Friday, 17 January 2014

Chuyện ít biết về sự kiện Hoàng Sa năm 1974 (Lưu Anh Rô - Quảng Nam)


40 NĂM QUẦN ĐẢO HOÀNG SA BỊ TRUNG QUỐC CHIẾM ĐÓNG (19.1.1974 - 19.1.2014):

Chuyện ít biết về sự kiện Hoàng Sa năm 1974 - Kỳ 1: Ngư phủ và cờ lạ trên Hoàng Sa

Thứ Sáu, 17/01/2014, 08:26 [GMT+7]
Tìm hiểu về việc thực thi chủ quyền tại Hoàng Sa, tôi nhận thấy rằng: nếu dưới thời Nguyễn, đa số các chàng trai đất Việt trong “Đội Hoàng Sa” là người Quảng Ngãi thì thời Pháp thuộc và nhất là từ năm 1954 đến 1975, lực lượng khai thác, bảo vệ Hoàng Sa đa số là người Quảng Nam và Đà Nẵng.


Xâm nhập bất hợp pháp
Mãi đến thời Pháp thuộc, hầu như chính quyền Trung Hoa không hề biết và không dám “hó hé” gì đến Hoàng Sa. Và ngư dân của họ, muôn đời nay đều biết rằng “Hoàng Sa là của Việt Nam”. Ông Lữ Điều, người làng Nam Ô (hiện trú phường Tam Thuận, Thanh Khê, Đà Nẵng), người có mặt tại Hoàng Sa thời Bảo Đại cho biết: “Tôi nhớ có lần (năm 1952) tàu cá của ngư dân Trung Quốc vào đảo để xin nước ngọt, dù lúc ấy chúng tôi phải dùng tiết kiệm nhưng vẫn cung cấp cho họ đầy đủ. Trước khi họ đi, Đảo trưởng chúng tôi nói với họ rằng, đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam nên không được xâm phạm, họ gật đầu, cảm ơn rồi quay trở lại thuyền”.
Một vụ chặn bắt “ngư phủ” Trung Quốc của lực lượng bảo vệ Hoàng Sa Việt Nam Cộng hòa năm 1961. (Ảnh tư liệu)
Một vụ chặn bắt “ngư phủ” Trung Quốc của lực lượng bảo vệ Hoàng Sa Việt Nam Cộng hòa năm 1961. (Ảnh tư liệu)
Thế rồi, lợi dụng lúc quân Pháp rút khỏi Đông Dương, năm 1956, Trung Quốc đã dùng quân đội, giả dạng “ngư phủ”, lén lút đổ bộ chiếm lấy đảo Phú Lâm trong nhóm Hoàng Sa. Chưa dừng lại ở đó, họ tiếp tục từng bước sử dụng “quái chiêu” ngư phủ và cờ lạ hòng chiếm nốt những đảo còn lại. Chúng tôi có dịp tiếp cận nhiều tài liệu mật của chính quyền Sài Gòn đề cập vấn đề này. Một tài liệu cho biết, lực lượng canh giữ Hoàng Sa của Việt Nam đã ngăn chặn và bắt giữ “80 ngư phủ” Trung Hoa, xâm nhập bất hợp pháp hải phận Việt Nam, tại các đảo Quang Hòa, Duy Mộng. Những người này được đưa về Đà Nẵng vào ngày 24.2.1959 để khai thác. Sau đó họ được đưa ra Hoàng Sa, trả về các ghe thuyền của họ vào ngày 6.3.1959. Tiếp đó, một công văn mật của Bộ Quốc phòng gửi Tổng thống cho biết: “Ngày 1.3.1961, hồi 17 giờ, Bộ Tổng Tham mưu Phòng Nhì chúng tôi đã báo cáo bằng điện thoại cho biết việc 9 người Trung Hoa tị nạn cập bến tại đảo Hoàng Sa. Nay chúng tôi nhận được một công điện của Quân khu 2 cho biết thêm như sau: “Ngày 1.3.1961 lúc 16 giờ, có một ghe buồm lạ, chở 9 người Trung Hoa đã cập bến tại đảo Hoàng Sa. Theo lời khai của các đương sự, thì họ từ đảo Hải Nam chạy trốn chế độ cộng sản. Trên ghe gồm có: 1 cựu giáo sư, 1 cựu thiếu úy Trung Hoa Quốc gia, 1 ngư phủ và 6 nông dân”. Cũng trong tháng 3.1961, chiến hạm HQ 329 lại bắt một ghe buồm gắn máy ở gần đảo Money Hoàng Sa chở 20 “ngư phủ” Trung Hoa, quê quán ở Hải Nam và đưa về Đà Nẵng…
Âm mưu
Sau khi chiếm được đảo Phú Lâm, Trung Quốc lén lút cho các tàu cá, chở xi măng, sắt, cát… xây dựng các cơ sở hạ tầng tại đây. Một báo cáo của lực lượng tình báo VNCH cho hay: “Căn cứ theo các không ảnh do Đệ thất hạm đội Hoa Kỳ chụp ngày 29.7.1960 và sau khi so sánh với nhiều thí liệu không ảnh của ta chụp ngày 5.3.1959, thiểm Bộ được biết, Trung Cộng đã thiết lập thêm một con đường xe hơi có thể chạy được, xuyên từ Tây Nam tới Đông Bắc đảo và đã làm thêm một khu công thự gồm có 5 dãy nhà 3 căn (mỗi căn rộng khoảng 4 thước) - 4 dãy nhà 6 căn, 4 dãy nhà 2 căn và 2 cột ăng ten cao khoảng 12 thước”. Đến đầu những năm 1970, do cục diện chính trị trên thế giới có nhiều thay đổi, Mỹ thỏa hiệp với Trung Quốc hòng chống Liên Xô và mong thoát khỏi cuộc chiến tranh sa lầy tại Việt Nam, nên Trung Quốc ráo riết đẩy mạnh kế hoạch đánh chiếm tiếp các đảo còn lại của Hoàng Sa.
Ủy ban Tình báo quốc gia VNCH đã trình lên Tổng thống một văn bản mật, có đoạn: “Tin tức không thám do Đệ I Hạm đội Hoa Kỳ thông báo cho biết các hoạt động của Trung Cộng tại 2 đảo Woody và Lincoln trong dãy Hoàng Sa được ghi nhận như sau: Tại đảo Woody, về hướng Bắc Đông Bắc đã có 50 cơ sở gồm nhà cửa đang xây cất; một cầu tàu dài khoảng 100m được thiết lập từ đảo ra biển hướng Bắc Đông Bắc; kế cận cầu tàu ghi nhận có 3 tàu hàng của Trung Cộng đang cập bến, 2 tàu kéo và 2 sà lan chở đầy vật liệu kiến trúc. Tại đảo Lincoln có nhiều người của Hải quân Trung Cộng hiện diện, hình như đang thiết lập cơ sở. Việc Trung Cộng tăng cường hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa cho thấy Bắc Kinh có thể đang bành trướng việc xây dựng các hòn đảo trên để trở thành các căn cứ hải quân nhằm yểm trợ Hạm đội Trung Cộng hiện đang phát triển mạnh ở vùng biển Đông Nam Á”. Chúng tôi có trong tay nhiều ảnh tư liệu cho thấy các “ngư phủ” Trung Quốc chở vật liệu xây dựng các cơ sở quân sự tại Hoàng Sa.
Bảo vệ chủ quyền
“Đối với tàu và ghe lạ hiện có tại các đảo, Hải quân sử dụng tối đa luật lệ quốc tế đến sommations và dẫn độ với mục đích đuổi đi. Nếu họ sử dụng vũ lực thì trả lời bằng vũ lực. Cho lính Hải quân đổ bộ lên Robert và Duncan, nhổ cờ lạ, cắm cờ Việt Nam, đuổi người lạ đi. Hải quân có nhiệm vụ ngăn ngừa mọi hành động cắm cờ và đổ bộ người lên các đảo còn lại, ví dụ như Drummond và Money. Hải quân, nếu cần, phải được tăng cường phương tiện để bảo vệ tối đa chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Crescent và bằng mọi hành động thích ứng khi cần”.
(Trích Chỉ thị của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa)
Đến năm 1972, Thông cáo chung Thượng Hải giữa Mỹ và Trung Quốc được ban bố, đã tạo ra sự rạn nứt không thể hàn gắn giữa Liên Xô và Trung Quốc. Thêm vào đó, cuộc chiến tranh Việt Nam đang ở giai đoạn gần kết thúc, cục diện chính trị thế giới biến đổi mạnh đã tạo điều kiện cho ý đồ thôn tính Hoàng Sa của Trung Quốc thêm chín mùi. Chỉ hai năm sau đó (1974), Trung Quốc đã quyết định dùng vũ lực chiếm đóng một cách bất hợp pháp toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Một ngày trước khi cuộc hải chiến diễn ra, ngày 16.1.1974, Hội đồng nội các Chính phủ VNCH đã tổ chức một phiên họp, đi đến kết luận “tình hình Hoàng Sa đã trở nên báo động”, đồng thời thông báo chỉ thị của Tổng thống VNCH, nêu rõ: “Bộ Ngoại giao làm tất cả mọi hành động còn làm được có tính cách quốc tế và pháp lý quốc tế, để xác nhận thêm lần chót chủ quyền của ta trên quần đảo Hoàng Sa, từ khía cạnh lịch sử đến công pháp quốc tế qua các hội nghị quốc tế… Thông báo ngay bằng mọi cách cho các quốc gia vi phạm; phổ biến một cách long trọng và rộng rãi những hành động và tuyên cáo hoặc tuyên bố… của chính phủ ngay trong ngày hôm nay 16.1.1974. Đối với tàu và ghe lạ hiện có tại các đảo, Hải quân sử dụng tối đa luật lệ quốc tế đến sommations và dẫn độ với mục đích đuổi đi. Nếu họ sử dụng vũ lực thì trả lời bằng vũ lực. Cho lính Hải quân đổ bộ lên Robert và Duncan, nhổ cờ lạ, cắm cờ Việt Nam, đuổi người lạ đi. Hải quân có nhiệm vụ ngăn ngừa mọi hành động cắm cờ và đổ bộ người lên các đảo còn lại, ví dụ như Drummond và Money. Hải quân, nếu cần, phải được tăng cường phương tiện để bảo vệ tối đa chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Crescent và bằng mọi hành động thích ứng khi cần”.
Ngay trong ngày, Bộ Ngoại giao VNCH đã ra một bản Tuyên bố nêu rõ: “Ngày 11.1.1974, Bộ Ngoại giao Trung Cộng bỗng nhiên lên tiếng mạo nhận chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VNCH. Ngay ngày hôm sau, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao VNCH đã bác bỏ sự đòi hỏi vô căn cứ đó. Mặc dù vậy, trong những ngày gần đây nhà cầm quyền Trung Cộng không những không rút lại sự đòi hỏi vô lý của mình lại còn ngang nhiên xâm phạm vào lãnh thổ của VNCH bằng cách cho người và tàu bè xâm nhập vào vùng lãnh hải chung quanh các đảo Cam Tuyền (Robert), Quang Hào (Duncan) và Duy Mộng (Drummond) thuộc quần đảo Hoàmg Sa (Paracels Islands) của VNCH. Thậm chí bọn người này còn dám đặt chân lên các hòn đảo này, dựng chòi và kéo cờ của Trung Cộng, trắng trợn chà đạp lên chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của VNCH. Trước những sự vi phạm thô bạo đó, Chính phủ và nhân dân VNCH rất công phẫn và quyết không dung thứ”. Và như thế, chiến tranh đang rất gần kề…
LƯU ANH RÔ
Kỳ 2: Âm mưu từ một cuộc “tiểu chiến tranh”

