Gần
năm mươi năm sau phát súng trên cao
nguyên (22-02-1957), Hà Minh Trí mới được phong anh hùng lực lượng vũ trang
nhân dân (năm 2005). So với anh Lê Đình Chinh bị côn đồ Trung Quốc đánh chết vừa
năm ngày đã lên ngay anh hùng, anh Phạm Xuân Ẩn được phong anh hùng sau ngày
hòa bình chưa đến một năm (1976), Hà Minh Trí với những thành tích đặc biệt
trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước như ta biết qua báo chí dăm năm gần đây,
quả thật đã chịu rất nhiều thiệt thòi.
Hồ sơ của ông Phạm Ngọc Thảo bị ngâm đến năm 1987 với lý do là để bảo vệ vợ con của Thảo ở Mỹ.
Hồ sơ của ông Phạm Ngọc Thảo bị ngâm đến năm 1987 với lý do là để bảo vệ vợ con của Thảo ở Mỹ.
Còn ông Mười Hương
thì vừa nói đến Phạm Ngọc Thảo đã khóc như một đứa trẻ. Lần đầu gặp ông, khi
chúng tôi hỏi vì sao Phạm Ngọc Thảo được công nhận liệt sĩ và phong anh hùng chậm
như vậy, ông nức nở: “Phong anh hùng 10 lần cho Phạm Ngọc Thảo cũng xứng đáng,
nhưng chưa thể được, vì vợ con Thảo đang ở Mỹ. Khi chiếu phim Ván
bài lật ngửa, tôi gọi cho ông Trần Độ (lúc ấy
làm Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ T.Ư - TN) bảo hãy cấm cái phim đó đi, đừng làm
hại vợ con Phạm Ngọc Thảo”.
Hồ
sơ của Hà Minh Trí cần phải che giấu điều gì cho ai mà bị ngâm gần nửa thế kỷ?
Tổng
thống, đại tướng, đại tá, bí thư... gì cũng khuất núi lâu rồi. Tất cả những người
có vinh dự được ông nhắc tên (có lẽ trừ Phan Trung Chánh) đều không thể lên tiếng
xác nhận lời ông nói, việc ông làm. Cả những việc rất tào lao của người khác (như
mật lệnh giao cho đại úy Huỳnh Minh Đường đánh bom tàu HQ-401) cũng không có
cách nào kiểm chứng. Có thật Nguyễn Chữ đã chào ông là đồng chí cộng sản núp bóng Cao Đài không? Nguyễn Chữ đã bị biệt động
tiêu diệt từ lâu rồi (năm 1966), nghe ông nói là theo đề xuất của ông.
Vẫn
theo lời ông thì còn nhiều người khác gán cho ông tội làm cộng sản:
Vui miệng, Phan
Trung Chánh kể: “Sở dĩ sau khi Diệm – Nhu đã bị giết mà anh vẫn còn bị giam, là
do tụi Cần Lao Nhân Vị của Ngô Đình Nhu còn lại trong bộ máy cảnh sát, chung ém
hồ sơ của anh lại, tuyên truyền anh là cộng sản và tính chuyện thủ tiêu anh”.
Như
vậy sao có thể nhận định rằng ông đã thành công trong việc lừa địch?
Báo
chí khen rằng loạt đạn thứ hai của Hà
Minh Trí (những lời khai của ông sau khi bị bắt) làm điên đảo chính trường Sài Gòn, thay đổi lịch sử... Trên thực tế tác
dụng của loạt đạn đó chậm đến mức khó hiểu.
Mai
Hữu Xuân, với tư cách là người chỉ huy nha an ninh quân đội, để cho phát súng trên cao nguyên nổ ra là đủ mất
đầu rồi, không cần phải đợi ai trưng ra bằng chứng cho thấy ông ta tổ chức
hay dính líu với những người tổ chức vụ mưu sát. Đổ tội cho Mai Hữu Xuân là thừa.
