Bạn đọc : Tại sao lại nói “ (nói) nhát gừng” mà không phải là “nhát riềng”, “nhát tỏi”?
An Chi : Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên giảng nhát gừng là “(cách nói) từng lời ngắn và rời rạc, tỏ ý lúng túng hoặc không muốn nói chuyện”. Việt-Nam tự-điển của Lê Văn Đức giảng là “rời-rạc, không suôn-sẻ, trơn-tru”. Từ điển tiếng Việt của Nguyễn Kim Thản, Hồ Hải Thuỵ, Nguyễn Đức Dương (Nxb Văn hóa Sài Gòn, 2005) giảng là “(nói năng) tiếng nọ cách quảng tiếng kia (do không muốn trò chuyện)”. Từ những lời giảng trên, ta thấy hai tiếng nhát gừng (sẽ gọi là nhát gừng1), dành để chỉ hành động nói năng, bao hàm hai nét nghĩa chính : – (nói) miễn cưỡng; – (nói) rơi rạc, cách quảng không đều. Một sự khảo sát trên cơ sở so sánh chặt chẽ và hợp lý cho ta thoáng thấy rằng, với nghĩa (và qua những nét nghĩa trên), nhát gừng1 là một từ tổ cố định mà những yếu tố chung với từ tổ tự do nhát gừng (sẽ gọi là nhát gừng2), chỉ là giả tạo và do suy luận cảm tính mà ra. Cá nhân chúng tôi không thấy có mồi liên hệ nào về ẩn dụ hoặc một hình thức so sánh khác giữa nhát gừng1 với nhát gừng2.
Nhưng một nhà ngữ học đã nói với chúng tôi rằng ông quan niệm mấy tiếng (nói) nhát gừng1 là một trường hợp dùng từ bình thường, xuất phát từ danh ngữ tự do nhát gừng2 (nhát [lát] + gừng [ một thứ gia vị]), dùng theo ẩn dụ rồi từ vựng hóa chứ không phải từ một hình thức gốc nào khác. Ông cho rằng lý do của ông rất đơn giản : lối nói nhát gừng1 được so sánh với nhát gừng2 vì gừng bình thường là một thứ gia vị thông dụng, và đặc biệt là ngày Tết thì dùng để làm mứt. Có thể xem như ủng hộ ý kiến của nhà ngữ học này là lời giảng trong Tự-điển Việt-Nam của Ban Tu thư Khai Trí: “đứt đoạn như từng nhát gừng”. Đây chỉ đơn giản là một định nghĩa mang tính duy danh. Nhưng thế thì nhát hành, nhát riềng, nhát nghệ, nhát bánh mì, v.v., lại không đứt đoạn chăng? Còn về ý kiến của nhà ngữ học thì chúng tôi mạo muội cho rằng lý do của ông không thể đứng vững được. Ngày Tết người ta chỉ dùng gừng làm mứt theo hai dạng: để nguyên củ hoặc xắt nhuyển (thành sợi). Nếu có thì cũng rất ít khi xắt lát (nhát) để làm. Còn ngày thường thì chúng tôi cho rằng gừng không thể nào bì được với riềng là thứ gia vị không thể thiếu được cho món thịt chó; đặc biệt là thịt chó luộc mà thiếu vài nhát riềng thì coi như … hết ngon.
