|
Tuesday, 8 October 2013
Tôi làm văn thư đối ngoại của Hồ Chủ tịch (Lưu Văn Lợi - Thế Giới & Việt Nam)
Tôi làm văn thư đối ngoại của Hồ Chủ tịch*
Đợt phong quân hàm đầu tiên của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam là khi nào?
Đợt
phong quân hàm đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam là khi nào?
Ngày 22 tháng 3 năm 1946 chủ tịch chính phủ Việt Nam
Dân Chủ Cộng Hòa ra sắc lệnh số 33/SL minh
định các cấp bậc, quân phục, phù hiệu, cấp hiệu [...] để tổ chức quân đội. Theo
sắc lệnh này quân nhân có thể được ban một cấp bậc từ binh nhì đến đại tướng.
Từ quân hàm
chính thức xuất hiện lần đầu trong sắc lệnh số 116/SL ngày 25 tháng 1 năm 1948
của chủ tịch chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa về việc đặt một hệ thống quân
hàm cho các nhân viên thuộc bộ quốc phòng không phải là quân nhân (điều 1). Hệ
thống quân hàm này gồm có các cấp bậc từ hạ sĩ đến trung tướng (điều 2). Về phương diện danh vị và kỷ
luật, những nhân viên có quân hàm được quyền hạn và có nhiệm vụ như những quân
nhân cùng cấp bậc trong Quân Đội Quốc Gia (điều 3).
Chiếu sắc lệnh 116 này, ông Trần Đại Nghĩa, quân giới cục trưởng, nay thụ cấp quân hàm thiếu tướng (điều 1 sắc lệnh số 117 25 tháng 1 năm
1947), phải được hiểu là được đồng hóa với
cấp (bậc) thiếu tướng trong quân đội
(tiếng Pháp là assimilé au grade de
général de brigade). Ở đây quân hàm
thiếu tướng là một tổ hợp Hán Việt với trung tâm là thiếu tướng và thành phần phụ là quân hàm, cùng kiểu tổ chức với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (nước cộng hòa theo chế độ dân chủ), quân giới cục trưởng (nay là cục trưởng quân giới)...
Trong khi đó Hoàng Văn Thái, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm,
Nguyễn Sơn đều là quân nhân và là thiếu tướng (thiệt thọ) chứ không phải quân
hàm thiếu tướng. Điều 1 sắc lệnh 111 ngày 20 tháng 1 năm 1948 của chủ tịch nước
Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ghi rõ:
Các
quân nhân có tên dưới đây thụ cấp thiếu tướng kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1948
Ông
Hoàng Văn Thái Tổng tham mưu trưởng Quân đội quốc gia Việt Nam
Nguyễn
Sơn Khu trưởng Chiến khu 4
Chu
Văn Tấn Khu trưởng Chiến khu 1
Hoàng
Sâm Khu trưởng Chiến khu 2
Quân hàm hiện nay có nghĩa là
cấp bậc trong quân đội (Hoàng Phê,
2006:805). Có nghĩa này là do quân đội nhân dân Việt Nam từ sau năm 1950 học tập cách tổ chức của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc. Chế độ quân hàm
(cấp bậc trong quân đội) được chính thức áp dụng trong quân đội Trung Quốc năm
1955. Ba năm sau đó Quốc Hội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trong
phiên họp ngày 31-5-1958 biểu quyết thông qua Luật quy định chế độ phục vụ của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, chính
thức sử dụng từ quân hàm. Trong luật
này hai từ quân hàm và cấp bậc là tuyệt đối đồng nghĩa.
Đôi khi quân
hàm và cấp bậc được sử dụng trong
cùng một câu để tránh lặp từ:
Hệ
thống quân hàm sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam gồm các cấp bậc sau đây:
...
Vì
nhu cầu công tác hoặc vì lý do sức khoẻ một sĩ quan có thể được giao cho giữ một
chức vụ thấp hơn chức vụ tương đương với quân hàm của mình. Nhưng trường hợp
này không phải là giáng chức, sĩ quan vẫn giữ nguyên cấp bậc cũ.
Lại có khi cấp
bậc và quân hàm được ghép thành cấp bậc quân hàm:
Việc
xét phong cấp bậc quân hàm cho cán bộ căn cứ vào phẩm chất chính trị, năng lực
nghiệp vụ, cấp bậc và chức vụ hiện tại, thành tích phục vụ trong Quân đội và
công lao đối với Cách mạng của cán bộ.
Việc
xét thăng cấp bậc cho sĩ quan căn cứ vào niên hạn ở cấp bậc quân hàm hiện tại,
phẩm chất chính trị, năng lực nghiệp vụ, thành tích chiến đấu và công tác.
Mỗi
cấp bậc quân hàm có một chức vụ tương đương trong biên chế.
