“Làm
báo” ở đây hiểu theo ba việc: 1. Sáng tác ra các bài báo, gồm cả viết
báo và trả lời phỏng vấn cho phóng viên của tờ báo nào đấy rồi họ đăng
lên báo; 2. Quản lý tờ báo; 3. Phần nào là đọc báo để vừa nhận thông tin
vừa để nâng cao chất lượng tờ báo, bài báo. Hồ Chí Minh đã kinh qua ba
việc đó. Phạm vi bài viết này đi sâu vào việc thứ nhất. Trong phong cách
viết báo của Hồ Chí Minh, có ba điều cơ bản nổi bật nhất: 1. Viết ngắn
gọn, súc tích; 2. Viết đủ những thông tin cơ bản cần thiết; 3. Viết hay
(hấp dẫn người đọc).
Hồ Chí Minh là một nhà báo “chính danh”;
là bậc thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam, tuy rằng Hồ Chí Minh
không hề có thẻ nhà báo, làm báo nhưng chưa qua bất kỳ trường lớp nào
dạy viết báo. Hồ Chí Minh đồng thời là người: sáng lập, chủ nhiệm, chủ
bút, viết báo, phát hành,… nghĩa là làm tất các công đoạn từ A đến Z
trong nghề báo1. Hồ Chí Minh là Chủ bút báo Thanh niên
của tổ chức Hội Việt Nam Cách mệnh Thanh niên, từ năm 1925. Trong suốt
cuộc đời, Hồ Chí Minh đã cho đăng trên các báo ở cả trong nước và nước
ngoài khoảng hơn 3.500 bài.
Nhiều người đã gọi Hồ Chí Minh bằng
nhiều danh vị: nhà cách mạng, nhà văn hóa, nhà quân sự, nhà ngoại giao,
nhà thơ, v.v. Nhưng, Người chỉ nhận mình là nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp. Trong danh vị nhà hoạt động chính trị chuyên nghiệp ấy, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc dùng báo chí làm công cụ tác nghiệp để đạt mục đích
ba giải phóng: dân tộc - xã hội - con người. Tất cả các biểu hiện phong
cách làm báo của Hồ Chí Minh chỉ đều nhằm mục đích đó, không có mục
đích nào khác. Như vậy, phong cách làm báo của Hồ Chí Minh luôn mang
tính hướng đích, như một véc-tơ lực hướng vào cái đích đó mà thôi. Điều
này cắt nghĩa tại sao Hồ Chí Minh thường hay nhấn mạnh tới những luận
đề: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?
1. Phong cách viết ngắn gọn, súc tích
Hồ Chí Minh viết báo với nội dung không
cao siêu, không chung chung, mà đi thẳng vào lòng người. Đề tài mà Người
chọn viết luôn nhằm vào mục tiêu đã định; chính vì vậy rất ngắn gọn,
súc tích. Điển hình là, trong cuốn Đường kách mệnh2, Hồ Chí Minh viết: “Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ”3. Có thể coi đây là một dạng “tuyên ngôn” về phong cách viết của Hồ Chí Minh cho suốt cả cuộc đời viết báo của Người sau này.
