Thursday, 30 May 2013

Những nguồn chi viện lớn cho cách mạng Việt Nam (Quân Đội Nhân Dân)


Những nguồn chi viện lớn cho cách mạng Việt Nam



QĐND - Thứ Bẩy, 03/05/2008, 18:48 (GMT+7)
Tài liệu trích từ đề tài nghiên cứu của các tác giả ở Viện lịch sử Quân sự sẽ tham luận tại Hội thảo khoa học "Đại thắng mùa xuân 1975 - Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam", tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 14 và 15/4.
Tên lửa SAM 2 góp phần quan trọng trong chiến dịch Điện Biên phủ trên không tháng 12/1972.

... Sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta là sự nghiệp chính nghĩa nên được các nước xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô và Trung Quốc, đồng tình ủng hộ.
Sự kiện đoàn đại biểu Chính phủ ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu thăm ba nước Liên Xô, Trung Quốc và Mông Cổ trong vòng một tháng (22-6 đến 22-7-1955), đã mở đầu thời kỳ các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Đánh giá về ý nghĩa quan trọng của sự ủng hộ, giúp đỡ từ bên ngoài đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "10 năm trước đây (1945 - tác giả), chúng ta hầu như cô đơn, chỉ nhờ sức mạnh đoàn kết mà cách mạng thắng lợi. Ngày nay, nhân dân ta lại có đại gia đình gồm 900 triệu anh em từ Á sang Âu và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới ủng hộ. Cho nên cuộc đấu tranh chính trị để thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước tuy nhiều khó khăn, nhưng chúng ta nhất định sẽ thắng lợi".
Tuy nhiên, Người cũng đồng thời nêu rõ: "Phương châm của ta hiện nay là: tự lực cánh sinh là chính, việc các nước bạn giúp ta là phụ. Các nước bạn giúp ta cũng như thêm vốn cho ta. Ta khéo dùng cái vốn ấy để bồi bổ lực lượng của ta, phát triển khả năng của ta. Song nhân dân và cán bộ ta tuyệt đối chớ vì bạn ta giúp nhiều mà đâm ra ỷ lại".

Ngay sau chuyến thăm, theo thỏa thuận giữa Chính phủ ta với Chính phủ Liên Xô, Trung Quốc và Mông Cổ, về kinh tế, trong hai năm Liên Xô giúp ta các thiết bị máy móc, kỹ thuật trị giá 306 ngàn triệu đồng (ngân hàng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) để khôi phục và phát triển 25 xí nghiệp; Trung Quốc giúp ta khôi phục hệ thống đường sắt, bến tàu, tu sửa cầu đường, xây dựng nhà máy dệt, nhà máy thuộc da, nhà máy giấy..., trị giá 1.224 ngàn triệu đồng trong 5 năm; Mông Cổ giúp ta 500 tấn thịt và một số bò và cừu để lập một nông trường chăn nuôi. Đến cuối năm 1962, Liên Xô đã giúp ta 1.400 triệu rúp, giúp xây dựng 34 nhà máy lớn, 19 nông trường và cải tạo 27 nông trường, một số trường đại học, một bệnh viện lớn...

... Khối lượng hàng quân sự Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa (bao gồm Tiếp Khắc, Ba Lan, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, Ru-ma-ni, CHDC Đức, CHDCND Triều Tiên và Cu-ba) viện trợ từ năm 1955 đến 1975, qua từng giai đoạn như sau:

- Giai đoạn 1955-1960: tổng số 49.585 tấn, gồm: 4.105 tấn hàng hậu cần, 45.480 tấn vũ khí, trang bị-kỹ thuật; trong đó, Liên Xô: viện trợ 29.996 tấn, Trung Quốc viện trợ 19.589 tấn.

- Giai đoạn 1961-1964: tổng số 70.295 tấn, gồm: 230 tấn hàng hậu cần, 70.065 tấn vũ khí, trang bị - kỹ thuật; trong đó, Liên Xô: 47.223 tấn: Trung Quốc 22.982 tấn, các nước xã hội chủ nghĩa khác: 442 tấn.

- Giai đoạn 1965-1968: tổng số 517.393 tấn, gồm: 105.614 tấn hàng hậu cần, 411.779 tấn vũ khí, trang bị-kỹ thuật; trong đó, Liên Xô: 226.969 tấn, Trung Quốc: 170.798 tấn, các nước xã hội chủ nghĩa khác 119.626 tấn.

- Giai đoạn 1969-1972: tổng số 1.000.796 tấn, gồm: 316.130 tấn hàng hậu cần, 684.666 tấn vũ khí, trang bị-kỹ thuật; trong đó, Liên Xô 143.793 tấn, Trung Quốc 761.001 tấn, các nước xã hội chủ nghĩa khác 96.002 tấn.

- Giai đoạn 1973-1975: Tổng số 724.512 tấn, gồm: 75.267 tấn hàng hậu cần, 49.246 tấn vũ khí, trang bị - kỹ thuật; trong đó, Liên Xô: 65.601 tấn, Trung Quốc: 620.354 tấn, các nước xã hội chủ nghĩa khác: 38.557 tấn.


Như vậy, qua 20 năm, Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em đã viện trợ cho Việt Nam tổng khối lượng hàng hóa là 2.362.581 tấn; khối lượng hàng hóa quân sự trên quy đổi thành tiền, tương đương 7 tỉ rúp.

... Đối với hàng hóa phục vụ quân sự, từ năm 1955 đến 1975, Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa chi viện cho ta gồm nhiều chủng loại vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến đấu, cụ thể theo bảng số liệu sau:


Phân loại
Đơn vị tính
Liên Xô
Trung Quốc
Các nước XHCN khác
Súng bộ binh
khẩu
439.198
2.227.677
942.988
Súng chống tăng
khẩu
5.630
43.584
16.412
Súng cối các loại
khẩu
1.076
24.134
2.759
Pháo hỏa tiễn
khẩu
1.877
290
Pháo mặt đất
khẩu
789
1.376
263
Pháo cao xạ
khẩu
3.229
614
Bộ điều khiển
bộ
647
Bệ phóng tên lửa
chiếc
1.357
Đạn tên lửa
quả
10.169
Tên lửa SA 75M
quả
23
Đạn tên lửa VT 50v
quả
8.686
Tên lửa Hồng Kỳ
e
1 trung đoàn
Tên lửa S125
e
2 trung đoàn
Đạn tên lửa K681
quả
480
480
Máy bay chiến đấu
chiếc
316
142
Tàu chiến hải quân
chiếc
52
30
Tàu vận tải hải quân
chiếc
21
127
Xe tăng các loại
chiếc
687
552
10
Xe vỏ thép
chiếc
601
360
Xe xích kéo pháo
chiếc
1.332
322
758
Xe chuyên dùng
chiếc
498
6.524
2.502
Phao cầu
bộ
12
15
13
Xe máy công trình
chiếc
100
3.430
650
Ống dẫn dầu
bộ
56
11
45
Thiết bị toàn bộ
bộ
37
36
3

... Thành quả của cách mạng Việt Nam trong xây dựng đất nước, trong chiến tranh giải phóng Tổ quốc không tách rời sự ủng hộ, giúp đỡ trên tinh thần quốc tế vô sản của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô, Trung Quốc. Sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả đó của các nước trong phe XHCN nói riêng, của bầu bạn khắp nơi trên thế giới nói chung bắt nguồn từ tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến, từ đường lối, chính sách ngoại giao, đường lối quốc tế đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, với ảnh hưởng và uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thắng lợi của chính sách ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh là thắng lợi của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; của chính sách ngoại giao trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, mềm dẻo, có tình, có lý. Chính vì vậy, ở vào thời điểm hai nước Liên Xô và Trung Quốc xảy ra những bất đồng quan điểm, vào lúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam được Mỹ đẩy lên tới mức cao nhất, thì sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc cho cách mạng nước ta vẫn được bảo đảm.
Theo QĐND

Báo cáo trước Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khoá II) (25-1-1953) - Hồ Chí Minh



