Friday, 27 September 2013

Ðánh đắm Thông báo hạm A-mi-ô Ðanh-vin (Nhân Dân)


Thứ hai, 08/08/2005 - 12:22 PM (GMT+7)
[+] Cỡ chữ: Mặc định    

Cuối năm 1947, bị thất bại trong cuộc hành quân lên Việt Bắc, thực dân Pháp chuyển hướng từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang đánh lâu dài, sử dụng Bảo Ðại để lập chính phủ bù nhìn theo "lý tưởng quốc gia", trao trả độc lập giả hiệu cho Việt Nam.
Nắm được ý đồ của địch, Ty Ðiệp báo Nha Công an Trung ương đã khéo léo đưa các điệp viên Hoàng Ðạo (A13), Kim Sơn (A14) vào hoạt động trong lòng địch. Mặc dù địch có nhiều thủ đoạn kiểm tra thử thách, nhưng các điệp viên của ta đã vượt qua, gây được tín nhiệm cao trong hàng ngũ chỉ huy của cơ quan tình báo quân sự, tình báo chiến lược, Bộ Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Ðông Dương, bọn cầm đầu các đảng phái phản động, bọn cầm đầu phản động lợi dụng đạo Thiên Chúa. Các điệp viên của ta đã bố trí một "chiến khu" giả, mở đại hội "đảng Phục Việt" để mời một số tên cầm đầu "Ðại Việt Quốc dân đảng" ra thăm. Pháp và Bảo Ðại đặt nhiều hy vọng vào "đảng Phục Việt". Bảo Ðại phong cho A13 chức "Quốc vụ khanh" và A14 là đại úy "Võ Phòng ngự lâm quân".
Thực dân Pháp có mưu đồ đánh chiếm vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh từ lâu. Nay có "chiến khu quốc gia" của "đảng Phục Việt", liền chớp thời cơ để thực hiện mưu đồ đó.
Trong cuộc "hội đàm", trung tướng Alexandrie và thủ lĩnh "đảng Phục Việt" là Hoàng Ðạo (A13) bàn về "giải phóng Liên khu IV", Pháp đã thỏa thuận cung cấp vũ khí, tiền bạc cho chiến khu quốc gia để "đảng Phục Việt" đảm nhiệm cuộc "giải phóng Liên khu IV". Trước tình hình đó, Trung ương có ý kiến: "không nên gây cho Pháp một ảo tưởng ở vùng hậu phương của ta lại có một lực lượng ly khai chống lại kháng chiến". Do đó, cần kết thúc hoạt động của tổ điệp báo.
Thực hiện ý kiến của Trung ương, ngày 26-9-1950, Ty Ðiệp báo Nha Công an Trung ương chỉ đạo Tổ điệp báo điều được ba tên cầm đầu phản động là Ðinh Xuân Cầu, Nguyễn Văn Hưởng (Trung ương Ðại Việt) và Nguyễn Quang Minh (Trung ương Quốc dân đảng) ra vùng tự do Thanh Hóa để bắt, khai thác và trừng trị, đồng thời tổ chức đánh đắm Thông báo hạm A-mi-ô Ðanh-vin của Pháp. Lúc 3 giờ sáng ngày 27-9-1950, Tổ điệp báo gồm các đồng chí Hoàng Ðạo (A13), Kim Sơn (A14), Nguyễn Thị Lợi (A16) đóng vai "vợ Quốc vụ khanh Hoàng Ðạo" và đồng chí Hải (A15) mang va-li có chứa 30 kg thuốc nổ ra khơi, lên Thông báo hạm để ra Hà Nội. Sau khi bố trí xong va-li thuốc nổ, các đồng chí trong tổ chia tay chị Lợi ở lại.
Sau 30 phút, thông báo hạm A-mi-ô Ðanh-vin chạy trên biển đã bị nổ tung, 200 lính và sĩ quan Pháp (trong đó có một trung tá, hai đại úy, tám trung úy) cùng hàng trăm tấn vũ khí, quân trang, quân dụng bị nhấn chìm xuống vùng biển Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ðồng chí Nguyễn Thị Lợi, một chiến sĩ điệp báo đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Ngày 11-6-1951, chị đã được Ðảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba. Ngày 3-8-1995, chị được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
(Theo Tư liệu Bộ Công an)

Nữ anh hùng của tổ điệp báo A13 trong truyện của nhà văn Văn Phan (Nguyễn Thị Việt Hà - Văn Nghệ Công An)

Trang nhất > Văn Nghệ Công An > Tư liệu văn hóa
Nữ anh hùng của tổ điệp báo A13 trong truyện của nhà văn Văn Phan
8:09, 10/04/2005


Bìa cuốn sách của nhà văn Văn Phan.

Chị tình nguyện trở thành một cảm tử quân hóa thân cùng tiếng nổ trên Thông báo hạm Amyot D’inville nổi tiếng một thời. Đó là nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi - nhân vật trong một cuốn tiểu thuyết tư liệu “người thật việc thật” của nhà văn Văn Phan.
Nhà văn Văn Phan là thế hệ những nhà văn có những đóng góp và tâm huyết với văn học đề tài an ninh quốc phòng - đề tài vốn vẫn được xem là một lãnh địa khó với nhiều người cầm bút. Ông đã đạt được thành công với mảng tiểu thuyết tư liệu, trong đó có những cuốn sách có giá trị được nhiều người nhắc đến như “Đội Công an số 6”, “Lớn lên với Điện Biên”, “Đoàn mật vụ của Ngô Đình Cẩn”…
Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D’inville” được nhà văn suy  nghĩ, nung nấu trong nhiều năm. Ông đã dành thời gian chăm chút tư liệu, cố gắng tái hiện những biến cố, diễn biến các sự kiện và tính cách các nhân vật có liên quan đến tổ điệp báo A13 huyền thoại.
Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot Dinvill” ra đời đã nhận được sự đón nhận tích cực của độc giả vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân. Tác phẩm cũng được tặng thưởng của Ban Văn học An ninh Quốc phòng của Hội Nhà văn năm 1995.
Nhà văn Văn Phan không phải là người đầu tiên tiếp cận, khai thác, tái hiện chiến công của tổ điệp báo A13. Trước đó, nhà văn Lê Tri Kỷ đã có cuốn Câu lạc bộ chính khách và nhà văn Nguyễn Đình Lạp với tập Chiếc valy và nhiều bài báo đã được in rải rác trên các báo, tạp chí. Tuy nhiên những tác phẩm này vẫn chưa tái hiện được tầm vóc, những chiến công, sách lược cũng như những mối nguy hiểm mà tổ điệp báo A13 đã vượt qua.
Nhà văn Văn Phan cho biết, các nhân vật trong tiểu thuyết này hầu hết là có thật, trong đó có nhân vật nữ là bà Nguyễn Thị Lợi. Bà Lợi nguyên là một phụ nữ Nam Bộ, lấy chồng người Hưng Yên và theo chồng ra Bắc, nhưng lại chịu phận làm lẽ. Cảnh “chồng chị chồng em” không đem lại cho bà một cuộc sống êm đềm, hạnh phúc, vậy là bà lại phải tìm đường vào Nam.
Trên đường về lại quê nhà, đến Thanh Hóa bà gặp được đồng chí Hoàng Đạo là Trưởng ty Công an Thanh Hóa, là người đồng hương Nam Bộ đã giúp đỡ để về quê. Nhưng vào đến Hoàng Mai thì bà gặp phải một ổ tập kích, nên phải quay trở lại. Một đứa con của bà Lợi đã bị chết.
Tại Thanh Hóa, người vợ của đồng chí Hoàng Đạo đã giúp đỡ bà Nguyễn Thị Lợi vào làm phụ cấp dưỡng ở Ty Công an Thanh Hóa. Về sau bà được cảm hóa và vào tổ điệp báo A13, cùng với các đồng chí tình báo cốt cán như Kim Sơn, Hoàng Đạo và Hải (tức Chu Duy Kính). Khi tổ chức quyết định đánh phá một thông báo hạm, chị Nguyễn Thị Lợi trong vai là phu nhân của đồng chí Hoàng Đạo - lúc ấy là Quốc vụ khanh - đã nhận nhiệm vụ là một người cảm tử, được tổ chức gửi vào thông báo hạm cùng với một khối thuốc nổ lớn.
Nữ học viên Học viện ANND bên tượng Anh hùng Nguyễn Thị Lợi.

