Tuesday, 9 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa: Lịch sử làng Hội Kê (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 3

 

LỊCH SỬ LÀNG HỘI KÊ.-

          Nay nói qua một chút về lịch sử làng Hội Kê, để các thế hệ sau này có thể nắm bắt được những gì cần biết một cách dễ dàng. Nguyên tại làng Thượng Hộ, xuôi về phía hạ lưu sông Hồng, có nổi thêm một khu đất bồi, rồi thành một khu bãi tiếp theo với một khu đất của làng Thượng Hộ và được ghi danh là MA-KÊ-XỨ với một diện tích khá rộng. Ma-Kê nghĩa là gì không ai hiểu rõ, chỉ đoán chừng là một nơi có trồng nhiều vừng. Khu đất Ma-Kê-Xứ này trước đó chỉ là một xóm của làng Thượng Hộ, và hiện nay thuộc về đất làng Gia Lạc, giáp với Mả Cả gần đình Gia Lạc hiện giờ. Ta cần nhớ rằng ở vùng này, trước kia cũng như bây giờ, Thượng Hộ là làng lớn nhất vùng, nên đã một thời được lấy tên để đặt cho tổng. Đó là tổng Thượng Hộ. Ngày nay, đơn vị hành chính không còn tổng nữa, chỉ có thôn, xã rồi huyện, tỉnh chứ không còn tổng và phủ nữa. Người đang viết đây còn nhớ rất rõ, hồi nhỏ đi học phải khai lý lịch như sau : Nguyễn văn Mỗ, làng Hội Kê, tổng Thượng Hộ, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình. Phải khai đầy đủ như vậy mới được coi là trúng cách.

          Khi được phép thành lập làng, các tổ phụ chúng ta đã đặt tên làng mới là HỘI KÊ. Theo sự diễn tả nôm na thì HỘI có nghĩa là sự hội họp của bốn họ sau đây :

          1. Nguyễn Hữu              3. Nguyễn Huy     2. Nguyễn Đình             4. Lương Huy

          Sau này có thêm một họ nữa là họ Trần ở bên kia sông Hồng thuộc Tảo Môn, Phương Trà, lúc đầu đến ngụ cư và sau này mới chính thức là dân làng, và Kê là địa danh của khu đất của xã Thượng Hộ, phía trên khu đất tân bồi. Nhưng sự thật bên trong, chữ Hội Kê còn hàm ý nghĩa rất sâu xa, chỉ con cháu dòng họ Nguyễn Hữu mới được nhắc nhở và hiểu rõ ý nghĩa. Ngày xưa, thường khi đặt tên cho một làng mới, các cụ đều có dụng ý sâu xa, ngầm nói lên được nguyện vọng của mình và để nhắc nhở, thúc đẩy tinh thần con cháu sau này luôn luôn nhớ đến trách nhiệm đối với tổ tiên.

          Theo chữ Nho thì chữ HỘI còn được đọc là CỐI. Vậy HỘI KÊ cũng có thể đọc là CỐI KÊ mà người đặt tên cố ý đọc là HỘI KÊ để che đậy thâm ý khỏi bị triều đình nghi kỵ.

          Cối Kê là nơi Việt vương Câu Tiễn bị quân nước Ngô đánh bại phải chạy về đó (thời Đông Chu liệt quốc). Câu Tiễn thế cùng lực kiệt phải đầu hàng nước Ngô và cả hai vợ chồng Câu Tiễn bị bắt giam lỏng ở đó. Hằng ngày Câu Tiễn phải đi chăn ngựa và có khi phải đi dắt ngựa cho Phù Sai khi cưỡi ngựa đi chơi. Còn vợ thì đi cắt cỏ cho ngựa. Người ta kể rằng Câu Tiễn phải nuốt nhục chịu đựng và đã có lần phải chịu nhục nếm phân cho Phù Sai khi Phù Sai đau để đoán bệnh, cốt để lấy lòng tin yêu của Phù Sai. Câu Tiễn đã đạt được ý nguyện và được vua Ngô tha cho về nước. Câu Tiễn liền về Cối Kê, chọn nơi này làm kinh đô nước Việt. Ở đây, Câu Tiễn nuôi chí phục thù, và sau một thời gian nằm gai nếm mật, ra sức chiêu binh mãi mã, tạo được một đội quân hùng mạnh. Rồi Câu Tiễn mang quân diệt được nước Ngô, trả được mối thù xưa. Sau này trong văn chương, người ta dùng chữ CỐI KÊ để chỉ sự nằm gai nếm mật, nuôi ý chí phục thù, khôi phục lại cơ đồ sự nghiệp như hai câu thơ nổi tiếng sau đây :

            “Cối kê cựu sự quân tu ký

Hoan, Ái do tồn thập vạn binh”.

