Monday, 28 August 2017

Chồng của bà Trưng Trắc: Thi [Sách] (Lê Minh Khải - Lê Minh Khải Việt)


Tác giả: Lê Minh Khải
Người dịch: Hoa Quốc Văn

 (https://leminhkhaiviet.wordpress.com/2014/05/23/chong-cua-ba-trung-trac-thi-sach/)

Tôi có đọc một bài báo của một sử gia Nam Việt là Nguyễn Phương viết ở thập kỉ 1960s về hai bà Trưng. Tôi chưa bao giờ xem xét kĩ các nguồn thông tin về cuộc nổi dậy này, nhưng bài báo của Nguyễn Phương khiến tôi nhận ra rằng chúng có vấn đề.
Điều giờ đây tôi có thể thấy là có hai bản tường thuật về hai bà Trưng và rằng một trong hai bản đó đã dần chi phối truyền thống sử học (mặc dù nó cũng thay đổi theo thời gian), trong khi bản kia thì không. Và trong phạm vi tôi có thể nói, phiên bản không chi phối đó là chính xác hơn.
Image
Phiên bản đầu tiên xuất hiện khoảng năm 445 sau Công lịch trong cuốn Hậu Hán thư (Hou Hanshu 後漢書)  của Fan Ye (Phạm Việp), như sau:
“Năm thứ 16, người con gái Giao Chỉ là Trưng Trắc và em gái Trưng Nhị làm phản, tấn công [đầu não của] quận. Trưng Trắc là con gái của một Lạc tướng ở huyện Mê Linh (Mê đọc là Mê, Linh đọc là Linh). Thị lấy Thi Sách ở Chu Diên làm vợ, rất khỏe mạnh và can đảm. Thái thú Giao Chỉ là Tô Định dùng luật để trừng phạt thị. Trắc phẫn nộ vì vậy nổi dậy. Sau đó, các tộc Man ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Bố đều hưởng ứng [lời kêu gọi của chúng] và chiếm 65 thành. Trắc tự xưng là vua” 至十六年,交阯女子徵側及其妹徵貳反,攻郡。徵側者,麊泠縣雒將之女也。(麊音莫支反,泠音零。) 嫁為朱䳒人詩索妻,甚雄勇。交阯太守蘇定以法繩之,側忿,故反。於是九眞、日南、合浦蠻里皆應之,凡略六十五城,自立為王.
Image
Phiên bản thứ hai xuất hiện sau đó gần một thế kỉ (~515-524) trong cuốn Thủy kinh chú  (Shuijing zhu 水經注)của Li Daoyuan (Lịch Đạo Nguyên), như sau:
“Sau con trai của một Lạc tướng ở Chu Diên có tên Thi lấy con gái Lạc tướng Mê Linh là Trưng Trắc làm vợ. Trắc rất can đảm. Thị lôi kéo Thi khởi loạn (chú: gần đây khắc sai “Thi” thành “thê”), tấn công [đầu não của] châu quận và chinh phục các Lạc tướng khác, họ đều tôn Trắc làm vua, đóng đô ở Mê Linh” 後朱䳒雒將子名詩索麊冷雒將女名徵側為妻。側為人有膽勇,將詩起賊 (案近刻訛為妻),攻破州郡,服諸雒將,皆屬徵側為王,治麊泠縣.
Image
Sự khác biệt đầu tiên mà chúng ta thấy ở đây là trong Thủy kinh chú, tên của chồng Trưng Trắc là Thi chứ không phải Thi Sách. Điều này thực sự hữu lí hơn.
Ở thế kỉ XVIII có một học giả có tên là Zhao Yiqing đã chỉ ra vấn đề này trong một bản chú thích cuốn Thủy kinh chú do ông thực hiện – cuốn Thủy kinh chú thích (Shuijing zhu shi 水經注釋).
Vấn đề liên quan đến chữ  mà Phạm Việp hiểu là bộ phận của một cái tên, và Lịch Đạo Nguyên hiểu là một động từ có nghĩa là “tìm lấy”. Zhao Yiqing chú như sau:
 “sách thê” (索妻)  cũng giống như “thú phụ”  (娶婦). Đoạn văn trong Nam Man Tây Nam Di truyện nói “giá vi Chu Diên nhân thi sách thê” hoàn toàn nhầm lẫn” 一清按索妻猶言娶婦。範史南蠻西南夷傳云,嫁為朱鳶人詩索妻,亦謬之甚矣。嫁為朱䳒人詩索妻,甚雄勇。
Image
Điều này là có lí, bởi câu văn trong Hậu Hán thư là rối rắm (“Thị lấy Thi Sách ở Chu Diên làm vợ mình, rất khỏe mạnh và can đảm” – 嫁為朱䳒人詩索妻,甚雄勇), đặc biệt là câu “lấy … làm vợ mình” 嫁為. . . 妻  và sự chuyển mạch giữa “thê” và từ tiếp theo “thậm” 甚 (rất).
Mặc khác, câu văn trong Thủy kinh chú rất thuận “Sau con trai của một Lạc tướng ở Chu Diên có tên Thi lấy con gái Lạc tướng Mê Linh là Trưng Trắc làm vợ. Trắc rất can đảm” 後朱䳒雒將子名詩索麊冷雒將女名徵側為妻。側為人有膽勇.
Image
Rồi ở đầu thế kỉ XX, Yang Shoujing và Xiong Huizhen đã làm một bản chú thích khác về cuốn Thủy kinh chú – tức Thủy kinh chú sớ  (Shuijing zhu shu 水經注疏) trong đó họ chỉ ra rằng có một đoạn văn trong một cuốn loại thư thế kỉ X có tên Thái Bình hoàn vũ kí  (Taiping huanyu ji 太平寰宇記) trong đó chứng minh rằng từ được dùng ở khu vực đồng bằng sông hồng (tức Giao Chỉ hoặc Giao Châu) với nghĩa là “tìm lấy (vợ).
Có một đoạn văn nói về phong tục ở Giao Châu, trong đó khẳng định rằng về người đàn ông tìm lấy vợ, trước khi anh ta lấy vợ, anh ta gửi đến một mâm cau. Khi cô gái ăn hết mâm cau đó thì họ trở thành vợ chồng” 索婦之人,未婚前,先送檳榔一盤,女食盡則成親.
Image
Vậy là có vẻ như đối với tôi đã rõ ràng rằng đoạn văn nói về hai bà Trưng trong Thủy kinh chú chính xác hơn ở điểm này. Tuy nhiên, thông tin được người Việt Nam ghi chép rốt cuộc lại theo Hậu Hán thư của Phạm Việp. Các nguồn tư liệu của người Việt cũng theo Hậu Hán thư theo những cách thức khác.
Tôi băn khoăn tại sao lại có chuyện đó? Có phải người ta không nhớ tên chồng bà Trưng Trắc?
Tôi đính kèm bài báo của Nguyễn Phương ở đây  (Nguyen Phuong on Trung sisters).