**

Chuyện ít biết về sự kiện Hoàng Sa năm 1974 - Kỳ 2: Âm mưu từ một cuộc "tiểu chiến tranh"

Thứ Hai, 20/01/2014, 08:40 [GMT+7]
Nhận thấy số phận của chính quyền Sài Gòn chỉ còn tính từng ngày và sau khi đã thỏa hiệp xong với Mỹ, lợi dụng dịp Tết Nguyên đán đang đến gần, Trung Quốc quyết định thực hiện một cuộc “tiểu chiến tranh” để thôn tính toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.


Trung Quốc xây dựng trái phép cơ sở hạ tầng tại đảo Phú Lâm của Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Trung Quốc xây dựng trái phép cơ sở hạ tầng tại đảo Phú Lâm của Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Về vụ Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam, một hồ sơ mật lúc đó cho biết: “Như thường lệ, vào ngày 18.1.1974, gần tới Tết Âm lịch (Nhâm Dần), Tuần dương hạm HQ 16 Lý Thường Kiệt khởi hành từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa để thực hiện hoán đổi định kỳ. Chính tuần dương hạm này đã phát hiện sự tập trung dày đặc của các chiến hạm Trung Quốc quanh đảo Hoàng Sa, ngay lập tức họ báo động và đề nghị chi viện”.
Cuộc đối đầu giữa “cáo và thỏ”
Trong 2 ngày 17 và 18.1.1974, Trung Quốc tăng cường lực lượng và cố tình khiêu khích, các chiến hạm của họ tiến sâu vào hải phận phía tây quần đảo Hoàng Sa. Trận hải chiến lớn nhất và dữ dội nhất giữa hải quân Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và hải quân Trung Quốc nổ ra vào sáng 19.1.1974. Ngày hôm sau 20.1, bốn phi cơ MiG-21 và MiG-23 của Trung Quốc oanh tạc các đảo Cam Tuyền, Vĩnh Lạc, và Hoàng Sa... Tiếp đó, binh lính Trung Quốc đổ bộ tấn công các đơn vị đồn trú của VNCH trên các đảo này, chiếm nốt phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa. Có 58 binh sĩ VNCH đã hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa. Sau khi chiếm được toàn bộ quần đảo, Trung Quốc lập tức cho đập phá các bia chủ quyền, đào các mộ của người Việt đã chôn ở đây, xóa các di tích lịch sử của Việt Nam… Chúng tôi cũng có được một số hình ảnh lúc bấy giờ cho thấy, để khuếch trương cái gọi là đã “thu hồi” được Hoàng Sa, Trung Quốc cho quay phim, chụp ảnh giới thiệu bộ sậu chính quyền của đảo và các hoạt động thu nhặt hải sản, xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây; nhất là đặt “bia chủ quyền” có niên đại thời nhà Thanh tại Hoàng Sa?!…
“Mặc dầu Trung Cộng không có một chút lý do nhỏ nào để đòi hỏi chủ quyền về nhóm đảo Hoàng Sa, nhưng về hình thức hành động của Trung Cộng trong biến cố này giống như biến cố Trân Bảo/Damansky trên sông Ussuri giữa Trung Cộng và Liên Xô hồi tháng 2.1969 mà sáng kiến hoàn toàn do Trung Cộng. Đưa quân mai phục, cho lính giả làm thường dân dựng cờ khiêu khích, gây nổ súng, rồi ào tới đánh chiếm. Nam Việt không phải là Liên Xô để có đủ sức trả đũa”.
(Trích thư của Như Phong gửi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngày 22.1.1974)
Ông Nguyễn Văn Cúc - hiện ở tại Đà Nẵng, là người được đưa ra sửa chữa bể nước và khảo sát làm sân bay cho đảo Hoàng Sa vào năm 1973, có mặt tại thời điểm đó, cho biết thời khắc chúng ta mất Hoàng Sa như sau: “Còn vài ngày nữa là chúng tôi đón tết tại Hoàng Sa như thường lệ thì sáng 19.1.1974, quân Trung Quốc nổ súng tấn công các chiến hạm của VNCH và tràn lên đánh chiếm đảo. Chúng bắt giữ chúng tôi đưa đến tỉnh Quảng Đông giam giữ. Đúng Mùng một Tết, chúng ép buộc chúng tôi phải viết giấy nói Hoàng Sa là của Trung Quốc, nhưng anh em cương quyết không viết. Sau đó, Trung Quốc thả 5 người đầu tiên, trong đó có tôi”.
Còn ông Lê Lan, hiện ở tổ 13, khối phố 3, phường Sơn Phong, TP.Hội An cho biết: “Ngày 19.1.1974, tàu chiến, tàu đánh cá vũ trang Trung Quốc có hành động khiêu khích, tiến đến gần quần đảo Hoàng Sa và đổ quân đánh chiếm trái phép. Lúc này, tôi cùng với Trung đội bảo vệ Hoàng Sa đã có trận chiến đối đầu với lực lượng hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, do điều kiện quân ít, thế cô, vũ khí thô sơ nên tôi và một số anh em bảo vệ đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc bắt, đưa về giam ở đảo Hải Nam trong 3 tháng. Sau đó chính quyền Trung Quốc đưa chúng tôi qua Hồng Kông và trao trả về Việt Nam”.
Ngẫm từ hồ sơ tư liệu
Trận hải chiến Hoàng Sa được hãng AP tại Đà Nẵng, ngày 28.1.1974 đưa tin, trong một bài báo được đưa vào hồ sơ Hải chiến Hoàng Sa tại Văn phòng phủ Tổng thống VNCH, cho biết về những người lính sống sót như sau: “Trung úy Ngô Hòa cho biết không bị đau đớn gì trong những ngày lênh đênh trên mặt biển và đến ngày thứ tư thì anh trông thấy một chiếc tàu và tàu này đã cứu anh. Trung úy Hòa hôm thứ Sáu trong một cuộc phỏng vấn đã thuật lại hoàn cảnh của anh và 22 người khác khi trôi trên biển 75 giờ sau khi chiếc tàu của anh chìm trong cuộc giao tranh với tàu Trung Cộng trong vùng đảo Hoàng Sa cách đây một tuần. Có hai người trong số 23 quân nhân trôi nổi trên biển đã chết, sau khi được tàu Hòa Lan vớt. Chánh phủ Nam Việt nói có 11 người chết trong trận giao tranh ở đảo Hoàng Sa nay nằm trong tay Trung Cộng. Giao tranh bắt đầu vào 10 giờ 25 phút sáng và kéo dài độ một giờ. Trung Hoa cho biết như vậy. Trong những phút đầu giao tranh, tàu anh Hòa trúng đạn tại phòng chỉ huy. Thuyền trưởng bị thiệt mạng ngay, thuyền phó lên chỉ huy cũng bị thương rớt từ phòng chỉ huy xuống “boong” tàu và người thứ ba lên chỉ huy ra lệnh bỏ tàu. Trung úy Hòa nói: “Chúng tôi tình nguyện ở lại tàu nhưng được lệnh phải rời tàu”. Một báo cáo khẩn của Bộ Quốc phòng ngay sau khi trận hải chiến diễn ra cho biết:  “Vào 10 giờ sáng ngày 20.1.1974, Trung Cộng sử dụng 16 tàu chiến, nã trọng pháo, rồi đổ quân lên Hoàng Sa. Địa phương quân tại đây chống trả mãnh liệt và sau khi cố gắng chống giữ cho đến hết đạn, tất cả số anh em còn sống sót đều bị bắt làm tù binh”.
Sau khi Hoàng Sa bị mất, Chính phủ VNCH cực lực lên án hành động xâm lược của Trung Quốc và lập tức xây dựng một kế hoạch “tuyệt mật” để đánh chiếm lại Hoàng Sa. Tài liệu này dự định rằng, VNCH sẽ huy động các tàu chiến với lực lượng mạnh, trở lại bao vây quần đảo Hoàng Sa, có sự hậu thuẫn của quân đồng minh Hoa Kỳ với Hạm đội 7 cùng sự hỗ trợ của Không quân tại phi trường Đà Nẵng. Lực lượng không quân sẽ đánh bom. Sẽ sử dụng phi cơ Phantom F4 để đương đầu với MIG-21; một số đơn vị hải quân của Quân đoàn 3 và 4 sẽ được gọi đến để tăng cường cho Quân khu 1. Nếu nỗ lực ngoại giao bất thành, kế hoạch này sẽ thi hành ngay. Tuy nhiên, mọi việc không xảy ra khi một phần kế hoạch trên đã bị “tiết lộ” cho báo chí lúc bấy giờ.
Lý giải hành động xâm chiếm của Trung Quốc, chúng tôi đặc biệt chú ý bức thư của tác giả Như Phong đề ngày 22.1.1974, gửi lên Tổng thống Thiệu có đoạn: “Mặc dầu Trung Cộng không có một chút lý do nhỏ nào để đòi hỏi chủ quyền về nhóm đảo Hoàng Sa, nhưng về hình thức hành động của Trung Cộng trong biến cố này giống như biến cố Trân Bảo/Damansky trên sông Ussuri giữa Trung Cộng và Liên Xô hồi tháng 2.1969 mà sáng kiến hoàn toàn do Trung Cộng. Đưa quân mai phục, cho lính giả làm thường dân dựng cờ khiêu khích, gây nổ súng, rồi ào tới đánh chiếm. Nam Việt không phải là Liên Xô để có đủ sức trả đũa”.
Trong bức thư, tác giả Như Phong nhận định: “Về mặt chiến lược, hành động của Trung Cộng có tầm quan trọng gấp bội, nếu so sánh với biến cố Trân Bảo. Chiếm Hoàng Sa, Trung Cộng áp đặt thế lực của họ trên biển Nam Hải, đặt căn cứ mở đường tiến xuống vùng Nam Thái Bình Dương. Đứng về mặt phòng thủ, Trung Cộng có thể nói rằng họ bắt buộc phải làm như vậy để chọc thủng một phía, cái vòng đai thép của liên minh các đế quốc xã hội và tư bản, trong khi chính Trung Cộng tiếp tục chủ nghĩa bành trướng. Đối với Liên Xô, biến cố Hoàng Sa cần được coi như một hành động đối phó với mọi cố gắng lập hệ thống an ninh Á Châu của Mạc Tư khoa. Nó cũng là một cảnh cáo cho bất cứ một nước Á Châu nào nuôi ý định dựa vào Liên Xô để bắt bí Trung Cộng. Đối với các cường quốc có ảnh hưởng mạnh trên Thái Bình Dương, chủ yếu là Hoa Kỳ, nó mở đầu cho một loạt những thách đố quyết định có thể lật nhào cái nền tảng của một thế quân bình ở Á Châu và Thái Bình Dương mà Mỹ và Tây phương tưởng đã xây dựng được...”.
------------------
Kỳ cuối: Không từ bỏ chủ quyền

