Friday, 9 November 2012

CHỨC QUAN CỦA NGUYỄN TRÃI VÀ VỊ THẾ CỦA ÔNG TRONG TRIỀU ĐÌNH NHÀ LÊ - Đinh Khắc Thuân


TB

Nguyễn Trãi - người anh hùng dân tộc, huân nghiệp của ông gắn liền với sự nghiệp vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam thế kỷ XV. Cống hiến của Nguyễn Trãi trong sự nghiệp vệ quốc này vô cùng lớn lao, song lẽ cuộc đời công danh của ông lại hết sức thăng trầm, thậm chí kết cục phải chịu oan án "chu di tam tộc". Đã có không ít công trình nghiên cứu xung quanh vấn đề này(1), nhân 560 năm tròn xảy ra cái oan án cay nghiệt này đối với một thiên tài có một không hai của đất nước, chúng tôi mong muốn được góp bàn đôi điều, thay vì thắp một nén nhang cho vong linh người khuất.
Về tiểu sử và nhất là chức quan của Nguyễn Trãi, chúng ta hầu như chỉ đọc được đôi chỗ ghi chép không thật chi tiết trong các chính sử, trong đó tiêu biểu là trong Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư). Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận ra được những chức quan chủ yếu của ông trong từng giai đoạn cụ thể.
Chức quan của Nguyễn Trãi được Toàn thư ghi lại lần đầu tiên vào năm 1427, qua đoạn văn sau đây: "Lấy Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ Nguyễn Trãi làm Triều liệt đại phu, Nhập nội hành khiển, Lại bộ Thượng thư, kiêm hành Khu mật viện sự"(2). Như vậy là thời kì đầu đến với khởi nghĩa Lam Sơn (khoảng 1416 - 1418), dâng Bình Ngô sách(3), Nguyễn Trãi đã được phong chức Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ.
Như chúng ta đã biết, Hàn lâm viện ngày trước không phải là cơ quan khoa học, mà là nơi bao gồm người có tài văn học, giúp vua soạn thảo thơ văn, chiếu chỉ, được thiết lập ở Việt Nam từ thời Lí(4). Thừa chỉ là chức quan đứng đầu của Hàn lâm viện, như Đinh Củng Viên, Thái sư đời Trần Nhân Tông từng giữ chức Hàn lâm học sĩ Phụng chỉ, soạn tờ chiếu thay vua(5). Chức quan Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ của Nguyễn Trãi ở thời kì đầu nhà Lê là theo chế độ thời Trần. Có vị thế rất lớn trong triều đình, như một quan đầu triều. Với cương vị này, Nguyễn Trãi đã mang hết tài năng, góp sức với Lê Lợi chỉ huy kháng chiến thắng lợi và đấu tranh ngoại giao với nhà Minh. Thực tế, chính Nguyễn Trãi được giao soạn thảo và trao đổi các công văn, thư từ với nhà Minh(6).
Khi kháng chiến đang tiến dần đến thắng lợi hoàn toàn, Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ Nguyễn Trãi được phong làm "Triều liệt đại phu, Nhập nội hành khiển, Lại bộ Thượng thư, kiêm hành Khu mật viện sự"(7).
Trong các chức danh trên, thì Triều liệt đại phu là hàm tản quan, tương đương Tòng tam phẩm. Hành khiển là chức quan có từ thời Lý - Trần. Lúc đầu chức này dùng cho các hoạn quan, điều hành việc hành chính trong cung, như Lý Thường Kiệt, Lý Thường Hiến thời Lý từng được ban chức này. Sau đó từ năm 1267 thời Trần, chức Hành khiển bắt đầu được dùng cho người có văn học. Còn Nhập nội là danh xưng của các chức quan thân tín của vua, như Nhập nội Hành khiển, Nhập nội Đại Tư mã, Nhập nội Đô đốc, Nhập nội Kiểm hiệu,… Nhập nội hành khiển thực chất là chức danh của á tướng có từ thời Lý - Trần, như Trần Khắc Chung từng giữ chức Nhập nội Hành khiển Đồng bình chương sự, năm 1348(8). Nguyễn Trãi trong suốt cuộc kháng chiến, luôn ở bên cạnh vua trù tính mọi việc từ việc quân cơ đến việc ngoại giao: "Bấy giờ vua dựng lầu nhiều tầng ở dinh Bồ Đề. Hàng ngày vua ngự trên lầu nhìn vào thành để quan sát mọi hành vi của giặc; cho Trãi ngồi hầu ở tầng hai, nhận lệnh soạn thảo thư từ đi lại"(9). Nhập nội hành khiển tuy là chức á tướng, nhưng trong giai đoạn này, khi mà có rất nhiều chức quan đại thần khác như "Tả hữu tướng quốc, Thái phó, Thái bảo vẫn còn chưa đặt"(10), thì vai trò của Nguyễn Trãi càng vô cùng quan trọng.
Lại bộ là bộ đứng đầu trong Lục bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công, cơ quan hành chính trực tiếp giúp vua điều hành chính sự. Chức trách của Thượng thư bộ Lại là bổ dụng quan lại trong cả nước. Tuy nhiên lúc này khi cuộc kháng chiến đang dần đến thắng lợi hoàn toàn, việc bổ dụng quan lại, về thực chất là thiết lập bộ máy Nhà nước ngày càng hoàn thiện tương xứng với vị thế của một vương triều mới được ra đời bằng chiến công chống ngoại xâm oanh liệt.
Kiêm hành Khu mật viện sự, là sự kiêm nhiệm công việc của Khu mật viện. "Kiêm" là từ dùng chỉ chức quan này kiêm nhiệm thêm chức danh khác mà không có sự phân biệt cao thấp, sang hèn. Còn "hành" thì dùng chỉ chức quan cao đảm nhận thêm công việc của chức quan khác thấp hơn(11) - Khu mật viện. Khu mật viện vốn được đổi từ Sùng chính viện vào năm 923 thời Hậu Đường. Khu mật viện được thiết lập ở Việt Nam qua các đời Lý, Trần, Lê, sau cùng được đổi thành Cơ mật viện vào thời Nguyễn, là cơ quan quân sự tối cao, nắm quân quốc cơ vụ, biên bị, binh mã… Như vậy là chức quan ở Khu mật viện thấp hơn chức quan mà Nguyễn Trãi đang giữ là Thượng thư bộ Lại và Nhập nội Hành khiển. Vì thế khi nhắc đến Nguyễn Trãi, người ta thường chỉ nhắc đến chức quan cao nhất của ông là Hành khiển, hoặc Thừa chỉ, nên thường gọi là Hành khiển Nguyễn Trãi, hoặc Thừa chỉ Nguyễn Trãi. Với các chức danh trên, Nguyễn Trãi là quan đại thần thân tín của vua Lê, giúp vua điều hành cả việc quân và chính sự.
Sau chiến thắng ban thưởng công danh, năm 1428 Nguyễn Trãi được phong tước "Quan phục hầu", và các chức danh đầy đủ của ông là "Tuyên phụng đại phu, Nhập nội hành khiển Môn hạ Hữu gián nghị đại phu, Đồng Trung thư lệnh sự, tứ Kim tử ngư đại, Thượng hộ quốc, Quan phục hầu, tứ tính Lê Trãi"(12).
"Tuyên phụng đại phu" là hàm tản quan, nhưng cũng có ý nghĩa của quan đại phu phụng mệnh vua tuyên đọc các chiếu chỉ. Trong các chức tiếp sau, có "Môn hạ" và "Trung thư" tức "Môn hạ sảnh" và "Trung thư sảnh", hai trong Tam sảnh (Trung thư sảnh, Môn hạ sảnh và Thượng thư sảnh), cơ quan văn phòng của vua. Theo quan chế nhà Trần và đầu nhà Lê, thì Môn hạ sảnh chia làm Tả ty và Hữu ty. Trong đó có Hữu Gián nghị đại phu là chức quan giám sát, có chức năng can gián vua được đặt ở đây để nắm việc bổ nhiệm đúng sai, nghị luận việc triều chính khuyết sót. "Đồng Trung thư lệnh sự" chỉ sự kiêm nhiệm công việc của Trung thư lệnh, chức trưởng quan giúp vua bàn việc chính sự lớn. "Tứ Kim ngư đại" là được ban cái túi thêu con cá vàng, một đặc ân đối với đại thần từ quan tam phẩm trở lên. "Thượng hộ quốc" là một huân hàm dùng để tặng riêng cho người có công lao lớn. Quan phục hầu là phẩm tước gia ban mà cao nhất là Huyện Thượng hầu, cũng thời gian này được ban cho Lê Vấn, á Thượng hầu ban cho Lê Ngân, hai vị khai quốc công thần của nhà Lê(13). Tứ tính Lê Trãi là Nguyễn Trãi được đặc ân ban quốc tính, tức được đổi theo họ của nhà vua.
Với những chức tước nêu trên ở thời điểm ngay sau chiến thắng ngoại xâm, Nguyễn Trãi đã có một vị thế lớn trong triều đình nhà Lê, như một trong những vị khai quốc công thần.
Tuy nhiên sau đó không lâu, nhất là sau sự kiện tự trẫm của Trần Nguyễn Hãn và cái chết của Phạm Văn Xảo, hai vị đại thần và là người thân tín của Nguyễn Trãi, ông dần dần bị hạn chế quyền hành. Chẳng vậy mà trong lạc khoản bài văn bia soạn cho lăng mộ Lê Thái Tổ năm Thuận Thiên thứ 6 (1433), Nguyễn Trãi chỉ tự đề là: "Vinh lộc đại phu, Nhập nội hành khiển tri Tam quán sự, thần Nguyễn Trãi vâng soạn"(14). Chúng ta biết rằng, Tam quán tức Chiêu văn quán, Tập hiền viện và Sử quán, coi việc sưu tập điển tịch, đồ thư và soạn sử. Rõ ràng là Nguyễn Trãi chỉ đảm nhận những chức vị hết sức khiêm tốn. Ngay cả đặc ân ban quốc tính, cũng không thấy nêu ở đây. Trong những năm cuối của vua Lê Thái Tổ và những năm đầu của Lê Thái Tông, quyền hành trong triều đình rơi cả vào tay bọn lộng thần, nhất là Đại tư đồ Lê Sát và Đô đốc Lê Vấn. Nguyễn Trãi chủ yếu chỉ được giao cho san định lễ nhạc, sử sách, như từng hiệu đính nhã nhạc, định quy chế mũ áo... Tuy nhiên đây lại là dịp tốt để ông thực hiện một số đường lối cải cách văn hóa, giáo dục.
Nhưng rồi sau đó, với nhân cách và tài năng của mình, Nguyễn Trãi đã được Lê Thái Tông khôi phục quyền chức và được trọng dụng mà trong biểu tạ ơn năm 1439 ghi là "Vinh lộc đại phu, Nhập nội hành khiển Môn hạ sảnh Tả ty Hữu gián nghị đại phu kiêm Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ, tri Tam quán sự, đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự, á đại trí tự, tứ quốc tính Lê Trãi"(15). Như vậy, hầu như các chức tước cũ của Nguyễn Trãi đã được khôi phục, trừ chức Lại bộ Thượng thư, bởi chức này đã do người khác đảm trách. á đại trí tự là tước phong cao thứ hai, sau Đại trí tự. Ngoài ra, ông còn được giao chức danh mới là "đề cử Côn Sơn Tư Phúc tự", chức trách quản lí chùa Tư Phúc ở Côn Sơn, một danh thắng từng được ông ngoại của Nguyễn Trãi là Tư đồ Trần Nguyên Đán tu tạo và là nơi chính Nguyễn Trãi đã ở khi nhỏ và lúc tuổi già. Trong bài biểu tạ ơn, Nguyễn Trãi tỏ ra rất xúc động "Chức giữ Đông đài, thực việc triều đình rất trọng; việc kiêm Tam quán, ấy điều Nho giả cực vinh. Huống ban quốc tính, dễ rạng tông môn; lại với công thần xếp cùng hàng liệt. Cảm mà chảy nước mắt, mừng mà sợ trong lòng…"(16). Nguyễn Trãi đã coi việc "kiêm Tam quán", công việc về văn hóa, giáo dục là cực vinh. Đây chính là ý thức về lòng tự hào nền văn hiến của dân tộc và trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ mai sau. Chính năm 1442, triều đình nhà Lê đã mở khoa thi Tiến sĩ đầu tiên, trong đó vua Lê Thái Tông thân hành ra đề sách vấn và Nguyễn Trãi làm "độc quyển" (người duyệt bài thi lần cuối cùng để trình lên vua quyết định thứ hạng cao thấp). Lệ thi cử, tuyển chọn nhân tài ở nước ta trong lịch sử được định hình từ đây, có một phần không nhỏ xây nền đặt móng của Nguyễn Trãi.
Cũng chính vì sự trọng dụng của vua Lê Thái Tông đối với Nguyễn Trãi mà nhiều lộng thần ghen ghét, đố kị. Và, cái oan án Lệ Chi Viên cũng không ngoài bàn tay tạo dựng bởi sự ghen ghét, đố kị này. Vì thế, sau khi lên ngôi, năm 1464 Lê Thánh Tông đã rửa oan cho ông. Tuy nhiên, cái oan nghiệt là ở chỗ thảm họa lại rơi vào chính bậc hiền tài, vị khai quốc công thần của triều đình.

Đ.K.T
CHÚ THÍCH:
(1) Ngô Thế Long: Những chức tước của Nguyễn Trãi trong cuộc đời tận tụy vì nước vì dân của ông, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3/1980, tr.33-41.
(2) Đại Việt sử kí toàn thư, Bản Chính Hòa 1697 (Bản dịch), tập 2, KHXH, H. 1998, tr. 263.
(3) Bình Ngô sách là kế sách đánh quân Minh. Kế sách này nhằm vào việc đánh thành quân đội Minh, nhưng không phải là "công thành", mà là đánh vào lòng người, tức là gọi hàng địch. Chính kế sách này đã từng dụ hàng nhiều thành lũy giặc như thành Nghệ An, Thuận Hóa.
(4) Dinh Khac Thuan, L'Académie au Vietnam sous les Mac: 1527-1592 (Hàn lâm viện ở Việt Nam dưới thời Mạc), Revue de Moussons (Tạp chí Gió Mùa), 2/2001, tr.74-82.
(5) Đỗ Văn Ninh, Từ điển chức quan Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, H. 2002, tr.279.
(6) Các thư từ, công văn này hiện được sưu tập trong Quân trung từ mệnh. Xem Nguyễn Văn Nguyên, Những vấn đề văn bản học Quân trung từ mệnh của Nguyễn Trãi, Văn học, H.1999, tr. 287-368.
(7) Đại Việt sử kí toàn thư, Sđd. tr. 263.
(8) Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Thời Trần, tập 2, Q. Thượng, Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Viện Văn học Đại học Trung Chính, 2002, tr.337.
(9), (10) Đại Việt sử kí toàn thư, Sđd. tr. 264, 270.
(11) Quan chế điển lệ  (Sách chữ Hán), kí hiệu: A.56/1, tờ 4a. Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(12) Nguyễn Trãi toàn tập, in lần thứ 2, KHXH, H. 1976, tr. 25.
(13) Đại Việt sử kí toàn thư, Sđd., tr. 301.
(14) Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd., tr. 93.
(15), (16) Biểu tạ ơn của Gián nghị đại phu kiêm tri Tam quán sự. Xem, Nguyễn Trãi toàn tập, Sđd., tr. 94, 208.