Thông báo hạm Amyot D’inville nổ tung, tan xác hơn 200 sĩ quan và binh lính Pháp cùng hàng trăm tấn vũ khí, khí tài hiện đại của địch. Người phụ nữ can trường ấy thanh thản nằm lại trong lòng biển Đông nhưng chiến công của bà và của tổ điệp báo A13 huyền thoại còn mãi trong lịch sử ngành Công an Việt Nam.
Trong quá trình đi sưu tầm tài liệu để tái hiện Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D’inville, nhà văn Văn Phan đã may mắn được chính những thành viên lão thành trong tổ điệp báo A13 kể cho nghe những câu chuyện có thật trong quá trình hoạt động. Đó là các ông Kim Sơn, Hoàng Đạo, Chu Duy Kính…
Tác giả đã bỏ khá nhiều thời gian, công sức đi tìm hiểu, tiếp xúc với những người trong cuộc, tra cứu hồ sơ, tài liệu lưu trữ, cùng các nhân vật về lại những vùng đất căn cứ cách mạng xưa để khảo sát, kiểm chứng, chắp nối các thông tin. Ông so sánh, lựa chọn, cân nhắc các chi tiết và huy động trí tưởng tượng để chọn bối cảnh sao cho thật hợp lý.
Nhà văn đặc biệt chú ý tới nhân vật bà Ba Lợi trong quá trình nhận một nhiệm vụ quan trọng như vậy. Ông cho biết: “Tôi rất xúc động khy nghĩ đến tâm lý của nhân vật nữ là bà Nguyễn Thị Lợi khi đối diện với cái chết đang đến gần với mình từng giây từng phút”.
Trong dòng tâm sự với độc giả cuốn “Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D’inville”, với tư cách là nhân vật còn sống, ông Hoàng Đạo xúc động viết: “…Càng thương tiếc người điệp viên Nguyễn Thị Lợi, trước lúc vĩnh biệt, lời trối trăng của chị như còn văng vẳng bên tai. Giờ đây, tôi phải sống trọn lời thề của mình trước người đã khuất…”.
Ngày 3/8/1995, bà Nguyễn Thị Lợi đã được Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND
  Nguyễn Thị Việt Hà

Chuyện của những người làm nổ tung chiến hạm Amyot D, Inville (Tô Lan Hương - An Ninh Thế Giới)

Trang nhất > An Ninh Thế Giới Cuối Tháng > Cảnh sát toàn cầu tháng
Chuyện của những người làm nổ tung chiến hạm Amyot D, Inville
10:15, 01/09/2010


Đai tá Kim Sơn - thành viên tổ điệp báo A13 trong trận đánh chiến hạm Amyot D'Inville.