Chúng tôi cho rằng ta không tài nào tìm ra được sự tương thích về nghĩa giữa hai danh từ nhát vàgừng trong nhát gừng2 để có thể giúp ta hiểu đúng cái nghĩa của nhát gừng1. Trong tiếng Việt cũng như trong các ngôn ngữ khác, thỉnh thoảng vẫn có thể xảy ra những hiện tượng mà Pierre Guiraud gọi là sự cố ngôn ngữ (accidents linguistiques). Những sự cố này làm cho hình thức ngữ âm hoặc nội dung ngữ nghĩa của từ, ngữ đi “trật đường rầy” nên lệch với cái gốc ban sơ của nó. Xin nêu làm thí dụ sự trật đường rầy do hình thức đồng hóa gây ra cho ngữ vị từ hết hồn (= mất hồn) của tiếng Miền Nam mà, trong khẩu ngữ, người ta vẫn phát âm thành hết thồn theo cái đà tự nhiên của lời nói. Đây là trường hợp phụ âm đầu của âm tiết sau bị phụ âm cuối của âm tiết trước đồng hóa từ âm họng “h” [h] thành âm đầu lưỡi “th” [t‛]. Ai mà cứ hồn nhiên miệt mài đi tìm nghĩa của chữ “thồn” thì sẽ chẳng bao giờ tìm ra. Một thí dụ nữa là ngữ vị từ làm thinh, đồng nghĩa với nín thinh. Trong cả hai ngữ này, thinhlà biến thể ngữ âm của thanh, có nghĩa là “tiếng”. Vậy nín thinh là “nín tiếng”. Thế thì làm thinh lẽ ra phải là “lên tiếng” (làm thành tiếng) chứ sao lại đồng nghĩa với nín thinh? Vấn đề là như sau. Viêt-Nam tự-điển của Lê Văn Đức đã ghi cho ta : “ Làm thinh, cũng gọi hàm thinh, ngậm tiếng lại, không nói ra”. Thì ra làm thinh vốn là hàm thinh, bị từ nguyên dân gian làm cho méo mó. Hàm thinh là một cấu trúc nằm trong cái thế đối vị với những hàm ân, hàm hận, hàm nộ, hàm oán, hàm tu, v.v., đều là những cấu trúc không lấy gì làm dễ hiểu. Vì thế nên nó mới bị người bình dân nói trại thành làm thinh, nằm trong thế đối vị với những làm bộ, làm chứng, làm dáng, làm mối, làm nhục, làm ơn, v.v., đều là những cấu trúc dễ hiểu hơn. Vậy nếu có ai kiên trì đi tìm trong từ làm cái nghĩa của chữ hàm (= ngậm) thì làm sao tìm ra! Với chúng tôi, thì hai chữ nhát gừng1 cũng thế mà thôi.
Nhát gừng1, theo chúng tôi, vốn là nhát ngừng, trong đó nhát là “nhút nhát” còn ngừng là “ngập ngừng”, một cấu trúc đẳng lập hoàn toàn đúng quy tắc. Không thể chối cãi được rằng với nghĩa này thìnhát và ngừng đã tương thích với nhau một cách hoàn toàn “đẹp duyên” để tạo nghĩa cho từ tổ cố định nhát gừng1. Nhát ngừng là e dè, rụt rè, ngập ngừng trong hành động và cái hành động đó cuối cùng được quy về sự nói năng như ta đang thấy và đang dùng với nhát gừng1. Nếu không có sự cố ngôn ngữ nào xảy ra, thì, với hình thức gốc nhát ngừng, chắc chẳng ai còn thắc mắc. Đằng này …, đã xảy ra một sự dị hóa đối với phụ âm đầu của ngừng từ “ng” [ŋ] thành “g” [γ], một phần cũng do áp lực của “g” [γ] trong âm tiết thứ hai của nhát gừng2. Ở đây, ta có hai sự cố ngôn ngữ: hiện tượng đan xen hình thức (croisement de formes), và hiện tượng lây nghĩa (contamination de sens). Sự đan xen hình thức làm cho nhát ngừng trở thành nhát gừng1 do ảnh hưởng của gừng trong nhát gừng2; còn sự lây nghĩa làm cho người ta cứ vương vấn mãi rằng gừng trong nhát gừng1 ( vốn ← ngừng) lại là một thứ củ có chất cay dùng để làm gia vị hoặc … làm mứt.
Vậy, nhát gừng1 vốn là nhát ngừng nên cũng chẳng liên quan gì đến … riềng hay tỏi cả. Ý kiến này của chúng tôi có thể không đúng nhưng chúng tôi vẫn bảo lưu điều sau đây : nhát gừng1 là một từ tổ cố định còn nhát gừng2 là một từ tổ tự do mà từ tổ trước cũng không phải là từ tổ sau dùng theo ẩn dụ.
No comments:
Post a Comment