Ngũ tự đồng nguyên.
Hùm là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 甝, mà âm Hán Việt chính thống hiên đại là hàm, có nghĩa là hổ trắng. Ở đây, ta có một sự mở rộng nghĩa từ hổ trắng thành hổ nói chung. Sự mở rộng hoặc sự thu hẹp nghĩa là một hiện tượng bình thường trong ngữ nghĩa học. Cùng một từ gốc trong các ngôn ngữ Germanic mà Tier của tiếng Đức có nghĩa là động vật nói chung còn deer của tiếng Anh thì chỉ dùng để chỉ hươu, nai. Trong tiếng Hán, bàn có nghĩa là mâm nhưng đi vào tiếng Việt thì nó lại đồng nghĩa với cái vật mà tiếng Anh, tiếng Pháp gọi là table, trên đó người ta có thể để cái mâm. Vậy thì từ hàm sang hùm, ta không có gì để băn khoăn về mặt ngữ nghĩa.
Ngoài hùm ra, hàm còn có những điệp thức, tức biến thể ngữ âm khác là: hạm, hồm, hầm. Ở đây, ta có một sự tương ứng thật đẹp về phụ âm đầu [h] và thanh điệu (thanh 2, dấu huyền) giữa hàm, hùm,hồm, hầm. Còn về sự tương ứng giữa thanh 2 (dấu huyền) của hàm với thanh 6 (dấu nặng) của hạm, ta có hàng loạt trường hợp tương tự:
– lề (trong lề thói) ~ lệ (trong luật lệ);
– loàn (trong lăng loàn) ~ loạn (trong nhiễu loạn);
– lồ (trong loã lồ) ~ lộ (trong lộ liễu);
– vì (trong bởi vì) ~ vị (chỉ nguyên nhân); v.v..
Hạm là một từ của phương ngữ Nam Bộ, như đã được ghi nhận trong Dictionarium Anamitico Latinum(viết tay, 1772-73) của Pigneaux de Béhaine, từ điển cùng tên của J.L. Taberd (Serampore, 1838),Đại Nam quốc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của, Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, v.v.. Hạm là hổ to, cọp lớn.
Về sự tương ứng giữa nguyên âm “ô” của hồm với nguyên âm “a” của hàm, ta cũng có nhiều trường hợp tương tự để chứng minh:
– bạ (trong danh bạ) cũng đọc là bộ;
– hộp (trong đồ hộp) ~ hạp 匣 (= hộp);
– nồm (trong gió nồm) ~ nam (trong nam bắc); v.v..
Về sự tương ứng giữa hồm với hùm thì, trước nhất, “ô” và “u” đều là nguyên âm tròn môi nên chuyển đổi với nhau là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra; huống chi, thứ đến, cả hồm lẫn hùm đều đã được ghi nhận như là những biến thể trong Dictionarium Annamiticum, Lusitanum et Latinum (Từ điển Việt Bồ La) của A. de Rhodes (Roma, 1651). Điều này chứng tỏ rằng vào giữa thế kỷ XVII thì hồm và hùm vẫn còn đang tranh chấp với nhau một chỗ đứng trong vốn từ vựng của tiếng Việt nhưng cuối cùng thì hồm, xưa hơn, đã bị hùm thay thế.
Cuối cùng, về mối tương ứng giữa hùm và hầm thì ta có một sự thật hiển nhiên: hầm là một biến thể ngữ âm hậu kỳ của hùm, như có thể thấy trong một số bản phiên âm Truyện Kiều từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ, chẳng hạn bản của Tản Đà. Biến thể này đã tranh chấp với hùm cái chỗ đứng chính thức trong từ vựng tiếng Việt nhưng trong cuộc tranh chấp này thì kẻ hậu sinh là hầm đã không đánh bật nổi bậc tiền bối là hùm nên đến nay chỉ còn sống lây lất trong thổ ngữ của một số địa phương mà thôi.
Thế là ta có một dãy điệp thức (theo thứ tự thời gian mà chúng tôi đoán định) như sau:
– hồm ~ hàm ~ hạm ~ hùm ~ hầm.
