Wednesday, 21 November 2012

Hoạt động sách phong, triều cống trong quan hệ bang giao giữa triều Mạc (Việt Nam) và triều Minh (Trung Quốc) - Hệ quả và thực chất (Nguyễn Thị Mỹ Hạnh)

Hoạt động sách phong, triều cống trong quan hệ bang giao giữa triều Mạc (Việt Nam) và triều Minh (Trung Quốc) - Hệ quả và thực chất

Nguồn : Khoa Việt Nam Học - Đại Học Sư Phạm Hà Nội
 Nguyễn Thị Mỹ Hạnh

Vượt ra khỏi những thiên kiến lịch sử vốn tồn tại từ rất lâu, hơn một phần tư thế kỷ qua, bằng những nguồn tư liệu mới, với quan điểm và phương pháp nghiên cứu mới, các nhà nghiên cứu đã không ngừng đưa ra những đánh giá khách quan và toàn diện hơn về triều Mạc, dần đưa triều Mạc trở về đúng vị trí của nó với tư cách là một “vương triều phong kiến” nằm trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Và tất nhiên, cũng như các vương triều phong kiến khác, trước và sau đó, để bảo vệ và duy trì sự tồn tại trong “hòa bình”, triều Mạc ngay từ đầu đã đặt lên hàng đầu mối quan hệ bang giao với đại đế quốc phong kiến Trung Hoa láng giềng để cốt giữ mối quan hê “hòa hiếu”, “bang giao hảo thoại” mà các triều đại trước đó đã làm được. Trong đó, hoạt động sách phong và triều cống cũng tiếp tục được triều Mạc xem như là 2 nội dung chính yếu để xây dựng nên mối quan hệ ấy. Chúng ta có thể coi đây là "một kiểu quan hệ đặc biệt, kinh nghiệm trên thế giới chỉ thấy có trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng mà Việt Nam thường được xem là một thí dụ điển hình, với tất cả tính chất phức tạp, nhiều mặt của nó"(1) và triều Mạc cũng không là ngoại lệ.
1. Hoạt động sách phong trong quan hệ bang giao giữa triều Mạc và triều Minh
* Nguyên nhân của hoạt động sách phong
Có thể nói, cũng như các triều đại phong kiến khác ở Việt Nam, các vị vua triều Mạc sau khi lên ngôi đều có mong muốn xin sách phong với hoàng đế Trung Hoa. Cái lý buộc các vua phong kiến Việt Nam xin sách phong là vì thực tế: Việt Nam là một nước nhỏ, nằm cạnh ngay quốc gia phong kiến Trung Hoa lớn gấp nhiều lần, lại thường xuyên có mưu đồ thôn tính. Vì thế, để đảm bảo an ninh, duy trì quan hệ hoà hiếu với nước láng giềng khổng lồ ấy, các vua Việt phải có đường lối đối ngoại "mềm dẻo", "lấy nhu, thắng cương", giả danh "thần phục", xin sách phong Trung Quốc. Đặc biệt dưới triều Mạc, khi mà nguy cơ xâm lược của phong kiến Trung Quốc luôn thường trực, thường xuyên đe dọa đến an nguy của đất nước(2) và sự cầm quyền của vương triều thì đường lối ngoại giao mềm dẻo ấy lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Hơn thế nữa, khi xin Trung Quốc sách phong, bên cạnh lợi ích dân tộc, các vị vua triều Mạc còn tính đến cả lợi ích giai cấp dòng họ, bởi ngay từ đầu nó đã nhận thấy sự cần thiết phải khẳng định tính chính thống, hợp pháp hoá sự tồn tại của triều đại mình – vốn lên nắm quyền trên cơ sở tiêu diệt vương triều Lê sơ – một vương triều đã chiếm được cảm tình của nhân dân và có công lao to lớn trong sự nghiệp bảo vệ, giải phóng đất nước. Do vậy, để ổn định "nhân tâm" và cũng là để làm chỗ dựa hậu thuẫn bảo vệ cho quyền lợi lâu dài của dòng họ, hơn ai hết triều Mạc hiểu rằng: điều này đồng nghĩa với việc họ phải sớm được "thiên triều" Trung Quốc sách phong.
Không những thế, cũng như các vị vua khác dưới thời phong kiến, những người đứng đầu triều Mạc luôn nhận thức được rằng: chỉ khi có sự sách phong của “Thiên triều” thì mới khẳng định được vai trò của mình với các nước trong khu vực.
            Trong khi đó, bản thân Trung Quốc cũng sẵn lòng chấp nhận việc sách phong của những người đứng đầu các triều đại phong kiến ở Việt Nam vì một mặt nó là phương tiện giao hảo nhằm duy trì không để quan hệ Trung Quốc - Việt Nam bị cắt đứt, mặt khác cốt giữ lấy cái quan hệ giữa "thiên triều" Trung Quốc với "phiên thần" Việt Nam như là một nhu cầu thiết thân về cả lợi ích chính trị lẫn kinh tế. Bởi vậy, trên thực tế, Trung Quốc không bao giờ muốn để quan hệ với các nước xung quoanh bị cắt đứt, ngay cả đối với Việt Nam lúc bấy giờ, một nước tưởng như bị Trung Quốc “cột chặt” nhất trong hệ thống các nước “chư hầu”(3).
Vì những lí do ấy, dưới triều Mạc, hoạt động sách phong luôn được đặc biệt xem trọng.
* Biểu hiện của hoạt động sách phong
Năm 1527, sau khi lật đổ được triều Lê đã suy yếu, Mạc Đăng Dung lên ngôi vua, mở ra một triều đại mới trong lịch sử phong kiến dân tộc: vương triều Mạc. Vốn là một con người mà ¾ cuộc đời gắn bó với triều Lê, hành động cướp ngôi ấy của Mạc Đăng Dung ngay từ đầu đã vấp phải sự phản kháng của nhân dân, đặc biệt của cựu thần triều Lê và của cả “thiên triều” Trung Hoa. Bởi thể mà trong suốt thời gian từ khi mới lên ngôi đến trước năm 1540, triều Minh chưa thừa nhận sự tồn tại chính thức của vương triều này trên đất Việt và bản thân Mạc Đăng Dung cũng như triều đình Mạc luôn vấp phải những hành động chống đối (cả dụ dỗ lẫn đe dọa quân sự) của vua quan Minh triều. Đến 23 năm sau kể từ ngày lên nắm quyền (năm 1540), Mạc Đăng Dung mới sai cháu là Văn Minh và bọn tiểu đầu mục là Hứa Tam Tỉnh gồm 28 người, mang hàng biểu sang Yên Kinh cầu phong. Lời biểu đã nói rằng:
“Thần là tiểu dân ở xa, trí thức chưa được mở mang. Nhưng mỗi khi núp ở phương Nam, trông về phương Bắc, thấy trời quang đất tĩnh, biển lặng sông trong, biết là Trung Quốc đã có thánh nhân. Huống chi oai hùng của nhà vua đã vang vọng khắp thiên hạ và lòng nhân huệ của nhà vua lại như khí hòa mùa xuân, tấc lòng vừa mừng vừa sợ, không thể nói lên hết được. Thần nghĩ: Dòng họ Lê là quốc vương của thần trước, vận nước đã suy, ngày càng chìm đắm. Đến khi quan trị lên nối ngôi, coi việc nước chưa được mấy ngày, thì lại bị bệnh chết. Trong khi thảng thốt, tạm theo tục rợ, giao phó việc nước cho thần. Thần lại giao cho con là Đăng Doanh. Chưa kịp thỉnh mệnh tâu lên, thực đã tự chuyện phạm tội. Tuy cửa khuyết cách xa muôn dặm khôn nỗi tỏ bày, nhưng tội lớn tày trời, thế nào giấu nổi.
Năm Gia Tĩnh thứ 7 (1538), cha con thần đã sai bọn Nguyễn Văn Thái dâng biểu xin hàng và xin xét xử, thực do tấm lòng trung thành, không dám man trá. Nhưng lòng thành chưa tỏ được nên không động được thánh tâm. Vì vậy thần rất lấy làm lo sợ, không lúc nào yên. Ngày 25 tháng 8 năm Gia Tĩnh thứ 19, chẳng may Đăng Doanh bị bệnh chết, người trong nước theo thói quen, muốn đem Phúc Hải là con trưởng Đăng Doanh lên thay quyền trông coi dân chúng. Thần sợ cái lối tự tiện truyền ngôi trước đây là trái nghĩa, nay nếu lại theo lời xin của dân chúng thì tội càng thêm nặng, gỡ sao khỏi được? Vì vậy, thần và Phúc Hải một lòng cung kính, đợi mệnh triều đình.
Vừa rồi đại tướng sang đánh, khi quân tới bờ cõi nước thần thì thần như con lợn trong chuồng, đâu đủ sức chống lại. May được xem tờ hịch hỏi tội ở trước quân môn, mới biết lòng nhân từ thực không bờ bến, khiến phải vuốt ngực rõ nước mắt. Thần trộm nghĩ, riêng thần là kẻ có tội, còn nhân dân thì có tội gì? Bệ hạ không nỡ lấy tội của một tôi hèn mà giết hại dân chúng; thần cũng may nhờ được dân chúng mà giữ được hơi tàn. Thần tuy ở trong nước, nhưng vẫn hướng về phương Bắc mà tung hô, nên ngày 3 tháng 11 năm Gia Tĩnh thứ 19 (1540) thần đem bọn tiểu mục Nguyễn Thạch Quế, Nguyễn Thế Khanh, bọn kì lão Lê Thuyên, Nguyễn Tổng và bọn sĩ nhân Nguyễn Kinh Tế, Dương Huy Nhất, Bùi Chí Vĩnh, kính đợi ở cửa Nam Quan, tự trói mà ra ngoài cõi, đến doanh đại tướng cúi đầu tỏ lòng trung để xin hàng.
Thần Đăng Dung vốn muốn thân đến kinh để chầu và chịu tội, nhưng vì tuổi già lại ốm, không thể khúm núm đi được. Cháu trưởng thần là Phúc Hải lại đương có tang. Vậy xin sai cháu ruột là Mạc Văn Minh thay thần sang chầu, cúi đầu đợi tội, để tỏ lòng cha con thần khi trước sai bọn Nguyễn Văn Thái dâng biểu xin hàng là do sợ oai mến đức, không dám có lòng man trá. Cúi mong rộng lòng tha tội cho thần được tự sửa.
Còn như đất đai và nhân dân đều là của thiên triều, chỉ xin thể lòng dân rợ, để được tiện sự khu xử. Cho thần được nội thuộc xưng phiên, hàng năm lĩnh lịch nhất thống để ban bố cho trong nước theo chính sóc, thực là đại hạnh phúc cho thần. Tuy rằng nước thần trước đây, từ đời họ Đinh, họ Trần, họ Lê, theo nhau xưng vương đặt niên hiệu, sau khi ăn năn tự biết là không nên, thần đã từng nghiêm khắc khuyên răn người trong nước từ bỏ niên hiệu để đợi mệnh, đâu dám noi theo thói cũ để gấp mang tội trời tru.
Còn việc quan thú Khâm Châu thuộc Quảng Đông tâu rằng bốn động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc hai đô Nhu Tích và Chiêm Lãng là đất cũ của Khâm Châu, Quảng Đông, nếu quả thực như lời ấy, thì đó là cái lỗi mạo nhận của họ Lê trước, nay thần xin giao trả lại, để thuộc về Khâm Châu.
Còn như người mà Trịnh Duy Liêu xưng là Lê Ninh, thì theo như người trong nước thần nói với nhau, người ta cho là con Nguyễn Kiim. Dòng dõi họ Lê quả không còn ai, cho nên quốc đô thần đã đặt nơi hương hỏa để giữ tế tự cho họ Lê.
Nay tỉnh Vân Nam lại cho Lê Ninh là con cháu họ Lê, hiện ở Lão Qua, mà tâu lên bệ hạ, thì thần đâu dám biện bạch. Chỉ xin đem 7 châu Quảng Lăng và các trại Hồng y cùng một vài nơi phụ quận để cắt cho làm đất quản hạt, thuộc về Vân Nam. Kính xin phái một vài viên sứ thần sang bản xứ hỏi khắp các dân kì cựu, nếu còn có ai là con cháu họ Lê thì thần sẽ đem nhân dân đón về và trả tất cả đất đai, không những chỉ cắt giao những địa phương nói trên mà thôi. Nếu quả thực nhu lời truyền của người nước thần thì cũng xin thương đến sinh linh, cho được có nơi thống thuộc.
Còn như các cống phẩm năm trước còn thiếu phải kể ra để bổ sung, và cống phẩm năm sau phải cống thì thần không dám nói đến, vì còn đương ở trong vòng tội, chỉ mong khỏi tội, còn sợ không được. Thần lại muốn chiếu theo việc cũ của triều trước, đúc người vàng bạc thế thân, muốn dâng lên ngay, lại sợ đường đột. Chỉ xin đem tình thực lên xin hoàng để chờ xem xét, và xin được tạm dùng ấn tín của triều đình đã ban bản quốc từ trước. Ấn tín này thần vẫn giữ cẩn thận, không dám tự tiện đem dùng. Nhưng nếu không có nó thì không lấy gì làm bằng chứng. Kính mong rủ lòng xét cho(4).
Không dừng lại ở đó, để thay đổi được định kiến của triều Minh dành cho mình và nhận được tước hiệu của “thiên triều” Trung Hoa, một lần nữa triều Mạc lại “nhún nhường” sai bọn tiểu mục Nguyễn Như Quế, kì nhân Lê Thuyên, sĩ nhân Nguyễn Kinh Tế dâng tờ biểu tâu vua Minh rằng:
Bọn thần tuy ở cõi xa, nhưng thực nhờ ơn che chở, mới được cùng nhau sinh sống; song cách trời xa quá, trong nước thường gặp khó khăn. Tự năm Chính – Đức (1506), Gia Tĩnh (1522) đến nay, bọn nghịch thần Trần Cao, Trần Thăng, Trịnh Tuy, Đỗ Ôn Nhuận, thay nhau nổi loạn, lấn áp quốc vương, Lê Chu (Tương Dực đê) bị giết, Lê Huệ (Chiêu Tông) phải dời bỏ kinh đô. Dòng dõi họ Lê gần hết, chỉ còn một mình Lê Khoáng (Cung hoàng), nhưng lên cầm quyền chưa được bao lâu cũng bị bệnh chết, khiến địa phương rối loạn, sinh dân lầm than, rất là khổ cực. Đầu mục Mạc Đăng Dung dẹp yên được bọn nghịch thần, vốn có công lao. Nhưng vì đất đai và nhân dân đều thuộc thiên triều mà Khoáng đem giao cho Đăng Dung, Đăng Dung lại giao riêng cho con, chưa kịp thỉnh mệnh, thế là đắc tội, còn nói gì được. Nhân dân nước thần thì sau khi loạn lạc lưu ly, lại sợ có kẻ bất đắc chí, noi theo vết xe cũ của bọn Trần Cảo thì tai họa không dứt, nên vội vàng tìm kế cầu sinh, tự chọn lấy người để suy tôn lên làm chủ, thực không hiểu biết gì, tội cũng giống như Đăng Dung. Sau lại vì đường sá cách trở, cửa ải nghiêm cấm, cho nên tuy bọn thần thường có lời cầu khẩn, nhưng không làm thế nào đạt lên được, tội càng nặng thêm. Đến nỗi uy trời nổi giận, sai tướng đem quân sang đánh. Bài hịch truyền ở quân môn năm trước, cha con Đăng Dung phải sợ hãi không yên, kính cẩn dâng biểu xin hàng, nhưng chưa được đội ơn chuẩn y. Nay bệ hạ lại sai đại tướng thống lĩnh đại binh, uy như sấm sét, tiếng động núi non. Tự nghĩ thân phận sẽ tan nát cả, không còn mống nào. Không ngờ nhờ được ơn trên thương tình, cho được đem lòng thành quy phục, sai người đến tận nơi tuyên dụ, khiến nhân dân cả nước cùng nhau khóc mừng, già trẻ dắt nhau đến trước quân môn xin cùng Đăng Dung trói mình hàng phục. Nay được khỏi chết, thực là ơn như cha mẹ và đức tựa trời đất, lòng cảm kích vui mừng không biết chừng nào. Bọn thần trộm nghĩ, dân không thể tự trị được, mà việc nước trước phải chính danh, danh nghĩa không chính thì việc không thống nhiếp vào đâu; việc không chỗ thống nhiếp thì dân sẽ kéo bè họp đảng tranh nhau mà thành chia lìa tan vỡ, không thể cấm được. Như vậy mà muốn tránh khỏi loạn vong, có thể được không? Nay bệ hạ đã cho Đăng Dung và nhân dân nước thần được tái sinh, nếu để cho loạn lạc mãi, chắc lòng bệ hạ có chỗ không đành. Vì vậy, bọn thần khẩn khoản tâu bày làm rờm tai bệ hạ, cốt để tìm cái chỗ trước sau được sống vẹn toàn. Đăng Dung từ khi được nhận việc đến nay không làm điều gì bạo ngược, đối đãi với dân tử tế, dân đều cảm ơn đức. Nay lại sợ oai hối lỗi, cùng cháu trưởng là Phúc Hải đợi mệnh triều đình, không dám noi theo lệ cũ tự tiện nắm quyền, và đã nghiêm sức thần dân không được theo danh hiệu xưng càn như trước. Thiết nghĩ ông cháu Đăng Dung là kẻ đầu mục có tội, đâu dám trông mong ơn to. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, họ Mạc tuy mang tội nặng, song thực được lòng dân, nếu không trông nhờ ơn thánh thì lấy gì ước thúc được người nước cho khỏi làm loạn. Cúi trông bệ hạ thương đến dân chúng phương xa, rộng theo tục mọi, ban cho lệnh mới, chiếu theo lệ cũ đời trước, hoặc làm Tổng quản hoặc làm Đô hộ, để được quản nhiếp việc nước, đời đời làm phiên thần. Bọn thần cũng được bảo toàn sự sống sắp tàn, đời đời làm dân phiên bang. Được như vậy thì ơn tái tạo của bệ hạ cùng với trời đất không bao giờ hết được(5).
