Tuesday, 25 March 2014

SỰ CHI VIỆN, GIÚP ĐỠ CỦA LIÊN XÔ VỚI VIỆT NAM TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (Lê Văn Thịnh - KHOA LỊCH SỬ - TRƯỜNG ĐH KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN Hà Nội)

SỰ CHI VIỆN, GIÚP ĐỠ CỦA LIÊN XÔ VỚI VIỆT NAM TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954-1975) (PGS.TS LÊ VĂN THỊNH)
THỨ BA, 03 THÁNG 12 2013 10:56


(1954-1975)

         PGS.TS. Lê Văn Thịnh[1]


1. Quan hệ Việt Nam - Liên Xô được xây dựng và phát triển trên nền tảng quan hệ về chính trị giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô. Từ năm 1950, sau khi có quan hệ ngoại giao giữa hai nhà nước, Chính phủ Liên Xô đã triển khai hoạt động nhiều mặt, nhằm hỗ trợ nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của các nước đế quốc phương Tây, bảo vệ các quyền dân tộc cơ bản của mình. Sự giúp đỡ của Liên Xô với Việt Nam trong lịch sử là vấn đề được giới nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Trên cơ sở nguồn tư liệu tập hợp được chủ yếu từ phía Việt Nam, công trình này tập trung làm rõ một số mặt trong sự giúp đỡ của Liên Xô với Việt Nam trên hai lĩnh vực chính, viện trợ kinh tế, kỹ thuật và viện trợ quân sự những năm từ 1954 đến năm 1975.
2. Thời kỳ nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng là thời kỳ diễn ra nhiều biến động phức tạp trong quan hệ quốc tế. Đó là sự bất đồng ngày càng nghiêm trọng giữa các đảng cầm quyền trong các nước xã hội chủ nghĩa về những vấn đề chiến lược và sách lược cách mạng; sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và phong trào không liên kết trong khung cảnh căng thẳng của chiến tranh lạnh Đông - Tây. Bối cảnh quốc tế đó đã tác động khá sâu sắc tới quan hệ Việt Nam - Liên Xô, tới sự chi viện, giúp đỡ của Liên Xô với Việt Nam, đặc biệt là chi viện, giúp đỡ về quân sự. Song nhờ những nỗ lực chung của lãnh đạo hai nước, đặc biệt là phía Việt Nam, quan hệ Việt Nam - Liên Xô từng bước được xây dựng vững chắc và phát triển ngày càng toàn diện trên cơ sở các hiệp định, hiệp ước và nghị định song phương. Trong khoảng 20 năm, từ tháng 7 năm 1955 đến hết năm 1975, Chính phủ Liên Xô đã ký với Chính phủ Việt Nam 19 Hiệp định, 1 Hiệp ước và 1 Nghị định thư. Trong đó có trên 50% là hiệp định về việc Liên Xô viện trợ, giúp đỡ Việt Nam trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, văn hoá và khoa học, kỹ thuật[2]… Các hiệp định, hiệp ước và nghị định này là cơ sở pháp lý để Chính phủ Liên Xô xúc tiến các hoạt động chi viện, giúp đỡ Việt Nam thực hiện các kế hoạch khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá, tăng cường tiềm lực quốc phòng, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi.
Viện trợ về kinh tế và kỹ thuật
Tháng 7 năm 1955, nhân chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Liên Xô đã ký với Việt Nam một số hiệp định cho vay và viện trợ không hoàn lại, nhằm giúp Việt Nam khôi phục kinh tế sau kháng chiến chống thực dân Pháp. Ngày 18 tháng 7 năm 1955, theo thoả thuận giữa hai chính phủ, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam 400 triệu rúp để thực hiện kế hoạch 3 năm (1955-1957). Trong đó có 171 triệu rúp để nhập các thiết bị toàn bộ phục vụ ngành công nghiệp, trước hết là xây dựng các nhà máy điện và hệ thống đường dây điện, trạm biến thế, đài khí tượng…; 229 triệu rúp để nhập các máy móc lẻ và hàng hoá phục vụ nông nghiệp và cải thiện đời sống[3].
Những năm từ 1958-1960, khi Việt Nam thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo kinh tế, phát triển văn hoá, Liên Xô tiếp tục cho Việt Nam vay tín dụng dài hạn 450 triệu rúp, trong đó có 100 triệu rúp (hiệp định ký tháng 3 năm 1959) để thực hiện kế hoạch 3 năm (1958-1960) và 350 triệu rúp (hiệp định ký ngày 14 tháng 6 năm 1960) để mua trang thiết bị, máy móc xây dựng 46 nông trường quốc doanh, trong đó có 19 nông trường mới và củng cố 27 nông trường khác. Hầu hết các nông trường này đều trồng các loại cây nhiệt đới lâu năm, như: chè, cà phê, cao su và các loại cây ăn quả như: cam, chuối, dứa… phục vụ xuất khẩu. Cũng thời gian này, Liên Xô còn giúp Việt Nam xây dựng 21 đài khí tượng thuỷ văn, 156 trạm thuỷ văn các cấp, chủ yếu phục vụ ngành nông nghiệp[4].
Khi Việt Nam thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), Liên Xô đã ký với Việt Nam nhiều hiệp định trợ giúp về kinh tế và kỹ thuật, như: Hiệp định về việc Liên Xô giúp Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân những năm từ 1961-1965 (ký ngày 23 tháng 12 năm 1960); Hiệp định về việc Liên Xô giúp đỡ về kinh tế và kỹ thuật, cung cấp thiết bị và vật liệu cho Việt Nam trong việc xây dựng và mở rộng một số xí nghiệp và công trình công nghiệp (ký ngày 15 tháng 9 năm 1962)... Theo tinh thần các hiệp định này, Liên Xô giúp Việt Nam 460 triệu rúp, bao gồm các khoản cho vay tín dụng dài hạn và viện trợ không hoàn lại; hỗ trợ Việt Nam các thiết bị kỹ thuật, vật liệu để xây dựng các nhà máy và nhiều công trình dân dụng khác.
Cho đến cuối năm 1964, Liên Xô đã giúp Việt Nam cải tạo và xây dựng 90 xí nghiệp và công trình dân dụng, bao gồm 43 công trình công nghiệp, 46 nông trường quốc doanh và một số trường đại học, bệnh viện. Trong số các công trình công nghiệp được Liên Xô hỗ trợ 100% vốn và vật tư, kỹ thuật, đáng chú ý nhất là 7 nhà máy điện (Vinh, Thanh Hoá, Lào Cai, Phú Thọ, Phả Lại, Tà Sa, Nà Ngần) với tổng công suất là 71.300 ki -lô-oát và 8 đường dây tải điện dài 130 kilômét. Nhiều công trình khai khoáng và xí nghiệp chế biến thực phẩm khác, như: mỏ thiếc Tĩnh Túc Cao Bằng, mỏ apatít Lào Cai, nhà máy cá hộp Hải Phòng[5]… cũng được Liên Xô hỗ trợ, đầu tư xây dựng trong thời kỳ này.
Từ năm 1965, khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc và tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam, Chính phủ Liên Xô lên án mạnh mẽ hành động leo thang chiến tranh của Mỹ và công khai viện trợ nhiều mặt cho Việt Nam. Từ năm 1965 đến năm 1975, Liên Xô đã ký với Việt Nam 12 Hiệp định, trong đó có tới 7 Hiệp định về việc Liên Xô cam kết “giúp đỡ thêm”, “viện trợ thêm không hoàn lại” cho Việt Nam, như: Hiệp định về việc Chính phủ Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết viện trợ thêm không hoàn lại về kinh tế cho Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà(ký ngày 10 tháng 7 năm 1965); Hiệp định giữa Chính phủ nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết về việc giúp đỡ thêm về kỹ thuật cho nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (ký ngày 21 tháng 12 năm 1965); Hiệp định về việc Chính phủ Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết viện trợ không hoàn lại về kinh tế cho Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trong năm 1966 (ký ngày 21 tháng 12 năm 1965); Hiệp định về việc Chính phủ Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết viện trợ không hoàn lại cho Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (ký ngày 25 tháng 11 năm 1968)[6]
Đầu tháng 7 năm 1973, để giúp nhân dân Việt Nam nhanh chóng khôi phục nền kinh tế sau chiến tranh phá hoại lần 2 của Mỹ, Uỷ ban trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã thông qua quyết định: coi tất cả các khoản tín dụng cho Việt Nam vay trong những năm trước đó nhằm phát triển kinh tế là viện trợ không hoàn lại. Theo tinh thần đó, ngày 12 tháng 7 năm 1973, Chính phủ Liên Xô đã ký với Chính phủ Việt Nam Hiệp định miễn cho Việt Nam trả các khoản nợ đã vay[7]. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, đây là quyết định rất quan trọng, thể hiện tình hữu nghị, sự cảm thông, chia sẻ và quan tâm to lớn của Đảng và Chính phủ Liên Xô với nhân dân Việt Nam. Các khoản tín dụng không phải hoàn lại đó đã góp phần cổ vũ và trợ giúp nhân dân Việt Nam trong việc khôi phục nền kinh tế miền Bắc sau chiến tranh phá hoại và đẩy nhanh các chiến lược quân sự, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam vào đầu năm 1975.
Trong khoảng 20 năm (1955-1974), tổng giá trị các vật tư kỹ thuật và thiết bị toàn bộ mà Liên Xô đưa vào Việt Nam để xây dựng và phát triển kinh tế, chủ yếu bằng con đường viện trợ và cho vay là 2.176.051.000 rúp. Với số vật tư kỹ thuật và thiết bị toàn bộ này, Liên Xô đã xây dựng 135 xí nghiệp công nghiệp và công trình dân dụng ở Việt Nam, bao gồm 46 công trình cho ngành điện lực; 5 công trình cho ngành khai thác khoáng sản; 19 công trình cho ngành cơ khí, luyện kim; 41 công trình cho ngành giao thông vận tải; 1 công trình cho ngành hoá chất; 3 công trình cho ngành vật liệu xây dựng và 20 công trình cho ngành nông nghiệp[8]. Các công trình công nghiệp do Liên Xô giúp đỡ xây dựng, như: các nhà máy thuỷ điện, nhiệt điện, mỏ than Vàng Danh, mỏ thiếc Tĩnh Túc, Nhà máy cơ khí Hà Nội, Nhà máy Super phốt phát Lâm Thao, nhà máy chè Phú Thọ, nhà máy cá hộp Hải Phòng… đã góp phần xây dựng mới một số ngành công nghiệp ở Việt Nam. Đến cuối những năm 60, các nhà máy, xí nghiệp do Liên Xô xây dựng ở miền Bắc Việt Nam đã sản xuất được 46% năng lượng điện, 90% than đá, trên 80% máy cắt kim loại và 100% sản lượng khai thác các loại quặng apatít, thiếc và super phốt phát.
Cùng với việc hỗ trợ các máy móc, thiết bị toàn bộ, các khoản tín dụng dài hạn và viện trợ không hoàn lại để xây dựng, phát triển kinh tế, Chính phủ Liên Xô còn giúp Việt Nam phát triển ngành giáo dục, đào tạo và trực tiếp đào tạo cán bộ cho Việt Nam. Từ năm 1955 và nhiều năm sau đó, các hiệp định về hợp tác, trao đổi trên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và đào tạo giữa Việt Nam và Liên Xô đã được ký kết và thường xuyên được bổ sung. Theo hướng đó, Liên Xô đã giúp Việt Nam xây dựng mới một số trường đại học, như: trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Nông nghiệp I, đồng thời hỗ trợ tu sửa, nâng cấp, xây dựng mới một số trường dạy nghề khác. Đến đầu những năm 70 đã có trên 7.000 nam, nữ thanh niên Việt Nam được đưa sang học tập và công tác tại Liên Xô. Trong số đó có 4.500 người được đào tạo trong các trường đại học tại 35 thành phố của Liên Xô lúc bấy giờ. Đây là nguồn nhân lực rất quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhiều người trong số đó sau này đã trở thành những nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, những nhà khoa học đầu ngành, những chuyên gia, nhà quản lý trên rất nhiều lĩnh vực ở Việt Nam. Cũng thời gian đó, nhiều chuyên gia kinh tế và kỹ thuật giàu kinh nghiệm của Liên Xô cũng được Chính phủ Xô Viết đưa sang công tác tại Việt Nam. Chỉ trong 5 năm, từ 1955 đến 1960, Liên Xô đã cử sang Việt Nam 1.547 chuyên gia trên hầu hết các lĩnh vực giúp nhân dân Việt Nam xây dựng và phát triển kinh tế, giúp Việt Nam đào tạo tại chỗ 7.000 công nhân cho các ngành nghề khác nhau[9].
