Saturday 22 December 2012

VÀI NÉT VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TỪ HÁN VIỆT VÀ VIỆC DẠY – HỌC TỪ HÁN VIỆT HIỆN NAY

VÀI NÉT VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TỪ HÁN VIỆT VÀ VIỆC DẠY – HỌC TỪ HÁN VIỆT HIỆN NAY (H.Đ.V)

I. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ TỪ HÁN VIỆT
          1. Hệ quả của quá trình giao lưu tiếp xúc ngôn ngữ - văn hoá Việt - Hán trong một thời kì lịch sử lâu dài đã để lại trong tiếng Việt một bộ phận quan trọng, đó chính là lớp từ Hán Việt. Nó cũng là bộ phận chủ yếu của vốn từ gốc Hán trong tiếng Việt. Từ gốc Hán trong tiếng Việt còn có các bộ phận khác là lớp từ tiền Hán Việt, lớp từ Hán Việt Việt hoá, các từ thuộc phương ngữ của tiếng Hán hiện đại du nhập vào tiếng Việt gần đây.
          Trong các loại từ vay mượn tiếng Hán, từ Hán Việt chiếm ưu thế tuyệt đối. Theo ước lượng của các nhà nghiên cứu, từ Hán Việt chiếm khoảng trên dưới 70% vốn từ trong phong cách chính luận, khoa học (Maspéro thì cho rằng, chúng chiếm tới hơn 60% lượng từ tiếng Việt).
Sở dĩ có nhiều lớp từ gốc Hán như thế trong tiếng Việt là vì quá trình du nhập ngôn ngữ và văn hoá Hán xảy ra đối với xã hội Việt Nam qua nhiều giai đoạn khác nhau. Ở mỗi một thời kì, ngôn ngữ Hán du nhập vào tiếng Việt lại chịu ảnh hưởng bởi các giai đoạn ngữ âm Hán khác nhau. Lớp từ Tiền Hán Việt chịu ảnh hưởng của ngữ âm Hán Thượng Cổ, Hán Việt chịu ảnh hưởng bởi ngữ âm đời Đường – tương ứng với ngữ âm Hán Trung Cổ; và về sau, trong vốn từ Hán Việt lại có một bộ phận từ ngữ tiếp tục được biến đổi cho phù hợp với cơ cấu phát âm và thói quen sử dụng của người Việt…, cho nên gọi là lớp từ Hán Việt Việt hoá – tức là Việt hoá từ Hán Việt. 
Vì vậy có thể thấy, nghiên cứu âm Hán Việt, từ Hán Việt là nghiên cứu phương diện trọng yếu của sự diễn biến phát triển của ngữ âm tiếng Việt.
          2. Từ Hán Việt nói riêng và vốn từ gốc Hán nói chung đã được chú ý nghiên cứu sâu từ mấy chục năm trở lại đây và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đã chú ý tìm hiểu các vấn đề chủ yếu sau đây:
          - Nghiên cứu quá trình giao lưu tiếp xúc ngôn ngữ văn hoá Việt - Hán trong lịch sử và những hệ quả của quá trình đó.
          - Nghiên cứu quá trình hình thành vốn từ tiếng Việt, bao quát trong đó là vấn đề lịch sử du nhập các yếu tố ngôn ngữ Hán vào tiếng Việt; quá trình hình thành vốn từ Hán Việt: quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, lịch sử từ Hán Việt.
          - Tìm hiểu và khẳng định đặc điểm Việt hoá các yếu tố ngôn ngữ văn tự Hán. Các nội dung Việt hoá chủ yếu thuộc những phương diện cơ bản như: âm đọc, cấu tạo, ý nghĩa, phạm vi sử dụng và sự phân định phong cách từ Hán Việt với từ thuần Việt...
          - Tranh luận và trình bày các quan điểm về xác định khái niệm từ thuần Việt với từ Hán Việt.
          - Tìm hiểu quá trình và đặc điểm sử dụng từ Hán Việt nói chung và các yếu tố Hán Việt trong cấu tạo từ tiếng Việt.