Hệ
thống chức vụ trong biên chế của Quân đội do Chính phủ ấn định căn cứ vào tình
hình tổ chức cụ thể của Quân đội trong từng giai đoạn.
Khái niệm quân
hàm của sắc lệnh 116 (ngày 25 tháng 1 năm 1948) bị thủ tiêu bằng điều 47 của
Luật quy định chế độ phục vụ của sĩ quan
quân đội nhân dân Việt Nam.
Kể từ đây quân
hàm thiếu tướng (đồng nghĩa với cấp
bậc thiếu tướng) là một tổ hợp với trung tâm là quân hàm và thiếu tướng
đóng vai trò định ngữ:
Ngay
sau khi nhận quân hàm Thiếu tướng, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tổ chức buổi lễ gặp mặt,
chúc mừng các đồng chí được nhận quân hàm Thiếu tướng.
(Hoàng Anh, “Trao quân hàm Thiếu tướng cho 2 cán bộ
cao cấp của lực lượng BĐBP”, http://bienphong.com.vn/BaoBienPhong/32/349/349/17427/Trao-quan-ham-Thieu-tuong-cho-2-can-bo-cao-cap-cua-luc-luong-BDBP/bbp.aspx)
Monday, 7 October 2013
Cấp đại tướng, hàm đại tướng hay chức vụ đại tướng?
Sắc
lệnh số 110/SL ngày 20 tháng 1 năm 1958 của chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa ghi:
Ông Võ Nguyên Giáp,
Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân Tự vệ, nay thụ cấp Đại tướng kể từ
ngày ký Sắc lệnh.
Về
việc này đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại trên báo Quân Đội Nhân Dân như sau:
Ngày 20-1-1948, Bác ký sắc lệnh phong quân hàm cho một số cán bộ
lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Tôi được trao quân hàm Đại tướng.
...
Bác nói: “Hôm nay, thay mặt Chính phủ và nhân
dân...” rồi bỗng ngừng lời,
rút khăn tay lau nước mắt. Giây phút đó làm cho cả hội trường vô cùng xúc động.
Lát sau, Bác nói tiếp: “Nhân
danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại
tướng để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho…”. Bác trao cho tôi sắc lệnh.
(Nhớ lễ phong tướng 60 năm trước – Quân Đội
Nhân Dân 01/02/2008)
Nhậtký của bộ trưởng Lê Văn Hiến cũng ghi lại việc Hồ chủ tịch sử dụng cụm từ chức vụ đại tướng:
Giây lâu, Hồ Chủ tịch
mới cất được tiếng mà tuyên bố: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng
mà quốc dân phó thác cho”... Sau khi hết lễ, ai nấy ngồi xung quanh Hồ Chủ tịch
và nghe Cụ nói sự xúc cảm của Cụ trong buổi lễ
Bài
Tại buổi lễ thụ phong hàm đại tướng đầutiên của quân đội ta - 14/09/2009 trên báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam kể
lại sự việc với từ ngữ hơi khác:
Tiếp đó, Bác giao bản
Sắc lệnh cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và nói: ''Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa, Bác trao cho chú hàm Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ, làm
tròn sứ mệnh mà nhân dân phó thác cho''.
Tại buổi lễ thụ phong hàm đại tướng đầu tiên của quân đội ta
|
Nhớ lễ phong tướng 60 năm trước (Võ Nguyên Giáp - Quân Đội Nhân Dân)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (12-1992). Ảnh: TRẦN HỒNG
|
Ngày 19-1-1948 , Hội đồng Chính phủ họp.
Sau chiến thắng Việt Bắc, Bác đã bàn với Trung ương nhân dịp này để động viên tinh thần bộ đội, đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang qua hơn hai năm chiến đấu, cần thành lập Bộ Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia Việt Nam, phong quân hàm cho một số cán bộ quân đội và tặng thưởng huân chương cho những người đã lập được chiến công. Chủ trương của Đảng được toàn thể thành viên trong hội đồng Chính phủ hoan nghênh.
Ngày 20-1-1948 , Bác ký sắc lệnh phong quân hàm cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Tôi được trao quân hàm Đại tướng. Các anh Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong Thiếu tướng. Đối với Nam Bộ, quân và dân Nam Bộ chiến đấu sớm nhất, đã hơn hai năm; Bác và Trung ương đã cân nhắc; cuối cùng, đi tới quyết định phong quân hàm Trung tướng cho anh Nguyễn Bình. Ngoài ra một số cán bộ cấp cục hoặc chỉ huy các liên khu được phong cấp đại tá. Việc phong quân hàm chỉ mới tiến hành trong những cán bộ chủ chốt, chưa thực hiện với toàn quân.
Hội đồng Chính phủ dự định tổ chức lễ phong quân hàm Đại tướng vào ngày 27-5-1948 .
Mấy ngày này trời mưa rất to.
