Friday 7 December 2012

Địa danh Việt Nam mang thành tố LONG (Lê Trung Hoa)

Địa danh Việt Nam mang thành tố LONG


EmailIn




1.Trong những từ Hán Việt, có ít nhất ba từ Long, nhưng có bốn dạng chữ. Trong số đó chỉ có hai từ Long phổ biến được dùng để đặt địa danh. Đó là từ Long chỉ con rồng và từ Long chỉ sự tốt đẹp, thịnh vượng.
2. Vì hai từ Long cùng có nét nghĩa “tích cực” nên nhiều người hiểu nghĩa của từ này theo nghĩa của từ kia.
2.1. Long trong các địa danh sau đây đều có nghĩa là “rồng”.
Long Ẩn lànúi ở huyện Phước Chánh, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hoà, nay thuộc tỉnh Đồng Nai. Trên núi xưa có Văn miếu được xây dựng năm 1715. Long Ẩn là “rồng ẩn mình”, chỉ thế đất ở đây [6]. Long Ẩn còn là rạch, một nhánh của sông Bảy Háp, tỉnh Cà Mau. Long Ẩn, tương truyền chúa Nguyễn Anh đã lẩn trốn Tây Sơn ở rạch này một thời gian nên có tên trên [7].
Long Biên là huyện về đời Tây Hán ở phía tả ngạn sông Hồng, thuộc quận Giao Chỉ. Lúc mới dựng thành (năm 218), gọi là Long Uyên “vực rồng”. Vì kiêng huý Chương Hoài thái tử (đời Đường, 618 - 907) nên đổi là Long Biên [8, 22]. Long Biên còn là cầu bắc qua sông Hồng, nối nội thành Hà Nội với thị trấn Gia Lâm, dài 1.862m, xây dựng trong thời gian 1898 – 1902, ở giữa cầu là đường xe lửa. Từ năm 1919, mở thêm phần đường bộ hai bên. Cầu bị bom Mỹ phá hỏng đoạn giữa cuối năm 1972 đầu năm 1973. Cầu còn có tên Doumer vì được xây dựng dưới thời Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Nay Long Biên là quận của thành phố Hà Nội, được thành lập tháng 11 – 2003 do tách từ huyện Gia Lâm, diện tích 60,4km2, dân số  170.700 người (2006), gồm 14 phường. Long Biên là “bên cạnh rồng” [3].
Long Châu là quần đảo trong vịnh Bắc Bộ, cách thành phố Hạ Long độ 40km về hướng nam. Có ngọn hải đăng xây dựng năm 1887. Long Châu là “cù lao rồng”.
Long Châu Hà là tỉnh do phía ta đặt hồi cuối thời kháng chiến chống Pháp (1950 – 1954) ở miền Tây Nam Bộ, gồm 8 quận. Tỉnh Long Châu Hà tái lập từ tháng 4 – 1974 đến tháng 2 - 1976, gồm 2 thị xã Long Xuyên, Châu Đốc và 7 huyện. Long Châu là “bãi / cồn / cù lao rồng”. Nên cả bốn tỉnh Long Châu Hà, Long Châu Hậu, Long Châu Sa, Long Châu Tiền đều mang từ Long, nghĩa là “rồng” [4].
Long Châu Hậu là tỉnh do phía ta đặt hồi đầu kháng chiến chống Pháp (1947 – 1950) ở miền Tây Nam Bộ, gồm 6 quận. Long Châu Hậu là do ghép tên một phần các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc và từ Hậu để phân biệt với Long Châu Tiền.
Long Châu Sa là tỉnh do phía ta đặt hồi cuối thời kháng chiến chống Pháp (1951 – 1954) ở miền Tây Nam gồm 7 huyện. Long Châu Sa là do ghép tên một phần các tỉnh Long Châu Tiền và Sa Đéc
Long Châu Tiền là tỉnh do phía ta đặt hồi đầu kháng chiến chống Pháp (1947 – 1951) ở miền Tây Nam Bộ gồm 5 quận. Tỉnh Long Châu Tiền tái lập từ tháng 4 – 1974 đến tháng 2 - 1976, gồm 6 huyện. Long Châu Tiền là do ghép tên một phần các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc và từ Tiền để phân biệt với Long Châu Hậu.
Long Đàm là châu về đời Minh, thuộc phủ Giao Châu. Năm 1407 đổi thành Thanh Đàm.Thời Hậu Lê vì kiêng huý đổi thành Thanh Trì. nay thuộc thủ đô Hà Nội. Long Đàm là “đầm rồng”.
Long Đầu là núi bên trái sông Trà Khúc, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Long Đầu là “đầu rồng”.
Long Giao là địa điểm ở xã Xuân Tân, thị xã Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, có di chỉ thuộc năn hoá Đồng Nai, được phát hiện năm 1984. Long Giao là “rồng gặp nhau”.
Long Hải là địa điểm du lịch ở bờ biển huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có núi và bãi biển đẹp. Long Hải là “biển rồng”.