LƯU ANH RÔ




***

Chuyện ít biết về sự kiện Hoàng Sa năm 1974 - Kỳ cuối: Không từ bỏ chủ quyền

Thứ Ba, 21/01/2014, 09:10 [GMT+7]
“Chừng nào còn một hòn đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực, thì chừng ấy chính phủ và nhân dân Việt Nam còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình”.


Xuống đường phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa tại Sài Gòn. Ảnh tư liệu
Xuống đường phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa tại Sài Gòn. Ảnh tư liệu
Nhân dân trong nước phản đối
Ngay sau khi Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa, nhân dân khắp miền Nam sục sôi xuống đường, phản đối hành động xâm chiếm này. Người dân đồng loạt tự nguyện tổ chức mít tinh, đưa thư, kiến nghị lên Liên hiệp quốc.
Tại Đà Nẵng, hàng chục nghìn người biểu tình phản đối Trung Quốc và ra tuyên bố nêu rõ: “Chúng tôi, Hội đồng thị xã Đà Nẵng, các đoàn thể chính trị, nghiệp đoàn, hiệp hội, thanh niên, học sinh đại diện cho gần 500.000 dân chúng thị xã Đà Nẵng, phản đối hành động mạo nhận chủ quyền và xua quân trắng trợn cưỡng đoạt quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ VNCH trong những ngày 19 và 20.1.1974 của Trung Cộng. Đây là hành động đe dọa trầm trọng nền hòa bình tại Đông Nam Á và cả thế giới”. Tại tỉnh Quảng Tín (nay là Quảng Nam), một báo cáo được gửi về Sài Gòn cho hay: “Hôm nay là ngày 27.1.1974 vào lúc 10 giờ, tại Hội trường Hòa Bình, thị xã Tam Kỳ, chúng tôi, toàn thể nghị viên Hội đồng tỉnh cùng đại diện các tôn giáo, đoàn thể, hiệp hội, thân hào nhân sĩ tỉnh Quảng Tín đã cùng nhau hội họp để kiểm điểm hiện tình đất nước sau biến cố quân sự trên quần đảo Hoàng Sa ngày 19 và 20.1.1974 và cực lực phản đối hành động xâm lược của Trung Quốc”.
Ở Biên Hòa, nhân dân tổ chức mít tinh tại công trường Sông Phố vào ngày 29.1.1974, để lên án Trung Quốc trắng trợn chà đạp lên Hiến chương Liên hiệp quốc, bằng hành động xâm lăng vào lãnh thổ VNCH tại Hoàng Sa. Tại An Giang, bản kiến nghị của nhân dân có đoạn: “Chúng tôi - 15.000 người gồm đại diện Hội đồng dân cử địa phương, đoàn thể chính trị và tôn giáo, đảng phái, hiệp hội, thân hào nhân sĩ, quân nhân, công chức, cán bộ, sinh viên, học sinh thuộc tỉnh An Giang tham dự mít tinh tại Công trường Trưng Vương, tỉnh lỵ vào lúc 9 giờ ngày 7.2.1974, để phản đối và lên án Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đã công khai xâm lăng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam”...
Bài học về ý thức chủ quyền
Theo chúng tôi, có một bài học lớn về trách nhiệm của VNCH trong việc để mất Hoàng Sa vào năm 1974 mà đến nay vẫn còn tính thời sự đó là: không được để đất nước rơi vào tình trạng bất ổn; cần hết sức cảnh giác sự thỏa hiệp ngấm ngầm giữa các cường quốc. Dù sao, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ vẫn còn diễn ra hết sức gay go, phức tạp, nhất là khi Hoàng Sa vẫn còn do Trung Quốc chiếm đóng. Cho nên, bài học lịch sử về nêu cao ý thức bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia; đẩy mạnh phát triển kinh tế kết hợp với bảo đảm an ninh - quốc phòng trên biển; giáo dục, nâng cao hiểu biết về chủ quyền quốc gia… vẫn luôn tươi mới. Bởi, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia là lâu dài, muôn đời, toàn diện, bao gồm tất cả các biện pháp chính trị, kinh tế, pháp lý, đối ngoại và trên thực địa, cần xử lý tỉnh táo, khéo léo những tình huống mới nảy sinh trong vấn đề tranh chấp biển đảo hiện nay. Nhất là, phải làm sao để mọi thế hệ công dân Việt Nam đều nhớ nằm lòng rằng “Hoàng Sa là của Việt Nam”.
Ngay tại Sài Gòn, Đại hội đồng Tối cao Pháp viện của VNCH nhóm họp lúc 9 giờ sáng 29.1.1974 ở Dinh Gia Long đã cứu xét trường hợp Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa. Sau khi nghiên cứu các tài liệu lịch sử và hành chính liên hệ đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vào hồi 11 giờ 30, Đại hội đồng Tối cao Pháp Viện ra Tuyên cáo lên án Trung Quốc xâm lăng đảo Hoàng Sa, văn bản này có đoạn: “Xét vì, theo các tài liệu lịch sử và hành chính, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc lãnh thổ Việt Nam và được quốc gia Việt Nam cai trị liên tục từ hơn 100 năm nay. Xét vì, do đó quốc gia Việt Nam có chủ quyền trên hai quần đảo nói trên theo Quốc tế công pháp; Đại hội đồng Tối cao Pháp Viện long trọng tuyên cáo: Xác nhận chủ quyền của quốc gia Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cực lực tố cáo trước dư luận quốc tế hành vi xâm lăng của Trung Cộng vi phạm trầm trọng chủ quyền lãnh thổ của VNCH. Khẩn thiết kêu gọi các đoàn thể luật gia trên thế giới, tích cực trợ giúp VNCH trong việc tái lập chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa”…
Dư luận thế giới lên án
Dư luận thế giới lúc đó cũng cực lực phản đối việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa. Ngày 27.1.1974, tờ Sự Thật (Pravda), cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Xô Viết cho rằng: “Hành động quân sự của Trung Cộng tại Hoàng Sa như một chủ trương bành trướng lãnh thổ và là một mối đe dọa cho các quốc gia Á châu, việc sử dụng vũ khí để giải quyết tranh chấp đất đai không thể nào tha thứ được”. Tờ này bình luận thêm: “Người ta có thể tin chắc rằng Mao chủ tâm rắc mầm móng xáo trộn trong đời sống quốc tế, với thâm ý phá hỏng chính sách hòa hoãn và che đậy cảnh tranh quyền và khó khăn ngày càng tăng trong nội bộ Trung Quốc”.
Hàng trăm nước có quan hệ ngoại giao với VNCH cũng đã có công hàm, điện, thư tỏ thái độ phản đối Trung Quốc và ủng hộ chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Thư của Tổng thống Hy Lạp phúc đáp vụ Hoàng Sa, có đoạn: “Hy Lạp là một quốc gia rất mực tha thiết với những nguyên tắc của Liên hiệp quốc nên đương nhiên ủng hộ quan điểm rằng, những vụ tranh chấp giữa các quốc gia nên được giải quyết bằng những phương cách hòa bình. Hy Lạp chống lại bất cứ việc sử dụng võ lực hoặc đe dọa dùng võ lực nào như là một phương cách giải quyết những tranh chấp hoặc tình trạng quốc tế khả dĩ phương hại đến hòa bình, như trường hợp những vụ việc xảy ra cuối tháng giêng vừa qua, tại quần đảo Hoàng Sa”. Văn thư đề ngày 16.4.1974 của Tổng thống Cộng hòa Equateur phúc đáp Tổng thống Thiệu về vụ Hoàng Sa, có đoạn: “Tôi xin mạn phép trình bày cùng Ngài là chính sách của Ecuador (Cộng hòa Equateur) xem việc giải quyết hòa bình các vụ tranh chấp như là một quy tắc căn bản, do đó bác khước sự thủ đắc đất đai bằng võ lực, bằng đe dọa hay bằng cách sử dụng sức mạnh cùng mọi biện pháp cưỡng hành trong bang giao quốc tế. Vì vậy chúng tôi lên án mọi thái độ bất cứ từ đâu đến, mà không phù hợp với những nguyên tắc chuẩn đích của luật pháp quốc tế”.
Chỉ mất đảo khi từ bỏ tranh đấu
Vụ Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa đã làm dấy lên tinh thần dân tộc với nhiều sắc độ khác nhau, đối với người Việt Nam ở trong nước và khắp thế giới. Nhắc đến chủ quyền của Việt Nam, ta hay nhắc đến tuyên bố của ông Trần Văn Hữu. Mới đây, tôi được tiếp cận một mật thư của Tổng trưởng Dân vận - Chiêu hồi gửi Tổng thống Thiệu, đề ngày 22.3.1974, cho biết: Văn phòng thông tin của chính quyền Sài Gòn tại Paris, đã có cuộc phỏng vấn cựu Thủ tướng Trần Văn Hữu phát biểu về vấn đề Hoàng Sa, tại tư thất của ông, ngay sau khi Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm. Ông Hữu nói: “Được tin quân đội Trung Hoa đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, tôi vừa ngạc nhiên và vừa bi ai. Ngạc nhiên là vì việc bất ngờ, bi ai vì cuộc đổ máu rất tiếc giữa hai quân đội. Bất ngờ vì chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa đã được tôi công khai tuyên bố nơi Hội nghị Hòa bình với Nhật năm 1951, vào tháng 9 dương lịch tại San Francisco. Lúc ấy, là lần đầu tiên Việt Nam vào hàng 50 cường quốc có quyền định đoạt vấn đề quốc tế. Trong một bài diễn văn đọc ngày bế mạc hội nghị, tôi long trọng tuyên bố xác nhận chủ quyền của Việt Nam trên cả Trường Sa và Hoàng Sa. Năm mươi phái đoàn cường quốc im lặng nghe lời tuyên bố của Phái đoàn Việt Nam, tức là họ hoàn toàn công nhận, không gặp một quốc gia nào phản đối”.
Chúng tôi cũng vừa có được một tài liệu quý của ông Moshine Mohamedhay, một công dân Ấn kiều sinh trưởng tại Đà Nẵng, là cựu công chức của Pháp theo ngạch Gardeidochinoise phục vụ tại Hoàng Sa từ ngày 18.5.1939 đến 13.3.1942 đã cung cấp nhiều nghị định, quyết định, phúc trình về Hoàng Sa mà chính phủ thuộc địa tại Đông Dương và Đà Nẵng đã trao đổi qua lại với ông. Đặc biệt là bức tâm thư của ông Deloge (72 tuổi), cựu Thị trưởng Đà Nẵng (1938-1939), đề ngày 1.2.1974, với lời tuyên bố mạnh mẽ: “Tôi sẵn sàng làm nhân chứng cho việc tranh tụng chủ quyền của Việt Nam trước tòa án Quốc tế đối với quần đảo Hoàng Sa”.
Ngay sau sự kiện Hoàng Sa, nhiều báo chí, hãng thông tấn đã tìm gặp và đăng tin về những người từng công tác trên đảo. Hãng AFP của Pháp đã bình luận: “VNCH vẫn chưa mất đảo Hoàng Sa và chỉ mất khi nào chịu từ bỏ tranh đấu về chủ quyền của quần đảo này”. Điều đó, hoàn toàn đúng với Tuyên cáo ngày 14.2.1974 của VNCH, rằng: “Chừng nào còn một hòn đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam bị nước ngoài chiếm giữ bằng bạo lực, thì chừng ấy chính phủ và nhân dân Việt Nam còn đấu tranh để khôi phục những quyền lợi chính đáng của mình”.
LƯU ANH RÔ


