Wednesday, 19 February 2014

Phái đoàn quân sự Xô Viết đến Sài Gòn cuối năm 1946 để làm gì?


Nguyễn Thị Hồng Vân (2010:106) có nhắc qua một sự kiện lạ lùng, ít ai biết:

Ngày 26.10.1946
Phái đoàn quân sự Xô Viết đến Sài Gòn
Mùa thu năm 1946, một phái đoàn quân sự Xô viết gồm đại tá V. Đubrôvin, sĩ quan tùy tùng A. Kuzmin và phiên dịch V. Visnhăc được lệnh lên đường đến Đông Dương và đã có mặt tại Sài Gòn ngày 26.10.1946. Nhiệm vụ chính của phái đoàn là “tiếp nhận các công dân cũ của Liên Xô và giúp họ trở về Tổ quốc”. Đến cuối năm 1949, có khoảng 15 người đến xin gặp Đoàn, trong đó có rất ít người Nga, đa số là lính lê dương của Pháp từ Ucraina, Latvia, Litva... Theo thỏa thuận của Đoàn quân sự với chính quyền Pháp, các công dân Xô viết được đưa lên tàu thủy đi Macxây, sau đó đến Liên xô. Trong thời gian ở Đông Dương, các thành viên của phái Đoàn quân sự Xô viết còn đi Đà Lạt, Nha Trang và Phnômpênh. Những người Xô viết đầu tiên ở Đông Dương hoàn thành nhiệm vụ và trở về Liên Xô tháng 3.1947.

Tác giả cho biết là đã dựa theo tài liệu của A. A. Xôcôlôp trong báo cáo đọc tại Hội thảo quốc tế “Việt Nam trong thế kỷ XX”, Hà Nội, 2000.

Chính phủ Liên Xô tốt thế, cử người đi xa vạn dặm để đón công dân của mình về nước, mà chỉ đón được hơn chục người. Sự việc không phải lạ lùng sao? Những người dân Liên Xô ấy vì cớ gì lại lưu lạc sang tận Đông Dương để chính phủ hai nước phải nhọc lòng như thế?

Vấn đề là không ai muốn sống xa Tổ quốc nhưng cũng không ai thích về nước để ngồi tù.

Nikolaï Vassenine bị quân Đức bắt cùng 400 ngàn đồng đội vào đầu tháng 7 năm 1941 ở Minsk. Sau nhiều lần vượt ngục, ông thoát được ra rừng, gia nhập quân kháng chiến Pháp từ tháng 10 năm 1943, lập nhiều thành tích, trở thành chỉ huy một phân đội 25 người. Tháng 9/1944 Liên Xô tìm được Nikolaï. Thế là ông phải lên đường đi Paris, trình diện phái bộ quân sự Liên Xô ở đây. Mùa xuân 1945 tàu thủy chở ông cập cảng Odessa. Nikolaï Vassenine ra tòa án binh, lãnh 15 năm tù. Sau khi Staline chết, án tù được đổi thành chỉ định cư trú ở Xi-bia. Mãi đến năm 1991, trước khi Liên Xô sụp đổ ít lâu ông mới được phục hồi danh dự.

Tội của Nikolaï Vassenine và hàng trăm ngàn quân nhân Liên Xô kém may mắn khác là đã để cho địch bắt khi Staline đã ban lệnh là người lính phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Đối với Staline, đào ngũ, bị bắt, đầu hàng đều là phạm tội phản bội.

Quan điểm cực đoan của Staline khiến những người ngón tay trót đã nhúng chàm đều không còn đường quay về. Trong số những tù binh quay ra hợp tác với Đức vì sợ Staline đòi nợ, có thể kể những gương mặt nổi bật như trung tướng Andrei Vlasov (ông này từng được thưởng huân chương Cờ Đỏ do công trạng trong trận chiến bảo vệ Mát-xcơ-va, bị bắt tháng 6-1942 khi tập đoàn quân xung kích số 2 do ông chỉ huy bị quân Đức bao vây, tiêu diệt) và những người đứng đầu Quân Giải Phóng Nga (ROA) như thiếu tướng Vassily Malyshkin, trung tướng Gregory Zhilenkov, thiếu tướng Vladimir Trukhin, thiếu tướng Andrey Blagoveshchensky, thiếu tướng Nikolai Zakutny, đại tá Ivan  Maltsev, đại tá Sergei Bunyachenko, đại tá Georgi Zverev, đại tá Alexei Meandrov, trung tá Viktor Korbukov, trung tá Mikhail Shatov. Tất cả đều bị Staline cho treo cổ ngày 1/8/1946.

Quân Giải Phóng Nga (ROA) thật ra chỉ tồn tại trên giấy tờ. Người Đức chỉ nhân danh ROA để tuyển mộ lính ngụy và lợi dụng tiếng tăm của Vlasov để khuyến khích binh sĩ Liên Xô đào ngũ. Bằng cách đó người Đức thu hút được hàng trăm ngàn người (nguyên là) công dân Liên Xô phục vụ trong quân đội Đức, (chỉ phải) đeo (có mỗi) phù hiệu ROA, không phải chịu quyền chỉ huy của tư lệnh ROA. Mãi đến ngày 11-02-1945 Vlasov mới thật sự được Đức cho phép cầm quân chiến đấu với Hồng Quân Liên Xô bên bờ sông Oder.

Lính ngụy gốc Liên Xô thường được sang Tây Âu làm nhiệm vụ chiếm đóng. Tiểu đoàn 5 đóng giữ Périgueux có 1200-1300 quân thì đều là tù binh người Gru-di-a (quê hương của Staline), chỉ có tiểu đoàn trưởng là một viên đại úy Đức. Phụ tá cho tiểu đoàn trưởng là một cựu đại tá người Gru-di-a. (Coudry, 1995:8-9). Tháng 6 năm 1943 số người Nga trong lực lượng chiếm đóng trên đất Pháp đã đạt đến tỷ lệ 10%. Nhờ vậy Hitler rút được 72 tiểu đoàn Đức hoán trả lại cho mặt trận phía đông. (Coudry, 1995:8)

Buồn một nỗi là mấy chú lính ngụy gốc Nga (và các dân tộc anh em) tinh thần không cao. Đánh nhau không được nên mới phải đổi từ đông sang tây mà lại hay bỏ trốn. Đã trốn thì lại rủ nhau trốn tập thể (Coudry, 1995:10).

Tháng 11 năm 1944  sư đoàn SS xung kích số 30 toàn là người Nga và Ucraina không chịu chiến đấu và còn bắn cả vào quân Đức nên bị tước vũ khí và bị giải thể.

Ngày 27 tháng 8 năm 1944 toàn bộ binh lính người Ucraina thuộc tiểu đoàn 3 trung đoàn 30 SS ở Nol-dans-le-Ferroux (Haute Saône) làm binh biến, giết 185 cán bộ chỉ huy người Đức rồi kéo vào rừng theo kháng chiến Pháp (130 cựu sĩ quan + 695 hạ sĩ quan binh sĩ + 250 con ngựa). Sau khi bỏ hàng ngũ Đức, họ lại trở thành những chiến sĩ quả cảm, chấp nhận hy sinh (20 tử trận + 43 bị thương). Một đại tá Mỹ thuộc tập đoàn quân số 7 (Mỹ) đòi tước vũ khí của tiểu đoàn đó. Tướng De Lattre De Tassigny liền gửi họ đến giải cứu sư đoàn 1 của tướng Brosset lúc đó đang lâm nguy. Tiểu đoàn lại có thêm 80 tử sĩ. Những người sống sót được giấu vào bán lữ đoàn lê dương (DBLE) số 13. Mặc dầu vậy, phần lớn vẫn bị phát hiện và bị đưa về trại tập trung của Liên Xô ở Meaux, trước khi xuống tàu về nước. Chỉ một số ít che giấu được thân phận và theo đơn vị sang Đông Dương (Coudry, 1995:11). Sự kiện mà Nguyễn Thị Hồng Vân (2010:106) nhắc đến trên đây cho thấy là sau đó vẫn còn 15 chú lê dương bị Liên Xô sang tận nơi bắt lại.


Một đơn vị lính ngụy khác là tiểu đoàn 2 thuộc sư đoàn 30 bộ binh làm binh biến ở Doubs rồi tham gia kháng chiến, anh dũng lập nhiều thành tích vang dội. Ngày 9/9/1944 một đại tá Liên Xô và phóng viên báo Sự Thật đến thăm tiểu đoàn. Tiểu đoàn bị tước vũ khí ở Epenoy, sau đó xuống tàu Anh ở Marseille, chở về Odessa. Có 230 người may mắn chạy được vào trại lính lê dương và trốn luôn trong đó với thân phận mới, lý lịch mới, vĩnh biệt tổ quốc. (Coudry, 1995:11)

Vì sao chính phủ Pháp không thể làm gì để cứu mạng những người đã chiến đấu để giải phóng nước Pháp? Khi tướng de Gaulle đến thăm Mạc Tư Khoa, Staline đã ra điều kiện rất rõ ràng: nếu Pháp không giao nộp bọn phản bội đã chạy theo Vlassov (chống lại Liên Xô hay Staline cũng thế) thì Liên Xô sẽ không trả 33 vạn ngụy Pháp bị Liên Xô bắt ở mặt trận miền đông! De Gaulle không có cách nào khác là phải... thỏa thuận.




