Monday, 27 October 2014

Lê Mạnh Chiến: Hai quyển tự điển rất có hại cho tiếng Việt (Lê Mạnh Chiến)

|

Lê Mạnh Chiến: Hai quyển tự điển rất có hại cho tiếng Việt

I. Vài lời của tác giả nhân việc đăng bài lên mạng Internet
Bàì viết về hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt mà quý vị độc giả sẽ đọc dưới đây được viết theo lời nhắn nhủ từ một biên tập viên của báo Người Đại biểu Nhân dân (nay là báo Đại biểu Nhân dân). Trước đó, tác giả đã viết bài 170 sai lầm trong một cuốn từ điển và đã gửi cho tạp chí Thế Giới Mới để đăng nhiều kỳ, nhưng chỉ mới đăng được 6 kỳ (từ số 582 ra ngày 26/4/2004 đến số 587 ra ngày 31/5/2004) với 67 ví dụ thì bị dừng lại. Tác giả đã đến Văn phòng đại diện của tạp chí Thế Giới Mới ở Hà Nội để tìm hiểu sự tình và được một biên tập viên ở đó cho biết, đại ý như sau: “Bài này được độc giả hoan nghênh nhiệt liệt vì đã vạch rõ những cái sai nghiêm trọng trong một cuốn từ điển từng được nhiều người “có tiếng” ca ngợi. Tuy nhiên, dẫu chưa nêu rõ ai là tác giả của quyển từ điển có hại kia nhưng nhiều độc giả đã phát hiện ra GS Nguyễn Lân, mà như ông đã biết, GS Nguyễn Lân được coi là một ngôi sao sáng của ngành giáo dục Việt Nam, còn tạp chí Thế Giới Mới là cơ quan thuộc Bộ Giáo dục, cho nên, nếu “vạch áo cho người xem lưng” một cách kỹ quá thì cũng có phần “bất tiện”. Nghe vậy, tác giả rất thông cảm và biết ơn tạp chí Thế Giới Mới.
Giáo sư Nguyễn Lân 1906-2003
Giáo sư Nguyễn Lân 1906-2003
Dường như hiểu được khó khăn của tác giả trong việc công bố một bài mà một biên tập viên đáng kính của báo Đại biểu Nhân dân cho là “rất cần phổ biến rộng rãi”, người này đã nhắn tin qua nhà văn Vương Trí Nhàn và nhắc rằng do chức năng và khuôn khổ của báo Đại biểu Nhân dân, nên chỉ có thể đăng được bài ngắn mà thôi. Thế là tác giả phải gói ghém lại trong khoảng 4000 chữ, với 20 ví dụ về những lầm lỗi của GS Nguyễn Lân. Vì phải đụng chạm với một ngôi sao trong làng từ điển tiếng Việt (được trao tặng Giải thưởng nhà nước năm 2001 về khoa học và công nghệ cho “Cụm công trình về giáo dục học từ điển tiếng Việt”) nên tác giả phải “dè dặt”, bèn đặt tiêu đề là “Những quyển từ điển có rất nhiều sai lầm”. Trong khi đó, tác giả cũng gửi bài gần giống bài này (lấy những ví dụ khác) cho tạp chí Nghiên cứu và Phát triển với tiêu đề Hai quyển từ điển có hại cho tiếng Việt thì được BBT tạp chí này thêm một chữ rất (trở thành Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt) và đăng ngay. Tạp chí Văn hóa Nghệ An số 56 (tháng 01/2005) cũng đăng bài này với tiêu đề ấy. Tác giả rất cảm ơn và thấy đúng là phải đặt tiêu đề như thế. Bởi vậy, ở đây, tác giả xin lấy tiêu đề như tạp chí Nghiên cứu và Phát triển đã sửa chữa giùm.
Cũng xin nói thêm về “số phận” của bài này sau khi được đăng trong hai số báo Người Đại biểu Nhân dân (số 67 và 68, ngày 27 và 29 tháng 4 năm 2005).
Sau khi bài này được đăng trên báo Người Đại biểu Nhân dân chừng hai tháng, nhân khi tác giả đến tòa soạn để nộp một bài khác (hình như là bài Chớ nên bịa đặt cứ liệu lịch sử nói về việc bịa đặt cứ liệu lịch sử trong sách Lịch sử Hà Tĩnh (nói rằng sách Đường thư đã ghi chép việc “Mai Thúc Loan từng làm phu gánh quả vải tươi sang kinh đô Trường An”, mà tất cả các nhà sử học hàng đầu, được gọi là “tứ trụ” của giới sử học đều phạm phải) nên đã hỏi thăm về phản ứng đối với bài Những quyển từ điển… Tác giả được biết rằng tình hình ở đây tuy giống như ở tạp chí Thế Giới Mới (bài báo được hoan nghênh) nhưng có hơi khác một chút xíu. Số là ngay trong ngày 27/4/2005, nghĩa là khi bài báo mới in được một nửa, GS Nguyễn Lân Dũng đã gọi điện thoại đến tòa soạn (vì ông là đại biểu Quốc hội, được phát báo đến tận tay), cực lực phản đối việc đăng bài này, với lý do đại để nói rằng ”GS Nguyễn Lân là một nhân vật nổi tiếng đã “thành danh”, sao dám làm mất uy tín của ông? Ban biên tập đã trả lời đại ý là: “Vì thấy bài này viết rất chặt chẽ, có chứng cứ đầy đủ, rất có trách nhiệm và rất bổ ích nên chúng tôi đăng. Còn nếu đồng chí thấy có gì sai thì cứ viết bài phê phán, chúng tôi sẽ đăng ngay”. Từ đó đến nay đã gần 8 năm trôi qua mà vẫn không thấy GS Nguyễn Lân Dũng hoặc bất cứ ai vạch được điều gì sai trái của tác giả. Điều đó chứng tỏ rằng những sai lầm nghiêm trọng của GS Nguyễn Lân mà tác giả Lê Mạnh Chiến đã phê phán là hoàn toàn chính xác, không thể bác bỏ. Sự im lặng của GS Nguyễn Lân Dũng và của những người mê tín GS Nguyễn Lân là bằng chứng hùng hồn nhất để khẳng định điều đó.
Mặc dầu những người muốn phản đối bài báo này đều đành phải bó tay nhưng tác giả vẫn cảm thấy rất đáng buồn, bởi vì, tuy người ta vẫn luôn mồm nói câu “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” nhưng báo Giáo dục và thời đại thì từ chối, không đăng bài nói về mối hại đối với tiếng Việt, Bộ Giáo dục thì coi như không có vấn đề gì xảy ra. Đặc biệt, GS Nguyễn Lân Dũng, một đại biểu Quốc hội được tiếng là thẳng thắn, cương trực, vì dân, v.v. thì lại cực lực phản đối bài báo rất cần cho dân, sau đó, liên tục cho tái bản hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt mà vẫn không có ai lên tiếng. GS tiêu biểu, được coi là chuyên gia hàng đầu về tiếng Việt, ngôi sao của ngành giáo dục thì như vậy, GS Đại biểu Quốc hội thì như vậy, Bộ Giáo dục thì như vậy, các trường đại học và cả một đội ngũ giáo sư đông đảo… tất cả đều thờ ơ với số phận của tiếng Việt như vậy, thử hỏi, làm sao mà nền giáo dục không “xuống cấp”, văn hóa không lụn bại, đạo đức không suy đồi? Tác giả tuy có quyền tự hào nhưng vẫn mang trong mình một nỗi đau khôn nguôi.
Bao giờ nền giáo dục nước ta mới hồi sinh?
Bài này được viết đã lâu nhưng chưa hiện diện trên mạng Intternet. Nhận thấy nó còn giữ nguyên ý nghĩa thời sự, tác giả mong được các blogger cho phổ biến tới đông đảo độc giả. Sau đây là bài mà báo Người Đại biểu Nhân dân đã đăng ở số 67 và 68, ngày 27 và 29 tháng 4 năm 2005.
II. Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt
Mùa thu năm 2003, thầy giáo về hưu H.H.Phúc ở Hà Tĩnh có đưa cho chúng tôi xem một quyển từ điển giải nghĩa các từ Hán-Việt dày hơn 860 trang, mà theo thầy thì nó rất tồi tệ, rất có hại cho người sử dụng vì nó có quá nhiều sai lầm nghiêm trọng. Thầy đề nghị chúng tôi đọc và phân tích, phê phán những chỗ sai để cảnh báo trước toàn xã hội về tai hại của nó. Chúng tôi liền mở ra xem, lướt qua vài chục tờ ở vần A thì giật mình khi thấy ở từ ác ôn, soạn giả giải thích rằng ôn nghĩa là bệnh dịch. Thực ra, vốn là 惡 棍 ác côn, do sự biến âm chút ít mà thành ra ác ôn. Chữ côn có nghĩa gốc là cái gậy và nghĩa mở rộng là kẻ hư hỏng; nó có mặt trong các từ du côn, côn đồ. Do đó, ác ôn là kẻ hư hỏng, gây nhiều tội ác. Lướt qua vài trang, gặp từ anh hùng thì thấy giải thích rằng hùng nghĩa là loài thú khỏe nhất. Tuy từ điển này không ghi chữ Hán, nhưng qua cách giải thích như vậy thì ta biết rằng soạn giả nghĩ đến chữ hùng (熊) nghĩa là con gấu. Nhưng, trong từ anh hùng 英雄 thì hùng (雄) nghĩa là người có tài trí kiệt xuất. Cách giải thích các từ tố ôn và hùng như thế chứng tỏ rằng soạn giả không hề biết chữ Hán (mặc dầu có thể đã từng đi học chữ Hán, nhưng “chữ của thầy đã trả hết cho thầy” rồi), mà chỉ đem lời đoán mò để giảng giải các từ ngữ Hán-Việt, may ra thì đúng. Lật vội mấy trang nữa, liếc vào từ đại sứ 大使, một từ rất quen thuộc, ta lại phải kinh ngạc vì ở từ này, chữ đại nghĩa là lớn (大) thì soạn giả lại giảng rằng đại nghĩa là thay thế (代).
Chỉ với ba ví dụ vừa nêu cũng đủ để kết luận ngay rằng quyển từ điển này không đáng tin cậy và rất có hại cho người sử dụng nó. Lúc bấy giờ, chúng tôi chưa biết ai là người biên soạn, vì quyển sách bị xé mất mấy trang đầu và vài trang cuối. Thầy H.H. Phúc bảo tôi: “Rồi ta sẽ biết tên sách và tên tác giả thôi, nhưng trước mắt, ông nên chiu khó đọc và phát hiện thêm nhều sai lầm trong đó để cảnh báo trước công luận về mối nguy hại do nó gây ra”. Tôi đồng ý với thầy vì thấy điều đó là cần thiết, hơn nữa, tôi cũng có chút tò mò, muốn biết soạn giả này liều lĩnh và vô trách nhiệm đến mức nào. Thế là tôi phải đọc tương đối kỹ hơn, và bước đầu đã phát hiện được khoảng 170 sai lầm trong cuốn từ điển này.
Tạp chí Thế Giới Mới từ số 582 đến số 587 (từ ngày 26.4. đến 31.5.2004 ) đã công bố bài 170 sai lầm trong một cuốn từ điển nhưng độc giả chưa biết tên cuốn từ điển đó. Bài ấy đã được đăng liên tiếp trong 6 kỳ mà chỉ mới nêu được 68 từ phạm sai lầm. Nhưng, như thế cũng đủ cho thấy nhiều sai lầm rất đáng sợ mà soạn giả đã phạm phải.
hinh-bia-tu-dien-tu-va-ngu-VN
Sau đó, được một số độc giả mách bảo, chúng tôi đã xác định được rằng quyển sách chứa hàng đống sai lầm kia chính là Từ điển từ và ngữ Hán Việt của GS Nguyễn Lân (bản mà chúng tôi đã đọc là của Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, HN, 2002). Một số độc giả còn cho biết thêm rằng những sai lầm mà chúng tôi đã nêu đều có mặt đầy đủ trong quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam (Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2000), mà người biên soạn cũng chính là GS Nguyễn Lân. Chúng tôi đã đối chiếu hai quyển với nhau thì thấy rằng Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2112 trang) chứa gần như trọn vẹn cả Từ điển từ và ngữ Hán Việt (867 trang), cho nên, những từ bị giảng sai trong Từ điển từ và ngữ Hán Việt thì đều có mặt trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng được đọc bài Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, trong quyển Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm của tác giả Huệ Thiên (do Nhà xuất bản Trẻ phát hành vào quý 3 năm 2004; bài này được in lại từ tạp chí Văn ở TP Hồ Chí Minh , số 6, tháng 9 và số 8, tháng 11 năm 2000), trong đó, tác giả chỉ mới ‘’đọc lướt’’ các vần A, B, C (chiếm 1/5 quyển sách) mà đã vạch ra được 117 điều “chưa ổn’’. Những ý kiến phê bình của ông Huệ Thiên rất xác đáng. Tuy nhiên, vì chỉ mới “đọc lướt’’ cho nên trong phần mà ông đã đọc qua vẫn còn những sai lầm nghiêm trọng chưa bị phát hiện. Từ đó, chúng ta biết rằng ngoài những sai lầm giống như ở Từ điển từ và ngữ Hán Việt (mà chúng tôi đã tìm thấy hơn 200 trường hợp), Từ điển từ và ngữ Việt Nam còn chứa vô số sai lầm khác nữa, rất có hại cho việc học tập và giảng dạy tiếng Việt.

hinh-bia-tu-dien-tu-va-ngu-han-vn
Như vậy, riêng GS Nguyễn Lân đã biên soạn ra hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt. Điều này làm cho nhiều người đau lòng, nhưng đó là sự thực không thể chối cãi. Với số lượng sai lầm nhiều đến mức ấy thì phải in thành sách hoặc đăng nhiều kỳ liên tiếp mới có thể tải hết được. Trong phạm vi một bài viết cho một lần đăng báo, chúng tôi chỉ có thể nêu vài chục ví dụ về những sai lầm nằm trong cả hai quyển từ điển kể trên để độc giả chứng giám.

