Saturday 1 December 2012

Trao đổi với bà Mathilde Tuyết Trần về Câu chuyện phiên âm (Nam Văn)

Trao đổi với bà Mathilde Tuyết Trần về Câu chuyện phiên âm

Nam Văn

Hình ảnh của Trao đổi với bà Mathilde Tuyết Trần về Câu chuyện phiên âm
Tôi viết bài Câu chuyện phiên âm (Hồn Việt số 62, tháng 9/2012) là để trả lời một bạn đọc hỏi tôi là ngày trước các nhà dịch sách đã phiên âm như thế nào khi gặp những từ nước ngoài có dính dáng đến tên người, tên đất và những cách phiên âm của ngày trước có chỗ nào khác với cách phiên âm của chúng ta ngày nay không?

Bà Mathilde Tuyết Trần trong bài Trao đổi thêm về bài viết Câu chuyện phiên âm (Hồn Việt số 63, tháng 10/2012) đã góp ý về cách đọc các tên Louis de Broglie và de Castries. Hai cái tên ấy là hai trong ba cái tên tiếng Pháp mà tôi đã đưa ra để minh họa cho một câu nói trong bài viết của tôi: “Ngoài ra ở nhiều nước lại có chuyện chữ viết một đằng mà giọng đọc lại một nẻo”. Bài Câu chuyện phiên âm là một bài báo có tính cách phổ thông hóa (vulgariser) kiến thức, được viết để trả lời riêng cho một bạn đọc nhưng cũng nhắm chung đến những bạn đọc khác thuộc mọi thành phần, mọi tầng lớp trong xã hội. Chính vì vậy mà tôi phải viết sao cho thật giản dị, cho thật dễ hiểu, cho thật dễ tiếp thu. Vì vậy mà tôi đọc tên de Castries là Đờ Cát vì hai chữ Đờ Cát bất cứ ai ở Việt Nam khi nghe đến đều biết đó là ông tướng thua trận Điện Biên Phủ năm xưa.
Tên của nhà bác học Louis de Broglie tôi đọc là đờ Brơi, tên của nhà thơ Leconte de Lisle tôi đọc là Đờ Lile. Đó là do ngày xưa khi còn là một học sinh trung học tôi đã nghe những ông thầy, bà thầy người Pháp của tôi đọc như thế và bây giờ nhớ lại tôi cũng đọc như thế. Có thể là qua một thời gian dài mấy chục năm trí nhớ của tôi không còn tinh tường sắc bén như hồi còn trẻ và tôi đã đọc hơi sai. Nhưng cái đó không ảnh hưởng gì đến bài viết của tôi cả. Broglie mà đọc là Brơi, là Brới hay là Brời gì đi nữa thì cũng vẫn minh họa được cho sự việc “viết một đằng mà lại đọc một nẻo”. Bài Câu chuyện phiên âm không có tham vọng vươn đến tính cách chuyên môn, không phải là một bài giảng về cách phát âm trong tiếng Pháp, cũng không phải là một báo cáo khoa học trước một viện hàn lâm ngôn ngữ học.
Bây giờ xin trao đổi lại với bà T.T. đôi điều.
Nói phải có sách, mách phải có chứng. Sách thì có lẽ bà T.T. cũng nghe nói đến quyển từ điển Robert des noms propres (từ điểnRobert chuyên về các danh từ riêng) rất có uy tín ở Pháp. Chúng ta hãy giở ra để xem ở mục từ Broglie. Dòng họ de Broglie có gốc gác từ một nhà quý tộc Ý miền Piémont tên là Francesca Maria Broglia. Sau đó dòng họ này sang sống bên Pháp và đổi họ thành de Broglie. Từ điển ghi luôn cách đọc chữ Broglie bằng mẫu tự phiên âm quốc tế IPA là bRɔj. Nếu đọc lên thì là Brôi chứ không phải Brơi. Tôi đọc Brơi là sai, bà bảo là sai. Bà lại còn bảo là: “Phát âm theo thổ ngữ piémontais thành ‘de Breuj’” (Breujmà đọc lên thành tiếng thì cũng là Brơi). Bà và tôi, cả hai đều đọc sai như nhau cả.