(Bạn hãy nhớ lại việc cũ ở Cối Kê. Hai châu Hoan và Ái, tức là vùng Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay hãy còn mười vạn quân).

          Hai câu này nói về nước Việt Nam, mỗi khi bị quân Tàu xâm lăng, lúc đầu quân Việt thường là bị thua, nhưng sau khi đã rút được vào rừng Hoan, Ái, dựa vào địa thế địa lợi, củng cố lại được thực lực, sau cùng cũng đánh bại được quân xâm lăng, khôi phục được chủ quyền đất nước. Tổ phụ ta ngày trước dụng ý đặt tên làng là CỐI KÊ (ngụy trang là HỘI KÊ) là cốt để con cháu mai sau đoàn kết lại, hầu khôi phục lại cơ đồ sự nghiệp. Ngày nay lịch sử đã đổi thay, mục đích của hai chữ CỐI KÊ đã không còn nữa, vì nước Việt cả Nam lẫn Bắc đều bị quân Pháp xâm chiếm và thống trị. Sự khôi phục lại quyền tự chủ cho đất nước, là đánh đuổi thực dân Pháp cũng đã hoàn thành.

---ooo0ooo---

Sunday, 7 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 2

 

Những ai đã từng dùng đường thủy, đi tàu từ Hànội về Namđịnh, hay Hảiphòng về Namđịnh và ngược lại, hẳn còn nhớ khúc sông mà ngày xưa người ta gọi là Ngã Ba Tuần Vường.

          Những tàu chạy trên sông hồi ấy thường có mấy chiếc, một là tàu Bắc Kinh, một là Long Môn và một là Giang Môn, chuyên chở khách và hàng hóa đường Namđịnh-Hànội. Còn một cái nữa chạy đường Namđịnh-Hảiphòng, chỉ chuyên chở hàng hóa, có tên gọi là tàu “Guồng Hậu”. Gọi như vậy vì tàu này đằng sau lái có một bánh xe guồng lớn, gồm nhiều tấm mặt bằng quay dưới nước để đẩy tàu đi.

