Monday, 3 August 2015

Truyện Mỵ Châu-Trọng Thủy có những chi tiết hoang đường? (Nguyễn Văn Toàn - Giáo Dục)


Truyện Mỵ Châu-Trọng Thủy có những chi tiết hoang đường?

(GDVN) - Trong truyện “Mỵ Châu – Trọng Thủy”, khi An Dương Vương bị quân Nam Hán truy đuổi, thần Kim Quy đã nổi lên và nói: “Giặc ở sau lưng nhà vua đó”. An Dương Vương nghe thấy liền rút kiếm chém đầu Mỵ Nương. Với hành động này, An Dương Vương rõ ràng đã xem con gái Mỵ Nương là giặc.

LTS: Trước thực trạng nhiều người cho rằng sách giáo khoa hiện nay không tường minh tên giặc, TS báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi theo nhiều chiều hướng khác nhau. Để rộng đường cho dư luận, chúng tôi trích đăng bức thư của độc giả Nguyễn Văn Toàn (Phú Hiệp, TP Huế).

Mơ hồ về tên giặc

SGK và kể cả giáo trình đại học & cao đẳng môn lịch sử Việt Nam đều có ghi chép chuyện Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân vào thời Hùng Vương. Vậy giặc Ân là giặc nào? Điều này cho đến nay vẫn chưa xác định được một cách chính xác.

Trong cuốn “Đại Việt Sử Ký Toàn thư Quyển I do Ngô Sỹ Liên biên soạn) có viết: “Hùng Vương lên ngôi, đặt quốc hiệu là Văn Lang. Đông giáp biển Nam Hải, tây đến Ba Thục, bắc đến hồ Động Đình, nam giáp nước Hồ Tôn”. 

Rõ ràng, nếu cương vực Văn Lang bao trọn lãnh thổ cư trú của Bách Việt (phía nam sông Dương Tử trở xuống) thì giặc Ân có thể là triều Ân Thương của Trung Quốc. Bởi Văn Lang với cương giới phía bắc gần với Ân Thương của tộc người Hán. Như vậy, tất nhiên phải chịu họa xâm lấn từ triều đại này.
Giặc Ân vẫn chưa được xác định một cách chính xác.

Thiết nghĩ, những người biên soạn SGK và giáo trình đại học & cao đẳng nên nghiên cứu sâu hơn về vấn đề cương vực của Nhà nước Văn Lang để gọi cho đúng tên lũ giặc xâm lược bị Thánh Gióng đuổi đánh. Chứ không nên gọi giặc Ân là một thứ giặc “huyền thoại” theo kiểu cái gì mơ hồ thì… tạm gác lại và đưa vào chú thích.

“Bỏ qua” nhiều loại giặc

Nếu tìm hiểu kỹ, nhiều loại giặc khác trong thời cổ đại của dân tộc như Đế Lai và Thục Phán cũng không được SGK đề cập đến. Đây là “lỗ hổng” đáng tiếc cho lịch sử Việt Nam và khiến người học thụ động tiếp thu kiến thức một chiều theo kiểu “dạy gì, hiểu nấy” hay theo kiểu “sau này lớn rồi sẽ biết”.

Trong truyện “Mỵ Châu – Trọng Thủy”, khi An Dương Vương bị quân Nam Hán truy đuổi, thần Kim Quy đã nổi lên và nói: “Giặc ở sau lưng nhà vua đó”. An Dương Vương nghe thấy liền rút kiếm chém đầu Mỵ Nương.

Với hành động này, An Dương Vương rõ ràng đã xem con gái Mỵ Nương là giặc. Nhưng đây là sự bao biện và cay cú của An Dương Vương khi thất trận. Đáng tiếc là trong suốt hai ngàn năm, khi nhắc đến câu chuyện này dân gian và kể cả SGK lại thêu dệt những điều hoang đường như ngọc trai biển Đông rửa tại Giếng Ngọc (nơi Trọng Thủy tự vẫn) thì ngọc sáng bội phần để chứng minh cho tính trong sạch của Mỵ Châu.

Thật ra, chỉ cần chứng minh rõ trách nhiệm Mỵ Châu đến đâu trong việc mất nước Âu Lạc vào tay Triệu Đà là đủ. Không nên sử dụng những điều hoang đường để chứng minh. Điều này khiến cho trẻ em khi học đến truyện này cảm thấy như muốn chứng minh một sự thật nào đó thì nhất thiết phải đầu rơi, máu chảy.
Quá khứ là giá đỡ và chiếc la bàn định vị cho hiện tại và tương lai. Một dân tộc không tường minh quá khứ của chính mình, dân tộc ấy không thể biết được mình đang đứng ở đâu trong cái thế giới vốn không có điểm chung về văn hóa – lịch sử. 

Do đó, việc xác định đúng và đủ tên giặc trong lịch sử cổ đại Việt Nam tuy là một vấn đề chỉ đơn thuần là “xác định” nhưng cũng chẳng phải là vấn đề dễ dàng. Chẳng hạn Đế Lai tuy là rõ ràng là giặc, cai trị tàn bạo Lĩnh Nam và bị Lạc Long Quân đánh đuổi nhưng lại là cha của Đức Mẹ Âu Cơ nên sử sách ta đã bỏ qua và không nhắc đến. Bên cạnh đó, do Thục Phán là vua Âu Lạc, được công nhận là một triều đại Việt Nam nên chẳng sử sách nào nói thẳng về việc nhân vật này đã xâm lược Văn Lang cũng như sự cai trị tàn bạo của vị vua này.

Truyện “Mỵ Châu – Trọng Thủy” được dân gian thêu dệt nhiều chi tiết hoang đường.

Hay như Mỵ Châu rõ ràng không phải là giặc. Nhưng Thần Kim Quy lại bảo là giặc và An Dương Vương tin theo. Điều đó có nghĩa mọi việc đều do An Dương Vương và hậu nhân sau này của nhân vật này bày vẽ ra để bao biện cho sự thất bại, nhưng suốt hai ngàn năm chẳng ai chú ý đến chi tiết này. Bởi không có chuyện là thánh thần mà không biết rõ sự tình và không trừng trị An Dương Vương vì những gì nhân vật này đã gây ra. Ngược lại Mỵ Châu vừa mang tiếng là giặc vừa phải chịu cái chết thương tâm. Như thế là sự công bằng chăng?
Thậm chí, nhiều sử sách còn cho rằng Triệu Đà cũng được xếp vào hàng vua nước Việt và nhiều vùng ở phía Bắc còn thờ Triệu Đà và Trọng Thủy. Như vậy, nếu theo quan điểm “thắng làm vua, thua làm giặc” thì không phải An Dương Vương sau khi thất trận là giặc hay sao? Nếu đã gọi Triệu Đà xâm lược Âu Lạc là giặc thì tại sao không gọi An Dương Vương là giặc? Bởi hai nhân vật này đều là “ngoại tộc” so với dân tộc Việt (một Khương, một Hán).
Do đó, đừng nói là việc quên nêu tên giặc sẽ gây ra hệ lụy lớn mà ngay cả việc xác định không xác đáng vấn đề “ai là vua, ai là giặc” cũng có thể làm méo mó đi lịch sử của dân tộc vốn còn nhiều sự hồ nghi, mơ hồ

Sunday, 2 August 2015

Hội thảo “Cao Lỗ - danh tướng thời dựng nước” (Khánh Huyền - Quân Đội Nhân Dân)