Thế nhưng đến đầu năm 1958, tức là gần một năm sau đó, Mai Hữu Xuân mới phải
giao nha an ninh quân đội cho Đỗ Mậu. Ngay khi nghe Hà Minh Trí khai, Ngô Đình
Nhu đã tái mặt rồi, nhưng phải cả năm
sau mới cách chức Mai Hữu Xuân, phản ứng chậm chạp đến mức ngớ ngẩn.
Luật sư Nguyễn
Hữu Châu, nhờ vợ là Trần Lệ Chi mật báo nguy hiểm, đã rời bỏ chức vụ
Bộ trưởng trốn sang Campuchia, rồi qua Pháp. Vì sao bộ trưởng phủ tổng thống Nguyễn Hữu Châu vẫn
yên tâm công tác cả năm trời sau phát súng trên cao nguyên rồi mới gặp nguy hiểm?
Tài liệu dưới đây hơi dài nhưng nói có sách, mách có chứng, cho thấy Nguyễn Hữu
Châu không trúng miểng đạn nào của Hà Minh Trí:
Nguyễn Hữu Châu
(1920-)
Sinh ngày
5/8/1920. 1942: Luật sư. Lấy con gái Trần Văn Chương, Lệ Chi (chị của Lệ Xuân).
6/3/1956: Ðắc cử dân biểu quận I Sài Gòn. 5/1957: Bộ trưởng Phủ Tổng Thống, Bộ
trưởng Nội Vụ; tháp tùng Diệm qua Mỹ.
12/1957: Trần Thị Lệ Xuân đề
xướng Luật Gia Ðình (1/59), mà có người cho là chỉ có mục
đích ngăn cản cuộc ly dị của chị gái Xuân, Trần Thị Lệ Chi, ngoại tình với một
người Pháp [Etienne Oggeri] nhưng vẫn ham muốn gia tài của nhà chồng, tức Luật
sư Nguyễn Hữu Châu.
25/2/1958:
Nguyễn Hữu Châu gặp Ðại sứ Durbrow, cho biết chiều đó đã
xin Diệm cho từ chức Bộ trưởng Nội vụ. Diệm cử Lâm Lễ Trinh lên thay. Lý do từ
chức của Châu:
-
Cá nhân: Ly dị vợ và rắc rối về Luật Gia Ðình.
-
Diệm đang mất dần sự ủng hộ của dân chúng (FRUS, 1958-1960,
I:15-16).
29/3/1958:
Nguyễn Hữu Châu chính thức xin từ chức. Theo XLTV Ðại sứ Mỹ, Howard
Elting, có 3 lý do khiến Châu từ chức: âm mưu trả thù việc Châu quyết định xin
ly dị Lệ Chi (đang ngoại tình); âm mưu trả thù của Ðảng Cần Lao; và, phản đối một
chế độ ngày thêm độc tài. (FRUS, 1958-1960, I:30) Sau đó, vượt biên qua Miên, rồi
lưu vong tại Pháp.
22/12/1958:
Châu gặp nhân viên sứ quán Mỹ tại Paris lần thứ hai.
Khẳng định
không hề là “vòng bên trong” của gia đình họ Ngô. Anh em họ
Ngô là những người được chim bẻ ná. [once you’ve shot the bird,
there no more need for the slingshot]. Từ giữa năm 1957, bắt đầu bị thất sủng.
Từ tháng 7/1957, sau khi Châu muốn ly dị vợ, trở thành mục tiêu hạ nhục của Ðảng
Cần Lao. Từ đầu năm 1958, mất hết quyền lực, chỉ còn là một công chức. Nguyễn
Công Viên, hiện là Ðại sứ tại Ðài Bắc, bị mất chức vì chống lại việc cấp giấy
phép khai thác lâm sản dài theo lộ 20, đụng chạm với tay chân Ngô Ðình Thục.