          Ngay từ lúc còn nhỏ, hồi 7-8 tuổi, tôi đã được nghe người lớn nói “Mười hai cửa bể, phải nể Tuần Vường”. Với suy nghĩ của tôi hồi đó, tôi đã hiểu rằng : Phải nể Tuần Vường, vì chỗ ấy gần cửa Tuần Vường, nơi có vạn chài ĐỨC THÔNG  ở thượng nguồn, cách đó chừng 2km, một vạn chài nổi tiếng ngỗ nghịch, thường hay tổ chức đánh cướp những thuyền buôn trên sông để lấy tiền ăn chơi. Có khi không gặp thuyền buôn, lại kéo lên những làng bên bờ để hành nghề. Bọn này rất tàn ác, đánh và giết người như chơi, nên hễ ai nghe đến hai chữ ĐỨC THÔNG là lớn bé, già trẻ trong làng đều sợ đến xanh mặt, mặc dù làng Hội Kê cũng có một vạn chài đông đảo, võ nghệ cao cường, cũng anh hùng nhất khoảnh chẳng kém gì. Cảm tưởng đó, giờ đây nhớ lại, tôi vẫn còn thấy sợ và buồn cười. Còn một câu nữa cũng nói đến Tuần Vường, nhưng là một câu nói về phong thủy, hình như là của Thánh địa lý Tả Ao. Câu đó là “Đầu đội núi ĐỌI, chân rọi Tuần Vường, đích huyệt Đế vương”. Núi Đọi là một núi thấp và nhỏ ở làng CẦU KHÔNG  thuộc tỉnh Hà Nam, còn Tuần Vường là nơi làng quê tôi cũng gần đó, qua bao năm tháng đổi thay với những cái tên như làng Hội Kê, xã Quần Hiền, liên xã Tam Tỉnh cho đến ngày nay là xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Người ta cho rằng huyệt đế vương này ở vùng Tức Mạc, ngoại thành của thị xã Namđịnh, là quê hương của nhà TRẦN (và cũng là quê hương của cô TƯ HỒNG sau này nữa). Chính nhà Trần được phát mả đế vương là vì hài cốt của tiên tổ đã được an táng vào đúng chỗ huyệt đó. Chẳng biết có đúng thế không, nhưng cụ Tả Ao có nói rằng “Tiên tích đức, hậu tầm long”, nghĩa là người nào muốn được đất thì trước hết gia đình phải có nhiều phúc đức đã, rồi sau mới đi tìm long mạch thì mới có kết quả được. Cũng có người  nói rằng khi người Pháp đến cai trị vùng này, cũng tin tưởng rằng vùng này có huyệt đế vương thật, nên mới nhân dịp cải tạo giao thông, đã cho đào lấp lại khúc Ngã Ba Tuẩn Vường này để cho “đoạn thương long mạch”, tránh được việc rắc rối sau này. Chỗ này chính là NGÃ BA TUẦN VƯỜNG, ngày nay gọi là TẮC GIANG là sông bị lấp. Liền đó có một cái chợ cũng gọi là CHỢ BẾN TẮC GIANG. Thực ra, chỗ Ngã Ba Tuần Vường có những đợt sóng dữ và xoáy nước rất nguy hiểm cho tàu bè qua lại. Thường vào những chiều mùa hạ, khi trời lộng gió, mặt sông nổi lên những đợt sóng trắng xóa xô đuổi nhau nên dân chúng gọi là sóng bạc đầu hay sóng thần. Hai bên bờ sông có đền thờ vua Thủy Tề cho các thuyền bè qua lại có chỗ cúng vái và cầu bình an khi qua khúc sông này. Thế rồi, có một lần, một canô chở khách từ Namđịnh đi Hànội, gặp lúc gió to nước xoáy, bị đắm ngay chỗ ngã ba sông này. Trong số hành khách hôm đó có một đại úy người Pháp bị chết đuối. Mấy ngày sau, vạn chài trên ngã ba sông này mới tìm được xác. Đúng lúc vạn chài này cũng đã quá ngán cái cảnh sông nước, sống trong lo sợ ở khúc sông này, nên đã họp nhau làm đơn xin viên Công sứ Thái Bình trả công vì đã vất vả mới tìm được xác của nạn nhân, bằng cách xin cắt cho một dẻo đất ở cuối làng Hội Kê để lập thành một làng mới. Viên Công sứ cũng muốn trả ơn nên thuận cho. Thế là làng Mỹ Cơ được thành lập, và đó là làng Mỹ Cơ ngày nay. Mỹ Cơ có nghĩa là cơ hội tốt đẹp, có lẽ cũng vì thế mà làng này nay cũng đã trở nên trù phú chăng ?

Lại nói thêm về Cửa Tuần Vường hay Ngã Ba Tuần Vường, cũng cùng là một chỗ, một địa điểm. Khi người Pháp chưa đến đặt nền cai trị ở Việt Nam, thì nơi đây là một ngã ba sông, chỗ tiếp giáp giữa sông Hồng Hà và sông Hoàng Giang. Sông Hoàng Giang bắt nguồn từ dãy núi đá vôi chảy từ Phủ Lý (thị xã Hà Nam) qua CẦU KHÔNG, rồi đổ vào sông Hồng Hà. Quãng sông từ Phủ Lý đến Ngã Ba Tuần Vường là sông HOÀNG GIANG, nên một làng tại ngã ba sông này lấy tên là làng Đại Hoàng, ỡ hữu ngạn sông Hồng. Đây là quê hương của Bà chánh thất cụ Nguyễn Hữu Hân. Mộ chí của Bà hiện còn tại nghĩa trang Hội Kê, ngay trước cửa đình làng. Đây cũng chính là làng Vũ Đại hư cấu, quê hương của Chí Phèo và Bá Kiến trong tác phẩm cùng tên CHÍ PHÈO của nhà văn Nam Cao. Hiện nay mộ phần và nhà từ đường của nhà văn này ở chính ngay trên nền đất cũ của nhà ông, đã được nhà nước công nhận là một di tích lịch sử, khá khang trang và đẹp đẽ. Chỗ này hiện nay không còn dấu vết gì của ngã ba sông nữa, vì người Pháp đã cho lấp chỗ cửa sông này, và được gọi với cái tên mới là “BẾN TẮC GIANG’, và một cái chợ nhỏ ở chỗ này, đầu đường dẫn vào làng Đại Hoàng được gọi là CHỢ BẾN TẮC GIANG hay CHỢ BẾN TẢO MÔN. Làng Tảo Môn này, chỗ giáp ranh với làng Phương Trà có một bến “màn xế” tàu thủy, là chỗ giống như trạm dừng của xe buýt để trả hoặc lấy thêm khách ở bến sông.