Đây là ngũ tự đồng nguyên, năm chữ cùng gốc, trong đó hàm là âm Hán Việt chính thống trong thư tịch, đồng thời là một hình vị ràng buộc (bound morpheme) còn hạm, hồm, hùm, hầm là âm ngoài thư tịch (nhưng tất nhiên vẫn là âm Hán Việt), đồng thời là những hình vị tự do (free morpheme), là những từ độc lập, có thể (hoặc từng) hành chức một cách bình thường trong lời ăn tiếng nói hằng ngày.
Hùm không phải là một từ của khẩu ngữ.
Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên, từ ấn bản 1992 cho đến những ấn bản gần đây, đều khẳng định rằng hùm là một từ thuộc khẩu ngữ. Thật là một sai lầm đáng tiếc. Bất cứ ai có cảm thức chính xác và nhạy bén về tiếng Việt cũng đều có thể thấy rằng giữa hổ và hùm thì hùmthiêng mà hổ thường. “Khẩu ngữ” thế nào được khi mà trong Truyện Kiều, kiệt tác của văn học cổ điển Việt Nam, hùm thì bao sân mà hổ thì bặt vô âm tín: miệng hùm nọc rắn (câu 2016), bán hùm buôn sói(câu 2122), râu hùm hàm én (câu 2167), trướng hùm (câu 2315), hùm thiêng (câu 2516), kề răng hùm sói (câu 2670). Rồi ở ngoài đời thì người dân yêu nước đã tôn vinh nhà yêu nước Hoàng Hoa Thám làHùm thiêng Yên Thế. Còn dân gian thì từ xửa từ xưa đã đúc kết: Hùm chết để da, người ta chết để tiếng. Ở đây, nếu ta thay hùm bằng hổ thì câu tục ngữ sẽ mất thiêng. Đã không nói hùm là một từ có tính chất văn chương thì chớ; tại sao lại nói nó là một từ của khẩu ngữ?
Râu hùm thì oai ở chỗ nào?
Thật lòng, chúng tôi cũng không thấy râu hùm thì oai vệ ở chỗ nào cả. Cứ nói cho khách quan thì chẳng qua nó cũng cùng một “mẫu mã” với râu mèo mà thôi. Chẳng qua nó ăn theo cái diện mạo tổng quát của con hổ, với cặp mắt có tác dụng thôi miên (hổ thị đam đam), cái mõm với bốn cái răng nanh to chắc và sắc nhọn, cái đầu với ba màu lông đen, trắng và da bò tạo thành những hoa văn gần như những vòng tròn đồng tâm, cộng với đám lông nhung trắng xù ra chung quanh làm cho vẻ mặt càng thêm dữ dằn, v. v.. Chứ riêng râu của nó thì …
Khốn nỗi, trong Truyện Kiều, để tả cái uy, cái dũng của Từ Hải, thi hào Nguyễn Du lại viết:
Râu hùm, hàm én, mày ngài;
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Đường đường một đấng anh hào;
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.
Tài kể chuyện và kỹ xảo dùng từ của Nguyễn Du đã buộc nhiều người phải suy nghĩ nát óc xem râu hùm thì oai ở chỗ nào… mà hình như vẫn không thấy mấy ai giảng cho ra lẽ. Hễ nói đến râu hùm của họ Từ thì có những tác giả thường hay rẽ sang lối khác. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu viết:
“ Râu hầm cằm én là bởi chữ yến hạm hổ đầu 燕颔虎頭,tướng ông Ban Siêu đời Hán, bay mà ăn thịt, cái tướng được phong hầu vạn lý.”
(Dẫn theo Trần Văn Chánh,
Trần Phước Thuận, Phạm Văn Hoà,
Truyện Kiều tập chú, Nxb Đà Nẵng, 1999, tr.591).
Đào Duy Anh thì giảng:
“ Râu hùm hàm én do chữ “yến hàm hổ cảnh” (hàm én cổ cọp) là tướng của Ban Siêu đời Hán (cổ như cổ cọp, hàm như hàm én, người ta cho là tướng anh hùng). Nguyễn Du đổi “cổ hùm” thành râu hùm.”