Viện trợ về quân sự
Đi đôi với viện trợ về kinh tế và kỹ thuật, Chính phủ Liên Xô còn viên trợ Việt Nam các mặt hàng chiến lược về quân sự, giúp Việt Nam tăng cường tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ tổ quốc. Theo một nguồn tài liệu của Việt Nam, tổng trọng lượng các mặt hàng quân sự, bao gồm cả hậu cần quân sự và kỹ thuật quân sự mà Chính phủ Liên Xô viện trợ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là 513.582 tấn. Các mặt hàng quân sự này được Chính phủ Liên Xô thực hiện qua nhiều giai đoạn với số lượng khác nhau, cao nhất là giai đoạn 1965-1968: 226.969 tấn; tiếp đến là giai đoạn 1969-1972: 143.793 tấn; giai đoạn 1973-1975: 65.601 tấn; giai đoạn 1961-1964: 47.223 tấn và cuối cùng, thấp nhất là giai đoạn 1955-1960: 29.996 tấn.
Riêng về các mặt hàng kỹ thuật, chủng loại các vũ khí, khí tài Liên Xô viện trợ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ khá phong phú. Đem so với viện trợ chung về quân sự của các nước xã hội chủ nghĩa, chúng tôi thấy:
Về súng: Liên Xô đã viện trợ Việt Nam 439.198 khẩu súng bộ binh, chiếm 12,17%; 5.630 khẩu súng chống tăng, chiếm 8,6% và 1.076 khẩu súng cối các loại, chiếm 3,8% viện trợ cùng loại của các nư­ớc xã hội chủ nghĩa.
Về pháo và đạn pháo: Liên Xô đã viện trợ Việt Nam 1.877 khẩu pháo hoả tiễn, chiếm 86,6%; 789 khẩu pháo mặt đất, chiếm 32,5% và 480 quả đạn tên lửa K681, chiếm 50% viện trợ cùng loại của các nư­ớc xã hội chủ nghĩa.
Về máy bay và tàu chiến: Liên Xô đã viện trợ Việt Nam 316 chiếc máy bay (bao gồm máy bay chiến đấu và máy bay vận tải quân sự), chiếm 69%; 52 chiếc tàu chiến hải quân, chiếm 63,4% và 21 chiếc tàu vận tải hải quân, chiếm 14,1% viện trợ cùng loại của các nước xã hội chủ nghĩa.
Về các loại xe và các thiết bị kỹ thuật quân sự phục vụ thông tin liên lạc, phục vụ công tác hậu cần, giao thông vận tải, Liên Xô đã viện trợ Việt Nam 687 chiếc xe tăng các loại, chiếm 55%; 601 chiếc xe vỏ thép, chiếm 62,5%; 1.332 chiếc xe xích kéo pháo, chiếm 55,2%; 498 chiếc xe chuyên dùng (xe đặc chủng), chiếm 5,2%; 100 chiếc xe máy công trình, chiếm 2,4%; 12 bộ phao cầu, chiếm 30%; 56 bộ ống dẫn dầu, chiếm 50%; 4.500 km đường ống dẫn dầu dã chiến, chiếm 90% và 37 bộ thiết bị toàn bộ về kỹ thuật quân sự chiếm 58,7% viện trợ cùng loại của các nư­ớc xã hội chủ nghĩa.
Là quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh, Liên Xô còn là nước duy nhất đã viện trợ Việt Nam 647 bộ điều khiển; 1.357 bệ phóng tên lửa; 10.169 quả đạn tên lửa; 23 quả tên lửa SA 75M; 8.686 quả đạn tên lửa VT 50v và 2 trung đoàn tên lửa S125[10].
Thêm vào đó, sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ tháng 8 năm 1964 và khi bất đồng Xô - Trung đã bộc lộ công khai, nguyên tắc “giúp đỡ chung[11] giữa Liên Xô và Trung Quốc với Việt Nam không còn hiệu lực, việc quá cảnh hàng hóa viện trợ của Liên Xô qua Trung Quốc gặp khó khăn, hầu hết các trang thiết bị kỹ thuật, khí tài quân sự và các loại vật tư, hàng hoá khác mà Liên Xô viện trợ Việt Nam đều được các hải đoàn Xô Viết trực tiếp vận chuyển tới Việt Nam bằng đường biển, bất chấp mọi nguy hiểm bởi sự phong toả gắt gao và đánh phá rất ác liệt của lực lượng không quân Mỹ trên vùng biển miền Bắc Việt Nam. Một số tàu của Liên Xô như tàu Polock, tàu Turkestan… đã bị máy bay Mỹ bắn phá khi đang làm nhiệm vụ quốc tế trên các cảng biển miền Bắc Việt Nam.
Ngoài ra, theo thoả thuận giữa hai nhà nước, Chính phủ Xô Viết đã cử nhiều chuyên gia quân sự giàu kinh nghiệm sang công tác tại Việt Nam. Số lượng các chuyên gia quân sự Liên Xô sang Việt Nam ngày càng đông khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc. Theo một nguồn tài liệu từ Liên Xô, chỉ tính từ ngày 11 tháng 7 năm 1965 đến ngày 31 tháng 12 năm 1974, Liên Xô đã cử 10.859 lượt chuyên gia quân sự, từ chiến sĩ đến cấp tướng sang giúp Việt Nam xây dựng lực lượng phòng không - không quân, chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Trong quá trình công tác tại Việt Nam, 13 người trong số đó đã hy sinh (4 người hy sinh trong chiến đấu)[12].
3. Từ những cứ liệu về việc Liên Xô chi viện, giúp đỡ Việt Nam trong thời kỳ Việt Nam chống Mỹ cứu nước, có thể rút ra một số nhận xét:
Một là, cần phải khẳng định rằng, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở tất cả mọi giai đoạn, Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ cả về kinh tế, kỹ thuật lẫn quân sự của Liên Xô. Điều đó đã chứng tỏ, việc chi viện, giúp đỡ nhân dân Việt Nam thời kỳ này là một chủ trương nhất quán trong đường lối đối ngoại và chính sách đối ngoại của Chính phủ Xô Viết. Mặc dù sự giúp đỡ đó, nhất là giúp đỡ về quân sự, luôn bị chi phối bởi nhiều yếu tố, như: tình hình quốc tế và tương quan lực lượng trên thế giới; chính sách đối ngoại hoà bình của Liên Xô và chủ trương, giải pháp cụ thể của giới lãnh đạo Xô Viết trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, cũng như khả năng tiếp nhận và sử dụng của Việt Nam… song nhìn chung, động thái viện trợ Việt Nam của Liên Xô là thường xuyên, liên tục và phát triển theo chiều hướng tích cực. Liên Xô từ chỗ là “quan sát viên”, người đứng ngoài, gián tiếp tác động vào tình hình Việt Nam trong những năm 1954-1964, tiến tới công khai, trực tiếp viện trợ Việt Nam từ năm 1965 về sau. Sự giúp đỡ đó đã có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cách mạng Việt Nam, góp phần hỗ trợ Đảng Cộng sản Việt Nam phát triển thế và lực, thực hiện chính sách tập hợp lực lượng trong và ngoài nước, hình thành sức mạnh tổng hợp cho cách mạng. Chính vì vậy, khi đánh giá vai trò của tình hữu nghị Xô - Việt, ngay từ năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tình hữu nghị giữa Liên Xô và Việt Nam là một vấn đề hết sức quan trọng về phương diện quốc tế. Tình hữu nghị đó là một nhân tố quan trọng đảm bảo cho thắng lợi của nhân dân Việt Nam đang đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ tổ quốc”[13]. Mặc dù vậy, xuất phát phương châm tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các lực lượng cách mạng Việt Nam là: “Tuyệt đối chớ vì bạn ta giúp nhiều mà sinh ra ỷ lại”[14].
Hai là, trong lĩnh vực quân sự, cũng như­ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam thời chống Mỹ không nhiều lắm, chỉ chiếm 25,76% viện trợ chung của các nư­ớc xã hội chủ nghĩa[15] - Trung Quốc, Ba Lan, Tiệp Khắc, Rumani, Bungari, Hunggari, CHDC Đức, CHND Triều Tiên và Cu Ba. Song điều quan trọng là những mặt hàng quân sự mà Liên Xô viện trợ cho Việt Nam lúc bấy giờ phần lớn là những vũ khí, khí tài chiến lược, có tính dã chiến, tiến công cao, uy lực mạnh, như­ pháo hoả tiễn, xe tăng, xe bọc thép... đặc biệt là tàu chiến, máy bay, tên lửa, cùng nhiều vật tư­, khí tài khác phục vụ cho công tác chỉ huy và tham mưu. Đó là những vật tư, khí tài thiết yếu để Việt Nam phát triển các binh chủng phòng không, không quân và hải quân, đẩy nhanh quá trình xây dựng lực lượng vũ trang chính quy hiện đại. Cùng với sự giúp đỡ hiệu quả trong lĩnh vực kinh tế, viện trợ quân sự của Liên Xô đã góp phần hỗ trợ Việt Nam tăng cư­ờng sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân và năng lực tác chiến của lực lượng vũ trang nhân dân, giáng trả có hiệu quả các cuộc tập kích bằng không quân, hải quân của Mỹ trên vùng biển, vùng trời miền Bắc và đánh bại các chiến lư­ợc quân sự của chúng ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ba là, đi đôi với viện trợ vật chất, Liên Xô còn hỗ trợ Việt Nam nguồn lực trí tuệ thông qua công tác đào tạo cán bộ và đội ngũ chuyên gia, cố vấn Xô Viết trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa và quân sự; vừa giúp Việt Nam xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; vừa giúp xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân chính quy hiện đại. Theo đó, các tư tưởng về kinh tế, văn hoá; về khoa học và nghệ thuật quân sự Xô Viết cũng được truyền vào Việt Nam, góp phần hình thành đội ngũ cán bộ mới trên tất cả các lĩnh vực và gia tăng thêm sức hấp dẫn của “con đường Xô Viết”, cũng như “mô hình Xô Viết’ ở Việt Nam. Cùng với sự giúp đỡ của Đảng, Chính phủ Liên Xô, máu đào của các chiến sĩ - chuyên gia quân sự Xô Viết đổ xuống miền Bắc Việt Nam trong thời gian chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đã tô thắm thêm tình hữu nghị Xô - Việt.
Sau sự kiện ngày 19 tháng 8 năm 1991, Liên Xô đi vào tan rã. Nh­­ưng những giúp đỡ hiệu quả, giàu tình nghĩa quốc tế vô sản mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô dành cho Việt Nam trong những năm Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã in một dấu ấn rất sâu đậm trong tâm trí mỗi người Việt Nam. Sự giúp đỡ đó, như lời Hồ Chí Minh nhận định, là “thiên kinh, địa nghĩa” mà các thế hệ người Việt Nam, với tình cảm thủy chung luôn ghi nhớ. Cho dù thời thế có đổi thay, song sự chia sẻ, giúp đỡ Việt Nam của Liên Xô trong quá khứ là vô giá và không gì có thể so sánh đư­­ợc.
Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá, những thành tựu đạt được và những kinh nghiệm quý báu từ sự hợp tác Việt Nam - Liên Xô trong lịch sử và đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng Cộng sản Việt Nam, muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế đã và đang là điểm xuất phát quan trọng để Việt Nam và Liên bang Nga tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống hợp tác nhiều mặt phù hợp với yêu cầu của đối tác chiến lược, phấn đấu vì mục tiêu hoà bình, độc lập và phát triển trên một cơ sở mới, lâu dài và cùng có lợi.