Báo cáo trước Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khoá II) (25-1-1953)


Khai mạc cuộc Hội nghị này, lời đầu tiên là tôi thay mặt toàn thể Trung ương ta thân ái gửi lời chào đồng chí Xtalin và đồng chí Mao Trạch Đông.
Xét lại trong nǎm 1952, trên thế giới có những việc quan trọng như sau:
Về phe đế quốc:
Đế quốc Mỹ đi đến bước đường cùng, đã dùng những thủ đoạn cực kỳ dã man hung ác mà bọn phát xít Hítle cũng không dám dùng, tức là Mỹ đã dùng chiến tranh vi trùng giết hại nhân dân Triều Tiên. Việc đó đã làm cho nhân dân thế giới kịch liệt chống lại đế quốc Mỹ. Mỹ lại dùng mọi thủ đoạn, nhất là không chịu thả hết tù binh chiến tranh, để phá hoại cuộc đàm phán đình chiến do Liên Xô đề ra.
Ngoài việc dốc hết lực lượng để chuẩn bị chiến tranh, làm cho kinh tế trong nước chúng càng lâm vào khủng hoảng và nhân dân nước chúng càng nghèo nàn, phe Mỹ lại ra sức vũ trang lại Tây Đức và Nhật Bản, dùng làm vây cánh, hòng tiến công Liên Xô, Trung Quốc. Song kinh nghiệm lịch sử cho ta biết rằng: chúng “nuôi cọp, sẽ bị cọp cắn”.
Đế quốc Pháp thì vâng lệnh của Mỹ mà ra tay đàn áp phong trào dân tộc dân chủ ở Pháp và phong trào dân tộc giải phóng ở các nước thuộc địa Pháp. Chúng không quản chết nhiều người, hại nhiều của, vẫn cố sống cố chết đeo đuổi chiến tranh xâm lược ở Việt- Miên – Lào. Phong trào của nhân dân Pháp đòi độc lập và chống chiến tranh ở Việt Nam ngày càng cao. Tình hình kinh tế và chính trị khó khǎn của Pháp đã khiến Chính phủ phản động Pháp lập lên đổ xuống 18 lần từ 1945 đến nay.
Về phe dân chủ:
Phong trào dân tộc giải phóng ở các thuộc địa và các nước phụ thuộc ở châu Phi, Cận Đông và Đông Nam á lên đều và mạnh.
Phong trào hoà bình dân chủ ngày càng lan rộng. Hội nghị hoà bình châu á và Thái Bình Dương 2 ở Bắc Kinh (10-1952) và Đại hội nhân dân thế giới bảo vệ hoà bình ở Viên (12-1952) đã thành công to lớn.
Hội nghị kinh tế thế giới 3 ở Mạc Tư Khoa (4-1952) đã phá chính sách của đế quốc Mỹ bao vây kinh tế Liên Xô và các nước dân chủ mới.
Công việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước dân chủ mới Đông Âu, đã có kết quả rực rỡ.
Trung Quốc đã thắng lợi lớn trong những cuộc vận động chống Mỹ, giúp Triều, đàn áp phản cách mạng, chống quan liêu, tham ô, lãng phí và trị bọn gian thương, chia ruộng đất cho nông dân.
Việc chia ruộng đất cho nông dân ở Trung Quốc đã thành công to lớn. Tính đến cuối nǎm 1952, hơn 500 triệu nông dân đã được hưởng hơn 700 triệu mẫu ruộng. Trước kia, nông dân mỗi nǎm phải nộp cho địa chủ hơn 30 triệu tấn thóc địa tô, nay số thóc ấy là của nông dân. Vì đã thoát khỏi ách áp bức của địa chủ, nông dân đã rất hǎng hái tǎng gia sản xuất. Kết quả rõ rệt là so với nǎm 1949, thì nǎm 1950 lương thực tǎng 20%, nǎm 1952 tǎng 40%.
Thành phần xã hội trong nông thôn thay đổi rất nhiều, trước kia trong làng, trung nông chiếm 20% nay tǎng lên 80%, bần nông trước kia hơn 70% nay giảm xuống chỉ có 10% đến 20%. Quyền kinh tế đã được nâng cao thì quyền chính trị cũng được nâng cao và
được đảm bảo: chỉ tính 4 khu Hoa Trung, Trung Nam, Tây Nam và Tây Bắc, nông hội đã có hơn 88 triệu hội viên, trong đó hơn 30% là phụ nữ, 60% đến 80% nông dân đã tổ chức thành những hội đổi công, hợp tác xã, v.v.. Nông dân lao động đã thành cột trụ của chính quyền ở nông thôn, do đó mà nhân dân dân chủ chuyên chính và công nông liên minh trở nên vững chắc. Nông dân đã giúp Chính phủ tiêu diệt hơn 2 triệu thổ phỉ. Họ đã vừa đào kênh vừa đắp đê được 1.700 triệu thước khối đất, đã cứu được hơn 660 vạn mẫu ruộng khỏi nạn lụt lội và hạn hán. Không bị địa chủ áp bức bóc lột nữa, nông dân tiêu dùng dồi dào; so với nǎm 1949 thì nǎm 1952 sức mua hàng của họ tǎng 25%, do đó mà công nghệ và thương nghiệp mau phát triển. Vǎn hoá cũng lên vùn vụt. Hơn 49 triệu trẻ con nông dân đã vào trường tiểu học. Vì trình độ giác ngộ lên cao, lòng yêu nước thêm nồng nàn, cho nên trong phong trào chống quan liêu, tham ô, lãng phí và trong công cuộc chống Mỹ, giúp Triều, nông dân rất hǎng hái.
Những thắng lợi ấy đã tạo điều kiện cho Trung Quốc nǎm nay làm ba công tác to lớn về chính trị và kinh tế, tức là: tiếp tục đẩy nhanh công cuộc chống Mỹ, giúp Triều, chuẩn bị bầu cử Quốc hội, và bắt đầu kế hoạch 5 nǎm.
Đại hội thứ XIX của Đảng Cộng sản Liên Xô (10-1952) chẳng những là một thắng lợi lớn của nhân dân Liên Xô mà cũng là thắng lợi chung của cả giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc nhược tiểu toàn thế giới.
Báo cáo của đồng chí Malencốp đọc trước Đại hội, đã nói rõ tình hình thế giới hiện nay, vạch rõ âm mưu gây chiến của phe đế quốc do Mỹ cầm đầu, và những mâu thuẫn sâu sắc giữa các đế quốc; nói rõ sự tiến bộ của phe dân chủ do Liên Xô lãnh đạo và lực lượng to lớn của Liên Xô đang tiến mạnh đến chủ nghĩa cộng sản. Báo cáo của đồng chí Malencốp lại dạy chúng ta cách thật thà tự phê bình và phê bình để luôn luôn tiến bộ.
Báo cáo của đồng chí Malencốp và những báo cáo khác trong Đại hội đều cǎn cứ trên nền tảng lý luận của quyển sách do đồng chí Xtalin mới viết, quyển “Những vấn đề kinh tế của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô” và đưa những con số, những sự thật chắc chắn để chứng tỏ lý luận ấy.
Quyển sách ấy phát triển và làm thêm phong phú chủ nghĩa Mác- Lênin. Trong một quyển sách chỉ độ 100 trang, đồng chí Xtalin đã nêu ra và đã giải quyết những vấn đề chính, như:
- quy luật kinh tế trong chế độ xã hội chủ nghĩa,
- sự sản xuất hàng hoá trong chế độ xã hội chủ nghĩa,
- quy luật giá trị trong chế độ xã hội chủ nghĩa,
- cách nâng cao tài sản của nông trường tập thể lên thành tài sản chung của toàn dân,
- quy luật kinh tế cǎn bản của chủ nghĩa tư bản ngày nay và quy luật kinh tế cǎn bản của chủ nghĩa xã hội,
- 3 điều kiện cốt yếu để tiến từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản,
- sự xoá bỏ những phân biệt chính giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và lao động chân tay,