Sunday, 20 August 2017

Làm người Việt thứ thiệt có dễ không?

Người Việt hải ngoại hay ra cái điều yêu nước thương nòi, lại thích lên mặt dạy đời:

Nói chung, người Việt thứ thiệt sống ở hải ngoại, ngoài chuyện "biết người" cũng cần phải "biết ta", biết luân thường đạo lý, văn hóa dân tộc và học tập để xử dụng rành r ngôn ngữ Mẹ đẻ của mình.

(Đoàn Công Chánh Phú Lộc, "Cộng đồng người Việt tự do Nam Úc và ngôn ngữ Việt" Nam Úc Tuần Báo, số 1109, 18.08.2017, tr.11) 

Hai lỗi chính tả sơ đẳng ngay trong một câu là bằng chứng cho thấy ông ký giả họ Đoàn sử dụng tiếng mẹ đẻ chưa rành rẽ. Theo định nghĩa của chính ông, ông không phải là người Việt thứ thiệt. Vậy ông lấy tư cách gì để định nghĩa người Việt thứ thiệt?

Saturday, 19 August 2017

Biển Đông của ai?

Viết thế này thì người đọc sẽ không rõ biển Đông của ai (Việt Nam, người dám nói mạnh hay Trung Quốc):

Trước mắt, những điều mà VN đưa ra đều bị gạt ra ngoài và TQ đã đạt được mục tiêu là không ai dám nói mạnh về việc xâm chiếm biển Đông của họ.
("Nước cờ nào cho VN?", Adelaide Tuần Báo số 792, 17.6.2017, tr.4)

Sửa lỗi này rất dễ: 
Trước mắt, những điều mà VN đưa ra đều bị gạt ra ngoài và TQ đã đạt được mục tiêu là không ai dám nói mạnh về việc TQ xâm chiếm biển Đông.