Ngày 27-5, trời vẫn mưa, các sông suối nước lớn không qua lại được. Các đại biểu chưa đến đủ. Cụ Bùi Bằng Đoàn, đại diện Quốc hội, cũng chưa đến được. Hội đồng Chính phủ tranh thủ họp phiên toàn thể để giải quyết một số vấn đề quan trọng: đánh giá tình hình trong nước, âm mưu của bọn thực dân phản động Pháp, nhất là âm mưu chia rẽ của bọn chúng và cách đối phó; lập quy chế công chức mới thay cho chế độ công chức thời thuộc Pháp và giao cho Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính nghiên cứu thang lương công chức; ra sắc lệnh thành lập Ban thi đua toàn quốc và chọn ngày 19-6-1948, ngày kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến làm ngày phát động phong trào thi đua ái quốc.
Cuộc họp kéo dài tới nửa đêm vẫn chưa xong, phải tiếp tục họp vào sáng hôm sau.
Ngày 28-5-1948 , vào lúc 1 giờ chiều, lễ phong quân hàm được tổ chức trọng thể.
Một hội trường mới dựng bên dòng suối lớn, dưới tán cây rừng, dựa vào sườn núi, vách mới đan còn thơm mùi nứa. Phía trong, đặt một bàn thờ Tổ quốc trang hoàng giản dị, có cờ đỏ sao vàng và lọ hoa cắm một chùm hoa núi; xung quanh là các băng đỏ ghi khẩu hiệu: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi; Thống nhất độc lập nhất định thành công”. Bác và cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban thường trực Quốc hội, đứng hai bên bàn thờ, các thành viên Chính phủ đứng trước bàn thờ. Bác, tay cầm sắc lệnh, gọi tôi lên. Bằng giọng nghiêm trang và xúc động, Bác nói: “Hôm nay, thay mặt Chính phủ và nhân dân...” rồi bỗng ngừng lời, rút khăn tay lau nước mắt. Giây phút đó làm cho cả hội trường vô cùng xúc động. Lát sau, Bác nói tiếp: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm tròn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho…”. Bác trao cho tôi sắc lệnh. Cụ trưởng Ban thường trực thay mặt Quốc hội, anh Phan Anh thay mặt Hội đồng Chính phủ phát biểu chúc mừng. Anh Tạ Quang Bửu thay mặt Bộ Quốc phòng bày tỏ lời chúc mừng và lời hứa của toàn thể bộ đội sẽ nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng dưới sự chỉ huy của Đại tướng. Tôi xúc động phát biểu mấy lời, tự đáy lòng vô cùng nhớ tiếc các anh hùng liệt sĩ, chân thành biết ơn Bác, Quốc hội và Chính phủ đã dành cho tôi vinh dự cao cả. Tôi hứa sẽ đem hết tinh thần và nghị lực làm tròn nhiệm vụ, góp phần khiêm tốn của mình vào sự nghiệp đấu tranh cho độc lập và thống nhất của Tổ quốc.
Sau buổi lễ, chúng tôi ngồi quây quần bên Bác. Bác nói: Việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác hôm nay là kết quả biết bao hy sinh chiến đấu của đồng bào, đồng chí… Các thế hệ đi trước chiến đấu cho độc lập mà sự nghiệp không thành, nhắm mắt vẫn còn chưa thấy độc lập tự do. Chúng ta ngày nay may mắn hơn, nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn. Nghĩ tới hàng nghìn, hàng vạn người đã ngã xuống cho ngày hôm nay, chúng ta càng phải cố gắng giành cho được độc lập, tự do để thỏa mãn vong linh những người đã khuất… Cuộc nói chuyện trở thành buổi ôn lại truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, truyền thống cách mạng của dân tộc ta.
Sau đó các thành viên Chính phủ chụp chung một bức ảnh kỷ niệm.
Khi sự việc này được công bố trên đài Tiếng nói Việt Nam, một phóng viên phương Tây hỏi Bác vì sao một lúc phong nhiều tướng tá như vậy, việc phong cấp này được tiến hành dựa theo những tiêu chuẩn nào. Bác trả lời giản dị: Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, thắng trung tướng phong trung tướng, thắng đại tướng phong đại tướng.