- thị trường thế giới chia làm hai thị trường, và tổng khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản thêm trầm trọng.
Quyển sách ấy dạy chúng ta xem xét thêm sáng suốt tương lai của thế giới và làm cho chúng ta càng chắc chắn về tiền đồ nhất định thắng lợi của chúng ta. Cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng cần phải nghiên cứu những tài liệu của Đại hội thứ XIX, nhất là quyển sách mới của đồng chí Xtalin, và phải biết áp dụng vào hoàn cảnh kháng chiến, kiến quốc của chúng ta.
Đồng chí Xtalin đã chỉ rõ nhiệm vụ và mục đích của phong trào bảo vệ hoà bình thế giới hiện nay.
Phe đế quốc vẫn chuẩn bị gây chiến. Nạn chiến tranh vẫn đe doạ thế giới. Nhưng phong trào ủng hộ hoà bình thế giới ngày càng mạnh. Và gần đây, câu trả lời của đồng chí Xtalin cho báo Mỹ lại càng tỏ rõ thêm chính sách hoà bình của Liên Xô. Cố nhiên chính sách ấy được nhân dân thế giới nhiệt liệt ủng hộ. Chúng ta có thể đoán rằng: nếu phe đế quốc điên rồ đẩy đến thế giới chiến tranh, thì thế giới chiến tranh thứ ba sẽ kết liễu chế độ tư bản trên khắp hoàn cầu.
Trong Đại hội thứ XIX, đồng chí Xtalin đọc một bài diễn vǎn lịch sử, chỉ thị cho những người cộng sản và dân chủ chúng ta phải kiên quyết nâng cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ để chiến thắng bọn đế quốc xâm lược và làm chúng ta thêm tin tưởng vào tiền đồ vẻ vang của chúng ta.
TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC
Trước khi báo cáo tình hình trong nước, tôi thay mặt Trung ương và toàn Đảng, thân ái gửi lời cảm ơn và khen ngợi:
- Bộ đội ta (Vệ quốc quân, bộ đội địa phương, dân quân du kích) đã hǎng hái thi đua giết giặc lập công.
- Đồng bào ở vùng tạm bị chiếm cũng như đồng bào ở vùng tự do đã hǎng hái thi đua tǎng gia sản xuất, thi đua nộp thuế nông nghiệp, thi đua đi dân công giúp các chiến dịch.
Về phe địch:
Đầu nǎm 1952, chúng thất bại to ở chiến dịch Hoà Bình 4 . Cuối nǎm 1952, chúng thất bại to ở chiến dịch Tây Bắc 5 .
Càng thất bại, chúng càng điên rồ. Chúng thẳng tay bóc lột, áp bức, càn quét những vùng du kích và vùng tạm bị chiếm, hòng phát triển nguỵ quân, nguỵ quyền, để thực hiện âm mưu dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh. Chúng tìm mọi cách để phá hoại mùa màng và giao thông của ta.
Một mặt khác, chúng lạy lục Mỹ, xin Mỹ viện trợ thêm cho chúng, dù Mỹ đang bị sa lầy ở Triều Tiên.
Gần đây, đế quốc Mỹ, Anh, Pháp lại định lập một mặt trận thống nhất do Mỹ cầm đầu, để chống lại cuộc kháng chiến Triều Tiên, Việt-Miên-Lào và Mã Lai.
Địch càng thất bại thì chúng càng hung tàn. Nên tuy thắng lợi nhiều, chúng ta quyết không được chủ quan, khinh địch. Trái lại, chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng xâm lược đất đai, bóc lột nhân dân các nước hậu tiến là một trong những tính chất cǎn bản của tư bản độc quyền. Đế quốc Pháp, Mỹ rất thèm muốn nguồn nguyên liệu phong phú của nước ta (như gạo, cao su, than, thiếc…). Chúng muốn chiếm nước ta làm một cǎn cứ quân sự để tiến công Trung Quốc. Vì vậy mà chúng cố sống cố chết bám lấy Việt – Miên – Lào. Cho nên kháng chiến của ta nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ và gian khổ. Và từ nay cuộc chiến tranh giữa ta với địch sẽ gay go, phức tạp hơn.
Về phía ta:
Để duy trì kháng chiến trường kỳ và đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, chúng ta phải làm gì?
Đây tôi đặc biệt nhấn mạnh vào hai vấn đề chính sau đây:
1. Lãnh đạo kháng chiến và chính sách quân sự
Để đánh thắng thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ và lũ Việt gian bù nhìn chó sǎn của chúng, ta phải có một quân đội nhân dân thật mạnh và luôn luôn tiến bộ.
Sau những lớp chỉnh huấn, quân đội ta đã tiến bộ khá. Điều đó đã được tỏ rõ trong những thắng lợi vừa qua. Quân đội ta tiến bộ nhiều về tinh thần, về chiến thuật cũng như về kỹ thuật. Họ đã vượt nhiều khó khǎn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ. Du kích, vận động, công kiên, bộ đội ta đều đánh khá. ở đồng bằng, trung du, miền núi, họ đều đánh được.
Cán bộ cũng như chiến sĩ đều tiến bộ.
Chiến sĩ tin tưởng vào cán bộ.
Toàn thể quân đội tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, có thể nói rằng đó là một thắng lợi rất to.
Tuy vậy, một số đơn vị còn mắc những khuyết điểm như: ham đánh to, ǎn to, chủ quan khinh địch, tự kiêu tự mãn, tổ chức quá kềnh càng, chế độ tài chính không chặt chẽ, ham chuộng hình thức, cán bộ chưa biết thương yêu chiến sĩ như anh em ruột thịt… Từ nay quân đội ta phải quyết tâm sửa đổi những khuyết điểm ấy.
Nǎm nay chúng ta cứ tiếp tục chỉnh quân để phát triển và củng cố những tiến bộ đã thu được và sửa chữa những khuyết điểm.
Về mặt chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự thì chúng ta phải làm những việc sau đây:
1- Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu để phân tán lực lượng địch và tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng vùng tự do.
Đó là phương hướng chiến lược của ta hiện nay.
2- Bộ đội chủ lực ở chiến trường Bắc Bộ thì phải dùng vận động chiến linh hoạt, để tiêu diệt từng mảng sinh lực địch, làm cho địch yếu đi, phối hợp với công kiên chiến từng bộ phận, để tranh lấy những cứ điểm và thị trấn nhỏ ở đó địch sơ hở, yếu ớt. Làm như vậy để đạt mục đích đánh chắc, ǎn chắc, mở rộng vùng tự do. Đồng thời có thể dùng công kiên chiến hút lực lượng của địch đến mà đánh, phân tán lực lượng địch, làm rối loạn kế hoạch của địch và tạo điều kiện cho vận động chiến.
3- Chiến trường sau lưng địch phải mở rộng du kích chiến để tiêu diệt và tiêu hao những bộ phận nhỏ của địch; để chống địch càn quét, bảo vệ tính mạng, tài sản cho dân; để khuấy rối, phá hoại, kiềm chế địch, tuyên truyền và giáo dục quần chúng những vùng đó, thu hẹp nguồn nguỵ binh của địch, mở rộng vùng du kích và cǎn cứ du kích của ta, đặng thành lập và củng cố những cǎn cứ kháng chiến sau lưng địch.