            Qua tờ biểu mang sang Yên Kinh cầu phong của Mạc Đăng Dung và tờ biểu trần tình của bọn tiểu mục Nguyễn Như Quế dưới sự chỉ đạo của triều Mạc, chúng ta thấy toát lên từ đầu đến cuối những lời lẽ rất nhún nhường và mềm dẻo, có phần  “hạ thấp” mình và đề cao oai phong cũng như công lao của Thiên triều. Đặc biệt trong biểu, nhà Mạc đã xưng là phiên thần và xin triều Minh phong cho mình chức Tổng Quản hoặc Đô hộ. Nếu đem so sánh với những lần xin phong vương (tức vua của một nước) của các triều đại trước đó như triều Lý, Trần, Lê sơ thì rõ ràng đây là một bước lùi. Và điều này cũng giúp chúng ta dễ hiểu vì sao từ trước đến nay rất nhiều người đã cực lực lên án hành động xin sách phong của vương triều Mạc và cho rằng đó là hành động làm nhục quốc thể. Nhất là khi triều Mạc lại nhún nhường đến mức xin trả lại vùng đất biên giới mà các triều Lý, Trần, Lê đã tốn bao nhiêu công sức ngoại giao để bảo vệ và lại còn xin đem châu Quảng Lăng cắt trả về Vân Nam. Qủa thật, chúng ta không thể phủ nhận được rằng: những hành động ấy đã ảnh hưởng không nhỏ đến biên giới Tổ quốc và sự nhún nhường ấy là điều “hiếm thấy” trong lịch sử bang giao của dân tộc. Nhưng liệu có nên cho rằng: tất cả những động thái trên của triều Mạc đều là sự phản bội Tổ Quốc và chỉ vì lợi ích của dòng họ? Nên chăng chúng ta cần xem xét lại hoàn cảnh lịch sử “đặc biệt” của những quyết sách “hiếm thấy” đó để có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn về vấn đề này.
            Như đã nói ở trên, là một vương triều được xác lập trên cơ sở tiêu diệt triều Lê sơ – một triều đại vốn có nhiều công lao trong công cuộc bảo vệ, giải phóng Tổ quốc nên tất nhiên trong hoàn cảnh ra đời như vậy, triều Mạc bị rơi vào vị thế bất lợi về phương diện tâm lý, không được nhiều thiện cảm và sự ủng hộ của nhân dân ngay từ đầu cũng là điều dễ hiểu. Hơn thế, ở trong nước, triều Mạc ngay khi thành lập còn vấp phải sự chống đối quyết liệt của các cựu thần triều Lê. Ở bên ngoài thì triều Mạc từ đầu đã không được sự thừa nhận chính thức của Minh triều và đặc biệt còn liên tiếp bị quan quân nhà Minh dụ dỗ, uy hiếp, đe dọa bằng quân sự. Trong bối cảnh khi mà sự tồn tại còn quá ngắn của vương triều này chưa đủ sức gây dựng được chỗ đứng trong lòng dân chúng cũng như chưa tìm được một chỗ dựa nào để có thể “dũng cảm” đương đầu, chống chọi với tất cả những khó khăn, sức ép nói trên thì triều Mạc đã “buộc” phải chọn sự “nhún nhường” “nhân nhượng” nêu trên như một phương cách để mong “Thiên triều” Trung Hoa thừa nhận, phong tước hiệu cho, từ đó mà khẳng định được tính chính thống, tạo dựng được uy tín cho triều đại mình – điều mà ngay khi thành lập, triều Mạc đã không có được. Kết quả là: Minh Thế Tông đã hạ chiếu tha tội cho cha con Mạc Đăng Dung, cho Đăng Dung làm Đô thống sứ, ấn bạc nha môn tong nhị phẩm, ấn khắc chữ: An Nam Đô thống sứ ty(6). Nếu đặt trong bối cảnh đầy gian nguy, thử thách bấy giờ, triều Mạc không chọn giải pháp nhún nhường, thỏa mãn một số lợi ích nhất định của “Thiên triều” Trung Hoa như vậy thì liệu có những giải pháp nào đây để triều Mạc có thể thay đổi thái độ chống đối của Minh triều dành cho mình: từ chỗ không thừa nhận đến chỗ thừa nhận và duy trì mối quan hệ hòa hiếu với nước láng giềng khổng lồ này? Qủa thật, hành động dâng biểu cầu hàng để xin sách phong là hành động làm tổn hại đến quốc thể, là hành động “hiếm gặp” xưa nay trong lịch sử dân tộc nhưng cái “khó” trong việc tìm ra phương án tối ưu để thoát khỏi sự đe dọa từ nhiều phía của vương triều Mạc lúc bấy giờ cũng là điều mà chúng ta không thể nào phủ nhận.
            Hơn thế, nếu đọc kĩ  2 tờ biểu dâng lên cho hoàng đế Trung Hoa ở trên, chúng ta cũng có thể bắt gặp không ít những luận giải của triều Mạc xuất phát từ lợi ích của nhân dân:
             “…Thần trộm nghĩ, riêng thần là kẻ có tội, còn nhân dân thì có tội gì? Bệ hạ không nỡ lấy tội của một tôi hèn mà giết hại dân chúng…”
             “…dân không thể tự trị được, mà việc nước trước phải chính danh, danh nghĩa không chính thì việc không thống nhiếp vào đâu; việc không chỗ thống nhiếp thì dân sẽ kéo bè họp đảng tranh nhau mà thành chia lìa tan vỡ, không thể cấm được…”
             “…Nay bệ hạ đã cho Đăng Dung và nhân dân nước thần được tái sinh, nếu để cho loạn lạc mãi, chắc lòng bệ hạ có chỗ không đành…”
            Hay hàng loạt những hành động, chính sách cụ thể mà vương triều Mạc thực hiện sau đó nhằm tạo ra môi trường chính trị, kinh tế, xã hội ổn định của đất nước, không thể không khiến cho chúng ta nghĩ đến phương cách “nhún nhường” nêu trên của triều Mạc phải chăng chỉ là giải pháp tạm thời nhằm duy trì sự cầm quyền và khẳng định tính chính thống của dòng họ, từ đó hướng đến mục tiêu lâu dài: trị quốc, an dân sau những biến loạn của đất nước cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI?
            2. Hoạt động triều cống trong quan hệ bang giao giữa triều Mạc (Việt Nam) và triều Minh (Trung Quốc)
            Dưới triều Mạc, dù chịu tác động của bối cảnh lịch sử đầy thử thách, song cũng như các triều đại phong kiến trước đây, vấn đề "triều cống" vẫn là một trong hai cơ sở chủ yếu (bên cạnh hoạt động “sách phong”) để xây dựng mối quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo như các từ điển của Trung Quốc, thì cống là "bên dưới hiến dâng trên" (Hạ phong thương viết cống). Cũng theo Thiên Vũ Cống trong sách "Thượng thư"(7) thì chế độ triều cống này có nguồn gốc từ chế độ cống nạp của thời kỳ công xã nguyên thủy. Đến thời quân chủ, Trung Quốc lại áp dụng chế độ triều cống này để buộc các nước có quan hệ chịu thụ phong ở Trung Quốc phải thực hiện. Các nước phiên thuộc sẽ phải nộp những vật phẩm quý cho “Thiên triều” theo quy định thoả thuận giữa hai bên, mang tính chất bắt buộc(8).Chính vì triều cống là quy định mang tính bắt buộc như vậy trong quan hệ giữa “Thiên triều” và “chư hầu” xưa nay, nên ngay sau khi ban tước hiệu cho Mạc Đăng Dung, vua Minh lập tức ra sắc dụ “nhắc nhở” triều Mạc phải tiến cống theo lệ thường: “Ngươi phải hết lòng trung thành, giữ lễ chức cống, vỗ về dân chúng cho địa phương được yên, vâng theo cái ý cưu mang các nước, yên vỗ người xa của triều đình…và được hưởng phúc lâu dài”(9). Cũng từ đây, chúng ta được chứng kiến hoạt động triều cống diễn ra khá đều đặn từ thời Mạc Đăng Dung đến Mạc Mậu Hợp:
Bảng thống kê số lần triều cống “thiên triều” Trung Hoa
dưới triều Mạc
STT
Năm triều cống
Nội dung triều cống
1
1542
Mạc Đăng Dung sai bọn Nguyễn Chiêu Huấn, Vũ Tuân và Tạ Đình Phong đem sản vật sang tiến cống nhà Minh
2
1548
Mạc Phúc Nguyên sai Lê Quang Bí(10) sang cống nhà Minh
3
1580
Mạc Mậu Hợp sai 4 bộ sứ thần là Lương Phùng Thìn, Nguyễn Nhân An, Nguyễn Uyên, Nguyễn Khắc Tuy, Trần Đạo Vịnh, Nguyễn Cảnh, Đỗ Uông, Vũ Cận, Nhữ Tông, Lê Đình Tú, Vũ Cẩn và Vũ Tình, tổng cộng 16 người, sang cống nhà Minh và nộp bù số lễ cống trong những năm trước.
4
1584
Mạc Mậu Hợp sai 2 bộ sứ thần là Nguyễn Doãn Khâm và Nguyễn Năng Thuận sang cống nhà Minh, đặt lệ 6 năm 1 lần cống 2 lễ
(Theo: Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí - Bang giao chí, Bản dịch. Nxb Sử học, Hà Nội, 1961 và Lê Qúy Đôn: Đại Việt Thông sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1978)
Theo bảng thống kê trên, chúng ta nhận thấy, mặc dù chịu sự chi phối không nhỏ của hoàn cảnh lịch sử, nhưng về cơ bản hoạt động triều cống được duy trì đều đặn dưới vương triều Mạc. Điều này thể hiện sự kính trọng của nước ta với nước lớn Trung Hoa, mong muốn giữ mối quan hệ hoà hiếu giữa 2 bên. Mặt khác qua đó, những người đứng đầu triều Mạc cũng muốn đảm bảo giá trị của sự sách phong mà hoàng đế Thiên triều ban cho.
Và điều đáng nói, trên thực tế thì số lượng cống phẩm mà triều Mạc tiến cống cho Trung Hoa là không hề nhỏ. Qua Lịch triều hiến chương loại chí hay Đại Việt thông sử, chúng ta có thể minh chứng rõ nét điều này. Sau đây lễ cống phẩm năm 1542 của vương triều Mạc:
- 4 lò hương và bình cắm hoa bằng vàng nặng 190 lạng
- 1 con rùa bằng vàng nặng 19 lạng
- 2 lò hương và bình cắm hoa bằng bạc nặng 151 lạng
- 12 mâm bạc nặng 641 lạng
- 60 cân trầm hương
- 148 cân tốc hương
- 30 cây giáng châu hương
- 20 sừng tê giác
- 30 cái ngà voi(11)
            Rõ ràng, số lượng cống phẩm, tặng vật mà nước ta sang triều cống Trung Quốc lúc này không đơn thuần mang ý nghĩa tượng trưng nữa. Trên thực tế, Trung Quốc đã thu được nguồn lợi kinh tế lớn từ việc này. Như vậy, xét từ phương diện ngữ nghĩa cũng như nội dung thực tế của hoạt động triều cống thì bấy giờ“trước hết và chủ yếu cống là “thuế” mà chủ nghĩa phong kiến Trung Quốc thời trung thế kỷ đã duy trì(12)” nhằm thu nguồn lợi kinh tế không ít từ các nước nhỏ yếu hơn trong khu vực. Và trong cái thế muốn giữ được độc lập chủ quyền một cách hòa bình thì Việt Nam cũng như nhiều nước “chư hầu” khác của Trung Quốc bấy giờ “buộc” phải tiến hành quan hệ bang giao hình thức triều cống này.
            Như vậy, về danh nghĩa, hoạt động triều cống này biểu thị thái độ nước nhỏ phải kính trọng nước lớn. Về thực chất, nó chinhs là cái giá phải trả cho quyền độc lập, tự do, thứ mà triều Mạc cũng như mỗi người dân Việt Nam không bao giờ muốn mất.
*    *
*
            Có thể nói, dưới ảnh hưởng của tư tưởng triết học Trung Hoa mà chủ yếu là Nho giáo, những người đứng đầu vương triều Mạc đều đã tự đặt quyền lực “trời” ban cho mình dưới quyền lực của “Thiên triều” Trung Hoa, xem đó như là một điều hợp lẽ trời trong quan hệ giữa nước lớn với nước nhỏ. Và cũng như các triều đại phong kiến trước và sau nó, cùng với việc sách phong,  triều Mạc đặc biệt coi trọng hoạt động triều cống theo lệ với “Thiên triều” và xem đó như là phương tiện giao tiếp không thể thiếu trong việc duy trì quan hệ hòa hiếu giữa “chư hầu” và “thượng quốc” thời bấy giờ.
            Nếu nhìn bề ngoài thì quả thật rất dễ cho rằng: sự nhún nhường trong hoạt động xin sách phong và triều cống của vương triều Mạc là biểu hiện cho sự “phụ thuộc” của “chư hầu” Việt Nam trong quan hệ với “Thiên triều” Trung Hoa. Song thực chất của những hoạt động này lúc bấy giờ ra sao?
            Mỗi chúng ta đều biết rằng, trong tâm thức của cả dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay thì khái niệm “độc lập” luôn được hiểu là đất nước hòa bình, không có ngoại xâm, phương Nam và phương Bắc cương giới phân định rõ ràng, còn “lệ thuộc” được hiểu là bị mất độc lập, bị ngoại bang xâm chiếm và bị đè nén, áp bức trên tất cả  mọi lĩnh vực. Nếu chúng ta đối chiếu cách hiểu trên với hoạt động sách phong, triều cống bấy giờ thì xét về cơ bản chúng không hoàn toàn xâm phạm vào nguyên tắc “độc lập”, tức là không bị “lệ thuộc” theo cách hiểu như trên. Điều dễ nhận thấy là, tuy chỉ được hoàng đế Trung Hoa phong chức Đô thống sứ (tức là chức quan cai quản một vùng) song trên thực tế, từ Mạc Đăng Dung đến Mạc Mậu Hợp đều là vua đứng đầu một dân tộc đang “độc lập”, tự chủ, không bị thế lực bên ngoài đè nén, áp bức. Hơn thế, tuy danh nghĩa là “Thiên tử” đứng đầu “Thiên hạ” song thực tế thì Trung Quốc không được biết gì nhiều về những công việc nội trị của Việt Nam lúc này, ngoài những thông báo mang tính nghi lễ ngoại giao như: việc vua này lên ngôi, vua khác băng hà…Bởi vậy mà triều Mạc trong suốt những năm cầm quyền đã “tự quyết định” đường hướng và các chính sách kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội để phát triển đất nước mà không cần có sự cho phép hay đồng ý của “Thiên triều”. Từ đây, triều Mạc đã khơi dậy được những tiềm năng, nhân tố phát triển mới nhằm xây dựng tiềm lực mạnh đương đầu với thế lực Nam triều, ngăn chặn hiểm họa từ phương Bắc, cho muôn dân được no đủ (13), thực hiện trách nhiệm lớn nhất của đạo trị quốc là an dân.
            Với tất cả những điều nói trên, thiết nghĩ một cái nhìn khách quan, công bằng và toàn diện hơn về những hoạt động bang giao giữa triều Mạc với triều Minh thời bấy giờ quả là một sự cần thiết!