1. ẩn lậu 隱漏
Theo soạn giả thì ẩn = giấu kỹ, lánh đi, ngầm; lậu = rỉ ra ngoài, và ẩn lậu nghĩa là giấu giếm, không thẳng thắn nói ra. Quả thật, trong chữ Hán, chữ lậu 漏 này có nghĩa là rỉ ra ngoài. Nhưng như thế thì các từ tố ẩn và lậu có vẻ như trái nghĩa với nhau, bởi vậy, giải nghĩa như vậy là không thoả đáng, mà có thể nói là sai. Chữ lậu còn có vài nghĩa khác nữa, mà trong trường hợp này nó có nghĩa là lọt, là thoát (lậu võng nghĩa là lọt lưới), cũng là trốn tránh mà thôi. Vậy ta có thể nói rắng, ẩn lậu nghĩa là giấu giếm, là lẩn tránh. Soạn giả định nghĩa rằng ẩn lậu nghĩa là giấu giếm, không thẳng thắn nói ra là để “khắc phục” điều mâu thuẫn mà ông cũng nhận thấy như chúng tôi chăng, nhưng, không thẳng thắn nói ra nghĩa là nói một cách ấp úng vì sợ sệt, hoặc là ở trong tình thế không thể giấu giếm được nên đánh phải nói ra chứ đâu có phải là ẩn lậu.
2. bàn hoàn 盤桓
Từ bàn hoàn có hai nghĩa: a) quanh quẩn không dứt ra được; b) quấn quýt với nhau. Giải thích như thế cũng tạm được. Về các từ tố, soạn giả cho rằng bàn là quanh co, hoàn là uốn éo. Thực ra, bàn 盤 nghĩa là vòng vèo, còn chữ hoàn 桓 này có các nghĩa như sau: a) cột gỗ dựng bên cạnh các dịch trạm (tức là trạm chuyển công văn) hoặc các công thự để quy định vị trí đứng đợi. Như vậy, từ bàn hoàn 盤桓 có nghĩa ban đầu là đi lại quanh quẩn cái cột mốc để mong ngóng. Về sau, nó có nghĩa mở rộng là bồi hồi, vương vấn, và quấn quýt.
3. bắc thần 北辰
Bắc thần nghĩa là sao bắc cực. Chữ thần 辰 này có nhiều nghĩa, trong đó, có nghĩa là thiên thể, là tinh tú, là ngày tháng, là đế vương (khác hẳn với chữ thần 臣 nghĩa là kẻ bề tôi hoặc chữ thần 神 trong từ tinh thần 精神). Trong trường hợp này, thần 辰 có nghĩa là ngôi sao. Nó còn có âm là thìn để chỉ ngôi thứ 5 trong 12 ngôi địa chi (tí, sửu, dần, mão, thìn, tị…). Soạn giả đưa ra một định nghĩa rất dài dòng: bắc thần là ngôi sao sáng hình như đứng yên một chỗ trên bầu trời và giúp ta xác định hướng chính bắc. Ðịnh nghĩa này không sai nhưng quá rườm rà. Ðiều không thể tha thứ được là ông đã “phán” bừa rằng thần nghĩa là tinh thần.
4. bị cáo 被告
Bị cáo là người bị tố cáo và bị toà án đem ra xét xử. Soạn giả đã hiểu đúng nghĩa của từ này, nhưng thật đáng ngạc nhiên khi thấy ông giải thích rằng cáo nghĩa là báo cho biết! Nếu đúng như vậy thì từ bị cáo chẳng liên quan gì với việc báo cho biết. Ðành rằng chữ cáo 告 cũng có nghĩa là báo cho biết, nhưng nó còn có một số nghĩa khác nữa, mà cụ thể ở đây làbuộc tội, vạch tội.
5. bức xạ 輻射
Theo soạn giả, bức nghĩa là bắt buộc, xạ nghĩa là bắn; bức xạ là sự phát và truyền năng lượng dưới dạng sóng và dạng hạt. Có thể chấp nhận định nghĩa này về bức xạ. Nhưng soạn giả đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi ông đoán liều rằng bức nghĩa là bắt buộc. Chữ bức 輻 ở đây (khác hẳn chữ bức 逼 là bắt buộc) có nghĩa gốc là nan hoa ở bánh xe, và có nghĩa mở rộng là toả ra khắp mọi phía xung quanh.
6. cử tọa 擧座
Về từ tố cử, soạn giả nêu ra các nghĩa: cất lên, đưa lên, nổi dậy, thi đỗ; còn tọa thì có nghĩa là ngồi. Thực ra, chữ tọa 座 ở đây có nghĩa là chỗ ngồi (khác với chữ tọa 坐 nghĩa là ngồi). Về chữ cử, ngoài vài nghĩa mà soạn giả đã nêu, còn có nhiều nghĩa khác, trong đó có nghĩa là tất cả., và đó chính là nghĩa của nó trong từ cử tọa. Vì thế, cử tọa nghĩa là tất cả những người ngồi dự một cuộc họp
7. dạ hợp 夜合
Theo lời soạn giả thì dạ = ban đêm; hợp = thích hợp; và dạ hợp là một loài cây cùng họ với ngọc lan, hoa trắng rất thơm, nở về ban đêm. Cách cắt nghĩa từ tố hợp như trên đã khiến ông tin rằng dạ hợp nghĩa là thích hợp với ban đêm nên loài hoa này ắt phải nở về đêm! Ðó là một điều sai nghiêm trọng. Ðúng là chữ hợp 合 có một nghĩa là thích hợp, là phù hợp, nhưng nó còn có nhiều nghĩa khác nữa. Trước hết, nghĩa ban đầu của nó là khép lại, mà đó cũng chính là nghĩa cụ thể trong từ dạ hợp 夜合. Từ điển Từ nguyên nói về cây dạ hợp như sau: “mộc bản, diệp trường, hoa thanh bạch sắc, hiểu khai dạ hợp, cố danh”. Nghĩa là: thân gỗ, lá dài, hoa màu trắng xanh, trời sáng thì nở, ban đêm thì cụp lại, do đó mà có tên ấy. Như vậy, vào ban đêm, hoa dạ hợp không thể nở được, dẫu đã nở rồi cũng phải cụp lại.
8. Ðịa Trung Hải 地中海
Ðịa là đất, là lục địa; trung là ở trong, ở giữa; hải là biển. Ðịa Trung Hải là biển ở trong lục địa. Tuy nhiên, từ này đã trở thành tên riêng để chỉ một biển cụ thể, có diện tích 25 triệu km2, nằm ở phía nam Châu Âu, phía bắc Châu Phi, phía tây Châu Á, thông với Ðại Tây Dương qua eo biển Gibraltar và thông với Biển Ðỏ qua kênh đào Suez. Ðiều đáng ngạc nhiên là sau khi giải thích rằng Ðịa Trung Hải là biển ở giữa lục địa, soạn giả đưa ra một câu ví dụ: Biển Caxpiên của Liên xô là một địa trung hải. Như vậy, ông đã không định nghĩa được từ Ðịa Trung Hải, lại còn dùng từ này như một danh từ chung, với nghĩa là cái hồ lớn. Hơn nữa, biển Caxpiên còn có 43.200 km2 thuộc chủ quyền của Iran chứ không hoàn toàn thuộc Liên Xô trước đây.
9. đồng lõa 同伙
Có lẽ ai cũng biết rằng từ đồng lõa có hai nghĩa: 1) người trong cùng một nhóm để làm một việc bất chính (danh từ), và 2) cùng tham gia một nhóm làm việc bất chính (động từ). Soạn giả dạy rằng lõa là cái bọc. Thực ra, lõa là âm đọc chệch từ chữ hỏa 火 nghĩa là lửa, là bếp. Theo binh chế thời xưa, mười người lính thì cùng nấu một bếp, tạo thành một hỏa, như một tiểu đội vậy. Đồng hỏa 同伙 (chữ hỏa 火 ở đây thường được viết là 伙 để chỉ người) nghĩa là người trong cùng một bếp ăn, mở rộng ra là bọn người cùng một nhóm “làm ăn với nhau” (thường là bất chính.)
10. giám quốc 監國
Soạn giả cho biết: giám nghĩa là trông coi, quốc là nước. Đúng. Nhưng ông định nghĩa rằng giám quốc là người đứng đầu một nước cộng hoà tư sản thì sai to. Càng sai nữa khi ông viết rằng Ngày nay người ta dùng từ “tổng thống” để thay từ “giám quốc”. Thực ra, giám quốc là người cầm quyền tạm thời khi vua vắng mặt hoặc khi vua còn nhỏ. Ví dụ, năm 1908, Phổ Nghi lên ngôi khi mới hai tuổi, đình thần nhà Thanh đã cử cha của ông ta là Tải Thuần làm giám quốc. Cuối năm 1787, tướng của Nguyễn Huệ là Vũ Văn Nhậm ra Bắc giết Nguyễn Hữu Chỉnh rồi lập Sùng Nhượng Công Lê Duy Cận (chú của Lê Chiêu Thống ) làm giám quốc vì Lê Chiêu Thống đã chạy khỏi kinh thành để cầu cứu quân Thanh. Khi Nguyễn Huệ ra Bắc giết Vũ Văn Nhậm, ông vẫn để Lê Duy Cận làm giám quốc.
11. kinh lạc經絡
Soạn giả cho biết rằng chữ kinh 經 có các nghĩa: sửa trị, đường dọc, sách vở, từng trải, thường. (Chúng ta hiểu rằng trong từ kinh lạc, thì kinh có nghĩa là đường dọc). Còn chữ lạc thì ông cho rằng đó là dây thần kinh, và kinh lạc là hệ thống dây thần kinh nối liền các huyệt. Nhưng, theo từ điển Từ Hải thì kinh lạc là mạng lưới các đường vận chuyển khí huyết (theo quan niện của Đông y, gần có nghĩa như năng lượng) trong cơ thể. Kinh 經là những đường chính chạy theo chiều dọc của cơ thể; lạc絡 là những đường nối ngang giữa các đường dọc ấy; các huyệt châm cứu đều nằm trên mạng lưới kinh lạc. Hệ kinh lạc khác hẳn hệ thần kinh, và các đường kinh lạc không trùng với các dây thần kinh.
12. linh sàng 靈床
Linh là thiêng liêng, là liên quan đến người chết; sàng là cái giường. Các từ tố này đã được soạn giả giải nghĩa đúng. Nhưng ông cho rằng linh sàng là giường thờ người mới chết chưa đem chôn. Nếu như vậy thì phải chăng Nguyễn Du đã dùng sai từ này ở hai câu thơ trong Truyện Kiều:
Sang nhà cha, tới trung đường,/ Linh sàng bài vị thờ nàng ở trên.
Thật ra, từ linh sàng có hai nghĩa: 1) giường đặt thi thể người chết khi đám tang; 2) cái bàn nhỏ đặt trước bàn thờ, làm “chỗ nghỉ” cho linh hồn người chết khi chưa hết tang. Đó chính là cái “giường thờ”, rồi từ đó, dân ta cũng gọi cái bàn thờ là “giường thờ” khiến nhiều người, kể cả những người biên soạn từ điển tiếng Việt đã định nghĩa: “giường thờ” là bàn thờ tổ tiên, cao và rộng! (Hoàng Phê). Trong hai câu thơ trên đây, linh sàng mang nghĩa thứ hai.
13. lộng hành 弄行, lộng quyền 弄權
Lộng hành nghĩa là hành động một cách coi thường mọi người. Lộng quyền nghĩa là đem quyền hành ra làm trò đùa, muốn làm gì thì làm, chẳng kể gì đến phép tắc luật lệ. Chữ lộng 弄 có một số nghĩa thông thường là: chơi đùa; đem sự vật khác hoặc sự việc khác ra làm trò đùa; khinh nhờn, coi thường. Với nghĩa như thế, người ta còn có từ lộng nguyệt, nghĩa là chơi đùa với trăng, tức là vui chơi dưới ánh trăng, lộng ngôn là nói năng bừa bãi, thích nói gì thì cứ nói, và lộng bút nghĩa là viết lách vô trách nhiệm, không biết cũng viết bừa, coi thường mọi người. Tiếc thay, soạn giả chỉ nắm được nghĩa sơ sài của các từ lộng hành và lộng quyền rồi suy ra rằng lộng nghĩa là lấn át. Chưa kể đến hàng trăm trường hợp giảng giải liều lĩnh khác, chỉ riêng trường hợp này cũng đã đủ cho phép mọi người coi ông là một kẻ lộng bút.
14. lưu chiểu 留照
Soạn giả giảng rằng lưu = giữ lại; chiểu = văn bản; và lưu chiểu là tác phẩm văn nghệ nộp cho cơ quan lưu trữ của nhà nước để làm tài sản chung. Nhưng, chẳng có chữ chiểu nào có nghĩa là văn bản cả. Hơn nữa, chúng ta biết rằng chữ chiểu ở đây chính là biến âm của chữ chiếu 照, tức là đối chiếu, là so sánh để phát hiện thật hay giả hoặc đúng hay sai. Lưu chiểu là giữ lại bản mẫu của văn bản đã lưu hành để so sánh, kiểm tra khi cần thiết. Mục đích chính của việc lưu chiểu là như thế chứ không phải để làm tài sản chung. Soạn giả đã không hiểu chữ chiểu và cũng không hiểu gì về từ lưu chiểu.
14. lỵ sở治所
Lỵ sở là trung tâm hành chính của một địa phương. Nhưng thật là sai lầm khi soạn giả đoán rằng lỵ là đến nơi. (Chữ này có mặt trong từ lỵ nhậm 蒞任, nghĩa là đến nơi nhậm chức). Ông không biết rằng lỵ sở vốn là trị sở治所 nhưng bị đọc chệch đi và đã trở thành thói quen. Lỵ ở đây chính là trị 治, nghĩa là cai quản, điều hành công việc, và cũng dùng để gọi tắt từ trị sở.
15. thôi thúc 催促
Từ này tưởng là quá đơn giản, thế mà soạn giả đã giảng sai. Theo ông, thôi nghĩa là thúc giục, và thúc nghĩa là buộc. Thực ra, chữ thúc 促 này có nghĩa là giục giã, là đòi phải tăng tốc, như trong từ đốc thúc, khác với chữ thúc 束 nghĩa là buộc. Chữ thúc trong từ thôi thúc cũng có âm là xúc, và có mặt trong từ xúc tiến.
16. thế nghiệp 世業
Soạn giả đã giảng rằng thế nghĩa là quyền lực hoặc trạng thái (có dạng chữ Hán là 勢), nghiệp nghĩa là nghề, và thế nghiệp là chức vụ do cha ông để lại trong thời phong kiến. Thực ra thế 世 nghĩa là đời, nghiệp 業 là sự nghiệp hoặc sản nghiệp. Thế nghiệp 世業 là sự nghiệp hoặc tài sản do đời trước để lại. Các bộ từ điển đáng tin cậy đều định nghĩa như thế.
18. trữ tình 抒情
Vì không biết “mặt chữ” mà chỉ phỏng đoán theo cảm tính nên soạn giả đã giảng giải rằng trữ là chứa chất, tình là tình cảm; trữ tình là chứa chất tình cảm. Thật là sai lầm nghiêm trọng. Nên nhớ rằng ở đây, trữ 抒 nghĩa là biểu đạt, là bày tỏ. Trữ tình nghĩa là bày tỏ tình cảm. Cần phân biệt chữ trữ 抒 này với chữ trữ 貯 trong từ tích trữ.
19. vi điện tử 微 電 子
Vi điện tử là hạt điện tử rất nhỏ, đó là cách giải thích của soạn giả, khiến người đọc buồn cười. Điện tử, tức electron, là một loại hạt cơ bản bền vững, là hạt tích điện âm trong mọi vật chất thông thường, có khối lượng bằng khoảng 9,11 x 10-28gram và điện tích khoảng -1,602 x 10-19 coulomb. Như vậy, điện tử có khối lượng và điện tích rất cụ thể, làm gì có thứ điện tử rất nhỏ khác nữa?
Từ vi điện tử vốn được dịch từ tính từ microelectronic(al) trong tiếng Anh (hoặc micro-electronique trong tiếng Pháp), nó chỉ có thể đóng vai trò tính từ, như trong các cụm từ như mạch vi điện tử, thiết bị vi điện tử, v.v. để chỉ mạch điện tử hoặc thiết bị điện tử có kích thước cực kỳ nhỏ bé.
20. viễn phố 遠浦
Soạn giả giải thích rằng viễn = xa; phố = chỗ bán hàng, nhà trạm; và viễn phố = nơi ở xa. Rồi ông trích dẫn câu thơ Gác mái, ngư ông về viễn phố… của Bà huyện Thanh Quan. Ông không hiểu rằng ở đây, phố 浦 nghĩa là bến sông chứ không phải phố 鋪 là cửa hàng. Viễn phố 遠浦 nghĩa là bến sông ở xa. Bà huyện Thanh Quan ở thế giới bên kia hẳn phải nổi giận và vô cùng đau lòng cho đất nước nếu bà biết rằng có một nhà biên soạn từ điển tiếng Việt ở cuối thế kỷ XX đã giảng giải thơ của bà như thế.
Vài chục thí dụ trên đây chỉ là một phần mười của những sai lầm mà chúng tôi đã phát hiện được trong Từ điển từ và ngữ Hán Việt, mà cũng nằm cả trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân. Đương nhiên, vì Từ điển từ và ngữ Việt Nam chứa trọn nội dung của Từ điển từ và ngữ Hán Việt và còn thêm rất nhiều từ ngữ khác ít liên quan đến Hán ngữ nên nó còn phạm vô số sai lầm khác mà tác giả Huệ Thiên đã cho thấy một phần qua bài Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân.
Qua những thí dụ này, chúng ta thấy soạn giả Nguyễn Lân luôn luôn sẵn sàng “sáng tác” nghĩa cho các từ tố; hơn nữa, ông lại rất thiếu kiến thức về văn hóa, lịch sử và khoa học. Nếu trong đời một giáo viên đứng trên bục giảng mà một hai lần phạm vài sai lầm như những trường hợp kể trên thì cũng trở thành trò cười và mang tiếng cả đời rồi. Huống chi, từ điển là sách cung cấp những hiểu biết chính xác về từ ngữ, ở đây là từ ngữ tiếng Việt, mà phạm đến vài trăm sai lầm lớn như thế, sao có thể chấp nhận được?
Một thực tế rất đáng buồn là Từ điển từ và ngữ Hán Việt chứa nhiều sai lầm nghiêm trọng như vậy nhưng sau lần xuất bản đầu tiên năm 1989 (Nhà xuất bản TP Hồ Chí Minh), nó đã được tái bản nhiều lần. Vì thế nên đến năm 2000, GS Nguyễn Lân lại cho ra đời quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam lớn hơn và càng nhiều sai lầm hơn. Đặc biệt, Từ điển từ và ngữ Hán Việt thì được GS Lê Trí Viễn coi là cuốn từ điển Hán Việt tốt nhất từ trước đến nay, và nó sẽ là công cụ tra cứu không thể thiếu được đối với bất kỳ ai, trước hết là học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo, các nhà biên soạn, khi muốn nắm được nghĩa chính xác của từ và ngữ Hán Việt trong tiếng Việt hiện nay. Còn về giá trị của Từ điển từ và ngữ Việt Nam thì GS Vũ Khiêu cho rằng “trí tuệ và tâm huyết của tác giả đã tạo ra một tác phẩm rất có giá trị mà cả xã hội đang mong đợi” (theo Lời giới thiệu).
Khỏi phải bàn về tính khả tín của hai vị giáo sư này.
© Lê Mạnh Chiến
Nguồn: Bauxit Việt Nam