Liên Xô yêu cầu cho phép sĩ quan của họ sục sạo trong các đơn vị Pháp. Pháp phải đồng ý:
Cuối tháng 12/1944 một phái đoàn Liên Xô tìm đến bán lữ đoàn lê dương số 13. Chỉ huy trưởng là trung tá Saint-Hillier không cho phép họ vào tìm người. Cán bộ các cấp cũng tìm cách che giấu cho anh em. Trước thái độ ngang ngạnh đó, phái đoàn Liên Xô phải rút lui. Nhưng họ về mách lại với cấp trên. Cấp trên của họ làm việc với cấp trên Pháp. Sau đó lệnh truyền xuống, nhắc nhở chi tiết quyền hạn của các bạn Liên Xô. Khi đó các sĩ quan Pháp không còn cách nào khác là phục tùng mệnh lệnh. Những người đã khai quốc tịch Liên Xô đều bị trao trả cho Liên Xô. Các cuộc tróc nã như vậy cứ tiếp diễn cho đến khi hết chiến tranh vẫn chưa thôi (Comor, 1988:287).
Liên Xô muốn sang tận Đông Dương để bắt người. Chính phủ Pháp cũng phải đồng ý. Sự việc này đã được tướng Jacquin, một chuyên viên tình báo, xác nhận từ lâu (Comor, 1988:287) trong khi Xôcôlôp đến năm 2000 và mười năm sau nữa, Nguyễn Thị Hồng Vân (2010:106 ) vẫn viết:
Nhiệm vụ chính của phái đoàn là “tiếp nhận các công dân cũ của Liên Xô và giúp họ trở về Tổ quốc”.
Nhiệm vụ chẳng có gì là vinh quang nên Xôcôlôp phải nói như thế. Cả người Pháp cũng biết xấu hổ, không muốn nhắc đến nên bây giờ khó biết đã có bao nhiêu người lọt lưới, bao nhiêu người bị bắt. Ngay từ thời ấy các văn kiện chính thức đã tỏ ra phải đạo một cách đáng ngờ. Nhật ký hành quân của tiểu đoàn lê dương số 1 (1er BLE) chỉ ghi là những người Nga rời tiểu đoàn để trở về với quân đội Liên Xô (les Russes quittent le bataillon pour rejoindre l’armée soviétique). Năm thì mười họa nhà nghiên cứu mới tìm được một chứng từ giúp ta hình dung phần nào quy mô của cuộc tróc nã mà chính phủ Liên Xô đã thực hiện với những đồng bào xấu số của họ: trung tá Gaultier (trung đoàn lê dương dã chiến – RMLE) trong một báo cáo ngày 10/3/1945 cho biết 85 công dân Liên xô mới gia nhập quân lê dương đã được trao trả cho quân đội quốc gia của họ ; đại úy Dureau, chỉ huy đại đội 9, cho biết là trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5/1945, phần lớn số người Ucraina (20 người) trong đại đội đã được/bị giao nộp cho phía Liên Xô. 



Sau đây chúng ta hãy nghe Tô Hoài kể về một trường hợp khá nổi tiếng trong số những công dân Liên Xô may mắn không phải về nước sớm:
Platôn quê ở Ukraina vùng Cuốc cách thành phố Kiep sáu mươi cây số. Tốt nghiệp trung học hai mươi tuổi, Platôn tòng quân. Năm 1942, cả binh đoàn vào trận đánh, bị bao vây và bị phát xít Đức bắt ở Khacôp.
Tù binh Platôn phải giải về Đức, học lái xe rồi làm tù binh lái xe tải của quân đội Đức đóng ở Đan Mạch.
Phát xít Đức thua trận. Tù binh Nga được giải phóng. Platôn cũng được về nước, nhưng phải nhốt trong toa tàu những tù binh đã cộng tác với địch. Platôn sẽ phải ra toà án quân sự.
Đến một ga xe lửa giữa đường gần biên giới Nga, Platôn nhảy xuống, chạy trở lại. Platôn sang Pháp. Thấy các nơi dán áp phích lấy lê dương, Platôn vào lính lê dương Pháp. Năm 1947, đội quân lê dương ấy bị đưa sang mặt trận Đông Dương. Đơn vị của Platôn đóng ở Phú Nhuận rồi Bến Tre, rồi Vĩnh Long.
(Tô Hoài – Chiều chiều)
Ông Platôn này về sau chạy qua hàng ngũ Việt Minh, có nhiều công trạng. Nhưng muốn quay về quê hương không phải dễ. Ông phải lo giấy tờ gửi về nước trình bày nông nỗi, toà án quân sự bên Nga xem xét huỷ cho tù binh Platôn cái án tử hình đã cộng tác với phát xít Đức. Rồi cũng xong. Năm 1956, hai bố con về Matxcova.
(Tô Hoài – Chiều chiều)

Khi ở Vĩnh Long, anh đã bắt liên lạc với cơ sở hoạt động bí mật ở thị xã, nhưng rủi thay, chưa kịp hành động thì cơ sở này bị vỡ, nhiều người bị địch bắt, bị tra tấn rất dã man. Thế là anh đứt mất liên lạc. Sau đó, anh được điều sang chiến trường Bến Tre. Tại đây, anh đã tìm cách liên lạc được với cơ sở cách mạng và ngày 17-8-1947, anh mang vũ khí ra vùng tự do. Tại đây, anh được phân công về công tác ở đội công tác 1, đơn vị hoạt động ở thị xã Bến Tre và vùng ven, cũng tại đây, anh mang cái tên Việt Nam là Nguyễn Văn Thành, hay như đồng đội và đồng bào quen gọi anh là "Thành Nga" hay Hai Thành. Anh đã tham gia chiến đấu hàng chục trận lớn, nhỏ.
   Vốn điềm đạm, cần cù, tận tụy trong công tác, nên "Thành Nga" không những được đồng đội tin cậy mà còn được dân thương yêu, quý mến. Một người con gái ở Mỹ Thạnh An – nay thuộc thị xã Bến Tre – tên là Colette Mai đã đem lòng yêu anh, và hai người được sự giúp đỡ của toàn thể đơn vị và đoàn thể địa phương, trở thành vợ chồng. Lễ cưới được tổ chức tại xã Nhơn Thạnh. Trong ngôi nhà cột cây, vách lá do đồng bào góp công, góp sức xây dựng nên trong hoàn cảnh chiến tranh, họ sống với nhau khá hạnh phúc. Và cũng tại nơi đây, tháng 8-1949, cô con gái đầu lòng Janie ra đời. Bến Tre lúc này bị địch tăng cường càn quét, ruồng bố liên miên, đồn bót mọc lên chi chít khắp nơi. Hoạt động và đi lại của bộ đội và cán bộ ta ngày một khó khăn. Để đảm bảo sự an toàn cho hai mẹ con, buộc lòng tổ chức phải tìm cách đưa vợ con anh về sống hợp pháp ở thị xã, còn Hai Thành cũng chuyển công tác về một đơn vị trợ chiến thuộc trung đoàn Cửu Long, hoạt động ở vùng Trà Vinh.
   Đến đầu năm 1953, anh tình nguyện xin về tiểu đoàn 307, được phân công làm khẩu đội trưởng súng cối 60 mm và tham gia chiến đấu ở đơn vị này cho đến ngày đình chiến (7-1954).
   Trong thời gian chuyển quân tập kết, anh được phân công làm công tác phiên dịch trên tàu Xtarôpôn của Liên Xô ra Bắc vào Nam nhiều chuyến, sau đó trở về công tác tại đơn vị cũ lúc bấy giờ đóng tại Thanh Hóa. Cháu Janie cũng được đưa ra thủ đô Hà Nội, được chăm sóc chu đáo. Bản thân anh Hai Thành, sau đó cũng đã sống cùng với con gái một thời gian trong một ngôi nhà bên bờ Hồ Tây (Hà Nội).
   Ngày 10-5-1955, theo sự thỏa thuận của hai chính phủ Việt Nam và Liên Xô, Nguyễn Văn Thành được về lại quê hương của mình cùng với cô con gái mang hai dòng máu Việt – Xô: Janie. Sau khi về nước, anh nhận công tác ở Ban tiếng Việt của Đài phát thanh Matxcơva cho đến khi về hưu. Anh cũng là người dịch và giới thiệu quyển Vượt Côn Đảo của Phùng Quán với độc giả Liên Xô.

Tuesday, 18 February 2014

Không phải rượu nho sao cũng gọi là vang?