4- Ngoài việc tǎng cường bộ đội chủ lực và xây dựng bộ đội địa phương, vùng tự do và những cǎn cứ du kích khá to cần phải xây dựng những tổ chức dân quân, du kích không thoát ly sản xuất. Những tổ chức dân quân, du kích ấy chẳng những có thể phụ trách việc đàn áp bọn phản cách mạng, giữ gìn trị an trong làng xã, bảo vệ lợi ích của quần chúng, đấu tranh với địch và phối hợp tác chiến với bộ đội chủ lực, mà lại có thể dùng để bổ sung bộ đội chủ lực.
5- Về việc chỉ đạo quân sự cần phải kết hợp những hình thức đấu tranh nói trên một cách linh hoạt, khôn khéo. Như thế, một mặt lợi cho bộ đội chủ lực có thể tìm nhiều cơ hội để tiêu diệt địch; một mặt khác có thể giúp bộ đội, du kích hoạt động và giúp cǎn cứ du kích của ta sau lưng địch phát triển và củng cố.
6- Trong sự chỉ đạo các hình thức đấu tranh nói trên, cần phải thiết thực nhận rõ tính chất trường kỳ của kháng chiến. Cho nên, phải rất chú ý giữ gìn sức chiến đấu nhất định của bộ đội, không nên làm cho bộ đội hao mòn, mệt mỏi quá. Đồng thời cần phải yêu cầu bộ đội chịu khó, chịu khổ, kiên quyết, gan dạ thi đua diệt địch lập công. Hai điều đó không trái nhau, mà kết hợp với nhau.
7- Phải tǎng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải bảo đảm sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ; phải triệt để giữ gìn kỷ luật tự giác về mặt quân sự và về mặt chính trị. Vì vậy cần phải tǎng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội và phải thực hiện dân chủ trong bộ đội.
8- Phải tǎng cường công tác quân sự, trước hết là phải luôn luôn xem trọng việc huấn luyện bộ đội. Phải ra sức bồi dưỡng cán bộ, phải rèn luyện tư tưởng, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, cũng như trình độ chiến thuật và kỹ thuật của cán bộ. Đó là khâu chính trong các thứ công tác.
Phải tǎng cường công tác của Bộ Tổng tham mưu và của Tổng cục cung cấp. Công tác Bộ Tổng tham mưu phải tǎng cường mới có thể nâng cao chiến thuật và kỹ thuật của bộ đội. Công tác của Tổng cục cung cấp phải tǎng cường thì mới có thể bảo đảm được sự cung cấp đầy đủ cho chiến tranh và nâng cao sức chiến đấu của bộ đội.
Nhưng phải kiên quyết phản đối xu hướng sai lầm làm cho các cơ quan phình lên.
9- Phải có kế hoạch chung về việc xây dựng và bổ sung bộ đội. Ngoài việc động viên thanh niên ở vùng tự do tòng quân, cần phải rất chú ý tranh thủ và cải tạo nguỵ binh đã đầu hàng ta để bổ sung cho bộ đội ta. Tổ chức bộ đội mới thì không nên hoàn toàn dùng cán bộ mới và binh sĩ mới, mà nên dùng cách lấy bộ đội cũ làm nền tảng để mở rộng bộ đội mới. Đồng thời cũng không nên vét sạch bộ đội du kích để bổ sung cho bộ đội chủ lực.
10- Cần phải tǎng cường và cải thiện dần dần việc trang bị cho bộ đội, nhất là xây dựng pháo binh.
2. Phát động quần chúng nǎm nay triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức để tiến đến cải cách ruộng đất
Ngay từ khi Cách mạng Tháng Tám 6 mới thắng lợi, chính quyền nhân dân thành lập, Chính phủ đã ra lệnh giảm tô. Nhưng cho đến nay, nơi thì giảm không đúng mức, nơi thì chưa giảm. Thành thử đồng bào nông dân không được hưởng quyền lợi chính đáng của họ. Như thế thì cứ nói “bồi dưỡng lực lượng nhân dân, lực lượng kháng chiến” cũng chỉ là nói suông. Nǎm nay, chúng ta phải kiên quyết thực hiện triệt để giảm tô.
Muốn vậy phải ra sức phát động quần chúng nông dân, làm cho quần chúng tự giác tự nguyện đứng ra đấu tranh triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức và giành lấy ưu thế chính trị ở nông thôn. Đảng và Chính phủ phải lãnh đạo, tổ chức, giúp đỡ, kiểm tra.
Sau khi giảm tô, giảm tức, quần chúng đã được phát động, tổ chức đã vững chắc, lực lượng đã đầy đủ, ưu thế chính trị đã về tay nông dân lao động, đa số nông dân đã yêu cầu thì sẽ thực hiện cải cách ruộng đất.
Cải cách ruộng đất.
Nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc.
Nền tảng của cách mạng dân chủ cũng là vấn đề nông dân, vì nông dân là lực lượng cách mạng đông nhất chống phong kiến, chống đế quốc.
Hoàn cảnh nước ta hiện nay, bên địch thì giặc Pháp dựa vào địa chủ phong kiến phản động do bù nhìn Bảo Đại đứng đầu để phá hoại kháng chiến, bên ta thì vào bộ đội, sản xuất lương thực, đi dân công nhiều hơn hết là nông dân.
Mấy nǎm trước, vì hoàn cảnh đặc biệt mà ta chỉ thi hành giảm tô, giảm tức, như thế là đúng.
Nhưng ngày nay, kháng chiến đã 7 nǎm, đồng bào nông dân hy sinh cho Tổ quốc, đóng góp cho kháng chiến đã nhiều và vẫn sẵn sàng hy sinh, đóng góp nữa. Song họ vẫn là lớp người nghèo khổ hơn hết, vì thiếu ruộng hoặc không có ruộng cày. Đó là một điều rất không hợp lý.
Muốn kháng chiến hoàn toàn thắng lợi, dân chủ nhân dân thật thà thực hiện, thì phải thiết thực nâng cao quyền lợi kinh tế và chính trị của nông dân, phải chia ruộng đất cho nông dân.
Cải cách ruộng đất sẽ giúp ta giải quyết nhiều vấn đề:
Về quân sự, nông dân sẽ càng hǎng hái tham gia bộ đội, để giữ làng giữ nước, giữ ruộng đất của mình. Đồng thời cải cách ruộng đất sẽ có ảnh hưởng to lớn giúp làm tan rã nguỵ quân.
Về kinh tế – tài chính, nông dân đủ ǎn đủ mặc, tǎng gia sản xuất được nhiều, thì nông nghiệp sẽ phát triển. Họ có tiền mua hàng hoá, thì thủ công nghiệp, thương nghiệp và công nghệ của giai cấp tiểu tư sản và tư sản dân tộc, cũng như công thương nghiệp quốc doanh sẽ được phát triển. Nông dân hǎng hái đóng thuế nông nghiệp thì tài chính của Nhà nước được dồi dào.
Về chính trị, khi nông dân đã nắm ưu thế kinh tế và chính trị trong làng, nhân dân dân chủ chuyên chính sẽ được thực hiện rộng khắp và chắc chắn.
Về vǎn hoá, “có thực mới vực được đạo”, kinh nghiệm các nước bạn cho chúng ta thấy rằng: khi nông dân đã có ruộng cày, đã đủ cơm ǎn, áo mặc thì vǎn hoá nhân dân phát triển rất nhanh.
Còn những vấn đề khác, như công an nhân dân, thương binh bệnh binh, vệ sinh nhân dân, v.v. đều dựa vào lực lượng quần chúng nông dân mà dễ dàng giải quyết.
Về Mặt trận Liên – Việt 7 , sau khi cải cách ruộng đất, Mặt trận sẽ được mở rộng hơn, củng cố hơn, vì đoàn kết được tất cả nông dân, tức là đoàn kết tối đại đa số đồng bào ta; cơ sở của Mặt trận là công nông liên minh sẽ được vững chắc hơn.