Saturday, 25 October 2014

Đáp ứng yêu cầu của độc giả đối với người viết bài “Góp phần tìm hiểu sự thực về GS Nguyễn Lân” (Lê Mạnh Chiến - Boxitvn)

02/07/2014

Đáp ứng yêu cầu của độc giả đối với người viết bài “Góp phần tìm hiểu sự thực về GS Nguyễn Lân”

Lê Mạnh Chiến
Thưa quý vị độc giả kính mến,
Ngày 05/6/2014, chúng tôi đã công bố bài Góp phần tìm hiểu sự thực về GS Nguyễn Lân trên blog Quê choa và đã được đông đảo độc giả hưởng ứng. Một số độc giả cho biết rằng, sự bàn tán, trao đổi sôi nổi xung quanh bài Góp phần tìm hiểu sự thật về GS Nguyễn Lân đã khiến nhiều người chưa đọc bài ấy muốn biết đó là những “sự thật” gì nhưng họ rất khó tìm đọc vì số bài trên blog Quê choa tăng lên vùn vụt từng ngày nên nhiều người tìm mãi mà không được. Không ít người mong tác giả giới thiệu tóm tắt những “sự thật” ấy cho họ đọc trước đã, sau đó, khi có điều kiện hoặc thấy cần kíp thì mới đọc kỹ toàn bài. Lại có độc giả nói rằng, bài Góp phần tìm hiểu sự thật về GS Nguyễn Lân tuy là một bài lược thuật nhưng vì phải khảo chứng cặn kẽ, với nhiều chứng liệu cụ thể nên không thể ngắn gọn, mà thực tế là một bài rất dài. Theo độc giả này, người viết bài cũng nên đúc kết phần khảo chứng của mình, nhằm giúp độc giả dễ nắm bắt những ý chính trong bài.
Mới đây, ngày 23/6/2014, chủ Blog Quê choa đã chuyển cho tác gỉả mấy dòng thư của độc giả Yên Duyên Hương (địa chỉ Email: yenduyen...@gmail.com) nêu vài thắc mắc, như sau:
Cảm ơn ông Nguyễn Quang Lập. Qua Quê choa, chúng tôi mới biết được nhiều sự thật về học thuật, về tên tuổi của nhiều học giả , những Nguyễn Lân, Lê Xuân Đức, Vũ Ngọc Khánh... Vừa qua có bài Góp phần tìm hiểu sự thật về GS Nguyễn Lân. Qua Quê choa, chúng tôi xin hỏi: trong bài viết có nói: đợt phong Giáo sư đầu tiên là năm 1956, nhưng theo từ điển mở Wikipedia thì đợt phong Giáo sư đầu tiên của Việt Nam là năm 1976 (trong đó có Trần Đức Thảo). Liệu có sự nhầm lẫn nào của ông Lê Mạnh Chiến, dẫn đến việc bỏ sót tên GS Nguyễn Lân không?
Chúng tôi được biết, sinh thời GS Nguyễn Lân đã có lời xin lỗi ông Trần Đức Thảo. Vậy, thực hư chuyện này là thế nào?
Rất mong ông Nguyễn Quang Lập liên hệ với tác giả giúp chúng tôi.
Xin trân trọng cảm ơn trước.
Tác giả thấy mình có nghĩa vụ đáp ứng các yêu cầu trên đây của quý vị độc giả nên phải viết bài giải đáp này và đưa lên mạng Internet để chuyển đến các độc giả đã gửi lời yêu cầu, cùng tất cả mọi người Việt Nam yêu chuộng sự thật và quan tâm đến hiện trạng văn hóa - giáo dục của đất nước.
I. Những ý chính trong bài Góp phần tìm hiểu sự thật về GS Nguyễn Lân
Trong một cuộc gặp gỡ thân mật của một nhóm bạn học cũ nhân dịp tết Canh Ngọ, đã diễn ra một cuộc mạn đàm nghiêm túc để tìm hiểu sự thật về Nhà giáo Nguyễn Lân. Nội dung cuộc mạn đàm này đã được lược thuật kèm theo việc khảo chứng dựa trên những sách vở do Nhà giáo Nguyễn Lân biên soạn và những tài liệu viết về ông mà hiện nay đang lưu hành, cho nên độc giả rất dễ kiểm tra. Người lược thuật chịu trách nhiệm hoàn toàn trước công chúng. Sau đây là những kết quả của cuộc mạn đàm, được tóm tắt theo trình tự các phần trong bài gốc, với các tiểu mục ♦I, ♦II. ♦III.
♦I. Cuộc mạn đàm ngoài dự kiến: nêu những tiền đề của cuộc mạn đàm: Trong vài chục năm gần đây, trên các sách báo chính thống đã lưu hành hàng trăm bàì của nhiều người trong quần thể trí thức co danh phận ở nước ta ca tụng công lao và tài đức của NGND Nguyễn Lân. Họ chỉ nhìn thấy lớp trang sức bóng bảy mà không ai biết đến thực chất những thành tích ảo của ông nên đã viết những lời tán tụng sai sự thật, tạo nên nhiều điều ngộ nhận rất tai hại. Vì vậy, đã diễn ra một cuộc mạn đàm để tìm hiểu sự thật về Nhà giáo này, dựa trên những chứng liệu mà mọi người đều dễ dàng tìm thấy.
♦II. Trả lời một số câu hỏi thiết thực: giải đáp bốn câu hỏi, tìm ra bốn sự thật mà lâu nay hẩu như không ai nghĩ đến:
u Trong các bài viết về Nhà giáo Nguyễn Lân hiện đang lưu hành trên báo chí chính thống (hơn 100 bài) các tác giả (hầu hết là những người có cương vị cao trong giáo giới) đều nhằm một mục đích là ca ngợi hết lời, chỉ cốt để ca ngợi càng nhiều càng tốt, cho nên có nhiều bài trùng lặp với nhau cả ý lẫn lời, lại xen nhiều chi tiết khác với lời kể của chính Nhà giáo Nguyễn Lân, sai sự thật. Tính xác thực của loạt bài này rất thấp, nhiều dẫn liệu khong đáng tin cậy.
v Hầu hết mọi người lâu nay vẫn gọi ông Nguyễn Lân là Giáo sư, chính ông cũng tự xưng là Giáo sư. Một số tài liệu (ví dụ: từ điển Wikipedia tiếng Việt trước ngày24/6/2014, hoặc bài của PGS Lê Khánh Bằng trong Kỷ yếu Hội thảo Nhà giáo Nhân dân Giáo sư Nguyễn Lân – cuộc đời và sự nghiệp) đã khẳng định rằng, ông Nguyễn Lân thuộc lớp người đầu tiên được phong học hàm Giáo sư, năm 1956. Sự thực thì ông là Giáo sư tự phong, chưa bao giờ được Nhà nước phong Giáo sư.
w Ông Nguyễn Lân được gọi là một nhà văn, nhà thơ, nhà biên soạn từ điển mẫu mực, với 42 tác phẩm đồ sộ. Thực ra, trong số hơn 40 tác phẩm có dính tên ông, đa số là những tác phẩm rất nhỏ (dăm bảy chục trang) và nhỏ (dưới 200 trang), có những quyển mang tên nhiều tác giả, trong đó ông Nguyễn Lân chỉ có mươi trang, v.v. không có một tác phẩm nào ra hồn, đến nỗi năm ông tròn 90 tuổi, Nhà nước muốn trao giải thưởng cho ông nhưng không thể dựa vào một tác phẩm nào cả. Cuối cùng, ông cố cho ra một quyển khá dày là Từ điển từ và ngữ Việt Nam (2111 trang, xuất bản năm 2000), trông có vẻ to vì được in bằng giấy dày, chữ to hơn và thưa hơn so với mọi cuốn từ điển thông thường, nhưng cũng không thể gọi đó là đại từ điển. Hơn nữa, quyển từ điển này là nơi tập trung tất cả mọi sai lầm trong “sự nghiệp biên soạn từ điển” của ông, số lượng sai lẩm có thể lên đến hàng ngàn, ảnh hưởng rất xấu đến việc dạy và học tiếng Việt của các thế hệ người Việt hiện tại và mai sau.
❹ Mọi người chỉ nhìn thấy bề dày của cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam mà không khảo sát nó, không nhận thấy vô số sai lầm rất đáng sợ trong đó nên ai nấy đều cho rằng, đó là thành quả vĩ đại, là công trình sáng tạo tuyệt vời của một bậc đại trí thức siêu đẳng chỉ biết quên mình vì dân vì nước, miệt mài làm việc năm này qua tháng khác. Trên thực tế, nó chỉ là sự lắp ráp thô thiển của ba cuốn từ điển đã có sẵn. Trước hết, soạn giả lấy quyển Từ điển tiếng Việt dày 1415 trang của nhóm Văn Tân (gồm 13 người, trong đó có Nguyễn Lân) làm “xương sống”, sau đó ghép thêm hai quyển khác chứa đựng rất nhiều sai lầm khủng khiếp, đều của Nguyễn Lân, đó là Từ điển từ và ngữ Hán Việt (866 trang) và Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (323 trang), rồi cộng thêm một số từ lấy ở các từ điển khác nhưng được giảng lại theo cách đoán mò và nói liều vốn là thuộc tính của soạn giả. Vì vậy, việc “biên soạn” được thực hiện rất dễ dàng.
♦ III. Những sự thực đáng kinh ngạc về Nhà giáo Nguyễn Lân. Phần này cho thấy những phẩm chất và những hành vi phản sư phạm của Nhà giáo Nguyễn Lân, thể hiện qua bố sự thật, với những bằng chứng cụ thể rất dễ tìm thấy:
u NGND Nguyễn Lân – người đã dày công làm tổn hại tiếng Việt
NGND Nguyễn Lân được coi là người “suốt đời bảo vệ sự trong sáng của Việt”. Chính ông cũng tự khẳng định vai trò ấy của mình một cách đầy tự tin và tự hào. Để thể hiện vai trò ấy, ông dốc sức biên soạn các thứ từ điển về tiếng Việt. Việc “chú giải từ tố” và “giải thích từ nguyên” (của các từ có gốc Hán) được ông coi là nét đặc sắc nhất, hơn hẳn các từ điển đã có từ trước. Các Giáo sư Lê Trí Viễn, Vũ Khiêu, cùng vô số Giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, nhà báo khác đều coi đây là cống hiến vô cùng to lớn và đặc sắc của ông, thể hiện tài năng, trí tuệ kiệt xuất và tâm huyết của một vị đại trí thức đối với đất nước, đối với tiếng Việt. Nhưng, qua vô số ví dụ cụ thể, chúng tôi đã chứng minh được rằng, ông phạm quá nhiều sai lầm nghiêm trọng nhất do thiếu kiến thức cơ bản, do không có năng lực tra cứu, do không đọc được chữ Hán, v.v. thậm chí, không phân biệt được từ tố với âm tố và cũng chưa hiểu thế nào là từ nguyên. Ông chỉ quen đoán mò và nói liều nên đã phạm hết dạng sai lầm này đến dạng sai lầm khác
v NGND Nguyễn Lân đề ra những yêu cầu rất khắt khe đối với người thầy giáo, nhưng chính ông lại chưa nắm vững những kiến thức ở bậc trung học