Vang, do tiếng Pháp là vin, nghĩa là rượu nho, khi vào tiếng Việt cũng chỉ có nghĩa là rượu nho. Đó là thứ rượu trong câu văn sau đây:
Như người Tây ăn, hằng ngày nào cũng là thịt bò, rượu vang, cà-phê, mà đến cả nước đá cũng là nhiệt-vật, bởi người Tây phì-nộn, hàn-trệ nên hay dùng những đồ nóng cho dễ tiêu-hóa.
Nguyễn Khắc-Hanh Nam Phong Tạp Chí số 30 (1919:513)

Từ vang với nghĩa như trên được ghi nhận trong từ điển quãng những năm 30 của thế kỷ trước (Đào Duy Anh, 1950:1896). 

Rượu vang bị Nguyễn Đình Chiểu (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc) chê là rượu lạt:
Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn ; sống làm chi ở lính mã-tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ 

 Có người gọi rượu nho là rượu chát (Eveillard, 1887:17)

Hiện nay rượu chế bằng các thứ nước quả ép, để cho lên men cũng được gọi là rượu vang (Nguyễn Kim Thản, 2005:1370 ; Hoàng Phê, 2006:841). Rượu vang dâu chẳng qua chỉ là rượu dâu, nhưng nhà sản xuất cứ gọi là rượu vang dâu hay ngắn gọn là rượu vang chứ không chịu gọi là rượu dâu. Rượu vang của các cụ ngày xưa nay phải gọi là rượu vang nho để khỏi lẫn với các thứ rượu vang ấy.

Monday, 17 February 2014

Ký ức đám cưới ngày 17.2.1979 của con trai Tổng bí thư Lê Duẩn (Lê Kiên Thành - Thanh Niên)

Báo Nhân Dân đưa tin chiến sự Việt Trung năm 1979 như thế nào?



Báo Nhân Dân số 9019 ra ngày 17 tháng 2 năm 1979 không có dòng nào về cuộc chiến. Ở vị trí trang trọng nhất của trang 1 là tin Đoàn đại biểu chính phủ ta đi thăm hữu nghị chính thức nước cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia. Cạnh đó là tin Đồng chí Trường Chinh tiếp đoàn đại biểu hội đồng Trung ương các công đoàn Tiệp Khắc. Xã luận trong ngày tán dương Sức mạnh đoàn kết vô địch của chúng ta.

Sang hôm sau báo mới bắt đầu đưa tin chiến sự phía bắc:
Rạng sáng 17-2-1979, nhà cầm quyền Trung Quốc huy động lực lượng lớn quân đội gồm bộ binh, pháo binh, thiết giáp mở cuộc tiến công xâm lược lãnh thổ nước ta trên toàn tuyến biên giới từ Phong Thổ, Lai Châu đến thị xã Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Từ đó trở đi tin luôn luôn chậm hai, ba ngày so với tình hình: báo ngày 20/2 đưa tin ngày 17 và 18/2, báo ngày 26/2 đưa tin ngày 23/2, số ra ngày 1/3 đưa tin ngày 27/2, số ra ngày 2/3 đưa tin ngày 28/2, số ra ngày 5/3 đưa tin ngày 2/3, số ra ngày 7/3 đưa tin ngày 5/3...

Bản tin ngày 18/2 có tính thời sự cao nhất (chỉ chậm một ngày so với tình hình) cũng là bản tin chung chung nhất, kiểu Các lực lượng vũ trang đã đánh trả quyết liệt, diệt nhiều tên địch, bắn cháy và phá hủy nhiều xe tăng địch, có thể dùng cho chiến trường Tây Nam cũng được mà để viết về một trận chống càn trước 1975 cũng không sai. Số liệu thành tích duy nhất nằm ở đoạn sau đây:
Tin đầu tiên cho biết : quân và dân các địa phương vùng biên giới đã chiến đấu hết sức dũng cảm, diệt nhiều tên Trung Quốc xâm lược, phá hủy và bắn cháy hàng chục xe tăng của chúng. Chỉ riêng quân và dân ở khu vực bản Quang, huyện Bát Xát (Hoàng Liên Sơn), đã diệt 250 tên, bắn cháy bốn xe tăng ; ở khu vực cửa Hữu Nghị, quân ta đã bắn cháy tám xe tăng ; ở Quảng Hòa, diệt bảy xe tăng.

Sang đến ngày 20/2 người đọc báo mới biết là chỉ trong hai ngày đầu của cuộc chiến (17 và 18/2) quân dân các tỉnh biên giới phía bắc diệt được 3500 tên giặc. Từ đó số liệu về tổn thất của địch tiếp tục tăng nhanh:
Ngày 19 diệt 1500 tên, ngày 20 diệt 2000 tên. Từ 17/2 đến 21/2 diệt 12000 tên. Cộng trừ tới lui có thể suy ra số địch bị diệt ngày 21 là 2000.
Ngày 22 diệt tiếp 1000 tên.
Số địch bị diệt tính đến 23/2 là 16000, tính đến 28/2 là 27000, tính đến 2/3 là 42000, tính đến 5/3 là 45000.

Không có bản tin nào đưa số thương vong của ta. 

Mười bảy tháng hai (Vũ Cao Phan - Thanh Niên)

Tác nghiệp giữa vòng vây địch tháng 2/1979 (Mạnh Thường - PetroTimes)


Tác nghiệp giữa vòng vây địch tháng 2/1979

(PetroTimes) - Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc bùng nổ. Không chỉ các phóng viên báo chí có mặt trên toàn tuyến biên giới từ Móng Cái đến Lai Châu mà nhiều văn nghệ sĩ cũng khoác ba lô lên đường. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mạnh Thường đã sống và chiến đấu bằng chiếc máy ảnh tại Cao Bằng. Tại đây, ông đã ghi lại những hình ảnh về thất bại của quân Trung Quốc. Nhân dịp kỷ niệm 35 năm chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, chúng tôi xin giới thiệu một đoạn hồi ký của ông về những ngày đầu của cuộc chiến này.
Vào khoảng 6h sáng ngày 17/2/1979, tôi bỗng nghe nhiều tiếng súng nổ ngày một gần. Tôi vội vàng mang ba lô xách máy ảnh chạy ra đường, thấy bộ đội ta (các đơn vị bộ đội địa phương) đang dùng súng B40, B41 bắn xối xả về phía xe tăng địch.
Tôi thấy rõ bên nắp tháp pháo các xe tăng giặc đều mang phù hiệu ngôi sao vàng 5 cánh ở giữa có chữ “Bát nhất”. Nhiều chiếc đã bị bắn cháy khói bốc nghi ngút, nhiều tên lính nhảy ra khỏi xe đã bị ngã gục trước làn đạn quân ta, nhưng những chiếc xe đi sau, như những con thiêu thân, theo hàng dọc vẫn lừ lừ tiến lên phía trước. Các chiến sỹ Đoàn 567, bộ đội địa phương đã hiệp đồng chặn đứng bọn xâm lược ngay từ phút đầu.
Riêng sáng 17/2 tại Bản Sẩy, huyện Hòa An, bộ đội ta đã diệt gọn 31 chiếc xe tăng và bắt sống một chiếc và nhiều tên lính xâm lược bị đền tội, phơi thây trên trận địa. Các chiến sỹ ta càng đánh càng dũng mãnh, như Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Hoan, chiếc xe tăng vừa tiến đến, không có súng chống tăng, anh đã dùng lựu đạn chặn đánh. Anh bị thương nặng nhưng quyết không rời vị trí.
Một nhóm trong đội thanh niên xung kích ĐHSP Hà Nội 1 trên đường trở về sau chuyến đi biên giới năm 1979 (Ảnh: Mạnh Thường).
Vừa chụp xong trận địa Bản Sẩy, tôi gặp ngay một đơn vị đang hành quân cấp tốc lên phía trước đánh chặn quân địch từ Thông Nông tràn xuống. Các chiến sỹ cho biết, quân ta đang chặn đứng xe tăng giặc từ Đông Khê, Thất Khê tiến lên thị xã Cao Bằng. Mặc dầu trước mặt quân địch từ Thông Nông đánh xuống, sau lưng bọn chúng theo đường số 4 liều lĩnh đánh lên, nhưng với máu nghề nghiệp và sự hăng say của tuổi trẻ, tôi vội vàng chạy bộ vừa về đến sông Bằng, tôi may mắn gặp các chiến sỹ thuộc Đoàn 46, có hai chiến sỹ bị trọng thương, đã đưa về tuyến sau, còn 4 chiến sỹ Tạ Văn Dũng, Trần Đình Nông, Ngô Đình Việt và Phạm Lợi đã dũng cảm gan dạ với khẩu pháo của mình bắn nát tại chỗ trên đồi Nà Toòng (thị xã Cao Bằng) 6 chiếc xe tăng địch.
Hình ảnh những chiếc xe tăng của quân xâm lược bị nát tan trước hỏa lực của quân ta mà tôi ghi được tại trận địa Bản Sẩy và đồi Nà Toòng đã theo tôi suốt cuộc đời. 35 năm trôi qua nhưng những hình ảnh đó chưa bao giờ phai mờ trong ký ức tôi, một ông già nay đã ngót nghét 79 tuổi.
Trong giờ phút giữa cái sống và cái chết chỉ còn gang tấc, nhìn xung quanh ngoài bộ đội, dân quân, không thấy một phóng viên nào! Phải nói thật lúc đó tôi có phần lo sợ. Sau này tôi mới vỡ lẽ: Bọn giặc đã dùng chiến thuật đánh vu hồi tập hậu. Các chiến hào của ta hướng lên phía Bắc thì chúng đánh úp sau lưng. Bởi chúng nắm khá vững địa hình chiến sự của ta. Điều này thể hiện rõ qua tài liệu của chúng ta thu được và lời khai của tên tù binh Lưu Phi, lính lái xe tăng bị bắt ngày 18/2 tại Hòa An. Vì thế phóng viên ta không sao ra phía trước được.
Một điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là trên các tuyến đường đến biên giới Việt - Trung, ta chôn mìn chống tăng dọc hai bên đường (đúng vào vị trí 2 bánh xích xe tăng lăn qua) thì xe tăng của chúng một bánh lăn trên ta-luy và một bánh đi giữa lòng đường nên không một chiếc nào bị trúng mìn. Nhưng “vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn”, toàn bộ xe tăng của chúng bị diệt là nhờ súng chống tăng của bộ đội ta dũng cảm chống trả quyết liệt.
Đến trưa 17/2, ta đã bắn nát toàn bộ xe tăng địch (đội quân đi tiên phong thăm dò lực lượng của ta). Tôi chạy đến một đơn vị súng cao xạ 12,7 li, trên núi Mỏ Muối (thị xã Cao Bằng), thấy quân địch từ dưới chân núi dàn hàng ngang tiến lên: lúc nằm, lúc tiến theo lệnh còi của tên chỉ huy, dù lực lượng ta bắn trả dữ dội, nhiều tên ngã gục la liệt phơi thây ngổn ngang trên sườn núi. Bọn chúng đánh theo kiểu “lấy thịt đè người”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mạnh Thường quay phim ở mặt trận
Tôi không nhớ mình đã chụp bao nhiêu kiểu và có bao nhiêu xác giặc chết, chỉ biết rằng báo Quân đội Nhân dân số 6356, ra ngày 26/2/1979 đã đăng hai bức ảnh của tôi với chú thích: “Xác quân Trung Quốc bị đền tội”, kèm theo bài thơ bình “Bột phát” của Đại tá Lê Kim:
Một thằng, một thằng, lại một thằng,
Thiên triều được mẻ chết nhăn răng,

