Wednesday 2 January 2013

Cuốn sách "Bên thắng cuộc" của Huy Đức: Cái nhìn thiên kiến về lịch sử (Đức Hiển - Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh)


02/01/2013 - 07:05

(PL)- Chưa bàn đến những chi tiết cụ thể của cuốn sách này, góc tiếp cận của tác giả đã khó vươn tới điều mình muốn: Hiểu đúng về bản chất của cuộc chiến tranh.

Bên thắng cuộc là cuốn sách gồm hai tập của Huy Đức. Phần I với tựa đềGiải phóng đã phát hành trên mạng Internet từ trung tuần tháng 12-2012. Nội dung xoay quanh những diễn biến tại Việt Nam từ sau ngày thống nhất 30-4-1975. Lời đầu sách, tác giả viết “không ai có thể bước tới tương lai một cách vững chắc nếu không hiểu trung thực về quá khứ. Nhất là một quá khứ chúng ta can dự và có phần cộng đồng trách nhiệm”.
Ngày thống nhất
30-4-1975 là ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam. Ngày mà những người anh em miền Nam buông súng đầu hàng miền Bắc. Ngày chấm dứt hơn 20 năm “da thịt tàn nhau, vạ trong tường vách”.
Ngay những dòng đầu tiên của chương đầu tiên, tác giả đã gói cuộc chiến chống ngoại xâm vỏn vẹn vào 20 năm. Song cuộc kháng chiến ấy thật sự bắt đầu từ hơn một thế kỷ trước đó, khi người lính đầu tiên của quân xâm lược Pháp đặt chân lên đất nước Việt Nam. Từ đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, người Mỹ đã bộc lộ âm mưu can thiệp vào Việt Nam từ trận Điện Biên Phủ. Cuộc kháng chiến giành độc lập vì vậy đã trải qua thêm một chương bi tráng và khốc liệt: chống Mỹ.
Sự thật không thể phủ nhận là người Pháp đã khởi đầu chiến tranh, người Mỹ thay vai chuyển nó sang một giai đoạn khác và cả dân tộc này đã đổ máu xương để kết thúc nó. Không phải chỉ có 20 năm và càng không thể là cuộc chiến“da thịt tàn nhau, vạ trong tường vách” như Huy Đức đã viết.
Lịch sử diễn ra liên tục nhưng trong Bên thắng cuộc, nó bị cắt khúc ra, nhìn nhận như là cuộc chiến ý thức hệ, cuộc nội chiến Nam-Bắc của nội bộ người Việt từ năm 1954 đến ngày 30-4-1975. Cách lập luận này, người Mỹ đã nói từ mấy chục năm trước đó khi muốn có cớ can thiệp vào đất nước ta. Dù vậy, người Mỹ không thể phủ nhận sự thật là người Việt đang chiến đấu vì Tổ quốc mình.