Năm 1956, Hoàng Hưng, cho Châu xem văn khế mua một ngôi villa gần Sở Thú mà
PTCMQG tặng cho Ngô Ðình Diệm. giá 6 triệu MK. Theo đề nghị của Châu, villa này
sau đứng tên Ngô Ðình Thục. Ðể che dấu sự thực, Châu dàn xếp cho một người mang
tiền từ Huế vào trả cho chủ villa người Pháp. [115] PTCMQG cũng mua tặng vợ chồng
Nhu một villa trên đường Miche. Việc tu sửa nghĩa trang gia đình và dinh thự ở
Huế cũng nhờ những quà tặng kiểu này. Không biết Nguyễn Văn Bửu. Theo Châu, Diệm
cho phép thuộc hạ làm những điều trái đạo đức. Các đảng viên Cần Lao phải làm lễ
tuyên hứa trung thành với Diệm và Nhu. Ðảng viên hành xử như do thám tại các
tòa Ðại sứ, như Trung tá Trần Văn Tung ở Pháp, hay một viên chức trẻ ở
Oat-shinh-tân. Tại Sài Gòn, những người có nhiệm vụ tiếp xúc với Mỹ bị bí mật
theo dõi. Vì thế Châu không bao giờ dám mời Tướng Williams đến nhà. Cẩn và Nhu
là những người dám móc nối CS để duy trì quyền lực. Châu không hiểu tại sao Mỹ
tiếp tục đổ viện trợ vào một xứ đã sử dụng viện trợ một cách bê bối như Nam Việt
Nam. (FRUS, 1958-1960, I:114-117).
Những
dòng trên đây chưa hẳn đã đúng sự thật, nhưng người viết dẫu sao cũng cố tạo ra
một dáng dấp khả tín với những sự kiện có ngày tháng, tên tuổi, địa chỉ văn khố
để người đọc có thể kiểm tra. Cách làm này rất khác với kiểu khai thành tích của
Hà Minh Trí.
Loạt
đạn thứ hai của Hà Minh Trí còn bay chậm hơn, thậm chí bắn ngược dòng thời gian
trong trường hợp Dương Văn Minh. Ông Minh đã giữ chức tổng thư ký thường trực bộ
quốc phòng từ năm 1956 (trước khi Hà Minh Trí bắn loạt đạn thứ nhất) đến năm
1958 (giao lại cho Dương Văn Đức), không cần đợi loạt đạn thứ hai của Trí bắn
ông văng sang chức vụ đó. Trước phát súng trên cao nguyên của Hà Minh trí chưa
đầy một tháng, Dương Văn Minh lại được thăng trung tướng. Tại sao Cao Đài phải
bắt tay với Dương Văn Minh để mưu sát người vừa gắn thêm sao cho Dương Văn
Minh? Sau phát súng trên cao nguyên tướng Minh còn được giao bộ tư lệnh hành
quân (tháng 7 năm 1957). Đến tháng 12 năm 1962 bộ tư lệnh này bị giải thể, tướng
Minh lãnh chức cố vấn quân sự phủ Tổng thống. Đây mới là chức vụ ngồi chơi xơi
nước. Hóa ra loạt đạn thứ hai của Hà Minh Trí lại tranh công với cục địch vận của
ta:
Dương Văn Minh được
ta vận động từ năm 1962, ngoài binh vận, các cánh tình báo và trí vận Sài Gòn
cũng có người quan hệ. Cục Địch vận - Tổng cục Chính trị đào tạo người em ruột
của Dương Văn Minh là ông Dương Thanh Nhựt (Mười Ty).
Ông Nhựt được Thường
vụ Trung ương Cục, trực tiếp là Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh và Thường
vụ Trung ương Cục Trần Nam Trung (bí danh Hai Hậu, Năm Nga) chỉ đạo tiếp cận
Dương Văn Minh nhiều lần ở Sài Gòn và ở nước ngoài.
