Thursday 11 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Lịch sử làng Thượng Hộ (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 5

 

LỊCH  SỬ LÀNG THƯỢNG HỘ.-

          Làng Thượng Hộ trước đó có tên là làng Hạ Diên. Một hôm, ông Lý Bôn tức Lý Bí (vua Tiền Lý Nam đế sau này) quê vùng LONG HƯNG, bây giờ là huyện Thụy Anh, thuộc tỉnh Thái Bình có việc qua đó, ngủ lại ở đây và được dân ở đây cho biết là phía trên đầu nguồn có làng Diên Hà và sau này là làng PHÚ HIẾU (quê hương nhà bác học Lê Quý Đôn) gần tiếp giáp với Thượng Hộ khi đó, nên làng mới lấy tên là Hạ Diên, nghĩa là ở phía dưới làng Diên Hà. Trong lúc vui chuyện, Lý Bôn mới đề nghị là tại sao làng lại không lấy tên là Thượng Hộ, vì đây chính là phía trên của đầu sông Trà Lý. Sông Trà Lý ngày nay cửa sông ở giữa hai làng Phú Nha và Thượng Hộ, chứ lúc đó là cửa sông Muội Hương ở chỗ làng Mỹ Cơ, cuối làng Hội Kê, chảy vòng qua cuối làng Hội Kê, qua Gia Lạc, chỗ Chợ Mố (ngày nay tên là chợ Hàng, vì ở đó một thời đã trên bến dưới thuyền hàng hóa ra vào rất sầm uất), rồi qua làng Yên Điện, sau đó mới đến làng Đồng Đại bây giờ. Tổng Thượng Hộ có 11 xã, gồm năm xã thuộc nội đê (nằm bên trong quan đê) và sáu xã ngoại đê. Về sau người Pháp nắn lại khúc sông này nên mới đào cửa sông Trà Lý như ngày nay và trên bản đồ ghi là Cửa Trà Lý. Như thế, tổng Thượng Hộ được tách ra làm hai phần, một phần gồm năm xã nội đê là các làng Phú Nha, Thâm Động, Tịnh Xuyên, Tịnh Thủy và Cổ Lễ hay Đồng Nổ. Còn lại sáu xã ngoại đê là những làng Thượng Hộ, Gia Lạc, Hội Kê, Phú Hậu, Duyên Mỹ và Phú Hữu. Di tích còn lại của sáu làng này thời đó là đoạn “đê sáu xã”, chỗ cuối làng Hội Kê nối liền sang làng Phú Chử và Thanh Bản. Con đê này ngày nay không còn dùng làm đê giữ nước nữa, mà chỉ là con đường giao thông qua lại giữa các làng Hội Kê, Phú Chử và Thanh Bản. Đến đây ta hiểu được tại sao làng Thượng Hộ và Gia Lạc lại có thành hoàng là ông LÝ BÔN (tức Tiền Lý Nam đế) và con đường lớn nhất, hoành tráng nhất của thành phố Thái Bình hiện nay là đườmg LÝ BÔN. Còn thành hoàng làng Hội Kê thì có truyền thuyết như sau :

          Một ngày nọ, hồi làng Hội Kê mới thành lập, có một ông già không biết từ đâu tới làng, đến tối xin vào ngủ trọ ở “đồn binh” tại đây (tức là nhà cụ giáo Tứ hay trạm y tế Hội Kê sau này). Người lữ khách này không được “đồn binh” chấp thuận nên đã phải ra ngủ trọ ở bên ngoài, không biết là nhà ai hay ở đâu, chỉ biết sáng hôm sau người ta thấy ông già này chết còng queo bên vệ đường, bên cạnh có đôi dép (không rõ là dép gì) và một chiếc bị cói, trong đó có những đồ nhật dụng và một tờ giấy có những chữ đọc được như sau đây : HỘI KÊ ĐẮC ĐỊA, BÁCH TÍNH HƯNG AN (Tư liệu do ông Nguyễn Minh Chính cung cấp). Sau khi người lữ khách này được chôn cất, thì thấy mộ ông, đất dần dần trồi lên thành một gò đống lớn, tức là một tổ mối khá to, nên dân làng đều cho rằng hẳn ông này phải là một nhân vật thần linh đến để báo cho dân làng một tin mừng. Xong việc thì ông lại trở về trời. Tiếp theo đó, dân làng quyết định lấy địa điểm này để lập miếu thần linh và thành lập đình làng Hội Kê. Đình làng Hội Kê sau này đã được mượn để làm trường học TỔNG SƯ của tổng Thượng Hộ, và thành hoàng của làng Hội Kê chính là ông lữ khách vô danh này. Việc này đã giải thích được nhiều điều về cái địa điểm không bình thường của ngôi miếu và đình chùa của làng Hội Kê[1], cũng như địa điểm không bình thường của ngôi trường Tổng Sư[2] của Thượng Hộ..

