải đồng ý rằng nước nhà cần có đủ mọi ngành quân-lực. Đường đời muôn vạn nẻo anh đã chọn lấy một hướng, dù gian-nan muôn trùng anh cũng sẽ mỉm cười dấn bước”.

Ngôn ngữ trong Đời phi công là một thứ ngôn ngữ gợi hình. Tác giả gọi những bức thư là “giòng lá thắm”, ánh mắt của cô Phượng “trông như ánh pha-lê”, hành trình của người con trai thời chiến như “một chiếc lá vàng đã trót được thả trên giòng đời” còn phi công được thi vị hóa như những “tráng-sĩ” hay “hiệp-sĩ không-trung”… Nếu để ý, ta sẽ thấy những từ Hán-Việt đều được Toàn Phong viết có gạch nối. Đó là phong cách viết cầu kỳ của người Sài Gòn xưa. Tham khảo thêm về Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh tại http://nguyenngocchinh.multiply.com/journal/item/27  (Đà Lạt sương mù: Hồi ức về một người thân).

Phi công VNCH sau phi vụ “Bắc Phạt” năm 1965

Nhà văn quân đội thứ hai mà tôi muốn đề cập đến là Thế Uyên. Tôi biết Thế Uyên khi còn học tại Ban Mê Thuột. Khi đó ông lưu lạc đến cao nguyên đất đỏ trong vai trò một giáo sư dạy môn Công dân Giáo dụctrước khi bị động viên vào khoá 14 Trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, cùng một lượt với nhà thơ Thanh Tâm Tuyền.

Thầy trò chỉ hơn nhau có 11 tuổi nhưng, đối với tôi, thầy Dũng mang dáng dấp của một người từng trải với điếu thuốc lúc nào cũng gắn trên môi. Thế Uyên, bút hiệu của Nguyễn Kim Dũng, sinh năm 1935 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống văn học. Mẹ ông là em ruột nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, và là chị nhà văn Thạch Lam.

Sau 1975, cũng như hàng trăm ngàn sĩ quan của miền Nam, ông bị đi tù cải tạo một thời gian, trước khi đến định cư tại Mỹ. Cách đây vài năm ông bị “stroke” tê bại một nửa người, phải ngồi trên xe lăn để di chuyển trong nhà. Tuy nhiên, bằng một nghị lực phi thường, ông đã tập viết lại bằng tay trái, và đã viết bài cho các tạp chí văn học hải ngoại.

Thế Uyên là tác giả của các tác phẩm nổi tiếng xoay quanh người lính trong chiến tranh Việt Nam như Mười ngày phép của một người línhTiền đồn... Trong một cuộc phỏng vấn Thế Uyên cho biết:

Nếu nghề dạy học đã làm tôi hút thuốc lá từ lúc trẻ cho tới khi bị stroke, thì nghề làm lính làm tôi thích bia rượu và thay đổi hẳn quan niệm và cách viết văn. Tôi từ bỏ (hay bị từ bỏ, vì hoàn cảnh sống có tác động mạnh đến bút pháp) lối viết và đề tài cũ, giã từ những mối tình trai gái lãng mạn trong thành phố an bình, chuyển sang chiến tranh và các hệ luỵ của nó. Với tôi, quân đội và chiến tranh, như một vết cắt, thành trước và sau, before and after, trước sex vẫn hiện diện, nhẹ nhàng thôi, bây giờ sex nặng nề, tràn đầy… Như trong Tiền Đồn, Mười Ngày Phép Của Một Người Lính, Nỗi Chết Không Rời...

Trong tác phẩm Tiền đồn, Chị Ba, người nông dân tượng trưng cho người dân Việt Nam -ở cả miền Nam lẫn miền Bắc - đã phảiđược và bị làm tình với cả ba phe lâm chiến hồi đó: lính miền Bắc, lính miền Nam và lính Mỹ. Đó là một đề tài sex rất mới lạ trong mảng chiến tranh mà Thế Uyên đã đưa vào tiểu thuyết. Có người bảo giữa tình dục và chiến tranh hoàn toàn không có gì liên quan đến nhau nhưng Thế Uyên lại nghĩ khác:

“…Nhà văn Võ Phiến (một người không đi lính và không ở tiền tuyến với súng đạn chông mìn) không đồng ý với phân tích đó, cho rằng chiến tranh vẫn có đó, cho nhiều người, nhưng không liên quan gì đến tăng hay giảm sex trong văn chương... Tôi tôn trọng ý kiến nhưng không đồng ý với bậc đại trưởng lão này. Để tránh tranh cãi, tôi xin nói lại thế này: Riêng đối với cá nhân tôi, đang khi và sau khi rời mặt trận, tôi cảm thấy phải sử dụng tới sex, tới làm tình, nghĩa là sự sống, tạo sự sống, mới diễn tả được chiến tranh, sự chết, huỷ diệt. Tôi cảm thấy thế thì phải viết như thế, thật tự nhiên, không gò ép…

Ở Tiền đồn còn có những chi tiết nhỏ nhoi mà những tác giả chưa từng sống trong tâm trạng của người lính trực tiếp cầm súng không thể nào có được: “Mới chỉ thiếu đi một khoảnh khắc ánh trăng ... mình mệt rồi, chàng thì thào, phải kiếm đôi giày khác, đưa đôi này đi làm fermeture. Một thằng bạn nào đã nói: Phải đi giày có fermeture mới đỡ căng thẳng thần kinh... Hắn có lý đấy, chàng sợ nhất ban đêm bị đánh bất ngờ, xỏ giày không kịp, cứ chân không tác chiến và chạy băng bờ bụi…

Trong giai đoạn “chiến tranh du kích”, người Sài Gòn dùng cụm từ “đắp mô” để chỉ những hoạt động của du kích MTGPMN tối tối thường ra các trục lộ giao thông phá hoại đường xá. Trong Tiền Đồn, chuyện “đắp mô” của “những người anh em phía bên kia” lại được Thế Uyên diễn tả bằng “ngôn ngữ của lính”: 

Hai tiếng nổ lớn kế tiếp vang dội. Những viên đất nhỏ rơi lả tả trên đầu, quần áo. Vũ quay đầu lại la lớn về phía toán đang dùng TNT phá ụ: "Còn mấy cái mả Hồ Chí Minh nữa mới xong?". Một tiếng la trả lời: "Ba mả nữa!".

Người lính tiền đồn và gia đình

Dĩ nhiên trong lãnh vực báo chí Sài Gòn xưa tràn ngập những tin tức liên quan đến lính, từ các mục Tin Chiến SựTin Chiến Trường đến các mụcHậu phương & Tiền TuyếnỦy lạo binh sĩ, v.v… Riêng quân đội cũng có cơ quan báo chí trực thuộc Phòng 5 Bộ tổng tham mưu với tờ Phụng Sự, ấn phẩm ra hàng tháng trong suốt thời gian từ 1953 đến 1960. Phụng Sự là tạp chí nghị luận, biên khảo và văn nghệ với sự góp mặt của Toàn Phong (tác giả Đời Phi Công đã đề cập đến ở phần trên), Hoàng Ngọc Liên, Hà Liên Tử, Nguyễn Mạnh Côn, Uyên Thao, Phan Lạc Tuyên…

Báo Chiến Sĩ Cộng Hòa (1959-1974) là cơ quan hợp nhất hai tờ Phụng Sựvà Quân Đội và tạp chí Chỉ Đạo xuất hiện từ tháng 10/1956 thuộc Ủy ban Chỉ đạo chiến dịch Tố Cộng. Ngoài những nhà văn vừa kể, những tờ báo lính còn xuất hiện bài vở của các cây bút tiếng tăm trong và ngoài quân đội như Nguyễn Đăng ThụcNguyễn Thiệu LâuToan ÁnhDoãn Quốc SỹThanh Tâm TuyềnBình Nguyên LộcTrần Phong GiaoDương Kiền,Duyên AnhHà Huyền Chi

Nguyệt san Quân Đội của Nha Chiến tranh Tâm lý xuất hiện từ đầu năm 1957 đến 1960, do Trung-úy Tô Kiều Ngân làm chủ bút (hẳn bạn đọc còn nhớ tiếng sáo của Tô Kiều Ngân trong chương trình Tao Đàn trên đài phát thanh Sài Gòn). Tiếp đến là những tờ Tiền PhongLý TưởngMũ ĐỏLướt SóngTinh ThầnKhởi Hành, và các nhật báo Tiếng DânDân ViệtTiền Tuyến

Tổng thống Ngô Đình Diệm đã xác định trong một bài diễn văn tại trường Sĩ quan Võ bị Đà Lạt năm 1960: “Cuộc chiến tranh ta phải đương đầu không phải là một thứ chiến tranh quân cụ, một thứ chiến tranh bấm nút, hay một thứ chiến tranh chỉ liên hệ đến một số quân nhân mà thôi đâu. Thứ chiến tranh mà ta phải đối địch là thứ chiến tranh cách mạng, một thứ chiến tranh lý tưởng liên hệ trực tiếp đến toàn dân, và trong đó yếu tố tinh thần, yếu tố tin tưởng vào chế độ của mình là yếu tố quyết định”.

Ngày Quân-lực VNCH được chính thức chọn vào ngày 19/6/1965 trong thời Ðệ nhị Cộng hòa (dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, và Chủ tịch Ủy ban hành pháp Trung ương, Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ) sau khi nền Đệ nhất Cộng hòacủa Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Từ năm 1965 cho đến 1974 đều có các cuộc diễn binh trọng thể để kỷ niệm Ngày Quân Lực tại Sài Gòn. (Một sự tình cờ ngẫu nhiên 19/6 lại trùng với ngày sinh của tác giả bài viết này (19/6/1946)!

