Saturday, 26 October 2013

Lính cô-lô-nhần là lính gì?



Đạo luật ngày 7 tháng 7 năm 1900 chuyển thủy quân lục chiến Pháp (troupes de Marine) khỏi bộ Hải Quân, giao cho bộ Chiến Tranh quản lý và đổi tên thành Quân Thuộc Địa (Troupes Coloniales), với nhiệm vụ (ban đầu) là bảo vệ tất cả các thuộc địa của Pháp trừ khu vực Bắc Phi (thuộc trách nhiệm của Quân Phi Châu (Troupes d’Afrique / Armée d’Afrique). Quân Thuộc Địa sau đó được chia thành  bộ binh thuộc địa (infanterie coloniale) và pháo binh thuộc địa (artillerie coloniale). Khi các thuộc địa của Pháp đều giành được độc lập, Quân Thuộc Địa (bộ binh thuộc địa và pháo binh thuộc địa) lại phải đổi tên thành Quân Hải Ngoại (Troupes d’Outre-Mer ,1958), rồi lại trở thành Thủy Quân Lục Chiến (troupes de Marine) nhưng vẫn nằm trong tổ chức của lục quân.
Quân Thuộc Địa có hai loại đơn vị:
-Bộ binh thuộc địa và pháo binh thuộc địa trong thời gian từ 1900 đến 1958 được gọi là Coloniale blanche » (quân thuộc địa (da) trắng, người Việt gọi là Tây cô-lô-nhần) vì chủ yếu là quân nhân từ mẫu quốc đưa sang. Lính (soldat) Tây được người Việt gọi là lính sơn đá /san đá / săng đá / sang đá.  
-Bộ binh nhẹ (tirailleur) người bản xứ do sĩ quan Pháp chỉ huy. Loại bộ binh này ở Bắc Kỳ được dân chúng gọi là lính tập Bắc Kỳ (tirailleur tonkinois).

Friday, 25 October 2013

Lính lê dương đội mũ gì?



Loại mũ che gáy mà trẻ con đi học đội để che nắng còn được gọi là lê dương.

Lính lê dương đội mũ che gáy để chống nắng khi đi trận ở An-giê-ri và Ma-rốc. Mũ bạc phếch chứng tỏ thâm niên nơi sa mạc nắng lửa. Mảu trắng trở thành màu mũ kê-pi của lính lê dương. Tuy nhiên hiện nay sĩ quan lê dương đội kê-pi đen. Hạ sĩ quan có trên 15 năm phục vụ trong đội quânlê dương cũng được đội kê-pi đen.

Khi hành quân lính lê dương không đội kê-pi mà đội mũ bê-rê xanh lục. Mũ này xuất hiện lần đầu tiên năm 1948 ở tiểu đoàn lê dương nhảy dù số 1 (1er BEP ). Năm 1959 nó trở thành mũ chiến đấu của toàn quân lê dương và kê-pi trắng chỉ được dùng khi hành lễ hoặc xuất trại đi phố...

Thursday, 24 October 2013

Sao có quá đông pháo thủ An-giê-ri ở Điện Biên Phủ trong ngày 20 tháng 12 năm 1953?



Trích Jules Roy, Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp (bản dịch của Bùi Trân Phượng, nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1994):
Chủ nhật ngày 20 tháng 12 
Tướng Navarre rời Hà Nội.

Việt Minh tiến quân vào sâu hơn với đại đoàn 325 trong khu vực Nà Phao.

LỆNH CHIẾN ĐẤU

Hai tiểu đoàn dù thuộc đội quân của Bigeard đã quay về Hà Nội và, trong khi chờ đợi xây dựng trung tâm đề kháng Hồng Cúm ở phía Nam tạm thời do tiểu đoàn Tabor số 2 chiếm lĩnh, khu căn cứ Điện Biên Phủ gồm có Him Lam ở Đông Bắc, Bản Kéo ở Tây Bắc, do tiểu đoàn 5 lính dù Việt Nam giữ, Claudine ở cạnh đáy phía Tây do tiểu đoàn 1 thuộc bán lữ đoàn 13 lê dương giữ; đồi C ở cạnh đáy phía Đồng, do tiểu đoàn 3 lính Thái giữ; cao điểm 206, ở trung tâm phía Tây, do các đơn vị Thái và lê dương giữ; cuối cùng là đồi D, ở trung tâm phía Đông, do tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 3 pháo thủ Angiêri giữ. Một binh đoàn cơ động gồm tiểu đoàn 8 xung kích và tiểu đoàn 1 lính dù lê dương chuẩn bị đi Sốp Nao. Người ta đợi tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 1 pháo thủ Angiêri và tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 3 lê dương, để hình thành Hồng Cúm.

 Các đơn vị mang danh An-giê-ri tham chiến ở Đông Dương đều là bộ binh nhẹ chính quy. Hồng Cúm (tức Isabelle) do một đơn vị như vậy thiết lập ngày 15/12/1953. Đơn vị đó mang phiên hiệu là 2e BM/1er RTA (2e bataillon de marche du 1er régiment des tirailleurs algériens), tức là tiểu đoàn dã chiến số 2 của trung đoàn bộ binh nhẹ (chính quy) An-giê-ri số 1.

Dịch tirailleur thành pháo thủ dễ gây ngộ nhận. Pháo thủ từ hơn một thế kỷ nay đã được xem là cũng nghĩa như pháo binhpháo binhlính chuyên coi về việc bắn đại bác (Hội Khai Trí Tiến Đức (1931:431). Génibrel (1898:596) dịch là artilleur. Vì lý do này, tiểu thuyết Les Trois Mousquetares có thời được dịch là Ba chàng ngự lâm pháo thủ, sau phải đổi lại thành Ba người lính ngự lâm vì mút-kê không phải là súng lớn.

Wednesday, 23 October 2013

Lệnh chiến đấu đâu?



Trích Jules Roy, Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp (bản dịch của Bùi Trân Phượng, nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1994):

Chủ nhật ngày 20 tháng 12 
Tướng Navarre rời Hà Nội.

Việt Minh tiến quân vào sâu hơn với đại đoàn 325 trong khu vực Nà Phao.

LỆNH CHIẾN ĐẤU

Hai tiểu đoàn dù thuộc đội quân của Bigeard đã quay về Hà Nội và, trong khi chờ đợi xây dựng trung tâm đề kháng Hồng Cúm ở phía Nam tạm thời do tiểu đoàn Tabor số 2 chiếm lĩnh, khu căn cứ Điện Biên Phủ gồm có Him Lam ở Đông Bắc, Bản Kéo ở Tây Bắc, do tiểu đoàn 5 lính dù Việt Nam giữ, Claudine ở cạnh đáy phía Tây do tiểu đoàn 1 thuộc bán lữ đoàn 13 lê dương giữ; đồi C ở cạnh đáy phía Đồng, do tiểu đoàn 3 lính Thái giữ; cao điểm 206, ở trung tâm phía Tây, do các đơn vị Thái và lê dương giữ; cuối cùng là đồi D, ở trung tâm phía Đông, do tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 3 pháo thủ Angiêri giữ. Một binh đoàn cơ động gồm tiểu đoàn 8 xung kích và tiểu đoàn 1 lính dù lê dương chuẩn bị đi Sốp Nao. Người ta đợi tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn 1 pháo thủ Angiêri và tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn 3 lê dương, để hình thành Hồng Cúm.

Ở Điện Biên Phủ, vị linh mục cũ của Lai Châu trở thành cha tuyên úy của Hồng Cúm tìm cách dùng xe tải phục vụ các nông dân chưa kịp mang lúa đã gặt về nhà. Mỗi buổi chiều, một đại úy quân y chăm sóc dân tản cư.

Phía Đông Bắc Thà Khẹt, lợi dụng thời tiết xấu, quân địch từ rừng núi đổ ra những con đường tồi tệ để tấn công binh lính ta mà không quân không thể yểm trợ.
 

