Friday, 13 November 2015

Giáo dục lòng yêu nước mới là mục đích của môn lịch sử tích hợp (Hông Vân - Ngân Anh - Nhân Dân)

Giáo sư - Viện sĩ Đào Trọng Thi.
Giáo sư - Viện sĩ Đào Trọng Thi.
NDĐT - Bàn về câu chuyện nên hay không nên dạy lịch sử theo môn học tích hợp, bên lề kỳ họp Quốc hội, Giáo sư - Viện sĩ Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, hướng tới học sinh có được nhân cách, lòng yêu nước, trách nhiệm đối với đất nước, Tổ quốc mới chính là mục đích của môn học tích hợp này.
Dư luận đang chệch hướng và phản đối quá sớm
Hỏi: Thưa Giáo sư, quan điểm của ông như thế nào về tích hợp môn lịch sử vào hai môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới?
Giáo sư Đào Trọng Thi: Tôi nghĩ, vấn đề tích hợp hay không tích hợp chỉ là hình thức thể hiện. Còn câu chuyện ngành giáo dục có giảng dạy nội dung về lịch sử hay không là vấn đề khác. Ở đây, ta chỉ bàn về hình thức mà không chú trọng tới phần nội dung, đó là đã đi chệch hướng.
Thực ra, giáo dục lịch sử, giáo dục về ngôn ngữ và những môn học thứ khác cho học sinh cũng chỉ là phương tiện thôi. Điều đạt được là nhân cách, lòng yêu nước, trách nhiệm đối với đất nước, Tổ quốc mới chính là mục đích của nó. Khi trao đổi về vấn đề tích hợp, nên phân biệt rõ điều này.
Ngoài ra, môn học nào, kiến thức nào là nội dung, còn hình thức thực hiện nội dung là một chuyện khác. Cuối cùng, phải xem xét tích hợp hay không tích hợp thì tốt. Nếu để dạy về lòng yêu nước, một môn học riêng biệt khó mà thực hiện tốt nhiệm vụ ấy. Thí dụ, lịch sử không kết hợp với văn học chưa chắc đã phải là hình thức giáo dục lòng yêu nước tốt nhất. Tác phẩm “Hịch tướng sĩ” là một áng văn hay, nhưng lại rất có giá trị giáo dục về lịch sử và lòng yêu nước. Đôi khi, kiến thức tích hợp của nhiều môn học như lịch sử, văn học, địa lý phối hợp lại mới tạo được một cơ sở để thực hiện tốt nhất mục đích là giáo dục lòng yêu nước.
Trở lại câu chuyện tích hợp môn lịch sử. Bây giờ, ngành giáo dục chưa nói rõ thực hiện cụ thể nội dung tích hợp như thế nào, phân tích học tích hợp tốt ra sao, thì làm sao bình luận được. Nếu như cách tách riêng ra mà không làm tốt, thì nội dung đó vẫn không tốt. Nếu tích hợp mà làm tốt nội dung ấy, thì vẫn là giải pháp tốt. Ở đây, không phải chuyện tích hợp hay không, môn riêng hay môn chung. Quan trọng là truyền đạt cho học sinh những kiến thức, nội dung, những kỹ năng gì. Và cuối cùng có đạt được mục đích truyền đạt cho học sinh lòng yêu nước, giáo dục về nhân cách, hình thành nhân cách cho học sinh hay không. Ý kiến của tôi như thế để thấy rằng, có lẽ trao đổi này không đúng hướng. Chúng ta mới bàn về những hình thức bên ngoài mà không nói về nội dung thực sự, nội hàm bên trong. Đặc biệt, chúng ta không đề cập mục đích mình đạt được là cái gì. Trao đổi như vậy đã bị lệch hướng.
- Vậy theo Giáo sư, cần nhìn nhận vấn đề này như thế nào là đúng hướng?
- Tôi cũng chưa hiểu ngành giáo dục sẽ làm cụ thể như thế nào. Tích hợp hay tách môn riêng, qua đó có truyền tải được những nội dung cần thiết hay không. Đặc biệt với những nội dung truyền tải ấy có đạt được mục đích là giáo dục lòng yêu nước và nhân cách cho học sinh hay không, đấy mới điều cần đề cập.
Theo tôi sẽ có ba mức. Thứ nhất, mục đích phải đạt được là gì, đầu tiên là giáo dục lòng yêu nước, hình thành nhân cách cho học sinh. Thứ hai, dùng phương tiện nào đạt được mục đích ấy. Phải truyền tải những kiến thức kỹ năng ở một số lĩnh vực như văn học, lịch sử, giáo dục an ninh quốc phòng, giáo dục công dân. Thứ ba, trực tiếp nhất là, dùng hình thức nào để thực hiện các phương tiện đó.
Bây giờ, cần xem ngành giáo dục trình nội dung dự thảo như thế nào. Tại sao người ta chưa trình nội dung gì mà mình đã bình luận, cần chờ xem.
- Nhưng đợi đến khi ngành giáo dục thực hiện rồi, hình thành một chương trình và sau đó thực hiện không tốt thì sao?