Bìa cuốn sách Bên thắng cuộc do Huy Đức xuất bản với tư cách cá nhân và phát hành trên mạng Internet tháng 12-2012.
Cuộc chiến giành độc lập của người Việt Nam thực sự đã nổ ra từ trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào năm 1930 với rất nhiều cuộc khởi nghĩa và những phong trào đấu tranh, dù bị đàn áp, thất bại nhưng chưa bao giờ quy phục. Những người cộng sản chỉ nối tiếp sứ mệnh mà lịch sử giao phó. Vì thế, nó là cuộc chiến không của một chính thể mà của cả dân tộc. Càng không là cuộc chiến của miền Bắc XHCN với nửa nước còn lại. Vì thế, 30-4-1975 là ngày đất nước thống nhất sau hơn một thế kỷ bị xâm lược, đô hộ và chia cắt, không phải “Ngày mà những người anh em miền Nam buông súng đầu hàng miền Bắc”. Đó không phải là chiến thắng của một “bên thắng cuộc” hạn hẹp mà là chiến thắng của mọi người Việt Nam, trong đó cả những người từng ở phía bên kia.
Một nhân vật trong cuốn Bên thắng cuộc sau khi đọc sách đã nói rằng nếu không vì lòng yêu nước và tinh thần dân tộc mà chỉ là cuộc chiến Bắc-Nam thì sẽ không có những người ở Lạng Sơn, Thái Bình xung phong lên đường ra trận và chết ở Cà Mau. Và đâu phải chỉ có bộ đội miền Bắc vào Nam đánh Mỹ, chính nhân dân cả miền Nam đã làm nên Nam Bộ kháng chiến thời kháng Pháp rồi cùng nổi dậy Đồng khởi từ khi chính quyền Ngô Đình Diệm phá hủy hiệp định đình chiến và truy sát những người kháng chiến. Người Việt ở cả hai miền đã cùng cầm súng chống ngoại xâm.
Viết về chiến tranh không thể không nói đến mục đích, ý nghĩa, đối tượng, quy mô, thời gian và các bên tham chiến. Khi mục đích chống xâm lược giành độc lập và thống nhất nước nhà bị bỏ qua, sẽ không thể lý giải thỏa đáng nguyên nhân và ý nghĩa của chiến thắng, còn bóp méo sự thật lịch sử dù với bất cứ lý do gì thì đều là tệ hại.
Ngày cuối chiến tranh và “tù cải tạo”
Huy Đức viết: “Cuốn sách này bắt đầu từ những câu chuyện xảy ra trong ngày 30-4-1975. Ngày mà tôi, một cậu bé 13, trước giờ học chiều, đang vật nhau ven đồi thì nghe loa phóng thanh truyền tin “Sài Gòn giải phóng”.
Tác giả đòi hỏi “hiểu trung thực về quá khứ” nhưng lại nói về “bên thắng cuộc” bằng cách ghi nhận chỉ một phần những gì diễn ra với một số ít người ở phía bên kia. Nhiều trang sách đề cập những tướng lĩnh quân đội Sài Gòn tự sát trong ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, mà tác giả gọi là “tuẫn tiết”. Sự tuyệt vọng dẫn đến cái chết ấy ở đây xin không bình luận. Nhưng tác giả từng là lính, không thể không biết những đồng đội thế hệ trước mình đã làm gì trong những ngày ấy. Hình ảnh ngày cuối chiến tranh không đơn giản chỉ là những chiến xa bánh xích hiền lành với những anh bộ đội miền Bắc lạ lẫm ở Dinh Độc lập sáng 30-4-1975.
Hơn 10 năm trước, một đoàn làm phim của hãng BBC qua Việt Nam, họ muốn làm một bộ phim về ngày cuối chiến tranh từ trận đánh cầu Rạch Chiếc. Nơi đó, trong ba ngày cuối cùng, một đơn vị bộ đội biệt động đã quần nhau với hai tiểu đoàn Trâu Điên giữ cầu và nhà máy điện Thủ Đức cùng với lực lượng chi viện hùng hậu. Nhiều người lính đã hy sinh trên cầu để chiếc cầu, nhà máy điện được giữ nguyên, cửa ngõ ấy mở ra cho những đoàn tăng T.54 vào giải phóng và góp phần giữ nguyên vẹn Sài Gòn cho hôm nay. Và trong những ngày ấy, có rất nhiều sự hy sinh như thế của những người lính giải phóng.
Bên thắng cuộc hướng suy nghĩ của người đọc rằng chế độ mới thiếu nhân văn khi nói về điều kiện sống của những sĩ quan chế độ Sài Gòn bị đưa đi học tập. Thật ra cái khó khăn mà những sĩ quan cao cấp đó gánh chịu chỉ bằng một phần rất nhỏ những gì mà quân và dân Việt Nam chịu đựng suốt trong hai cuộc kháng chiến, không lẽ tác giả không biết? Nhấn mạnh “chế độ hà khắc” của các trại cải tạo nhưng cuốn sách lại không nhắc đến những trại tù và cách ứng xử của chế độ Sài Gòn cũ đối với những người yêu nước. Không nhắc đến một thực tế là đã không có người tù cải tạo nào bị tra tấn bằng vôi bột, bị đóng đinh, gí điện, bị đánh đến tàn phế... như những gì mà nhiều người trong số họ từng đối xử với đối phương của mình ở Phú Lợi, Côn Đảo, Phú Quốc, Chuồng cọp Sở thú và hàng trăm nhà tù khác khắp miền Nam. Cuốn sách cũng đã không nói rằng sau khi tiếp quản, không hề có việc lê máy chém đi khắp miền Nam như chế độ cũ đã làm với cán bộ cách mạng và thân nhân trong Luật 10-1959.
Cần phải đặt trong sự tương quan khi nhận định về sự nhân văn nhưng tác giả cuốn Bên thắng cuộc đã không làm hoặc không muốn làm điều đó.
Để có bản tin giải phóng trên loa phóng thanh mà cậu bé 13 tuổi nghe khi đang vật nhau với bạn ven đồi, phải trả giá bằng trăm ngàn mất mát, đau thương chứ không đơn giản chỉ là việc húc đổ cổng Dinh Độc lập và cắm cờ trên nóc.
Nếu lịch sử được mô tả chỉ từ một hướng với sự sắp đặt thiên kiến thì nó không còn là lịch sử nữa.
Trên đây chỉ là một số nhận xét về cuốn sách. Người viết không có ý định đi sâu vào tính chính xác của từng sự việc, từng chi tiết bởi nó không mới và không hẳn cần thiết. Tuy nhiên, đã có phản hồi bất bình của những nhân vật trong sách, từ cả hai phía, về tính chính xác của các sự kiện và cách trích dẫn cắt cúp, tách bối cảnh ra khỏi sự kiện để gián tiếp giải thích nguyên nhân theo chủ kiến của tác giả.
Công bằng mà nói, lao động và khả năng của Huy Đức đối với việc sưu tập tư liệu cho cuốn sách là điều cần được nhìn nhận. Với ưu thế là phóng viên của nhiều tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, Sài Gòn Tiếp Thị, anh có cơ hội tiếp cận với nhiều thông tin. Rất tiếc những thông tin ấy được cố ý sắp đặt để phục vụ chủ kiến của tác giả, vì vậy nó hoàn toàn không chân thật.
NGUYỄN ĐỨC HIỂN
TP.HCM ngày 31-12-2012
Hợp tác xã và thời bao cấp

Không thể phủ nhận nền kinh tế bao cấp đã không còn phù hợp sau một thời gian áp dụng nhưng cũng không thể chỉ nhìn thời bao cấp ở những trì trệ trong những ngày cuối cùng của nó. Tại một giai đoạn lịch sử nhất định, nhất là tại miền Bắc trước năm 1975, nó đã góp phần quan trọng tạo nên một hậu phương vững chắc để phục vụ kháng chiến chống Mỹ. Vì vậy khi phê phán hay rút kinh nghiệm đều cần phải đặt trong bối cảnh, thời điểm đặc biệt. Một doanh nhân đã nói: Có thể xem nền kinh tế bao cấp như một thai nhi nằm trong bụng mẹ. Thằng anh ra trước không thể chê trách thằng em mày có miệng, có mũi sao không thể tự ăn mà lại ăn qua dây rốn. Nhưng khi đã ra đời, sẽ là vô lý khi thằng em đã thành người mà vẫn phải nuôi sống mình bằng sợi dây rốn ấy. Thời bao cấp cũng cần được nhìn nhận như thế.
Bên thắng cuộc phê phán mô hình hợp tác xã ở miền Bắc trước giải phóng nhưng không nhìn thấy một điều: Nếu thời điểm ấy chia ruộng khoán ngay, những gia đình có con em đi bộ đội sẽ không còn nhân lực lao động. Ai sẽ yên tâm đi chiến đấu khi ở nhà không có người nhận khoán? Hợp tác xã đã giải quyết được vấn đề này và nhiều vấn đề khác vào thời điểm ấy.

