Saturday, 1 February 2014

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (Phạm Văn Đồng)



Giữ gìn sự trong sáng của một ngôn ngữ, chuẩn hóa nó, phát triển nó - đây là một chủ đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn, cho nên trước hết cần thiết phải có cái nhìn rộng và sâu về vai trò của ngôn ngữ đối với xã hội, đối với con người, đối với sự phát triển của các dân tộc theo hướng đi lên.

I. Tầm quan trọng của ngôn ngữ đối với lịch sử loài người và lịch sử các dân tộc.

Nhìn vào quá trình phát triển lịch sử của loài người, chúng ta thấy rất rõ vai trò và tác dụng của ngôn ngữ. Trước hết là lao động, sau đó đồng thời với lao động và ngôn ngữ - đó là hai động lực chủ yếu trong sự phát triển của loài người nguyên thủy. Cùng với sự phát triển của tư duy, của ý thức, ngôn ngữ đã góp phần hoàn thiện con người, phân biệt con người với con vật. Dần dần, loài người xây dựng nên các cộng đồng chung về ngôn ngữ từ thấp lên cao về mặt tổ chức xã hội như thị tộc, bộ lạc, dân tộc. Về sau này, khi đã xuất hiện quốc gia, thì ý thức về một quốc gia thống nhất bao giờ cũng gắn bó với ý thức về một ngôn ngữ quốc gia chung. Lịch sử dân tộc Việt Nam ta, kể từ thời dựng nước được thế giới biết đến qua nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ với hiện vật tiêu biểu trống đồng, trải qua hàng năm cho đến ngày nay, nếu xét riêng về mặt ngôi ngữ thì có thể nói rằng đó là lịch sử người Việt Nam, cùng nhau xây dựng, thống nhất và phổ biến tiếng Việt trong cương vị ngôn ngữ dùng chung trên toàn lãnh thổ đất nước ta.

Khi nhận diện một dân tộc, ngôn ngữ thường được coi là một trong những tiêu chuẩn chính (bên cạnh các tiêu chuẩn khác như tính cộng đồng lãnh thổ, ý thức tự giác dân tộc, các đặc điểm chung về tâm lý, văn hóa, kinh tế...) Ngôn ngữ góp phần làm nên bản sắc của một dân tộc, phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Trong suốt lịch sử lâu dài đấu tranh vì chủ quyền dân tộc, vì độc lập tự do của đất nước, chúng ta có thể hình dung dân tộc Việt Nam ta đã phấn đấu gian khổ như thế nào để thoát được hiểm họa diệt chủng về ngôn ngữ và văn hóa, để bảo vệ và phát triển được tiếng Việt, như Bác Hồ nói, "Thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc".

Trong các mặt đời sống của một dân tộc, của một đất nước thì ngôn ngữ gắn bó mật thiết hơn cả với văn hóa. Ngôn ngữ là một trong những nhân tố hợp thành quan trọng, góp phần làm nên cái nền tảng về giá trị, bản sắc, tinh hoa của nền văn hóa dân tộc; bởi lẽ nó liên quan đến ý thức xã hội, ứng xử và giao tiếp xã hội, cũng như các kết quả hoạt động vật chất và tinh thần của con người trong xã hội. Chính tiếng Việt, ở mặt nội dung ý nghĩa của nó, là nơi ghi lại, nơi phản ánh chủ yếu những tri thức, kinh nghiệm, những suy nghĩ, quan niệm v.v... từ ngàn đời của cha ông ta về mọi mặt của đời sống dân tộc, về tự nhiên và xã hội, về vũ trụ và con người. Cùng với quá trình hình thành và phát triển nền văn hóa Việt Nam, tiếng Việt cũng hình thành và phát triển, ngày nay đã trở thành một ngôn ngữ giàu và đẹp, phong phú và độc đáo; đó là một công cụ rất có hiệu lực trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Điều quan trọng nhất là mỗi chúng ta có ý thức sâu sắc về sự giàu đẹp của tiếng Việt, có tình cảm của người Việt Nam ta biết yêu và quý tiếng nói của dân tộc, nói rộng ra thì đó là ý thức và tình cảm đối với văn hóa dân tộc mình, đối với đất nước mình, nhân dân mình.

Ngôn ngữ nào cũng có hai chức năng chủ yếu, là phương tiện quan trọng nhất trong sự giao thiệp giữa người với người và là phương tiện, là công cụ của tư duy. Trên thế giới, có nhà ngôn ngữ học đã ví ngôn ngữ như là một thứ chất kết dính hết sức đặc biệt, hết sức quan trọng, vì ở đâu cũng thấy có mặt nó, trong kinh tế, trong văn hóa, trong xã hội, trong mọi mặt vật chất, tinh thần của cuộc sống con người, bình thường và quen thuộc như nước ta uống, như không khí ta thở vậy. Vì thế, muốn xây dựng và phát triển con người, xây dựng và phát triển xã hội, xây dựng và phát triển đất nước, chúng ta không thể không phát triển tiếng Việt, công cụ giao tiếp, công cụ tư duy, công cụ phát triển của con người Việt Nam, đất nước Việt Nam. Tại Hội nghị khoa học "Gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ" họp ngày 29-10-1979 ở Hà Nội, tôi đã nhấn mạnh vai trò và tác dụng của công việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và chuẩn hóa nó, để phục vụ sự phát triển trí tuệ con người Việt Nam, sự phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta. Tôi nghĩ rằng đó chính là lý do sâu xa vì sao chúng ta cần phải có sự quan tâm đầy đủ đến tiếng Việt, đặc biệt là hiện nay, ở thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

Tôi dừng lại ở đây là chỗ thích hợp nhất để trình bày một quan điểm rất quan trọng về quan hệ giữa tư duy và ngôn ngữ. Chúng ta còn nhớ Các Mác và Ph.Ăng-ghen, sau khi phác họa học thuyết vĩ đại của mình là duy vật lịch sử và duy vật biện chứng, đã có một câu nói mà tôi cần trích nguyên văn: "Khi hiện thực đã được trình bày như đích thực nó như vậy (bởi các khoa học, và các khoa học ấy chứng minh duy vật biện chứng lịch sử), thì triết học không còn chỗ nào để tồn tại nữa". Ăng-ghen nói rõ thêm: "Khi khoa học tự nhiên và khoa học lịch sử đã thấm nhuần biện chứng thì tất cả các món hàng triết học cũ trở thành đồ thừa, trừ lý luận về tư duy (tức là duy vật biện chứng lịch sử - P.V.Đ)".

ở đây chúng ta phải thấy một cách sâu sắc nhất và phong phú nhất sự liên quan mật thiết giữa ngôn ngữ và tư duy hoặc ngược lại giữa tư duy và ngôn ngữ, bởi cái này là nhân tố của cái kia hoặc ngược lại. Đó là hai cái đòn xeo quý báu không ngừng nâng cao hiểu biết của con người trong quá trình đi lên giải quyết các vấn đề của cuộc sống trên mọi lĩnh vực, từ gần đến xa, từ thấp đến cao, từ đời này đến đời khác. Trong thời đại ngày nay, thời đại của sự phát triển như vũ bão của các ngành khoa học: khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội, sự phát triển tư duy có liên quan đến sự phát triển của toàn cầu hóa cuộc sống mọi con người, mọi dân tộc, thì chúng ta càng thấy tầm quan trọng của ngôn ngữ và tư duy. Chỉ có đặt vấn đề như vậy thì đề tài của bàI viết này mới có đầy đủ tầm vóc, chiều sâu và chiều rộng của nó, xứng đáng với giá trị của nó. ở đây tôi chỉ gợi mở quan điểm để mở rộng chân trời của vấn đề, từ đó có thể có sự nhận thức mới, gắn liền với tìm tòi mới, hiểu biết mới của biết bao người trong lĩnh vực ngôn ngữ và tư duy của Việt Nam.

II. ý nghĩa và nội dung của công việc giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt.

Ngôn ngữ phát sinh và phát triển cùng với xã hội loài người, nhưng không phải theo một con đường thẳng tuột, mà trải qua những khúc khuỷu, quanh co. Sự phát triển của các ngôn ngữ trên thế giới đều có tính quy luật chung là từ từ, liên tục, không bùng nổ, không nhảy vọt. Những biến đổi của ngôn ngữ thường diễn ra khi nhanh khi chậm và không đều ở các mặt ngữ âm, từ vựng - ngữ nghĩa, ngữ pháp, trong đó năng động, mạnh mẽ nhất là bộ phận từ ngữ. Ngày nay công nghệ tin học có khả năng xử lý văn bản, dịch máy, phân tích và tổng hợp lời nói, nhận dạng tiếng nói và chữ viết... càng góp phần thúc đẩy ngôn ngữ phát triển.

Trong quá trình phát triển lâu dài, không có một ngôn ngữ nào trên thế giới lại không có sự tiếp xúc, vay mượn với ngôn ngữ khác, cho dù đó là những ngôn ngữ rất lâu đời, rất phát triển như những thứ tiếng của các nước lớn ở châu Âu, châu á, châu Mỹ và khi vay mượn thì bên cạnh cái đúng, cái cần thiết, không tránh khỏi có những cái không hợp lý, thiếu cân nhắc, đôi khi sống sượng... Vì thế, mọi ngôn ngữ đều cần có sự tác động tích cực của con người, của xã hội, của Nhà nước, để bảo vệ và phát huy sự trong sáng vốn có cũa ngôn ngữ đó, trước những hiện tượng vay mượn ồ ạt ngôn ngữ nước ngoài. Tiếng Việt cũng không nằm ngoài quy luật chung ấy.