Diễn binh mừng Ngày Quân Lực 19/6

Khẩu hiệu chính của quân đội VNCH là “Danh dự – Trách nhiệm – Tổ quốc”, mỗi binh chủng lại còn có khẩu hiệu riêng, chẳng hạn như Không quân là “Tổ quốc, Không gian”, “Bảo quốc, Trấn không” hoặc Cảnh sát thì có “Cảnh sát Quốc gia, Phục vụ Đồng bào”… Các đơn vị quân đội VNCH ngoài tên gọi còn có những “biệt danh” nghe rất kêu nhưng cũng rất ngổ ngáo. Thủy quân lục chiến có Quái Điểu (tiểu đoàn 1), Trâu Điên(tiểu đoàn 2), Sói Biển (tiểu đoàn 3), Kình Ngư (tiểu đoàn 4), Hắc Long(tiểu đoàn 5), Thần Ưng (tiểu đoàn 6), Hùm Xám (tiểu đoàn 7), Ó Biển(tiểu đoàn 8), Mãnh Hổ (tiểu đoàn 9). Biệt động quân có biệt hiệu “Cọp ba đầu rằn”, Không quân có các phi đoàn Thần PhongThần TượngSong ChùyPhi HổHổ CápThiên LôiHỏa Long, Phượng Hoàng

Quân lực VNCH có một số cơ sở đào tạo và huấn luyện. Đứng đầu làTrường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, đào tạo những thanh niên tình nguyện trở thành sĩ quan hiện dịch ra trường với cấp bậc Thiếu úy. Khi mới thành lập năm 1948, thời gian huấn luyện tại trường chỉ kéo dài 9 tháng. Năm 1957 tăng lên thành 12 tháng rồi đến năm 1961 là 2 năm.

Đến giữa thập niên 1960, khóa học của Trường Võ bị Đà Lạt là chương trình 3 năm, từ năm 1966 trở đi lại tăng lên 4 năm. Học trình lúc đầu tương đương với trường cao đẳng. Sinh viên mãn khóa được miễn thi nhập học vào trường đại học vì coi như hoàn tất bằng tú tài toàn phần (gồn Phần I, lớp Đệ nhị và Phần II, lớp Đệ nhất). Đến năm 1966, sinh viên tốt nghiệpTrường Võ Bị có văn bằng tương đương với bằng cử nhân khoa học. Hai năm đầu sinh viên mang cấp bậc trung sĩ, hai năm sau là chuẩn úy. Sinh viên học xong 4 năm thì tốt nghiệp với cấp thiếu úy.

Khóa học bao gồm những môn vũ khí, truyền tin, tác chiến, kết hợp lý thuyết với thực hành. Theo truyền thống, để được gắn Alpha, khóa sinh sau những tuần huấn nhục phải leo lên ngọn Lang Biang để nhận phù hiệu trên đỉnh ngọn núi cao nhất Đà Lạt.

Trường Võ bị Quốc gia lấy Học viện West Point của Hoa Kỳ làm mẫu mực. Hai năm đầu chương trình học cho các sinh viên đều giống nhau. Bắt đầu từ năm thứ ba trở đi thì tách ra ba quân chủng riêng biệt, trong đó 1/8 thuộc Không quân, 1/8 thuộc Hải quân và 3/4 thuộc Lục quân.

Trường Võ bị Quốc gia

Năm 1965, quân lực VNCH tiếp nhận khái niệm và cơ cấu Chiến Tranh Chính Trị (CTCT) khi đó được áp dụng trong Quân đội Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan). Tổng cục CTCT được tổ chức thành 5 cục bao gồm Cục chính huấnCục tâm lý chiếnCục xã hộiCục an ninh quân độiCục quân tiếp vụ và một trường Ðại học Chiến Tranh Chính Trị cũng đặt tại Đà Lạt. Tại đây, sinh viên phải qua một chương trình huấn luyện 2 năm để trở thành Thiếu úy hiện dịch. Chương trình học nhấn mạnh về khoa học xã hội và chính trị. Sinh viên phải học quân sự hàng năm tại Trường Võ bị Quốc gia để có thể chỉ huy một trung đội bộ binh với đầy đủ kiến thức về chiến thuật, chiến lược. Bên cạnh đó là việc học những kiến thức chuyên môn tại trường để trở thành sĩ quan chiến tranh chính trị.

Sinh viên Sĩ quan Đại học Chiến tranh Chính trị

Trường Bộ binh Thủ Đức là nơi tập họp các thanh niên có bằng Tú tài Phần I trở lên (lớp Đệ nhị) bị động viên vào quân ngũ để được đào tạo trở thành sĩ quan trừ bị và ra trường với cấp bậc Chuẩn úy. Trong suốt thời gian hoạt động 1953-1975, trường Thủ Đức đã đào tạo hơn 80.000 sĩ quan trong đó khoảng 4.000 sĩ quan đặc biệt là những hạ sĩ quan được đặc cáchđi học lớp sĩ quan. “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” và “Cư An Tư Nguy” (Muốn sống hòa bình phải nghĩ đến chiến tranh) là những châm ngôn của Trường.

Trường Bộ binh Thủ Đức là nơi tôi đã từng trải qua với vô vàn kỷ niệm, vui cũng như buồn rất khó quên. Bò hỏa lựcđoạn đường chiến binhleo dây tử thầnhít đấtthụt dầuphạt dã chiến là những món “ăn chơi” không thể thiếu trong thời gian “huấn nhục” của người chiến binh. Vui nhất phải kể đến những lần về phép cuối tuần tại Sài Gòn nếu không có lệnh “cấm trại 100%”.

Người ta thường gọi sinh viên sĩ quan Thủ Đức chúng tôi là “lính con cá” vì trên cầu vai không có lon mà chỉ có chữ Alpha tựa như hình con cá! Phải đợi đến khi tốt nghiệp ra trường mới được đeo lon Chuẩn úy (Omega). Trường Bộ binh Thủ Đức có “khu bưu chính” (KBC) mang số hiệu 4100, con số 4100 (bốn ngàn một trăm) được sinh viên chúng tôi đọc trại thành “bốn người một mâm”… chả là vì mỗi khi lên “nhà bàn” ăn cơm thì cứ bốn người ngồi chung một carrée!

Sinh viên Sĩ quan Thủ Đức

Tại Sài Gòn còn có Trung tâm Huấn luyện Quang Trung chuyên đào tạo binh sĩ cho các đơn vị tác chiến khắp “bốn vùng chiến thuật”. Tôi cũng đã từng nếm mùi quân trường Quang Trung trước khi được chuyển sang Thủ Đức ở giai đoạn 2. Quang Trung có món “chà láng”: những lúc rảnh rỗi tất cả phải ra giao thông hào, dùng càmen bằng inox để chà đất cho thật láng! Một việc làm “vô bổ” nhưng lại có tác dụng khiến cho những thanh niên mới khoác áo lính phải bận rộn, không còn thì giờ rảnh rỗi để nhớ nhà, nhớ cuộc đời dân sự.

Trường Huấn luyện Không quân, Trường Sĩ quan Hải quân và Trường Hạ sĩ quan (tốt nghiệp với cấp bậc Trung sĩ, thường được gọi là Trường Đồng Đế) tất cả đều ở Nha Trang, “miền quê hương cát trắng”. Trường Thiếu sinh quân đặt tại Vũng Tàu, ưu tiên cho các con em tử sĩ. Còn một số trung tâm huấn luyện chuyên môn cho các quân binh chủng như Pháo binh, Công binh, Quân cụ, Quân khuyển, Quân y, Truyền tin… đặt tại các địa phương trên cả nước. 

Sẽ là điều bất công nếu không nói về Đoàn Nữ Quân Nhân, “những bông hồng trong bộ đồ lính” hay nói một cách thi vị hơn: “Hoa lạc giữa rừng gươm”. Trưởng Đoàn Nữ Quân Nhân đầu tiên là nữ Đại tá Trần Cẩm Hương, ái nữ của kỹ sư Trần Văn Mẹo – Tổng trưởng Công chánh thời Đệ Nhất Cộng Hòa.

Nữ quân nhân hiện diện tại các đơn vị quân đội với quân phục tác chiến ở tiền phương hoặc với đồng phục màu xanh tại các đơn vị tham mưu. Họ có mặt trong mọi binh chủng và ngành chuyên môn trong quân lực và vào thời điểm “leo thang chiến tranh”, quân số của Đoàn Nữ Quân Nhân lên tới xấp xỉ 10.000 người. 

Trường Nữ Quân Nhân nằm trên đường Nguyễn Văn Thoại (ngày nay là Lý Thường Kiệt), giữa Trường đua Phú Thọ và Chợ Tân Bình. Trường được thành lập từ giữa thập niên 1960 và đặt dưới quyền chỉ huy của Trung tá Hồ Thị Vẽ từ ngày đầu tiên cho đến ngày cuối cùng, 30/4/1975.

Một nữ quân nhân xuất thân từ Trường Nữ Quân Nhân chưa có đủ chuyên môn để phục vụ các đơn vị, nên thường phải trải qua một thời gian huấn luyện nữa, như ngành quân y, học tiếp ở Trường Quân Y để trở thành một y tá lành nghề. Tùy theo trình độ văn hóa, người nữ quân nhân có thể phục vụ trong quân đội như “lính trơn”, hạ sĩ quan hay sĩ quan. 

Ngoài ra còn có Trường Xã Hội Quân Đội thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị, tọa lạc trong Trại Lê Văn Duyệt, nơi đặt bản doanh Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô nằm trên đường Lê Văn Duyệt (ngày nay là Cách mạng tháng 8). Trường Xã Hội Quân Đội còn đào tạo và huấn luyện những cô giáo nhà trẻ mẫu giáo để phục vụ tại các trung tâm, trường học ở khu gia binh thuộc quyền điều hành của quân đội. Trường Sinh ngữ Quân đội nơi tôi giảng dậy cũng có một nhà trẻ dành cho con em của các giảng viên và do nữ quân nhân phụ trách.

Người có cấp bậc cao nhất trong Đoàn nữ quân nhân là Đại tá Trần Cẩm Hương, xuất thân từ ngành Nữ trợ tá xã hội. Khi Đại tá Cẩm Hương giải ngũ về hưu, Trung tá Lưu Thị Huỳnh Mai lên nắm quyền Chỉ huy trưởng. Ngoài ra còn có những nữ Trung Tá thâm niên quân vụ và cấp bậc như Nguyễn Thị Hằng, Hồ Thị Vẽ, Nguyễn Thị Hạnh Nhơn. Cấp bậc Thiếu tá có khoảng trên dưới mười người trong quân lực VNCH.

Đoàn Nữ Quân Nhân diễu hành trong Ngày Quân Lực

Lực lượng quân đội VNCH có đến 11 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn nhảy dù, 1 sư đoàn thủy quân lục chiếnLiên đoàn 81 Biệt cách dù, 21 liên đoàn biệt động quân, 4 lữ đoàn Kỵ binh thiết giápLực lượng Lôi Hổ và Biệt Hải thuộc Nha Kỹ thuật, các đơn vị Pháo binh biệt lập và lực lượng Địa phương quân gồm 400 tiểu đoàn, nghĩa quân hơn 50.000 quân.