TB

NGUYỄN TRÃI VỚI CHU DỊCH
Nguyễn Trãi là nhà Nho, được đào tạo trong nhà trường Nho học đời Trần. Nhưng ông không chỉ thuộc lòng ở chữ nghĩa: “Thiên trời, địa đất, cử cất, tồn còn, tử con, tôn cháu..” hay là thấm nhuần đạo đức trong khuôn phép sách vở của thánh hiền: “Nhân chi sơ, tính bản thiện...” - (Người ta mới sinh ra, tính vốn lành), mà chủ yếu là tính tích cực của đạo Nho đã hóa thân trong tư tưởng của ông:

“Lấy đại nghĩa thắng hung tàn
Lấy chí nhân thay cường bạo”.
Chính vì thế, khi quân Minh xâm chiếm nước ta, ông càng nhận rõ, bọn phong kiến Trung Hoa đã gây bao tội ác chồng chất lên đầu dân Việt Nam: cưỡng đoạt, cướp bóc, bòn mót, đầy đọa nhân dân vào cảnh bần cùng, đói rách, thân thể xác xơ tiều tụy.
Khi bị giam lỏng ở thành Đông Quan, ông không thể chịu sống trong cảnh cá chậu, chim lồng, ông vẫn nung nấu ý chí tìm cách trốn thoát khỏi bàn tay của giặc
Năm Canh Tý (1420), Nguyễn Trãi đến Lỗi Giang (địa điểm nằm giữa Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Hóa, Thanh Hóa) trao cho Lê Lợi, thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn, bản Bình Ngô sách, trong đó ông vạch chiến lược, chiến thuật đánh giặc Minh.
Sau khi xem Bình Ngô sách, Bình định vương Lê Lợi đã trao cho Nguyễn Trãi chức Tuyên phụng đại phu, Hàn lâm thừa chỉ và luôn luôn giữ ông ở bên cạnh để bàn mưu tính kế đánh giặc Minh.
Ngoài việc cùng Lê Lợi vạch chiến lược, chiến thuật, Nguyễn Trãi còn làm tất cả các công việc giao thiệp với quân Minh. Nguyễn Trãi đã viết thư cho bọn chỉ huy giặc Minh, như Sơn Thọ, Phương Chính, Thái Phúc, Vương Thông v.v. để mắng nhiếc chúng, khiêu khích chúng, hoặc dụ hàng chúng.
Trong các bức thư gửi cho bọn chỉ huy giặc Minh, Nguyễn Trãi đã nhiều lần vận dụng học thuyết âm dương biến dịch. Nói đến Kinh Dịch, Hệ từ hạ, chương thứ XI có câu: “Dịch chi vi thư dã, quảng đại tất bị, hữu thiên đạo yên, hữu nhân đạo yên, hữu địa đạo yên, kiêm tam tài nhi lưỡng chi, cố lục; lục giả phi tha dã, tam tài chi đạo dã.” (Dịch là, sách rộng lớn đầy đủ, có đạo trời, đạo người, đạo đất, gồm ba tài và gấp đôi lên, cho nên thành sáu, số sáu chẳng có gì khác, chỉ là đạo tam tài [trời, đất, người]).
Thuyết quái truyện lại nói: “Tích giả thánh nhân chi tác Dịch dã, tương dĩ thuận tính mệnh chi lý. Thị dĩ lập thiên chi đạo, viết âm dữ dương, lập địa chi đạo viết nhu dữ cương, lập nhân chi đạo viết nhân dữ nghĩa, kiêm tam tài nhi lưỡng chi, cố Dịch lục hoạch nhi thành quái, phân âm phân dương, điệt dụng nhu cương, cố dịch lục vị nhi thành chương”. (Ngày xưa thánh nhân làm ra Kinh Dịch là để thuận cái lẽ về tính mệnh, cho nên lập đạo trời là âm và dương; dựng đạo đất là cứng và mềm; lập đạo người là nhân và nghĩa, gồm ba tài và gấp đôi lên, cho nên ở Kinh Dịch (có chỗ chúng tôi còn gọi là Chu Dịch) sáu nét vạch mà thành ra quẻ, chia ra âm và dương, đắp đổi dùng mềm và cứng, cho nên ở Kinh Dịch sáu ngôi mà thành chương).
Qua những điều đã trình bày trên, ta thấy Chu Dịch luôn nhắc đến đạo tam tài: trời, đất, người. Người xưa đều tôn trọng cả ba: đạo trời, đạo đất, đạo người, những lấy đạo người làm trung tâm. Thấu hiểu sâu sắc Dịch lý ấy, cho nên gửi thư cho Sơn Thọ, Nguyễn Trãi viết:
“Tôi nghe trời có bốn mùa, phải nhờ hành thổ mới vượng, người có bốn đức, phải nhờ điều tin để thi hành. Nếu hành thổ không thịnh, điều tin không có, thì đạo trời tất hỏng, việc người tất hư. Cho nên hoàng cực lấy thổ ở giữa, dân linh lấy tin làm thực, mà sau công việc của trời của người mới được thỏa đáng” (Quân trung từ mệnh tập, “Lại thư cho Sơn Thọ”)(1).
Nguyễn Trãi nói, trời có bốn mùa, tức là xuân, hạ, thu, đông. Người có bốn đức: hiếu, lễ, trung, tín. Còn về hành thổ, không chỉ là một trong ngũ hành: mộc, hỏa, thổ, kim, thủy, mà còn chứa đựng ý nghĩa của mối quan hệ tam tài: trời, đất, người. Đất là chỉ bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Nguyễn Trãi vận dụng đạo tam tài của Chu Dịch, là đề xuất đến phép tắc vĩnh hằng, phổ biến, khách quan, là bao quát đạo trời, đất, người, vũ trụ muôn vật biến hóa và đạo người sinh tồn, phát triển. Đó là phương thức tư duy chỉnh thể của Chu Dịch hòa đồng trời đất, người thành một khối. Nó cũng là một đặc trưng chủ yếu của tư duy truyền thống Trung Quốc. Nó có ưu điểm và đặc điểm của tính chỉnh thể, tính hoàn bị, tính khách quan, tính hợp lý đã sản sinh ảnh hưởng rất lớn đối với văn hóa tư tưởng truyền thống Trung Quốc. Chắc hẳn bọn chỉ huy giặc Minh biết rõ điều đó. Cái điều mà trong sách kinh điển Trung Hoa có ghi: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa” cho nên Nguyễn Trãi nói: “Nếu hành thổ không thịnh thì điều tin không có, thì đạo trời tất hỏng, việc người tất hư.” Nguyễn Trãi viết cho Sơn Thọ như vậy, chỉ là vì Sơn Thọ không thủy chung, không tín thực. Sơn Thọ trước đã nói rõ hẹn ước hòa giải: “Sau khi dâng biểu thì rút quân về ngay”, nhưng Sơn Thọ không thực hiện hẹn ước. Cho nên Nguyễn Trãi dùng văn hóa truyền thống Trung Hoa, đạo tam tài ở Chu Dịch để khuyến cáo chúng.
Ở bài Đầu mục nước An Nam kính gửi các tỳ tướng của thiên triều (triều Minh), Nguyễn Trãi viết: “ Kinh Dịch có câu nói rằng: quân đi phải có kỷ luật, nếu không có kỷ luật thì dầu phải cũng gặp sự không hay”.
Nguyễn Trãi nhắc đến câu nói ở Kinh Dịch là ông đề cập đến lời hào sơ lục của quẻ SƯ: “Sư xuất dĩ luật, phủ tang hung” (Ra quân phải có kỷ luật, nếu không thì sẽ xấu). Quẻ SƯ là quẻ bàn về cách dùng binh. Đánh trận không phải là trò đùa vui, mạnh ai nấy làm, mà phải có kỷ luật. Thiên mở đầu trong Tôn Tử binh pháp đã nói “Binh giả, quốc chi đại sự, tử sinh chi địa, tồn vong chi đạo, bất khả bất sát dã”- (Việc quân là việc lớn (trọng đại) của đất nước, là nơi sống chết, là đạo còn mất, không thể không xem xét). Cho nên lời quẻ trước tiên nhấn mạnh hai nguyên tắc lớn của chiến tranh: “trịnh, trượng nhân cát, vô cữu” - (giữ vững đạo chính, có bậc chỉ huy lão thành tài giỏi thì tốt, không có lỗi). Qua quái từ (lời quẻ), ta thấy rõ hai nguyên tắc: Một là, nắm vững tính chất của chiến tranh, dùng binh cần phải kiên trì đạo chính, là phải có chính nghĩa, ra quân phải giữ đạo chính nghĩa, đó là tiền đề lớn của chiến tranh. Hai là, phải giỏi lựa chọn người chỉ huy, tướng cầm quân hiền tài và giàu kinh nghiệm chiến đấu, đó là vấn đề then chốt của việc xuất quân thắng hay bại.
Nếu như trong chiến tranh quân đông ngựa nhiều trở thành quân nhân nghĩa, thì có thể đánh thắng cuộc chiến tranh. Quân lính chẳng những phải giữ kỷ luật nghiêm minh, mà còn phải buộc quân lính tôn trọng kỷ luật, như hào Sơ lục nói: “Sư xuất dĩ luật” (ra quân phải có kỷ luật); cần phải thưởng phạt công bằng, khiến quân lính vui vẻ nghe hiệu lệnh như lời hào Cửu nhị nói: “Tại sư trung cát” (chỉ huy quân đội có đức trung, tốt). Như vậy mới có thể hướng dẫn quân lính đi vào quĩ đạo quân chính nghĩa.
Tượng quẻ SƯ : dưới quẻ KHẢM là hiểm, trên quẻ KHÔN là thuận. KHẢM hiểm tượng trưng chiến tranh, xấu, nguy hiểm. KHÔN thuận tượng trưng lòng quân quy thuận. Tiến hành chiến tranh sống chết, còn mất, mà có được quân đông quy thuận, muôn người một lòng, hy sinh đến cùng, đó cũng là bản lĩnh đặc biệt của người chỉ huy chiến tranh. Cho nên đoạn mở đầu lá thư, Nguyễn Trãi viết: “Tôi nghe quân của vương giả, cốt trên thuận lòng trời, dưới hợp lòng người. Nay các ông vâng mệnh đi đánh dẹp, chỉ nên trên xét lòng trời, dưới thuận việc người. Trước đây cái tai họa đắm thuyền, thì trời đã răn bảo rõ lắm. Phàm quân đi qua một đường nào, việc chạy trốn chết hại thường có đến bao nhiêu người, nhân dân chứa oán lại quá lắm. Các ông bỏ việc ấy không xét đến mà xông pha nguy hiểm, khinh suất tiến quân... Huống chi lòng trời, lòng người đã như thế mà các ông còn cố gượng cứ làm, thì tự mua lấy thất bại, há chẳng đáng ư ? Vả lại, bọn An Viễn hầu (Liễu Thăng), Bảo Định bá (Lương Minh), Lý Thượng thư (Lý Khánh) lại nối nhau bị chết, quân không người thống lĩnh, và không theo kỷ luật, chẳng bại vong sao được”...
Nguyễn Trãi chẳng những dùng lời lẽ ở Kinh Dịch để khuyên bảo giặc Minh, mà còn cảnh báo bọn chỉ huy giặc Minh, đem quân đi xâm lược là làm việc không chính nghĩa, không hợp lẽ trời, không hợp lòng người, nhân dân oán than, trời không dung đất không tha, cuối cùng thất bại, và sẽ chuốc lấy cái chết như Liễu Thăng, Lương Minh, Lý Khánh. v.v...
Đặc biệt Nguyễn Trãi hay nói đến “thời” Quân trung từ mệnh tập có tất cả 77 bài thì đã có 24 trường hợp đề cập đến chữ “thời”. Ví dụ ở bài 32 Thư dụ thành Tam Giang, ông viết: “Cái điều đáng quí của người quân tử là biết thời thông biến, lượng sức xử mình”. Hay là ở bài 34 Lại thư dụ Vương Thông, Nguyễn Trãi nhắc đi nhắc lại 13 lần chữ “thời”:
“Tôi thường xem Kinh Dịch 384 hào mà cốt yếu là ở chữ thời, cho nên người quân tử theo thời thông biến, nghĩa chữ thời to tát sao ? Ngày trước, khi mới sang đánh Giao Chỉ, tướng thần vâng mệnh đi đánh kẻ có tội, bấy giờ là một thời vậy. Ngày nay vận trời tuần hoàn, đi đi lại lại, khi ngài phụng mệnh sang đây được tiện nghi làm việc, nếu ngài quả biết theo chiếu thư của Thái Tôn mà cho lập con cháu họ Trần để khôi phục nước tôi, thì bây giờ lại là một thời vậy. Thời sao ! Thời sao ! thời không nên lỡ. Kinh Thư - Hạ thư - Dận chinh có câu: “Ai trước thời, giết không tha, ai sau thời cũng giết không tha” (Tiên thời giả sát vô xá, bất cấp (hậu) thời sát vô xá). Vì thế mà người lấy tùy thời xử trung làm quí. Song từ xưa đến nay, kẻ vu nho tục sĩ không hiểu thời, hiểu thời họa chăng chỉ có bực tuấn kiệt thôi. Như ngài chỉ có thể bảo là bực tuấn kiệt hiểu thời đấy...”
Nguyễn Trãi thông qua kinh sách của Trung Quốc mà các nhà Nho xưa thường gọi là “đạo thánh hiền” để khuyên bảo Vương Thông: “Người làm tướng phải hiểu thời thông biến. Thời có thịnh suy, quan hệ ở vận trời, việc có thành bại, thực ra là bởi tại người làm”. Chính vì thế, cho nên Nguyễn Trãi nói tiếp: “Kể ra người dùng binh giỏi là chỗ biết rõ thời thế mà thôi. Được thời có thế, thì mất biến thành còn, nhỏ hóa ra lớn, mất thời không thế, thì mạnh hóa ra yếu, yếu lại thành nguy, sự thay đổi ấy chỉ trong khoảng trở bàn tay”. (Bài 35, Lại dụ Vương Thông).
Nguyễn Trãi dùng lời lẽ của Chu Dịch để đánh vào lòng quân thù có một ý nghĩa to lớn. Không những nó giác ngộ bọn tướng giặc thấy rõ hậu quả bi thảm của chiến tranh tội ác do chúng gây ra, mà còn thuyết phục đám quân lính sớm tỉnh ngộ thấy rõ chiến tranh xâm lược là phi nghĩa. Sức mạnh của Chu Dịch còn ở chỗ, những khái niệm, những nguyên lý, chủ trương và biện pháp đề ra không phải tự Nguyễn Trãi đặt ra, cho nên những lời lẽ ấy rất có sức thuyết phục tướng lĩnh và quân lính. Lúc này, Nguyễn Trãi tin nhân dân Việt Nam dũng cảm, không hoang mang, không dao động trước những thử thách ghê gớm, không sợ những kẻ thù tàn bạo nhất. Chính lòng tự tin ấy khiến cho ông càng cương quyết, không khoan nhượng, có một sách lược mềm dẻo, giữ hòa khí và tôn trọng lợi ích của hai dân tộc trong quan hệ bang giao. Đó là thể hiện thế hơn hẳn của sức mạnh sáng suốt và độ lượng của chính nghĩa trước sức mạnh mù quáng và tàn bạo của phi nghĩa. Cái thời đế chế quân chủ Trung Hoa đến từ phương Bắc để chinh phục và mưu toan thôn tính, đồng hóa dân tộc Việt Nam không còn nữa. Cái mộng chính trị: Vua Hán là thiên tử và các nước Nam man phải về chầu và cống nạp đã lỗi thời rồi. Dân tộc Việt Nam nhất định chiến thắng. Nguyễn Trãi tin tưởng nói tiếp: Kinh Dịch có câu: “Cùng tắc biến, biến tắc thông” (Cùng thì biến, biến thì thông) (Bài 37, Lại thư Vương Thông).
Quy luật “Cùng tắc biến, biến tắc thông”, ở Chu Dịch cho rằng, thế giới muôn vật đều không ngừng biến đổi, cho nên Dịch truyện nói: “... Nhật trung tắc trắc, nguyệt doanh tắc thực, thiên địa doanh hư, dữ thời tiêu tức, nhi huống ư nhân hồ ? huống ư quỉ thần hồ ? (Mặt trời ở giữa trời rồi sẽ xế, mặt trăng tròn rồi sẽ khuyết, trời đất đầy vơi cùng với thời gian sẽ lần lượt tiêu vong và sinh trưởng, huống chi là người ? huống chi là quỉ thần ? (Quẻ Phong, lời Thoán).
Từ tự nhiên đến nhân sự, tất cả đều đang biến đổi. Sự vật biến đổi, phát triển, Dịch truyện nói: “Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cữu” (Đạo dịch đến cùng ắt sẽ biến hóa, đã biến hóa thì khai thông, nhờ khai thông mà được lâu dài.), (Hệ từ hạ, chương thứ II).
Cùng là tận cùng, cực điểm, phát triển đến cực điểm thì sẽ thay đổi, thay đổi mới có thể khai thông, khai thông mới có thể lâu dài. Đó tức là tư tưởng “Vật cực tất phản” (Sự vật đến cùng cực sẽ chuyển hóa ngược lại).
Chu Dịch có 64 quẻ, lấy quẻ Vị Tế làm quẻ cuối cùng, nói rõ 64 quẻ tuy đã hết, nhưng trời đất muôn vật biến đổi vẫn chưa hết. Sự vật biến đổi không phải một sớm một chiều phát sinh, mà là lâu dài tích lũy dần dần rồi mới nảy sinh. Người làm tướng phải biết những dấu hiệu rất nhỏ của sự biến động. Thấy được những triệu chứng, những dấu hiệu mà ứng phó ngay, tức là đề phòng sự việc nhỏ, ngăn chặn sự việc xấu nảy sinh. Tư tưởng biện chứng của Chu Dịch rất rõ ràng, “Các ông sao không nghĩ thế, cứ khư khư cái tiểu tiết của Trương Tuấn, Hứa Viễn(2) ta e sĩ tốt của ngươi, ngày đêm thiết tha mong về, lại thêm cơm cháo chẳng no, tạp dịch liên miên, dẫu muốn đánh và giữ đã dễ ai theo” - (Nguyễn Trãi - bài đã dẫn).
Nguyễn Trãi lại nhấn mạnh đến qui luật đối lập của âm dương. Ông nói: “Vì người cầm quân ấy giữ việc đánh giết, nắm quyền sống chết: khi thì khoan hồng như khí dương, khi thì thảm khắc như khí âm, đều tuân theo lẽ phải của trời, không thể theo ý riêng mình được. (Bài 20, Thư dụ [tướng sĩ trong] thành Xương Giang).
Đúng thế ! Điều mà ở Chu Dịch, Dịch truyện nói đến “Nhất âm nhất dương chi vị đạo” (Một âm một dương gọi là đạo)(Hệ từ thượng, chương XI), chính là quy luật biến đổi của vũ trụ, muôn vật. Nó khái quát hết thảy sự vật thành hai phạm trù âm dương, chính hai nhân tố âm và dương đối lập và tác dụng lẫn nhau đã sinh ra muôn vật, thúc đẩy thế giới biến đổi. Cho nên tác dụng lẫn nhau giữa một âm một dương là điều căn bản của hết thảy sự vật và biến đổi, điều đó gọi là đạo. Đạo là qui luật, mà Nguyễn Trãi muốn đề cập đến “là tuân theo lẽ phải của trời, không thể theo ý riêng mình được”. Vì thế, Nguyễn Trãi mới nói tiếp: “Kể ra, thời có khi thịnh khi suy, thế có kẻ mạnh, kẻ yếu, cũng là lẽ trời, lòng người, thuận hay nghịch, hướng theo hay trái ngược. Nếu chỉ khăng khăng câu nệ và kiến thức hẹp hòi, cam lòng chịu lấy tai vạ, thì cũng đáng thương lắm”. (Bài đã dẫn trên).
Càng đi sâu nghiên cứu, chúng ta càng thấy Nguyễn Trãi am hiểu Chu Dịch rất sâu sắc, với những câu nói vô cùng tinh tế. Chẳng hạn, ở Ức Trai thi tập, mở đầu bài Đề kiếm Nguyễn Trãi viết:

“Lam Sơn tự tích ngọa thần long”
(Lam Sơn tự thuở rồng chưa bay).
“Rồng chưa bay” tức là rồng còn đang ở ẩn. Người nào đã đọc Chu Dịch, không thể không liên hệ đến quẻ Kiền, lời hào Sơ cửu: “Tiềm long vật dụng” – (Rồng còn ẩn náu, chưa (đem tài ra) dùng được). ở đây, Nguyễn Trãi đề cập đến Lam Sơn là nơi ban đầu xây dựng cơ nghiệp nhà Lê. Ở giai đoạn rồng mới bắt đầu nảy sinh, sức mỏng cần phải nuôi dưỡng tôi luyện đội ngũ tinh nhuệ và dần dần phát triển. Lúc này chỉ có thể tích lũy lực lượng, tụ tập nhân tài, rèn luyện đội ngũ, đợi thời cơ, đánh thắng giặc.
Hơn nữa, Nguyễn Trãi đã nhìn thấy quá trình vận động không ngừng của sự vật, của giới tự nhiên và xã hội loài người. Như trong bài thơ Bảo kính cảnh giới (Bài số 6), Nguyễn Trãi viết: “Vận chuyển chẳng dừng, sự thế gian”. ở đây, “sự thế gian” là Nguyễn Trãi muốn nói đến xã hội loài người luôn ở trong trạng thái vận động biến đổi. Nguyễn Trãi phản ánh trong thơ văn những sự vật phát triển biến đổi, vẫn là có qui luật. Qui luật này có thể qui vào hai điểm:
Một là, cực thịnh sẽ suy; hai là, tuần hoàn. Ví dụ, ở Quốc âm thi tập, Bài 85, Nguyễn Trãi viết:

“Hoa càng khoe tốt, tốt thời rữa,
Nước chớ cho đầy, đầy ắt vơi.”
Hay là ở Quân trung từ mệnh tập, Bài 7, “Đầu mục nước An nam là Lê Lợi thư gửi quan Tổng binh vương đại nhân Thái Giám Sơn đại nhân xét”, ông viết: “Thời có thịnh suy, quan hệ vận trời,...”
Ông nhìn nhận sự vật thịnh rồi có lúc suy, đời người có lúc bĩ, có lúc thái, những không thể cứ thái mãi, mà cũng có lúc chuyển hóa ra bĩ. Quan niệm này, ngay ở Chu Dịch, quẻ Thái, hào Cửu tam cũng đã nói: “Vô bình bất bí, vô vãng bất phục” (Không có cái gì bằng phẳng mãi mà không thành bờ dốc, đi mãi mà không trở lại).
Điều này, Nguyễn Trãi nói rất rõ ở bài Côn Sơn ca: “Bi hoan ưu lạc điệt vãng lai, nhất vinh nhất tạ hoàn tương tục.” (Cái mừng, cái buồn, cái lo, cái vui thường thay đổi, cái nọ đi, cái kia đến, một tươi một héo luôn luôn nối tiếp nhau)(3).
Ông thừa nhận đạo người có phát triển, nhưng phát triển theo quy luật tuần hoàn. Ví dụ, ở Bài 27, Thư cho Đả Trung và Lương Nhữ Hốt, ông viết: “Vận trời tuần hoàn, đi rồi lại lại, từ xa xưa đến nay bao giờ cũng thế.” Hay là ở Bài 37, Lại thư cho Vương Thông, ở Bài 40, Thư dụ các thành Thanh Hóa, Nghệ An, ông nhắc lại câu: “Vận trời tuần hoàn, đi rồi lại lại”.
Chu Dịch cũng cho rằng, sự vật vận động biến đổi, là một quá trình tuần hoàn, lặp đi lặp lại: “Phục, hanh, xuất nhập vô tật, bằng lai vô cữu, phản phục kỳ đạo”, (Quẻ Phục tượng trưng cho sự hồi phục, hanh thông, ra vào không tai họa, bạn đến không có lỗi, vận trời tráo đi trở lại) (Quẻ Phục Quái từ (lời quẻ), (Phục, Quái từ)
Chúng ta cũng phải thừa nhận trước chúng ta hơn 5 thế kỷ, tư tưởng Nguyễn Trãi đã chịu ảnh hưởng rất sâu của Chu Dịch, ông đã nhìn sự vật bằng con mắt động, nhìn thấy trong sự vật có sự chuyển hóa từ cái nọ sang cái kia. Trong tư tưởng của ông đã có những nhân tố biện chứng chất phác (thô sơ), mà hơn thế nữa, ông đã nhìn thấy tác dụng quyết định của hoàn cảnh đối với con người, mà ông còn khẳng định vai trò của quần chúng nhân dân quyết định lịch sử. Trước Nguyễn Trãi chưa có nhân vật lịch sử nào nói đến sức mạnh của nhân dân. Đối với Nguyễn Trãi nhân dân là sức mạnh, to lớn:
“Phúc chu thủy tín dân do thủy” (thuyền mới rõ sức dân như nước).
(Ức Trai thi tập - Bài Quan hải)
Chính do cách nhìn ấy, cho nên Nguyễn Trãi cùng với Lê Lợi đã động viên và tập hợp được nhân tài, tổ chức nhân dân trở thành đội ngũ vững mạnh đánh thắng giặc Minh xâm lược.

L.V.Q
CHÚ THÍCH:
(1) Những câu của Nguyễn Trãi nói đều trích ở Nguyễn Trãi toàn tập - Nxb. KHXH, H. 1969.
(2) Thời Đường, khi An Lộc Sơn làm loạn, hai tướng của nhà Đường là Trương Tuấn, Hứa Viễn giữ thành Tuy Dương, để che đỡ cho miền Giang Hoài. Sau vì không có viện binh, lương hết thành hãm mà bị hại.
(3) Côn Sơn ca trong Hoàng Việt thi văn tuyển, tập II, tr.106-107, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 1958 - Trịnh Đình Rư phiên âm và dịch.

