Saturday 1 December 2012

Trăng xanh chỉ có ở Nga / Than biến thành củi, cóc ra con mèo (Phạm Vũ Lửa Hạ)


Trăng xanh chỉ có ở Nga / Than biến thành củi, cóc ra con mèo

27/04/2012
Hổm rày, cái dòng kẻ chấm cỏn con khiến thiên hạ tranh cãi kịch liệt cả trên báo chính thống lẫn trên mạng. Kẻ chê dịch sai, người khen dịch đúng. Thiết nghĩ, vấn đề không phải là “đúng / sai”, mà là “hay/dở”.  Nhân vụ này chợt nghĩ tới chuyện dịch thành ngữ. Trước khi đi xa hơn, thử coi vài ví dụ sau.
  • Một blogger là phiên dịch và biên dịch cho cặp ngôn ngữ Ba Lan–Anh có một bài viết khá lý thú về chuyện dịch thành ngữ. Ví dụ, “once in a blue moon” (nghĩa đenmột lần trong kỳ trăng màu xanh) nếu dịch sát từng chữ thành “raz na niebieski księżyc” thì người Ba Lan không hiểuThay vì thế, “raz na ruski rok” (nghĩa đen: một lần trong năm Nga) là thành ngữ trong tiếng Ba Lan sát nghĩa nhất. Còn trong tiếng Việt là “năm thì mười họa” hoặc “năm thuở mười thì”.  Không biết thành ngữ Ba Lan còn có ẩn ý văn hóa gì do lịch sử giữa hai nước Ba Lan và Nga, nhất là thời kỳ Liên Xô chiếm đóng / cai trị Đông Âu sau Chiến tranh Thế giới Thứ Hai? Đoán mò như vậy vì trong tiếng Anh có nhiều cụm từ với thành tố Dutchvới nghĩa tiêu cực / mỉa mai / miệt thị … (tỉ như Dutch couragego Dutch hoặc Dutch treat /date, và Dutch disease) được xem là xuất phát từ mối hiềm khích Anh–Hà Lan trong những cuộc chiến tranh giữa hai nước hồi thế kỷ 17 và 18.
  • Ta sẽ mạnh dạn dịch “carry (take) coals to Newcastle” thành “chở than về Newcastle” nếu giả định là người Việt biết Newcastle là xứ chuyên sản xuất than. Bằng không, lại phải chua thêm một lời giải thích. (Người Việt không chừng biết nhiều hơn về đội Newcastle United, chí ít là qua danh thủ Alan Shearer). Do vậy, có lẽ người dịch giỏi nghề sẽ chọn “chở củi về rừng”.
  • Hôm nọ có bạn hỏi cách dịch “bắt cóc bỏ đĩa”. Trong khi chưa nghĩ ra lối nói nào thật sát nghĩa trong tiếng Anh, mình tạm đề xuất “to square a circle”. Chưa hài lòng, mình hỏi thêm vài người đi trước, thì được chỉ một cách nói tương đương về cả nghĩa lẫn hình tượng: “to herd cats”. (Ví dụ:Managing volunteers from fourteen different organizations is like herding cats.”) Định nghĩa của Wikipedia: “An idiomatic saying that refers to an attempt to control or organize a class of entities which are uncontrollable or chaotic. Implies a task that is extremely difficult or impossible to do, primarily due to chaotic factors.” Như vậy rất gần với định nghĩa “bắt cóc bỏ đĩa” trong Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên: “ hành động tập hợp mãi mà không đạt được kết quả, được người nọ lại mất người kia” (Ví dụ: “Tìm được đứa nọ thì đứa kia lại đi đâu mất, chẳng khác nào bắt cóc bỏ đĩa.”)
  • Quả là khó dịch tựa phim “The Bucket List” nếu không biết thành ngữ “kick the bucket” nghĩa là “chết”. Dịch là “Niềm sống” kể cũng đạt vì phim kể về hai ông bạn già sắp chết vì bệnh muốn tận hưởng quãng đời còn lại với những cuộc chơi trước nay chưa từng thử. Trở lại với “kick the bucket”, chắc chẳng ai dịch “đá cái xô”, để rồi phải giải thích dông dài về từ nguyên. (Có một giả thuyết [chưa ngã ngũ] là người treo cổ tự tử thường đứng trên cái xô úp ngược, đá cái xô là xong.) Cũng chẳng ai dịch đơn giản là “chết”. Khái niệm này ở xứ nào cũng có, và ngôn ngữ nào cũng có nhiều cách diễn đạt từ trang trọng tới thông tục. Bước tiếp theo là tìm cụm từ tương đương về cả nghĩa lẫn văn phong. Có người đề nghị dịch sang tiếng Pháp là “casser sa pipe” (làm/cắn bể cái tẩu), tuy nhiên cần lưu ý “kick the bucket” là lối nói thông tục của người Mỹ. Về ấn tượng hình ảnh và âm thanh thì cụm từ tiếng Pháp gần với kiểu nói của người