Khi nói đến việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt thì trước hết cần thấy rằng đó là một công việc bình thường, tự nhiên và thường xuyên, lâu dài trong suốt cả quá trình phát triển của tiếng Việt từ trước tới nay và từ nay về sau, nhằm bảo vệ và phát huy cái bản sắc, cái tinh hoa của tiếng Việt, không để cho mất đi một cái gì vô cùng quý báu khiến cho tiếng Việt là tiếng Việt.

Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy ngôn ngữ nào cũng trải qua những thời kỳ nổi bật lên nhiệm vụ giữ gìn sự trong sáng của nó. Như ở Nga, sau Cách mạng Tháng mười vĩ đại, Lê-nin đã kêu gọi mọi người không được "làm hỏng tiếng Nga", "tuyên chiến với việc dùng những từ nước ngoài không cần thiết".

ở ta, từ những năm 50, trong cuốn Sửa đổi lối làm việc, Bác Hồ đã nói đến các thứ "bệnh" ngôn ngữ mà chúng ta thường hay nhắc như: bệnh "sáo", nghĩa là nói và viết theo một cái khuôn mẫu hoàn toàn như nhau bất kể về việc gì, ở cấp nào, cơ quan nào; bệnh "ba hoa", "nói dài, nói dại, nói dai", còn nội dung thì rỗng tuyếch, "ba voi không được bát nước xáo"; bệnh "vẽ rắn thêm chân"; bệnh "nói chữ". Sau này Bác cũng nhiều lần nhấn mạnh "Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều, và nhiều khi dùng không đúng". Bác thường xuyên nhắc nhở "Tiếng nào sẵn có thì dùng tiếng ta" và đồng thời chỉ rõ "Có những chữ ta không sẵn có và khó dịch đúng thì cần phải mượn chữ nước ngoài".

Năm 1966, tại cuộc họp mặt về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (ngày 7 và 10.2), tôi đã nêu ra ba khâu cần phải làm để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, giữ gìn sự giàu đẹp của nó, và hơn thế nữa làm cho nó ngày càng thêm giàu và đẹp. Đó là: giữ gìn và phát triển vốn chữ của tiếng ta; nói và viết đúng phép tắc của tiếng ta; giữ gìn bản sắc, phong cách của tiếng ta trong mọi thể văn (văn học, chính trị, khoa học, kỹ thuật...); đồng thời phải có những đổi mới, phát triển, làm cho tiếng ta ngày thêm giàu trên cơ sở vốn cũ của tiếng ta.

Nếu giữ gìn sự trong sáng của một ngôn ngữ là một yêu cầu lâu dài, thì từng giai đoạn lại có yêu cầu phải chuẩn hóa nó, tức là xác định cái đúng và những quy tắc vồ phát âm, chính tả, dùng từ, đặt câu v.v... của ngôn ngữ đó, được xã hội chấp nhận.

Hiện nay, tiếng Việt của chúng ta đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ, phản ánh những thay đổi to lớn của đất nước trong sự nghiệp đổi mới mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là về phượng diện khoa học và công nghệ; vì thế chuẩn hóa nó là một nhiệm vụ quan trọng và bức xúc để tiếng Việt có thể phục vụ tốt hơn nữa công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sự phát triển không ngừng của ngôn ngữ là phức tạp; một mặt, đời sống của nó gắn với xã hội, nhưng mặt khác, nó cũng sống đời sống bên trong riêng của nó.

Một ngôn ngữ được đánh giá là phát triển khi mà càng ngày có càng mở rộng và phân biệt các phong cách ngôn ngữ khác nhau (như phong cách khoa học, phong cách chính luận, phong cách hành chính sự vụ, phong cách nghệ thuật v.v...) cũng như các chức năng giao tiếp khác nhau trong các phạm vi sử dụng như: trong gia đình, làng xóm; trong các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ; trong hệ thống giáo dục; trên các phương tiện thông tin đại chúng; trong hành chính Nhà nước; trong quan hệ ngoại giao v.v... Đặc biệt là ngày nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tạo điều kiện để ngôn ngữ có bước phát triển mới về chất và làm cho ngôn ngữ có những năng lực mới chưa từng có trước đây.

Một ngôn ngữ được đánh giá là phát triển khi nó ngày càng có tính chất trí tuệ hóa và quốc tế hóa. Điều này rất quan trọng khi ta đặt tiếng Việt trong bối cảnh thời đại ngày nay: thời đại của thông tin, của trí tuệ; thời đại của hội nhập khu vực, hội nhập toàn cầu, và do đó, tiếng Việt phải có những chuẩn bị, những thay đổi, để có đủ thế và lực giao lưu, tiếp xúc với các ngôn ngữ khác trên thế giới mà khưng sợ bị tổn thương đến giá trị, bản sắc, đến sự giàu đẹp của nó.

Chính là trong tinh thần đó mà tôi đã nhiều lần chỉ ra sự cần thiết phải nhìn thấy khả năng phát triển phong phú của tiếng Việt, nhấn mạnh yêu cầu giữ gìn sự trong sáng và cả yêu cầu phát triển, nhìn về tương lai. Cho nên, ở thời điểm hiện nay, trước thềm thế kỷ XXI, cần có nhận thức phù hợp về nội dung của công việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt là: giữ gìn cho tiếng Việt luôn luôn trong sáng trong quá trình phát triển mạnh mẽ của nó.

III. Thực trạng hiện nay và những giải pháp

Thực tế hơn nửa thế kỷ qua, từ 1945 đến nay, đã cho thấy, về cơ bản, sự phát triển của tiếng Việt là lành mạnh, đúng hướng, phù hợp với những biến đổi của đời sống chính trị, kinh tế-xã hội và văn hóa của đất nước.

Những năm gần đây, đặc biệt từ sau 1975, trong tiếng Việt, bên cạnh những điều mới mẻ và tốt đẹp, có thể thấy không ít những hiện tượng thiếu trong sáng, thiếu chuẩn mực, biểu hiện tập trung ở những mặt sau đây:

a. Trong nhà trường, học sinh, sinh viên nói, viết tiếng Việt còn sai nhiều về chính tả, về cách dùng từ ngữ, về ngữ pháp. Đây là một điều mà chúng ta không thể chấp nhận được, bởi vì việc giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt của chúng ta cốt yếu là nhằm vào trường học, phải làm sao cho học sinh, sinh viên nói tốt và viết tốt tiếng Việt. Tôi muốn lưu ý rằng không phải chỉ có con em người Việt (Kinh), mà cả con em đồng bào các dân tộc thiểu số cũng phải được dạy và học tiếng Việt một cách nghiêm chỉnh để các em có thể nói, viết tiếng Việt cho đúng chuẩn của nó.

b. Trong đời sống xã hội, có thể nhận định chung rằng: một mặt, khá phổ biến là tình trạng chính tả chữ viết (như viết "i" ngắn "y" dài, viết hoa các danh từ riêng) không thống nhất, cách dùng từ ngữ sai. Mặt khác, đáng lo ngại hơn là tình trạng sử dụng từ ngữ nước ngoài pha vào tiếng Việt hiện nay rất tùy tiện và lạm dụng đến mức báo động. Tôi muốn nhấn mạnh đây là một thói hư, tật xấu đang ngang nhiên lan tràn ở nước ta, đã thành một xu thế dùng tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Anh, thay cho tiếng Việt, gây biết bao chê trách mà ai nấy đều phê phán lúc nói chuyện hay lúc viết trên báo chí về nguy cơ này. Một điều tôi cần nói ở đây là: báo chí tuy đã có người viết bài không tiếc những lời phẫn nộ đích đáng đối với xu thế hư hỏng này, nhưng sau đó có người viết bài khác lại theo ngay cái vết mòn hầu như dễ làm cho người ta sa ngã ấy. Cũng cần phải lên án một cách nghiêm khắc hiện tượng xấu ở các thành phố lớn như thủ đô Hà Nội, bộ mặt của cả nước, cho phép các loại quảng cáo, các biển hiệu cửa hàng, công ty, khách sạn... bằng chữ nước ngoài, thậm chí không cần chữ Việt. Phải chăng là không có ai làm chủ để chăm lo cho bộ mặt cực kỳ quan trọng của thành phố; hay là do ý thức, do trách nhiệm, do trình độ của những người quản lý nó?

Bây giờ tôi nói mấy điểm về biện pháp để bảo vệ và phát triển tiếng Việt. Trước khi nói đến biện pháp, tôi nghĩ phải thấy được nguyên nhân từ phía chúng ta, vì nói đến giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ, chuẩn hóa nó, phát triển nó - là nói đến tác động tích cực của con người vào quá trình phát triển của ngôn ngữ.

Nói đến con người ở đây, trước hết là mỗi người Việt Nam chúng ta, những người dùng tiếng Việt; các nhà giáo, các nhà văn, nhà báo, các nhà ngôn ngữ học, và rất quan trọng là vai trò lãnh đạo, hoạch định các chính sách về ngôn ngữ của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trong tiếng Việt bây giờ có những biểu hiện không tốt, thiếu trong sáng, sai chuẩn mực, trước hết là do chúng đã coi nhẹ, thậm chí buông lỏng, thả nổi công việc quan trọng này. Chúng ta đã không đầu tư thích đáng trí tuệ, công sức và tiền của để nghiên cứu lý luận và điều tra thực tế về những vấn đề liên quan đến việc bảo vệ và phát huy bản sắc, tinh hoa của tiếng Việt. Việc tổ chức thực hiện nhìn chung cũng chưa tốt. Nhưng ở đây quan trọng nhất vẫn là nhận thức, là tình yêu, là lòng quý trọng và thái độ đối với tiếng mẹ đẻ của chúng ta. Mỗi người chúng ta phải có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ và phát huy sự trong sáng của nó, không thể tùy tiện, càng không thể để mất gốc, để tiếng Việt bị hoen ố, ô nhiễm.