TB

CUỘC ĐẤU TRANH NGOẠI GIAO VỚI TRIỀU ĐÌNH NHÀ MINH ĐẦU THẾ KỶ XV VÀ NHỮNG CHỨNG TÍCH CÒN LẠI
Với ý đồ thống trị nước ta, triều đình phong kiến nhà Minh đã đem đội quân 80 vạn tên tiến sang đánh chiếm Giao Chỉ, gây ra cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài suốt ba thập kỉ đầu của thế kỉ XV. Dã tâm chiếm đóng lâu dài của nhà Minh càng lộ rõ khi họ thiết lập ra hệ thống cai trị và tiến hành đàn áp dã man các cuộc kháng chiến của vua tôi nhà Hậu Trần và hàng loạt phong trào khởi nghĩa khác diễn ra sau đó, đặc biệt là đối với phong trào Lam Sơn. Ngay cả sau khi nghĩa quân Lam Sơn tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, tiêu diệt, làm tan rã toàn bộ hệ thống thành trì của giặc, rồi lại đánh tan hai đạo viện binh hùng mạnh của chúng, khiến Tổng binh Vương Thông phải chấp nhận điều kiện của ta, lập hội thề chấm dứt chiến tranh và mang quân rút về nước ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi (1427), và thậm chí cả sau khi chiến tranh đã kết thúc, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lập ra triều đại mới ngày 15 tháng 4 năm 1428, nhà Minh dường như vẫn chưa cam chịu thừa nhận thất bại. Bằng cách bám lấy quan điểm "hưng diệt kế tuyệt" - danh nghĩa đã được dùng để che đậy cho hành động xâm lược trước đây của họ, triều Minh vẫn tiếp tục âm mưu trì hoãn, phủ nhận sự tồn tại của triều Lê và nhà nước Đại Việt.
Nghĩa quân Lam Sơn không phải không sớm biết rõ sự ngoan cố và ý đồ này của địch. Chính vì thế ngay từ những ngày cuộc chiến đấu còn đang xảy ra quyết liệt trên chiến trường, các lãnh tụ khởi nghĩa Lam Sơn đã bắt đầu triển khai một mặt trận ngoại giao trực tiếp với triều đình nhà Minh nhằm tới mục đích là giành lại quyền độc lập tự chủ toàn vẹn cho đất nước. Cuộc đấu tranh trên mặt trận chính trị ngoại giao này được lãnh tụ Lê Lợi và người trực tiếp thực hiện là Nguyễn Trãi tiến hành từ năm 1426, kéo dài cho mãi đến năm 1437 mới giành được thắng lợi cuối cùng.
Khởi đầu của việc giao thiệp giữa nghĩa quân Lam Sơn với người Minh có thể là từ những biện pháp "tình thế" như việc sai bọn Lê Trăn đến chỗ quân Minh xin hòa vào tháng 12 năm Nhâm Dần (1422). Đó đang là thời kỳ khó khăn của những năm đầu khởi nghĩa. Cùng với sự lớn mạnh dần của nghĩa quân và sự tiến triển nhanh chóng của phong trào khởi nghĩa, việc giao thiệp với quân Minh được nâng lên thành một mặt trận đấu tranh chính trị phối hợp nhịp nhàng với các chiến dịch quân sự trong thế trận tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân. Thông qua những bức thư địch vận do Nguyễn Trãi soạn thảo gửi cho các tướng lĩnh giặc Minh đang trực tiếp đánh nhau với ta trên chiến trường Giao Chỉ hiện còn lưu giữ lại trong tập Quân trung từ mệnh, chúng ta có thể thấy được các vị lãnh tụ Lam Sơn đã sử dụng thứ vũ khí đánh vào lòng địch này một cách tài tình dưới hai hình thức đấu tranh hòa đàm và dụ hàng, qua đó đã góp phần không nhỏ vào thành công của cuộc khởi nghĩa. Tư liệu trong sử sách cũng từng ghi nhận: "Các thành Nghệ An, Thuận Hóa, Tây Đô, Đông Đô đều sai văn thần Nguyễn Trãi viết thư, dụ bảo bọn giặc điều họa phúc, nên không cần đánh mà chúng phải đầu hàng"(1).
Nhưng đến giai đoạn cục diện chiến trường bắt đầu phát triển dần có lợi cho ta và khi đã có thể nhìn thấy khả năng chiến thắng đội quân xâm lược thì các lãnh tụ nghĩa quân cũng nhận ra rằng, để đạt tới thắng lợi toàn vẹn cuối cùng, chỉ bằng sức mạnh quân đội kết hợp với đấu tranh địch vận dường như là chưa đủ. Những bức thư của Nguyễn Trãi có thể dụ hàng được những viên tướng giặc như Trương Lân ở thành Điêu Diêu, Lưu Thanh ở thành Tam Giang, hay giải giáp được cả đại bản doanh địch ở thành Đông Quan do Vương Thông chỉ huy, thậm chí làm tan rã cả một cánh viện binh Vân Nam gồm 5 vạn tên của Mộc Thạnh... Nhưng vấn đề chấm dứt hẳn cuộc chiến tranh xâm lược của ngoại bang, giành lại và duy trì nền độc lập tự chủ lâu dài cho đất nước sẽ phải được quyết định từ triều đình phương Bắc. Vì thế, cuộc đấu tranh ngoại giao bắt đầu được triển khai với đối tượng là triều đình nhà Minh mà trực tiếp là các vua Minh Nhân Tông, Tuyên Tông và Anh Tông. Về phía triều đình nhà Minh, họ không phải dễ dàng chấp nhận ngay sự giao thiệp này, bởi cho đến trước khi thất bại hoàn toàn trên chiến trường (tháng 11 năm 1427), họ vẫn coi Lê Lợi và phong trào Lam Sơn là "làm loạn", là "giặc". Nhưng trong tình thế thất bại về mặt quân sự và trước sự đấu tranh chính trị kiên quyết nhưng khôn khéo của nghĩa quân đã khiến họ phải dần dần thay đổi thái độ. Tuy tạm thời chưa chịu công nhận phía ta như đại diện của một quốc gia độc lập, nhưng đã phải chấp nhận sự giao thiệp trực tiếp, và trong Minh sử kể từ năm 1428 trở đi đã phải coi người do phía ta cử sang giao thiệp là "sứ giả", đồng thời về phía họ, triều Minh cũng bắt đầu cử những viên quan có chức vụ trong triều như Tả thị lang, Hữu thị lang, Thượng thư, Hành nhân v.v. sang ta tiến hành trao đổi.
Mục đích của cuộc đấu tranh ngoại giao giữa nghĩa quân Lam Sơn với triều đình nhà Minh chính là nhằm xác định lại mối quan hệ giữa hai nước từng bị thay đổi sau cuộc chinh phạt của Minh Thành Tổ vào năm Vĩnh Lạc thứ 4 (1406).
Lịch sử nước ta đã từng trải qua một giai đoạn đen tối kéo dài hơn một nghìn một trăm năm dưới sự thống trị của phong kiến phương Bắc, đó là thời kỳ Bắc thuộc. Trong thời kỳ này, các triều đại phong kiến Trung Quốc từ đời Tần, Hán đến thời Ngũ đại chia nước ta thành hệ thống quận huyện và cắt đặt quan lại trực tiếp cai trị. Cho đến năm 939, sau ngày chiến thắng đội quân Nam Hán của Hoằng Thao trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền bắt đầu xưng Vương, đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục(2), kể từ thời gian đó trở đi nước ta mới chấm dứt thời kỳ lệ thuộc phương Bắc. Mặc dù trong thời kì lịch sử này, ta đã giành quyền tự chủ hoàn toàn trong việc điều hành đất nước; nhưng như một số nước khác cùng nằm trong khu vực lân cận với Trung Quốc mà thời cổ gọi chung là "Nam Hải 南 海"(3), các vương triều nước ta đều phải chịu ảnh hưởng nặng nề của khái niệm thống trị "Tông - Phiên 宗 籓", trong quan hệ giữa họ với đế quốc Trung Hoa.
Đây là một khái niệm có quan hệ chặt chẽ với quan niệm của Trung Quốc cổ đại về một Thiên triều ở trung tâm thống trị "tứ di". Khái niệm thống trị này đã xuất hiện ở Trung Quốc rất sớm. Sau các cuộc chiến tranh thôn tính lẫn nhau giữa các bộ lạc, nhà Hạ xuất hiện và đã trở thành bá chủ chung của các bộ lạc lân cận khác. Từ đó về sau hình thành bức tranh về một vương triều ở trung tâm và bốn bộ tộc Di, Man, Nhung, Địch ở xung quanh hướng về thần phục. Cùng với sự phát triển và biến đổi của các giai đoạn lịch sử, sơ đồ này được bổ sung cụ thể và hoàn thiện dần. Các nhà nghiên cứu đã căn cứ vào tư liệu về mối quan hệ xa gần và sự thần phục, cống nạp của các bộ tộc, chư hầu đối với vương triều để lập ra các sơ đồ "Ngũ phục 五 服" của các vương triều vua Nghiêu và vua Vũ, trong đó tính từ Vương kì (kinh đô của Vương triều) ở trung tâm và một vùng rộng 5000 dặm bao quanh (gọi là Điện 甸) thuộc quyền quản lý của Vương triều trở ra, cứ cách 500 dặm là thuộc về một khu vực, được xếp theo thứ tự của mối quan hệ với Vương triều từ chặt chẽ đến nới lỏng dần, lần lượt gọi là Hầu 侯, Tuy 綏, Yếu 要, Hoang 荒, Trưởng 長. Đến thời nhà Chu, sơ đồ được phát triển thành "Cửu phục 九 服", gồm một Vương kì 王 圻 ở trung tâm và 9 khu vực phụ thuộc ở xung quanh chia thành thứ hạng tùy theo quan hệ của họ với vương triều, lần lượt là Hầu 侯, Điện 甸, Nam 男, Thái 釆, Vệ 衛, Man 蠻, Di 夷, Trấn 鎮, Phiên 籓.
Các đời Tần, Hán cho đến Minh, Thanh về sau vẫn kiên trì với khái niệm thống trị của một Thiên triều trung tâm này, nhưng với sự thống nhất của đế quốc Trung Hoa và những cuộc mở mang lãnh thổ xuống phía nam, mô hình đó có những thay đổi tùy theo mối quan hệ thân hay sơ giữa Thiên triều với khu vực xung quanh (xem Sơ đồ).Và trải suốt các thời kỳ tiếp sau đó, không có Vương triều Trung quốc nào không coi các bộ tộc hoặc các nước ở khu vực lân cận là những bộ lạc phụ thuộc hay phiên quốc có nghĩa vụ thần phục và nộp cống của mình. Cộng thêm sự ảnh hưởng tư tưởng chính thống của học thuyết Nho gia, quan hệ giữa Trung Quốc với các nước "Nam Hải" (trong đó bao gồm cả nước ta) luôn được coi là mối quan hệ thứ bậc giữa Vương triều (đế quốc Trung Hoa) với nước phiên thuộc.