Không thấy cái lệnh chiến đấu nào cả. Cả đoạn văn chỉ nói về tình hình bố trí lực lượng. Nghi bản gốc là ordre de bataille. Có người còn dịch ordre de bataillechiến lệnh.

Từ ordre có mười mấy nghĩa. Lệnh là một. Cái nghĩa căn bản nhất là thứ tự và là nghĩa của ordre trong thuật ngữ ordre de bataille, chỉ sự bố trí lực lượng (rang, position assigné(e) aux différents corps de l'armée pour se présenter au combat). Đào Duy Anh (1950:1185) mượn陣列tiếng Trung Quốc, dịch là trận liệt. Thuật ngữ này được sử dụng trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa (Đỗ Thiếu Liệt, 1957:274).

Tuesday, 22 October 2013

Viên tướng Pháp muốn rắc tàn tro xác mình xuống lòng chảo Điện Biên Phủ (Nguyễn Văn Thọ - An Ninh Thế Giới Cuối Tháng)

Trang nhất > An Ninh Thế Giới Cuối Tháng > Sổ tay
Viên tướng Pháp muốn rắc tàn tro xác mình xuống lòng chảo Điện Biên Phủ
4:07, 27/07/2010

Đại tướng Marcel Bigeard.
Ngày 18/6/2010, Đại tướng Pháp Marcel Bigeard đã qua đời tại nhà riêng. Gia đình ông quyết định tuân theo di chúc của người quá cố: Rắc tro xác của ông xuống lòng chảo Điện Biên Phủ. Vì sao?
Sinh năm 1916 tại vùng Toul, Pháp, sang Việt Nam tham chiến giữa thập niên 40 của thế kỷ trước, Bigeard nguyên khởi đường binh nghiệp từ lính nhảy dù, vốn được coi là lực lượng thiện chiến nhất của quân đội viễn chinh Pháp.
Cuốn Lịch sử cách mạng Yên Bái, không cụ thể chi tiết, ghi nhận: Ngày 18/10/1952, quân Pháp nhảy dù xuống Tú Lệ nhằm ứng cứu cho Nghĩa Lộ bị thất thủ, đội du kích Cao Phạ đã phối hợp với bộ đội chủ lực của ta chốt chặn và chiến đấu quyết liệt với quân địch ở đèo Khau Phạ… Bigeard chính là viên sĩ quan đã thực hiện cuộc nhảy dù xuống vựa lúa nếp nổi tiếng, cánh đồng Tú Lệ, nhằm giải cứu cho lực lượng Pháp còn sót lại, sau thất bại thảm hại của Pháp tại Nghĩa Lộ, Văn Chấn.
Thực sự, số quân Pháp trong chiến dịch này, đã không bị bộ đội Việt Namtiêu diệu hoàn toàn. Bigeard từ chỗ nhảy xuống Tú Lệ nhằm giải cứu, chuyển thành cầm cự rồi tháo lui cứu vãn lực lượng. Cuộc tháo chạy trong trùng điệp vòng vây của địa hình hiểm trở và lực lượng kháng chiến ViệtNam kéo dài hơn 100 cây số. Bigeard vượt qua được phục kích của du kích và quân chủ lực Việt Nam, qua được đèo Cao Phạ đầy nguy hiểm.
Với nhãn quan quân sự thuần tuý, đây là một sở đoản đáng khâm phục của Bigeard khi ở tư cách một sĩ quan chỉ huy phá vây. Điểm nhấn lịch sử cá nhân của ông và quân đội Pháp trong thất bại này, thực sự vừa là bi kịch của chiến tranh, vừa nói lên tính can trường của người lính Bigeard... Tỏ ra là một sĩ quan giàu kinh nghiệm chiến đấu, Bigeard cùng cánh tàn quân làm cuộc hành quân dài hơn 120 cây số.
120 cây số là đơn vị chiều dài không giản đơn, khi ông dẫn một đoàn quân tháo chạy, vừa bị đánh tơi bời, phải lui binh giữa vùng núi non hiểm trở, luôn bị đối phương bao vây bằng sức mạnh tổng hợp của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương là người dân địa phương Yên Bái, những người vốn rất quen thuộc địa hình. Điều đó thực quả không hề dễ dàng thoát hiểm. Song Bigeard đã tổ chức cuộc rút lui khá an toàn tính mạng về phía Tây - Tây Bắc…
Sau cuộc tháo chạy thảm bại này của tiểu đoàn lính dù Pháp do Bigeard cầm quân, về phía kháng chiến quân Việt Nam là sự giải phóng hoàn toàn vùng Yên Bái, lấy đó làm khu hậu cần khổng lồ, đường tiếp vận chủ yếu cho chiến dịch Điện Biên Phủ ngay sau đó 1 năm.
Trên thao trường như trong chiến trận.