Lực lượng Không quân có quân số khoảng 60.000 người. Chỉ huy trực tiếp là Bộ tư lệnh Không quân với đầy đủ các cơ quan yểm trợ. Binh chủng bao gồm 5 Sư đoàn không quân tác chiến trong đó có 20 Phi đoàn khu trục cơ (khoảng 550 phi cơ A-1H, A-37 và F-5); 23 Phi đoàn trực thăng(khoảng 1.000 phi cơ UH-1 và CH-47); 8 Phi đoàn quan sát (khoảng 200 phi cơ O1, O2 và U17); 1 Sư đoàn vận tải (khoảng 150 phi cơ C7, C-47, C-119 và C-130); 1 Không đoàn tân trang chế tạo và 4 Phi đoàn Hỏa long (trang bị phi cơ AC-119, AC-130 Spectre Gunship). Ngoài ra còn cóPhi đoàn Trắc giác (tình báo kỹ thuật), Phi đoàn Quan sát RC119L vàBiệt đoàn Đặc vụ 314. Các phi công đều được đào tạo chuyên môn tại Hoa Kỳ sau thời gian học quân sự và ngoại ngữ ở trong nước.

Lực lượng Hải quân có quân số hơn 40.000 người, ngoài các đơn vị yểm trợ hành chánh, huấn luyện và tiếp vận còn bao gồm các lực lượng tác chiến: Hành quân lưu động sông và Hành quân lưu động biển. Lực lượng Hải quân bao gồm tuần dương hạm (WHEC - White High Endurance Cuttert), hộ tống hạm (PCE - Patrol Craft Escort), khu trục hạm (DER - Destroyer Escort and Ricket), tuần duyên hạm (PGM - Patrol Gunboat Motor), giang pháo hạm (LSIL - Landing Ship Infantry Light), trợ chiến hạm (LSSL - Landing Ship Support Large), dương vận hạm (LST - Landing Ship Tank), hải vận hạm (LSM - Landing Ship Medium) và giang vận hạm (LCU - Landing Craft Utility).

Hải quân còn có các Lực lượng đặc nhiệm 211 thủy bộ và Liên đoàn Người nhái. Tổng cộng được trang bị khoảng 1.500 tàu xuồng các loại, trong đó có khoảng 700 tàu chiến trên sông và trên biển. Nổi tiếng nhất trong số đó là Liên đoàn Người nhái với hai tướng Dã Tượng và Yết Kiêu được tôn vinh là Thánh tổ của đơn vị. “Người nhái” là những thanh niên gan dạ, có đầy đủ sức khỏe để thực hiện những “hải vụ” bí mật trên sông và trên biển.     

Những con số vừa nêu rõ ràng là nói lên sức mạnh hùng hậu của quân lực VNCH. Chỉ tiếc một điều, sức mạnh đó sẽ không là gì một khi đồng minh “đem con bỏ chợ” và hậu quả là ngày 30/4/1975.

Dưới đây là huy hiệu của các đơn vị quân lực VNCH do Đỗ Văn Phúc vẽ lại (xin click vào hình để phóng to):

Huy hiệu 4 Quân đoàn và các Sư đoàn Bộ binh


Huy hiệu các quân binh chủng


Huy hiệu các lực lượng tổng trừ bị


Huy hiệu các quân trường


Thursday, 11 October 2012

Ngôn ngữ Sài Gòn xưa: lính tráng 1 (Nguyễn Ngọc Chính)

Ngôn ngữ Sài Gòn trước 1975 mang đậm chất “lính”. Cũng là điều dễ hiểu vì miền Nam khi đó đang trong thời kỳ “leo thang chiến tranh” với lệnh “tổng động viên” trên toàn lãnh thổ. Thanh niên đến tuổi 18 đều bị “động viên” vào quân ngũ, chỉ trừ một số trường hợp được “hoãn dịch” vì lý do sức khỏe, gia cảnh hoặc học vấn.

Đi lính” là một thuật ngữ xuất hiện thường xuyên trên đầu môi cũng như trong tâm thức của mọi người. Bậc cha mẹ lo lắng khi con cái đến tuổi “quân dịch” còn thanh niên thì đứng trước một ngã rẽ quan trọng của cuộc đời: “xếp bút nghiên theo việc đao cung”. Mối lo của họ được thể hiện qua ám ảnh “Thi rớt tú tài…” và còn bi đát hơn với hai câu thơ:

Rớt tú tài anh đi trung sĩ,
Em ở nhà lấy Mỹ cho xong…

Nhạc phẩm Thà như giọt mưa(http://my.opera.com/diemxuacafe/blog/show.dml/2536756) với tiếng hát Ngọc Lan cũng nói về chuyện “thi hỏng tú tài” và kết quả là phải “đợi ngày đi lính”. Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên viết một bài thơ này cho một người con gái tên Duyên, sinh viên trường Luật, và người yêu… “lạc đệ tú tài”. Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc để biến thành một bản nhạc buồn man mác: 

Người từ trăm năm về qua trường Luật
người từ trăm năm về qua trường Luật
ta hỏng Tú Tài ta hụt tình yêu
thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi
đau lòng ta muốn khóc
đau lòng ta muốn khóc

Thời nào cũng vậy, những thành phần COCC (chữ tắt của cụm từ Con Ông Cháu Cha), bao giờ cũng có cách luồn lách để khỏi đi lính. Người Sài Gòn thường dùng chữ “trốn lính” hay “trốn quân dịch”. Một trong những cách “trốn lính” là tìm đường cho các “quý tử” đi du học, hay cùng lắm, khi bị “bắt lính” các bậc cha mẹ lo “chạy” để con được phục vụ trong các đơn vị không tác chiến, làm “lính văn phòng” hay còn một thuật ngữ rất phổ biến là “lính kiểng”. Người ta thường chưng hoa kiểng, cây kiểng để làm đẹp căn nhà nhưng “lính kiểng” lại chính là một hình thức “tự làm đẹp đời mình” trước những viễn cảnh u ám của chiến tranh, bom đạn, chết chóc vẫn xảy ra hàng ngày.

Đôi khi loại lính này còn được gọi qua cái tên nghe khá ngộ nghĩnh nhưng cũng rất thâm thúy: “lính cậu”. Chả là thứ lính này xuất thân từ những “cậu ấm” trong các gia đình quyền thế hoặc giàu có. Đây là loại lính nhưng không phải là lính” nếu đem so sánh với những chiến binh ngày đêm phải đương đầu với súng đạn tại những tiền đồn heo hút hay rừng sâu núi thẳm, cách biệt hẳn với chốn phồn hoa đô hội. Xem ra câu “huynh đệ chi binh” không phải lúc nào cũng đúng như ý nghĩa vốn có của nó.  

Hầu như cả thế hệ thanh niên miền Nam, kẻ trước người sau, đều lần lượt rời ghế học trò để khoác trên mình bộ quần áo lính. Đó có thể là sắc áo “rằn ri” của các binh chủng dữ dằn như Nhảy dù (được thần tượng hóa” thành “thiên thần mũ đỏ”). Lực lượng đặc biệtBiệt cách dù (AirborneRanger, Liên đoàn 81 Biệt cách dù trong trận chiến An Lộc đã nổi tiếng với 2 câu thơ: "An Lộc địa, sử ghi chiến tích. Biệt Cách Dù vị quốc vong thân) hay Thủy quân lục chiến đội trên đầu chiếc mũ “mũ be-rê xanh” còn Biệt động quân thì lại chọn màu mũ nâu.

Tuy nhiên, mũ be-rê chỉ dùng khi về phép và các dịp đặc biệt, khi ra trận mọi quân binh chủng đều đội chiếc “mũ sắt” phía bên trong có lót lớp “nũ nhựa” để bảo vệ phần đầu. Trên nguyên tắc là vậy chứ nhiều khi đạn có thể xuyên thủng “mũ sắt” nếu bắn từ khoảng cách gần.

Khẩu súng, chiếc nón sắt và đôi giày trận

Lính bộ binh thì “hiền” hơn với bộ kaki, sau này được thay thế bằng bộ quân phục “bốn túi”, áo bỏ ngoài quần, giống như lính Mỹ. Đặc điểm của bộ binh là phải “gom ống quần” trong khi Không quân và Hải quân được thả ống quần, “lè phè”, thoải mái. Cũng vì thế lính không quân và hải quân sợ nhất là bị “gom ống quần lội bộ”, thuật ngữ ám chỉ bị thuyên chuyển sang bộ binh để đi tác chiến.

Giày trận” được gọi là “bốt đờ sô” (botte de saut), có loại hoàn toàn bằng da nhưng sau này có loại giày kết hợp giữa da và vải, rất nhẹ trong những chuyến lội rừng, băng suối. Lính “địa phương quân” hay “nghĩa quân” thì hẩm hiu hơn với những đôi giày bằng vải bố, được gọi tắt là “giày bố”, kiểu như giày “ba-ta” nhưng cổ cao hơn giày thường.

Ngay khi bắt đầu trình diện tại các Trung tâm Tuyển mộ Nhập ngũ, thanh niên dù “đăng lính” hay bị “bắt lính” cũng đều phải qua một trong những thủ tục là làm “thẻ bài”. Tấm “thẻ bài” là vật bất ly thân, được đeo trên cổ trong suốt thời gian tại ngũ của quân nhân. “Thẻ bài” tựa như tấm lắc đeo ở cổ con chó nên người Mỹ gọi nó bằng cái tên… “dog tag”!

Mỗi quân nhân bắt buộc có 2 tấm “thẻ bài” bằng kim loại không rỉ, được đeo bằng sợi dây cũng bằng kim loại. Trên mỗi tấm có ghi họ tên, “số quân” và loại máu để khi bị thương, cần tiếp máu, quân y biết ngay loại máu gì. Khi người chiến sĩ tử trận, một tấm thẻ bài được bỏ trong miệng tử sĩ và tấm kia đơn vị sẽ giữ lại để làm tài liệu báo cáo.  

