Monday, 10 August 2020

Tại sao sinh viên Võ Bị Đà Lạt được gọi là cùi ?


Ông Huỳnh Bửu Sơn kể lại giai thoại sau:

Văn hóa vụ trưởng đầu tiên là cụ Ðỗ Trí Lễ, cựu Giám đốc Học chính tại Hà nội. Sau khi cụ Ðỗ Trí Lễ về hưu, Trung tá Trần Ngọc Huyến được bổ nhiệm về trường thay thế. Chữ "CÙI" xuất phát từ lúc khóa 16 còn tại trường và Trung tá Huyến giữ chức vụ Chỉ huy trưởng kiêm Văn hóa vụ trưởng của trường. 

Mặc dù là Chỉ huy trưởng nhưng ông thường trực tiếp lên lớp với khóa 16 với tư cách một giáo sư văn hóa giảng dạy môn "Huấn luyện Tinh thần". Có lẽ vì chương trình bốn năm dài đằng đẵng, phần đông sinh viên đã ngán văn hóa, nhưng khi vào trường lại gặp phải văn hóa nên sinh ra ù lì, biếng học. Thái độ tiêu cực của một số sinh viên sĩ quan trong các giờ "học về tinh thần" làm vị giáo sư này nổi giận. Ông áp dụng kỷ luật, rầy la nhưng thấy cũng không có hiệu quả mấy. Ông đổi ra phương cách khích động tinh thần. Ông đã để ra hàng giờ lý luận với sinh viên sĩ quan phương trình A phải bằng A, thuyết phục sinh viên sĩ quan là phải chấp nhận khi vào trường là phải học hành đến nơi đến chốn chứ không được lạng quạng

 

Càng cố gắng, ông giáo sư này càng gặp bực mình. Một hôm nọ, sau khi sinh viên sĩ quan ra khỏi lớp, còn lại mình ông và tôi, ông cằn nhằn:  

"Tụi sinh viên của "toi" bê bối quá. Cùi hủi gì đâu! Chỉ có cùi mới không sợ ghẻ lở. "Moi" phải gọi tụi nó bằng cùi mới được." 

Ông vừa nói xong thì lớp khác vào học, ông bèn gọi sinh viên sĩ quan là cùi luôn. Ông dùng chữ CÙI như để "mắng yêu" sinh viên sĩ quan. Có một vị giáo sư nào mà không thương yêu học trò? Ðối với sinh viên sĩ quan, Trung tá Huyến là người "giơ cao đánh khẽ". 

(http://www.dinhsong.net/DS/WebsiteAoSauVuon.aspx)

Ông Mai Trung Ngọc, một cựu sinh viên sĩ quan Võ Bị Đà Lạt, giải thích:

Các SVSQ K14, 15, 16, 17, 18 được Chỉ Huy Trưởng Trần Ngọc Huyến gọi là "Cùi", chúng tôi cũng tự gọi nhau là "Cùi". Có lần người viết hỏi ông "Cùi" có nghĩa là gì, thì ông nói "Cùi nghĩa là Cùi chứ còn gì nữa", nhưng tất cả đều hiểu rằng ông muốn các học trò của ông đừng bao giờ tự mãn, tự thị hãy học thêm để phục vụ những việc tốt đẹp. Chỉ Huy Trưởng Trần Ngọc Huyến nay đã tạ thế, tôi viết các dòng trên như để tưởng niệm 1 bậc Thày

(http://k16vbqgvn.org/butky-lytuongTVBQGVN-MTN.htm)

Tôi nghi ông Huyến chơi chữ. Tiếng Pháp lépreux (cùi) đồng âm với les preux (những chàng dũng sĩ).

Saturday, 8 August 2020

Đấu tranh giai cấp với tư duy nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (Nguyễn Văn Khoan - Đại Biểu Nhân Dân)

Nhân kỷ niệm 86 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam

Đấu tranh giai cấp với tư duy nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh

07:46 | 18/06/2011
Theo báo cáo của mật thám Jean tại Paris trong ngày 9 tháng 2 năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã hai lần đến thư viện Sainte Geneviève, rồi sau đó vào các ngày 10, 11, 12, 13, 15, 17, 19 và nhiều ngày nữa vẫn tiếp tục đến đọc sách trong thư viện này. Trong một lần kể chuyện cho một cán bộ, Hồ Chủ tịch nói Bác đã đọc Tư bản luận của Mác bảy ngày liền. Phải chăng Người đã đọc cuốn sách đồ sộ của Mác tại thư viện Sainte Geneviève?
Gần đúng hai tháng sau, ngày 11 tháng 2 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đã trình bày đề tài Chủ nghĩa Bônsêvích ở châu Á tại Hội nghị những người Thanh niên Cộng sản Pháp quận II, Paris. Tháng 7 cùng năm, Nguyễn Ái Quốc đọc tác phẩm của Lênin về Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc thuộc địa đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo) số ra ngày 16 và ngày 17 tháng 7 năm 1920. Luận cương này đã làm cho Nguyễn Ái Quốc “cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao” - một tình cảm và nhận thức mà do nhiều nguyên nhân trước đó Người  chưa có cho đến khi đọc tác phẩm của Mác. Nguyễn Ái Quốc còn viết thư bằng tiếng Pháp gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản cho biết: “Luận cương này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành thế giới quan của mình”.
Văn bản đầu tiên mà Nguyễn Ái Quốc nêu tên V.I.Lê nin là bài “ Mấy ý nghĩ về vấn đề thuộc địa” viết bằng tiếng Pháp đăng trên báo L’Humanité, ký tên Nguyễn Ái Quốc, ngày 25 tháng 5 năm 1922. Trong bài này, tác giả viết: “Chủ nghĩa Bôn sêvích, trước con mắt người dân bản xứ có nghĩa là sự phá hoại tất cả, hoặc tự giải phóng khỏi ách nước ngoài. Nghĩa thứ nhất, làm cho quần chúng ít học và nhút nhát xa lánh chúng ta, nghĩa thứ hai thì dẫn họ đến chủ nghĩa quốc gia. Cả hai điều đó đều nguy hiểm cả”.
Băn khoăn, suy nghĩ về chủ nghĩa Bônsêvích thực ra là chủ nghĩa Mác áp dụng như thế nào trong một nước thuộc địa có bọn đế quốc thực dân và tay sai, có đông đảo nông dân, một bộ phận nhỏ công nhân mới hình thành cùng với nhiều tầng lớp xã hội khác - như ở Việt Nam - là một chuỗi dài tháng năm tư duy, chọn lọc, tìm kiếm của Nguyễn Ái Quốc.
Nguyễn Ái Quốc đã đi từ nhận định: “Ở Đông Dương có hai con người: Người được bảo hộ và người đi bảo hộ” (báo Le Paria, số 16 tháng 7 năm 1923) đến kết luận: “Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người, giống người bóc lột và giống người bị bóc lột” (Báo Le Paria, số 25 tháng 5 năm 1924) và “ chỉ có hai loại người: Thiện và Ác”.
Trong bài Phong trào cách mạng ở Ấn Độ đăng trên Tạp chí Cộng sản tiếng Pháp, số 18 - 19 tháng 8, 9 năm 1921, Nguyễn Ái Quốc viết: “Thảm họa của đất nước đã xóa bỏ, sự phân biệt đẳng cấp và tôn giáo, người giàu, người nghèo, quý tộc và nông dân, Hồi giáo và Phật giáo đều hiệp sức đoàn kết”.
Trong năm 1924, tại Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc đã được mời đến giảng tại một lớp học của những đảng viên cộng sản Đức, văn bản đã được nhà sử học Pháp Alain Rusico công bố dưới đề mục Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Người đọc báo cáo này được đánh giá là một người am hiểu sâu sắc chủ nghĩa Mác và thực tế lịch sử Việt Nam trong quá khứ và hiện tại... Nguyễn Ái Quốc nói: “Cuộc đấu tranh giai cấp (ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) không diễn ra giống như ở phương Tây”.
Tại sao vấn đề đấu tranh giai cấp - hòn đá tảng để phân biệt những người cách mạng chân chính hay cơ hội, là động lực phát triển của xã hội có giai cấp đối kháng như Mác - Lênin đã nêu, lại “không diễn ra ở phương Đông, ở Việt Nam, giống như phương Tây”? Nguyễn Ái Quốc, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, với một tư duy độc lập nhằm mục đích cao nhất là tìm ra một phương pháp tối ưu, phù hợp với Việt Nam để giải phóng dân tộc, đã lập luận rằng: “Xã hội Đông Dương về mặt cấu trúc kinh tế không giống các xã hội phương Tây thời Trung cổ, cũng như thời Cận đại, và đấu tranh giai cấp ở đó (ở Đông Dương, Việt Nam) không quyết liệt như ở đây (ở châu Âu)”.
“Chủ nghĩa Mác sẽ còn đúng ở đó (ở Đông Dương). Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách thêm vào đó những tư liệu mà Mác ở thời mình không thể có được”.
Nguyễn Ái Quốc nói tiếp: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”.
Ở đây ta có thể thấy tư duy của phương Đông, của Việt Nam (mà Nguyễn Ái Quốc là một đại diện), khác với châu Âu. Triết học ở phương Tây thiên về lý, duy lý, có lúc đơn thuần, duy nhất, cực đoan. Ở Việt Nam có một triết lý khác: có cả lý và tình. Trong cái xấu còn có thể tìm ra cái tốt, ở cái mạnh vẫn bộc lộ điểm yếu, trong âm có dương...
Nguyễn Ái Quốc dẫn ra lý luận của Mác: “Sự tiến triển của xã hội phải trải qua 3 giai đoạn: chế độ nô lệ, chế độ nông nô, chế độ tư bản và trong mỗi giai đoạn ấy đều có đấu tranh giai cấp tuy có khác nhau”. Nhưng Nguyễn Ái Quốc lại cảnh báo: “Chúng ta phải coi chừng. Các dân tộc Viễn Đông có trải qua 2 giai đoạn đầu không?” 
Nguyễn Ái Quốc không phủ nhận “đấu tranh giai cấp” ở châu Âu theo chủ nghĩa Mác, mà suy tính vận dụng chủ nghĩa Mác vào Việt Nam như thế nào để cách mạng Việt Nam giành thắng lợi.
Trên thực tế, ở Việt Nam “chủ nghĩa dân tộc còn là động lực lớn nhất của đất nước”. Từ quá trình lịch sử hình thành dân tộc Việt, người Việt từ xa xưa đã có một tinh thần dân tộc cao, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, đoàn kết chặt chẽ chống thiên tai, ngoại xâm. Từ đó nảy sinh ra tình yêu nước, thương dân cao cả. Hồ Chí Minh đã từng nói: “Hễ là người Việt Nam, ai cũng có lòng yêu nước”.
Tình yêu nước ấy gắn bó tất cả những người Việt, những cộng đồng các dân tộc chung sống với dân tộc Việt trên đất Việt Nam thành một thành viên chung được gọi là đồng bào. Hồ Chí Minh định nghĩa đồng bào “nghĩa hẹp là gia đình, anh em họ hàng, bạn bè, nghĩa rộng là đồng bào cả nước, rộng hơn nữa là cả loài người”.
Theo mạch tư duy riêng của mình, Hồ Chí Minh không định nghĩa cách mạng theo cách châu Âu là biến đổi bất ngờ và táo bạo trong cơ cấu kinh tế xã hội, là khởi nghĩa, nổi dậy, nổi loạn, bước ngoặt cơ bản, bước nhảy vọt bất ngờ từ một tình trạng chất lượng này sang một chất lượng khác, cuộc biến đổi lớn thông qua đấu tranh giai cấp... Trên cơ sở thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh đã định nghĩa ngay từ năm 1927 - trong Đường Kách mệnh: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Như vậy, làm cách mạng ở Việt Nam đâu nhất thiết theo cách hiểu của phương Tây?
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chủ trương ở nước Việt Nam bị đô hộ, vấn đề trước hết là phải nêu cao chủ nghĩa yêu nước, đoàn kết dân tộc, đoàn kết mọi giai cấp có thể đoàn kết được để giải phóng dân tộc, chớ chưa phải và không phải là đấu tranh giai cấp chống địa chủ, tư bản tràn lan. Có giải phóng được dân tộc mới có điều kiện giải phóng được giai cấp nông dân, công nhân. Quan điểm này đã khiến Quốc tế Cộng sản và nhiều học trò, đồng chí của Nguyễn Ái Quốc không tán thành, ủng hộ, và cho rằng Nguyễn Ái Quốc coi nhẹ đấu tranh giai cấp là cải lương, dân tộc chủ nghĩa, khiến cho Nguyễn Ái Quốc đã từng trở thành một lữ hành cô đơn (câu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn giữ quan điểm của mình.
Trong sách Sửa đổi lối làm việc viết năm 1947, ký tên X.Y.Z, Hồ Chí Minh đã nhắc cán bộ rằng: “Nghe người ta nói giai cấp đấu tranh  mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”. Tiếp đó, trong bài Duy vật biện chứng và duy vật lịch sử ký tên X.Y.Z, đăng trên tờ Sinh hoạt nội bộ, Ban Chấp hành Liên chi khu bộ tái bản năm 1950, Hồ Chí Minh viết: “Trong lúc cần toàn dân đoàn kết mà chủ trương đấu tranh là một điều ngu ngốc. Việc gì cũng phải đúng với địa điểm, điều kiện và thì giờ thì mới thành công”. Ba điều đúng (địa điểm, điều kiện, thời cơ) đó chính là thực tiễn - thực tiễn Việt Nam.
Hồ Chí Minh viết tiếp: “Chính sách mà Đảng cách mạng lập ra trên sự cần kíp của xã hội, trên lực lượng chính của sự phát triển xã hội, chớ không phải lập ra trên những lý luận mênh mông”.
Đi từ thực tiễn Việt Nam, đối chiếu với chủ nghĩa Mác, theo Luận cương của Lênin về vấn đề thuộc địa, Hồ Chí Minh có lần giải thích rằng: “Chủ nghĩa Mác - Lênin ở Việt Nam là đại đoàn kết”. Đại đoàn kết tất cả các giai tầng xã hội, theo Hồ Chí Minh không phải là đoàn kết vô nguyên tắc, mà chỉ là đoàn kết những người yêu nước, phụng sự Tổ quốc, không đoàn kết với những kẻ phản bội Tổ quốc, những kẻ tham ô, tham nhũng.
Trong cải tạo công thương nghiệp tư doanh trên miền Bắc, sau khi hoàn thành cải cách ruộng đất, Hồ Chủ tịch đã nói trong một hội nghị cán bộ cao cấp rằng: “Không nên coi tư sản dân tộc là đối tượng cách mạng, mà nên coi họ là đồng minh”.
Nguyễn Ái Quốc đã từng vận dụng đấu tranh giai cấp ở Pháp, ở Hoa Nam, ở Xiêm trong đồng bào người Việt Nam. Năm 1941, sau 30 năm học tập lý luận, đối chiếu thực tiễn, qua kinh nghiệm hoạt động của bản thân, với những luận điểm riêng của mình đã được Quốc tế Cộng sản chấp nhận bước đầu qua Đại hội VII của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã trở về Việt Nam với đầy đủ kinh nghiệm để thực hiện đại đoàn kết. Người viết trên tờ trên tờ báo Việt Nam độc lập rằng: “Lực lượng chúng ta là ở chỗ đoàn kết, đoàn kết toàn dân, đoàn kết người đàn ông, đoàn kết đàn bà, người già, trẻ con, đoàn kết người làm ruộng, làm thợ, đi buôn, người làm việc cho Tây, người đi lính cho Tây”, “không phải đoàn kết nhất thời mà đoàn kết mãi mãi”.
Đại đoàn kết của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - một vận dụng sáng tạo đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác ở Việt Nam, đã tập hợp, đại hòa hợp được tất cả con Rồng, cháu Tiên, nông dân, công nhân, trí thức, đại tư sản..., nghĩa là gần như tất cả những người dân yêu nước, chỉ trừ những kẻ phản quốc, Việt gian, kẻ chống lại Tổ quốc, dân tộc. “Đại đoàn kết ấy thực sự là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.
Là một di sản quốc bảo của Hồ Chí Minh, của Tổ quốc ta, dân tộc ta, bài học về đại đoàn kết, đấu tranh giai cấp này mãi mãi vẫn là một nhân tố quyết định đồng hành với thắng lợi của đất nước ta trong thế kỷ mới. Đối với một số quốc gia, dân tộc, di sản này còn là một phương án tham khảo tích cực.
Theo Dấu ấn của nhà báo Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc
Ts Nguyễn Văn Khoan

Saturday, 1 August 2020

NGUYỄN HÀ PHAN (1933-2019) (Ô-sin - Blog Osin)

NGUYỄN HÀ PHAN (1933-2019)

nhp

Ông Nguyễn Hà Phan mất ngày 1-8-2019. Trên mạng truyền đi “Lời Dặn Dò” này (mà giang hồ đồn  là) của ông. Không rõ thực hư thế nào (dù nét chữ rất giống). Ông Phan là Phó chủ tịch Quốc hội khóa IX, Bí thư TW đảng, Trưởng ban Kinh tế TW khóa VII. Tuy nhiên, sáng 17-4-1996, ông đã bị Trung ương khai trừ; cách hết các chức vụ trong đảng và tháng 10-1996, Quốc hội khóa IX đã bãi miễn cả chức vụ Phó chủ tịch và chức danh đại biểu của ông.
Ông Phan hẳn phải biết, trong hệ thống chính trị mà ông từng là ủy viên “thường trực” này, một khi đã bị “khai trừ” thì sẽ bị ngay chính hệ thống ấy đối xử không bằng thường dân. Làm gì có tổ chức nào tham gia ban lễ tang và báo, đài nào đưa tin nữa.
PS: Ông Nguyễn Hà Phan bị bãi miễn vào ngày 24-10-1996, nhằm vào ngày thứ Năm, trong khi báo Tuổi Trẻ lúc đó chỉ ra Ba – Năm – Bảy, nghĩa là vào sáng hôm sau Thanh Niên và các tờ nhật báo đã đưa. Lê Thọ Bình (Lê Đức Sảo) đã có bài phỏng vấn Phó chủ tịch Phùng Văn Tửu nói chi tiết “vụ án Nguyễn Hà Phan” nhưng báo chí chỉ được phép đưa một dòng theo thông cáo của QH.
Tuổi Trẻ không thể không đưa tin nhưng một tờ như Tuổi Trẻ (= tôi) lại không thể lặp lại tin các báo.
Trước đó, không ai để ý (trừ tôi), trên đoàn chủ tịch Quốc hội có một chiếc ghế trống nhưng tới hôm sau bãi miễn ông Phan thì chiếc ghế này không còn. (Không phải chỉ mình) Tôi lẳng lặng quan sát và vào ngày thứ Bảy, 26-10-1996, (nhưng chỉ mình) tôi mở đầu bản tin trên Tuổi Trẻ, “Hôm qua, một chiếc ghế trên đoàn chủ tịch QH đã được cất đi. Đó là chiếc ghế của Phó chủ tịch Nguyễn Hà Phan, được bỏ trống từ đầu kỳ họp cho tới ngày 24-10-1996, ngày ông bị Quốc hội bãi miễn…”
R.I.P. (=Rest In Pain) ông. (Trăm năm bia đá thì mòn, Ngàn năm bia miệng vẫn còn có tôi)
PS2: Vì có rất nhiều thông tin nhiễu, tôi xin bổ sung (và xin chỉ tin tôi mà thôi): Ông Nguyễn Hà Phan bị kỷ luật là do khai báo ra các cơ sở nhóm của ông cắm trong lòng VNCH dẫn đến họ bị thủ tiêu gần hết[nhưng khi ra tù thì ông báo cáo tổ chức là hết sức kiên trung]. Có bị tố cáo nhưng không tìm thấy tài liệu chứng minh ông là “CIA cài lại”. Ông Phan được đưa vào BCT một phần nhờ ủng hộ những nhà lãnh đạo bảo thủ “chống chệch hướng”, tức là chống lại các chính sách cải cách (của bạn tôi). Ông Nguyễn Văn Linh, ông Lê Phước Thọ (6 Hậu) (không phải bạn của bạn tôi) là người chống lưng ông Phan (cũng không phải bạn của bạn tôi) chứ không không phải “phát hiện ra “thẹo” như các câu chuyện li kỳ trên FB.

Thursday, 9 July 2020

Nguyễn Thái Học định phá ngục Hỏa Lò ngày nào?



Vụ ám sát Bazin xảy ra vào tháng 2 năm 1929. Cuối tháng 4 năm ấy có tin báo Nguyễn Thái Học chuẩn bị đánh phá ngục Hỏa Lò vào ngày lễ kỷ niệm Jeanne d’Arc. Hoàng Văn Đào (1970:63) viết rằng đó là ngày 14 tháng 7.
Có lẽ đã xảy ra sự nhầm lẫn cắm râu ông nọ vào cằm bà kia vì người Pháp kỷ niệm Jeanne d’Arc vào ngày chủ nhật thứ nhì của tháng 5. Năm 1929 lại là một năm đặc biệt vì nó rơi đúng 500 năm kỷ niệm ngày Jeanne d’Arc giải phóng Orléans (8 tháng 5 năm 1429).
Ai đó viết/gõ/in nhầm số 5 sang số 7 chăng? Ngày 14 tháng 5 năm 1929 là một ngày thứ ba (Tuesday). Ai định làm gì trong ngày đó?

Wednesday, 8 July 2020

Vấn đề chuẩn chính tả (Hoàng Phê - Từ Điển Vietlex)

VẤN ĐỀ CHUẨN CHÍNH TẢ GS. Hoàng Phê (Trích trong: Hoàng Phê - Tuyển tập Ngôn ngữ học. NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, 2008)
(https://www.facebook.com/HoangPheTudien/posts/548797842133083/)
Một ngôn ngữ văn hoá dân tộc không thể không có chính tả thống nhất. Chính tả có thống nhất thì việc giao tiếp, bằng ngôn ngữ viết, mới không bị trở ngại giữa các địa phương trong cả nước, cũng như giữa các thời đại, đời trước và đời sau.
Chính tả muốn thống nhất thì phải có chuẩn chính tả, được quy định rõ ràng và được mọi người tuân theo. Chuẩn chính tả, có khi được hình thành dần dần trong thực tiễn sử dụng ngôn ngữ viết, được phản ánh trên sách báo và được ghi lại trong các từ điển, có khi được quy định bởi một cơ quan có quyền uy về mặt nhà nước hoặc về mặt học thuật. Và nhà trường là nơi phổ biến và duy trì chuẩn chính tả một cách có hiệu lực nhất. Trong những trường hợp đang có lưỡng lự, không có chuẩn chính tả rõ ràng và nhất trí, thì nhà trường có thể có một tác dụng lớn trong việc xác định, góp phần tiến tới chính thức quy định chuẩn chính tả. Vì vậy, việc áp dụng một chính tả thống nhất trong các sách giáo khoa, và giảng dạy chính tả thống nhất ấy trong nhà trường, bao giờ cũng là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng, được giới giáo dục và nói chung mọi người quan tâm.
Nhìn chung thì chính tả tiếng Việt thống nhất ở phần rất cơ bản: cách viết các âm tiết - hình vị. Chuẩn chính tả đã hình thành dần dần trong lịch sử, một cách ít nhiều tự phát, căn cứ vào những lối viết được ghi lại trong các từ điển, đặc biệt là từ giữa thế kỉ XIX lại đây. Nhưng giữa các từ điển không tránh khỏi có những trường hợp chính tả thiếu nhất trí. Mặt khác, tiếng Việt ngày nay đã phát triển khác trước khá nhiều, có nhiều hiện tượng mới, nhiều yêu cầu mới, đòi hỏi về mặt chữ viết cũng phải có những thay đổi và những phát triển tương ứng. Tình hình đó tạo ra tình trạng chính tả thiếu nhất trí, gây khó khăn cho nhiều mặt công tác, đặc biệt là công tác giảng dạy ở nhà trường.
Vấn đề chính tả bao gồm nhiều vấn đề cụ thể. Những vấn đề này có quan hệ chặt chẽ với nhau, cần được giải quyết một cách nhất quán, theo những nguyên tắc chung.
I. MỘT SỐ NGUYÊN TẮC CHUNG
1. Nguyên tắc chính tả
Mỗi chữ viết cụ thể được xây dựng trên cơ sở một (hoặc vài) nguyên tắc chính tả. Điều quan trọng là nguyên tắc chính tả cơ bản đó là gì, và nó đã được quán triệt đến đâu.
Chữ viết của tiếng Việt là một chữ viết ghi âm bằng chữ cái. Do đặc điểm của tiếng Việt (ngôn ngữ âm tiết tính, không biến hình), nguyên tắc chính tả cơ bản của chữ Việt đơn giản là nguyên tắc ngữ âm học: phát âm như nhau thì viết giống nhau, và viết giống nhau thì đọc như nhau, giữa phát âm và chính tả có mối quan hệ trực tiếp.
Nhưng nói chính tả dựa trên phát âm không có nghĩa là bất cứ phát âm nào cũng có thể là cơ sở của chính tả. Trán (cái trán), mà viết TRÁNG theo phát âm miền Nam, hoặc viết CHÁN theo phát âm miền Bắc, thì đều là sai chính tả. Chúng ta phát âm tiếng Việt không hoàn toàn thống nhất, có những từ phát âm có khác nhau giữa các địa phương, giữa các phương ngữ. Dựa vào những cách phát âm khác nhau đó mà viết thì chính tả cũng sẽ không thống nhất. Phát âm là cơ sở cho chính tả tiếng Việt không phải là phát âm thuần tuý của một phương ngữ nào. Phương ngữ miền Nam không phân biệt trán với tráng, đều phát âm là “tráng”; trong khi đó phương ngữ miền Bắc không phân biệt trán với chán, đều phát âm là “chán”. Phát âm làm cơ sở cho chính tả tiếng Việt vừa phân biệt -n với -ng như phát âm miền Bắc, vừa phân biệt tr- với ch- như phát âm miền Nam, nên phân biệt trán, một mặt với tráng, một mặt với chán (và do đó cả với cháng). Những sự phân biệt -n với -ng, tr- với ch-, có tác dụng làm phân biệt những âm tiết-hình vị trán, tráng, chán, cháng, gọi là những sự phân biệt âm vị học (phân biệt thành các âm vị đối lập -n với -ng, tr- với ch-). Những sự phân biệt âm vị học có tác dụng tích cực như vậy trong các phương ngữ đã được triệt để tận dụng. Với ý nghĩa đó, có thể nói rằng phát âm làm cơ sở cho chính tả tiếng Việt là một sự tổng hợp các sự phân biệt âm vị học có trong các phương ngữ. So với phát âm của phương ngữ miền Nam, thì phát âm của phương ngữ miền Bắc có những sự phân biệt âm vị học phong phú hơn rõ rệt, cho nên thực tế đây là một sự tổng hợp trên cơ sở phát âm của phương ngữ miền Bắc. Hoặc có thể nói đây là phát âm hình thành trên cơ sở phát âm miền Bắc, mà tiêu biểu là phát âm của thủ đô Hà Nội, có bổ sung những sự phân biệt âm vị học đặc trưng của phát âm miền Nam và các miền khác của đất nước; cụ thể là có bổ sung các phụ âm đầu tr-, đối lập với ch-; s- đối lập với x-; r- đối lập với z- (viết bằng D-/GI-); và các khuôn -ưu, đối lập với -iu; -ươu đối lập với -iêu.
Dạng tồn tại tự nhiên của ngôn ngữ là phương ngữ, cho nên phát âm tự nhiên của tiếng Việt chỉ có thể là các phát âm phương ngữ. Người Việt Nam chúng ta phát âm tiếng Việt một cách tự nhiên, chỉ có thể nói (cái) “chán”, nếu là người miền Bắc, hoặc (cái) “tráng” nếu là người miền Nam, phát âm cái “trán” vốn không tồn tại một cách tự nhiên. Nhưng dần dần chúng ta ý thức được rằng tiếng Việt chúng ta là một ngôn ngữ thống nhất, sự thống nhất đó thể hiện rõ rệt ở chính tả, đồng thời cũng cần được thể hiện ở phát âm; cần có một phát âm chung của cả nước, của dân tộc, một phát âm thống nhất của tiếng Việt, hay nói cách khác, một phát âm chuẩn, một chính âm của tiếng Việt. Trong trường hợp cụ thể này, nhiều người nghĩ một cách tự nhiên rằng phát âm chuẩn không thể là “tráng”, cũng không thể là “chán”, mà chỉ có thể là “trán”, vừa phân biệt -n với -ng, vừa phân biệt tr- với ch-. Nói cách khác, một khi chúng ta đã thừa nhận rằng chỉ có viết TRÁN mới đúng chính tả, thì chúng ta cũng mặc nhiên thừa nhận rằng chỉ có phát âm “trán” mới là đúng chính âm. Một khi chúng ta đã thừa nhận chính tả hiện nay của tiếng Việt, thì mặc nhiên chúng ta cũng thừa nhận rằng chính âm của tiếng Việt chính là phát âm đã làm cơ sở cho chính tả đó, hay nói cách khác, đã được phản ánh trên chính tả đó. Chính âm và chính tả có quan hệ trực tiếp với nhau, chính âm là cơ sở cho chính tả và chính tả phản ánh chính âm. Vấn đề chính âm của tiếng Việt đã từng là một đề tài tranh luận, nhưng trên thực tế nó đã được giải quyết về nguyên tắc từ lâu rồi và đơn giản như vậy. Và trên thực tế, cũng đã hình thành một lớp người, tuy hiện nay đang còn là số ít, có ý thức không những viết đúng chính tả mà còn cố gắng nói đúng chính âm, ít nhất là trong những trường hợp nhất định: một số người miền Nam cố gắng phát âm phân biệt v- với d-/gi-, -n với -ng, -t với -c, phân biệt các thanh điệu hỏi và ngã, v.v.; cũng như một số người miền Bắc cố gắng phát âm phân biệt tr- với ch-, s- với x-, v.v. Cùng với sự phát triển của văn hoá giáo dục, số người đó ngày một tăng. Tuy nhiên, phổ biến chính âm và thống nhất phát âm là cả một quá trình lâu dài, khó khăn hơn rất nhiều so với chuẩn hoá và thống nhất chính tả. Đi đôi với chính tả, nhà trường cũng cần dạy chính âm cho học sinh, nhưng yêu cầu có khác nhau: nếu yêu cầu viết đúng chính tả là tuyệt đối, thì yêu cầu nói đúng chính âm, ít nhất là hiện nay, chỉ có thể là tương đối. Nên giới thiệu chính âm cho học sinh, và yêu cầu học sinh cố gắng đọc đúng chính âm trong những trường hợp nhất định, như trong giờ tập đọc chẳng hạn. Ý thức coi trọng chính tả, và cùng với chính tả là chính âm của tiếng Việt, là biểu hiện của ý thức coi trọng tiếng Việt, một nhân tố quan trọng làm nên sự thống nhất của dân tộc ta.
2. Chuẩn chính tả
Chuẩn chính tả có một số đặc điểm khác những chuẩn khác (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp) của ngôn ngữ.
a) Chuẩn chính tả có tính chất bắt buộc gần như tuyệt đối. Yêu cầu viết đúng chính tả là yêu cầu phổ biến đối với mọi người. Một cách viết rõ ràng là không hợp lí, thậm chí vô lí nhưng đã được công nhận là chuẩn chính tả, thì ai cũng phải theo. Về mọi mặt, viết NGỀ NGIỆP hợp lí hơn viết NGHỀ NGHIỆP, vừa khoa học hơn lại vừa giản tiện hơn, tiết kiệm hơn, thế nhưng trong chữ Việt cho đến ngày nay chỉ có viết NGHỀ NGHIỆP mới là đúng chính tả. Về mặt chính tả, không có sự phân biệt hay - dở, mà chỉ có sự phân biệt đúng sai (với chuẩn). Đối với chính tả, yêu cầu cao nhất là sự thống nhất. Một chữ viết không thật hợp lí, nhưng có chính tả thống nhất, quy đến cùng, vẫn tốt hơn, tiện lợi hơn là một chữ viết có phần hợp lí hơn nhưng chính tả lại không thống nhất. Để bảo đảm sự thống nhất của chính tả, cần có những chuẩn chính tả được xác định rõ ràng. Và với những điều kiện như nhau, thì quy tắc chính tả tốt nhất là những quy tắc rõ ràng và đơn giản, vừa không có trường hợp mập mờ, vừa dễ áp dụng cho số đông.
b) Chuẩn chính tả có tính ổn định cao, rất ít thay đổi. Chuẩn chính tả thường được giữ nguyên trong một thời gian dài, nên cũng thường tạo thành thói quen ít nhiều lâu đời, tạo nên một tâm lí bảo thủ khá phổ biến. Ngày nay chúng ta đã quá quen với những hình thức chính tả như YÊU GHÉT, đến mức nếu có người chủ trương viết (hợp lí hơn) IÊU GÉT chẳng hạn, thì phản ứng đầu tiên ở nhiều người là thấy chướng mắt, thậm chí khó chịu. Mặt khác, khi ngôn ngữ đã phát triển thành ít nhiều khác trước, đặc biệt là về mặt ngữ âm, mà chính tả (ghi âm) vẫn giữ nguyên không thay đổi, thì có thể phát sinh những mâu thuẫn nhất định, tạo nên những bất hợp lí hoặc rắc rối của chính tả. Tiếng Việt trước kia phát âm phân biệt hai phụ âm d- và gi-, nhưng từ ít nhất hơn một thế kỉ nay, sự phân biệt đó trong phát âm thực tế không còn nữa. Thế nhưng trên chính tả thì vẫn viết phân biệt D- với GI- như cũ, tạo nên một khó khăn về chính tả: nên viết (trau) DỒI hay GIỒI, (già) DẶN hay GIẶN? Gần đây có một số từ mượn của tiếng nước ngoài, chúng ta viết GI (gilê), GIĂM (giămbông), với GI- chỉ vì không có cách nào khác, chứ thật ra chúng ta đâu có phát âm “gi”, “giăm”, mà ở đây là một âm mới chúng ta tiếp thu của tiếng nước ngoài, “ji”, “jăm” (nếu tạm ghi bằng J). Bằng cải tiến chính tả có thể xoá bỏ những bất hợp lí như vậy. Nhưng điều cần thiết là sau một thời gian lại có mâu thuẫn mới phát sinh, cho nên thường chỉ có thể đòi hỏi ở chính tả một tính hợp lí tương đối (dĩ nhiên là trong phạm vi tương đối đó, một chính tả hợp lí vẫn tốt hơn).
c) Nhưng dù có tính ổn định cao, chuẩn chính tả cũng như các chuẩn ngôn ngữ khác, cũng không phải là bất di bất dịch. Ban đầu là có một số hình thức chính tả mới nảy sinh, hoặc để nhằm thay thế cho những chuẩn chính tả đã rõ ràng trở thành lỗi thời, hoặc để đáp ứng những yêu cầu mới của ngôn ngữ. Hình thức chính tả mới này có thể dần dần được nhiều người tán thành, đến mức được công nhận là chuẩn. Trước đây, viết ĐÀY TỚ, TRẰM TRỒ là chuẩn; ngày nay phổ biến hơn nhiều là viết ĐẦY TỚ, TRẦM TRỒ, phản ánh phát âm đã có biến đổi. Trước đây chỉ ít chục năm, viết PA, XTA là xa lạ đối với chính tả tiếng Việt; ngày nay, viết PIN (so sánh BIN), PARI (so sánh BA LÊ), APATIT, XTALIN (so sánh A-PA-TÍT, XÍT-TA-LIN) là bình thường. Tình hình nói trên thường tạo ra, trong một giai đoạn nào đó, tình trạng có thể gọi là lưỡng khả: có hai ba hình thức chính tả khác nhau cùng tồn tại, những hình thức chính tả này có thể có giá trị như nhau (đều là chuẩn), hoặc có giá trị khác nhau (có một hình thức là chuẩn phổ biến, còn những hình thức khác chỉ được sử dụng một cách hạn chế là những biến thể chính tả cũ, hoặc phương ngữ, ít dùng, v.v.). Lưỡng khả là một tình trạng quá độ trong quá trình hình thành của chuẩn ngôn ngữ, cũng như trong quá trình chuyển biến biện chứng từ cái không chuẩn trở thành chuẩn, và ngược lại. Trong những trường hợp nhất định, tính lưỡng khả còn đáp ứng yêu cầu của các phong cách, cung cấp những biến thể phù hợp với những phong cách khác nhau. Chuẩn chính tả không chỉ đơn giản là xác định (hoặc quy định) chuẩn chính tả, mà còn là xác định những trường hợp thật sự có lưỡng khả, và trong từng trường hợp, xác định giá trị khác nhau của mỗi hình thức chính tả.
d) Cũng như các chuẩn ngôn ngữ khác, chuẩn chính tả là kết quả của một sự lựa chọn: lựa chọn giữa nhiều hình thức chính tả đang cùng tồn tại. Những hình thức chính tả này có thể phản ánh những cách phát âm khác nhau: có khi đó là một phát âm cũ bên cạnh phát âm ngày nay, thí dụ, so sánh chỗi/trỗi (dậy), uý/uỷ (lạo); có khi đó là hai ba cách phát âm khác nhau đang cùng tồn tại trong phạm vi cả nước, khó xác định một chuẩn phát âm duy nhất, thí dụ, so sánh chưng/trưng (bày), (eo) sèo/xèo; có khi đó là một cách phát âm tuy là phổ biến, nhưng có ý kiến cho là “sai”, bên cạnh một cách phát âm khác, được một số người đánh giá là “đúng”, nhưng lại không phổ biến, thí dụ, so sánh (khoái) trá/chá, mãn/mạn (tính). Cũng có những trường hợp tuy rằng để phản ánh một phát âm duy nhất, nhưng lại đang tồn tại hai ba hình thức chính tả, hoặc là do bất hợp lí của bản thân chữ viết, thí dụ, so sánh HI/HY (sinh), QUÍ/QUÝ; hoặc là do đây là một từ phương ngữ, với một phát âm phương ngữ có thể viết hai ba cách khác nhau, thí dụ, so sánh MẮC/MẮT (rẻ), MẢNG/MÃNG/MÃN (cầu) (viết khác nhau, nhưng đều đọc giống nhau, trong phương ngữ miền Nam).
Giữa những hình thức chính tả khác nhau đang cùng tồn tại như vậy, qua thực tiễn sử dụng ngôn ngữ viết của số đông, đặc biệt là của lớp người có văn hoá, có ảnh hưởng về mặt chuẩn hoá ngôn ngữ, dần dần thấy rõ một sự lựa chọn của xã hội, có khi có ý thức, có khi không hoàn toàn có ý thức. Sự lựa chọn này dựa trên những tiêu chí nhiều khi khác nhau: tiêu chí ngữ âm (căn cứ vào phát âm ngày nay), tiêu chí thói quen (căn cứ vào thói quen đã hình thành của số đông), tiêu chí lịch sử (căn cứ vào phát âm hoặc hình thức chính tả đã có từ lâu trong lịch sử của ngôn ngữ, như đã được phản ánh trong sách cũ, từ điển cũ), tiêu chí từ nguyên (căn cứ vào phát âm hoặc hình thức chính tả phản ánh đúng nhất nguồn gốc của từ), v.v. Trong ngôn ngữ không thể đòi hỏi một tính hệ thống tuyệt đối, cho nên cũng không thể máy móc dựa vào một tiêu chí duy nhất trong mọi trường hợp, nhưng dựa trên tiêu chí nào là chính, coi trọng tiêu chí nào hơn những tiêu chí khác, phản ánh những quan điểm khác nhau, có khi đối lập nhau. Chuẩn chính tả phải lấy chuẩn phát âm làm cơ sở, và ngược lại, trong những trường hợp nhất định, nó phải có tác dụng trở lại phát âm, góp phần nhanh chóng xác định, củng cố và phổ biến chuẩn phát âm. Mặt khác, đối với sự hình thành cũng như sự duy trì, củng cố của chuẩn ngôn ngữ, thói quen của số đông thường có ý nghĩa quyết định cuối cùng. Khi đã là thói quen của số đông, nhất là một thói quen ngày một ăn sâu lan rộng, bất chấp mọi ý kiến phản bác, thì ở đây đã có tác động của một quy luật khách quan nào đó. Khi một phát âm mới đã trở thành thói quen như thế của số đông, thì chứng tỏ thực tế đã hình thành một chuẩn phát âm mới, làm cơ sở cho một chuẩn chính tả mới. Tiêu chí ngữ âm kết hợp với tiêu chí thói quen, phải là quan trọng nhất, là quyết định, vì chỉ khi nào, vì những lí do nào đó, không thể vận dụng được hai tiêu chí ấy kết hợp với nhau, thì mới vận dụng đến một số tiêu chí khác.
Hơn các chuẩn ngôn ngữ khác, chuẩn chính tả có thể chịu tác động trực tiếp và có ý thức của con người, và thường là kết quả trực tiếp của công tác chuẩn hoá. Chữ viết do con người đặt ra một cách có ý thức, cho nên con người hoàn toàn có thể quy định chuẩn chính tả một cách có ý thức, nhằm làm cho chính tả đạt cái mức tối đa thực tế cho phép của một sự hợp lí tương đối, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của ngôn ngữ.
II. CHÍNH TẢ ÂM TIẾT-HÌNH VỊ CỦA TIẾNG VIỆT
1. Về cách viết các âm tiết-hình vị của tiếng Việt, chúng ta có một chính tả về cơ bản thống nhất. Mặc dầu giữa các phương ngữ vẫn tồn tại những sự khác nhau đáng kể trong phát âm, các âm tiết-hình vị của tiếng Việt nói chung đều có chuẩn chính tả rõ ràng, ổn định và thống nhất cho cả nước.
2. Ở diện cách viết các âm vị, chính tả tiếng Việt không thật quán triệt nguyên tắc ngữ âm học (âm vị học): có nhiều trường hợp dùng hai ba kí hiệu (con chữ) khác nhau để ghi cùng một âm vị (như dùng C, K hoặc Q để ghi âm vị /k/). Nhưng điều đáng chú ý là việc dùng những con chữ khác nhau tuân theo những quy tắc chặt chẽ (thí dụ, nếu đã viết CA, KE, QUY, thì không viết KA, CE, CUY, KUY), trong sự thiếu nhất quán lại vẫn có được một sự nhất quán, cho nên mặc dầu trong nhiều trường hợp không có được sự tương ứng một đối một chặt chẽ giữa chữ và âm ở cách viết các âm vị, nhưng lại vẫn bảo đảm được sự tương ứng đó ở cách viết các âm tiết: nói chung mỗi âm tiết của tiếng Việt chỉ có một cách viết (một vần) nhất định, và ngược lại, mỗi vần chỉ có một cách đọc nhất định. Cho nên chỉ cần nắm cách phát âm chuẩn làm cơ sở cho chính tả (hoặc nói cách khác, nắm những sự khác nhau giữa cách phát âm phương ngữ với cách phát âm chuẩn), và một số quy tắc không nhiều lắm, là nói chung có thể viết căn bản không sai chính tả.
Tuy nhiên, có những trường hợp ngoại lệ, với cùng một âm tiết lại có hai cách viết khác nhau, tuỳ từng hình vị, từng từ cụ thể, tạo nên những khó khăn về chính tả và tình trạng chính tả thiếu nhất trí. Đó là trường hợp D- và GI-, vẫn viết phân biệt, tuy phát âm không còn phân biệt nữa, như đã nói ở trên. Ngoài ra, còn có trường hợp quy, có thể viết QUI hoặc QUY; và trường hợp chỉ riêng mấy âm tiết hi, ki, li, mi, ti, tuỳ từng hình vị, từng từ cụ thể mà viết khác nhau HI hoặc HY, KI hoặc KY, LI hoặc LY, MI hoặc MY, TI hoặc TY (so sánh HỈ (mũi) và (báo) HỶ, LI (bì), LI (ti) và LY (kỳ), (biệt) LY, v.v.). Đây là kết quả của một thói quen không rõ từ đâu, chỉ bắt đầu hình thành một cách tự phát từ cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Điều này tạo ra một bất hợp lí và những lộn xộn thấy rõ khi so sánh chẳng hạn cách viết một số từ trong bốn quyển từ điển tiếng Việt xuất bản trong vòng ba mươi năm lại đây (Tự điển Việt Nam phổ thông của Đào Văn Tập, viết tắt ĐVT; Từ điển Việt Nam của Thanh Nghị, viết tắt TN; Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức, viết tắt LVĐ; và Từ điển tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, viết tắt VT):
ĐVT: KÌ, KÌ kèo, HY sinh, MỴ dân
TN: KỲ cọ, KÌ kèo, HY sinh, MỊ dân
LVĐ: KÌ/KỲ cọ, KÌ kèo, HI/HY sinh, MỊ dân
VT: KỲ cọ, KỲ kèo, HI sinh, MỊ dân

Bỏ sự phân biệt D- và GI- (như thay nhất loạt bằng Z- chẳng hạn), là việc làm hợp lí, nhưng chỉ có thể thực hiện trong phạm vi một cải tiến chính tả. Còn nếu quy định viết HI, KI, LI, MI, TI (thống nhất với cách viết BI, CHI, DI, v.v.) trong mọi trường hợp, chứ không viết HY, KY, LY, MY, TY; đồng thời viết QUY (và do đó QUYT) (thống nhất với cách viết UY, DUY, HUY, SUY, và HUYT, SUYT, v.v.), chứ không viết QUI (và QUIT), thì đó chỉ là trong phạm vi chuẩn hóa chính tả: một việc có thể làm và nên làm để hợp lí hoá một bước chính tả.
3. Vấn đề quan trọng nhất là xác định chuẩn chính tả khi đang có hiện tượng chính tả không nhất trí. Cần so sánh mức phổ biến của các hình thức chính tả để có được một căn cứ khách quan đáng tin cậy. Muốn vậy, tốt nhất là tiến hành một công tác điều tra về tình hình chính tả thực tế trên sách báo trong cả nước và qua các thời kì (trong những trường hợp cần thiết, cần có sự phối hợp với một công tác điều tra về phát âm). Không có điều kiện làm việc này, những người biên soạn từ điển trước đây, kể cả biên soạn từ điển chính tả, ngoài việc tham khảo chính tả trong các từ điển xuất bản trước, chỉ có thể dựa vào những hiểu biết cá nhân rất hạn chế và khó tránh khỏi chủ quan của mình về phát âm, về chính tả trên sách báo, và có khi cả về từ nguyên, để quyết định chọn một hình thức chính tả nào đó. Kết quả là chính trong những trường hợp cần xác định rõ ràng, có căn cứ và nhất trí một chuẩn chính tả, thì giữa các từ điển thường có mâu thuẫn, và nhiều khi sai lầm ở một từ điển này được lặp lại ở các từ điển khác.
Gần đây chúng ta đã có được một cơ sở để nghiên cứu tình hình chính tả thực tế trên sách báo. Đó là tư liệu phiếu từ điển (mỗi phiếu ghi một câu chọn trích ở sách báo, chủ yếu là ở các tác phẩm văn học) của Viện Ngôn ngữ học thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, với số lượng hiện nay đã đạt khoảng hai triệu rưỡi phiếu. Chúng tôi đã sử dụng tư liệu đó để so sánh mức độ phổ biến của các hình thức chính tả khác nhau của cùng một âm tiết hình vị, trong khoảng 1400 trường hợp, với từng trường hợp đều có đối chiếu với các hình thức chính tả trong các từ điển, chủ yếu là những từ điển xuất bản trong vòng 50 năm lại đây. Kết quả cho thấy rằng:
1. Có những trường hợp trong hai hình thức chính tả ghi không nhất trí giữa các từ điển, có một hình thức phổ biến hơn rõ rệt. Thí dụ, nhiều từ điển viết DA DIẾT, (láng) GIỀNG, nhưng các từ điển cũ, từ từ điển của A de Rhodes (1651) cho đến nói chung những từ điển xuất bản từ trước 1930, và một vài từ điển sau 1930, lại viết GIA GIẾT, (láng) DIỀNG; so sánh số phiếu từ điển (cho đến tháng 12-1982): GIA GIẾT: 1 phiếu; DA DIẾT: 202 phiếu; (láng) DIỀNG: 1 phiếu; (láng) GIỀNG: 84 phiếu. Như vậy có thể xác định chuẩn chính tả ngày nay là DA DIẾT, (láng) GIỀNG, còn GIA GIẾT, (láng) DIỀNG là những chuẩn chính tả cũ. Hoặc so sánh (chối) ĐAY ĐẢY: 4 phiếu; ĐÂY ĐẨY: 54 phiếu; ĐẴM (máu): 10 phiếu; ĐẪM: 241 phiếu; có thể xác định chuẩn chính tả ngày nay là ĐÂY ĐẨY, ĐẪM, còn ĐAY ĐẢY, ĐẴM vốn là những chuẩn chính tả cũ, ngày nay chỉ tồn tại như là những biến thể chính tả có tính chất phương ngữ (miền Nam).
2. Có những trường hợp có một hình thức chính tả mới, không thấy có trong các từ điển (trước kia bị đánh giá là “sai”), nhưng lại phổ biến hơn rõ rệt, gấp nhiều lần hình thức chính tả đã được ghi nhất trí trong các từ điển cho đến gần đây. Thí dụ: TRẦM (trồ): 212 phiếu, so với (chuẩn theo các từ điển) TRẰM (trồ): 10 phiếu; ĐẦY (tớ): 54 phiếu, so với ĐÀY (tớ): 3 phiếu; đề (kháng): 99 phiếu, so với để (kháng): 4 phiếu; hoặc (trường hợp phức tạp hơn) RUN RỦI: 40 phiếu, so với (hình thức chính tả ghi không nhất trí trong các từ điển) DUN DỦI: 14 phiếu, DUN GIỦI: 0 phiếu, DUN RỦI: 0 phiếu, GIUN GIỦI: 1 phiếu. Như vậy, có thể xác định chuẩn chính tả ngày nay là TRẦM (trồ), đầy (tớ), đề (kháng), RUN RỦI; còn TRẰM (trồ), DÀY (tớ) là những hình thức chuẩn chính tả cũ, ngày nay chỉ còn tồn tại như là những biến thể chính tả phương ngữ, ít dùng; ĐỂ (kháng) là hình thức chuẩn chính tả cũ, ngày nay thực tế không dùng nữa; DUN DỦI có thể là chuẩn chính tả cũ, hoặc biến thể phương ngữ, còn DUN GIỦI, DUN RỦI, GIUN GIỦI chỉ là những lối viết sai lầm, theo chủ quan của người biên soạn từ điển.
Khi một hình thức chính tả mới, phản ánh một cách phát âm mới, đã trở thành phổ biến đến mức được công nhận là chuẩn, thay thế cho chuẩn chính tả cũ thì điều đó có nghĩa là ngữ âm đã có biến đổi, một thói quen phát âm mới của từ đã hình thành, trở thành chuẩn, thay thế cho chuẩn cũ, làm cho vỏ ngữ âm của từ có thể biến đổi thành khác hẳn, hoặc thành càng xa hơn cái dạng gốc, từ nguyên của nó. Đây là một hiện tượng ngôn ngữ bình thường, có tính quy luật.
3. Nhưng cũng có những trường hợp đang có sự giằng co, nếu có thể nói được như vậy, giữa hai hình thức chính tả. Có khi một trong hai hình thức chính tả này phản ánh một phát âm phù hợp với từ nguyên, và cái căn cứ từ nguyên tương đối rõ làm cho phát âm (và hình thức chính tả tương ứng) ấy được một số người có văn hoá, duy trì, bảo vệ một cách có ý thức trước sự phổ biến của một phát âm khác, bị đánh giá là “sai”. Do đó mà trên chữ viết, hình thức chính tả phản ánh phát âm phù hợp với từ nguyên có thể vẫn tương đối phổ biến hơn (và thường đó cũng là hình thức chuẩn được ghi lại trong các từ điển). Thí dụ, so sánh HẰNG (trong “hằng ngày, hằng tháng”, từ gốc Hán; so sánh: “hằng nghĩ tới”, “vĩnh hằng”): 60 phiếu; HÀNG: 37 phiếu. Trong những điều kiện như vậy, nên xác định HẰNG vẫn là chuẩn chính tả (và phân biệt với HÀNG trong “hàng mấy ngày”, “đợi hàng giờ”, tuy không loại trừ khả năng có sự thay đổi về sau này, nếu quả phát âm “hàng ngày” và cả hình thức chính tả tương ứng, vẫn cứ tiếp tục ngày càng phổ biến. Nhưng những trường hợp như thế không nhiều, chỉ là cá biệt. Thường là khi có hai hình thức chính tả phổ biến tương đương như nhau, thì phải chấp nhận cả hai, thừa nhận sự tồn tại đồng thời của hai chuẩn chính tả có giá trị như nhau, hoặc căn bản như nhau, tuy rằng có thể một hình thức sẽ có khả năng dần dần trở thành chuẩn phổ biến duy nhất. Thí dụ (eo) SÈO: 37 phiếu, và (eo) XÈO: 34 phiếu; NHỎM (dậy): 119 phiếu, và NHỔM: 110 phiếu; (sinh) MẠNG: 46 phiếu và (sinh) MỆNH: 49 phiếu; (chuẩn theo các từ điển) ĐÀY (đoạ): 43 phiếu, và ĐẦY (đoạ): 47 phiếu; (chuẩn theo các từ điển) (trôi) GIẠT: 94 phiếu, và DẠT: 104 phiếu.
4. Sự diễn biến của chính tả tiếng Việt trong mấy chục năm gần đây cho thấy rõ một vài xu thế biến đổi của chuẩn chính tả tiếng Việt ngày nay. Đáng chú ý là trong nhiều trường hợp, hình thức chính tả vốn là biến thể phương ngữ miền Bắc đã dần dần trở nên phổ biến thành chuẩn chính tả của tiếng Việt văn hoá ngày nay, thay thế cho chuẩn chính tả trước đây, nay bị coi là cũ, hoặc bị đẩy xuống địa vị biến thể phương ngữ (miền Nam). Quá trình này đã diễn ra với ĐÂY ĐẨY, ĐẪM, TRẦM (trồ), ĐẦY (tớ) đã nêu ở trên; và với (ôm) CHẦM: 99 phiếu, thay cho (ôm) CHẰM: 5 phiếu; CHÂY (lười): 35 phiếu, thay cho TRÂY (lười): 8 phiếu; (nuốt) CHỬNG: 87 phiếu, thay cho TRỬNG: 9 phiếu; ĐẦM (đìa): 155 phiếu, thay cho ĐẰM (đìa): 3 phiếu; NHẤM (nháp): 103 phiếu, thay cho NHẮM (nháp): 12 phiếu; (công) XÁ: 35 phiếu, thay cho (công) SÁ: 12 phiếu, v.v.; quá trình này đang tiếp tục diễn ra với một số từ khác. Hiện tượng này xảy ra với loại từ nào và trong những điều kiện như thế nào, là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, nhưng có điều tương đối rõ là phần lớn đây là những trường hợp phương ngữ miền Bắc phát âm với -â-, mà không có sự đối lập với -ă-, trong khi phương ngữ miền Nam phát âm với -ă-, (viết Ă hoặc A, trong AU, AY) có đối lập với -â-. Xu thế trên đây chứng tỏ vai trò và ảnh hưởng của phương ngữ miền Bắc đối với sự hình thành và phát triển của tiếng Việt văn hoá.
Một xu thế khác đáng chú ý là viết D- thay cho (chuẩn theo các từ điển) GI: không kể trường hợp DA DIẾT trong lịch sử, hiện tượng này đã xảy ra với: (già) DẶN: 153 phiếu, thay cho (già) GIẶN: 24 phiếu; DÂY (máu ăn phần): 48 phiếu, thay cho GIÂY: 26 phiếu; (mái) DẦM: 20 phiếu, thay cho GIẦM: 3 phiếu; DỀNH DÀNG: 103 phiếu, thay cho GIỀNH GIÀNG: 0 phiếu, v.v.; xu thế này đang tiếp tục diễn ra với một số từ khác. Điều này chứng tỏ sự phân biệt trên chữ viết D- với GI- đã không còn có cơ sở ngữ âm nữa, và khi lưỡng lự thì dễ có xu hướng viết D-, vì là đơn giản hơn.
5. Trên đây chỉ là một số nhận xét chung. Chuẩn chính tả cần được xác định một cách cụ thể, từng trường hợp một. Một quyển từ điển chính tả mới là cần thiết, để thiết thực chuẩn hoá chính tả.
(1983 – Hết trích)