QĐND - Vụ đánh chìm tàu Thông báo hạm Pháp A-mi-ô Đanh-vin (Amyot d’inville) là một chiến công nổi tiếng của ngành tình báo trẻ tuổi Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.
Trung tướng Chu Duy Kính, nguyên Tư lệnh quân khu Thủ đô, người điệp viên đã trực tiếp mang mìn lên đánh chiếc tàu chiến Pháp này vừa khiêm tốn kể lại với chúng tôi về chiến công xuất sắc của tổ Điệp báo Công an A13.
Điệp viên A15
Chu Duy Kính người thôn Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Tham gia Cách mạng từ năm 1944, thời kháng chiến chống Pháp anh được cử vào hoạt động nội thành Hà Nội trong cương vị bí thư chi bộ kiêm đội trưởng đội vũ trang tuyên truyền thành. Năm 1949, Kính bị giặc Pháp bắt giam ở trại giam sân bay Bạch Mai. Địch tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì ở anh. Chàng thanh niên vùng quê quan họ này đã dũng cảm vượt ngục, chui qua đoạn cống ngầm dài 700m ở sân bay ra vùng tự do. Ngay sau đó anh được gặp Trần Quốc Hoàn, bí thư Đặc khu ủy Hà Nội. Chu Duy Kính đã trả lời bí thư Trần Quốc Hoàn về tình hình sân bay, đề nghị tổ chức bộ đội chui qua đường cống ngầm đánh sân bay. Nhận lệnh đồng chí Phùng Thế Tài, chỉ huy mặt trận Hà Nội, ngày 18-1-1950 Kính dẫn một đơn vị của Tiểu đoàn 108 bộ đội địa phương Hà Nội mang mìn đánh sân bay Bạch Mai, phá hủy 25 máy bay chiến đấu, đốt một kho xăng lớn trong sân bay cháy sáng rực bầu trời Hà nội suốt trong 2 ngày đêm liền.
|
Năm 1995 tại Sầm Sơn, các đồng chí Chu Duy Kính (trái), Hoàng Đạo (giữa) và Kim Sơn thăm lại nơi xuất phát đi đánh tàu chiến Pháp. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Đồng chí Nguyễn Thanh, nguyên bí thư Đảng ủy Bộ Công an cho biết:
- Giữa năm 1950, đồng chí Trần Quốc Hoàn chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo hoạt động của tổ điệp báo A13 đã nghe các đồng chí lãnh đạo công an Hà Nội báo cáo về những thành tích xuất sắc của tổ điệp báo A13, xin ý kiến về việc cử thêm một điệp báo viên tăng cường vì hiện tổ mới có hai người là A13 Hoàng Đạo và A14 Kim Sơn. Các đồng chí quyết định cử Chu Duy Kính.
Thế là vừa thoát tù, mới tham gia chiến đấu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, người thanh niên ấy lại tiếp tục tiến vào mặt trận thầm lặng với tên mật Lê Mai, bí số A15.
Đại úy Gioóc Kim Sơn
Chịu nhiều thất bại trong các năm 1947, 1948, 1949, đầu 1950, Quốc trưởng bù nhìn Bảo Đại đã đặt vấn đề với Pháp để có chủ trương: “Tập hợp quanh mình nhiều thế lực chính trị bao gồm lãnh tụ một số đảng: Đại Việt, Việt Nam Quốc dân Đảng; một số lãnh đạo các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên và cả một số người đã theo chính phủ Hồ Chí Minh tự nguyện trở về với chính quyền thân Pháp”.
Cùng với một số người kháng chiến hồi cư vào vùng địch tạm chiếm, Kim Sơn, một thanh niên trí thức Nam Bộ lịch lãm, đẹp trai đã bị địch kết án tử hình nhưng trốn thoát, tham gia công an, làm đội trưởng “Đội Hành động chi Lam Điền” ở đường 5 đã nhận lệnh vào hoạt động hậu địch mang bí số A14. Kim Sơn đóng giả là một đại đội trưởng quân đội Việt Minh không chịu được gian khổ vào sống sung sướng trong nội thành. Do giỏi tiếng Pháp, có trình độ toàn diện nên Kim Sơn được các giới chính quyền thân Pháp nể vì, được phong Đại úy mang tên Pháp là Gioóc. Anh nhận nhiệm vụ dụ dỗ một số người kháng chiến vào làm việc trong Hà Nội.