Về biện pháp thì hiện nay có hai phạm vi quan trọng nhất là nhà trường và xã hội. ở đây cần có những biện pháp đồng bộ, thiết thực. Cụ thể là cần phải:

Chấn chỉnh việc dạy và học tiếng Việt ở nhà trường phổ thông và đại học; cũng như việc sử dụng tiếng Việt trên sách báo, truyền thanh, truyền hình, thông tin điện tử; 
Tăng cường việc biên soạn các sách công cụ về tiếng Việt, nhất là sách Ngữ pháp và Từ điển; 
Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận về chuẩn hóa, về phát triển ngôn ngữ; 
Tập trung điều tra khảo sát đời sống ngôn ngữ tiếng Việt hiện nay, nhất là chiều hướng phát triển từ 1975 đến nay. 
Riêng đối với Nhà nước thì cần có càng sớm càng tốt một Hội đồng quốc gia về ngôn ngữ, để chăm lo về tiếngViệt, các tiếng dân tộc thiểu số, cũng như về công việc giảng dạy và sử dụng tiếng nước ngoài trên đất nước ta.

Trên đây, tôi đã nêu ra một số suy nghĩ về những vấn đề theo tôi là quan trọng, cần được chú trọng công việc giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt. Để kết thúc một cách có ý nghĩa bài viết "Trở lại vấn đề: Vì sự trong sáng và phát triển của tiếngViệt", tôi muốn liên hệ nó với tình hình hiện nay của nước ta. Tiếng Việt của chúng ta có hai đặc tính rất quý là giàu và đẹp, tự bản thân nó là trong sáng; tiếng Việt sẽ gàu và đẹp hơn nữa nếu chúng ta cố gắng làm tốt việc giữ gìn nó, sử dụng nó và phát triển nó. Với giá trị bản sắc, tinh hoa của nó, tiếng Việt sẽ góp phần đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiến lên xây dựng từng bước chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, chính công cuộc đổi mới toàn diện mà chúng ta đang tiến hành, nói rộng ra là toàn bộ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa của chúng ta, sẽ tác động trở lại, làm cho tiếng Việt ngày càng phát triển hơn, vậy nghĩa là có mối quan hệ rất khăng khít giữa sự trong sáng của tiếng việt, giữa vai trò và tác dụng của nó trong đời sống xã hội với sự tiến lên của đất nước ta trong thế kỷ tới. Chúng ta cần thấy rõ điều đó để phấn đấu thực hiện cho được một nhiệm vụ cao quý và thiêng liêng là bảo vệ sự trong sáng và phát triển tiếng nói của dân tộc Việt Nam ta.

1. Về các từ "đế chế" và "đế quốc"

Có người dùng những từ ngữ "nước đế quốc", "Chủ nghĩa đế quốc" thay cho từ "đế chế La Mã"; Thí dụ: "Đế quốc La Mã" thay cho từ "đế chế La Mã". Tất nhiên, những từ này đều có chung gốc ngôn ngữ là chữ "đế", nhưng nếu đi sâu vào tìm hiểu về thời điểm lịch sử của chúng, về sự hình thành của chúng, về tính chất và tác dụng của chúng. Thì rất dễ thấy những khác nhau cực kỳ to lớn và sâu xa, không thể nhầm lẫn được. Phải nói là: "đế chế Lã Mã", "đế chế ốttôman", "đế chế Nga", "đế chế Trung Hoa". Có nước như nước Anh vừa là đế chế, vừa là đế quốc.

2. Về các từ "đảng viên" và "quần chúng"

Trước đây khá thông thường bây giờ có ít hơn nhưng vẫn còn nhiều người nói và viết như sau: A là đảng viên; còn B, C, Đ là quần chúng, ý muốn nói rằng người nào không phải đảng viên thì là quần chúng. Tuy nhiên nói như thế có nghĩa là coi quần chúng là dưới đảng viên, hạ thấp vị trí chính trị, ý nghĩa và tác dụng của quần chúng là đông người, nói một người là quần chúng thì không đúng. Phải nói: A là đảng viên; còn B, C, Đ là người ngoài Đảng.

3. Về từ "tên"

Trước đây nhiều người hay dùng, nay có ít hơn, nhưng vẫn còn người dùng từ này với ý nghĩa miệt thị, đặt trước tên riêng của các nhân vật phản động, đối tượng của cách mạng hay những kẻ làm việc xấu xa; thí dụ: tên Hitle. Đáng lẽ chỉ nên gọi Hitle là "Hitle", mà như thế nó vẫn cứ là Hitle với tất cả tội ác của nó trong lịch sử nước Đức và lịch sử của loài người. Lúc tôi viết những cuốn sách đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối viết tên Bác mà không kèm theo chức danh cao quý gì (cũng như chúng ta từ lâu đã quen dùng cách xưng gọi "Các Mác", "Ăng-ghen", "Lê-nin") thì có những đồng chí bày tỏ với tôi tâm trạng nghẹn ngào, khó chịu. Đến ngày nay, nếu nói: Hồ Chí Minh là một vĩ nhân trong lịch sử nước ta và lịch sử thế giới, thì cũng còn có người chưa yên tâm, chưa thoải mái lắm.

4. Về từ "chính xác"

Về từ này người ta không nói và viết một cách không hợp lý, không biết đâu là chuẩn mực, hằng ngày ở đâu cũng nghe từ này với ý nghĩa cơ bản là "đúng", "trúng"... Vừa qua, nhân sinh nhật bác sĩ Phạm Ngọc Thạch do Bộ Y tế tổ chức, trong bài viết của mình tôi có kể lại lối tiếp xúc người bệnh của Phạm Ngọc Thạch. Khi vào Viện lao khám bệnh, Phạm Ngọc Thạch áp tai mình vào ngực người bệnh để nghe chứ không dùng ống nghe, và tôi có viết rằng Phạm Ngọc Thạch làm như vậy để nghe được "thực" hơn. ở đây chữ "thực" tôi dùng có ý nghĩa là trong trường hợp nào đó và trong chừng mực nào đó thì máy móc không "thực" bằng tai của người thầy thuốc. Đối với người thầy thuốc thì "thực" là quan trọng. Nhưng sau đó người ta sửa từ "thực" thay bằng từ "chính xác". Tôi có biết điều này, tuy nhiên tôi không đề nghị đổi lại, mà để hôm nay mới nói; tôi nghĩ viết và nói cho đúng, cho sáng không phải chuyện dễ dàng.

5. Về các từ "lớn" và "vĩ đại"

Nhiều người nói và viết một cách lẫn lộn, không có sự phân biệt hai từ này. Người ta có thể nói và viết: "nhà văn lớn", "nhà khoa học lớn"; bởi lẽ những người đó có trình độ và có cống hiến quan trọng trong nghề nghiệp của mình. Nhưng ở đây nếu dùng từ "vĩ đại" để đánh giá thì không đúng, không phù hợp, vì từ "vĩ đại" chỉ dùng cho một số ít người có cuộc đời và đức độ rất cao đẹp, có trí tuệ, tài năng và những cống hiến có giá trị và tầm cỡ to lớn, đáng kính phục.

6. Về cách ghép từ

Đây là một hướng làm giàu cho vốn từ tiếng Việt mà theo ý tôi nó rất thú vị như: "nuôi trồng", "xây lắp", "truy quét", "sao chụp"... Tuy nhiên không thể tùy tiện muốn ghép thế nào cũng được. Ví dụ: tiếng ta có các từ ngữ "y sĩ", "bác sĩ", "khám bệnh", "chữa bệnh"; nhưng có người lại muốn gán ghép thành: "y, bác sĩ", "khám, chữa bệnh" (hoặc trong các lĩnh vực khác như "chiến thuật", "kỹ thuật"), "kỹ thuật" thành "chiến, kỹ thuật". Mọi người có thể kể ra nhiều ví dụ khác về cách nói, cách viết rất sai như thế. điều này thường gây khó khăn cho người nước ngoài học tiếng Việt; lúc gặp những từ ngữ ghép lại như vừa nói họ phải tra từ điển, nhưng không có cuốn từ điển nào về tiếng Việt có những từ ngữ như vậy.

Tóm lại, ở đây tôi muốn đề cập một vấn đề chung là từ ngữ, hoặc một số từ ngữ nào đó có cách dùng thông thường của nó, cách dùng đúng chuẩn của nó, gắn với lịch sử của nó, với bối cảnh xã hội của nó, không thể tùy tiện vượt qua theo ý riêng của mình.

