Sunday, 2 December 2012

Câu chuyện phiên âm (Nam Văn)

Câu chuyện phiên âm

Nam Văn

Hình ảnh của Câu chuyện phiên âm
HỎI:
Gần đây tôi có đọc trên nhật báo Thanh Niên một bài tên là Loạn phiên âm, trong đó ông nhà báo than phiền rằng các nhà soạn sách giáo khoa hiện nay có lối làm ăn vừa phản khoa học vừa tùy tiện khi phiên âm các từ quốc tế (những nhân danh và những địa danh…) khiến cho các giáo viên và các học sinh đều kêu khổ vì không còn biết đường nào mà lần.
Vấn đề phiên âm các từ quốc tế hình như không phải là một vấn đề mới mẻ gì mà đã có từ lâu và là một vấn đề chung cho các sách, các báo chí chứ không riêng gì cho sách giáo khoa. Nghe nói là ngày trước các nhà dịch sách đã áp dụng nhiều cách phiên âm khi gặp những từ nước ngoài có dính dáng đến tên người, tên đất. Không biết những cách phiên âm ấy ra sao? Có khác với cách trong sách giáo khoa của chúng ta ngày nay không?
(Huỳnh Văn Cứ - đường D2, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh)

ĐÁP:
Ngày xưa, tức là từ thế kỷ XVIII trở về trước các cụ của chúng ta tiếp xúc thẳng với nền văn hóa Trung Quốc nên công việc phiên âm không thành vấn đề với các cụ. Các cụ viết bằng chữ Trung Quốc, chỉ có cách đọc là khác với Trung Quốc thôi, vì các cụ đọc với giọng Việt. Chữ 天 nghĩa là trời, Trung Quốc đọc là thín thì các cụ đọc là thiên, chữ 人 nghĩa là người, Trung Quốc đọc là dành thì các cụ đọc là nhân.
Câu đầu của bài thơ Cảm hoài của Đặng Dung, Trung Quốc đọc là Xây di dầu dầu nòi lọ hò, thì các cụ đọc là Thế sự du du nại lão hà. Khi dịch Tỳ bà hành, ngay câu một đã gặp tên đất là Tầm Dương thì các cụ đọc và dịch luôn là Tầm Dương chứ không phải phiên âm lôi thôi gì cả. “Bến Tầm Dương canh  khuya đưa khách/ Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu”. Các cụ không bị mệt óc như chúng ta bây giờ.
Nhưng từ cuối thế kỷ XVIII trở về sau người nước ngoài bắt đầu đến Đàng Trong và Đàng Ngoài khá đông, nhất là đám quan binh do Giám mục Pigneau de Béhaine (sau này được gọi là Đức cha Bá Đa Lộc) đưa từ Pháp, từ Poudichéry (Ấn Độ) sang để giúp sức cho Nguyễn Ánh đánh với nhà Tây Sơn thì câu chuyện phiên âm trong lịch sử ngôn ngữ của chúng ta cũng bắt đầu.
Tên của cai đội Manuel đánh nhau với Tây Sơn và hy sinh trong trận thủy chiến ở cửa Thị Nại được Nguyễn Ánh phiên âm là Mạn Hòe. Về sau có lẽ thấy phiên âm mệt quá, khó khăn quá nên vua Gia Long (lúc này Nguyễn Ánh đã lên ngôi) cho một số sĩ quan Pháp được theo họ của vua và đặt cho họ những cái tên Việt. Chaigneau được mang tên là Nguyễn Văn Thắng hay Nguyễn Văn Chấn gì đấy.
Tên của viên quan ba Francis Garnier, người sau này bị quân Cờ Đen “chặt mất sỏ” (theo văn tế của cụ Tam Nguyên Yên Đổ), sau khi Tổng đốc Hoàng Diệu tử tiết và thành Hà Nội thất thủ, cũng được người dân Hà Nội phiên âm là Ngạc Nhi. Đó là thời kỳ phôi thai của câu chuyện phiên âm.
Mấy chục năm sau, khi các nhà Nho yêu nước của Việt Nam đọc được loại sách của Lâm Thư dịch của phương Tây thì những tên người, tên đất của Anh, của Đức, của Pháp, của Hà Lan được phiên âm theo lối Trung Quốc chứ không theo cách đọc trài trạiManuel thành Mạn HòeGarnier thành Ngạc NhiFrançais thành Pha Lang Sa như thời Gia Long, thời tiền Đông Kinh nghĩa thục nữa.
Jean-Jacques Rousseau sẽ là Lư ThoaMontesquieu sẽ thành Mạnh Đức Tư CưuChristophe Colomb sẽ là Kha Luân BốKarl Marx sẽ là Mã Khắc TưDarwin sẽ là Đạc Nhĩ VănDeustchland sẽ là nước ĐứcWashington sẽ là Hoa Thịnh ĐốnParis sẽ làBa Lê, thủ đô nước Nga sẽ là Mạc Tư KhoaSibérie sẽ là Tây Bá Lợi ÁHimalaya sẽ là Hi Mã Lạp Sơn, và còn nhiều nữa. Đó là thời kỳ thứ hai của câu chuyện phiên âm.
pic