Khái niệm thống trị của Phong kiến Trung Quốc

Địa vị của nước phiên thuộc, từ Cửu phục và sơ đồ trên ta thấy, đó là khu vực được xếp ở vòng xa trung tâm nhất so với các khu vực khác. Thực tế, mối quan hệ (sự ràng buộc) giữa nước này với Thiên triều là lỏng lẻo nhất. Mối quan hệ này được các học giả phân tích là “Có sự qui thuộc về danh nghĩa, nhưng thực tế Vương triều không có khả năng điều khiển, khống chế; đôi khi có sự giao thiệp qua lại”(4). Tức là Thiên triều không cắt cử quan lại để quản lý nước đó về mặt hành chính cũng như không trực tiếp điều hành về các mặt chính trị, kinh tế... Trên thực tế điều đó có nghĩa là một nhà nước độc lập có chủ quyền. Sự ràng buộc thường chỉ thể hiện chủ yếu ở hai điểm: thứ nhất là phải nộp cống (định kỳ hoặc không định kì) cho Thiên triều; thứ hai là phải chịu sự sách phong của Thiên triều, tức là người đứng đầu nước đó phải được Thiên triều ban sắc công nhận.
Kể từ khi Ngô Quyền giành lại độc lập cho đến hết thế kỉ XIV, trải các triều vua kế tiếp, nước ta vẫn được liệt vào hàng phiên quốc với ý nghĩa như trên, một mặt tự chủ điều hành đất nước, mặt khác thực hiện nghĩa vụ triều cống và tiếp nhận sách phong của Thiên triều. Tước hiệu sách phong có thể khác nhau tùy từng thời kỳ, khi là Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ 靖 海 軍 節 度 使 (tước phong của Ngô Nam Tấn Vương Xương Văn), Giao Chỉ Quận vương 交 趾 郡 王 (tước phong của Đinh Tiên Hoàng) hoặc An Nam quốc vương 安 南 國 王 (tước phong của Lý Anh Tông) v.v... nhưng thực tế các vị đó chính là vua của nước Nam.
Tình hình thay đổi kể từ sau khi Hồ Quí Ly lật đổ nhà Trần, lên ngôi Hoàng đế, tự lập ra nhà Hồ. Nắm lấy cơ hội này, mượn danh nghĩa khôi phục lại họ Trần, nhà Minh đại cử 80 vạn quân Minh dưới quyền chỉ huy của Trương Phụ và Mộc Thạnh tiến đánh nước ta. Sau khi bắt được cha con Hồ Quý Ly, tháng 6 năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407), nhà Minh lập tức đổi An Nam thành Giao Chỉ, thiết lập hệ thống cai trị gồm 3 cơ cấu Đô chỉ huy sứ ti, Bố chính sứ ti và án sát sứ ti, cắt cử bọn quan lại người Minh như Lã Nghị, Hoàng Trung, Trương Hiển Tông, Vương Bình, Nguyễn Hữu Chương, Bùi Bá Kì, Hoàng Phúc v.v. nắm giữ các cơ quan đó, đồng thời chia nước ta thành 15 phủ và 5 châu trực lệ ti Bố chính(5). Bằng hành động này, rõ ràng nhà Minh đã chuyển An Nam từ địa vị một phiên quốc thành hệ thống quận huyện dưới sự cai trị trực tiếp của Thiên triều.
Để bảo vệ nền độc lập và chủ quyền dân tộc, nhiệm vụ đặt ra cho các lãnh tụ Lam Sơn là phải đấu tranh giành lại địa vị phiên quốc cho nước Việt. Đoạn văn sau đây trong một tờ Biểu cho thấy Lê Lợi và Nguyễn Trãi ý thức được rất rõ ràng mục tiêu của mình trong lập luận đấu tranh ngoại giao với triều đình nhà Minh:
臣 竊 惟. 交 南 之 地 實 為 海 外 之 邦. 漢 唐 雖 置 郡 縣 而 實 則 羈 麋; 宋 元 亦 已 往 伐 而 尋 加 爵 命. 迨 我 太 祖 高 皇 帝 之 啟 運; 而 臣 祖 父 先 諸 國 以 來 朝. 遞 年 入 貢 於 帝 庭; 累 世 襲 封 於 王 爵.(6)
(Thần trộm nghĩ đất Giao Chỉ phương Nam, thực quả là nước thuộc về hải ngoại(7), nhà Hán, nhà Đường dẫu đặt làm quận huyện, mà thực coi là hạng ki mi(8); đời Tống, đời Nguyên tuy đánh dẹp ra uy, nhưng sau lại ban phong tước mệnh. Thái Tổ Cao Hoàng đế(9) lúc ban đầu mở vận, ông cha thần trước các nước vào chầu. Hàng năm tiến cống sân triều, nối đời tập phong Vương tước).
Cho nên, cuộc đấu tranh ngoại giao của nghĩa quân Lam Sơn với triều đình nhà Minh, rốt cuộc chủ yếu là xoay quanh vấn đề cầu phong và tiến cống. Tất nhiên đối với triều Minh, chuyển đổi mối quan hệ với An Nam từ quận huyện sang phiên quốc không phải là điều dễ dàng chấp nhận. Việc Trần Quý Khoáng mấy lần cầu phong vào thời Vĩnh Lạc đều bị nhà Minh hoặc khước từ một cách tàn khốc, hoặc tìm cách biến "cầu phong" thành "xin hàng nhận chức quan" là một dẫn chứng lịch sử cho thấy nếu không có sự phối hợp của các hoạt động quân sự và chính trị khác nhau để tạo thành một cục thế nhất định thì khó có thể xoay chuyển được ý chí cai trị của Thiên triều. Đây chính là điều mà Lê Lợi, Nguyễn Trãi và các lãnh tụ nghĩa quân đã nhận thức được rõ ràng và thực hiện một cách tài tình trong cuộc kháng chiến để giành được mục tiêu cuối cùng, điều mà các cuộc khởi nghĩa trước đó chưa có ai đạt tới.
Vì đối tượng của cuộc đấu tranh ngoại giao do nghĩa quân Lam Sơn tiến hành là triều đình nhà Minh, và cụ thể là vua Minh, do đó không thể áp dụng hình thức gửi thư từ như đối với các quân tướng người Minh, mà phải dùng những hình thức công văn qui định mang tính chất ngoại giao quan phương hơn, đó là văn kiện thể loại Tấu 奏 và Biểu 表. Đây là hai thể loại văn bản thuộc loại hình công văn được qui định ở thời phong kiến chuyên dùng để kẻ dưới đệ trình lên người trên, chủ yếu là dùng trong trường hợp bề tôi thần thứ trình lên nhà vua như sách Hậu Hán thư chú dẫn Hán tạp sự đã chép rằng: “Phàm giấy tờ của quần thần dâng lên thiên tử gồm có 4 loại: Chương, Tấu, Biểu và Bác nghị”. Tùy theo mục đích và nội dung của lần giao thiệp mà phía ta chọn dùng thể loại Tấu hay Biểu thích hợp. Do nắm vững được công năng của từng thể loại công văn này mà Lê Lợi và trực tiếp là Nguyễn Trãi đã sử dụng Tấu, Biểu như là thứ công cụ đấu tranh chính trị sắc bén với triều đình nhà Minh nhằm giành lại nền độc lập tự chủ cho đất nước.
Nhưng trước mưu đồ ngoan cố xâm chiếm đất nước ta của đối phương, để đạt được mục tiêu đó, phía ta còn phải trải qua một quá trình gian nan, lâu dài và phức tạp, đòi hỏi các lãnh tụ Lam Sơn phải kiên trì và khôn khéo, từng bước thuyết phục, tiến công trên mặt trận đấu tranh chính trị. Thực tế lịch sử cho thấy thời gian của quá trình này cũng kéo dài không kém thời kỳ kháng chiến đánh đuổi đội quân xâm lược. Khởi đầu từ biện pháp sách lược lập ra ông vua Trần Cảo, để thay lời kẻ hậu duệ vua Trần này tiến hành cầu phong, mở đường cho sự giao thiệp với triều đình nhà Minh, từ tháng 12 năm 1426 phía ta liên tiếp gửi đi hàng loạt văn kiện, trong đó nêu ra những chứng lý về mặt địa lý và lịch sử để chứng minh tính chất độc lập và khẳng định địa vị một phiên quốc có quyền tự chủ của nước An Nam. Đứng trên lập trường của một quốc gia độc lập đó, ta lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược và tố cáo những tội ác của nhà Minh, khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Đồng thời với việc cầu phong, ngày 29 tháng 11 năm 1427 phía ta chủ động nối lại nghĩa vụ chức cống của một phiên quốc lần đầu tiên sau hơn hai chục năm gián đoạn. Đặc biệt lần này, bên cạnh đồ cống vật, sứ giả của ta còn mang theo cả một số "chiến lợi phẩm" bao gồm hổ phù, ấn bạc của viên tướng Liễu Thăng cùng hàng nghìn quân nhân, sĩ quan, người ngựa mà ta thu được trên chiến trường lập thành danh sách đệ trình trao trả lại nhà Minh. Bề ngoài dường như chỉ nhằm bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi, muốn bằng cách trả lại những vật chứng cụ thể xác thực thêm cho những lời lẽ thành khẩn trong bản Tấu, thanh minh về những sự việc "đáng tiếc" xảy ra trên chiến trường, nhưng đằng sau những di vật sót lại của viên bại tướng tử trận đó hiển nhiên còn gửi nhắn một thông điệp răn dè cảnh cáo đối với âm mưu tiếp tục hành động xâm lược của địch. Ngày 3 tháng 8 năm 1428, vua Minh phải sai sứ giả mang chiếu sang Giao Chỉ truyền lệnh rút quân và phong cho Trần Cảo làm An Nam quốc vương, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược và kết thúc thời kỳ cai trị quận huyện của họ ở Giao Chỉ, đồng thời phải thừa nhận nước ta là một quốc gia có chủ quyền. Nhưng vào lúc này Trần Cảo đã chết. Lãnh tụ nghĩa quân Lê Lợi một mặt lên ngôi Hoàng đế, củng cố chính quyền và bộ máy nhà nước, mặt khác cử người sang Minh báo tang Trần Cảo và tiếp tục cầu phong. Đến đây, nhà Minh lại trở mặt, bằng cách bám lấy quan điểm khôi phục triều vua cũ, họ không chịu công nhận chính quyền mới thành lập của triều Lê mà dai dẳng liên tiếp đòi ta tìm kiếm con cháu họ Trần, đồng thời hạch sách về vấn đề người Minh bị bắt ở Giao Chỉ trong chiến tranh. Phía ta lại phải qua nhiều lần giao thiệp qua lại giải thích, thuyết phục, thậm chí cả biện pháp vận động các đầu mục, kì lão trong nước liên danh cầu phong cho Lê Lợi. Mãi đến ngày 1 tháng 11 năm 1431, vua Minh mới chấp nhận trao cho vua ta Quyền thự An Nam quốc sự. Tuy nhiên, trong khi buộc phải "trả lại nước An Nam cho người An Nam", triều Minh vẫn thể hiện sự ngoan cố, vớt vát thể diện của họ bằng cách chỉ ban "sắc mệnh" chứ không chịu "sách phong", đồng thời ngay trong chức danh trao cho Lê Lợi họ đã sử dụng hai chữ "權 Quyền" và "署Thự" là những từ chuyên môn dùng trong việc phân bổ quan chức trong nước và đều mang ý nghĩa "tạm thời ủy nhiệm"(10). Vì vậy để giành được sự công nhận chính thức địa vị một quốc gia độc lập hoàn toàn, chính quyền đầu thời Lê sơ còn phải tiếp tục kiên trì đấu tranh ngoại giao với triều Minh kéo dài trong mấy năm sau. Đời vua Thái Tổ chưa hoàn thành, vua Thái Tông lại kế tiếp. Trải qua bao gian khổ, hoặc phải sang giải đáp những đòi hỏi về số người Minh còn bị lưu giữ, hoặc phải đấu tranh về lệ tuế cống, thậm chí có đoàn sứ ta nhận sứ mệnh sang Minh, có đến 7 người phải nằm lại trên đất khách mà không trở về nhà(11). Cuối cùng cho đến ngày 13 tháng Giêng năm 1437 nhà Minh mới phải chính thức sách phong cho vua Thái Tông tước hiệu An Nam Quốc vương.
Ta thấy rằng, để đạt tới mục đích là một quốc gia độc lập và tự chủ, cuộc đấu tranh ngoại giao của nhân dân ta phải trải qua một thời kỳ suốt 11 năm. Trong cuộc đấu tranh này, giữa ta với triều đình nhà Minh đã tiến hành trên ba chục cuộc giao thiệp qua lại, trong đó riêng về phía ta đã có 20 lần tiến hành trao đổi với ít nhất là 28 văn kiện ngoại giao, chủ yếu đều là thể loại tấu và biểu. Rất may là sau hơn 5 thế kỷ, nội dung của một phần trong số văn kiện này vẫn còn được lưu giữ trong di sản Hán Nôm, cụ thể theo điều tra của chúng tôi là còn 18 văn kiện thể loại này còn được lưu chép rải rác trong một số thư tịch như Ức Trai di tập, Cổ kim bang giao bị lãm, Bang giao lục, Hoàng các di văn v.v. Đây là những tài liệu rất quí, có ý nghĩa như là những chứng tích còn lại của một cuộc đấu tranh ngoại giao đầu thời Lê sơ nêu trên.
Đối với những văn kiện của Nguyễn Trãi thuộc thể loại tấu và biểu này, trong một chuyên khảo trước đây(12), thông qua khảo sát nghiên cứu văn bản, chúng tôi tuy chưa có điều kiện nghiên cứu để xếp thành một tập hợp văn kiện riêng rẽ, nhưng cũng đã xác định là chúng không thuộc vào tập hợp văn kiện Quân trung từ mệnh. Cơ sở chủ yếu của quan điểm này, trước hết là dựa vào sự khác biệt khá rõ rệt về ý nghĩa chính trị, và từ đó đòi hỏi có sự khác biệt về đối tượng và phương diện thể loại của những văn kiện tấu, biểu này so với văn kiện thư từ, lệnh dụ trong Quân trung từ mệnh.
Tuy cùng là những hình thức hoạt động đấu tranh chính trị phục vụ cho cuộc kháng chiến, và trong thực tế thực hiện của nghĩa quân Lam Sơn, các hình thức này luôn có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, nhưng nếu xét về mặt ý nghĩa thì văn kiện thể loại thư từ lệnh dụ của Quân trung từ mệnh chủ yếu là những biện pháp địch vận và đấu tranh hòa đàm nhằm làm tan rã ý chí chiến đấu của đội quân xâm lược và ngụy quân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta giải quyết các vấn đề trên chiến trường, tức trực tiếp nhằm vào mục đích giải phóng dân tộc thoát khỏi sự đô hộ của ngoại bang. Còn văn kiện thể loại tấu biểu là những công văn mang tính chất ngoại giao được sử dụng để đấu tranh với triều đình nhà Minh nhằm khẳng định và giành lại độc lập, chủ quyền cho đất nước. Với những mục đích khác nhau như vậy, đối tượng của văn kiện thư từ lệnh dụ được Nguyễn Trãi thảo ra là nhằm gửi cho các tướng sĩ giặc trên chiến trường Giao Chỉ dưới hình thức những bức thư, tờ dụ; trong khi tấu biểu là thể loại công văn theo truyền thống để kẻ dưới trình lên người trên thì được sử dụng để giao thiệp với triều đình nhà Minh, cụ thể là vua Minh. Cũng vì đối tượng đấu tranh ở cấp cao hơn nên ở những văn kiện này càng nổi bật tính chất ngoại giao quan phương, và vì thế ý nghĩa chính trị của chúng cũng được nâng lên tầm cao hơn. Bằng chứng là từng tờ tấu, biểu của ta giao thiệp với triều Minh đều được chính sử của cả hai nước ghi chép lại đầy đủ như là một sự kiện lịch sử, với những chi tiết cụ thể về thời gian, phương thức chuyển đạt, nội dung đề cập của văn kiện, thậm chí đôi khi còn tóm lược hoặc trích dẫn nguyên văn của chúng. Đó là một đặc điểm rất thuận lợi cho chúng ta trong công tác nghiên cứu, thậm chí có thể dựa vào những ghi chép đáng tin cậy của chính sử để xác định "lai lịch" cụ thể của từng văn kiện đấu tranh ngoại giao, điều hầu như khó có thể làm được đối với trường hợp các văn kiện thư từ địch vận.
Một sự khác nhau nữa là về thời gian. Rõ ràng việc trao đổi văn kiện loại thư từ được dừng lại kể từ sau ngày quân Minh thua trận, Vương Thông buộc phải hội thề với ta rồi mang quân rút về nước, khi mà công tác dụ hàng, địch vận đã trở nên không còn cần thiết nữa; trong khi đó việc giao thiệp với triều đình nhà Minh vẫn còn phải tiếp tục ngay cả sau khi chiến tranh kết thúc một vài năm để giành lại nền độc lập tự chủ hoàn toàn. Do vậy, nếu nhập văn kiện thể loại tấu biểu vào Quân trung từ mệnh thì vô hình trung, tập hợp văn kiện này sẽ bị chia thành 2 "mảng" riêng rẽ: một thuộc thời kỳ chiến tranh và một thuộc thời kỳ sau hòa bình. Trong khi thực tế lịch sử cho thấy, cả khối văn kiện này là chứng tích của một cuộc đấu tranh ngoại giao được Lê Lợi và Nguyễn Trãi tiến hành liên tục với những diễn biến gay go phức tạp kéo dài suốt nhiều năm để giành nền độc lập tự chủ hoàn toàn cho đất nước.
Chính vì những lý do trên, chúng tôi chủ trương đưa số văn kiện thể loại tấu, biểu này độc lập với văn kiện thư từ lệnh dụ, một mặt bảo toàn sự thống nhất và tập trung của các văn kiện trong tác phẩm Quân trung từ mệnh, phù hợp với ý đồ của Trần Khắc Kiệm khi ông đặt tên cho sưu tập của mình, mặt khác giữ được tính liên tục lịch sử của các văn kiện tấu, biểu, một tập hợp các giấy tờ đấu tranh ngoại giao mà ý nghĩa của chúng cũng không kém phần quan trọng đối với sự ra đời và tồn tại của nhà nước Đại Việt.
Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng, đây là một quan điểm mang tính chất thuần túy văn bản học được nêu ra không ngoài mục đích tiếp cận tới diện mạo hợp lý ban đầu của văn bản Quân trung từ mệnh và góp phần trợ giúp cho công tác nghiên cứu tư liệu lịch sử được khoa học và thuận tiện hơn. Do vậy, nó không hề mang đôi chút sắc thái cảm tính mà những từ ngữ đại loại "đưa ra...", "loại ra..." hoặc "gạt ra khỏi Quân trung từ mệnh" v.v... có thể mang lại. Nằm trong khối di sản Hán Nôm quí giá do ông cha để lại, những văn kiện thể loại tấu, biểu này không những là một bộ phận trong số di văn hiếm hoi còn lại của danh nhân Nguyễn Trãi, mà cũng như những công văn giấy tờ khác soạn thảo cùng thời, đó còn là những tư liệu lịch sử vô cùng quan trọng để hậu thế nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc ta ở thế kỷ XV. Vì thế, chúng dù nằm trong tập hợp văn bản nào cũng vẫn giữ nguyên giá trị và cần phải được khảo sát nghiên cứu thấu đáo.

CHÚ THÍCH
(1) Toàn thư, Bản kỷ, Q.10, tờ 2a.
(2) Toàn thư, Bản kỷ , Q.5, tờ 21a.
(3) Nam Hải ở đây không phải là tên một trong 9 quận lập ra thời Hán mà được dùng để chỉ một khu vực địa lý. Quan niệm về phạm vi của khu vực này có sự thay đổi khác nhau tùy từng thời kỳ lịch sử, thường chỉ các nước cổ đại nằm thuộc về vùng biển phía nam Trung Quốc như An Nam, Chiêm Thành, Xiêm La, Chân Lạp, Miến, Trảo Oa, Lưu Cầu, Lữ Tống v.v..., tức là các nước ở vùng tương đương với khu vực Đông Nam á ngày nay.
(4) Vi Khánh Viễn: Trung Quốc chính trị chế độ sử, Trung quốc Nhân dân Đại học xuất bản xã xuất bản, 5-1991, tr.44. Trích theo Khưu Huyễn Dực: Minh Đế quốc dữ Nam Hải chư phiên quốc quan hệ đích diễn biến, Nxb. Lan Đài, Đài Bắc, 1995, tr.12.
(5) Theo Minh sử, Q.321 - An Nam truyện, tr.8316. Sự kiện này Toàn thư (Bản kỷ, Q.9, tờ 2b) chép vào tháng 4 cùng năm.
(6) Trích tờ Biểu mang danh nghĩa Trần Cảo là dòng dõi vua Trần gửi vua Minh.
(7) Hải ngoại: chỉ bên ngoài Trung Quốc.
(8) Ky mi: chỉ quan hệ ràng buộc chứ không trực tiếp cai trị, (tham khảo sơ đồ bên trên).
(9) Thái Tổ Cao Hoàng đế: chỉ vua Minh Thái Tổ.
(10) Tham khảo: Trung Quốc quan chế đại từ điển.
(11) Theo Toàn thư, Bản kỷ thực lục, Q.11, tờ 28b.
(12) Xem Nguyễn Văn Nguyên: Những vấn đề văn bản học Quân trung từ mệnh của Nguyễn Trãi, Nxb. Văn học, H. 1998.