Được coi là một nhà sư phạm mẫu mực kiêm học giả thông kim bác cổ, NGND Nguyễn Lân đòi hỏi người thầy giáo xã hội chủ nghĩa phải học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng về mọi phương diện. Theo ông, người thầy giáo xã hội chủ nghĩa, ngoài việc học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên định lập trường cách mạng, quan điểm giai cấp, học tập tác phong, đạo đức của Hồ Chủ tịch, còn phải không ngừng nâng cao trình độ học vấn của mình. Trong quyển Người thầy giáo xã hội chủ nghĩa (Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960), ông viết: “Nếu dạy một mà không biết mười thì ít nhất người thầy giáo cũng phải biết hai, ba chứ dạy bài nào mà chỉ biết bài ấy thì thực là nguy hiểm, vì không những chẳng giải đáp được thắc mắc của học sinh mà lại còn dễ dàng nói sai sự thật và phản lại khoa học. Ta nên nhớ rằng mỗi lời thầy giáo nói ra là bốn, năm chục học sinh chú ý nghe; thầy dạy một điều sai là bốn năm chục bộ óc bị đầu độc; như thế thì không những đã chẳng dạy được gì thêm, lại còn khiến học sinh có những khái niệm không đúng cần phải gột rửa đi nữa. Ngoài bộ môn mình phụ trách, người thầy giáo xã hội chủ nghĩa còn phải nắm được các bộ môn khác nữa: tối thiểu, trình độ văn hóa phổ thông của người thầy giáo, về mọi ngành tri thức, phải không được thấp hơn trình độ học sinh ở cấp mình giảng dạy. Thí dụ, một giáo viên về Việt văn ở lớp tám ít ra cũng phải nắm được những bộ môn khoa học tự nhiên của cấp III; có như thế thì khi giảng dạy Việt văn mới có thể đưa ra những dẫn chứng cụ thể”. Cứ theo lời ông thì ai cũng nghĩ rằng, kiến thức của ông sâu rộng lắm, cao siêu lắm. Khốn thay, ở quyển Từ điển từ và ngữ Việt Nam (công trình của ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước), người ta dễ dàng tìm thấy ngay vài chục từ ngữ thuộc các lĩnh vực toán học, vật lý học, hóa học, sinh vật học, địa lý, lịch sử, văn học được sử dụng trong chương trình trung học mà bị soạn giả Nguyễn Lân giải thích sai hết, tỏ ra không hiểu gì cả. Kiến thức của Nhà giáo Nguyễn Lân về mọi lĩnh vực khoa học thường thức chưa đạt đến trình độ trung học, vậy thì ông không thể dạy bất cứ môn nào ở bậc trung học.
w NGND Nguyễn Lân chỉ quen dạy dỗ người khác nhưng không biết chỗ yếu kém của mình nên đã sa đà vào việc “biên soạn” từ điển, đầu độc tiếng Việt.
Nhà giáo Nguyễn Lân có những lời dạy về “đạo làm thầy” rất chí lý. Ông đã từng răn dạy con dâu: “Con làm cô giáo thì phải nhớ là dù một chữ chưa hiểu cũng phải đọc, phải hỏi cho thật hiểu mới được dạy cho học trò, óc trẻ con như trang giấy trắng, con vẽ sai lên đó làm sao tẩy sạch được. Con dâu của ông kể tiếp: “Rồi ba giảng giải, muốn tìm hiểu một vấn đề gì thì phải hiểu cả lịch sử, cả hoàn cảnh cụ thể của nó…. Một lần khác, ông đã căn dặn con trai (là một phó Giáo sư): “Cái khó nhất trong cách đối xử ở đời là biết mình đang ở vị trí nào. Con đừng quên rằng, một người giỏi lắm thì cũng đi sâu được một hai chuyên môn. Vì vậy, phải luôn coi người khác là thầy của mình về những chuyên ngành khác”. Trong sự nghiệp “trồng người”, hẳn là ông đã nhiều lần dạy học trò bằng những câu như thế, mà ta có thể quy thành nguyên tắc: Không được dạy những điều mà mình chưa hiểu rõ; muốn vậy thì phải biết rõ phạm vi kiến thức của mình. Tiếc thay, ông chỉ quen dạy người khác nhưng không biết răn mình, không hề biết mình đang ở vị trí nào. Bởi vậy, mặc dầu không đọc được chữ Hán, ông vẫn tin rằng, nhờ có kinh nghiệm lâu năm nên mình thừa sức hiểu hết các từ ngữ tiếng Việt có gốc Hán, thế là ông biên soạn cuốn Từ điển từ và ngữ Hán Việt (nhưng phải tránh việc thể hiện chữ Hán), xuất bản năm 1989. Tuy dung lượng của nó chỉ bằng một phần ba so với cuốn Hán Việt từ điển giản yếu của Đào Duy Anh (lưu hành từ năm 1932) nhưng lại chứa đựng nhiều trăm sai lầm, vậy mà được GS Lê Trí Viễn đánh giá là “một công cụ tra cứu rất quý không thể thiếu được đối với bất kỳ ai, trước hết là học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu, biên soạn, khi muốn nắm được nghĩa chính xác của các từ ngữ Hán – Việt trong tiếng Việt hiện nay”. Lời ca tụng đó đã biến quyển từ điển tồi tệ này thành của quý, khiến soạn giả ngỡ rằng mình là người duy nhất đủ sức đảm đương sứ mạng “gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt”. Thế là, liên tiếp trong mấy năm sau đó, ông sản xuất thêm ba cuốn nữa là Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Từ điển tục ngữ thành ngữ Pháp Việt, Từ điển tục ngữ thành ngữ Việt Pháp. Càng ngày, “uy tín học thuật” của ông càng lên cao trong đám người có bằng cấp và chức vị nhưng lười đọc và ít suy nghĩ. Người ta chỉ chú ý đến tên sách chứ chẳng mấy người đọc sách và hiểu sách nên không ai biết rằng, tác giả của chúng không những mù tịt về Hán ngữ mà vốn liếng tiếng Việt cũng rất nghèo, thậm chí, không phân biệt được đâu là thành ngữ, đâu là tục ngữ. Khi đã ngoài 90 tuổi, ông bèn tập hợp tất cả mọi từ ngữ tiếng Việt trong cả bốn cuốn, gộp thêm cuốn Từ điển tiếng Việt của nhóm Văn Tân (gồm 13 người, trong đó có ông) để tạo thành cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam, với hàng ngàn sai lầm thuộc mọi chủng loại: về chú giải từ tố, về giải thích từ nguyên, về thành ngữ, tục ngữ, về tri thức khoa học, về lỗi chính tả, v.v.
Trong lĩnh vực biên soạn từ diển, NGND Nguyễn Lân thực sự là người yếu kém nhất, với những lỗ hổng kiến thức không thể khắc phục.
Ví dụ duy nhất về “tầm cao trí tuệ” của Nhà giáo Nguyễn Lân đã góp thêm chứng cứ để khẳng định điều ngược lại.
Trong hàng trăm bài viết để ca ngợi tài năng và trí tuệ hơn người của Nhà giáo Nguyễn Lân, chỉ có một bài duy nhất (của một vị PGS TS) nêu ra một ví dụ để làm bằng chứng về cái “trí tuệ siêu phàm” ấy. Xin kể tóm tắt câu chuyện sau đây:
Tại khu mộ của Nguyễn Trường Tộ, có hai câu (người ta cho là đôi câu đối) bằng chữ Hán khắc nổi, vốn là: Nhất thất túc thành thiên cổ hậnTái hồi đầu thị bách niên thân (Nghĩa là: Một lần sẩy chân, trở thành mối hận ngàn đờiQuay đầu nhìn lại, đã là cái thân trăm năm). Lâu ngày, chữ thân (nghĩa là thể xác, là thân thể) bị sứt mẻ hết nhưng nhiều người dân không biết chữ Hán vẫn còn nhớ đấy là chữ thân. Những người “có học” thì đoán đó là chữ cơ (nghĩa là cơ nghiệp, cơ đồ). Vị PGS TS nọ bèn thỉnh giáo Thầy Nguyễn Lân và đã được Thầy phán truyền: “Vế trên của câu đối là hận (ân hận) – một từ chỉ sự trừu tượng, thì vế dưới đối lại phải là một từ có tính chất cũng trừu tượng, cho nên dùng chữ (cơ đồ) là chuẩn xác và hợp lý hơn là chữ thân (thân thể)”. Rồi ông PGS TS bình luận: Rõ là đầy sức thuyết phục. Tôi nhớ mãi câu nói cảm ơn của tôi khi đó: Thưa thầy! Đúng là nhất tự thiên kim vậy.
Người viết bài Góp phần tìm hiểu sự thật về GS Nguyễn Lân cho rằng, lý lẽ của Thầy Nguyễn Lân rất khó chấp nhận. Cái chữ bị sứt kia phải là chữ thân mới hợp với ý than thân trách phận ở câu trước đó. Nhất thất túc thành thiên cổ hận Tái hồi đầu, thị bách niên thân. Nghĩa là: Một lần sẩy chân (= một lần cẩu thả, một lần hẫng hụt, một lần sa ngã) thì ôm hận ngàn đời.║ Ngoái đầu nhìn lại thì mình chỉ còn cái thân già yếu. Như thế mới đúng với tâm tư của người có hoài bão lớn nhưng “lỡ thời”.
Nếu thay chữ thân bằng chữ , nghĩa là cơ nghiệp, là sự nghiệp, thì sẽ sự thể sẽ là: Nhất thất túc thành thiên cổ hận. Tái hồi đầu, thị bách niên cơ. Nghĩa là: Một lần sẩy chân (= một lần cẩu thả, một lần hẫng hụt, một lần sa ngã) thì phải ôm hận mãi mãi. ║ Ngoái đầu nhìn lại thì mình đã có cơ nghiệp trăm năm. Như vậy thì cái sự “thất túc” kia không gây nên hậu quả gì ghê gớm, chẳng đáng phải mang hận ngàn đời.
Kết quả khảo cứu của chúng tôi đã xác nhận rằng, hai câu ấy phải là: Nhất thất túc thành thiên cổ hận Tái hồi đầu, thị bách niên thân. Đây là hai câu thơ cuối cùng trong một bài thơ thất ngôn bát cú có xuất xứ khá ly kỳ, liên quan đến một số học giả nổi tiếng thời nhà Minh và nhà Thanh.
Chúng ta lại có thêm một bằng chứng xác thực cho thấy trình đô học vấn non kém và thòi quen nói liều của NGND Nguyễn Lân.
¢ Trên đây là bản tóm lược 8 sự thật về NGND Nguyễn Lân mà tác giả đã khảo chứng khá kỹ càng trong bài Góp phần tìm hiểu sự thật về GS Nguyễn Lân. Hiện nay, bài này đã được đăng lại ở một số Blog khác ngoài Blog Quê choa. Quý vị độc giả nào có nhu cầu đọc toàn văn bài này, có thể tìm thấy một cách dễ dàng theo tiêu đề của bài hoặc theo các địa chỉ sau đây: lemanhchien41.blogspot.com Lê Mạnh Chiến – Blogger.
●♦●
II. Trả lời thư của độc giả Yên Duyên Hương
Trong bài Góp phần tìm hiểu sự thật về Giáo sư Nguyễn Lân, ở đoạn trả lời câu hỏi 2 (phần II. Trả lời một số câu hỏi thiết thực, hỏi về việc Nhà giáo Nguyễn Lân có được nhà nước Việt Nam phong học hàm Giáo sư hay không), tác giả đã chứng minh: NGND Nguyễn Lân chưa bao giờ được nhà nước phong chức danh Giáo sư như lâu nay mọi người vẫn nhầm lẫn. Mở đầu việc khảo chứng điều này, tác giả viết:
Trong Quyết định 162/CP do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 11 tháng 9 năm 1956 về việc phong chức danh Giáo sư cho 29 Nhà giáo, nhà khoa học tiêu biểu (trong đó có các ông Tạ quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, v.v.), có tên những người sau đây:
Quyết định 162/CP ra đời khi Nhà nước sắp xếp lại các cơ sở Đại học đã có từ trước và mở thêm một số trường Đại học mới, ban đầu, có 6 trường vào năm 1956 (gồm có: Đại học Sư phạm, Đại học Tổng hợp, Đại học Y - Dược, Đại học Nông Lâm, Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế - Tài chính). Để trao trọng trách cho các nhà khoa học hàng đầu trong công tác tổ chức và giảng dạy ở các trường Đại học mới được thành lập, Chính phủ đã phong học hàm Giáo sư cho 29 người kể trên. Quyết định này được ký và công bố trong tháng 9 năm 1956. Đây là lần phong Giáo sư đầu tiên của Nhà nước ta. Từ năm 1980 trở đi mới có những đợt phong học hàm Giáo sư tiếp theo.
Thế nhưng, một số độc giả tra cứu trên mạng Internet (ví dụ, theo Từ điển Wikipedia tiếng Việt, tại mục từ Giáo sư Việt Nam.) hoặc nguồn tài liệu nào đó, lại cho rằng, Quyết định này được ký ngày 11 tháng 9 năm 1976 (chứ không phải là năm 1956 như tác giả đã viết) và cho rằng, sự khảo chứng của tác giả là “thiếu chính xác”. Từ đó, họ coi sự “thiếu chính xác” ấy là cơ sở để đặt vần đề “nghi vấn” mọi kết quả khảo chứng khác của tác giả.
Về vấn đề này, tác giả khẳng định một lần nữa: Quyết định 162/CP về đợt phong học hàm Giáo sư đầu tiên ở Miền Bắc Việt Nam được ký ngày 11/9/1956, và chỉ có thể là năm 1956 chứ không thể là 1976. Tác giả cũng không hề bỏ sót tên NGND Nguyễn Lân trong danh sách những người được phong học hàm Giáo sư, vì ông chưa bao giờ được phong Giáo sư.
Về việc các ông Trần Đức Thảo và Trương Tửu đã được phong học hàm Giáo sư từ trước năm 1958 thì chính Nhà giáo Nguyễn Lân cũng đã nói đến nhiều lần.
Trong cao trào đấu tranh chống “bọn phản động Nhân văn - Giai phẩm” hồi giữa năm 1958, Nhà giáo Nguyễn Lân là một người rất hăng hái, kiên định lập trường của giai cấp vô sản, có thành tích rất nổi bật trong cuộc đấu tranh quyết liệt này. Lập trường cách mạng của ông đã thể hiện rõ trong bài Trường Đại học Sư phạm đã nhổ được hai cái gai: Trương Tửu và Trần Đức Thảo, đăng trên báo Nhân dân (trang 3) số ra ngày Chủ nhật, 18/5/1958. Trong bài báo này, ông Nguyễn Lân đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, các ông Trần Đức Thảo, Trương Tửu lúc bấy giờ Giáo sư.
Nhà giáo Nguyễn Lân viết:
Chính vì Trương Tửu và Trần Đức Thảo có manh tâm chống Đảng, chống chế độ nên trong hai năm nay, họ đã gây nên ở trường Đại học sư phạm một không khí nặng nề, khó thở. Họ là Giáo sư, là chủ nhiệm khoa, nghĩa là những người có cương vị trong hội đồng lãnh đạo của nhà trường. Nhưng thực ra họ luôn luôn tìm cách biến những buổi họp hội đồng lãnh đạo thành những cuộc cãi vã, thành những dịp để họ công kích ban giám đốc, công kích các đảng viên. Cho nên trong các buổi họp hội đồng lãnh đạo, ít khi người ta đi đến đượcnhững kết quả cụ thể về xây dựng chuyên môn, xây dựng tổ chức, mà phần lớn thời gian chỉ là để giải quyết những vấn đề tủn mủn, vụn vặt do họ nêu lên hoặc là để họ gây thêm mâu thuẫn trong nội bộ nhà trường. Có người đã cho rằng Tửu và Thảo luôn luôn dùng cái thủ đoạn đảo nghị mà nghị sĩ Pác-nen đã dùng ở nghị viện nước Anh hồi cuối thế kỷ thứ 19, để hội đồng lãnh đạo nhà trường không làm trọn nhiệm vụ mà nhân dân giao phó cho.
Không những Tửu và Thảo chĩa mũi dùi vào các đảng viên mà họ thường mạt sát với những lời sống sượng, thô bạo, họ còn tìm cách dèm pha tất cả những người ngoài Đảng không ăn cánh với họ. Riêng đối với những kẻ nghe theo họ thì họ đề cao, tâng bốc, đòi cho được hưởng quyền lợi nọ kia. Với cái óc bè phái ấy, họ đã phá hoại tinh thần đoàn kết rất cần thiết cho việc xây dựng nhà trường.
Thái độ hung hăng, phá phách của Tửu và Thảo ở trường Đại học sư phạm có phải là do sự bất mãn hay không? Chúng tôi thiết nghĩ họ không có lý do gì bất mãn cả, vì Đảng và Chính phủ đối đãi với họ thật là đã quá hậu.
Nhiều người đã ngạc nhiên không hiểu vì sao Trương Tửu mà có thể là Giáo sư đại học được. Không những y có cái quá khứ chẳng hay ho gì, mà ngay đến cái vốn tri thức của y cũng rất là nông cạn, như người ta đã phân tích nhiều lần trên báo chí. Ấy thế mà Tửu vẫn được làm Giáo sư trường Đại học sư phạm thì còn bất mãn nỗi gì?
[...]
Phải chờ đến khi đã học tập, anh em các tổ được giác ngộ, yêu cầu Tửu và Thảo phải kiểm thảo, rồi anh em góp thêm nhiều hiện tượng, chúng tôi mới hiểu được rằng Trương Tửu và Trần Đức Thảo không phải chỉ là những người trí thức bất mãn mà rõ ràng là những kẻ có mưu đồ xấu xa về chính trị. Trước những hiện tượng cụ thể anh em nêu lên mà Tửu và Thảo không thể chối cãi được, chúng tôi mới thấy được những tư tưởng phản động có thể hạ phẩm giá con người đến mức độ nào. Một số sự việc đã khiến chúng tôi phải sửng sốt không ngờ những người vẫn mệnh danh là đại trí thức như Tửu và Thảo mà có thể ti tiện, đê hèn như thế.
Quả đợt học tập hai văn kiện là một cơn gió lành mạnh đã thổi bạt được những rác rưởi của chủ nghĩa xét lại, đã lật được mặt nạ một số người trước đây người ta vẫn cho là thượng lưu trí thức, và riêng đối với trường Đại học sư phạm, đã nhổ được hai cái gai gây ra bao nhiêu vướng víu trong việc xây dựng nhà trường.
Gai đã nhổ rồi, không khí trường Đại học sư phạm trở nên khác hẳn: mọi người, mọi thành phần, sau đợt học tập, đã cùng đứng trên một lập trường, cùng thống nhất một ý chí, nên tình đoàn kết càng ngày càng chặt chẽ. Trên cơ sở của mối đoàn kết đó, mọi công tác của nhà trường như tổ chức, giảng dạy, học tập, lao động... đều tiến hành được đều đặn, với một đà phấn khởi chưa từng có.
Từ nay nhà trường như một thân thể đã cắt được cái ung thư trở nên lành mạnh, khỏe khoắn. Nhất định trong một tương lai ngắn, trường Đại học sư phạm của chúng ta sẽ xứng đáng là một trường Đại học xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với nhiệm vụ đào tạo những người giáo viên tốt cho nền giáo dục phổ thông đương một ngày một vươn lên mạnh mẽ.
Sau cuộc đấu tranh sôi sục, thực chất là những đợt đấu tố khốc liệt mà những ngưởi bị đấu tố không được mở miệng, kết cục là, các Giáo sư Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Đào Duy Anh, Nguyễn Mạnh Tường đều phải vĩnh viễn rời khỏi bục giảng các trường Đại học và sống tiếp vài chục năm cho đến hết đời trong cảnh cùng quẫn và tủi nhục, luôn luôn bị theo dõi, rình rập.
Năm 1976, các ông Trần Đức Thảo và Trương Tửu vẫn còn bị theo dõi, giám sát nghiêm ngặt. Tình trạng đó còn kéo dài thêm hơn mười năm nữa mới chấm dứt. Câu chuyện sau đây do Giáo sư Trương Tửu (1913-1999) kể lại cho chúng tôi đã chứng tỏ điều đó.
Khi công cuộc “Đổi mới” diễn ra đi đôi với việc “cởi trói”, sự đối xử với các “phần tử Nhân văn Giai phẩm” bắt đầu bớt nghiệt ngã. Trước đó, đại đa số học trò cũ và những người quen biết đều không dám liên hệ với họ vì ai cũng sợ mang tai họa vào thân. Năm 1987, khi thấy việc tiếp xúc với các “thầy giáo Nhân văn Giai phẩm” không còn nguy hiểm như trước nữa, Giáo sư Nguyễn Đình Chú (là học trò cũ của các thầy Trương Tửu, Trần Đức Thảo) bèn đứng ra tổ chức cuộc họp đồng môn để kỷ niệm 30 năm ngày ra trường (1957-1987) và kính mời các thầy đến dự, trong số đó, không thể thiếu các Giáo sư từng mắc đại nạn trong cuộc “đấu tranh chống Nhân văn Giai phẩm”. Thế nhưng vẫn có một học trò cũ lúc bấy giờ (năm 1987) cũng là Giáo sư về Văn học Việt Nam hiện đại đã vội vã đi báo cáo với công an, đòi ngăn chặn cuộc gặp gỡ này. Tuy nhiên, tình hình bấy giờ không còn căng thẳng như trước, công an không để ý đến “nguồn tin” mật báo này nữa. Cuộc họp đã diễn ra một cách tốt đẹp, đầy xúc động. Đương nhiên là vắng mặt ông Giáo sư kia.
Việc các ông Trần Đức Thảo và Trương Tửu đã được Nhà nước phong chức danh Giáo sư đại học hẳn là không có gì phải nghi ngờ. Sau khi cả hai ông bị đuổi khỏi trường Đại học từ giữa năm 1958 cho đến ngày qua đời, chưa có một chỉ thị nào xóa bỏ bản án quá nghiệt ngã và oan trái đối với họ. Cả hai ông Trấn Đức Thảo và Trương Tửu bị coi là những tên tội phạm nguy hiểm. Cho đến những ngày diễn ra công cuộc “Đổi mới” kèm theo việc “cởi trói” ở nước ta, tình trạng đó mới được nới lỏng. Vậy, không có lý do gì để tin rằng các vị Trương Tửu, Trần Đức Thảo được Nhà nước Việt Nam phong học chức danh Giáo sư vào năm 1976. Quyển sách GIÁO SƯ VIỆT NAM của Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước (Nxb Khoa học Xã hội ấn hành năm 2004) đã ghi nhận rằng, trước năm 1980 việc phong chức danh Giáo sư chỉ được thực hiện một lần duy nhất, có 29 người được phong Giáo sư trong lần này. Bởi vậy, nếu căn cứ theo Từ điển Wikipedia tiếng Việt hoặc một tài liệu nào đó để tin rằng đợt phong Giáo sư đầu tiên diễn ra năm 1976 là hoàn toàn sai lầm.