[1] Bài in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế: “Xây dựng và thống nhất đất nước ở Việt Nam và Đức, giai đoạn 1500-2000”ĐHQG Hà Nội, 11/2009, tr.149-157 - có sửa chữa, bổ xung.
[2] Xem, Việt Nam - Liên Xô 30 năm quan hệ (1950-1980), Nxb. Ngoại giao Hà Nội, 1983.
[3] Các nước trong phe xã hội chủ nghĩa đã giúp chúng ta từ năm 1955 đến nay, tr.1. Phòng lưu trữ Bộ Thương mại.
[4] Tham khảo, Đặng Phong (Chủ biên), Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, Tập II: 1955-1975, Nxb. KHXH, Hà Nội, 2005, tr.281; xem thêm, Phạm Quang Minh, Quan hệ Việt Nam - Liên Xô trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Tạp chí Lịch sử quân sự, số 205 (1/2009), tr.16.
[5] Nguồn: Các nước trong phe xã hội chủ nghĩa đã giúp chúng ta từ năm 1955 đến nay, tlđd, tr.1. Xem thêm: Sự hợp tác quốc tế giữa ĐCS Liên Xô và ĐCS Việt Nam lịch sử và hiện tại. Nxb. ST, Hà Nội, 1987, tr.309; cũng xem: Việt Nam - Liên Xô 30 năm quan hệ (1950-1980), Nxb. Ngoại giao, Hà Nội, 1983, tr.57-60; Bùi Công Trừng: Ý nghĩa viện trợ vô tư của Liên Xô và cái gọi là “viện trợ Mỹ”, in trong: Cách mạng tháng Mười và sự thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, Nxb. ST, Hà Nội, 1957.
[6] Xem: Việt Nam - Liên Xô 30 năm quan hệ (1950-1980), Sđd.
[7] Sự hợp tác quốc tế giữa ĐCS Liên Xô và ĐCS Việt Nam lịch sử và hiện tại, Sđd, tr.324. Xem thêm, Đặng Phong(Chủ biên), Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000Tập II: 1955-1975, Sđd, tr.474.
[8] Tham khảo: Đặng Phong (Chủ biên), Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000Tập II: 1955-1975, Nxb. KHXH, Hà Nội, 2005, tr.483.
[9] Dẫn theo Phạm Quang Minh, Quan hệ Việt Nam - Liên Xô trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Tạp chí Lịch sử quân sự, số 205 (1/2009), tr.16. Cũng xem: Sự hợp tác quốc tế giữa ĐCS Liên Xô và ĐCS Việt Nam lịch sử và hiện tại, Sđd, tr.310.
[10] Xem: Trần Tiến Hoạt và Lê Quang Lạng: Nguồn chi viện to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa, Báo QĐND số 15791, thứ 4 ngày 13 thág 4 năm 2005, tr.2.
[11] Để tránh đối đầu với Mỹ, từ năm 1950, ngay sau khi xác lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Liên Xô và Trung Quốc đã đi tới thoả thuận: tất cả mọi viện trợ về quân sự của Liên Xô cho Việt Nam đều được tiến hành thông qua Trung Quốc, do Trung Quốc điều phối, với danh nghĩa là “sự giúp đỡ chung”. Tham khảo: Sự thật về những lần xuất quân của Trung Quốc và quan hệ Việt - Trung, Nxb. Đà Nẵng, 1996, tr.20. Gần đây, nhà sử học Nga, TS. Anatoli Xocolov, thông qua nguồn tài liệu lưu trữ của Bộ ngoại giao Nga cũng đề cập và xác nhận xu hướng này. Xem Điện Biên Phủ trong những bước đầu trên con đường chung: Liên Xô và Việt Nam (1945-1954) - “50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước”, Nxb. KHXH, Hà Nội, 2004, tr.195.
[12] Xem Cao Đắc Trung, Chiến tranh Việt Nam là thế đó (1965-1973), Tạp chí Lịch sử quân sự, số 205 (1/2009), tr.45. Nguồn tài liệu mà tác giả sử dụng còn cho biết, trong thời gian từ 1965-1973, Liên Xô đã đào tạo, huấn luyện, viện trợ cho Việt Nam 10 trung đoàn tên lửa Phòng không, 2 trung đoàn Không quân tiêm kích và 3 trung đoàn ra đa cảnh giới.
[13] Dẫn theo: Sự hợp tác quốc tế giữa ĐCS Liên Xô và ĐCS Việt Nam lịch sử và hiện tại, Nxb. ST, Hà Nội, 1987, tr.333.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 8, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000, tr.30.
[15] Sách Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975 thắng lợi và bài học, Nxb. CTQG, H., 2000, tr.601 cho biết, viện trợ quân sự của các nước XHCN cho Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như sau: giai đoạn 1955-1960: 49.585 tấn, bao gồm 4.105 tấn hàng hậu cần và 45.480 tấn kỹ thuật (vũ khí, khí tài, vật tư, đạn dược); tương tự vậy, giai đoạn 1961-1964: 300.065 tấn, bao gồm 230 tấn hậu cần, 70.065 tấn kỹ thuật; giai đoạn 1965-1968: 517.493 tấn, bao gồm 105.614 tấn hậu cần, 411.879 tấn kỹ thuật; giai đoạn 1969-1972: 1.000.796 tấn, bao gồm 316.130 tấn hậu cần và 684.666 tấn kỹ thuật; giai đoạn 1973-1975: 124.513 tấn, bao gồm 75.267 tấn hậu cần và 49.246 tấn kỹ thuật. Như vậy, tổng trọng lượng các mặt hàng quân sự mà các nước XHCN viện trợ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là 1.992.452 tấn.