Bản Tuyên ngôn Độc lập do Hồ
Chí Minh khởi thảo và thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa tuyên đọc tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội chiều ngày 2-9-1945
chính là sự tinh chắt nguồn sinh khí của một dân tộc được hồi sinh và
thăng hoa thông qua những lời văn súc tích. Bản Tuyên ngôn Độc lập
chỉ vẻn vẹn 1.003 chữ, khi đề cập thời cơ, nguyên nhân do đâu hoặc hình
thái mà nhân dân ta giành được chính quyền, lập nên chế độ Dân chủ Cộng
hòa, Hồ Chí Minh chỉ “gói” vào trong 9 chữ: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua
Bảo Đại thoái vị”4. Bản Tuyên ngôn Độc lập ấy, hội
đủ những căn cứ có giá trị pháp lý quốc tế, đồng thời khái quát quá
trình diễn biến cho sự xuất hiện một chế độ chính trị mới; là tuyên ngôn
về quyền chính đáng của một dân tộc và của cá nhân con người (quyền con
người) trong độc lập, tự do và cho một thể chế chính trị bắt đầu bước
lên khán đài chính trị thế giới bằng cái tên chưa bao giờ có trong lịch
sử Việt Nam trước đó: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Phong cách viết ngắn gọn, súc tích của Hồ Chí Minh còn được thể hiện rõ khi Người viết: Chánh cương vắn tắt của Đảng, với 276 chữ; Sách lược vắn tắt của Đảng, 253 chữ; Chương trình tóm tắt của Đảng, 178 chữ; Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam,
603 chữ, nhưng lại đáp ứng được đầy đủ tất cả các tiêu chí làm thành
cương lĩnh của một đảng chính trị trong Hội nghị thành lập Đảng đầu năm
1930. Ngay các diễn văn đọc tại những buổi lễ hoặc đón - tiễn các nguyên
thủ quốc gia sang thăm Việt Nam cũng được Hồ Chí Minh viết ngắn gọn,
súc tích như thế; không ít diễn văn còn xen vào mấy câu thơ, có khi đó
là thơ lẩy Kiều. Đặc biệt, những lời kêu gọi đầy khí thế hào sảng, những
bức thư, những bài báo viết cho đồng bào, chiến sĩ và các cháu thanh
thiếu niên cả nước rất ngắn gọn, súc tích nhưng chứa chan bao nhiêu ân
tình.
Hồ Chí Minh phản đối cách viết dài mà
lại rỗng tuếch, nhưng không nhất thiết lúc nào và về cái gì cũng phải
viết ngắn mới tốt. Dài, ở đây theo đề cập là một số người viết dài mà
không gọn gàng, súc tích. Trong nhiều bài trả lời phỏng vấn báo chí,
nhất là gặp phải những câu hỏi hóc búa, thì Người thường trả lời còn
ngắn gọn hơn cả câu hỏi đặt ra.
2. Viết đủ những thông tin cơ bản cần thiết
Trong viết báo, Hồ Chí Minh rất chú
trọng chuyển tải đúng và chuyển tải đủ những thông tin cơ bản cần thiết
đến cho người đọc. Đây cũng là một phong cách ấn tượng của nhà báo cách
mạng Hồ Chí Minh. Trong tác phẩm Đường kách mệnh, Người viết:
“Chắc có người sẽ chê rằng văn chương cụt quằn. Vâng! Đây nói việc gì
thì nói rất giản tiện, mau mắn, chắc chắn như 2 lần 2 là 4, không tô vẽ
trang hoàng gì cả,… Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ
lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm
cách mệnh. Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách
mệnh! Cách mệnh!! Cách mệnh!!!"5.
Hồ Chí Minh thường sử dụng các con số
thống kê. Đó là những con số biết nói; chúng không khô khan, bởi chúng
được kiểm tra. Sau này, khi giữ trọng trách Chủ tịch Đảng, Chủ tịch
Nước, công việc hằng ngày rất bận, vậy mà hằng ngày Người vẫn thu thập
tin tức (săn tin) từ các báo đài ở cả trong và ngoài nước, từ đọc sách,
từ nghe và đọc các báo cáo của các cấp, các ngành. Bao giờ Hồ Chí Minh
cũng thẩm tra lại những tin tức, những con số cho chính xác. Những bài
báo của Hồ Chí Minh tuy ngắn, nhưng những câu viết hàm chứa những nhận
định, thông tin có chiều sâu, đầy đủ, có nguồn tin cậy.
Rất tiếc trong thời đại của công nghệ
thông tin hiện nay, không ít người viết đã dài mà lại không đủ thông
tin, tệ hơn là không chính xác. Nguyên nhân có thể là cái tâm của người
viết báo không lành, cái đức không tốt, không cao, kỹ năng viết báo kém
cỏi và cuối cùng là nguồn tin thu thập được quá nghèo nàn. Không ít
người dễ dãi trong nhận tin, tin không rõ cũng có, tin bị lừa cũng có.