Monday 31 December 2012

Đi tìm nguồn gốc địa danh Tư Nghĩa (Lê Hồng Khánh)

Đi tìm nguồn gốc địa danh Tư Nghĩa
TƯ NGHĨA, CHƯƠNG NGHĨA, TƯ NGÃI  
Địa danh Tư Nghĩa xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông thành lập đạo thừa tuyên Quảng Nam. Đạo thừa tuyên Quảng Nam có 3 phủ là Thăng Hoa (tương đương với tỉnh Quảng Namvà thành phố Đà Nẵng ngày nay), Tư Nghĩa (tương đương với tỉnh Quảng Ngãi), Hoài Nhơn (tương đương với tỉnh Bình Định). Huyện Nghĩa Giang nằm trong phủ Tư Nghĩa lúc bấy giờ chính là địa bàn huyện Tư Nghĩa và thành phố Quảng Ngãi ngày nay.
Tư  là nghĩ, suy nghĩ; nghĩ đến, lo liệu; mến nhớ[1]; Nghĩa (Ngãi) : nghĩa khí. Đặt tên Tư Nghĩa cho vùng đất nầy, người xưa muốn nhắc mình và hậu thế, rằng chữ  “Nghĩa” là điều phải hằng nhớ đến,  bằng cả lý trí và trái tim, trong ứng xử với trời đất và tha nhân.
Tuy nhiên, các địa danh Tư và Nghĩa đã xuất hiện ngay từ đầu thế kỷ XV, cụ thể là vào năm Nhâm Ngọ - 1402 (niên hiệu Thiệu Thành thứ 2, đời Hồ Hán Thương), khi nhà Hồ thực hiện quyền cai quản vùng đất Chiêm động và Cổ Lũy động; chia đất ấy thành 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa; đặt lộ Thăng Hoa thống hạt 4 châu, lập trấn Tân Ninh ở vùng đầu nguồn, cử quan lại cai trị đưa dân Việt vào khai khẩn, lại cấp cho trâu để cày bừa [2].
Chiêm động và Cổ Lũy động của người Chăm hay lộ Thăng Hoa của người Việt, chính là vùng đất về cơ bản thuộc tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. Lộ Thăng Hoa có 4 châu:Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, trong đó châu Tư và châu Nghĩa về sau là đất Quảng Nghĩa/ Ngãi.
Thời Lê Trung hưng, xuất hiện địa danh Chương Nghĩa. Đây là một huyện nằm trong địa bàn phủ Tư Nghĩa, bao gồm huyện Tư Nghĩa và phần đất nằm phía tây bắc sông Vệ  của huyện Nghĩa Hành.
Chương  : là sáng r, rực rỡ; rõ rệt, rõ ràng. Chương Nghĩa mang hàm ý về nghĩa khí sáng ngời của những con người sống trên mảnh đất ấy.
Năm 1890 (Thành Thái năm thứ 2), huyện Chương Nghĩa đổi thành phủ Tư Nghĩa, đồng thời vùng đất phía tây bắc sông Vệ hình thành châu Nghĩa Hành (chữ Nghĩa trong địa danh Nghĩa Hành chính là lấy từ chữ Tư Nghĩa). Phủ Tư Nghĩa lúc này có 5 tổng với 67 xã thôn, bao gồm cả vùng đất ngày nay là thành phố Quảng Ngãi.
Cách đây chừng 3, 4 thập kỷ trở về trước, nhiều bậc cao niên thường gọi huyện Tư Nghĩa ngày nay là huyện Chương Nghĩa, vì quen theo cách gọi đã có lịch sử mấy trăm năm, tính đến thời điểm 1890.
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, trong một thời gian ngắn phủ Tư Nghĩa đổi tên là phủ Nguyễn Thuỵ , tên nhà lãnh đạo Việt Nam Quang phục Hội ở Quảng Ngãi. Đầu 1946, cấp tổng được bãi bỏ, các làng xã cũ hợp thành xã mới, phủ đổi thành huyện. Huyện Tư Nghĩa lúc này có 12 xã đều lấy chữ Nghĩa làm đầu: Nghĩa Lâm, Nghĩa Thắng, Nghĩa Điền, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Lộ, Nghĩa Trang, Nghĩa Thương, Nghĩa Phương, Nghĩa Dõng, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Hòa, Nghĩa Hà.
Sau khi tiếp quản tỉnh Quảng Ngãi, chính quyền Sài Gòn đổi đặt các xã trong huyện Tư Nghĩa, lấy chữ Tư làm đầu thay cho chữ Nghĩa. Thị xã Quảng Ngãi đổi là xã Cẩm Thành (gồm 4 ấp: Bắc Môn, Bắc Lộ,Nam Lộ, Thu Lộ). Cẩm Thành là tên gọi có từ xưa kia, có khi chỉ riêng cho thành, có khi chỉ chung cho toàn tỉnh Quảng Ngãi.
Cuối năm 1975, huyện Tư Nghĩa và thị xã Quảng Ngãi hợp nhất thành thị xã Quảng Nghĩatrực thuộc tỉnh Nghĩa Bình. Đến cuối năm 1981, thị xã Quảng Nghĩa lại tách thành 2 đơn vị huyện, thị xã như cũ, có điều chỉnh về địa giới: xã Nghĩa Dõng (sau tách thành 2 xã Nghĩa Dõng và Nghĩa Dũng) và một phần xã Nghĩa Điền (nay là xã Quảng Phú)  giao về thị xã Quảng Ngãi. Các xã mới dần dần hình thành và đến 2005 huyện Tư Nghĩa có 2 thị trấn, 16 xã[3].
Tiến sỹ nho học Lê Ngải (Ngại) trong cuốn sách bằng chữ Quốc ngữ có tên “Quảng Ngãi nhất thống chí” thì chép tên huyện Tư Nghĩa là “Tư Ngãi”.
Lê Ngải sinh năm Mậu Thìn – 1868, người xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, thi đỗ cử nhân khoa thi hương năm Tân Mão (Thành Thái năm thứ 3 – 1891) tại trường thi Bình Định, đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân Năm Tân Sửu (Thành Thái thứ 13 – 1901). Ông từng giữ chức huấn đạo huyện Mộ Đức, chưa rõ mất vào năm nào, phần mộ hiện tọa lạc tại thị trấn Đức Phổ.
“Quảng Ngãi nhất thống chí” (bản chép tay) do Lê Ngải biên soạn, đến nay vẫn chưa có nhiều người được tiếp cận, nhưng là một tác phẩm biên khảo cung cấp nhiều tư liệu quý báu về lịch sử, quá trình diên cách, văn hóa và nhân vật vùng đất Quảng Ngãi, Tư Nghĩa.
 Là người tinh thông cả chữ Hán lẫn chữ Quốc ngữ, từng có thời gian giữ trách vụ đứng đầu việc giáo dục ở một huyện lớn của tỉnh Quảng Ngãi, nên những ghi chép của tiến sỹ Lê Ngải là thông tin nghiêm túc, đáng tin cậy. Rất có khả năng thời bấy giờ giới quan lại, viên chức đọc tên huyện Tư Nghĩa là Tư Ngãi.