            CHÚ THÍCH:
(1). Tạ Ngọc Liễn, Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thế kỷ XV - dầu thế kỷ XVI, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.49.
            (2). Triều Minh nghe tin Mạc Đăng Dung lên ngôi, sai Mao Bá Ôn đem quân sang lấy tiếng phù Lê diệt Mạc để tập hợp đông đảo quan lại đi theo, nhưng thực bụng là cướp nước ta. Mao Bá Ôn đã dùng thủ đoạn quen thuộc của Thiên triều là: một mặt dùng người Việt giết người Việt, dụ dỗ ban thưởng cho những người Việt nào nổi dậy giết được cha con Mạc Đăng Dung hay dâng đất đai cho chúng, mặt khac uy hiếp đem quân sang tàn phá giết người, đánh mạnh vào lòng người.
            (3). Tạ Ngọc Liễn, Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thế kỷ XV - dầu thế kỷ XVI,Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.64.
(4). Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí - Bang giao chí, Bản dịch. Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tr.147 – 148.
(5). Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí - Bang giao chí, Bản dịch, Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tr.148.
(6). Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí - Bang giao chí, Bản dịch, Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tr.148.
            (7). Thượng thư , tức Kinh thư, cũng gọi là Chu thư.
(8). Tạ Ngọc Liễn, Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thế kỷ XV - dầu thế kỷ XVI,Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.70 - 72.
(9). Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí - Bang giao chí, Bản dịch, Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tr.148 hoặc Lê Qúy Đôn, Đại Việt Thông sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, tr.149 – 150.
(10). Lí Quang Bí sang thì bị người Minh giữ lại ở Nam Kinh, đến năm 1563 mới được lên Bắc Kinh. Lê Quang Bí phải ở lại Trung Quốc 18 năm mới trở về nước. Khi về tới Đông Kinh, ông được Phúc Nguyên phong cho tước Tô quận công. Theo: Lê Qúy Đôn, Đại Việt Thông sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1978.
(11). Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí - Bang giao chí, Bản dịch, Nxb Sử học, Hà Nội, 1961, tr.172 hoặc Lê Qúy Đôn, Đại Việt Thông sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội,1978, tr.160.
            (12). Tạ Ngọc Liễn, Quan hệ giữa Việt Nam – Trung Quốc thế kỷ XV – đầu thế kỷ XVI, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.81.
            (13). Xem thêm: Trần Thị Vinh, Nhận thức về nhà Mạc trong một phần tư thế kỷ qua. Hội thảo khoa học: Sử học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa: Những vấn đề lý luận và phương pháp tiếp cận, Hà Nội, 3/2011.

SAI, ĐÚNG TRONG CÁCH DÙNG TỪ HÁN VIỆT (Hữu Đạt)


