Monday, 10 December 2012

Địa danh Việt Nam mang thành tố chung "Đồng" ở trước (Lê Trung Hoa)

Địa danh Việt Nam mang thành tố chung "Đồng" ở trước


EmailIn

1.Trong địa danh Việt Nam, có hàng chục đơn vị có thành tố Đồng ở trước. Xét nguồn gốc, yếu tố này do ba từ chuyển thành. Và vì thế, yếu tố sau cũng có nhiều nguồn gốc khác nhau.
2. Đồng có ít nhất ba nguồn gốc về ngôn ngữ, chỉ nhiều đối tượng khác nhau.
2.1.Trước hết, Đồng là một từ dùng để phiên âm một địa danh Tày – Nùng.
Đồng Đăng là thị trấn của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Đồng Đăng có dạng gốc Háng Tăng [21], nghĩa là “chợ bán nhựa đánh chim”. Có lẽ Đồng vẫn là từ thuần Việt, còn Đằng là từ phiên âm từ Tăng.
Đồng Mu là tên cũ của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng ngày nay. Đồng Mu có âm gốc Tày – Nùng Tổng Mũ, nghĩa là “cánh đồng cây chít” [6].
2.2. Tiếp theo, Đồng là một yếu tố ghép với một yếu tố khác thành tên mới.
Đồng Phú là huyện của tỉnh Bình Phước, được thành lập năm 1977, do sáp nhập hai huyện Đồng Xoài và Phú Giáo, diện tích 929,1km2, dân số 58.500 người (2006), gồm thị trấn Tân Phú và 10 xã. Đồng Phú là tên ghép chữ đầu của hai huyện cũ Đồng Xoài và Phú Giáo.
Đồng Thái là hồ ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Đồng Thái là tên ghép hai xã Yên Đồng và Yên Thái, nơi hồ được xây dựng [7, 308].
2.3. Kế đến, Đồng là từ Hán Việt, chỉ kim loại.
Đồng Cổ là núi ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Đồng Cổ là “trống đồng”, vì theo tương truyền vua Hùng mang theo trống đồng khi lâm trận nên chiến thắng như lời khuyên của thần và đã phong cho thần báo mộng là Đồng Cổ Đại vương [18].
Đồng Trụ là núi ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, một tên khác của núi Hồng Lĩnh, tức núi Lam Thành. Ở đây có thành của tướng nhà Minh là Trương Phụ và cột cờ bằng đá. Đồng Trụ là “trụ bằng đồng”. Tương truyền trên núi có cột đồng của Mã Viện nhưng ngày nay không thấy dấu vết gì [5].
2.4.Mặt khác, Đồng là một từ Hán Việt, có nghĩa là “cùng”.
Đồng Cam là đập ở thượng nguồn sông Ba, Đà Rằng, tỉnh Phú Yên, đắp trong thời gian 1923 – 1931, dài 688m, cao 22,4m, tưới cho 19.000ha ruộng [10;17]. Cũng gọi là đập Hàn. Hàn có nghĩa là “chắn ngang”. Đồng Cam có lẽ lấy từ thành ngữ “đồng cam cộng khổ”, nghĩa là “sướng khổ cùng hưởng, cùng chịu”.
Đồng Giao là vùng núi thấp ở phía tây thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Đồng Giao có nghĩa là “cùng gặp nhau”.
Đồng Hỷ là huyện của tỉnh Thái Nguyên, diện tích 461,8km2, dân số 111.400 người (2006), gồm 3 thị trấn: Chùa Hang, Sông Cầu, Trại Cau và 17 xã. Đồng Hỷ vốn có nghĩa là “cùng vui vẻ”.
Đồng Lộc là ngã ba thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm trên đường giao thông quân sự từ bắc vào nam, bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt, nổi tiếng vì sự hi sinh của 10 cô gái Thanh niên xung phong tại đây. Đồng Lộc  có nghĩa là “cùng hưởng lộc”.