NGHĨA VÀ NGÃI
Nghĩa và Ngãi thực ra là hai cách đọc (phát âm)  theo lối hán Việt của cùng một con chữ nói trên.
Nghĩa  biến thành Ngãi ( Quảng Nghĩa thành Quảng Ngãi, Tư Nghĩa thành Tư Ngãi) là do kiêng âm tên thuỵ chúa Nguyễn Phúc Thái (1849 – 1691), con trai Dũng Triết Vương Nguyễn Phúc Tần. Nguyễn Phúc Thái nổi tiếng là nhà chúa khoan hòa, trọng dụng người tài, giảm miễn sưu dịch cho dân, cải bỏ nhiều tập tục hủ lậu của người Đàng Trong. Thời nhà Nguyễn, ông được truy tôn miếu hiệu là Anh Tông, thụy là Thiệu Hư Toản Nghiệp Khoan Hồng Bác Hậu Ôn Huệ Từ Tường Hiếu Nghĩa hoàng đế, tên thường gặp trong sử sách là Hoằng Nghĩa Vương hay Nghĩa Vương.
Có một hiện tượng khá đặc biệt về kỵ huý trong lịch sử nước ta làLệ kiêng âm tên huý và tên thuỵ của các chúa theo đường truyền khẩu mà không ban chính lệnh. Mặc dù tìm mọi cách thoát khỏi chính quyền trung ương (do họ Trịnh thao túng, vua Lê chỉ làm vì), nhưng các chúa Nguyễn chưa bao giờ chối bỏ vai trò chính thống của họ Lê, kể cả khi Nguyễn Phúc Khoát đã xưng vương (1744). Đã thừa nhận vua Lê (dù chỉ trên danh nghĩa) thì việc ban chính lệnh để kỵ huý cho dòng họ mình là điều không hợp lý. Nhưng mặt khác, các chúa Nguyễn lại có quá trình lập nghiệp lâu đời ở Đàng Trong và là người thực tế giữ quyền uy cao nhất của vùng này. Dù thế nào, họ cũng có công đáng kể trong việc khai phá phương Nam. Uy tín và ân nghĩa của chúa Nguyễn trong dân chúng Nam hà là một thực tế không thể phủ nhận.
Lệ kiêng âm tên huý và tên thuỵ một biểu hiện của sự tôn kính bắt đầu từ trong phủ chúa, lan dần ra giới quan lại, rồi trở nên phổ biến trong dân gian, bám chặt vào ngôn ngữ đời thường và cùng những nét riêng khác về ngữ âm, từ vựng,... tạo nên sắc thái riêng của ngôn ngữ phương Nam
Quảng Nghĩa đọc thành Quảng Ngãi; Tư Nghĩa đọc thành TưNgãinhân nghĩa đọc thành nhơn ngãi...
Cũng có ý kiến cho rằng việc đọc chệch Nghĩa thành Ngãi là do kỵ húy tên bà Từ Dụ, mẹ vua Tự Đức, một người có gốc gác Quảng Ngãi. Thuyết nầy cho rằng bà Từ Dụ tên là Nguyễn Thị Ái Nghĩa. Trong một bài viết cách đây khá lâu, chúng tôi (LHK) đã chứng minh điều nầy là không đúng, vì tên thật của đức Từ Dụ là Phạm Thị Hằng
Đại Nam viết truyện (chính biên và tiền biên) có chép chuyện các Hậu phi, nhưng lại theo thể truyện của Minh Sử nghĩa là chỉ ghi họ và thuỵ hiệu còn tên huý thì “không ra khỏi phòng khuê”. Vì vậy, muốn truy tìm tên các bà phải dựa vào những tài liệu đương thời khác. Rất may, Đại Nam thực lục đã giúp chúng ta. Bộ chính sử này chép: Năm Tự Đức thứ 14 (1861) nhà vua sai Quốc sử quán cùng 3 bộ Lại, Lễ, Binh lập một danh sách 47 chữ kỵ huý và “hạ lệnh cho mọi người đều cấm không được đặt tên vào những chữ ấy, nếu ai trót đặt lầm phải thì cho đổi lại”. Trong 47 chữ ấy, chữ 46 là (đọc là Hằng), chữ 47 là (đọc là Thường, hoặc Hằng) được nói rõ là “2 chữ tên huý của Từ Cung”[4]
Đại Nam thực lục chính biên và Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết bà Từ Dụ còn có tên khác là Hạo, nhưng không được đưa vào qui định kỵ huý, vì theo chúng tôi, Hạo là một biệt âm (đọc chệch) của chữ Cảo - tên huý khác nữa của vua Gia Long.
Có vài ý kiến khác, cho rằng Nghĩa viết thành Ngãi là do người Pháp đọc chệch mà ra.
Suốt 87 năm đô hộ nước ta (1858 – 1945) đặc biệt là sau hiệp ước Patenotre (1884) người Pháp chẳng hề cải tên một tỉnh, thậm chí một huyện nào ở Trung kỳ, vùng đất trên danh nghĩa thuộc vua nước Đại Nam. Quảng Ngãi không nằm ngoài sự thật đó. Còn như nói rằng cải tên như thế cho dễ đọc thì lại càng lầm! Cả Nghĩa lẫn Ngãi đều rất khó phát âm đối với người Pháp; thậm chí tự dạng AI của chữ Ngãi rất dễ khiến họ đọc nhầm thành âm [E].
Để làm rõ hơn, chúng ta thử xem người phương Tây ký âm chữ Ngãi như thế nào trong ngôn ngữ của họ. Điều nầy quả thật khó khăn, nhưng rất may là trong cuốn sách du ký, có tên là “Xứ Đàng Trong năm 1621” nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha Cristopho Borri (1583 – 1632), đã kể ra 5 đơn vị hành chính – quản lý lãnh thổ của xứ Đàng Trong, theo thứ tự từ bắc vào nam mà ông ta đã đến là: Thuận Hóa, Cacciam (Quảng Nam), Quamguia (Quảng Ngãi, LHK nhấn mạnh) và Quingnim (Qui Nhơn).[5] Tiếng Bồ mà Cristopho Borri sử dụng trong cuốn sách của ông ta không phải là tiếng Pháp, nhưng đó là những ngôn ngữ cùng hệ và rất gần nhau, cả về ngữ âm, ngữ pháp và chữ viết.
Vậy đó, sự biến đổi từ Nghĩa sang Ngãi là chuyện của người ViệtNam, chẳng liên quan gì đến mấy ông Tây!
                                      Bến Hà Nhai, mùa thu năm Tân Mão - 2011
                                                                  Lê Hồng Khánh