Viết việc họ xâm chiếm biển Đông thì tránh được chuyện thắc mắc biển Đông của ai, nhưng người đọc lại không rõ ai là người đi xâm chiếm (người dám nói mạnh hay Trung Quốc), thành thử phải chấp nhận lặp từ TQ.

Muốn tránh lặp từ TQ, có thể viết:  
Trước mắt, những điều mà VN đưa ra đều bị gạt ra ngoài và TQ đã đạt được mục tiêu là  việc họ xâm chiếm biển Đông không bị ai chỉ trích/công kích/phê phán. 

Muốn hay hơn nữa, nên viết:  
Trước mắt, các đề nghị của VN đều bị gạt ra ngoài và TQ đã đạt được mục tiêu là việc họ xâm chiếm biển Đông không bị ai chỉ trích/công kích/phê phán. 

Từ của này không gây hiểu lầm như từ của trong bản gốc, lại giúp loại bớt một từ ra.

Muốn tránh cả của lẫn ra:
Trước mắt, những gì VN đề nghị đều bị gạt ra ngoài và TQ đã đạt được mục tiêu là việc họ xâm chiếm biển Đông không bị ai chỉ trích/công kích/phê phán. 
 

 

Tuesday, 15 August 2017

Mèo khen mèo dài đuôi?

Ông Đoàn Công Chánh Phú Lộc (Nam Úc Tuần Báo số 1108, ngày 11.8.2017) khen bộ sách dạy tiếng Việt ở trường ông như sau:

Bộ sách này rất thích hợp cho các em ở hải ngoại học tiếng Việt, nên nhiều lần được các trường Việt ngữ hỏi mua hay xin in lại những bài trong đó để xử dụng. (tr.10)

Ông hiệu trưởng này không biết phân biệt lấplắp:

a) Cho sơn nhà và sắp đặt, tu sửa các phòng ốc để ổn định chỗ làm việc cho tất cả các nhân viên VPPL; Lấp đặt hệ thống máy điều hòa cho tất cả các phòng làm việc. (tr.10)

Khi cần viết sơ lược, ông viết:

Tôi viết sơ lượt về việc điều hành Cộng Đồng. (tr.11)

Có thể thấy, đối với  ông, phân biệt t-c cuối âm tiết là việc hết sức khó khăn:

Đã vậy, mà lại còn hãnh diện cho đó là đã có sự "hợp tác chặc chẽ" với nhau, thì cái mức độ ngu xuẩn này còn tệ hại hơn. (tr.11)


Người bị ông chê chớ lấy làm buồn. Người được ông khen cũng đừng vội mừng. Trình độ của người khen chê đã nằm tênh hênh trên trang báo đó. Đây vài hột bẹt nữa của ông hiệu trưởng:

Ông kỹ sư  cho biết: cái shed được dùng cho xe truck ra vào cất dỡ hàng, bản vẻ chỉ có 24 m chiều dài. (tr. 10)

Việc quản lý, tiếp liệu, trang bị tủ bàn, máy móc hay tu bổ, sửa chữa, bảo trì cơ sở, phòng ốc, xe cộ , sân bải trong TTSSHCĐ thuộc trách nhiệm của HĐQT chứ không phải của VPPL (tr. 11)










Sunday, 13 August 2017

Bánh giầy hay bánh dày?



Thứ bánh làm bằng gạo nếp giã nhuyễn, nắn thành hình tròn dẹt trong truyện Lang Liêu là bánh giầy. 
 
Từ điển chỉ ghi nhận bánh giầy (Hội Khai Trí Tiến Đức, 1931:29), Văn Tân, 1994:47, Hoàng Phê et al. 2006:35…), không có bánh dày, bánh dầy, bánh giày

Các nhà nghiên cứu (Trần Quốc Vượng, An Chi, Nguyễn Dư...) chưa có cách lý giải đủ sức thuyết  phục vì sao phải là giầy mà không là dày, dầy hay giày. Người lười tra từ điển thường viết tùy thích:

Bánh giầy (còn được viết là bánh giày, bánh dầy hay bánh dày) là một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở

Bánh giầy Gầu

Thursday, July 29, 2010

(http://langxuancau.blogspot.com.au/2010/07/banh-giay-lang-gau.html)



Ta thử hình dung hậu quả của thói tùy tiện này khi nó đi vào lớp học. Đầu sách mình dạy:


Bánh giầy hình tròn, tượng trưng cho mặt trời.