Phát động quần chúng triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức nǎm nay là một việc rất to lớn và quan trọng. Nó sẽ làm đà cho công việc cải cách ruộng đất sau này. Đảng phải định phương châm, chính sách, phải có kế hoạch, phải có tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra. Trước nhất là phải đánh thông tư tưởng trong Đảng, từ trên xuống dưới, phải đánh thông tư tưởng các tầng lớp nhân dân, trước hết là nông dân. Trung ương phải có chỉ thị rõ ràng về việc này. Mong các đồng chí nghiên cứu thật kỹ và thêm ý kiến đầy đủ.
Kinh tế – tài chính.
Về kinh tế – tài chính, sẽ có báo cáo riêng. ở đây tôi chỉ nhắc lại rằng: ta có tiến bộ nhưng tiến bộ ít. Thuế nông nghiệp vẫn thu chậm và không đúng mức. Chính sách của Chính phủ rất đúng, đồng bào rất hǎng hái đóng góp, vì sao mà thu chậm và không đúng mức? Vì nhiều cán bộ nhất là ở cấp dưới, thành phần xã hội không thuần khiết, hoặc không nắm vững chính sách của Đảng và Chính phủ, không đi đúng đường lối quần chúng, không gương mẫu, kết quả là không làm tròn nhiệm vụ.
Thuế nông nghiệp như vậy, thuế công thương nghiệp, mậu dịch, dân công, cũng đều như vậy. Nǎm nay, cán bộ các cơ quan và các địa phương nhất định phải quyết tâm sửa chữa những khuyết điểm đó để thực hiện thǎng bằng thu và chi, bình ổn vật giá, phát triển giao thông, tǎng gia sản xuất. Chúng ta phải ra sức bảo vệ và phát triển việc sản xuất, phải thực hành tiết kiệm, phải nhằm vào giảm nhẹ sự đóng góp của nhân dân và cải thiện đời sống của nhân dân. Phải triệt để chấp hành chính sách thuế nông nghiệp và các thứ thuế khác, và chính sách mậu dịch trong nước và mậu dịch với ngoài, thực hiện triệt để chế độ thống nhất quản lý tài chính, chấp hành kỷ luật tài chính một cách nghiêm chỉnh và tǎng cường công tác đấu tranh kinh tế với địch.
Nǎm nay, ngoài hai vấn đề lớn là chỉ đạo kháng chiến và phát động quần chúng, Đảng và Chính phủ vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh 3 nhiệm vụ lớn và 4 công tác chính đã bắt đầu từ nǎm ngoái.
3 nhiệm vụ lớn là:
- Tiêu diệt sinh lực địch,
- Phá âm mưu của địch dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh,
- Bồi dưỡng lực lượng nhân dân, lực lượng kháng chiến.
4 công tác chính là:
- Thi đua tǎng gia sản xuất và tiết kiệm,
- Đẩy mạnh công tác trong vùng sau lưng địch,
- Chỉnh quân,
- Chỉnh Đảng.
3 nhiệm vụ và 4 công tác ấy đều quan hệ mật thiết với hai vấn đề to nói trên.
Vì chỉ có thực hành chính sách ruộng đất một cách đúng đắn và triệt để, thì mới có thể phát động được quần chúng đông đảo, mới có thể dựa vào lực lượng nông dân để duy trì kháng chiến trường kỳ, phát triển và củng cố bộ đội, tranh lấy thắng lợi hoàn toàn.
Còn những việc quan trọng khác mà chúng ta phải làm là:
Vấn đề dân tộc.
Chúng ta phải cố gắng đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số và giáo dục đồng bào thiểu số, để chuẩn bị điều kiện cho việc lập dần dần những vùng dân tộc tự trị. Việc này rất quan hệ với kháng chiến. Địch dùng tự trị giả để chia rẽ các dân tộc, để phá hoại sức kháng chiến. Ta phải kịp thời dùng tự trị thật để đoàn kết các dân tộc, để đẩy mạnh kháng chiến.
Vấn đề Việt – Miên – Lào.
Cho đến nay, chúng ta giúp kháng chiến Miên – Lào chưa đúng mức. Từ nay chúng ta phải cố gắng giúp hơn nữa. Ta phải nhận rõ rằng: hai dân tộc anh em Miên, Lào được giải phóng, thì nước ta mới được giải phóng thật sự và hoàn toàn.
Vấn đề liên lạc với các nước bạn.
Nǎm ngoái, ta có những đoàn đại biểu nhân dân đi thǎm vài nước bạn và đi dự các cuộc hội nghị quốc tế. Do đó mà tình hữu nghị giữa ta và các nước bạn khǎng khít thêm. Đồng thời, ta lại học được nhiều kinh nghiệm quý báu của các nước bạn. Nǎm nay, chúng ta cố gắng phát triển mối quan hệ thân thiện ấy.
Vấn đề ủng hộ hoà bình thế giới.
Mấy nǎm nay chúng ta có làm, nhưng đã mắc khuyết điểm là có bề rộng không có bề sâu, hình thức hơn là thực tế, vì thường chỉ khoán trắng cho một số cán bộ phụ trách, còn những cán bộ khác thì ít quan tâm đến. Nǎm nay chúng ta phải làm thiết thực hơn, phải làm cho nhân dân ta hiểu rằng: ủng hộ hoà bình thế giới có quan hệ mật thiết với phát triển kháng chiến của ta.
Các đồng chí,
Đảng ta đã đưa cuộc kháng chiến cứu nước từ bước thấp đến bước cao, từ chỗ thắng nhỏ đến chỗ thắng lớn. Sở dĩ được như thế là vì Đảng ta và chỉ có Đảng ta thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin.
Đảng ta nhận rõ kháng chiến nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ và gian khổ. Đảng ta quyết lãnh đạo quân đội và nhân dân vượt mọi khó khǎn gian khổ – mà càng gần thắng lợi càng nhiều gian khổ khó khǎn – để tranh lấy thắng lợi hoàn toàn. Sở dĩ được như thế là vì Đảng ta và chỉ có Đảng ta toàn tâm toàn lực phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Đảng ta là một đảng tiên phong anh dũng. Để làm tròn nhiệm vụ nặng nề mà vẻ vang của Đảng thì toàn thể cán bộ và đảng viên, từ trên đến dưới, bất kỳ ở địa vị nào, làm công việc gì, đều phải:
- Kiên quyết chấp hành đúng chính sách của Đảng và Chính phủ;
- Đi đúng đường lối quần chúng;
- Quyết tâm thực hiện đạo đức cách mạng là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, quyết tâm tẩy bỏ cho kỳ hết bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí;
- Làm gương mẫu trong việc thi đua học tập, chiến đấu, tǎng gia sản xuất, v.v..
- Thật thà tự phê bình và phê bình để luôn luôn tiến bộ.
Tôi chắc rằng với sự lãnh đạo, giáo dục và kiểm tra của Trung ương, với quyết tâm của mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, với sự giúp đỡ của các đảng bạn, với sự phê bình, kiểm thảo của quần chúng, chúng ta nhất định làm được như thế và chúng ta nhất định thắng lợi.
Tôi xin tuyên bố cuộc Hội nghị lần thứ tư của Trung ương khai mạc.
Đọc ngày 25-1-1953.
Tài liệu lưu tại
Viện Lịch sử Đảng.
cpv.org.vn