Thursday, 8 November 2012

TIỀN CỔ VIỆT NAM TRONG LỊCH ĐẠI CỔ TIỀN ĐỒ THUYẾT - Nguyễn Thị Thảo (Thông Báo Hán Nôm)



NGUYỄN THỊ THẢO
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Từ xưa đến nay đã có nhiều tác giả bàn về tiền cổ như Lê Quý Đôn ở mục Phẩm vật trong sách Vân đài loại ngữ, Phan Huy Chú trong Quốc dũng chí sách Lịch triền hiến chương loại chí; Đỗ Văn Ninh trong Tiền cổ Việt Nam; Nguyễn Anh Huy nghiên cứu tiền cổ các đời; Đinh Công Vĩ nghiên cứu tiền cổ Việt Nam qua các niên đại (năm con giáp v.v...). Gần đây chúng tôi lại sưu tầm được cuốn Lịch đại cổ tiền đồ thuyết do Đinh Phúc Bảo biên soạn và Đái Bảo Bình tham gia giám định, xuất bản năm 1940 tại thư điếm Thượng Hải - Trung Quốc.
Trong lời thuyết minh bản chụp in lại cuốn sách này ghi rằng: Bản Lịch đại cổ tiền đồ thuyết do Đinh Phúc Bảo biên soạn và Đái Bảo Bình tham gia giám định, xuất bản năm 1940, cách ngày nay đã hơn 40 năm. Ba, bốn mươi năm nay phần lớn tiền cổ khai quật lên, các tác giả nghiên cứu tiền cổ phát biểu rất nhiều, nhưng bản Đồ thuyết này vẫn là quyển sách công cụ có giá trị đối với những người sưu tầm cổ vật, những người nghiên cứu tiền tệ, những người thu thập cất giữ và yêu quý tiền cổ.
Quyển sách này tổng cộng thu thập được 3131 loại tiền cổ và liệt kê theo thứ tự lịch sử, tiền cổ phát hành qua các triều đại từ thời Tần đến nay đều được sưu tầm đầy đủ, có một số trường hợp còn liệt kê các tiêu bản khác nhau, so với bản Cổ tiền đồ phả được in ấn trước đây thì nhiều hơn hẳn. Do các nguyên nhân hạn chế của thời đại v.v.. nên trong đó cũng có lẫn một số sản phẩm giả, nhưng không ảnh hưởng gì đến giá trị quyển sách.
Những hình ảnh trong quyển sách này đều dùng các bản dập tiền cổ để in, có loại tiền gốc đã không tồn tại, nhưng từ thấy những hình dáng và thần thái của các đồng tiền qua các bản dập thì đã thể hiện được rõ về tiền cổ. Đối với việc đúc tiền, năm phát hành và chủng loại đều có phần tóm tắt thuyết minh có thể làm tài liệu tham khảo về lịch sử sơ lược của tiền tệ.
Các loại tiền cổ được ghi chú rõ giá trị thị trường đương thời, sau khi quyển sách được xuất bản thì đã có sự thay đổi rất nhiều, không thích hợp với hiện nay nữa. Nhưng nó phản ảnh tình hình chung các loại tiền cổ đương thời còn được lưu hành ít hay nhiều nên đối với các nhà nghiên cứu vẫn có giá trị nhất định.
Quyển sách này đương thời được in ấn không nhiều, hiện nay đã rất khó sưu tầm. Để đáp ứng đầy đủ yêu cầu cần bức thiết của độc giả chúng tôi xin chụp nguyên bản để phát hành.
Ấn hành vào tháng 12 năm 1985 tại nhà sách Thượng Hải. Quyển Lịch đại cổ tiền đồ thuyết đề cập đến tiền cổ của rất nhiều nước như Triều Tiên (Lưu Cầu), Nhật Bản, An Nam (Việt Nam), v.v. Ở đây chúng tôi chỉ xin giới thiệu về phần tiền cổ Việt Nam. Cụ thể như sau:
Phần 20: An Nam (Việt Nam)
- Thái Bình Hưng Bảo, lưng có chữ Đinh. Đại Việt sử ký ghi Đinh Bộ Lĩnh nước An Nam (Việt Nam) dựng nước vào đầu năm Tống Khai Bảo đến năm thứ ba thì đổi niên hiệu là Thái Bình hiệu là Đinh Triều, trên mặt tiền là Thái Bình, sau lưng tiền là chữ Đinh, Quốc hiệu:
+ Thái Bình Hưng Quốc
+ Thiên Phúc Trấn Bảo
Lưng tiền đúc chữ Lê, Đại Việt sử ký ghi rằng năm Thiên Phúc thứ năm đời Lê Hoàn nước An Nam (tức năm đầu Tống Ung Hy) đúc tiền Thiên Phúc Trấn Bảo, lưng tiền là chữ Lê cũng là quốc hiệu.
- Thiên Phúc Trấn Bảo.
- Minh Đạo Nguyên Bảo: Đại Việt sử ký chép rằng: tháng 10 năm Càn Phù Hữu Đạo thứ tư đời Lý Thái Tông nước An Nam xuống chiếu đổi niên hiệu là Minh Đạo thứ nhất. Đúc tiền Minh Đạo, xét loại tiền này với tiền Minh Đạo Bắc Tống hoàn toàn không giống nhau.
- Thiên Cảm Nguyên Bảo: khoảng năm Thiên Cảm Thánh Vũ đời Lý Thái Tông vâng theo mệnh lệnh của Cần Vương Lý Nhật Trung đúc tiền, trên mặt tiền có chữ “tuyến độc”, mặt sau không có chữ và có hai chữ Cần Vương (theo Đông Á tiền chí).
- Thiên Cảm Nguyên Bảo. Năm Kiến Trung đời Trần Thái Tông đúc loại tiền loại nhỏ lưng tiền không có chữ, tiền này lưu truyền ở đời rất ít (theo Đông Á tiền chí).
- Chính Bình Thông Bảo: ®úc năm Thiên Ứng Chính Bình đời Trần Thái Tông. Hình dạng của tiền đó với tiền Kiến Trung Thông Bảo trước đây gần gần giống nhau (theo Đông Á tiền chí).
- Nguyên Phong Thông Bảo: ®úc năm Nguyên Phong đời Trần Thái Tông.
- Thiệu Phong Thông Bảo: ®úc năm Thiệu Phong đời Trần Thái Tông, tiền đồng sắc đen nhạt, mỏng hiện tại còn rất ít.
- Khai thái Nguyên Bảo: ®úc năm Khai Thái đời Trần Nhân Tông, lưng tiền không có chữ cũng có chữ Trần ghi tên Quốc Hiệu.
- Thiệu Phong Nguyên Bảo: ®úc năm Thiệu Phong đời Trần Dụ Tông, mặt tiền có chữ Chân thư, Hành thư, tạp thư v.v. (theo Đông Á tiền chí).
- Đại Trị Thông Bảo: Đại Việt sử ký chép rằng tháng hai mùa xuân năm Đại Trị thứ 3 đời Trần Dụ Tông đúc tiền Đại Trị Thông Bảo có nhiều loại, các loại có chữ Chân thư, Hành thư, Lệ thư, Thảo thư v.v...
- Đại Trị Nguyên Bảo: ®úc năm Đại Trị đời Trần Dụ Tông, có chữ Chân thư, Hành thư, tạp thư v.v...
- Thi Nguyên Thông Bảo: ®úc năm Bổ hy nhà Nguyễn.
- Đại Định Thông Bảo: ®úc năm Đại Định đời phế đế Nhật Lệ, dạng tiền này cùng với tiền của Đại Định nhà Kim không giống nhau.
- Cảnh Nguyên Thông Bảo: tiền của Tống Nguyên Thông Bảo và tiền Cảnh Nguyên Thông Bảo giống tiền Thi Nguyên Thông Bảo và là tiền đúc cùng thời.
- Khánh Nguyên Thông Bảo: đúc năm Thánh Nguyên thứ nhất thời Đại Ngu Đế Quý Ly, màu sắc nhạt hình to và hiện lưu truyền ở đời rất ít.
- Thiên Khánh Thông Bảo: đúc năm Thiên Khánh thứ nhất đời vua Trần Cảo nước An Nam (theo sách Đông Á tiền chí)
- Thánh Nguyên Thông Bảo: đúc năm Thánh Nguyên thứ nhất đời Đại Ngu Đế Quý Ly, màu sắc nhạt hình thì lớn lưu truyền ở đời rất ít.
- Thuận Thiên Nguyên Bảo: Đại Việt sử ký chép đầu niên hiệu Thuận Thiên đời Lê Thái Tổ, đúc tiền Thuận Thiên Nguyên Bảo
- Thuận Thiên Đại Bảo: Đại Việt sử ký chép năm đầu niên hiệu Thuận Thiên đời Lê Thái Tổ từ tháng tư đến tháng 12 nhuận đều đúc tiền Thuận Thiên Đại Bảo.
- Thiệu Bình Thông Bảo: Đại Việt sử ký chép Thiệu Bình năm đầu thời Lê Thái Tông ngày mồng 4 tháng 9 ban đúc tiền mới Thiệu Bình.
- Đại Bảo Thông Bảo: khoảng năm Đại Bảo đời Lê Thánh Tông đúc tiền Đại Bảo Thông Bảo (theo Đông Átiền chí).
- Đại Bảo Thông Bảo: khoảng năm Đại Hòa đời Lê Nhân Tông đúc tiền Đại Hòa Thông Bảo (theo Đông Á tiền chí).
- Diên Ninh Thông Bảo: Đại Việt sử ký chép rằng năm Diên Ninh thứ nhất đời Lê Nhân Tông vào mùa xuân tháng giêng đúc tiền Diên Ninh Thông Bảo.
- Thiên Hưng Thông Bảo: khoảng năm Thiên Hưng đời Lê Phế Đế Nghi Dân đúc tiền Thiên Hưng Thông Bảo (theo Đông Á tiền chí).
- Quang Thuận Thông Bảo: đúc khoảng năm Quang Thuận đời Lê Thánh Tông
- Hồng Đức Thông Bảo: khoảng năm Hồng Đức thứ nhất đời Lê Thánh Tông đúc tiền Hồng Đức Thông Bảo.
- Cảnh Thống Thông Bảo: đúc khoảng năm Cảnh Thống thứ nhất đời Lê Thánh Tông.
- Đoan Khánh Thông Bảo: đúc khoảng năm Đoan Khánh đời vua Lê Uy Mục
- Hồng Thuận Thông Bảo: đúc khoảng năm Hồng Thuận đời Lê, đúc tiền Hồng Thuận Thông Bảo.
- Quang Thiệu Thông Bảo: đúc khoảng năm Quang Thiệu đời vua Lê Chiêu Tông, đúc tiền Quang Thiệu Thông Bảo.
- Trần Công Tân Bảo: năm Hồng Thuận thứ ba đời Lê. Cũng khoảng năm Thiên Ứng Trần Cảo đúc tiền mặt tiền mặt tiền bằng chữ triện, sau lưng không có chữ.
- Tuyên Hòa Hữu Bảo: khoảng năm Tuyên Hòa đời Trần Cảo đúc tiền Tuyên Hóa Hữu Bảo.
- Minh Đức Thông Bảo: khoảng năm Minh Đức đời Mạc Thái Tổ đúc tiền Minh Đức Thông Bảo, bề mặt chữ đọc đối nhau lưng không có chữ.
- Đại Chính Thông Bảo: khoảng năm Đại Chính đời Mạc Thái Tông đúc tiền Đại Chính Thông Bảo.
- Quảng Hòa Thông Bảo: ®úc khoảng năm Khánh Hòa đời Mạc Phúc Hải.
- Vĩnh Định Thông Bảo: khoảng năm Vĩnh Định đời Mạc Phúc Nguyên đúc tiền Vĩnh Định Thông Bảo so với tiền đúc chân lạc thì màu sắc cũng tương tự, hình dáng thì mỏng, nhỏ.
- Quang Bảo Thông Bảo: ®úc khoảng năm Quang Bảo đời Mạc Phúc Nguyên.
- Sùng Minh Thông Bảo: ba loại tiền Nguyên Chính Thông Bảo, Khai Tiến Thông Bảo, Sùng Minh Thông Bảo đúc không khác mấy so với tiền Vĩnh Định Thông Bảo là đồng tiền thời Mạc Phúc Nguyên là không phải nghi ngờ gì nữa.
- Nguyên Hòa Thông Bảo: khoảng năm Nguyên Hòa đời Đại Việt Tráng Đế đúc tiền Nguyên Hòa Thông Bảo trên mặt là chữ Triện đọc đối nhau.
- Gia Thái Thông Bảo: khoảng năm Gia Thái Đại Việt Thế Tông đúc tiền Gia Thái Thông Bảo, chất tiền khác so với tiền Gia Thái Thông Bảo đời Nam Tống.
- Vĩnh Thọ Thông Bảo: khoảng năm Vĩnh Thọ đời Lê Thần Tông đúc tiền này. Chất đồng có hai loại xanh và đỏ chữ trên mặt tiền có hai thể, thể chân và thể hành.
- Vĩnh Thịnh Thông Bảo: đúc năm Vĩnh Thịnh đời Lê Dụ Tông, lưng tiền có chữ Tỵ.
- Bảo Thái Thông Bảo: đúc năm Bảo Thái đời Lê Dụ Tông, chất màu đỏ, đúc thô sơ.
- Cảnh Hưng Thông Bảo: khoảng năm Cảnh Hưng đời Lê Hiến Tông đúc tiền này ở Bắc Kỳ. Có ba loại Chân thư, Lệ thư và Thiện thư. Loại Chân thư lưng có chữ Canh Thân, Tân Dậu, Nhâm Tuất, Sơn Tây, Sơn Nam, Kính Trung, Tây Thái Công v.v.
- Cảnh Hưng Thông Bảo.
- Cảnh Hưng Nội Bảo.
- Cảnh Hưng Cực Bảo: ®úc năm Cảnh Hưng thứ ba (theo Đông Á tiền chí)
- Cảnh Hưng Chí Bảo.
- Cảnh Hưng Trung Bảo
- Cảnh Hưng Chính Bảo
- Cảnh Hưng Vĩnh Bảo.
Trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết rằng: tháng Giêng mùa xuân năm Cảnh Hưng thứ hai ba đặt chức quan Giám đốc lò đúc tiền rồi mới đặt quan giám đốc. Các lò đúc tiền Nhật chiêu mặc cáo và các lò đúc tiền Sơn Tây, Thái Nguyên đều có ghi riêng biệt để phòng lạm phát.
- Cảnh Hưng Thuận Bảo: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, khoảng tháng Giêng năm Cảnh Hưng ba mươi bảy. Lò đúc tiền Thuận Hóa đã đem đồng để đúc tiền Cảnh Hưng Thuận Bảo gồm hơn bao vạn dân.
- Chiêu Thống Thông Bảo: trong Khâm Định duyệt sử thông giám cương mục ghi rằng: Vào tháng ba năm Chiêu Thống thứ nhất đời Lê Mẫn Đế. Nguyễn Hữu Chỉnh tâu xin vận chuyển tất các tượng đồng ở các chùa quan để đúc tiền Chiêu Thống Thông Bảo lưng có các chữ Trung, nhất, chính, sơn, thái, sơn nam v.v…
- Thái Bình Thông Bảo: tiền đúc đời Thuận Hóa Thái tổ Nguyễn Hoàng lưng có tinh văn và nhất nhất lại có bánh xe Thái Đô sắt đồng cũng mờ mờ đúc thô sơ (theo Đông Á tiền chí).
- Thiên Minh Thông Bảo: loại tiền kẽm (chì) đúc thời Thế Tông ở Thuận Hóa...
- An Pháp Nguyên Bảo: năm Bính Thìn thứ hai mươi mốt đời Túc Tông Phúc Phong ở Thuận Hóa, từ đó về sau Đô đốc Trấn Hà Tiên là Đăng Thiên Tứ đúc ở trấn Hà Tiên.
- Thái Đức Thông Bảo: năm Thái Đức triều Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc đúc tiền này bằng đồng sắt màu đỏ, màu đen, màu vàng và màu trắng v.v.. lưng có chữ tinh nguyệt lại có hai chữ thảo thư vạn tuế là Thái Đức năm thứ mười bốn Nguyễn Văn Nhạc về thành Quy Nhơn tức là lên ngôi ở Trung ương Hoàng Đế đúc tiền Thái Đức Thông Bảo.
- Minh Đức Thông Bảo: đúc hình dạng và kích thước chữ cũng như Thái Đức Thông Bảo có hai chữ Vạn Tuế bằng chữ Thảo tương tự. Loại tiền cùng thời là không còn nghi ngờ gì nữa. Hai chữ Minh Đức là lời khen chứ không phải là niên hiệu. Sau lưng có hai chữ vạn tuế bằng chữ Thảo. Không giống tên Minh Đức của Mạc Đăng Dung.
- Quang Trung Thông Bảo: đúc năm Quang Trung Nguyễn Văn Huệ. Màu sắc đỏ, vàng tuyền, mỏng như giấy, lớn nhỏ không giống nhau, chữ ở trên tiền nhỏ sau lưng không có chữ lại có hai chữ An Nam. Ở sau lưng có chữ Trọng luân.
- Quang Trung Đại Bảo: cũng đúc năm Quang Trung Nguyễn Văn Huệ đồng vàng mỏng, chữ Bảo () là chữ Bảo.
- Cảnh Thịnh Thông Bảo: đúc năm Cảnh Thịnh đời Nguyễn Quang Toản đúc bằng đồng màu thuần vàng mỏng, lớn nhỏ không giống nhau. Lưng phần nhiều không có chữ, trước mặt và sau lưng đều.
- Cảnh Thịnh Đại Bảo: đúc năm Cảnh Thịnh đời Nguyễn Văn Toản, hình dạng cũng giống tiền Quang Trung Đại Bảo.
Bảo Hưng Thông Bảo: đúc năm Bảo Hưng Nguyễn Quang Toản, đúc thô sơ, mỏng sau lưng không có văn, tương truyền là rất ít, không tương truyền ở đời (theo Đông Á tiền chí).
- Gia Long Thông Bảo: Đại Nam thực lục chính biên chép rằng tháng sáu năm Gia Long thứ 2 đời thế tổ Gia Long đúc tiền Gia Long Thông Bảo. Có hai loại tiền đồng và tiền kẽm. Sau lưng có chữ triện sáu phân, chữ Khải bảy phân.
- Gia Long Thông Bảo.
- Minh Mệnh Thông Bảo: Đại Nam thực lục chính biên chép rằng, tháng hai năm Minh Mệnh thứ nhất đời Thánh Tổ đầu tiên đúc tiền Minh Mệnh Thông Bảo sáu phân tiền đồng và tiền kẽm (chì) lại đúc tiền đồng loại lớn. Đông Á tiền chí chép rằng: năm Minh Mệnh thứ 18 thì đúc tiền ở phủ Thuận Hóa một tương đương với một trăm, lưng đúc những lời trong kinh truyện Nam Mỹ hiệu có tám chữ, hai mươi ba loại, bốn chữ có mười bảy loại: Xuyên chí sơn tăng, lời dụ hậu sinh, như sơn như xuyên, như cương như phụ, kỳ ngọc kim chương, kỳ trác tạo tương, thánh mô dương dương, vương đạo thang thang v.v…
- Nguyên Trị Thông Bảo: Trị Nguyên Thông Bảo khoảng năm Trị Nguyên thứ nhất đời Lê Văn Ngỗi (theo Đông Á tiền chí).
- Nguyên Long Thông Bảo: đúc năm Nguyên Long đời Ngụy Văn Vân, đúc mỏng nhỏ sau lưng không có chữ cũng có đúc chữ xương và chữ trong (theo Đông Á tiền chí).
- Thiệu Trị Thông Bảo: Đại Nam thực lục chính biên chép rằng tháng ba năm Thiệu Trị thứ nhất đời Hiến Tổ đúc tiền Thiệu Trị Thông bảo nhỏ, nhẵn có hai loại tiền đồng và tiền kẽm, lưng có hai chữ Hà Nội lại có loại tiền đồng lớn hình dạng giống tiền lớn Minh Mệnh Thông Bảo, chữ ở lưng cũng có bốn mươi loại.
- Thọ Hiếu Niên
- Tự Đức Thông Bảo
- Sử Dân Phú Thọ
- Tự Đức Thông Bảo
Đại Nam thực lục chính biên chép rằng tháng hai năm Tự Đức thứ nhất đời Dực đế bắt đầu đúc tiền Tự Đức bằng đồng, lưng có sáu văn hai chữ, tiền kẽm lưng có chữ Sơn Tây, Hà Nội v.v… lại có loại tiền đồng lớn giống tiền đồng Minh Mệnh Thông Bảo lưng cũng có vân bốn mươi loại.
- Tự Đức Bảo Sao: đúc năm Tự Đức thứ 18 đời Dực Đế lưng ghi chữ trị từ 18 văn đến 60 văn. Phàm lục Phẩm theo thứ tự kém sáu văn (theo Đông Á tiền chí).
- Kiến Phúc Thông Bảo: Khoảng năm Kiến Phúc đời Giảm Tông trong cung Thuận Hóa Bảo đúc thử tiền ở phủ Hà Nộii có hai loại tiền đồng và tiền kẽm (theo Đông Á tiền chí).
- Hàm Nghi Thông Bảo: đúc năm Hàm Nghi đời vua Hàm Nghi lưng tiền không có chữ, cũng có hai chữ Lục Văn (theo Đông Á tiền chí)
- Đồng Khánh Thông Bảo: Đại Nam thực lục chính biên chép rằng vào tháng tư năm Đồng Khánh thứ nhất đời Cảnh Tông, đúc tiền Đồng Khánh Thông Bảo có hai loại.
- Thành Thái Thông Bảo: đúc năm Thành Thái đời vua Thành Thái năm đầu có hai loại lớn nhỏ lưng có chữ Lục Văn và Thập Văn (theo Đông Á tiền chí).
- Duy Tân Thông Bảo: đúc năm Duy Tân đời vua Duy Tân có hai loại lớn nhỏ. Loại lớn sau lưng có hai chữ Thập Văn (theo Đông Á tiền chí).
- Khải Định Thông Bảo: ®úc năm Khải Định đời vua Khải Định, lưng không có chữ./.
Thông báo Hán Nôm học 2004 (tr.417-426)