Hội thảo “Cao Lỗ - danh tướng thời dựng nước”
QĐND - Thứ tư, 16/01/2013 | 14:29 GMT+7
QĐND Online – Hội thảo “Cao Lỗ - danh tướng thời dựng nước” đã tập trung làm sáng tỏ những cống hiến, thân thế, sự nghiệp và đóng góp của danh tướng Cao Lỗ đối với dân tộc Việt Nam, do Bộ VH,TT&DL và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh; Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức vào ngày 16-1, tại Hà Nội. Đến dự hội thảo có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam và nhiều đại biểu.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Tôi cho rằng, đây một cuộc hội thảo rất có ý nghĩa, là dịp để tôn vinh, thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, đồng thời rút ra những bài học lịch sử cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta ngày nay. Tôn vinh công đức của Tướng quân Cao Lỗ, của những bậc tiền nhân có công với dân, với nước là đạo lý truyền thống của dân tộc ta, là nền tảng văn hóa tinh thần làm nên sức mạnh vô địch, sức sống trường tồn của đất nước ta”.
Nói về công lao của bậc tiền nhân này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Cao Lỗ Vương là một Danh tướng đã giúp Vua Thục Phán – An Dương Vương dựng nên nhà nước Âu Lạc, đã hiến kế với nhà vua dời Đô xuống đồng bằng và giúp nhà Vua xây thành Cổ Loa; đã chế ra Nỏ Liên Châu, được xem là “nỏ thần” “linh quang thần cơ” – vũ khí thần dũng vô địch để giữ nước Âu Lạc với lời nói được truyền tụng “Giữ được nỏ thần thì giữ được thiên hạ, mất nỏ thần sẽ mất cả thiên hạ”. Người có tầm nhìn xa, tỉnh táo, cảnh giác và đầy bản lĩnh để can ngăn nhà Vua không sa vào quỷ kế của kẻ thù, dù vì điều đó mà bị Vua xa lánh. Nhưng khi đất nước bị xâm lược, Tổ quốc lâm nguy, Người lại ra phò Vua cứu nước, tử tiết trước trận tiền, để lại danh thơm muôn thuở cho hậu thế. Danh tướng Cao Lỗ là một vị anh hùng dân tộc, biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trong thời đầu dựng nước, được nhân dân ta sùng kính, thờ phụng ở nhiều nơi trong suốt hàng nghìn năm lịch sử. 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội thảo “Cao Lỗ - danh tướng thời dựng nước”
Theo Giáo sư Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Cao Lỗ là người kiên quyết chống ngoại xâm, có tầm xét đoán tinh tường, thấy rõ âm mưu của Triệu Đà, đã từng khuyên can nhà vua không được mắc mưu kẻ thù. Nhưng rất tiếc là An Dương Vương đã bị những mưu toan quỷ quyệt của đối phương làm cho mất cảnh giác, lại bị nội thần gièm pha, đuổi Cao Lỗ và Nồi Hồi ra khỏi kinh thành. Khi thành Cổ Loa bị quân Triệu vây hãm và tấn công, Cao Lỗ và Nồi Hồi lại tự nguyện trở lại tham gia chiến đấu. Theo truyền thuyết vùng Cổ Loa thì Cao Lỗ đã hy sinh trong trận chiến ở Cửa Bắc và đến nay, tại khu vực này vẫn còn ngôi miếu thờ vị danh tướng trung thành, quả cảm được nhân dân đời đời tôn vinh. Cũng có truyền thuyết nói Cao Lỗ bị thương nặng, nhưng ôm đầu chạy qua Ái Mộ (Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) về đến Lục Đầu mới chết. Từ thời Trần, vị danh tướng họ Cao đã được phong là Quả Nghị Cương Chính Uy Huệ Vương.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc chế tạo, sử dụng vũ khí cung nỏ thời An Dương Vương, PGS.TS Lê Đình Sỹ-Đại tá, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam cho biết: Điều quan trọng nhất để tạo nên sức thần của nỏ Liên Châu chính là Cao Lỗ đã biết kỹ thuật chế ra những chiếc lẫy nỏ có chốt giữ liên hoàn để có thể một lần bóp cò bắn ra nhiều mũi tên xé gió có sức xuyên tốt, không những giết được nhiều giặc mà còn làm cho chúng khiếp sợ, quân địch rối loại, tan rã. Đó là điều bí mật thứ binh khí do Cao Lỗ sáng chế. Chế tạo thành công và sử dụng có hiệu quả nỏ Liên Châu là một trong những cống hiến lớn nhất của danh tướng Cao Lỗ trong sự nghiệp giữ nước thời An Dương Vương.
“Câu chuyện lịch sử về thời kỳ An Dương Vương nói chung và về danh tướng Cao Lỗ nói riêng mãi mãi còn được truyền tụng trong Truyện Rùa vàng (hay còn gọi là Truyện Mỵ Châu- Trọng Thủy)- một trong những sử thi dân gian Việt Nam nổi tiếng. Nội dung của truyện này là một bi kịch lịch sử, ấy là việc An Dương Vương đã lầm lỡ trúng vào kế ly gián của kẻ thù và tin vào những lồi sàm tấu của gian thần, rồi xa lánh, đày đọa những bậc nhân tài như danh tướng Cao Lỗ”, PGS.TS Nguyễn Minh Tường - Viện Sử học Việt Nam cho biết.
Bao quanh nhân vật Cao Lỗ còn nhiều huyền thoại, truyền thuyết thần thánh hóa một nhân vật được cộng đồng nhân dân quý mến, tôn thờ.
Những kết quả khai quật khảo cổ học trên đất Cổ Loa đã cung cấp nhiều thông tin khoa học để giải mã những bí ẩn của huyền thoại. Một hố mũi tên đồng Cổ Loa với hàng vạn chiếc được tình cờ phát hiện ở khu vực Cầu Vực năm 1959. Những dấu tích trong quá trình khai quật ở khu vực phía sau đền An Dương Vương đã tìm thấy cả một hệ thống lò đúc mũi tên đồng với những khuôn đúc ba mang bằng đá.
Thành Cổ Loa kiên cố, mũi tên đồng lợi hại, lực lượng chiến đấu mạnh nhưng bị hãm vào thế bao vây, bị tách khỏi nhân dân thì cuộc chiến đấu bị cô lập và thất bại là khó tránh khỏi. Những sai lầm của Vua Thục Phán – An Dương Vương là bài học về nhận thức đối với kẻ xâm lược, sử dụng người hiền tài.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN 

Saturday, 1 August 2015

Chuyện tìnhTrọng Thủy - Mỵ Châu (Lê Phước RFI)


Trọng Thủy - Mỵ Châu và bài học cảnh giác xâm lược
Chuyện tìnhTrọng Thủy - Mỵ Châu DR


    «Tôi kể người nghe chuyện Mỵ Châu», xin mượn câu thơ nổi tiếng này của nhà thơ Tố Hữu để bắt đầu một câu chuyện mang đẫm màu sắc huyền thoại của lịch sử Việt Nam trong buổi đầu dựng nước : Chuyện tình Trọng Thủy-Mỵ Châu. Cũng như tất cả các dân tộc trên thế giới, lịch sử Việt Nam thường có những câu chuyện mang màu sắc huyền thoại. 