Đến đây, chúng tôi đã trả lời xong hai điều thắc mắc trong thư của độc giả Yên Duyên Hương, cụ thể là: uĐợt phong học hàm Giáo sư đầu tiên diễn ra năm 1956 chứ không phải năm 1976 như một số tài liệu đã viết sai. v Chúng tôi cũng không “bỏ sót tên ông Nguyễn Lân” khỏi danh sách những người được phong học hàm Giáo sư, vì ông chưa bao giờ được phong Giáo sư mà chỉ là Giáo sư tự phong.
Độc giả Yên Duyên Hương còn đặt cho chúng tôi một câu hỏi khác nữa: Chúng tôi được biết, sinh thời GS Nguyễn Lân đã có lời xin lỗi Trần Đức Thảo. Vậy, thực hư chuyện này là thế nào?
Tác giả xin phép mượn một bài của nhà báo Phú Cường, trong đó nói về điều “ân hận” của Nguyễn Lân đối với Trần Đức Thảo để trả lời câu hỏi này của quý vị.
Trong bài Chuyện giờ mới kể về GS NGND Nguyễn Lân (trên báo điện tử Vietnamnet, tại địa chỉ http://vnn.vietnamnet.vn/vanhoa/2003/9/30157/) của nhà báo Phú Cường viết nhân 49 ngày mất của GS NGND Nguyễn Lân, có đoạn cuối cùng mang tiêu đề là Tôi có hai điều ân hận, như sau:
Sống một cuộc đời trong sáng, không màng công danh, phú quý, dồn hết tâm trí vào việc trồng người, GS NGND Nguyễn Lân được Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, hàng năm nhân dịp Tết cổ truyền, ngày Nhà giáo Việt Nam, các vị lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước đều đến thăm và tặng quà cụ. Cụ có lần tâm sự:
Cả đời tôi sống thanh bạch, không làm điều gì để trái với lương tâm, chỉ có hai điều tôi cứ ân hận mãi. Một là tôi được các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đến tận nhà thăm hỏi, nhưng do tuổi cao, đi lại không thuận tiện nên chưa lần nào đến nhà đáp lễ được. Điều thứ hai là, năm 1957, hồi tôi là Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục, được tổ chức phân công cuộc họp phê phán ông Trần Đức Thảo, một nhà triết học rất uyên bác. Là nhiệm vụ trên giao, tôi không thể không thực hiện, mà trong lòng thấy ân hận vô cùng. Rất mừng, năm 2000 các công trình nghiên cứu của GS Trần Đức Thảo được Đảng và Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.
Bây giờ hai cụ đều ở cõi vĩnh hằng, chắc rằng hai nhà trí thức lớn của nước nhà đều cười vui, thông cảm trong niềm kính trọng nhau.
Đọc những lời “gan ruột” của Nhà giáo Nguyễn Lân, thoạt tiên chúng ta tưởng như đó là biểu hiện tấm lòng trung thực của một người “trót vì tay đã nhúng chàm”, nay lương tâm cắn rứt nên đã dũng cảm, thẳng thắn thừa nhận những lỗi lầm mà trước đây mình đã phạm phải. Thế nhưng, tinh ý một chút thì sẽ thấy rằng, trong sự ân hận quá muộn màng này vẫn lấp ló sự thiếu chân thành nên ông vẫn cố đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan. Hơn nữa, trong hai điều “ân hận mãi ấy, điều “ân hận” thứ nhất là ở chỗ, do tuổi cao, đi lại không thuận tiện nên chưa lần nào đến nhà đáp lễ các vị lãnh đạo Nhà nước từng đến nhà thăm hỏi ông; rồi sau đó mới đến điều “ân hận” thứ hai, do phải hết lòng “phục tùng tổ chức” (phải dùng lời lẽ đao búa để xỉa xói, nhục mạ người bị đấu tố) nên phải lập thành tích xuất sắc trong việc kể tội và luận tội các ông bạn đồng nghiệp vốn có địa vị cao hơn mình. Điều “ân hận” thứ nhất thực ra chỉ nên gọi là sự áy náy, băn khoăn về tình cảm, nhưng đã được ông nâng lên thành điều “ân hận” cao hơn hẳn sự dày vò, cắn rứt và hổ thẹn mà mọi người có lương tâm đều không thể tránh khỏi khi nghĩ đến thành tích đổ dầu vào lửa trong cuộc hãm hại đày đọa những người lương thiện. Về thực chất và sức tác động, những lời buộc tội của chứng nhân kiêm quan tòa Nguyễn Lân chẳng khác gì những nhát gươm hay những mũi tên tẩm thuốc độc để hạ gục nạn nhân. Vậy mà trong hai đồng nghiệp vô tội từng bị ông coi là kẻ thù phải trừng trị đích đáng, sau khi họ đã mất hết tất cả mọi chỗ bấu víu về tinh thần và vật chất, phải nếm đủ mùi đắng cay, tủi hận suốt 30-40 năm rồi ngậm ngùi về nơi chín suối, chỉ có một người vừa được tuyên dương (coi như được minh oan) thì được ông nghĩ lại rồi lặng lẽ nói riêng với một nhà báo, tỏ ý “ân hận” sau khi người đó qua đời gần một chục năm. Còn đối với người đồng nghiệp vô tội nhưng không (hay chưa) được tuyên dương thì ông không hề “ân hận”.
Cũng không khó nhận ra trò ngụy biện của ông Nguyễn Lân. Bởi vì, với tư cách “Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục, được tổ chức phân công cuộc họp phê phán ông Trần Đức Thảo [...] Là nhiệm vụ trên giao, tôi không thể không thực hiện” nếu ông Nguyễn Lân thực sự là một con người nhân hậu và hiểu biết lẽ phải thì ông sẽ làm nhiệm vụ “trên giao” đó một cách “cầm chừng” chứ không thể hăng hái “toàn tâm toàn ý” đấu tố đồng nghiệp với những lời chửi rủa, nhục mạ nặng nề như vậy. Trên thực tế, hồi bấy giờ không phải chỉ có một mình ông Nguyễn Lân phê phán các ông Trương Tửu và Trần Đức Thảo. Nhưng có lẽ chỉ những lời lẽ đấu tố cay độc của Nguyễn Lân mới trở thành “áng văn bất hủ” mà đến đến tận bây giờ đọc lại, ai nấy đều rùng mình ghê rợn.
Nếu quả thật ông Nguyễn Lân thấy lương tâm cắn rứt, ân hận thì hẳn là ông phải viết bài công khai nói lên điều đó hoặc chính thức xin lỗi trước mặt Trần Đức Thảo chứ không phải đợi đến khi ông này qua đời gần muời năm và được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Cho nên chúng ta không lấy gì làm lạ khi Nhà giáo Nguyễn Lân không hề ‘ân hận’ về việc đấu tồ, nhục mạ ông Trương Tửu. Khi ông Trần Đức Thảo còn sống vả còn mang thân phận một công dân hạng bét thì NGND Nguyễn Lân không có gì ân hận về việc làm thất đức và tàn nhẫn của mình. Chỉ sau khi ông Trần Đức Thảo qua đời gần 10 năm và trở thành người có địa vị cao hơn hẳn (là Giáo sư thật, được trao giải thưởng cao nhất, còn ông Nguyễn Lân thì vẫn là Giáo sư tự phong và được trao giải thưởng thấp hơn) thì ông Nguyễn Lân mới “ân hận”. Còn ông Trương Tửu thì chỉ mới thoát khỏi thân phận công dân hạng bét để gia nhập đội ngũ “phó thường dân” nên ông Nguyễn Lân không cần phải bận tâm về việc làm độc ác năm xưa. Nếu cùng lúc, cả Trần Đức Thảo lẫn Trương Tửu đều được Nhà nước trao giải thưởng hoặc được tôn xưng thì cái điều “ân hận” thứ hai của Nhà giáo Nguyễn Lân hẳn sẽ khác hơn.
Ông Nguyễn Lân không “ân hận” đối với ông Trương Tửu mà chỉ “ân hận” đối với ông Trần Đức Thảo vì về sau ông Trần Đức Thảo trở lại địa vị cao hơn mình, chứ không phải vì kính trọng người tài cao học rộng. Mà địa vị hay “trọng lượng” của ông Trần Đức Thảo (nếu ông còn sống) thì chẳng thấm vào đâu so với các quan chức từ thứ trưởng trở lên. Bởi thế, đối với ông Nguyễn Lân, cái “lỗi” xúc phạm, chà đạp danh dự và nhân phẩm của ông Trần Đức Thảo còn nhẹ hơn nhiều so với cái “lỗi” chưa đi thăm đáp lễ các vị lãnh đạo cấp cao.
Trở lại câu hỏi của độc giả Yên Duyên Hương: Chúng tôi được biết, sinh thời GS Nguyễn Lân đã có lời xin lỗi ông Trần Đức Thảo. Vậy, thực hư chuyện này là thế nào?, tác giả coi việc lý giải hai điều “ân hận” của NGND Nguyễn Lân đã là lời giải đáp cho câu hỏi của quý vị: Ông Nguyễn Lân chỉ “ân hận” vì sự “thất lễ” đối với những người bề trên, những người có ngôi vị cao hơn mình. Bởi vậy, sinh thời, GS Nguyễn Lân không bao giờ có lời xin lỗi ông Trần Đức Thảo, cũng như ông đã không hề “ân hận” đối với ông Trương Tửu. Đó là một sự thật hiển nhiên.
●♦●
“Trải qua một cuộc bể dâu”, nhân cách và tài năng của các Giáo sư Trần Đức Thảo và Trương Tửu tuy bị chà đạp và vấy bẩn suốt ba chục năm nhưng đến nay vẫn được người đời trân trọng và biểu dương. Họ vẫn để lại hình ảnh đẹp trong lòng mọi người Việt Nam có hiểu biết, có lương tri. Còn NGND Nguyễn Lân – người luôn luôn hãnh diện với cái hư danh Giáo sư tiếm xưng và đắc ý tự hào về những cuốn từ điển từng làm lóa mắt hàng loạt trí thức lười học và ít suy nghĩ, nhưng lại đầy rẫy những sai sót “để đời”, làm méo mó tiếng Việt, rất độc hại đối với tiếng Việt – nay đã bắt đầu được người đời phán xét với đầy đủ tang chứng cụ thể để cảnh cáo và tẩy độc nhằm trả lại vẻ đẹp hồn nhiên cho tiếng Việt và ghi nhớ một giai đoạn suy đồi của nền văn hóa - giáo dục Việt Nam.
Lê Mạnh Chiến
Tác giả gửi BVN