Wednesday, 29 May 2013

Một số viện trợ của Việt Nam cho cách mạng Trung Quốc (Quách Minh)


Một số viện trợ của Việt Nam cho cách mạng Trung Quốc

  •   QUÁCH MINH (CHỦ BIÊN)
  • Thứ bảy, 08 Tháng 10 2011 09:01
  • font size giảm kích thước chữ tăng kích thước chữ
Trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhân dân Việt Nam đã được sự giúp đỡ to lớn của cộng đồng quốc tế, của phe xã hội chủ nghĩa nhất là của nhân dân Liên Xô và nhân dân Trung Quốc.Chúng ta không bao giờ lãng quên. Và cách mạng Việt Nam không phải là không có chút cống hiến gì cho thế giới, cho phe xã hội chủ nghĩa thời đó. Với Trung Quốc, tôi xin trích dẫn một số lời viết của chính người Trung Quốc nói về sự giúp đỡ của nhân dân ta, quân đội ta của Bác Hồ đối với phong trào cách mạng của họ ngay lúc chúng ta còn gặp muôn vàn khó khăn.

Không phải là để "kể lại ơn" cho công bằng mà là để các bạn trẻ biết thêm một vấn đề lâu nay ít được nhắc tới.



Sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập không lâu, đế quốc Pháp đã trở lại. Ngày 19 tháng 12 năm 1946 quân xâm lược Pháp mở cuộc tấn công lớn vào Hà Nội và nhiều nơi tại miền bắc Viêt Nam. Ngày hôm sau chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi nhân dân cả nước, cuộc kháng chiến toàn quốc Việt Nam bùng nổ. Trong lúc nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh chống Pháp lần thứ hai gian khổ, tuyệt vời, nhân dân Trung Quốc cũng đang tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Nhân dân hai nước Trung Việt đã ủng hộ lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau trong đấu tranh, viết nên một chương mới của tình chiến đấu hữu nghị. Nửa đầu năm 1946, trước khi quân đội Quốc Dân đảng vào Việt Nam tiếp nhận đầu hàng(của quân đội Nhật) rút về( nước) hơn sáu trăm người thuộc đội du kich chống Nhật "Lão nhất đoàn" tại Nam Lộ Nguyên, Quảng Đông do ĐCSTQ lãnh đạo đã bị phái phản động Quốc Dân đảng cho một sư đoàn bao vây truy kích, buộc phải từ Phòng Thành Quảng Tây tiến vào Việt Nam phân tán ẩn nấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh lập tức chỉ thị tổ chức cơ sở của Đảng Cộng sản Việt Nam bố trí, sắp xếp thỏa đáng. Sau khi quân đội Quốc Dân đảng vào Việt Nam tiếp nhận đầu hàng biết được tình hình này đã gây áp lực với Hồ Chí Minh yêu cầu giao nộp "Lão nhất đoàn". Hồ Chí Minh kiên quyết phủ nhận việc này, chặn đứng áp lực ngang ngược của bọn Quốc Dân đảng. Lúc này do điều kiện vật chất vô cùng khó khăn, sinh hoạt của của các chiên sĩ "Vệ quốc đoàn " lực lượng vũ trang của Việt Nam vô cùng gian khổ. Tuy nhiên do sự quan tâm săn sóc của Hồ Chí Minh và ĐCSVN, trong thời gian ở Việt Nam "Lão nhất đoàn" đã được cung cấp tương đối tốt. Sau khi nghỉ ngơi chỉnh đốn tại Việt Nam, "Lão nhất đoàn" tích trữ lực lượng, vào giờ phút then chốt của cuộc chiến tranh giải phóng đã trở về Trung Quốc trở thành một lực lượng vũ trang quan trọng tràn đầy sức sống của biên khu Vân Nam, Quảng Tây, Quí châu.
Trong những tháng ngày nhân dân Trung Quốc tiến hành cuộc chiến trang giải phóng nhân dân gian khổ, tổ chức cơ sở và lực lượng vũ trang của ĐCSTQ tại vùng biên giới Trung Việt đã lấy vùng biên giới miền bắc Việt Nam làm một căn cứ của mình. Tháng 2 năm 1946, Ủy ban công tác lâm thời biên giới Quảng Tây Việt Nam đã thành lập tại Việt Nam. Tháng 12 cùng năm, Ủy ban này đã triệu tập hội nghị công tác tại Cao Bằng Việt Nam nghiên cứu vấn đề đấu tranh vũ trang và quyết định đổi tên Ủy ban lâm thời biên giới Quảng Tây Việt Nam thành Ủy ban công tác Tả Giang. Tháng 3 năm 1947, Ủy ban công tác Tả Giang họp ở Cao Bằng Việt Nam, sắp xếp bạo động vũ trang. Tháng 7 cùng năm đã đồng thời tiến hành khởi nghĩa vũ trang tại Ái Điếm huyện Ninh Minh, Hạ Đông huyện Long Châu, Bình Mãnh huyện Na Pha. Tổ chức đảng vùng biên giới Quảng Tây còn tổ chức các lớp huấn luyện tại Việt Nam, bồi dưỡng cán bộ và quần chúng cách mạng. Từ năm 1947 đến năm 1949 đã tổ chức tổng cộng 6 lớp huấn luyện thanh niên, lớp huấn huyện cán bộ nông hội, lớp huấn luyện quân sự tại vùng Thất Khê, Thượng Lang, Hạ Lang của Việt Nam với gần một ngàn người tham dự.Về mặt cư trú, lương thực, đồ dùng cho sinh hoạt cũng như kinh phí các lớp huấn luyện đều được tổ chức đảng và quần chúng nhân dân Việt Nam giúp đỡ.
Trước sau năm 1947, khi Tung đội vùng biên giới Vân Nam, Quảng Tây, Quí Châu, Chi đội Tả Giang do ĐCSTQ lãnh đạo hoạt động tại vùng biên giới Long Châu cũng đã được các đồng chí Việt Nam giúp đỡ rất lớn, cơ quan hậu phương của Chi đội như cơ quan báo, điện đài, trạm y tế đều đóng tại Việt Nam vùng biên giới Trung Việt và được các đồng chí Việt Nam quan tâm chiếu cố về nhiều mặt.Tháng 6 năm sau khi khởi ngĩa vũ trang Đại Thanh Sơn do Đảng Cộng sản lãnh đạo thành lập đại đội huyện Long Châu, toàn bộ quân đội đã kéo sang vùng trong biên giới Việt Nam tiến hành chỉnh đốn huấn luyện, các đồng chí Việt Nam đã giúp đỡ giải quyết các vấn đề cụ thể như ăn, ở và huấn luyện. Tháng 8 năm này, phái phản động Quốc Dân đảng càn quét căn cứ đại Xuân Tú Long Châu, nhà ở của quần chúng bị đốt sạch. Hơn một ngàn quần chúng vùng đó đã theo bộ đội chuyển sang Việt Nam, các đồng chí Việt Nam đã thành lập một cơ quan chuyên môn sắp xếp quần chúng và quân đội Trung Quốc, các đồng chí Trung Quốc ẩn náu tại Việt Nam lâu tới bốn tháng. Vào vụ thu hoạch mùa thu năm 1948, phái phản động Quốc Dân đảng cử hơn trăm người tới vùng Xuân Tú Long Châu cướp lương, Chi đội Tả Giang ở vùng đó nay đã chuyến tới khu vực mới, Long Châu chỉ có một phần binh lực của đại đội huyện, sau khi các đồng chí Việt nam biết tin lập tức cử một trung đoàn quân phối hợp với đội du kích tiến đánh bộ đội địa phương Quốc Dân đảng, thu được thắng lợi.
Nửa đầu năm 1949, phái phản động Quốc Dân đảng Quảng Tây rẫy chết. Nhân dân Quảng Tây dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ đã truy đánh mãnh liệt bao vây tấn công bộ phận quân Quốc Dân đảng tại Thủy Khẩu biên giới Trung Việt. Được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử ngay trung đoàn Vệ quốc đoàn Cao Bằng tới tác chiến phối hộ. Qua đánh nhau dữ dội đã tiêu diệt toàn bộ quân Quốc Dân đảng chiếm giữ Thủy Khẩu. Trong chiến đấu, các đồng chí Việt Nam hy sinh hơn ba mươi người. Nhân dân hai nước Trung Việt đã dùng máu tưoi và sinh mệnh cùng tưới lên đóa hoa hữu nghị Trung Việt.
Mùa xuân năm 1947, sau những năm tháng gian khổ của Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Pháp lần thứ hai và cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Trung Quốc, ĐCSTQ và ĐCSVN đã thiết lập được liên lạc vô tuyến điện mới. Khi đó phụ trách công việc cụ thể của hai bên là Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh. Hai vị lão chiến hữu này đại biểu cho hai trung ương, thường trao đổi tin tức, cùng thương thảo một loạt vấn đề trọng đại. Ngày 1 tháng 10 năm 1949, thành lập nước CHNDTH, trước việc này lực lượng thế giới đã phát sinh những thay đổi trọng đại, quan hệ hai đảng, hai nước Trung Việt bước vào một giai đoạn mới. Lúc này cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam vẫn ở vào thời kỳ vô cùng gian khổ, lực lượng của chính quyền cách mạng còn rất yếu, vùng căn cứ bị quân xâm lược Pháp chia cắt khiến việc qua lại rất khó khăn. Hơn nữa còn thường bị quân địch càn quét. Sau này cùng với sự tiến quân thắng lợi xuống phía nam của trăm vạn hùng binh quân giải phóng, đường giao thông biên giới Trung Việt cuối cùng đã được thiết lập… Ngày 15 tháng 1 năm 1950, Bộ trưởng Ngoại giao Viêt Nam Hoàng Minh Giám gửi công hàm cho Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Chu Ân Lai tuyên bố công nhận chính phủ nước CHNDTH, đồng thời quyết định lập quan hệ ngoại giao chính thức với chính phủ Trung Quốc và trao đổi đại sứ. Ngày 18 tháng 1 Chu Ân Lai gửi công hàm trả lời Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, biểu thị hoan nghênh hai nước Trung Việt thiết lập quan hệ ngoại giao. Thế là Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 18 tháng 1 cũng trở thành ngày Trung Việt chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, từ đó quan hệ hữu hảo giữa hai nước Trung Việt bước vào một giai đoạn mới.
Dương Danh Dy (Dịch và giới thiệu)
Nguồn: " Bốn mươi năm diễn biến quan hệ Trung Việt" Quách Minh chủ biên. Nhà Xuất bản Nhân Dân Quảng Tây Trung Quốc 1991