- Đó là một quy trình. Bộ phận soạn thảo hình thành dự thảo, rồi nhiều cá nhân, chuyên gia, nhân dân góp ý. Khi góp ý, phải xác định mục đích là gì, làm như vậy có đạt được mục đích hay không, đạt hiệu quả như thế nào. Còn hình thức thể hiện mang tính kỹ thuật. Ngành giáo dục mới đang có sơ thảo thôi, nên tôi nghĩ rằng chưa phải lúc.
Phương pháp tích hợp cần thử nghiệm trước
- Liệu để hình thành một chương trình chuẩn thì liệu có phải thử nghiệm trước việc tích hợp này không, thưa Giáo sư?
- Phải thử nghiệm. Trước kia, khi chúng ta thử nghiệm một dự án, cần tổng kết đánh giá xong mới được áp dụng đại trà. Nhưng lần này, chúng ta đưa một cách tiếp cập mới, có thể thử nghiệm những vấn đề, nội dung, phương pháp mới. Còn những nội dung đã sử dụng tốt rồi, không cần thử nghiệm lại.
Cách thử nghiệm bây giờ là thử nghiệm trong quá trình hình thành nội dung. Tức là, hình thành một bộ phận nội dung rồi đem vào thử nghiệm. Cách làm như vậy rút ngắn thời gian hơn. Phương pháp quốc tế hiện nay cũng không áp dụng như vậy nữa, mà chuyển sang áp dụng có thực nghiệm trong quá trình xây dựng, làm đến đâu thực nghiệm đến đấy. Không phải thực nghiệm toàn bộ mà chỉ thực nghiệm những điểm gì mới, cần xem những nội dung mới có phù hợp hay không. Vì trong xây dựng một chương trình, có nhiều nội dung chúng ta đã làm hàng chục năm nay, không cần thực nghiệm lại nữa.
- Vậy phương pháp tích hợp nói chung và tích hợp môn lịch sử nói riêng rõ ràng là mới và cần phải thực nghiệm đúng không, thưa ông?
- Phương pháp tích hợp của ta mới và cần thực nghiệm. Thí dụ, ngành giáo dục xây dựng một môn học tích hợp thì phải thực nghiệm, dạy thử đối với một nhóm đối tượng nhỏ và thực nghiệm riêng đối với riêng môn học đó. Thậm chí thực nghiệm riêng một số bài. Trong chương trình thực nghiệm ấy, có những phần tách riêng của từng môn học, hay gọi là phân môn, còn có những nội dung tổng hợp của nhiều môn. Như vậy, chúng ta chỉ thực nghiệm phần tổng hợp đó thôi. Trước đây, đó là môn học riêng còn bây giờ trở thành phân môn.
Nội dung đó vẫn là thành phần của môn học và vẫn được giao thực hiện một số nội dung cụ thể của môn học ấy. Thậm chí, ban đầu, rất có thể giáo viên vẫn là giáo viên của nhiều môn học khác nhau. Chưa có giáo viên dạy tích hợp thì phải có giáo viên của các môn cùng tham gia. Nhưng sẽ có một số bài mang tính chất tích hợp, tổng hợp kiến thức của nhiều mòn. Khi đó, cần phải thực nghiệm nội dung mới ấy, vì chúng ta chưa có trải nghiệm thực sự, phải xem hiệu quả đến đâu.
Vì thế, Nghị quyết của Quốc hội lần này đã nêu rõ, thực nghiệm những nội dung phương pháp mới, chứ không phải thực nghiệm tất cả.
- Nhưng giảng dạy tích hợp đòi hỏi giáo viên có kiến thức tổng hợp. Liệu chúng ta có chuẩn bị kịp nguồn nhân lực cho công tác này không, thưa ông?
- Đó là điểm chúng tôi rất băn khoăn. Chúng tôi đã cảnh báo Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điểm khó nhất chính là đội ngũ giáo viên. Đội ngũ này không chỉ được bồi dưỡng một cách chung chung. Từ trước tới nay, trong lĩnh vực giáo dục chỉ thay đổi nội dung, nhưng vẫn là môn học ấy. Với trình độ giáo viên được đào tạo, đặc biệt là giáo viên chuyên nghiệp, họ vẫn có khả năng chuyển đổi, tự nghiên cứu và thực hành được. Nhưng ở đây, khi hình thành môn tích hợp, rất có thể sẽ thay đổi cơ cấu ngành, nghề của đội ngũ giáo viên. Việc này thay đổi cơ cấu ngành, nghề đào tạo của trường sư phạm.
Thí dụ, với môn tích hợp các môn khoa học xã hội, bây giờ không còn giáo viên lịch sử, địa lý riêng. Rất có thể hình thành môn khoa học xã hội nhân văn, và người thầy phải dạy được các kiến thức tích hợp. Điều này thay đổi cả cơ cấu đào tạo và thay đổi cơ cấu của đội ngũ giáo viên. Không hề đơn giản chút nào. Nhưng chắc chắn sẽ có bước quá độ. Có thể, trước hết hãy thiết kế những môn thành phân môn. Mỗi phân môn có thể do những giáo viên của các phân môn ấy dạy. Như vậy, một môn tích hợp có thể phải có nhiều giáo viên phân môn tham gia giảng dạy, trong khi chúng ta chưa có giáo viên tích hợp một cách chuyên trách.
Xin cảm ơn giáo sư!
HỒNG VÂN - NGÂN ANH THỰC HIỆN