Anh “pop one’s clogs” (làm gãy đôi guốc). Qua tiếng Đức, một câu như “John kicked the bucket” được đề nghị dịch thành “John biss ins Gras” (John cắn cỏ”). Cách nói này lại gần với một thành ngữ tiếng Anh khác cùng nghĩa là “bite the dust”(nghĩa đen “cắn bụi”, hay gần với từ lóng “ăn đất” của ta). Còn tiếng Việt thì sao? Theo Bằng Giang (Tiếng Việt phong phú, Nhà xuất bản Văn hóa, năm 1997, trang 20), khái niệm “chết” có hơn 1,001 cách diễn đạt. Vậy chỉ còn việc tìm cách nói phù hợp nhất thể hiện hàm ý hơi suồng sã. “Ngoẻo / ngủm củ tỏi / đi bán muối …” có lẽ thích hợp hơn các uyển ngữ mang màu sắc tôn giáo như “về với Chúa / về miền cực lạc” (cách này có lẽ gần với “meet one’s maker”), hay kiểu nói nặng ảnh hưởng lịch sử hay ý thức hệ như “đi gặp cụ Các Mác và cụ Lê-nin”. Ngoài ra, ngữ cảnh (context) sẽ giúp quyết định lựa chọn nào thích hợp nhất trong tổng thể toàn văn bản.
  • Trong một bài trên Better Bibles Blog, tác giả Mike Sangrey yêu cầu độc giả thử dịch [sang tiếng Anh] thành ngữ tiếng Estonia “sääsest elevanti tegema” (to make an elephant out of a gnat; biến muỗi thành voi), và thành ngữ tiếng Phần Lan “tehdä kärpäsestä härkänen” (to make a bull out of a fly; biến ruồi thành bò). Thành ngữ sát nghĩa nhất trong tiếng Anh là “to make a mountain out of a molehill” (biến đụn đất thành núi). Yếu tố tương đương ở đây là “từ chuyện nhỏ / không đáng bàn biến thành chuyện lớn / tranh cãi ầm ĩ”. Và hẳn nhiên, trong tiếng Việt ta nghĩ ngay tới “chuyện bé xé to”.
Thành ngữ đa phần là kết tinh của bao thế hệ trong nền văn hóa sử dụng thứ tiếng đó, nên đừng nghĩ là sáng tạo riêng của một tác giả nào đó rồi gắng suy diễn ẩn ý này nọ để dịch. Tất nhiên, cũng có một số ngoại lệ khi tác giả là người đi tiên phong về một lối diễn đạt về sau trở nên phổ biến. (Mình không nghĩ Nabokov sáng chế ra thành ngữ “on the dotted line”.)
Dịch thuật nói chung là tìm cách diễn đạt tương đương giữa ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích; tương đương về từ vựng, văn phạm, cú pháp, và văn phong sao cho thể hiện sát nhất ý tưởng trong bản gốc. Để được vậy, lắm khi ta phải chấp nhận hy sinh ít nhiều. Riêng dịch thành ngữ càng hy sinh nhiều hơn. May mắn lắm mới tìm được cái tương đương về cả cú pháp lẫn ẩn dụ như trong ví dụ “bắt cóc bỏ đĩa” nói trên. Ta thường gặp may khi dịch xuôi (sang tiếng mẹ đẻ) hơn khi dịch ngược (sang thứ tiếng khác). Người dùng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ dịch cụm từ “to herd cats” sang tiếng Việt thì sẽ dễ liên tưởng hình ảnh mèo chạy loạn xạ với cóc nhảy tứ tung, hơn là ngược lại.
Dịch thành ngữ tựu chung là tìm tòi lối nói sao cho thanh thoát, tự nhiên, và dễ hiểu nhất với người đọc. Đối đế lắm mới dịch sát từng từ, và phải giải thích ẩn ý. Mượn thuật ngữ của John Rawls, người dịch nên lấy tấm mạng vô minh (veil of ignorance) phủ lên bản dịch, nên giả định là người đọc không biết ngoại ngữ. Việc này đòi hỏi người dịch có kiến thức nền tảng về văn hóa của cả hai ngôn ngữ, kỳ công tra cứu nhiều nguồn khác nhau, và một chút may mắn như nói trên. Không người dịch nào muốn bị chê là dịch máy móc như … Google. Công cụ Google Translate có siêu cỡ nào cũng không bao giờ thay thế được con người. Nếu không tin, thử lấy vài ví dụ trong bài này cho vô đó dịch xuôi dịch ngược sẽ thấy. (Nhân tiện, có bài này khá hay về những trường hợp Google Translate dịch ngô nghê từ tiếng Đức sang tiếng Anh.)
Disclosure: Mình chỉ biết tiếng Anh và một chút tiếng Pháp, còn mấy ngoại ngữ khác đề cập trong bài thì không. Chỉ sử dụng ví dụ (có giảng giải qua tiếng Anh) ở những nguồn dẫn trong bài, nên có thể có độ chênh ngữ nghĩa.

No comments:

Post a Comment