Sau
khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, chẳng ai buồn lôi Hà Minh Trí ra hỏi lại một câu về
loạt đạn thứ hai. Thế là thế nào? Vì
đó chẳng qua chỉ là một loạt đạn vu vơ. Cả những người ra lệnh cho ông bắn thêm
loạt đạn đó cũng thừa biết nó vu vơ, ngây ngô, ngớ ngẩn. Lẽ ra nó không ngớ ngẩn
đến thế nếu Hà Minh Trí làm đúng lời dặn của Mai Chí Thọ, tạm cho là lời dặn
này có thật, là chỉ đổ tội cho một mình Mai Hữu Xuân. Nhưng ông lại khai tuốt
luốt nhiều cái tên khác thành ra ai cũng lạ về chuyện một sát thủ 22 tuổi, gần
như thất học lại biết nhiều đến thế. Đợi đến nửa thế kỷ sau, bằng cách tráo đầu
lộn đuôi các ngày tháng, sự kiện, nhân vật... các tướng lĩnh công an của ta như
Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm, Trần Quốc
Hương bỗng tạo ra sức công phá mãnh liệt cho loạt đạn thứ hai. Lúc đó đương nhiên phải phong anh hùng cho Hà
Minh Trí.
Không
có những thành tích vẽ vời cho loạt đạn
thứ hai, hành động của Hà Minh Trí có giá trị gì không? Vẫn có.
Phiên
bản chính thức hiện nay của huyền thoại Hà Minh Trí kể rằng ông nhận lệnh trực
tiếp từ Mai Chí Thọ. Trên nữa là ai chúng ta chưa được biết / biết được mặc dù ta
có thể thả trí tưởng tượng bay bổng đến tận xứ ủy Nam Bộ hay xa hơn nữa. Việc để
Mai Chí Thọ đứng ra nhận trách nhiệm (dù hơi muộn màng) vừa để phủ nhận sạch
trơn sự can dự của các thành phần khác (Cao Đài chẳng hạn) vào phát súng trên cao nguyên, vừa khéo léo
nâng cao uy tín của ông Mai Chí Thọ (và những người ủng hộ ông), đã lách được lệnh
cấm của trung ương, không vi phạm kỷ luật của đảng mà vẫn đấu súng được với kẻ
địch. Nếu cộng sản (chưa biết là tỉnh ủy Tây Ninh hay xứ ủy Nam Bộ) có dính líu
(ít nhiều khoan bàn) vào vụ mưu sát, chỉ thị bắn loạt đạn thứ hai là cần thiết
và tác dụng của loạt đạn đó hoàn toàn không phải là ly gián nội bộ địch mà chỉ là bảo vệ tổ chức của ta và quan trọng
hơn nữa là bảo vệ cấp trên của ta khỏi bị cấp trên nữa thi hành kỷ luật.
Nhưng
muốn quy công hoàn toàn cho tổ chức của ta không phải là dễ. Ta tạm tin ông Hà
Minh Trí là người rất can đảm, chịu đựng tra tấn, giữ an toàn cho cơ sở, nhưng ta
không thể hiểu tại sao một người can đảm như vậy lại khai ra Mai Hữu Xuân,
Dương Văn Minh và một lô một lốc các cớm kẹ khác trong khi không đưa ra bằng chứng
nào về việc họ giao súng đạn cho ông, dẫn ông vào hội chợ. Chúng ta ngày nay và
kẻ địch khi xưa không biết ai đưa ông vào hội chợ với một khẩu tiểu liên, mấy
chục viên đạn nặng hơn 4kg và bằng cách nào.
Ông nói mình chun lỗ chó:
Ông nói mình chun lỗ chó:
Anh đi lòng vòng
xung quanh tường rào hội chợ thì phát
hiện một cái lỗ vừa đủ một người chui lọt nằm ngay sát trụ sở của trung đoàn 60
nên cảnh sát chủ quan không canh gác, cái lỗ này là chỗ bí mật của bọn trẻ con
bán cà rem thường chui. Trí chui theo những
đứa trẻ bán cà rem kia vào tới nơi thì cũng là lúc đoàn xe tháp tùng Ngô Tổng
thống vào tới cổng.