Tuesday, 10 November 2015

Tích hợp môn Lịch sử: Không thể ghép nối, chắp vá tùy tiện (Bích Lan - Dân Trí)

Tích hợp môn Lịch sử: Không thể ghép nối, chắp vá tùy tiện

Môn Lịch sử có nhiều nội dung khoa học khác nhau, nên không thể bị tích hợp, ghép nối chắp vá vào bất cứ môn học nào, mà chỉ có thể đứng độc lập.
 >> Các thầy ơi, hãy cứu môn lịch sử!
 >> Thất vọng với ý tưởng bỏ môn lịch sử!
 >> Các nhà sử học kiến nghị: Lịch sử phải là môn học bắt buộc

Dự thảo “Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể” do Bộ GD-ĐT công bố có đề cập môn học mới là “Công dân với Tổ quốc”, dựa trên sự gộp, ghép cơ học của 3 phân môn: Đạo đức – Công dân, Lịch sử và Quốc phòng – An ninh. Vấn đề này ngay lập tức gây ra sự tranh luận, phản ứng nhiều chiều từ các nhà nghiên cứu lịch sử, cũng như nhiều nhà giáo với lo ngại, môn học này có thể bị “xé nát” hoặc nối ghép vụn vặt…
Liệu trong tương lai gần, môn Lịch sử sẽ đứng ở đâu? Việc dạy và học tập môn học này sẽ như thế nào? Đây là điều mà dư luận xã hội đang quan tâm. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Điện tử VOV phỏng vấn PGS.TS Vũ Quang Hiển, khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
PVThưa ông, dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể có đề cập việc tích hợp nội dung môn Lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc”. Ông có thể giải thích sự tích hợp đó như thế nào?
PGS.TS Vũ Quang Hiển: Ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, môn Lịch sử được hết sức coi trọng, được tích hợp ở bậc Tiểu học và được phân hóa một cách rõ rệt ở các bậc THCS và THPT, với tư cách là môn học độc lập, bắt buộc, trong tất cả các nhà trường từ phổ thông đến đại học.
Mỗi môn khoa học đều có vai trò quan trọng riêng của nó. Môn Lịch sử với tư cách một môn khoa học cơ bản, mang tính đặc thù, giữ vị trí quyết định trong việc trang bị có hệ thống những tri thức nền tảng về lịch sử và văn hóa dân tộc, để từ đó tạo ra bản lĩnh và bản chất của con người Việt Nam có năng lực, sáng tạo và giàu lòng yêu nước.

PGS.TS Vũ Quang Hiển.
PGS.TS Vũ Quang Hiển.
Tích hợp là một nguyên tắc dạy học, là vấn đề rất quan trọng, nhưng không phải là sự gộp, ghép, làm một phép cộng đơn giản và tuỳ tiện nhiều môn học khác nhau để tạo ra một môn học mới.
Tích hợp liên môn trong dạy học Lịch sử là tích hợp những đơn vị kiến thức vốn thuộc về khoa học lịch sử nhưng lại cần cho các môn học khác, để bớt đi thời lượng của các môn khác, tạo điều kiện để các môn khác hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.
Bản thân môn Lịch sử với tư cách một môn khoa học độc lập có những nội dung góp phần giáo dục ý thức của công dân với Tổ quốc và rộng hơn là với nhân loại, nên có thể tích hợp vấn đề này vào môn Lịch sử. Tuy nhiên, môn lịch sử còn nhiều nội dung khoa học khác nhau, nên nó không thể bị tích hợp vào bất cứ môn học nào, mà chỉ có thể đứng độc lập. Đưa môn Lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc” là không đúng nghĩa về “tích hợp” liên môn.
Sự chọn lựa một số kiến thức của một số môn (bao gồm cả Lịch sử) để gộp lại, tạo ra môn “Công dân với Tổ quốc” thực chất chỉ là một phép cộng máy móc, khập khiễng và không tưởng, là sự khai tử môn Lịch sử một cách cố ý, là sự xem thường những giá trị đặc thù của giáo dục lịch sử.
Nói tóm lại, tích hợp trong dạy học Lịch sử là sự tổng hợp kiến thức có liên quan đến nhiều môn học khác trong môn Lịch sử. Lấy môn Lịch sử làm trụ cột để giải quyết các vấn đề lịch sử mà các môn học khác cần tới, chứ không thể chia các nội dung lịch sử ra để giải quyết trong các môn học khác và giải thích một cách thiển cận rằng “giáo dục lịch sử được tích hợp trong nhiều môn học khác nhau”.
PVSau khi Bộ GD-ĐT đưa ra Dự thảo như vậy, nhiều ý kiến cho rằng, môn Lịch sử phải là môn khoa học và môn học bắt buộc trong các bậc học. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Vũ Quang Hiển: Chúng ta không thể nói rằng, lịch sử có trong môn Văn học, Giáo dục công dân, Giáo dục quốc phòng… Không thể “xé nát” môn Lịch sử ra để mỗi môn học giảng dạy một chút. Giáo dục Lịch sử có tính đặc thù, phải được tiến hành một cách hệ thống, được thực hiện bởi đội ngũ những nhà chuyên môn được đào tạo một cách chuyên nghiệp, với những phương pháp dạy học đặc trưng, chứ không phải bất cứ giáo viên nào cũng có thể giảng dạy được môn học này.
Giáo dục Lịch sử một cách có hệ thống trong nhà trường phổ thông là nhiệm vụ của chính môn Lịch sử, chứ không phải nhiệm vụ của bất kỳ môn học nào khác. Mặc dù một số môn học có thể góp phần giáo dục lịch sử trên một số chiều cạnh mà môn học đó cần khai thác bằng những phương pháp riêng, nhưng không thể làm chức năng giáo dục lịch sử một cách có hệ thống và đồng bộ.
Khi học sinh lên bậc học cao thì kiến thức về môn Lịch sử vẫn phải được giảng dạy một cách cơ bản, khoa học và hệ thống, khách quan và toàn diện, trên cơ sở cung cấp những tư liệu gốc để người học nhận thức đúng sự thật lịch sử.
Coi nhẹ môn Lịch sử là hết sức sai lầm. Trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông có hiện tượng ghép môn Lịch sử và một số môn khác để tạo ra môn “Công dân với Tổ quốc”, hoặc chia kiến thức môn Lịch sử ra để giải quyết trong những môn học khác nhau, thực hiện cái gọi là “tích hợp giáo dục lịch sử trong nhiều môn khác”. Cả hai cách làm đó đều không có cơ sở khoa học, chỉ là sản phẩm duy ý chí chủ quan. Hiện không có một quốc gia nào trên thế giới làm như vậy.
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin toàn cầu, có nhiều sự kiện lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới, đã và đang bị xuyên tạc có chủ đích xấu, làm lung lạc tinh thần của một bộ phận thanh thiếu niên và cả một số người lớn. Sẽ là sai lầm nghiêm trọng, nếu coi nhẹ vai trò môn Lịch sử, và nuôi ảo tưởng dùng những môn học khác thay thế môn Lịch sử giải quyết các vấn đề đó.
Ở hầu hết các nước trên thế giới, nhất là các nước có nền giáo dục tiên tiến, môn Lịch sử được coi là môn phải học và thi bắt buộc từ bậc phổ thông cho đến đại học. Có những nước từng coi nhẹ môn Lịch sử (như Canada) nhưng rồi lại phải trở lại giáo dục bắt buộc môn học này với tư cách một môn độc lập cho học sinh ở bậc phổ thông. Một người nước ngoài muốn nhập quốc tịch vào Canada thì phải thi môn Lịch sử Canada.
Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đề cập đến tích hợp nội dung lịch sử vào môn “Công dân với Tổ quốc” là một việc làm không đúng, cần phải kiên quyết loại bỏ. Phải nghiên cứu lại một cách nghiêm túc với sự tham gia trực tiếp của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, và phải trình Hội đồng Giáo dục quốc gia quyết định và thông qua.
PVThưa ông, nếu coi môn Lịch sử là môn học bắt buộc. Vậy chúng ta phải làm gì để  môn Lịch sử thực sự hấp dẫn đối với học sinh trong chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể?
PGS.TS Vũ Quang Hiển: Tôi nghĩ rằng, việc dạy và học lịch sử hiện nay còn nhiều bất cấp, từ quan niệm, nội dung chương trình, sách giáo khoa đến đội ngũ thầy, cô giáo; từ phương pháp dạy học đến phương thức kiểm tra đánh giá.
Lịch sử chỉ được giáo dục có hiệu quả khi nó là một môn khoa học. Khung chương trình môn Lịch sử phải được xây dựng lại một cách khoa học, phù hợp với từng độ tuổi, đảm bảo tính vừa sức của mỗi bậc học, cấp học. Để thực hiện điều này, ngành Giáo dục cần tập hợp, chắt lọc ý kiến của giới sử học, các nhà khoa học giáo dục, nhất là các nhà sư phạm…
Trên nền tảng của chương trình mới, chúng ta có thể tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa thực sự khoa học. Hiện nay, sách giáo khoa của chúng ta còn phiến diện, nặng tính hàn lâm, nghiêng về các sự kiện chính trị, quân sự, nhưng lại ít các thông tin, sự kiện liên quan đến các lĩnh vực kinh tế-xã hội, văn hóa, đối ngoại...
Để môn Lịch sử thực sự hấp dẫn đối với học sinh, từ chương trình và sách giáo khoa môn học này phải có sự đổi mới căn bản và toàn diện. Triết lý dạy học môn Lịch sử không phải là tạo ra những người học theo lối thuộc lòng máy móc các sự kiện lịch sử, từ ngày tháng đến chi tiết diễn biến, mà ngay các nhà sử học nổi tiếng trên thế giới cũng không thể thuộc hết được.
Điều quan trọng trong dạy và học Lịch sử là giúp học sinh có được tinh thần, khí phách của lịch sử; giúp con người có khả năng nhìn nhận, đánh giá mọi sự kiện, hiện tượng lịch sử dựa trên những cứ liệu xác thực và tự liên hệ với thực tiễn để rút ra được bài học cho hiện tại và tương lai. Từ đó hình thành nên năng lực và phẩm chất con người, tạo ra bản lĩnh, bản sắc con người. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng mà các nhà trường, đội ngũ thầy, cô và các nhà sử học cần phải nhận thức một cách nghiêm túc. Ngoài ra, xã hội cũng cần phải thay đổi quan niệm môn Lịch sử là môn học phụ, môn học thuộc lòng.
Để thực hiện được mục tiêu trên, chúng ta cần có sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp có thẩm quyền, cần hình thành những trung tâm hỗ trợ giáo dục lịch sử ở cấp quốc gia và trong từng địa phương nhằm hỗ trợ thường xuyên để nâng cao trình độ và tay nghề cho đội ngũ giáo viên, cũng như tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh trong học tập môn Lịch sử.
PVXin cảm ơn PGS.TS!
Theo Bích Lan
VOV