Long Hồ là xã ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế, có lăng Nguyễn Phúc Chu. Long Hồ là “hồ rồng”.
Long Đỗ là núi ở làng Long Đỗ, nằm hai bên sông Tô Lịch, thành phố Hà Nội. Cũng gọi là núi Nùng. Long Đỗ có nghĩa là “rốn rồng” vì tương truyền núi có một huyệt sâu thông vào lòng đất [1].
Long Môn  là núi ở huyện Gia Ninh, quận Giao Chỉ, sau thuộc châu Đà Bắc, tỉnh Hưng Hoá, nay thuộc tỉnh Hoà Bình, bên cạnh sông Đà (đoạn ấy gọi là sông Long Môn). Tục truyền sông Long Môn sâu 100 tầm, cá to vượt được chỗ ấy thì hoá rồng [3]. Long Môn là “cửa rồng”.
Long Ngâm là núi ở xã Long Ngâm, huyện Kỳ Hoa, tỉnh Nghệ An, nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Cũng gọi là núi Trán Rồng. Long Ngâm: khc ngm về rồng.
Long Nhãn là huyện đời Minh thuộc phủ Lạng Giang, đời Lê hợp với huyện Phượng Sơn thành huyện Phượng Nhãn, thuộc trấn Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Bắc Giang. Long Nhãn là “mắt rồng”.
Long Sơn là cù lao trên sông Tiền, tục gọi là cù lao Cái Vừng, nay thuộc huyện Phú Châu, tỉnh An Giang. Long Sơn là “cồn rồng”.
Long Tị là núi ở xã Thuần Chất, nay là Tùng Chất, thuộc huyện Bình Chính, nay là huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tên nôm là Mũi Rồng. Long Tỵ là “mũi rồng”.
Long Trì  là căn cứ của Nguyễn Hữu Huân ở tỉnh Định Tường lúc bắt đầu khởi nghĩa chống Pháp năm 1862. Sau thuộc tỉnh Tân An. Long Trì là “ao rồng”.
Long Tuyền là làng thuộc huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, tỉnh An Giang xưa, sau thuộc quận Long Tuyền, tỉnh Vĩnh Bình, nay thuộc tỉnh Vĩnh Long. Long Tuyền là “suối rồng”.
2.2. Từ Long trong các địa danh kế tiếp là từ chỉ sự “tốt đẹp, thịnh vượng”.
Long An là tỉnh của Nam Bộ, diện tích 4.491,9km2, dân số 1.329.100 người (2006), gồm thị xã Tân An và 13 huyện. Long An có nghĩa là “thịnh vượng và yên ổn”.
Long An H là kinh đào, xong năm 1844, chảy qua ba tỉnh Vĩnh Long, An Giang v H Tin. Long An H là do ghp tn ba tỉnh trn.
Long Bình là căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ ở tỉnh Biên Hoà, nay là tỉnh Đồng Nai, trên đường từ Biên Hoà đi Bà Rịa, bị Quân giải phóng tấn công ngày 28 – 10 – 1966. Long Bình là“yên ổn và thịnh vượng”.
Long Đất là huyện cũ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, do sát nhập hai huyện Long Điền và Đất Đỏ. Địa danh này xuất hiện từ tháng 5 – 1951, sau tách thành hai quận như tên cũ. Tháng 4 – 1960, lại nhập thành huyện Long Đất. Tháng 12 – 2003, lại chia thành hai huyện Long Điền và Đất Đỏ. Long Đất là tên ghép hai huyện trên. Có lẽ người ta bỏ tên huyện này vì cấu tạo của nó không ổn: vừa Hán (Long) vừa Việt (Đất).
Long Hưng là xã ở quận Long Định, tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc tỉnh Tiền Giang. Ngày 23 – 11 – 1940, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở đây trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Long Hưng là “thịnh vượng”.
Long Khánh là tỉnh cũ trước ngày 30 – 4 – 1975, năm 1976 sát nhập với tỉnh. Biên Hoà thành tỉnh Đồng Nai. Địa danh này được dùng làm tên huyện lần đầu vào năm 1827.
Long Khánh nay là thị xã của tỉnh Đồng Nai, được thành lập tháng 8 – 2003, diện tích 194,1km2, dân số 130.600 người (2006), gồm 6 phường và 9 xã. Long Khánh là “vui mừng và thịnh vượng”.
Long Kiểng là cầu bắc qua rạch Cây Khô, huyện Nhà Bè, tp. HCM., dài 96m, rộng 3,3m. Tên cầu do tên thôn (1820) mà ra. Long Kiểng có dạng gốc là Long Cảnh , nghĩa là “cảnh thịnh vượng”, vì kiêng huý Nguyễn Phúc Cảnh, con trưởng Vua Gia Long nên phải nói chệch [5].
