Những nét về nguồn gốc địa danh và xứ trà nho-Vĩnh Châu (Vĩnh Châu Online)
Trà Nho” là một địa danh xưa của vùng Vĩnh Châu ngày nay và vẫn còn được dùng trong dân gian (đặc biệt là với người Khmer, Hoa...). Tên chữ Vĩnh Châu có nghĩa là "Hạt châu tồn tại mãi”, thành ra đã có một nhà báo viết về những tiềm năng của vùng đất Vĩnh Châu đã dùng một tiêu đề khá ấn tượng “Để mãi là viên ngọc sáng”.
Những giả thuyết về tên địa danh Trà Nho
Có nhiều giả thuyết về cái tên “Trà Nho”. Một số thì cho rằng từ Trà Nho là cách đọc trại ra (đọc với phiên âm gần giống” của từ “Chui Nhor” trong tiếng Khmer). Chùi Nhor là tên một loại dây leo có lá nhỏ, trái gần giống trái dưa chuột nhưng chỉ nhỏ bằng đầu đũa, mọc khá nhiều ở vùng đất này thưở trước.
Thế nhưng một số khác lại giải thích rằng: Trà Nho là do hai chữ cũng bắt nguồn từ tiếng Kher “Chrui Yor” với nghĩa là “Vịnh tử thần, vịnh thần chết” - Vì ngày xưa, ở vùng biển Vĩnh Châu, ghe tàu nào vô ý cặp bến Vĩnh Châu không cúng bái thì sẽ bị một hung thần vật chết!? Thuyết này có lẽ dựa trên một hiện tượng tự nhiên thường hay xảy ra ở vùng biển này vào khi mùa chướng về hàng năm, đó là hiện tượng triều cường, sóng lớn hay nổi lên bất ngờ dọc theo ven biển thường xuất hiện bắt đấu từ khu vực Hồ Bể chạy dọc xuống bãi Trà Sết, Hải Ngư làm đắm ghe thuyền chưa kịp vào sâu trong bờ. Thuyết này cũng không phải là không có lý khi trong “Tự vị tiếng Việt miền Nam” của cụ Vương Hồng Sển cũng có một đề mục đề cập đến hiện tượng này.*
Địa danh Mỹ Thanh
Theo huyền sử, chúa Nguyễn Ánh trên đường bôn tẩu đã nhiều lần nghỉ lại ở vùng đất này và đóng quân ở khu vực Cồn Nóc, Xâm Pha (thuộc xã Lạc Hoà hiện nay). Ngày trước ở đây còn di tích một nền đồn lũy bằng đất, giếng nước. Vào những năm 90 của thế kỷ 20, một người dân nơi đây trong khi đào giếng đã lượm được cả một vương miện mà người dân ở đây tin rằng là của “công chúa Mỹ Thanh”, một người con của chúa đã bị bệnh chết ở đây và thi thể cũng được quàn ở khu vực này (tên làng xưa là làng Tân Khánh). Khi quân Tây Sơn truy kích đến đây, chúa Nguyễn ánh buộc phải chạy tiếp thì mộ của công chúa “Mỹ Thanh” được giao cho một người Hoa tên là Yết coi sóc. Sau này khi đã tại vị trên ngôi Hoàng Đế, vua Gia Long (Nguyễn Ánh) đã ban thưởng hậu cho chú Yết và ban cho chức tri phủ, được quyền thu hoa lợi của tất cả các cơ sở đánh cá dọc theo vùng ven biển Vĩnh Châu. Tên vị công chúa này được đặt tên cho cửa sông và khúc sông Cổ Cò đoạn chảy qua đây (**) - sông Mỹ Thanh và cửa Mỹ Thanh.
Ngày nay, nếu đứng ở xóm lưới Mỏ Ó, nhìn sang khu vực Xâm Pha vẫn thấy một ngôi cổ miếu (tương truyền là miếu thờ công chúa Mỹ Thanh) và một xóm lưới khá sung túc với nghề đóng đá, đi ghe cào. Ở khu vực các giồng phía trong, cũng tập trung đông đảo người Hoa rất giỏi về nghề làm rẫy với sản phẩm chủ lực là hành tím, các loại rau đậu...
Hồ Bể
Một vũng nhỏ lùi vào phía trong đất liền nằm gần cửa Mỹ Thanh. Vũng này được tạo thành chủ yếu là cát trắng bồi và những đụn cát trắng thay đổi theo mùa gió và sóng biển. Vào mùa nồm nam, những vành đai cát vươn ra phía biển và có xu hướng đóng lại khi càng ra phía ngoài. Điều này được giải thích là do nguồn nước từ sông Hậu đổ xuống mang theo phù sa bồi đắp và sóng biển chạy dọc từ hướng bãi Trà Sết lên tạo thành. Đến mùa chướng (gió Bấc về bắt đầu khoảng cuối tháng 9-đầu tháng 10 âm lịch), lúc này sóng lớn đập vào chủ yếu là từ hướng bắc xuống, cộng với nước triều cường lại lấy đi (đập bể, làm vỡ ra) những vành hồ bên ngoài vừa được tạo lập trước đó trong mùa nồm nam. Mặt vũng lại mở rộng như trước. Có lẽ đây chính là điều làm nên địa danh “Hồ Bể”. Trong những năm 90 của thế kỷ 20, người viết bài này từng đến vùng này khá nhiều. Khi ấy, muốn ra được Hồ Bể phải vượt qua những “nổng cát” trắng lớn mới ra được bãi biển. Phía trong những nổng cát này, người Hoa, người Khmer trồng cây thuốc cá là chủ yếu.