Friday, 24 October 2014

Địa danh ở Nam Bộ nhìn từ phương diện ngôn ngữ (Cao Tự Thanh)

Địa danh ở Nam Bộ nhìn từ phương diện ngôn ngữ


Hình thành và phát triển trên một địa bàn có hoàn cảnh địa lý và lịch sử mang nhiều nét đặc thù, các địa danh Việt Nam ở Nam Bộ cũng phản ảnh một lịch sử văn hóa đặc biệt. Phương thức hội tụ ở một địa bàn đa dân tộc có sự giao tiếp nội bộ mạnh mẽ trên nền tảng đều kiện giao thông thuận lợi và kinh tế hàng hóa phát triển đã dẫn tới việc hình thành hệ thống địa danh phong phú mà phức tạp ở vùng này.
Nhìn từ phương diện ngôn ngữ, hệ thống địa danh Nam Bộ chủ yếu bao gồm các địa danh gốc Việt, gốc Việt Hán, gốc Khmer Việt hóa, trong đó mảng địa danh hành chính thời phong kiến phần nhiều là từ Việt Hán hay được Việt Hán hóa để đáp ứng các yêu cầu chuẩn hóa trong công văn của chính quyền, vì lúc ấy người Việt vẫn dùng chữ viết Hán Nôm. Việc Việt Hán hóa này phát triển mạnh từ đầu thế kỷ XIX, sau khi đất nước được thống nhất trở lại và dần dần được chuẩn hóa dưới đời Minh Mạng (1820 – 1840). Nhưng việc Vũng Tàu thành Thuyền Úc, Hòn Đất thành Thổ Sơn, Tháp Mười thành Thập Tháp, Thang Trông thành Vọng Thê, Gò Đen thành Ô Nguyên rồi Hắc Khâu, sông Bến Lức thành Lật Giang, Mặt Dòn thành Hầu Diện, thậm chí rạch Mỏ Cày cũng trở thành Lê Đầu tiểu giang (Lê = cái cày, Đầu = mỏ) đã làm không ít nhà nghiên cứu bối rối. Trong quyển Cours d’histoire annamite (à l’usage des écoles de la Basse – Cochinchine) viết lại lịch sử Việt Nam bằng tiếng Pháp khoảng 1877, Trương Vĩnh Ký đã chép lại các địa danh Khố Sơn tức núi Kho ở Bình Định, Chủ Sơn tức núi Chúa ở Phú Yên bị các sử thần nhà Nguyễn Việt Hán hóa kiểu này, nhưng vì bản in tiếng Pháp không có dấu thanh điệu nên các địa danh nói trên đã biến thành Khô Sơn, Chu Sơn… Tuy nhiên việc dịch ra chữ Hán các địa danh thuần Việt như vậy còn ít nhiều có nguyên tắc để người ta có thể truy nguyên, chứ trong nhiều trường hợp ghi lại các địa danh gốc Khmer Việt hóa bằng chữ Nôm thì ngay cả người bản địa cũng có khi chết dở, như Ca Mao ghi âm Cà Mau, Sa Đích ghi âm Sa Đéc, Thuyết Nột ghi âm Thốt Nốt… Cũng phải kể tới mảng “chữ Nôm của người Hoa” để ghi âm các địa danh thuần Việt như Tây Cống (đọc như Xì Coóng) để ghi âm Sài Gòn, Thủ Long Mộc (đọc như Thủ Lùng Mục) để ghi âm Thủ Dầu Một, Ná Điều (đọc như Lá Thèo) để ghi âm Lái Thiêu, Đầu Đốn (đọc như Tàu Túng) nửa ghi âm nửa dịch địa danh Vũng Tàu. Lối nửa dịch nửa ghi âm này cũng khá phổ biến trong thư tịch Hán Nôm của người Việt nên Rạch Giá thành Giá Khê (Giá = Giá, Khê = Rạch), Quãng Dài thành Trường Uyển (Trường = Dài, Uyển = Quãng), cầu Biện Trẹt thành Biện Kiều. Trong một số trường hợp, các địa danh được văn bản hóa kiểu này còn bị sai lệch bởi ngữ âm Nam Bộ, như Nước Xoáy được dịch là Hồi Oa trong các văn bản chữ Hán, nhưng trong các thế kỷ trước người Việt ở Nam Bộ thường đọc hoa, qua, oa thành một âm mài mại như qua duy nhất, nên có khi Hồi Oa bị ghi là Hồi Qua trong các văn bản quốc ngữ latinh. Đây là chưa nói tới các văn bản tiếng Pháp cũng làm sai lệch một số địa danh Nam Bộ, như Đất Hộ thành Dakho rồi Đakao, Chí Hòa thành Cihoa rồi Kỳ Hòa… Ngoài ra cách đọc âm Việt Hán chịu ảnh hưởng Minh âm, Thanh âm của người Nam Bộ cũng khiến nhiều nhà nghiên cứu phía bắc vốn quen đọc theo Đường âm đọc sai các địa danh và nói rộng ra là cả nhân danh Việt Hán ở Nam Bộ, như Phước An đọc là Phúc Yên, Nhựt Tảo đọc là Nhật Tảo, Võ Tánh, Ngô Nhơn Tịnh, Trương Tấn Bửu đọc là Vũ Tính, Ngô Nhân Tĩnh, Trương Tiến Bảo… Đáng tiếc là hiện nay dường như nhiều người nghiên cứu vẫn chưa chú ý đúng mức tới những trường hợp loại này.

Bước qua thời Pháp thuộc, khi người Việt dùng chữ quốc ngữ latinh thì các địa danh kể cả địa danh hành chính là từ gốc Việt và gốc Khmer Việt hóa ở Nam Bộ tăng lên. Chữ quốc ngữ latinh đã đưa tới cách đọc thống nhất về địa danh và cả nhân danh Nam Bộ, nên không ai lầm Hàm Luông ra Hàm Long, Huỳnh Tấn Phát thành Hoàng Tiến Phát nữa. Nhưng mặc dù chữ Hán đã không còn được sử dụng như chữ viết chính thức của quốc gia song tư duy ngôn ngữ Việt Hán vẫn còn đậm nét trong sinh hoạt xã hội, nên từ 1975 trở đi người ta thấy xuất hiện những địa danh hành chính như tỉnh Minh Hải dù rằng không ai nói trong Hán tự thì đó là chữ minh nào (sáng, tối, kêu, khắc…). Ở một dạng thức khác hơn, có người lại đi tìm hiểu ý nghĩa của những địa danh Việt Hán xuất hiện trong thế kỷ XX như Long An, rồi kết luận Long An được viết với Long là hưng thịnh và An là yên ổn. Tỉnh Long An được thành lập theo Sắc lệnh số 143 – NV ngày 22. 10. 1956 của chính quyền Ngô Đình Diệm, muốn biết chính xác hai chữ Long An được viết bằng mã chữ Hán nào thì phải hỏi Ngô Đình Diệm, vì trong Hán tự có ít nhất 8 chữ Long và 8 chữ An khác nhau. Cũng có thể nghĩ rằng Ngô Đình Diệm đã muốn dùng chữ Long An với ý nghĩa hưng thịnh yên ổn, nhưng sự hưng thịnh yên ổn đối với chính quyền Ngô Đình Diệm cũng đồng nghĩa với việc tiêu diệt hết những người kháng chiến cũ ở Tân An và Chợ Lớn lúc ấy, vậy thì những chuyện vô vị như vậy cần gì phải thảo luận lăng nhăng?
Tháng 5. 2007
_____

Lẽ ra nói chuyện địa danh thì không nên nói chuyện khác lạc đề, nhưng trên blog thì lăng nhăng chút chút cũng được.
Tức là vì muốn Việt Hán hóa nên dưới đời Minh Mạng rất nhiều danh từ thuần Việt được “chuẩn hóa”, nhưng gọi trái lòn bon là Nam trân, mù u là Nam mai, cây bần là Thủy liễu, cá rô là Quá sơn ngư… thì cũng còn được. Có điều nhiều danh từ được Việt Hán hóa trước đó rất tùy tiện, Đậu xanh là Thanh đậu, đậu đen là Hắc đậu thì hợp lý, nhưng khế là Dương đào (đào Tây dương), mãng cầu Xiêm là Phật đầu lê (lê đầu sư) thì bắt đầu khó rồi nha.

Đâu khoảng 1983, 1984 đọc cuốn Lịch sử khẩn hoang đồng bằng Nam Bộ gì đó do ông Huỳnh Lứa chủ biên, thấy có một bài viết nông dân Nam Bộ trước kia trồng đủ loại đậu như đậu xanh đậu đen đậu đỏ vân vân, chuyện đó bình thường, nhưng lại thấy thêm Đậu hợp hoan, giật nảy mình xong phì c
ười suýt sặc nước trà lên mũi. Mấy bữa sau tới thư viện lại tình cờ gặp y, mới hỏi Đậu hợp hoan là đậu gì, y cũng rất thành thật nói Tôi thấy trong Đại Nam Nhất thống chí viết như thế thì chép như thế chứ thật tình là không biết. Bèn chìa luôn quyển Cấn Trai thi tập của Trịnh Hoài Đức vừa mượn ra, hỏi phải mấy chữ Hợp hoan đậu này không, thấy y ú ớ bèn nói Thưa anh đó là trái me…

Tại sao người làm nghề buôn bán được gọi là thương nhân?