Tấm thẻ bài của tướng Điềm

Hình trên là tấm thẻ bài của tướng Nguyễn Văn Điềm, “số quân” 50/200.102, ông thuộc loại máu A. (Người anh em ở bên kia chiến tuyến dùng từ “số lính” thay cho “số quân”). Hai số đầu của “số quân” là năm sinh sau khi trừ 20. Như vậy tướng Điềm sinh năm 1930 (50 trừ 20 còn 30). Tôi sinh năm 1946 nên có hai số đầu là 66: 66/168.566.  “Số quân” của người lính tựa như “số an sinh xã hội” (social security number của Mỹ gồm 9 số), số “căn cước” (thời VNCH) hay chứng minh nhân dân (thời CHXHCNVN).

Bài hát “Tấm Thẻ Bài” (http://www.youtube.com/watch?v=UDuscC0xDec)  qua tiếng hát “liêu trai” của Thanh Thúy đã gây nhiều xúc động trong lòng người nghe và mãi đến bây giờ, mỗi lần được nghe lại bài hát nầy hoặc là nhìn thấy lại hình tấm thẻ bài chúng ta càng thấy ngậm ngùi và thương tiếc những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến vừa qua. Nhạc sĩ Huyền Anh đã viết những câu thật xúc động:

Sau cuộc chiến này còn chi không anh?
Còn chi không anh?
Hay chỉ còn lại tấm thẻ bài
Đã mờ mờ mang tên anh.
….
Anh đã đi, đã đi vào vùng biển đời người
Anh ngủ yên, ngủ yên như cỏ úa
Anh ơi sau cuộc chiến này
Có còn chi để lại
Hay chỉ còn tấm thẻ bài mang tên anh


Trong số các món quân trang, quân dụng được cấp phát, ngoài chiếc balôngười lính còn có poncho là một tấm vải mưa trùm đầu theo kiểu vải khoác của người Nam Mỹ. Poncho ngoài việc là áo mưa còn có một công dụng mà bất cứ người lính nào cũng chẳng muốn sử dụng: poncho sẽ được dùng để khâm liệm xác của tử sĩ bỏ mình trên chiến trường.    

Bài hát Kỷ vật cho em (http://www.youtube.com/watch?v=yL65W5oupwA) với giọng ca Elvis Phương có một đoạn rất bi thương:

Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Anh trở về bờ tóc em xanh
Chít khăn sô lên đầu vội vã.. Em ơi!

Bài hát này do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ Để trả lời một câu hỏi của Linh Phương. Ca khúc ra đời vào năm 1970, trong thời kỳ cuộc chiến tranh Việt Nam đang leo thang và trở thành một trong những bài hát nổi tiếng nhất tại miền Nam. Đã có một thời bản nhạc bị chính quyền cấm đoán vì làm “nản lòng chiến sĩ” đồng thời “băng hoại hàng ngũ quân đội” dù Phạm Duy đã cố gắng sửa câu “Không về bằng chiến thắng Pleime” của Linh Phương thành “Có thể bằng chiến thắng Pleime”.

Lời bài hát rất thật nhưng cũng không kém phần bi lụy với những ngôn từ như “anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa, anh trở về bằng chiếc băng ca, trên trực thăng sơn màu tang trắng”… “anh trở về trên đôi nạng gỗ, anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân. Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân bên người yêu tật nguyền chai đá” và… “anh trở về nhìn nhau xa lạ, anh trở về dang dở đời em, ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen, cố quên đi một lần trăn trối”. 

Thi thể những tử sĩ được chùm poncho
chờ trực thăng đưa về hậu cứ

Không phải bài hát nào về lính cũng nhuộm màu bi quan như Kỷ vật cho em. Chúng ta còn vô số bài với nhịp điệu vui tươi và ngôn từ nhí nhảnh như bài Tình thư của lính do Trần Thiện Thanh sáng tác.

Thư của lính không xanh màu trời như mơ ước đâu em.
Thư của lính không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình.
Thư của lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay.
Nhưng thư của lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy.

Và kết thúc lá thư với một câu thật dễ thương:

Thư của lính, thư không được dài như mong ước đâu em.
Thư của lính chấm dứt ở đây, sau khi đề thêm hai chữ "Hôn em..."

(Xem video này được các diễn viên trẻ trình diễn trên sân khấu hải ngoại http://www.youtube.com/watch?v=b1kHk7ZW5VM ).

Sau năm 1975, Thư của lính vẫn còn xuất hiện. Lang thang trên mạng tôi bắt gặp bài hát được hòa âm và làm clip với lời dẫn: “Tặng các chiến sĩ quân đội Việt Nam” (ý muốn nói Quân đội Nhân dân Việt Nam). Bản nhạc của Trần Thiện Thanh đã được sửa ngay từ  câu đầu “Từ khi anh thôi học và từ khi anh khoác áo treilli” thành “Từ khi anh thôi học và từ khi anh khoác áo lính ra đi” và cứ như thế, lời và âm điệu của bài hát được “biên tập” theo dạng karaoke… Xin mời vào xem tại:

Sau khi so sánh hình ảnh thể hiện trong 2 clip mang cùng tên Tình thư của lính, người ta nhận thấy ngay chân dung của hai người lính và ngộ ra một điều thật đơn giản: trong đánh nhau không phải cứ to xác là thắng theo kiểu “mạnh được yếu thua”, trái lại việc thắng-bại còn được quyết định qua nhiều yếu tố khác nữa. Truyện David & Goliath là một thí dụ điển hình.

Thủy quân lục chiến tái chiếm Huế sau Tết Mậu Thân 1968

Tổng Thống Mỹ John F. Kennedy trong diễn văn nhậm chức năm 1961 đã từng tuyên bố: “Đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn có thể làm gì cho tổ quốc” (Ask not what your country can do for you—ask what you can do for your country). Đối với người lính bình thường, họ không bao giờ có những ý nghĩ cao xa, lý tưởng như ông Kennedy mà chỉ đơn thuần làm theo những yêu cầu của tình hình chính trị tại miền Namkhi đó.

Trốn lính” là chấp nhận sống bên lề xã hội, “trốn chui trốn nhủi” khi thấy bóng dáng cảnh sát, quân cảnh. Cuộc sống của người trốn quân dịch là những chuỗi ngày bấp bênh, không tương lai ngay giữa Sài Gòn đô hội. Cũng vì thế, có người tự chặt “ngón tay bóp cò” (ngón trỏ) để khỏi đi lính, có người “tự hành xác”, “ốm tong ốm teo” để được các trung tâm nhập ngũ trả về vì “không đủ sức khỏe”.

Cảnh bắt thanh niên trốn quân dịch tại Sài Gòn

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã một thời “trốn lính” để không một ngày nào phải khoác áo treilli. Với thân hình mảnh mai, ốm yếu, anh đã ung dung ngồi tại nhà để viết nhạc, trong đó có cả những bài “phản chiến”. Có người bảo TCS đã “đâm sau lưng chiến sĩ”. Người ta đồn TCS còn nhận được sự che chở của Chuẩn tướng Lưu Kim Cương, tư lệnh Sư đoàn 5 Không quân. Lưu Kim Cương đã tử trận vì trúng đạn B-40 của VC, trong khi đang đi trên xe Jeep điều quân giải vây vành đai phi trường Tân Sơn Nhất ngay sau Tết Mậu Thân 1968. Cái chết của Lưu Kim Cương là nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ TCS sáng tác nhạc phẩm Cho một người nằm xuống:

Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây
Đã vui chơi trong cuộc đời nầy
Đã bay cao trong vòm trời đầy
Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai
Không có ai từng ngày
Không có ai đời đời
Ru anh ngủ vùi mùa mưa tới
Trong nghĩa trang này có loài chim thôi.

Nhà văn Thế Phong trong Hồi ký ngoài văn chương phát hành tại Westmington ghi lại chuyện giữa TCS và Lưu Kim Cương: “Buổi đưa tiễn [Lưu Kim Cương] đến nơi an nghỉ cuối cùng có rất đông nghệ sĩ từng giao du yêu mến chàng. Bài nhạc “Anh nằm xuống” (sic) của Trịnh Công Sơn là một ví dụ. Nhưng bữa nay không thấy mặt Sơn, buổi sinh thời Sơn giao du với Cương, được Cương yêu mến, nên Cương đề nghị với Tướng Tư Lệnh đưa Sơn vào lính không quân để cho qua cơn binh đao nội chiến. Tư lệnh trả lời Cương, hình như điệu nhạc phản chiến của Sơn không hợp với binh chủng này, nếu nhận làm nhạc công như nhiều nhạc sĩ khác như Duy Quang, Nguyễn Trung Cang, Trí khùng... chưa chắc Sơn đã làm công việc này hoàn hảo, nên tướng chối từ”.

Đã có rất nhiều văn nghệ sĩ khoác áo kaki. Làng tân nhạc ngày xưa có 4 nam ca sĩ hàng đầu mà người ta thường gọi là “tứ trụ”: Duy Khánh (1938-2003), Hùng Cường (1935-1998), Nhật Trường (1942-2005) và Chế Linh. Duy Khánh thường hát với Thanh Thúy, Chế Linh đi đôi với Thanh Tuyền, Nhật Trường rất ăn ý với Thanh Lan và Hùng Cường hát chung với Mai Lệ Huyền. Họ thường lên sân khấu với bộ đồ treilli để hát những ca khúc về lính trong khi các nữ ca sĩ đóng vai… “em gái hậu phương”. Tùy theo định kiến của người xem nên có nhiều người “thương” nhưng cũng không ít kẻ “ghét” những hoạt cảnh về lính trên sân khấu.

Ca sĩ Nhật Trường, chính là nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, tốt nghiệp trường Hạ sĩ quan năm 1965, phục vụ tại Cục tâm lý chiến thuộc Bộ tổng tham mưu từ năm 1965 cho đến ngày Sài Gòn đổi chủ. Nhật Trường đã từng làm việc tại Ðài phát thanh Sài Gòn và sau đó là Truyền hình Quân Ðội, từng là Trưởng ban văn nghệ của Đài và sau năm 1968 anh còn phụ trách thêm chương trình phóng sự chiến trường. Năm 1993, Nhật Trường sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình (ODP) và qua đời vào ngày 13/5/2005 tại thành phố Westminster, Quận Cam, do bệnh ung thư phổi.