Tháng 8 năm đó, tại Hội nghị quân sự lần thứ năm, Bác nói về “Tư cách một người tướng”: “Trong quân đội, nhiệm vụ của người tướng là phải: Trí, Dũng, Nhân, Liêm, Trung”. Đối với kỷ luật: “Mệnh lệnh từ trên xuống dưới, phải thấm tới mỗi đội viên… Báo cáo từ dưới lên trên phải thật thà, nhanh chóng, thiết thực… Phải thưởng phạt cho công minh… Chớ vì ưa ai mà thưởng, ghét ai mà phạt. Ai hẩu với mình thì dùng, ai trực tính nói ngay thì bỏ”. Đối với binh sĩ thì: “từ lời ăn tiếng nói, niềm vui, nỗi buồn tới cái ăn, cái mặc, nhất thiết phải biết rõ và hết sức chăm nom. Có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì khi dẫn họ đi đâu, dù nguy hiểm mấy, họ cũng vui lòng đi, khi bảo đánh, họ sẽ hăng hái đánh… Bộ đội ta tuy còn trẻ mà tiến bộ rất mau, nếu người tướng không chịu học hỏi, cứ đứng một chỗ thì nhất định bị lạc hậu”. Đối với dân “bộ đội được dân yêu, dân tin, dân phục thì nhất định thắng lợi”. Đối với địch thì “tuyệt đối chớ khinh địch… Khinh địch thì nhất định sẽ thất bại”.
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP
Hồ Chủ tịch qua “Nhật ký của một bộ trưởng” (Trí Quân)
Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5):
TP - Mùa thu năm 1995, tôi - người ghi lại những dòng này may mắn được tiếp xúc phỏng vấn hai nhân vật đáng kính là Lê Văn Hiến - Lê Thị Xuyến khi hai cụ về thăm quê hương Đà Nẵng - Quảng Nam.
Hồ Chủ tịch tăng gia sản xuất tại chiến khu Việt Bắc |
Cụ Hiến vui vẻ cho chúng tôi xem bản thảo tập nhật ký viết tay ghi lại những tháng ngày ở Thủ đô Kháng chiến Việt Bắc, mà khi đó cụ đang giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên của Chính phủ Cách mạng Lâm thời.
Khi ấy cụ Lê Văn Hiến - tác giả hồi ký “Ngục Kon Tum” nổi tiếng thuở nào - đã 91 tuổi, cụ Xuyến cũng đã 86. Tuổi cao, nhưng phong thái hai cụ thật nhẹ nhõm, khỏe khoắn, và vẫn chan chứa tình cảm nồng ấm của một đôi bạn đời từng ngót 50 năm bên nhau trong mỗi bước đường cách mạng.
Bộ nhật ký quý báu đó sau đó không lâu được NXB Đà Nẵng ấn hành, gồm hai tập dày tới hơn 1.000 trang khổ lớn với nhan đề “Nhật ký của một bộ trưởng”.
Độc giả bắt gặp trong “Nhật ký của một bộ trưởng” hình ảnh gần gũi, sống động của hầu hết những nhân vật lịch sử lừng lẫy của cách mạng Việt Nam giai đoạn trường kỳ kháng chiến, từ những sinh hoạt, những tâm tư đời thường nhất cho tới những giây phút thiêng liêng, trọng đại nhất quyết định vận mệnh cách mạng Việt Nam.
Giá trị ở chỗ đây không phải cuốn hồi ký thông thường được tổng kết sau một đời nhìn lại, mà là thể loại nhật ký, với độ chính xác của thời gian tới từng phút, với từng sự kiện dù nhỏ nhất, và với một cảm xúc tức thời mang hơi thở ấm nóng cùng những âm thanh, cảnh sắc kỳ diệu của Thủ đô Kháng chiến những năm tháng trường kỳ gian khổ.
“Nhật ký của một bộ trưởng” được giới sử học đón nhận với một sự trân trọng đặc biệt, bởi nó “giúp những nhà viết sử phục dựng lại được cả một cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ... (Dương Trung Quốc – Lời giới thiệu “Nhật ký của một bộ trưởng”).
Trong đó, một hình ảnh quán xuyến tư tưởng và cảm xúc của toàn bộ cả ngàn trang sách, không ai khác, là Chủ tịch Hồ Chí Minh – linh hồn của cuộc kháng chiến. Những dòng nhật ký về Hồ Chủ tịch trong “Nhật ký của một bộ trưởng” đều thuộc những chuyện ít được nghe kể, đặc biệt gây xúc động bởi tính chân thực của nó.
Đồng cam cộng khổ
“... Gần tối, trong lúc chúng mình đang ăn cơm, thì Hồ Chủ tịch đến trong bộ áo quần bí mật của Cụ. Lần này thì lưng mang một gùi, vai mang súng, mình mặc bộ áo quần nâu, đội mũ như bộ đội, mới trông như người đi săn trong rừng sâu, không ai tài nào nhận ra được.
Bắt tay vui vẻ tất cả mọi người, rồi giản dị hơn ai hết, Cụ bảo thêm một chén một đũa để Cụ cùng ngồi ăn chung trong lúc mâm cơm đã gần tàn. Cụ và hai tùy tùng phải đi hàng mấy chục cây số mới đến đây ... 7 giờ bắt đầu hội đồng (Họp Hội đồng Chính phủ – chú thích của PV), ai nấy ngồi xếp ve quanh mấy chiếc chiếu trải dài.