[1] Nguyễn Văn Khôn; Hán Việt từ điển; Khai Trí; Sài Gòn 1960; Phần chữ Hán trong bài viết, chúng tôi theo cuốn từ điển nầy.
[2] Ngô Sĩ Liên và nhiều người khác – Đại Việt sử ký toàn thư - bản dịch Cao Huy Giu – NXB Khoa học xã hội – HN – 1968, t. III – tr 232 – 235.

[3] UBND tỉnh Quảng Ngãi; Địa chí Quảng ngãi; NXB Từ điển bách khoa. HN; 2008, trang  841 - 842
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam thực lục chính biên. NXB KHXH; HN; 1974.
[5] Cristophoro Borri Xứ Đàng Trong năm 1821. Hồng Duệ, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Đình Nghi dịch và chú thích; NXB TP HCM 1998; trang 13.

Sunday 30 December 2012

Chân Lạp là nước nào?

Trung Quốc nhập khẩu nhựa cánh kiến (tức sen lắc / si lắc / gôm lắc) từ thời nhà Tùy, cuối thế kỷ thứ 7, khi các thuyền buôn Trung Hoa mon men thám hiểm xuống phương Nam. Do ngôn ngữ  bất đồng, các lái buôn Trung Hoa không biết gì về những người bạn hàng của họ. Do trong khi giao dịch hai bên thường nhắc đi nhắc lại từ chegn lak (trong tiếng Khơ me cổ có nghĩa là lấy nhựa si lắc), các lái buôn bèn ký âm chegn lak thành 真臘 để khai báo với quan trên về nguồn gốc hàng hóa. Người Việt phiên âm Hán Việt là Chân Lạp. Chân Lạp Quốc trên mặt chữ Hán được hiểu theo nghĩa là xứ có thứ sáp chính hiệu (the country of genuine wax)
Vương quốc Chân Lạp (tiếng Anh là Chenla Kingdom, tiếng Pháp là Royaume de Chenla) là một nhà nước hùng mạnh của người Khơ-me, tồn tại từ cuối thể kỷ thứ 6 đến đầu thể kỷ thứ 9. Năm 802 vua Jayavarman II lên ngôi xưng là chakravartin (nghĩa là vua của các vua / hoàng đế của thiên hạ) đặt nền móng cho đế chế Khơ-me. 

Thursday 27 December 2012

Cỏ cà ri có phải là hồ lô ba không?

Cỏ cà ri chính là hồ lô ba.
Tiếng Anh gọi cỏ cà ri là fenugreek, tiếng Pháp là fenugrec, tiếng Ý là fieno greco... do tiếng La Tinh là faenum graecum, (faenumcỏ khôgraecum, giống trung của graecus nghĩa là Hy Lạp).
Tên của cỏ này trong tiếng Ả Rập là hulba. Người Trung Quốc phiên thành hu2 lu2 ba1 ( 葫蘆巴), chuyển sang âm HánViệt thành hồ lô ba (Đào Duy Anh, 1950:639; Lê Khả Kế, 1978:78; Lê Khả Kế, 1981:90)

Sunday 23 December 2012

Sen lắc là gì?