50 năm đã trôi qua kể từ ngày tổ điệp báo A13 làm nổ tung chiến hạm Amyot D'Inville của thực dân Pháp, làm nên một trong những chiến công vang dội nhất của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam. Trong suốt thời gian đó, nhiều bài báo, nhiều tác phẩm văn học đã ra đời để tái hiện bản anh hùng ca về những người chiến sĩ CAND đã tham gia đánh chiến hạm Amyot D'Inville ngày ấy.
Nhưng việc xây dựng lại toàn bộ câu chuyện lịch sử đó một cách đầy đủ vẫn mãi là niềm trăn trở của các nhà văn, nhà báo, nhà làm phim thực sự có tâm huyết. Nên cuối cùng, vào đúng dịp 50 năm Amyot D'Inville nổ tung, Trung tướng Nguyễn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL-CAND đồng thời là Tổng Biên tập Báo CAND, cùng với đạo diễn Long Vân, đạo diễn của bộ phim nổi tiếng "Biệt động Sài Gòn" đã cùng xây dựng ý tưởng về việc đưa câu chuyện về chiến hạm Amyot D' Inville lên màn ảnh, như một lời tri ân với những người anh hùng của tổ điệp báo A13 năm đó.
Và trên đường theo đạo diễn Long Vân đi tìm lại những nhân chứng lịch sử của cuộc tấn công vào chiến hạm Amyot D'Inville, người viết bài này đã có cơ hội được gặp những con người có mối quan hệ mật thiết với câu chuyện về Amyot D'Inville. Họ có thể là người đã trực tiếp tham gia vào câu chuyện lịch sử đó, cũng có thể là người chỉ được nghe câu chuyện đó qua những lời kể, nhưng tất cả họ đều có quyền tự hào về chiến công đó. Và những người anh hùng của tổ điệp báo A13, dù còn sống hay đã chết, sẽ mãi được ghi danh trong những trang sử vàng của dân tộc.
Con gái người nữ anh hùng và những kí ức về mẹ
Có một câu chuyện đầy cảm động ở Công an tỉnh Thanh Hóa khiến bất cứ ai chứng kiến cũng cảm thấy nao lòng. Chuyện rằng tất cả những người chiến sĩ Công an Thanh Hóa đều có một niềm tin linh thiêng. Trước mỗi lần lên đường làm nhiệm vụ, mỗi lần đi đánh án, không ai bảo ai, nhưng tất cả họ đều có chung một thói quen, đó là đến trước tượng đài của người nữ Anh hùng LLVTND - liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi để thắp một nén hương và nghiêng mình kính cẩn. Tất cả cán bộ của Công an Thanh Hóa đều tin rằng, linh hồn người nữ Anh hùng ấy sẽ theo họ trong mỗi chuyên án, bảo vệ họ và giúp họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Niềm tin đó, từ nhiều năm qua, chưa bao giờ suy chuyển.
Nhắc đến chiến hạm Amyot D'Inville, người ta không thể không nhắc đến nữ Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Lợi, người chiến sĩ Công an đã ôm bom cảm tử, làm nổ tung chiến hạm Amyot D'Inville, khiến cả nước Pháp và dư luận thế giới khi ấy bàng hoàng. Khi chiến hạm Amyot D'Inville nổ tung, bà mới 39 tuổi, nhưng đã hoàn toàn thanh thản và mãn nguyện khi được hi sinh xương máu của mình cho Tổ quốc. Và cuộc đời bà, cuộc đời của một người nữ chiến sĩ Công an nhân dân anh hùng đã trở thành huyền thoại trong câu chuyện của những người còn sống.
Chiến hạm Amyot D'Inville.
Amyot D'Inville là chiến hạm Pháp đã từng tham gia cuộc Chiến tranh thế giới II, cũng là một trong những Thông báo hạm lớn nhất của Pháp hoạt động ở khu vực biển Thái Bình Dương thời kỳ đó. Đầu những năm 1950, chiến hạm Amyot D'Inville hoạt động ở vùng biển xứ Thanh Nghệ, phục vụ cho âm mưu đánh chiếm vùng đất này của thực dân Pháp. Nhưng thực dân Pháp đã không thể ngờ rằng, đây cũng chính là mồ chôn của Amyot D' Inville kiêu hãnh, một nỗi đau mà giới chính trị Pháp lúc đó thực sự muốn đào sâu chôn chặt.
Ngày đó, đồng chí Hoàng Đạo, tổ trưởng tổ điệp báo A13, với sự hỗ trợ của đồng chí Kim Sơn đã xâm nhập được vào bộ máy chính quyền địch và giữ tới chức vụ Quốc vụ khanh của Bảo Đại, được thực dân Pháp cũng như ông vua bù nhìn Bảo Đại đặc biệt tín nhiệm. Nhưng để chắc chắn "nắm thóp" được "Quốc vụ khanh" Hoàng Đạo, thực dân Pháp đã đề nghị  ngài "Quốc vụ khanh" đưa phu nhân của mình ra Hà Nội sống "dưới sự bảo vệ" của chúng. Đó cũng là thời điểm mà đồng chí Hoàng Đạo và Kim Sơn được lệnh chấm dứt nhiệm vụ trong hàng ngũ địch, để trở về nhận nhiệm vụ mới.
Tương kế tựu kế, nên khi thực dân Pháp đưa chiến hạm Amyot D'Inville đến đón "phu nhân của Quốc vụ khanh" Hoàng Đạo ra Hà Nội, một kế hoạch táo bạo đánh bom Amyot D'Inville đã được vạch ra, với mục đích làm thiệt hại nặng nề lực lượng và uy tín của địch, phá sản âm mưu thôn tính của thực dân Pháp.
Đêm 26/9/1950, một đêm mưa gió bão bùng, đồng chí Nguyễn Thị Lợi (bí số A16), trong vai phu nhân của "Quốc vụ khanh" Hoàng Đạo đã lên tàu Amyot D'Inville với 30kg thuốc nổ được đựng trong một chiếc valy mà thực dân Pháp cứ ngỡ là thuốc phiện. 30 phút sau, chiến hạm Amyot D'Inville nổ tung, đem theo mạng sống của hơn 200 sĩ quan địch, cùng với hàng trăm tấn thuốc nổ mà thực dân Pháp dự định để chi viện cho quân đội Pháp ở Việt Nam, làm phá sản âm mưu của thực dân Pháp, khiến uy tín của quân đội Pháp ở Việt Nam cũng như uy tín của giới cầm quyền ở Pháp bị sụt giảm nghiêm trọng.
Đó cũng là một trong những chiến công vang dội của lực lượng tình báo Công an nhân dân trong thời kì đầu non trẻ mới thành lập. Nhưng để làm nên chiến công đó, bà Nguyễn Thị Lợi, người chiến sĩ Công an Thanh Hóa đã hi sinh cảm tử, để lại một câu chuyện dài về cuộc đời đau khổ nhưng đầy tự hào của người nữ anh hùng này.
Tôi đã có may mắn gặp được bà Nguyễn Tường Vân, con gái nữ Anh hùng Nguyễn Thị Lợi trong một ngôi nhà nhỏ và giản dị giữa lòng Sài Gòn sôi động và ồn ào. Bà chẳng kể được gì nhiều, bởi cứ mỗi lần nhắc đến người mẹ đã khuất, bà đều không kìm nén được nỗi xúc động trong lòng.
Khi Anh hùng Nguyễn Thị Lợi hi sinh, bà Tường Vân mới tròn 6 tuổi và không hề được gặp mặt mẹ trong nhiều năm liền. Mãi đến khi 15 tuổi, bà mới biết mình có một người mẹ anh hùng: "Lúc nhỏ tôi sống với ông bà nội ở Hưng Yên. Mẹ tôi là người gốc Nam Bộ, quê ở Châu Đốc, An Giang, nhưng lại lấy bố tôi người Bắc và theo bố tôi ra miền Bắc sinh sống. Ngày đó, vì cuộc sống có nhiều khó khăn, nên bố mẹ tôi đôi khi có những va chạm trong cuộc sống. Điều đó khiến mẹ tôi buồn bã và bà đã quyết định gửi tôi về cho ông bà nội rồi một mình đưa đứa em mới đẻ của tôi tìm về miền Nam. Nhưng trên đường đi thì em tôi chết, mẹ tôi ở lại Thanh Hóa và hoạt động cách mạng cho đến ngày hi sinh" - bà Tường Vân kể.
Ngày ấy bà lớn lên mà không hề biết mình có một người mẹ anh hùng. Mãi đến năm 10 tuổi, trong một lần nghe người chú nói chuyện về tấm gương hi sinh của mẹ, bà mới biết những câu chuyện thật về mẹ mình. Suốt mấy năm sau đó, bà luôn canh cánh trong lòng cái khao khát tìm lại được mẹ. 17 tuổi, bà từ Hưng Yên lên thành phố, làm công nhân cho một xí nghiệp ở Hà Nội. Số phận dường như đã có sự sắp đặt kì lạ khi cho bà cơ hội được làm nhân viên của một ông giám đốc cũng là người Nam Bộ, người mà khi nghe bà kể chuyện muốn tìm người mẹ của mình đã ngay lập tức đến tìm đồng chí Hoàng Đạo, tìm được người đã chứng kiến toàn bộ quãng đời của mẹ bà trong những năm tháng sau này. Cuộc gặp gỡ đó là một sự xếp đặt kì diệu của số phận.
Bà Tường Vân bồi hồi nhớ lại: "Tôi nhớ khi bác Hoàng Đạo đến gặp tôi, vừa nhìn thấy tôi, bác đã sững người lại và nói: Đôi mắt này. Cặp lông mày cong cong này. Đúng là con rồi. Bao nhiêu năm ta đi tìm con theo di nguyện của mẹ con mà không thấy. Còn bây giờ, tìm được con rồi, thì con sẽ là con gái ta. Ta sẽ thay mẹ con chăm sóc cho con được hạnh phúc. Kể từ đó, tôi có một người cha nuôi hết mực yêu thương mình, người đã chăm sóc tôi đúng như một người cha thực thụ".
Ngay sau khi gặp được Tường Vân, đồng chí Hoàng Đạo đã dẫn cô bé 17 tuổi lên gặp đồng chí Trần Quốc Hoàn (Bộ trưởng Bộ Công an khi đó). Tất cả đều mừng rỡ vì tìm lại được con gái của người liệt sĩ Anh hùng Nguyễn Thị Lợi. Chính vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, mọi thủ tục công nhận bà Tường Vân là con gái liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi đã nhanh chóng hoàn thành. Bà được Bộ Công an nuôi dưỡng đến khi trưởng thành và được giúp đỡ theo học Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.
  Tô Lan Hương

Nguyễn Thị Lợi, nữ Anh hùng Công an nhân dân (Thuận Thảo & Phương An - An Giang)


Nguyễn Thị Lợi, nữ Anh hùng Công an nhân dân
Cập nhật ngày: 21/08/2013 20:39:21
Ngày đất nước ta giành được chính quyền (19-8-1945) cũng là ngày lực lượng Công an nhân dân (CAND) ra đời với nhiệm vụ cao cả là bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân. Đây là ngày mà mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an tự hào về lớp lớp thế hệ cha anh mưu trí, dũng cảm, không quản ngại gian khổ, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ghi vào lịch sử những chiến công bất diệt. Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi là một trong những chiến sĩ CAND tiêu biểu.
 