Đã xe bọc thép hơn trăm chiếc ,
Lại lính thiêu thân quá chục ngàn,
Nhật khiếp: nướng quân hơn cả Mỹ
Mỹ khen: thí mạng, Pháp không bằng,
Hán, Tống, Minh, Thanh đều bái phục,
Đàn em bột phát chết leo thang!”
17h cùng ngày, trận đánh kết thúc, một lần nữa tôi may mắn gặp hai chiến sỹ công an dã chiến, người địa phương Cao Bằng, dẫn tôi về hậu cứ. Ngày nghỉ đêm đi (bởi lính Trung Quốc đã tràn xuống cầu Tài Hồ Sìn, gần đèo Cao Bắc, giữa Nà Phặc và huyện Ngân Sơn, hậu cứ của tỉnh Cao Bằng lúc bấy giờ). Thức ăn chủ yếu của chúng tôi là lương khô 701 và 702 và một phần sắn sống của đồng bào, ăn cầm cự cho đến ngày 23/2 chúng tôi mới về được Ngân Sơn, cách thị xã Cao Bằng gần 70 km, chúng tôi phải mò mẫm mất hơn 5 ngày đêm đi đường!
Tại đây, ngày 24/2, tôi gửi 2 cuộn phim đã chụp về cơ quan. Và sáng 27, các báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, TTXVN đồng loạt đăng ảnh và phát telephoto xe tăng của quân Trung Quốc xâm lược bị quân dân Việt Nam bắn cháy và bắt sống, làm nức lòng đồng bào chiến sỹ cả nước và bạn bè quốc tế. Nhiều tờ báo nước ngoài như tờ “Nhân đạo” của Đảng Cộng sản Pháp, tờ Pravda của Liên Xô… đã đăng tải hình ảnh chiến thắng của quân dân Việt Nam.
Sáng ngày 29/2 tôi cùng Trần Tuấn (TTXVN) lên đường xuống thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, Hòa An, Cao Bằng, nơi bọn xâm lược cùng một lúc giết 45 người toàn là đàn bà trẻ con, rồi quẳng xuống giếng nước ăn; đặc biệt trong đó có gia đình anh Nông Văn Tình, cả 6 mẹ con (vợ Nguyễn Thị Hải có bầu 6 tháng) đứa trẻ nhất Nông Thị Thuyên 3 tuổi, đứa lớn nhất Nông Vĩnh Cao 10 tuổi đều bị chúng giết một cách vô cùng dã man: Đứa thì bị chúng mổ bụng, moi gan, người thì bị chúng chặt chân tay, cắt cổ…
Cách giếng nước, nơi chúng ném xác chết xuống, 100m về phía Đông có con suối Khuấy Khoảng. Thoạt đầu người ta nhìn thấy một bàn chân phụ nữ thòi ra từ bờ suối. Lần theo dấu vết, nhân dân dùng cuốc xẻng đào bới tìm thấy 28 thi thể phụ nữ và trẻ em đã thối rữa (trong đó có 14 trẻ em).
Ngoài việc giết dân lành, chúng đốt nhà, cướp của, đốt kho thóc, phá chùa chiền, san bằng bệnh viện đa khoa Trùng Khánh, bệnh viện Cao Bằng… Đặc biệt trước thảm bại buộc phải rút quân về nước, ngày 19/3/1979, quân xâm lược Trung Quốc đặt mìn phà sập hang Pắc Bó, một di tích gắn liền với những ngày đầu Bác Hồ, sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước về sống và lãnh đạo cách mạng Việt Nam tại đây.
Tội ác của lính Trung Quốc không sao kể xiết song chúng đã phải trả giá, hàng trăm xe tăng bị bắn cháy, nhiều vũ khí, đạn dược bị quân dân ta thu giữ và hàng ngàn tên lính phải đền tội.
Mạnh Thường

NHÂN DÂN VIỆT NAM NHẤT ĐỊNH THẮNG LỢI, GIẶC TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC NHẤT ĐỊNH THẤT BẠI (Võ Nguyên Giáp - Tạp Chí Cộng Sản)

Tạp Chí Cộng Sản 
số 3/1979 


NHÂN DÂN VIỆT NAM NHẤT ĐỊNH THẮNG LỢI,
GIẶC TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC NHẤT ĐỊNH THẤT BẠI
Đại Tướng Võ Nguyên Giáp