          Thượng Hộ, cụ Nguyễn Hữu Vinh nương náu trong Xóm đạo. Cụ vì  muốn phục Lê mà chống nhà Nguyễn, người Công giáo vì ủng hộ Hoàng tử Cảnh nên ngấm ngầm bất phục Minh  Mạng. Giáo dân Thượng Hộ chứa chấp, che chở cho gia đình cụ Vinh với danh nghĩa “thày đồ”, vì hai bên cùng chung cảnh ngộ bất mãn với triều đình nhà Nguyễn. Giáo dân Thượng Hộ còn được biết khá nhiều về thái độ và hành động của Minh Mạng đối với chị dâu (tức mẹ của Hoàng tử Cảnh) và cháu, nên lại càng bất mãn nhiều hơn.

          Khi sống trong xóm đạo, vốn gốc Phật giáo, cụ lần hồi hiểu rõ giáo lý Công giáo, nhất là sự giúp đỡ chân thành với đầy lòng bác ái của giáo dân, cụ bèn tình nguyện xin theo đạo Công giáo và về sau trở thành một giáo hữu nhiệt tình.



[1] Làng Hội Kê có hai khu cách biệt. Nửa làng trên ở phía Bắc là khu Công giáo. Nửa làng dưới ở phía Nam  là khu Phật giáo. Địa điểm không bình thường ở đây là MIẾU, ĐÌNH CHÙA là của Phật giáo, lẽ ra phải ở nửa làng dưới, lại tọa lạc ở khu nửa làng trên , chung quanh đều là Công giáo.

[2] Ngôi trường Tổng Sư của Thượng Hộ cũng vậy. Vì tổng chưa có trường công, phải mượn tạm đình làng Hội Kê để làm trường. Ngôi trường này không ở trung tâm, mà lại ở phần Cực Nam của tổng là làng Hội Kê. Có nhiều người cho rằng đây là điều không bình thường, có sự thiên vị nào chăng ?

Wednesday 10 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa : Nguồn gốc họ Nguyễn Hữu (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 4

 

NGUỒN GỐC HỌ NGUYỄN HỮU.

          Như trên đã nói, hai chữ HỘI KÊ hay CỐI KÊ còn hàm một ý nghĩa rất sâu xa, chỉ con cháu dòng họ NGUYỄN HỮU mới được nhắc nhở và hiểu rõ ý nghĩa, vì thế nên đề cập đến Hội Kê mà không nói rõ nguồn gốc họ này ở đó thì quả là chưa đủ.

          Nguồn gốc họ NGUYỄN HỮU – HỘI KÊ được bắt đầu từ Cụ Nguyễn Hữu Vinh. Cụ Vinh quê quán tại Hưng Yên. Thời đó nhà Nguyễn mới thống nhất đất nước chưa được bao lâu. Trước kia nước Việt Nam bị phân chia làm hai miền BẮC HÀ và NAM HÀ hay hai xứ ĐÀNG TRONG và ĐÀNG NGOÀI, sống biệt lập như hai nước khác nhau. Khi Gia Long mang quân ra Bắc Hà để diệt Tây Sơn, có tuyên bố là sẽ khôi phục lại nhà LÊ để được dân chúng Bắc Hà hợp tác. Nhưng sau khi Gia Long thành công đã quên ngay lời hứa hẹn trên và tự lập làm vua cả hai miền Nam Bắc. Vì vậy dân chúng Bắc Hà bất phục, nhiều nơi nổi lên chống đối với danh nghĩa khôi phục nhà Lê, vì nhà Lê đã có công rất lớn với đất nước, với dân tộc, nhất là vua Lê Thái Tổ và sau này là vua Lê Thánh Tông. Phần nữa, nhiều người còn cho rằng nhà Nguyễn là bầy tôi của nhà Lê. Phong trào khôi phục nhà Lê kéo dài từ đời Gia Long cho tới đời Tự Đức, mãi tới khi quân Pháp xâm chiếm Bắc Kỳ.