    Đó chính là một trong những phần tinh túy và thiêng liêng nhất, nó góp phần tạo nên một sợi dây vô hình buộc chặt tâm hồn con người vào đất nước quê hương mình. Thế nhưng, giá trị lớn nhất của lịch sử là « ôn cố tri tân », tức để cho hậu thế xem xét mà rút ra những bài học kinh nghiệm cho cuộc sống. Trong chuyện tình Trọng Thủy-Mỵ Châu, gấp sách lại, xin đừng tự hỏi rằng có những chỗ đáng tin hay không đáng tin, mà điều quan trọng là nên tự hỏi rằng : Câu chuyện đó muốn kí thác điều gì cho hậu thế ?
    Chuyện tình Trọng Thủy-Mỵ Châu gắn liền với lịch sử ngàn năm Bắc Thuộc của nước Việt Nam thuở trước, bởi sự kiện An Dương Vương mất nước đã bắt đầu thời kỳ Bắc thuộc của lịch sử Việt Nam. Câu chuyện này được sách sử ghi lại như thế nào ?
    Đại Việt sử ký toàn thư thời Hậu Lê
    Đầu tiên đến với bộ Đại Việt sử ký toàn thư, là bộ quốc sử bằng chữ Hán viết theo thể biên niên, ghi chép lịch sử Việt Nam từ thời Kinh Dương Vương năm 2879 trước Công nguyên (TCN) đến năm 1675 đời vua Lê Gia Tông nhà Hậu Lê (1428-1879). Bộ sử này được khắc in toàn bộ và phát hành lần đầu tiên vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hoà năm thứ 18, triều vua Lê Hy Tông, tức là năm 1697, được xem là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, do nhiều đời sử quan trong Sử quán triều Hậu Lê biên soạn.
    Về chuyện Trọng Thủy-Mỵ Châu, Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: “ Bấy giờ Thục Vương đắp thành ở Việt Thường, rộng nghìn trượng, cuốn tròn như hình con ốc, cho nên gọi là Loa Thành (Nay còn di tích ở huyện Đông Anh, Hà Nội), lại có tên là thành Tư Long (người nhà Đường gọi là thành Côn Lôn (Côn Lôn: Tên dãy núi Trung Quốc ở miền Tân Cương - Tây Tạng, vì thành rất cao). Thành này cứ đắp xong lại sụt, vua lấy làm lo, mới trai giới khấn trời đất và thần kỳ núi sông, rồi khởi công đắp lại.
    Bính Ngọ, năm thứ 3 (255 TCN), mùa xuân, tháng 3, chợt có thần nhân đến cửa thành, trỏ vào thành, cười mà nói rằng: " Đắp đến bao giờ cho xong! ". Vua mời vào điện hỏi, thần nhân trả lời:" Cứ đợi giang sứ đến ". Rồi cáo từ đi ngay.
    Sáng hôm sau, vua ra cửa thành, quả thấy có con rùa vàng bơi trên sông từ phía đông đến, xưng là giang sứ, nói được tiếng người, bàn được việc tương lai. Vua mừng lắm, để vào mâm vàng, đặt mâm lên trên điện. Vua hỏi về nguyên nhân thành sụp, rùa vàng đáp: " Đó là do tinh khí núi sông vùng này bị con vua trước phụ vào để báo thù nước, nấp ở núi Thất Diệu. Trong núi có con quỷ, đó là người con hát thời trước chôn ở đấy hóa làm quỷ. Cạnh núi có cái quán, chủ quán tên là Ngộ Không, có một đứa con gái và một con gà trắng, đó là dư khí của tinh, phàm người qua lại, ngủ đêm ở đấy, đều phải chết vì bị quỷ làm hại. Chúng có thể gọi nhau họp đàn lũ, làm cho sụp thành. Nếu giết con gà trắng để trừ tinh khí ấy, thì thành tự nhiên được bền vững ». Vua đem rùa vàng đến quán ấy, giả làm người ngủ trọ. Chủ quán nói : " Ngài là quý nhân, xin đi ngay, chớ lưu lại đây mà bị họa". Vua cười nói : "Sống chết có mệnh, ma quỷ làm gì nổi ?  ".
    Rồi ngủ lại quán. Đến đêm nghe tiếng tinh quỷ từ ngoài đến gọi mở cửa, rùa vàng liền quát mắng, quỷ không vào được, đến khi gà gáy thì lũ quỷ tan chạy hết. Rùa vàng xin vua đuổi theo. Tới núi Thất Diệu thì tinh khí biến mất, vua trở về quán. Sáng sớm, chủ quán tưởng vua đã chết rồi, gọi người đến để khâm liệm đem chôn. Thấy vua vẫn vui vẻ cười nói, chủ quán liền sụp lạy nói: " Ngài làm sao được như thế, tất phải là thánh nhân! ". Vua xin con gà trắng giết để tế. Gà chết, con gái chủ quán cũng chết theo. Vua liền sai người đào núi, thấy có nhạc khí cổ và xương người, đem đốt thành tro, rải xuống sông, yêu khí mới mất hẳn.
    Từ đấy, đắp thành không quá nửa tháng thì xong. Rùa vàng cáo từ ra về. Vua cảm tạ, hỏi rằng:" Đội ơn ngài thành đắp đã vững, nếu có giặc ngoài đến, thì lấy gì mà chống giữ ? " Rùa vàng bèn trút chiếc móng trao cho vua và nói: " Nước nhà yên hay nguy đều do số trời, nhưng người cũng nên phòng bị; nếu có giặc đến thì dùng móng thiêng này làm lẫy nỏ, nhằm vào giặc mà bắn thì không phải lo gì  ". Vua sai bề tôi là Cao Lỗ (có sách chép là Cao Thông) làm nỏ thần, lấy móng rùa làm lẫy, đặt tên là Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ”.