Tuesday, 28 January 2014

Ý nghĩa chữ Cochinchine (Nguyễn Lưu Viên)

B. S. Nguyễn Lưu Viên


Nam Kỳ,  Pháp gọi là  Cochinchine,  vậy danh từ Cochinchine có từ đâu ra ?
Theo sách “ Cochinchina : Reassessment of the Origin and Use of a Westernized Place Name “ by Dinh D. Vu, Ph.D. [Vietnamese translation by Dr. Hoang Xuan Chinh] Meadows Place Texas, 2000,  thì:
- Theo Ông Aurousseau (1924), cố Giám-đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ [École Francaise d’Extrême Orient],  thì nước Viet Nam  thời xưa không được người Bồ-đào-nha [Portugais] hoặc người Âu châu biết đến một cách trực tiếp trước năm 1515, do đó sự hiểu biết tên nước đó phải được người Arab giới thiệu với Tây Phương. Ông chứng minh rằng chữ Cochinchina là do chữ Bồ-đào-nha Quachymchyna , mà chữ này lại bắt nguồn từ chữ Arab “Kawci-min-cin”. Theo Ông thì “Kawci” là chữ Arab tương đương với chữ “Kiao-tche” là tiếng Tàu chỉ nước Việt Nam thời đó [Giao Chỉ]. Còn từ ngữ “min-cin” có nghĩa là thuộc Trung Hoa Nhưng Ông Aurousseau đã không đưa ra được một bằng chứng cụ thể nào về tên Cochin-china bắt nguồn từ chữ Giao-Chỉ. . Hơn nữa, Ông đã không có một bản đồ chính xác nào để hỗ trợ cho giả thuyết của Ông. [tr.2 v]
2 - Mọi người đều đồng ý là danh từ Cochinchina có hai phần là Cochin  và  China.
Chữ China thì không thành vấn đề vì nó được dùng để chỉ định một địa phương đã được biết rõ.  Còn chữ Cochin thì đã đưa đến nhiều giải thích khác nhau.
Vì có điểm giống nhau giữa cách đánh vần chữ Chanocochin và danh từ chỉ một nơi trên bờ biển Malabar Coast của Ân-độ, mà mgười Bồ-đào-nha đã biết đến vào thế kỷ thứ 15 như Colchi,  Cocym,  hay Cochin, ta có thể dự đoán là các nhà vẽ họa-đồ Tây Phương đã mượn những từ ngữ trên. Nhưng sự tiếp xúc trực tiếp giữa Tây phương và VN sau này đã dẫn đến sự thay đổi từ ngữ đó. Trên bản đồ của Ribeiro năm 1529,  người ta đã cố gắng chuyển tên Cửu Chân trong tiếng Việt sang ngôn ngữ Tây phương, Ông  gọi vinh Bắc kỳ [Golfe du Tonkin] là Cauchechina. Cửu Chân là một trong chín quận được thiết lập bởi vua Hiếu Vũ năm 111 B.C.  Danh từ này được đọc là Cẩu Chân theo tiếng Quảng Đông. Biên giới của Cửu Chân được thay đổi theo thời gian, nhưng tên gọi không thay đổi cho tới năm 1407 . Đó là tên độc nhất của một khu vực hành chánh lớn ở VN đã được biết đến suốt 15 thế kỷ. [tr.10 v]
Kể từ năm 1529 từ ngữ Cauchechina bắt đầu xuất hiện thường xuyên. Nó được thấy trên bản đồ của Gastaldi, Ortolio, Homen và Luis dưới dạng Gauchi,  Cauchy,  hay Cauchin. Cho tới năm 1565 ta thấy có dấu hiệu trở lại cách viết ban đầu khi Berteli dùng chữ Cochinchina cho bản đồ của Ông.  Trong nhiều thập niên hai tên kể trên xuất hiện thường xuyên , có khi đứng cạnh nhau cùng trên một bản đồ [hình 4]. Mãi tới thế kỷ thứ 17 thì từ ngữ Cochinchina mới vĩnh viễn thay thế địa danh Cauchinchina.[tr.11 v]
- Vậy, ta có thể dựa vào những bằng chứng nào để phủ nhận giả thuyết của Aurousseau cho rằng Cochin là từ Giao-Chỉ [Chiao-chih,  Kiao-tche] mà ra ?
Giao Chỉ không còn được xử dụng như một địa danh quan trọng ngay trong giai đọan đầu của lịch sử nước ta; Cửu Chân [Chiu-Chen] trái lại được dùng cho tới khi người Tây phương đến.  Hơn nữa cách đánh vần tên cho thấy có sự liên hệ giữa Cửu Chân và Cochin[Cochin/china][tr.11v]
Kết luận:  “Tóm lại, họa đồ và những kiến thức mới về sử địa của VN cho ta có một cái nhìn khác về nguồn gốc và sự xử dụng danh từ Cochinchina . Hình thức sớm nhất, Chanocochim, là sự phối hợp của hai tên: China và Cochin . Nó chỉ một vùng đất ở VN, giống như một miền ở bờ biển Malabar Coast, nhưng dân chúng ở Cochinchina đã có những đặc tính văn hóa giống như Trung Quốc.  Nhờ ở những cuộc tiếp xúc giữa Tây phương và VN sau này, tên Cửu Chân đã được dùng để chuyển dịch sang tiếng Tây phương . Sự dùng từ ngữ Cauchinchina [Cửu Chân của Trung Hoa] được tiếp tục cho tới phần đầu của thế kỷ XVII.  Sau đó nó được thay thế bởi từ Cochinchina, một tên mà các nhà truyền giáo thích hơn và sau cùng được chính quyền Pháp chính-thức-hóa để chỉ 20 tỉnh ở cực Nam của Việt Nam.” [tr. 12 v]
Nói thêm: 20 tỉnh của Nam Kỳ hồi xưa có tên và được sắp xếp theo thứ tự như sau [thành một bài mà học trò lớp Tiểu Học trong Nam phải thuộc lòng] :
Gia, Châu, Hà, Rạch,Trà,
Sa, Bền, Long, Tân, Sóc,
Tây, Biên, Chợ, Mỹ, Bà,
Gò, Thủ, Vĩnh,  Cần,  Bạc.     
Tức là:

  1: Gia Định;    2: Châu Đốc;         3: Hà Tiên;           4: Rạch Giá;     5 : TràVinh; 
  6Sa Đéc;      7: Bến Tre;            8: Long Xuyên;     9: Tân An;       10: Sóc Trăng;  
11: Tây Ninh;   12: BiênHòa;         13: Chợ Lớn;       14: Mỹ Tho;      15Bà Rịa; 
16: Gò Công;   17: Thủ Dầu Một;   18Vĩnh Long;     19: Cần Thơ      20: Bạc Liêu.

Tôi không biết tại sao có thứ tự đó; nhưng trong Nam sông lớn rạch nhỏ chằng chịt với nhau, nên hồi xưa dân thường hay dùng xuồng tam-bản, hay ghe thuyền, để di chuyển và chuyên chở. Người nào có ghe thì phải đóng thuế, nên phải lên tỉnh xin đăng bộ, thì tỉnh cho một cái thẻ có số bắt đầu bằng hai chữ HF [nghĩa là Hydrographie Fluviale] rồi số thứ tự kể trên của tỉnh [như tôi ở TràVinh thì là  HF5-] rồi mới tới số thứ tự trong sổ của tỉnh [thí dụ như: HF5-1357] thì chủ ghe phải vẽ số đó trên ghe của mình.
Làm như vậy còn giúp cho việc giữ gìn an ninh, vì trong làng ông Hương Quản [lo về an ninh] hay ở tỉnh Ông Cò [Chef de police Tây] nhìn thấy số sau chữ HF là biết ghe đó từ đâu đến [như bản xe hơi bên Mỹ] để rồi,  nếu thấy từ xa đến, thì kiểm soát kỹ lưỡng hơn.

Saturday, 25 January 2014

TỪ MỘT “VỤ ÁN” ĐÃ SÁNG TỎ (Phạm Tôn)


TỪ MỘT “VỤ ÁN” ĐÃ SÁNG TỎ

(Bài này lên Blog PhamTon tuần 2 tháng 10 năm 2012, đến ngày 25/6/2013 đã được 9.886 lượt người truy cập)

                                                      Thủy Trường

Lời dẫn của Phạm Tôn: Trong những ngày kỷ niệm Cách Mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 năm nay, chúng tôi cảm động nhận được bài của bạn Thủy Trường viết về một trong những con người đã một lòng trung với Nước, hiếu với Dân, nhưng có thời gian đã không được hiểu đúng, thậm chí còn bị nghi là phản dân hại nước, nhưng họ vẫn giữ vững một tấm lòng son với Dân với Nước, lặng lẽ chờ đợt sự phán xét công minh của Nhân dân, của Lịch sử. Có lẽ, đó cũng là một nét anh hùng của con người Việt Nam chúng ta…

—o0o—

Biết tôi có quen biết với gia đình anh Quang Đạm, nguyên ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân, nhiều nhà báo, kể cả ở báo Nhân Dân, đôi ba thế hệ hỏi: “Tại sao ông Đạm, tri phủ Hà Trung (Thanh Hóa) thời chính phủ ngụy thân Nhật Trần Trọng Kim, “chui vào Đảng”, bị khai trừ, mà con lại “leo” lên được Uỷ viên Trung ương Đảng? Thế là Đảng mất cảnh giác à?”

Thật là những câu nói sai trái, thiếu hiểu biết, độc ác.

Và câu chuyện “mất cảnh giác” ấy hiện vẫn còn lưu hành đâu đó. Đã đến lúc cần làm sáng tỏ.

Những năm 1939-1949, tôi sống ở làng Vạn Hà, huyện lỵ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Là học trò của cô giáo Nguyễn Thị Sâm, tôi biết chồng cô là “Thầy lục sự” Tạ Quang Đệ (Lục sự là một chức danh chính quyền cũ, lo liệu việc văn thư, hành chính, giấy tờ, yêu cầu phải biết chữ quốc ngữ, Pháp văn, chữ Hán, chữ Nôm…). Nhà tôi ở cạnh nhà cô Sâm nên vẫn thường qua lại. Năm 1941, tôi vào “Xì cút” – Hướng Đạo sinh, đoàn Vạn Hà do thầy giáo Nguyễn Chương (sau này là vệ sĩ của Bác Hồ) và thầy Đệ phụ trách.

Trước Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, từ một đề nghị nào đó của “các anh” bên đoàn thể – có thể có ý kiến của Tạ Quang Bửu – anh ruột Tạ Quang Đệ (Tạ Quang Bửu là người được Đảng ta giữ liên lạc, yêu cầu lãnh đạo “Xì cút” đứng về phía Việt Minh), Tạ Quang Đệ được bổ nhiệm làm tri phủ Hà Trung, giáp ranh hai tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình.

Tại sao không làm quan đầu một huyện, phủ khác? Sau này, anh Đạm* mới cho biết là “ý của “các anh” đưa mình về Hà Trung là nơi có chiến khu Hòa – Ninh – Thanh (Hòa Bình – Ninh Bình – Thanh Hóa), rồi chiến khu Ngọc Trạo.”