Đồng Tâm là núi cao 1.066m, nằm ở ranh giới của tp. Đà Nẵng với các huyện Đại Lộc và Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đồng Tâm vốn có nghĩa là “cùng một lòng”.
Đồng Văn là cao nguyên ở phía bắc tỉnh Hà Giang, có độ cao 1.300 – 1.600m và là huyện của tỉnh, diện tích 446,7km2, dân số 53.800 người (2006), gồm thị trấn Phó Bảng và 18 xã. Đồng Văn cũng là thị trấn của huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Đồng Văn vốn có nghĩa là “có cùng một loại hình chữ viết, một loại hình văn hoá”.
Đồng Văn còn là địa điểm ở xã Thuỵ Hồng, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Đồng Văn là từ Hán Việt, dồng âm với Đồng Văn trên, chỉ nơi quân dân ta cùng nghe (văn: nghe) Trần Hưng Đạo đọc Hịch tướng sĩ để chuẩn bị đánh quân Nguyên – Mông vào cuối tk. 13 [15, 42].
Đồng Xuân là chợ lớn nhất ở tp. Hà Nội, được xây dựng năm 1890, sau khi giải toả hai chợ Bạch Mã và Cầu Đông. Đồng Xuân còn là huyện của tỉnh Phú Yên, diện tích 1.063,4km2, dân số 56.300 người (2006), gồm thị trấn La Hai và 10 xã. Đồng Xuân vốn có nghĩa là “giống như mùa xuân”.
2.5. Đồng  từ thuần Việt, nghĩa là “cánh đồng”, yếu tố đứng sau có quan hệ tới con người.
Đồng Chúa là địa điểm ở xã Thuỵ Hồng, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Đồng Chúa là nơi các quận chúa canh tác khi vua nhà Trần về đây chuẩn bị đánh quân Nguyên – Mông cuối tk. 13 [15, 41].
Đồng Ông Cộ là khu vực phía nam cầu Bình Lợi, gồm các phường 11, 12, 13, quận Bình Thạnh, tp. HCM. Xưa vùng này là đồng hoang, sình lầy, rất khó đi lại. Một phú ông tổ chức “cộ” thuê người và hàng hoá trên những tấm vạt bằng tre đan do những người khoẻ mạnh khiêng. Từ đó có tên trên [9].
Đồng Quan là khu vực thuộc làng Hoà Thuận, nay thuộc xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Đồng Quan là cánh “đồng của quan”, do ông Lê Phước Tang khẩn hoang, nhưng vì có con chống Nguyễn Ánh nên bị tịch thu, cấp cho gia đình quan Tiền quân Tôn Thất Hội làm của hương hoả [19].
2.6. Đồng  từ thuần Việt, nghĩa là “cánh đồng”, yếu tố đứng sau là từ chỉ hành động của con người.
Đồng Dù là căn cứ quân sự ở xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, tp. HCM, rộng 3km, dài 14km của quân đội Pháp, rồi Mỹ và chính quyền Sài Gòn, được xây dựng trước năm 1945 , được củng cố trong thời gian 1955 – 1975 để bảo vệ Sài Gòn. Đồng Dù vốn có nghĩa là “cánh đồng (lính Pháp) tập nhảy dù”[2, 56].
Đồng Tập Trận là khu vực hai bên đường 3 Tháng 2 và Điện Biên Phủ, thuộc quận 3 và quận 10, tp. HCM. Đồng Tập Trận là nơi luyện tập và diễu binh của quân đội nhà Nguyễn ở đầu tk. 19 .
2.7. Đồng  từ thuần Việt, nghĩa là “cánh đồng”, yếu tố đứng sau là tên cầm thú.
Đồng Bò là địa điểm ở tỉnh Phú Yên, nơi có nhà máy đường. Đồng Bò cũng là địa điểm ở tỉnh Khánh Hoà, diện tích 80km2, gồm 3 khu: Đồng Bò Thượng, Đồng Bò Trung, Đồng Bò Hạ. Tên chữ là Hoàng Ngưu. Đồng Bò vì ở cánh đồng này người ta thường nuôi và thả bò ra ăn cỏ.