Monday, 24 March 2014

Chuyện về người phụ nữ đầu tiên bị bắn oan trong Cải cách ruộng đất (Xuân Ba)


CHUYỆN VỀ BÀ NGUYỄN THỊ NĂM - NGƯỜI BỊ BẮN CHẾT OAN TRONG CCRĐ


Chuyện về người phụ nữ đầu tiên bị bắn oan
trong Cải cách ruộng đất 
Xuân Ba 

Thư Xuân Ba: 

Kg các anh!
Vì nhiều lý do, bài về bà Nguyễn Thị Năm ( Cát Hanh Long ) đăng trên An Ninh Thế giới ( số 1349& 1350) ra ngày Thứ Tư và Thứ Bảy 15-3 không đủ đầy như bản thảo gốc của người viết. 
Tôi biết ơn sự tận tình cố gắng của các anh Phạm Văn Miên TBT và Hồng Thanh Quang Phó TBT để hai bài báo trên đến tay bạn đọc. 
Tôi xin gửi lại các anh đọc bản gốc và.mong được thông cảm 
Chúc lành 
Xuân Ba

Tôi ngập ngừng ngừng gõ lên cánh cửa một ngôi nhà ở đường Láng. 

Ngập ngừng như động thái của người có lỗi. 

Lỗi vì mình đã quá muộn? Lỗi vì sự lừng khừng chần chừ, dùng dắng? 

Thực ra nhiều năm trước,  có lần tôi đã tìm đến ngôi nhà 117 Hàng Bạc. Nhưng người chủ ngôi nhà cho biết người tôi cần tìm không có ở đây. Và không biết đã chuyển đi chỗ nào? 

Những ngài ngại lẫn sờ sợ. Nỗi sợ vô cớ và bầy đàn ấy đã khiến dài mãi thêm những lừng khừng cùng dùng dắng... 

Người tôi cần tìm là ông Nguyễn Hanh. 

Ông là thành viên trong cụm danh từ Cát Hanh Long. Cụm từ ấy từng ám vào tâm trí không ít người của một thời một thuở? 

Ông Nguyễn Hanh là con trai trưởng của bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long, người đàn bà đầu tiên bị bắn oan trong Cải cách ruộng đất (CCRĐ) 

Nhưng lần này sau khi gặp được một người, tôi đã quyết dẹp đi sự dùng dắng đó. Người ấy là ông Lưu Văn Lợi thư ký riêng của ông Lê Đức Thọ.

Dầu chấm dứt
thành dấu chấm lửng?


Bút tích của ông Lê Đức Thọ
Tôi đã quấy quả ông nhiều lần dịp mới đây, 40 năm Hiệp định Paris. 

Ông như một phần, một mảng miếng của sử. Là thư ký riêng cho Cố vấn Lê Đức Thọ nhiều năm, không chỉ 4 năm 8 tháng 16 ngày, thời gian diễn ra cuộc hòa đàm Ba Lê. 

May mắn nhà ngoại giao tuổi cao sức yếu ấy còn rất mẫn tiệp. Lần này trên bàn làm việc của ông là một tờ A4 Photocopy. Chữ của ông cố vấn Lê Đức Thọ 

Thân mến tặng Công và Hanh để đánh dấu chấm dứt sự đau buồn kéo dài lâu năm của gia đình và cũng là của chung. Hà Nội ngày 28-1-1987 

Chuyện của nhà ngoại giao kiêm thư ký của ông Lê Đức Thọ thoáng đưa tôi về những năm xa. Những Võ Nguyên Giáp Trường Chinh, Lê Đức Thọ Hoàng Quốc Việt cùng nhiều yếu nhân của Đáng của Mặt trận Việt Minh từng qua lại được chở che ở ngôi biệt thự bề thế ở ven hồ Thiền Quang. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, lại cũng những đáng bậc ấy cùng nhiều yếu nhân của Đảng của Chính phủ cũng nhiều dịp tá túc qua lại sinh hoạt ở khu đồn điền Đồng Bẩm vùng Thái Nguyên. Chủ những cơ ngơi những biệt thự cùng khu đồn điền ở Đồng Bẩm ấy là bà Nguyễn Thị Năm thường gọi là Cát Hanh Long, tên một hiệu buôn nổi tiếng ở Hà Thành, Hải Phòng. 

Chuyện bà cùng chồng thuở hàn vi ăn chắt nhịn thèm lao tâm khổ tứ với khiếu kinh doanh cùng năng lực thương mại vượt trội đã gây dựng nên cả một cơ ngơi đồ sộ là cả một câu chuyện dài. Nội việc bà kinh doanh hai thứ hàng nặng nhất và nhẹ nhất khi ấy là tơ và sắt thép nổi tiếng ở Hà Thành và Hải Phòng cũng đã có lắm chuyện như là giai thoại? Người nữ nhi giàu tiền bộn bạc ấy lại sẵn tấm lòng son với đất nước. Thời gian trước năm 1945, những căn biệt thự của bà ở Hà Nội và Hải phòng là nơi đi về liên lạc của Việt Minh. Hai người con trai của bà Năm đã được giác ngộ được bí mật lên chiến khu. 

Khó kể hết những đóng góp của nhà tư sản ấy cho cách mạng. Từng ủng hộ Việt Minh trước CM tháng Tám 20.000 đồng bạc Đông Dương (tương đương bẩy trăm lạng vàng) rồi sau này là thóc gạo, vải vóc, nhà cửa.  Bà là một trong những người đóng góp tiêu biểu nhất của “Tuần Lễ Vàng” ở Hải Phòng vơi hơn một trăm lạng vàng. 

Một sự kiện vô tiền khoáng hậu khi ấy đối với một nữ nhi thường tình là bà đã ngồi trên chiếc xe ô tô của nhà  treo cờ đỏ sao vàng từ Hải Phòng lên thẳng chiến khu qua thành phố Thái Nguyên, nơi quân Nhật còn chiếm đóng đến Đồng Bẩm, Đình Cả, Võ Nhai để báo cho con trai và các đồng chí của mình tin Hà Nội đã giành được chính quyền! Sau thời điểm kháng chiến toàn quốc, bà trao chiếc búa cho đội tự vệ phá hoại để làm cái việc san bằng địa khu biệt thự Đồng Bẩm thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến. Sau đó bà là chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Thái Nguyên và khu đồn điền Đồng Bẩm từng nuôi ăn cho một trung đoàn vệ quốc quân trong một thời gian dài. 

Tiếc thay, phát súng đầu tiên của CCRĐ lại nhằm vào một phụ nữ. Người đó là bà Nguyễn Thị Năm. 

Bà bị bắt bị đấu tố với tội danh tư sản địa chủ cường hào gian ác. 

Rồi bị lôi ra pháp trường. 

Sự kiện bi thảm ấy diễn ra vào lúc 8 giờ tối ngày 29 tháng Năm Âm lịch năm 1953. Khi bà vừa tuổi 47. 

Một ngày mùa đông năm 1986, ông Lê Đức Thọ cho gọi Lưu Văn Lợi và dặn như thế như thế... 

Như thế là việc ông cử người thơ ký của mình đến số nhà 117 Hàng Bạc. Con trai bà Cát Hanh Long ở đó. 

Không phải một mình ông Nguyễn Hanh, con trai bà Năm. Cả gia đình 6 nhân khẩu chen chúc trong một diện tích chỉ hơn 20 mét vuông. Tận mắt chứng kiến bao thứ gian nan về nơi ở của thời bao cấp khốn khó, nhưng khi đến 117 Hàng Bạc ông Lợi vẫn không khỏi xót xa. 

Ông có trách nhiệm báo cáo lại với vị Trưởng Ban Tổ chức TW những gì mắt thấy tai nghe về gia cảnh hiện thời của nhà Cát Hanh Long. 

Ông Lê Đức Thọ nghe ông báo cáo rồi ngồi lặng đi hồi lâu. Bằng chất giọng rời rạc khẽ khàng, ông Thọ như đang chắp nối lại ký ức đã quá vãng. Ông Lợi biết động thái hơi hiếm hoi của  thủ trưởng khi chia xẻ với người thư ký... Rằng chính Bác Hồ thời điểm đó đã thẳng thắn với các đồng chí cố vấn rằng người ta nói không nên đánh phụ nữ dù bằng một cành hoa huống hồ phát súng đầu tiên của cuộc CCRĐ lại nhằm vào một phụ nữ mà người ấy lại rất có công với cách mạng. (nghe đến đây tôi chợt nhớ ngay cái câu nhất đội nhì giời. Nhưng có lẽ thời điểm ấy  có thứ còn trên cả đội, trên cả cán bộ cải cách nữa?) 