Giở qua mục từ Castries. Từ điển không nói gì về tướng Christian de La Croix de Castries cả mà chỉ nói đến một ông tổ xa đời của dòng họ de Castries thôi. Đó là ông Charles Eugène Gabriel de La Croix de Castries (1727-1801). Những người soạn từ điểnRobert des noms propres cũng cẩn thận dùng mẫu tự phiên âm quốc tế IPA ghi cách đọc chữ Castries là KastR. Nếu đọc lên làCast trơ (âm trơ chỉ đọc nhẹ như hơi thở, có thể nói là gần như không phát lên thành tiếng). Như thế tên của tướng Christian de La Croix de Castries phải được đọc đúng như từ điển Robert đã chỉ. Bà T.T. bảo là “người Pháp vẫn phát âm nguyên vẹn là de Castries (hai mẫu tự “es” câm)”. Tôi phải tin bà hay phải tin từ điển Robert? Kết luận là bà đã đọc sai và tôi đọc đúng khi tôi bảo làkhông có “tri”.
pic
Còn một cái tên thứ ba là tên của nhà thơ Leconte de Lisle. Bà T.T. cũng đồng ý đọc là Leconte de Lile nhưng lại bảo là bởi vì “mẫu tự s trong từ Lisle là một mẫu tự không được phát âm”. Tôi thì nghĩ khác. Đó là bởi vì ngày xưa từ île (hòn đảo) có dạng chính tả là isle và được đọc là ile. Cách đọc ấy ngày nay người Pháp còn giữ cho những nhân danh, địa danh có từ île viết theo lối cổ. Do vậy mà tên của nhà văn Villiers de L'Isle Adam cũng được đọc là Villiers de L'Ile Adam.
Bà T.T. thường nhắc đến mẫu tự s câm. Không biết bà đã lấy cái định luật s câm không được phát âm từ quyển ngữ pháp nào! Tên của thủ đô Paris của Pháp bà cũng bảo phải đọc là Pari vì mẫu tự s trong Paris cũng là mẫu tự câm. Bà cứ nói thế chớ không chứng minh gì cả. Còn tôi sẽ chứng minh với những nhân danh, địa danh có hai chữ cuối là is như trong Paris. Chữ Alexis trong tên của bác sĩ Alexis Carrel (tác giả quyển L’homme, cet inconnu), chữ Leiris trong tên của nhà văn Michel Leiris, chữ Aramis trong tên của một trong bốn nhân vật của Ba chàng ngự lâm pháo thủ đều có hai chữ cuối là is như Paris, thế mà tại sao chúng ta lại không đọc là Alexi, Leiri và Arami mà phải đọc là Alơxítx, Lâyrítx và Aramítx?
Tên của nữ văn sĩ Marguerite Duras phải đọc là Dura. Nếu bảo là bởi vì mẫu tự s của Duras là một mẫu tự câm, vậy thì tại sao tên của ông Charles Henri Havas người sáng lập ra Agence Havas ở bên Pháp năm xưa, tên của le chevalier d’Assascũng có hai chữ cuối là as như Duras mà lại được đọc với cái âm cuối là átx? Tên của nhà văn Albert Camus đọc là Camu, nhưng tại sao tên của nhân vật Charlus trong À la recherche du temps perdu của Marcel Proust cũng có hai chữ cuối là usnhư Camus mà lại phải đọc là Sạclútx?
Ngần ấy chứng cớ có lẽ cũng đã đủ để chứng minh rằng không có chuyện câm và s không câm.
Trong bài Trao đổi của mình bà T.T. còn đưa ra những quan điểm về chuyện phát âm, phiên âm các từ trong tiếng Pháp (bà dùng hai từ phiên âm và phát âm mà không phân biệt, lúc thì bảo là phát âm, lúc thì bảo là phiên âm làm như hai từ ấy là hai từ đồng nghĩa. Cũng cần nhắc lại nếu dịch từ phiên âm ra tiếng Pháp thì là transcription phonétique des mots, dịch từ phát âm thì là prononciation des mots), về cách người Việt phát âm tiếng nước ngoài ra tiếng Việt – những quan điểm mà tôi thấy có vẻ áp đặt cần phải được mang ra thảo luận lại, xét lại.
Điều làm tôi ngạc nhiên là ngay trong câu mở đầu bà đã khẳng định: “Trong ngôn ngữ Pháp có những địa danh hay tên người không thể phát âm theo cách độc âm ‘một là một’ được”. Câu nói hơi khó hiểu nhưng tôi đoán có lẽ bà muốn nói tiếng Việt là thứ tiếng đơn âm (monosyllabique) nên không thể phát âm được tiếng Pháp. Tôi không đồng ý với bà T.T. ở điểm này vì tiếng Việt khi nói hay khi viết đều có thể diễn tả hết những modulations của tiếng Pháp. Bằng cớ là nếu bà muốn, tôi có thể phiên âm địa danh Braisnes-sur-Aronde của bà và đọc lên để bà nghe. Cả địa danh Margny-lès-Compiègne nữa vì lès hay leshay lez chỉ là tiếng để cho thấy là thị trấn Margny nằm gần vùng Compiègne mà thôi.