Monday, 9 November 2015

Giải huyền thoại thành Cổ Loa (Chu Mộng Long)


Giải huyền thoại thành Cổ Loa


mychau
Phút cuối của một vương triều
Chu Mộng Long – Bài viết là kết quả của một sự trải nghiệm – trải nghiệm lịch sử theo tinh thần giải huyền và lí thuyết diễn ngôn.
Huyền thoại cũng như mọi diễn ngôn bao giờ cũng tồn tại 2 mặt: nổi và chìm, phần bề mặt hình thức và chiều sâu bản chất của nó. Những đầu óc mộng mơ thường tin huyền thoại ở tính hợp lí của hình thức mà quên bản chất của nó là những mảnh ghép của sự thực. Chẳng hạn, người ta ghép nhà Ân ở xa lơ xa lắc bên kia sông Hoàng Hà trong quan hệ với Hùng Vương ở tận nước Nam để dựng lên chuyện Thánh Gióng; Trọng Thủy, người nước Tần, không dưng biến thành con trai của Triệu Đà trong thời “hòa tập Bách Việt” để sản sinh ra chuyện đánh cắp nỏ thần…. Kết quả là sự thực bị che lấp bởi tưởng tượng mông lung từ một hình thức huyền hồ, méo mó và xuyên tạc.
Có một nghịch lí là, đến khi các huyền thoại bị giải huyền để phơi trần sự thực, dễ bị quy chụp ngược là… làm méo mó, xuyên tạc sự thực.
Với câu chuyện thành Cổ Loa, tôi không tin có nhân vật Mỵ Châu nào trong sự thực. Mỵ Châu chỉ là một hư cấu trong chiến lược diễn ngôn để biện minh cho sự sụp đổ và mất nước của triều đại An Dương Vương.
Theo tôi, huyền thoại không hẳn sinh ra từ dân gian, đặc biệt là những huyền thoại có liên quan đến ngợi ca những nhân vật anh hùng. Vì sao phụ nữ và những người thấp bé không có vị thế nào trong anh hùng ca, theo chất vấn của F. Engels? [1]. Là bởi vì, anh hùng ca ra đời với mục đích ngợi ca kẻ mạnh, kẻ chiến thắng, bắt đầu từ thời đại phụ quyền. Ngay cả khi thất bại để trở thành bi kịch, người anh hùng vẫn thống trị trong các vở bi kịch với vẻ đẹp phi thường.
Rõ ràng huyền thoại ra đời từ miệng kẻ thống trị, một thứ diễn ngôn được hợp thức hóa bởi quyền lực. Kẻ nắm quyền lực đã bịa ra hàng loạt những huyền thoại nhằm tự ngợi ca sự thắng lợi lẫn thất bại của mình, chuyển cái hữu hạn nhất thời thành vạn tuế. Dân gian chỉ là công cụ cho sự lưu giữ và truyền bá tư tưởng của hệ tư tưởng thống trị.
Quay lại huyền thoại về thành Cổ Loa, tin chắc là đặc sản của xứ Giao Chỉ cổ xưa, đã được xào nấu bởi tinh thần tự tôn của thế hệ thống trị sau thời Bắc thuộc lần thứ nhất. Trong khi giương cao ngọn cờ độc lập, một điều dân gian dễ chấp nhận để lưu truyền, huyền thoại này đã hư cấu nên nhân vật Mỵ Châu để che lấp một sự thực bất lợi cho giới cầm quyền: sự mắc lừa ngu xuẩn bởi một âm mưu hơn là câu chuyện hòa hiếu thông qua một cuộc hôn nhân. Đó là, trong quan hệ giữa Bắc triều và Nam triều có cái gì na ná như các hiệp định kí kết trao đổi, mua bán mà bao bọc bên ngoài là sự hòa hiếu đầu môi chót lưỡi, thậm chí lấy cái “gen hòa hiếu” ra thề trước thần linh!
Oan hồn Mỵ Châu hay oan hồn dân đen?
Oan hồn Mỵ Châu hay oan hồn dân đen?
Huyền thoại thành Cổ Loa là bài học về sự cảnh giác. Nhưng tại sao lại phải cảnh giác với phụ nữ, trong khi phụ nữ thường chỉ là công cụ hiến tặng trong các cuộc chơi chính trị, mà vị thế của họ không khác dân đen, dù là con vua? Mấu chốt đáng nghi vấn nhất nằm ở đây.
Không phải ngẫu nhiên mà cả trăm huyền thoại như một, từ thần thoại Hy Lạp đến Kinh Cựu Ước, đều quy hết mọi tội lỗi cho đàn bà, rằng họ là nguyên nhân của chiến tranh và sự tàn phá. Không thể có cách giải thích nào khác hơn là chính nhân tố này mới có thể ngụy trang được tội lỗi của giới cầm quyền với bản chất muôn đời của nó là tranh chấp, cướp đoạt, chia chác quyền lợi, kể cả cướp đoạt phụ nữ như là cướp đoạt tài sản vật chất.