Giữa để mấy ngọn đèn dầu, chúng mình có cảm tưởng như ngồi trong một sòng xóc đĩa. Ai nấy nhìn nhau cười. Cụ cũng cười ...”. Trang nhật ký đó ghi ngày 30/4/1947, nghĩa là chỉ hơn bốn tháng sau ngày toàn quốc kháng chiến, Chính phủ mới chuyển lên rừng núi với bộn bề gian khó, hiểm nguy.
Trang nhật ký đề ngày 24/4/1948: “Trời càng về đêm càng mưa lớn. Chúng mình phải ở lại kéo dài câu chuyện với Cụ trong lúc chờ đợi hết mưa. Cụ ân cần hỏi thăm gia đình của mọi người.
Đến lúc chúng mình vui câu chuyện nhắc đến gia đình Cụ, Cụ phì cười và nói: “Mình chẳng phải thần thánh gì, cũng người như tất cả mọi người. Nhưng với hoàn cảnh này, còn điều kiện nào nghĩ đến gia đình, không phải đạo đức mà phải chịu đạo đức”. Cụ cười và nói tiếp : “Gia đình nhỏ không thể được thì ta cứ lo gia đình lớn đi vậy !””.
Nhưng có những phút giây tạm ngơi việc nước, trải lòng với thiên nhiên và cuộc sống, Người mới có dịp thổ lộ những tâm tư sâu lắng mà chỉ những ai thật gần gũi mới hiểu: “26/8/1949 - Hơn 11 giờ, chúng mình tạm nghỉ với Hồ Chủ tịch trên sàn nhà riêng...
Cụ giới thiệu cảnh hữu tình trong những đêm trăng, thỉnh thoảng vừa cười vừa thổ lộ đôi câu: “Cảnh càng đẹp, mình cũng cảm thấy như thiếu thiếu cái gì !” ... Chống không nổi với sự mệt nhọc trong ngày, mình ngủ lúc nào không hay, Đồng (Phạm Văn Đồng) nằm bên cạnh đã một giấc, chỉ một mình Hồ Chủ tịch vẫn tiếp tục vừa hút thuốc vừa nghĩ ngợi”.
Trang nhật ký đề ngày 30/4/1947: Một nhân vật đem biếu Cụ một cây baton làm bằng xương rắn. Một phiên họp Hội đồng Chính phủ, Cụ đem tặng cụ Bùi (Bùi Bằng Đoàn) cây baton quý giá ấy với câu nói vừa giản dị vừa ý nghĩa: “Khi đỡ tay với cây gậy này, Cụ sẽ luôn luôn nghĩ đến nhân dân”.
“19/8/1948 - Vừa tưng tửng sáng, Hồ Chủ tịch và mấy người tùy tùng lên đường, Cụ cố tránh gặp dân chúng vì hôm nay là ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám. Đâu đâu đều có biểu tình (mít tinh - PV) lớn, nhất là ở Tân Trào, nơi xuất phát cuộc Cách mạng. Một điều đặc biệt là trong lúc toàn quốc nhân dân biểu tình, hoan hô vị anh hùng dân tộc, thì “Cụ già” ấy phải cải trang, lủi thủi tìm đường vắng trong rừng để tránh sự gặp gỡ ...”
Một tâm hồn
Hồ Chủ tịch đã khóc trong lễ thụ phong chức Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp. Đó là ngày lịch sử 28/5/1948 : “Trong một căn nhà dựng bên bờ suối lớn, dựa một bên núi, cây cối chen phủ kín ... Một phòng trưng bày đặc biệt.
Có bàn thờ Tổ quốc, chung quanh băng đỏ ghi các khẩu hiệu: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Thống nhất độc lập nhất định thành công ...” Sự trưng bày rất đơn giản mà trang nghiêm. Đến giờ làm lễ, Hồ Chủ tịch và cụ Trưởng ban Thường trực Quốc hội (cụ Bùi Bằng Đoàn) lên đứng hai bên bàn thờ, toàn thể nhân viên chính phủ đứng sắp hàng trước bàn thờ.
Hồ Chủ tịch tay cầm sắc lệnh gọi Võ Nguyên Giáp lên trước bàn thờ, rồi Cụ nín lặng, sụt sùi rơi nước mắt mà không nói được tiếng gì. Một phút vô cùng cảm động có lẽ trong chúng mình, tuy không ai nhìn thấy ai, nhưng mỗi người đều phải rơm rớm nước mắt.
Giây lâu, Hồ Chủ tịch mới cất được tiếng mà tuyên bố: “Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng, để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho”... Sau khi hết lễ, ai nấy ngồi xung quanh Hồ Chủ tịch và nghe Cụ nói sự xúc cảm của Cụ trong buổi lễ.