Trong số khoảng 200 bài hát Nhật Trường Trần Thiện Thanh sáng tác thì có đến hơn nửa số bài về lính. Điển hình là: Anh không chết đâu anh (vinh danh Đại úy “Mũ đỏ” Nguyễn Văn Đương), Người ở lại Charlie (vinh danh Đại tá Nguyễn Ðình Bảo), Rừng lá thấp (viết tặng Đại Úy Vũ Mạnh Hùng, tử trận trên cầu Thị Nghè), Tuyết trắng (viết về Không quân), Hoa biển (viết về Hải quân), Biển mặn (kể lại cuộc đời quân ngũ của chính tác giả), Người yêu của línhMàu mũ anh, màu áo em…  

Nhật Trường

Hùng Cường (1935-1998) là một ca sĩ, nghệ sĩ cải lương, diễn viên điện ảnh và diễn viên kịch nổi tiếng từ thập niên 1950 tại Sài Gòn. Thập niên 1960 Hùng Cường cùng Mai Lệ Huyền chuyển sang thể loại “nhạc kích động” theo các điệu nhanh như Twist, Bebop… gây nên một không khí mới mẻ trong nền âm nhạc thời đó. Hùng Cường tình nguyện vào binh chủng Biệt động quân với cấp bậc Hạ sĩ đóng tại trại Đào Bá Phước. Chàng ca sĩ thuộc loại “lính văn phòng” đóng tại Sài Gòn để còn thì giờ đi hát tại các vũ trường, đại nhạc hội và đóng phim.

Hùng Cường sở hữu giọng hát “ténor” và thành công với các bản nhạc như Dù Hoa Lạc LốiĐám Cưới Nhà BinhMột Trăm Phần TrămLính mà emLàm quen với lính… Từ những khán giả hâm mộ giọng ca Hùng Cường những phim anh đóng cũng được người xem chú ý như: Chân Trời TímMãnh Lực Đồng TiềnCòn Gì Cho Nhau… Trong lãnh vực cải lương, Hùng Cường hát chung với Bạch Tuyết tạo thành một “cặp bài trùng” trên sân khấu với các vở tuồng nổi tiếng một thời như Má hồng phận bạcTình chú Thoòng…

Như đã nói, một nghệ sĩ được gọi là thành công khi có người hâm mộ nhưng cũng không thể nào tránh khỏi sự “dị ứng” của những người thuộc nhóm… “không ưa”, trong đó có cả những người lính.

Hùng Cường & Mai Lệ Huyền với nhạc phẩm Lính Mà Em

Ca sĩ Duy Khánh (1936-2003), người gốc Quảng Trị, nổi danh từ thập niên 1960 với dòng nhạc dân ca, nhạc quê hương và nhạc lính. Ông còn được biết đến như một nhạc sĩ tài năng với hơn 30 ca khúc, nổi tiếng phải kể đến Thương về miền Trung, Lối về đất mẹ, Ai ra xứ HuếXin anh giữ trọn tình quê...

Duy Khánh là một người lính ngành Chiến tranh Chính trị nhưng đồng thời cũng là một ca sĩ “đào hoa”, ăn mặc rất đúng mốt và lịch lãm. Nhờ thân hình cao lớn và cân đối, nên thứ gì khoác vào người (nhất là những bộ đồ lính) giúp chàng ca sĩ “hớp hồn” các fan hâm mộ, nhất là phái yếu. Áo may ở La Ligne, quần ở Văn Quân, giày đóng ở Trinh đó là những địa chỉ “thời thượng” ở Sài Gòn ngày xưa.  

Sau 1975, Duy Khánh ở lại Sài Gòn và đến năm 1988 được bảo lãnh sang Hoa Kỳ, tại đây ông tiếp tục ca hát và sáng tác. Duy Khánh mất vào ngày 12/2/2003 tại bệnh viện Fountain ValleyQuận CamCalifornia, thọ 68 tuổi. Giọng hát Duy Khánh có người rất thích nhưng cũng có người lại chê là “nhạc sến”. Tại Hoa Kỳ, “giọng ca một thời” Duy Khánh hát Người lính già xa quê hương của Nhật Ngân. Như đã nói, “hay” hay “dở” còn tùy người nghe, xin mời vào Youtube để thưởng thức:http://www.youtube.com/watch?v=l5N89SbsAf4

Duy Khánh

Tứ trụ” của sân khấu ca nhạc Sài Gòn ngày xưa hiện nay chỉ còn lại Chế Linh. Anh cũng là ca sĩ gây nhiều tranh cãi nhất trong vấn đề “yêu” hay “ghét”, “sến” hay “không sến”. Chế Linh là người gốc Chàm ở Phan Rang, tương tự như trường hợp của nhạc sĩ Từ Công Phụng. Có thể nói, hai văn nghệ sĩ này tượng trưng cho hai “trường phái”, hai “thái cực”: “hâm mộ” người này thì sẽ “dị ứng” với người kia.

Chế Linh có thiên hướng hát về nhạc chiến tranh ca tụng người lính VNCH dù anh không phải nhập ngũ vì thuộc thành phần “dân tộc thiểu số”. Những bài hát nổi tiếng nhất phải kể đến: Đêm nguyện cầuThành phố buồnThói đờiThương hậnTrong tầm mắt đờiĐêm buồn tỉnh lẻ,Áo em chưa mặc một lần...

Chế Linh ở lại Sài Gòn sau năm 1975. Năm 1976-1978, anh bị bắt vì “vượt biên trái phép” và tội “phản động”, biệt giam 28 tháng. Năm 1980, anh vượt biên thành công sang Mã Lai, sau đó định cư tại Toronto,Canada. Ngoài việc là một trong những giọng ca nam hát “nhạc vàng” được yêu thích nhất, Chế Linh còn nổi tiếng là người có nhiều vợ con, tính cho đến tháng 1/2007, anh đã có 4 vợ và 14 đứa con!

Có một thời, ở Sài Gòn, người ta bàn tán cái tên Chế Linh theo kiểu “nói lái” sẽ trở thành… “Lính chê”! Theo lời giải thích của Chế Linh, đó cũng là điều dễ hiểu vì anh được “miễn dịch” với lý do “dân tộc thiểu số” nên quân đội “chê”. Một số người lại hiểu theo nghĩa khác, họ nói những bài hát về lính của anh lại bị… “lính chê”. Rõ ràng đây là quan điểm của những người lính không thích những bài anh hát về họ.

Một lần nữa, vấn đề “nhạc sến” lại được đặt ra. Chủ đề “sến” sẽ được bàn đến ở một entry khác trong loạt bài Ngôn ngữ Sài Gòn xưa

Chế Linh và nhạc sĩ Châu Kỳ tại Sài Gòn

Wednesday, 10 October 2012

Về từ nguyên của cặp từ «chết - giết» (An Chi / Huệ Thiên)

Về từ nguyên của cặp từ «chết - giết»

by An Chi on Saturday, July 7, 2012 at 1:55pm ·
Huệ Thiên

 Từ năm 1953, sau khi A. G. Haudricourt đưa ra cặp từ chết - giết để xem đây là chứng tích trong tiếng Việt hiện đại của một phương pháp tạo từ bằng phụ tố đặc trưng cho các ngôn ngữ Nam Á [1] thì nhiều nhà Việt ngữ học đã mặc nhiên xem vấn đề như không có gì còn phải bàn cãi [2]. Hình như không có ai để ý rằng ngay trong bài viết của mình thì chính Haudricourt cũng đã phải dè dặt mà nói như sau: «Dĩ nhiên, người ta có thể phản bác rằng hai từ Việt đó đều cùng được vay mượn, chẳng hạn ở tiếng Phong»[3]. Còn chúng tôi thì cho rằng đó là hai từ Việt gốc Hán: chết mượn ở một từ ghi bằng chữ 折 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là chiết còn giết thì mượn ở một từ ghi bằng chữ 殺 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là sát.
Chiết có nghĩa là chết yểu và về mặt ngữ nghĩa học thì sự «thu hẹp» nghĩa của chiết (so với chết) hoặc sự «mở rộng» nghĩa của chết (so với chiết) là một hiện tượng thông thường. Về ngữ âm thì mối tương ứng -êt -iêt cũng là hiện tượng thấy được qua hàng loạt thí dụ:
– bết (trong lết bết) ~ biết 蹩 (= thọt chân);
– hết hiết 歇 (cùng nghĩa), điệp thức (doublet) của kiệt (cũng cùng nghĩa);
– phết (= phẩy) ~ phiết 碣 (= nét phết, hoặc = phẩy, phủi);
– tết tiết 節;
– thết (đãi) ~ thiết 設 (đãi); v.v...
Vậy chết chiết là một mối quan hệ đã được chứng minh. Còn giết sát thì sao? Trước nhất, về mặt ngữ nghĩa thì  ta có thể hoàn toàn yên tâm vì sát có nghĩa là giết. Về ngữ âm thì sát là một chữ thuộc vận bộ hạt 黠 mà nhiều quyển từ điển Hán Việt quen thuộc vẫn phiên thành hiệt. Vậy mối tương ứng về vần giữa giết và sát hoàn toàn có thể giải thích được. Huống chi, về mối quan hệ -át -iêt, người ta còn có những chứng cứ khác như:
– cát 吉 cũng đọc là kiết;
– nát bàn = niết bàn...
Về phụ âm đầu, người ta cũng có hàng loạt thí dụ cho mối tương ứng gi- s-:
– giấm (chua) - sẩm (cùng nghĩa) mà sảm là một biến thể;
– giấu (giếm) - sưu 廋 (cùng nghĩa);
– giẻ - sế (= vải vụn);
– gièm (pha) - sàm 讒 (cùng nghĩa);
– (gà) giò - sồ 雛 (= chim non);
– giò (= nhánh non) - sồ (nhánh lúa);
– giường - sàng (cùng nghĩa)...
Vậy giết sát 殺 cũng là một mối quan hệ đã được chứng minh.
Tóm lại, chết giết là một cặp từ Việt gốc Hán và ý định dựa vào chúng để chứng minh cho sự tồn tại của một phương thức tạo từ bằng phụ tố trong tiếng Việt cổ là một điều không thực tế.[4] ●
                                                                                                 Tháng 8-1998.
* Đăng lần đầu tiên trên tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, Thừa Thiên Huế, số 3(21). 1998.
* In lại trong NHỮNG TIẾNG TRỐNG QUA CỬA CÁC NHÀ SẤM, Nxb TRẺ, 2004, trang 233-236.