          Như trên đã nói, thế thì hai danh xưng Hội Kê và Tuần Vường có phải là cùng một chỗ hay là hai nơi khác nhau ? Thực ra thì có làng Hội Kê và làng Phú Hậu bên cạnh chứ không có làng Tuần Vường. Nếu ta lưu ý một chút, thì thấy Hội Kê là một làng quê nằm trên tả ngạn sông Hồng thuộc lãnh thổ của tỉnh Thái Bình, còn Tuần Vường là chỗ ngã ba sông, nơi tiếp giáp với ba tỉnh HÀ NAM, NAM ĐỊNH (bên hữu ngạn) và THÁI BÌNH (bên tả ngạn). Chính vì lý do này mà nơi đây – trong đó có làng Hội Kê – về sau mới có tên là TAM TỈNH (sẽ nói rõ ở phần sau).

---o0o---

Saturday, 6 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Lời nói đầu (Nguyễn Hữu Quyền - Di cảo) - Kỳ 1

 

LỜI NÓI ĐẦU

          Tôi đã phân vân mãi, trước khi cầm bút viết những dòng này. Phân vân là vì, nay tôi tuổi đời đã cao : đầu óc còn tỉnh táo, mắt chưa mờ, tai còn thính, chân đã hơi chậm, tay nhiều lúc đã run, chữ viết không còn được như ý nữa. Tôi đã nghĩ rằng nếu những điều mình biết cứ để trong đầu, không viết ra giấy, sau này mình không còn nữa, thì ai là người kể lại cho con cháu nghe đây? Và nếu viết ra giấy, không phải một vài ngày là xong. Sức lao động bỏ ra để làm việc, tôi cũng đã quen và không cần phải cố gắng lắm, nhưng dù sao vẫn còn bị hạn chế vì thời gian để làm việc liệu có còn đủ không? Vả lại, với chút sức khỏe mỏng manh còn lại, nhiều lúc cũng cần phải nghỉ ngơi để dưỡng sức và bồi bổ. Vì thế mà cứ phân vân, do dự : VIẾT hay THÔI ?

 

Giữa lúc đó thì tôi gặp ông Bùi Đình Hòe, một cố nhân và bạn tri kỷ của tôi nơi quê hương từ hồi cả hai còn rất trẻ. Mãi sau 1975, ông mới vào ở hẳn miền Nam. Nghe chuyện, ông đã say sưa, hăng hái khuyến khích tôi làm và cần làm ngay, nếu không thì thật là uổng. Tuy vậy, nhưng tôi vẫn chưa quyết định được ngay, bởi còn nhiều lẽ. Tiếp đó, tôi lại gặp ông Nguyễn Minh Chính, nhà văn, nhà báo và cũng là bà con nơi quê  nhà năm xưa, từng công tác ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Bình, và hiện nay tại  Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Dương. Ông đến chơi với tôi, cũng khuyến khích, cổ võ và hứa với tôi là sẽ cung cấp những tư liệu cần thiết mà ông có, để nói về quê hương. Lúc đó tôi mới dứt khoát quyết định, Sau đó, tôi nhờ ông Ngô Hưng Đan, một cựu đồng nghiệp của tôi ở miền Nam, đánh máy vi tính bản thảo của tôi để in thành sách. Ông Đan đã ngày đêm cặm cụi, gò lưng trên giàn máy vi tính, làm việc đó cho tôi để chóng xong.

Tôi xin tỏ lòng tri ân các ông, và coi như một kỷ niệm đẹp với các ông trong cuộc sống tất bật mà chúng ta đang trải qua ngày nay. 

 

Tp HCM ngày 01-4-2008

NGUYỄN HỮU QUYỀN