Trước những ngày lễ có tính cách long trọng, Cụ không thể nào không nhớ đến các tiên liệt, các bạn đồng chí từ bao nhiêu năm chiến đấu cho đất nước, chịu bao gian lao khổ sở, kẻ hy sinh đầu này người hy sinh chỗ nọ, nhờ những sự hy sinh dũng cảm ấy nên mới có ngày nay. Mỗi lần nhớ đến các bạn ấy, là mỗi lần Cụ cầm lòng không đặng nên phải có những giây phút khó chịu, Cụ xin lỗi anh em ...”
Ít ai biết thời gian ở chiến khu, Hồ Chủ tịch từng làm mối xe duyên cho cán bộ của mình, nhưng lại không thành. Được làm mối là ông Lê Văn Hiến. Trước sự quan tâm của Hồ Chủ tịch, ông Hiến đành thú nhận là đã “có hứa hẹn” với một người là Lê Thị Xuyến, tức bà Phan Thanh.
Biết chuyện, Cụ Hồ tỏ ý ngạc nhiên. “26/7/1947 - Một giây nghĩ ngợi, Cụ nói: “Điều đó là không nên đâu chú ạ. Dân ta đương còn óc phong kiến, tôi e về danh nghĩa cả hai đều mang tiếng, không nên, chú nghĩ lại”. Nghe Cụ nói, mình tê tái cả người... Thế là từ phút đó, mình như người say thuốc ngồi xỉn một góc, chẳng buồn nói, ăn không vô...”.
Vợ của ông Hiến là nữ chiến sĩ cách mạng Thái Thị Bôi - cháu ruột của Thái Phiên - mất năm 1938, sau khi có với ông một người con gái. Còn bà Lê Thị Xuyến là vợ nhà cách mạng nổi tiếng Phan Thanh.
Cả bốn người đều quê ở Quảng Nam - Đà Nẵng, và cùng chung lý tưởng cách mạng. Năm 1939, Phan Thanh mất, bà Xuyến vừa hoạt động cách mạng vừa nuôi dạy hai con Phan Vịnh và Phan Diễn.
Ngót chục năm kể từ những sự kiện đau thương trong hai gia đình, hai người đồng chí, đồng hương gặp nhau trên bước đường kháng chiến chông gai nơi chiến khu Việt Bắc (*) Mới chỉ là giấm ý, chưa kịp thổ lộ với ai, đã bị Cụ Hồ ngăn lại, hai người dẫu rất buồn, nhưng đã xếp việc riêng lại. “Chúng mình cảm thấy một tội rất lớn nếu để Cụ phải bận ý về việc mình”.
Thú vị ở chỗ, mối tình của họ được hầu hết mọi người ủng hộ, ra sức tìm cách vun vào, trong đó nhiệt tình nhất là anh Cả Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Tố Hữu...
Các anh “dùng kế đánh vào tình cảm của Bác, nên Bác cầm lòng không nỡ, đồng ý cho chúng mình thành lập gia đình nhưng vẫn dặn đi dặn lại “Phải thận trọng khéo léo” 6/5/1948”. Đám cưới hai người, ông Cụ không trực tiếp dự nhưng tỏ ý vui, và gửi tặng đôi khăn thêu.
Chiến dịch Đông Khê năm 1950, Hồ Chủ tịch thân hành ra chỉ huy mặt trận. Chỉ khi đọc “Nhật ký của một bộ trưởng”, mới biết thêm một chi tiết quý giá: Trong những ngày ấy, vị lãnh tụ kháng chiến cải trang thành một thương binh để đi gặp và nói chuyện với các tù binh Pháp (Nhật ký ngày 15/11/1950).
Cương quyết không khoan nhượng, nhưng cũng lại đầy nhân hậu, là phẩm chất mà thế giới đã biết nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Nhật ký của một bộ trưởng” cho ta thêm một ví dụ sâu sắc về phẩm chất ấy của Người.
28/12/1946: “Được thư Cụ dặn cho Vũ Đình Huỳnh ra phụ trách chăm sóc tù binh Pháp, trong thư dặn rất kỹ về sự đối đãi tù binh và thường dân.
Theo ý Cụ, phải chăm sóc hết sức chu đáo và đối đãi thật nhã nhặn để tỏ sự ân cần của ta đối với người Pháp, và cũng để cho họ thấy sở dĩ ta chiến đấu vì tiền đồ của quốc gia và dân tộc Việt Nam, chớ vốn không có ý gì ghét bỏ người Pháp.
Khẩu phần của họ phải cho hơn người Việt Nam và sự nấu nướng ăn uống phải chăm nom kỹ lưỡng. Thể theo ý ấy, Bộ Tài chánh cấp cho mỗi người Pháp bất kỳ lớn bé đều 200 đồng một tháng.
Số ấy đối với người Pháp cũng không lấy làm nhiều nhưng nấu chung lại thì cũng khá. Vả chăng, bộ đội ta mỗi người một tháng chỉ có 150 đồng... Ta có thể chịu kham khổ được nhưng đối với họ phải rộng rãi hơn ...”.