Phong cách viết báo của Hồ Chí Minh thể hiện rõ: điều gì chưa rõ thì
chưa viết; điều gì chưa nên công bố thì chưa công bố; những gì cần thông
tin cho người đọc biết thì thông tin đầy đủ, đúng sự thật.
Những bài báo của Hồ Chí Minh đưa lại
thông tin cho người đọc một cách hữu hiệu, vì luôn chú ý tuân thủ tính
mục đích, cho nên Người đưa tin có trọng tâm, trọng điểm; tin gì viết
kỹ, tin gì chỉ viết qua để tránh tình trạng thông tin chính không tập
trung viết mà lại sa vào những tiểu tiết không quan trọng. Người đọc bao
giờ cũng đứng trước sự lựa chọn để đọc bài báo phù hợp với hoàn cảnh cụ
thể của bản thân. Nhưng, dù với người đọc nào đi chăng nữa, thì luồng
thông tin đầy đủ, chính xác trong bài báo cũng cần được tôn trọng. Có
lẽ, để cho người đọc tránh được “định kiến”, Hồ Chí Minh thường lấy
nhiều bút danh khác nhau để viết báo. Đây là việc độc đáo của nhà báo
cách mạng Hồ Chí Minh.
3. Viết hay (hấp dẫn người đọc)
Người viết báo phải viết bằng trái tim
đầy xúc cảm. Hồ Chí Minh chính là nhà báo như thế! Người viết báo là đi
thẳng từ trái tim của mình đến bạn đọc. Ngòi bút và ngôn ngữ chỉ là
phương tiện để nói hộ trái tim mình. Đối với Hồ Chí Minh, những bài báo
“đặt hàng” chỉ là đặt hàng từ trái tim. Muốn hấp dẫn người đọc, Người
thường căn dặn những nhà báo chú ý đến đối tượng người đọc. Bởi, mỗi một
tờ báo đều có đối tượng riêng, khác nhau. Bài viết này là hay với đối
tượng người đọc này nhưng chưa chắc đã hấp dẫn đối với đối tượng người
đọc khác. Thông qua ngôn ngữ báo chí của mình, Hồ Chí Minh muốn biểu đạt
tư tưởng của mình cho phù hợp với từng đối tượng người đọc. Hồ Chí Minh
nói và viết bằng ngôn ngữ bình dân để tất cả mọi người, từ người bác
học đến người dân bình thường đều hiểu được, tức là đề cập bốn vấn đề
Người nói và viết phải xác định thật rõ: viết cái gì; viết cho ai; viết
để làm gì; viết như thế nào. Không phải là tất cả, nhưng rất nhiều bài
viết xong, trước khi công bố, Người thường đưa cho một số người xung
quanh để mong nhận được góp ý sửa chữa, bổ sung. Khi nhận được góp ý thì
Người đều quý trọng các ý kiến đó như nhau, không cho rằng ý của ông ủy
viên Bộ Chính trị là quan trọng hơn ý kiến của anh chị em phục vụ.
Điều hấp dẫn của một bài báo không phải
là dùng những từ ngữ cho “kêu”, cho “oai”, cho “bóng bẩy” mà là dùng
những từ ngữ chính xác, lột tả được bản chất của vấn đề, có khi còn dùng
cả lối chơi chữ (“Taylo thì chân cũng lo” - Taylo là tên của một người
Mỹ); ẩn dụ, hóm hỉnh, trào lộng, dí dỏm làm cho người đọc dễ có ấn
tượng. Trong những bài đả kích sâu cay, Hồ Chí Minh thể hiện phong cách
vừa kiên quyết, vừa thâm trầm. Chẳng hạn, trong thời kỳ thực dân Pháp
tái xâm lược Việt Nam, khi một số phóng viên báo chí nước ngoài moi móc,
châm chọc, Người dùng cách viết “vừa xoa vừa đấm” rằng: tờ báo chỉ là
giấy trắng mực đen mà thôi; nhưng với tờ giấy trắng mực đen ấy, người ta
có thể viết những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư
yêu đương. Từ trước đến giờ, báo chí Pháp đều chỉ dùng giấy để viết
những tối hậu thư nhiều hơn; bây giờ về sau, chúng ta phải dùng giấy để
viết những bức thư thân ái. Không phải chúng tôi có cái không tưởng
rằng, báo chí hai bên sẽ luôn gửi thư yêu thương cho nhau. Nhưng, sự
việc nào đó mà cứ thêu dệt thêm lên, dùng những lời vô phép, thô bỉ, thì
bên kia thấy vậy chưa biết phải, trái ra sao thì đã bất bình và không
ngần ngại gì mà không đối phó lại cùng một cách.