Kim Sơn tìm cách giới thiệu Hoàng Đạo với Thiếu tá Đuy-pờ-ra, trưởng phòng tình báo Pháp. Đuy-pờ-ra tỏ vẻ rất hài lòng nếu có người như Hoàng Đạo làm việc với mình.
Quốc vụ khanh Hoàng Đạo, lãnh đạo Đảng Phục Việt
Sau khi rời khỏi vị trí Trưởng ty Công an Thanh Hóa, qua Kim Sơn, Hoàng Đạo đã nhận nhiệm vụ vào hoạt động hậu địch, là tổ trưởng tổ điệp báo A13 mang bí số A13. Hoàng Đạo vốn là một công nhân quê gốc Nam Bộ, một con người thẳng thắn, có bản lĩnh, thông minh đã tìm cách tiếp cận với Nguyễn Đình Tại, Giám đốc Công an ngụy quyền Bắc Kỳ. Khi Tại kiêu ngạo hỏi, anh hai Nam Bộ này đã thẳng thắn trình bày:
- Tôi đang là lãnh đạo Đảng Phục Việt Quốc gia Cách mạng, một lực lượng lớn có chiến khu bí mật ở vùng kháng chiến Thanh Hóa, nghe ông Kim Sơn nên mới vào đây để cùng các ông tỏ rõ lòng yêu nước với thiên hạ. Những người có lòng tự trọng dân tộc nên biết: Nếu sợ chết thì tôi đã không dại gì đi làm việc tại đây.
Nguyễn Đình Tại hơi bất ngờ nhưng qua nhiều lần thẩm tra Hoàng Đạo, đã dần tin ở anh. Người tổ trưởng điệp báo nóng tính nhưng chân thật này đã dần có tín nhiệm với nhiều quan chức Hà Nội, cả với Bảo Đại cùng nhiều tướng Pháp như A-lếch-xan-đờ-ri, quyền Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương và Cút-sô cố vấn của Bảo Đại.
Hoàng Đạo đã được chính quyền Bảo Đại công nhận là lãnh đạo Đảng Phục Việt, một lực lượng có tín nhiệm ngoài vùng kháng chiến của Việt Minh vào thành hợp tác với lực lượng Quốc gia trong chính phủ, sau được phong hàm Quốc vụ khanh.
Chính vì thế nên tổ điệp báo A13 có nhiều thuận lợi trong hoạt động, thực hiện nhiều chủ trương chỉ đạo của các cấp trên, báo được nhiều tin quan trọng ra vùng tự do.
Đánh chìm Thông báo hạm Pháp A-mi-ô Đanh-vin
Thời gian này cơ quan mật thám Pháp gửi ảnh của Chu Duy Kính (Lê Mai) đi khắp nơi để truy tìm “tên Việt Minh đã đánh sân bay Bạch Mai ngày 18-1-1950”.
Đồng thời, Nha Công an Trung ương đã lệnh cho Hoàng Đạo nhanh chóng chuyển anh em trong tổ điệp báo A13 ra ngoài vùng tự do nhận nhiệm vụ mới.
Cả tổ A13 đều muốn có một chiến công cuối trước khi ra vùng tự do. Cũng vào dịp này, Quốc vụ khanh Hoàng Đạo nhận thư của vợ chồng Thiếu tá Đuy-pờ-ra và Trung tướng A-lếch xăng-đờ-ri mời vợ Hoàng Đạo đến nhà chơi rồi ở hẳn lại Hà Nội với mục đích chính là để tiện theo dõi và mua chuộc vợ chồng ông. Hoàng Đạo đề nghị được cho tàu đón cả đoàn vào đêm 26 rạng sáng 27-9-1950 tại Sầm Sơn. Đuy-pờ-ra vui vẻ nhận lời.
Cuộc họp quan trọng của tổ điệp báo A13 bàn việc nổ mìn đánh tàu chiến Pháp kéo dài gần suốt một đêm tại rặng phi lao ven biển Sầm Sơn. Theo dự kiến: Khi tàu chiến Pháp đến, Kim Sơn lên tàu trước, sau đó là Hoàng Đạo rồi đến chị Nguyễn Thị Lợi (đóng giả vai vợ Hoàng Đạo ra Hà Nội chữa bệnh). Đi cuối là Lê Mai xách va-li quần áo cho vợ Hoàng Đạo, trong có quả mìn và một số đồ ngụy trang, trọng lượng tổng cộng khoảng 30kg. Khó khăn nhất là công việc của Lê Mai. Anh phải cố gắng xách va-li chứa mìn nặng sao cho thật nhẹ nhàng như xách va-li quần áo.