Tuesday, 6 November 2012

Về những địa danh “thuần Việt” thời Hùng Vương (An Chi - Tạp chí Thông tin Khoa học & Công nghệ TT-Huế, 4-1996).

Trong bài “Nước Văn Lang và cương vực của nó qua tài liệu ngôn ngữ học” (1), Hoàng Thị Châu đã cho rằng yếu tố “Kẻ” và những địa danh đi liền sau nó như “Mẩy”, “Cót”, “Vòng”, v.v.. (thành “Kẻ Mẩy”, “Kẻ Cót”, “Kẻ Vòng”, v.v..) là những tên Nôm làm thành một “hệ thống tên xã thôn (...) hoàn toàn khớp với cương vực nước Văn Lang được ghi lại trong truyền thuyết dựng nước” (2). Sau đó, nhiều người đã xem đây gần như là điều hiển nhiên, không cần phải lật đi lật lại, rồi Nguyễn Linh, trong Thời đại Hùng Vương (3), đã lấy lại lập luận của Hoàng Thị Châu để phổ biến cho người đọc như là những tín điều chẳng có gì cần phải bàn cãi. Thực ra, lập luận của hai tác giả trên đây đã có những chỗ sơ hở rất quan trọng nên không thể chống đỡ được cho kết luận mà họ muốn mọi người đều xem là sự thật hiển nhiên. Chúng tôi đã có phản bác một phần của lập luận đó và chứng minh rằng “kẻ” là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ  mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là giới, âm Hán Việt hiện đại ít thông dụng hơn là giái, còn âm chính thống thì lại là cái (“cổ bái thiết”) (4). Vì vậy, trong bài này chúng tôi sẽ không trở lại với từ “kẻ” mà chỉ chứng minh rằng những cái gọi là tên Nôm hoặc “thuần Việt” như Mẩy, Cót, Vòng, v.v.. chẳng qua chỉ là âm xưa của những chữ Hán nay đã được đọc theo âm Hán Việt hiện đại mà thôi.
Để bắt đầu, xin phân tích tên  là một địa danh cổ xưa từ lâu đã trở thành quá quen thuộc với người Hà Nội. Địa danh này có liên quan đến tên Hán Việt hiện đại của các làng Hoàng Mai, Tương Mai và Mai Động. Theo Bùi Thiết thì:
“Hoàng Mai và Tương Mai có tên Nôm là Kẻ Mơ hay gọi là làng Mơ nhưng Hoàng Mai là Mơ Rượu vì làng này có nghề nấu rượu cổ truyền với rượu mơ nổi tiếng thời trước, còn Tương Mai là Mơ Cơm vì làng này chuyên bán hàng cơm. Làng Mai Động cũng gọi tên Nôm là Mơ nhưng gọi là Mơ Táo. Kẻ Mơ hay ba làng Mai nói chung nằm kề góc đông nam của kinh thành Thăng Long xưa, được khai phá từ rất sớm (...) Thời nhà Trần, khu vực này là thái ấp Cổ Mai (hay trang Cổ Mai) mà các vua nhà Trần phong cấp cho anh em Trần Khát Chân và Trần Hãn” (5).
Thực ra, chẳng phải chỉ có Hoàng Mai, Tương Mai và Mai Động mới có tên “Nôm” là ; các làng cổ mà tên Hán Việt hiện nay có yếu tố Mai, ghi bằng chữ , thì đều có tên “Nôm” là . Thôn Mai Châu, thuộc xã Đại Mạch, một trong 23 xã của huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, cũng có tên “Nôm” là làng  (6). Thôn Mai Trai, thuộc xã Vạn Thắng, một trong 32 xã của huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội, cũng có tên “Nôm” là làng  (7).
Cái mà Bùi Thiết, và nhiều người khác nữa gọi là tên Nôm trên đây, chẳng qua chỉ là âm xưa của yếu tố Hán Việt hiện đại mà thôi:  là âm xưa của mai . Điều này đã được ngữ âm học lịch sử khẳng định và sau đây là lời của Nguyễn Tài Cẩn:
“Hiện ta có từ  là dạng cổ Hán Việt ứng với cách đọc Hán Việt maiMai là kết quả của cả một quá trình diễn biến  *əj > oj > aj.  là dạng vay mượn vào lúc âm cuối *-j chưa xuất hiện trong tiếng Hán: theo giới Hán ngữ học, mơ phải được vay trong khoảng từ 1500 năm trở về trước. Mà trong thời cổ đại đó thì – cũng theo sự phục nguyên của giới Hán ngữ học – từ mai đang có vần mở là *ə; vần *ənày không chỉ có mặt trong thời Đông Hán, Tây Hán mà còn lên đến tận thời Kinh Thi” (8).
Cứ như trên thì  là dạng cổ của mai nhưng trong tiếng Việt hiện đại thì giữa hai từ cùng gốc này đã có một sự phân công rành mạch về ngữ nghĩa: Mơ là một loại cây mà tên khoa học là Prunus armeniaca Lin, thuộc họ hoa hồng (Rosaceae); còn mai thì lại là một loại cây mà tên khoa học là Prunus mume S. et Z., cũng thuộc họ hoa hồng như cây mơ (9). Một sự phân công như thế là điều hoàn toàn dễ hiểu và đây là một hiện tượng phổ biến trong các ngôn ngữ, chẳng hạn cùng một gốc Germanic mà tier của tiếng Đức có nghĩa là thú vật nói chung còn deer của tiếng Anh thì chỉ là hươu, nai.
Trở lên, sở dĩ chúng tôi phải dài dòng như thế là để chứng minh rằng, dù diễn biến ngữ âm và ngữ nghĩa của nó có quanh co đến đâu thì mơ vẫn là một yếu tố mà lai lịch có thể được xác minh một cách rõ ràng và đó rõ ràng là một từ Việt gốc Hán có liên quan đến chữ/từ  mai . Đó dứt khoát không phải là một yếu tố Nôm, thuần Việt hoặc Việt cổ và đây tất nhiên không phải là trường hợp duy nhất vì ngoài nó ra thì còn rất nhiều, rất nhiều ca giống như nó mà sau đây chỉ là thêm một số thí dụ, cũng lấy từ sách đã dẫn của Bùi Thiết (số ghi trong ngoặc đơn sau mỗi thí dụ là số trang trong sách này):
Núc là âm xưa của Canh Nậu (32); Vài, của Ngọc Nhị (35); Gượm, của Cần Kiệm (37); Noi, của Cổ Nhuế(52); Vườn, của Cổ Nhuế Viên (52); Núc, của Dị Nậu (56); Vòng, của Dịch Vọng (57); Mẩy của Mễ Trì (57); Cói, của Cối Giang (85); Hóc của Minh Húc (93); Tạnh của Quán Tình (104); Then, của Kim Sơn(130); Keo, của Giao Tất (130); Bưởi của Bái Ân (155), Nghè, của Trung Nha (157); Bún, của Phấn Hạ (160); Vẹt, của Việt Yên (163); Mọc, của Nhân Mục (164); Nành, của Phù Ninh (167); Sủi của Thổ Lỗi(183): Gùn, của Siêu Quần (212), Ngâu, của Yên Ngưu (218); Ngà, của Miêu Nha (231); Đìa, của NgọcTrì (232); Gạch, của Ô Cách (244, 245); Cót, của Yên Quyết (268); Lềnh, của Linh Thượng (284);Ngò, của Ngô Khê (286); v.v..
Trong những cặp tương ứng trên đây, tiếng đầu (Núc, Vài, Gượm, v.v..) là âm xưa, còn tiếng sau (Nậu, Nhị, Kiệm, v.v..) là âm nay của cùng một chữ Hán trong những địa danh hữu quan và sự tương ứng đó là hoàn toàn nhất quán trong các địa danh chỉ nhiều địa phương khác nhau, thậm chí cách nhau rất xa. Thí dụ: Núc không chỉ là âm xưa của Nậu trong Canh Nậu, Dị Nậu, nay thuộc ngoại thành Hà Nội, mà còn là âm xưa của cả Nậu  trong tên của xã Dị Nậu, ở gần Tam Đảo, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay. Then không chỉ là âm xưa của Sơn  trong Kim Sơn nay thuộc ngoại thành Hà Nội mà còn là âm xưa của cả Sơn trong địa danh Bình Sơn, nơi có tháp Bình Sơn nổi tiếng, tục gọi là tháp Then, thuộc tỉnh Phú Thọ hiện nay. Gạch không chỉ là âm xưa của Cách   trong Ô Cách nay thuộc ngoại thành Hà Nội mà còn là âm xưa của cả Cách trong địa danh Bình Cách, thuộc huyện Đông Quan (cũ), tỉnh Thái Bình.
Vậy Núc, Then, Gạch, v.v.. và tất cả các tiếng đầu trong những cặp tương ứng trên đây không phải là những tên Nôm, thuần Việt, hoặc Việt cổ như Bùi Thiết và nhiều nhà nghiên cứu khác đã ngộ nhận. Nếu tiếng đầu trong những cặp trên đây là Nôm, là thuần Việt còn tiếng sau là hình thức phiên âm thì không làm sao có được sự tương ứng nhất quán đến cao độ như đã thấy từ địa phương này sang địa phương khác, có khi cách nhau rất xa:
– Gạch ở gần Hà Nội cũng được phiên bằng Cách như Gạch ở Thái Bình mà lại không phiên bằng Kịch, chẳng hạn;
– Then ở gần Hà Nội cũng được phiên bằng Sơn như Then ở tận Phú Thọ mà lại không phiên bằng Thiên, chẳng hạn;
– Đặc biệt, Núc ở gần Hà Nội cũng được phiên bằng Nậu y hệt như Núc ở tận Vĩnh Phúc mà lại không phiên âm bằng Nục, chẳng hạn. Trường hợp này đáng được nói kỹ hơn một chút: Sự tương ứng Nậu ~Núc chỉ có thể được chứng thực bằng chính lịch sử ngữ âm và lịch sử văn tự của tiếng Hán mà thôi. Và điều này, khi đã được đặt vào bối cảnh chung của tiếng Hán thì sẽ hoàn toàn chẳng có gì là khác thường cả, vì về mối tương ứng âu ~ uc thì người ta còn có, chẳng hạn: – chữ  vừa đọc mậu vừa đọc mục; – chữ dục (không có trong font Hanosoft ) vừa hài đậu  vừa hài thục    ; – chữhữu (= có) hài thanh cho chữ úc  còn bản thân nó lại có âm xưa là dẫu trong “dẫu sao”, “dẫu rằng”, xưa hơn nữa là dầu trong “mặc dầu” (dầu = có → có sao đi chăng nữa thì cũng  hư từ hóa = mặc dù, dù sao); – chữ   cũng đọc câu, xét ngược lên lối triện, chỉ là một biến thể của chữ cục  ; v.v.. Và cuối cùng, chính B. Karlgren đã phục nguyên cho chữ  âm thượng cổ là *nug, đối lập với âm nay là nou (10).
Sự tương ứng nhất quán đến cao độ trên đây là một chỗ dựa chắc chắn để khẳng định rằng những cặp từ đang xét chỉ là âm xưa và âm nay của những chữ Hán hữu quan. Nếu là phiên âm thì, dù âm gốc có là một, từ địa phương này sang địa phương khác, kết quả phiên âm thế nào cũng có sai biệt, và có khi khác nhau rất xa. Cứ nhìn vào các hình thức phiên âm từ tiếng Sanskrit thì có thể thấy ngay vấn đề. Nhiều từ Sanskrit có đến hai hình thức phiên âm khác nhau bằng tiếng Hán, có khi ba, bốn,... Ngay một từ quen thuộc nhất và tôn nghiêm nhất của Phật giáo là Buddha thì cũng có ít nhất là ba: Phật Đà, Phật Đồ và Phù Đồ.