Bà T.T. còn nhấn mạnh đến cách phát âm các tiếng Pháp và có vẻ như có khuynh hướng đưa định luật phát âm các danh từ chung (noms communs) vào áp dụng cho các danh từ riêng (noms propres). Đang nói về cách phát âm các địa danh, nhân danh mà khi đưa ra thí dụ thì bà lại đưa những huitdocteur ès sciencescoeurcercle… tất cả đều là những từ không phải là danh từ riêng, không phải là địa danh hay nhân danh.
Một điều cần nói nữa là không có một quyển Grammaire nào có thể ấn định cách viết và cách đọc những danh từ riêng cả. Nếu có thể có thì cũng chỉ là một vài ước lệ lỏng lẻo mà người ta có thể theo hoặc không theo. Ngay trong trường học, ngoài những danh từ riêng thông dụng thường gặp hàng ngày, học sinh cũng không bị bắt buộc phải biết viết biết đọc tất cả những danh từ riêng xa lạ. Khi đọc bài chính tả cho học sinh viết, gặp những danh từ riêng biết là khó viết người thầy dạy nào cũng đều biên lên bảng đen để học sinh nhìn thấy mà viết theo.
Thành thử những danh từ riêng trong tiếng Pháp thường được phát âm theo thói quen, theo tục lệ của từng dòng họ, từng gia đình, từng thời đại, từng miền, từng địa phương và có khi còn phải phát âm dựa theo “đất lề quê thói” của từng xã, từng làng chớ không phát âm theo một định luật bắt buộc nào. Chính bà T.T. cũng đã vô tình và gián tiếp nhìn nhận như thế khi bà cho biết là “cái tên ‘de Broglie’ theo thổ ngữ piémontais đọc là “de Breuj’”và nói thêm “một thành phố được mang tên là ‘Broglie’, thuộc địa phận Eure và Haute-Normandie, nhưng người Pháp vẫn phát âm là ‘brogli’ (mẫu tự ‘e’ câm)”.
Cùng là chữ Broglie cả nhưng khi là tên của dòng họ de Broglie thì đọc là “de Breuj” còn khi là tên thành phố Broglie thì đọc là “brogli”. Như thế là đúng với điều tôi vừa nói trên kia, “những danh từ riêng trong tiếng Pháp thường được phát âm theo thói quen, theo tục lệ của từng dòng họ… của từng miền, của từng địa phương chớ không phát âm theo một định luật bắt buộc nào”.
Về chuyện bà T.T. cho rằng những từ như cà phê (café), nhà ga (gare), áp phích (affiche), băng rôn (banderole, trong tiếng Pháp vốn có nghĩa là lá cờ đuôi nheo nhưng không hiểu sao khi chuyển sang tiếng Việt thành băng rôn lại có nghĩa là tấm biểu ngữ), rượu vang (vin), rượu cồn (alcool), phở (pot-au-feu) là những từ phiên âm thì tôi nghĩ là không phải vậy. Đúng ra phải gọi chúng là những từ mượn của tiếng nước ngoài (ở Việt Nam phần lớn là mượn của tiếng Pháp) rồi viết lại bằng tiếng Việt và đọc bằng giọng Việt. Từ fil à plomb của Pháp cho ta dây lập lòncellule cho ta xà limgendarme cho ta lính sen đầm,caporal cho ta cặp rằng, cụm từ faire à la va-vite cho ta làm qua quít
Người Pháp cũng đã từng mượn tiếng của nhiều nước khác để tạo ra những từ mới. Họ mượn ba chữ “was ist das?” (cái gì đấy?) của tiếng Đức để tạo ra từ vasistas (để chỉ loại cửa sổ nhỏ trổ trên cánh cửa lớn để mở ra xem người khách gõ cửa là ai, là quen hay lạ rồi mới dám mở cửa mời vào nhà). Họ cũng mượn từ “packet-boat” của tiếng Anh để tạo ra từ paquebot(chỉ loại tàu biển chở hành khách), mượn từ đại phong của Trung Quốc để tạo ra từ typhon (bão tố).

No comments:

Post a Comment