          - Nghiên cứu đặc điểm cấu tạo từ Hán Việt.
          - Nghiên cứu đặc điểm và phong cách từ Hán Việt cũng như những thể nghiệm về phong cách sử dụng từ Hán Việt trong văn học.
          - Đặt vấn đề sử dụng và sáng tạo từ Hán Việt trong mối quan hệ với bối cảnh văn hoá nói chung: khoa cử chữ Hán, Nho học ở Việt Nam, vấn đề điển tích điển cố và thi văn liệu Hán học trong sáng tác văn học trung đại...
          Ngoài ra, từ Hán Việt cũng được đặt ra và bàn luận trên phương diện dạy học trong nhà trường. Với tư cách là đối tượng dạy học, từ Hán Việt được đề cập cụ thể ở nhiều góc độ, như: vấn đề lựa chọn từ Hán Việt như thế nào, số lượng là bao nhiêu cho phù hợp với mỗi trình độ, cấp học; vấn đề lựa chọn nghĩa để giải thích cho phù hợp với ngữ cảnh trong khi mỗi một từ Hán Việt thường có nhiều nét nghĩa khác nhau; phương pháp và cách thức truyền đạt làm sao cho đúng, dễ hiểu, dễ tiếp thu và vận dụng chính xác…
          3. Có thể nhận thấy, các vấn đề nghiên cứu đã được đặt ra vừa có phạm vi rộng, vừa có những nội dung chi tiết, ở những phạm vi ứng dụng cụ thể. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đã giải quyết và đi đến thống nhất một số vấn đề cơ bản sau đây:
          - Khẳng định vai trò, ý nghĩa văn hoá, học thuật quan trọng của vốn từ gốc Hán nói chung và vốn từ Hán Việt nói riêng trong việc hình thành nên tiếng Việt văn hoá...
          - Thống nhất về quan điểm lịch sử trong nhìn nhận, phân tích, đánh giá về các phương diện liên quan của từ Hán Việt với tiếng Việt và văn hoá Việt - Hán.
          - Thành tựu trong nghiên cứu về nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt...
          Bên cạnh những thành tựu đạt được hết sức khả quan như thế, không phải là đã hết những vấn đề còn cần bàn bạc, nhất là vấn đề dạy và học từ Hán Việt như thế nào. Đó là vấn đề còn chờ các nhà nghiên cứu và các thày cô giáo giảng dạy ở các cấp học tiếp tục đặt ra để đi đến những quan điểm cơ bản và thống nhất.
II. VIỆC DẠY – HỌC TỪ HÁN VIỆT HIỆN NAY
          1. Liên quan đến những vấn đề nghiên cứu đã dẫn trên đây, việc dạy và học từ Hán Việt là một vấn đề cụ thể hoá lí thuyết nghiên cứu, nó vẫn đang được triển khai ở các cấp học, bậc học. Nó được giảng dạy trong chương trình Ngữ văn dưới tên gọi “Tiếng Việt”  từ lớp 5 đến lớp 10 và “Mở rộng vốn từ Hán Việt” ở khoa Ngữ văn Cao đẳng Sư phạm hay chương trình Hán Nôm ở một số trường đại học. Ngoài môi trường nhà trường đó ra, từ Hán Việt không được dạy trên một kênh thông tin nào nữa. Trong khi đó, việc dùng từ Hán Việt vẫn luôn diễn ra hàng giờ, hàng ngày, ở mọi đối tượng, trong mọi lĩnh vực đời sống ngôn ngữ, xã hội. Và sẽ không có gì đáng bàn nếu như việc dùng từ Hán Việt đó luôn chuẩn xác, hợp lí. Thực tế là vẫn còn nhan nhản những trường hợp dùng sai, nhầm lẫn: sai do không hiểu, không hiểu và vẫn dùng, dùng sai mà tưởng đúng hoặc dùng sai nhiều do thói quen, do bắt chước hay bị ảnh hưởng từ người khác hay đài báo mà thành phổ biến, từ phổ biến mà thành “đúng”…Những trường hợp ấy, đáng tiếc lại không chỉ xảy ra với người Việt bình thường mà cả ở những người có trình độ văn hoá cao, xuất hiện trên báo chí, sách vở, và cả trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