SAI, ĐÚNG TRONG CÁCH DÙNG TỪ HÁN VIỆT

SAI, ĐÚNG TRONG CÁCH DÙNG TỪ HÁN VIỆT
và vấn đề "giải pháp".
(in trên Văn nghệ số 32 ngày 9/8/2008)
Hữu Đạt.
Từ Hán Việt - đó là câu chuyện đã được bàn luận từ rất lâu nhưng luôn là vấn đề thời sự nóng bỏng. Bởi lẽ, ngoài tư cách là đối tượng nghiên cứu của khoa học ngôn ngữ ( trực tiếp là của bộ môn từ vựng học), nó còn là một hiện tượng thường đụng chạm tới trong giao tiếp hàng ngày. Việc dùng từ Hán Việt như thế nào được gọi là đúng, thế nào là sai hoàn toàn không phải là vấn đề đơn giản. Vì những lẽ đó, trong mấy năm gần đây, báo Văn nghệ của Hội nhà văn đã dành nhiều trang đăng tải ý kiến của các học giả, các nhà nghiên cứu và bạn đọc về vấn đề này. Đây là một việc làm rất hữu ích.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc quan niệm thế nào là đúng, thế nào là sai trong cách dùng từ Hán Việt, cũng như việc định ra một giải pháp nhằm khắc phục tình trạng sử dụng tùy tiện loại từ này hiện vẫn còn nan giải. Tình hình đó cho thấy tính phức tạp của vấn đề, đồng thời cũng phản ánh những yêu cầu cấp bách của xã hội.
Trứơc hết, chúng tôi tán thành với quan niệm của tác giả Vũ Cao Phan là, nếu như không có giải pháp cho vấn đề trên thì tình hình dùng từ Hán Việt sẽ ngày càng bừa bãi ( xem thêm Văn nghệ số 27 ngày 5-7-2008). Hậu quả tất yếu là, tiếng Việt không những bị mất đi sự trong sáng mà bức tranh ngôn ngữ của thời hiện đại sẽ ngày càng biến loạn.Điều này sẽ tạo ra những trở ngại lớn cho việc tiếp thu và truyền thụ những kiến thức của khoa học công nghệ. Không phải ngẫu nhiên mà từ lâu, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhắc nhở chúng ta cần phải quan tâm đến việc "giữ gìn và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt".
Nhưng trước khi đi tới giải pháp, chúng ta cần có sự thống nhất với nhau trên một số quan niệm căn bản. Dù rằng, quan niệm bao giờ cũng mang tính cá nhân, song chí ít cũng phải xuất phát từ góc độ khoa học. Có như vậy, câu chuyện mới không trở thành cuộc tranh luận bàn tròn, không có hồi kết thúc.
Như đã nói, từ Hán Việt là một hiện tượng phức tạp. Nó là kết quả của quá trình giao lưu và tiếp xúc ngôn ngữ giữa hai dân tộc Hán và Việt trong nhiều thế kỷ. Do những nguyên nhân lịch sử và địa lý đặc biệt, cuộc tiếp xúc ngôn ngữ của hai thứ tiếng này có những đặc trưng riêng khó tìm thấy ở các cuộc tiếp xúc ngôn ngữ khác. Bởi thế, tính chất, đặc điểm và cách sử dụng của từ Hán Việt cũng hoàn toàn khác với các loại từ như Hán- Nhật, Hán-Hàn, Hàn - Triều...cũng do tiếp xúc ngôn ngữ mà nên. Sự khác biệt ấy thể hiện trước hết ở phương diện, khối lượng từ Hán Việt trong kho từ vựng tiếng Việt là rất lớn ( Theo các kết quả thống kê từ vựng học, trong một số phong cách chức năng, chẳng hạn, trong phong cách hành chính,số lượng các từ Hán Việt lên tới 80-85%). Thứ hai, quá trình xử lý các yếu tố gốc Hán ( các từ gốc Hán) trong tiếng Việt cũng hoàn toàn khác với các ngôn ngữ khác trong vùng cùng có quan hệ tiếp xúc với tiếng Hán. Đây là những lý do khiến cho các nhà nghiên cứu không chỉ của Việt Nam mà ngay cả của Trung Quốc cũng phải thừa nhận: Từ Hán Việt là một loại từ đặc biệt trong vốn từ vựng tiếng Việt. Nó không thuộc lớp từ vay mượn mà là của tiếng Việt đích thực. Bấy lâu nay, trên báo chí cũng như các tài liệu nghiên cứu, việc bỏ dấu gạch nối giữa hai chữ Hán và Việt( không viết là "Hán-Việt" mà viết "Hán Việt" ) chính là nhằm thể hiện quan niệm này.
Có lẽ, do chưa có điều kiện quan tâm đầy đủ đến vấn đề mà một số tác giả, trong đó có tác giả Vũ Cao Phan từng viết " Mặc dù được sử dụng nhiều và phát triển ngày càng phong phú trong ngôn ngữ Việt, về mặt chính thức từ Hán-Việt vẫn bị coi là thứ từ vay mượn" ( Vũ Cao Phan "Thử đề xuất một giải pháp" Văn nghệ số 27 ngày 5-7-2008, tr 21). Theo chúng tôi được biết, cho đến nay chưa có một tài liệu chính thức nào của Nhà nước ( tức các Nghị định, Quyết định, Thông tư, Chỉ thị hoặc các văn bản luật, sách giáo khoa...) công bố một quan niệm như trên.
Cho đến nay, một quan niệm có thể được coi như có tính thống nhất gần như hoàn toàn ở hầu hết các nhà nghiên cứu Việt ngữ, chính là: "Từ Hán Việt là các từ mà người Việt mượn từ tiếng Hán, nhưng được đọc theo cách của người Việt Nam". Theo các kết quả được được đông đảo giới học giả chấp nhận thì, từ Hán Việt là các từ gốc Hán được du nhập vào Việt Nam khỏang từ đời Đường. Sở dĩ người ta vạch ra một điểm mốc như vậy là vì, từ trước đời Đường cũng đã có một số từ gốc Hán du nhập vào tiếng Việt trong quá trình tiếp xúc ngôn ngữ. Những từ này được người Việt quen dùng tới mức quên cả nguồn gốc của nó nên được coi như là từ thuần Việt. Tuy nhiên về mặt khoa học, để gọi tên chính xác các từ loại này người ta đã dùng khái niệm từ "Hán cổ" hay "Hán Việt cổ" để phân biệt với các từ Hán Việt xuất hiện từ đời Đường trở về sau ( có tác giả còn phân chia chi tiết hơn các từ loại này thành từ Hán thượng cổ và từ Hán cổ).
Mặc dù định nghĩa như đã nêu, nhưng không có một nhà nghiên cứu nào lại không nêu thêm một vấn đề thứ hai: Từ Hán Việt là một bộ phận rất quan trọng của kho từ vựng tiếng Việt. Nó hoàn toàn không giống như các từ mà tiếng Việt vay mượn của tiếng Pháp, tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác.
Như vậy, hoàn toàn không có vấn đề như tác giả Vũ Cao Phan đặt ra là: do chưa nhìn thấy đúng vai trò và tầm quan trọng của từ Hán Việt nên chúng ta chưa có giải pháp khoa học về vấn đề này. Đặc biệt là chưa chú ý dạy nó ở bậc học phổ thông.
Vậy thì nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng dùng từ Hán Việt bừa bãi và sai nhiều như hiện nay ? Chúng tôi đồng tình với tác giả Vũ Cao Phan, trước hết đó là do sự am hiểu ngôn ngữ và tính cẩn trọng của người viết. Thứ hai là do trách nhiệm của những người biện tập trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, đài truyền thanh, truyền hình và xuất bản. Tuy nhiên, để cho minh bạch, cũng cần làm rõ giới hạn giữa sự cẩu thả trong công tác biên tập và trình độ xử lý loại từ này trong các văn bản.
Thực ra, cái gọi là từ Hán Việt chỉ tồn tại trong nhận thức của các nhà nghiên cứu hoặc các trí thức có am hiểu ít nhiều về ngành khoa học nghiên cứu về ngôn ngữ chứ nó không tồn tại trong nhận thức của toàn dân. Nếu chúng ta thử làm một công tác điều tra về xã hội học thì sẽ thấy rằng, không phải chỉ với học sinh mà ngay cả với các giáo viên cấp phổ thông trung học ( thậm chí một số giáo viên dại học) việc nhận diện đâu là từ Hán Việt, đâu là từ thuần Việt cũng chẳng phải dễ dàng gì.
Một câu hỏi đặt ra: Tại sao đại bộ phận người dân Việt Nam ( khoảng trên 90%) không phân biệt được Hán Việt hay không phải là Hán Việt nhưng trong giao tiếp họ vẫn sử dụng được nó một cách khá thuần thục mà lại ít mắc lỗi ( tức là không có sự hiểu nhầm trong việc trao dổi thông tin) ? Trong khi đó, các hiện tượng sai lệch trong việc sử dụng loại từ này lại chủ yếu rơi vào các nhà báo, các nhà văn, nhà thơ, ...những người có điều kiện xuất hiện tên tuổi của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng ? Một câu hỏi vui vui có tính phản biện cho định đề của nhiều học giả đã bàn về vấn đề này là: Phải chăng, chính vì được học về từ Hán Việt, biết ít nhiều về từ Hán Việt mà họ lại càng hay sử dụng sai? Điều đó tưởng như nghịch lý, nhưng thực tế, những đối tượng như vừa dẫn chính là những người có điều kiện học hành và tiếp xúc với từ Hán Việt nhiều nhất! Vậy thì cái giải pháp áp dụng dạy từ Hán Việt cho học sinh từ bậc phổ thông có đủ lý do tồn tại?
Để thực sự có một giải pháp hữu hiệu cho việc khắc phục tình trạng dùng từ Hán Việt khá bừa bãi hiện nay, trước tiên chúng ta cần có một quan niệm chung thống nhất, việc dùng từ Hán Việt thế nào gọi là đúng, thế nào gòi là sai?
Chúng tôi nhất trí với tác giả Vũ Cao Phan khi cho rằng, nếu cứ dùng từ Hán Việt như một vài tác giả trên tờ Thể thao và Văn hóa (và một số báo khác...) thì quả là tình hình sẽ rất lộn xộn trong việc hiểu và giải nghĩa thông tin. Vì rằng, thực ra vấn đề không phức tạp và khó hiểu nhưng chính người viết lại làm cho nó rắc rối và khó hiểu do cách sử dụng từ ngữ của mình. Điều này có thể do người viết chưa hiểu nghĩa từ, có thể do người viết sính nói chữ, muốn rút tít đề bài báo cho ấn tượng nhàm câu khách nên hậu quả là đã đưa đến tình trạng như tác giả Vũ Cao Phan đã phân tích.
Tuy nhiên, chúng tôi lại không hoàn toàn nhất trí với ông trong khá nhiều trường hợp. Chẳng hạn, khi xem xét tới tính sai, đúng của việc dùng từ Hán Việt ông lại thường thiên về việc đối chiếu từ nguyên. Đây là việc làm có phần cứng nhắc, dẫn đến việc làm mất đi tính năng động của từ Hán Việt với tư cách là một sự sáng tạo rất linh hoạt của người Việt Nam. Trên thực tế, các từ gốc Hán khi du nhập vào tiếng Việt hầu hết đã bị biến đổi do áp lực của cấu trúc tiếng Việt. Có nghĩa là, chỉ sau một thời gian, bản chất Hán của các từ này đã bị tiếng Việt đồng hóa để không còn cái vẻ nguyên dạng ban đầu. Hoặc là nó bị biến đổi về ngữ âm, hoặc là nó bị biến đổi về ngữ nghĩa theo cách tri nhận mới của người Việt Nam qua cái vỏ âm thanh ban đầu. Có thể dẫn ra vô số trường hợp để nói về điều này. Chẳng hạn, từ "hy sinh" trong tiếng Hán có nghĩa chỉ con vật dùng tế Trời hoặc thần linh. Nhưng khi vào tiếng Việt nó lại có ý nghĩa là " chết vì một lý tưởng cao cả" hay " tự nguyện nhận về phần mình những thiệt thòi mất mát vì lợi ích chung của cộng đồng" ( Vd "anh ấy đã hy sinh vì tổ quốc" hoặc "Bác Hồ đã hy sinh cả cuộc đời mình cho sự nghiếp đấu tranh giải phóng dân tộc"). Từ "đáo để" trong tiếng Hán có nghĩa là "đến đáy", nhưng khi đi vào tiếng Việt nó lại có nghĩa là cách cư xử không đẹp, khiến người ta khó gần; hoặc có khi nó được dùng làm tiếng đệm nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của tính từ giống như các từ chỉ mức độ "vô cùng", "rất", "lắm" ( Ví dụ " Nó nói hay đáo để!"...). Không một người Việt Nam nào khi uống rượu lại nâng cốc và nói " Nào, ta cạn đáo để đi!" chính là vì từ "đáo để" với tư cách là từ Hán Việt đã khác hoàn toàn với nghĩa từ nguyên của nó. Cho nên, phải tùy trường hợp để xem xét cái sai, cái đúng là nằm ở đâu để phân tích cho sát hợp chứ không thể chỉ căn cứ vào nghĩa gốc của từ nguyên để bắt bẻ. Trong bài báo của mình, tác giả Vũ Cao Phan có đưa ra phê phán một số trường hợp dịch. Chẳng hạn, ông quan niệm, dịch cụm từ "thuyết ba đại biểu" của Đảng Cộng Sản Trung Quốc thành " thuyết ba đại diện" là chưa phù hợp mà phải dịch là "thuyết ba đại biểu" mới đúng. Điều này thật khiên cưỡng. Vì rằng, như đã nói, từ Hán Việt tuy có nguồn gốc từ tiếng Hán, nhưng nó đích thị hoàn toàn là của người Việt Nam, được dùng theo cách của người Việt Nam. Sở dĩ người dịch cụm từ trên đã phải chuyển thành "thuyết ba đại diện" là vì, từ "đại diện" ngoài các nghĩa khác cũng có nghĩa là "đại biểu". Còn nếu dịch là "thuyết ba đại biểu" thì người Việt Nam tuyệt đại đa số sẽ hiểu thành học thuyết chỉ "ba người tiêu biểu" hoặc học thuyết " ba người". Sự lựa chọn cách dịch bị tác giả Vũ Cao Phan phê phán, chúng tôi lại cho rằng đó là một sự sáng tạo cần thiết. Cũng như vậy, việc dịch cụm từ "xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc" chưa hẳn đã thiếu chuẩn xác như tác giả Vũ Cao Phan nhận định .Vì rằng, khi phê phán cách dịch này, tác giả Vũ Cao Phan mới chỉ tính đến cái nghĩa phát triển mà không tính đến cái nghĩa gốc- nghĩa từ nguyên còn được bảo lưu đối với từ Hán Việt này. Với nét nghĩa mới này thì từ "đặc sắc" còn có nghĩa dùng để chỉ một sự vật hiện tượng mang đậm màu sắc địa phương.
Hơn nữa, muốn biết dịch như vậy là sai hay đúng còn phải căn cứ vào nhiều tiêu chuẩn khác nữa đối với yêu cầu dịch thuật. Đối với các văn bản như văn bản hành chính, pháp luật, khoa học, thì ngoài yêu cầu về nghĩa còn phải chú ý đến cả tính thuật ngữ của nó. Với tiêu chuẩn này thì cách dịch "xây dựng CNXH mang màu sắc Trung Quốc" rõ ràng dài dòng hơn vì phải dùng đến một cụm từ. Còn cách dịch"xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc" mang tính thuật ngữ rất cao. Về sắc thái, ý nghĩa của nó cũng "đầy" hơn so với cách dịch "xây dựng CNXH mang màu sắc Trung Quốc".
Ngoài ra, trong trường hợp này lại còn chú ý phải thái độ, quan điểm của người dịch (tán đồng hay không tán đồng, tin hay chưa tin vào mô hình CNXH kiểu này). Nghĩa là, đứng trên quan điểm của lý thuyết giao tiếp có thể đánh giá, cách dịch "xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc" là một cách dịch thông minh. Nó cho ta hai cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất "đây là mô hình xây dựng CNXH mang đậm/ đặc màu sắc Trung Quốc". Còn cách hiểu thứ hai thì hàm một ý nghĩa chưa tin: dù sao, mô hình xây dựng CNXH kiểu như vậy mới chỉ là một thử nghiệm ở Trung Quốc. Nó sẽ ra sao thì còn phải chờ thời gian mới có câu trả lời. Điều này, xét cho cùng, cũng đúng với tinh thần của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Những điều chúng tôi vừa phân tích cho thấy, việc đánh giá tính đúng, sai trong quá trình sử dụng từ Hán Việt, dựa vào quan hệ với từ nguyên chỉ là một phần, điều quan trọng là phải dựa vào hai điểm mấu chốt: một là, cách tri nhận của cộng đồng người Việt đối với cái vỏ âm thanh vốn có nguồn gốc từ tiếng Hán; hai là mục đích nói năng của người tạo lập văn bản/ ngôn bản. Điểm thứ hai cho phép tính sáng tạo, năng động của người dịch ( tất nhiên, sáng tạo thế nào để được cộng đồng ngôn ngữ chấp nhận là một vấn đề). Còn điểm thứ nhất cho phép sự mở rộng biên độ về nghĩa của từ cũng như khả năng kết hợp các yếu tố từ vựng để tạo lập từ mới. Đây chính là nguyên nhân làm cho nhiều từ Hán Việt có khả năng phái sinh nghĩa rất cao ( chúng tôi nhấn mạnh phái sinh chứ không phải phát sinh) khiến cho ngay cả những người Trung Quốc cũng không thể hiểu được các nét nghĩa mới của cái từ Hán vốn là gốc gác của họ. Ví dụ, "đồng tiền" trong tiếng Hán chỉ có nghĩa là "sự vật bằng kim loại bằng đồng, bằng kẽm, được đúc mỏng, ở giữa có lỗ vuông hay tròn và bề mặt có ghi niên đại". Nhưng khi du nhập vào tiếng Việt và trở thành từ Hán Việt, nó lại có các nét nghĩa mới mà trong nghĩa từ nguyên không có. Đó là các nét nghĩa: chỉ quyền lực ( Vd Hạt tiêu nó bé nó cay /Đồng tiền nó bé nó hay cửa quyền- ca dao), chỉ chỗ lõm có duyên trên má người con gái ( Vd Má lúm đồng tiền). Trong khoảng nửa thế kỷ gần đây, từ Hán Việt này còn được bổ sung thêm một ý nghĩa mới là chỉ phương tiện quan trọng nhất cho sự tiến thân hoặc duy trì sự sống hay sự công bằng ( Vd Đồng tiền là tiên là Phật/ là sức bật của tuổi trẻ / là sức khỏe của tuổi già / là cái đà của danh vọng /là cái lọng che thân / là cán cân công lý...)( Xin lưu ý là ở đây chúng tôi chỉ phân tích sự vận động về nghĩa của từ chứ chưa phân tích cái tính triết lý trong các câu nói trên là đúng hay sai).
Sự mở rộng biên độ về nghĩa của từ Hán Việt là một qui luật nội tại của ngôn ngữ Việt. Qui luật này đảm bảo cho khả năng vô tận của các ký hiệu ngôn ngữ trong việc chuyển tải sự năng động và sáng tạo của từ duy. Vì rằng, vỏ âm thanh của bất kỳ ngôn ngữ nào dù lớn đến đâu vẫn chỉ có giới hạn, trong khi nhận thức của con người là vô hạn. Để cân bằng trạng thái vô lý về mặt hình thức này, việc cấp cho các vỏ âm thanh đã có những nét nghĩa mới là sự đương nhiên. Nếu xem xét tính đúng, sai trong việc dùng từ Hán Việt mà không tính tới điều này thì vô hình trung chúng ta ta đã làm chết cứng tư duy và khả năng sáng tạo của người Việt. Chẳng hạn, đã có một thời báo chí từng phê phán cách dùng từ " sát nhập". Nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng phê phán, dùng "sát nhập" là sai mà phải dùng "sáp nhập" mới đúng. Thế nhưng, cứ sau một thời gian thì từ "sát nhập" lại được dùng trở lại như là một hiện tự nhiên. Sức sống của từ này không phụ thuộc vào ý chí của một vài nhà nghiên cứu. Vì sao vậy? Nếu xem xét kỹ ta sẽ thấy, đây hoàn toàn không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên. Trái lại nó có căn nguyên từ các hiện tượng mang tính xã hội. Như ta đã biết, phụ âm p vốn không có trong tiếng Việt mà là một âm mượn từ tiếng Pháp, rất khó phát âm. Nó là phụ âm cuối trong âm tiết sáp. Khi phát âm cả tổ hợp từ ghép sáp nhập, do ảnh hưởng của âm nh ( âm mở đầu của âm tiết đứng sau) nên âm p bị biến dạng đi.