Long Mỹ là huyện của tỉnh Hậu Giang, diện tích 396,1km2, dân số 161.100 người (2006), gồm một thị trấn và 8 xã. Long Mỹ có nghĩa là “đẹp đẽ và thịnh vượng”.
Long Phú là huyện của tỉnh Sóc Trăng, diện tích 455,3km2, dân số 171.300 người (2006), gồm thị trấn và 14 xã. Long Phú là “giàu có và thịnh vượng”.
Long Thành là huyện của tỉnh Đồng Nai, diện tích 534,8km2, dân số 188.700 người (2006), gồm một thị trấn và 18 xã. Long Thành là “thành công và thịnh vượng”.
Long Thọ là làng trong thành phố Huế, có nhà máy sản xuất vôi. Còn có các tên Long Thọ Cương (Minh Mạng đổi), Thọ Khang, Thọ Xương. Long Thọ là “sống lâu và thịnh vượng”.
Long Tường là quận do Pháp đặt năm 1859, gồm hai tỉnh Vĩnh Long và Định Tường. Long Tường là tên ghép hai chữ cuối của hai tỉnh.
Long Xuyên là đạo ở vùng Cà Mau do Mạc Thiên Tứ đặt từ năm 1739, có lẽ muốn nhắc lại tên huyện Long Xuyên, tỉnh Quảng Đông, quê nội của ông. Sau là huyện Long Xuyên (từ 1808), phủ An Biên, tỉnh Hà Tiên vào thời Minh Mạng, huyện lị là Cà Mau.
 Long Xuyên là tỉnh từ năm 1889 đến năm 1975 trên vùng đất của huyện Long Xuyên, tỉnh Hà Tiên. Long Xuyên là thành phố, tỉnh lỵ tỉnh An Giang, diện tích 108,9km2, dân số 249.500 người (2006), gồm 9 phường và ba xã. Long Xuyên: có lẽ địa danh này nhắc lại tên huyện Long Xuyên, tỉnh Quảng Đông ở Trung Quốc, quê Mạc Cửu [3] và có nghĩa là “dòng sông tốt đẹp”. Thuyết này có lý.
2.3. Đặc biệt có một địa danh mang cả hai từ Long.
Long Điền là huyện của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, được thành lập tháng 12 – 2003, diện tích 77km2, dân số 110.500 người (2006), gồm 2 thị trấn và 5 xã. Một số văn bản Hán viết Long Điền là “ruộng tốt”; một số văn bản Hán khác viết Long Điền có nghĩa là “ruộng rồng”. Có lẽ người viết không phân biệt nghĩa của hai từ hoặc hiểu theo hai nghĩa khác nhau.
2.4. Sau cùng, có một địa danh gốc Khmer nhưng lại mượn âm của một từ tổ Hán Việt.
Long Hồ  là huyện của tỉnh Vĩnh Long, diện tích 93km2, dân số 147.400 người (2006), gồm một thị trấn và 14 xã. Huyện được thành lập ngày 11 – 3 – 1977. Long Hồ gốc Khmer Lon Hor, nghĩa là “chim bói cá” [9]. Có lẽ Lon Hor có âm gần giống Long Hồ l đđịa danh đ cĩ sẵn [2,36] nn mượn âm thành Long Hồ [4].
            3. Để khỏi lẫn lộn hai từ Long này, ta có mấy điểm cần chú ý: Long có nghĩa là “rồng” là danh từ, Long thứ hai là tính từ; vì là danh từ nên Long thứ nhất trong tiếng Hán không đứng trước tính từ, còn Long thứ hai thì được (như Long An, Long Hưng); Long thứ nhất không đứng sau phụ từ, còn Long thứ hai thì được (như Vĩnh Long). Chú ý là cả hai đđều đứng trước động từ và danh từ (nhưLong Ẩn – Long Thnh; Long Mơn – Long Kiểng).

TI LIỆU THAM KHẢO
1.Bi Thiết, Địa danh văn hóa Việt Nam, HN, Nxb Thanh nin, 1999.
2.Dương Văn An, Ô châu cận lục, (Trần Đại Vinh, Hồ Văn Phúc hiệu đính và dịch chú), Huế, Nxb Thuận Hóa, 2001.
3.Đinh Xuân Vịnh, Sổ tay địa danh Việt Nam, HN, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2002.
4.L Trung Hoa, Từ điển từ nguyên địa danh Việt Nam, bản đánh máy, chưa xuất bản
5.L Trung Hoa, Từ điển địa danh thành phố Sài Gịn – Hồ Chí Minh, Nxb Trẻ, 2003.
6.Lương Văn Lựu, Biên Hoà sử lược toàn biên, tác giả xb,1972.
7.Nguyễn Hữu Hiếu, Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ qua chuyện tích và giả thuyết, HN, Nxb KHXH, 2004.
8.Nguyễn Văn Âu, Một số vấn đề về địa danh học Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2000.
9.Trương Vĩnh Ký, x. L Hương, Người Việt gốc Miên, tr. 253 – 264.Thái Văn Chải dịch phần Địa danh.

No comments:

Post a Comment