Cuộc kháng chiến cứu nước thần thánh chống giặc Trung Quốc xâm lược, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang diễn ra quyết liệt ở các tỉnh biên giới phía bắc của nước ta.
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, bọn cầm quyền phản động Bắc Kinh đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn chống nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Từ những ngày đầu, quân và dân ta ở các tỉnh biên giới, từ Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, đến Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh đã nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, chiến đấu cực kỳ anh dũng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc, gây cho quân giặc những tổn thất nặng nề.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta từ Bắc chí Nam, ức triệu người như một, nhất tề đứng lên, chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Cả nước ta đang hướng về tiền tuyến phía bắc, sôi sục căm thù, tăng cường sẵn sàng chiến đấu, ra sức lao động quên mình, quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Trung Quốc xâm lược.
Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã công bố lệnh tổng động viên trong cả nước, để bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa: chủ trương quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân đang được khẩn trương thực hiện để đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc.
I
Cuộc chiến tranh xâm lược do bọn cầm quyền phản động Trung Quốc gây ra đã ngang nhiên xâm phạm độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt-nam, chà đạp lên mọi tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế và những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các nước độc lập có chủ quyền.
Tập đoàn phản động Băc Kinh đã phát hành một cuộc chiến tranh xâm lược không tuyên bố, mở những cuộc tiến công quy mô lớn vào các tỉnh biên giới ở phía Bắc nước ta. Trong lúc đó, chúng rêu rao là đang tiến hành cái gọi là “một cuộc phản công tự vệ”
Chúng đã tuôn ra trên chiến trường một lực lượng quân sự trên nửa triệu quân gồm nhiều quân đoàn và sư đoàn với nhiều đơn vị xe tăng, pháo binh và không quân, ồ ạt đánh sang nước ta trên toàn tuyến biên giới. Chúng đã bị tiêu diệt hàng vạn sinh lực, hàng trăm xe tăng và nhiều phương tiện chiến tranh khác; mặc dù đã bị tổn thất nặng nề, chúng vẫn hung hăng tiếp tục chiến tranh. Trong lúc đó, chúng lại rêu rao là đang tiến hành cái gọi là “những hành động quân sự có tính chất hạn chế về không gian và thời gian” với những lực lượng được gọi là bộ đội biên phòng.
Chúng đốt phá làng bản, cướp bóc của cải, giết người già, trẻ em, hãm hiếp phụ nữ, gây ra những tội ác trời không dung, đất không tha. Chúng đến đâu cũng bị đồng bào, chiến sĩ ta đánh trả mãnh liệt. Thế mà, chúng lại rêu rao về cái gọi là thái độ “hữu nghị” với nhân dân địa phương.
Tại sao bọn giặc Trung Quốc xâm lược lại phải bưng bít giấu giếm, hành động xâm lược bỉ ổi của chúng như vậy ?
Đó là về cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do chúng gây ra là một trong những cuộc chiến tranh phi nghĩa, tàn bạo nhất trong lịch sử. Cuộc chiến tranh ấy là cuộc chiến tranh bẩn thỉu và hèn hạ chống lại nhân dân một nước xã hội chủ nghĩa, một nước từ lâu đã từng là người bạn chiến đấu của nhân dân cách mạng Trung Quốc. Cuộc chiến tranh ấy đã xâm phạm độc lập và chủ quyền của một nước đã được thế giới coi là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một nước đã từng hy sinh tất cả vì độc lập, tự do của Tổ quốc mình, vì sự nghiệp cách mạng và hòa bình của nhân dân các dân tộc trên thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc.
Đó là vì, cuộc chiến tranh xâm lược nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là biểu hiện tập trung bản chất phản bội, độc ác và nham hiểm của bọn cầm quyền phản động Trung Quốc. Cuộc chiến tranh ấy chính là sản phẩm của sự câu kết giữa tập đoàn phản bội Trung Quốc với các giới chống cộng khét tiếng ở Mỹ và các giới quân phiệt phản động ở Nhật.
Trong lịch sử phong trào cộng sản Quốc tế, cũng đã từng có bọn phản động đội lốt xã hội chủ nghĩa Mác để chống lại chủ nghĩa Mác, làm tay sai cho chủ nghĩa đế quốc để phá hoại phong trào cách mạng. Đặc điểm nổi bật của các thế lực phản bội Bắc Kinh là chúng đang lũng đoạn quyền bính trong một nước đất rộng người đông, có sẵn trong tay một tiềm lực kinh tế và quân sự đáng kể. Chúng luôn luôn nói đến chủ nghĩa Mác – Lênin để chống chủ nghĩa Mác – Lênin, đội lốt cách mạng để chống phá cách mạng. Chẳng thế mà chúng không ngới hò hét chiến tranh, tự hào là NATO của phương đông, là “người bạn nghèo” của chủ nghĩa đế quốc Mỹ và chủ nghĩa tư bản phương Tây. Chúng điên cuồng chống liên xô và các nước xã hội chủ ngĩa khác, chống phong trào giải phóng dân tộc, phá hoại hòa bình thế giới với hành động phiêu lưu quân sự xâm lược Việt Nam, chúng đã nghiễm nhiên trở thành một thứ sen đầm quốc tế mới, một tên lính xung kích của chủ nghĩa đế quốc quốc tế.
Chính vì vậy, mà bọn cầm quyền phản động Trung Quốc là bọn phản bội lớn nhất của thời đại. Chúng là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của nhân dân ta, đồng thời là kẻ thù nguy hiểm của cả toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa, của phong trào độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình ở châu Á và trên thế giới.
Đối với nước Việt Nam ta, thì chính sách xâm lược tàn bạo của chúng chính là sự kế tục ở một thời kỳ mới của chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc đã từng ngự trị trong lịch sử lâu đời của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Chính sách ấy là sự biểu hiện tập trung của tất cả những gì là phản động nhất, độc ác và nham hiểm nhất trong quốc sách thôn tính nước ta mà bọn hoàng đế Trung Quốc đã từng theo đuổi qua mấy ngàn năm. Trước chí khí quật cường của dân tộc ta, quốc sách ấy đã bị đập nát tan tành.
Cũng cần nói rằng, chúng ta đã sớm phát hiện dã tâm của các thế lực bành trướng ngày nay, từ lúc chúng chưa có điều kiện xuất đầu lộ diện một cách trắng trợn, ngay trong những năm tháng nhân dân ta còn đang kề vai sát cánh với nhân dân cách mạng Trung Quốc, cùng nhau chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc quốc tế. Dã tâm của bọn chúng là luôn luôn tìm mọi cách làm cho nước ta suy yếu, buộc nhân dân ta phải thần phục chúng. Đi vào quỹ đạo của chúng.
Ngay lúc đế quốc Mỹ mới phát động chiến tranh phá hoại bằng không quân đánh phá miền Bắc nước ta, nhân dân Trung Quốc đang ủng hộ và giúp đỡ nhân dân ta chiến đấu, thì giới cầm quyền Trung Quốc đã từng nói cho Mỹ biết: hễ Mỹ không đụng đến Trung Quốc, Trung Quốc không đụng đến Mỹ. Nói một cách khác, Mỹ có thể yên tâm đánh phá Việt Nam.
Đến lúc nhân dân ta giành được thắng lợi vang dội, quân đội viễn chinh Mỹ đang lâm vào thế bị suy sụp thì giới cầm quyền Bắc Kinh đã vội vã đón tiếp Ních-xơn, lợi dụng thắng lợi của ta để gây dựng nên cái gọi là “kỷ nguyên mới” trong quan hệ Trung Mỹ, một điều mà họ đã từng ước mơ từ lâu.
Tiếp đó, với sự thỏa thuận ngầm của Mỹ, họ đã thừa lúc ta còn phải dồn sức vào kháng chiến, ngang nhiên đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của nước ta.
Mùa xuân năm 1975, nhân dân ta phát động cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thì trong giới cầm quyền Băc Kinh lại có những kẻ trách cứ chúng ta không làm theo lời khuyên của họ: nên để công việc thống nhất nước nhà lại cho thế hệ con cháu mai sau.
Họ đã coi thắng lợi vĩ đại của cả nhân dân ta là thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ, đồng thời là thất bại nghiêm trọng của chính bản thân họ.
Với thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời; ước mơ lâu đời của nhân dân ta đã biến thành hiện thực. Anh em bè bạn khắp năm châu đều đón mừng sự kiện vĩ đại ấy, coi đó là biểu tượng sức mạnh vô địch của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, của chủ nghĩa Mác – Lênin. Thế nhưng, đối với bọn bành trướng Trung Quốc thì lại khác. Chúng cho rằng, một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng giàu mạnh, có đường lối cách mạng Mác – Lênin chân chính, độc lập và tự chủ là một trở ngại to lớn đối với cuồng vọng của chúng, là một nguy cơ không cho phép chúng dễ dàng bành trướng xuống các nước Đông Nam Châu Á.