Song về phía Pháp, lại là cơ hội để giới chính trị sa-lon ở chính quốc và giới quân sự Đông Dương Pháp, lên dây cót cho tinh thần quân đội Pháp và lính đánh thuê Lê Dương đang hết sức lúng túng và bị động trước sự điều binh khiển tướng chiến lược của Việt Minh trên toàn chiến trường Đông Dương nói chung và trên mặt trận chính là miền Bắc Việt Nam. Bigeard lập tức được báo giới chính quốc bấy giờ thổi phồng, tuyên truyền, coi như việc tháo chạy khỏi Yên Bái như hành vi anh hùng của quân đội Pháp tại Đông Dương…
Nhưng quá khứ quan trọng nhất, có lẽ thực sự gây ám ảnh suốt đời Bigeard sau này, để ông về cuối đời đã 7 lần qua lại Việt Nam và xác lập nguyện vọng đốt xác, rắc nắm tro của ông xuống cánh đồng, lòng chảo Điện Biên Phủ, chính là nơi ông thực hiện cuộc nhảy dù cuối cùng trong chiến tranh tại Việt Nam, khi bộ đội Việt Nam đã khép chặt vòng vây và Điện Biên Phủ đang ở thời điểm giao tranh khốc liệt nhất trong chiến tranh Pháp - Việt và Bộ chỉ huy quân đội Pháp do Nava chỉ huy hết sức lúng túng, bị nhiều bất ngờ khi đối phó với các lực lượng quân sự chính quy của Việt Nam ở điểm trọng yếu này.
Phía Pháp phải ném vào lòng chảo đang ngun ngút khói lửa vị sĩ quan tài ba nhất của họ tại Đông Dương. Thiếu tá là cấp bậc của Bigeard trước khi ông nhảy dù xuống Điện Biên.
Hồi kí của nhiều nhân chứng Pháp và Việt, kể cả người của chính quyền bù nhìn Bảo Đại, hồi kí của chính Bigeard đều mô phỏng hết sức chi tiết và không khác nhau lắm về giai đoạn này. Đặc biệt ở lịch sử Yên Bái, tuy không ghi chi tiết về cá nhân sĩ quan Bigeard, song hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp lại ghi nhận rõ từng thời kì, nhiều điểm cuộc đời binh nghiệp Bigeard.
Giai đoạn Bigeard chiến đấu tại Điện Biên, thực hiện cuộc nhảy dù với hai khẩu pháo 105 li và sau đó lập tức chiến đấu hết sức liều lĩnh, cùng lính dù Pháp và Thái do ông ta chỉ huy ngày 16-3-1954, để tăng cường và khích lệ lực lượng phòng thủ đã suy yếu, gần như tuyệt vọng. Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi nhận sự xuất hiện của Bigeard đã mang lại một chút phấn chấn cho quân đồn trú...
Bigeard ngay sau khi nhảy dù được thăng cấp trung tá, lập tức chỉ huy lực lượng phản kích, gồm năm tiểu đoàn với sự yểm trợ của tối đa không quân và pháo binh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng ghi nhận ở hồi ký của ông về trận phản kích của Bigeard được quân viễn chinh coi là thắng lợi, một chiến thắng hầu như duy nhất tại Điện Biên Phủ trong suốt thời gian này.
Các nhà chiến lược quân sự Pháp hẳn có nhiều dụng tâm khi ở giai đoạn gay cấn nhất trên trận Điện Biên Phủ, lại thả con xe điều xuống Điện Biên, lò lửa Đông Dương này. Và đáng buồn thay, sự kiện trên - theo tài liệu của chính Lịch sử quân lực của chính quyền Sài Gòn ghi rằng: Đêm hôm 15 tháng 3 đã có một số binh sĩ Thái trốn khỏi cứ điểm, và vào ngày 17 tháng 3 đại bộ phận của Tiểu đoàn 3 Thái, một phần đào ngũ theo Việt Minh, một phần bỏ ngũ về với gia đình.
Mặc dù đã có Tiểu đoàn Dù thuộc địa số 6 dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Marcel Bigeard, một sĩ quan thuộc loại cừ khôi vào bậc nhất của Pháp ở Đông Dương. Như vậy dù Bigeard có mặt, cũng không lên được dây cót cho một đội quân ở Điện Biên lâm vào cái thế không thể thay đổi, đã hoảng sợ trước sức mạnh như bão táp của các sư đoàn quân Việt Nam.
Bigeard đã bị bắt làm tù binh và sau năm 1954, đã được chính phủ Việt Nam trao trả cho chính phủ Pháp. Paris mặc dầu vậy vẫn đánh giá cao, thừa nhận, coi ông là sĩ quan có tài, nên lại tiếp tục ném Bigeard vào cuộc chiến mới tại Algeria, để ông tiếp tục bảo vệ quyền lợi của nhà nước thực dân Pháp.
Nhưng chính ông, ở hồi ký của mình, đã nhận ra rằng, mọi cố gắng khi đó, của ông và quân đội đồn trú ở Điện Biên chả có tính anh hùng ca bất tử. Sự hồi tưởng ám ảnh của Bigeard trên cánh đồng Mường Thanh năm đó, là sự thức tỉnh có tính giác ngộ, khi chính người anh hùng Bigeard đã coi chiến công này chỉ là: Ngọn lửa rơm (Bigeard, 1975, tr. 167).
Chỉ ba từ Ngọn lửa rơm, Bigeard đã nhìn ra sự thật, cái tất yếu của chiến cuộc, mà phần thắng không gì cưỡng nổi thuộc về người Việt. Chi tiết tự nhận ra bản chất thật ý nghĩa đời sống binh nghiệp này của Bigeard, phần nào lí giải cho ý nguyện của ông, khi năm 1988 quyết định ở di chúc: sau khi chết, tro bụi xác thân được rải xuống Điện Biên Phủ. Về nghĩa đen, tức là ông muốn xác ông quay lại nơi ông từng tham chiến.
Nếu theo như truyền thống văn hoá Pháp và luật Pháp nước Pháp: là Đại tướng, Bigeard phải được danh dự tang lễ và chôn xác ở tổ quốc. Việc mong ước mang chính tro xác mình ra đi, ở hẳn nơi xứ người, có nghĩa là ông không chỉ trở về với nơi đã rút lui, bỏ lại hơn 100 xác chết mà còn là việc ông từ chối sự vinh danh mà nước Pháp dành cho ông, tức là chối bỏ điều ông tin tưởng ngày xưa.
Sự quay trở lại nơi ông đã từng đồng cam cộng khổ với đồng đội - theo cá nhân tôi, cũng là một người lính - còn là sự tự đánh giá hành vi cá nhân ở mỗi giai đoạn lịch sử mang tính ngộ (chữ theo ý nghĩa nhà Phật) thừa nhận một lần nữa, một cách khách quan nhất, tài năng địch thủ của ông, những người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Có câu “Con người sinh ra từ cát bụi lại trở về cát bụi”. Nhưng sự kiện Đại tướng bốn sao Marcel Bigeard, từng là cựu Thứ trưởng Quốc phòng (1975), với sở nguyện cuối cùng của mình (mà chính phủ Pháp ở quá khứ không muốn như ông di chúc - Tổng Thống Pháp Giscard d'Estaing trước kia khi được báo giới hỏi ý kiến về di chúc "rải tro" đã trả lời là không đồng ý).
Và, hôm nay, sau khi viên Đại tướng Marcel Bigeard qua đời, chính phủ đương nhiệm Pháp lại yên lặng trước quyết định của gia đình ông. Như vậy, hẳn thời đại, lịch sử thế giới đã và đang sang trang rất mới, trong đó con người ta, tuy không thể làm lại lịch sử, song có thể hàn gắn nó, những vết thương cũ của lịch sử còn lại, để cho các dân tộc tiến bộ trên địa cầu này có thể hiểu nhau mà xích lại gần nhau hơn nữa.
Nó cũng là lời cảnh báo cho các lực lượng hiếu chiến rằng, ở một thời điểm nào đó, ai có thể lừa bịp được dân chúng, đẩy họ đi vào các cuộc chiến trên thế mạnh về vật chất, song sự thật của lịch sử, thì không thể nào lừa bịp được các dân tộc, khi những chứng nhân có danh dự, lương tri sẽ có một ngày cất tiếng…
Sở cầu của viên Đại tướng Pháp hẳn trùng với câu ngạn ngữ của người Việt: Tiếng chim hót trước khi chết là tiếng chim khôn
  Nguyễn Văn Thọ

Monday, 21 October 2013

Ký ức những ngày đi chiến dịch (Phạm Hồng Cư - Quân Đội Nhân Dân)