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Thời kỳ thứ ba có lẽ bắt đầu từ nhóm Nam Phong của Phạm Quỳnh và Nguyễn Bá Học, từ nhóm Đông Dương Tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh. Vở kịch thơ Le Cid của Corneille được phiên âm là Lôi Xích, là Lôi Địch. Ông Nguyễn Văn Vĩnh vừa nằm đong đưa trên võng vừa dịch miệng Ba chàng ngự lâm pháo thủ cho người khác chép đã dùng cách riêng của ông để phiên âm d’Artagnan thànhĐắc Ta Nhan, Aramis thành A La Mĩ, Athos thành A TốPorthos thành Bô Tố.
Sau ông có Vũ Ngọc Phan cũng theo lối riêng phiên âm Tristan et Yseult thành Tiêu Nhiên và Mị Cơ. Khi dịch Tolstoi từ một bản dịch của Pháp, ông Vũ phiên âm Anna Karénine thành An Na Kha Lệ Ninh, nhân vật Urousky thành Vương Kỳ. Một dịch giả khác mà tôi không nhớ tên phiên âm Le comte de Monte-Cristo của Alexandre Dumas là Bá tước Kích Tôn Sơn. Thời kỳ thứ ba không theo trọn cách phiên âm của Trung Quốc mà chỉ theo có một nửa, phần còn lại là của ta tức là theo trí tưởng tượng bay bổng của người dịch.
Thời kỳ sau 1945 là thời kỳ thứ tư của câu chuyện phiên âm và kéo dài có lẽ cho đến mấy năm gần đây, trước khi xảy ra vụ mà báoThanh Niên gọi là Loạn phiên âm. Trong thời kỳ này công việc phiên âm được tổ chức và được tiến hành tương đối có phương pháp, có quy tắc hơn, nhưng cũng còn một chỗ hơi phiền là người ta cẩn thận và chi ly quá, đến nỗi phiên âm theo cách đọc của từng nước một.
Dịch một tác phẩm của Tây Ban Nha thì phiên âm theo cách đọc của Tây Ban Nha, một tác phẩm của Đức thì theo cách đọc của Đức. Thú thật là tôi hơi là lạ khi cầm đến tác phẩm lừng danh của Miguel de Cervantes và đọc thấy bốn chữ Đông Ki Hô Tê. Trước giờ tôi chỉ quen với Đông Ki Sốt. Tôi thấy bên Pháp hay bên Anh người ta theo một tiêu chuẩn quốc gia của riêng người ta để phiên âm.
Thủ đô của nước Nga được cả Pháp, cả Anh, cả Mỹ phiên âm là Moscou, là Moscow chứ không theo âm đọc Matxcơva. Nếu phải tùy theo cách đọc của mỗi nước thì dễ mệt lắm, dễ thành lung tung lắm. Pháp đã bị một vố với con sông Thames chảy qua thủ đôLondres của Anh (Londres là theo Pháp chứ theo người Anh thì là London). Thames người Anh đọc là “Tê mi dzơ”. Pháp nghe ba chớp ba nháng như thế nào không biết mà cho đến ngày nay đa số người Pháp không biết sông Thames là con sông nào mà chỉ biết con sông Tamise chảy qua London thôi. Chỉ trừ một vài trường hợp hơi hiếm người ta mới phiên âm theo giọng đọc của người khác.
Trường hợp Trung Quốc chẳng hạn. Trước kia những nhân danh, địa danh Trung Quốc đều được phiên âm theo kiểu của trường Viễn Đông Bác cổ. Bắc Kinh phiên âm là Pékin, Peking. Mao Trạch Đông là Mao Tse Tung. Nhưng bây giờ theo giọng đọc mới của Trung Quốc các nước phương Tây đã phiên âm lại là Beijing, là Mao Zei Dong.
Ngoài ra ở nhiều nước lại có chuyện chữ viết một đằng mà giọng đọc lại một nẻo. Ở Pháp có nhà bác học tên viết là Louis de Broglienhưng lại đọc là Louis de “Brơi”, có ông tướng thua trận Điện Biên Phủ tên viết là De Castries mà đọc là De “Cát” (không có“tri”), có ông nhà thơ tên viết là Leconte de Lisle mà đọc là Leconte de “Lile”.
Ở Anh có nhà văn nổi tiếng là William Somerset Maugham nhưng phải đọc là William Somerset “Mom”. Nếu căn cứ theo cách phiên âm để tìm những cái tên như thế này trên sách, trên báo thì có tìm đến bảy ngày cũng không tìm thấy.
Để kết luận, chúng ta mong mỏi các nhà ngôn ngữ học Việt Nam, các nhà soạn sách giáo khoa Việt Nam nên cùng ngồi lại với nhau, bàn bạc thật kỹ càng để tìm cho Việt Nam một phương pháp phiên âm vừa khoa học vừa hiện đại, vừa tiến bộ, vừa hợp lý hợp tình.

No comments:

Post a Comment