Chuyện
anh Trí kể hoàn toàn có thể xảy ra nhưng hình ảnh một thương gia ăn mặc bảnh bao
chui lỗ chó theo bọn trẻ bán cà rem mà không gây chút nghi ngờ gì cho ai thì lực
lượng bảo vệ của địch quả là rất kém. Có điều nếu ngày hôm đó Trời Phật không phù
hộ Hà Minh Trí tìm ra cái lỗ đó thì tráng sĩ Kinh Kha ra về tay không à? Để cho kế hoạch có chút khả năng tối thiểu, ông phải tìm cho ra một cái lỗ như vậy, thậm chí là hai, ba cái
trong quá trình chuẩn bị mục tiêu, như ta có thể đọc được ở một lần kể chuyện khác:
Quá trình điều tra,
nắm tình hình, ông phát hiện khu vực hàng rào hội chợ giáp với Trung đoàn 60 có
2 lỗ hở có thể chui vào được.
Ai
đã trổ sẵn (những) cái lỗ đó? Hay (những) cái lỗ đó chỉ tình cờ được phát hiện năm mươi năm sau để khỏi phải
trả công cho (những) người đã đưa sát thủ và súng đạn vào tận nơi, đứng ngay
trước mặt tổng thống, đàng hoàng ngắm bắn? Hai
trung sĩ trung đoàn 60 từng quen biết với ông hồi ở lính Cao Đài đâu rồi? Họ
tên gì?
Có
chỗ thì Hà Minh Trí (tức Đinh Dũng) kể:
Một thuận lợi là
Trung đoàn 60 bảo vệ Diệm vòng ngoài trong đó có rất nhiều lính Cao Đài sáp nhập
vào. Chính nhờ những cơ sở này mà Đinh Dũng đã mang được súng vào tận vòng
trong.
Chỗ
khác lại kể:
Nhờ một người quen
từng là lính Cao Đài tham gia Trung đoàn 60 bảo vệ hội chợ, Đinh Dũng đã nắm
khá đầy đủ các chi tiết liên quan tới hội chợ, kể cả kế hoạch bảo vệ Ngô Đình
Diệm và các quan chức trong lễ khai mạc. Cũng nhờ người quen này, Đinh Dũng đã
mang được súng vào tận sân lễ, mặc dù ban tổ chức chỉ cho phép các quan chức,
chính quyền sở tại cùng một ít thương gia tham dự lễ khai mạc, sau đó hội chợ mới
chính thức mở cửa cho dân vào tham quan.
Đoạn
này lại càng khác biệt rõ rệt với chuyện cái lỗ và bọn trẻ bán cà rem:
Người quen là lính
Trung đoàn 60 bảo vệ hội chợ đã đón Hà Minh Trí tại cổng hội chợ và người
thương gia Tây Ninh đã không mấy khó khăn qua được vòng bảo vệ bên ngoài, rồi
vòng bảo vệ bên trong, có mặt tại sân lễ bên cạnh những quan chức, giới thương
gia và dày đặc lực lượng quân cảnh bảo vệ.
Chuyện
cái lỗ và bọn trẻ bán cà rem lại mâu thuẫn với việc cấp trên không cho ông dùng
lựu đạn:
Khi lập kế hoạch,
ông đã đề xuất sử dụng lựu đạn nhưng cấp trên kiên quyết không đồng ý vì sợ sát
thương người dân vô tội, mặc dù, ông khẳng định rằng, khi khai mạc hội chợ, người
dân chưa được phép vào sân lễ mà chỉ có lực lượng cán bộ của chính quyền Diệm.