Ký ức những ngày đi chiến dịch
QĐND - Thứ Bẩy, 03/11/2012, 18:54 (GMT+7)
Đánh thắng trận mở màn
QĐND - Sáu mươi năm đã trôi qua, nhưng ấn tượng về trận tiêu diệt Phân khu Nghĩa Lộ còn in đậm trong tâm trí chúng tôi, những cựu chiến binh của Đại đoàn Quân Tiên Phong - 308, đơn vị đảm nhiệm trọng trách tiến công Phân khu Nghĩa Lộ, mở màn chiến dịch Tây Bắc thu đông 1952. Trung đoàn Thủ Đô (e102) tiêu diệt địch ở Pú Chạng, Trung đoàn Tu Vũ (e88) tiêu diệt địch ở Nghĩa Lộ phố, Trung đoàn Bắc Bắc (e36) tiêu diệt địch ở Cửa Nhì.
Phân khu Nghĩa Lộ là một trong bốn phân khu của giặc Pháp cùng với các Phân khu Sông Đà, Phân khu Sơn La, Phân khu Lai Châu hợp thành Khu tự trị Tây Bắc (gọi tắt là ZANO), chiếm đóng miền Tây Bắc của ta.
Chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ là viên quan tư Ti-ri-ông (Tirillon), một tên ác ôn thực dân cáo già từ thời kỳ Pháp thuộc, y nói được tiếng Thái, có mặt ở Tây Bắc từ năm 1940.
Tại thung lũng Nghĩa Lộ, chính giữa là thị trấn, cuối thị trấn về phía tây nam là cứ điểm Nghĩa Lộ (còn gọi là Nghĩa Lộ phố) xây dựng trên vị trí trại lính khố xanh cũ, có khoảng 500 quân đồn trú. Sân bay dã chiến của phân khu trải dài từ cứ điểm Nghĩa Lộ đến gần dãy núi Pú Chạng. Cứ điểm Pú Chạng (còn gọi là Nghĩa Lộ đồi) có 300 quân chiếm đóng ở một địa thế cao. Với hệ thống công sự vững chắc, với địa thế hiểm hóc, lại có vành đai các tiền đồn bảo vệ, khi bị uy hiếp, lại có quân tăng viện bằng nhảy dù, nên viên quan tư Ti-ri-ông cho rằng, Việt Minh không có khả năng đánh Nghĩa Lộ. Y không biết số phận của y sắp được định đoạt.
Một đơn vị tham gia chiến dịch nghiên cứu vị trí chiến đấu trên sa bàn. Ảnh tư liệu   
Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ nhận nhiệm vụ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao trong Hội nghị của Bộ Tổng tư lệnh họp từ ngày 6 đến ngày 9-9-1952. Ông nhận rõ trách nhiệm rất nặng nề: Trận đầu phải thắng! Đó là truyền thống của quân đội ta. Ông giao cho Trung đoàn trưởng 36 Hồng Sơn đi trinh sát đồn Cửa Nhì, còn ông dẫn đầu đoàn cán bộ đi vào Nghĩa Lộ. Phương án tác chiến sơ bộ hiện ra trong đầu ông: “Giao cho Trung đoàn 102 đánh Pú Chạng, Trung đoàn 88 đánh Nghĩa Lộ phố”. Trong đoàn cán bộ, ai cũng biết Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ tuổi cao, mắc bệnh đau dạ dày nặng; Trung đoàn trưởng 102 Vũ Yên đang bị lên một cái nhọt ở bắp đùi, Trung đoàn trưởng 88 Thái Dũng bị cụt bàn tay phải, trèo đèo leo dốc hay bị ngã…
Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đến Nậm Mười thì gặp đồng chí Sinh, Phó bí thư Huyện ủy Văn Chấn từ vùng địch ra cung cấp tình hình. Đồng chí Sinh là người mà tên Boa Lô (Boileau), chỉ huy phó Phân khu Nghĩa Lộ đặt giá cái đầu bằng một tạ muối. Được vài ngày, đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường cạn lương thực, đồng chí Phách cán bộ địa phương đã kịp thời vận động nhân dân bản Hẻo tiếp tế cho đoàn. Lúc đoàn rút ra thì đại đội trưởng súng cối Mạnh Trung lên cơn sốt ly bì, một số chiến sĩ trinh sát dầm sương, ngâm nước, nhịn đói, cũng bị ốm nặng. Đồng chí Phách đề nghị với Đại đoàn trưởng để các đồng chí ốm ở lại bản Hẻo...
Đêm 7-10-1952, đại quân vượt sông Thao. Đại đoàn 308 và pháo binh qua bến Âu Lâu, các đơn vị khác qua các bến Mậu A, Cổ Phúc. Chỉ trong một đêm, nhân dân Yên Bái chở hết quân của Đại đoàn 308 và pháo binh sang sông. Thật là một kỳ tích! Người chèo thuyền số đông lớn tuổi, lại có những em gái 15, 16 tuổi, bóng nhỏ vai gầy, cúi rạp xuống dưới sức nặng của mái chèo. Nam nữ thanh niên Yên Bái đi bộ đội, đi dân công hết cả rồi chăng? Một kỳ tích nữa là cả một tập đoàn chiến dịch gần 5 vạn quân vượt sông Thao tiến vào Tây Bắc mà địch không hề hay biết. Cho tới 10 ngày sau đó, khi quân ta nổ súng tiêu diệt Phân khu Nghĩa Lộ, Bộ chỉ huy Pháp ở Hà Nội vẫn đinh ninh là Việt Minh sẽ tấn công hướng đồng bằng Bắc Bộ.
Qua sông, Trung đoàn 102 và Trung đoàn 88 ở mũi tiến công chính theo đường mòn xuyên rừng vượt Khau Vác tiến vào Nghĩa Lộ; Trung đoàn 36 theo đường 13 vượt đèo Bụt tiến vào Cửa Nhì.
Dân công gồng gánh lương thực, đạn dược theo sát bộ đội, đường trơn mưa ướt, có lúc ùn tắc không nhích được nửa bước vẫn cứ gánh gồng trên vai không dám đặt xuống. Đường mòn nhão bùn như vữa, bốc lên mùi tanh của lá mục rừng già, muỗi vắt hàng đàn, bàn chân bị nước ăn trắng bệch, có chỗ rộp phồng. Nhưng không một ai lùi bước.
Ngày 14-10-1952, chiến dịch Tây Bắc mở màn. Để tạo thế cho Đại đoàn 308 vào sâu chiếm lĩnh trận địa bao vây tiêu diệt Sở chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ, các trung đoàn của đơn vị bạn đánh trước một số vị trí: Trung đoàn 174 đánh Ca Vịnh, Trung đoàn 141 đánh Sài Lương, quân địch ở các vị trí này bỏ chạy. Trung đoàn 98 tiêu diệt vị trí Gia Phù.
Ngày 15, Ti-ri-ông chỉ huy trưởng Phân khu Nghĩa Lộ đưa một đại đội Ta-bo (lính Ma-rốc) vừa được tăng cường đi sục sạo ở Khau Vác, bị một đơn vị của Đại đoàn 312 tiêu diệt gọn tại Nậm Mười.
Ngày 16-10, các vị trí địch ở Thượng Bằng La, Ba Khe rút chạy. Bộ chỉ huy Pháp ở Hà Nội thấy tình hình nghiêm trọng vội ném tiểu đoàn dù số 6, do Bi-gia (Bigeard) chỉ huy xuống Tú Lệ để chặn đường tiếp tế của quân ta, giữ Sơn La và giải tỏa cho Nghĩa Lộ. Chúng cũng tăng cường Tiểu đoàn 3 Lê dương lên Nà Sản để bảo vệ Sơn La.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho Đại đoàn 308 nhanh chóng tiến vào bao vây chặt quân địch ở Nghĩa Lộ, không cho chúng rút chạy về Sơn La và nhanh chóng tiêu diệt toàn bộ quân địch.
Ngày 17-10, hai Trung đoàn 102 và 88 từ đỉnh cao 1.500m đổ xuống tiến vào chiếm lĩnh trận địa, bao vây Nghĩa Lộ.
Lợi dụng sương mù, Trung đoàn 102 cùng với pháo binh và súng phòng không chiếm lĩnh những điểm cao đối diện với Pú Chạng, đợi lệnh nổ súng; Trung đoàn 88 chờ trời tối sẽ tiến vào Nghĩa Lộ phố. Trong lúc đó, Trung đoàn 36 đã bao vây Cửa Nhì.
14 giờ 30 phút, pháo binh ta bắn phá trận địa pháo 105mm của địch ở Nghĩa Lộ phố, tạo điều kiện cho Trung đoàn 102 từ 3 hướng chia làm nhiều mũi tiến đánh Pú Chạng.
Ba tốp máy bay Hen-cát và một tốp B26 xuất hiện trên bầu trời, ném bom na-pan và bom phá vào đội hình xuất phát xung phong, làm 34 cán bộ, chiến sĩ bị thương, trong đó có Trung đoàn phó Hùng Sinh. Bộ đội phòng không nghênh chiến, bắn rơi 2 chiếc Hen-cát. Đại đội chủ công 267 lọt vào đồn, nhanh chóng thọc sâu chia cắt quân địch. Đến 20 giờ, Trung đoàn 102 tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Pú Chạng, bắt sống 177 tên địch, trong đó có viên quan tư Ti-ri-ông. Trong lúc quân ta thu dọn chiến trường, máy bay địch lại ném bom xuống trận địa, Tiểu đoàn trưởng Vũ Phương hy sinh ngay dưới chân đồi.
Tôi rất quen biết Vũ Phương, một cán bộ trẻ tuổi, thông minh, dũng cảm đã đánh thắng trận Bình Ca năm 1947. Khi ấy tôi là chính trị viên tiểu đoàn, đã kết nạp Vũ Phương vào Đảng ngay sau chiến thắng. Rồi Vũ Phương đánh thắng trận Non Nước và lần này đánh thắng trận Pú Chạng, nhưng đã anh dũng hy sinh.
Cứ điểm Pú Chạng bị tiêu diệt sớm, Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ ra lệnh cho Trung đoàn 88 chiếm lĩnh trận địa dưới ánh pháo sáng và đèn dù của máy bay địch, đến 3 giờ sáng ngày 18-10 thì nổ súng. Giai đoạn mở của đột phá diễn ra rất gay go. Bộ đội ta vừa đối phó với máy bay vừa khẩn trương diệt các ổ đề kháng của địch trong cứ điểm. Đến 8 giờ sáng ngày 18, Trung đoàn 88 tiêu diệt hoàn toàn vị trí Nghĩa Lộ phố, bắt 235 tên địch, trong đó có cả tên Đại úy Bác-be, chỉ huy quân tăng viện. Ta thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng, trong đó có 2 khẩu pháo 105mm và hàng nghìn viên đạn pháo.
Tại Cửa Nhì, địch cũng dùng máy bay thả bom na-pan xuống trận địa bao vây của ta. Có người trúng na-pan lăn mình dập lửa rồi tiếp tục vây ép địch. Nắm đúng thời cơ lúc quân địch chuẩn bị rút chạy, Trung đoàn trưởng Hồng Sơn ra lệnh tấn công. Trận đánh diễn ra nhanh, gọn. Trong đêm 18, Trung đoàn 36 diệt đồn Cửa Nhì, bắt sống 80 tên địch, trong đó có 2 tên sĩ quan chỉ huy.
Đại đoàn 308 đã hoàn thành nhiệm vụ. Cả 3 trung đoàn đều lập công xuất sắc.
Tại Cửa Nhì, Tiểu đoàn phó Tường (có biệt hiệu là Tường kính) hy sinh. Đó là một cán bộ trẻ, có cặp mắt tươi cười sau cặp kính trắng, rất có năng lực, đầy triển vọng. Anh vấp phải mìn khi đi trinh sát. Trong khi Đại đoàn 308 tiêu diệt Sở chỉ huy Phân khu Nghĩa Lộ thì trên các hướng khác, Trung đoàn 98 tiêu diệt Sở chỉ huy Tiểu khu Phù Yên; địch ở Vạn Yên rút chạy.
Trên hướng Bắc, dưới áp lực của Đại đoàn 312, quân địch ở Gia Hội rút chạy về Tú Lệ, nhập với tiểu đoàn dù tháo chạy về phía sông Đà. Trung đoàn 165 đuổi địch suốt 5 ngày đêm, diệt và làm tan rã hàng trăm quân địch. Ngày 23-10, Đại đoàn 312 đã có mặt ở bờ sông Đà.