Ông Lê Đức Thọ lại thở dài với người thơ ký của mình rằng thời điểm CCRĐ đang hồi cao trào  ngoài đó, ông đang ở miền Tây Nam Bộ. Một hôm ông được nối điện thoại với ngoài Bắc. Phải có việc chi hệ trọng lắm thì mới có sự liên lạc đặc biệt này? Đầu dây bên kia là ông Hồ Viết Thắng, một yếu nhân của CCRĐ. Hóa ra ông Thắng chỉ hỏi ông một câu. Mà câu ấy chả ăn nhập gì với hoàn cảnh hoạt động bí mật gian khó hiểm nguy ở căn cứ địa miền Nam khi ấy khiến ông Thọ rất bực. Câu ấy là bà Nguyễn Thị Năm Cát Hanh Long có cho đồng chí cái gì khi đồng chí ở nhà bà ấy không? 

Qua câu ấy cùng khẩu khí của người hỏi, ông cũng mường tượng ra phần nào không khí và tình thế của một phong trào như CCRĐ! Nhưng không ngờ đến những hậu họa? Có phải vì thế mà ông Lợi có lúc thoáng nghĩ, ông Lê Đức Thọ, một trong những yếu nhân của cách mạng miền Nam đã không tiến hành CCRĐ đối với nông thôn miền Nam? 

( Nghe chuyện ông Lợi, tôi chợt nhớ đến một văn bản. Đó là lời chứng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 10-11-2001: “Bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long là một địa chủ có tinh thần yêu nước, trong kháng chiến đã từng giúp đỡ bộ đội. Bản thân tôi và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có lúc đã ở lại nhà bà. Trong những buổi họp sửa sai, chính Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh và đồng chí Lê Văn Lương đều cho rằng xử trí bà Nguyễn Thị Năm là một sai lầm”. 

Lu bu với công việc hết trong Nam rồi ngoài Bắc, quên thì không hẳn nhưng chưa có lúc nào rảnh để đụng đến việc oan sai này. Ông Lợi nhớ lời thủ trưởng mình đã phàn nàn như thế... 

Ông Lê Đức Thọ viết một lá thư dán kín rồi đưa ông Lợi chuyển cho đồng chí Trường Chinh.  Một lúc sau, thấy người thư ký của mình đưa lại thư với lý do là thư ký đồng chí Trường Chinh khi biết được nội dung thư đã từ chối việc đưa thẳng cho thủ trưởng của mình! 

Ông Lê Đức Thọ cười... Rồi sau đó là động thái hơi bị hiếm, ông Thọ đi bộ sang chỗ đồng chí Trường Chinh... 

Khoảng 30 phút sau, ông trở lại cười với người thư ký xong rồi... 

Một ngày áp Tết Đinh Mão năm 1987, ông Lợi tháp tùng thủ trưởng của mình đến 117 Hàng Bạc. Giữa những người thân của gia đình bà Cát Hanh Long, ông Lê Đức Thọ tặng quà Tết và tập thơ mới xuất bản của mình với lời đề tặng như bản photo trên đây... 

Trong tay tôi là một văn bản của Ban tổ chức TW do Phó trưởng Ban Lê Huy Bảo ký thay Trưởng Ban Tổ chức. Văn bản số 213/TCTW. Hà Nội ngày 4-4-1987 

Kính gửi Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Thái. Trước đây bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long bị quy thành phần “Tư sản địa chủ cường hào gian ác” bị xử tử ở Thái Nguyên. Nay con bà Năm là 2 ông Nguyễn Hanh và Nguyễn Công ở số nhà 117 Hàng Bạc hà Nội gửi thư lên các đồng chí Trường Chinh Lê Đức Thọ đề nghị sửa lại thành phần giai cấp và thực hiện đúng chính sách của Đảng Nhà nước đối với gia đình bà Nguyễn Thị Năm. 

Sau khi xem xét thư khiếu nại và các tài liệu xác nhận đồng chí Trường Chinh và Lê Đức Thọ thấy việc sửa lại quy định thành phần giai cấp cho bà Nguyễn Thị Năm là tư sản, địa chủ kháng chiến” là đúng với thực tế đúng với chính sách của Đảng và Nhà nước. 

Ban Tổ chức TW Đảng đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí có trách nhiệm thực hiện ý kiến trên của đồng chí Trường Chinh và Lê Đức Thọ

Rất nhanh, UBND tỉnh Bắc Thái ngày 11-6-1987 có một Quyết định mang số 123/UBQĐ do ông Chủ tịch Đặng Quốc Tiến ký. QĐ ghi rõ Bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long trước bị quy thành phần “ Tư sản, địa chủ cường hào, gian ác” nay sửa lại Thành phần giai cấp cho bà Nguyễn thị Năm  là “ Tư sản, địa chủ kháng chiến” 

Việc sửa lại thành phần giai cấp có giá trị từ ngày có quyết định này. 

Như vậy việc sửa lại thành phần giai cấp và thực hiện đúng chính sách của Đảng Nhà nước đối với gia đình bà Nguyễn Thị Năm theo chỉ đạo của ông Trường Chinh và Lê Đức Thọ cùng Ban Tổ chức TW mới được thực hiện một nửa! 

Còn việc thực hiện đúng chính sách của đảng và Nhà nước đối với gia đình bà Nguyễn Thị năm, 26 năm đã qua vẫn còn để đó? 

Dấu chấm hết vô tình thành dấu chấm... lửng?
_________________

Kỳ 2.
Tan tác một mái ấm
Ông Lưu Văn Lợi
Cánh cửa căn hộ ở đường Láng mở ra... 

Trước khi đến đây trĩu trong tay là một tập giấy tờ. Tờ đầu tiên có những dòng: 

Hà Nội ngày 27-4-1998. Kính gửi ông Chủ tịch Quốc hội. Chúng tôi là con trai, con dâu của bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long tên là Nguyễn Hanh và Nguyễn Cát tức Hoàng Công. ( Ông Hoàng Công đã mất do tai nạn năm 1989) và vợ ông Công là Đỗ Ngọc Diệp  xin gửi đến ông Chủ tịch QH một việc khẩn. Trong nhiều năm qua gia đình chúng tôi đã có nhiều đơn thư gửi đến các cơ quan có trách nhiệm các cấp chính quyền từ xã trở lên đến Trung ương cùng Tổng Bí thư xin xem xét việc khen thưởng cho mẹ chúng tôi theo Nghị quyết 28 CP ngày 29-4-1995 ( Nghị quyết về  ) Nhưng cho đến nay chưa được cấp nào trả lời... 
 
Và bây giờ là 8-2013, ngoài lá đơn gửi ông chủ tịch QH là Nông Đức Mạnh năm 1998 ấy còn hơn 20 lá đơn khác gửi cùng nội dung đến các đời Thủ tướng, TBT, Chủ tịch QH từ năm 1995 đến nay vẫn vẫn chưa được cấp nào trả lời! 

Tiếp tôi là chủ nhà, ông Nguyễn Hanh năm nay tròn 90 và vợ Phạm thị Cúc  86 tuổi. Bà Cúc ngó còn minh mẫn. Ông Hanh đi lại đã phải có người dìu. Sự tháo vát hiếu thảo của 3 người con của ông bà đã vượt thoát cho cả nhà bà cùng bố mẹ ra khỏi căn hộ chật chội tù túng ẩm ướt kế ngay nhà vệ sinh công cộng ở 117 Hàng Bạc. 

Tôi xin phép được lên gác thắp hương cho cụ Nguyễn Thị Năm.
Nghiêm ngắn trên bàn thờ là bức chân dung hiếm hoi của cụ bà Nguyễn Thị Năm còn sót lại. Khắn vấn.  Tóc đen nhưng nhức chải  ngôi giữa. Nét mày và miệng thanh tú. Ảnh cụ bà chụp khi hơn 40 tuổi. Tướng những người phụ nữ có cung mệnh ích phu vượng tử. Cụ ông không may bạo bệnh mất sớm trước năm 1945. Một mình cụ bà những đảm lược thông minh tháo vát chèo chống đưa con thuyền cát Hanh Long qua bão tố thác gềnh. Qua bao tao loạn đổi thay của thời cuộc, trân trang thờ kia bà vẫn mãi mãi trẻ trung vẫn mãi mãi tỏa cái ánh nhìn sắc sảo bao dung xuống hậu thế! 

Bên phải là tấm hình cụ ông ngó trẻ trung. Ban nãy đến nhà tôi mới rõ hết cái thương hiệu Cát Hanh Long nổi tiếng ở Bắc Kỳ. Cát, tên người con trai thứ hai, thời gian hoạt động bí mật có tên là Hoàng Công, từng là Trung đoàn trưởng thuộc Sư 308. Hanh, người con trai cả. Long là tên cụ ông quê gốc ở làng Đại Kim Thanh Trì Hà Nội. 

Tuổi tác tật bệnh, có thể một lúc nào đó hơi lẫn như cụ bà phàn nàn nhưng khi nhắc đến những ngày tháng Tám năm 1945 là trí nhớ cụ ông thoắt như được ánh sáng diệu kỳ nào đó của quá khứ rọi soi? Cụ cứ vanh vách từng chi tiết buổi sáng ngày 25 tháng Tám năm 1945 đoàn xe của ông Trần Huy Liệu thay mặt cho Chính phủ lâm thời cùng đoàn xe của ông Nguyễn Lương Bằng đại diện cho Mặt trận Việt Minh cùng xuất phát từ Hà Nội có sứ mệnh vào Huế tiếp nhận sự đầu hàng của Bảo Đại. Chả là chàng trai Nguyễn Hanh khi đó mới 22 tuổi, được chọn trong đội hình Thanh niên thành Hoàng Diệu có vinh dự được tháp tùng Đoàn. 

