1. Nam Bộ có đầy đủ địa hình như Bắc Bộ, Trung Bộ: núi, rừng, cao nguyên, đồng bằng, biển đảo. Tuy nhiên, phần lớn nằm trên địa bàn đồng bằng với nhiều dòng chảy.khác nhau. Thực địa này được phản ảnh trong địa danh ở Nam Bộ.
(Ảnh minh hoạ: Bên dòng kênh, Hòn Đất, Kiên Giang, nguồn: http://www.skyscrapercity.com)
2.Địa hình Nam Bộ gồm hai bộ phận chính: địa thế tự nhiên và các dòng chảy.
2.1.Về địa thế, phương ngữ Nam Bộ cũng có những từ ngữ của ngôn ngữ toàn dân, như núi (núi Nhỏ ở Vũng Tàu), gò (Gò Công ở Tiền Giang),  (Mô Súng ở thành phố Hồ Chí Minh), bàu (Bàu Trai ở Long An), đầm (Đầm Cùng ở Cà Mau), hồ (hồ Dầu Tiếng ở Tây Ninh), hố (Hố Nai ở Đồng Nai), gành(Gành Hào ở Cà Mau), đồng (Đồng Xoài ở Bình Phước), ao (ao Bà Om ở Trà Vinh), hòn (Hòn Đất ở Kiên Giang), cồn (Cồn Ngao ở Bến Tre), láng (Vàm Láng ở Tiền Giang), đìa (Đìa Phật ở Đồng Tháp),cù lao (Cù Lao Dung ở Sóc Trăng), hàn (Đá Hàn ở Cần Giờ, tp. HCM)…Bên cạnh những từ phổ thông trên, Nam Bộ còn hàng chục từ chỉ địa hình khác.
Bùng binh là chỗ phình rộng giữa sông rạch, đôi khi có cù lao ở giữa, ghe thuyền có thể quay đầu [3]. Đầu thế kỷ 20, từ bùng binh mới được dùng để chỉ nơi giao lộ trong thành phố, như bùng binhSài Gòn, bùng binh Ngã Bảy. Bùng Binh là rạch ở quận 10 và quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, từ Bộ tư lệnh thành phố đến rạch Nhiêu Lộc, dài độ 500m. Đầu thế kỷ 21, rạch đã bị lấp, làm thành đường phố, mang tên đường Rạch Bùng BinhBùng Binh cũng là rạch chảy xuyên hương lộ 10, đến phường Phú Thứ, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ, dài 5km.
Búng là vùng đất thuộc tỉnh Bình Dương. Dòng sông Sài Gòn chảy đến đây tạo thành một chỗ xoáy sâu rất nguy hiểm đối với ghe thuyền. Chỗ đó gọi là búng, sau trở thành tên vùng đất. Búng là “chỗ nước sâu làm ra một vùng” [3].
Bưng gốc Khmer bâng, nghĩa là “vùng đất sâu và rộng ở giữa đồng”. Bưng Môn là địa điểm ở thành phố Hồ Chí Minh; Môn là “cây môn nước”.
Đường Thét là chợ ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Đường thét là “đường rất thẳng”, người xưa thường nói thẳng thét “rất thẳng”.
Đường trâu là “đường trâu thường đi tạo thành rạch”. Đường Trâu là rạch ở huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
Đường Xuồng là kênh ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Đường xuồng là “dòng nước mà các chiếc xuồng thường đi lại”.
Động là “cồn cát”. Ba Động là hai địa điểm ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh và xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, tp. HCM - nơi có di chỉ KCH thuộc văn hoá Óc Eo được khai quật năm 1978 - và có nghĩa là “ba cồn (cát)”.
Eo Lói là khúc sông nhỏ chảy từ Băng Cung ra Cổ Chiên, tỉnh Vĩnh Long. Eo lói là “chỗ quanh gắt trên đường, trên sông, có hình cùi chõ”.
Gãnh là “chỗ giồng đất xốp, vốn là bãi biển do phù sa bồi dần” [1]. Khu Vàm Gãnh là nơi cư trú của ngư dân ven biển phía tây của tỉnh Kiên Giang, cạnh ngã ba sông.
Gãy là chợ hiện nay ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, nơi gặp nhau giữa 5 con sông và kinh: Kháng Chiến, Tư Mới (tên cũ Quatre Bis), Dương Văn Dương (tên cũ Lagrange), Phước Xuyên, và Đồng Tiến. Thời Pháp thuộc chỉ mới có hai con kinh mang tên Pháp, chúng tạo thành một góc nhọn 30OGãy vì hai con kinh nối tiếp nhau giống như một khúc cây gãy nên địa điểm này mang tên trên.Gãy Cờ Đen là địa điểm có chợ Gãy, tỉnh Đồng Tháp. Gãy cờ đen vì tại đoạn kinh gãy khúc có cắm một lá cờ đen khá cao làm mục tiêu (dân địa phương thường gọi phong tiêu hay bông tiêu) để ngắm theo đó mà đào cho con kinh không lệch hướng [14].