Thương nhân là từ mượn tiếng Hán , vốn nghĩa là người nước Thương. Dưới thời nhà Thương, hoạt động kinh tế đã khá phát triển, nhu cầu trao đổi sản phẩm làm nảy sinh một bộ phận dân cư sống bằng nghề buôn bán. Khi nhà Thương bị mất về tay nhà Chu, quý tộc cũ của nhà Thương bị tước đoạt đất đai, không còn cơ sở bảo đảm quyền lực kinh tế và chính trị. Thương nhân, tức người nước Thương, khi ấy chỉ có thể làm nghề buôn bán để nuôi thân. Về sau, người đi buôn không chỉ có người nước Thương nhưng từ thương nhân vẫn được dùng để chỉ hạng người này.

Thursday, 16 October 2014

Về cây đuốc sống Lê Văn Tám (Trần Trọng Tân - Sài Gòn Giải Phóng)

Nhân ngày 17 tháng 10
Về cây đuốc sống Lê Văn Tám
Thứ năm, 16/10/2008, 23:56 (GMT+7)
Trong bài “Một tháng đứng đầu sóng ngọn gió không thể nào quên” đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 23-9-2008, tôi có viết:

“Đêm 17-10, thiếu niên Lê Văn Tám được anh Lê Văn Châu tổ chức, đã tình nguyện bí mật đột nhập vào bên trong, mang theo diêm và xăng, đã đốt được kho đạn rất lớn của Pháp, gần cầu Thị Nghè. Khi rút lui bị dính xăng, bén lửa, đã cháy thành một cây đuốc sống, nêu tấm gương sáng ngời của thiếu niên Việt Nam xả thân vì nước”.

Đọc bài báo đó, có người gọi điện thoại cho tôi biết rằng, họ đã đọc một số sách, được xuất bản trong dịp kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh thì chỉ có ghi một trận đánh vào kho đạn Thị Nghè vào ngày 8-4-1946. Trong trận này không thấy nêu “Cây đuốc Lê Văn Tám”. Có người đã gửi cho tôi một tài liệu được lấy trên mạng thông tin điện tử, trong đó giáo sư Phan Huy Lê đã tiết lộ: “Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám hoàn toàn không có thật”.

Giáo sư Phan Huy Lê còn cho biết, tiết lộ ra chuyện này là để trả món nợ với ông Trần Huy Liệu. Sau Cách mạng Tháng 8-1945, ông Trần Huy Liệu đã tự viết về nhân vật Lê Văn Tám, một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè. Ông Liệu đã nói với ông Lê rằng: “Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa”. Những năm sau năm 1945, ông Liệu đã giữ chức Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam và đã mất năm 1969. Giáo sư Lê cũng đề cập đến chi tiết phi lý trong chuyện này là: “Cậu bé Lê Văn Tám, sau khi tẩm xăng vào người và tự châm lửa đốt, vẫn còn khả năng chạy từ ngoài vào kho xăng với quãng đường 50 mét. Tôi đã hỏi một số bác sĩ và họ cho rằng với sức nóng của lửa xăng, một em bé không thể chạy xa như vậy”.

Về phần tôi, khi viết về sự kiện “Cây đuốc sống Lê Văn Tám”, tôi đã tìm hiểu từ cuốn “Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945 - 1975) của Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh, xuất bản năm 1994. Chỉ đạo nội dung cuốn sách này là Ban tổng kết chiến tranh của Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh. Chủ biên là đồng chí Trần Hải Phụng (nhiều năm làm Tư lệnh các lực lượng vũ trang của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định) và đồng chí Lưu Phương Thanh (phụ trách nghiên cứu lịch sử Đảng). Theo sách này thì đánh kho đạn Thị Nghè có hai lần. Lần thứ nhất vào ngày 17-10-1945 và lần thứ hai vào ngày 8-4-1946.

Về trận thứ nhất, ở trang 63 của sách này có ghi:

“Ngày 17-10-1945, tại mặt trận phía Bắc, quân ta phục kích ở cầu Tham Lương đánh lui đoàn xe của địch gồm 8 chiếc chở lính có xe thiết giáp yểm trợ, hành quân lên Hóc Môn, ta phá hủy 5 xe và diệt một số tên. 10 giờ, kho đạn Thị Nghè nổ dữ dội. Đây là kho chứa bom đạn từ bến tàu bốc lên, đặt tại khu đường Docteur Angier (nay là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm) cạnh vườn thú, được bố trí hệ thống phòng thủ nghiêm ngặt, xung quanh kho có hào sâu, tường cao 2 mét, chăng kẽm gai và hệ thống tháp canh, có đèn quét ban đêm. Một đại đội Âu Phi thường xuyên tuần tra canh gác.

Đội viên cảm tử Lê Văn Tám mới 13 tuổi, được giao nhiệm vụ giả câu cá, cắt cỏ ở bến sông để quan sát. Đêm 17-10 (1945) Tám tự quyết định một mình đánh kho đạn, lừa bọn lính gác, lọt vào ẩn nấp bên trong với chai xăng và bao diêm. Buổi sáng, chờ lúc sơ hở, em tưới xăng vào khu vực chứa đạn và châm lửa. Lửa cháy loang, một tiếng nổ long trời, kéo theo hàng loạt tiếng nổ liên tiếp, làm rung chuyển cả thành phố. Lê Văn Tám bị dính xăng bắt lửa, tự biến mình thành cây đuốc sống, đã hy sinh anh dũng. Kho bị phá hủy hoàn toàn. Đài phát thanh phía bên kia đường bị sập một phần lớn. Đại đội Âu Phi bảo vệ bị tiêu diệt.

Gương hy sinh của em bé “đuốc sống” trở thành một hình tượng tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, chiến đấu quên mình của thiếu niên nhi đồng trong những ngày đầu chống Pháp”. Ngày 19-10-1945, Báo Cứu Quốc có bình luận: “Trận Thị Nghè ghi vào chiến sử Việt Nam”. Theo sách “Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945 - 1975)”, ở trang 108, thì kho đạn này còn bị đánh lần 2 vào ngày 8-4-1946 và báo Tin Điễn ra ngày 9-4-1946 đưa tin: “Một tai nạn dữ dội... Kho đạn Sài Gòn (đường Docteur Angier, tả ngạn kênh Avalanche) phát nổ. Tai nạn có thể kéo dài đến nhiều ngày”.

Sự kiện trận đánh ngày 17-10-1945 với “Cây đuốc sống Lê Văn Tám” còn được nêu cụ thể hơn trong tập II bộ sách “Mùa thu rồi ngày hăm ba” của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội năm 1996, ở trang 67:

“Đêm ngày 17-10-1945, đội viên cảm tử Lê Văn Tám dũng cảm đốt kho đạn Thị Nghè (người tổ chức cho Lê Văn Tám thực hiện chiến công này là anh Lê Văn Châu đã hy sinh năm 1946 tại Ngã ba Cây Thị). Kho đạn bị phá hủy hoàn toàn.

Đài phát thanh bên kia đường bị sập một phần lớn, đại đội Âu Phi bảo vệ bị tiêu diệt… (viết theo tư liệu của Ban Tuyên huấn Quận ủy Bình Thạnh)”.

Với các tư liệu như đã nêu trên thì có thể khẳng định: Đánh kho đạn Thị Nghè có 2 lần vào ngày 17-10-1945 và ngày 8-4-1946; trận ngày 17-10-1945 với “Cây đuốc sống Lê Văn Tám” là có thực; Lê Văn Tám đã đốt kho đạn, không phải kho xăng; Lê Văn Tám không phải “tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng” mà “đã lừa bọn lính gác, lọt vào ẩn nấp bên trong với chai xăng và bao diêm chờ lúc sơ hở, em tưới xăng vào khu vực chứa đạn và châm lửa. Lê Văn Tám bị dính xăng bắt lửa thành “cây đuốc sống”; người tổ chức, bày kế hoạch cho Lê Văn Tám làm là anh Lê Văn Châu, đã hy sinh trong trận đánh giặc Pháp ở Ngã ba Cây Thị năm 1946.

Việc xác định rõ như trên, có ý nghĩa quan trọng vì ở nhiều nơi đã có công viên, trường học, tượng đài, đường phố mang tên Lê Văn Tám. Tại Đền tưởng niệm liệt sĩ ở Bến Dược, Củ Chi, “Cây đuốc sống Lê Văn Tám” đã được trân trọng tôn vinh.

Với sự kiện “Cây đuốc sống Lê Văn Tám”, ngày 17-10 hàng năm đáng là ngày cho nhân dân ta, đặc biệt là cho tuổi trẻ nước ta tưởng niệm. 
TRẦN TRỌNG TÂN

Wednesday, 1 October 2014

Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng lẽ lại trẻ con như thế?



Dựa vào các tư liệu đã được công bố, thấy
HCM chỉ một lần duy nhất viết bài kỷ niệm ngày quốc khánh của nước CHNDTH – ngày 28/9/1959, nhân chuyến thăm TQ đồng thời kỷ niệm 10 năm ngày thành lập nước Cộng hòa công nông lớn nhất thế giới. Kể từ đó, cho đến khi từ biệt thế giới này, Chủ tịch HCM không bao giờ gửi thư hay điện mừng để chúc mừng quốc khánh nước CHND Trung Hoa.
2. Suốt 10 năm trời, Chủ tịch HCM chỉ một lần bàn về cách mạng TQ trong một bài viết nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng CSTQ, tháng 7/1961. ở bài viết này (báo Nhân Dân, 1/7/1961, số 2.658), Hồ Chủ tịch cho biết Người đã hai lần đứng trong hàng ngũ Đảng CSTQ. Một lần trong những năm 1924-1927, với chức danh là “tuyên truyền đối ngoại”, viết bài về Đảng CSTQ cho một bài báo bằng chữ Anh và, một lần, vừa là binh nhì trong Bát lộ quân, vừa là Bí thư chi bộ của một đơn vị ở Hành Dương (HCM, TT, T.10, tr. 365-368. NXB CTQG, H. 2002). Có một bài viết nữa về TQ nhưng đó lại là bài Trả lời Thư của các đảng phái dân chủ, các nhân sĩ dân chủ không đảng phái và Hội liên hiệp công thương TQ (T.11, tr.385).
3. Một điểm rất cần được nhấn mạnh là trong bài viết duy nhất về cách mạng TQ, Bác Hồ đã thẳng thắn ca ngợi chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô N. Khruchov: “cuộc đi thăm nước Mỹ của đồng chí Khơrútsốp (in liền trong nguyên bản, T.9, tr.511-512, sic) càng làm cho nhân loại tiến bộ nức lòng phấn khởi và tăng thêm tin tưởng vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình thế giới”. Hầu như ai cũng biết TQ luôn gọi Khruchov là "xét lại" và Liên Xô là "đế quốc xã hội". Thế nhưng, Hồ Chủ tịch vẫn thẳng thắn ca ngợi mối quan hệ Xô - Mỹ - nghĩa là không hề ngần ngại khi đụng chạm vào điều “khó nói” của các nhà lãnh đạo Trung Hoa!
Rồi từ đó tán rằng:
Như vậy, nếu chúng ta đối chiếu với 4 bài viết về TQ trong 3 năm 1922-1924 so với một bài trong 10 năm thì sẽ thấy - hiểu khá rõ rằng, trong quan điểm của HCM, có không ít những điều Người (tuy không nói rõ ra) không đồng tình với cung cách hành xử của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Cách nhìn mẫn tiệp và sắc sâu ấy là điều mà chúng ta cần nghiên cứu và học tập. Không ngẫu nhiên mà những năm 1959-1969 là những năm TQ đang ủng hộ rất nhiều về cả tinh thần và vật chất cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta mà Chủ tịch HCM đã “quên” việc gửi thư cảm ơn hay điện mừng nhân dịp quốc khánh? Cách “quên” của thiên tài HCM buộc chúng ta phải suy nghĩ và, buộc tất cả những nhà nghiên cứu quan tâm tới vấn đề phải nhìn nhận một cách khách quan hơn, đúng đắn hơn.
... thì thật là quá đáng.
Không có gì bảo đảm rằng tất cả các văn bản ký tên Hồ Chí Minh đều đã được [phép] công bố đầy đủ, chính xác. Cứ nhớ lại chuyện năm bảy dị bản của di chúc thì đủ thấy sự thận trọng này không phải là thừa.