***

QĐND - Phía mũi vu hồi chiến dịch đánh vào sau lưng địch ở Lai Châu, Tiểu đoàn 910 (Trung đoàn 148) từ Lào Cai tiến vào Quỳnh Nhai đánh tan một tiểu đoàn ngụy và một tiểu đoàn Ta-bo tới cứu viện.
Sau 10 ngày đêm chiến đấu (từ 14-10 đến 23-10-1952), ta đã giải phóng một khu vực rộng lớn vùng hữu ngạn sông Thao, tả ngạn sông Đà từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, làm chủ con đường 13 nối liền Yên Bái với Nghĩa Lộ. Phân khu Nghĩa Lộ và Tiểu khu Phù Yên bị tiêu diệt. Ta diệt 500 tên địch, bắt sống hơn 1000 tên, trong đó có 300 lính Âu Phi, nhiều sĩ quan, chỉ huy các cấp.
Đợt một chiến dịch kết thúc thắng lợi.
Bảo vệ vững chắc hậu phương
Mở màn Chiến dịch Tây Bắc, chỉ trong mười ngày, quân ta đã tiêu diệt Phân khu Nghĩa Lộ, Tiểu khu Phù Yên, giải phóng vùng hữu ngạn sông Thao, tả ngạn sông Đà từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, áp sát sông Đà, chuẩn bị vượt sông tiến sâu vào Tây Bắc.
Quân Pháp đối phó quyết liệt. Một mặt chúng lập phòng tuyến hữu ngạn sông Đà, tăng quân lập tập đoàn cứ điểm Nà Sản; mặt khác, chúng huy động lực lượng mở cuộc hành binh Lo-ren đánh lên hậu phương chiến dịch ở Phú Thọ nhằm triệt đường tiếp tế, tàn phá làng mạc, kho tàng, hòng kéo lực lượng ta về để giảm nhẹ áp lực ở Tây Bắc.
Bộ đội hành quân luồn rừng đi chiến dịch. Ảnh tư liệu
Trong các chiến dịch quân sự mà quân Pháp đã tiến hành cho tới lúc đó ở Đông Dương, thì Lo-ren là cuộc hành binh lớn nhất. Lực lượng gồm: 4 binh đoàn cơ động, 3 tiểu đoàn dù, 5 đội com-măng-đô, 2 tiểu đoàn thiết giáp, 2 đại đội chiến xa hạng nhẹ và thiết giáp trinh sát, 2 thủy đoàn xung kích, 2 cụm pháo binh cùng các đơn vị công binh, tổng số quân lên đến 30.000 người. Cuộc hành binh Lo-ren do Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ, Đờ Li-na-rét lập kế hoạch và trực tiếp chỉ huy.
Ngày 28-10-1952, quân địch từ Trung Hà, Việt Trì theo đường sông và đường số 2 đánh lên thị xã Phú Thọ. Ngày 8-11-1952, chúng cho quân nhảy dù xuống Đoan Hùng.
Sự kiện này xảy ra không ngoài dự kiến của Bộ Tổng tư lệnh. Trong hồi ức của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Ta đã dự kiến khi mở cCiến dịch Tây Bắc, địch có thể đánh lên Phú Thọ, nên đã bố trí tại đây Trung đoàn 176 một tiểu đoàn của Trung đoàn 146 cùng bộ đội địa phương với nhiệm vụ ngăn chặn quân địch, bảo vệ nhân dân, bảo vệ kho tàng".
Bộ Tổng tư lệnh quyết định giữ vững quyền chủ động tiếp tục thực hiện đợt hai chiến dịch Tây Bắc, vượt sông Đà tiến vào giải phóng Sơn La, chỉ rút khỏi đội hình chiến dịch một trung đoàn, nhanh chóng quay về tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, cùng với bộ đội chủ lực và địa phương phá âm mưu địch đánh vào hậu phương ta. Đơn vị được trao nhiệm vụ là Trung đoàn 36, một trung đoàn giỏi đánh vận động, do tiền phương Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ huy. Thời gian nổ súng đánh địch ở Phú Thọ được quy định chậm nhất là ngày 14-11-1952, trước khi đợt hai chiến dịch bắt đầu.
Tại Phú Thọ, nhân dân và các cơ quan, xí nghiệp, kho tàng đã được lệnh sơ tán vào rừng. Quân và dân Phú Thọ sẵn sàng nghênh chiến. Giặc Pháp bước chân vào huyện Tam Nông đã bị chặn đánh, chết 40 tên. Du kích một xã ở Lâm Thao một ngày ba lần đánh bật địch ra khỏi xã, diệt 20 tên. Du kích thị xã Phú Thọ giật bom tiêu diệt một trung đội địch. Dân quân Thanh Ba diệt 10 tên giặc. Dân quân Phù Ninh bám đường số 2 đánh mìn, diệt một xe... Tuy chỉ một, hai xe cơ giới bị lật đổ, vài tên giặc gục xuống, nhưng hiệu quả lớn hơn nhiều: Binh lính địch gờm sợ, không dám tiến sâu vào hai bên đường, đốt nhà, phá phách. Tuy vậy, chúng cũng phá được 3 kho gạo, 1 kho muối, 1 kho vũ khí hơn 100 tấn ta chưa kịp di chuyển.
Sau nửa tháng hành quân, cuộc hành binh Lo-ren với 3 vạn quân Pháp đánh lên Phú Thọ không mang lại cho chúng kết quả mong đợi. Ở Tây Bắc, quân ta vượt sông Đà, tiếp tục tiến công địch.
Ở đồng bằng Bắc Bộ, nắm thời cơ lúc đại bộ phận quân cơ động bị địch giam chân ở Phú Thọ, hai Đại đoàn 320 và 304 tiến sâu vào vùng hậu địch trống rỗng như trong Chiến dịch Hòa Bình cuối năm 1951. Trong vòng 10 ngày, từ 5 đến 15-11-1952, chỉ riêng bên tả ngạn sông Hồng đã có tới 34 vị trí từ một trung đội đến một đại đội địch bị quân ta tiêu diệt, 16 vị trí rút chạy và 29 vị trí bị bao vây. Sáng 14-11-1952, quân ta đánh vào Phát Diệm, bắn chìm 3 tàu địch và tiêu diệt 3 đại đội đồn trú.
Bộ chỉ huy Pháp ở vào tình thế buộc phải rút quân về cứu nguy cho đồng bằng Bắc Bộ. Cũng có thể chúng đã phát hiện có một bộ phận chủ lực ta ở Tây Bắc đã quay về.
Chiều 14-11-1952, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, tướng Sa-lăng ra lệnh rút quân.
Lúc này, Trung đoàn 36 đã kịp về đến đất Phú Thọ sau một cuộc hành quân thần tốc đi liên tục 4 ngày 3 đêm từ Cửa Nhì về Phú Thọ. Bộ đội hành quân thâu đêm suốt sáng, chân bước vội vã như chạy, như bay. Điều gì thôi thúc chiến sĩ như vậy? Đó là các tin tức: "Địch đánh lên Phú Thọ!"... "Chúng chiếm Thái Ninh rồi!"... "Chúng nhảy dù Phú Đoan!".