Xâm Pha
Xâm pha thuộc khu vực gần cửa Mỹ Thanh, xã Lạc Hoà (làng Tân Khánh xưa). Dọc theo vùng này là những cánh rừng đước, mắm chà là làm thành một vành đai phòng hộ cho những xóm làng bên trong. Tuy nhiên vì nằm trực diện hướng ra cửa Mỹ Thanh nên đến mùa chướng, sóng biển từ cửa Mỹ Thanh đập trực diện vào đây nên đất lở hàng năm khá nhiều. Anh Vũ, một cán bộ văn hoá thông tin, đã có lần giải thích với người viết bài này về địa danh “Xâm Pha”: “Đó là kiểu phát âm của từ chữ “Sóng Phá””. Vậy Xâm Pha nghĩa là Sóng Phá!? Cũng là một cách giải thích địa danh? Không biết có còn ai có cách giải thích nào khác hơn xin gửi lên để sung cho thêm phần phong phú về địa danh này.
Bãi Biển Vĩnh Châu
Đến với Vĩnh Châu, nhiều người vẫn nhắc đến bãi biển Vĩnh Châu với những giồng cát trắng chạy dài suốt dọc theo bãi biển gần 30 km từ cửa Mỹ Thanh (khu vực Hồ Bể) đến tận giáp ranh Bạc Liêu. Đầu khu vực Trà Sết là một bãi bồi lớn ăn ra ngoài biển, tạo thành một vành chắn sóng cho suốt một dãy bãi bồi. Những năm 90 của thế kỷ trước, khi Sóc Trăng chưa có đê biển và trồng rừng phòng hộ dọc theo bờ biển này, bãi biển ven bờ là một giải cát dài chạy suốt từ Hải Ngư đến tận gần cuối bãi Trà Sết (khu vực xã Vĩnh Hải) dài gần chục km. Khi nước xuống, xe Hon-da, thậm chí cả xe du lịch vẫn có thể chạy thẳng một lèo đến tận xã Vĩnh Hải. Phía bên trong là những giồng cát trắng, xen lẫn cát giồng là những vườn nhãn, rẫy hành tím, củ cải.v.v. Những giồng cát trắng nằm dọc ven biển rau muống biển mọc xanh um với những bông hoa tím ngát gần giống như bông Cát đằng. Từ mé cát này, người ta có thể đi thẳng ra ngoài bãi chỉ cách bờ chừng 30-40 m là đã có thể bắt nghêu. Mùa hè, bãi biển Vĩnh Châu vẫn là nơi cắm trại dã ngoại của các cô cậu học sinh. Thời pháp thuộc, ở khu vực Trà Sết còn có một ngôi nhà mát để du khách dừng lại trốn nắng khi đi chơi biển Mỹ Thanh về, nay ngôi nhà mát này không còn vì biển lở, biển bồi qua thời gian đã làm mất đi dấu tích.
Sau thảm hoạ triều cường năm 1992, cùng với đê biển Mỹ Thanh, chương trình trồng rừng phòng hộ ở dọc theo ven biển Mỹ Thanh cũng được tiến hành và đến nay (tháng 3/2005), suốt dọc bãi biển là những cánh rừng mắm xanh tốt, có tác dụng như một lá chắn che chở cho giải đê biển phía bên trong. Phù sa cũng bồi lắng nhiều, đẩy bãi cát ra xa tít non 2 km về phía biển. Chính vậy, chỉ có những ai khoẻ mạnh và “chịu khó” mới siêng ra biển bắt nghêu, nhặt vỏ óc. Còn không thì chỉ dừng lại ở mép rừng, bắt cua con, nhặt ốc len trong rừng. Mỗi khoảnh rừng phòng hộ được phân lô, chưa một ngả đường cho người dân ra biển và đỗ ghe, tàu khi vào bờ. Đây cũng chính là nơi tập trung mua bán các sản vật biển của những người ở biển vào.
Dọc theo triền đê, dưới những cánh rừng phòng hộ là khá nhiều nguồn lợi cho cư dân nghèo trong vùng. Nghề bắt biển cạn ( bắt cua hột tiêu, cua hột me, vớt cá kèo giống, bắt nghêu..) cũng cho thu nhập đáng kể. Trung bình mỗi người “ra biển” một chuyến đi về chí ít cũng có trong tay 15.000 đồng.
Đi dọc theo con đê biển từ Trà Sết về Bạc Liêu, chúng ta sẽ đến với những cánh đồng muối Vĩnh Phước, Vĩnh Tân, Lai Hoà (vốn ngày xưa chính là đồng muối Bạc Liêu nổi tiếng, nay được chia ra theo chỉ giới hành chính). Mùa tháng 3 kéo dài đến tận đầu mùa mưa chính là mùa “muối rớt hột”.. với một chiếc máy ảnh trong tay, tin rằng bạn sẽ có được nhiều tấm ảnh đẹp từ “hoa muối”.
Trên con đê này, cứ cách khoảng 1.000 m là có một con đường dẫn vào các xóm làng bên trong. Bất cứ con đường nào cũng sẽ dẫn đến lộ (đường) Giồng Biển mà dọc theo hai bên đường là những vườn nhãn cổ. Thứ nhãn “da lu” đặc thù của xứ này.
No comments:
Post a Comment