[1] A.G. Haudricourt, La place du vietnamien dans les langues austroasiatiques, BSLP, t.49, 1953, fasc.1. no 138, pp.122-128 - Hai từ được nêu, nếu đúng như Haudricourt gợi ý, chỉ là chứng tích của một phương thức tạo từ bằng phụ tố (affixation) chứ không phải là hai hình thức liên quan với nhau nhờ biến cách (déclinaison) của từ. Vì vậy nên danh từ "flexion" (biến tố) mà tác giả dùng ở đây (p.124) là hoàn toàn không thích hợp: đó thực chất chỉ là affixe (phụ tố). Phan Ngọc (Ngôn ngữ số 4, 1978, tr.81) dịch mấy tiếng relation causative của Haudricourt thành «quan hệ nhân quả» cũng là không rõ ràng. Cụm từ này của Phan Ngọc chỉ thích hợp để dịch relation causale (liên quan đếncausalité) còn causatif lại là tên của một cách (cas) trong cú pháp và đó là cách nguyên nhân.

[2] Gần đây nhất, Hoàng Thị Châu cũng đã nhắc đến hai từ này khi nói về «Kiểu tạo từ phái sinh bằng tiền tố theo kiểu Mon-Khmer». Bà viết: «Những cặp từ như: giết - chết, xếp - nếp, kẹp - nẹp, đệm - nệm... giờ đây chỉ hiện diện như là chứng tích của nguồn gốc ban đầu: cơ tằng Mon-Khmer» (Ngôn ngữ, số 3, 1998, tr.43). Nhưng, như đã chứng minh, chết và giết là những từ Việt gốc Hán. Kẹp cũng thế và bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 筴 mà âm Hán Việt hiện đại là giáp, còn phụ âm đầu xưa cũng là k- và vần xưa cũng là -ep, có nghĩa là kẹp, là đũa, ... Nẹp bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ mà âm Hán Việt hiện đại là niệp (Quảng vận: «nô hiệp thiết»), có nghĩa là cái kìm, cái kẹp, cái nẹp. Đệm bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 簟 mà âm Hán Việt hiện đại là điệm, có nghĩa là  chiếu bằng nan tre. Nệmbắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 衽 mà âm Hán Việt hiện đại là nhậm, có nghĩa là đệm, nệm.... Vậy đây không thể là những «chứng tích của cơ tằng Mon-Khmer» được. Huống chi trong lĩnh vực Hán Việt thì đ ~ n là một mối tương ứng thú vị và rất đáng chú ý, chẳng hạn: đa 多 ~ no, mà nghĩa gốc cũng là nhiều, là đầy đủ.... (Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - La Tinh của A. de Rhodes).

[3] Bđd., tr.125 - khả năng về một sự vay mượn từ tiếng Phong mà Haudricourt nêu lên là rất mơ hồ. Một sự vay mượn những từ cơ bản ở một ngôn ngữ cùng gốc (như tiếng Phong), về mặt lý thuyết, là không cần thiết nếu không có lý do hoàn toàn đặc biệt. Huống chi, người ta tuyệt nhiên không biết được gì về mối quan hệ cụ thể giữa ngôn ngữ này với tiếng Việt. Còn cũng về mặt lý thuyết thì một sự vay mượn của tiếng Phong ở tiếng Việt là hợp lý hơn. Nhưng tạm gác mối quan hệ Phong-Việt lại để xét tiếp về lý thuyết thì việc thay thế hàng loạt từ cơ bản của tiếng Việt cổ bằng những từ tương ứng của một ngôn ngữ «mạnh» hơn (của những kẻ thống trị ngoại bang) là hoàn toàn có thể xảy ra và thực tế đã xảy ra với sự du nhập ồ ạt của tiếng Hán thời Bắc thuộc. Vì vậy mà việc tiếng Việt mượn của tiếng Hán hai từ chết và giết không phải là chuyện đáng lấy làm lạ.

[4] Người ta đã rất sai lầm mà mặc nhận rằng chỉ có các ngôn ngữ Môn-Khmer và Nam Á mới có phương thức tạo từ bằng phụ tố còn tiếng Hán thì không. Thật ra ngữ âm học lịch sử đã phát hiện được nhiều chứng tích của phương pháp này trong Hán ngữ cổ đại.
Nguồn Facebook An Chi (Huệ Thiên)

Tuesday, 9 October 2012

"ĐỒNG THAU" hay ĐỒNG XANH? (Kiến Thức Ngày Nay 416, ngày 1-3-2002).

ĐỘC GIẢ: Trên KTNN 410, ông đã trả lời cho câu hỏi của tôi về bài viết của tác giả Nguyễn Văn Chiển nhan đề “Không thể nói đồ đồng Đông Sơn là đồng thau”, đăng trên Tia sáng (bộ mới) số 12. Ông đã tán thành tác giả Nguyễn Văn Chiển và cho rằng lối nói “thời đại đồng thau”, “văn hóa đồng thau” có lẽ bắt nguồn từ công trình Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt-nam của hai tác giả Hà Văn Tấn – Trần Quốc Vượng.
Mới đây, tạp chí Khảo cổ học số 4-2001 cũng có đăng bài “Về khái niệm thời đại đồng thau” của tác giả Nguyễn Văn Chiển (mà phần chủ yếu cũng giống như bài ở Tia sáng) và đăng cả “Lời bình của GS. Khảo cổ học Trần Quốc Vượng”. Xin hỏi ông đã đọc “Lời bình” của GS Trần Quốc Vượng hay là chưa.
AN CHI trả lời: Lời bình dài 316 chữ của GS Trần Quốc Vượng trên Khảo cổ học số 4-2001 không có sức thuyết phục. Lời bình này có đoạn:
“Các nhà khảo cổ học và sử học Việt Nam bắt đầu từ GS Đào Duy Anh – nhà sử học lớn, đồng thời là nhà từ điển học lớn – đều nhất trí gọi cái thời đại sau thời đại đá là THỜI ĐẠI ĐỒNG THAU. Giáo sư sử học Văn Tân – đồng thời là một nhà từ điển gia – cũng dùng khái niệm ấy”.
Rất tiếc là Trần Quốc Vượng lại không dẫn chứng xem Đào Duy Anh đã dùng khái niệm “thời đại đồng thau” ở những chỗ nào. Còn sự thực thì trong hai công trình sử học quan trọng nhất của mình là Cổ sử Việt-nam (Nxb Xây dựng, Hà Nội, 1955) và Lịch sử Việt-nam q.thượng (Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958), sử gia lão thành Đào Duy Anh chỉ dùng “thời đại đồ đồng”, “văn hóa đồ đồng”, “kỹ thuật đồ đồng” và “nghệ thuật đồ đồng” mà thôi (X. Cổ sử Việt-nam, chương IV, tr.72-82 và Lịch sử Việt-nam q.thượng, chương V, tr.59-66). Ngay cả trong hồi ký cuối đời Nhớ nghĩ chiều hôm (Nxb Trẻ, 1989), Đào Duy Anh cũng chỉ dùng “văn hóa đồ đồng”, “kỹ thuật đồ đồng” (X.tr.107, 112, 113) chứ không thấy dùng “văn hóa đồng thau” hoặc “thời đại đồng thau”. Khi cần nói cho cụ thể hơn thì Đào Duy Anh viết “đồng xanh” hoặc “đồng đen” như chúng tôi đã dẫn chứng trên KTNN 410, chứ cũng không hề dùng hai tiếng “đồng thau” cho những trường hợp đang bàn.
Còn Văn Tân thì, với tư cách là người chủ biên Từ điển tiếng Việt (Nxb KHXH, Hà Nội, 1967), đã chấp nhận hai cách gọi riêng biệt và rạch ròi sau đây:
Đồng đen. Hợp kim đồng và thiếc, thường dùng để đúc tượng, chuông...” và
Đồng thau. Hợp kim đồng và kẽm, màu vàng”.
Quyển từ điển này, in lần thứ hai, do Văn Tân và Nguyễn Văn Đạm chỉnh lý và bổ sung (1977, cũng Nxb KHXH, Hà Nội) vẫn giữ y nguyên hai mục từ trên đây. Rõ ràng là về mặt ngôn ngữ thì Văn Tân đã phân biệt dứt khoát và chính xác đồng đen với đồng thau.
Còn về cổ sử thì sao? Trong quyển Thời đại Hùng Vương do Văn Tân đứng tên chính (Nxb KHXH, Hà Nội, 1973), tại “Phần thứ hai”, “Phần thứ năm” và “Kết luận” do chính mình viết, Văn Tân đã hai lần dùng khái niệm “nền văn hóa đồ đồng” (tr.92 & 257) và khẳng định rành mạch rằng chất liệu đang xét là “hợp kim đồng–thiếc” và “hợp kim đồng–chì” (tr.92) chứ không có “hợp kim đồng–kẽm”.
Nhưng cũng có một lần ông viết “thời đại đồ đồng thau” (tr.96) và một lần ông viết “nền văn hóa đồng thau” (tr.293). Chúng tôi ngờ rằng chữ “thau” trong hai trường hợp này là do người biên tập thêm vào chứ không phải chữ của Văn Tân. Nếu là chữ của Văn Tân, thì cách dùng từ không nhất quán trên đây cũng cho phép suy luận rằng hình như chính Văn Tân cũng thấy “đồng thau” ở đây là một cách diễn đạt không ổn.
Vậy rõ ràng là lời khẳng định trên kia của Trần Quốc Vượng không đúng. Nhưng để củng cố thêm quan điểm của mình, ông còn viết tiếp như sau:
“Giới khảo cổ và nhân học văn hóa – xã hội chúng tôi đã đi điều tra điền dã nhiều làng nghề đúc đồng cổ truyền từ Bắc qua Trung tới miền Nam Việt Nam. Không ở đâu người Việt Nam dùng từ “đồng xanh” mà chỉ dùng từ đồng đỏ để chỉ đồng tương đối nguyên chất (Cu, Cuivre, Copper,...) và đồng thau để chỉ hợp kim đồng, chì, thiếc, kẽm với những tỷ lệ khác nhau, kiểu thành phần hợp kim của các hiện vật Đông Sơn”.
Sự thật có đúng như ông Trần Quốc Vượng đã viết hay không?
Thực ra, đồng xanh là một ngữ danh từ cố định rất xưa. Bằng chứng là nó đã có mặt trong Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, một thứ từ điển Hán–Việt ra đời trong khoảng thế kỷ XVI–XVII. Tại “Kim ngọc bộ đệ thập cửu”, ta đọc được hai câu sau đây:
Xích kim đồng đỏ lạ dường,
Thanh kim là thiếc thức càng xanh le”.
Rồi tại phần “Bổ di”, ta lại đọc được thêm:
Trang kim, vàng trắng;
Thanh kim, đồng xanh”.
(X. bản phiên âm và chú giải của
Trần Xuân Ngọc Lan, Nxb KHXH,
Hà Nội, 1985, tr.155 & 157).
Ráp nối câu “Thanh kim (=) đồng xanh” với câu “Thanh kim là thiếc thức càng xanh le”, ta thấy được rằng ông cha ta đã dùng hai tiếng Hán Việt thanh kim hoặc để chỉ thiếc, hoặc để chỉ đồng xanh, là một hợp kim giữa đồng và thiếc. Việc tác giả của CNNÂGN dùng hai tiếng đồng xanh để đối dịch hai tiếngthanh kim chứng tỏ rằng đó phải là hai tiếng thông dụng ít nhất cũng là tự thời bấy giờ.
Trần Quốc Vượng cũng thiếu chính xác khi ông viết rằng người Việt Nam dùng hai tiếng đồng thau “để chỉ hợp kim đồng, chì, thiếc, kẽm, v.v., với những tỷ lệ khác nhau, kiểu thành phần hợp kim của các hiện vật Đông Sơn”. Thực ra thì, trong hợp kim của giai đoạn tiền Đông Sơn,
“Hàm lượng của đồng đại bộ phận nằm giữa khoảng 80-90%. Hàm lượng của thiếc từ 10-20% (...) Hàm lượng của chì, sắt, bạc, kẽm (Chúng tôi nhấn mạnh – AC), a-xen và các kim loại khác rất bé (...) chúng chỉ là những tạp chất lẫn lộn vào (...) Đến giai đoạn Đông Sơn, trong thành phần hợp kim, tỷ lệ đồng và thiếc giảm xuống (...) tỷ lệ chì tăng cao (...) thường là trên 10%”.
(Hà Văn Tấn và Hoàng Văn Khoán,
“Luyện kim và chế tác kim loại thời
Hùng Vương”, Hùng Vương dựng nước,
t.IV, Hà Nội, 1974, tr.205-206).
Nghĩa là đến giai đoạn Đông Sơn, kẽm cũng chưa có vai trò gì trong hợp kim dùng để chế tác dụng cụ bằng đồng. Vì vậy nên hợp kim này dứt khoát không thể là “đồng thau”. Lý do rất đơn giản: Từ xưa, người Việt Nam chỉ dùng từ thau để chỉ hợp kim đồng–kẽm, như ai nấy đều biết (chẳng hạn trong mâm thauchậu thau, v.v.), nghĩa là để chỉ cái chất liệu mà tiếng Anh gọi là brass, tiếng Pháp gọi là laitonhoặc cuivre jaune (đồng vàng) còn tiếng Hán thì gọi là hoàng đồng (cũng = đồng vàng). Không ai dùng từ thau để chỉ hợp kim đồng–thiếc cả. Còn đồng thau là một danh ngữ đồng nghĩa với thau nên chẳng làm gì có chuyện người Việt Nam ở các “làng nghề đúc đồng cổ truyền” dùng hai tiếng đồng thau để “chỉ hợp kim đồng, chì, thiếc, kẽm với những tỷ lệ khác nhau” như Trần Quốc Vượng đã khẳng định.
Tóm lại, cái khái niệm mà giới khảo cổ học Việt Nam gọi là “thời đại (hoặc văn hóa) đồng thau “thực chất chính và chỉ là “thời đại (hoặc văn hóađồng đen (hoặc đồng xanh)” không hơn không kém.