 Tượng đài Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Lợi dựng trong khuôn viên Công an tỉnh Thanh Hóa. Ảnh:

Anh hùng Nguyễn Thị Lợi, sinh năm 1911, quê quán An Giang. Sau khi kết hôn, bà sống ở miền Bắc với chồng và hai người con, một gái, một trai. Được một thời gian, trên đường về Nam, bà hứng chịu nỗi đau quá lớn trước sự ra đi vĩnh viễn của người con trai mới sinh chưa lâu. Bà dừng chân tại Thanh Hóa, được gia đình đồng chí Hoàng Đạo (lúc bấy giờ là Tổ trưởng Tổ Điệp báo A13) cưu mang. Nhận thấy đây là người phụ nữ bản lĩnh, thông minh, kiên trung, có tố chất của một chiến sĩ điệp báo, đồng chí Hoàng Đạo quyết định kết nạp Nguyễn Thị Lợi vào Tổ Điệp báo do ông phụ trách.
Chiến dịch Việt Bắc, Thu – Đông 1947 thất bại đánh dấu sự phá sản của chiến lược đánh nhanh thắng nhanh mà thực dân Pháp đặt nhiều kỳ vọng. Chính phủ bù nhìn Bảo Đại được thực dân Pháp quan tâm lập ra âm mưu dùng người Việt trị người Việt, hòng lôi kéo, mua chuộc các thế lực phản động chống phá cách mạng, gây chia rẽ, suy yếu Mặt trận dân tộc thống nhất. Nắm được âm mưu của địch, Ty Điệp báo Trung ương chủ động, khéo léo đưa điệp viên thâm nhập vào bộ máy Chính phủ Bảo Đại. Trong vai trò Quốc vụ khanh, đồng chí Hoàng Đạo đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ được giao, xâm nhập và đứng vững trong bộ máy Chính phủ Bảo Đại. Để dễ dàng khống chế, địch chủ động đề nghị Quốc vụ khanh Hoàng Đạo đưa phu nhân ra Hà Nội chung sống. Thực dân Pháp cho chiến hạm Amyot D'Inville, một trong những Thông báo hạm lớn nhất của Pháp trong khu vực Thái Bình Dương, đón phu nhân Quốc vụ khanh.
Trước tình hình mới, cấp trên lệnh cho đồng chí Hoàng Đạo kết thúc nhiệm vụ trong hàng ngũ địch để nhận nhiệm vụ khác. Đồng thời, qua phân tích tình hình, ta quyết định đánh bom Amyot D'Inville nhằm tiêu diệt nặng nề sinh lực địch, giáng đòn mạnh mẽ vào tinh thần xâm lược, làm phá sản âm mưu chiến tranh của thực dân Pháp. Điệp báo Hà Nội và Thanh Hóa được giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhưng rất nguy hiểm này. Nhân vật cốt yếu đảm bảo cho thắng lợi là người đóng vai phu nhân Quốc vụ khanh. Trước nhiệm vụ vinh quang, Nguyễn Thị Lợi đã chủ động nói với đồng chí Hoàng Đạo: “Tôi hiểu rất rõ ý nghĩa của trận đánh này, tôi xin nộp cho tổ chức một bức thư tình nguyện cảm tử, mong tổ chức chấp nhận lời đề nghị của tôi”. Trong thư, bà viết: “Tôi Nguyễn Thị Lợi quê Phú Châu – Châu Đốc. Chiến sĩ tình báo xin tình nguyện hy sinh cho Tổ quốc, rửa nhục cho thù nhà…”. Phần tái bút, bà dành riêng cho Hoàng Đạo: “Cảm ơn anh đã cưu mang em, đưa em từ một người con gái bất hạnh về với cách mạng và vinh dự được đứng trong đội ngũ điệp báo. Có thể cuộc chia tay này là sự ra đi mãi mãi nên em có lời cầu mong anh sau này… hãy tìm lại người con gái đầu tiên của em và thay em nuôi dạy nó nên người ”. Xúc động nghẹn ngào trước tấm lòng và ý chí quyết tâm của người đồng chí, Hoàng Đạo nắm chặt tay Nguyễn Thị Lợi và nói: “Cảm ơn em - nữ đồng chí kiên trung. Ngày mai bắt đầu vào trận đánh, nếu như trận này thắng lợi thì đó là chiến công lịch sử mà em là người quyết định cho thắng lợi này”.
Trong vai phu nhân của Quốc vụ khanh, đêm 26-9-1950, đồng chí Nguyễn Thị Lợi (bí số A16) đàng hoàng lên tàu Amyot D'Inville. Lấy lý do sức khỏe, phu nhân Quốc vụ khanh vào phòng nghỉ mang theo 30kg thuốc nổ được đựng trong một chiếc valy mà thực dân Pháp cứ ngỡ là thuốc phiện. Khoảng 30 phút sau, chiến hạm Amyot D'Inville nổ tung, đem theo mạng sống của hơn 200 sĩ quan địch, cùng với hàng trăm tấn thuốc nổ mà thực dân Pháp dự định chi viện cho quân đội Pháp ở Việt Nam và làm phá sản âm mưu của thực dân Pháp. Đồng thời, khiến uy tín của quân đội Pháp ở Việt Nam cũng như uy tín của giới cầm quyền ở Pháp bị sụt giảm nghiêm trọng. Đó cũng là một trong những chiến công vang dội của lực lượng tình báo Công an nhân dân trong thời kỳ đầu mới thành lập, góp phần thắng lợi cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Ghi nhận chiến công của bà, ngày 3-8-1995, Nhà nước ta truy tặng cho nữ điệp viên Nguyễn Thị Lợi danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân. Tượng đài Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Lợi được dựng trong khuôn viên Công an tỉnh Thanh Hóa với niềm tin luôn phù hộ cho cán bộ, chiến sĩ Công an tiếp nối truyền thống, lập nhiều chiến công. Thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) có một trường cấp ba và con đường mang tên Nguyễn Thị Lợi.
Quê hương An Giang tự hào sinh ra, nuôi dưỡng và đóng góp cho cách mạng nói chung, lực lượng CAND nói riêng, người nữ anh hùng tiêu biểu. Tên bà đã ghi vào lịch sử, vào truyền thống hào hùng của lực lượng CAND Việt Nam, soi đường cho lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ cả nước nói chung, cán bộ, chiến sĩ Công an An Giang nói riêng tiếp bước.           
Th.S THUẬN THẢO- Th.S PHƯƠNG AN
 (Trường Chính trị Tôn Đức Thắng)

Lần đầu tôn vinh nữ anh hùng tình báo (Duy Linh - Nông Nghiệp)