Theo kế hoạch ban đầu, Trung đoàn trưởng Hồng Sơn đã thống nhất với Chỉ huy trưởng Mặt trận Phú Thọ Vũ Hiển, Trung đoàn 36 sẽ đánh đồn địch ở Vân Mộng. Qua sông Hồng, trung đoàn đi đến khu vực Tăng Mỹ, giấu quân bí mật, không chạm trán với quân địch đi càn quét, tích cực chuẩn bị cho trận đánh đồn Vân Mộng diễn ra vào tối 16-11-1952.
Đúng ngày 16-11-1952, trung đoàn nhận được tin địch rút. Điện của tiền phương Bộ Tổng tư lệnh: "Địch bắt đầu rút. Sơn Đông tìm cách đánh ngay" (Sơn Đông là bí danh của Trung đoàn 36 trong Chiến dịch Tây Bắc). Trinh sát của Trung đoàn 36 phái đi trước quay về báo tin: Từ sáng đến chiều 15-11, có 90 xe địch từ Đoan Hùng về Phú Hộ.
Trung đoàn trưởng Hồng Sơn chỉ huy trung đoàn đã nhiều năm, biết rất rõ năng lực của trung đoàn: Tích cực chủ động, cơ động linh hoạt, đã đánh là thắng, đã đánh là quyết định chiến trường. Đó là truyền thống Quân Tiên Phong. Trung đoàn trưởng chuyển quyết tâm tác chiến từ đánh đồn sang phục kích đánh địch rút lui. Thời gian rất gấp, phải đánh ngay sáng hôm sau (17-11), không để cho địch rút quá xuống dưới, địa hình trống trải khó đánh. Khu vực được chọn để phục kích là đoạn đường số 2 từ Chân Mộng đến Trạm Thản.
Cán bộ quân sự đi trước, vừa đi vừa hình thành kế hoạch tác chiến, vừa đi vừa giao nhiệm vụ; Tiểu đoàn 80 chặn đầu, Tiểu đoàn 89 khóa đuôi, gọi Tiểu đoàn 84 về làm dự bị.
Địch chốt 3 đồn ở Vân Mộng, Châu Mộng, Năng Yên. Đoàn cán bộ quân sự do Trung đoàn trưởng Hồng Sơn, các Tiểu đoàn trưởng Cao Lưu, Mai Xuân Tân dẫn đầu đang tìm đường mòn ra đường số 2 thì từ một bụi cây, một ông già tay cầm rìu xuất hiện, nói khẽ: "Bộ đội đi đâu? Đồn Năng Yên kia! Nói to nó nghe thấy?". Đó là cụ Nguyễn Văn Kính quen gọi là ông già "Lán than", chuyên chặt củi đốt than. Cụ dẫn đoàn cán bộ tránh đồn địch, đi ra đường số 2. Trung đoàn trưởng chỉ khu vực bố trí cho các đơn vị, giao nhiệm vụ tại thực địa. Ông già “Lán than” dắt Tiểu đoàn trưởng Cao Lưu và Tiểu đoàn 89 ra nơi ém quân. Phía tiểu đoàn 80 có đồng chí Bình, dân quân xã dẫn đường. Những người đi sau cùng xóa sạch dấu vết. Trận địa phục kích được hình thành trước 5 giờ sáng. Tiết đông lạnh lẽo, trời đầy mây, gió thổi rào rạt. Các chiến sĩ 36 thu mình dưới tán lá rừng đào công sự, chờ giặc đến. Chỉ có vài tổ cảnh giới bí mật bám đường.
Về phía địch, binh đoàn lính dù do Đơ Cuốc-nô chỉ huy đã rút an toàn về tới Việt Trì chiều 15-11. Lực lượng còn lại tập kết tại Đoan Hùng, sáng 17-11 bắt đầu rút, GM4 đi đầu do Kéc-ga-va-rat chỉ huy. GM1 đi sau do Bát-tia-va-ni chỉ huy. Mỗi đơn vị đều có pháo binh, có xe tăng thiết giáp yểm trợ riêng.
Đoàn cơ giới địch nặng nề rời Chân Mộng đi vào thung lũng. Chúng xua đẩy một số đồng bào ta bị bắt đi đầu làm bia đỡ đạn. Chờ cho số đồng bào và bộ phận đi đầu vượt qua trận địa, Trung đoàn trưởng Hồng Sơn hạ lệnh đánh. Kèn lệnh vang lên, toàn trận địa nổ súng. Địch bị hoàn toàn bất ngờ. Ngay từ loạt đạn đầu, hàng chục xe địch bốc cháy, hàng trăm tên địch trúng đạn. Quân ta từ các cánh rừng hai bên đường số 2 tràn xuống, xông vào đội hình xe và binh lính địch đang hoảng loạn, diệt địch. Đội hình địch bị đánh vào khúc giữa. Số xe đi đầu (40 chiếc) chạy thoát về Phú Hộ. Số đi sau chùn lại ở đồn Chân Mộng. Ta đánh nhanh rút nhanh, bắt tù binh, thu vũ khí. Đốt xe xong, ta lui quân, chỉ để lại một lực lượng nhỏ kiềm chế. Suốt ngày 17-11, địch co lại ở đồn Chân Mộng không dám cựa, đến sẩm tối, chúng bí mật rút chạy, nhưng thật bất ngờ, đúng lúc đó, Tiểu đoàn 84 xuất hiện.
Tiểu đoàn 84 đi đánh địch ở Đồn Vàng, nhưng địch ở đó đã rút. Tiểu đoàn trưởng Sơn Mã cho hành quân cấp tốc theo hướng có tiếng súng nổ. Gặp đoàn xe đi cuối, Sơn Mã ra lệnh đuổi theo trong đêm. Đường số 2 đầy xác lính địch và xe cháy làm cho Tiểu đoàn 84 càng hăng say truy kích. Tiểu đoàn trưởng Sơn Mã dẫn đầu bị trúng đạn hy sinh. Chiến sĩ Trần Văn Thoa căm thù đuổi theo dùng thủ pháo diệt xe. Tiểu đoàn 84 đuổi kịp địch, đánh vào những xe đi cuối ở Trạm Thản. Trận phục kích Chân Mộng-Trạm Thản kết thúc lúc 9 giờ tối 17-11-1952. Kết quả: Ta diệt 400 địch, bắt sống 84 tên, bắn cháy 44 xe cơ giới có 17 thiết giáp, thu 1 xe tăng còn nguyên vẹn.
Lúc ấy, tôi là Phó chính ủy Trung đoàn 36 cùng với Ban Chỉ huy trung đoàn nhanh chóng đưa Trung đoàn từ Tây Bắc quay về Phú Thọ đánh thắng trận Chân Mộng-Trạm Thản, tham gia bảo vệ hậu phương chiến dịch.
Sau đó trung đoàn ở lại Phú Thọ giúp đồng bào khắc phục hậu quả cuộc hành binh Lo-ren của giặc Pháp. Chúng tôi không tham dự đợt hai Chiến dịch Tây Bắc.
Đợt hai Chiến dịch Tây Bắc, đêm 15 và 16-11-1952, đại quân ta vượt sông Đà. Sau gần một tháng chiến đấu, ta đã giải phóng toàn tỉnh Sơn La (trừ Nà Sản) và một phần quan trọng tỉnh Lai Châu.
Ngày 10-12-1952, Chiến dịch Tây Bắc kết thúc, giành thắng lợi to lớn. Chiến thắng Tây Bắc Thu đông 1952 đã mở đường cho chiến thắng Thượng Lào, giải phóng Sầm Nưa tháng 5-1953, chiến thắng giải phóng Lai Châu tháng 12-1953 và chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ tháng 5-1954./.
---------