Tuesday, 28 May 2013

THƯ CỦA TIẾN SĨ NGUYỄN VĂN KHOAN gửi Blog PhamTon (Nguyễn Văn Khoan)



Blog PhamTon năm thứ ba, tuần 3 tháng 5 năm 2012.



gửi Blog PhamTon
Lời dẫn của Phạm Tôn: Đầu tháng 5/2012, chúng tôi nhận được lá thư như sau:
*
*   *
Kính Gửi Blog PhamTon



“Tôi đã đôi ba lần gửi bài về Phạm Quỳnh tới Hồn Việt, nhưng không được trả lời, đăng tải.
Như con chim bị nạn sợ cành cây cong, nên lần này tôi xin nhờ Blog PhamTon giúp
(N.V.K)
 
Nguyễn Văn Khoan
Hội Nhà báo Việt Nam
Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
Hà Nội 090.4567.554

Tôi đã được đọc bài Trao đổi với tác giả Nguyễn Văn Khoan nhân đọc sách Phạm Quỳnh-Một góc nhìn của tác giả Văn Thanh (bà hay ông?) trên Hồn Việt 58 tháng 5/2012 (trang 36-38)
Xin có mấy lời thưa như sau.
I/ Văn Thanh cho rằng tôi viết “Trong đêm 23/8, Chính phủ cách mạng lâm thời đã điện đòi Bảo Đại thoái vị” là sai. Theo Văn Thanh, “Khoảng 10 giờ sáng ngày 23/8, nhân danh Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa, tôi (tức Tố Hữu) viết một tối hậu thư cho Bảo Đại…”
a)      Tôi không tự viết: “Trong đêm 23/8…” mà là viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn viết trong Lịch sử Việt Nam, tập 2, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội Nhân Văn, 1985, trang 340.
Tôi chỉ trích dẫn mà thôi, có sai thì viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn chịu.
b)      Cho dù Tố Hữu, Bí thử Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (?) Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Huế, ra “tối hậu thư”, thì đó là việc của Tố Hữu,… chỉ có tính chất địa phương. Còn Chính phủ Lâm thời là của cả nước, quyền lớn hơn, giá trị pháp lý cao hơn… Ủy ban Khởi nghĩa Huế chứ!
Cần lưu ý: Chính phủ Cách mạng Lâm thời chỉ “điện đòi”… trong khi Tố Hữu lại ra “tối hậu thư”? Có gì cơ hội, tả khuynh, nặng nề, hậm hực hoặc “trái với trên” chăng?
II/ Tôi đồng ý là Bác không gặp Trần Huy Liệu trước khi Trần Huy Liệu đi Huế. Tôi viết: “Người có kịp căn dặn… (chứ không viết gặp)”. Căn dặn có thể không cần gặp mặt, có thể nhắn qua người khác chứ?
III/ Vấn đề thứ ba, Văn Thanh dựa vào ý kiến của nhà vănkhông phải nhà báo, nhà sử – Tô Hoài, lại nghe Tố Hữu – cũng không là nhà báo, nhà sử mà là nhà thơ kể lại. Còn tôi, tôi đã gặp trực tiếp các anh Cao Pha, anh Phan Hàm, anh Đặng Văn Việt, Nguyễn Thế Lâm…là những sinh viên Trường Thanh Niên Tiền Tuyến Huế được giao nhiệm vụ đi bắt hoặc biết rất rõ việc bắt Phạm Quỳnh, dựa vào chính lời nói của các anh ấy và bản viết tay của chính anh Phan Hàm viết (bút tích thư anh Phan Hàm tôi vẫn còn giữ).
Cho nên, Văn Thanh có thể cứ giữ ý kiến của mình, còn tôi, cũng xin phép giữ ý kiến của tôi.
(Xin đề nghị nhà văn Tô Hoài cho ý kiến).
Đó là ba lời thưa của tôi đối với tác giả Văn Thanh. Sắp tới, chúng tôi sẽ có quyển Phạm Quỳnh – những góc nhìn ra mắt bạn đọc. Và có thể có một cuộc trao đổi; xin tác giả Văn Thanh, có điều kiện đến dự trao đổi tiếp cho đến tận cùng của sự thật.
Qua bài của Văn Thanh, toi xin có ý kiến thêm:
1.      Theo Tô Hoài, Tố Hữu kể:
“một chiếc ô tô lớn đi về phía Hương Cựu, đỗ trước ấp Hoa Đường”. Hương là sai. Mà phải là “An Cựu”. “Ấp Hoa Đường”, Tố Hữu tưởng là “ấp” nhưng đó chỉ là biệt thự – nhỏ hơn ấp
Tố Hữu không trực tiếp đi bắt Phạm Quỳnh, nghe ai kể mà lại nói: lão biến sắc, run đứng lên không được, lão bị điệu ra xe chở đi”. (Theo tôi, về mặt lịch sử, không nên dùng từ “lão” chỉ người mà Bác Hồ gọi là “Cụ Phạm”.)
Còn kể “Bao nhiêu “đồ đạ” – nguyên văn trên trang 58, Hồn Việt 5/2012 (có lẽ nhầm đạc ra đạ?) – trong gia đình niêm phong hết lại.”
Xin phép hỏi …Tố Hữu – “niêm phong đồ đạc là những gì, bao giờ mở, mở ra có vàng, bạc, châu ngọc gì, số lượng bao nhiêu, đã giao cho ai giữ, bàn giao lại cho ai?” Nhà thơ Tố Hữu đã mất, ai trong Thường vụ còn sống xin trả lời hộ cho Nước, cho Dân rõ.
2.      Còn về việc bắt và xử tử Phạm Quỳnh thì cho dù là Thường vụ có năm người, theo Văn Thanh ba người đồng ý, một người phản đối, một người trung gian theo đa số… thì theo tôi, cuối cùng, Tố Hữu  – với tư cách là chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Huế – Bí thư Đảng ủy.. mới có quyền tối cao quyết định và phải chịu trách nhiệm cá nhân tuyệt đối, toàn diện – ra lệnh bắt và xử tử Phạm Quỳnh (Mấy chú dân quân cho dù là “người nhà” ai đó, hận thủ Phạm Quỳnh… “bố bảo” cũng không dám tự ý xử tử Cụ Thượng Phạm.)
3.      Một ý kiến nữa: Tác giả Văn Thanh chê “sự yếu kém của biên tập viên cả về trình độ chuyên môn lẫn nhận thức chính trị
Xin để dành Đại tá Tổng Biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Công An Nhân Dân Phùng Thiên Tân cùng Trung tá Nhà văn Bùi Anh Tấn, trưởng phòng, trưởng chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh và anh Thiên Tường sĩ quan công an trả lời (chú ý về mặt nhận thức chính trị yếu kém).
Ý kiến cuối cùng: Cám ơn tác giả Văn Thanh đã trao đổi về mặt học thuật với tôi. Quả thật tôi không dám nhận đây là một trao đổi “học thuật”. Vì Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 2, Nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa, Hà Nội 2002 do hàng trăm giáo sư, tiến sĩ, viện sĩ biên soạn không có từ học thuật, nên khó khăn trao đổi cho cả hai bên. Từ điển Hán Việt Đào Duy Anh dịch học thuật học vấn (Instruction). Tác giả Văn Thanh có đồng ý với định nghĩa này?
Xin cám ơn Tạp chí Hồn Việt tác giả Văn Thanh, Tổng Biên tập Mai Quốc Liên
N.V.K.
*  Sau khi Hồn Việt, đăng bài trao đổi học thuật của tác giả Văn Thanh, nhiều bạn ở trong nước, ở nước ngoài gọi điện cho tôi. Xin cho phép được báo cáo lại ý kiến qua Blog PhamTon và xin chân thành cảm ơn các bạn đã có lòng yêu mến Cụ Phạm.