Lần đầu tôn vinh nữ anh hùng tình báo

Duy Linh   -9/21/2012 10:44:52 AM
Lần đầu tiên, một phần của điệp vụ đánh chìm tàu thông báo hạm của Pháp Amyot DInville (27/9/1950) - chiến công nổi tiếng của ngành tình báo Việt Nam - được lên sóng màn ảnh nhỏ qua bộ phim truyền hình “Chiến hạm nổ tung” (30 tập, đạo diễn Trần Chí Thành và Khương Đức Thuận). Phim đang phát sóng trên HTV9 vào lúc 17g30 phút hằng ngày.
Tôn vinh nữ anh hùng
Chuyện phim xoay quanh nhân vật nữ chính dựa trên nguyên mẫu nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi. Trong phim, đó là một thôn nữ Nam bộ, bế con từ Châu Đốc ra Bắc tìm chồng. Người mẹ ấy phải gánh chịu những nỗi đau: Con bị pháo của Pháp bắn chết ngay trên tay chị, chồng đã có vợ mới... Hai lần chị tìm đến cái chết, hai lần được đồng bào và các chiến sĩ công an cứu mạng, trong đó có Văn Hoàng (Trưởng ty Công an Thanh Hóa). Cảm mến nghĩa cử đẹp đẽ của Văn Hoàng, chị đi theo cách mạng và nhận nhiệm vụ cảm tử, mang 30kg thuốc nổ lên con tàu Amyo D'Inville, thực hiện điệp vụ đánh chìm tàu thông báo hạm của Pháp vào ngày 27/9/1950.
Chiến hạm nổ tung là bộ phim truyền hình lịch sử do Đại tá - nhà văn Nguyễn Xuân Hải chuyển thể từ tiểu thuyết tình báo nổi tiếng "Câu lạc bộ chính khách" của nhà văn Lê Tri Kỷ. Đây là tác phẩm hấp dẫn nhiều thế hệ độc giả một thời với câu chuyện của những điệp báo viên trong thời chiến tranh chống Pháp. Họ là những con nguời dũng cảm, tài ba, mưu trí.
Diễn viên Huệ Minh vào vai anh hùng Nguyễn Thị Lợi
Đạo diễn Khương Đức Thuận chia sẻ: “Sau nhiều lần lựa chọn, chúng tôi quyết định Huệ Minh vào vai anh hùng Nguyễn Thị Lợi và cô đã thành công với nhiều trường đoạn nội tâm. Cũng tình cờ, Huệ Minh có nét mặt cương nghị của một chiến sĩ cách mạng, tuy nhiên cô lại biểu cảm tốt vẻ sang trọng, hách dịch khi sắm vai phu nhân ngài Quốc vụ khanh Văn Hoàng”.
Chiến hạm thật
"Ngay khi phim phát sóng tập đầu tiên, chúng tôi đã nhận được phản hồi của gia đình Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi về chi tiết chị Lợi khi bế con ra Bắc tìm chồng đã bị gia đình nhà chồng khinh rẻ, xua đuổi… Đây là chi tiết trong tiểu thuyết "Câu lạc bộ chính khách" của nhà văn Lê Tri Kỷ, tuy nhiên trong kịch bản tôi đã viết theo hướng khác, rất nhân văn: Chị Lợi ra Bắc gặp chồng, anh chồng rất thương vợ nhưng thời điểm đó gia đình ép lấy vợ khác, không phải hắt hủi chị Lợi như trong phim. Nhà văn Lê Tri Kỷ đã phải mất 30 năm mới hoàn thành tiểu thuyết nhưng ông ấy thay đổi hoàn toàn tên nhân vật từ nguyên mẫu và thêm nhiều chi tiết hư cấu. Tôi chuyển thể kịch bản cũng hư cấu, cho dù có những chuyện này chuyện nọ nhưng mục đích cuối cùng là để nhân vật chị Lợi đẹp hơn lên", nhà văn Nguyễn Xuân Hải chia sẻ.
Đạo diễn Khương Đức Thuận cho biết, để tìm được các bối cảnh phù hợp với những cảnh quay năm 1948-1950, đoàn làm phim phải trải qua hành trình rất gian nan, từ Hòa Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Huế, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh và mất gần một năm mới thực hiện xong phần quay.
Theo đó, đạo diễn phải năn nỉ người quen lái vài chiếc xe jeep cổ thời Pháp từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội để phục vụ cảnh quay. Riêng bối cảnh nhà của nhân vật Văn Hoàng, đoàn làm phim phải mất hai tháng mới tìm được căn nhà ở Mai Châu (Hòa Bình) cho phù hợp. Đoàn làm phim cũng phải thuyết phục, làm công văn, gửi giấy xin phép cả mấy tháng trời để được quay vài ngày trong một tòa nhà thời Pháp-phục vụ bối cảnh tổng hành dinh quân đội Pháp. "Tuy nhiên, khó nhất là chiến hạm Amyo D’Inville. Đoàn liên hệ với quân đội mượn một chiếc tàu nhưng chiếc tàu này không đủ lớn như chiến hạm Amyo D’Inville của Pháp. Chúng tôi phải xử lý bằng các góc máy “ăn gian”, phóng đại con tàu thành chiến hạm to lớn rồi cho nổ tung bằng kỹ thuật 3D", đạo diễn Đức Thuận chia sẻ.
Bên cạnh dàn diễn viên đẹp, nổi tiếng và có nghề, điểm đặc biệt của “Chiến hạm nổ tung” là có sự tham gia diễn xuất của nghệ sĩ Bùi Công Duy trong vai vua Bảo Đại. Bùi Công Duy chưa từng đóng phim nên ban đầu anh gặp ít nhiều khó khăn trong việc vào vai một ông vua nghiện thuốc, thích người đẹp và có tác phong chậm rãi. Tuy nhiên, với nỗ lực của mình, diễn xuất của Bùi Công Duy trong "Chiến hạm nổ tung" hứa hẹn mang đến những thú vị và giúp khán giả hiểu thêm về vua Bảo Đại cùng những cuộc tình nổi tiếng một thời của ông.
"Chiến hạm nổ tung kể câu chuyện về ba chiến sĩ điệp báo Văn Hoàng, Trúc Lâm, Nguyễn Thị Lợi. Thông qua họ, phim đề cập đến chiến công của ngành công an (giai đoạn 1948-1950), trong đó lẫy lừng nhất là trận đánh đắm chiến hạm Amyot D’Inville của giặc Pháp rạng sáng 27/9/1950", đạo diễn Đức Thuận cho biết.

Dùng mưu đánh chìm thông báo hạm (Đỗ Nam Trung - Quân Đội Nhân Dân)