Huyền thoại mất cắp nỏ thần bề ngoài là sự vô ý của Mỵ Châu, nhưng bên trong là sự cố ý của kẻ cầm quyền. Dù bị cắt bỏ ra khỏi bề mặt ngôn từ của diễn ngôn để đánh tráo sang sự cả tin của Mỵ Châu trong ứng xử với chồng, nhưng dấu tích của sự cố ý vẫn còn nguyên: hai bên vương triều đã kết tình môi răng sau khi đã trải qua những cuộc tranh chấp đẫm máu. Và để có được cái tình môi răng ấy, cái gì được mang ra thế chấp bị giấu kín bên trong cuộc hôn nhân vờ vịt dễ dãi kia?
Không thể là cái gì khác, chiếc nỏ thần, cái được mang ra trao đổi trong cuộc chơi hòa hiếu ấy thành biểu trưng cho toàn bộ gia sản của dân tộc, ngang hàng với lãnh thổ. Bởi lẽ, nó là cái đã biểu đạt rõ nhất trong cuộc xung đột, tranh chấp máu xương giữa Nam – Bắc triều. Mỵ Châu thành con bài tẩy được bịa/ lật ra để bào chữa, che đậy, đúng hơn là tạo cớ đổ thừa cho người khác.
Nước mất nhà tan, cơ đồ rơi vào tay giặc, nhưng tội nhân lịch sử lại là người phụ nữ hay đám dân thấp cổ bé họng. Trong khi kẻ cầm quyền lại mang báu vật lâu nay vơ vét được từ xương máu của dân lên đường tẩu thoát.
Mỵ Châu là một hình tượng dân oan sau ngàn năm vẫn chưa rửa sạch. Chính Tố Hữu viết: Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu/ Trái tim lầm chỗ để trên đầu/ Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu. Trong khi An Dương Vương với bộ ngọc sừng tê trên tay, báu vật của quốc gia, trốn chạy ra biển để tiếp tục cuộc sống vương giả? Bộ ngọc sừng tê ấy chính là phần chìm ẩn sau chiếc nỏ thần, đích thị là chiếc ghế vương quyền được mang ra thế chấp lãnh thổ, bị lộ diện ở cuối diễn ngôn khi nó được mang ra làm biểu tượng bất tử, sáng chói cho kẻ cầm quyền!
Huyền thoại thành cú lừa xuyên thế kỉ. Giới quyền lực tham lam lừa nhau và dùng huyền thoại để lừa dân. Chính mặc cảm bị trị đã biến thành mặc cảm tội lỗi trong lòng dân và từ đó, một cách vô thức, một tập thể rộng lớn trong dân gian đã chấp nhận huyền thoại như là sản phẩm của mình để tự răn dạy mình. Thế giới mộng mơ trong huyền thoại tồn tại như một ác mộng.
Thế mới biết dân gian muôn đời vẫn bị mắc lừa khi tiếp tay lưu truyền cái câu chuyện tình lãng mạn của đôi trai gái kia làm nhòe mờ đi những sự thật ẩn giấu bên trong quan hệ giữa hai kẻ cầm đầu.
Tất nhiên, khi tạo tác ra huyền thoại về bài học cảnh giác, có một bài học vĩ đại hay cái giá phải trả rất đắt đằng sau câu chuyện mà kẻ thống trị không bao giờ dám chạm đến: mất cả giang sơn thì vương quyền cũng mất theo chứ không phải ngược lại. Bộ ngọc sừng tê kia dù là ngọc thật cũng chỉ còn là đồ rởm khi nó hết chức năng lịch sử!
Huyền thoại thành Cổ Loa là màn chót lấp lửng của vở bi kịch đầy sắc màu lừa dối, phía sau sự ru ngủ cho một thất bại nhục nhã là một màn kịch khác rất hài hước bắt đầu lộ diện, màn hài kịch cười ra nước mắt. Vì sao? Vì quyền lực cố tình kéo dài lê thê bằng cách đánh bóng thứ đã mục rữa thảm hại thành ngọc! (K. Marx) [2].
Phần nổi và phần chìm của diễn ngôn thành Cổ Loa
Phần nổi và phần chìm của diễn ngôn thành Cổ Loa
—————-

Saturday, 31 October 2015

Vài trăm là mấy trăm?


Vài chính là hai. (Huình Tịnh Paulus Của, 1896b:535). Có thể tìm thấy mối tương quan về mặt âm thanh giữa vh ở nhiều ví dụ khác: hòa / và, hoàng sắc / màu vàng, họa/vẽ, hoàn toàn / vẹn toàn,  hoàn thuốc / viên thuốc,  kế hoạch / vạch kế (hoạch),  va li / hoa li, đậu cô ve / đậu cô hoe v.v.