Ngày 30-8 Đoàn mới vào đến Huế. Đành một nhẽ đường xá thời đó xấu nhưng làm chi mất đến 5 ngày mới vô được Huế? Hóa ra cả phái đoàn phải liên tục dừng lại dọc đường ngày cũng như đêm để gặp gỡ nói chuyện với đồng bào chặn đón ủy lạo đoàn ở các địa phương dọc đường. Người ta khênh cả kiệu bát cống kiệu long đình bày hương án giăng cờ đại, cờ đuôi nheo chỉ dùng trong các dịp lễ trọng để chào mừng đại diện của Việt Minh. 

Trong suốt cuộc gặp, tôi để ý có 2 việc mà cụ Hanh thường nhắc đi nhắc lại? Đó là chi tiết khi đưa tay đỡ cái ấnHoàng đế chi bảo bằng vàng đúc do ông Trần Huy liệu đưa cho, anh tự vệ thành Hoàng Diệu Nguyễn Hanh cứ tưởng nó nhẹ nên đón lấy bằng động thái nhẹ nhàng làm suýt rơi ấn. Một vật nữa tượng trưng cho quyền lực Nam Triều là chiếc kiếm. Cũng tưởng nó nặng hóa ra nhẹ hều, bao kiếm đã rỗ rỉ nhiều chỗ! 

Chi tiết thứ hai là cái túi đựng kim cương của mẹ mình, bà Nguyễn Thị Năm. 

Cái túi ấy trước khi đám tự vệ cùng đội cải cách súng ống hùng hổ xông vào nhà điệu bà đi với tội danh tư sản địa chủ cường hào gian ác,  bà Năm dường như đã tiên liệu được điều gì? Bà nhanh tay quẳng cho cô con dâu cái túi đựng những kim cương hột xoàn gì đó mà con dâu mà không rành chỉ biết nó khá nặng, trĩu cả tay! 

 Sau gần 3 tháng, ngày cũng như đêm liên miên đấu tố bà năm luôn bị cách lý vói gia đình nên không kịp biết chỉ mấy ngày sau khi bà bị bắt, trong một đợt khám xét săm soi hang cùng ngỏ hẽm khắp nhà cửa sân vườn, đội cải cách đã phát hiện ra cái túi kim cương ấy và ra lệnh tịch thu! Tịch thu nhưng không hề có biên bản, giấy biên nhận mà là thu trắng tài sản của nọn tư sản địa chủ cường hào gian ác. Cô con dâu điếng người.  Bà con dâu khi ấy còn trẻ nhưng cũng đủ biết những vật trong cái túi gấm kia còn giá trị hơn cả vàng! Nhưng hình như cái thời ấy, cái đau mất người cùng những tan đàn xẻ nghé nó đau nó khủng khiếp hơn cái mất mát tài sản? 

Thời điểm ấy,  Nguyễn Hanh đang ở Nam Ninh Trung Quốc. Liên miên những tháng ngày hăng say tiếp thụ kiến thức rèn cán chỉnh quân để sau này về truyền thụ lại cho đơn vị bộ đội của mình. 

Tin tức về một cuộc cải cách trời long đất lở cũng sang được bên đó nhưng tuyền một thông tin dân phấn khởi đang vùng lên đánh đổ địa chủ ác bá người cày có ruộng. Nguyễn Hanh không một chút mơ hồ nghi ngại... Một ngày tháng 6 năm 1953, Nguyễn Hanh được chỉ thị về nước có lệnh gấp. Chẳng cần phải khi cánh cổng trại cải tạo Tuyên Quang doang rộng và mình được điệu cổ vào, Nguyễn Hanh mới biết mình đang lâm nạn mà thái độ thù địch của những người dẫn anh đi khi qua biên giới đã báo trước cho Nguyễn Hanh những sự dữ.  Những ánh mắt như tóe lửa khi hướng về phía anh. Cả những lời phũ phàng bật ra ở địa điểm đón đầu tiên Con cái bọn bóc lột cường hào ác bá... 

Cái điều Nguyễn Hanh không ngờ không biết khi đó mẹ mình đã bị bắn. Cho mãi sau này, trong một đợt tiếp tế thăm nuôi, vợ anh mới hé cho tin ấy.

Cho mãi mùa đông năm 1956, trong căn lều tuềnh toàng giành cho con cái cường hào ác bá ở Đồng Bẩm, cách cái nền khu biệt thự từng dập vụn thời điểm tiêu thổ kháng chiến không xa. Và ngoài kia là ràn ràn tứ bề gió lạnh,  Nguyễn Hanh thân hình còm nhom tật bệnh, qua câu chuyện ngập trong nước mắt của vợ, ông dần dà tường hết mọi việc xảy ra trong những ngày khốn khổ ấy. Chi tiết cái túi vợ ông có kể nhưng Nguyễn Hanh đã quên bẵng ngay sau đó. 

Tinh mơ hôm sau, ông lựa lúc vắng người, theo hướng chỉ của vợ ông ra gục khóc trên mộ mẹ lúc này cỏ dại đã mọc dày nhưng không dám xới xáo gì.

Những năm cuối 50, khi những cuồng phong của những đợt CCRĐ đã bớt thôi gào thét, cả nhà ông, con trai con dâu và cháu nội của bà Cát Hanh Long mang cái án con cháu của kẻ tư sản cường hào gian ác bị cách mạng xử tử tìm đường về Hà Nội. 

Nói về cũng chẳng phải... hay đi tiếp?  Hà Nội hay Hải Phòng? Quê đâu? Nhà cửa đâu? May mà sau những ngày ra trại gặp đợt sửa sai, ông Hanh được bạn bè người quen giúp cho xin được một chân trong văn phòng Ty kiến trúc Thái Nguyên. Khi dạt về Hà Nội lại cũng được người quen xin vào làm ở một xí nghiệp dược phẩm. Bà vợ cũng may cũng xin được một chỗ làm dạy ở một trường tiểu học.

Cái đoạn khốn khó nhất là phải tìm lấy một chỗ ở. Trong lúc hoạn nạ nhiều bạn bè đã giang tay ra. Nhưng ở nhờ mãi sao tiện? Mất hơn 3 năm lúc ở nhờ lúc thuê cả nhà ông Hanh mới dạt vào một góc ở 117 Hàng Bạc.

Bên tôi là chị Phương con gái cả ông Hanh. Bà mẹ chị Phương dõi ánh mắt xót xa về phía con gái khi chị kể cái đoạn đói không sợ nhưng ngại nhất là những ánh mắt lúc khinh khi lúc soi mói của hàng xóm của bạn bè ngay trong lớp đôi lúc xì xào con nhà địa chủ ác bá...  

Học phổ thông lên đến đại học Bách khoa cũng dần bớt đi sự tò mò thiếu thiện cảm. Tuổi trẻ mà. Nhưng khi tốt nghiệp, Phương mới thấy giật mình. Điều lo sợ mơ hồ của cô đã thành sự thực khi cô được phân về Tổng cục Thống kê. Ông cán bộ tổ chức ân cần trả lại hồ sơ cho cô và nói thẳng bên náy hơi ngại cái lý lịch cháu ạ.

Chờ đợi mãi, cô xin về Bộ vật tư theo lời giới thiệu của người quen. Đợi mãi không thấy gọi. Cô đánh liều đến thì thông tin mà cô nhận được cũng na ná như bên Thống kê. 

Người quen của gia đình Phương lại thân với ông Bộ trưởng.

Thời điểm ấy, chưa có sự kiện cải thành phần từ gian ác cường hào xuống địa chủ kháng chiến. Nhưng ông Bộ trưởng hình như có kênh để liên lạc với một trong những yếu nhân từng qua lại gia đình bà Cát Hanh Long thời đen tối. Rồi cuối cùng, Phương cũng được nhận vào làm ở Bộ vật tư. 

Chuyện của Nguyễn Tấn, em trai cô Phương cũng gian nan. Anh Tấn thi vào Đại học Quân sự nhưng không được gọi.  Năm 1968 anh Tấn xung phong đi bộ đội. Rồi thỏa mãn cái chí học của mình bằng con đường tại chức Bách khoa. Tích cực phấn đấu mãi cũng không được kết nạp Đảng vì thành phần gia đình. Và phấn đấu mãi cũng không trở thành sĩ quan chuyên nghiệp. Nguyễn Tấn xin về hưu ở tuổi 50.

Một cụ già với những bước lẫm chẫm, thường phải có người dìu, trong câu chuyện nhiều lúc ông Nguyễn Hanh phải vỗ vỗ lên đầu chừng như để nhớ ra một điều gì đó mà với thời gian với những tao loạn cùng tật bệnh có khoảng khắc nào đó chìm khuất? Thuở mạnh bạo trẻ trung rồi trung niên, người ấy đã quên bẵng đi chuyện cái túi. Cái túi chứa những ngọc ngà châu báu . Cái túi của nhiều gia tài. Thế mà buổi xế chiều hoàng hôn, cái túi thốt trở nên rành rẽ trở nên băn khoăn lẫn đau đáu? 