Dùng mưu đánh chìm thông báo hạm



QĐND - Thứ Ba, 23/08/2011, 17:45 (GMT+7)
QĐND - Vụ đánh chìm tàu Thông báo hạm Pháp A-mi-ô Đanh-vin (Amyot d’inville) là một chiến công nổi tiếng của ngành tình báo trẻ tuổi Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.
Trung tướng Chu Duy Kính, nguyên Tư lệnh quân khu Thủ đô, người điệp viên đã trực tiếp mang mìn lên đánh chiếc tàu chiến Pháp này vừa khiêm tốn kể lại với chúng tôi về chiến công xuất sắc của tổ Điệp báo Công an A13.
Điệp viên A15
Chu Duy Kính người thôn Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Tham gia Cách mạng từ năm 1944, thời kháng chiến chống Pháp anh được cử vào hoạt động nội thành Hà Nội trong cương vị bí thư chi bộ kiêm đội trưởng đội vũ trang tuyên truyền thành. Năm 1949, Kính bị giặc Pháp bắt giam ở trại giam sân bay Bạch Mai. Địch tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì ở anh. Chàng thanh niên vùng quê quan họ này đã dũng cảm vượt ngục, chui qua đoạn cống ngầm dài 700m ở sân bay ra vùng tự do. Ngay sau đó anh được gặp Trần Quốc Hoàn, bí thư Đặc khu ủy Hà Nội. Chu Duy Kính đã trả lời bí thư Trần Quốc Hoàn về tình hình sân bay, đề nghị tổ chức bộ đội chui qua đường cống ngầm đánh sân bay. Nhận lệnh đồng chí Phùng Thế Tài, chỉ huy mặt trận Hà Nội, ngày 18-1-1950 Kính dẫn một đơn vị của Tiểu đoàn 108 bộ đội địa phương Hà Nội mang mìn đánh sân bay Bạch Mai, phá hủy 25 máy bay chiến đấu, đốt một kho xăng lớn trong sân bay cháy sáng rực bầu trời Hà nội suốt trong 2 ngày đêm liền.
Năm 1995 tại Sầm Sơn, các đồng chí Chu Duy Kính (trái), Hoàng Đạo (giữa) và Kim Sơn thăm lại nơi xuất phát đi đánh tàu chiến Pháp. Ảnh do nhân vật cung cấp
Đồng chí Nguyễn Thanh, nguyên bí thư Đảng ủy Bộ Công an cho biết:
- Giữa năm 1950, đồng chí Trần Quốc Hoàn chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo hoạt động của tổ điệp báo A13 đã nghe các đồng chí lãnh đạo công an Hà Nội báo cáo về những thành tích xuất sắc của tổ điệp báo A13, xin ý kiến về việc cử thêm một điệp báo viên tăng cường vì hiện tổ mới có hai người là A13 Hoàng Đạo và A14 Kim Sơn. Các đồng chí quyết định cử Chu Duy Kính.
 Thế là vừa thoát tù, mới tham gia chiến đấu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, người thanh niên ấy lại tiếp tục tiến vào mặt trận thầm lặng với tên mật Lê Mai, bí số A15.
Đại úy Gioóc Kim Sơn
Chịu nhiều thất bại trong các năm 1947, 1948, 1949, đầu 1950, Quốc trưởng bù nhìn Bảo Đại đã đặt vấn đề với Pháp để có chủ trương: “Tập hợp quanh mình nhiều thế lực chính trị bao gồm lãnh tụ một số đảng: Đại Việt, Việt Nam Quốc dân Đảng; một số lãnh đạo các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên và cả một số người đã theo chính phủ Hồ Chí Minh tự nguyện trở về với chính quyền thân Pháp”.
Cùng với một số người kháng chiến hồi cư vào vùng địch tạm chiếm, Kim Sơn, một thanh niên trí thức Nam Bộ lịch lãm, đẹp trai đã bị địch kết án tử hình nhưng trốn thoát, tham gia công an, làm đội trưởng “Đội Hành động chi Lam Điền” ở đường 5 đã nhận lệnh vào hoạt động hậu địch mang bí số A14. Kim Sơn đóng giả là một đại đội trưởng quân đội Việt Minh không chịu được gian khổ vào sống sung sướng trong nội thành. Do giỏi tiếng Pháp, có trình độ toàn diện nên Kim Sơn được các giới chính quyền thân Pháp nể vì, được phong Đại úy mang tên Pháp là Gioóc. Anh nhận nhiệm vụ dụ dỗ một số người kháng chiến vào làm việc trong Hà Nội.
Kim Sơn tìm cách giới thiệu Hoàng Đạo với Thiếu tá Đuy-pờ-ra, trưởng phòng tình báo Pháp. Đuy-pờ-ra tỏ vẻ rất hài lòng nếu có người như Hoàng Đạo làm việc với mình.
Quốc vụ khanh Hoàng Đạo, lãnh đạo Đảng Phục Việt
Sau khi rời khỏi vị trí Trưởng ty Công an Thanh Hóa, qua Kim Sơn, Hoàng Đạo đã nhận nhiệm vụ vào hoạt động hậu địch, là tổ trưởng tổ điệp báo A13 mang bí số A13. Hoàng Đạo vốn là một công nhân quê gốc Nam Bộ, một con người thẳng thắn, có bản lĩnh, thông minh đã tìm cách tiếp cận với Nguyễn Đình Tại, Giám đốc Công an ngụy quyền Bắc Kỳ. Khi Tại kiêu ngạo hỏi, anh hai Nam Bộ này đã thẳng thắn trình bày:
- Tôi đang là lãnh đạo Đảng Phục Việt Quốc gia Cách mạng, một lực lượng lớn có chiến khu bí mật ở vùng kháng chiến Thanh Hóa, nghe ông Kim Sơn nên mới vào đây để cùng các ông tỏ rõ lòng yêu nước với thiên hạ. Những người có lòng tự trọng dân tộc nên biết: Nếu sợ chết thì tôi đã không dại gì đi làm việc tại đây.
Nguyễn Đình Tại hơi bất ngờ nhưng qua nhiều lần thẩm tra Hoàng Đạo, đã dần tin ở anh. Người tổ trưởng điệp báo nóng tính nhưng chân thật này đã dần có tín nhiệm với nhiều quan chức Hà Nội, cả với Bảo Đại cùng nhiều tướng Pháp như A-lếch-xan-đờ-ri, quyền Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương và Cút-sô cố vấn của Bảo Đại.
Hoàng Đạo đã được chính quyền Bảo Đại công nhận là lãnh đạo Đảng Phục Việt, một lực lượng có tín nhiệm ngoài vùng kháng chiến của Việt Minh vào thành hợp tác với lực lượng Quốc gia trong chính phủ, sau được phong hàm Quốc vụ khanh.
Chính vì thế nên tổ điệp báo A13 có nhiều thuận lợi trong hoạt động, thực hiện nhiều chủ trương chỉ đạo của các cấp trên, báo được nhiều tin quan trọng ra vùng tự do.
Đánh chìm Thông báo hạm Pháp A-mi-ô Đanh-vin
 Thời gian này cơ quan mật thám Pháp gửi ảnh của Chu Duy Kính (Lê Mai) đi khắp nơi để truy tìm “tên Việt Minh đã đánh sân bay Bạch Mai ngày 18-1-1950”. 
Đồng thời, Nha Công an Trung ương đã lệnh cho Hoàng Đạo nhanh chóng chuyển anh em trong tổ điệp báo A13 ra ngoài vùng tự do nhận nhiệm vụ mới.
Cả tổ A13 đều muốn có một chiến công cuối trước khi ra vùng tự do. Cũng vào dịp này, Quốc vụ khanh Hoàng Đạo nhận thư của vợ chồng Thiếu tá Đuy-pờ-ra và Trung tướng A-lếch xăng-đờ-ri mời vợ Hoàng Đạo đến nhà chơi rồi ở hẳn lại Hà Nội với mục đích chính là để tiện theo dõi và mua chuộc vợ chồng ông. Hoàng Đạo đề nghị được cho tàu đón cả đoàn vào đêm 26 rạng sáng 27-9-1950 tại Sầm Sơn. Đuy-pờ-ra vui vẻ nhận lời.
Cuộc họp quan trọng của tổ điệp báo A13 bàn việc nổ mìn đánh tàu chiến Pháp kéo dài gần suốt một đêm tại rặng phi lao ven biển Sầm Sơn. Theo dự kiến: Khi tàu chiến Pháp đến, Kim Sơn lên tàu trước, sau đó là Hoàng Đạo rồi đến chị Nguyễn Thị Lợi (đóng giả vai vợ Hoàng Đạo ra Hà Nội chữa bệnh). Đi cuối là Lê Mai xách va-li quần áo cho vợ Hoàng Đạo, trong có quả mìn và một số đồ ngụy trang, trọng lượng tổng cộng khoảng 30kg. Khó khăn nhất là công việc của Lê Mai. Anh phải cố gắng xách va-li chứa mìn nặng sao cho thật nhẹ nhàng như xách va-li quần áo.
Từ chiều 26-9-1950, Hoàng Đạo, Kim Sơn, Lê Mai và Nguyễn Thị Lợi ra điểm hẹn bên một rặng phi lao ở Sầm Sơn. Ánh trăng trung thu tháng Tám vừa lên thì bỗng nhiên một cơn giông kéo đến. Ánh đèn chiếc tàu chiến Pháp xuất hiện ngoài khơi. Hoàng Đạo, Kim Sơn, Nguyễn Thị Lợi rồi Lê Mai xách chiếc va-li xuống một chiếc thuyền đi dần ra khơi. Con thuyền cặp sát mạn chiếc tàu Pháp mang bên sườn dòng chữ trắng: Amyot d’Inville.
Một chiếc thang dây được thả xuống. Kim Sơn lên trước nói bằng tiếng Pháp:
- Chúng tôi thuộc đoàn Quốc vụ khanh Hoàng Đạo. Ông bà Hoàng Đạo sẽ lên sau.
- Tôi là Trung tá Ô-băng, Thuyền trưởng Amyot d’Inville 07, nhận lệnh đón các ông.
Trung tá thuyền trưởng đến thang đón Hoàng Đạo và phu nhân, mời vào buồng khách. Chị Lợi bị say sóng, một số thủy thủ đưa chị vào một buồng ngủ lịch sự gần đấy. Lê Mai xách chiếc va-li theo chị vào buồng. Tạo thời gian cho Lê Mai hoạt động, Hoàng Đạo hỏi Ô-băng về đặc điểm của chiếc tàu chiến này. Trung tá thuyền trưởng say sưa kể:
- Đây là loại Thông báo hạm lớn có tốc độ 35 hải lý giờ, được trang bị lựu pháo 105mm. Mấy hôm nữa tàu chúng tôi sẽ từ Việt Nam sang chiến đấu ở Triều Tiên.
Trong lúc này, Lê Mai nhanh chóng dùng răng bẻ gãy mấy ống a-xít, cắm vào mấy kíp nổ ở quả bom. Theo bảo đảm kỹ thuật của quân giới mà Mai đã được học, sau một thời gian quy định, a-xít ăn mòn kíp nổ, khối thuốc sẽ nổ tung.
Quốc vụ khanh Hoàng Đạo nói với thuyền trưởng:
- Cảm ơn ngài Trung tá đã giúp chúng tôi. Do có một chút việc cần giải quyết tiếp ở Thanh Hóa, tôi phải quay lại. Tối nay chúng tôi sẽ cùng phái đoàn của chính phủ ra Hòn Mê ăn bữa cơm chiều với các ông tại hòn đảo thơ mộng này rồi cùng ra Hà Nội.
Hoàng Đạo vào buồng an ủi Lợi, chia tay tên thuyền trưởng và các sĩ quan trên tàu rồi xuống thuyền. Trời đã hết mưa. Chiếc thuyền đưa Hoàng Đạo, Kim Sơn, Lê Mai đến chân Hòn Độc Cước. Ngồi trên núi, các anh yên lặng, không ai nói gì, nhìn đồng hồ.
Phía chân trời một ánh chớp sáng rực, một cột khói lửa bốc cao rồi một tiếng nổ lớn.
Lúc này là 11 giờ 30 phút ngày 27-9-1950.
Mọi người sung sướng vì đã hoàn thành nhiệm vụ. Cuối cùng ai nấy đều cúi đầu lấy khăn lau mắt tiếc thương, vĩnh biệt người nữ điệp viên Nguyễn Thị Lợi.
* * *
Sau đó liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi đã được truy tặng Huân chương Quân công hạng 3. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam (19-8-1945/19-8-1995), Nhà nước đã truy tặng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trong dịp kỷ niệm này, chị Tường Vân, con gái duy nhất của điệp viên Nguyễn Thị Lợi cùng tổ điệp báo A13 đã đến Sầm Sơn thăm lại vị trí xuất phát chuyến đi cuối cùng của liệt sĩ.
Đỗ Nam Trung