Trí Quân (giới thiệu)
(*) Tại thành phố Đà Nẵng hiện có 4 con đường mang tên Phan Thanh - Lê Thị Xuyến - Lê Văn Hiến và Thái Thị Bôi
Sunday, 6 October 2013
HỎI ĐÁP VỀ HUẤN THỊ “Dignitas Personae: Về một số vấn đề Đạo đức Sinh học” (linh mục Nguyễn Anh Tuấn)
Hỏi đáp về Huấn thị Dignitas Personae
Tìm hiểu Giáo huấn của Giáo Hội:
1. Huấn thị này thuộc loại văn kiện nào?
Đây là một “huấn
thị” của cơ quan cao nhất của Giáo hội Công Giáo về giáo thuyết, Bộ Giáo Lý Đức
Tin của Tòa Thánh
Vatican .
Huấn thị nhằm áp dụng những nguyên tắc luân lý ngàn đời vào những vấn đề và
hoàn cảnh mới phát sinh từ lãnh vực công nghệ sinh học. Huấn thị không tự tuyên
bố như là một tín điều mới có tính bất khả ngộ, nhưng đã được Đức giáo hoàng
Bênêđictô XVI chuẩn nhận và có thẩm quyền của ngài. Như hầu hết các tài liệu
giáo huấn của Giáo hội, những phán quyết luân lý của Huấn thị này thuộc về
“Quyền Giáo huấn thông thường phổ quát” của Giáo hội. Những người Công giáo
được mời gọi học hỏi với “lòng vâng phục kính cẩn” để tâm thức được thấm nhuần
bởi những giáo huấn như thế (GLHTCG, 892).
2. Tựa đề của Huấn thị có nghĩa gì?
Tựa đề tiếng la
tinh Dignitas Personae có nghĩa là “phẩm giá của con người”. Mọi kết luận của
tài liệu đều dựa trên phẩm giá vốn có của mọi người và của từng người, kể từ
lúc thụ thai cho đến lúc chết với cái chết tự nhiên, và trên nhu cầu phẩm giá
đó phải được người ta kính trọng từ phía mọi thứ công nghệ và mọi hoạt động con
người. Đang khi Giáo hội phải nêu lên những phán định tiêu cực về một số lạm
dụng của kỹ thuật công nghệ, Huấn thị giải thích rằng “đằng sau mỗi tiếng
“không” từ chối chính là một tiếng “vâng” tuyệt vời nhìn nhận phẩm giá và giá
trị bất khả nhượng của mỗi hữu thể nhân
linh, độc đáo và duy nhất, được kêu gọi đi vào hiện hữu” (Dignitas Personae,
37).
3. Giáo huấn có từng được nói tới trong các
tài liệu trước đây của Giáo hội không?
Có. Huấn thị này
là một tiếp nối của “Donum Vitae: huấn thị về Tôn trọng Sự Sống con người từ
Cội nguồn và về Phẩm giá của việc Truyền sinh”. Huấn thị Donum Vitae (Tặng phẩm
Sự Sống) được Bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành năm 1987 nói về sự thụ tinh con người
“trong ống nghiệm” và về những lạm dụng cũng như những can thiệp tùy tiện trên
sự sống con người trong các giai đoạn đầu tiên mà công nghệ này có thể tiến
hành. Những phán quyết khác trong tài liệu – như về kỹ thuật nhân bản trên con
người (human cloning), nghiên cứu tế bào gốc từ phôi và tế bào gốc từ người
lớn, công nghệ di truyền, các dược phẩm và dụng cụ ngăn cản sự đậu thai, v.v… –
đã xác nhận và nêu lên những gì đã được tuyên bố trong các diễn văn hay trong
các tài liệu khác của Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô II hoặc của Đức giáo hoàng
Bênêđictô XVI, hoặc trong những tham luận của Tòa Thánh tại những diễn đàn quốc
tế như Liên Hiệp Quốc. Những năm gần đây các đề tài này cũng là chủ đề của các
hội thảo và các tài liệu của Viện Hàn Lâm Giáo Hoàng về Sự Sống, một hội đồng
cố vấn.
4. Tại sao Giáo Hội Công Giáo chống các kỹ
thuật sinh sản như loại thụ tinh “trong ống nghiệm”?