Đồng Chó Ngáp là vùng đất nối liền ba tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tây Ninh, trên bản đồ thường gọi là khu Mỏ Vẹt (Ba Thu). Trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp và một số nơi khác cũng có tên gọi này. Đồng Chó Ngáp vì cánh đồng quá rộng, chỉ toàn đi bộ, địa thế khó đi, chó theo người cũng rất vất vả, mỏi mệt đến nỗi phải ngáp [11].
Đồng Hươu là địa điểm ở tỉnh Đồng Nai. Đồng Hươu là “cánh đồng nhiều hươu”.
Đồng Mã là địa điểm ở xã Thuỵ Hồng, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Đồng Mã nửa thuần Việt nửa Hán Việt, là cánh đồng chăn thả ngựa khi vua quan nhà Trần về đây để chuẩn bị đánh quân Nguyên – Mông vào cuối tk. 13 [15, 41].
Đồng Nai là tên sông, tên tỉnh, tên cầu,… ở Nam Bộ. Đồng Nai vốn có nghĩa là “cánh đồng có những con nai”. Phiên âm thành Nông Nại; dịch nghĩa thành Lộc Dã; vừa phiên âm vừa dịch nghĩa thành Lộc Động [8].
Đồng Nai Thượng là tỉnh thành lập năm 1899, tỉnh lỵ là Đà Lạt, sau đó giải thể, rồi tái lập năm 1920. Đồng Nai Thượng vừa thuần Việt vừa Hán Việt vì tỉnh nằm ở thượng nguồn sông Đồng Nai.
Đồng Trăn là địa điểm ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà. Đồng Trăn là cánh đồng (trước kia) có nhiều con trăn. Thường bị viết nhầm thành Đồng Trăng.
2.8. Đồng  từ thuần Việt, nghĩa là “cánh đồng”, yếu tố đứng sau là tên cây cỏ.
Đồng Cọ là núi ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà. Đồng Cọ là “cánh đồng có nhiều cây cọ”.
Đồng Dớn  địa điểm thuộc huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Đồng Dớn là cánh đồng có nhiều rau dớn.
Đồng Đậu là địa điểm khảo cổ học thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có di tích văn hoá thời đại đồng thau. Đồng Đậu có lẽ là “cánh đồng trồng đậu”.
Đồng Đế là địa điểm ở phía bắc, cách tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, độ 10km, nơi có trường huấn luyện Hải quân. Đồng Đế là cánh đồng có nhiều cỏ đế, một “loại cỏ cao lối 2m, lá dài, thân bộng có mắt, to bằng ngón tay út”.
Đồng Môn là sông thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Đồng Môn có thể là “cánh đồng có nhiều cây môn nước”. Nhưng Trương Vĩnh Ký cho rằng có lẽ do Đồng Mun nói chệch vì gốc Khmer Tonlé Kompong Chơ Khmau, nghĩa là “sông bến cây đen” [12, Phụ lục].
Đồng Tràm là vùng đất thuộc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, nơi yên nghỉ của Chánh đô An phủ xứ lộ Thăng Hoa Phạm Nhữ Dực (con thứ năm của Đại tướng Phạm Ngũ Lão). Đồng Tràm là “cánh đồng có nhiều cây tràm” [16].
Đồng Tranh là đồi ở xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, có một di chỉ khảo cổ học thuộc văn hoá Sa Huỳnh.Đồng Tranh còn là sông làm ranh giới cho huyện Cần Giờ (tp. HCM) và huyện Tân Thành (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), dài độ 24, 5km. Đồng Tranh là “cánh đồng cỏ tranh”.
Đồng Vừng là địa điểm thuộc xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá, có di chỉ khảo cổ học thuộc thời đại đồ đồng. Đồng Vừng là “cánh đồng mè”.