          Ví dụ như với những từ “quan ngại” sẽ được dùng và hiểu như “lo ngại”: “…điều đó đã gây quan ngại cho không ít người”; từ “vấn nạn” được hiểu là “vấn đề nan giải”: “…hiện tượng xả rác thải bừa bãi đang trở thành một vấn nạn đối với xã hội văn minh”; từ “vô hình trung” thì viết thành “vô hình chung” hay “vô hình dung”; từ “việt dã” bị hiểu là “chạy dài”; “đoạn trường” dùng thành “đoản trường”; “trứ tác” thì dùng như “sáng tác”…
          Ấy là chưa kể đến những từ gốc Hán thuộc lĩnh khoa học tự nhiên, kĩ thuật chuyên ngành, hay các thành ngữ Hán Việt, các điển tích điển cố… mà chỉ những người thuộc chuyên môn sâu mới hiểu được.
          2. Việc những từ Hán Việt bị hiểu sai, dùng sai ấy được lí giải bởi nhiều nguyên nhân, mà trên hết là do không “chuẩn” được tiếng Việt, tức là nói theo kiểu dân  chơi cờ là “chưa sạch nước cản” thì có thể gọi những người Việt ấy là “chưa sạch tiếng mẹ đẻ”. Tất nhiên, những lỗi sai ấy không chỉ ở việc dùng từ Hán Việt.
          Chính vì thế, việc đề xuất đưa Từ Hán Việt nói riêng, tiếng Việt nói chung như một đối tượng dạy học (bằng một cách nào đó sẽ là vấn đề cần bàn cho phù hợp với từng trường hợp) vào các phương tiện truyền thông, tạp chí (không chỉ là tạp chí chuyên ngành) là vấn đề cần và khả dĩ. Đó là những kênh mà đông đảo người đọc thuộc nhiều tầng lớp và lứa tuổi có thể dễ dàng tiếp cận. Hi vọng từ đó, dần dần tình trạng nói sai, viết sai tiếng Việt (sai chính tả, sai văn phong…), sính dùng tiếng nước ngoài xen lẫn biến thứ tiếng Việt trong sạch thành một thứ ngôn ngữ hổ lốn sống sượng khó tiêu hóa sẽ bớt đi, và nếu may mắn có thể chấm dứt. Những tình trạng ấy đã được nhiều người, nhiều báo đài kêu lên thống thiết, ở đây xin không nhắc nữa.
          3. Từ những suy nghĩ trên đây, chúng tôi thấy cũng là lí do để đề xuất đưa thêm vào các kênh thông tin: đài (gồm đài phát thanh và truyền hình), báo (báo giấy và báo điện tử) chuyên hoặc không chuyên… mục Dạy học Từ Hán Việt. Nội dung chính của chuyên mục là tuyển chọn để giải thích những từ Hán Việt khó, những thành ngữ, điển cố… có thể dễ gây nhầm lẫn, dùng sai… được tuyển từ các giáo trình, sách giáo khoa các cấp, ở các lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội.
          Mục đích cao nhất của công việc này là nhằm phục vụ đông đảo các đối tượng mà trước hết là giáo viên phổ thông, nhất là giáo viên dạy các môn Văn, Tiếng Việt, Lịch Sử, Ngoại ngữ ... học viên, sinh viên các trường đại học sư phạm, cao đẳng và trung học sư phạm có các ngành Khoa học xã hội và nhân văn và bạn đọc quan tâm.
                                               
H.Đ.V

No comments:

Post a Comment