Monday 17 December 2012

CÂU ĐƯƠNG là gì? (Kiến Thức Ngày Nay số 150, 9-1994)

ĐỘC GIẢ: Hai tiếng “câu đương” có nghĩa là gì? Có phải đó là một chức sắc hay không?
AN CHI trả lời: Nhà dân tộc học Trần Từ đã viết về hai tiếng câu đương như sau:
Câu đương: Riêng từ này hoàn toàn tối nghĩa, nếu chỉ quy về tiếng Việt hiện đại. Phải chăng đây là một từ cổ (gốc Nam Á hay Nam Đảo?) chỉ còn đọng lại trong trường hợp đang bàn, và một trường hợp khác tương tự trong hội đồng hương chức của làng Việt ở Nam bộ trước năm 1904 (tức trước năm người Pháp tiến hành cuộc “cải lương hương chính” đầu tiên trong miền này), chức câu đương giữ nhiệm vụ giải quyết các trường hợp kiện cáo lặt vặt giữa dân làng với nhau.
“Giáo sư Trần Quốc Vượng còn nhắc chúng tôi rằng, nếu căn cứ vào Đại Việt sử ký toàn thư, bộ sử ra đời hồi thế kỷ XV, dưới triều Lê, thì chức câu đương vẫn còn có mặt trong bộ máy chính quyền ở cơ sở ít nhất cũng cho đến thế kỷ XIII, dưới triều Trần: bấy giờ, thái sư Trần Thủ Độ có lần đi kinh lý các xã đã kiểm tra sổ sách, kiểm tra xong thì cho cử “câu đương”. Vẫn theo anh Vượng, văn cảnh của đoạn sử ấy không cho phép người đọc ngày nay định rõ chức năng cụ thể đương thời mà chức viên đó đảm nhiệm.”
(Cơ cấu tổ chức của làng Việt cổ truyền
ở Bắc Bộ, Hà Nội, 1984, tr.142, chth.28).
Có đúng câu đương là một từ cổ có gốc “Nam Á” hoặc “Nam Đảo” như Trần Từ đã giả định hay không? Hoàn toàn không vì đó là một từ Việt gốc Hán mà chữ viết là 句當, đã được Hán-Việt tự điển của Thiều Chửu giảng như sau: “(...) người phải liệu biện một công việc gọi là cấu đương. Ta quen gọi là câu đương”. Việt Hán thông-thoại tự-vị của Đỗ Văn Đáp phiên là câu đương và giảng là “cáng đáng công việc”. Hán-Việt tân từ-điển của Nguyễn Quốc Hùng cũng phiên là câu đương và giảng là “sắp xếp giải quyết công việc”. Tuy âm chính thức của chữ  trong trường hợp này phải là cấu vì thiết âm của nó là “cá hậu thiết” (X. Từ nguyênTừ  hải) nhưng Từ nguyên còn chú rõ là có thể đọc thành câu (“dịch đọc bình thanh”). Vậy cấu đương cũng đọc là câu đương. Từ này có nghĩa là liệu biện, xử lý công việc. Nhưng ngoài nghĩa trên, Từ hải có cho biết thêm rằng câu đương còn là một chức danh đặt ra từ đời Tống nữa. Khi Tống Cao Tông lên ngôi (1127) thì vì kỵ húy của ông vua này (húy của Tống Cao Tông là , chữ viết tuy khác nhưng cũng đọc là cấu) nên mới đổi mà gọi cấu (câu) đương thành cán biện(Đây là trường hợp thay thế từ bị kiêng kỵ bằng một từ đồng nghĩa với nó).
Xét về cấu tạo thì câu đương và cán biện đều vốn là những ngữ động từ đẳng lập (gồm hai động từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa với nhau) được chuyển loại thành danh từ để chỉ một chức danh. Danh từ này đã được người Việt Nam mượn để chỉ một chức dịch ở làng. Chức dịch này đương nhiên có thể không giống với chức viên câu đương của Trung Hoa (Nhiều từ Việt gốc Hán khi đi vào tiếng Việt thì lại có thêm nghĩa khác mà chúng đã không hề có trong tiếng Hán).
Trần Từ đã không đúng khi ông khẳng định rằng câu đương là một từ “hoàn toàn tối nghĩa nếu chỉ quy về tiếng Việt hiện đại”. Thực ra ta không nên vì chính mình không biết được nghĩa của một từ mà bảo rằng nó tối nghĩa hoặc không có nghĩa. (Tiếc rằng hiện tượng này đang là thời thượng trong giới Việt ngữ học). Chỉ có thể nói rằng mình không tìm được hoặc chưa tìm được nghĩa của nó mà thôi. Vả lại chỉ có cách diễn đạt tối nghĩa, câu văn tối nghĩa chứ không có từ tối nghĩa. Từ mà tối nghĩa thì sự giao tiếp sẽ trở nên hỗn loạn.
Tóm lại, cứ theo Trần Quốc Vượng thì câu đương là một chức dịch ở cấp xã còn tồn tại đến thế kỷ XIII, thời nhà Trần. Cứ theo chính Trần Từ thì đó là một chức dịch “giữ nhiệm vụ giải quyết các trường hợp kiện cáo giữa dân làng với nhau” trong hội đồng hương chức ở nông thôn Nam Bộ trước năm 1904. Còn cứ theo Đại-Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của thì đó là “chức việc làng coi sóc các việc trong làng” (X. chữ câu), là “chức làm lớn trong làng coi lãnh các việc” (X. chữ đương). Cuối cùng, cứ theo Từ điển Việt-Bồ-La của A. de Rhodes thì câu đang (chữ  cũng đọc là đang) là “người quản lý công việc” (X. chữ câu), là “người quản lý được trao phó công việc” (X. chữ đang). Ít nhất người ta cũng có thể biết được như trên về từ câu đương, xưa còn đọc là câu đang, chứ đây không phải là “một từ gốc Nam Á hay Nam Đảo”, càng không phải là một “từ tối nghĩa”.

No comments:

Post a Comment