Monday, 27 May 2013

Trung đoàn pháo phòng không đầu tiên và ngày truyền thống Bộ đội cao xạ (Trần Hải Đăng)


Trung đoàn pháo phòng không đầu tiên và ngày truyền thống Bộ đội cao xạ
02.03.2011 08:23
Xem hình
Để chuẩn bị đội ngũ cán bộ và vũ khí, trang bị cho kế hoạch xây dựng, phát triển các binh chủng, Đảng và nhà nước ta đã làm việc với Đảng, chính phủ Liên Xô, Trung Quốc đề nghị hai nước giúp đỡ ta vũ khí và đào tạo cán bộ. Trong lần sang làm việc với trung ương Đảng và chính phủ Liên Xô, phía Việt Nam đề nghị bạn giúp ta trang bị Vũ khí cho một trung đoàn pháo phòng không.
Tháng 10 năm 1952, được sự thoả thuận của trung ương Đảng và chính phủ Trung Quốc, sự giúp đỡ của nhân dân và quân giải phóng Trung Quốc, quân đội ta cử một đoàn cán bộ sang Nam Ninh học về không quân. Đoàn gồm 33 người, do đồng chí Nguyễn Tâm Trinh phụ trách. Nhưng do tình hình cụ thể lúc đó, Quân đội ta chưa có điều kiện xây dựng không quân nên toàn bộ đoàn cán bộ chuyển sang học phòng không.
Ngày 26/1/1953, một đoàn cán bộ gồm 114 người do đồng chí Nguyễn Quang Bích, Trần Văn Giang phụ trách được Đảng và Quân đội cử sang Trung Quốc học về phòng không tại Trường sỹ quan Cao xạ tại Thẩm Dương. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, tổng Tham mưu trưởng Quân đội trực tiếp giao nhiệm vụ cho đoàn. Tại Thẩm Dương, các học viên được học nguyên tắc chiến thuật của Đại đội, Tiểu đoàn và Trung đoàn Pháo phòng không trong chiến đấu độc lập và chiến đâu hiệp đồng, chi viện và bảo vệ bộ binh trong chiến đấu tiến công và phòng ngự. tài liệu học tập dựa vào giáo trình huấn luyện của Hồng quân Liên Xô và kinh nghiệm tác chiến phòng không của Giải Phóng quân Trung Quốc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Triều Tiên.
Ít lâu sau, một đoàn cán bộ học về phòng không gồm 70 đồng chí do đồng chí Hoàng Khải Tiến, Đinh Thịnh và Lê Văn Thiêm phụ trách lên đường sang Tân Dương (TQ).
Trung tuần tháng 3.1953 thực hiện chỉ thị của Tổng Quân uỷ và Bộ trưởng BQP, đồng chí Phan Phúc Tường, cục trưởng cục quân lực triệu tập một số cán bộ chuẩn bị phương án tổ chức, biên chế của trung đoàn pháo phòng không để trình lên Tổng quân uỷ và Bộ tổng tư lệnh.
Theo phương án, đây sẽ là trung đoàn phòng không chủ lực đầu tiên của Quân đội ta. Trung đoàn sẽ có số quân đông, gồm những cán bộ, chiến sĩ được chọn lọc, có nhiều Đảng viên để đảm bảo chất lượng cao. Số cán bộ, chiến sĩ này được tập trung ở một địa điểm trong nước, sau đó hành quân sang Trung Quốc, hợp với các đoàn cán bộ đã sang trước học về Phòng không để xây dựng một trung đoàn phòng không mạnh, trang bị pháo phòng không 37mm do Liên Xô chế tạo. Trung đoàn sẽ được huấn luyện cơ bản trong một thời gian nhất định ở Trung Quốc, sau đó căn cứ vào tình hình cụ thể sẽ về nước tham gia chiến đấu. Dự kiến tổ chức, biên chế của Trung đoàn gồm 6 tiểu đoàn hoả lực, một tiểu đoàn lái xe kéo pháo, thợ sửa chữa và cơ quan trung đoàn với 3 ban: tham mưu, chính trị, cung cấp. trung đoàn mang phiên hiệu 367 ( với ý nghĩa trung đoàn đầu tiên sử dụng pháo phòng không 37mm gồm 6 tiểu đoàn hoả lực) để thống nhất phiên hiệu với các đại đoàn bộ binh (đều có số đầu là 3 như: 308, 304..)
Từ cuối tháng 3/1953 theo lệnh điều động của Bộ, một số cán bộ từ các cơ quan và đơn vị chủ lực của Bộ, nhiều chiến sĩ quê ở Khu 3, Khu 4 mới tình nguyện ra nhập quân đội tập trung lên căn cứ địa Việt Bắc. Đồng chí Ngô Từ Vân và một số cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp nhận số cán bộ chiến sĩ này.
Ngày 1/4/1953 Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Ký quyết định số 06/QĐ thành lập trung đoàn Pháo phòng không 367. Theo quyết định, trung đoàn được biên chế:
- sáu tiểu đoàn hoả lực mang các phiên hiệu 381, 383, 385, 392, 394, 396, mỗi tiểu đoàn có 3 đại đội pháo phòng không 37mm( 12 khẩu) và một đại đội sung máy phòng không 12,7mm (12 khẩu)
- một tiểu đoàn lái xe kéo pháo, xe vận tải và thợ sửa chữa.
- cơ quan trung đoàn gồm 3 ban : tham mưu, chính trị, cung cấp.
Với quyết định thành Lập trung đoàn pháo phòng không 367, lực lượng long cốt của binh chủng chiến đấu mới – binh chủng pháo cao xạ - của Quân đội nhân dân Việt Nam chính thức ra đời. Trong hoàn cảnh 1 nước, 1 quân đội chưa có không quân thì binh chủng Pháo phòng không lại càng rất quan trọng. Trung đoàn 367 là một trong những đơn vị được trang bị tương đối hiện đại của Quân đội ta, sẽ làm cơ sở và nòng cốt cho việc phát triển lực lượng phòng không to lớn sau này. Sự ra đời của bộ đội pháo phòng không đánh dấu một bước trưởng thành của quân đội ta trên con đường tiến lên chính quy, hiện đại.
Từ đây, ngày 1 tháng 4 hàng năm trở thành ngày truyền thống vẻ vang của Bộ đội Cao xạ Việt Nam.
Từ chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử đến công cuộc chống chiến tranh phá hoại, bộ đội pháo cao xạ đã giăng lưới lửa, trừng trị hàng nghìn máy bay chiến thuật đế quốc nhăm nhe xâm phạm, gây tội ác trên bầu trời miền Bắc.
Với ý chí “Thà hy sinh chứ nhất định không rời mâm pháo”, bộ đội Pháo cao xạ đã bất chấp nguy hiểm, hy sinh sẵn sàng “kéo địch về mình, chia lửa với bạn” và ghi nên những chiến công hiển hách.
Phát huy truyền thống hào hùng từ thời chiến, bộ đội pháo cao xạ thời kỳ mới không ngừng tập luyện, làm chủ khí tài, góp phần cùng các lực lượng phòng không - không quân, giữ vững bình yên của bầu trời Tổ quốc.