Hồ Chí Minh hay phê bình những cán bộ,
đảng viên có “bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, bệnh sính dùng chữ nước
ngoài”, cứ nói và viết “tràng giang đại hải”, “giây cà ra giây muống”,
“thao thao bất tuyệt”, dùng những ngôn từ không sát hợp đối tượng, nội
dung không phù hợp, nghĩa là không chú ý tới người nghe, người xem,
không quan tâm họ có hiểu hay không. Hồ Chí Minh nói tiếng nói của nhân
dân, học tiếng nói của nhân dân, dùng ca dao, tục ngữ vào ngay cả những
bài báo có tính chính luận; lạ thay, khi dùng như thế thì chúng lại mang
tính triết lý đúc kết từ cuộc sống lâu đời truyền từ thế hệ này đến thế
hệ khác của dân tộc. Mà chúng ta biết rằng, ca dao, tục ngữ chính là
biểu đạt và đúc kết từ sự thông thái của dân gian. Hồ Chí Minh diễn giải
những vấn đề lý luận chính trị, về chủ nghĩa Mác – Lê-nin đến với mọi
người một cách rõ ràng, đúng bản chất của vấn đề, dễ hiểu, không rườm
rà, không kinh viện kiểu “tầm chương trích cú”. Những lời kêu gọi đăng
báo toát lên hừng hực khí thế bao chứa quyết tâm chiến lược hành động
của cả một dân tộc ở trong đó; lời chúc Tết của Người có xen bài thơ làm
cho đêm giao thừa giữa năm cũ và năm mới thật thiêng liêng, chứa chan
xúc cảm lòng người; những bài văn chính luận hào sảng; những bức thư gửi
cho các ngành, các giới, các em học sinh, thanh niên, thiếu niên, nhi
đồng đầy tình cảm thân thương, kể cả “Thư” (gọi là Di chúc)
trước lúc từ giã cõi đời gửi lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta,
trong nước và quốc tế, đã nói lên phong cách viết báo đầy tính hiệu quả
của Người. Đó thực sự là phong cách toát lên tinh thần “Dân tộc - Khoa
học - Đại chúng”.
4. Vài suy nghĩ về học tập, vận dụng phong cách viết báo của Hồ Chí Minh hiện nay
Phong cách là cái riêng của mỗi một
người, không ai giống ai. Đành rằng là thế. Có học tập, vận dụng phong
cách viết báo của Hồ Chí Minh được không? Câu trả lời là: Được. Trong
cái riêng của Hồ Chí Minh, vẫn có những cái chung, mà nếu muốn quyết tâm
học tập, vận dụng thì cũng được, tuy không hề đơn giản. Muốn học và vận
dụng được, ít nhất phải có hai điều:
Thứ nhất, phải có tâm thế chủ động, tích cực.
Tâm thế là toàn bộ thái độ, tâm lý của con người khi đứng trước một sự
việc nào đó và nó có ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến kết quả hành động của
con người. Có thể nêu lên hai tâm thế đối lập nhau là: chủ động, tích
cực và bị động, tiêu cực. Người nào có tâm thế chủ động, tích cực thì
khi ứng xử (đối với người, đối với việc, đối với người - theo cách phân
loại ứng xử của Hồ Chí Minh) sẽ đạt được kết quả tốt. Ngược lại, người
nào mà có tâm thế bị động, thụ động, tiêu cực thì khó hoặc không đạt
được kết quả tốt. Hồ Chí Minh viết một bài báo nào đó đều với tâm thế
tích cực, chủ động, thanh thản, bình tâm. Đó là trạng thái tâm lý của
người viết báo. Do vậy, học tập phong cách viết báo của Hồ Chí Minh,
chúng ta rất cần một tâm thế như Người, nghĩa là chủ động, tích cực. Tự
bản thân mình thấy rằng, học tập phong cách viết báo của Hồ Chí Minh là
nhu cầu thiết thân hằng ngày - như con người cần có nước uống, cần có
cơm ăn, cần có dưỡng khí để thở - nếu đạt được tâm thế như vậy thì mới
thu được kết quả tốt. Tâm thế đó phải trở thành một trong những điều
kiện tiên quyết làm nên thành công của một nhà báo cách mạng trong giai
đoạn hiện nay. Muốn đạt được tâm thế này, một vấn đề nữa cần đặt ra là
nhà báo cần có một trí tuệ sung mãn và tư chất đạo đức công dân cũng như
đạo đức nghề nghiệp tốt. Đó là năng lực và trí tuệ của chính nhà báo
được học tập, tự giác rèn luyện hằng ngày, bất kể trong điều kiện nào.
Đó cũng là yêu cầu về chiều sâu của trí tuệ, bề rộng và dày của văn hóa
và sự lão luyện, tinh thông kỹ năng của nghề báo.
Thứ hai, vận dụng vào điều kiện hiện nay cho sát hợp.
Muốn thế, cần phải hiểu rõ tình hình thực tế, hiểu rõ bản chất của vấn
đề đang xẩy ra. Một món ăn tinh thần ngon lành, hấp dẫn người ăn là bởi
vì nó hợp khẩu vị. Khẩu vị này hiện nay rất đa dạng, nhưng có những khẩu
vị phổ biến “quốc hồn, quốc túy” mà làm nên văn hóa ẩm thực của con
người Việt Nam nói chung. Chính vì thế, khi đọc lại những bài báo của Hồ
Chí Minh, có khi đó là những bài đăng từ mấy chục năm nay rồi, hoàn
cảnh hiện nay có thể đã khác xưa rồi, nhưng nhiều ý tứ mà Hồ Chí Minh
viết vẫn còn hấp dẫn người đọc. Cuộc sống luôn biến đổi không ngừng. Cái
còn lại mãi của một bài báo là ở sức sống từ bản chất vấn đề, chứ không
nằm trong chi tiết nào đó. Bởi, chúng chỉ là cái cụ thể trong một hoàn
cảnh cụ thể, nó có thể phù hợp với lúc này mà không còn phù hợp ở lúc
khác. Phong cách viết báo của Hồ Chí Minh giống như bản thân Người quan
niệm trong hành động: phải phù hợp với từng lúc, từng nơi, là “Dĩ bất
biến, ứng vạn biến”. Đó cũng là biện chứng mác-xít mà chúng ta thấy rất
rõ trong phong cách mà Hồ Chí Minh để lại cho các thế hệ nhà báo cách
mạng Việt Nam.
GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG
____________
1 - Khi Người làm ở báo Le Paria tại Pháp đầu những năm 20 của thế kỷ XX.
2 - Gồm những bài viết của Hồ Chí Minh
cho các lớp huấn luyện thanh niên Việt Nam yêu nước tại Quảng Châu -
Trung Quốc được tập hợp lại in thành sách năm 1927.
3 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 283.
4 - Sđd, Tập 4, tr. 3.
5 - Sđd, Tập 2, tr. 283.
(http://tapchiqptd.vn/vi/theo-guong-bac/phong-cach-lam-bao-cua-chu-tich-ho-chi-minh/10256.html)