Người chèo thuyền cuối cùng còn sống trong trận đánh đắm Thông báo hạm A-miô-đanh-vin lịch sử (Phương Thủy - Công An Nhân Dân)



Ở Công an Thanh Hóa, trước mỗi trận đánh lớn, CBCS lại thắp hương trước tượng đài nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi, bởi họ tin rằng, người chiến sỹ điệp báo anh hùng này sẽ phù hộ để họ chiến thắng trở về. Niềm tin chưa bao giờ vơi cạn, cứ nhân lên như một sự tri ân đối với người phụ nữ đã hy sinh thân mình cho sự nghiệp bảo vệ quê hương. Và, sau mỗi trận đánh, họ lại đến bên tượng đài, thắp nén nhang thơm để báo công với vị nữ anh hùng…
Chúng tôi về Sầm Sơn đúng vào ngày bão đổ bộ vào Việt Nam. Ở Thanh Hóa, dù không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng những cơn sóng cao ngất cũng liên tục ập vào bờ, gió lật lá những rặng phi lao đứng quật cường ven biển. Nơi anh hùng Nguyễn Thị Lợi và đoàn cán bộ tổ điệp báo A13 xuất phát trong chuyến tàu ra biển đánh đắm Thông báo hạm A-miô-đanh-vin của Thực dân Pháp giờ đã được chính quyền và nhân dân dựng bia tưởng niệm.
60 năm về trước, tại vị trí này, tổ điệp báo của lực lượng Công an và 4 dân quân địa phương chèo thuyền đã xuất phát trong trận đánh lịch sử. Thấm thoát thoi đưa, bây giờ, 4 thanh niên chèo thuyền năm ấy thì 3 người đã về theo tiên tổ. Người còn lại cuối cùng giờ cũng đã 86 tuổi, mắt ông đã mờ, chân đã chậm nhưng ký ức về những chuyến chèo thuyền năm xưa vẫn còn tươi mới. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ ở khu phố Thân Thiện, phường Trung Sơn, Thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa, không ít lần giọng ông đã lạc đi khi nhớ về đồng chí, đồng đội của mình.
Ông tên là Nguyễn Hữu Sen, nguyên là cán bộ dân quân du kích bảo vệ quê hương. Sau khi hoàn thành sứ mệnh chèo thuyền trong trận đánh A-miô-đanh-vin, ông tiếp tục tham gia các công tác ở địa phương, trải qua nhiều cương vị từ Chủ nhiệm HTX nông nghiệp, Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND xã rồi Bí thư Đảng ủy xã.
Năm 1982, ông nghỉ hưu sống với con gái. Bây giờ, hai cha con, một già một trẻ nương vào nhau lúc trái gió trở trời. Nhìn ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, gian ngoài chừng chục mét vuông để làm phòng khách, bên trong cũng non chừng ấy diện tích, kê hai chiếc gường sát vào nhau chỉ còn chút lối đi ở giữa, tôi thấy thương cảm cho ông. Cả một đời cống hiến, đến lúc về già cũng chả có gì cho riêng mình. Mức lương cán bộ xã hơn 800.000/tháng, chỉ đủ cho bố con ông đắp đổi qua ngày nên ngôi nhà cũ đã dột nát nhiều nhưng cũng không có tiền sang sửa. Đành vậy, ông bảo. Chỉ mong đừng sóng to, bão lớn, nếu không bố con ông sẽ không biết nương tựa vào đâu...
Ông Nguyễn Hữu Sen kể chuyện về những chuyến chèo đò giúp tổ điệp báo trong việc đánh đắm hạm A - miô - đanh – vin.