Vài/Haimột ít, số lượng độ hai ba, không chắc (Lê Văn Đức, 1971b:1741),  nói chung là số lượng không nhiều, khoảng hai, ba (Hoàng Phê, 2006:1095) cho nên người ta chỉ có thể nói một vài, vài ba mà không nói vài bốn, vài năm, vài sáu...


Đi khảo giá mà người ta nói cỡ vài trăm thì phải hiểu là chừng hai trăm, tối đa là ba trăm. Nhưng một số người Việt ở hải ngoại thích chơi trò ma là hiểu vài thành somesomean unspecified amount or number tức tha hồ. Nghe họ nói vài, anh phải cẩn thận, đừng ham rẻ mà bị bất ngờ, mất cả vui.

Monday, 12 October 2015

Học sử đâu phải để "kiếm ăn", không học sử là bất trung, bất hiếu (Phan Mạnh Hà - Giáo Dục))

Học sử đâu phải để "kiếm ăn", không học sử là bất trung, bất hiếu

(GDVN) - Học Lịch sử Việt Nam còn là để ghi nhớ biết ơn công lao vĩ đại của bao thế hệ tiền nhân đã hi sinh xương máu để gìn giữ đất nước Việt Nam cho thế hệ mai sau.
LTS: Gần đây, dư luận xôn xao xung quanh việc học sinh có thể chọn học hoặc không học môn Sử. Tác giả Phạm Mạnh Hà, đến từ Hải Dương, hành nghề luật, là một người hoàn toàn không liên quan đến chuyện trên nhưng đã nói lên suy nghĩ của mình.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết nêu quan điểm riêng này của tác giả. 

Bộ GD&ĐT vừa đưa ra dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó quy định học sinh có thể tùy chọn học hoặc không học môn Sử.

"Sáng kiến" này đã gây ra chuyện "động trời" trong dư luận cả nước. Nhiều người thì cho rằng quy định vậy là hợp lý vì theo như kỳ thi Quốc gia “hai trong một”vừa qua thì cả nước có rất ít thí sinh tự chọn thi môn Sử, nhiều nơi còn không có nổi 1 thi sinh nào chọn thi môn Sử mà quay sang chọn thi các môn khác, như vậy học sinh đã không thích học Sử thì bắt buộc học cũng chẳng tiếp thu được.

Nhưng nhiều người lại phản đối, với lo ngại về hệ lụy sẽ làm cho học sinh không biết đến gốc gác của mình, và bị thế lực xấu bên ngoài tuyên truyền xuyên tạc lịch sử để lừa bịp.

Nếu "khai tử" môn Sử, sẽ là một thảm họa lớn

Sau khi tìm hiểu đến tận cùng về vấn đề cần học hay không môn Sử, bài viết này phản ánh lại làm sáng tỏ thêm như sau:

Xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc đã cho thấy, Việt Nam là một nước nhỏ, nghèo, lại luôn bị nước lớn chèn ép tìm cách vừa dụ dỗ vừa đe dọa để thôn tính đất nước.

Cho nên để giữ được nước mà không bị dụ dỗ, không sợ đe dọa trước sự giàu mạnh của ngoại bang, thì mỗi người Việt Nam đã phải có lòng yêu nước nồng nàn, yêu nước như là yêu cha mẹ của mình, luôn quyết tâm chống lại sự thôn tính của ngoại bang, thì đất nước Việt Nam mới được trường tồn trên bản đồ thế giới cho đến ngày nay.
Học Sử Việt Nam là để làm người Việt Nam! (Ảnh: vietq.vn)
Mà để có lòng yêu nước được như vậy làm động lực mạnh mẽ quyết tâm giữ nước, thì từng người Việt Nam đã phải hiểu được cái giá trị vô cùng to lớn thiêng liêng của mảnh đất nơi mình đang đứng, là kết quả từ núi xương sông máu của biết bao thế hệ tiền nhân người Việt Nam đã ngã xuống để gìn giữ đất nước Việt Nam cho thế hệ về sau.

Mà để hiểu được như vậy, thì tất cả người Việt Nam đã đều phải học lịch sử nước nhà. Như vậy, học sử cha ông để có được quyết tâm giữ nước Việt Nam trường tồn, chống mọi âm mưu thâm độc đồng hóa sáp nhập nước Việt Nam vào ngoại bang, cho nên học sử Việt Nam còn là để làm người Việt Nam!

Và, học Lịch sử Việt Nam còn là để ghi nhớ biết ơn công lao vĩ đại của bao thế hệ tiền nhân đã hi sinh xương máu để gìn giữ đất nước Việt Nam cho thế hệ về sau.
Cho nên nếu không học sử Việt Nam thì đó là sự vô ơn, bất trung bất hiếu đối với các thế hệ người Việt Nam đi trước. Mà tội bất trung bất hiếu thì không ở đâu loài người dung thứ được.

Đó là xét về việc giữ giá trị đạo lý truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc, thì việc không học Sử là đã không còn.