Chi tiết thứ hai mà ông hanh thi thoảng nhắc đến chỉ sợ khách quên. Ấy là khi ông Hanh, nói mà như nhắc rằngkhông biết cái túi của cụ nhà tôi mà đội cải cách tịch thu ngày ấy có mang sung vào công quỹ hay là mang đi làm của riêng?
_____________

Kỳ III.
Tìm mộ bà Nguyễn Thị Năm
Ông bà Nguyễn Hanh
Còn Nguyễn Cát, người con trai thứ thời điểm bà Năm bị thụ hình, đang ở đâu? 

Cũng như ông anh, ông cát khi đó đang được học tập chỉnh huấn chỉnh cán bên Trung Quốc có điều không cùng nơi. Cũng phải, ông em hình như có chí tiến hơn người anh. Năm  1953 ấy đã là Trung đoàn trưởng của sư 308.

Hoàng Công là tên hồi Nguyễn Cát hoạt động bí mật. 

Trong tay tôi có nhiều bản chứng của nhiều cán bộ cao cấp. Trong đó có ông Đào An Thái, nguyên Cục trưởng Cục Lưu trữ. Ông Hoàng Thế Thiện, nguyên Bí thư Đảng ủy chuyên gia giúp bạn K trực thuộc Trung ương. Ông Nhi Quý nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên. 

Xin biên ra ra một đoạn. 

Anh Nguyễn Cát (tức Công) đã được chúng tôi tổ chức vào một trong những nhóm Thanh niên cứu quốc hoạt động bí mật ở thị xã Thái Nguyên trước Tổng khởi nghĩa. 

Tháng 5 năm 145 anh Cát đưa lên chiến khu 20 ngàn bạc Đông Dương ( thời giá khi đó tương đương 700 lạng vàng) tiền của gia đình anh ủng hộ đoàn thể. Tôi đã nhận tiền và giao lại cho Ban cán sự Võ Nhai. 

Anh Cát thường xuyên cung cấp cho chiến khu thuốc chữa bệnh máy đánh chữ, giấy mực, và nhiều thứ khác khi chiến khu yêu cầu. Anh cát tích cực thực hiện những chỉ thị của Ban cán sự. Sau CM anh Cát được giao công tác ở Ty Tuyên truyền tỉnh. Sau đó được rèn luyện thử thách trong bộ đội. Tham gia nhiều trận đánh và đã bị thương. Qua nhiều gian khó thử thách vẫn trung thành tận tụy với cách mạng. 

Cũng như ông anh, từ Trung Quốc, Trung đoàn trưởng Nguyễn Cát bị dẫn ngay về nước và vào thẳng trại một trại cải tạo Thái Nguyên. 

Mãi cuối năm 1956, ông mới được tha. Sau sửa sai, ông được chuyển ngành sang Ty Thương nghiệp rồi sau đó gia đình ông về Hà Nội. 

Trong thời gian Nguyễn Cát bị giam, vợ ông Cát, bà Đỗ Ngọc Diệp vốn là cán bộ bí mật hoạt động từ năm 1944 khi ấy may mà đang hoạt động trong vòng địch hậu Bắc Ninh nên vô tình bà thoát không bị bắt và đấu tố. Nhưng không thoát được sự động viên của tổ chức rằng cô còn trẻ đang có tương lai nên cắt đứt với con cái địa chủ cường hào ác bá. 

Cán bộ địch hậu Đỗ Ngọc Diệp không chịu. Lần hồi cũng đến thời điểm sửa sai. Hai vợ chồng lại đoàn tụ. Họ cưới nhau năm 1952. Mãi năm 1958 mới sinh con gái đầu lòng. mẹ Ngọc Diệp con là Kim Chi. Cành vàng lá ngọc. 

Năm 1989, ông Nguyễn Cát đương khỏe mạnh ở tuổi 64 đi xe máy, bất đồ bị một thằng vô lại quành xe trước mũi xe ông Cát. Ông bị ngã đập đầu xuống và qua đời luôn tại bệnh viện. 

Trước đó, ông Cát cùng vợ, gia đình ông anh đã lao tâm khổ tứ trong việc tìm mộ bà Năm. 

Thời gian cùng thiên nhiên nhiệt đới như cũng hợp sức với sự vô tình vô tâm của con người trong việc làm nên sự quên lãng? Những bấn bíu nhọc nhằn trong sinh kế cùng bao thứ vụn vặt lo toan nhoáng cái đã nhiều năm qua đi. Cả nhà ông Hanh ông Cát lần ấy lên Đồng Bẩm thăm mộ mẹ đã hoảng hốt nhận ra khu vực ngày trước nơi chôn cất bà Nam địa hình địa vật đã thay đổi không còn nhận ra. Cây cối mọc đầy um tùm... 

 Không bó tay, ông Cát cùng người nhà ra sức cày nát đám đất hoang nhưng vẫn không thấy dấu hiệu gì. 

Không nản, lần khác họ lại lên Đồng Bẩm. Tha thẩn dọc khu vực rìa sân bay Đồng Bẩm ( trước CM Pháp cho xây dựng một sân bay dã chiến bị bỏ hoang nhiều năm) nơi được xác định chôn cất bà Năm. Lần này lòng tin của đám người tìm mộ dường như được củng cố thêm vì có một ông tự vệ hồi 1953 đã tham gia chôn cất bà Năm trong đêm. Nhưng lại nhiều lần đào xới mà vẫn không có kết quả. 

Gần đó có một đơn vị bộ đội đóng quân. Thấy người nhà ông Hanh xuất hiện ở đây mấy lần, một chú bộ đội chuyện nhỏ với các bà các cô rằng, nếu đi tìm mộ thì chắc cũng quanh đây thôi. Ngày trước đơn vị của chú đã dựng ở khu vực này một căn nhà ở. Nhưng kỳ lạ là tiểu đội nào đến ở một thời gian cũng tìm cách thoái thác. Họ viện cớ khó ngủ cứ sờ sợ thế nào? Có người còn quả quyết đương đêm giường cứ như bị dựng dậy?! 

Rồi căn nhà dựng tranh tre nứa lá ấy cũng được tháo ra, dựng ở một nơi khác! Sự lạ ấy đã không xảy ra nữa. 

Nghe vậy thì biết vậy, trên nền nhà cũ nhìn vầng khói hương vút thẳng, ông Hanh thầm khấn nếu mẹ có linh thiêng xin chỉ chỗ cho chúng con. Nhược bằng chúng con xin lấy một nắm đất ở khu Đồng Bẩm này đem về quê bố dựng tạm một ngôi mộ vậy... 

Chiều người anh. Nhưng vợ chồng ông Cát vẫn quyết tìm mộ mẹ. Ông bà đã đến tìm gặp một số nhà ngoại cảm. 

Một điều ngạc nhiên đã xảy ra. Khi ông bà dứt khoát khẳng định với một số nhà ngoại cảm được coi là nổi tiếng khi ấy rằng đặc điểm dễ nhận ra là bà Năm có đeo một chiếc vòng cẩm thạch và một cái răng bịt vàng thì họ đều từ chối là không thể tìm được?! 

Chắc họ ngại nhỡ đào lên mà không tìm thấy hai thứ ấy thì... 

Nghiên cứu sơ đồ của một nhà ngoại cảm L.  vẽ, ông Cát thấy rất đúng cứ như nhà ngoại cảm ấy đang đứng ở chính ở khu vực này mà họa lại. Nhưng tìm vẫn không thấy? 

Rồi đột ngột tai nạn thương tâm với ông Cát diễn ra. 

Một thời gian sau nguôi ngoai, bà Diệp lại cùng gia đình người anh chồng tiếp tục việc tìm mộ. 

Lần này nhà ngoại cảm ở một thành phố phía Nam có một sơ đồ trùng khít với nhà ngoại cảm L. dạo nọ. Còn nói thêm nên tiếp tục cộng tác với ông L. 

Thêm một chi tiết nữa, trong khu vực ấy nên để ý đến một loại cây lá nhỏ nhất... 

Mùa đông năm 1990, bà Diệp các con và gia đình ông Hanh lại lên Đồng Bẩm theo hướng dẫn bằng điện thoại của nhà ngoại cảm. 

Quan sát thật kỹ, tốp người tìm mộ thấy thứ cây lá nhỏ cả khu vực này chỉ có một cây phượng?  

Lại nữa, vị trí cây phượng lại rất gần cái nhà ở của đơn vị bộ đội đã tháo dỡ. 

Đêm xuống, những lát cuốc xẻng lại cần mẫn hối hả trong ánh sáng điện câu nhờ được dong từ xa... 

Thời gian đã âm thầm bồi lắng lên lớp đất cũ nhiều lớp đất màu. Hết lớp đất mượn ấy, bất đồ một cậu giúp việc đang đào chân bỗng như hút xuống. Câu kêu lên thảng thốt Cụ ơi cụ đừng rút chân cháu ... 

Một cảnh tượng cảm động lộ dần trong âm thanh thút thít nức nở của con cháu bà Năm.... 

Từng ấy năm rồi còn gì. Không còn ván chỉ còn lại mấy cái đinh đóng quan tài. 

Xương cốt hao đi nhiều quá. May mà hoa cái ( đầu) vẫn còn. Và chiếc vòng ngọc thạch vẫn còn kia. Sau gần nửa thế kỷ chôn vùi vẫn ánh lên lấp lánh. 

Bà Cúc vợ ông Hanh cho hay sở dĩ chiếc vòng ấy còn vì bà Năm đeo từ hồi trẻ nó thít chặt vào cườm tay. Khi đấu tố có người đã cố rút ra nhưng không được! 

Cả chiếc răng bịt vàng. 

Và ngạc nhiên có cả hai đầu đạn! 