Giáp nước có hai loại: 1.Nơi hai dòng nước từ hai nguồn khác hướng ở hai đầu chảy lại. 2. Nơi hai dòng nước không cùng chiều gặp nhau, tạo thành vùng nước xoáy [7]. Ở Nam Bộ có nhiều địa danh kiểu này: Cầu Giáp Nước ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau; chợ Giáp Nước ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long; vùng Giáp Nước là địa điểm ở phía đông, ngoài khơi tp. Vũng Tàu, nơi rất nguy hiểm đối với tàu bè đi lại.
Ở Nam Bộ có khá nhiều địa danh mang thành tố Giồng: ở thành phố Hồ Chí Minh có giồng Am, rạchGiồng Bầu, ngã ba Giồnggiồng Cá Vồ; ở tỉnh Kiên Giang có huyện Giồng Riềng; ở Bến Tre có huyệnGiồng Trôm;… Giồng là biến âm của Vồng, chỉ “dải đất phù sa nổi cao lên, thường là ở ven sông” [2].
Lung gốc Khmer Ăn Lông, nghĩa là “chỗ trũng quanh năm có nước đọng ở giữa đồng hoặc giữa rừng”. Ở thành phố Hồ Chí Minh có rạch Lung. Ở Vĩnh Long có Lung Chim. Ở Kiên Giang có Lung Sen. Ở Cà Mau có nhiều lung nhất: Lung Âm, Lung Gạo, Lung Lá, Lung Nai, Lung Sậy, Lung Tràm,…
Mỏ cày vốn là tên một bộ phận của cái cày, từ tay nắm đến lưỡi cày. (Dictionaire Annamite – Français của Génibrel dịch là manche d’une charue “cán cày). Mỏ cày hình cong như chữ Z nên những vật có hình dáng tương tự thì gọi là mỏ cày, như sao mỏ cày. Đoạn quốc lộ 1A chạy qua vùng phía bắc thị trấn Mộ Đức của tỉnh Quảng Ngãi cong như cái mỏ cày nên vùng đất hai bên quốc lộ 1A này mang tên Mỏ Cày. Mỏ Cày cũng là huyện của tỉnh Bến Tre vì đoạn sông Hàm Luông ở chỗ này cũng có hình cong như cái mỏ cày. Sách chữ Hán dịch là Lê Đầu giang “sông đầu cái cày”.
Ngọn Én là dòng nước nhỏ ở quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. Rạch Ngọn là vùng đất ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ngọn gốc thuần Việt, nghĩa là “dòng nước nhỏ ở đầu sông rạch lớn”. Ngọn Dừalà “dòng nước nhỏ ở đầu sông có nhiều cá dừa – một loại cá giống cá soát nhưng lớn xác và ít ăn tạp hơn”, ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long [7].
Nổng là “gò”. Nổng Kè là khu vực ở gần sông Trèm Trẹm, tỉnh Cà Mau, là gò có nhiều cây kè, một loại cây giống như thốt nốt, thân chắc, thường dùng làm cột nhà. Ở xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau có hai con lộ mang tên Nổng Kè Lớn, Nổng Kè Nhỏ.
Ô là “vũng, bàu”. Ô Môn là quận của thành phố Cần Thơ (Môn là “cây môn nước”). Ô Cấp là tên cũ của Vũng Tàu (Cấp là từ gốc Pháp cap “mũi đất” – Cap Saint Jacques “mũi Thánh Jacques”). Ô Ma là tên một khu trại lính ở thành phố Sài Gòn (Ma bắt nguồn từ tiếng Pháp mare “ao” – Camp des Mares “trại lính nơi có nhiều ao”).
Sống Trâu là cái tắt ở huyện Cần Giờ, tp. HCM, dài độ 3.500m. Sống trâu là thế đất/cát có nhiều đường dọc nổi lên như sống lưng con trâu.
Trấp gốc Khmer Pangtrap, là chỗ trũng, ngập nước, nhỏ hơn bưng. Trấp Bèo là kinh ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Trấp bèo vừa gốc Khmer vừa gốc thuần Việt. Trấp bèo có lẽ trước đây là vùng trũng có nhiều bèo [11].
Ụ là chỗ sâu trên một dòng sông và ăn sâu vào đất liền để ghe thuyền đậu lại, và bờ sông ở đây lài lài để dễ kéo thuyền lên sửa.  là rạch ở giữa Giang Thành và Chiêu Anh Các, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Ụ Cây là rạch làm ranh giới hai phường 10 và 11, quận 8, nối kinh Tàu Hủ với kinh Đôi, tp. HCM, dài độ 1.200m. Ụ Cây là đống cây ở gần u, chở từ Tây Ninh, Bình Phước về để sản xuất thành phẩm. Ụ Ghe là bến ở làng Bình Phú, nay thuộc phường Tam Phú, quận Thủ Đức, tp. HCM.
Vàm là rạch ở phường Thạnh Lộc, quận 12, tp. HCM. Vàm gốc Khmer piêm, nghĩa là “ngã ba sông, rạch”.
Xáng gốc Pháp chaland, thường gọi là chiếc sà-lan, trên đó người ta đặt cái máy đào kênh, vét bùn. Kinh xáng là con kinh do xáng đào. Ở Nam Bộ có nhiều con kinh đào mang tên này [5].Kinh Xángchảy qua hai xã Lê Minh Xuân và Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, tp. HCM, nối kinh Ngang với sông Chợ Đệm, dài độ 7.000m, được đào dưới thời Pháp thuộc.