Chính vì vậy, mà ngay từ những ngày đầu nhân dân ta giành được toàn thắng, các thế lực bành trướng Bắc Kinh ngày càng công khai theo đuổi một chính sách thù địch có hệ thống đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chúng không ghê tay sử dụng một bọn đồ tể man rợ là bọn Pôn Pốt – Iêng-xa-ry để tàn sát cho hết những người dân yêu nước Cam-pu-chia. Biến nước này thành nước chư hầu và căn cứ quân sự của chúng, gây ra cuộc chiến tranh biên giới ngày càng đẫm máu ở Tây nam nước ta. Trong lúc đó, chúng xúc tiến mọi mưu đồ nham hiểm, dựng nên cái gọi là “Nạn kiều” mượn cớ cắt hết viện trợ gầy ra tình hình căng thẳng ở biên giới phía bắc, chuẩn bị thế trận thôn tính nước ta từ hai hướng, buộc nước ta phải khuất phục chúng.
Nhân dân ta hết sức bình tĩnh, vững vàng, quyết không rời bỏ con đường cách mạng chân chính của mình. Tiếp tục theo sự vùng lên đấu tranh thắng lợi của nhân dân Cam-pu-chia anh em, trận đồ bát quái của chúng đã bị phá vỡ. Tập đoàn phản bội Trung Quốc bèn điên cuồng phát động chiến tranh xâm lược nước ta hòng thực hiện mưu đồ đen tối của chúng.
Cuộc xâm lược quy mô lớn vào nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã làm cho tập đoàn phản động Trung Quốc lộ rõ nguyên hình. Chúng là bọn phản bội lớn nhất của thời đại, phản cách mạng, phản chủ nghĩa Mác – Lê nin. Chúng là một “bầy quạ đội lốt công”, đã vứt bỏ cái mặt nạ giả danh cách mạng. Cuộc chiến tranh xâm lược nước ta thực chất là một bộ phận của chiến lược bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của chúng, của chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng, đồng thời là một bộ phận của chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc quốc tế.
Chúng là những tên tội phạm chiến tranh độc ác hơn cả Hít-le, gây ra những tội ác tày trời trên đất nước ta, coi thường xương máu của bản thân nhân dân nước chúng. Chúng đantg ra sức kế tục và hoàn thiện hơn nữa cái thứ đạo đức kinh tởm mà một nhà văn vô sản vĩ đại Trung Quốc dã từng mệnh danh là “đạo đức ăn thịt người” của các triều đại phong kiến (1). Chúng đã làm ô nhục truyền thống và thanh danh của nhân dân cách mạng Trung Quốc và của những người cộng sản Trung Quốc chân chính. Chúng muốn biến nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa, thành quả cách mạng của nhân dân Trung Quốc thành dinh lũy của một tập đoàn phát xít hiếu chiến, biến quân giải phóng nhân dân Trung Quốc thành một công cụ bành trướng xâm lược.
Các thế lực phong kiến phương Bắc cũng như các nước đế quốc đã mang quân xâm lược nước ta đều đã phạm sai lầm chiến lược, do đó mặc dù hung hăng, tàn bạo đến đâu, cuối cùng đều đi đến thất bại nhục nhã.
Tập đoàn phản động Bắc Kinh hãy coi chừng. Chúng hẵn chưa lường hết những thất bại thảm hại trước mắt và cả lâu dài đang chờ đợi chúng.
Tổ quốc Việt Nam anh hùng từng là mồ chôn của tất cả mọi kẻ thù xâm lược. Bọn bành trướng ngày nay nhất định không thể nào thoát khỏi quy luật của lịch sử. Chúng sẽ cùng chung một số phận, chuốc lấy thất bại hoàn toàn.
II
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc độc lập, có hơn bốn nghìn năm văn hiến, một quốc gia có chủ quyền từ thuở xa xưa. Với một sức sống và chiến đấu mãnh liệt, nhân dân ta đã sớm cùng nhau chung lưng đấu cật, đem hết sức lực và trí tuệ để dựng nước và giữ nước, rèn luyện nên một khí phách kiên cường, một truyền thống bất khuất chống mọi kẻ thù xâm lược.
Qua các thế hệ, chúng ta đã biết bao phen đứng lên chiến đấu và chiến thắng bọn phong kiến xâm lược phương Bắc, giữ gìn độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Hết diệt Tần, chống Hán, phạt Đường, lại đánh Tống, thắng Nguyên, bình Ngô, phá Thanh. Dân tộc ta có thể tự hào rằng, vào thế kỉ XIII, nước đại Việt đã đánh thắng giặc Nguyên là kẻ xâm lăng hung bạo nhất bấy giờ, không những bảo vệ được nền độc lập của mình mà còn góp phần quan trọng ngăn chận giặc Nguyên tràn xuống Đông – Nam châu Á.
Bước vào thời kì lịch sử hiện đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc chiến tranh chống ngoại xâm oanh liệt nhất trong lịch sử của dân tộc. Nhân dân ta có thể tự hào rằng, trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước dân tộc ta đã lần lượt đánh đổ chủ nghĩa phát xít Nhật, dánh thắng chủ nghĩa đế quốc Pháp, đánh thắng chủ nghĩa đế quốc Mỹ là tên đế quốc đầu sỏ có tiềm lực kinh tế và quân sự hết sức to lớn.
Ngày nay, đi theo vết xe cũ của bọn phong kiến Trung Quốc và bọn đế quốc thực dân, tập đoàn phản động Bắc Kinh lại ngang nhiên phát động chiến tranh quy mô lớn nhằm thôn tính nước ta, nô dịch nhân dân ta. Chúng ta đang đứng trước một sứ mệnh lịch sử mới, một nhiệm vụ trọng đại không những có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của dân tộc ta, mà còn có ý nghĩa thời dại sâu sắc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn dân ta cả nước một lòng đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh cứu nước nhằm bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước ta. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta còn mang tính chất một cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt nhằm đánh bại kẻ thù nguy hiểm của hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Trong cuộc đụng đầu lịch sử mới giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa văn minh với bạo tàn, giữa cách mạng với phản cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam ta nhất định thắng lợi, giặc Trung Quốc xâm lược nhất định sẽ thất bại.
Chúng ta nhất định thắng, bởi vì chúng ta chiến đấu cho hòa bình, cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chúng ta có đường lối Mác – Lê nin đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta. Chúng ta có sức mạnh của chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, của nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta nhất định thắng, bởi vì chúng ta có sức mạnh tổng hợp vô địch của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc và của nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, có lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng, có khoa học giữ nước ưu việt và nghệ thuật quân sự sáng tạo.
Chúng ta nhất định thắng, bởi vì chúng ta có sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ quốc tế to lớn và có hiệu lực của Liên xô, của các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, của nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, kể cả nhân dân cách mạng Trung Quốc. Chúng ta có sức mạnh to lớn của dân tộc kết hợp với sức mạnh của ba dòng thác sức mạnh của thời đại.
Không kể tập đoàn phản động Bắc Kinh gây ra chiến tranh xâm lược với quy mô nào, sử dụng lực lượng và phương tiện vũ khí như thế nào, không kể mưu mô và thủ đoạn của chúng tàn bạo và nham hiểm như thế nào, nhân dân ta quyết dứng lên giết giặc cứu nước, quyết đưa cuộc kháng chiến thần thánh chống giặc Trung Quốc xâm lược đến thắng lợi hoàn toàn, làm tròn nghĩa vụ dân tộc vẻ vang và nghĩa vụ quốc tế cao cả của mình trong giai đoạn mới của cách mạng.
Phải chăng giặc Trung Quốc xâm lược cho rằng, nước chúng lớn, dân chúng đông, quân chúng nhiều thi nhân dân Việt Nam phải sợ chúng, phải khuất phục chúng ?
Tập đoàn phản động Bắc Kinh phải biết rằng: Dân tộc Việt Nam không hề biết sợ. Ngay từ thuở xa xưa, khi số dân nước ta mới trên dưới một triệu người, dân tộc ta đã từng đứng lên chiến đấu thắng lợi, lật đổ ách thống trị của bọn phong kiến phương Bắc. Với số quân ít hơn địch, chúng ta đã từng chiến thắng oanh liệt những đội quân đông hơn mình gấp nhiều lần, từ những đội quân xâm lược của các triều đại phong kiến Trung Quốc cho đến những đội quân xâm lược của các nước đế quốc.
Bọn xâm lược Trung Quốc phải biết rằng: đất nước chúng rộng, người chúng nhiều, nhưng sức chúng nào có mạnh; quân chúng đông mà lại yếu. Đó là vì sức mạnh kháng chiến của cả một dân tộc, cả nước đứng lên chiến đấu, dũng cảm và thông minh, quyết đánh và biết đánh, bao giờ cũng là một sức mạnh vô địch. Đó là vì cuộc chiến chúng gây ra là phi nghĩa, lòng dân ly tán, nội bộ lục đục, làm sao có đủ sức để cướp nước ta. Đó là vì nước Việt Nam ta có chủ; non sông Việt Nam là của người Việt Nam; bất cứ kẻ thù nào đến xâm phạm, nhất định nhân dân Việt Nam ta dánh bại.