Làm tri phủ “đệm”, nên trước ngày 19/8/1945, tri phủ Tạ Quang Đệ đã liên hệ với Việt Minh, bàn giao “triện”, sổ sách, vũ khí và ra Hà Nội sau đó mấy hôm, theo một “lệnh” nào đó.

Đến Thủ đô, Tạ Quang Đệ đi dạy học ở trường Thăng Long, rồi nhận công tác ở phòng Tham mưu do Hoàng Văn Thái (sau này là Đại tướng) làm trưởng phòng. Ngày 3/9/1945, Trưởng Ban Thông tin liên lạc của Phòng Tham mưu là Hoàng Đạo Thúy (bạn Hướng Đạo của Tạ Quang Bửu) chỉ định Tạ Quang Đệ làm Tổ trưởng Tổ Mật mã, có nhiệm vụ “biên soạn một luật mật mã mới về vô tuyến điện cho quân đội ta”.Tạ Quang Đệ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được coi là “ông tổ mật mã của quân đội ta”. Công trình khoa học này, gần đây đã được nhà nước trao tặng giải thưởng Khoa học Quốc gia cho Tạ Quang Đệ cùng cộng sự.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Theo cơ quan lên Việt Bắc, Tạ Quang Đệ viết báo tường nội bộ. Bài báo của Tạ Quang Đệ đã “lọt vào mắt xanh” của đồng chí Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh. Sau đó, Tạ Quang Đệ được điều động về báo Sự thật với bút danh Quang Đạm, nổi tiếng với những bài xã luận, những bài tranh luận về pháp luật với Vũ Đình Hòe. Anh dịch tài liệu của Đảng Cộng Sản Pháp, Đảng Cộng Sản Liên Xô bằng chữ Pháp sang tiếng Việt, do một đài vô tuyến điện của ta được chính phủ Diến Điện (Miến Điện) cho đặt ở Rangun, thu rồi phát về Việt Nam. Anh còn dịch nhiều tài liệu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc ra tiếng Việt phục vụ Trung ương Đảng, Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh (như Trì cửu chiến – đánh lâu dài, Thực tiễn luận – bàn về thực tiễn). Anh là người duy nhất dịch được các chữ Hán cổ Bác Hồ viết theo lối tốc ký.

Năm 1954, về Hà Nội, Quang Đạm nhận nhiệm vụ ủy viên (thường trực) Ban Biên tập Báo Nhân Dân, là người về sau cùng của tòa soạn, sau khi báo đã xuống nhà in, cũng là người đến sớm nhất để thay mặt tòa soạn ghi nhận những ý kiến nhận xét của Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh về tờ báo mới in xong. Là đại biểu Đảng Lao động Việt Nam dự Đại hội Đảng Xã Hội Thống Nhất Đức, anh đã đọc bài tham luận có tựa đề Đổi mới là sáng tạo, chân lý là cụ thể. Anh đã tham gia phái đoàn Hoàng Quốc Việt, sang thăm Triều Tiên khi Triều Tiên  đang “kháng Mỹ”.

Trong những năm cuối thập kỷ 60 thế kỷ trước, anh bị “người ta” cho là “đã dẫn nhà chức trách lùng bắt cộng sản ở Thiệu Hóa”. Theo lời anh kể cho tôi: “Có việc ấy, những đáng lẽ dẫn người đi thẳng đến thôn, nơi có cộng sản họp, anh lại cho ô tô bóp còi, đi vòng vèo để cộng sản biết mà chạy thoát”. Người có công, mang tội, anh bị chi bộ “khai trừ, lưu Đảng” – “bằng miệng”. Sự kiện được đưa lên Liên chi ủy báo Nhân Dân, Tổng Biên tập – Hoàng Tùng – Ủy viên Trung ương, thấy không phải việc nhỏ, nên đã cử người lên xin ý kiến đồng chí Trường Chinh, thay mặt Trung ương phụ trách mảng Tuyên huấn lúc bấy giờ.

Người được cử đi về nói lại rằng: “Theo anh Năm (bí danh đồng chí Trường Chinh) quyền là ở cơ sở, phải làm đúng thủ tục tổ chức Đảng. Đề nghị các anh lên xin ý kiến anh Ba (đồng chí Lê Duẩn)”. Người đi báo cáo với anh Ba về nói: “Đồng ý với đồng chí Trường Chinh. Tùy chi bộ”.

Tin đưa về đến tòa soạn thì Đảng viên Quang Đạm đã được nghỉ công tác, nghỉ sinh hoạt Đảng một thời gian rồi. Thế là việc khai trừ, lưu Đảng coi như đã xong.

Không có công tác, tiền lương bị hạ, không được sinh hoạt Đảng… anh Quang Đạm buồn lắm và rất đau khổ. Nhưng có lẽ người đau khổ nhất là vợ anh, cô giáo Sâm, cô kể cho tôi nghe: “Gia đình anh Bửu là nơi mà cô Liên, ông Cả (anh chị ruột Bác Hồ) thường đến nghỉ ngơi, trốn tránh khi có khó khăn. Mẹ anh Bửu, Đạm là nữ sĩ Sầm Phố, đã chăm nom cô Liên, ông Cả rất chu đáo. Có lần, trên Việt Bắc, Bác Hồ gặp anh (Quang Đạm) hỏi: “Bà cụ hồi này còn làm thơ nữa không? “Chắc là họ nhầm thôi”.

Có thể nói, “làm như vậy” là không được đúng, nên sau 1975, anh có được đi họp cuộc này, cuộc nọ, “mời dự các buổi thời sự” ghi rõ trong giấy là “dành cho cán bộ cao cấp”.

Cuốn sách Nho giáo, anh viết theo gợi ý của đồng chí Trường Chinh, mấy năm mới xong không được phép xuất bản vì Nho giáo là “hủ nho”, “phong kiến”, “phản động”. Sống thanh đạm, gia đình anh vẫn tin tưởng Đảng, không một lời kêu ca, oán trách.

Năm 1989, biết tôi là đồng đội với Đặng Xuân Kỳ – con trai đồng chí Trường Chinh, anh Đạm nhờ tôi gửi “Anh Năm” (đồng chí Trường Chinh) một thư viết tay trên một mảnh giấy nhỏ vài dòng. Tôi nhờ Đặng Xuân Kỳ chuyển, Đặng Xuân Kỳ nói:

- Hôm sau, cụ tới đây, anh cứ đưa trực tiếp thư của chú Đạm.

Hôm đồng chí Trường Chinh đến nhà Đặng Xuân Kỳ ở khu Giảng Võ, Kỳ kéo tôi ra cụ Năm:

- Đây là đồng chí bạn Lục quân của con, được chú Đạm nhờ chuyển bức thư.

Đồng chí Trường Chinh mở bức thư không dán, đọc ngay rồi bảo tôi:

- Đồng chí bảo Đạm cứ yên tâm. Đại hội (Đảng) xong tôi sẽ giải quyết dứt điểm cho Đạm. Tôi là một trong hai người giới thiệu Đạm vào Đảng, tôi có trách nhiệm.

Việc chưa xong thì đồng chí Trường Chinh đã “đi theo Bác”.

Tôi hỏi Tạ Quang Ngọc, con trai anh Đạm, bấy giờ đã là Thứ trưởng Bộ Thủy sản.

-          Ai là người thứ hai giới thiệu?

-          Chú Mười Hương

Nhân chuyến đi công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh, tôi xin đến gặp đồng chí Mười Hương, xin đồng chí cho biết một số việc và trình bày sự việc của anh Đạm.

Ngồi trầm ngâm một lát, “ông trùm tình báo Việt Cộng Mười Hương” nói:

-          Sắp tới tôi ra Hà Nội, sẽ làm rõ việc này.

Một ngày khoảng năm 2000-2001 gì đó, Tạ Quang Ngọc đón tôi đến khu nghỉ Hồ Tây gặp đồng chí Mười Hương, người Đảng viên lão thành nói giọng buồn rầu:

-          Hôm trước, tôi và đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến Ban Tổ chức Trung ương Đảng, lục tìm quyết định khai trừ cậu Đạm, bằng văn bản, nhưng không có, hoàn toàn không có. Quyết định miệng, không có văn bản, thủ tục khai trừ – chi bộ – liên chi bộ họp bao giờ, bao nhiêu đảng viên dự, ý kiến ra sao, tỷ lệ đồng ý, không đồng ý là bao nhiêu, chủ tịch, thư ký là ai ký vào… tất cả đều không có. Đã không có thì làm sao phục hồi được.

Tôi và Tạ Quang Ngọc ra về.

Ít lâu sau, Tạ Quang Ngọc được bầu vào Trung ương Đảng, rồi giữ chức Bộ trưởng Bộ Thủy sản. Nhớ tới câu đồng chí Lê Đức Thọ nói với vợ một cán bộ cao cấp (B.C.T.) bị quy kết oan sai, rằng: “Đảng không thể ra văn bản sửa sai được, mà chỉ sửa bằng sự việc cụ thể thôi…”, tôi nghĩ trường hợp này của anh Đạm có thể cũng là như vậy. Tôi nhân đó cũng nói đôi lời với Tạ Quang Ngọc; Tạ Quang Ngọc nói: “Cậu mợ tôi, trước khi mất vẫn tin rằng mình không có gì sai, vẫn tin tưởng Đảng”.

Trường hợp này, khiến tôi liên tưởng đến “vụ án” Phạm Quỳnh.

Không có biên bản, tòa án, không rõ ai là chánh án, thẩm phán, thư ký tòa, có hay không có luật sư, hay là có biên bản nhưng đã “mất”, “thất lạc”… Dù ba tháng sau khi Phạm Quỳnh mất đã công bố trên báo chí, nhưng nay, nếu thấy là chưa phải, chưa đúng, cần “giải oan” cho người bị oan, cũng chẳng có cơ sở pháp lý gì để xem xét lại.