Sunday, 20 October 2013

Trung tá Bi-gia và “cuộc rút lui Tú Lệ năm 1952” (Thủy Trường - Quân Đội Nhân Dân)



Nhật ký chiến tranh
Trung tá Bi-gia và “cuộc rút lui Tú Lệ năm 1952”
QĐND - Thứ Bẩy, 19/11/2011, 17:48 (GMT+7)
QĐND - Không học qua trường quân sự nào, năm 1945 với quân hàm đại úy, Bi-gia (Bigeard) đã đến Việt Nam, được cử lên Tây Bắc thành lập “xứ Thái” trong 18 tháng, sau đó được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn dù, bị bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ, trở về Pháp trước khi nghỉ hưu là Đại tướng. Năm 1994 Bi-gia có đến thăm lại Điện Biên Phủ. Ông là tác giả cuốn sách “Cuộc chiến tranh Đông Dương của tôi”, NXB Hachette, 1994.
Sau đây là những trang nhật ký của Bi-gia trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952.
Bìa cuốn sách “Bi-gia – cuộc chiến Đông Dương của tôi”

Ngày 15-10-1952, 21 giờ
Đại úy Tua-rê (Tourret), phó của tôi (Bigeard) nhảy vào phòng ngủ: “Báo động! Ngày mai chúng ta phải nhảy dù xuống Tây Bắc”. Tôi tìm hiểu tình hình qua sở chỉ huy của Trung tá Đuy-cuốc-nô (Ducourneau) – chỉ huy lính nhảy dù toàn Bắc Kỳ. “Bigeard này, quân Việt đang mở cuộc tấn công lớn vào Nghĩa Lộ, cậu sẽ nhảy dù xuống Tú Lệ, cách Nghĩa Lộ 40km. Nhiệm vụ: “Giữ vững đồn Tú Lệ, tăng cường cho Nghĩa Lộ hoặc Gia Hội”… Các hạ sĩ quan được lệnh rời khỏi phòng chiếu phim, quán “ba”. Suốt đêm, chúng tôi chuẩn bị khí tài và nghiên cứu trên bản đồ.
5 giờ sáng hôm sau, tất cả đã có mặt đầy đủ ở sân bay, lưng thồ những ba lô chất đầy, to, nặng. Đây là lần đầu chúng tôi nhảy dù xuống Tây Bắc. Trời nắng nóng. Sau 3 giờ chờ đợi thời tiết tốt, cuối cùng là khởi hành. Cần đến 30 chiếc máy bay Đa-cô-ta để rải cho hết 700 người của tôi. Vì thiếu máy bay, nên phải “đi” 2 chuyến…
Ngày 16-10, 12 giờ
Tôi lao ra khoảng không. Các dù khác đã nở hoa một cách ngoạn mục. Có hai lính chỉ mở được dù khi cách mặt đất 30m. Còn lại, Tiểu đoàn 6 của tôi đã kết thúc chuyến nhảy tốt. Tập hợp tại vị trí đồn Tú Lệ, mọi người gấp dù… vì cần tiết kiệm…
17 giờ
Máy bay thả khí tài, quân cụ, dây thép gai, thức ăn… giúp chúng tôi có thể lập một đồn lính “truyền thống, cổ điển”: Một hàng rào tre, một số hầm hố trú ẩn… Tôi nhìn thấy Tú Lệ có hai điểm cao: 868 và 831m. Tôi phân công cho hai sĩ quan chốt giữ 868 và 831. Một sĩ quan được giữ lại bên cạnh tôi thay chỉ huy sở với điện đài ra-đi-ô. Suốt đêm, binh lính đào hố, chôn cọc, rải dây thép gai, bố trí hỏa lực… Ban ngày lại tiếp tục củng cố, đổ mồ hôi còn hơn đổ máu. Tôi dự kiến các phương án tác chiến. Liên lạc vô tuyến điện với Gia Hội và Nghĩa Lộ ổn định. Tất cả đều tốt đẹp. Tôi có thể hoàn thành lời giao ước…
Sơ đồ cuộc hành quân rút lui của Tiểu đoàn 6 quân nhảy dù Bi-gia – từ ngày 16 đến ngày 26-10-1952. (1) sông Đà; (2) Đường 41

