Monday, 8 March 2021

Trẻ con ở Nam Úc đang học thứ tiếng Việt gì?

 

 


Giật cả mình khi đọc phải bài báo của một cô giáo làm nhiệm vụ tường thuật ngày khai trường. Bỏ qua các lỗi đánh máy, những lỗi chính tả dưới đây thật là khó đỡ và khó xếp loại (cẩu thả? trình độ yếu kém?):

 

Trường Việt Ngữ Cộng Đồng có khác chăng là thời gian nghĩ hè (chừng hai tháng) không phải “90 ngày qua chứa chan tình thương” (Thanh Sơn)

 

Mọi việc được bố trí sẵn sàng, một căn phòng rộng, nơi đây là hall rộng để xử dụng khi cần  hội họp GV hoặc tập hợp h/s.) kê một dãy bàn dài nối liền nhau.

 

Thế mà, nhờ vào cách bố trí nhân sự và sắp xếp khoa học của BGH, ngày nhập học của học sinh khối toán, cũng như khối Tiếng việt đã diễn ra trong náo nhiệt, nhưng rất suông sẽ, lại sớm đi vào ổn định.

 

Nếu Ban Giám Hiệu không am tường, để định hướng sự đầu tư vào những yếu tố thực tiễn bổ xung, đi kèm với sự giáo dục.

 

Câu sau đây thật là khó hiểu:

 

Được tham dự và ngắm nhìn tận tường ngày khai trường (6/2/2021) của trường Việt Ngữ Cộng Đồng, không khỏi làm lòng ta bồi hồi nhớ lại khoảng ngày thơ dại của chính mình... cũng bên bàn tay nắm của mẹ, lòng vui rộn ràng, mới lạ làm sao, vừa mang tâm trạng bùi ngùi lo sợ, rồi tần ngần nép vào ve áo mẹ như để tìm hơi ấm... cho bớt run và bỡ ngỡ.

 

Ai làm ơn chỉ giùm tôi cách nép vào ve áo?

 

Nguồn: Lê Châu Hồng, “Trường Việt Ngữ Cộng Đồng – Ngày khai trường năm học 2021”, Adelaide Tuần Báo, số 969, tr. 22-23.

Monday, 1 February 2021

Văn phòng thứ tư làm công việc gì?

 


Tham dự có Langlais và bản thân tôi, năm vị thiếu tá mới được chỉ định, đại tá chỉ huy pháo binh, văn phòng thứ tư của binh đoàn Gono, viên sĩ quan yểm trợ của không quân. thiếu tá De Pazzis thay mặt De Castries.

(Marcel Bigeard – Lời thú nhận muộn mằn, bản dịch của Ngô Bình Lâm và Phạm Xuân Phương, 2004:253)

Trong quân đội Pháp thời Điện Biên Phủ, bộ (ban) tham mưu là cơ quan giúp việc của tư lệnh (chỉ huy trưởng). Đứng đầu cơ quan tham mưu là tham mưu trưởng, chịu trách nhiệm phối hợp hoạt động của các phòng (ban): phòng (ban) 1 quản lý quân số (quân lực), phòng (ban) 2 phụ trách quân báo, phòng (ban) 3 theo dõi các hoạt động tác chiến và huấn luyện, phòng 4 lo các vấn đề tiếp vận (kỹ thuật & hậu cần).

Friday, 22 January 2021

Điểm huyệt giết địch trong vòng 15 phút của cụ bà 87 tuổi (Hà Tùng Long - Gia Đình)


Điểm huyệt giết địch trong vòng 15 phút của cụ bà 87 tuổi

GiadinhNet - Vì nhiệm vụ cách mạng, cụ bà Lương Dung Nga là một trong 5 nữ du kích của Đội du kích Hoàng Ngân thời kỳ kháng chiến chống Pháp, được cấp trên bí mật cử vào rừng sâu để truyền dạy bài điểm huyệt thủ tiêu quân địch chỉ trong vòng 15 phút.