Sen lắc / si lắc là chất nhựa ở dạng tờ mỏng, dùng để làm véc ni. Chất nhựa này do con bọ cánh kiến hút nhựa cây để sống rồi tiết trở ra. Khi gặp gió, nhựa đông cứng thành một lớp giáp che chở cho bọ. Việc sản xuất nhựa chủ yếu do bọ cái thực hiện vì nó nằm yên suốt đời, chỉ thò cơ quan sinh dục ra ngoài để giao cấu trong khi bọ đực phải di động để làm việc ấy và làm xong thì kiệt sức mà chết luôn. Bọ cái đẻ từ vài trăm đến một ngàn trứng, nuôi bầy con đông đúc mà không nhúc nhích được.  Đến khi mẹ chết ngạt thì bầy con trưởng thành thoát ra ngoài, bò đi nơi khác, tái tục cái vòng đời phù du tạo diệt ba trăm ngàn mạng bọ để tạo ra một kí lô nhựa.
Người Việt ngày xưa đã từng dùng nhựa cánh kiến để làm thuốc nhuộm răng. Khi người Pháp đến Việt Nam, họ gọi nhựa này là gomme-laque; người Việt Nam gọi theo là gôm lắc. Cây sơn lắc trong tiếng Pháp là laquier hay arbre à laque, với laque là một từ đã xuất hiện từ thế kỷ 15 dưới dạng là lacce. Truy nguyên từ lacce này phải qua tiếng La Tinh (lacca), tiếng Ả rập (lakk) rồi mới đến nguồn gốc của nó là lakk của tiếng Hin-đi nghĩa là trăm nghìn, ý muốn nói số lượng bọ trên cây nhiều vô kể. Ấn Độ xưa nay vẫn là nước sản xuất nhựa cánh kiến nhiều và tốt nhất thế giới. Tên sản phẩm từ đó mà ra cũng là điều tự nhiên.
Năm 1713 người Anh dịch cụm từ tiếng Pháp laque en écailles (nhựa cánh kiến dạng tờ mỏng) thành shellac (cũng viết là shellack) theo phương thức sao phỏng (laque của tiếng Pháp thành lac của tiếng Anh và écaille của tiếng Pháp ứng với shell của tiếng Anh). Thuật ngữ sơn vảy của tiếng Việt cũng chính là kết quả của phép dịch sao phỏng laque en écailles của tiếng Pháp và shellac/shellack của tiếng Anh.
 Shellac của tiếng Anh quay ngược trở lại tiếng Pháp, giữ nguyên cách viết nhưng phát âm theo kiểu Pháp, và được nhiều ngôn ngữ khác vay mượn lẫn nhau qua đường phiên âm: shellac trong tiếng Ý, schellak trong tiếng Hà Lan; tiếng Nga шеллак mượn âm của tiếng Hà Lan. Sen-lắc của tiếng Việt có lẽ được mượn từ tiếng Nga chứ không phải từ tiếng Pháp. 

Saturday 22 December 2012

VÀI NÉT VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TỪ HÁN VIỆT VÀ VIỆC DẠY – HỌC TỪ HÁN VIỆT HIỆN NAY

VÀI NÉT VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TỪ HÁN VIỆT VÀ VIỆC DẠY – HỌC TỪ HÁN VIỆT HIỆN NAY (H.Đ.V)

I. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ TỪ HÁN VIỆT
          1. Hệ quả của quá trình giao lưu tiếp xúc ngôn ngữ - văn hoá Việt - Hán trong một thời kì lịch sử lâu dài đã để lại trong tiếng Việt một bộ phận quan trọng, đó chính là lớp từ Hán Việt. Nó cũng là bộ phận chủ yếu của vốn từ gốc Hán trong tiếng Việt. Từ gốc Hán trong tiếng Việt còn có các bộ phận khác là lớp từ tiền Hán Việt, lớp từ Hán Việt Việt hoá, các từ thuộc phương ngữ của tiếng Hán hiện đại du nhập vào tiếng Việt gần đây.
          Trong các loại từ vay mượn tiếng Hán, từ Hán Việt chiếm ưu thế tuyệt đối. Theo ước lượng của các nhà nghiên cứu, từ Hán Việt chiếm khoảng trên dưới 70% vốn từ trong phong cách chính luận, khoa học (Maspéro thì cho rằng, chúng chiếm tới hơn 60% lượng từ tiếng Việt).
Sở dĩ có nhiều lớp từ gốc Hán như thế trong tiếng Việt là vì quá trình du nhập ngôn ngữ và văn hoá Hán xảy ra đối với xã hội Việt Nam qua nhiều giai đoạn khác nhau. Ở mỗi một thời kì, ngôn ngữ Hán du nhập vào tiếng Việt lại chịu ảnh hưởng bởi các giai đoạn ngữ âm Hán khác nhau. Lớp từ Tiền Hán Việt chịu ảnh hưởng của ngữ âm Hán Thượng Cổ, Hán Việt chịu ảnh hưởng bởi ngữ âm đời Đường – tương ứng với ngữ âm Hán Trung Cổ; và về sau, trong vốn từ Hán Việt lại có một bộ phận từ ngữ tiếp tục được biến đổi cho phù hợp với cơ cấu phát âm và thói quen sử dụng của người Việt…, cho nên gọi là lớp từ Hán Việt Việt hoá – tức là Việt hoá từ Hán Việt. 
Vì vậy có thể thấy, nghiên cứu âm Hán Việt, từ Hán Việt là nghiên cứu phương diện trọng yếu của sự diễn biến phát triển của ngữ âm tiếng Việt.
          2. Từ Hán Việt nói riêng và vốn từ gốc Hán nói chung đã được chú ý nghiên cứu sâu từ mấy chục năm trở lại đây và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đã chú ý tìm hiểu các vấn đề chủ yếu sau đây:
          - Nghiên cứu quá trình giao lưu tiếp xúc ngôn ngữ văn hoá Việt - Hán trong lịch sử và những hệ quả của quá trình đó.
          - Nghiên cứu quá trình hình thành vốn từ tiếng Việt, bao quát trong đó là vấn đề lịch sử du nhập các yếu tố ngôn ngữ Hán vào tiếng Việt; quá trình hình thành vốn từ Hán Việt: quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, lịch sử từ Hán Việt.
          - Tìm hiểu và khẳng định đặc điểm Việt hoá các yếu tố ngôn ngữ văn tự Hán. Các nội dung Việt hoá chủ yếu thuộc những phương diện cơ bản như: âm đọc, cấu tạo, ý nghĩa, phạm vi sử dụng và sự phân định phong cách từ Hán Việt với từ thuần Việt...
          - Tranh luận và trình bày các quan điểm về xác định khái niệm từ thuần Việt với từ Hán Việt.
          - Tìm hiểu quá trình và đặc điểm sử dụng từ Hán Việt nói chung và các yếu tố Hán Việt trong cấu tạo từ tiếng Việt.
          - Nghiên cứu đặc điểm cấu tạo từ Hán Việt.
          - Nghiên cứu đặc điểm và phong cách từ Hán Việt cũng như những thể nghiệm về phong cách sử dụng từ Hán Việt trong văn học.
          - Đặt vấn đề sử dụng và sáng tạo từ Hán Việt trong mối quan hệ với bối cảnh văn hoá nói chung: khoa cử chữ Hán, Nho học ở Việt Nam, vấn đề điển tích điển cố và thi văn liệu Hán học trong sáng tác văn học trung đại...
          Ngoài ra, từ Hán Việt cũng được đặt ra và bàn luận trên phương diện dạy học trong nhà trường. Với tư cách là đối tượng dạy học, từ Hán Việt được đề cập cụ thể ở nhiều góc độ, như: vấn đề lựa chọn từ Hán Việt như thế nào, số lượng là bao nhiêu cho phù hợp với mỗi trình độ, cấp học; vấn đề lựa chọn nghĩa để giải thích cho phù hợp với ngữ cảnh trong khi mỗi một từ Hán Việt thường có nhiều nét nghĩa khác nhau; phương pháp và cách thức truyền đạt làm sao cho đúng, dễ hiểu, dễ tiếp thu và vận dụng chính xác…
          3. Có thể nhận thấy, các vấn đề nghiên cứu đã được đặt ra vừa có phạm vi rộng, vừa có những nội dung chi tiết, ở những phạm vi ứng dụng cụ thể. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đã giải quyết và đi đến thống nhất một số vấn đề cơ bản sau đây:
          - Khẳng định vai trò, ý nghĩa văn hoá, học thuật quan trọng của vốn từ gốc Hán nói chung và vốn từ Hán Việt nói riêng trong việc hình thành nên tiếng Việt văn hoá...
          - Thống nhất về quan điểm lịch sử trong nhìn nhận, phân tích, đánh giá về các phương diện liên quan của từ Hán Việt với tiếng Việt và văn hoá Việt - Hán.
          - Thành tựu trong nghiên cứu về nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt...
          Bên cạnh những thành tựu đạt được hết sức khả quan như thế, không phải là đã hết những vấn đề còn cần bàn bạc, nhất là vấn đề dạy và học từ Hán Việt như thế nào. Đó là vấn đề còn chờ các nhà nghiên cứu và các thày cô giáo giảng dạy ở các cấp học tiếp tục đặt ra để đi đến những quan điểm cơ bản và thống nhất.
II. VIỆC DẠY – HỌC TỪ HÁN VIỆT HIỆN NAY
          1. Liên quan đến những vấn đề nghiên cứu đã dẫn trên đây, việc dạy và học từ Hán Việt là một vấn đề cụ thể hoá lí thuyết nghiên cứu, nó vẫn đang được triển khai ở các cấp học, bậc học. Nó được giảng dạy trong chương trình Ngữ văn dưới tên gọi “Tiếng Việt”  từ lớp 5 đến lớp 10 và “Mở rộng vốn từ Hán Việt” ở khoa Ngữ văn Cao đẳng Sư phạm hay chương trình Hán Nôm ở một số trường đại học. Ngoài môi trường nhà trường đó ra, từ Hán Việt không được dạy trên một kênh thông tin nào nữa. Trong khi đó, việc dùng từ Hán Việt vẫn luôn diễn ra hàng giờ, hàng ngày, ở mọi đối tượng, trong mọi lĩnh vực đời sống ngôn ngữ, xã hội. Và sẽ không có gì đáng bàn nếu như việc dùng từ Hán Việt đó luôn chuẩn xác, hợp lí. Thực tế là vẫn còn nhan nhản những trường hợp dùng sai, nhầm lẫn: sai do không hiểu, không hiểu và vẫn dùng, dùng sai mà tưởng đúng hoặc dùng sai nhiều do thói quen, do bắt chước hay bị ảnh hưởng từ người khác hay đài báo mà thành phổ biến, từ phổ biến mà thành “đúng”…Những trường hợp ấy, đáng tiếc lại không chỉ xảy ra với người Việt bình thường mà cả ở những người có trình độ văn hoá cao, xuất hiện trên báo chí, sách vở, và cả trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
          Ví dụ như với những từ “quan ngại” sẽ được dùng và hiểu như “lo ngại”: “…điều đó đã gây quan ngại cho không ít người”; từ “vấn nạn” được hiểu là “vấn đề nan giải”: “…hiện tượng xả rác thải bừa bãi đang trở thành một vấn nạn đối với xã hội văn minh”; từ “vô hình trung” thì viết thành “vô hình chung” hay “vô hình dung”; từ “việt dã” bị hiểu là “chạy dài”; “đoạn trường” dùng thành “đoản trường”; “trứ tác” thì dùng như “sáng tác”…
          Ấy là chưa kể đến những từ gốc Hán thuộc lĩnh khoa học tự nhiên, kĩ thuật chuyên ngành, hay các thành ngữ Hán Việt, các điển tích điển cố… mà chỉ những người thuộc chuyên môn sâu mới hiểu được.
          2. Việc những từ Hán Việt bị hiểu sai, dùng sai ấy được lí giải bởi nhiều nguyên nhân, mà trên hết là do không “chuẩn” được tiếng Việt, tức là nói theo kiểu dân  chơi cờ là “chưa sạch nước cản” thì có thể gọi những người Việt ấy là “chưa sạch tiếng mẹ đẻ”. Tất nhiên, những lỗi sai ấy không chỉ ở việc dùng từ Hán Việt.
          Chính vì thế, việc đề xuất đưa Từ Hán Việt nói riêng, tiếng Việt nói chung như một đối tượng dạy học (bằng một cách nào đó sẽ là vấn đề cần bàn cho phù hợp với từng trường hợp) vào các phương tiện truyền thông, tạp chí (không chỉ là tạp chí chuyên ngành) là vấn đề cần và khả dĩ. Đó là những kênh mà đông đảo người đọc thuộc nhiều tầng lớp và lứa tuổi có thể dễ dàng tiếp cận. Hi vọng từ đó, dần dần tình trạng nói sai, viết sai tiếng Việt (sai chính tả, sai văn phong…), sính dùng tiếng nước ngoài xen lẫn biến thứ tiếng Việt trong sạch thành một thứ ngôn ngữ hổ lốn sống sượng khó tiêu hóa sẽ bớt đi, và nếu may mắn có thể chấm dứt. Những tình trạng ấy đã được nhiều người, nhiều báo đài kêu lên thống thiết, ở đây xin không nhắc nữa.
          3. Từ những suy nghĩ trên đây, chúng tôi thấy cũng là lí do để đề xuất đưa thêm vào các kênh thông tin: đài (gồm đài phát thanh và truyền hình), báo (báo giấy và báo điện tử) chuyên hoặc không chuyên… mục Dạy học Từ Hán Việt. Nội dung chính của chuyên mục là tuyển chọn để giải thích những từ Hán Việt khó, những thành ngữ, điển cố… có thể dễ gây nhầm lẫn, dùng sai… được tuyển từ các giáo trình, sách giáo khoa các cấp, ở các lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội.
          Mục đích cao nhất của công việc này là nhằm phục vụ đông đảo các đối tượng mà trước hết là giáo viên phổ thông, nhất là giáo viên dạy các môn Văn, Tiếng Việt, Lịch Sử, Ngoại ngữ ... học viên, sinh viên các trường đại học sư phạm, cao đẳng và trung học sư phạm có các ngành Khoa học xã hội và nhân văn và bạn đọc quan tâm.
                                               