    Các bộ sử sau Đại Việt sử ký toàn thư
    Đại Việt Sử ký toàn thư đã ghi lại câu chuyện như vậy, và các thế hệ sử gia đời sau cũng tiếp nối, ghi lại câu chuyện nhuốm màu thần thoại này một cách tương tự.
    Một bộ sử đồ sộ khác của Việt Nam ra đời hồi thế kỷ 19 là Khâm định Việt Sử Thông Giám Cương mục do Quốc sử quán Triều Nguyễn (1802-1945) biên soạn chép rằng: “ Tháng ba, Năm Bính Ngọ 255 TCN,Thục An Dương Vương năm thứ 3, đắp xong Loa thành. Vua Thục đắp thành ở Phong Khê, rộng đến nghìn trượng, xoáy tròn như hình trôn ốc, nên gọi là Loa thành, lại gọi là thành Tư Long ”.
    Đi vào chi tiết, chuyện Trọng Thủy-Mỵ Châu được ghi lại trong bộ sử này không có gì khác biệt so với bộ Đại Việt Sử ký toàn thư ra đời cách đó hai thế kỷ. Thế nhưng, có một nét đáng chú ý là các sử gia triều Nguyễn, khi kể lại câu chuyện này, đã ghi rất rõ : Chép theo sử cũ, mà sử cũ cụ thể là sử nào thì họ không nói rõ. Điều đó muốn nói rằng, dù câu chuyện có nhiều chi tiết hư cấu, nhưng các sử gia này xin chép lại « theo sử cũ » để cho hậu thế được biết.
    Đến bộ Việt Sử Tiêu Án ra đời năm 1775 của Ngọ Phong Ngô Thì Sĩ, chuyên bàn luận về những câu chuyện lịch sử còn nhiều nghi vấn, thì câu chuyện xây thành Cổ Loa và nỏ thần được ghi lại giống y như chuyện của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, nhưng cũng dẫn chuyện bằng ba chữ: “ Sử cũ chép…”, và còn thể hiện quan điểm rõ ràng về những chi tiết không có thật: “ Việc ma làm đổ thành, có thể tin được không? Phàm vật gì trái thường thì gọi là yêu, yêu khí thắng thì tất phải có nương tựa vào cái gì đó, nhưng mà nương tựa vào con gà và người con gái mà làm đổ được thành, thì không có lẽ nào ”.
    Năm 1919, Lệ Thần Trần Trọng Kim làm quyển Việt Nam Sử Lược, dành một chương cho Nhà Thục của Thục Phán An Dương Vương, trong đó cũng ghi lại câu chuyện Thục Phán An Dương Vương xây thành Cổ Loa, rồi đến chuyện tình Trọng Thủy-Mỵ Châu, với nội dung cũng không có gì khác so với Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Tuy nhiên, sử gia Trần Trọng Kim cũng ghi rõ: “ Tục truyền rằng…”, đã cho thấy quá rõ ý của ông.
    Còn nhiều chi tiết cần khảo cứu thêm
    Không chỉ chuyện xây dựng Loa Thành và chuyện Nỏ Thần mang nhiều chi tiết khó tin, mà đến một số chi tiết trong chuyện tình Trọng Thủy-Mỵ Châu cũng còn cần phải khảo cứu thêm. Chẳng hạn như chi tiết quan trọng nhất thể hiện sự chung thủy trong mối tình này là việc Trọng Thủy nhảy xuống giếng chết để tạ tình của Mỵ Châu, cũng còn nhiều bàn cãi.
    Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trọng Thủy có người con trai là Triệu Hồ, sau này trở thành người nối ngôi Triệu Đà vào năm 137 TCN và qua đời năm 124 TCN ở tuổi 52. Căn cứ vào năm mất và số tuổi thọ được ghi, ta thấy Triệu Hồ sinh năm 175 TCN. Ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư về cuộc đời Trọng Thủy có chỗ không lô-gich: Một mặt Trọng Thủy được xác định chết khi diệt xong Âu Lạc vào năm 208 TCN, thế mà con trai ông lại sinh vào năm 175 TCN, tức sau khi ông mất đến 33 năm. Liệu ông có còn người con nào khác chăng? Theo khảo cứu của tác giả bài viết này, thì sách sử chỉ thấy nói đến người con trai mang tên là Triệu Hồ nói trên của Trọng Thủy.
    Sử ký của Tư Mã Thiên đời nhà Hán được viết từ năm 109 TCN đến 91 TCN cho biết, Nam Việt của Triệu Đà đánh bại Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương vào khoảng năm 179 TCN. Tuy vậy, nếu Trọng Thủy chết theo Mỵ Châu lúc này thì ông cũng không thể là cha của Triệu Hồ, vì khoảng cách từ khi ông qua đời tới khi Triệu Hồ ra đời là 4 năm. Còn nếu như giả thiết năm sinh của Triệu Hồ là 175 TCN là đúng, thì ta có thể xác định Trọng Thủy còn sống ít nhất tới năm 175 TCN chứ không tự sát vì Mỵ Châu vào năm 208 TCN.
    Mặt khác, qua kết quả khảo cổ mộ Triệu Văn Vương (cháu nội của Triệu Đà, là vua thứ hai của Nam Việt) được khai quật ở Quảng Châu thuộc Quảng Đông Trung Quốc, Triệu Hồ được xác định là người qua đời ở tuổi khoảng từ 35-40 tuổi, không phải là người ngoài 50 tuổi như ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư. Nếu Triệu Hồ mất năm 124 TCN và chỉ sống có 35-40 năm, thì Trọng Thủy còn sống ít nhất tới năm 164 TCN-159 TCN và mất trước năm 137 TCN (năm mất của Triệu Đà), chứ không phải mất vào cái năm đánh bại Âu Lạc 208 TCN, tức cũng không thể nhảy xuống giếng tạ tình Mỵ Châu cho được.
    Một chi tiết khác đáng chú ý nữa là, Khâm định Việt sử thông giám cương mục nhà Nguyễn chỉ nhắc tới việc Trọng Thủy lừa Mỵ Châu để phá nỏ thần, rồi theo dấu lông ngỗng mà truy sát cha con An Dương Vương, chứ không nói tới việc Trọng Thủy tự vẫn chết theo Mỵ Châu và cũng không nói tới tuổi thọ của Triệu Hồ.
    Bài học mất nước thời dựng nước
    Đến đây ta có thể thấy rằng, dù có bỏ qua những chi tiết huyền thoại không thể chứng minh, thì chuyện tình Trọng Thủy-Mỵ Châu vẫn còn nhiều chi tiết chưa thống nhất. Vậy thì các sử gia đời trước đã trang trọng chép lại chuyện tình đầy nét huyền thoại này với mục đích là để cho hậu thế có thể « ôn cố tri tân », ngẫm nghĩ việc xưa mà rút ra bài học cho cuộc sống hiện tại.
    Cũng cần nói thêm, hẳn không khỏi có những mối nghi ngại khi sử dụng tài liệu truyền thuyết. Thực ra, giới nghiên cứu đã nhiều lần có những phân tích đầy tính thuyết phục về giá trị sử liệu của truyền thuyết dân gian, đặc biệt đối với những giai đoạn lịch sử người Việt chưa có chữ viết như thời Hùng Vương - An Dương Vương. Như vậy, trong các truyền thuyết lịch sử, bao giờ bên trong vỏ bọc hoang đường thần thoại cũng chứa đựng cái cốt lõi chân thực của những sự kiện, những vấn đề lịch sử có thực.
    Vậy thì, khi bỏ qua những chi tiết phép màu, chuyện Trọng Thủy-Mỵ Châu chứa đựng những cốt lõi lịch sử nào ? Ở đây, có hai sự thực lịch sử được phơi bài : Chuyện cái nỏ của người Âu Lạc và chuyện An Dương Vương mất nước.
    Bàn về « nỏ thần » của người Việt, có lẽ vì người Việt khi ấy sử dụng rất hiệu quả vũ khí tên là «nỏ », bởi thế mà kẻ thù phương Bắc có phần khiếp sợ chăng ?
    Về vấn đề này, sử gia Trần Thị Mai, Phó giáo sư, Tiến sỹ lịch sử Việt Nam, trưởng Phòng sau đại học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng :
    «Nỏ là vũ khí để săn bắn thú rừng làm nguồn thức ăn. Nỏ là vũ khí để tự vệ khi đi nương, đi rẫy, đi rừng. Nỏ là vũ khí để tự vệ chống xâm lăng. Trong cuộc kháng chiến chống lại đội quân xâm lược nhà Tần (214 - 208 TCN) và trong cuộc kháng chiến chống lại đội quân xâm lược của Triệu Đà (206-179 TCN), nỏ là ưu thế quân sự của người Việt. Để chống lại đội quân xâm lược của Triệu Đà, tướng sĩ Âu Lạc đã sử dụng nỏ liên châu, một loại nỏ đã được cải tiến có thể bắn được nhiều mũi tên cùng lúc. Nhờ đó, thành Cổ Loa đã được bảo vệ vững chắc trong hơn 20 năm trước sức tấn công của quận đội nhà Triệu. Kết quả khai quật khảo cổ học tại Cổ Loa bởi các nhà khảo cổ học Việt Nam vào năm 1959 đã tìm thấy lẫy nỏ và hơn 10.000 mũi tên đồng, minh chứng cho kỹ thuật chế tác nỏ và khả năng sử dụng nỏ cùng mũi tên đồng của quân dân Âu Lạc thuở ấy ».
    Như vậy, câu chuyện cái nỏ là có thật, « nỏ thần » trong truyền thuyết Trọng Thủy-Mỵ Châu là để chỉ tài dùng nỏ « thần kỳ » của người Âu Lạc. Đó là một thế mạnh quân sự của người Âu Lạc làm khiếp sợ kẻ thù. Và bí quyết của sức mạnh quân sự đó đã bị kẻ thù nắm được, dẫn đến họa mất nước.
    Sử gia Trần Thị Mai tổng kết bài học lịch sử đắt giá này như sau :
    « Nỏ liên châu và mũi tên đồng là có thật. Trọng Thủy là nhân vật có thật, đã từng tham chiến cùng cha của ông là Triệu Đà trên chiến trường Âu Lạc. Tuy nhiên, câu chuyện Nỏ thần và chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy lại mang đậm chất hư cấu, huyền sử. Người xưa sáng tạo nên những câu chuyện này là muốn nhắc nhở chính mình và hậu thế không bao giờ được quên bài học cảnh giác, nhất là cảnh giác trước những âm mưu xảo quyệt của các thế lực ngoại xâm. Bài học về nàng Mỵ Châu "nỏ thần sơ ý trao tay giặc", về vua An Dương Vương mất cảnh giác nhận giặc làm con rể để đến nỗi "cơ đồ đắm biển sâu" thời nào cũng còn nguyên giá trị của nó ».
    Đến đây ta có thể tóm lại rằng, câu chuyện Trọng Thủy-Mỵ Châu để lại cho hậu thế một bài học vô cùng quí giá, đó là « bài học cảnh giác trước kẻ thù xâm lược ». Và như sử gia Trần Thị Mai khẳng định, bài học này thời nào cũng còn nguyên giá trị của nó. Bởi thế, bao thế hệ sử gia Việt Nam đã trang trọng chép lại, để cho hậu thế nhìn vào mà « ôn cố tri tân ».
    Để thay lời kết, sau đây xin mượn bài thơ của thi sĩ Tố Hữu, những lời thơ mà mỗi người Việt Nam luôn phải xem là «câu kinh nhật niệm» để tự nhắc nhở mình : Đừng bao giờ chủ quan để mất cảnh giác trước kẻ thù xâm lược.
    " Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu,
    Trái tim lầm chỗ để trên đầu.
    Nỏ thần vô ý trao tay giặc,
    Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu "
    .