Vũ lực không đem lại chủ quyền (Ngô Văn Minh - Quảng Nam)


40 NĂM QUẦN ĐẢO HOÀNG SA BỊ TRUNG QUỐC CHIẾM ĐÓNG (19.1.1974 - 19.1.2014):

Vũ lực không đem lại chủ quyền

Thứ Ba, 14/01/2014, 08:52 [GMT+7]
Ngay khi Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo ngày 19.1.1974, chính quyền Sài Gòn lập tức họp báo tố cáo Bắc Kinh vi phạm chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cử ủy ban đặc biệt tới kiểm tra hành động xâm lược và chiếm đóng của Bắc Kinh. Nhân dân Việt Nam ở miền Nam rầm rộ xuống đường phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa.
Toàn cảnh cơ sở hành chính trên quần đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc.Ảnh tư liệu
Toàn cảnh cơ sở hành chính trên quần đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc.Ảnh tư liệu
Sau khi cho quân lén lút chiếm đóng trái phép nhóm phía đông của quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956, ngày 15.1.1974 Trung Quốc lại cho tàu cá chở quân lính giả dạng ngư dân đổ bộ lên chiếm một số đảo thuộc nhóm phía tây, rồi tăng cường lực lượng lên 11 tàu chiến. Nhận thấy tình hình bất ổn, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 duyên hải của quân đội Sài Gòn liền điều các tuần dương hạm và hộ tống hạm tức tốc tiến ra Hoàng Sa. Cuộc đọ súng dữ dội xảy ra trong khoảng 30 phút sáng ngày 19.1.1974 (tức 27 tết). Nhiều chiến sĩ trong quân đội Sài Gòn đã phải vĩnh viễn nằm lại trong khi cố bảo vệ sự toàn vẹn biển đảo của Tổ quốc Việt Nam; 2 tàu HQ-4 và HQ-5 đều trúng đạn; HQ-16 bị hư hại nặng phải dần rút khỏi vòng chiến. HQ-10 là tàu nhỏ nhất bị chìm. Tuy cũng bị tổn thất với 4 tàu bị bắn hỏng và nhiều lính chết, nhưng Trung Quốc đã cưỡng chiếm được toàn bộ phần còn lại của quần đảo.
Sớm nhận biết diễn biến thái độ của phía Trung Quốc đối với Việt Nam kể từ chuyến thăm nước này của Tổng thống Mỹ - Richard Nixon ngày 27.2.1972 và việc Mỹ bỏ rơi chính quyền Sài Gòn trong sự kiện Hoàng Sa (19.1.1974), trong thư gửi đồng chí Phạm Hùng (tháng 10.1974), Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn nói rõ nhận định của Bộ Chính trị là “người ta đã mặc cả với nhau” về Việt Nam. Đấy cũng là một trong những lý do Bộ Chính trị quyết định phải giải phóng miền Nam chỉ trong hai năm 1975 - 1976, sau rút xuống chỉ trong năm 1975, rồi chỉ còn trong tháng 4.1975, trước mùa mưa, vì: “Thời cơ này đòi hỏi phải làm nhanh, làm gọn, làm triệt để, nhưng phải khôn khéo. Có như thế mới tạo được bất ngờ”.
Âm mưu
Sau hành động cưỡng chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực của nhà cầm quyền Trung Quốc, các học giả của nước này cố công tìm kiếm sách cổ, lượm lặt mọi chi tiết dù mơ hồ nhưng có liên quan đến biển Đông để nặn ra bằng chứng về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam). Nhưng dù có cố gắng mấy đi nữa, Trung Quốc cũng không thể chứng minh được chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa. Vì về mặt bằng chứng lịch sử, các nguồn thư tịch của Trung Quốc tính cho đến cuối thế kỷ XIX và thậm chí cả những năm đầu thế kỷ XX đều phản ánh một thực tế hiển nhiên, xác thực, rõ ràng, không thể phản bác là vùng lãnh thổ, lãnh hải truyền thống của nước này chưa bao giờ vượt quá đảo Hải Nam. Trong khi đó, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc đang muốn dựa vào thời gian để một mặt chứng tỏ sự chiếm đóng liên tục, lâu dài của mình đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (kể từ năm 1974 trở đi) và cũng tìm mọi cách ngăn cản sự có mặt của Việt Nam trên vùng biển đảo này, ngõ hầu qua đó cho rằng Việt Nam đã từ bỏ chủ quyền. Nhưng họ đã không thể nào thực hiện được ý đồ của mình. Bởi lẽ, Điều 2 của Hiến chương Liên hiệp quốc đã nói rõ, một hành vi xâm chiếm hay chinh phục không thể được coi là nguồn gốc tạo ra chủ quyền hay thay thế chủ quyền đã có trước đó. Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 24.10.1970 cũng nhắc lại việc cấm sử dụng vũ lực như một phương tiện giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và mọi sự thụ đắc lãnh thổ có được bằng sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp. Mặt khác, dù tạm thời bị mất yếu tố vật chất nhưng Việt Nam không bao giờ từ bỏ yếu tố tinh thần là ý chí về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Ngay khi Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo ngày 19.1.1974, chính quyền Sài Gòn lập tức họp báo tố cáo Bắc Kinh vi phạm chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cử ủy ban đặc biệt tới kiểm tra hành động xâm lược và chiếm đóng của Bắc Kinh. Nhân dân Việt Nam ở miền Nam rầm rộ xuống đường phản đối Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa.
Im lặng không phải là đồng ý
Bấy giờ, do ở vào thời điểm nhạy cảm phải tập trung toàn lực cho giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, và cũng do theo điều khoản của Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 các quần đảo phía nam vĩ tuyến 17 tạm thời thuộc quyền tài phán của chính quyền Nam Việt Nam nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa không lên tiếng công khai. Chỉ có Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra tuyên bố khẳng định: Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là một vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc; vấn đề biên giới và lãnh thổ là vấn đề mà giữa các nước láng giềng thường có những tranh chấp do lịch sử để lại; các nước liên quan cần xem xét vấn đề này trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt và phải giải quyết bằng thương lượng. Như vậy, về mặt phát ngôn ngoại giao, tuyên bố này cũng được hiểu là khẳng định chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia; đồng thời phản đối việc Trung Quốc sử dụng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa.
Tiến sĩ Balazs Szalontai, từng dạy ở Đại học Khoa học công nghệ Mông Cổ và hiện là một nhà nghiên cứu độc lập ở Hungary, trong bài viết “Im lặng nhưng không đồng tình” đăng trên trang web của Đài BBC vào tháng 3.2009 cho rằng “thời điểm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa cho thấy Bắc Kinh muốn hành động trước khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ - tức là trước khi Hà Nội có thể giành lấy các hòn đảo”. Ông cũng cho rằng, với tài liệu mà mình tìm thấy được từ Kho Lưu trữ quốc gia Hungary, sau vụ xâm chiếm của Trung Quốc, các cán bộ ngoại giao của miền Bắc nói với các nhà ngoại giao Hungary rằng Việt Nam có nhiều văn bản chứng minh chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa; xung đột giữa Trung Quốc với chính thể Sài Gòn chỉ là tạm thời, còn sau đó sẽ là vấn đề cho cả quốc gia Việt Nam. Và, “Khác với Bắc Kinh, Hà Nội không hề xem vụ việc đã khép lại. Một Vụ trưởng của Bộ Ngoại giao Bắc Việt nói với Hungary rằng chính phủ miền Bắc dự tính sẽ họp với Trung Quốc để làm rõ vấn đề”. Từ những dẫn chứng này, Balazs Szalontai đi đến nhận định: “Chúng ta không thể dùng nguyên tắc “im lặng là đồng ý” để giải thích hành vi của Hà Nội trong trận hải chiến Trung Quốc - Nam Việt Nam. Sự thụ động tạm thời của Bắc Việt phản ánh tính toán chiến thuật chứ không mang tính chiến lược hay pháp lý... Ngay sau khi chính quyền Thiệu sụp đổ, Bắc Việt không ngần ngại kêu đòi Hoàng Sa”.
Hoàng Sa là của Việt Nam
Đúng như vậy, chỉ 5 tháng sau ngày giải phóng miền Nam, đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam do Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn dẫn đầu sang thăm Trung Quốc, và trong hội đàm với Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình ngày 24.9.1975 đã đặt vấn đề phải giải quyết về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Nửa tháng sau (10.11.1975), Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ đó đến nay, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này, như công bố sách trắng “Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và luật pháp quốc tế”, phản đối mọi lời tuyên bố chủ quyền và những hoạt động của Trung Quốc trên quần đảo; tăng cường công tác quản lý hành chính đối với quần đảo Hoàng Sa bằng việc thành lập huyện đảo vào ngày 9.12.1982 thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, sau đó đặt dưới quyền quản lý của TP.Đà Nẵng kể từ ngày 1.1.1997. Đồng thời không ngừng thực hiện các hoạt động đấu tranh pháp lý, ngoại giao và trên mặt trận tuyên truyền nhằm khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa.
Nhìn lại lịch sử, sau 1.000 năm mất nước (43 - 938) người Việt Nam vẫn khôi phục được “nghiệp xưa họ Hùng”, bởi trong suốt 1.000 năm đó người Việt không hề mất ý chí về chủ quyền đất nước, và 1.000 năm Bắc thuộc cũng đồng thời là 1.000 năm chống Bắc thuộc. Điều đó cho chúng ta vững tin rằng, dù giải quyết vấn đề Hoàng Sa không thể một sớm một chiều, nhưng chắc chắn sẽ có ngày chúng ta thực hiện được sự quản lý thực sự trên quần đảo này. Còn với Trung Quốc, tuy đã chiếm đóng Hoàng Sa suốt 40 năm qua, nhưng vẫn mãi mãi không thể nào có được một tư cách hợp pháp đối với vùng lãnh thổ cưỡng chiếm bằng vũ lực. Ferrier Jean Pierre tại trường Đại học Luật kinh tế và khoa học xã hội ở Paris thẳng thừng chỉ ra rằng: “Đó là hành động vi phạm trắng trợn các quy tắc ngăn cản việc dùng vũ lực và việc xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực… Việc xâm chiếm này về nguyên tắc là phi pháp”. Monique Chemillier - Gendreau, Chủ tịch Hội Luật gia châu Âu cũng căn cứ vào Điều 2, khoản 4 của Hiến chương Liên hiệp quốc khẳng định: “Sự chinh phục bằng vũ lực kéo theo một tình trạng chiếm đóng quân sự luôn luôn là trái phép và sự chiếm đóng quân sự này, trừ khi có một thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan, không thể tự chuyển thành quyền, dù có thời gian dài”.
PGS-TS. NGÔ VĂN MINH