H.Đ.V

Friday 21 December 2012

Ma nào dẫn lối, quỷ nào đưa đàng?



Theo thông lệ, một cuộc hội nghị khoa học 1-2 ngày phải qua nhiều bước chuẩn bị rất công phu. Từ ý tưởng chủ đề đến quyết định thành lập ban tổ chức hội nghị là một bước dài, dài đến vài ba năm là chuyện bình thường nếu hội nghị xoay quanh một chủ đề nhạy cảm. Sau khi ban tổ chức ra thông báo kêu gọi cộng đồng khoa học tham gia hội nghị, các nhà nghiên cứu muốn dự hội nghị phải gửi đến ban tổ chức một bản tóm tắt báo cáo cùng với họ tên, địa chỉ liên lạc… Toàn văn báo cáo sẽ gửi sau, đúng thời hạn quy định. Căn cứ vào trình độ khoa học thể hiện trong nội dung báo cáo là chính, cộng với nhiều điều kiện khác (khả năng tiếp đón chẳng hạn), ban tổ chức sẽ gửi thư mời đến từng người. Nguyên tắc chung là thế, đủ phức tạp để công tác chuẩn bị hội nghị kéo dài cả năm và không phải ai đăng ký dự hội nghị cũng được chấp nhận. Càng phức tạp nếu đó là hội nghị quốc tế.
Hội nghị bàn về giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài mà mình xin đến nói chuyện loãng xương là trật chìa rồi (chỉ là ví dụ thôi).
Hội nghị chỉ có khả năng tiếp đón 100 nhà khoa học mà có đến 1000 người xin dự thì số người bị từ chối là 1000 – 100 = 900.
Hội nghị có thu phí mà mình không đóng phí đúng cách, đúng thời hạn, đương nhiên không có giấy mời.
Hội nghị quốc tế mà mình đang có vấn đề với công an, ban tổ chức thường chẳng dám lên tiếng mời. May mắn kiếm được giấy mời chưa chắc xin được thị thực nhập cảnh. Có thị thực nhập cảnh rồi chưa chắc qua được cửa khẩu. Vào được rồi, đăng đàn diễn thuyết xong mình lên máy bay ra về là lúc ban tổ chức đi hầu A25 mệt nghỉ. Chuyện này đã xảy ra với nhiều người, không cần nêu tên nữa.
Với người không nằm trong tầm ngắm của công an thì đi hội nghị khoa học ở Việt Nam dễ hơn đi chợ dù có thu phí hay không, kể cả khi hội trường đã hết chỗ. Chỉ cần ma đưa lối, quỷ dẫn đường.
Cách đây 18-19 năm tôi từng tuân lệnh thủ trưởng chuẩn bị thư mời một nữ giáo sư Việt Kiều về dự một cuộc hội nghị lớn của ngành. Bà này không có tóm tắt báo cáo, không có báo cáo toàn văn, không có phiếu đăng ký, không có gì hết, chỉ có một bức fax gửi sếp với mấy dòng vắn tắt đại ý em cần về thăm gia đình (mẹ bệnh? quên rồi)… xin… gửi cho em một thư mờiThư mời này cần làm gấp để kịp xin thị thực ở sứ quán và xin đại học tài trợ…  Thủ trưởng tôi nể bạn, không tiện từ chối, bảo lính làm thư mời. Chẳng qua ngày ấy Việt kiều xin về nước thăm thân nhân khó hơn, mệt mỏi hơn đi hội nghị khoa học nên mới nảy ra cái trò sai bảo vô lối đến nỗi gần 20 năm sau lính vẫn nhớ như in họ tên vị nữ giáo sư muốn về thăm nhà nhân tiện làm khoa học luôn.
Việc hồi hương thăm thân nhân nay đã trở nên dễ dàng nhưng vẫn chưa tuyệt nọc hạng Việt kiều về nước làm gì không biết nhưng nhân tiện làm khoa học luôn. Có vị vác một báo cáo đi đọc ở 3-4 hội nghị khác nhau, năm này qua năm nọ vẫn là một nội dung ấy, chỉ có cái tựa là khác. Có vị hiểu khoa học là thời sự, thời sự là khoa học nên đem về Việt Nam những báo cáo kiểu Tình hình giảng dạy tiếng Việt ở X châu, Y quốc từ năm bao nhiêu đến năm bấy nhiêu… hay Thế giới bây giờ bàng bạt(sic) cái này cái nọ, Việt Nam chỉ toàn một lũ ếch ngồi đáy giếng… Kinh hãi nhất là Việt kiều đời nay dám làm cả thứ khoa học mà bản thân không biết lấy mộtchữ đui. So với hai mươi năm trước, sự ngạo mạn đã đạt và vượt đỉnh. Quy định này, điều kiện nọ với các vị Việt kiều trơ tráo ấy không khác gì một mớ giấy lộn. Đã có người quen mở cửa mời họ vào bất cứ lúc nào họ muốn để họ phán bất cứ điều gì họ thích. Ai biết người quen của họ tên gì không?