Sunday, 7 October 2012

TỪ ĐÂU NGƯỜI MÌNH KÊU NGƯỜI TÀU BẰNG "CHỆT" (Phan Khôi)


Người Việt Nam ta thường kêu người Trung Huê bằng người Tàu, người Khách, lại cũng kêu bằng Khách ngô, Khách trú, các chú;  những danh từ ấy đều có lai lịch, đều có thể cắt nghĩa cho thông được hết. Duy có tiếng "Chệt" hay "Chiệt"  ngoài Bắc nói Chiệc  người mình cũng có dùng mà kêu họ nữa, tiếng nầy thì chẳng biết từ đâu ra, có nghĩa chi.
Có người nói rằng chữ Chệt hay Chiệt đó có lẽ do chữ Chiết mà ra. Bên Tàu có tỉnh Chiết Giang, từ xưa người tỉnh ấy hay sang xứ ta, nên ta kêu người Chiết mà trại ra thành Chiệt hay Chệt.
Đó là nói ức chừng, chẳng có dựa vào bằng chứng đâu cả. Mà cứ theo sự thiệt lại không đúng. Vì tỉnh Chiết Giang ở gần Thượng Hải, về miền bắc Trung Huê, người tỉnh ấy ít có qua xứ ta lắm; người Tàu sang xứ ta nhiều nhứt là người hai tỉnh Quảng Đông và Phước Kiến, vậy nếu ta có lấy tên tỉnh mà kêu chung người Trung Quốc thì sao không lấy tên hai tỉnh nầy mà lại lấy tên Chiết Giang?
Ngoài cái thuyết ức chừng mà không có thể nghe được ấy, chưa thấy ai giải thêm một nghĩa nào khác.
Tôi đọc bộ sách Đông Dương sử, thấy có một chỗ nói về cái tên người Tây dùng mà kêu người Tàu đời xưa, thì tôi sực nhớ lại chữ "Chệt" hay chữ "Chiệt" ấy, dường như hai đằng có quan hệ với nhau thì phải. Tôi bèn viết ra đây cho nhà sử học dựa đó mà nghiên cứu, nếu lời tôi có ít nhiều giá trị.
Tôi phỏng định rằng tiếng "Chệt" hay "Chiệt" ấy là do tiếng Tây mà ra. Nói rằng "tiếng Tây" là chỉ về tiếng của một nước trong cõi Âu châu, không biết rõ nước nào, có lẽ là nước La Mã.
Sách Đông Dương sử nói rằng: Về thời đợi La Mã đế quốc thì những hàng tơ lụa Trung Huê, đã đem bán bên Âu châu. Người Tây kêu thứ hàng tơ lụa ấy bằng "Serge"; nhơn đó họ kêu đất Trung Huê là "Serica" và người Trung Huê là "Seres".
Trong chữ "Serge" đó, phần nửa trên (ser là do chữ "tăng nhi" ( 繒 兒 ) của Tàu mà ra; phần nửa dưới (ge) là cái ngữ vĩ (terminaison) của Tây thêm vào. Còn "Serica" nghĩa là xứ đất sanh sản ra thứ "ser" ấy.
(Tiếng Pháp bây giờ cũng có chữ "Serge" để kêu một thứ hàng dệt, song hàng nầy bằng lông không phải tơ).
Nếu vậy thì đời xưa vào khoảng trước và sau Giáng sanh, người phương Tây kêu người Trung Huê là "Seres" chớ không phải bằng "Chinois" như bây giờ. Chữ "Seres" ấy mà đọc mau thì gần như "xẹt" của tiếng ta, và "xẹt" thì có thể chuyển sang "Chệt" hay "Chiệt" dễ lắm.
Lại tại làm sao mà chữ "Seres" của Tây dùng mà kêu người Tàu đó lại truyền sang xứ ta được? Cũng theo Đông Dương sử, có chép những sự tích như vầy:
Năm 162 sau Giáng sanh, người La Mã chiếm được miếng đất của Vịnh Ba Tư, bèn do đó đi vòng Ấn Độ Dương thẳng đến Trung Quốc hải. Vị sứ thần của La Mã sai qua đó đi đã mấy năm mới đến Giao Chỉ. Theo như sách Hán thơ chép, thì năm thứ chín hiệu Diên Hy, đời vua Hán Hoàn đế, vua nước Đại Tần sai sứ đến Nhựt Nam dâng những ngà voi, u tây và đồi mồi. Âu châu với Á châu mà giao thông với nhau do đường biển, là bắt đầu từ đó (Đại Tần tức là La Mã).
Sau đó vào đời Tam Quốc, năm thứ 5 hiệu Hoàng Võ nhà Ngô (227), cũng có người lái buôn nước Đại Tần đến Giao Chỉ.
Coi đó thì đời xưa người Tây người Tàu giao thông với nhau là lấy nước ta làm đường đi băng. Bởi vì, cứ như sử chép đó, Giao Chỉ tức là đất thuộc về Bắc kỳ ta bây giờ, còn Nhựt Nam tức là đất thuộc về Trung kỳ ta bây giờ, vào đâu đỗi Quảng Nam và Huế; mà đời bấy giờ nước ta làm thuộc địa Tàu, cho nên Tàu với Tây cứ việc tự do lấy các phụ đầu(*) của ta làm chỗ giao thông, khỏi phải nạp món thuế kinh quá lôi thôi như bây giờ vậy.
Người Tây đời bấy giờ đã do đất ta mà giao thông với Tàu, và bấy giờ họ lại kêu người Tàu bằng "Seres", vậy thì trong khi họ lưu trú ở đây, ta cũng bắt chước tiếng của họ mà kêu người Tàu bằng "Xẹt", rồi lâu ngày trại bẹ, thành ra "Chệt", là sự có   thể lắm.
Nếu quả vậy thì tiếng "Chệt" của ta có lâu lắm, có gần hai ngàn năm nay; mà trong khi kêu "Chệt", cũng chẳng có ý gì khinh bỉ người Tàu đâu.(**)
PHAN KHÔI
Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s. 182 (22. 12. 1932)


 

(*)  Phụ đầu埠 頭  nơi bến sông, bến biển, tàu thuyền buôn bán đến đậu đông (port de commerce) (Đào Duy Anh, sđd.)
(**)  ý của bài này, tác giả đã nêu ở một bài trong mục Độc thư tùy bút trên báo Phổ thông (Hà Nội, 5 và 6.10.1930)


 
© Copyright Lại Nguyên Ân

Về địa danh Sài Gòn [tiếp theo] An Chi / Huệ Thiên - Năng Lượng Mới số 156 ,21-9-2012).