NGHĨA LỘ THẤT THỦ, MỌI VIỆC TRỞ NÊN LỘN XỘN
Đêm ngày 17 rạng 18 tháng 10(1): Phía đông có vầng sáng. Không nghe được gì, nhưng thấy rõ các ánh chớp, những đường đạn chỉ đường. Đó là đồn Nghĩa Lộ đang bị tấn công. Mong sao các bạn tôi trụ được. Mất liên lạc ra-đi-ô. Không thể làm gì được. Một đêm chờ đợi. Gia Hội có trả lời nhưng chẳng có tin tức gì.
Ngày 18-10, 10 giờ
Một điện ngắn của Hà Nội: “Nghĩa Lộ đã thất thủ”(2). Gia Hội gọi tôi ngay sau đó cho biết quân Việt đang bao vây đồn, nguy hiểm cho họ.
21 giờ
Sở chỉ huy của Bộ chỉ huy Bắc kỳ ra lệnh cho Gia Hội chạy về Tú Lệ. Rối loạn… Cuộc tấn công của quân Việt đã chấm hết cuộc hành trình của chúng tôi. Cách đây 2 ngày. Còn đâu nhiệm vụ đẹp đẽ mà tôi được giao? Một đêm không chợp mắt trôi qua. Sáng sớm, tôi cử người đi đón quân của Gia Hội. Ít phút sau có báo cáo liên lạc điện báo: “Trước mặt, đông người. Có lẽ là người của ta”. Nhưng đó lại là quân Việt. Một trận chạm trán tao ngộ nghiêm chỉnh…
Ngày 19-10, 21 giờ
Tướng Đờ Li-na-rét (De Linares) hạ lệnh cho tôi rời Tú Lệ chạy về phía sông Đà. Không được hỏi lại. Chúng tôi vẫn chờ Gia Hội. Nếu tôi bỏ rơi họ, họ sẽ bị sát hại. Tôi tin vào sự vững chắc của đồn Tú Lệ. Đêm đã xuống. Đã 4 ngày chưa được chợp mắt. Bỗng phía đông có ánh đuốc. Đúng là họ - Gia Hội rồi. Tôi đoán sau lưng họ là quân Việt.
Ngày 20-10, 2 giờ sáng
Màn đêm bị các luồng đạn xé rách tan hoang. Quân Việt tấn công. Chúng tôi trả lời họ đàng hoàng. Liên thanh, súng cối, lựu đạn, súng tự động…
4 giờ sáng
Trận địa yên lặng. Rồi quân Việt lại tấn công ào ào xông lên… Bình minh, trời đã sáng, chúng tôi đếm được 96 xác trên các hàng rào dây thép gai.
12 giờ
Có điện mới của Hà Nội. Trời mù, máy bay không thể hạ cánh. Chúng tôi chôn cất người chết của chúng tôi, đặt các thương binh vào võng dù, cáng… Tôi ra lệnh rút về phía đèo Cao Pha (Khau Pha). Cuộc hành quân bắt đầu. Phải vượt qua 100 ki-lô-mét đường rừng, những đèo núi cao 1.500 mét(3) và đã 4 ngày không được ngủ…
17 giờ
Trời mưa, chúng tôi trượt trên những sườn núi, đồ đạc thấm nước quá nặng. Bỗng từ phía sau truyền lên: “Quân Việt!”. Tôi hạ lệnh: “Ném các vật nặng, vượt nhanh qua đèo”. Mục đích: “Giảm thiệt hại về người”.
Nửa đêm
Đại đội cuối cùng đã tới. Đành phải để lại người bị thương. Chúng tôi tranh thủ nghỉ ngơi một lát. Bố trí phòng ngự đỉnh đèo. Quân Việt không thể làm gì được trong lúc này. 3 giờ yên ổn. Phần đông binh lính của tôi đã quá mệt, không thể đi thêm một bước nữa…
Quân của Bi-gia tiến về phía sông Đà ngày 22-10-1952. Ảnh tư liệu

QUÂN VIỆT Ở NGAY PHÍA SAU
Ngày 21-10, 3 giờ sáng
Phải đi thôi. Tôi tổ chức cuộc rút: Một đơn vị đi sau đón và chặn quân Việt và sẽ rút; một đơn vị khác giấu mình xa hơn nữa, phục kích nổ súng nếu có quân Việt đến. Làm như vậy để làm chậm bước đi của đối phương. Chúng tôi không thể mang theo các bạn bị thương. Chúng tôi đến Mường Chen(4). Mất 8 giờ để chỉ được 15km, mệt mỏi và quân Việt phía sau.
Đồn Mường Chen có 40 lính Thái do chuẩn úy Pê-rôn (Peyrol) chỉ huy. Họ đã biết chúng tôi sẽ đến và cho chúng tôi một bữa ăn nóng. Quân Việt tiếp tục đuổi theo phía sau. Không thể kháng cự tại đây… sinh mạng của hàng trăm con người đang ở trong tay tôi. Tôi không có quyền được mềm yếu. Cuối cùng tôi lệnh: “Tiếp tục rút lui đến It-ong và phải đi trong 14 giờ”.
Pê-rôn ở lại, đối mặt với quân Việt, chặn bước chân của họ càng lâu càng tốt, trong điều kiện có được. Pê-rôn nhận lời ngay, thật là một con người đáng kính trọng. Anh ta hiểu biết kỹ xứ Thái. Chúng tôi được người Thái dẫn đường đi theo lối mòn mà quân Việt không biết.
Ngày 22-10, 19 giờ
Chúng tôi như những con ma, những người máy. Cố một bước, lại bước nữa… Phía sau, Pê-rôn đã nổ súng trong một cuộc chiến tuyệt vọng. Tôi điện cho các sĩ quan: “Nếu tình hình tốt, không cần liên lạc ra-đi-ô”. Chúng tôi vượt qua được vòng vây quân Việt. Họ tưởng là quân mình. Không thể tưởng tượng được. 500 con người giữa một tiểu đoàn địch… Vẫn phải đi. Nhiều người kiệt sức và đã chết. Không kịp một lời cầu nguyện, chỉ kịp lăn họ xuống hố. Đã 48 giờ chỉ có đi và chiến đấu. Một máy bay B-26 bay trên đầu chúng tôi, báo “đồn Mường Chen đã bị tiêu diệt”. Chỉ cần Pê-rôn thoát được!
Ngày 23-10, 14 giờ
Chúng tôi đến It-ong. Có một tiểu đoàn (lính ngụy-ND) đang chờ ở đấy để bảo vệ cuộc rút lui của chúng tôi. Cuối cùng chúng tôi cũng được nghỉ ngơi một ít.
20 giờ
Quân Việt lại đến. Tiểu đoàn lính bảo vệ chúng tôi bị tan rã. Phải tiếp tục đi thôi. Chúng tôi chẳng nghĩ gì hết ngoài một ý tưởng: đứng vững và tiếp tục đi. Chúng tôi đã vứt đi mọi vũ khí nặng: súng cối, điện đài. Chúng tôi cũng phải bỏ lại thương binh. Tất cả chỉ còn là “rút lui”…
Ngày 24-10, 2 giờ sáng
Sông Đà! Mãi mãi là một con sông tuyệt vời! Lính Lê Dương và thuyền bè đã có sẵn ở đấy! Chúng tôi qua sông từng nhóm nhỏ. Tôi đi chuyến cuối cùng. Một lực lượng chiến đấu cần thiết để chờ đón chúng tôi cũng đã được bố trí. Chúng tôi đã được cứu sống!
Ngày 24-10, buổi sáng
Chúng tôi đã đến Ta Bu. Chúng tôi được nghỉ ngơi, được các bác sĩ, y tá chăm sóc. Một chiếc máy bay Mo-ran (Morane) đưa tôi đến Nà Sản(5). Tôi được gặp tướng Đờ Li-na-rét…
Họ tên của tôi và Tiểu đoàn 6 quân nhảy dù thuộc địa chạy dài cùng một lúc trên các trang báo Pháp…
Sách “60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam” (NXB Quân đội nhân dân, 2004) trang 128 viết: “Từ 14-10 đến 10-12-1952, chiến dịch Tây Bắc, bộ đội ta loại khỏi vòng chiến đấu 13.800 tên địch, đánh bại âm mưu củng cố “xứ Thái”, “xứ Mường”, “xứ Nùng tự trị”, giải phóng 25.000km2 với 25 vạn dân Sơn La (trừ Nà Sản), 4 huyện phía Nam tỉnh Lai Châu, 2 huyện phía tây Yên Bái, nối liền Tây Bắc với Việt Bắc”.

Thủy Trường (lược dịch)
(1) Đây là đợt 1 của chiến dịch Tây Bắc
(2) Theo sách “Đại đoàn 308, Quân Tiên Phong, ký sự hình ảnh”, NXB Lao Động, 2009, trang 57 cho biết: “Đến 20 giờ ngày 17-10-1952, Trung đoàn 102 tiêu diệt hoàn toàn Pú Chạng, chỉ huy sở Phân khu Nghĩa Lộ…”
(3) Theo “Tập bản đồ giao thông đường bộ Việt Nam”, NXB Bản đồ 2011, dãy Khau Pha cao 2088m.
(4) Theo “Tập bản đồ…”, sđd, tên Việt là Mường Chiến
(5) Theo Bi-gia “Ngày 25-12-1952, Tiểu đoàn của ông nhảy dù xuống bản Xom, cách Nà Sản 30km. Tháng 8-1953, Nà Sản rút quân”.