Monday, 13 January 2014

CHÀNG hay TRÀNG, VẠT ÁO hay CỔ ÁO ? (Hoàng Tuấn Công - Tuấn Công Thư Phòng)


Thứ Tư, ngày 11 tháng 9 năm 2013

CHÀNG hay TRÀNG, VẠT ÁO hay CỔ ÁO ?


                               Hoàng Tuấn Công
Áo dài ngày xưa
                                                                Ảnh: Internet
 Tục ngữ Việt Nam có câu “Áo cứ tràng, làng cứ xã” hoặc “Áo cứ tràng, làng cứ lý trưởng”. Tuy nhiên trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt NamGS Nguyễn Lân lại đưa ra một dị bản rất lạ: “Áo cứ CHÀNG, làng cứ xã” và giải thích:“(Xã là chức dịch trong làng). Nói tính ỷ lại của người đàn bà, cũng như tính ỷ lại của người dân trong thôn xóm, không thấy được vai trò làm chủ của mình”.Cách giải thích này bị không ít nhà nghiên cứu, biên soạn từ điển phản đối:
1. Đầu tiên, Học giả Huệ Thiên 
(An Chi) phải thốt lên: “Thật là chuyện quá đỗi bất ngờ khi mà một quyển từ điển lại có thể viết sai chính tả và giảng sai nghĩa đến thế; hình thức chính xác của câu đang xét là “Áo cứ TRÀNG, làng cứ xã”. (Tại sao một số thành ngữ tục ngữ lại khó hiểu - An Chi).Trong bài Đọc lướt “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” của Nguyễn Lân An Chi một lần nữa cho rằng Tràng là vạt trước của áo dàivà đây là một cách hiểu hoàn toàn đúng với cấu trúc cú pháp - ngữ nghĩa của câu tục ngữ đang xét”.
2. Trong Từ điển tục ngữ Việt, Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương cũng lên tiếng phê phán: “Do tra cứu chưa kỹ nghĩa từ vựng của TRÀNG  trong câu Áo cứ tràng, làng cứ xãTừ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (1989-10) đã đánh đồng nó với CHÀNG và đinh ninh rằng CHÀNG này cũng chính là từ được “phụ nữ hay dùng để gọi chồng hoặc người yêu còn trẻ (với hàm ý thân thiết)”...Sơ suất đáng tiếc ấy đã đẩy tác giả tới chỗ phải đưa ra cho một lời diễn giải hoàn toàn “xa lạ” với cảm thức của bao người”. Rồi, TS Nguyễn Đức Dương khẳng định “TRÀNG là một từ cổ dùng để chỉ cái vạt trước của chiếc áo dài”.
3. Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam của nhóm Vũ Dung-Vũ Thúy Anh-Vũ Quang Hào tuy không tranh luận gì với GS Nguyễn Lân nhưng cũng đưa ra dị bản giống An Chi, Nguyễn Đức Dương và chú giải “(tràng: tràng áotức vạt áo; xã; xã trưởng, người đứng đầu xã).
Như vậy, An Chi, Nguyễn Đức Dương và nhóm Vũ Dung đều có hai điểm tương đồng, thống nhất cao: 1. Công nhận dị bản TRÀNG chứ không phải CHÀNG; 2. Khẳng định TRÀNG là vạt trước của chiếc áo dài.
Vậy ai đúng, ai sai ? Và sai, đúng như thế nào ?
Có thể khẳng định ngay: An Chi, Nguyễn Đức Dương và nhóm Vũ Dung đã đúng khi lựa chọn TRÀNG chứ không phải CHÀNG. GS Nguyễn Lân đã sai hoàn toàn khi nhầm “tràng”, một bộ phận của chiếc áo thành “chàng”  là chồng, người yêu và đưa ra cách giải thích không thể chấp nhận. Có lẽ GS cho rằng: việc giặt giũ, vá may quần áo lẽ ra người phụ nữ phải đảm đương, đằng này ỷ lại, “cứ”(để cho) “chàng” (chồng) phải lo, phải làm, (nên gọi là“áo cứ chàng”); còn công việc của làng “người dân trong thôn xóm” “cứ”(ỷ lại) cho ông xã trưởng mà “không thấy vai trò làm chủ của mình”( nên gọi “làng cứ xã”) chăng ? !
Tuy nhiên, liệu An Chi, Nguyễn Đức Dương, nhóm Vũ Dung đã đúng khi cho rằng TRÀNG trong câu tục ngữ là cái vạt trước của chiếc áo dài ? Theo tôi, ở ý thứ hai, các nhà khảo cứu, biên soạn đã thay cái sai này bằng cái lầm khác. TRÀNG trong câu tục ngữ có nghĩa là cái cổ áo, không phải cái vạt trước của chiếc áo dài. Để đến được kết luận ấy, ta cần phải đi đường vòng. Tức xét nghĩa Hán Việt của từ lĩnh領 (cổ áo) trong một số cuốn từ điển, tự điển:

4.Khang Hy tự điển:
領:(...) 里整切音嶺。領,頸也。(...)。亦言總領衣體,爲端首也:Lĩnh (...) Lý chỉnh thiết, âm lĩnh (...) “Lĩnh, cảnh dã (...), diệc ngôn tổng lĩnh y thể, vi đoan thủ dã” nghĩa là: Chữ Lĩnh - thiết âm là lý chỉnh, âm đọc là lĩnh. Lĩnh-cái cổ (...) cũng chỉ bộ phận thống lĩnh đối với chiếc áo; là cái đầu mối vậy”.
    2. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu: “Lĩnh 領. Cái cổ... Cái cổ áo, một cái áo cũng gọi là [b]nhất lĩnh[/b] 一領. Xóc áo thì phải cầm cổ, cầm tay thì áo mới sóng, vì thế nên người nào quản lí một bộ phận, một nhóm gọi là [b]lĩnh tụ[/b] 領袖 (đầu sỏ)”.
  3. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giải thích: “Lãnh領-Cái cổ-Cổ áo-Một cái áo-Thống suất cả…”“Lãnh tụ - Cổ áo và tay áo. Khi cổi áo tất trước cầm cổ áo và tay áo-Ngb. Người có tài xuất chúng làm thủ-lãnh cho nhân-chúng”.
Trong 3 cách giải thích, Thiều Chửu rõ ràng hơn cả. Tuy nhiên, hai từ “xóc áo” và “sóng” có vẻ hơi khó hiểu. Việt Nam tự điểncủa Hội Khai Trí Tiến Đức giải thích: “2.Xóc: Xách lên mà lắc để cho xuống đều: Xóc cổ áo”; “Sóng: Trơn óng, thẳng, không rối”.Từ điển AN NAM - LUSITAN - LA TINH- A.de Rhodes giải thích“Xóc: Xóc áo: Xóc áo đã mặc để cho thẳng”.
Như vậy, từ lĩnh với nghĩa cổ áo-bộ phận thống lĩnh, chức năng thâu tóm cả cái áo tỏ ra rất “đắt”, rất hợp với nghĩa của chữ TRÀNG trong câu tục ngữ đang bàn. Thế nhưng, tục ngữ nói tràng, đâu có nóilĩnh ? Dựa vào đâu để nói rằng tràng chính là cách gọi nôm của lĩnh? Câu trả lời có trong các sách:
1. Tam thiên tự - Đoàn Trung Còn viết: “ ÁoLãnh 領 -Tràng”.
2. Ngũ Thiên Tự  (bản Hán, Việt, Pháp) Đoàn Trung Còn chú rõ hơn: “領-Lãnh (lĩnh) - Tràng (cổ áo) - Col”.
3. Việt ngữ tinh nghĩa từ điển - Long Điền Nguyễn Văn Minh (tr.133) giải thích: “Lãnh"  mục “c, là tràng áo, như “lãnh tụ” tràng áo và ống tay áo, chỉ dùng với nghĩa bóng nói người đứng đầu một đảng phái.”
4. Việt Nam tự điển - Hội Khai Trí Tiến Đức: “領-Lĩnh.Tràng áo (không dùng một mình). Lĩnh tụ  袖 tràng áo và tay áo. Chỉ dùng nghĩa bóng để nói người đứng đầu một đảng- phái:Lĩnh - tụ đảng xã hội”.
5. Đại Nam quấc âm tự vị - Huỳnh Tịnh Paulus Của: “Lãnh:Tràng;(...) Áo viên lãnh: Áo cổ tròn, áo cổ trịt”. (Trịt ở đây có nghĩa là bệt, bẹt xuống, tức không phải áo cổ đứng-HTC).
Như vậy, ít nhất 5 cuốn từ điển, tự điển Hán Việt thích nghĩa chữlĩnh nghĩa nôm trực tiếp là tràng (cổ áo). Kết luận: lĩnh tràng - cổ áo - bộ phận quan trọng nhất của cái áo. Cách kết cấu ngữ pháp, ngữ nghĩa của dân gian rất rõ ràng, đăng đối chặt chẽ: tràng (cổ áo) là bộ phận mấu chốt, căn bản nhất của cái áo, giữ vị trí thống lĩnhđối với cả cái áo; xã (xã trưởng, lý trưởng) là cấp chủ chốt, quản lý cao nhất của làng. Muốn “xóc” (cầm, túm,) để giũ cái áo cho phẳng cứ nắm lấy phần cổ áo là chắc chắn, gọn gàng nhất. (Thực tế, trong sinh hoạt hàng ngày, khi cầm chiếc áo, ta đều chọn vị trí cổ áo, thậm chí khống chế một người nào đó, người ta vẫn hay nắm lấy vị trí cổ áo); cũng như gặp việc ở trong làng (phu phen, tạp dịch, bắt rượu lậu…) cứ nắm lấy người đứng đầu có trách nhiệm cao nhất “xã” (trưởng) mà “gõ” xuống. (Bởi thế, dân gian có câu: Đục đến chạm thì chạm đến khăng, Đòn đánh lý trưởng thì văng cả làng là vậy).
Trở lại cách lý giải của các nhà nghiên cứu và biên soạn từ điển. Vì chọn nghĩa TRÀNG là vạt trước của áo dài nên tất cả đều rất lúng túng khi đưa ra lý giải tại sao lại “cứ tràng” (cứ vạt áo). Cái vạt áo (vốn chỉ đáng được “vinh danh” ở một số chức năng “sáng tạo tự phát” ngoài trang phục như: lau nước mắt, lau, chùi, đùm, đựng, vân vê làm dáng...) đã bị các nhà ngữ học, biên soạn gán ghép cho một số chức năng rất “hoang đường”:
1. Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam của nhóm Vũ Dung giải nghĩa: “Áo cứ tràng...” là “muốn tìm ai thì cứ túm lấy vạt áo”. Thế nhưng, nếu hiểu như vậy lại thành “Người cứ tràng...” (người thì cứ tràng (vạt áo) mà túm) chứ không phải “Áo cứ tràng...” nữa. Vả lại, còn đang đi “tìm ai” đó thì làm sao túm được “vạt áo” của người ấy ?
2. Từ điển tục ngữ Việt của Nguyễn Đức Dương giải thích: “Áo thì nên lấy tràng làm chỗ dựa (khi cắt may) làng thì nên lấy lý trưởng làm chỗ dựa (khi tiếp xúc, bình phẩm)”. Nếu giải thích như vậy, tục ngữ này lại đưa đến cho ta một kinh nghiệm khác, đó là cách cắt may áo mất rồi ! Và không biết Nhà ngữ học đã tiếp thu cái “kinh nghiệm” này ở đâu ? Vạt áo không bao giờ là chỗ dựa khi cắt may. Bởi bộ phận này dẫu ngắn - dài, hay rộng - hẹp một chút cũng không sao, nhưng cổ áo, vai áo mà chật thì mặc không nổi. Nói lấy vạt áo“làm chỗ dựa (khi cắt may)” là một kiểu gán ghép rất phi lý. Ấy là chưa kể đến “kinh nghiệm ngoại giao” “lấy lý trưởng làm chỗ dựa (khi tiếp xúc, bình phẩm)” cũng có “vấn đề”. Bởi “bình phẩm” về làng xã mà chỉ dựa vào mỗi ông lý trưởng thì làm sao chính xác ? Không lẽ mỹ tục thuần phong của làng xã tập trung cả nơi ông xã, ông lý chăng ?
3. Riêng Nhà từ nguyên học An Chi thật khôn khéo khi không cố giải thích tại sao lại “áo cứ tràng” mà chỉ dừng ở chỗ khẳng định TRÀNG là vạt trước của áo dài. Đúng là Từ điển AN NAM - LUSITAN - LA TINH A.de Rhodes có giải nghĩa Tlàng áo: phần trên chiếc áo che cổ” (Tlàng là cách phát âm xưa của tràng-TC). Tuy nhiên, A.de Rhodes chỉ giải nghĩa từ vựng mà không giải thích ý nghĩa hàm ẩn của từ tràng (cổ áo). Chính vì vậy nên ngay cả khi An Chi tiếp cận với dữ liệu này, ông vẫn lựa chọn nhầm TRÀNG trong câu tục ngữ đang bàn với nghĩa cái vạt trước của chiếc áo dài, chứ không phải là chiếc cổ áo trứ danh ?
Đến đây, ta thấy thêm một thực tế: từ TRÀNG với nghĩa là cổ áovà TRÀNG với nghĩa là vạt trước của chiếc áo dài thường bị đánh đồng làm một (theo nghĩa thứ hai vạt áo) ngay cả đối với các nhà làm từ điển. Ví dụ:
1. Chữ  lĩnh (lãnh), Việt Nam tự điển và Đại Nam quấc âm tự vị đều giải nghĩa là tràng (cổ áo). Nhưng cũng chính trong hai cuốn tự điển này, ở mục từ tràng lại chỉ thấy thích nghĩa vạt trước của áo dài mà không hề nhắc đến nghĩa cổ áo đã được chú ở mục từlãnh, lĩnh.
2. Từ điển từ Việt cổ của Nguyễn Ngọc San - Đinh Văn Thiện,Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên và nhiều cuốn từ điển khác đều cho rằng tràng là từ cổ, chỉ duy nhất có một nghĩa liên quan đến trang phục là vạt trước của chiếc áo dài.
3. Cuốn từ điển cổ xưa Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, mục Y quan bộ đệ cửu, chữ tràng với nghĩa cổ áo cũng bị người phiên âm chú giải thành vạt áo:
Hộ Lĩnh buộc che ngoài tràng.
Yểm Lý danh rằng lụa vuốt mồ hôi
Trần Xuân Ngọc Lan chú thích “Tràng: vạt áo”. Tuy nhiên, chữ領-lĩnh có một số nghĩa: cổ, cổ áo, một cái áo... Chữ “lĩnh” trong“hộ lĩnh” phải được hiểu là cái cổ“hộ” là bảo vệ, che chắn, “hộ lĩnh” = vật bảo vệ cái cổ (tức cái khăn quàng cổ). Tên gọi này xuất phát từ chức năng của cái khăn quàng cổ, ban đầu chỉ có ý nghĩa thực dụng là bảo vệ cái cổ (hộ lĩnh). Sau này, cái “hộ lĩnh” mới trở thành phục sức, (nghĩa là thêm cả chức năng trang điểm, làm dáng) và được gọi là lĩnh cân (khăn quàng cổ). Cách giảng giải của tác giả Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa hiểu theo ngôn ngữ ngày nay là: Vật bảo vệ cái cổ (hộ lĩnh) được buộc che ở bên ngoài cái cổ áo (tràng). Hai câu:Hộ Lĩnh buộc che ngoài tràng,Yểm Lý danh rằng lụa vuốt mồ hôiđều nói về hai mảnh vải: một là khăn quàng cổ buộc che bên ngoàitràng (cổ áo) và một là mảnh lụa “vuốt”(lau, thấm) mồ hôi, được lót ở phía trong áo. Điều này hoàn toàn phù hợp với văn cảnh và cách trình bày của Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa: xếp từ theo chủ đề, theo cặp từ, loại từ cùng chỉ về sự vật, hiện tượng nào đó. Ví như cặp nói về hai loại áo của vua: “Long Cổn” và “Hoàng bào”:
Long Cổn hiệu là áo rồng,
Hoàng bào Tống tổ mặc phong mạ vàng
Hoặc cặp nói về hai loại áo “Sa y” và “Hiệp y”:
Sa y mặc mát áo the.
Hiệp y áo kép kéo dê càng dài.
Rồi cặp từ nói về hai loại đai (dải):
Kê Đới tơ điều thắt ngoài.
Hộ Đới dải áo hằng cài tương liên.
Nếu hiểu tràng là vạt áo theo cách chú giải của Trần Xuân Ngọc Lan, thì “lĩnh” ở đây có nghĩa là một cái áo“hộ lĩnh” là vật bảo vệ cái áo? Hộ Lĩnh buộc che ngoài tràng là Vật bảo vệ cái áo được buộc che ngoài vạt áo. Diễn giải này hết sức vô lý. Vì ta không thấy có bộ phận hay một thứ trang phục nào lại có thêm một vật đảm nhận chức năng bảo vệ cái áo và nằm ở vị trí buộc che ngoài vạt áo như vậy. Mặt khác, vị trí xung yếu, thường bị rách, rách trước tiên của áo cần được “hộ” (bảo vệ) là vai áo, chứ không phải vạt áo.
Thực tế trên buộc ta phải nhìn nhận lại một số cách giải thích, cách hiểu về từ “tràng”. Trong các câu thơ: Giọt châu tầm tã đẫmtràng áo xanh (Truyện Kiều-Nguyễn Du), Lệ ai chan chứa hơn người, Giang Châu Tư - mã đượm tràng áo xanh. (Tỳ - bà - hành). Thì “tràng” ở đây chính là vạt trước của áo dài thấm những “giọt châu”, giọt lệ “tầm tã”, “chứa chan”. Tuy nhiên câu “Áo rách phải giữ lấy tràng” thì tràng lại là cổ áo chứ không phải vạt áo? Bởi vì, cái cổ áo là bộ phận quan trọng nhất của cái áo nên dù áo có rách (ở đâu) chăng nữa cũng phải giữ được cái cổ áo lành lặn. Cũng giống như cái lề của tờ giấy rất quan trọng nên dù rách ở đâu cũng phải giữ lấy cái lề (Trong câu đồng nghĩa “Giấu rách phải giữ lấy lề”). Thế nhưng, nhiều nhà nghiên cứu, biên soạn từ điển lâu nay vẫn nhầm lẫn khi cho rằng trong câu tục ngữ Áo rách phải giữ lấy tràng thì tràngnghĩa là vạt áo:
1. An Chi trong bài phê bình GS Nguyễn Lân viết: “Tràng” (...) được hiểu là cái vạt trước của chiếc áo dài. (Tục ngữ còn có câu “Áo rách phải giữ lấy tràng” mà chính Nguyễn Lân cũng đã có ghi nhận)”.
2. Nguyễn Đức Dương trong Từ điển tục ngữ Việt chú thíchtràng là vạt trước của áo dài và giải thích: “Áo dù có rách chăng nữa thì cũng phải cố giữ cho được cái tràng (để còn dùng được vào việc khác). Hay dùng với ẩn ý: nh. Giấy rách phải giữ lấy lề”.
3. Việt Nam tự điển - Hội Khai Trí Tiến Đức, mục từ “lĩnh”chú nghĩa "tràng (cổ áo)" nhưng mục “tràng” lại chỉ ghi nhận“Tràng: Vạt dài trong áo: Tràng áo” Rồi trích dẫn: “Văn liệu: Áo rách thì giữ lấy tràng, Đủ đóng đủ góp với làng thì thôi (C-d). Lệ ai chan chứa hơn người, Giang Châu Tư - mã đượm tràng áo xanh. (Tỳ - bà - hành). Như thế Việt Nam từ điển đã sai khi đánh đồng chữ tràng (cổ áo) trong câu tục ngữ Việt và chữ tràng (vạt áo) trong câu thơ dịch Tỳ bà hành làm một.
Riêng Nguyễn Đức Dương đã dấn sâu vào sai lầm khi giải thích“Áo dù có rách chăng nữa thì cũng phải cố giữ cho được cái tràng (để còn dùng được vào việc khác). Xin hỏi, “việc khác” ở đây là gì, nếu không phải là để “tận dụng” làm miếng vá vào chỗ rách của chiếc áo khác, hoặc làm giẻ lau ? Nếu chỉ với mục đích như vậy thì liệu có cần “cố sống cố chết” mà giữ cho được cái vạt áo của chiếc áo rách bỏ đi không ? Tục ngữ đang nói cái áo rách nhưng vẫn mặc, vẫn dùng cơ mà ? Nếu đủ cả lục bát “Áo rách phải giữ lấy tràng, Đủ đóng đủ góp với làng thì thôi, ta sẽ hiểu: Áo (mặc trên người) dù có rách ở đâu thì cũng phải giữ lấy phần quan trọng nhất là cái tràng (cổ áo); Cũng như dù khó khăn nghèo túng đến mấy cũng phải cố gắng đủ đóng đủ góp nghĩa vụ với làng.
Có thể nói câu tục ngữ Áo cứ tràng, làng cứ xã có “niên đại” rất sớm. Sớm đến mức từ tràng (với nghĩa cổ áo) đã trở nên mờ nhạt, thậm chí biến mất hoàn toàn trong sách vở và ngôn ngữ thời hiện đại. Chỉ khi trả lại cho chữ tràng trong câu Áo cứ tràng, làng cứ xã (vàÁo rách phải giữ lấy tràng) nghĩa chính xác là cái cổ áo vấn đề mới được sáng tỏ. Đây chính là bài học kinh nghiệm điển hình đối với các nhà sưu tầm biên soạn từ điển thành ngữ, tục ngữ. Nhiều trường hợp không thể chỉ tra cứu kỹ nghĩa từ vựng của từ nôm trong câu tục ngữ (như cách Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương từng chỉ giáo GS Nguyễn Lân) rồi đoán định, áp đặt cách hiểu. Trong khi ý nghĩa đích thực của nó lại nằm trong từ vựng từ Hán Việt./.