    Friday, 19 June 2015

    Là Nguyễn Trãi chứ còn ai (An Chi - PetroTimes)


    (Petrotimes) - Bạn đọc: Vừa rồi, một vài báo có đăng bài của Đỗ Quyên Quyên nhan đề “Bình Ngô đại cáo không phải của Nguyễn Trãi?”. Tác giả cho biết Tiến sĩ Đỗ Văn Khang (nguyên Giảng viên ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn) đã chỉ ra rằng “Bình Ngô đại cáo” không phải của Nguyễn Trãi vì xét một cách khoa học thì đây chỉ có thể là của Lê Lợi. Xin hỏi ông An Chi có nhận xét gì về ý kiến của Tiến sĩ và xin ông cho biết ai mới là tác giả của “Bình Ngô đại cáo”. Hoàng Hoa (Hải Phòng)

    Học giả An Chi: Chúng tôi rất tiếc là đã không tìm được nguồn nào trực tiếp công bố nguyên văn ý kiến của TS Đỗ Văn Khang nên chỉ có thể dựa vào lời kể của Đỗ Quyên Quyên trong bài báo nói trên để phân tích mà thôi. Cứ tưởng TS Khang đưa ra chứng lý gì mới về văn bản học hoặc về sự kiện lịch sử nhưng thực ra ông cũng chỉ căn cứ trên những gì đã có để biện luận, mà lại biện luận một cách quá… sơ hở. Xin theo trình tự của những ý chính trong bài báo để nhận xét như sau.
    1. “TS Đỗ Văn Khang cho rằng, đối với “Bình Ngô đại cáo” thì Nguyễn Trãi chỉ là người thảo văn, bởi ông là thư ký bậc cao, Lê Lợi mới là người làm nên tác phẩm”.
    Nhưng ngay với luận điểm này thì chính TS Khang cũng đã vô tình thừa nhận Nguyễn Trãi là tác giả của “Bình Ngô đại cáo” rồi. Ông đã sử dụng hai đoản ngữ cùng chỉ một biểu vật là “người thảo văn” và “người làm nên tác phẩm”. Nếu “người thảo văn” không phải là “người làm nên tác phẩm” thì Nguyễn Du không phải là tác giả “Truyện Kiều”, Nhất Linh không phải tác giả của “Bướm Trắng”, Tô Hoài không phải tác giả của “Mười năm” và Bùi Ngọc Tấn cũng không phải là tác giả của “Chuyện kể năm 2000”, v.v… Lê Lợi đâu phải là người làm nên tác phẩm vì ông đâu có phải là người thảo văn.
    2. “TS Đỗ Văn Khang khẳng định “Bình Ngô đại cáo” không phải của Nguyễn Trãi vì xét về văn bản và lịch sử thì cuộc khởi nghĩa Lũng Nhai năm 1416 không có Nguyễn Trãi. Lúc đó, Nguyễn Trãi đang bị giam giữ ở Đông Quan...”. Đoạn này đã được trang tin điện tử Giáo dục Việt Nam đưa lên làm chapeau cho bài báo, có lẽ vì cho rằng đây là một luận điểm không thể đánh đổ được.
    Thực ra, trừ khi Nguyễn Trãi đã chết từ năm 1427 trở về trước thì ông mới không viết được “Bình Ngô đại cáo” chứ ngay cả trường hợp trong năm 1416 mà ông còn đang bị giam giữ ở Đông Quan thì sau đó hơn 10 năm ông vẫn có thể vung tay múa bút mà thảo ra bản thiên cổ hùng văn ta quen gọi là “Bình Ngô đại cáo” chứ. Bởi vậy cho nên tại diễn đàn vozforums.com ngày 25/9/2012, một thảo luận viên là Wildy mới đưa ra cái lý rất đơn giản mà hoàn toàn xác đáng, rằng đâu có cần tham gia hết cả cuộc kháng chiến thì mới có quyền viết bài tổng kết.
    Nhưng cùng ngày, cũng tại diễn đàn này, một thảo luận viên khác là Actemit đã chứng minh rằng “văn bản hội thề Lũng Nhai đã có cách đây mấy trăm năm có 18 người, trong đó có Nguyễn Trãi”. Actemit dẫn:
    “Phụ đạo lộ Khả Lam nước An Nam là Lê Lợi cùng Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Ninh, Lê Hiểm, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lê Nhân Chú, Lê Bồi, Lê Lý, Đinh Lan, Trương Chiến kính đem lễ vật, sinh huyết tấu cáo cùng Hạo nhiên Thượng đế, Hậu thổ Hoàng địa và các tôn linh thần bậc thượng, trung, hạ coi sông núi ở các xứ nước ta”.
    Thế thì ta phải xét xem có thật hồi 1416, Nguyễn Trãi đã không có mặt ở Lũng Nhai hay không. Nhưng dù có hay không, chỉ riêng với ý kiến đơn giản của Wildy thì cái cứ liệu của TS Đỗ Văn Khang mà trang tin Giáo dục Việt Nam đưa làm phần giới thiệu cho bài báo cũng đã không thể đứng vững được rồi.
    3. “Hơn nữa, ý kiến cho rằng “Nguyễn Trãi đã được Lê Lợi cho phép thay mặt nhà vua công bố Bình Ngô đại cáo” là không có cơ sở. Nếu viết theo kiểu “cho phép” thì văn chương phải khác, Nguyễn Trãi không thể xưng “ta” tới mười lần trong Bình Ngô đại cáo, bởi chỉ một lần xưng “ta”, Nguyễn Trãi có thể đã bị mất đầu […] Bề tôi mà xưng ra vua thì có mà thành «đảo chính»”.
    Chúng tôi xin thưa rằng, Nguyễn Trãi không chỉ “xưng ta” mà còn “xưng trẫm” nữa ấy chứ! Thật vậy, trong “Chiếu cầu hiền tài”, ông viết: “Trẫm nghĩ: Được thịnh trị tất ở việc cử hiền, được hiền tài tất do sự tiến cử […] Nay trẫm vâng chịu trách nhiệm nặng nề, sớm khuya lo sợ […]”. Trong “Chiếu bàn về phép tiền tệ”, ông viết: “[…] Mới đây có người dâng thư trình bày xin lấy tiền giấy thay cho tiền thực. Trẫm ngày đêm suy nghĩ, chưa biết làm ra thế nào […] Vậy trẫm ra lệnh cho các đại thần trăm quan và các sĩ phu trong ngoài […] đều phải bàn định sớm rồi tâu lên, trẫm sẽ thân hành chọn lọc để thi hành”. Trong “Chiếu truyền bách quan không được làm những lễ nghi khánh hạ”, ông viết: “Đẹp cung thất mà cao đài tạ, tất gây thói tục xa hoa; theo ý mình mà ức lòng người, tất đến trăm năm oán giận. Trẫm rất thẹn thùng về điều đó” v.v... và v.v... Những dẫn chứng trên đây, chúng tôi lấy từ “Nguyễn Trãi toàn tập”, in lần thứ hai, có sửa chữa và bổ sung (NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976, tr.194-196).
    Trên đây, sở dĩ chúng tôi viết “xưng ta”, “xưng trẫm” là vì muốn “nói theo” TS Khang chứ thực ra thì trong những trường hợp đang bàn, Nguyễn Trãi chỉ dùng “ta”, dùng “trẫm” thay cho Lê Lợi chứ nào có phải là ông tự xưng. Nếu ai ai cũng cảm thụ văn chương kiểu TS Khang thì, như NuocTinhKhiet đã viết trên vozforums.com ngày 25/9/2012, bài thơ “Nhớ rừng” không phải của Thế Lữ, mà là của con hổ!...