Cũng giống như các vụ “Nhân văn – Giai phẩm”, “Vụ chống Đảng” (có cả Lê Trọng Nghĩa – một trong những nhà lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội) đã được sửa sai: cho in thơ, tặng giải thưởng, cho phục hồi danh dự… nhưng chưa có (hay đã có mà công luận không biết) văn bản.

Bằng việc cho tái bản sách của Phạm Quỳnh, in sách về Phạm Quỳnh, chấp nhận “Phạm Quỳnh là nhà văn hóa lớn”, thiết nghĩ đó đã là “văn bản” trả lời vụ việc rồi. Chưa kể đến những động tác khác rất đáng hoan nghênh, “nhân nghĩa”, ân tình của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Và như vậy, “có thể” coi như vụ án Phạm Quỳnh đã khép lại. Thượng Chi ở dưới suối vàng đã “nhàn du tiên cảnh”. Con cháu Phạm Quỳnh theo lời Bác Hồ dặn, cũng đã “vững tâm đi theo cách mạng” vì “Cụ Phạm – lời Bác Hồ – là con người của lịch sử sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này” – họ đã cùng với các nhà khoa học, chính trị, lịch sử, văn hóa có thể thưa với Bác Hồ rằng: “Thưa Bác, theo lời Bác dặn, lịch sử đã đánh giá đúng Cụ Phạm, xin Bác vui lòng”.

T.T.

———————–

(*) Tên thường gọi là Tạ Quang Đệ. Khi lên Việt Bắc những năm kháng chiến chống Pháp, Tạ Quang Đệ công tác ở báo Sự Thật với đồng chí Trường Chinh. Một lần bài đưa đến nhà in, bị mưa xóa nhòa tên tác giả, biết là bài của anh Đệ, là em anh Tạ Quang Bửu, tòa soạn đặt luôn tên tác giả là Quang Đạm. Đạm là chữ có từ cách “nói lái” các chữ Lam (tên con gái), Ngọc (tên con trai) và Đệ (tên bố). Từ Lam Ngọc Đệ thành Lê Ngọc Đạm.

Wednesday, 22 January 2014

ĐỊA DANH – NHỮNG TẤM BIA LỊCH SỬ - Lê Trung Hoa


PGS.TS. Lê Trung Hoa
Bộ môn Văn hoá học
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh

Báo cáo tại Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo bậc sau đại học chuyên ngành văn hóa học” do Bộ môn Văn hóa học tổ chức tháng 1-2006

Địa danh
Như chúng ta đã biết, địa danh ra đời trong những điều kiện lịch sử, địa lý nhất định. Do đó, phần lớn địa danh mang dấu ấn của môi trường, thời đại mà nó chào đời. Có người cho rằng địa danh giống như “ vật hoá thạch” [5: 6]; người khác lại cho rằng đấy là những “đài kỷ niệm”  Như vậy, qua địa danh, ta có thể biết một vùng đất, một quốc gia về các mặt địa lý, xã hội, các công trình xây đựng, lịch sử và văn hoá. Địa danh Việt Nam cũng thế.

1. Địa danh phản ảnh điều kiện tự nhiên:

Ra đời trong môi trường nào, địa danh phản ảnh hoàn cảnh địa lý ở đó. Đó là điều tất yếu vì địa danh là sản phẩm của tư duy mà tư duy luôn phản ảnh hiện thực mà nó tiếp nhận. Hiện thực đi vào địa danh có thể chia làm ba phần lớn. Đó là địa hình, thực vật và động vật.

1.1. Địa hình có thể chia làm hai dạng: địa hình cao và địa hình thấp. Địa hình cao gồm: núi, đồi, gò, đống,…Địa hình thấp gồm: sông, biển, hồ, đầm,…Tên địa hình đi vào địa danh trước hết qua các danh từ chung được dùng làm tên gọi các tiểu loại địa danh như núi, gò, sông, rạch,…:núi Tản Viên, gò Cẩm Đệm, sông Đà, rạch Cát,…Nhưng quan trọng hơn là các danh từ chung chỉ tên địa hình đã biến thành một yếu tố của địa danh: tỉnh Sông Bé, huyện Giồng Trôm, cầu Kinh, hồ Ba Bể, huyện Đầm Dơi, xóm Cù Lao, sông Ba Ngòi, vùng Bãi Bằng, bến Phà Rừng, vùng Thác Đài,…

Bên cạnh những từ thuần Việt (hay đã được Việt hoá gần như thuần Việt) chỉ địa hình, còn có nhiều yếu tố Hán Việt cũng chỉ địa hình đã nhập hệ như: sơn (núi), lâm (rừng), cốc (hang), khê (khe), xuyên (sông), chử (bãi biển, bến sông), dương, hải (biển), đàm (đầm),…Các yếu tố này chưa trở thành từ trong tiếng Việt nên không làm tiền từ mà làm thành tố chính đứng cuối địa danh: Trường Sơn, Tiền Giang, Gia Lâm, thôn Sài Đàm, An Khê, Long Xuyên, thôn Phương Chử, Hải Dương,…

Đồng thời, nhiều từ chỉ địa hình thiên nhiên trong các ngôn ngữ thiểu số ở Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng đã đi vào địa danh: rạch (prêk: sông nhỏ), vàm (piêm: ngã ba sông, rạch), đa, đak, ia (nước, sông), chư, ngok, pu/pù (núi), khuổi (suối),… Hầu hết các từ này vừa làm tiền từ vừa làm yếu tố chính đứng trước địa danh: rạch – Rạch Giá; vàm – Vàm Cống; đa, đà, đạ – Đa Nhim, Đà Lạt, Đạ Đờng; đăk – Đăk Lăk; gia – Gia Sô; chư – Chư Sê; ngok – Ngọc Linh; khuổi – Khuổi Cọ; pu – Pu Sam Sao.

1.2. Hình ảnh cây cỏ cũng “ đập” vào giác quan của người Việt như địa hình. Ở TP. Hồ Chí Minh có 273/6.000 địa danh (4,5%) mang tên các loại cây. Tên cây thông thường thì nơi nào cũng đi vào địa danh: cầu Gò Dưa, huyện Gò Dầu, cầu Dừa, Đầm Sen, phường Cây Sung, mương Bần, huyện Giồng Trôm, Hóc Môn, vùng Bồ Đề,…

Ở TP. Hồ Chí Minh, hàng chục tên cây vốn là đặc sản của Nam Bộ đã biến thành địa danh: Củ Chi, ấp Cây Sộp, rạch Cây Bướm, rạch Bông Xeo, rạch Thai Thai (loại bắp ngắn ngày), ấp Thiền Liền (tên một loại ngải),…

Số yếu tố Hán Việt vốn là tên cây cũng đi vào địa danh Việt Nam, nhưng không nhiều: liên (sen), trúc (tre), hoè (cây hoè), ngô đồng (một loại vông). Có lẽ do từ thuần Việt và tên cây thuần Việt dễ hiểu hơn: Liên Chiểu, thôn Trúc Khê, đường Hoè Nhai, xã Ngô Đồng.

Số từ chỉ cây cối trong các ngôn ngữ dân tộc thiểu số gia nhập địa danh Việt Nam nhiều hơn: huyện Cần Giuộc, huyện Thốt Nốt, ấp Cà Săng (Khmer), Nã Cà (cà: cỏ tranh), Co Bây (cây trám đen), Pò Co (co: cây dẻ), Bó Đảy (đảy: cây nứa tép), Lủng Lầu (lầu: cây lau), Nà Thoong (thoong: cây trúc), Cốc Rầy (rầy: cây si), Kơ Lá (cây tre), Tea Plôi (plôi: bầu, bí), Váng Pró (pró: dây tiêu), sông Nậm Rốm (rốm: cây gỗ lát),…

1.3. Tên cầm thú cũng đi vào địa danh khá nhiều. Ở TP. Hồ Chí Minh co,ù153/ 6.000 địa danh (2,5 %).Tên các con vật phổ biến đi vào địa danh ở khắp nơi:rạch Bến Nghé, giồng Chồn, rạch Cá Trê, cù lao Con Cò, rạch Muỗi, rạch Ốc, rỏng Lươn, tắt Quạ, mũi Gành Rái,…Đặc biệt, có những con vật nay không còn sinh hoạt trên địa bàn: tỉnh Đồng Nai, rạch Hóc Hươu, Hố Bò (bò rừng), ngã ba Chó Tru (chó sói), vịnh Sấu, rạch Voi, đèo Cọp,…

Số lượng các từ chỉ cầm thú trong các ngôn ngữ dân tộc thiểu số trở thành yếu tố của địa danh cũng khá phong phú: Cần Đước (rùa), Cần Thay (giống rùa quí), Cần Thơ (cá sặt rằn), rạch Cá Tra (pra), Ktlá (cọp), Kơtéam (cua), Mat (muỗi), Mơngéang (con kiến), Réng (rắn mối), Rơmi (tê giác), Tơkén (kiến đỏ) – địa danh ở Tây Nguyên; Ná Ca (ca: quạ), Pò Chạng (chạng: voi), Khau Mạ (mạ: ngựa), Pác Luồng (luồng: rồng), Dộc Nạn (nạn: con hươu), Lũng Vài (vài: trâu), Lậu Pất (pất: vịt), Nà Quang (quang: nai) – những địa danh ở Việt Bắc và Tây Bắc.

Qua hàng loạt địa danh ở trên, ta có thể nói hầu hết các địa hình, cây cỏ, cầm thú đều hoá thân thành địa danh. Nguồn ngữ liệu phong phú và tiện dụng này giúp cho việc sáng tạo địa danh dễ dàng và bất tận.