Phải chăng tập đoàn phản động Bắc Kinh cho rằng, với đường biên giới chung dài trên một nghìn ki lô mét - một đường biên giới mà nhân dân hai nước bao giờ cũng mong muốn xây dựng thành đừơng biên giới hữu nghị – chúng có thể lợi dụng địa thế nước ta ở gần nước chúng mà mang quân ồ ạt đánh chiếm nước ta, buộc chúng ta phải khuất phục chúng chăng ?
Bọn chúng hẵn còn nhớ: 600 năm trước đây, giặc Nguyên đã từng cho rằng, nước Nam ở gần như trong lòng bàn tay, còn Gia-va thì xa hơn như ở đầu ngón tay, vì vậy cần phải xâm lược nước Nam trước để mở đường tràn xuống các nước khác sau. Và chúng đã ba lần phát động chiến tranh xâm lược nước Nam, đã ba lần bị đánh bại hoàn toàn. Xưa nay, nước ta vẫn ở gần Trung Quốc, những điều kiện địa lý ấy nào có cứu vãn được cho các đạo quân xâm lược đông đảo từ đời Tần, đời Tống, cho đến đời Nguyên, Minh, Thanh tránh khỏi số phận bị nhân dân ta đánh bại. Chúng ta càng thấy rõ, nhân tố quyết định thắng bại trong chiến tranh đâu phải là đường đất xa gần; bọn xâm lược bao giờ cũng là kẻ thù địch, xa lạ đối với nhân dân ta, đất nước ta. Vì vậy, chúng làm thế nào lường được hết sức mạnh to lớn của dân tộc ta trong thời đại mới khi vùng lên chiến đấu vì đại nghĩa. Chúng làm thế nào hiểu được núi sông, cây cỏ, bầu trời và vùng biển của Việt Nam, làm thế nào hiểu được cái thế thiên hiểm của địa hình Việt Nam, “bất cứ nơi nào trên đất nước ta cũng là những Chi Lăng, Đống Đa, sông biển ta đều là những Bạch Đằng, Hàm Tử”.
Phải chăng tập đoàn phản động Bắc Kinh đang muốn diễn lại thế trận xâm lược Việt Nam của các thế lực bành trướng phương Bắc dưới thời phong kiến ?
Chúng ta đều biết rằng mỗi khi muốn đánh nước ta thì bọn phong kiến phương Bắc thường đánh chiếm Lâm ấp, Chiêm Thành để tạo nên thế trận bao vây từ hai hướng. Ngày nay, để chuẩn bị xâm lược Việt Nam, tập đoàn phản động Bắc Kinh lại ra sức biến Cam-pu-chia thành căn cứ quân sự vững chắc của chúng, và để phối hợp với quân của chúng từ phía Bắc đánh xuống, vừa để chuẩn bị cho cuộc chinh phục Đông Nam châu Á sau này. Thế nhưng, nhân dân Cam-pu-chia đã vùng lên làm chủ vận mệnh của mình, khôi phục tình hữu nghị lâu đời với nhân dân Việt Nam anh em, giáng cho bọn bành trướng một đòn chí mạng, thế trận nham hiểm của chúng đã bị phá vỡ.
Phải chăng tập đoàn phản động Bắc Kinh cho rằng, chúng là tập đoàn cầm quyền ở một nước lớn đang đội lốt Mác – Lê nin, lại câu kết chặt chẽ với chủ nghĩa đế quốc quốc tế và mọi loại phản động nhất trên thế giới, thì chúng đã có vây cánh hơn trước, cho nên đã đủ sức để phát động chiến tranh xâm lược quy mô lớn thôn tính nước ta, buộc nhân dân ta phải khuất phục ?
Ngang nhiên xâm lược nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng đã lộ rõ bộ mặt phản cách mạng trước dư luận tiến bộ toàn thế giới. Không những nhân dân ta đang quyết tâm chống lại chúng, đánh bại chúng, mà nhân dân Liên-xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, nhân dân tiến bộ cả thế giới đều đứng lên chống lại chúng; những người cộng sản chân chính và phong trào cộng sản và công nhân khắp trái đất đang kiên quyết chống lại chúng. Ngay nhân dân cách mạng Trung Quốc và những người cộng sản Trung Quốc chân chính cũng đang đứng lên và sẽ đứng lên ngày càng đông đảo chống lại chúng. Chúng không nghe thấy tiếng thét phẩn nộ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới nguyền rủa chúng, lên án chúng đó sao ?
Hơn thế nữa, những kẻ đồng minh của chúng là chủ nghĩa đế quốc quốc tế và mọi loại phản động hiện đang trên con đường suy yếu, nội bộ đầy mâu thuẫn, làm sao có thể hà hơi tiếp sức để cứu vớt chúng khỏi cảnh cô lập. Còn ba dòng thác cách mạng của thời đại thì đang ở trên thế tiến công mạnh mẽ. Hệ thống xã hội chủ nghĩa ngày nay mạnh hơn bao giờ hết, không ngừng phát huy tác dụng là nhân tố chủ yếu quyết định sự phát triển của xã hội loài người trong thời đại mới, bất chấp sự phản bội của các thế lực bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn câu kết với chủ nghĩa đế quốc, bất chấp sự giãy giụa điên cuồng của chủ nghĩa đế quốc liên minh với các thế lực bành trướng và bá quyền nước lớn.
Chúng phải biết rằng, chỉ có chủ nghĩa Mác- Lê-nin chân chính, chỉ có lý tưởng độc lập và chủ nghĩa xã hội, chỉ có nhân dân cách mạng và những người cộng sản chân chính mới có sức mạnh vô địch, sức mạnh đó nhất định sẽ đánh bại tất cả mọi thế lực phản động, kể cả bọn phản động Trung Quốc xâm lược.
III
Tổ quốc ta một lần nữa dang đứng trước nguy cơ còn mất.
Toàn quân và toàn dân ta hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng, với niềm tin vô hạn, với tinh thần quyết chiến quyết thắng cao nhất, đang anh dũng lên đường ra trận, giáng cho quân xâm lược Trung Quốc những đòn chí mạng.
Tiếp theo cuộc chiến tranh giải phóng chống đế quốc Pháp và đế quốc Mỹ, cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống giặc Trung Quốc xâm lược là một cuộc chiến tranh toàn dân phát triển đến những đỉnh cao mới. Trong lịch sử chống ngoại xâm, chúng ta đã từng lấy nhân nghĩa thắng bạo tàn, lấy chính nghĩa thắng phi nghĩa, lấy những giá trị cao quý nhất của con người mà thắng sức mạnh của sắt thép.
Ngày nay, vì độc lập, chủ quyền của đất nước, vì sự sống còn của dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, vì sự trong sáng của chủ nghĩ Mác – Lê-nin, chúng ta nhất định đánh thắng hoàn toàn chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn, đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của bọn cầm quyền phản động Trung Quốc.
Bí quyết bách chiến bách thắng của dân tộc ta là cả nước chung sức lại, toàn dân đoàn kết chiến đấu, phát động và tổ chức chiến tranh toàn dân, phát huy đến trình độ cao sức mạnh của cả nước đánh giặc, thề không đội trời chung với kẻ thù xâm lược. Từ miền biên cương đến các hải đảo, từ thành thị đến nông thôn, toàn thể đồng bào các dân tộc trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, bất kể già, trẻ, gái, trai, hễ là người dân Việt Nam thì đều kiên quyết đứng lên giết giặc, cứu nước; năm mươi triệu đồng bào từ Bắc chí Nam kết thành đội ngũ chiến đấu là 50 triệu dũng sĩ giết giặc Trung Quốc xâm lược.
Hơn lúc nào hết, sự nghiệp giữ nước vĩ đại đòi hỏi ở mỗi người chúng ta những hy sinh lớn lao. Trên con đường đi đến thắng lợi, khó khăn gian khổ còn nhiều. Tuy nhiên, sức mạnh giữ nước của dân tộc ta ngày nay lớn mạnh hơn bao giờ hết, chúng ta có những điều kiện cơ bản hơn bao giờ hết.
Đã qua rồi những ngày mà nhân dân ta chưa có một tấc đất tự do, chưa có một tấc sắt trong tay, trong khi nhiệm vụ đề ra là phải chớp lấy thời cơ đưa Tổng khởi nghĩa tháng Tám đến thắng lợi. Cũng đã qua rồi những năm tháng của hai cuộc kháng chiến thần thánh, lúc đầu còn phải chiến đấu với gậy tầm vông và súng kíp, về sau cũng chỉ mới có nửa nước được giải phóng làm hậu phương.
Bước vào kỷ nguyên mới, đất nước ta đã thay đổi và khác xưa. Cả nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập và thống nhất, đang vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở chế độ xã hội mới, với sự nhất trí chính trị và tinh thần, với lòng yêu nước xã hội chủ nghĩa và tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa ngày càng cao, chúng ta đã xây dựng được nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, một lực lượng vũ trang hùng mạnh hơn bao giờ hết.
Cả nước một lòng, phát huy truyền thống đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc, nhân dân ta quyết nâng cao hơn nữa những kinh nghiệm đánh giặc, cứu nước, phát triển hơn nữa khoa học và nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Ngày nay, chiến tranh nhân dân ở các địa phương trên mọi miền đất nước đã có một bước phát triển mới, một sức mạnh chiến đấu mới hết sức to lớn. Mỗi một người dân là một chiến sĩ. Mỗi bản làng, xí nghệp, nông trường, hợp tác xã, thị xã, quận huyện, là một pháo đài kiên cường chống giặc. Mỗi tỉnh, thành là một đơn vị chiến lược có đủ sức mạnh tiêu diệt hàng vạn quân địch. Cả nước ta là một chiến trường rộng lớn. Thực tế đó đã được chứng minh ngay từ những ngày đầu kháng chiến khi giặc Trung Quốc xâm lược đặt chân lên mảnh đất biên cương của Tổ quốc ta. Trong cuộc đọ sức với dân quân tự vệ và bộ đội địa phương của ta, quân đội chính quy của chúng đã bị giáng trả những đòn trừng phạt nặng nề. Mỗi một ngọn đồi ở biên cương là một Chi Lăng chồng chất xác thù. Mỗi một con suối, dòng sông là một Bạch Đằng nhuộm đỏ máu giặc. Ý nghĩa quan trọng của những thắng lợi đầu tiên của quân và dân ta là ở chỗ đó.