    Thực ra, việc thảo chiếu chỉ cho vua thì ở bên Tàu cũng có, mà lại còn là chuyện “quan bà” đảm nhận thay cho “vua bà” nữa kia. Đó là trường hợp của nữ quan xinh đẹp Thượng Quan Uyển 上 官 婉 兒   (664-710), thông minh, mẫn tiệp, làu thông thi thư, con gái của Thượng Quan Đình Chi, cháu nội của Thượng Quan Nghi. Uyển Nhi đã được nữ hoàng duy nhất của Tàu là Võ Tắc Thiên (624-705) trao cho trọng trách thảo chiếu chỉ và kiểm tra các biểu tấu dâng lên vua.
    Nhưng đâu chỉ phương Đông mới có chuyện này mà ở phương Tây cũng có, chẳng hạn trường hợp của Guillaume Poyet (1473-1548), quan đầu triều đời vua Franois Đệ nhất (1494-1547) của nước Pháp. Đứng đầu ngành tư pháp, chưởng ấn, chuyên thảo các sắc lệnh, tuyên cáo, chỉ dụ của vua (và đóng ấn vào đó), Poyet được xem như một phó vương. Được vua chỉ định suốt đời, ông ta chỉ có thể bị vua bãi chức nếu bị kết tội phản nghịch. Văn kiện quan trọng nhất gắn liền với tên tuổi của Guillaume Poyet là “Ordonnance de Villers-Cotterêts” (Sắc lệnh Villers-Cotterêts) gồm 192 điều do ông ta soạn thảo và được Franois Đệ nhất ký tại lâu đài của mình ở Villers-Cotterêts trong các ngày từ 10 đến 15/8/1539 (có tài liệu ghi đến ngày 25) rồi ban bố. Văn kiện này mở đầu bằng cú đoạn “Franois, par La grâce de dieu, Roy de France”, nghĩa là “Franois, nhờ Ơn Chúa, Vua của nước Pháp”. Tuy lời mở đầu là như thế nhưng tất cả các tác giả đều ghi nhận rằng, người làm ra văn kiện này là Guillaume Poyet. Nếu khăng khăng dựa vào mấy từ của lời mở đầu này mà nói rằng Guillaume Poyet chỉ là người thảo văn, còn Franois Đệ nhất mới là người làm nên sắc lệnh thì chẳng phải là đã đem râu của Poyet mà cắm vào cằm của Franois Đệ nhất hay sao? Xin nhớ rằng, cái sắc lệnh này đã gắn chặt với Poyet đến nỗi nó còn được gọi theo tên (Guillaume) của ông ta thành Guilelmine (hoặc Guillemine) nữa. Vâng, Guilelmine (hoặc Guillemine) chính là Sắc lệnh Villers-Cotterêts đấy.
    Vậy thì, với “Bình ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi hiển nhiên chính là Guillaume Poyet của Lê Lợi. Ông “xưng ta”, “xưng trẫm” cho Lê Lợi thì cũng y chang Poyet xưng Franois (bấy giờ chưa dùng “c”) cho… Franois Đệ nhất. Thế nhưng, ngoài TS Đỗ Văn Khang, có người cũng chỉ vì bệnh cuồng tín đối với Lê Lợi và nhà Lê mà đã đưa Lê Lợi lên tận mây xanh và “đánh tụt hạng” Nguyễn Trãi xuống hàng “công thần thứ 80”, mà còn “có thể thấp hơn”. Thật là điên rồ! Đó là tác giả Lê Anh Chí trong bài “Bình Ngô Đại Cáo là của Vua Lê Thái Tổ chẳng phải của Nguyễn Trãi!” trên www.LeAnhChi.com, mà nói chung, ý tứ cũng trùng với của TS Đỗ Văn Khang.
    Trở lên là những trường hợp tiêu biểu chứ trong chế độ phong kiến, đâu có phải hễ cứ chỉ dụ, sắc lệnh, tuyên cáo, v.v… của vua thì nhất nhất phải do vua tự mình soạn thảo lấy. Các vị vua, từ hôn quân cho đến minh vương, chẳng ai có ba đầu sáu tay!
    4. “Xét về vị thế để công bố “Bình Ngô đại cáo” thì chỉ có Lê Lợi, vì đó là sự nghiệp, công lao, thành tựu của ngài”.
    Ở chỗ này, TS Khang đã không phân biệt được “danh nghĩa của người ký [công bố] văn kiện” (sẽ gọi là “Người Ký”) với “cá nhân người đứng ra tuyên đọc văn kiện” đó (sẽ gọi là Người Đọc). Ai có xem phim cổ trang của Tàu, từ Tàu Hongkong, Tàu Đài Loan cho đến Tàu đại lục, đều có thể có dịp thấy rằng, chiếu vua mà xuống tới địa phương hoặc công đường, v.v... hữu quan thì làm sao có thể do vua đích thân mang đến! Vua chỉ là Người Ký chứ Người Đọc thì chỉ là khâm sai. Nếu thực sự Lê Lợi trao cho Nguyễn Trãi trách nhiệm “công bố” “Bình Ngô đại cáo” thì Nguyễn Trãi cũng chỉ là Người Đọc chứ Người Ký thì vẫn là Lê Lợi. Còn “người thảo văn” và  “người làm nên tác phẩm” ở đây đương nhiên vẫn cứ là Nguyễn Trãi. Sự thật rất rõ ràng.
    5. “Về tài năng, Lê Lợi là một vị vua lập ra vương triều Lê hưng thịnh, ngài là người quyết đoán, không chỉ giỏi việc võ mà còn có tài văn chương. Ngài từng sai Nguyễn Trãi làm sách: “Nam [sic] Sơn thực lục” rồi tự làm bài tựa ký tên là: “Lam Sơn Động Chủ””.
    Ý của TS Khang muốn kết luận rằng, do đó mà Lê Lợi cũng là tác giả của “Bình Ngô đại cáo”. Ý kiến này cũng không thể đứng vững được vì, như đã nói ở trên, các vị vua, từ hôn quân cho đến minh vương, chẳng ai có ba đầu sáu tay! Trong lịch sử của nước Pháp chẳng hạn, Louis XIV nổi tiếng là minh quân, ông vua đã làm rạng danh nước Pháp, được tôn xưng là Vua - Mặt Trời (Roi-Soleil), cũng phải nhờ đến người khác chứ có phải văn kiện nào cũng do ông ta ôm đồm thảo ra. Ông ta còn trăm công nghìn việc nữa ấy chứ, dĩ nhiên là kể cả việc đi săn ở khu rừng Vincennes. Bản “Tuyên cáo bốn điều” (Déclaration des Quatre Articles) nổi tiếng, chẳng hạn, từng đặt Louis XIV và Giáo hội Pháp vào thế đối đầu với Tòa Thánh La mã (mà vì quá căng nên cuối cùng Vua - Mặt Trời phải hủy bỏ việc giảng dạy nó trong các chủng viện vào năm 1693) là do ông ta sai Bossuet thảo ra đấy chứ. Vậy TS Khang cũng không có lý khi nói rằng, vì Lê lợi giỏi giang chữ nghĩa nên “Bình Ngô đại cáo” nhất thiết cũng phải do ông soạn ra.
    Vì những lý do trên nên chúng tôi vẫn bảo vệ ý kiến truyền thống về tác giả của “Bình Ngô đại cáo”. Đó chính là Nguyễn Trãi, chẳng phải ai khác.
    A.C