Còn xét về giá trị hiện thực, thì lịch sử là những gì có thật đã xảy ra trong quá khứ theo quy luật của tự nhiên. Cho nên lịch sử là những bài học vô giá đã được rút ra từ hàng nghìn năm dựng và giữ nước. Mà để có được những bài học lịch sử vô giá đó, biết bao xương máu và nước mắt của dân tộc đã phải đánh đổi.

Như vậy là để hiện tại và tương lai không lặp lại sai lầm trong quá khứ thì người ta phải học Lịch sử, và để tiếp tục có được những thành công như trong quá khứ thì người ta cũng phải học Lịch sử. 

Vẫn cách dạy cũ thì có là môn thi bắt buộc cũng ít người hiểu về lịch sử

Thế cho nên nếu là người khôn ngoan, biết nhìn xa trông rộng thì là người phải biết coi trọng học Sử.
Nếu không, thì chỉ là đầu óc "hạt đậu" trí ngắn, tầm nhìn hạn hẹp, thì không thể làm nên việc lớn.

Lại có những người nhận thức rằng chỉ riêng ngành xã hội mới cần học Sử, còn những ngành nghề khác thì cần gì học Sử vì nhà tuyển dụng đâu có đòi hỏi.

Thì như đã nêu ở trên, học Sử là để ghi nhớ công ơn các thế hệ tiền nhân đi trước, và để hiểu được cái giá trị của mảnh đất nơi mình đang sống mà có ý thức bảo vệ Tổ quốc, chứ không phải học Sử để đi "kiếm ăn".

Mà tất nhiên công dân nào cũng phải có những trách nhiệm như vậy. Và cũng phải lưu ý rằng ngoài việc mưu sinh kiếm sống ra thì mỗi công dân đều góp phần tham gia vào việc xây dựng thể chế chính trị, mà để hiểu được phải xây dựng thể chế chính trị như thế nào là tối ưu nhất cho nước mình thì mỗi công dân đều phải học Lịch sử nước nhà, tránh bị các thế lực xấu tuyên truyền lừa bịp để dụ dỗ đi theo con đường sai trái.
Như vậy thì chẳng có người nào, làm ở ngành nghề nào mà lại không cần đến học Lịch sử.

Nhưng có một thực tế được đặt ra ở đây, là từ khi có quy định tùy chọn môn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa qua, đã có rất ít thí sinh chọn thi môn Sử, cho thấy xu hướng học sinh quay lưng với môn học này.

Đây là tình trạng cực kì báo động, mà đáng lẽ ra Bộ GD&ĐT phải có biện pháp "chữa bệnh" làm cho nhẹ đi, chứ không phải lại còn theo đó mà từ quy định "tùy thi" đã làm cho "bệnh nặng", nay có thêm cái quy định "tùy học" làm cho bệnh nặng thêm, đã ở vào mức nguy hiểm.

Cần phải nhận thức rằng Bộ GD&ĐT là nơi định hướng nhu cầu học tập cho học sinh, thì nay cái nơi định hướng này lại "học hay không thì tùy" coi nhẹ môn Sử như vậy thì đã nào cả thế hệ học sinh theo gương không học Sử, trên đã không coi trọng thì dưới coi trọng để thi cho ai nữa ?

Kiến nghị môn Lịch sử phải là môn học và thi bắt buộc

(GDVN) - Môn Lịch sử mà bị xóa sổ hoặc cho xuống hàng thứ yếu thì liệu con cháu sau này có nghĩ rằng chúng là người Việt Nam không?
Như vậy, đáng lẽ sau khi phát hiện bệnh chán học Sử của học sinh, thì Bộ GD&ĐT phải tìm cách chữa bệnh đó. Theo như học sinh phản ánh thì chương trình dạy Sử hiện nay của Bộ quá đi vào chi tiết số liệu, làm cho học sinh rất khó học, trong khi yêu cầu đặt ra đối với học sinh học môn Sử chỉ cần là hiểu biết về những diễn biến trong lịch sử nước nhà kể từ thời sơ khai đến nay, rút ra các bài học, nhằm giáo dục ý thức và trách nhiệm cho học sinh, chứ đâu phải cần học sinh là những nhà nghiên cứu lịch sử mà phải nhớ những chi tiết số liệu như vậy.

Chính cái dạy sai lầm này đã làm hỏng các thế hệ học sinh về thái độ với môn Sử, đáng lẽ làm cho các em yêu thích học sử nước nhà thì lại quay ra chán, sợ học Sử.

Như vậy thay đổi cách dạy đó mới là liều thuốc chữa bệnh chán học Sử của học sinh, chứ không phải thấy bệnh đã nặng Bộ GD&ĐT lại còn "bồi" thêm liều thuốc gây đột tử "học hay không thì tùy" để làm cho chết hẳn luôn môn Sử như vậy.

Kết lại vấn đề này, bài viết khẳng định: vì học Sử là để làm người Việt Nam, cho nên không học Sử chính là sẽ chấm dứt làm người Việt Nam. Chừng nào còn học Sử, thì nước Việt Nam mới còn tồn tại được trên bản đồ thế giới. Nên nhớ khai tử môn Sử cũng chính là khai tử luôn cả dân tộc này.
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn và cách hành văn riêng của tác giả.
Phạm Mạnh Hà