(Từ điển Truyện Kiều,
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội
1974, tr.329).
Theo hai tác giả trên thì vô hình trung râu hùm là hai tiếng mất gia phả: vị này nói nó do hai tiếng hổ đầu (đầu cọp), còn vị kia thì nói nó do hai tiếng hổ cảnh (cổ cọp) mà ra. May thay, nó có gia phả hẳn hoi. Bốn tiếng râu hùm hàm én trong câu 2167 của Truyện Kiều là do Nguyễn Du lấy ý và chuyển nghĩa từ thành ngữ yến hạm hổ tu 燕颔虎须 (hàm én râu hổ) của tiếng Hán, dùng để tả tướng mạo oai phong. Thành ngữ này đã được ghi nhận trong Hán Đại thành ngữ đại từ điển do La Trúc Phong chủ biên (Hán ngữ đại từ điển xuất bản xã, Thượng Hải, 1997). Tam quốc diễn nghĩa (Hồi 1) và Thuỷ hử(Hồi 7) đều có sử dụng thành ngữ này.
Vậy thì râu hùm oai phong lẫm lẫm ở chỗ nào? Thật là khó phân tích cho ra lẽ. Nhưng ta sẽ yên tâm thưởng thức văn chương của Nguyễn Du hơn nếu ta nắm được cái quy tắc ngữ học có liên quan, sẽ nói dưới đây. Như đã nói, xuất xứ của bốn tiếng râu hùm hàm én là thành ngữ yến hạm hổ tu của tiếng Hán. Nói theo danh từ ngữ học thì bốn tiếng trước chỉ là hình thức sao phỏng từ bốn tiếng sau mà thôi.Sao phỏng, tiếng Anh là calque hoặc loan translation. Calque hoặc loan translation là một hình thức vay mượn từ vựng (từ một ngôn ngữ khác) trong đó tất cả các yếu tố được vay mượn đều được dịch theo nghĩa đen. Chợ trời, tiếng Pháp là marché aux puces, mà nếu dịch theo nghĩa đen thì sẽ là chợ (mua bán) bọ chét. Người Anh đã mượn danh ngữ marché aux puces của tiếng Pháp theo lối sao phỏng nên đã dịch thành flea market (flea = bọ chét; market = chợ). Nhưng tất nhiên là chẳng có ông, bà Ăng-lê nào ra flea market để mua … bọ chét cả. Huống chi, nếu họ cứ cố tình cố ý hiểu từ ngữ theo nghĩa đen thì chỉ cần nghe đến mấy tiếng flea market là họ cũng đã … ớn da gà. Từ thập kỷ 1990, khi Việt Nam mở cửa, ta bắt đầu sử dụng, rồi càng ngày càng nhiều, hai tiếng trọn gói, sao phỏng từ tiếng Anh package. Ta hiểu rằng đây là chuyện bao trọn từ khâu đầu đến khâu cuối, bao từ A đến Z. Có ai máy móc hoặc ngớ ngẩn đặt vấn đề xem người ta gói bằng vải, bằng giấy hay thậm chí bằng lá chuối, v. v. và v. v.. Vì thế cho nên, hễ cứ gặp các hình thức sao phỏng, thì hợp lý và đúng đắn nhất là cứ bình tâm hiểu nó theo cách hiểu của người nguyên ngữ, nghĩa là của cộng đồng người đã cho ta mượn những hình thức sao phỏng đó. Không nên thắc mắc theo nghĩa đen của những từ, ngữ mà ta đã dùng để sao phỏng vì đây là một việc làm ngớ ngẩn. Vậy thì ta cũng không nên đăt vấn đề xem râu hùm thì oai như thế nào. Ta chỉ cần biết rằng đây là trường hợp Nguyễn Du sao phỏng thành ngữ yến hạm hổ tu của tiếng Hán, mà trong thứ tiếng này thì đó là một thành ngữ nói lên cái dáng vẻ oai vệ của một đấng nam nhi.
No comments:
Post a Comment