    Thursday, 18 June 2015

    Bàn lại vấn đề tác giả “Bình Ngô đại cáo" và “Quân trung từ mệnh tập" (Hoàng Tuấn Phổ)

    Bàn lại vấn đề tác giả “Bình Ngô đại cáo" và “Quân trung từ mệnh tập"

         Hoàng Tuấn Phổ

    Cho đến nay, có lẽ chẳng còn mấy ai không nói và viết rằng: Bình Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh tập đều là những tác phẩm của Nguyễn Trãi. Sự thực, vấn đề tác giả ở đây không thể quan niệm đơn giản như các tác phẩm văn chương khác.
    Theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn: “Lê Lợi lên ngôi vua tại điện Kính Thiên...đặt tên nước là Đại Việt, đổi niên hiệu, đại xá thiên hạ, ban lời cáo rằng...”[1]
    Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Vua đã bình được giặc Ngô, bố cáo khắp thiên hạ, lời cáo như sau...”[2]

    Như vậy, trong chính văn của các bản chính sử nói trên đều không ghi tên ai là tác giả đích thực bài đại cáo. Riêng sách Đại Việt sử ký toàn thư (NXB Khoa học xã hội-1972) dưới bản dịch bài cáo có chua dòng chữ: (Bài Đại cáo này là do văn thần Nguyễn Trãi soạn). Lời phụ chú này tất nhiên không phải là chính văn, thì, một là sự việc không được chính thức ghi nhận, hai là do người nào đó thêm vào sau khi văn bản chính hoàn thành. Bản thân Nguyễn Trãi chỉ được gọi là “văn thần”, không có chức vụ, tước vị, không phải văn chép sử. Ở đây, chúng ta chú ý chữ “soạn” với chữ “tác”, chữ “tác” với chữ “thuật”. Nếu bài cáo là của Nguyễn Trãi, do Nguyễn Trãi tự làm thì phải dùng thữ “tác” (sáng tác). Chữ “soạn” thường dùng cho loại văn từ hàn, tức là loại văn bản mang tính quốc gia, do Viện Hàn lâm soạn thảo theo lệnh bề trên. Bài Đại cáo bình Ngô trước hết là một văn kiện chính trị, lịch sử, có lẽ vì đậm chất văn chương nên được người soạn sách giáo khoa đưa vào môn văn trường học, coi như một tác phẩm văn học, bởi thế Nguyễn Trãi soạn giả, nghiễm nhiên thành Nguyễn Trãi tác giả! Nói rõ hơn về phương diện chính trị-lịch sử, Đại cáo là lời của Hoàng đế Lê Lợi bố cáo với thiên hạ. Nhà vua chịu trách nhiệm trước lịch sử, trước thiên hạ về mỗi câu, mỗi chữ trong bài cáo. Nguyễn Trãi giỏi thơ văn, nhưng ông không thảo ra bài cáo với tư cách tác giả, mọi thứ giấy tờ khi được nhà vua phê duyệt thì văn bản ấy thuộc về triều đình, của triều đình, người soạn thảo không còn phải chịu trách nhiệm gì cả. Với Nguyễn Trãi, lúc ấy chức vụ của ông là thừa chỉ. Chữ “thừa chỉ” nói rõ nhiệm vụ của ông là vâng lệnh vua (thừa) soạn thảo giấy tờ (lệnh chỉ). Đối với bài Cáo bình Ngô vô cùng quan trọng này, Nguyễn Trãi soạn xong dâng lên, (thực tế có thể đã được sửa chữa, bổ sung nhiều lần theo ý Lê Lợi, trước khi bố cáo-HTC) được Lê Lợi châu phê là thở phào nhẹ nhõm như trút xong gánh nặng, coi như xong phận sự, hết trách nhiệm  Nếu Nguyễn Trãi dám nhận mình là tác giả, sau khi tác phẩm đã tuyên cáo rồi, bị phát hiện hay phê phán có chỗ sai, chữ nào lỗi thì không khỏi mắc tội với triều đình. Cho nên, công việc ấy thuộc về nguyên tắc, soạn giả, không thể thành tác giả. Cho nên, sử sách không ghi chép Chiếu dời đô do ai viết, mà chỉ biết là của Lý Công Uẩn. Đối với các sự kiện chính trị-lịch sử quan trọng khác cũng vậy.
    Đi vào nội dung Bình Ngô đại cáo, vận dụng phương pháp nghiên cứu văn bản, chúng ta có thể tìm ra kết luận trong cách so sánh thú vị:
    Lê Lợi nói:
    “Việc dụng binh lấy sự toàn quân là hơn cả. Nay ta hãy để cho lũ Vương Thông về nói với vua Minh trả lại đất nước ta, không còn trở lại xâm lấn, thì ta còn cần gì hơn nữa, hà tất phải giết hết để kết mối thù với nước lớn?”[3]

    Bình Ngô đại cáo viết:
    “Chúng đã sợ chết tham sống mà thực muốn cầu hòa
    Ta lấy toàn dân làm cốt mà cho dân được nghỉ.
    ...Xã tắc do đó được yên
    Non sông do đó đổi mới”

    Lê Lợi nói:
    “Xưa vì họ Hồ vô đạo, cho nên giặc Minh nhân đó mà cướp nước ta, sự tàn ngược tưởng các ngươi đều thấy cả”[3]

    Bình Ngô đại cáo viết:
    “Vừa đây họ Hồ chính sự phiền hà
    Để đến nỗi nhân tâm oán giận
    Giặc Minh thừa dịp làm hại dân ta
    ...Thui dân đen trên lò bạo ngược...”

    Lê Lợi nói:
    Các vị tướng giỏi thời xưa thường bỏ chỗ kiên cố mà đánh vào nơi nứt rạn, lánh chỗ  nhiều, mà đánh chỗ ít...”[3]

    Bình Ngô đại cáo viết:
    “Lấy yếu chống mạnh, thường đánh bất ngờ
    Lấy ít địch nhiều, hay dùng quân mai phục”

    Lê Lợi nói:
    “Binh pháp có câu: không cần đánh mà đối phương phải khuất phục. Đó là thượng sách của nhà binh vậy!”[3]