Trong những năm kháng chiến, bãi biển Sầm Sơn quê ông là một trong những vị trí quan trọng ở Vịnh Bắc Bộ mà thực dân Pháp nhắm tới. Chính vì vậy, ở đây, phong trào giác ngộ cách mạng sớm được dấy lên. Năm 20 tuổi, ông Sen tham gia dân quân du kích địa phương, dạy chữ quốc ngữ trong phong trào bình dân học vụ, tham gia khởi nghĩa ở Sầm Sơn, thành lập Ủy ban kháng chiến lâm thời ở địa phương. Chính vì vậy, khi Nha Công an Trung ương chỉ đạo Công an Thanh Hóa tạo vỏ bọc đưa các điệp viên của ta vào "Chính phủ Quốc gia" của vua Bảo Đại, đồng chí Hoàng Đạo (Bí số A13) cùng các đồng chí Kim Sơn (A14), Chu Duy Kính (A15) được đưa vào hoạt động trong lòng địch.
6 người trong đội dân quân du kích địa phương giác ngộ nhất được đồng chí Hoàng Đạo trực tiếp tuyển vào đội chèo thuyền, trong đó ông Cao Sỹ Quyết, tổ trưởng Tổ Đảng chỉ đạo chung, ông Văn Đình Oong làm nhiệm vụ thông báo các nội dung đến từng thành viên, chuẩn bị hậu cần và các công việc khác. 4 người được giao nhiệm vụ chèo thuyền gồm các ông Nguyễn Hữu Sen, Nguyễn Hữu Chức, Văn Đình Đồ và Lê Nhữ Trông. Trong khoảng 2 năm rưỡi, từ năm 1948 đến khi hoàn thành nhiệm vụ vào ngày 27/9/1950, hàng trăm lần, các ông đã chở tổ điệp báo ra chiến hạm.
Ông Sen bồi hồi nhớ lại: "Hồi đó còn nghèo lắm, mỗi lần chở các anh ấy (tổ điệp báo - PV) đi, chúng tôi phải chuẩn bị khoai luộc để phòng sóng to, gió lớn không về được hoặc lúc đói lòng. Các chuyến đi thường xuất phát từ 20-21h, chèo khoảng 4 tiếng thì đến được hạm. Nếu các anh ấy bảo đợi thì chúng tôi cắm neo cách tàu Pháp khoảng mấy chục mét. Khi nhận được tín hiệu, chúng tôi lại áp thuyền vào đưa các anh ấy về".
Tín hiệu mà tổ điệp báo và các ngư dân quy định với nhau đó là cách thức vẫy chiếc đèn pin. Nói đến đấy, giọng ông Sen hồ hởi hẳn lên "Các anh ấy cho chúng tôi một cây đèn pin to lắm, sáng quắc. Đêm bão bùng mà có chiếc đèn ấy thì khỏi phải lo. Chúng tôi bảo vệ chiếc đèn pin ấy như bảo vệ con ngươi trong mắt mình bởi nhỡ sơ sẩy rơi hỏng thì coi như hỏng việc lớn. Theo quy định tín hiệu là việc vẫy đèn pin. Nếu đêm nào tổ điệp báo không đi từ trong bờ ra, chúng  tôi đều cử người ngồi trên các cây phi lao để trông ra biển, nhỡ các anh ấy cần vào. Chính vì vậy, khi có tín hiệu khoát đèn 3 lần vào phía trong, là chúng tôi hiểu. Nếu an toàn, chúng tôi cũng làm tương tự để các anh ấy biết rồi chèo thuyền ra đón, nếu có dấu hiệu gì lạ, chúng tôi dùng đèn pin xua tay...
Trong hàng trăm chuyến đi như vậy, các tổ công tác đã gặp không ít khó khăn, nguy hiểm. Có những đêm, trời mưa buốt, gió biển thổi lồng lộng, từng giọt mưa ngấm dần vào những vạt áo mỏng lạnh thấu xương. Có lần, đang đi thì biển nổi sóng, mưa dữ dội, nguy hiểm cận kề. Dù vậy, với kinh nghiệm của những người chèo thuyền chuyên nghiệp, các ông đã neo thuyền theo hướng gió, đưa các đồng chí làm nhiệm vụ và vũ khí đi đến nơi, về đến chốn an toàn. Sau những đêm chèo thuyền vất vả, trở về nhà, những dân quân yêu nước này lại trở thành những ngư dân chèo chống cuộc sống gia đình”.
Ông Sen nhớ lại "hôm nào về sớm thì chúng tôi đi đánh cá luôn, hôm nào về muộn, không kịp đi thì đành ở nhà, nhiều hôm bị vợ con cau có nhưng đành phải chấp nhận". Điều đáng trân trọng nhất, đó là sự hy sinh không tính toán thiệt hơn của những người lái thuyền năm xưa. Trong suốt 2 năm rưỡi đưa đón tổ điệp báo A13, họ hầu như không được bồi dưỡng chút gì, kể cả thuyền là phương tiện đi lại cũng là tài sản cá nhân của họ, khoai lang cũng của nhà đem đi.
Ông kể rằng: "Chỉ một lần duy nhất chúng tôi được bồi dưỡng, đó là hôm thực dân Pháp cho tàu đưa vũ khí, súng đạn vào tập kết ở nhà ông Cao Sỹ Quyết. Chúng tôi được lệnh vận chuyển lên Ty Công an sơ tán. Nhận lệnh, 8 người khênh 4 hòm đạn đi suốt đêm từ 8h tối đến 5h sáng thì đến được Ty Công an ở huyện Đông Sơn. Sau khi giao vũ khí xong, mỗi người được bồi dưỡng 1 hào để ăn xôi sáng rồi về". Ông Sen kể về sự vất vả của mình thoải mái như chính tấm lòng ông dành cho Cách mạng.
Sau khi đồng chí Hoàng Đạo đã móc nối sâu được với điệp báo Pháp và được giữ chức vụ Quốc vụ khanh trong chính quyền Bảo Đại, Bộ Công an đã quyết định kết thúc chuyên án. Tối 26/9/1950, cũng như những lần trước, 4 người chèo thuyền nhận nhiệm vụ đưa tổ điệp báo ra hạm như mọi lần. Hôm đó, lên tàu, không chỉ có đồng chí Hoàng Đạo, Kim Sơn, Chu Duy Kính như thường lệ mà còn một phụ nữ khoảng hơn 30 tuổi, người miền Nam, rắn rỏi, cương nghị, sau này các ông mới biết đó là nữ điệp báo Anh hùng Nguyễn Thị Lợi. Trong vai phu nhân Quốc vụ khanh đi chữa bệnh, chị Lợi đã đưa khối thuốc nổ lên tàu và lập chiến công xuất sắc, đánh đắm Thông báo hạm A-miô-đanh-vin vào sáng sớm 27/9/1950.
Ông Sen nhớ lại "Hôm đó, trời se se lạnh, chị Lợi mặc áo sáng màu, trông khá trẻ và xinh đẹp, dễ mến. Vì nhiệm vụ quan trọng nên chúng tôi không dám hỏi gì, chị ấy cũng vậy, chỉ ngồi trên thuyền nhìn ra biển xa. Lúc đến hạm, chúng tôi, người neo dây thuyền, người cùng với anh Hoàng Đạo đỡ chị Lợi lên tàu. Sau khi xong việc, chúng tôi về nhà. Đến khoảng gần 5h sáng, một ánh chớp sáng lòe lóe lên giữa bầu trời rồi cột khói cao ngất trùm biển khơi, kèo theo đó là tiếng nổ dữ dội. Chúng tôi cùng nhân dân đi xem, ai cũng vui mừng vì đoán chắc tàu của Pháp bị nổ. Chúng tôi cũng không hề biết rằng, chị Lợi đã dũng cảm hy sinh. Hai ngày sau khi Thông báo hạm A-miô-đanh-vin bị đắm, ông Sen và ông Chức đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng vì lập thành tích xuất sắc.
Sau chiến thắng vang dội trên, những người chèo thuyền lại quay về với cuộc sống thường nhật của các ngư dân ăn sóng nói gió. Hy sinh, đóng góp là vậy nhưng có những thời điểm họ bị hiểu nhầm, bị tổ chức, nhân dân xa lánh vì nghi tiếp tay cho giặc. Như trường hợp ông Cao Sỹ Quyết, tổ trưởng Tổ Đảng, người được gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí trong tổ điệp báo nhiều nhất, gia đình ông cũng là nơi tập kết vũ khí của Pháp mỗi khi chúng vận chuyển vào cho "Chính phủ Quốc gia". Những nhiệm vụ này phải hoàn toàn bí mật, kể cả với đồng chí, đồng đội và gia đình của mình. Chính vì vậy, ông và gia đình bị hiểu nhầm.
Rất may, chỉ một thời gian ngắn sau, chính đồng chí Hoàng Đạo đã về địa phương, chính thức thông báo chiến công của ông Quyết và những cán bộ khác để chính quyền và nhân dân hiểu. Dù vậy, những ngư dân này cũng không lấy điều đó làm buồn bởi đối với họ, thành tích không phải là những phần thưởng, là Huân, Huy chương hay những gì cao hơn nữa, mà quan trọng là họ đã được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho đất nước, quê hương.
Đến bây giờ cũng vậy, sau khi trải qua nhiều cương vị công tác ở địa phương, ông Sen nghỉ hưu với mức trợ cấp 850 nghìn đồng/tháng. Số tiền nhỏ đó, hai bố con trang trải qua ngày. Dẫu vẫn chưa được tặng thưởng thứ gì đáng kể, dẫu mọi trợ cấp khác có lẽ vẫn ở trên bàn của một cấp nào đó nhưng ông vẫn ấm lòng, bởi đồng đội của ông, họ cũng vậy, chỉ một lòng vô tư cống hiến cho quê hương. Đó mới là mục đích cuối cùng. Nhưng, một điều mà người chèo thuyền cuối cùng cũng như người dân Sầm Sơn trăn trở, đó là họ muốn tượng của Anh hùng Nguyễn Thị Lợi được đặt ở nơi năm xưa bà đã ra đi, để những người con của Sầm Sơn sau này có điều kiện để chiêm ngưỡng, tưởng nhớ công lao của người nữ anh hùng
Phương Thủy