Những sách đã dẫn và tham khảo:
1,Đại Nam quấc âm tự vị (Dictionnaire ANNAMMITE) Huình Tịnh Paulus Của-Sài Gòn 1895.
2,Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa -Trần Xuân Ngọc Lan phiên âm chú giải (NXB Khoa học xã hội - Hà Nội 1985).
3,Ngũ thiên tự Đoàn Trung Còn (Nhà xuất bản Thanh Niên-1999)
4, Từ điển AN NAM - LUSITAN - LA TINH (thường gọi Từ điển Việt-Bồ-La) A.de Rhodes  - NXB Khoa học xã hội-1991.
5,Việt Ngữ Tinh nghĩa từ điển-Long Điền Nguyễn Văn Minh (-NXB Quảng Vạn Thành- Hà Nội 6/1950).
6.Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam -GS Nguyễn Lân (NXB Văn hóa - 1989)
7.Việt Nam tự điển - Hội Khai Trí Tiến Đức - Nhà in Trung Bắc Tân Văn - 1931. 
8. Từ điển từ Việt Cổ-Nguyễn Ngọc San- Đinh Văn Thiện-NXB Văn hóa thông tin-2001(Cần nói thêm từ tràng vốn gọi đầy đủ làtràng vạt (trường vạt-vạt dài), sau này mới biến đổi và gọi tắt làtràng (trường) với nghĩa mặc định là vạt trước của áo dài. (Đúng như Đào Duy Anh giải thích trong Từ điển Truyện Kiều). Theo đó, từ tràng vạt có sớm hơn, cổ hơn từ gọi tắt tràng).
9. Một số bài viết của Huệ Thiên (An Chi) được đăng lại trêne.cadao.com và ngonngu.edu.vn

Sunday, 12 January 2014

THỔ ÂM THỔ NGỮ THANH HÓA (Hoàng Tuấn Phổ - Tuấn Công Thư Phòng)


Thứ Hai, ngày 21 tháng 10 năm 2013

THỔ ÂM THỔ NGỮ THANH HÓA


                                                    HOÀNG TUẤN PHỔ

Thanh Hóa là một vùng văn hóa, trong đó ngôn ngữ người Việt, thành phần dân tộc chủ thể rất giàu sắc thái địa phương, nhưng chưa có một công trình nghiên cứu khoa học đầy đủ và sâu sắc.
 
Cây trôi ở làng Văn Đoài-Quảng Hòa-Quảng Xương-Thanh Hóa
                     Ảnh:Tuấn Công

 Sách “Địa chí văn hóa xã hội Thanh Hóa” cũng chỉ dành cho “lời ăn tiếng nói” người xứ Thanh số trang ít ỏi với nội dung sơ sài. Các sách Địa chí huyện Hà Trung, Địa chí huyện Thọ Xuân, chú ý đề cập vấn đề “thổ âm - thổ ngữ”, nêu rõ sắc thái địa phương, tuy nhiên chỉ giới hạn phạm vi trong huyện.

    Thổ âm - thổ ngữ Thanh Hóa là giọng nói và lời nói mang tính địa phương của người Thanh Hóa. Người Thanh Hóa ở đây là người Việt cư trú trên đất Thanh Hóa. Và, Thanh Hóa, chúng ta đều biết, một vùng đất lịch sử khá lâu đời: thời Hùng vương là bộ Cửu Chân, thời Bắc thuộc là quận Cửu Chân bên cạnh quận Giao Chỉ, thời phong kiến tự chủ là Châu Ái, lộ, trấn Thanh Hoa rồi tỉnh Thanh Hóa.
    Về địa lý, Thanh Hóa được đóng khung bởi ba bề núi, một mặt biển, đèo Ba Dội (Tam Điệp) mở cửa ra đồng bằng Bắc bộ bao la, khe Nước Lạnh (Hàn Khê) thông lối vào dải đất dằng dặc miền Trung. Nhìn vào bản đồ lịch sử - địa lý Việt Nam cận hiện đại, Thanh Hóa giống khu vực “đệm” ở giữa miền Bắc với miền Trung. Một số học giả người Pháp thời trước muốn đem Thanh Hóa nhập vào Bắc kỳ, dựa vào ngôn ngữ và khí hậu, để tách Thanh Hóa khỏi Trung kỳ “trực trị” của triều đình Huế, thể hiện kín đáo một quan điểm mang ý đồ chính trị, vì bấy giờ Bắc kỳ là đất bảo hộ của Pháp. Mất Thanh Hóa, nhà Nguyễn mất một hậu phương rộng lớn, kho nhân, tài, vật lực dồi dào, mất luôn chỗ dựa tinh thần đất tổ quê cha. Nhìn chung, người ta đều thấy Thanh Hóa như một nước Việt Nam thu nhỏ, có rừng, biển, có trung du, đồng bằng, núi liền núi, sông liền sông, nhiều thành phần dân tộc anh em cùng cư trú, đoàn kết thân ái, cần kiệm sáng tạo, chiến đấu dũng cảm... Trong lịch sử chưa bao giờ bị chia tách, không thể chia tách. Tính ổn định về lịch sử, địa lý và tính bền vững của cư dân bản địa người Việt Cửu Chân (xuất hiện từ thời Hùng vương và có thể xa xưa hơn nữa) là cơ sở để Thanh Hóa hình thành một kiểu lời ăn tiếng nói giàu sắc thái thổ âm - thổ ngữ. Trong tiến trình lịch sử, nhiều người từ đồng bằng sông Hồng di cư vào, từ lưu vực sông Lam chuyển ra, dĩ nhiên họ đều mang theo lời ăn tiếng nói quê hương mình, nhưng chỉ qua một vài đời, không ai còn nhận ra gốc tích. Ngược lại, người Thanh Hóa đi đến phương trời nào của Tổ quốc, dù là Hà Nội với ngôn ngữ được xem là “chuẩn” hay những miền quê Nam bộ với ngôn ngữ “lệch”, chất giọng Thanh Hóa vẫn có thể nhận ra, mặc dù họ đã cố gắng “tẩy xóa” dấu vết thổ âm - thổ ngữ xứ Thanh.