Năm 1778 những người Tàu sống sót của BNL mới bỏ Nông Nại đại phố chạy xuống phía dưới để lập ra thành phố Thầy Ngòn còn địa danh Sài Gòn đã tồn tại từ năm 1674 thì lúc đó người Việt lấy đâu ra “Thầy Ngồl” mà Việt hoá nó thành Sài Gòn”?
3.Sài Gòn và Sài Gọng.– BNL viết:
“Trong một quyển sách nhỏ, nhan là “Cantonese Speaking Students” do California State Department of Education xuất bản, soạn giả cho biết rằng trong tỉnh Quảng Đông có đến sáu phương âm khác nhau. Mỗi phương âm ăn khớp vào với một vùng đất của tỉnh ấy, và có một vùng đất kia tên là Sài Gọng (có G cuối). Sách nói trên là sách tiếng Anh, nhưng có chua chữ Tàu. Sài Gọng được chua là Tây Giang (……..)
“Cái điều mà ta cần biết là đã được biết, đó là nguồn gốc của địa danh Sài Gòn (không G cuối). Sài Gòn do Sài Gòng mà ra, và đó là tiếng Tàu, không bị Việt hóa theo cái lối chữ nho, mặc dầu văn tự đã bị đọc sai ra là Tây Giang (……)
“Thuyết của tôi là như thế nầy. Cái tên đầu tiên mà người Tàu đặt ra cho cái thành phố mà nay ta gọi Chợ Lớn, không phải là Đề Ngạn mà là Sài Gòng. Tại sao họ lại đặt như vậy? Là tại họ là người Quảng Đông gốc Sài Gòng (bên Tàu). Lối đặt tên đó giúp cho họ nhớ quê hương của họ.”    
Ở trên, chúng tôi có mạn phép nói rằng BNL không phải là một nhà ngữ học. Ấy là còn nói theo uyển ngữ chứ thực ra thì về mặt này ông rất tài tử. Chúng tôi hoàn toàn không tin ở những điều BNL đã nói trên đây. Ngay cái tên sách, ông cũng đã rút ngắn nó một cách tuỳ tiện. Cái quyển sách nhỏ do California State Department of Education xuất bản mà ông gọi là “Cantonese Speaking Students” thực ra là A Handbook for teaching Cantonese-speaking students (Sổ tay [dùng] cho việc giảng dạy sinh viên [là người] nói tiếng Quảng Đông). Đây là một quyển sách liên quan đến giáo dục và giáo học pháp. Chứ cái tên “Cantonese Speaking Students” mà ông đưa ra thì có nghĩa là “Sinh viên [là người] nói tiếng Quảng Đông”. Khác nhau một trời một vực. Còn trong quyển Nguồn gốc Mã lai của dân tộc Việt Nam (Bách Bộc xuất bản, không đề năm), khi nói về ngôn ngữ của các tộc người Thượng ở Trung Bộ Việt Nam, BNL viết: “Cái hội bác học của Mỹ, hội Summer Institute of Linguistic (sic) ở Saigon, cũng chỉ nhại lại các sách xuyên tạc của Pháp khi họ xuất bản quyển A Study of Middle Vietnamese Phonology tại Saigon.” Quyển này là của Kenneth Gregerson, trong đó tác giả đã khảo sát về âm vị của tiếng Việt thời trung đại (Middle Vietnamese). Nhưng BNL thì cứ ngỡ Middle ở đây dùng để chỉ Trung Bộ Việt Nam! Phải nói thẳng ra là kiến thức ngữ học của ông nhiều chỗ rất lơ mơ. Rồi như Tây Giang mà ông cho là tên của một vùng đất bên tỉnh Quảng Đông thì chúng tôi không tìm thấy. CònTrung Quốc địa danh từ nguyên của Giả Văn Dục 賈文毓 và Lý Dẫn 李引 (Hoa Hạ xuất bản xã, Bắc Kinh, 2005) thì cho biết rằng đây là một thị trấn ở phía Bắc huyện Lôi Sơn, tỉnh Quý Châu trên bờ sông Tây Giang 西江, lấy tên của con sông này làm tên. Đây là nơi ở tập trung điển hình của người Miêu (Hmong) bên Tàu, được mệnh danh là Thiên hộ Miêu trại 千户苗寨 (Trấn [trại] nghìn nhà của người Miêu) cho nên có câu “Khán Lôi Sơn Tây Giang, Tri thiên hạ Miêu tộc” ( Xem thị trấn Tây Giang ở Lôi Sơn thì biết được về người Miêu trong thiên hạ). Cái âm “Sài Gọng”(?) mà BNL đưa ra và khẳng định là thuộc một phương âm của tiếng Quảng Đông, chúng tôi sợ rằng đó chính là tiếng … Miêu! Vả lại, ta cũng còn chưa có thể yên tâm về sự ghi nhận và sự tường thuật của BNL vì nhiều khi ông còn tuỳ tiện, tuỳ hứng nữa.
Nhưng cứ cho rằng BNL đã tuyệt đối chính xác trong sự ghi nhận và sự tường thuật thì Sài Gọng chỉ có thể cho ra Sài Gọng chứ không phải Sài Gòn. Chuyện này hoàn toàn dễ thấy vì đây là trường hợp mà âm Quảng Đông tuyệt đối ăn khớp với âm của tiếng Việt ở Nam Bộ. Sài Gọng mà cho ra Sài Gòn mới là chuyện thực sự nghịch lý. Tại sao ư? Thưa rằng tiếng Việt ở Nam Bộ không có vần -ON [ɔn]; vần này luôn luôn bị người Nam Bộ phát âm thành -OONG [ɔ:ŋ]. Vì vậy cho nên nói rằng GỌNG (hoặc GÒNG?) của Tàu Quảng Đông trở thành GÒN [ɣɔ:n2] trong tiếng Việt ở Nam Bộ là một điều thậm vô lý. Dân Nam Bộ chánh cống chỉ có thể phát âm chữ này thành GOÒNG [ɣɔ:ŋ2]  mà thôi. Nếu BNL thực sự đúng thì ngay từ đầu, Hòn Ngọc Viễn Đông đã là SÀI GOÒNG [sa:j2 ɣɔ:ŋ2] chứ không phải SÀI GÒN [sa:j2ɣɔ:n2]. Đây là một điều dứt khoát.
4. “Chợ Sài Gòn” trên bản đồ Trần Văn Học 1815.– Bản đồ “Gia Định tỉnh” do Trần Văn Học vẽ năm 1815, mà bạn đã khoanh tròn địa điểm “Chợ Sài Gòn” bằng màu đỏ để gửi đến , thực ra đã được in trong Địa chí văn hoá Thành phố Hố Chí Minh, t.1 (Nxb TPHCM, 1987, tr. 229). Ở đây, chúng tôi chỉ in lại phần thể hiện “Chợ Sài Gòn”, mà trung tâm, theo đoán định của chúng tôi, nằm trong chu vi hiện nay của bốn con đường: Nguyễn Tri Phương (thời Pháp là Lacaze [dân chúng phát âm thành La-cai]) – Trần Hưng Đạo B (bấy giờ còn là một con kênh nhỏ) – Châu Văn Liêm (thời Pháp là đại lộ Tổng đốc Phương) – Nguyễn Trãi (thời Pháp là đường Cây Mai). Người thêm chữ quốc ngữ đã ghi chú địa điểm cần đánh dấu bằng danh ngữ “Chợ Sài Gòn” là đã thu hẹp phạm vi (diện tích), chứ nguyên văn trong bản đồ 1815 là danh ngữ tiếng Hán 柴棍處 “Sài Gòn xứ”, trong đó “xứ” là danh từ trung tâm (bị định ngữ) còn định ngữ là địa danh “Sài Gòn”, viết bằng hai chữ Nôm 柴棍, mà nhiều người, trong đó, tiếc thay, có cả học giả danh tiếng, từ lâu đời, cứ ngộ nhận là chữ Hán, nên đã đọc thành … “Sài Côn”! Thì cũng giống như “ville de Bien Hoa”, “province de Gia Dinh”, v.v., là những cấu trúc tiếng Pháp hẳn hoi nhưng trong đó Bien Hoa, Gia Dinh là những địa danh Việt Nam (Biên Hoà, Gia Định).
Trong bài đã nói trên Kiến thức Ngày nay số 36, vì chịu ảnh hưởng của một vị học giả về sự tồn tại song song của mỹ danh (hoặc tên chữ) và tục danh (hoặc tên Nôm), nên chúng tôi cũng đã chủ trương một cách ngu dốt rằng Sài Côn là tên chữ còn Sài Gòn là tên Nôm của Prei Nokor. Không, chẳng làm gì có “tên chữ” trong trường hợp này. “Sài Gòn xứ” là cách đọc duy nhất đúng cho ba chữ 柴棍處 trên bản đồ Gia Định 1815 của Trần Văn Học. Và Sài Côn xứ là “vùng Sài Gòn”, trong đó có chợ Sài Gòn. Đây là một khái niệm và một địa bàn rộng lớn hơn cái địa điểm ghi bằng chữ quốc ngữ “Chợ Sài Gòn”. Trong tỉnh Gia Định hồi thập kỷ 1810 thì ngôi chợ nằm ở vùng Sài Gòn – nên được gọi là “chợ Sài Gòn” – là một chợ lớn, nếu không phải là lớn nhất. Cho nên ta sẽ không lấy làm lạ nếu thấy Trịnh Hoài Đức gọi nó bằng hai chữ “đại nhai” 大街, mà âm Quảng Đông là “tài cái”. Họ Trịnh ít nhiều có chịu ảnh hưởng của tiếng Quảng Đông về mặt từ ngữ. Trong tiếng Quảng Đông thì chợ là “cái xị” 街市(nhai thị). “Tài cái xị” 大街市(đại nhai thị) là chợ lớn. Hai tiếng “đại nhai” tuy có nghĩa gốc là đường lớn nhưng trongGia Định thành thông chí thì Trịnh Hoài Đức đã dùng nó thay cho danh ngữ “đại nhai thị”. Vì vậy nên “đại nhai” ở đây có nghĩa là “chợ lớn”. Và vì Sài Gòn là một chợ lớn (so với hầu hết những cái chợ khác) nên dân chúng thường quen miệng chỉ Sài Gòn bằng hai tiếng “chợ lớn”, rồi dần dần “chết tên”. Chợ Lớn trở thành một địa danh.
Chúng tôi nghĩ rằng bài này chưa giải quyết hết mọi vấn đề mà bạn muốn chúng tôi làm sáng tỏ nhưng do khuôn khổ có hạn nên xin chờ một dịp khác để có thể nói thêm.
Nguồn: Facebook An Chi)