Cụ Nga mặc áo đỏ, đứng giữa cùng đội võ Hoàng Ngân của đình Hào Nam chụp hình lưu niệm trước khi đi biểu diễn.
Nhờ bài điểm huyệt này mà cụ đã nhiều lần trà trộn vào đội ngũ giặc Pháp, thủ tiêu hàng chục tên giặc ác ôn. Nay đã qua tuổi 87, nhưng kí ức cũ vẫn chưa hề phai nhạt trong tâm trí của người phụ nữ này.
Chấp nhận mất con để cứu cả đoàn người
Cả phố Hào Nam (Ba Đình, Hà Nội) không ai là không biết cụ Lương Dung Nga bởi cụ từng là một thành viên tích cực trong các phong trào đoàn hội của khu phố. Một cụ bà tuổi 87 dẫn một đoàn “đệ tử” phần lớn đều trên 50 tuổi ra đình Hào Nam luyện võ đã trở thành hình ảnh quen thuộc với những người dân ở đây.
Nếu không hỏi kỹ thì khó nhận ra đâu là cụ Nga, đâu là học trò của cụ?  Bởi dù đã ngấp nghé "cửu tuần" nhưng mỗi lần ra đường cụ vẫn đánh phấn tô son, diện đầm dài rất trẻ trung, đi dép quai hậu, trên người đeo khá nhiều trang sức... Và một khi đã bắt đầu câu chuyện thì khó ai có thể chen vào bởi cụ có rất nhiều chuyện để kể.
Cụ Nga kể, cụ sinh năm 1925, vốn quê gốc ở Phủ Lý - Hà Nam, là cháu đời thứ hai của nhà cách mạng Lương Khánh Thiện. Vì công việc của bố nên cả gia đình phải chuyển về sinh sống ở làng La Ngoại, Thanh Miện, Hải Dương. Bố cụ là giáo viên Pháp văn nên từ nhỏ cụ đã được ông rèn giũa tiếng Pháp tinh thông và truyền dạy võ nghệ cho con cháu. Gia đình cụ có tất thảy 10 anh chị em nhưng trong nhà cụ luôn là người tỏ ra nổi trội nhất.
Từ bé, cụ đã là một cô gái xinh xắn, nhanh nhẹn. Lớn lên, cụ là một nữ sinh nổi tiếng của trường Đồng Khánh. Cụ không chỉ học giỏi văn hóa mà còn thuần thục võ nghệ, lại có vẻ ngoài xinh đẹp nên được rất nhiều bạn trai để ý. Tuy nhiên, vì lòng căm thù quân giặc sâu sắc mà cụ đã gác lại chuyện học hành và chồng con để theo Cách mạng.
"Dân mình thời đó khổ lắm vì kẻ thù rất tàn bạo. Tôi vẫn còn nhớ chị Thuyên hơn tôi 5 tuổi. Chị ấy là dân quân nên kiên cường lắm, có thể ngâm mình cả người dưới nước và đội bèo tây để theo dõi tình hình của địch mà không nề hà. Một hôm, quân ta giao chiến với quân địch, nhưng do hỏa lực của mình mỏng quá, chị bị lộ, chúng bắt rồi hãm hiếp sau đó vứt xác ra sông.
Một lần tôi đi tản cư từ Hải Dương vào Thanh Hóa, trên đường đi có hai vợ chồng có con trai 3 tháng tuổi, đi đến đoạn gần bốt của bọn Pháp thì em bé ngằn ngặt khóc. Dỗ kiểu gì cũng không nín, cho bú cũng không nín. Không còn cách nào khác, ông bố buộc phải bóp mũi con để cứu cả đoàn người. Tôi tận mắt chứng kiến cảnh tượng đó mà xót xa vô hạn. Từ đó, tôi quyết tâm phải theo Cách mạng, phải diệt được lũ giặc ác ôn để rửa thù cho bà con nhân dân mình"-  cụ Nga bùi ngùi.
Một đêm thủ tiêu 33 tên giặc
Cụ Nga chia sẻ: Sở dĩ cụ sớm giác ngộ cách mạng và sớm được đứng trong hàng ngũ của đội du kích Hoàng Ngân là vì cụ được nữ du kích Hoàng Ngân dìu dắt.
 "Tôi còn nhớ, hồi đó chị Hoàng Ngân về gây dựng cơ sở ở làng. Chị đi bộ từ làng này qua làng khác, đi bộ nhiều đến độ chân bị rộp hết cả lên. Chị về nhà tôi ở, mẹ tôi rất thương chị nên mỗi lần đi chợ lại mua cả gánh bí đỏ về chất dưới gầm giường để nấu với gạo nếp, đỗ xanh, đường đen... cho chị ăn lấy lại sức và trị bệnh đau đầu. Còn tôi thì chuyên bóp chân cho chị. Kỳ lạ là ở quê thời đó nhà nào cũng nuôi một bầy chó 3- 4 con để đề phòng sự đột nhập bất thường của giặc Pháp, ấy vậy mà khi chị Hoàng Ngân đến nhà ai, lũ chó cũng dạt ra, không ho he một tiếng nào. Nhân dân cũng bảo vệ chị ấy lắm. Nhất cử nhất động đều được nhân dân mật báo kịp thời nên chị ấy bám trụ lại cơ sở được rất lâu.  Chị Hoàng Ngân là một người phụ nữ chân chất, đức độ nhưng cực kỳ thông minh. Mỗi lần về làng, chị ấy đều tìm cách tiếp cận với người dân để giác ngộ họ đi theo Cách mạng. Trước khi rút khỏi cơ sở để sang một địa bàn khác, chị muốn gây dựng những hạt giống mới và chọn ba nữ du kích là dân của thôn, trong đó có tôi. Khi được nhận vào đội du kích Hoàng Ngân, tôi phải cắt ngắn mái tóc rất dài. Mẹ tôi tiếc quá, ngẩn ngơ mất mấy ngày...".
Tham gia đội du kích Hoàng Ngân được một thời gian thì cụ bà Lương Dung Nga được cấp trên bí mật cử vào rừng để học bài điểm huyệt. Năm người nữ được chọn để giao nhiệm vụ hết sức quan trọng này đều là những người có nề nếp căn bản, có học hành và có đủ sự mạnh mẽ. Trước khi được truyền dạy, cụ và bốn chị em còn lại phải làm lễ tuyên thệ chỉ được dùng bài huyệt này để bảo vệ mình và thủ tiêu quân giặc, không được dùng vào những việc khác, không được hé lộ cho bất kỳ ai biết, kể cả người thân trong gia đình. Bài huyệt này chỉ một vài động tác đơn giản bằng cách điểm một số huyệt đạo phía sau gáy của đối phương và nếu trong vòng 15 phút, không được giải huyệt thì người đó sẽ chết. Tuy vậy, để thành thạo bài điểm huyệt này, cụ và bốn chị em phải luyện gần 1 tháng mới được.
"Có một lần, được trên giao phải tiêu diệt bọn giặc nhân dịp chúng mở tiệc mừng quốc khánh Pháp. Trước khi đi, tôi và 2 chị em nữa được đơn vị tổ chức truy điệu sống vì xác định khả năng bị hy sinh là rất cao. Nếu mất thì lấy ngày sinh làm ngày giỗ sau này. Hôm đó, chúng tôi vận toàn đồ đen, kín mít từ chân tới đầu, chỉ lộ mỗi con mắt, xát tỏi lên người để chó becgiê của chúng không phát hiện ra.
Khi bước vào, may mắn là đàn ngỗng của chúng cũng đang ngủ nên không con nào cất tiếng. Để cảnh giác, ngoài nuôi chó ra, bao giờ bọn Pháp cũng nuôi rất nhiều ngỗng. Hễ có người lạ là ngỗng kêu quang quác báo động. Tôi dẫn đầu đoàn, tiếp sát từng tên một và nhẹ nhàng sờ lên gáy điểm vào huyệt độc đạo của chúng. Hôm sau, tôi nghe tin 33 tên giặc Pháp bỏ mạng nhưng người ta cứ nghĩ chúng bị trúng gió độc.
Những lần sau, cũng bằng kế sách như thế, chúng tôi còn tiêu diệt được nhiều tên giặc Pháp và bọn Việt gian. Sau đó, giặc Pháp bắt đầu nghi ngờ, chúng khám nghiệm pháp y  để điều tra căn nguyên cái chết. Chúng phát hiện được quân bị ám sát nên đề phòng rất cẩn mật...".
Sau ngày đó, khi ra đường tôi phải nhuộm răng đen. Mỗi khi đi phải mặc áo tơi cũ rách tả tơi, bôi bùn bẩn và cả mắm tôm lên khắp người để chó của chúng không ngửi thấy mùi. Thối lắm nhưng vẫn phải chịu đựng" - cụ Nga kể.
Những người đồng chí, đồng đội của cụ Nga thời đó nay đều đã khuất núi. Chỉ mình cụ là còn nắm giữ những bí mật về những ngày tháng hoạt động gian khổ giữa lòng địch. Với cụ, nỗi vui mừng lớn nhất để an ủi tuổi già chính là kí ức về những tháng ngày hoạt động cách mạng vẫn còn rõ mồn một trong tiềm thức. Đó là quãng thời gian cơ cực mà oanh liệt bởi cụ được sống giữa chị em, đồng đội và cùng nhau rửa hận, rửa thù cho nhân dân, đất nước.
Cụ bà Lương Dung Nga những năm sau khi đất nước hòa bình.
Khi bước vào, may mắn là đàn ngỗng của chúng cũng đang ngủ nên không con nào cất tiếng. Để cảnh giác, bao giờ bọn Pháp cũng nuôi rất nhiều ngỗng. Hễ có người lạ là ngỗng kêu quang quác báo động. Tôi dẫn đầu đoàn, tiếp sát từng tên một và nhẹ nhàng sờ lên gáy điểm vào huyệt độc đạo của chúng. Hôm sau, tôi nghe tin 33 tên giặc Pháp bỏ mạng nhưng người ta cứ nghĩ chúng bị trúng gió độc.
Những lần sau, cũng bằng kế sách như thế, chúng tôi còn tiêu diệt được nhiều tên giặc Pháp và bọn Việt gian. Sau đó, giặc Pháp bắt đầu nghi ngờ, chúng khám nghiệm pháp y để điều tra căn nguyên cái chết. Chúng phát hiện được quân bị ám sát nên đề phòng rất cẩn mật...
Hà Tùng Long

Tuesday, 1 December 2020

TUYÊN BỐ CỦA HỘI NGHỊ BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA VÀ CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CÓ MẶT TẠI HÀ NỘI NGÀY 23-1-1959 PHẢN ĐỐI VỤ THẢM SÁT PHÚ LỢI

VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

Hội nghị Ban Thường trực Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các đại biểu Quốc hội có mặt tại Hà Nội họp ngày 23-1-1959 tại thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nghe báo cáo về vụ hơn 1.000 đồng bào Việt Nam bị thảm sát trong một ngày tại trại tập trung Phú Lợi thuộc tỉnh Thủ Dầu Một Nam bộ. Trại tập trung Phú Lợi do nhà cầm quyền miền Nam thực hiện chính sách của đế quốc Mỹ lập ra, gọi là “Trung tâm huấn chính”, nhưng sự thật là một trại tập trung khổng lồ nhốt 6.000 đồng bào Việt Nam, chỉ vì những người này đã từng tham gia kháng chiến, hoặc đã từng phản đối đế quốc Mỹ can thiệp vào miền Nam Việt Nam và chính sách lệ thuộc Mỹ của chính quyền miền Nam, đã từng đòi thi hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ, đòi tự do dân chủ, đòi cải thiện sinh hoạt, đòi hòa bình thống nhất. Ngày 1-12-1958 nhà cầm quyền miền Nam đã cho thuốc độc vào thức ăn để giết hại những người bị giam, hơn 1.000 người bị trúng độc đã chết ngay. Những người khác kêu cứu bị nã súng lại chết thêm một số nữa. Sau đó bọn giết người còn đốt một số trại giam hòng làm phi tang và thiêu thêm một số người còn ngắc ngoải.
Hội nghị vô cùng căm phẫn và tuyên bố rằng:
Vụ thảm sát Phú Lợi là một hành động vô cùng dã man, chỉ có thể so sánh với những hành động dã man của bọn phát xít Hítle ngày trước và nhất là nó xảy ra trong lúc hòa bình đã được lập lại ở Việt Nam hơn 4 năm.
Từ những vụ thảm sát Hướng Điền, Duy Xuyên, Chợ Được, Mỏ Cày và bao nhiêu vụ khác, lại đến vụ Phú Lợi này, càng chứng tỏ bọn Ngô Đình Diệm vô nhân đạo cố tình làm tay sai cho đế quốc Mỹ, giết hại đồng bào; càng chứng tỏ chính sách can thiệp của Mỹ biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa và căn cứ quân sự của chúng đã gây nên bao tội ác ở miền Nam.
Đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm đã liên tiếp vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Giơnevơ và càng ngày càng lộ rõ bộ mặt tàn bạo của chúng. Chúng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong vụ thảm sát Phú Lợi này.
Hội nghị ủng hộ bức Công hàm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi chính quyền miền Nam ngày 22-12-1958, vạch trần sự can thiệp của đế quốc Mỹ và chính sách lệ thuộc Mỹ của chính quyền miền Nam, đề ra chủ trương giải quyết hòa bình và hợp lý vấn đề cần thiết quan hệ giữa hai miền; ủng hộ bức điện của Đại tướng Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp gửi Uỷ ban Quốc tế giám sát kiểm soát việc thi hành Hiệp định Giơnevơ ở Việt Nam yêu cầu điều tra ngay vụ thảm sát Phú Lợi và có biện pháp cứu chữa những người còn sống sót.
Hội nghị nghiêng mình trước những đồng bào miền Nam đã hy sinh anh dũng vì hòa bình và Tổ quốc; tỏ lòng khâm phục những đồng bào đang đấu tranh kiên quyết chống lại chế độ hà khắc của Mỹ - Diệm.
Hội nghị kêu gọi đồng bào toàn quốc hãy đẩy mạnh phong trào đòi đế quốc Mỹ cút khỏi miền Nam; phản đối kịch liệt bọn Ngô Đình Diệm làm tay sai cho đế quốc Mỹ giết hại đồng bào; đòi giải tán các trại tập trung ở miền Nam. Đồng bào miền Nam chống lại vụ thảm sát Phú Lợi kết hợp với việc đòi tự do dân chủ, đòi cải thiện dân sinh, đòi quan hệ Bắc - Nam như nội dung bức Công hàm ngày 22-12-1958 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng bào miền Bắc chống lại vụ thảm sát Phú Lợi kết hợp với việc tích cực thực hiện kế hoạch Đông Xuân, kế hoạch năm 1959 của Nhà nước, đưa miền Bắc tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội. Kiều bào ở nước ngoài hưởng ứng cuộc đấu tranh trong nước, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân nước mình ở. Tất cả hãy biến căm thù thành hành động thực tế, hãy tố cáo trước dư luận trong nước và thế giới những tội ác của bọn Mỹ - Diệm.
Hội nghị nhận định rằng: bọn Mỹ - Diệm thực hiện những chính sách cực kỳ hung ác, không tỏ ra chúng mạnh, mà chỉ tỏ ra chúng không thể nào khuất phục được nhân dân miền Nam. Hội nghị tin tưởng chính nghĩa luôn luôn về phía nhân dân Việt Nam, phi nghĩa về phía Mỹ - Diệm, cuộc đấu tranh cho thống nhất nước nhà, tuy lâu dài gian khổ nhưng nhất định thắng lợi.
 
                                        HỘI NGHỊ BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
                                                                           VÀ CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CÓ MẶT TẠI HÀ NỘI
 
Bản tuyên bố này đã được Hội nghị Ban Thường trực Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các đại biểu Quốc hội có
mặt tại Hà Nội nhất trí tán thành trong phiên họp bất thường ngày 23-1-1959.

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III. 

(http://quochoi.vn/tulieuquochoi/anpham/Pages/anpham.aspx?AnPhamItemID=601)