(Trần Đắc Trí & Huỳnh Thu Thủy, 2013:21)


Cuối sách mình ra đề thi:


Hãy thuật lại sự tích bánh dày bánh chưng.

(Trần Đắc Trí & Huỳnh Thu Thủy, 2013:107)
 
Học sinh phải viết về cái bánh nào?

Thursday, 10 August 2017

Sự thật ở Truông Bồn, lịch sử không thể làm giả được (Thanh Hà - Phụ Nữ Thành Phố Hồ Chí Minh 31/07/2017)

Lại bốn cuộc họp liên tiếp, đều triệu tập cô. Họ xem cô như người đang phá không để yên cho họ làm việc. 
(http://phunuonline.com.vn/gia-dinh/su-that-o-truong-bon-lich-su-khong-the-lam-gia-duoc-106321/)

1. Từ nhà lên xã. Xã lên huyện. Tập trung hai đêm lại đi. Đường đi thăm thẳm, cây cối lút mặt người. Cứ tưởng đi đâu hóa ra là lên Tân Kỳ. Dọc đường, các anh không xưng tên mà cứ một hai gọi cô là “con o”. Bảy thanh niên của xã cùng đi đợt này chỉ mình cô là nữ. Mẹ không cho cô đi. Mẹ khóc. Con là chị cả, sau còn bốn đứa em ngơ ngơ. Cô bảo, con là đoàn viên, phải gương mẫu. Xã mình chưa có ai là nữ xung phong đi cả.
Cha ra cửa hàng nhờ may cho cô chiếc túi xách màu nâu để mang bên người, đựng hai bộ quần áo. Thanh niên cộng sản không được khóc. Khóc là yếu đuối. Cha chúc cô lên đường khỏe mạnh. Mẹ của anh cũng sang khuyên cô ở lại. Con đi lỡ nó về thì sao? Anh đã chết một năm rồi. Chưa có giấy báo tử nên gia đình vẫn nuôi hy vọng.
Su that o Truong Bon, lich su khong the lam gia duoc - Anh 1
Cô Trần Thị Thông, tiểu đội trưởng đội 2 - đại đội 317, là người nhất duy nhất sống sót trong trận bom dội xuống cung đường 15A sáng 31/10/1968 tại Truông Bồn, xã Sơn Mỹ, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Trận bom đã vùi lấp 13 thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ, trong đó có 11 cô gái và 2 chàng trai. Hiện cô đang sống tại thành phố Vinh.
Đi thanh niên xung phong là đi làm đường. Mở đường, san lấp đường cho xe vào Nam đánh giặc. Công việc có lẽ bình yên vì không phải vào trong Nam. Cô lên được ít hôm thì một bữa chợt có người nhắn ra gặp mẹ. Sao mẹ biết con ở đây mà thăm? Thì nghe mấy người đi buôn nói trên Tân Kỳ có đoàn thanh niên xung phong, toàn người Yên Thành, mẹ đoán có con nên đi thử xem có gặp không.
Lên mà thấy có con thì về, sao đâu. Thấy con sống và công tác thế này, mẹ yên tâm rồi. Mẹ vừa lên đã về ngay. Gần hai tháng nấu ăn thì được chuyển lên tổ làm đường. Nghe mà phấn khởi. Nấu ăn mãi thì chán chết, cứ có cảm giác tù túng. Anh em lại mỗi người mỗi ý, không biết nấu thế nào cho vừa.
2. Chiến tranh không chỉ ác liệt ở trong Nam. Cô nhận ra điều đó khi lần đầu chứng kiến cảnh máy bay ném bom hàng loạt xuống ven rừng vào một buổi chiều. Truông Bồn chiều hè. Gió lào khô khốc. Mùi khét của bom. không một tiếng chim. Sáng đi làm, thấy một dãy dài xe chở hàng cháy khét, lửa vẫn còn âm ỉ.
Chỉ thấy những hình người lái. không thể nhận ra các anh là ai. Nhìn rồi đi tiếp. Lại thấy hai chị em. Con chị độ mười tuổi, bế con em chắc chưa đầy tuổi, cánh tay sắp đứt lìa khỏi cơ thể vì mảnh đạn. Đứa em không khóc. Con chị mặt không chút cảm xúc. Sao mọi người cũng chỉ nhìn mà chẳng ai làm gì, nói gì?
Tiểu đội mười bốn người. Mười hai nữ, hai nam. Đang bữa cơm, con Vinh khuỳnh tay chỉ hướng sang mâm bên kia. Khuy quần anh Hạp bị tuột. Anh vẫn tỉnh bơ ăn, không biết bốn đứa con gái bên này đang không nhịn được cười. Thương anh quần đùi cũng không có mà mặc. Con Đang đẹp nhất đội. Có nụ cười rất tươi.