Sau thủ tục lễ tạ và cảm ơn chính quyền địa phương cùng mấy nhà quanh đó, chiếc xe chở bà Cát Hanh Long quay về Hà Nội khi trời chưa sáng tỏ. 

Cụ bà được nằm bên cạnh mộ cụ ông ở quê chồng là làng Đại Kim Thanh Trì. Sau hơn nửa thế kỷ, hai người mới được gần nhau sau bao nhiêu tao loạn. 

Tôi theo người cháu gái bà Năm tiếp thêm tuần hương. Ngước lên làn khói hương trên bàn thờ Người Mẹ chiến sĩ Vệ Quốc Đoàn Ân nhân của Cách mạng, ánh mắt bà Năm vẫn ánh lên cái nhìn ấm áp bao dung... 

Không biết anh linh của bà phù hộ hay chỉ thị của ông Trường Chinh Lê Đức Thọ linh mà sau 6 năm, năm 1998 ông Nguyễn Hanh và ông Nguyễn Cát hai con trai của bà Năm đã được công nhận là cán bộ  hoạt đông lâu năm, cán bộ tiền khởi nghĩa. Còn người  con dâu Đỗ Thị Diệp, sớm hơn năm 1980 đã được xác nhận danh hiệu cán bộ hoạt động lâu năm. 

Riêng Cụ Nguyễn Thị Năm Cát Hanh Long thì vẫn... đợi ? 

Trên cao xanh kia, cụ bà đã mỉm cười nơi chín suối được chưa khi mới có động thái duy nhất của chính thể là hạ thành phần cho cụ từ tư sản địa chủ cường hào gian ác xuống tư sản địa chủ kháng chiến

Chính vì thế hằng bao năm nay, ông Nguyễn Hanh cùng bà Diệp vẫn đứng đơn đề nghị các cá nhân và cơ quan có trách nhiệm thực hiện cho trọn vẹn Nghị định số 28/CP của Chính phủ ban hành ngày 29-4-1995. Đó là một nghị định nhân văn như tên gọi của nó 

Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng 

Mà vận dụng cụ thể vào trường hợp cụ cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm theo đề nghị của gia đình ông Hanh nhiều năm nay là nên xét thưởng Huân chương kháng chiến chống Pháp và truy tặng danh hiệu Liệt sĩ! 

Người con trai còn lại duy nhất của bà Nguyễn Thị Năm Cát Hanh Long năm nay tròn 90 có lẽ vẫn tiếp tục đợi? 

Sắp Tiết Thanh minh năm Ngọ 
X.B

Nguồn: Quê Choa.

Sunday, 23 March 2014

BỒN TẮM & BỒN HOA (An Chi - Năng Lượng Mới số 306 ,21-3-2014).


BỒN TẮM & BỒN HOA (Năng Lượng Mới số 306 ,21-3-2014).

March 21, 2014 at 3:40am
Bạn đọc : Tại sao khi sản phụ sinh nở thì tiếng Hán gọi là “lâm bồn”? Chữ “bồn” này và “bồn” trong “bồn địa”, “bồn hoa” có phải là một không?  Xin cám ơn ông.
Huỳnh Văn Gấm, Thị Nghẻ, TPHCM.
        An Chi : Một cách giảng mang dáng dấp hiện đại (như của baike.soso.com) có giảng rằng khi sản phụ sinh thì đáy xương chậu giãn nở cho thai nhi dễ sổ ra. Xương chậu, tiếng Hán là “cốt bồn” [骨盆] (chậu [cấu tạo bằng] xương); vì vậy nên gọi sinh nở là “lâm bồn” [臨盆]. Lối giảng “tân thời” này không cần đếm xỉa đến tâm thức của dân Tàu. “Lâm bồn”, hiểu một cách bình dân theo đúng truyền thống là “rơi vào hoàn cảnh phải nằm gần cái chậu để rặn đẻ”. Số là, thường thì người nhà của sản phụ phải pha sẵn một chậu nước ấm đặt kế bên để khi thai nhi lọt lòng thì tắm cho nó. Vì thế cho nên đây là “dục bồn [浴盆] (chậu để tắm) chứ không phải “cốt bồn” [骨盆] (xương chậu) theo cách giảng mô-đéc.
Vậy trong “lâm bồn” thì “bồn” có nghĩa gốc là “chậu” và đây cũng chính là chữ “bồn” trong “bồn địa” [盆地], dùng theo ẩn dụ, mà Sổ tay thuật ngữ địa lý của Nguyễn Dược – Trung Hải (Nxb Giáo dục, tái bản lần thứ năm, 2003) giảng là: “Địa hình trũng, thấp, dạng chậu hoặc lòng chảo, hình thành do kết quả của nhiều quá trình địa chất như: sự sụt lún của một bộ phận vỏ Trái Đất, sự bào mòn của băng hà, v.v.. Bồn địa thấp nhất trên bề mặt Trái Đất là bồn địa Tuôcphan, nằm ở phía đông dãy Thiên Sơn thuộc đất Tân Cương, Trung Quốc (154m dưới mực nước biển). Có những bồn địa bị ngập nước, tạo thành các hồ như: hồ Caxpi, hồ Aran, v.v.. Bồn địa còn gọi là vùng trũng.”
Trên đây là thuật ngữ; còn hiểu một cách đơn giản theo cấu tạo từ thì “bồn địa” là “vùng đất trũng xuống như cái chậu”. Vậy “bồn” trong “bồn địa” có phải là một với “bồn” trong “bồn hoa” hay không? Xin thưa rằng không. “Bồn” trong “bồn địa” là “bồn lõm”, còn “bồn” trong “bồn hoa” thì lại là “bồn lồi”. Ta hãy xét kỹ vấn đề qua lời giảng trong một số từ điển.
Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của ghi: “Bồn. Chậu (…) Bồn trồng cây: Chậu riêng để mà trồng cây; chậu kiểng. Xây bồn: Xây đắp chỗ trồng cây (…)”.
Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức ghi: “Bồn 盆. Cái chậu: Bồn cây (chậu giồng cây), Bồn nước (chậu đựng nước).”
Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967) có hai muc. “Bồn. Chậu to đựng nước, để trồng cây hoặc đảo sợi.” Và “Bồn hoa,- 1. Khoảng đất ở sân đắp cao lên để trồng hoa, cây cảnh. 2. Chậu trồng hoa.”
Việt Nam tự điển ) của Lê Văn Đức ghi nhận hai chữ “bồn” khác nhau (Xin gọi chữ trước trong từ điển là “bồn1”, chữ sau là “bồn2”). “Bồn1” được giảng là: “Ụ đất cao ở giữa sân hoặc giữa mối đường rộng có trồng kiểng hay không, để làm nơi tránh xe: Cúc mai trồng lộn một bồn, Hai đứa mình chồng vợ, ai đồn mặc ai.”, vói các mục phụ: “bồn binh”, “bồn kèn”, “bồn kiểng”. Còn “bồn2” được giảng là: “Ảng, đồ đựng hình tròn, hột xoài hay đa-giác”, với các mục phụ: “bồn cá”, “bồn tắm”, “bồn nước”.
Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên (Nxb Đà Nẵng – Vietlex, 2007) ghi: “Bồn. 1. Đồ dùng chứa nước để tắm rửa hoặc trồng cây cảnh, v.v., thường đặt ở những vị trí nhất định: bồn tắm – bồn rửa bát – một bồn hoa. 2. Khoảng đất đánh thành vồng và thường có xây bờ bao thấp xung quanh để trồng cây, trồng hoa: bồn hoa.”
Trong năm quyển từ điển trên đây, theo chúng tôi, chỉ có Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức là rành mạch và đầy đủ hơn cả, đặc biệt là đã phân biệt “bồn1”, bồn lồi, với “bồn2” là bồn lõm. Ở đây, không thể có chuyện “bồn lồi” chuyển nghĩa thành “bồn lõm” hoặc ngược lại. Đây là hai từ “bồn” có từ nguyên khác nhau. “Bồn2”, như đã thấy, là một từ Hán Việt, mà chữ Hán là [盆]. Nhưng “bồn1” cũng là Hán Việt không kém. Có điều, nó thuộc loại được Vương Lực gọi là cổ Hán Việt, mà nguyên từ được ghi bằng chữ [墳], âm Hán Việt là “phần”, có nghĩa thường biết là “mộ, mả”, như trong “phần mộ”. Nhưng chữ này còn có một nghĩa rộng hơn là “gò”, là “mô đất”. Đây cũng chính là nghĩa gốc của “bồn1”. Ở đây, ta có tương quan ngữ âm PH ~ B, giữa “phần” và “bồn”. TrênNăng lượng mới số 298 (21-2-2014), cũng tại chuyên mục này, chúng tôi đã viết: “Mối quan hệ giữa hai phụ âm đầu PH- ~ B- (giữa “phấn” và “bón”) đã được Vương Lực chỉ ra tại mục “Cổ trọng thần âm” trong thiên “Hán Việt ngữ nghiên cứu” (1948), in trong Hán ngữ sử luận văn tập (Khoa học xuất bản xã, 1958, tr.290-406).” Chúng tôi đã đưa ra nhiều dẫn chứng và với những dẫn chứng đó, ta sẽ thấy hiện tượng “bồn1” bắt nguồn từ “phần” là chuyện thực sự bình thường. Huống chi chữ “phần” [墳] lại được hài thanh bằng chữ [贲] – vì font chữ [của chúng tôi] không có chữ phồn thể hữu quan nên chúng tôi phải dùng chữ giản thể này –, có âm Hán Việt quen thuộc là “bôn” (cũng còn có âm “bí”, phần”). Mà từ “bôn” đến “bồn” thì chỉ có một bước nhỏ.