Từ chiều 26-9-1950, Hoàng Đạo, Kim Sơn, Lê Mai và Nguyễn Thị Lợi ra điểm hẹn bên một rặng phi lao ở Sầm Sơn. Ánh trăng trung thu tháng Tám vừa lên thì bỗng nhiên một cơn giông kéo đến. Ánh đèn chiếc tàu chiến Pháp xuất hiện ngoài khơi. Hoàng Đạo, Kim Sơn, Nguyễn Thị Lợi rồi Lê Mai xách chiếc va-li xuống một chiếc thuyền đi dần ra khơi. Con thuyền cặp sát mạn chiếc tàu Pháp mang bên sườn dòng chữ trắng: Amyot d’Inville.
Một chiếc thang dây được thả xuống. Kim Sơn lên trước nói bằng tiếng Pháp:
- Chúng tôi thuộc đoàn Quốc vụ khanh Hoàng Đạo. Ông bà Hoàng Đạo sẽ lên sau.
- Tôi là Trung tá Ô-băng, Thuyền trưởng Amyot d’Inville 07, nhận lệnh đón các ông.
Trung tá thuyền trưởng đến thang đón Hoàng Đạo và phu nhân, mời vào buồng khách. Chị Lợi bị say sóng, một số thủy thủ đưa chị vào một buồng ngủ lịch sự gần đấy. Lê Mai xách chiếc va-li theo chị vào buồng. Tạo thời gian cho Lê Mai hoạt động, Hoàng Đạo hỏi Ô-băng về đặc điểm của chiếc tàu chiến này. Trung tá thuyền trưởng say sưa kể:
- Đây là loại Thông báo hạm lớn có tốc độ 35 hải lý giờ, được trang bị lựu pháo 105mm. Mấy hôm nữa tàu chúng tôi sẽ từ Việt Nam sang chiến đấu ở Triều Tiên.
Trong lúc này, Lê Mai nhanh chóng dùng răng bẻ gãy mấy ống a-xít, cắm vào mấy kíp nổ ở quả bom. Theo bảo đảm kỹ thuật của quân giới mà Mai đã được học, sau một thời gian quy định, a-xít ăn mòn kíp nổ, khối thuốc sẽ nổ tung.
Quốc vụ khanh Hoàng Đạo nói với thuyền trưởng:
- Cảm ơn ngài Trung tá đã giúp chúng tôi. Do có một chút việc cần giải quyết tiếp ở Thanh Hóa, tôi phải quay lại. Tối nay chúng tôi sẽ cùng phái đoàn của chính phủ ra Hòn Mê ăn bữa cơm chiều với các ông tại hòn đảo thơ mộng này rồi cùng ra Hà Nội.
Hoàng Đạo vào buồng an ủi Lợi, chia tay tên thuyền trưởng và các sĩ quan trên tàu rồi xuống thuyền. Trời đã hết mưa. Chiếc thuyền đưa Hoàng Đạo, Kim Sơn, Lê Mai đến chân Hòn Độc Cước. Ngồi trên núi, các anh yên lặng, không ai nói gì, nhìn đồng hồ.
Phía chân trời một ánh chớp sáng rực, một cột khói lửa bốc cao rồi một tiếng nổ lớn.
Lúc này là 11 giờ 30 phút ngày 27-9-1950.
Mọi người sung sướng vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Cuối cùng ai nấy đều cúi đầu lấy khăn lau mắt tiếc thương, vĩnh biệt người nữ điệp viên Nguyễn Thị Lợi.
* * *
Sau đó liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi đã được truy tặng Huân chương Quân công hạng 3. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19-8-1945/19-8-1995), Nhà nước đã truy tặng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong dịp kỷ niệm này, chị Tường Vân, con gái duy nhất của điệp viên Nguyễn Thị Lợi cùng tổ điệp báo A13 đã đến Sầm Sơn thăm lại vị trí xuất phát chuyến đi cuối cùng của liệt sĩ.
Đỗ Nam Trung