Su that o Truong Bon, lich su khong the lam gia duoc - Anh 2
Một anh cùng đơn vị yêu thầm, dù biết nó đã có người yêu ở nhà. Vác xẻng ra san đường, nó kể, hôm qua anh ấy lại gửi trộm thư cho em. Đã đọc chưa? Dài lắm, mới đọc sơ sơ. Tối về ta cùng đọc. Tối về đã rất khuya. Vừa rửa tay rửa chân, thay quần áo xong lại có lệnh ra làm tiếp. Chờ đoàn xe đi qua thì cào đất lấp dấu bánh xe. Đi làm còn cố chọn quần chọn áo cho vừa, cho đẹp.
3. Tỉnh dậy trong trạng thái mơ màng. Lại thiếp đi suốt hai ngày nữa. Ngày thứ ba cô mới ngồi dậy được. Chuyện gì vậy? O may mắn lắm. Bọn nớ chết cả rồi. Người mẹ - người cả tiểu đội đang ở nhờ trong nhà kể. Có hai anh bộ đội đưa o về. Một anh mang xách y tá, một anh mang xách cán bộ. Họ hô hấp nhân tạo rồi mần đủ mọi chuyện cho o tỉnh lại. Lần mò ba lô từng đứa. Cái giường này bốn đứa nằm chung. Cô, con Nhung, con Vinh, con Đang. Giờ chỉ còn mình cô.
Máy bay nha, tất cả chui vô hầm nha. Mọi lần máy bay dạo một vòng rồi mới thả bom. Lần này phát hiện máy bay là đã thấy bom rơi. Mười ba người cùng chết. Không biết lúc đó họ có kịp cảm nhận cái chết không? Họ có đau đớn không? Chiến tranh không chỉ ác liệt ở trong B. Đi thanh niên xung phong cũng có thể không trở về.
Đó là những điều bốn năm trước cô không thể ngờ tới, không tưởng tượng ra. Tiểu đội chỉ còn mình cô. Được gom về đội thu dung. Lý do sức khỏe yếu. Cô không muốn về đó. Về đó là nhận mình có tư tưởng buông xuôi. Cô không buông xuôi. Vậy là được ghép vào một tiểu đội khác.
4. Chẳng ai biết đến cô cho đến 29 năm sau. Hôm đó, cô bế thằng con út đi xem ké ti vi nhà hàng xóm. Đang phát chương trình thời sự. Cô nhìn lên thấy dòng chữ “Hướng về Truông Bồn”, nói về một đơn vị anh hùng, một tiểu đội có 10 cô gái đã hy sinh.
Một phụ nữ được giới thiệu là người sống sót duy nhất, là tiểu đội trưởng. Cô ấy mặc bộ quần áo thanh niên xung phong, đội mũ tai bèo, tay cầm một nắm hương to, thắp cho từng ngôi mộ có tên từng người, đến mộ nào cũng khóc nức nở, nước mắt đầm đìa. Cô phát hoảng, bật kêu to “Ôi trời ơi!”. Những người cùng ngồi xem giật mình, quay nhìn cô. Chuyện gì vậy? Không, không có gì. Cô bế con về. Cô kể với chồng đoạn phim vừa xem. Chú sửng sốt. Hỏi đi hỏi lại xem có thật vậy không? Sao lại vậy?
Chồng cô chiến đấu trong chiến trường Quảng Trị. Một lần, xe qua chỗ bọn cô thì bị lầy. Trong khi chờ dọn đường cho xe qua, chợt có tiếng hỏi thăm ở đây có ai đồng hương Hưng Nguyên không, cho gửi nhờ lá thư về nhà. Cô gọi con Hoài lại. Rồi Hoài cầm thư nhờ người chuyển về giúp. Hết nhiệm kỳ thanh niên xung phong, đầu năm 1970 cô về làm việc ở một nhà máy, được phân ở nhờ nhà một người dân Hưng Nguyên.
Su that o Truong Bon, lich su khong the lam gia duoc - Anh 3
Con trai nhà ấy từ chiến trường về thăm bố ốm nặng. Thấy có cô gái ở nhờ nhà mình thì hỏi chuyện. Hóa ra, hai người từng gặp nhau năm 1968. Anh chính là người hôm ấy nhờ đưa thư về cho bố mẹ. Mấy mươi phút ngắn ngủi trong bóng tối nhập nhòe nên chẳng rõ mặt nhau. Chú hỏi thăm cô gái đồng hương. Cô kể lại chuyện đã xảy ra với tiểu đội mình.