Đã rõ những yếu tố đang xét không phải là những tên Nôm. Hoàng Thị Châu còn biện luận rằng “sự tồn tại lâu đời của tên Nôm còn thể hiện ra ở chỗ nó là những từ khó hiểu, nhiều từ không tìm thấy trong từ vựng tiếng Việt hiện đại” (11). Ý kiến này hoàn toàn không thể đứng vững được vì tính khó hiểu đâu có phải là chỗ dựa để xác định “ngữ tịch”! Ngày nay những người không thông thạo tiếng Hán khó mà biết được vưu trong vưu vật, chẳng hạn, có nghĩa là gì. Nhiều trí thức, nhà văn, nhà báo vẫn gọi nhược điểm là “yếu điểm” vì không biết rằng yếu có nghĩa là quan trọng. Vậy chẳng lẽ đó không là những từ khó hiểu? Nhưng chẳng lẽ vì chúng khó hiểu mà khẳng định rằng chúng là Nôm? Mà lại còn là Nôm lâu đời! Sự vắng mặt của một từ trong từ vựng của tiếng Việt hiện đại cũng không thể là bằng chứng cho “ngữ tịch” Nôm của nó được. Xin đơn cử một thí dụ. Nhà nghiên cứu Hán Nôm nào cũng biết rằng cóc là một từ Việt gốc Hán có nghĩa là biết. Đây là một từ cổ không còn tìm thấy trong từ vựng của tiếng Việt hiện đại nữa. Vậy có lẽ nào nó ắt phải là Nôm?
Thực ra, sở dĩ những địa danh như Noi, Cót, Vòng, v.v.., khó hiểu thì chỉ vì chúng là dạng tắt của những địa danh hai tiếng, nghĩa là chúng đã bị tách khỏi cái cấu trúc song tiết hoàn chỉnh trong đó ý nghĩa của địa danh mới được bộc lộ đầy đủ. Đã thế, chúng lại còn là âm xưa của những chữ Hán mà âm nay đã khác đi ít hoặc nhiều (Noi ~ Nhuế; Cót ~ Quyết; Vòng ~ Vọng; v.v..) nên khó nhận diện đến nỗi nhà nghiên cứu cũng còn phải nhầm chúng là... Nôm!
Một cái tên như Gùn quả là khó hiểu nếu nó hoàn toàn đứng riêng ra một mình. Nhưng khi địa lý lịch sử cho phép gắn nó với tên đầy đủ và hiện đại là Siêu Quần, rồi những thao tác từ nguyên học lại cho phép khẳng định mối tương ứng gùn ~ quần  thì mọi sự sẽ trở nên sáng tỏ. Thật vậy, bản thân chữquần là một trong 36 tự mẫu của Thiết vận mà giá trị ngữ âm cổ xưa đã được khẳng định là [g] dễ chuyển hóa với [γ]    của gùn trong tiếng Việt ngày nay, vậy bước đầu chúng ta đã có:
] ~ [k]         (1)
biết rằng q- ở trong quần chính là [k]. Ngoài ra, chúng ta lại còn biết thêm được rằng âm xưa của vận -uân là -un với các thí dụ: hun (khói) ~ huân 熏 (= xông khói); (đống) un ~ uân 熅 (= khói đặc bốc lên); (dây) thun ~ thuân 逡 (= rụt lại, lùi lại) v.v.. Vậy chúng ta còn có:
un ~ uân          (2).
Phối hợp (1) với (2) thì sẽ thấy rằng gùn ~ quần là hoàn toàn đúng quy luật. Quần là đám đông, bầy, đàn, bọn. Siêu  , mà âm xưa là xéo (trong “giày xéo”) có nghĩa là nhảy qua, vượt qua. Vậy Siêu Quầncó nghĩa là vượt lên trên đám đông, là xuất chúng. Đây vốn là tên của một xã thuộc tổng Đại Định, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng. Địa danh này cũng đồng nghĩa với địa danhSiêu Loại, vốn là tên của một huyện thuộc phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc. Siêu Quần xưa hẳn phải được phát âm thành *Xéo Gùn và thường được gọi tắt thành Gùn. Vậy Gùn là một địa danh Việt gốc Hán chánh cống chứ không phải  là thuần Việt, là Nôm.
Các địa danh đơn tiết khác cũng có thể được truy nguyên và tầm nghĩa một cách chính xác như từ Gùntrên đây. Đìa là âm xưa của Trì trong Ngọc Trì có nghĩa là ao ngọc; vậy Đìa có nghĩa là ao. Núc là âm xưa của Nậu trong Canh Nậu có nghĩa là cày bừa; vậy Núc có nghĩa là bừa. Vài là âm xưa của Nhịtrong Ngọc Nhị có nghĩa là hoa tai ngọc; vậy vài là hoa tai. Noi là âm xưa của Nhuế trong Cổ Nhuế có nghĩa là khúc sông xưa (nay đã được bồi); vậy noi là khúc sông uốn quanh. Vườn là âm xưa của Viêntrong Cổ Nhuế Viên có nghĩa là vườn ở khúc sông xưa (hoặc vườn Cổ Nhuế); vậy vườn có nghĩa là... vườn. Vòng là âm xưa của Vọng trong Dịch Vọng có nghĩa là (nơi) mong chờ tin trạm; vậy vòng có nghĩa là mong, ngóng (và đây cũng là một điệp thức của “mong” trong “chờ mong” và của “mòng” trong “chốc mòng”). Mẩy là âm xưa của Mễ trong Mễ Trì có nghĩa là ao gạo; vậy mẩy có nghĩa là gạo. Hóc là âm xưa của Húc trong Minh Húc có nghĩa là sáng sủa, rực rỡ, vậy hóc có nghĩa là rực sáng v.v.. NếuGùn, Đìa, Núc, Vài, Noi, v.v.. không từng là những từ độc lập thì ít nhất chúng cũng là những hình vị gốc Hán có nghĩa minh xác và cụ thể. Đây là một điều chắc chắn. Vậy thật là vô căn cứ nếu không truy nguyên và tầm nghĩa cho khách quan và chính xác mà cứ theo định kiến để khẳng định rằng những địa danh thuộc loại trên đây là thuần Việt hoặc Việt cổ.
Đến đây, tưởng cũng nên nhân tiện xác định lại cho rõ ràng và rành mạch nội dung của hai khái niệm “tên Nôm” và “tên chữ”. Hoàng Thị Châu đã viết: “Tên Nôm hiện nay đang bị quên dần vì ít được dùng nhưng nó đã tồn tại rất lâu. Trước đây trong một thời gian dài nó tồn tại song song với tên Hán-Việt, với sự phân công khá rõ ràng: tên Nôm dùng để gọi, tên Hán-Việt dùng để viết. Do đó mà tên Hán-Việt còn được gọi là tên chữ” (12). Nhưng, như đã phân tích ở trên, cái gọi là tên Nôm cũng phải được ghi, được viết: Gùn viết là  , Đìa:  , Núc:  , Vài: , Noi:    , Vườn:    , Vòng:     , Mẩy:  , Hóc:  , v.v.. Còn cái gọi là tên chữ thì cũng dùng để... gọi. Vậy cả hai loại đều là những tên chữ. Chẳng qua, như đã phân tích, “tên Nôm” là âm xưa còn “tên chữ” là âm nay của cùng một chữ Hán mà thôi. Vậy sự phân biệt thành “tên Nôm” và “tên chữ” như Hoàng Thị Châu và nhiều người khác đã chủ trương chỉ là một sự phân biệt giả tạo.
Cứ như đã phân tích thì ý tưởng dựa vào những địa danh “Nôm” như trên, mà lại có cả yếu tố Kẻ đứng trước, để vẽ lại cương vực của nước Văn Lang thời các vua Hùng là một ảo tưởng: những cái tên đóchỉ là những địa danh của bọn cai trị Tàu đặt ra để phân cấp và quản lý đất nước của chúng ta về mặt hành chính, hoặc là những địa danh mà chính chính quyền phong kiến tự chủ của ta đặt ra bằng những yếu tố mà ta đã mượn của Tàu. Sự thể khó lòng mà khác hơn thế được.
Vậy có lẽ nào trong toàn bộ hệ địa danh Việt Nam lại không có những trường hợp dùng tiếng Hán để phiên âm tiếng bản địa? Chúng tôi tuyệt nhiên không cho là không có. Chỉ xin nhấn mạnh rằng đó là những trường hợp cần được phân tích một cách thực sự cẩn trọng vì thực ra yếu tố được phiên âm chưa hẳn đã là yếu tố Việt đích thực, vì đã nói đến địa danh phiên âm thì con đường diễn tiến lắm khi lại rất quanh co. Chẳng hạn, ai lại không biết rằng Móng Cái là một địa danh Việt Nam. Nhưng địa danh này không phải là tiếng Việt “gốc” vì nó chỉ là một hình thức phiên âm từ tiếng của người Quảng Đông là Moòng Cái mà họ ghi bằng hai chữ 芒街 , đọc theo âm Hán Việt hiện đại là Mang Nhai. Vậy hai chữMang Nhai chẳng có liên quan gì đến Móng Cái vì nó chỉ dùng để ghi âm hai tiếng Moòng Cái của phương ngữ Quảng Đông mà thôi. Cho nên nếu nói rằng hai chữ Hán trên đây dùng để phiên âm “tiếng Việt” Móng Cái là đã đem râu ông nọ cắm cằm bà kia tới hai lần! Đến như hai tiếng Cổ Loa mà lại là dùng để phiên âm tiếng Việt cổ Klủ như có người đã từng truyền giảng thì chúng tôi hoàn toàn không tin (13).
Tóm lại trong toàn bộ các địa danh Việt Nam liên quan đến địa bàn cư trú của người Việt thời xưa, chắc chắn có những trường hợp là những chữ Hán dùng để phiên âm tiếng bản địa nhưng cũng chắc chắn những trường hợp đó là thực sự ít ỏi. Tuyệt đại đa số thì lại là những địa danh song tiết đặt bằng chữ Hán. Trong số đó, có nhiều địa danh thực sự cổ xưa, thường được gọi tắt bằng một trong hai âm tiết hữu quan, âm tiết này lại được đọc theo âm Hán-Việt xưa, khó nhận diện, nên nhiều người, đặc biệt là các học giả và các nhà nghiên cứu, cứ ngỡ rằng chúng là thuần Việt, là Nôm!


(1) Hùng Vương dựng nước, t.1, Hà Nội, KHXH, 1970, tr.136-143.
(2) Bđd, tr.141.
(3) Hà Nội, KHXH, 1973, tr. 40-85.
(4) Xin xem: An Chi, Chuyện Đông chuyện Tây, Kiến thức ngày nay, số 229, tr.51-53.
(5) Làng xã ngoại thành Hà Nội, Hà Nội, 1985, tr.116, 74-75 và 276.
(6), (7) Làng xã ngoại thành Hà Nội, Hà Nội, 1985, tr.116, 74-75 và 276.
(8) Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt, Giáo dục, 1995, tr.176-177.
(9) Theo Đỗ Tất Lợi, “Cây mơ, cây mai dưới con mắt người làm công tác khoa học”, Nhân dân, số 10468, 22-3-1983.
(10) Grammata Serica Recensa, Stockholm, 1964, p.314, 1223e.
(11) Bđd, tr.140
(12) Bđd, tr.140
(13) Xin xem: Trần Quốc Vượng, “Từ việc nghiên cứu một số tên riêng trong các truyền thuyết nói về thời kỳ dựng nước”, Tạp chí Văn học, 2-1969, tr.72. Chỉ riêng một việc là ở vào thời xa xôi đó mà cái từ “Klủ” lại có thanh điệu 4 (?) cũng đủ để làm cho nhà ngữ âm học lịch sử chín chắn phải kinh ngạc!

Monday, 5 November 2012

Hoạt họa sao không nhúc nhích?



Từ cartoon của tiếng Anh có nhiều nghĩa. Cartoon có khi tương đương với hí họa (a humorous drawing) nếu chỉ một bức vẽ hoạt kê, chọc cười; do đó, dịch là tranh vui cũng được. Cartoon có khi là phim hoạt họa (an animated piece of film which is often but not exclusively humorous): hoạt ở đây (chữ Hán là ) là nhúc nhích, động đậy (hoạt động, hoạt bát, sinh hoạt, hoạt tính...), không phải hoạt (chữ Hán là滑 ) của hoạt kê.
Tranh vui là tranh hoạt kê, là hí họa, không phải là hoạt họa.