    Bình Ngô đại cáo viết:
    “Ta mưu đánh vào lòng, không chiến mà cũng thắng”
    Như vậy khá rõ là nhiều ý kiến (lời dụ bảo) của Lê Lợi đã được Nguyễn Trãi (vâng mệnh) đưa vào bài đại cáo một cách khéo léo, tài tình. Cho đến những câu: “Lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn, lấy chí nhân mà thay cường bạo”, chúng ta tưởng đó là tư tưởng lớn của Nguyễn Trãi thì cũng là sự khái quát hóa súc tích chủ trương và hành động của Lê Lợi trong khởi nghĩa Lam Sơn. Ví dụ khi bình định châu Trà Long (1424) Lê Lợi ra lệnh các quân sĩ không ai được xâm phạm mảy may của dân, còn các quân địch đều được xá tội hết, không giết một tên nào. Hoặc khi Vương Thông sắp kéo quân về nước, các tướng sĩ và người nước ta vì căm giận nên khuyên vua giết cả. Lê Lợi bảo rằng: trả thù báo oán là thường tình của mọi người, mà không thích giết người là bản tâm của người nhân. Vả lại, người ta đã hàng rồi mà giết thì thì việc bất tường (tức không lành, không phải điều tốt-HTC) không gì bằng. Chi bằng tha mạng cho ức vạn người mà tuyệt mối chiến tranh cho sau này...[3]
    Chính Nguyễn Trãi cũng đã từng ca ngợi tư tưởng lớn ấy của hoàng đế Lê Lợi trong các bài thơ, phú chữ Hán của ông như Hạ quy Lam Sơn I, Hạ quy Lam Sơn II, Chí Linh sơn phú...
    -Nhân nghĩa duy trì quốc thế an
    (Giữ nhân nghĩa để thế nước được yên)
    -Đương thời chí dĩ tại thương sinh
    (Bấy giờ cái chí vua đã thương dân)
    -v.v...(4)
    Trong bài đại cáo có một số chỗ chắc chắn nằm ngoài ý nghĩ và quan niệm của Nguyễn Trãi, như đối với họ Hồ, ông coi là bậc anh hùng, nhưng bắt buộc phải nói lời phê phán rất nặng. Chứng cớ là bài Quan hải, ông viết: “Anh hùng di hận kỷ thiên niên” (Anh hùng để hận mấy ngàn năm) nhưng ở Bình Ngô đại cáo, họ Hồ lại bị coi là kẻ có tội phản dân hại nước. Lại nữa, cách gọi Minh thiên tử Trung Hoa bằng những chữ: “Tuyên Đức chi giảo đồng” (thằng nhãi ranh Tuyên Đức) là của Thuận Thiên hoàng đế, không thể nào một chức quan Hàn lâm như thừa chỉ Nguyễn Trãi dám tự ý dùng bừa cho bài đại cáo nghiêm trang...
    Trường hợp Quân trung từ mệnh tập cũng có tính chất tương tự.
    Quân trung từ mệnh tập còn gọi là Quân trung từ lệnh tập. Ngay ở tên sách (do người sưu tầm đặt) mấy chữ “từ lệnh” hay “từ mệnh” đã chỉ rõ đây là những giấy tờ được soạn thảo theo mệnh lệnh của Bình Định vương Lê Lợi trong thời gian chống giặc Minh. Những thư từ gửi quan tướng nhà Minh, tất nhiên Lê Lợi phải cho nội dung trước để thừa chỉ Nguyễn Trãi nắm được ý đồ mà sai khiến ngòi bút. Đối với quan tướng nhà Minh thâm hiểm, xảo quyệt khó lường trước, có thể nào Lê Lợi lại “khoán trắng” cho Nguyễn Trãi? Hẳn là từng bức thư gửi đi, mỗi giấy tờ giao dịch, phải được soạn thảo dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Lê Lợi. Về phía Nguyễn Trãi, một bậc đại trí, lẽ nào không hiểu cái thế của mình thế nào? Ông là dòng dõi bên ngoại nhà Trần, hai cha con từng làm quan nhà Hồ, được Lê Lợi dùng nhưng chắc đâu đã được tin. Trong văn chương, ông luôn luôn nhắc đến “đạo làm con mấy đạo làm tôi” của mình như để khẳng định (hay thanh minh?) tấm lòng trung hiếu trước sau không hề thay đổi. Nhưng triều Lê có tin ông đâu!
    Khi tiến quân vào bao vây thành Đông Đô, Lê Lợi ban lời dụ: “Có bậc văn nhân tài tử nào chưa ra làm quan mà có thể viết thư đưa vào thành Đông Đô, khuyên được tướng tá trong đó mở cửa thành ra hàng hoặc giảng hòa để về nước, sẽ đặc cách trọng dụng ngay”.
    Như vậy, ở lĩnh vực “từ lệnh” trong quân, Lê Lợi không chỉ tín nhiệm riêng Nguyễn Trãi, và Nguyễn Trãi cũng không phải là người độc quyền soạn thảo mọi thư từ giao dịch với quân Minh. Mặt khác, Lê Lợi nhằm vào loại “văn nhân tài tử chưa ra làm quan” để kêu gọi, tức là trong đám “văn nhân tài tử” đã ra làm quan không có ai đương nổi việc vô cùng khó khăn ấy. Cho nên Quân trung từ mệnh (do Trần Khắc Kiệm sưu tầm, đời Lê Thánh tông bị thất lạc, gần 400 năm sau, đời Minh Mạng, Thiệu Trị, nhóm Dương Bá Cung mới hợp sức sưu tầm lại) chắc có cả những bài không do Nguyễn Trãi soạn thảo[5]. Hơn nữa, chúng ta không nên đề cao tuyệt đối những gì chỉ có giá trị tương đối. Bấy giờ giặc Minh mưu mô rất xảo quyệt, thái độ rất ngoan cố. Nếu chúng không bị dồn đến chân tường thì thư gọi hàng hay giảng hòa phỏng có tác dụng gì? Mấy lần Vương Thông chẳng nhận giảng hòa rồi lại trở mặt, đó sao? Thuyết phục kẻ địch để đỡ tốn xương máu cũng là phép dụng binh, nhưng quyết định chủ yếu vẫn ở lưỡi gươm ngoài chiến trường, đâu phải văn bản do ngòi bút nơi màn trướng. Nhận định rằng: “Chỉ dùng lời lẽ viết trong thư, Ức Trai tiên sinh đã khuất phục được bọn chúng, bắt buộc vua quan nhà Minh phải giảng hòa với ta” [6] thực là hết sức sai lầm!
    Có một thời chúng ta đề cao vai trò lãnh tụ của Nguyễn Trãi trong khởi nghĩa Lam Sơn mà quên mất lãnh tụ khởi nghĩa Lam Sơn là Lê Lợi chứ không phải ai khác. Đầu năm 1428, triều đình Lê định hạng các công thần, gồm 221 người, gồm ba bậc, trong đó không có Nguyễn Trãi. Sau, triều đình mới “lấy thừa chỉ Nguyễn Trãi làm quan phục hầu, tư đồ Trần Hãn làm tả tướng quốc, khu mật sứ Phạm Văn Xảo làm thái bảo, đều cho quốc tính” (Đại Việt sử ký toàn thư). Sự thực, quan phục hầu hay tả tướng quốc hay thái bảo đều là hư hàm. Vì thế Trần Hãn, Phạm Văn Xảo sớm bộc lộ thái độ bất mãn, tiêu cực để chuốc lấy tại vạ. Chỉ có Nguyễn Trãi vẫn ôm ấp tấm lòng trung để hơn mười năm sau cũng phải rơi đầu dưới tay bọn đao phủ.
    Chức thừa chỉ học sĩ của Nguyễn Trãi là thực vị, vì ông là người làm giấy tờ giỏi. Khi Lê Thánh tông minh oan cho Nguyễn Trãi, cho biết Nguyễn Trãi là một mưu sĩ nơi màn trướng hồi kháng chiến chống quân Minh (không nên lầm mưu sĩ với quân sư). Nhưng nhận định toàn bộ cuộc đời Nguyễn Trãi, Lê Thánh tông ví ông với sao Khuê là khe tài văn chương và tấm lòng trung của Ức Trai. Lê Thánh tông hoàn toàn đúng khi khái quát Nguyễn Trãi như vậy. Đó là cốt lõi làm nên nhà văn hóa lớn Nguyễn Trãi.
    Nhà văn hóa lớn Nguyễn Trãi phải có vị trí xứng đáng trong sách giáo khoa. Nhưng Bình Ngô đại cáo và Quân trung từ mệnh tập, Nguyễn Trãi không thể ký tên với tư các tác giả. Cũng không phải cá nhân Lê Lợi, mà là Thuận Thiên hoàng đế, lãnh tụ khởi nghĩa Lam Sơn, vị vua “Đại thiên hành hóa” (lời mở đầu bài cáo) mới xứng danh với bài đại cáo. Hoàng đế Lê Lợi đứng tên vào bài đại cáo, một sự kiện lớn lao trong lịch sử, làm vinh quang cho đất nước, cũng làm vẻ vang cho Nguyễn Trãi thừa chỉ. Chắc anh hồn Nguyễn Trãi dưới suối vàng sẽ mãn nguyện khi chúng ta hiểu ông, giúp ông giữ đúng nghĩa vua tôi, đạo thần tử mà sinh thời ông đã coi như một lý tưởng cao quý trong ứng xử (Có lẽ nên ghi: Bài Bình Ngô đại cáo của Thuận Thiên Hoàng đế (Lê Lợi) với chú thích: Nguyễn Trãi với chức trách thừa chỉ vâng soạn theo ý của vua Lê Lợi là đúng đắn nhất).
    Đối với Quân trung từ mệnh tập, phải thận trọng và tế nhị hơn. Trong khi chưa xác minh được phần văn bản, có thể tạm coi như thừa chỉ Nguyễn Trãi thảo, nhưng không nên nhắm mắt đề cao. Chỉ có chủ thể của những bức thư ấy, không ai khác ngoài Bình Định vương Lê Lợi: “Bảo mày giặc dữ Phương Chính!” Nếu Lê Lợi không bảo như thế, đời nào Nguyễn Trãi dám viết như thế? Đó chỉ là một ví dụ nhỏ trong trăm ngàn ví dụ. Bởi vậy, chúng ta không thể coi Nguyễn Trãi là “tác giả” Quân trung từ mệnh tập, theo đúng nghĩa chữ tác giả, một chủ thể sáng tạo.[7]

                                                                      HTP/6/1999
    Chú thích:
    [1] Nhà xuất bản Khoa học xã hội
    [2] Nhà xuất bản Khoa học xã hội
    [3] Theo Đại Việt sử ký toàn thư
    [4] Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi trong Ức Trai thi tập
    [5] Trường hợp thơ chữ Hán trong Ức Trai di tập cũng vậy, có thể không ít bài không phải của Nguyễn Trãi.
    [6]Tựa Ức Trai di tập của Nguyễn Năng Tĩnh (bản dịch của Trần Văn Giáp và Phạm Trọng Điềm)
    [7] Bài viết này đã công bố trên Báo Văn hóa-thông tin Thanh Hóa số ra ngày 26/6/1999 và in lại trong “Trong mắt tôi”-NXB Văn hóa dân tộc-2000. *Nhân đọc bài báo nêu vấn đề “Ai là tác giả “Quân trung từ mệnh” và “Bình Ngô đại cáo” của Cao Sơn Hải (Báo Văn hóa-thông tin 28-4-1999). Tuấn Công thư phòng đăng lại để lưu tư liệu và chia sẻ với những người chưa đọc.