Sao em thoát được khi cả mười ba người đều chết? Em là tiểu đội trưởng. Tiểu đội trưởng được mang súng trường. Khi anh Hạp hô to máy bay nha, em quay lại nhặt súng khoác vào người rồi mới nhảy xuống hầm. Em nhảy xuống cuối cùng. Có lẽ nhờ đầu ruồi súng nhô lên mặt đất, người ta phát hiện đến lay lay thì nghe tiếng rên.
Có lẽ nòng súng đã tạo kẽ hở cho chút không khí lọt vào nên em không chết. Người ta đã moi em lên, đầy bùn đất. Giấy tờ ngày đó cô còn giữ. Phòng sau này chưa già mà đã ốm yếu thì có cái để chứng minh cho con cháu biết vì sao sức khỏe mẹ như thế. Mẹ tham gia chiến tranh, mẹ bị sức ép của bom.
Giờ mình phải viết cái đơn. Chú nói sau vài ngày nghĩ ngợi. Cô không ngờ chuyện đó lại khiến chú mất ngủ suốt mấy đêm. Viết đơn gửi cho ai, viết thế nào? Nếu họ muốn lấy Truông Bồn làm di tích lịch sử thì phải làm cho đúng. Mình phải viết đơn xin trình bày rõ sự thật.
Thứ nhất, số người hy sinh trong trận bom đó không phải 10 người, mà chính xác là 13 người, 2 nam và 11 nữ. Thứ nhì, nhân chứng sống không phải là người đã lên ti vi. Một cái đơn chép tay thành bốn bản. Gửi Tỉnh đoàn, Ty Văn hóa, cơ quan thương binh xã hội và nghĩa trang Truông Bồn. Tên các cơ quan là chỉ ghi áng chừng, chứ chẳng biết xưng chính xác thế nào.
Một cuộc họp được tổ chức. Vợ chồng cô cùng có mặt. Khi cô bước vào, hai người đàn ông đứng đón khách nói nhỏ với nhau “hắn đang còn”. Cô nghe nhưng làm ngơ. Cuộc họp nêu vấn đề cô chú trình bày trong thư. Mọi người tranh cãi. Chỉ vậy rồi thôi. Chẳng ai nhắc gì nữa. Phải rất lâu sau, vào chiều hai chín tết, có người đàn ông tìm đến nhà cô.
Ông ta đưa một phong bì ba trăm nghìn đồng nói là thăm ốm, tiền của cơ quan nào đó trong Nam gửi cho Tỉnh đoàn làm từ thiện. Ông dặn cô: Từ nay về sau o đừng nói chi về Truông Bồn nữa. O không đứng tên ở Truông Bồn thì rồi sẽ về đứng tên ở Hoàng Mai, Cầu Cấm hoặc Bến Thủy gì đó. Tỉnh đang làm địa điểm để lấy thành tích, làm mô hình cho thế hệ sau học tập.
Cô nghe mà không chịu được. Ngứa tai! Cô nói: Bác ạ, tôi là thanh niên xung phong ở Truông Bồn thì tôi nhận là ở Truông Bồn, tôi ở tiểu đội nào thì tôi nói ở tiểu đội đó thôi. Ông nói tiếp: Thôi thì có chuyện gì o cứ trình bày lên Tỉnh, khoan ra Trung ương. Cô nói: Sự việc chưa rõ ràng, tôi còn phải gửi đơn nữa. Đây là vấn đề lịch sử. Người này không biết thì người khác biết. Người này không viết thì người người khác viết.
Lại bốn cuộc họp liên tiếp, đều triệu tập cô. Họ xem cô như người đang phá không để yên cho họ làm việc. Cô cùng 53 người được mời đi nhận kỷ niệm chương Thanh niên xung phong. Đến nơi, ai cũng được nhận, cô thì không. Có cái kỷ niệm chương chứng nhận mình từng là thanh niên xung phong thì cũng vui; mà không có cũng chẳng sao. Nhưng cô phải hỏi cho biết lý do. Họ nói: “Em còn thắc mắc chi nữa. Trước sau gì em cũng là tiểu đội trưởng rồi. Bữa nào họ gửi giấy mời làm lễ đón nhận đơn vị anh hùng thì đi thôi. Thứ Năm này có đợt đi an dưỡng ở Cửa Lò đấy, em có muốn đi thì sắp xếp luôn”.
Nào cô có đòi hỏi gì đâu. Cô chỉ muốn nói cho đúng sự thật. Đồng đội chết hết cả rồi, mình phải nói thay họ.
Ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể 14 chiến sĩ TNXP Truông Bồn thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước, tỉnh Nghệ An. Trong đó, 11 chiến sĩ nữ và 2 chiến sĩ nam đã anh dũng hy sinh. Chỉ mình cô Trần Thị Thông còn sống.
Thanh Hà