Đứa bé được cưu
mang trong sinh sản con người là một nhân vị, bình đẳng về phẩm giá với cha mẹ
nó. Bởi thế em xứng đáng để được chào đời qua một hành vi của tình yêu vợ chồng
đúng nghĩa và dấn thân. Những kỹ thuật nào trợ giúp các đôi vợ chồng kết hợp để
sinh con thì tôn trọng phẩm giá đặc biệt đó của nhân vị. Những kỹ thuật nào
thay thế việc đó bằng một tiến trình của kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm
thì không tôn trọng phẩm giá ấy. Vấn đề luân lý càng trở nên nghiêm trọng khi
người ta cố gắng đưa vào những giao tử (tinh trùng hoặc trứng) lấy từ những
người ngoài cuộc (hôn nhân), khi nhờ đến một người phụ nữ khác mang thai, hoặc
khi người ta thực hành “kiểm tra chất lượng” trên em bé như một sản phẩm đồ
vật. Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm như được tiến hành ngày nay tạo ra một
tỷ lệ các phôi tử vong rất cao, và mở đường cho những lạm dụng xa hơn nữa như
kỹ thuật bảo quản phôi đông lạnh và những thí nghiệm gây ra sự sống bị hủy diệt
hàng loạt.
5. Những chủ đề nào trong tài liệu này chưa
được đặc biệt nói đến trong các tài liệu trước đây?
Một số chủ đề
rất mới được thảo luận ở đây lần đầu tiên. Một số đề nghị những phương pháp
thay đổi kỹ thuật cho việc nhân bản con người sao cho để nó tạo ra những tế bào
gốc từ phôi mà không phải là một phôi (ví dụ như “thay đổi nhân”). Điều đó về
mặt đạo đức đòi phải được nghiên cứu kỹ hơn và rõ ràng hơn trước khi có thể
được đem áp dụng trên con người, vì người ta buộc phải bảo đảm luôn luôn trong
tiến trình là đã không tạo ra một con người mới và rồi lại đi hủy diệt nó.
(Không cần phải thận trọng như thế nếu áp dụng cho một kỹ thuật mới hơn, sử
dụng những nhân tố di truyền hay hóa học, để tái lập trình trực tiếp cho những
tế bào người lớn bình thường đưa trở thành những “tế bào gốc có nhiều năng lực”
với khả năng linh hoạt cao như các tế bào gốc từ phôi. Việc này dĩ nhiên không
dùng đến một trứng hoặc tạo ra một phôi, và như thế không gây sự phản đối từ
phía giới thần học Công giáo.) Những ý kiến về việc “nhận con nuôi” đối với
những phôi đông lạnh bị bỏ rơi cũng tạo ra vấn đề, bởi lẽ Giáo hội chống việc
sử dụng những giao tử hay phần thân thể của người khác ngoài giao ước hôn nhân
để áp dụng cho sinh sản. Huấn thị nêu lên những điều cần phải cẩn trọng hay
những vấn đề phát sinh từ những sáng kiến mới đó, nhưng không chính thức đưa ra
những phán quyết dứt khoát chống lại chúng. Tài liệu của Tòa Thánh cũng đi sâu
vào chi tiết hơn các tài liệu trước đây bằng cách nêu lên những quan ngại về
luân lý về việc sử dụng công nghệ di truyền trên “các tế bào mầm” đối với con
người, để chữa bệnh và nhất là để “mở rộng” hay sửa đổi những đặc tính di truyền
của con người.
6. Những nhắc nhở hay phán quyết tiêu cực
về những tiến triển như thế có cho thấy một thái độ ngờ vực đối với khoa công
nghệ sinh học hiện đại hay không?
Ngược lại là
đàng khác. Tài liệu nói rằng khi sử dụng những sức mạnh kỹ thuật mới đó con
người “tham dự vào sức mạnh sáng tạo của Thiên Chúa” và con người hành động như
“kẻ phục vụ các giá trị và cái đẹp bên trong của tạo thành”. Chính vì sức mạnh
này mang trong mình một trách nhiệm rất lớn mà chúng ta phải không bao giờ được
để xảy ra những lạm dụng kỹ thuật mà hạ thấp phẩm giá con người, nhưng trái lại
phải luôn luôn phục vụ giá trị và phẩm giá của mỗi con người không loại trừ ai.
Việc lạm dụng công nghệ di truyền có thể tạo ra những hình thức kỳ thị mới, kẻ
yếu bị áp chế bởi người mạnh, tạo ra tình huống một số người lại điều khiển vận
mệnh cuối cùng của những người khác, chẳng hạn như tạo ra rồi lại hủy đi những
con người vì cái được cho là lợi ích của những người khác, tự tiện thao túng
trên số phận con người để tạo ra những con người “ưu tuyển” hơn, hoặc từ chối
những sinh linh ấy các quyền con người cơ bản nhất vì các em bé đã không thỏa
mãn tiêu chuẩn cho một con người hoàn hảo của một ai đó. Bởi vì khoa học và kỹ
thuật có một sức mạnh rất lớn để làm cả điều thiện lẫn điều ác, chúng phải được
hướng dẫn bởi một nền đạo đức học đặt cơ sở trên phẩm giá con người.
Tháng
12 / 2008
Lm.
Lu-y Nguyễn Anh Tuấn,
TTMV Tgp.Tp Hcm, chuyển ngữ
Lm Lu-y Nguyễn Anh Tuấn
Subscribe to:
Posts (Atom)