Đồng Xoài là thị xã, tỉnh lỵ tỉnh Bình Phước, diện tích 169,6km2, dân số  50.800 người (2006), gồm 4 phường và 3 xã. Có hai ý kiến về nghĩa của địa danh này: 1. Do Đồn Xoài nói chệch, vì trước đây cạnh một cái đồn ở địa phương có nhiều cây xoài. 2. Do cánh đồng có nhiều cây xoài. Thuyết 1 chưa có tiền lệ. Thuyết 2 có thể đúng vì địa danh Đồng Xoài có ở nhiều nơi: Phù Mỹ (Bình Định),Định Quán  (Đồng Nai) và có nhiều tên đất có kiểu cấu tạo này: Đồng Dớn Đồng Đế,  Đồng Mít, Đồng Tràm, Đồng Tranh,…
2.9. Đồng  từ thuần Việt, nghĩa là “cánh đồng”, yếu tố đứng sau là tên sự vật.
Đồng Bạc là địa điểm ở xã Sơn Hà, huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên. Tên dịch của xã này là Ngân Điền, nghĩa là “cánh đồng có nhiều bạc”.
Đồng Cát là địa điểm ở thị trấn huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Đồng Cát là “cánh đồng có nhiều cát” (có thể do trận lũ năm Mậu Dần 1878 gây ra)[3].
Đồng Gọc là địa điểm ở xã Thuỵ Hồng, huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Ở đây còn có bãi Gọc, chợ Gọc. Đồng Gọc là nơi chứa các cây cọc để cắm xuống lòng sông Bạch Đằng vào tk. 13 [15, 42]
Đồng Lầm là thôn của xã Hoà Mỹ Tây, huyện Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Đồng Lầm là “đồng bùn”.
Đồng Nơ là xã của huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước. Đồng Nơ nửa Việt nửa Khmer. Đồng là “cánh đồng”; Nơ do Nơrl là “ngọc quý”[4].
2.10. Đồng  từ thuần Việt, nghĩa là “cánh đồng”, yếu tố đứng sau là từ chỉ công trình xây dựng.
Đồng Tháp là tỉnh ở Nam Bộ, diện tích 3.238,1km2, dân số 1.568. 400 người (2006), gồm 2 thị xã : Cao Lãnh, Sa Đéc và 9 huyện. Đồng Tháp là tên rút gọn của Đồng Tháp Mười.
Đồng Tháp Mười là vùng đất trũng nằm ở địa phận các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang. Phần lớn diện tích trước đây không sử dụng được vào nông nghiệp, nay đã và đang cải tạo và có khả năng cho năng suất cao. Người Pháp dịch thành Plaine des Joncs (đồng cói) [20].  Nguồn gốc của Tháp Mười có nhiều cách lý giải, chúng tôi thấy ý kiến cho rằng đó là cái tháp thứ 10 tính từ Lục Chân Lạp xuống, để thờ vị thần Bà La Môn Lockecvara, vị thần có chức năng trị bệnh cho nhân loại, là có lý nhất [11].
2.11..Sau cùng, Đồng là biến âm của một từ khác.
Đồng Hới là thành phố của tỉnh Quảng Bình, diện tích 155,6km2, dân số 130.600 người (2006), gồm 10 phường và 6 xã. Có ba cách lý giải: 1. Trước đó, tên là làng Đông Hồi, phiên sang từ Hán Việt là Động Hải. 2. Vốn là Đồng Hời (cánh đồng của người Chàm), bị biến âm thành Đồng Hới [1,144]. 3. Ban đầu tên làng là Động Hải (nghĩa là “biển sâu”, [13,19], sau khi Pháp chiếm vùng này, năm 1885, đã làm sai lạc thành Đồng Hới [13, 14 – 15]. Thuyết thứ 3 có lý nhất vì ở tỉnh Bình Thuận, Đồng Mãi cũng gọi Đồng Mới [14, 241].