Ngày nay, quân đội ta đã có những binh đoàn chủ lực hùng mạnh, có sức đột kích lớn, khả năng cơ động cao, sức chiến đấu mạnh, đã từng tiêu diệt hàng chục vạn quân địch trong một trận tiến công, dù kẻ địch đông như thế nào, hung hãn và được trang bị như thế nào. Trước họa xâm lăng, phối hợp chặt chẽ với cuộc chiến đấu tại chỗ của nhân dân, cả ba thứ quân đều đánh giỏi. Lục quân, hải quân, không quân đều đánh giỏi. Bộ đội thường trực phải thật tinh. Lực lượng hậu bị phải thật mạnh. Vừa chiến đấu vừa rèn luyện, nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, nâng cao kỷ luật trong toàn quân, làm chủ mọi thứ binh khí kỹ thuật hiện đại, nâng cao trình độ hiệp đồng tác chiến, tạo nên chất lượng chiến đấu thật cao, sức mạnh và hiệu lực chiến đấu thật lớn. Các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam quyết làm tròn xuất sắc mọi nhiệm vụ, phát huy tác dụng to lớn trên chiến trường, tiêu diệt quân giặc Trung Quốc xâm lược.
Trong cuộc kháng chiến thần thánh bảo vệ Tổ quốc hiện nay, với ý chí chiến đấu cao, với những kinh nghiệm sẵn có, với những tổ chức đã được hình thành, với những thế trận đã được bố trí, quân và nhân dân ta nhất định phát huy lên một trình độ mới khả năng chủ động và sáng tạo của mình, đánh bại hoàn toàn quân xâm lược. Nhanh chóng phát hiện và nắm vững quy luật của chiến tranh, bám sát và nắm chắc quân địch, nhanh chóng phát hiện chỗ yếu cơ bản và chỗ mạnh tạm thời của quân địch. Lấy đó làm cơ sở để thực hiện chiến lược làm chủ đất nước để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để giữ vững quyền làm chủ đất nước. Làm chủ chiến trường trong từng trận chiến đấu, trong từng hướng chiến dịch cũng như trong toàn bộ cuộc chiến tranh. Luôn luôn chủ động, luôn luôn quán triệt tư tưởng tiến công, Kiên quyết và linh hoạt, giỏi đánh địch bằng mọi hình thức, tiến công dũng mãnh, phản công kiên quyết, phòng ngự ngoan cường. Bất luận trong tình hình so sánh lực lượng như thế nào, điều kiện và phương tiên vũ khí như thế nào đều phải tạo nên sức mạnh tổng hợp áp đảo, đánh địch trên thế mạnh, giành chủ động về ta, dồn địch vào thế bị động. Đó chính là biểu hiện cao nhất của tư tưởng cách mạng tiến công, là biểu hiện tập trung của tinh thần làm chủ tập thể ở trên chiến trường.
Cuồng vọng của bọn bành trướng Trung Quốc và vô hạn độ. Mưu đồ độc ác và nham hiểm của chúng là trường kỳ tiêu hao lợc lượng của ta, trường kỳ phá hoại công cuộc hòa bình xây dựng đất nước ta. Mục đích sâu xa mà chúng theo đuổi là dùng trăm phương nghìn kế làm sao cho nước Việt Nam ta không thể trở nên một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh để chúng dễ dàng khuất phục, dễ dàng thôn tính.
Chính vì vây, mà trong lúc tập trung sức lực ra chiến trường để tiêu diệt chúng, quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta, thì nhân dân ta phải ra sức phấn đấu, vừa chiến đấu, vừa xây dựng, hoàn thành xuất sắc nhỡng nhiệm vụ cấp bách mà Trung ương Đảng để ra, thực hiện kỳ được phương sách giữ nước và dựng nước về lâu dài.
Trên mặt trận, đồng bào và chiến sĩ ta phải chiến đấu kiên cường cũng cảm, đánh bại quân xâm lược. Ở hậu phương, khắp cả nước, đồng bào và chiến sĩ ta phải luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, chi viện cho tiền tuyến và ra sức xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, ổn định đời sống của nhân dân. Lao động quên mình với năng suất cao, luyện tập quân sự để sẵn dàng ra trận. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong cả nước phải có sự cố gắng vượt bậc về mọi mặt, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, thực hiện càng đánh càng thắng, càng đánh càng mạnh.
Để bảo vệ độ lập, chủ quyền của tổ quốc, chỉ có một con đường là tiêu diệt hoàn toàn giặc Trung Quốc xâm lược. Để làm cho nước ta ngày càng giàu mạnh lên, chỉ có một con đường là vừa giành thắng lợi trên mặt trận, vừa giành thắng lợi trong lao động sản xuất, chăm lo đời sống cho chiến sĩ và đồng bào ta trong cả nước. Đó là nhiệm vụ cao nhất mà Đảng và Tổ quốc đề ra cho các chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân, cho giai cấp công nhân, giai cấp nông dân tập thể, tầng lớp trí thức xã hội chủ nghía, cho mỗi một người công dân yêu nước trong lúc này. Hơn lúc nào hết, với tính sáng tạo phi thường, toàn dân và toàn quân ta nhất định sẽ lập nên những chiến công vang dội trên tiền tuyến, đồng thhời lập nên những chiến công to lớn trong công cuộc xây dựng kinh tế, xây dựng đất nước.
Trước tình hình mới, chúng ta cần ra sức biến tiềm lực mọi mặt của đất nước thành sức mạnh quân sự trên chiến trường, chuyển sức mạnh tổng hợp của nền quốc phòng toàn dân thành sức mạnh lớn nhất của chiến tranh nhân dân bảo vệ tổ quốc, muốn vậy cần căn cứ vào kế hoạch đã được chuẩn bị và tình hình diễn biến thực tế của chiến tranh mà nhanh chóng động viên sức người, sức của phục vụ tốt nhất cho chiến tranh và quốc phòng, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm đời sống của nhân dân.
Đây là một công tác tổ chức thực tiễn cực kỳ quan trọng, có liên quan đến mọi mặt đời sống của xã hội. Chúng ta phải làm thật tốt công tác tổ chức thực tiễn ấy, vừa tập trung lực lượng để đánh thắng quân xâm lược, vừa tăng cường quản lý kinh tế – xã hội, nâng cao kỷ luật lao động và hiệu quả kinh tế trong tất cả các ngành, các địa phương. Có làm được như vậy, chúng ta mới phát huy được tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, động viên được mạnh mẽ và kịp thời sức người, sức của cho tiền tuyến, thực hiện “Tất cả để đánh thắng giặc Trung Quốc xâm lược”, đồng thời bảo vệ tính mệnh, tài sản của nhân dân, xây dựng hậu phương ngày càng vững mạnh.
Trong những thế kỷ trước đây, trước họa xâm lăng, chúng ta chứ hề có những bạn đồng minh lớn mạnh như bây giờ. Tuy vậy, dân tộc ta đã nêu cao tinh thần chiến đâu bất khuất, tự lực tự cường và tài thao lược kiệt xuất, đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực bành trướng thống trị ở Trung Quốc lúc bấy giờ.
Ngày nay, trong thời đại mới, sự nghiệp chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam ta có một ý nghĩ quốc tế to lớn. Đứng lên chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dân tộc Việt Nam đã được coi như lương tri và trái tim của cả loài người. Dựa vào sức mình là chính, chúng ta có cả loài người tiến bộ cổ vũ và ủng hộ mạnh mẽ. Chúng ta só sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn và có hiệu lực của Liên-xô -nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên trái đất- và của các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác. Chúng ta có tình đoàn kết chiến đấu keo sơn của nhân dân Lào và nhân dân Cam-pu-chia anh em” “Hết lòng ủng hộ Việt Nam”, “không được đụng đến Việt Nam”, đó là ý chí và hành động của mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược. Trong lịch sử của dân tộc, chưa bao giờ bằng lúc này, kể cả trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Việt Nam ta lại được sự đồng tình, ủng hộ quốc tế mạnh mẽ, rộng rãi, kịp thời và kiên quyết như ngày nay.
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”
Cả nước lên đường ra trận.
Giương cao ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh đứng đầu là đồng chí Lê Duẫn kính mến, với quyết tâm cao, với niềm tin lớn, quân và dân ta kiên quyết tiến lên, đánh thắng cuộc chiến tranh phi nghĩa của giặc Trung Quốc xâm lược, đưa sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam đến toàn thắng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Bọn phản động Trung Quốc xâm lược nhất định sẽ thất bại !
Nhân dân Việt Nam nhất định thắng lợi !
Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa muôn năm !

Chú thích
(1)- Lỗ Tấn: “Mở lịch sử ra tra cứu … Chỉ thấy trên mỗi tờ giấy viết xiêu xiêu những chữ nhân, nghĩa, đạo đức … mà nhìn thấu đến giữa những dòng chữ thì ra cả cuốn đều chép rặt có ba chữ: “Ăn thịt người” … “.



Đăng lại trên
“Đại Tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp”
Vị Tướng Của Hòa Bình

PGS-TSKH Bùi Loan Thùy chủ biên
NXB Văn Hóa Sài Gòn 5/2009
trang 1266-1277