Ở đây có một sự nhầm lẫn đáng bàn. Đó là cách định nghĩa từ Hán Việt căn cứ vào nguồn gốc hoàn toàn khác với việc xếp đặt vị trí của nó trong kho từ vựng chung.Ấy là chưa nói, tỷ lệ sai sót trong việc nhận diện ở đối tượng này còn chiếm một tỷ lệ rất cao( theo một số cứ liệu chúng tôi điều tra thì có đến trên 85% số giáo viên trung học được hỏi đều có sự nhận diện không chính xác). Điều đó cho thấy, cái tiềm thức về sự hiểu biết từ Hán Việt hay thuần Việt thực ra là không quan trọng. Quan trọng đối với người sử dụng ngôn ngữ là vấn đề từ khó hay không khó. Ý nghĩa này tương tự với cái nghĩa của nghĩa từ nguyên trước khi du nhập là "sắc thái riêng, sắc thái đặc biệt"(Chẳng hạn, người ta thường nói: "Chôm chôm, xoài riêng, măng cụt ...là những sản vật đặc sắc của miền Nam"). Rõ ràng, với câu nói này thì "đặc sắc" không chỉ có nghĩa là "xuất sắc tuyệt vời" tác giả đã nói.P vốn là phụ âm môi-môi, nay bị âm mặt lưỡi nh kéo lui về phía sau nên kết quả đã biến thành âm t là một âm đầu lưỡi răng. Cộng đồng người Việt chấp nhận từ ghép này vì nó thuận với cách phát âm của người Việt mà xét về nghĩa nó lại dễ hiểu và không sai với nghĩa vốn có. Quả thực, một người Việt Nam bình thường không thể hiểu "sáp nhập" là gì, vì họ không thể giải thích được nghĩa của "sáp". Nhưng "sát" thì ai cũng hiểu là " liền nhau","gần nhau", "sát cạnh nhau". Có " sát liền nhau" mới "nhập làm một được ( Vd Sơn Tây sát nhập với Hà Đông thành Sơn Tây. Không thể có chuyện Sơn Tây sát nhập với Ninh Bình thành Sơn Ninhđược).





Cũng như vậy, trong thời kỳ đổi mới, việc xuất hiện từ ghép " kích cầu" lần đầu tiên trên báo chí đã bị một số người yêu thích tiếng Hán công kích quyết liệt, cho rằng đó là sự sử dụng từ Hán Việt tùy tiện, bừa bãi làm mất đi sự trong sáng của tiếng ta. Thế nhưng, chỉ sau chừng một năm thì từ ghép này đã được dùng phổ biến và đến nay thì không ai còn hoài nghi về độ chuẩn xác của nó nữa. Vì sao lúc đầu các tác giả của nó bị phê phán mạnh mẽ như vậy ? Đó là do thói quen ngôn ngữ. Trong thời kỳ bao cấp, chúng ta tuân theo lý thuyết "kế hoạch hóa" nên "kích cầu" mới chỉ được dùng với tư cách là một từ tổ chứ không phải là từ ghép với ý nghĩa là "tác động để nâng cao cây cầu lên". Nay trong điều kiện kinh tế mới, tiếng Việt cần bổ sung các thuật ngữ chuyên ngành. Các nhà kinh tế đã tạo ra từ ghép này bằng cách rút gọn cụm từ " kích thích nhu cầu". Đây chính là một sự sáng tạo rất đáng khuyến khích. Bởi vì, trong tiếng Việt đã có tiền đề tạo ra từ ghép kiểu này( Vd Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Liên Xô). 
Sự phong phú trong cách sáng tạo rất riêng của người Việt Nam trong quá trình sử dụng các từ Hán Việt đã mở ra một sức sống mới cho các vỏ âm thanh vốn đã cũ trong việc diễn đạt những nhận thức mới của tư duy. Bởi thế, khi bàn đến việc sử dụng loại từ này thế nào cho thật chuẩn xác chúng ta không thể không chú ý đến những tác động của biến đổi xã hội, tâm lý cũng như hoàn cảnh kinh tế trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể của người Việt. Cách sử dụng từ "giải phóng" là một ví dụ. Với nghĩa gốc là " làm cho thoát khỏi ách chiếm đóng, nô dịch để được tự do", khi du nhập vào Việt Nam, người Việt đã tạo cho nó nhiều nét nghĩa mới (Vd, Trước khi kết thúc buổi học, thấy học trò xôn xao muốn nghỉ sớm, người thầy nói " Thôi được, cho giải phóng"; sau hồi lâu đường xá bị tắc vì xe cộ, một người reo lên "Đường được giải phóng rồi"; khi lái xe phải chờ lâu trong chuyện bốc dỡ hàng liền gọi người bốc vác "giải phóng hàng nhanh lên hộ tôii"; khi hai gia đình phải sống chung trong căn hộ tập thể nhiều năm, nay được tách ra ở riêng cũng nói" Chờ đợi mãi, nay mới được giải phóng"....). Nếu ta cứ căn cứ vào nghĩa của từ gốc mà bắt bẻ dùng như thế là tùy tiện thì thật cứng nhắc và chưa hiểu đúng qui luật vận động của ngôn ngữ.
Cái lý do hiển nhiên làm cho các từ Hán Việt trở thành một bộ phận đích thực của tiếng Việt chứ không phải là từ vay mượn chính là ở những điểm này. Ngoài sự thay đổi về cách đọc cũng như việc mở rộng hay thu hẹp, thậm chí biến đổi hoàn toàn về ý nghĩa, từ Hán Việt còn có khả năng sản sinh từ mới rất cao. Cái đó, người ta gọi là khả năng cấu tạo từ. Hiện tượng này xảy ra trong tiếng Việt hiện đại rất nhiều. Có thể đưa ra một loạt các từ như: nội ô, cứu hạn, cứu đói, cứu thương, cứu nguy,tiểu phẫu, đại phẫu, tiểu đoàn, trung đoàn... cách tạo ra các từ mới kiểu này xuất phát từ cách tri nhận riêng của người Việt với các yếu tố gốc Hán "nội", "cứu", "tiểu", trung", "đại"...
Nếu xem xét toàn diện hơn, các từ Hán trong quá trình du nhập vào Việt Nam không chỉ chịu áp lực của tiếng Việt nên đã biến đổi về nghĩa, về âm thanh, về khả năng cấu tạo mà còn có những khả năng hoàn toàn mới về khả năng kết hợp cú pháp. Có rất nhiều yếu tố, trong tiếng Hán không thể đứng độc lập thành một từ, nhưng khi vào tiếng Việt, người Việt lại cấp cho nó khả năng này. "Dân" là một trong các ví dụ như vậy. Trong tiếng Hán, "dân" không có khả năng tách ra thành từ độc lập. nhưng trong tiếng Việt người ta lại nói và viết: "làm tốt công tác dân vận theo phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân" hoặc" nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin"( Văn kiện Đại hội Đảng X Đảng Cộng Sản Việt Nam)
Tất cả những điều chúng tôi trình bày ở trên cho thấy, từ Hán Việt là một vấn để rất phức tạp. Khi đánh giá tính đúng, sai của việc dùng nó không thể chỉ dựa vào vốn tiếng Hán là đủ mà cần có một cách nhìn bao quát ở một diện rộng, bao gồm rất nhiều vấn đề. Có như vậy, ta mới tách ra được các hiện tượng sai đích thực và các hiện mang tính sáng tạo, đặc biệt trong cách tạo từ của các nhà khoa học, các nhà kinh tế, các nhà báo và các nhà văn. Mặt khác, để tiến tới một giải pháp khả quan cho việc xử lý vấn đề này cũng cần cân nhắc tới rất nhiều mặt. Nhất là phương pháp dạy cho học sinh hệ thống vốn từ này.

Monday, 19 November 2012

Sung hay xung?


Viết sung, nghĩa là đầy, trong bổ sung, sung túc, sung mãn...
Viết xung, nghĩa là xông, trong xung phong, xung đột.

Sunday, 18 November 2012

BƯỚC ĐẦU NGHIÊN CỨU CHỮ HUÝ ĐỜI TRẦN - Ngô Đức Thọ

Trong các văn bản Hán Nôm, chữ huý là những chữ vì lí do kiêng tên của vua chúa, các vị thần, của người thân trong gia tộc... mà người viết, theo quy định hoặc tự nguyện, đã phải viết biến dạng để trống hoặc thay đổi hẳn đi. Cả quần thể chữ húy họp lại tạo thành một hệ thống những biệt lệ của chữ viết. Người nghiên cứu cần nắm được những biệt lệ đó để đọc văn bản, từ đó nhân ra những biến động về văn bản do việc kiêng huý gây ra. Mặt khác, các chữ huý gắn với những nguyên nhân ra đời và tồn tại của nó, cho nên có thể dùng nó như những chiếc “chìa khoá” để giám định niên đại cho văn bản.
Những người nghiên cứu Hán Nôm thực tế đều tự lý giải những chữ huý thường gặp. Nhưng cho đến nay chúng ta chưa có công trình nào tổng kết thể thức kiêng huý các đời, lấy chữ huý làm đối tượng nghiên cứu khảo tả để có thể cung cấp phương tiện tra cứu khi cần thiết. Cố gắng theo hướng đó, trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu kết quả khảo sát một số chữ huý đời Trần, bước đầu tìm hiểu những định lệ và thể thức viết chữ huý ở thời kỳ này.
I. Lệ viết kiêng huý có từ thời nào?
Những thông tin đầu tiên về việc viết kiêng huý được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư (gọi tắt: Toàn thư) bắt đầu ở kỷ nhà Trần, Suy ra có thể hiểu rằng trước đời Trần các triều đại độc lập của nước ta không có lệ kiêng huý chữ viết nhưng không loại trừ một khả năng: có thể vì thiêu tài liệu mà sử không chép hoặc chép sót. Vì vậy chúng tôi đã tìm những tư liệu liên quan để giải đáp cho câu hỏi này.
Di vật có chữ viết thời Đinh - Lê còn lại rất ít. Đáng chú ý dòng lạc khoản ở cột kinh khắc năm 973 có ghi họ tên người chủ trì việc khắc dựng là “Nam Việt Vương Đinh c Liễn”(1). Điều này gợi một ý tham khảo: Đinh Liễn là nhân vật số hai của triều đình đã được vua cha uỷ cho danh nghĩa đứng đầu vương quốc khi giao thiệp với nhà Tống, trong môi trường có lệ viết kiêng huý thì ở dòng lạc khoản nêu trên ông chỉ cần ghi “Nam Việt vương Đinh” là đủ.
Về văn bia đời Lý, số lượng bia đã biết và công bố là 10 bia(2). Số bản rập (thác bản) hiện có ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm là 6. Kết quả khảo sát 6 bản rập đó cho thấy: 2 bản không gặp chữ cần xem xét (No20953, No20957), 4 bản khác có 12 chữ tên của cả ba vua Lý và 1 chữ tên mẹ vua:
1. Chữ Uẩn (tên huý của Lý Thái Tổ) ở bia chùa Linh Xứng. núi Ngưỡng Sơn, dựng năm 1126 (No20954); 2 chữ Tôn (tên húy của Lý Thánh Tông) ở bia mộ chí Phụng Thánh phu nhân họ Lê, dựng năm 1174 (No20955), và bia chùa Báo Ân, dựng năm 1920 (No4102); 4 chữ Đức (tên huý Lý Nhân Tông) ở văn bia chùa Báo Ân (đã dẫn); một chữ Châu (tên huý của hoàng hậu họ Đỗ, mẹ vua Lý Cao Tông ở bia chùa Báo Ân (đã dẫn).
Các chữ kể trên đều khắc đúng nét theo lối viết bình thường không kiêng huý. Với kết quả khảo sát đó, chúng ta có cơ sở để kết luận rằng từ đời Lý về trước ở nước ta chưa có định lệ viết kiêng húy, và những định lệ về việc đó chỉ bắt đầu cơ từ thời Trần như sử cũ đã ghi.
II. Các điều lệnh kiêng huý đời Trần
Hiện chỉ có Toàn thư là tài liệu duy nhất cho biết một số điều lệnh kiêng huý ở đời Trần (Cuơng mục triều Nguyễn trong phần sọan lại sử đời Trần, đã lược bỏ hầu hết các khoản ghi đó). Từ thời Thái Tông (1225 - 1258) đến Thuận Tông (1388 - 1398), tức là gần hết đời Trần, sử ghi 8 lần triều đình xuống lệnh kiêng húy. Nội dung các quy định như sau:
1. Ban bố những chữ phải kiêng huý:
- Năm 1232: Toàn thư không ghi rõ chữ huý, nhưng lệnh cấm năm 1294 sẽ nhắc lại, so sánh có thể xác định năm này lệnh nêu 3 chữ huý là: Lý, Thừa, Cảnh (Thái Tông, Kiến Trung 8, BK5,7b)(3).
- Năm 1294: Ban bố 10 chữ huý: Thuyền, Khẩm, Khoảng, Cảnh, Thừa, Lý, Phong, Diệu, Oánh, Hâm (Anh Tông, Hưng Long 2, BK6, 1a).
- Năm 1298: Ban bố hai chữ huý: Nguỵ, Châu (Anh Tông, Hưng Long 6, bk6 5a)
- Năm 1299: Quy định 10 chữ huý: Liễu, Nguyệt, Nguỵ, Thấp, Nam, Kiều, Tô, Tuấn, Anh, Tảng (Anh Tông, Hưng Long 7, BK6, 5b)
- Năm 1314: Nhắc lại các chữ húy trước, thêm 3 chữ, tên huý của Ninh Hoàng (tức Trần Minh Tông) huý Manh, và của cả 2 Thái hậu Tuyên Từ, Bảo Từ (không rõ tên) Anh Tông, Hưng Long 22; BK6, 31a)
2. Quy định thể thức kiêng huý:
- Lệnh năm 1232: quy định đổi họ làm họ Nguyễn vì lí do kiêng huý của nguyên tổ (vị sáng lập) là Trần Lý.
- Lệnh năm 1299: quy định khi làm văn không được dùng chữ Liễu và chữ Nguyệt. Còn đối với các chữ huý khác (nêu trong lệnh ấy) thì phải viết bớt nét.
- Lệnh tháng 8 - 1304: quy định “phàm những chữ miếu và ngự danh thì phải viết bớt nét” (Anh Tông, tháng 7 Hưng Long12; BK6, 19b)
3. Quy định những chữ thôi kiêng huý:
- Lệnh năm 1395: Quy định bỏ chữ huý Nguyệt Nam, cho dùng như cũ(Thuận Tông, Quang Thái 8; BK, 15a).
4. Quy định những chữ không được viết kiêng húy:
- Lệnh tháng 9 - 1304 cấm viết bớt nét theo lối kiêng huý đối với 8 chữ miếu huý của nhà Lý(4) (Anh Tông tháng 8 Hưng Long 12, BK6, 19b).
III. Chủ nhân của chữ huý và lệ chứng văn bản
1. Về tên huý của hai đời bậc trên của Trần Thái Tông:
a) Lý: Toàn thư chép: “Vì nguyên tổ huý Lý, cho nên đổi họ Lý làm họ Nguyễn, vả lại để tuyệt lòng mong nhớ của dân đối với nhà Lý” (BK5, 7b). Với điều kiện đó, nhà Trần chính thức ban bố tên huý của ông nội Trần Thái Tông (cha của Thượng hoàng Trần Thừa) là Trần Lý. Việc một người nào đó dùng biểu tự của một dòng họ khác để đặt tên mình, nói chung không phổ biến lắm. Trong trường hợp này lại có sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa tên ông nội vua với họ của triều vua vừa bị thay thế. Lại liên hệ với một trường hợp tương tự sau này nhà Lê cũng công bố chữ Trần là tên húy của Hoàng hậu (vợ) Lê Lợi (Phạm Thị Ngọc Trần) (BK10. 58b), và người họ Trần, vì vậy phải đổi làm họ Trịnh. Sự việc như vậy, gợi lên câu hỏi: Phải chăng cả hai vương triều này đã sử dụng lệ kiêng huý như một biện pháp đặc biệt “để tuyệt lòng mong nhớ” của người dân đối với triều vua trước? Lệnh kiêng húy nói trên có lẽ đã được thi hành khá chặt chẽ. Chúng ta đã biết tên những người họ Lý phải sửa thành họ Nguyễn trong các văn bản đời Trần: trong Đại Việt sử lược, Thái uý Lý Thường Kiệt đổi là Nguyễn Thường Kiệt, tiêu đề kỷ nhà Lý đổi ghi là Nguyễn Kỷ vv... Thiền uyển tập anh (bản in năm 1715 dựa theo văn bản đời Trần) đổi họ của sứ nhà Tống là Lý Giác thành Nguyễn Giác vv...
b) Thừa 承 tên huý của Trần Thừa, Thái thượng hoàng đầu tiên của nhà Trần: chữ này (Thừa 1) có nghĩa là: vâng chịu, tiếp nối, đồng âm với chữ 丞 (Thừa2 = giúp) và đồng âm với một trong 2 âm của chữ 乘 (Thừa3 = nhân theo, tăng thêm; Thặng = cỗ xe, đánh xe).
Cả 3 chữ Thừa nói trên, âm tiếng Hán thời Đường - Tống đều học là Thằng. Các từ thư tự điển cố ghi âm là “Thự lăng thiết” (= Thằng)(5). Riêng chữ huý thứ 3 với nghĩa gốc là cỗ xe, đánh xe thì đọc âm theo âm Thặng (ghi âm là “Thực chứng thiết”).
Nhưng trong cách đọc âm Hán Việt chúng ta vẫn quen đọc cả 3 chữ ấy với âm Thừa (riêng chữ huý thứ 3 giữ thêm âm Thặng) Chẳng hạn với Thừa 1 (= tiếp nối) “kế thừa” = tiếp nối với trước; Thừa 2 (= giúp) có “thừa tướng” = người giúp vua xử lý triều chính; Thừa3 (= nhân theo, tăng lên) có “thừa số” = số tăng lên; “Tiều thừa”, “Đại thừa” - các môn phái Phật giáo.
Như vậy, âm Thừa xuất hiện trong các đọc Hán - Việt có thể coi là một trường hợp rất đặc biệt(6), cần được nghiên cứu thêm. Theo ý kiến chúng tôi thì ở thời Trần một số âm Hán Việt đã phải thay đổi cách đọc do định lệ kiêng huý, như Nguyệt ® ngoại, Nam ® Nôm, Kiền ® càn (xin xem ở mục viết về chữ Hán này). Về sau, tuy không phải kiêng huý những chữ đó nữa nhưng thể biến âm của nó đã lưu truyền khá rộng rãi trong dân gian và tiếp tục còn lại đến nay, song song với chính âm, Chữ Thừa 1 theo ý kiến chúng tôi là một chữ thuộc loại này. Trước đời Trần cả 3 chữ thừa 1, 2, 3 vẫn được đọc là Thằng (Thừa 3 thêm âm Thặng). Đến đầu đời Trần âm đó trùng với tên huý của người cha Trần Thái Tông (rất có thể là một tên Nôm), do đó phải đổi cách đọc: Từ đây nó theo cách biến âm đã có tiền lệ trong tiếng Việt rụng a; → ưa như Gs Nguyễn Tài Cẩn đã gợi ý, xem chú (6) mà đọc thành Thừa, tiểu thừa, đại thừa... là thuật ngữ Phật học chỉ môn phái Phật giáo, các từ điển đều xếp ở âm “Thặng ” với ý nghĩa Phật giáo coi các tăng sĩ như những cỗ xe truyền đạt tư tưởng của Phật đến khắp chúng sinh. Như vậy đáng phải đọc là Tiểu Thặng, Đại Thặng, huý đó sử dụng rộng rãi, lâu dài, cả sau đời Trần đến nay, hầu như đã thay hẳn chính âm, chỉ còn lại dạng Thặng liên quan đến việc đọc kinh điển Nho giáo mà thôi.
- Chữ Thừa 1 chưa tìm thấy mẫu viết, nên kiêng huý, chỉ mới thấy một dạng kiêng huý bỏ trống ô chữ ở câu “Tự thị c tiên húy bất tòng”. ở vị trí bỏ trống c chú bằng chữ nhỏ: “Thái Tổ huý” (Thiền uyển tập anh, tờ 30 d). Tên huý của Thái Tổ nói ở ở đây tức là chữ Thừa 1, (Trần Thừa chỉ là Thái Thượng hoàng, không chỉ chính thức ở ngôi vua, nhưng các vua Trần vẫn tôn xưng là Thái Tổ)
- Chữ Thừa 2 có thể tìm thấy biểu hiện kiêng huý trong việc đổi gọi chức quan. Năm 1299 Trần Anh Tông lấy Đoàn Nhữ Hài làm Ngự sử trung tán. Chức quan này nhà Tống gọi là Ngự sử trung thừa(7). Nhà Trần vì kiêng âm thừa, đổi làm ngự sử trung tán (lấy tán thay cho thừa 2, đều có nghĩa là giúp)
- Chữ Thừa 3 hiện đã phát hiện được mấy mẫu chữ kiêng huý khắc trên bia, chuông:
- Bài Kí khắc trên chông quán Thông Thánh ở Bạch Hạc do Hứa Tông Đạo soạn, đề niên hiệu Đại Khánh ()1314-1323) đời Trần Minh Tông(No4997) có câu: “Đồng lưu phụ bách, thừa hứng nhập Nam” (Theo dòng xuôi thuyền, nhân cảm hứng đi vào nước Nam). Nền bản rập hơi mờ, nhưng soi kính lúp thấy rõ chữ Thừa 3 khắc một nét mác, thay vào đó một vòng tròn nhỏ (xem ảnh 1)
Bài kí khắc bia ở vách đá Đại Bi chùa Sùng Nghiêm núi Vân Lỗi do Phạm sư Mạnh soạn năm Thiệu Khánh 3 (1372) đời Trần Nghệ Tông (No20965) có các câu: “Thừa u không tịch” (cưỡi cõ i tối, không thể chế cõi lặng); “Thừa hứng du phương” (nhân cảm hứng đi du ngoạn nhiều nơi): Cả hai chữ Thừa 3 trên đây đều cùng một mẫu chữ Thừa 3 ở quán Thông Thánh (so sánh ảnh 1 và 2)
2. Tên huý các vua Trần:
Ngoài các chữ huý đã ghi trong toàn thư (Thái Tông: Cảnh(8). Thánh Tông: Hoảng; Nhân Tông Khẩm, Anh Tông: Thuyển, Minh Tông: Mạnh; Hiến Tông: Vượng; Dụ Tông: Hạo; Nghệ Tông: Phủ; Duệ Tông: Kính; Phế Đế: Hiện; Thuận Tông: Ngung; Thiếu Đế: An; Hậu Trần Giản Định: Ngỗi, Trùng Quang: Quý Khoáng). Còn có một số tên huý khắc được ghi lại trong An Nam chí lược (ANCL) của Lê Trắc (thế kỉ XIV):
- Thái Tông từ năm Mậu Ngọ (1258) đổi tên là Quang Bính (ANCL, Q12, 1b); Thánh Tông trước còn có tên là Thế (Q12,2a); Nhân Tông đổi tên là Nhật Huyế (Q12,2a), lại có chỗ ghi là Nhật Tôn ( Nhật + Tôn) (Q2, 5b); Anh Tông còn có tên là Nhật Sủy (Trên chữ hoả dưới chữ Trường); Trần Minh Tông có tên cũ nay là Thiên Minh(9), sau đổi là Nhật Khoảng.
Ngoài ra nguyên sử (Q.209) còn ghi Trần Thánh Tông có tên là Quang Nột (Khẩu + Nội); Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng (Thế kỷ XV)ghi thêm 2 tên huý khác: Trần Dụ Vương (Tức Dụ Tông) còn có tên huý là Lộc Tinh; Nghệ Vương (tức Nghệ Tông) huý là Thúc Minh.
Nhận xét: các chữ huý đã kể trên đây, chúng ta có thể thấy các vua Trần hầu hết đều chọn những chữ “hóc hiểm” để đặt tên. Những chữ ấy phần nhiều đều có nghĩa từ vựng rất đẹp, nhưng sắc thái ngữ nghĩa không mấy khác nhau: đều là những đặc tính của ánh sáng, như Cảnh = ánh sáng mặt trời, Hoảng = ánh sáng rực rỡ, Khẩm = sáng rõ; Thuyển = ánh lửa vv... Đó là những chữ không những ít dùng trong các văn thư thường ngày, mà ngay cả trong sáng tác văn học cũng không mấy gặp. Thậm chí có những chữ như Suỷ (trên chữ hoả + dưới chữ trường) do ANCL ghi, thì ngay cả tự điển Ngọc Thiên (dẫn trong Khang Hy) cũng ghi là “không rõ nghĩa gì”. Hoặc như chữ (trên An + dưới hoả) mà chúng ta tạm đọc âm là An, thực ra chưa rõ âm định ghi là gì. Soạn giả Cương mục phải chú rằng: “Tra trong tự điển (Chỉ Khang Hy tự điển) khắp các phần bị khảo, bỏ đi đều không thấy có chữ này, chưa rõ âm đọc thế nào”!
Có thể thấy dụng ý của người đặt tên, cốt cho tên huý các vua khỏi trùng với tên của dân thường. Và cũng do những chữ ấy rất ít khi xuất hiện trên giấy tờ sách vở nên người viết sách chép sách cũng đỡ phải sử lý việc kiêng huý. Nhưng cũng do đặc điểm này, trong tình hình các văn bản thư tịch, bi kí đời Trần hiện còn rất ít, xác suất tìm thấy nguyên mẫu chữ húy của các vua Trần là rất thấp.
An Nam chí lược ghi lại khá đủ một bộ tên huý đã thay đổi của các vua đầu đời Trần trong khi các sử sách nước ta không hề nói đến. Những tên huý đó xuất hiện rải rác trong các trích lục chiếu chế của nhà Nguyên gửi cho vua Đại Việt, điều đó khiến ta có cơ sở để đoán định rằng: trong các văn thư giao thiệp với nhà Nguyên, các vua Trần đã tự xưng một tên khác (hoặc nói đổi tên). Có thể coi là những “tên giả”, chỉ đặt ra để dùng với nhà Nguyên. Có thể lý giải lí do sử dụng tên giả là vì trong quan hệ ngoại giao với nhà Nguyên trước và trong thời gian 3 lần nhà Nguyên xâm lược nước ta, các vua Trần đề phòng việc quân giặc xấc xược phạm đến tên huý của tông miếu và uy tín của vương triều. Cuối đời Trần, trong quan hệ ngoại giao căng thẳng với nhà Minh, biện pháp đó tiếp tục được thực hiện, và do vậy có thêm một số tên huý giả kiểu đó ghi trong Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng.
3. Về các chữ “nội huý” (tên huý của các Hoàng hậu)
Gồm 4 chữ: Phong, Diệu, Oánh, Hâm. Các bà hoàng này kể từ khi được chọn vào cung làm vợ vua, đến khi chính thức được lập làm Hoàng hậu, khi sinh Hoàng tử nối ngôi vv... đều có những tôn hiệu khác nhau. Vì vậy chỉ căn cứ những điều ghi riêng biệt thì không dễ nhận ra ngay chữ huý nào chỉ bà Hoàng hậu nào. Tuy vậy, phối hợp với các điều ghi trước sau trong Toàn thư, có thể xác định được 3 trong 4 chữ kể trên:
- Oánh: Tên huý của bà Hiển Từ Hoàng hậu họ Lý (Lý Thị Oánh), con gái trưởng của Lý Huệ Tông, hiệu Thuận Thiên công chúa, trước là vợ của Hoài Vương (tức An Sinh Vương) Trần Liễu, sau là Hoàng Hậu, của Trần Thái Tông, mẹ đẻ của Trần Thánh Tông.
- Hâm: tên huý của Nguyên Thánh Hoàng hậu họ Trần (Trần Thị Hâm), con gái thứ năm của An Sinh Vương Trần Liễu, Thánh Tông lập làm Thiên Cảm Hoàng hậu. Bà là mẹ đẻ của Trần Nhân Tông, bà nội của Anh Tông. Toàn thư (BK5, 24b) còn ghi bà có tên huý là Thiều, nhưng chữ ấy không thấy ghi trong bản kê chữ huý.
- Diệu: tên húy của Thuận Từ Hoàng hậu họ Lê (Lê Thị Diệu) mẹ của Trần Thái Tông.
- Về chữ Phong (trùng + phong = con ong), Toàn Thư ghi tên huý của Thánh Từ Hoàng hậu. Nhưng từ thời Anh Tông trở về trước không thấy Toàn Thư chép bà Hoàng nào hiệu là Thánh Từ. Trong các sách chép thế phả nhà Trần có cuốn Trần gia ngọc phả (A2046) là tài liệu duy nhất, tuy không ghi tôn hiệu Thuận Từ, hoàng hậu, nhưng có chép phu nhân của thượng Hoàng Trần Thừa họ Lê tên là Phong. Nhưng sách này phạm nhiều sai lầm thô bạo(10), vì vậy không đáng tin cậy. Vả lại có thể lí giải điều sai lầm này có thể là do người làm sách Trần gia ngọc phả dựa theo Toàn Thư mà nhặt ra, thấy phần đầu kỷ nhà Trần chép việc Trần Liễu giữ chức Tri thánh từ cung từ đó suy ra vợ của Thượng hoàng (ở cung Thánh Từ) thì cũng có hiệu là Thánh Từ Hoàng hậu. Sự thực thì không riêng ở đời Thái Tông, các triều vua đầu đời Trần đều gọi nơi ở của thượng hoàng là Cung Thánh Từ. Hơn nữa, đó cũng là cơ quan hành chính có các quan chức phân biệt với quan chức ở cung quan triều là cơ quan và văn phòng của vua đương vị. Chẳng hạn: năm Thiệu Phong thứ tư (1344), Trần Dụ Tông đổi Hành khiển tị ở cung thánh từ làm Thượng thư sảnh... (BK&).”. Bởi hai lẽ trên có thể xác định Thánh Từ không phải là hiệu của bà vợ Trần Thừa(11).
Đối với Anh Tông mà nói, thì trong 4 chữ nội huý nói trên, còn thiếu tên mẹ và vợ. Nhưng lúc xuống lệnh đã dẫn (1294) Anh Tông chưa lập Hoàng Hậu, phải 15 năm sau (1309), khi Hoàng thái tử Mạnh được phong, thì bà mẹ mới được tôn lập làm Thuận Thánh Hoàng hậu. Như vậy, có thể xác định chữ Phong là tên huý của mẹ Anh Tông, tức Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng thái hậu, con gái trưởng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, vợ của Nhân Tông. Còn sự khác biệt giữa Khâm từ và Thánh Từ, với lý do đã nói, có thể lý giải là do Toàn Thư chép nhầm (hoặc bản in, kể cả bản Chính Hoà thứ 18(1697) đã khắc in nhầm từ Khâm Từ ra Thánh Từ).
4. Về các chữ huý của họ ngoại:
ở lệnh năm 1299 (đã kể trên), sau khi ghi các chữ húy Toàn Thư nhận xét thêm: “nhà Trần kiêng huý họ ngoại bắt đầu từ đó” (BK6,5b). Do có quan hệ hôn nhân nội tộc, cho nên họ ngoại của các vua Trần từ Thánh Tông đến Anh Tông trong thực tế cũng chính là họ nội (xem đoạn nói về 4 bà hoàng hậu ở trên). Nhưng những người có tên được kiêng huý không phải xét theo thứ bậc chú bác (trong họ nội) của vua, mà vì họ là bố mẹ của vua. Bên họ ngoại đó, An Sinh Vương Trần Liễu và phu nhân là Thiệu Đạo quốc mẫu huý Nguyệt là 2 vị tổ ở thế thứ cao nhất. Sự hiềm khích giữa Trần Liễu và Thái Tông (do sự việc về bà công chúa Thuận Thiên) đã được giải toả phần nào khi hai người còn sống. Sau đó, với công lao to lớn và lòng trung thành tuyệt đối của Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn đối với tổ quốc và vương triều Trần, danh vọng của chi họ An Sinh càng trở nên nổi bật. Vì vậy 2 chữ Liễu Nguyệt được xếp vào hạng trọng huý, ghi thành một khoản riêng trong lệnh năm 1299 quy định hai chữ ấy khi “làm văn không được dùng”.
Hiểu chặt chẽ thì “không được dùng” có nghĩa là phải có đổi dùng chữ khác hoặc khi viết phải để trống ô chữ. Tuy vậy, qua khảo sát tìm thấy một số chữ Nguyệt viết bớt nét chứ không phải hoàn toàn không được viết ra. Mẫu chữ Nguyệt có thể có đến 4 kiểu:
+ Kiểu bên trong chỉ có một nét (hoặc gạch ngang, hoặc gạch lệch)
- ất Hợi tứ Nguyệt (bia chùa Đại Bim xã Hướng Đạo, huyện Văn Lầm, dựng năm Khai Hựu 4 (1327) đời Trần Minh Tông, N05310; Bính dần tam nguyệt( N 05310 đã dẫn).
+ Kiểu bên trong đủ hai nét ngang nhưng không đóng khít
- Tuế thứ Nhâm Ngọ niên ngũ nguyệt (bia chùa Sùng Thiên, xã Thị Đức, huyện Gia Lộc dựng năm Khải Hựu 3 (1331) đời Trần Hiến Tông, No5114).
+ Kiểu cắt một nét bên thân (trái hoặc phải)
- Tại Thanh Hóa phủ Nguyệt Nga hạng (bia chùa Sùng Thiên, No5114, đã dẫn, xem ảnh 3)
- Tư kỷ kỳ nhật nguyệt (Bia vách đá đại Bi, chùa Sùng Nghiêm, núi Vân Lỗi No20965, đã dẫn, xem ảnh 4).
+ Kiểu cắt một nét ngang qua thân chữ
- Thiên phong thập thất niên Đinh Dậu chính Nguyệt (bia chùa Phúc Hưng, xã Chỉnh Đốn, huyện Gia Viễn, dựng năm Thiệu Phong 17 (1357) đời Trần Dụ Tông, No19162)
Mấy lệ chứng trên đây cho thấy các kiểu viết kiêng huý chữ Nguyệt ở đời Trần trong thời gian lệnh kiêng huý có hiệu lực (1299_ 1395). Mặt khác cũng có thể thấy lời ghi của Toàn Thư: “Khi làm không đựơc dùng”có lẽ chỉ là cách nói để nhấn mạnh, còn thực sự thì không cấm hẳn, chỉ cần viết bớt nét hoặc làm cho biến dạng đôi chút để phân biệt với chính tự là đủ.
Đáng chú ý như chữ Nguyệt được kiêng huý khá rộng rãi cả ngữ âm: do kiêng húy từ đời Trần mà chữ Nguyệt đọc và nói chệch thành Ngoạt. Nhiều địa phương cả 3 miền nước ta vẫn quen nói: “lúa bát ngoạt” (= lúa Ba Trăng, lúa trồng trong 3 tháng). Tờ khai sắc thần làng Long Phước huyện Vĩnh Bình tỉnh Vĩnh Long (cũ) khai bằng chữ Quốc ngữ khoảng năm 1938 phiên âm dòng lạc khoản là “Tự Đức ngũ niên thập nhứt ngoạt (TV. KHXH: Q4o18/35, bản khai số 68).
- Kiền chữ thứ 2 trong tên tước 2 chữ của Phụng Kiền vương Trần Liễu (tước hiệu cũ được ban dưới thời nhà Lý, BK5, 10a). Chính âm của chữ này đọc là Kiền (cừ yên thiết), từ trước đời Trần vẫn đọc là Kiền. Đời Trần, vì kiêng huý chuyển đọc là càn. Đến nay chúng ta cũng vẫn còn quen đọc càn. Cũng do kiêng huý mà cửa Cờn (Quỳnh Lưu, Nghệ Tĩnh) đời Lý ghi tên chữ Hán Kiền hải, đến đời Trần Anh Tông vì kiêng huý đổi tên là Cần Hải (BK6,30a). Núi Kiền Ni (xã Phủ Lý huyện Đông Sơn, Thanh Hoá) còn chùa Hương Nghiêm, tên núi ghi rõ ở bia chùa này (No20957) dựng năm 1124 đời Lý Nhân Tông, sách Thiền Uyển tập anh của soạn giả đời Trần đổi chép là núi Ma Ni (tờ 63a). Bia chùa Sùng Nghiêm núi Vân Lỗi (đã dẫn) cũng ghi tên núi Kiền Ni thành Ma Ni.
- Tuấn , tên huý của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: vương vừa là bố vợ của Trần Nhân Tông, vừa là ông nội của vợ Trần Anh Tông.
- Anh, tên huý của Công chúa Thiên Thành, con gái của Thượng hoàng Trần Thừa, phu nhân của Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn, thời Anh Tông truy tôn là nguyên Từ quốc mẫu. Sở dĩ có thể xác định được tên của bà Trần Thị Anh, vì chữ Anh (trong lệnh năm 1299) xếp sau chữ Tuấn (tên chồng) và trước chữ Tảng (tên con).
Cuốn Dược sơn kỷ tích toàn biên (A.709, in ván gỗ năm Thành Thái Kỷ Hợi,1899) tuy thuộc loại sách thờ cúng Đức Thánh Trần, nhưng có phần hành trạng Hưng Đạo Vương biên soạn tuơng đối tốt. cũng ghi vương phi Nguyễn Từ quốc mẫu tên huý là Anh (tờ3b). Có điều là sách ấy ghi chữ Anh theo kiểu “thượng tòng thảo, hạ tòng ương” thì hẳn đó là cách ghi của người làm sách đời Nguyễn, chứ không phải mẫu chữ huý đời Trần.
Gần đây Phòng bảo tàng Hải Hưng mới phát hiện trong bia tháp Viên Thông chùa Thanh Mai (xã Hoàng Hoa Thám, huyện Chí Linh) dựng năm Đại trị thứ năm (1362) đời Dụ Tông(12). Chúng tôi chưa có dịp xem bia hiện vật, nhưng đã được ông Hà Văn Tấn giúp cho xem bản rập của bia này: mặt trước của bia rập khá mờ, mặt thứ 2 rõ hơn, trên mặt đó có hai chữ Anh (đều ghi miếu hiệu Anh Tông) khắc chữ kiêng huý theo dạng: 英 (so với chính tự thì nét ngang giữa thân chữ huý này thu ngắn lại, không thòi ra hai đầu). Đó là một mẫu chữ thêm vào bộ sưu tập chữ huý đời Trần.
- Tảng, tên huý của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng con thứ 3 của Hưng Đạo Vương, con gái của ông là vợ của Anh Tông. trước được phong là Thánh Tư phu nhân, sau lập làm Thuận Thánh hoàng hậu.
Như vậy là trong lệnh năm 1298 và 1299 còn đến 5 chữ Nguỵ, Châu, Thấp, Nam, Tô chưa biết rõ là tên húy của người nào. Trong đó, 2 chữ Nam hiện đã tìm được cứ liệu chữ mẫu:
- Nam
+ Câu đã dẫn ở bài kí khắc chuông Quán Thông Thánh ở Bạch Hạc (No4997) “...thừa hứng nhập nam” có thể thấy rõ chữ Nam 南 khắc bớt một nét sổ ngắn trong lòng chữ (xem ảnh 5).
+ Bia chùa Sùng Nghiêm núi Vân Lỗi (N020965) đã dẫn có câu “Kì Nam ấp trường giang...” (Phía Nam có sông dài bao quanh...) có thể thấy rõ (ảnh 6) phần bên trong của chữ Nam được viết tựa như chữ “ngọ”,tức là cố ý bớt một nét phẩy, ngắn ở trên. Về cách đọc và nói, chữ Nam cũng thuộc loại kiêng âm khá rộng rãi: Nam ® Nôm(= chữ hoặc tiếng nói của người nước Nam), Nam ®→ Nôm(= gió thổi từ phương Nam tới) vv...
- Tô:
+ Bia khắc ở bệ Phật Tam thế chùa xã Ngọc Đình, tổng Thủy Cam, huyện Từ Liêm (nay ngoại thành Hà Nội) năm Long Khánh thứ 3 (1375) đời Duệ Tông (No19582) ghi họ tên một tín chủ là Tô Nghĩa, tự thủ Phận Cư Sĩ với chữ viết kiêng huý 蘇: bớt một nét cuối, thay bằng một vòng tròn nhỏ (ảnh 7) như kiểu chữ Thừa (Thặng) đã dẫn ở ảnh 1 và 2.
5. Một số chữ huý khác
Trong lời bình về chính sự dưới thời Minh Tông, Ngô Sỹ Liên cho biết Minh Tông “có một quyển sổ nhỏ biên những chữ huý không được nói đến, trao cho các hoàng tử và cung nhân”... “phàm kẻ thần hạ người nào cùng tên (với thân thuộc vua) tất đổi cho tên khác, như người tên là Độ đổi làm Sư Mạnh vì cùng tên với Thượng phụ {Trần Thủ Độ} tên là Tung thì đổi làm Thúc Cao, vì là cùng tên với Hưng Ninh vương (Trần Tung con trưởng của An Ninh Vương) (BK6,32b). Theo lời của họ Ngô, chúng ta được biết dưới thời Minh Tông (và có thể thời Anh Tông nữa) có một số chữ huý có phạm vi hẹp trong họ tông thất và các quân tại triều. Những chữ huý ấy tuy không đưa vào lệnh ban bố chính thức, nhưng kiêng không nói đến, đối với trường hợp trùng tên thì phải đổi.
IV. Vài nhận xét chung.
1. Lệ kiêng húy chữ viết ở nước ta chỉ bắt đầu từ đời Trần. Dưới thời Thái Tông. Thánh Tông và Thánh Tông chứ kiêng tên huý của vua là Thượng hoàng, có truy gia của ông nội Thái Tông là Trần Lý, Định lệ kiêng huý đời Trần chủ yếu ban định thời Anh Tông; trong 21 năm ở ngôi, ông vua này đã 6 lần xuống lệnh kiêng huý họ ngoại (cha mẹ của Hoàng hậu) là một đặc điểm riêng của định lệ kiêng huý đời Trần.
2. Quan khảo sát bi kí đời Trần còn lại, có thể thấy các định lệ kiêng huý đã được tuân thủ rộng khắp cả những nơi xa kinh kỳ (như: quán Thông Thánh ở Bạch Hạc; chùa Phúc Hưng ở Gia Viễn, Hà Nam Ninh chùa Thanh Mai ở Chí Linh Hải Hưng....; về ngữ âm cũng có những biến đổi phổ biến trong cách đọc (và nói) các chữ huý, như) Nguyệt ® ngoạt, Nam ® Nôm, Kiền→ càn và cả Thằng (Thặng) ® thừa nữa.
3. Đối với họ tên người, tên đất, tên gọi chức quan: đổi dùng chữ khác (như Lý - Nguyễn, Tung - Thúc Cao; Kiên Ni - Ma Ni; Ngự sử trung thừa - Ngự sử trung tán...). Những chữ huý khác khi gặp cần phải xử lý theo cách viết bớt nét (khuyết bút). ở vị trí bớt nét có khi khuyên một vòng nhỏ để đánh dấu (như ở chữ Thừa, chữ): Đó là một kiểu kiêng huý đặc biệt Việt Nam, không thấy có lệ chứng trong các công trình sưu tập, nghiên cứu chữ huý của Trung Quốc(13). Và cũng chỉ riêng có ở đời Trần, không thấy kiểu viết kiêng huý như vậy ở đời Lê hoặc đời Nguyễn về sau. Nét viết bớt thường là nét cuối cùng, nhưng không nhất thiết chỉ bớt ở nét cuối cùng (như chữ Nam ở ảnh 6). Cá biệt cũng có chữ không bớt nét, khi viết chỉ cần chú ý thể hiện đủ để phân biệt với chữ bình thường (như chữ Nguyệt với hai nét ngang lửng, hoặc chữ Anh với nét ngang ở thân rất ngắn, không thòi đầu).
4. Ở đời Trần chưa có kiểu viết chữ huý bằng cách đảo vị trí các bộ phận chữ, hoặc thêm bộ ký hiệu 4 hay 3 nét gãy (巛,巡) như kiểu viết chữ huý thường thấy từ đời Lê về sau.
Văn bản thư tịch, bi ký đời Trần còn lại không mấy, tự liệu về các định lệ kiêng huý ở thời này cũng rất ít. Nhưng việc nghiên cứu chữ huý là cần thiết đối với công tác thực tiễn chúng tôi hi vọng rằng việc nhận diện các chữ huý và thể thức kiêng huý ở đời Trần, kể cả những chữ đã nói đến trong bài này và những chữ khác còn có khả năng phát hiện thêm, sẽ giúp chúng ta có căn cứ để giám định các văn bản, bi ký của thời kỳ này, nhất là đối với những trường hợp có nghi vấn về niên đại, hoặc điều ghi về niên đại chính xác bị mất thiếu, mờ mòn.

CHÚ THÍCH
(1) Cột kinh phát hiện được ở cố đô Hoa Lư, hiện đã đem về trưng bày ở Viện Bảo tàng lịch sử, Hà Nội.
(2) Xem: Thơ văn Lý Trần, T.1, Nxb KHXH, 1972. Sách có in nguyên văn chữ Hán, nhưng vì in theo lối giản thể nên không tiện dùng cho việc nghiên cứu chữ húy.
(3) Bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư. Kỷ nhà Tràn ở tập II (Nxb KHXH, 1967). Để tiện việc nghiên cứu chữ húy, trong bài này chúng tôi có chú dẫn xuất xứ theo nguyên văn chữ Hán ở bản in năm Chính Hòa 18 (1697). Số trang tờ ở bản này cũng giống như ở bản A.3 Viện Nghiên cứu Hán Nôm BK5, BK6... là chữ viết tắt: phần Bản kỷ quyển 5, 6...
(4) Đây là trường hợp người viết suy từ lệ kiêng húy đương thời để viết kiêng húy của các vua triều trước, ở Trung Quốc cũng có những lệ chứng tương tự (Xem Trần Viên - Sử húy cử lệ. Bắc Kinh, Trung Hoa thư cục, 1962, tr. 80).
(5) Xem Trùng tu Quảng vận (bản in phỏng khắc theo bản đời Tống), Thượng Hải, Trung Hoa thư cục, Tập 2, tr. 34-35. Các từ điển đời sau như Khang Hi tự điển, Trung văn đại từ điển... đều có dẫn cách ghi âm của Quảng vận. Cũng xem: Đinh Thanh Phụ: Cổ kim tự âm đối chiếu thủ sách. Bắc Kinh, Khoa học xbx, 1958.
(6) Sự đặc thù không riêng với âm Thừa, mà nói rộng ra là cả vần ưa nữa: ở các vần khác, âm Hán Việt có khi thống kê được 15 - 25 trường hợp có ghép vần. Riêng vần ưa, ngoài chữ hứa (xuất phát từ vần Lữ) chỉ có 1 âm Thừa mà thôi. GS Nguyễn Tài Cẩn cũng nhận đó là một cách đọc hơi lạ, tuy về âm lý có thể giải thích được: Có thể nghĩ đến sự biến đổi theo tiền lệ đã có trong tiếng Việt như chả/chẳng: rụng phụ âm cuối ng, sau đó a ® ưa (như lả/lửa)... Cũng có khả năng biến đổi do phương ngữ tiếng Hán như B. Karlgren đã ghi trong Etudes sur la phonologie chinoise: một số nơi ở Sơn Tây, Cam Túc không có phụ âm ng. Nếu theo nguồn đó vào Việt Nam thì âm Thằng (Thặng) cũng có thể không có phụ âm ng (Xin cám ơn GS Nguyễn Tài Cẩn đã giúp cho gợi ý quí báu - Tg.).
(7) Từ đời Lê Ngọa Triều (1006 - 1009) trở về sau tên gọi quan chức nước ta đại thể dựa theo quan chế đời Tống (Toàn thư, BK1, 27b).
(8) Toàn thư (BK5, 1a) còn ghi Thái Tông khi chưa lên ngôi có tên là Bồ (= cây cỏ bồ), nhưng chữ đó không thấy ghi trong các lệnh kiêng húy.
(9) Có cơ sở để đoán định truyền bản ANCL chép hoặc khắc in nhầm: tách chữ Mạnh (gồm 2 phần trên chữ thiên, dưới chữ Minh, thành 2 chữ Thiên Minh).
(10) Như nói phu nhân của Trần Quốc Tuấn là bà họ Lý con gái vua Lý Huệ Tông (?), hẳn là nhầm với bà Hiền Từ. Hoặc nói Thái Tông có người con gái thứ 3 (chị của An Tự Công chúa) hiệu là Sầm Quế (?), có Sầm lâu tập lưu hành ở đời. Đúng ra theo Toàn thư, cũng như Nghệ văn chí của Lê Quý Đôn và Văn tịch chí của Phan Huy Chú, thì Sầm lâu tập là tập thơ của Uy Văn vương Trần Toại.
(11) Trong Lược truyện tác gia Việt Nam (in lần thứ 2, Nxb KHXH, 1971, T1, tr. 153) soạn giả ghi “Trần Thái Tông là con của Trần Thừa và bà Lê Thị Phong” có thể là nhầm do sử dụng tư liệu ở Trần gia ngọc phả.
(12) Xem Tăng Bá Hoành: Sưu tầm, bảo vệ, và khai thác nguồn tư liệu văn bản Hán Nôm ở Hải Hưng - Tập san Nghiên cứu Hán Nôm số 1, 19984, tr. 45.
(13) Xem: Lục Phí Trì: Lịch đại đế vương miếu thuỵ niên huý phả, soạn năm Càn Long ất Mùi (1775), Thượng Hải, Trung Hoa thư cục, hiệu san, không đề năm; và Trần Viên: Sử huý cử lệ, Bắc Kinh, Trung Hoa thư cục. 1962.