3. Qua các phần phân tích trên, chúng ta thấy cấu tạo của địa danh có từ Đồng ở trước khá đa dạng và phức tạp. Cho nên, sự chung tay góp sức giải quyết của nhiều người, nhiều địa phương, nhiều thế hệ mới có thể vén được một phần bức màn bao phủ của thời gian. Dù sao, sự lý giải đó cũng chỉ có giá trị tương đối nên chúng ta phải tiếp tục công việc khó khăn này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Bình Nguyên Lộc, Lột trần Việt ngữ, SG, Nguồn xưa xb, 1972.
2.Bùi Đức Tịnh, Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ, tp.HCM, Nxb Văn nghệ, 1999.
3.Cao Chư, Từ tỉnh thành đến thành phố Quảng Ngãi, Nxb Đà Nẵng, 2006.
4.Dương Thanh Tùng (chủ nhiệm), Một số đặc điểm cấu thành địa danh ở Bình Phước, Đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên, Trường ĐHKHXH – NV, tp. HCM, 2007.
5.Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, HN, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002.
6. Hoàng Văn Ma, Về địa danh vùng Tày Nùng, trong “Những vấn đề ngôn ngữ học”, HN, Viện Ngôn ngữ học, 2002, tr 202-213.
7.Lã Đăng Bật, Ninh Bình, một vùng sơn thủy hữu tình, Nxb Trẻ, 2007.
8.Lê Trung Hoa, Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam, bản đánh máy, chưa xuất bản.
9.Lê Trung Hoa (cb) – Nguyễn Đình Tư, Từ điển địa danh thành phố Sài Gòn – Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2003.
10.Nguyễn Đình Chúc, Tìm hiểu địa danh qua tục ngữ ca dao Phú Yên, HN, Hội Văn nghệ dân gian xb, 2001.
11.Nguyễn Hữu Hiếu, Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thuyết, HN, Nxb KHXH, 2004.
12.Nguyễn Thái Liên Chi, Nghiên cứu địa danh tỉnh Đồng Nai, Luận văn thạc sĩ khoa học ngữ văn, Trường ĐHSP, tp.HCM, 2009.
13.Nguyễn Tú, Địa chí Đồng Hới, UBND thành phố Đồng Hới xb, 2004.
14.Phan Minh Đạo, Địa danh ở tỉnh Bình Thuận, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Sở, 2005.
15.Phạm Minh Đức, Những làng văn hoá văn nghệ dân gian đặc sắc ở Thái Bình, HN, Nxb Văn hoá - Thông tin, 2006.
16. Thaïch Phöông – Nguyeãn Ñình An, Ñòa chí Quaûng Nam, baûn ñaùnh maùy, chöa xuaát baûn.
17.Trần Huiền Ân, Phú Yên, miền đất ước vọng, Nxb Trẻ, 2004.
18.Trần Thanh Tâm, Thử bàn về địa danh Việt Nam, Nghiên cứu lịch sử, số 3-1976, tr 60-73; số 4-1976, tr 63-68.
19. Trương Ngọc Tường, Một số địa danh ở Tiền Giang, Văn hoá nghệ thuật Tiền Giang, tháng 11 – 2000, tr.27 – 31.
20. Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng Việt miền Nam, HN, Nxb Văn hoá, 1993.
21.Vương Toàn, Mấy nhn xévề địa danh ở Lạng Sơn, Ngôn ngữ, số 7 – 2009, tr. 7 – 11.
        Tóm tắt: Thành tố Đồng trong địa danh Việt có 3 nguồn gốc chính: Tày – Nùng, Hán Việt, thuần Việt. Trong các địa danh này, số có  gốc thuần Việt chiếm đa số tuyệt đối (7/11 trường hợp). Việc giải mã đòi hỏi công sức của nhiều người, nhiều địa phương, nhiều thế hệ.

1 comment: