Trần Thanh Ái
Trong bài viết có tựa là “Cochinchina: Reassessment of the Origin and Use of a Westernized Place Name”(1) công bố năm 2007 tại Hoa Kỳ, tác giả Vu Dinh Dinh đã cố chứng minh rằng tên gọi Cochinchina là do ghép từ hai chữ Cửu Chân và China, chớ không phải Giao Chỉ và Chine (tức China)
như L. Aurousseau đã công bố trong một nghiên cứu năm 1924. Gần đây,
một số nhà nghiên cứu Việt Nam chỉ dựa vào bài viết của Vu Dinh Dinh để
phản bác Aurousseau, mà không đưa ra thêm được bằng chứng nào mới mẻ,
như thể lập luận của Vu Dinh Dinh đã hoàn hảo. Thế nhưng trong lập luận
của Vu Dinh Dinh còn rất nhiều sơ hở, nên không chắc chắn, và vì vậy kết
quả không đáng tin cậy. Vì khuôn khổ một bài báo có hạn, nên trong bài
viết này chúng tôi chỉ tập trung vào việc phân tích lập luận của tác giả
Vu Dinh Dinh mà thôi, còn những cách giải thích khác về chữ
Cochinchine/Cochinchina, chúng tôi sẽ đề cập đến trong một bài viết
khác.
- Lịch sử vấn đề
Thật ra ý tưởng của Vu Dinh Dinh không
phải là mới, vì khoảng năm 1886 vị giáo sư người Anh gốc Pháp Terrien de
La Couperie đã có lần nêu ra nhưng chưa chứng minh, và thỉnh thoảng một
số tác giả phương Tây cứ thế mà trích dẫn. H. Yule & A. C. Burnell
trong quyển Hobson-Jobson: A Glossary of
Colloquial Anglo-Indian Words and Phrases, and of Kindred Terms,
Etymological, Historical, Geographical and Discursive dựa vào một tham luận của giáo sư chỉ nêu ngắn gọn là Cochin-china được kết hợp từ Kuu-Chӧn kèm theo ghi chú về hai cách phát âm của người Trung Hoa “Chin. Kiu-Ching, South Chin. Kau-Chen”
(Yule & Burnell A. C. 1886, tr. 174). Rất tiếc là mấy năm sau đó
ông qua đời, nên ý tưởng ấy mãi mãi không được chứng minh. Khi viết bài
“Sur le nom de Cochinchine” vào năm 1924, chắc chắn là Aurousseau đã có
biết ý tưởng của Terrien de Lacouperie, vì ông đã tham khảo mục Cochin-China
trong sách của H. Yule & A.C. Burnell. Nhưng Aurousseau không nhắc
đến giả thuyết ấy, có lẽ vì chẳng qua đó chỉ là một ý kiến không dựa
trên dữ liệu khoa học nào, nên không nhất thiết phải tranh luận. Trước
đó, P. Pelliot trong một bài nghiên cứu về Phù Nam (1903, tr. 299) cũng
đã bác bỏ ý kiến của Terrien de Lacouperie, nhưng cũng chưa đưa ra lập
luận đầy đủ để bảo vệ quan điểm của mình.
Sử gia Trần Trọng Kim trong tác phẩm Dọc đường gió bụi (viết xong năm 1949, xuất bản năm 1969) cũng tỏ ra lúng túng về nguồn gốc chữ Cochinchine:
“Người Pháp cũng biết thế nên mới dựng tiếng tàu là Tông Kinh (Ðông
Kinh) gọi bắc kỳ, và dùng tiếng Cochinchine là tiếng gì chẳng biết để
gọi nam kỳ cho ra vẻ ba nước khác nhau.” (Trần Trọng Kim 1969, tr. 62)
- Một số nhược điểm trong lập luận của tác giả
Khi đọc bài viết của Vu Dinh Dinh, chúng
tôi phát hiện những nhược điểm có thể làm sai lệch trầm trọng kết quả
nghiên cứu của tác giả. Những nhược điểm đó là:
2.1. Thiếu kiểm chứng trong các suy luận
Khi khảo sát các bản đồ cổ của châu Âu,
Vu Dinh Dinh nhận thấy rằng từ 1502 các bản đồ ghi nơi lãnh thổ người
Việt sinh sống là CHANOCOCHIM hoặc CHINACOCHIM (bản đồ Cantino 1502,
Canerio c.1502), CHINACOCHIN (bản đồ Maiollo 1508), COCHIM DA CHINA (hải
đồ Rodrigues c.1513)… Nhưng khi đọc bản đồ thế giới năm 1529 của
Ribeiro, ông thấy tên của lãnh thổ người Việt được viết là CAUCHECHINA,
ông bèn cho rằng Ribeiro đã điều chỉnh cách viết cho đúng với địa danh Cửu Chân
sau khi người Bồ Đào Nha có những cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên với
người Việt. Để đi đến kết luận này trước tiên ông nhận thấy chữ viết này
gần với cách đọc chữ Cửu Chân (tên một quận ở Thanh Hóa), rồi ông cho rằng địa danh này tồn tại đến khi người Bồ Đào Nha đặt chân tới nước ta(2), còn địa danh Giao Chỉ bị người Việt bỏ đi, không dùng lại.
Sự suy luận này tưởng chừng như là đúng,
vì nó phù hợp với một vài chi tiết lịch sử, nhưng thật ra chỉ là võ
đoán, vì tác giả không nêu ra được bằng chứng nào để củng cố suy luận đó
cả: chỉ cần nêu ra vài câu hỏi đơn giản cũng đủ thấy sự chông chênh của
suy luận ấy. Người Bồ Đào Nha đầu tiên cập thuyền vào cảng nào của nước
ta? Cửu Chân có phải là trung tâm giao thương trong khu vực không, nhất
là trong các thập niên đầu thế kỷ XVI? Ngay cả khi thuyền của họ cập
vào một địa điểm nào đó thuộc quận Cửu Chân xưa, tại sao người Bồ Đào
Nha chỉ biết tên xưa của nơi đó, mà lại không biết tên Thanh Hóa, Thiên Xương, Tây Đô
hay tên nước được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân lúc ấy là nước Nam
như Lý Thường Kiệt đã gọi (từ điển A. de Rhodes có ghi các cách gọi
này), hay nước Đại Việt như chính sử thời ấy đã dùng?
Chưa hết, nếu có chút ít kiến thức về
cuộc chinh phục vùng Viễn Đông của người châu Âu thời ấy, chắc chắn
không ai có thể tin được suy luận trên đây, vì Ribeiro không thể có được
thông tin về những cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên ấy để mà điều chỉnh
tên nước Việt. Lý do đơn giản là vì phái đoàn Bồ Đào Nha đầu tiên được
cử đi tiếp xúc với Đại Việt vào năm 1523, trong khi ngay từ năm 1518 ông
đã chạy sang phục vụ cho vua Tây Ban Nha (Vigneras L.A. 1962, tr. 76),
đối thủ cạnh tranh quyết liệt của Bồ Đào Nha, đặc biệt là trong vụ tranh
chấp quần đảo hương liệu mà ngày nay ta gọi là Maluku. Cũng cần nhắc
lại là vào thời ấy, các thông tin liên quan đến lộ trình vòng qua mũi
Hảo Vọng để đến Viễn Đông được Bồ Đào Nha giữ bí mật gắt gao, với khung
hình phạt tử hình. Hơn nữa, việc công bố bản đồ Ribeiro 1529 nằm trong
chiến dịch giúp Tây Ban Nha giành quyền khai thác quần đảo Maluku, nên
nhiều vùng khác không được tác giả quan tâm đầy đủ, như một số đoạn trên
bờ biển của Vịnh Thái Lan và Vịnh Bắc bộ còn bỏ trống. Chỉ từ khi người
Tây Ban Nha đã chiếm được Philippines và thành lập thành phố Manila năm
1571, và nhất là khi Bồ Đào Nha nằm dưới sự cai trị của hoàng gia Tây
Ban Nha năm 1580, thì mới bắt đầu có người Tây Ban Nha đi lại trên vùng
biển Đông của Việt Nam, mà trước đây là độc quyền của người Bồ Đào Nha.
Hơn 100 năm trước, L. Fournereau đã cho chúng ta biết như sau:
“Điều khiến chúng tôi quan tâm đến bản
đồ của Ribeiro, đó là tác giả này mặc dù là gốc người Bồ Đào Nha, nhưng
từ khi đến Tây Ban Nha và định cư tại Séville, ông đã không hay biết gì
về những phát hiện của đồng bào mình. Ông ta đã hoàn toàn trở thành
người Tây Ban Nha và bản đồ này phản ánh kiến thức của các nhà vẽ bản đồ
ở Casa de Contratacion” (Fournereau L. 1895, tr. 11).
Tình trạng giấu bí mật thông tin hàng
hải là rất phổ biến giữa các cường quốc trong thời đại “khám phá”. Thế
mà khi có nhận định trái ngược với sự hiểu biết phổ biến trong cộng
đồng, tác giả Vu Dinh Dinh đã không viết dòng nào để chứng minh là
Ribeiro đã lấy thông tin mới từ đối phương của mình để cập nhật cho bản
đồ 1529.
Trong bài viết, tác giả đã diễn dịch
không chút thận trọng khi đọc chữ QVÃCII thành “Giao Chỉ” trong bản đồ
thế giới của Petrus Plancius vẽ năm 1592 mà không chứng minh được cách
gọi này có thật hay không. Chúng tôi đã mất không ít thời gian để tra
cứu, nhưng vẫn không tìm ra tài liệu nào gọi đất Giao Chỉ xưa là QVACII
như tác giả nói cả! Thật ra, thay vì viết QVANCII (Quảng Tây), tác giả
lại viết QVÃCII, nhưng do chất lượng bản đồ quá kém nên tác giả không
nhận ra dấu ( ᷉ ) bên trên chữ A, rồi bèn gán cho đó là “Giao Chỉ”, để
phù hợp với lập luận của mình. Đã thế, tác giả còn “nhìn ra” ở phía Bắc
vùng CAVCHINCHIN và QVÃCII có chữ QVANCII nữa! Thật ra phía Bắc của vùng
này chỉ có chữ “Quancyo”(3)
(?) trong bản đồ này được viết thường, dùng để chỉ một địa danh nhỏ như
thị trấn, khác với địa danh viết chữ lớn để chỉ một vùng rộng lớn như
Quảng Tây của Trung Hoa.
Hình 1: Bản đồ thế giới của Petrus Plancius 1592 (phóng to miền Bắc Việt Nam). Có thể xem đầy đủ tại https://nla.gov.au/nla.obj-2880952242/view
Những kết luận vội vã như thế không
thiếu trong bài viết của Vu Dinh Dinh, chẳng hạn như ông rất quả quyết
rằng chưa bao giờ Giao Chỉ được xem là “country” hay “kuo” (quốc): trong
phần tiếp theo ngay bên dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp thông tin về chi
tiết này.
2.2. Xem nhẹ sự lưu hành kiến thức địa lý trong khu vực
Thiếu sót quan trọng trong cách tiếp cận
của Vu Dinh Dinh là không hề quan tâm đến tên mà các nước trong khu vực
dùng để gọi đất nước của người Việt như thế nào trước khi người Bồ Đào
Nha tới. Trong việc định danh các nước trong vùng, Trung Hoa có vai trò
không thể phủ nhận được, vì nó đã từng là trung tâm văn hóa, chính trị
thương mại trong khu vực; và vì nước ta lại nằm ngay cửa ngõ phía Tây
Nam của thương cảng Quảng Châu của họ, nên tàu thuyền các nước thường đi
ngang qua vịnh Bắc bộ để tránh Thất Châu dương đầy bất trắc. Hơn nữa,
phải nhìn nhận sức lan tỏa rất lớn của sách vở Trung Hoa thời ấy ra
ngoài biên giới quốc gia, qua đó cách gọi tên của họ đối với các nước
lân bang được phổ biến khắp nơi, còn chúng ta ngay cả khi đã giành được
độc lập, chúng ta đã lần lượt đặt tên nước như Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Ngu, Đại Việt,
nhưng thời ấy không nước ngoài nào biết đến các tên đó. Vì thế, dù muốn
dù không, tên mà người Trung Hoa dùng để gọi đất nước chúng ta vào thời
bấy giờ đã được các dân tộc khác dựa vào đó mà mô phỏng theo. Hệ quả là
mặc dù tên gọi Giao Chỉ không được người Việt ưa chuộng như Cửu Chân, nhưng nó lại được sách vở của người Trung Hoa sử dụng trong nhiều thế kỷ, từ Hán thư (thế kỷ V) đến Minh sử
(soạn xong năm 1739), và chắc chắn rằng các nước có giao dịch với họ
như Nhật, Cao Ly, Xiêm, Mã Lai, Ba Tư, Á-rập… không thể không biết đến
tên đất Giao Chỉ. Để chứng minh cho việc này, chúng ta chỉ cần lướt qua
một số tài liệu Trung Hoa được biên soạn từ lúc mà các cuộc giao lưu
Đông Tây bắt đầu phát triển, từ đầu thiên niên kỷ thứ 2, cũng đủ rõ.
Sách Lãnh Ngoại Ðại Ðáp 嶺外代答 do Chu Khứ Phi biên soạn năm 1178 gọi Vịnh Bắc bộ là 交阯洋 Giao Chỉ dương, tức biển Giao Chỉ (Hồ Bạch Thảo 2010). Sách Chư Phiên chí 諸蕃志 (khoảng 1225) của Triệu Nhữ Quát 趙汝适 đời Tống dành chương đầu tiên nói về Giao Chỉ Quốc 交趾國 (nước Giao Chỉ).
Hình 2: Chương Giao Chỉ quốc 交趾國 trong Chư phiên chí quyển thượng 諸蕃志卷上 thuộc bộ Khâm định tứ khố toàn thư 欽定四庫全書
Sách Văn hiến thông khảo 文獻通考 (1317) của Mã Đoan Lâm bắt đầu bằng chương nói về Giao Chỉ(4):
“Đầu nhà Hán, Giao Chỉ thuộc Nam Việt. Sau khi đã chinh phục được Nam
Việt, Hán Vũ đế chia xứ này ra thành 9 quận: 澹耳 Đam Nhĩ, 珠崖 Châu Nhai,
南海 Nam Hải, 蒼梧 Thương Ngô, 鬱林 Uất Lâm, 合浦 Hợp Phố, 交趾 Giao Chỉ, 日南 Nhật
Nam và 九真 Cửu Chân. Có nghĩa là thời nhà Hán, Giao chỉ vừa là tên của
một xứ, vừa là tên của một quận, còn Cửu Chân chỉ là tên quận mà thôi.
Đến Tống sử (1346) trong Liệt truyện 247, Ngoại quốc tứ
(Nước ngoài, phần 4) thì mới đề cập đến nước Giao Chỉ (cùng với nước
Đại Lý), nghĩa là xem Giao Chỉ là nước ngoài. Trong phần này, Tống sử
nhắc đến hai chữ 交趾 (Giao Chỉ) tổng cộng 21 lần, và chỉ 1 lần nhắc đến
chữ 九真 (Cửu Chân) là một quận của Giao Chỉ.
Nguyên sử (1370) “Liệt truyện 96 Ngoại
di nhị” có chương nói về An Nam mở đầu bằng cụm từ 安南国,古交趾也 (An Nam
quốc, cổ Giao chỉ giã). Đặc biệt là phần này không hề nhắc đến Cửu Chân,
mặc dù lúc bấy giờ địa danh này vẫn còn được người Việt dùng để chỉ một
đơn vị hành chính. Và trong thời đô hộ của nhà Minh (1407-1427), họ lại
bỏ tên An Nam mà dùng lại tên Giao Chỉ để gọi nước ta.
Năm 1618, Trương Tiếp biên soạn Ðông Tây Dương Khảo 東
西洋考. Trong quyển 7 có đoạn ghi lại việc Tuần phủ đô ngự sử Phúc Kiến
tên là Đồ Trạch Dân xin bỏ lệnh cấm biển năm Long Khánh nguyên niên và
được triều đình chuẩn phán(5) năm 1567: “Chuẩn phán Đông Tây nhị dương, cái Đông dương nhược Lữ Tống, Tô Lộc(6)
chư quốc, Tây dương nhược Giao Chỉ, Chiêm Thành, Xiêm La chư quốc”
(Đồng ý cho các nước ở biển Đông là Lữ Tống, Tô Lộc, các nước ở biển Tây
là Giao Chỉ, Chiêm Thành, Xiêm La). Như vậy chữ Giao Chỉ cũng được dùng
để gọi nước ta, cùng với Chiêm Thành, Xiêm La. Điều đó có nghĩa là vào
thời nhà Minh, các công văn giấy tờ của Trung Hoa vẫn gọi nước ta là
Giao chỉ quốc. Ngoài ra, trong Ðông Tây Dương Khảo cũng có nói
về vịnh Bắc bộ mà họ gọi là 交阯洋 Giao Chỉ dương. Sách này còn cho biết
rằng Giao Chỉ là đầu cầu trong tuyến đường thương mãi và ngoại giao giữa
Trung Hoa và các nước Đông Nam Á (Hồ Bạch Thảo, 2010).
Về phát âm, tưởng cũng nên nhắc lại rằng “Trung Cổ Hán Ngữ” (Middle Chinese, Ancient Chinese) phát âm 交阯 là /kˠau t͡ɕɨX/(7).
Còn các nước lân bang khác gọi nước ta như thế nào? Người Nhật thời ấy gọi nước ta là Kochi, mà ta có thể tìm thấy dấu tích trên nhiều tài liệu, trong đó phổ biến nhất là tên gọi các cuộn tranh còn lưu giữ đến ngày nay(8), hoặc Kochi-koku, tức Giao Chỉ quốc (Gunn G. 2017, tr. 146). Người Mã Lai gọi nước ta là Kuchi (Yule H. & Burnell A.C., 1886, tr. 174), hoặc Kochi
(Wilkingson 1901, tr. 545). Còn người Indonesia gọi là Kotji(n)tjina
(Manguin P.Y., 1972, tr. 42). Trong nhật ký hải hành của Sidi Ali Celebi
năm 1554, một đô đốc của đế quốc Ottoman, có ghi hải trình đi đến Trung
Hoa qua nhiều chặng, trong đó chặng từ Singapore được mô tả như sau:
“Từ Sahr-i-naw(9) đến mũi Kambusa(10), nơi mà ngôi sao bắc cực nằm ở độ cao 5 độ về hướng Đông Nam-¼ Đông; từ Kambusa đến Samba(11)
nơi mà sao bắc cực ở độ cao 7 độ về hướng Bắc Đông Bắc; từ Samba đến
Vịnh Kawčī, nơi mà sao bắc cực ở độ cao 10 độ Bắc-Tây Bắc, và thêm nữa,
từ Samba đến cảng Hải Nam nơi sao bắc cực ở độ cao 12 độ ¼, hướng
Bắc-Đông Bắc.” (Ferrand G. 1913, tr. 500-501)
Khi dịch tài liệu này và đối chiếu với các hải trình khác, G. Ferrand nhận ra rằng Vịnh Kawčī chính là Vịnh Giao Chỉ, tức Giao Chỉ dương đã nói ở trên. Thậm chí, Sidi Ali Celebi còn cho biết rằng cảng Kawčī chính là “cảng của vua chúa xứ này” (Ferrand G. 1913, tr. 515). Aurousseau cũng ghi rằng người Quảng Đông phát âm Giao Chỉ là Kawči (Aurousseau
L., 1924, tr. 578). Có thể khẳng định rằng sự tương đồng trong những
cách gọi tên này chính là kết quả của sự giao lưu trong khu vực trong
nhiều thế kỷ: khi người Á-rập đến Quảng Đông buôn bán, hoặc khi họ tiếp
đón thương khách Trung Hoa trên các cảng ở Ấn Độ dương, họ cũng tiếp
nhận cách mà người Trung Hoa gọi nước ta trước khi người Bồ Đào Nha đến.
Và tuyến đường thương mại ấy đã trở thành kênh truyền bá liên văn hóa
giữa các nước nằm trên tuyến đường, trong đó có Indonesia, Mã Lai, Thái
Lan. Khi gán nguồn gốc Cửu Chân vào địa danh Cauchinchina/Cochinchina,
chắc rằng tác giả Vu Dinh Dinh không hề thắc mắc tại sao nhiều địa danh
đã có mặt trên bản đồ Cantino 1502 trước khi người Bồ Đào Nha đặt chân
đến vùng Đông Nam Á, và ai đã đặt tên cho những địa danh ấy? Bởi vì nếu
quan tâm, ông sẽ biết rằng Vasco da Gama đã thừa hưởng được kiến thức
hàng hải và địa lý của người Á-rập bằng nhiều nguồn, qua nhiều giai đoạn
từ thời hoàng tử Henri thành lập một trung tâm nghiên cứu hàng hải ở
Sagres năm 1415, và gần nhất là qua viên hoa tiêu thuê được ở Malindi
năm 1498 để dẫn đường đến Calicut (Ấn Độ). Chính vì thế mà Ferrand kết
luận là những hải đồ của người Bồ Đào Nha dựa trên những tài liệu hướng
dẫn hàng hải của người Á-rập (Ferrand G. 1924, tr. 247). Ấy thế mà người
Á-rập lại tiếp nhận cách định danh nước ta của người Trung Hoa, và biến
交阯 thành Kawčī theo cách phát âm của họ.
Ngoài ra, để khảo sát xem tài liệu trên
thế giới chuyển ngữ chữ Cochinchina/Cochinchine ra tiếng Hoa như thế
nào, ta có thể gõ các từ khóa (đặt trong ngoặc kép) “交趾支那” [Giao Chỉ Chi
na], “交阯支那” [cách viết khác của Giao Chỉ Chi na] và “九真支那” [Cửu Chân
Chi na] vào trang Google. Kết quả là tần số xuất hiện của từ khóa thứ
nhất là 23.800 lần, tần số của từ khóa thứ hai là 1.110 lần, trong khi
tần số của từ khóa “九真支那” [Cửu Chân Chi na] là 0, nghĩa là không có lần
nào! Kết quả trên đây tuy không có tính chất quyết định, nhưng nó cũng
nói lên được khá rõ nhận thức của cộng đồng về nguồn gốc của chữ
Cochinchina. Vì thế thật là vội vã nếu cho là người Bồ Đào Nha đã dùng
tên một quận không còn được dân bản địa dùng nữa từ hơn 100 năm là Cửu
Chân để gọi nước Việt xưa.
2.3. Sai lầm khi đặt trọn vẹn niềm tin vào bản đồ cổ
Tác giả đã bỏ ra nhiều công sức để sưu
tầm 37 bản đồ có thể hiện lãnh thổ của người Việt sinh sống, được vẽ từ
1502 đến 1665. Tuy nhiên, đó lại là loại bằng chứng duy nhất mà tác giả
dùng để chứng minh lập luận của mình, mà không hề đắn đo về mức độ chính
xác của bản đồ thời ấy. Chính vì thế mà tác giả đã nhận định: “bản đồ
cung cấp nguồn thông tin tốt nhất về các địa danh [nguyên văn: “the best
source of information on place names”]. Những ghi chú chính xác của dữ
liệu bao gồm việc xác định vị trí, kích cỡ và hình dáng của nó, cách
thức gọi tên nó, và ngày tháng tương đối mà nó được dùng”.
Thật ra, ngay cả những bản đồ hiện đại
được cập nhật thường xuyên như Google Maps hay Mapcarta cũng vẫn có
không ít dữ liệu thiếu chính xác, nhất là tên gọi những địa danh ít phổ
biến, huống hồ chi các bản đồ thế kỷ XVI vẫn chỉ là những phát thảo còn
rất thô sơ, dựa trên những thông tin ít ỏi thiếu chuẩn mực, tỷ lệ xích
rất nhỏ, lại được thực hiện nhằm phục vụ chủ yếu cho giới đi biển. Tình
trạng “độc quyền kiến thức hàng hải” của các cường quốc thời bấy giờ
khiến nhiều bản đồ chỉ thể hiện kiến thức của từng quốc gia, như Gallois
đã từng khái quát:
“Bồ Đào Nha cấm các hoa tiêu lưu truyền
các tấm bản đồ mà người ta giao cho họ trong mỗi chuyến đi, với hình
phạt tử hình. Vì vậy có hệ thống bản đồ của từng quốc gia, trong đó
người Bồ Đào Nha chỉ biết được kết quả khám phá của người Bồ Đào Nha, và
người Tây Ban Nha chỉ biết được những gì người Tây Ban Nha khám phá
được.” (Gallois L., 1890, tr. 98)
Thử quan sát cách thể hiện bán đảo Đông dương trong các bản đồ xưa, chúng ta sẽ thấy nó rất đỗi xa lạ với các bản đồ hiện đại.
2.3.1. Hình dạng địa lý còn xa với thực tế
Về hình dạng bờ biển, các bản đồ từ 1502
đến 1653 ban đầu vẽ mũi Cà Mau nằm rất cao về hướng Bắc bán cầu, và lại
rất hẹp như Cantino 1502, thậm chí nó không có mặt trong bản đồ Reinel
1519, dần dần được điều chỉnh lại cho gần với thực tế hơn, như bản đồ
Blaeu 1640. Cửa sông Cửu Long, sông Hồng thì nằm rất sâu trong đất liền;
đảo Hải Nam vẫn còn dị dạng ngay cả trong các bản đồ Blaeu (1648), de
Rhodes (1653), bán đảo Lôi Châu (Trung Hoa) được vẽ như bờ biển bình
thường, v.v. Mãi đến bản đồ Carte hydro-géo-graphique des Indes Orientales
của R. Bonne vẽ năm 1771 thì hình dáng vùng bờ biển nước ta mới gần với
ngày nay. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả, vì vào thời ấy kiến
thức địa lý của loài người còn khiếm khuyết rất nhiều, nhất là đối với
những vùng nằm xa châu Âu, kỹ thuật vẽ bản đồ lại rất thô sơ, phương
pháp chiếu ảnh còn sơ khai, nên đương nhiên là có rất nhiều điểm không
chính xác. Kiến thức địa lý, cũng như mọi kiến thức khác, đều đi từ sơ
khai, đơn giản đến phát triển, ngày càng phong phú hơn, đầy đủ hơn, chứ
không thể hoàn thiện ngay được.
Riêng đối với bản đồ Ribeiro 1529, chúng
ta thấy còn bỏ trống nhiều đoạn bờ biển như phía Bắc và Tây Bắc Vịnh
Thái Lan, cửa sông Hồng, v.v. Điều này đã được giải thích là sau khi đàm
phán Badajoz-Elvas kết thúc vào tháng 1524 không có kết quả, Tây Ban
Nha bèn chuẩn bị một bản đồ để tung ra nhằm giành lợi thế cho mình trong
cuộc đàm phán mới, và đó là bản đồ Ribeiro 1529, ngay cả khi nó chưa
hoàn chỉnh, vì Ribeiro chỉ tập trung vào vùng đang tranh chấp giữa hai
cường quốc mà thôi.
2.3.2. Các địa danh còn hỗn độn
Về địa danh ghi trên các tấm bản đồ cổ
thì đó còn là cả một kho bí hiểm mà đến nay còn nhiều chi tiết chưa giải
mã được. Chẳng hạn như trong bản đồ Cantino 1502, khi nhìn vào biển
Đông, người đọc bắt gặp những địa danh sau đây: a fulu Candora (tại vị
trí đồng bằng sông Cửu Long), ylha dos Baixos Fullucandora (Pulo Condor,
Côn Đảo), ylha de bareas (đảo ?), Ylha Sama (đảo ?), Ylha Adena (đảo
?). Hoặc như trong bản đồ Mercator do J. Hondius xuất bản năm 1613, ta
có thể đọc được từ trên xuống nhiều địa danh lạ lùng: Binpuri (?), Choy
(?), Charchi (?), Pulo St Polo (?), Pulo Otan (?), Cantam (Cù lao Ré?),
Pulo Citi (Pulo Cécir), Pulo Candor (Pulo Condor, Côn đảo), Pulo Hube
(Pulo Obi, Hòn Khoai)… A. de Rhodes là người sống nhiều năm ở nước ta,
các địa danh mà ông ghi trong bản đồ Regnũ Annam (1653) phần
lớn do chính ông tìm hiểu tại thực địa chứ không phải tham khảo từ các
tác giả phương Tây, thế mà các địa danh ấy cũng còn gây không ít trở
ngại cho người Việt. Từ Bắc xuống Nam ta thấy Ke ga (?), Ke Suoc (?), Ke
Tay (Kẻ Tây. Hà Tây?), Ke fau (?), Ke Bac (Kẻ Bắc, Hà Bắc?), Trang tay
(?), Ke Nam (Kẻ Nam, Hà Nam?), Ha hoy (?), Kemaoc (?), Kecio (Kẻ Chợ, Hà
Nội ?), v.v.
Chỉ lướt qua một vài vị trí quen thuộc
trên bờ biển nước ta được thể hiện trên vài bản đồ thôi, chúng ta cũng
thấy rằng hoàn toàn không như Vu Dinh Dinh nói “bản đồ cung cấp nguồn
thông tin tốt nhất về các địa danh”!
Tại sao có nhiều sai lệch trong cách ghi
địa danh trên các bản đồ như thế? Trước tiên đó là kết quả của nhiều
nguồn cung cấp thông tin bằng nhiều ngôn ngữ hoặc phương ngữ khác nhau,
nên sự khác nhau trong các địa danh là không thể tránh khỏi. Mỗi người
nhận thông tin trực tiếp tại thực địa sẽ ghi lại cách phát âm bằng ngôn
ngữ xa lạ mà tai mình cảm nhận được, rồi viết ra bằng tiếng mẹ đẻ của
mình, nên đó chỉ là sản phẩm sau khi đã qua “bộ lọc âm thanh” của người
nhận thông tin. Kế tiếp phải kể đến hậu quả của việc “tam sao thất bổn”:
người tham khảo các tài liệu sơ cấp đó lại đọc hiểu theo cách của mình,
rồi viết lại bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, khiến nhiều địa danh ngày càng
xa với nguồn ban đầu. Ngay cả việc nhân bản cũng gây ra nhiều sai sót:
mặc dù kỹ thuật in ấn đã phát triển khá tốt, nhưng các cường quốc hàng
hải thời bấy giờ, đặc biệt là Bồ Đào Nha, đều cấm việc in ấn bản đồ; họ
tổ chức sao chép bằng tay thành nhiều bản để hạn chế đến mức tối thiểu
khả năng rò rỉ thông tin ra ngoài biên giới. Vì thế, độ chính xác của
sản phẩm sao chép hoàn toàn tùy thuộc vào người chép. Trong công việc
này, người ta chủ yếu tập trung vào hình dáng bản đồ, còn cách viết địa
danh thường rất lôi thôi, do người chép viết dối không thể đọc hiểu
được, hoặc do người sao chép không biết ngoại ngữ nên chỉ đồ lại bản gốc
mà thôi, như E.T. Hamy (1887, tr. 63) và L. Gallois (1890, tr. 101) đã
từng lưu ý trong khi nghiên cứu các bản đồ châu Âu thế kỷ XVI.
Mà không chỉ các địa danh không quan
trọng mới có chuyện bí hiểm này: ngay cả tên các nước trong vùng cũng
không tránh khỏi sự rối rắm trong cách viết tên. Ngay cả khi người viết
đều cùng đặt chân đến Viễn Đông, nhưng cách ghi tên các vương quốc cũng
khác nhau: bản đồ Ribeiro 1529 ghi nước Xiêm la thời ấy là Ansiam,
Gastaldi 1561 và Mercator 1569 ghi là Sian, Ortelius 1584 ghi là
Chiampa, Sĩao, Hondius 1636 ghi Tsiompa, de Rhodes 1653 ghi là Ciam…
2.3.3. Định vị địa lý sai lệch
Việc xác định vị trí các địa danh trên
bản đồ cũng rất thiếu chính xác; điều này rất rõ ràng, ai cũng đều có
thể nhận thấy. Thật vậy, với kỹ thuật định vị vĩ độ và kinh độ thời ấy
còn rất sơ khai thì không thể nào xác định chính xác vị trí một địa điểm
trên bản đồ được, đặc biệt là trên những bản đồ có tỷ lệ xích quá nhỏ
mà địa danh lại phải được viết đủ lớn để có thể đọc được. Chẳng hạn đa
số các bản đồ thời đó, từ bản đồ Ortelius 1584 đến bản đồ Petrus Plancius (1592), Linschoten 1596 đều định vị tỉnh Quảng Tây (Quancii) ở phía Đông Cochinchina, nhưng ngay từ các tài liệu xưa của Việt Nam như Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng đều biết là nước ta “phía Bắc giáp Quảng Tây”.
Vu Dinh Dinh đã bỏ công sưu tầm bản đồ
cổ, nhưng tất cả đều là bản đồ do người phương Tây vẽ, mà không hề quan
tâm đến bản đồ phương Đông. Ông sẽ nghĩ gì khi đọc bản đồ Trịnh Hòa Hàng Hải Đồ 鄭和航海圖 được vẽ vào thế kỷ XV và được in trong quyển 240 của bộ Vũ bị chí
武備志 xuất bản năm 1628, trên đó còn đọc rõ dòng chữ 交趾界 (Giao Chỉ giới) ở
bên trên bản đồ (cạnh 欽州 Khâm Châu, thuộc Quảng Tây, Trung Hoa) và 交趾洋
(Giao Chỉ dương) ở phía dưới bản đồ?
Hình 3: Tấm thứ 10 của Trịnh Hòa Hàng Hải Đồ. Xem đầy đủ tại https://www.loc.gov/resource/g7821rm.gct00058/?sp=10
Được biết là bản đồ này đã được
Francisco Rodrigues, một hoa tiêu trưởng của d’Abuquerque, dựa vào đó để
phát họa hải trình đi từ Malacca đến Quảng Châu (Manguin P.Y. 1972, tr.
52) vào khoảng năm 1513-1514 nhằm mục tiêu chuẩn bị khám phá Trung Hoa
của người Bồ Đào Nha.
Hoặc bản đồ Khôn Dư Vạn Quốc Toàn Đồ
(坤輿萬國全圖) được in năm 1602, là bản đồ thế giới đầu tiên do người Trung
Hoa vẽ với sự hỗ trợ về kỹ thuật của nhà truyền giáo Matteo Ricci. Nếu
như đọc được bản đồ này, ông sẽ thấy trên phần đất nay là miền Bắc Việt
Nam có ghi 安南 (An Nam) bằng chữ lớn, và bên dưới 舊交趾 (cựu Giao Chỉ) bằng
chữ nhỏ hơn:
Hình 4: Vùng 安南 (An Nam) 舊交趾 (cựu Giao Chỉ) được phóng to. Xem ảnh gốc tại: https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%ADp_tin:Kunyu_Wanguo_Quantu_by_Matteo_Ricci_Plate_1-3.jpg
Tóm lại, trong hai bản đồ Trung Hoa nói trên, chỉ có chữ Giao Chỉ được dùng để chỉ lãnh thổ của người Việt, còn chữ Cửu Chân
không hề có mặt, vì nó chỉ là một đơn vị hành chính nhỏ của Việt Nam,
không nhất thiết phải ghi ra trong bản đồ khu vực hay thế giới. Nếu chỉ
cần đọc được hai bản đồ này, thì có lẽ ông Vu Dinh Dinh đã phải nghiền
ngẫm kỹ càng hơn trong việc đưa ra lời giải thích nguồn gốc chữ Cochinchina khác với những gì mà Aurousseau đã trình bày năm 1924.
- Kết luận
Địa danh 交趾 hoặc 交阯 (Giao Chỉ) đã được
người Trung Hoa phổ biến khắp nơi, vừa bằng con đường văn bản hành
chính, sách vở, vừa qua sự giao lưu trực tiếp giữa những người tham gia
tuyến đường Trung Hoa đi Ấn Độ dương qua ngã eo biển Malacca. Khảo sát
nguồn gốc tên gọi một địa danh do người nước ngoài đặt ra như chữ Cochinchina
mà không quan tâm đến hệ thống bang giao giữa các nước trong vùng thì
thật là vô cùng thiếu sót, vì khi giao thương, người ta còn trao đổi
nhiều loại thông tin khác nhau, trong đó có kiến thức địa lý. Nhược điểm
của bản đồ phương Tây được vẽ vào đầu thế kỷ XVI lúc mới đến Viễn Đông
là họ vừa phát họa vừa bổ sung và chỉnh sửa dựa trên những thông tin thu
thập được theo thời gian, nên không thể có ngay bản hoàn chỉnh được.
Các bản đồ ấy chỉ phản ánh tình trạng kiến thức thô sơ vào thời ấy, với
độ chính xác còn rất kém, nên không thể chỉ dựa vào các địa danh được
ghi trên đó để phản bác lập luận của Aurousseau được.
(Bài đã đăng trên tạp chí Xưa & Nay số tháng 10 năm 2021)
Tài liệu tham khảo
Aurousseau L., 1922. Exposé de géographie historique du pays d’Annam, traduit du Cương mục. Trong tạp chí Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, tome 22.
Aurousseau L., 1924. Sur le nom de Cochinchine. Trong tạp chí Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, tome 24.
Ferrand G. 1913. Relations de voyages et textes géographiques arabes, persans et turks relatifs à l’Extrême–Orient du VIIIe au XVIIIe siècles, Tome I. Paris: Ernest Leroux Editeur.
Ferrand G., 1924. L’élénent persan dans les textes nautiques arabes. Trong tạp chí Journal Asiatique, số tháng 4-6 năm 1924.
Fournereau L. 1895. L’ancien Siam. Paris: Ernest Leroux Editeur.
Gallois L. 1890. Le portulan de Nicolas de Canerio. Trong tạp chí Bulletin de la Société de Géographie de Lyon, số 9. Lyon: Société de Géographie.
Gunn G. 2017. World Trade Systems of the East and West. Leiden, London: Brill.
Hamy E.T. 1887. Note sur la mappemonde de Diego Ribero (1529) conservée au musée de la Propagande de Rome. Trong tạp chí Bulletin de géographie historique et descriptive, số 2. Paris: Ernest Leroux Editeur.
Hồ Bạch Thảo 2010. Biển Giao Chỉ. Trên tạp chí điện tử Diễn Ðàn, ngày 9/4/2010, tại địa chỉ https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/bien-giao-chi
Manguin P.Y., 1972. Les Portugais sur les côtes du Viêt-Nam et du Campa. Paris: Ecole franҫaise d’Extrême-Orient.
Pelliot P., 1903. Fou-nan. Trong tạp chí Bulletin de l’Ecole française d’Extrême-Orient, tome 3.
Trần Trọng Kim 1969. Một cơn gió bụi. Sài Gòn: Nhà xuẩ bản Vĩnh Sơn.
Vigneras L.A. 1962. The Cartographer Diogo Ribeiro. Trong tạp chí Imago Mundi, Vol. 16.
Wilkingson R.J. 1901. A Malay – English Dictionary. Singapore: Kelly & Walsh Limited.
Yule H. & Burnell A. C., 1886. Hobson-Jobson: A
Glossary of Colloquial Anglo-Indian Words and Phrases, and of Kindred
Terms, Etymological, Historical, Geographical and Discursive. London: JOHN MURRAY, ALBEMARLE STREET.
(1) Được đăng trên tạp chí THE WRITERS POST, ISSN: 1527-5467, số 9 ghép đôi hai kỳ tháng Giêng và tháng Bảy năm 2007. Đường dẫn của bài viết: http://www.thewriterspost.net/V9I1I2_ff6_vudinhdinh.htm. Theo thông báo của tòa soạn, các bài viết trong tạp chí này đã được xuất bản trong tạp chí in trên giấy Wordbridge magazine (ISSN: 1540-1723). Vì không có bản giấy nên chúng tôi sử dụng bài viết trong bản điện tử.
(2) Thật ra, các sách lịch sử Việt Nam như Đại Việt Sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, Khâm định Việt sử Thông giám cương mục… không còn nhắc đến địa danh Cửu Chân từ khi Hồ Hán Thương đổi phủ Thanh Hóa thành phủ Thiên Xương năm 1403.
(3) Bản đồ Linschoten 1596 ghi là Quancjic (?), bản đồ Jodocus Hondicus in trong Samuel Purchas 1625 ghi là Quancyc.
(4) Xem bản tiếng Hán tại: http://chinesenotes.com/songshi/songshi488.html
(5) Xem bản tiếng Hán tại: https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&chapter=241709
(6) Theo Phạm Hoàng Quân (2011, tr. 122), đó là quần đảo Sulu, thuộc Philippines.
(7) Xem: https://en.wiktionary.org/wiki/%E4%BA%A4%E9%98%AF
(8) Như cuộn tranh Chaya Shinroku Kochi toko zukan (Trà Ốc Tân Lục Giao Chỉ độ hàng đồ quyển), hoặc Shuin-sen Kochi toko zukan (Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển (Xem: Trần Đức Anh Sơn, 2014)
(9) Theo Yule H. & Burnell, đó là tên mà người Ba Tư gọi thủ đô mới Ayodhya của Vương quốc Xiêm từ 1350.
(10) Tức Mũi Cà Mau của Việt Nam ngày nay.
(11) Tức Campa, Chiêm Thành.