Tuesday, 8 August 2017

CẬU ẤM, CÔ CHIÊU (Hoàng Tuấn Công - Tuấn Công Thư Phòng)

3 thg 6, 2017

CẬU ẤM, CÔ CHIÊU

(http://tuancongthuphong.blogspot.com.au/2017/06/cau-am-co-chieu.html)


Ảnh:ST
HOÀNG TUẤN CÔNG

Sách “1575 thành ngữ, tục ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia), mục “Cậu ấm cô chiêu – Cậu ấm sứt vòi”, tác giả Lê Gia giảng như sau:

Chữ “ấm” (cũng đọc là “âm”): Bóng mát. Sự che chở cho. Chữ “ấm” (cũng đọc là “ẩm”): Cho uống nước. Cho nên ta cũng gọi cái bình tích thuỷ, cái nồi nấu nước là “cái ấm”. Chữ “chiêu”: Cái ấm để nấu nước trà. Có người nói: “Chiêu từng miếng nước”; “cô chiêu”: Con gái nhà quan lớn nhưng vì là con gái nên không được tập ấm. Nhưng vì chữ “ấm” có nghĩa là bóng che và là cái ấm, cùng nghĩa với chữ “chiêu” là cái ấm, nên dù cô gái không được “tập ấm”, không được gọi là “cô ấm”, thì nay gọi tạm là “cô chiêu”, nó cũng có nghĩa là “cô ấm” (có danh, không có thực); “Cậu ấm sứt vòi”: Như trên, cậu con trai này mang hai cái tên là “tập ấm” và “cái ấm”, nên nếu cậu là người hư hỏng, bất tài thì ví cũng như cái ấm bị sứt mẻ mất cái vòi thành ra đồ bỏ”.(*)


Theo chúng tôi, lời “bàn thêm” của ông Lê Gia có một số điểm cần phải bàn lại như sau:

- Tác giả Lê Gia không chú chữ Hán, nên không rõ ông nói về một chữ “ấm” với hai âm đọc, hay là hai chữ khác nhau. Tuy nhiên, chữ “ấm” (mà Lê Gia giảng là “Bóng mát. Sự che chở cho”), có tự hình , nghĩa là: Bóng cây, bóng rợp. Phàm được nhờ ơn của người khác đều gọi là ấm. Như tổ ấm 祖蔭 nhờ phúc trạch của tổ tiên để lại. Phép ngày xưa cứ ông cha làm quan to, con cháu được tập ấm ra làm quan, gọi là ấm sinh 蔭生, ấm tử 蔭子, ấm tôn 蔭孫, v.v.; trong khi chữ “ẩm” (Lê Gia giảng với nghĩa “cho uống nước”) lại có tự hình , nghĩa là: Đồ uống. Như rượu, tương gọi là ẩm. Uống. Như ẩm tửu 飲酒 uống rượu, ẩm thuỷ 飲水 uống nước, v.v. Ngậm nuốt. Như ẩm hận 飲恨 nuốt giận, nghĩa là mang mối hận âm thầm ở trong không lộ ra ngoài. Một âm là ấm. Cho uống. Như ấm chi dĩ tửu 飲之以酒 cho uống rượu (“Hán Việt tự điển” – Thiều Chửu).
- Dù thế nào, thì cả hai chữ “ấm” và “ẩm” , đều không có nghĩa nào chỉ “cái ấm”, mà “ấm” trong “cậu ấm” nghĩa là cháu con nhà quan được “tập ấm” (như Thiều Chửu đã giảng). Bởi vậy, ông Lê Gia cho rằng, chữ “ấm” (trong “cậu ấm”) đọc là “ẩm” nghĩa là uống nước, nên nó cũng có nghĩa là “cái ấm” là hoàn toàn suy diễn.