Tuesday, 21 January 2014

“THÀNH NGỮ CÁCH NGÔN GỐC HÁN”- CUỐN SÁCH DÙNG TRONG NHÀ TRƯỜNG CÓ NHIỀU SAI SÓT (Hoàng Tuấn Công - Tuấn Công Thư Phòng)


Thứ Năm, ngày 05 tháng 9 năm 2013

“THÀNH NGỮ CÁCH NGÔN GỐC HÁN”- CUỐN SÁCH DÙNG TRONG NHÀ TRƯỜNG CÓ NHIỀU SAI SÓT



Trong một nhà sách tự chọn ở Thành phố Thanh Hoá, tôi tìm thấy cuốn “Thành ngữ cách ngôn gốc Hán” của Nguyễn Văn Bảo-Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội-1999. Sách tập hợp 725 câu thành ngữ cách ngôn thường dùng, với nhiều tên tuổi, học vị đáng nể xuất hiện trong phần giới thiệu, hiệu đính. Tuy nhiên, khi về nhà, có thời gian xem lại, tôi ngạc nhiên bởi cuốn sách có quá nhiều sai sót, non kém. Việc giải thích nhiều câu thành ngữ chứng tỏ tác giả chỉ hiểu lờ mờ, nên dịch sai, dùng sai...Thậm chí tôi có cảm tưởng chính tác giả cũng không hiểu thành ngữ nói gì nhưng vẫn giải thích bừa. Xin liệt kê sự sai sót làm mấy loại:
1.Dịch sai, hiểu sai nguyên văn chữ Hán:
-Câu “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy”. Chữ “tứ mã” Nguyễn Văn Bảo dịch là: “ngựa tứ” là chưa chính xác. Bởi chỉ có “ngựa kỳ”, “ngựa ký” và chữ “tứ” là cỗ xe bốn ngựa chứ không có giống ngựa nào là “ngựa tứ”. “Tứ mã” ở đây là  cỗ xe bốn ngựa, chỉ sức mạnh, nhanh của bốn ngựa hợp lại. Lời đã nói ra thì sức mạnh của 4 con ngựa cũng không thể kéo lại, đuổi theo được.
 -Câu “Vong dương bổ lao”, phần giải tích từng từ, tác giả viết “Dương: con bò”. Điều đó sai hoàn toàn. Chúng ta đều biết, “dương” nghĩa là con dê. “Vong dương bổ lao”  nghĩa là “Mất dê mới làm chuồng”. Đây là câu thành ngữ gốc Hán. Trung Quốc ở về xứ lạnh, do đó, xưa kia con bò không phải là vật nuôi phổ biến ( bởi loài bò không chịu được giá rét). Con dê mới là vật nuôi đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hoá của họ(1). Người Trung Quốc không có chữ riêng để chỉ con bò mà mượn chữ “hoàng ngưu”= con trâu (lông) vàngđể chỉ con bò, thuỷ ngưu để chỉ con trâu (loài vật thích đầm mình dưới nước). Không thấy tài liệu hay từ điển nào lấy chữ “dương” = con dê để chỉ con bò. Mặc dù mượn văn tự Hán, nhưng người Việt không gọi con bò là “hoàng ngưu”, mà sáng tạo ra chữ “lao”  (để chỉ con bò.(2)Câu thành ngữ gốc Hán“Vong dương bổ lao” (Mất dê mới làm chuồng) được Việt hoá thành “Mất bò mới lo làm chuồng” cho phù hợp. Bởi vì con bò là vật nuôi phổ biến và đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hoá  của làng quê Việt Nam.
-Khi giải thích tứ đức: “Công dung ngôn hạnh” Nguyễn Văn Bảo cho rằng “công” ở đây có nghĩa là “công việc làm ăn” (!). Thực ra “công” trong “Công, dung, ngôn hạnh” nghĩa là sự khéo léo của người con gái. Có lẽ ông Bảo hiểu lầm và cho rằng tiêu chuẩn của người con gái, người vợ là phải có “công việc làm ăn” ổn định (!) ?
-Câu “Hiếu tử sự thân”, phần giải nghĩa từng từ, ông Bảo cho rằng “sự” ở đây có nghĩa “sự việc” là sai. Bởi, chữ “sự” trong câu “hiếu tử sự thân” nghĩa là thờ phụng (Con có hiếu phải thờ phụng cha mẹ).
-Câu “Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi”, phần giải nghĩa từng từ, ông Nguyễn Văn Bảo viết “Tương trì: con trai (nhuyễn thể)”. Sai! Hai chữ “tương trì” có nghĩa là níu kéo, nắm giữ lấy nhau, chỉ việc con cò mổ vào ruột con trai, con trai khép vỏ lại, ông lão bắt cá dễ dàng chộp được cả hai.
-Câu “Bàng nhược vô nhân”. (Coi như không có ai ở bên mình) Chữ “bàng” có nghĩa là ở bên, bên cạnh. Nhưng phần giải nghĩa từng từ, (thật không thể hiểu nổi) ông N.V.B lại viết “Bàng” là “bàng quang”-một bộ phận trong hệ bài tiết của động vật có vú (!)
2.Giải thích sai ý nghĩa câu thành ngữ:
-Câu “Nhất tiếu thiên kim” (Nụ cười đáng nghìn vàng), xuất phát từ tích U Vương vì muốn có được nụ cười của nàng Bao Tự mà tìm đủ mọi cách như đem hết vải vóc trong kho ra để hàng ngày xé cho Bao Tự nghe, rồi đốt lửa làm hiệu lệnh giả như có giặc đến để các nước chư hầu đến ứng giúp, cuối cùng Bao Tự đã mỉm cười. Đến khi có giặc thật, U Vương đốt lửa gióng trống nhưng không một nước nào tới cứu viện. U Vương phải bỏ mạng vì đơn thương độc mã. Câu thành ngữ ý nói việc phải trả giá quá đắt cho một hành động điên rồ của kẻ hiếu sắc, đồng thời cũng nói lên cái sức mạnh ghê gớm của sắc đẹp “nghiêng nước, nghiêng thành” có thể làm hỏng cả cơ đồ, sự nghiệp. Nhưng ông N.V.B lại cho rằng “Nhất tiếu thiên kim” là một lời khen đối với người phụ nữ đẹp và ông giải thích: “Khi đã khen người phụ nữ là “Nhất tiếu thiên kim” thì người ta cũng coi cái đẹp của người đó chỉ là mua bán”.(?) (!)
- Câu “Nhất tự đáo công môn, thiên ngưu khiên bất  xuất”.Có nghĩa: một chữ đã đưa đến cửa quan thì sức ngàn con trâu kéo cũng không ra. Ý nói, khi đã trót đệ đơn kiện lên quan, thì không có cách gì có thể rút lại được, dù chỉ một chữ. Bởi vì quan lại tham lam, thường vin vào các đơn kiện để bắt bẻ từng chữ nhằm đòi ăn của đút, không của nguyên đơn thì bị đơn (thành ngữ Việt Nam có câu “Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ”). Câu thành ngữ trên nhắc nhở người ta nên thận trọng khi đệ đơn lên quan, bởi kiện tụng chỉ thêm khốn đốn. (Cho nên người Việt Nam thường nhắc nhau: “Vô phúc đáo tụng đình, tụng đình rình vô phúc”). Thật khó hiểu, ông N.V.B lại đưa ra cách giải thích rất xa lạ và hoàn toàn không có cơ sở: “Đơn từ khiếu kiện của người dân, khi đã gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết thì không có trở lực gì làm cho tác dụng của những đơn từ ấy thành vô dụng”(?!) Và ông lấy ví dụ : “Bác đã gửi đơn khiếu nại lên cấp trên rồi thì rất yên tâm,nhất tự đáo công môn, thiên ngưu khiên bất xuất. Sớm muộn gì cũng được giải quyết” (?!)
- Câu Kim thị tạc phi” nghĩa là ngày hôm nay là đúng, ngày hôm qua là sai. Ý nói phải có sự linh hoạt trong việc nhìn nhận, đánh giá sự vật hiện tượng. Ví như có những giá trị đạo đức, hay quan niệm, lối sống, sự việc, luật lệ,v.v... luôn thay đổi theo hoàn cảnh, thời cuộc, ngày hôm nay cho là đúng, nhưng ngày hôm trước lại quan niệm là sai. Rất kỳ lạ, ông NVB lại giải thích: “Hiện nay là đúng, những ngày qua là sai. Hàm ý hối tiếc.” Không hiểu ý tác giả nói “hối tiếc” cái gì?
- Câu “Khẩu tụng tâm duy” (miệng đọc, lòng suy nghĩ). Chữ “tụng” có nghĩa là đọc thuộc. Ý nói người đọc không chỉ thuộc làu làu, đọc một cách vô thức, mà thành tâm, vừa đọc vừa suy nghĩ về ý nghĩa, đạo lý của điều mình đang đọc (như tụng kinh, niệm Phật). Thật bất ngờ và khó hiểu, ông NVB lại giải thích “Khẩu tụng tâm duy” là “Không thực lòng” và lấy ví dụ: “Đã là người khẩu tụng tâm duy thì không nên trở thành bạn hữu”. Không hiểu câu ví dụ này ông lấy ở đâu hay tự mình nghĩ ra rồi nói bừa lấy được?
-Câu “Sở quốc vong viên, hoạ diên lâm mộc”. (nước Sở mất con vượn mà hoạ lây đến cả cây rừng) Do tích: Vua nước Sở mất con vượn quý, tìm mãi không thấy, liền ra lệnh chặt trụi hết rừng cây để vượn không có chỗ trú sẽ trở lại với vua. Ý nói đến những tai hoạ khôn lường, tai bay vạ gió, những kẻ tưởng chừng không liên quan gì cũng phải hứng chịu (hoạ diên lâm mộc=hoạ lây đến cây rừng). Thành ngữ cũng hàm ý về quyền uy quá lớn của một con người sẵn sàng làm tất cả, để đạt được ý muốn cá nhân. Không hiểu sao, ông NVB lại giải thích rằng: “Báo cho mọi nơi không ai chứa chấp. Đói không nơi nương tựa rồi sẽ phải về”.(?!)
-Câu “Duy ngã độc tôn”. Ông Nguyễn Văn Bảo đã đúng khi dịch là “Chỉ có ta là tôn quý”. Tuy nhiên ông đã sai lầm khi giải thích đó “là lời nói của Phật Thích Ca “thái độ duy kỷ, chỉ biết tôn trọng mình mình”. Lẽ nào ông không biết câu chuyện Phật Thích Ca khi mới sinh ra, bước đi 7 bước và nói như sư tử gầm: “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn” (Trên trời, dưới đất, chỉ có ta là tôn quý) ? Câu nói như lời “tự sấm” báo hiệu trên thế gian sẽ xuất hiện một nhân vật siêu quần. Câu “Duy ngã độc tôn” không phải nguyên văn lời Đức Phật, và được dùng với cách hiểu hoàn toàn khác. Do đó không thể chú giải là lời Phật Thích Ca được. Nếu theo cách giải thích của ông Bảo, hoá ra, chính Phật Thích Ca tự lên án “thái độ duy kỷ, chỉ biết tôn trọng mình mình” của Đức Phật hay sao?
3.Giải thích không rõ ý, tiền hậu bất nhất:
-Câu “Lão sinh thường đàm” sau khi giải nghĩa hai từ “lão sinh” là “người học trò già”, ông N.V.B lại giải thích cả câu“Lão sinh thường đàm”  là: “Chuyện tầm phào của người già”. Và rồi ông lấy một ví dụ sử dụng câu thành ngữ này cũng rất mâu thuẫn, khó hiểu: “Phải hết sức lắng nghe các cụ vì lão sinh thường đàm”. Như thế, ta cần phải hết sức lắng nghe những “câu chuyện tầm phào” của các cụ hay sao? Theo “Từ điển thành ngữ, điển cố Trung Quốc” thì “Tam quốc chí: Nguỵ thư: Quản Lộ truyện viết: “Thử lão sinh chi thường đàm”. Lão sinh là chỉ thư sinh già. Đời sau dùng “lão sinh thường đàm” biểu thị những lời bình thường cứ nhai đi nhai lại mãi, không có ý gì mới”(3)
-Câu Khu ngư vi uyên khu tước vi tùng”. Ông Bảo không sai khi dịch: “Đuổi cá xuống vực, xua chim về rừng”. Nhưng, câu này nói về một việc làm phản tác dụng, bởi vì nước sâu và cây rừng đều là môi trường sống lý tưởng của cá và chim. Khi xua đuổi chúng về chốn này khác nào làm cho kẻ bị mình đánh đuổi trở nên mạnh thêm (giống như câu “Thả hổ về rừng”). Lạ thay, NVB lại giải thích câu thành ngữ này là “Không biết tập hợp lực lượng quần chúng, thậm chí lại làm cho tan rã ra”(!)
-Câu “Tích cốc, phòng cơ” (Có nghĩa là để dành thóc lúa phòng khi đói) ông N.V.B lại dịch: “Ăn khi no, lo khi đói”. Tại sao lại đem chuyện “ăn khi no” ví với câu “Tích cốc” ? Thật tối nghĩa ! Thậm chí vô nghĩa !
-Câu “Nhân bất thông cổ kim ngưu mã nhi khâm cư”Thành ngữ này không có phần nguyên văn chữ Hán như những câu khác. Do đó, rất khó kiểm chứng khi ông Bảo dịch chữ “khâm” là “vải bọc thây”, chữ “cư” là “vạt của áo”; sau đó ông giải thích: “Người không thông hiểu việc xưa nay thì cũng như trâu ngựa được mặc áo quần”. Chẳng biết có phải do kiến văn hẹp hòi, nông cạn hay không, nhưng tôi chưa bao giờ nghe câu thành ngữ được xếp vào loại “thường gặp” này. Liệu ở trên thế gian, những kẻ thông hiểu việc xưa nay được mấy người? Và không thông hiểu việc “cổ kim” phải đâu là tội lỗi hoặc điều xấu xa, sao lại xem những người đó giống như “trâu ngựa được mặc áo quần”?
4. Biên soạn thiếu thống nhất, khoa học:
Cuốn sách tập hợp 725 câu thành ngữ cách ngôn “thường gặp”, lại được dùng trong nhà trường, nhưng nhiều câu rất “mù mờ”, không hiểu nguồn gốc ở đâu, “thường gặp” trong văn cảnh nào, cách dùng ra sao, tác giả, sách nào đã từng dùng ? Phần lớn những ví dụ, dẫn chứng về cách sử dụng các thành ngữ, cách ngôn đều do ông N.V.B tự đặt ra một cách chung chung, vô căn cứ và rất khó hiểu. Sách nói “được giải nghĩa và phiên âm tiếng Trung văn, chú thích chữ Hán” để “qua phần phiên âm và chú giải Hán tự, bạn đọc sẽ tiện lợi hơn trong việc tra cứu, tham khảo và sử dụng” nhưng soạn giả rất tuỳ tiện. Nhiều câu không có phần nguyên văn chữ Hán. Ví dụ các câu: “Bỉ sắc tư phong, Khuyển mã chí tình, Khu ngư vi uyên khu tước vi tùng, Khởi (cải) tử hồi (hoàn) sinh, Nhân bất thông cổ kim ngưu mã nhi khâm cư”,v.v...khiến cho người cần tìm hiểu nguyên văn chữ Hán để đối chiếu không biết đâu mà lần !
Như vậy, chỉ mới dừng ở mức “Cưỡi ngựa xem hoa” thôi nhưng có thể thấy, những sai sót trong cuốn “Thành ngữ cách ngôn gốc Hán” của Nguyễn Văn Bảo là khá nghiêm trọng. Điều đáng nói, đây là “sách dùng trong nhà trường”, nhằm “giới thiệu rộng rãi với bạn đọc, với thầy cô giáo và nhất là với các em học sinh” một cuốn “Sổ tay sử dụng những từ gốc Hán” (như lời soạn giả). Sách đã tái bản lần thứ hai, đủ thời gian, cơ hội để chỉnh lý, bổ sung, hiệu đính, nhưng soạn giả vẫn để nguyên tình trạng “dĩ hư truyền hư”.  Sách lại được PTS Đỗ Thị Hảo-Viện nghiên cứu Hán Nôm-Uỷ viên ban chấp hành hội văn nghệ Dân gian Việt Nam” giới thiệu(4). Và theo “lời tác giả”, sách cũng được bà Đỗ Thị Hảo, phó tiến sĩ Hán Nôm, ông Đinh Văn Minh, Chuyên viên Hán Nôm, đặc biệt là nhà Hán học Lê Bầu “hiệu đính toàn bộ nội dung và phần chú giải chữ Hán”. Bản thân tác giả (phần tự giới thiệu “cùng tác giả”) cho biết từng biên soạn những cuốn như “Từ và ngữ Hán Việt trong sách văn phổ thông” (NXB Văn học-1992) “Mở rộng vốn từ Hán Việt” (Đồng tác giả NXB Đại học Quốc gia Hà Nội-1997). Cuối cùng, sách ra đời từ một địa chỉ có uy tín: Nhà xuất bản đại học Quốc gia Hà Nội. Lẽ nào ngần ấy những tên tuổi, học vị, thương hiệu, vẫn không đủ để đảm bảo cuốn sách tránh được những sai sót đáng tiếc nói trên?  Liệu đã có bao nhiêu thầy giáo, học sinh dạy nhầm, học nhầm, hậu quả là tiền mất, tật mang ?
 Năm 2008, tôi đã có bài viết góp ý những sai sót của cuốn “Thành ngữ cách ngôn gốc Hán” trên tạp chí Nguồn Sáng (Hội văn nghệ dân gian Việt Nam”. Tuy nhiên năm 2010, trong chuyên mục “Gõ cửa ngày mới” của Đài TH Việt Nam, lại thấy ông NVB xuất hiện với tư cách Nhà giáo khách mời và tiếp tục “quảng cáo” cho cuốn “Thành ngữ cách ngôn  gốc Hán”, coi đây là đóng góp quan trọng trong cuộc đời soạn giả !