    Nói đến lời ăn tiếng nói Thanh Hóa, người ta thường nhấn mạnh cụm từ “mô, tê, răng, rứa”, như là điểm đặc trưng nhất. Nhưng “mô, tê, răng, rứa” từ sông Lam vào đến vịnh Hà Tiên, cả Trung - Nam bộ (quá nửa nước) đều nói, chỉ khác nhau dấu giọng (phát âm) nặng nhẹ - sự thực, vùng ngôn ngữ xứ Thanh là một thế giới âm thanh vô cùng phong phú - phong phú đến rối rắm, phức tạp, khác nào ngàn cây nội cỏ, khiến nhà nghiên cứu ngại bước chân vào. Tuy nhiên, khi nó được khám phá, hẳn ai cũng thấy hết sức thú vị. Trong một chương trình truyền hình, có sinh viên người Thanh Hóa không nói “cầm lấy” mà nói “cằm lấy” lập tức bị người dẫn chương trình phê phán với giọng châm biếm khiến cử tọa cười ồ! Tưởng chỉ là chuyện vui, hóa chuyện... buồn... cười! Buồn cho kiến thức nông cạn và thái độ thô thiển đến tức cười!
    Tiếng Hà Nội được xem là chuẩn, nhưng nếu người các địa phương trong nước phát âm chệch (không chuẩn) cũng chẳng có gì lạ. Bởi xứ sở Hà thành chẳng phải hiếm trường hợp “nói năng” không chuẩn. Ví dụ: âm tr nói thành âm gi (ông giời, giồng cây, ăn giầu...), âm tr thành âm ch (con châu, chào phúng, đánh cháo...) s thành x (xo xánh, xung xướng, cam xài, xứ xở...) âm r thành âm d (du ngủ, chín dộ, dung động...), v.v...

    Tiếng Việt phổ thông yêu cầu đọc và viết chuẩn, nhưng chưa hề quy định tất cả người Việt phải phát âm chuẩn, nói giọng chuẩn, vì hoặc là không làm được hay không nên làm bởi mất đi sự muôn màu ngàn vẻ của nó. Tuy nhiên, nhìn chung phần lớn học sinh thường ngày phát âm không chuẩn, khi viết và đọc ít khi mắc lỗi chính tả. Cũng có những trường hợp nếu khô cứng “chuẩn hóa” chỉ gây tác hại “nghèo hóa” tiếng Việt. Ví dụ: nhầm lẫn và lầm lẫn, lềnh phềnh và lềnh bềnh, đường sá và đàng sá, ví dụ và thí dụ, khoác lác và phét lác, nói láo và nói phét, lười biếng và lười nhác, v.v... Có những thành ngữ, tục ngữ, ca dao địa phương Thanh Hóa in dậm dấu vết thổ âm - thổ ngữ xứ Thanh, đã góp phần làm giàu có thêm kho tàng thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam:
    - Đã mất lả lại mất cả tro bếp (lả = lửa).
    - Thuốc đắng đã tật (đã là khỏi, không phải “dã”).
    - Việc nhà nhác việc chú bác siêng (nhác = lười).
    - Anh về cho em về theo
    Bác mẹ có đánh ta leo lên giường (leo = trèo)
    - Làm đẫy không xấu bằng xay cấu ban ngày.
    (đẫy = đĩ, cấu = thóc gạo).

    Thổ âm - thổ ngữ góp phần quan trọng tạo nên sắc thái địa phương. Như dân ca Đông Anh có câu: “Ba bốn o có bợm cùng chăng...” nếu thay o bằng cô, bợm bằng bạn thì không còn là Thanh Hóa. Hay bài hát về Hà Tĩnh của Nguyễn Văn Tý: “Đi mố rồi cũng nhớ về Hà Tịnh ..” nếu thay mố bằng đâu, chữa Tịnh thành Tĩnh thì đâu phải chất dân ca xứ Nghệ. Nghe dân ca Nam bộ, ta như được dự những bữa tiệc thổ âm - thổ ngữ vùng đồng bằng sông nước Cửu Long xiết bao kỳ thú...
    Tuy vậy, đối với dân ca lời cổ vùng trung du, đồng bằng Bắc bộ, ta lại thấy những từ ngữ giống như từ Thanh Hóa, lạc bước tới: Hột (là hạt trong bài “Gọi nghé” - Dân ca Hải Phòng), phềnh (là bềnh trong bài “Qua sông hái củi” - Dân ca Hải Phòng), Dày (là đạp trong bài “Cái cong - dân ca Hà Nam), Huê (là hoa trong bài “Huê thơm bướm lượn” - Quan họ Bắc Ninh), Huê tình trong bài “Đố hoa” - Dân ca Phú Thọ ... Càng ngạc nhiên hơn khi ta được nghe người Phú Thọ - Đất tổ Hùng vương, không hát “tình là tình tình tang tình” mà cũng hát “tềnh là tềnh tềnh tang tềnh” theo lối phát âm “chệch” hay một lối biến âm phổ biến: “i” thành “ê” của người xứ Thanh. Trong lời cổ dân ca trong trung du, đồng bằng Bắc bộ, ta còn gặp những từ ngữ cổ hiện nay vẫn thấy dùng ở nông thôn các huyện Nông Cống, Triệu Sơn, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định: Sui = sôi; Tra = bỏ; Cái thời = cái giỏ; Loa = bát to loe miệng; Lội = lặn; Bứt = cắt, hái ... Đó là cổ ngữ xứ Thanh cũng là phương ngữ của một số miền quê khác: Hải Phòng, Hà Nam, Bắc Ninh, Phú Thọ... của thời đã qua?
    Vấn đề thổ âm - thổ ngữ Thanh Hóa không chỉ đơn thuần là thổ âm - thổ ngữ của một địa phương. Nhiều, rất nhiều trường hợp không có nguồn gốc bản địa, hoặc tiếp nhận từ miền quê khác, hay chịu ảnh hưởng qua lại của dân tộc anh em Mường, Thái... cùng sống chung hòa hợp trong một đại gia đình dân tộc trên đất Thanh. Sự tiếp biến văn hóa ấy cũng thấy ở các vùng quê văn hóa in đậm sắc thái địa phương.
    Thổ âm - thổ ngữ là hai thuật ngữ khoa học vì chúng có quan hệ mật thiết với nhau, người ta thường đề cập như một thuật ngữ kép.
    Thổ âm là sự biến âm và chuyển vần (chữ cái) theo cách phát âm có nguyên tắc và quy tắc ở mức độ nhất định. Ví dụ:
    - Cầm -> cằm; Tình -> tềnh; Cắm -> cặm; Cái -> cấy  ....
    - Trâu -> tru; Về -> viền; Củi -> củn; Bồng -> bỏng ....
    Sự biến âm thường rất dễ nhận ra đối với người ở vùng quê khác. Hãy so sánh tiếng phổ thông với tiếng Thanh Hóa, ta thấy âm “â” biến thành âm “ă”, âm “a” biến thành âm “â”, âm “i” biến thành âm “ê”, âm “ê” biến thành âm “iê”, âm “ô” biến thành âm “o”... Trường hợp âm “âu” biến thành âm “u” và ngược lại âm “u” biến thành âm “âu” dường như trái “quy luật”. Ví dụ:
    - Con trâu (phổ thông), con tru (Thanh Hóa).
    - Cây xoan đâu (phổ thông), cây xoan đu (Thanh Hóa).
    - Đi tù (phổ thông), đi tầu (Thanh Hóa). Nhưng “cây đu đủ” (phổ thông), Thanh Hóa không nói “cây đâu đẩu”  mà vẫn nói “Cây đu đủ”, tại sao? Vì Thanh Hóa gọi “Cây đu đủ” là “Cây hổng” còn đu đủ là từ du nhập, vay mượn, dùng lâu thành quen, tưởng lầm là của mình ...
    Khác thổ âm, thổ ngữ chính là cổ ngữ (tiếng cổ), lưu hành từ xa xưa của Thanh Hóa, ở Thanh Hóa. Ví dụ: trốc (đầu), trượng (mắt), cắn (sửa), me (con bê), ỉn, ỉ (con lợn), ruốc (moi), con của (vật nuôi), anh đỏ, chị đỏ (trai gái nông dân lấy vợ, lấy chồng chưa có con)...
    Có những địa danh cổ rất thú vị, giảng giải phải hàng trang sách: “Mười hai xứ Láng mười tám xứ Neo” (Thọ Xuân), “Tứ xã Bản” (Yên Định), “La Mát La Mạt” (Hà Trung), “Tạnh xá” (thành phố Thanh Hóa)... Nhiều từ ngữ cổ trong tác phẩm văn học cổ: Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi), Hồng Đức Quốc Âm thi tập, Ngọa Long cương (Đào Duy Từ), Sơ kính tân trang (Phạm Thái), Song tinh bất dạ (Nguyễn Hữu Hào), Truyện Kiều (Nguyễn Du)... hiện còn thấy dùng ở nhiều làng quê Thanh Hóa.
    Hiện nay “Tiếng Thanh Hóa” đang phát triển theo hướng “chuẩn hóa” của tiếng Việt. Trong lịch sử “tiếng Thanh Hóa” đã theo chân người Thanh Hóa “mang gươm đi mở cõi” đến tận miền quê mới Cửu Long Giang và dấu vết còn in đậm nét suốt từ đèo Hoành Sơn đến vịnh Hà Tiên. Đó là niềm tự hào không của riêng người Thanh Hóa.
     Vì khuôn khổ bài báo có hạn, ở đây không thể đi sâu, còn nhiều vấn đề của thổ âm - thổ ngữ Thanh Hóa sẽ bàn đến trong dịp khác.
Theo Hoàng Tuấn Phổ (báo Thanh Hóa )