-Chữ “chiêu” trong “cô chiêu” cũng không phải là “cái ấm để nấu nước trà” (vì có người nói “chiêu từng miếng nước”, như Lê Gia suy diễn), mà do chữ “chiêu” trong “Chiêu văn quán” 昭文館 (“chiêu” = “hiển dương” 顯揚 (sáng sủa, rạng rỡ). “Việt Nam tự điển” (Hội khai trí Tiến đức) giảng như sau: “chiêu: Tên gọi con ông tiến-sĩ đời Lê, con các ông tiến-sĩ thì được dự vào học-sinh chiêu-văn-quán <> Cậu chiêu, cậu ấm, v.v..”.

Triều Lê, (đời Hồng Đức) đặt ra Sùng văn quán, Tú lâm cục. Con các quan từ Tam phẩm trở lên được tuyển vào Sùng văn quán. Con các quan từ ngũ phẩm trở lên tam phẩm được tuyển vào Tú lâm cục (Trạng lường Lương Thế Vinh từng được thăng Thị thư viện Hàn lâm, kiêm Sùng văn quán và Tú lâm cục). Sau đời Hồng Đức, Sùng văn quán 崇文館, đổi làm Chiêu văn quán 昭文館. Văn bia đề danh tiến sĩ khoa Quý Mùi niên hiệu Hồng Thuận năm thứ 6 (1514) chép: “Phụng trực đại phu Lại bộ Thượng thư Tri Chiêu văn quán, Tú lâm cục Tư chính Thượng khanh Đàm Thận Huy…”.

Vì con các ông tiến sĩ gọi là “chiêu”, nên Thi hào Nguyễn Du (con thứ bảy của Tiến sĩ Nguyễn Nghiễm), thời đi học còn gọi là “cậu Bảy Chiêu”; Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (con thứ bảy của Tiến sĩ Lê Hữu Mưu) cũng được gọi là “cậu Bảy Chiêu”. 
Như vậy, “ấm” trong “cậu ấm” chỉ về lệ “tập ấm” do triều đình ban cho con cháu các quan. Như “ấm tử” 蔭子 (con quan); “ấm tôn” 蔭孫 (cháu quan)…Còn “chiêu” lại chỉ riêng các nho sinh con ông Tiến sĩ, được vào học ở Chiêu văn quán. Và “chiêu”, trong “cậu chiêu”, vốn dùng để chỉ con trai các ông Tiến sĩ. Sau này, thành ngữ “cậu ấm, cô chiêu” nhằm để chỉ cả con trai, con gái nhà quan nói chung. Thành ngữ “cậu ấm sứt vòi” chẳng qua chỉ là cách chơi chữ, đồng nghĩa “ấm” (trong “tập ấm” 襲蔭), với “ấm” (trong “ấm nước”) để chế giễu, mỉa mai con cái nhà quan, được hưởng ân đức, bổng lộc của cha ông mà dốt nát, hư hỏng, hoặc lớn lên khi gia cảnh đã thất thế (giống như “đích tôn”, giễu thành “đít tôn”, “đít vại”…).

Ngày nay, “cậu ấm cô chiêu” còn được dùng với nghĩa con cái các quan chức lãnh đạo, hoặc nhà giàu sang, quyền quý, có địa vị, tiếng tăm trong xã hội.
Hoàng Tuấn Công

(*) “1575 thành ngữ, tục ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia - NXB Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 2009), là cuốn sách mà trong đó, tác giả Lê Gia làm công việc “bàn thêm” để chỉ ra cái chưa đúng của các soạn giả đi trước. Điều này rất cần thiết. Tiếc rằng, rất nhiều điều “bàn thêm” của Lê Gia nặng về suy diễn chủ quan, kiến giải vô căn cứ, khiến vấn đề có khi đang đúng lại trở thành sai. Cách giảng “Cậu ấm cô chiêu – Cậu ấm sứt vòi”, là một ví dụ. (Chúng tôi sẽ có bài riêng viết về vấn đề này).