Rất lâu sau này, ông Mười Thương mới hiểu lý do cấp trên không cho sử dụng lựu
đạn, vì thời điểm ấy, lúc nào bên cạnh Diệm cũng có một sĩ quan tham mưu
Biệt bộ Phủ tổng thống kè sát. Đó là ông Phạm Ngọc Thảo, một tình báo của ta cấy
vào hàng ngũ địch. Nếu sử dụng lựu đạn thì Diệm chết chắc nhưng ông Phạm Ngọc
Thảo cũng sẽ hy sinh.
Câu
chuyện này thật thà, ngây ngô, hoàn toàn bất lợi cho hình ảnh của cách mạng. Mạng
của dân quý hơn hay mạng của ông Thảo quý hơn? Mạng của ông Trí không quý bằng
mạng của ông Thảo ư? Tại sao ta sẵn sàng thí mạng ông Trí mà không chấp nhận được
việc ông Thảo hy sinh? Đổi thêm một mạng nữa để giết được một kẻ thù như ông Diệm
không phải là lãi to sao? Mạng của ông Thảo (và mạng của dân) quý thế, tại sao
mấy năm sau (ngày 26/11/1961) tỉnh ủy Kiến Hòa lại thảy lựu đạn toan giết ông
(có cả dân thường ở đó)?
Vậy
thật ra ai là người đáng được bảo toàn mạng sống trong ngày 22-02-1957 đó? Vợ
con của lính Cao Đài ? Bản thân những người lính Cao Đài có mặt trong buổi lễ
đó không? Trong số quan chức tháp tùng Ngô Đình Diệm, còn ai (không kể Phạm Ngọc
Thảo) ăn ở hai lòng?
Kế hoạch ám sát tưởng
như không hoàn hảo (vì
khả năng tiêu diệt mục tiêu gần như bằng không) quả thật là một kế hoạch không
hoàn hảo chút nào (vì mục tiêu không bị diệt, sát thủ bị bắt, có nguy cơ làm lộ
tổ chức), nói trắng ra là thất bại. Nếu những người cộng sản ở miền Nam có dự phần
trong kế hoạch này, ta gần như có thể chắc chắn rằng họ không nắm được / được nắm
toàn bộ các khâu chủ trương, thiết kế, tổ chức và thi hành kế hoạch. Suốt một
thời gian dài họ chẳng mặn mà gì với ý tưởng nhận trách nhiệm hoàn toàn về vụ ám
sát đó, để cho Cao Đài gánh mọi điều tiếng. Cho đến một ngày:
Nhận định về giá trị
của phát súng và lời khai đó đối với lịch sử của đất nước, năm 1992, tại TP
HCM, Viện Khoa học Lịch sử Bộ Công an và một số tướng lĩnh nguyên lãnh đạo Ban
Địch tình Xứ ủy như đồng chí Mai Chí Thọ, Cao Đăng Chiếm, Trần Quốc Hương, Ngô
Quang Nghĩa, Nguyễn Thành Dương đã tổ chức kết luận: "Viên đạn nóng diệt
Diệm tại Ban Mê Thuột tuy không trúng Diệm nhưng có tác dụng làm phát pháo kích
thích phong trào quần chúng đấu tranh chống Mỹ - Diệm sau một thời gian trầm lắng.
Tác dụng của lời khai đã tạo thành kết quả, dẫn đến nội bộ địch mâu thuẫn kéo
dài tạo cơ hội nổ ra cuộc đảo chính và Diệm - Nhu bị giết chết, đầu não của ngụy
quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam bị khủng hoảng tạo lợi thế cho phong trào cách
mạng, góp phần dẫn đến thắng lợi 1975, thống nhất đất nước"
Sau
đó huyền thoại Mười Thương / Hà Minh Trí được cấp tốcdựng lên cho phù hợp với nhận định
trên. Các nhà khoa học lịch sử công an vội đến nỗi không kịp đọc lại những gì họ
viết.