                                                                                      H.T.C
Chú thích:
(1)-Con dê là một trong “lục súc” (6 loài vật nuôi trong nhà ) và là con vật quý dùng để tế thần của người Trung Quốc.
 (2)-Chữ “lao” nghĩa gốc là chuồng nuôi súc vật, chuồng nhốt con vật trước khi đem giết để tế thần (gồm bộ miên là nhà, dưới là bộ ngưu). Người Việt Nam đã mượn chữ “lao” này để chỉ con bò. Tôi còn giữ được một văn tự bán bò niên hiệu Bảo Đại năm thứ 3, chủ bò là Lê Văn Vi-người thôn Văn Đoài, tổng Văn Trinh, huyện Quảng Xương – Thanh Hoá, trong đó có câu: “gia hữu tẫn hoàng lao nhất đầu niên phương nhị tuế” ( nghĩa là: nhà có một con bò cái lông vàng tròn hai năm tuổi). Núi Đồng Cổ thờ thần Đồng Cổ (thuộc huyện Yên Định-Thanh Hoá) vốn tên là núi Khả Lao. Chữ “lao” là con bò. Dân gian trước kia cũng gọi là núi Con Bò.
(3)- “Từ điển thành ngữ điển cố Trung Quốc”-Nhà xuất bản Khoa học xã hội-2001
(4)-Uỷ viên ban chấp hành Hội văn nghệ dân gian Việt Nam không phải là chức vụ kh oa học.