          Hưng Yên là một nơi có rất nhiều dân hưởng ứng theo phe khởi nghĩa, nên khi đê Văn Giang bị vỡ làm lụt lội Hưng Yên, nhà Nguyễn không sốt sắng trong việc đắp lại đê với thâm ý để cho dân tình đói khổ để dễ bề đàn áp. Bởi vậy nên đê Văn Giang bị vỡ 18 năm liền, dân chúng lại càng căm thù nhà Nguyễn hơn nữa.

          Cụ Nguyễn Hữu Vinh ở vào một làng có tinh thần chống đối cao, có thể là căn cứ của  nhóm khởi nghĩa. Khi quân của triều đình đến đánh dẹp, dân chúng nơi đó phải bỏ làng trốn chạy. Vì không dám kết đoàn đi trốn nên anh em cụ Nguyễn Hữu Vinh mang gia quyến, mỗi người chạy một ngả.

          Cụ Nguyễn Hữu Vinh là con thứ hai, dẫn một người cháu gọi bằng chú ruột xuôi theo tả ngạn sông Hồng, chạy đến làng Thượng Hộ, huyện Duyên Hà. Một người em cụ chạy đến làng Gia Lạp (không phài là Gia Lạc) cũng thuộc huyện Duyên Hà, cách Thượng Hộ độ 25 cây số. Một người em khác chạy ra mãi Thủy Nguyên thuộc tỉnh Quảng Yên (bây giờ là huyện Thủy Nguyên thuộc Quảng Ninh), giữa Quảng Ninh và Hải Phòng. Người anh cả chạy đi đâu không rõ, nhưng về sau theo lời con cháu họ Nguyễn ở Gia Lạp kể lại, thì đã trở về làng cũ ở Hưng Yên.

          Trong khi chạy trốn, mọi người tìm  nơi ẩn náu an toàn nên không còn có liên lạc với nhau. Mãi đến đời sau, con cháu họ Nguyễn ở Thượng Hộ mới tìm ra con cháu họ Nguyễn ở Gia Lạp.

          Cụ Nguyễn Hữu Vinh chạy đến ẩn náu ở làng Thượng Hộ. Vì nơi đây là bãi đất mới ở ngoại đê bị bỏ hoang, cỏ sậy, lau lách mọc dày, làng thành lập chưa được bao lâu nên dễ dung nạp những người đến cư ngụ. Ngoài ra, ở Thượng Hộ có một xóm người theo đạo Công giáo, khi đó cũng đang bị triều đình để ý. Người Công giáo lúc đó trông cậy vào Hoàng tử Cảnh sẽ lên nối ngôi vua Gia Long. Khi hoàng tử Cảnh chết, họ lại đặt hy vọng vào con của Cảnh. Đây là một trong những lý do ác cảm của Minh Mạng với người Công giáo.

Tuesday 9 November 2021

Tìm về quá khứ - Quê cũ năm xưa: Lịch sử làng Hội Kê (Nguyễn Hữu Quyền - Di Cảo) - Kỳ 3

 

LỊCH SỬ LÀNG HỘI KÊ.-

          Nay nói qua một chút về lịch sử làng Hội Kê, để các thế hệ sau này có thể nắm bắt được những gì cần biết một cách dễ dàng. Nguyên tại làng Thượng Hộ, xuôi về phía hạ lưu sông Hồng, có nổi thêm một khu đất bồi, rồi thành một khu bãi tiếp theo với một khu đất của làng Thượng Hộ và được ghi danh là MA-KÊ-XỨ với một diện tích khá rộng. Ma-Kê nghĩa là gì không ai hiểu rõ, chỉ đoán chừng là một nơi có trồng nhiều vừng. Khu đất Ma-Kê-Xứ này trước đó chỉ là một xóm của làng Thượng Hộ, và hiện nay thuộc về đất làng Gia Lạc, giáp với Mả Cả gần đình Gia Lạc hiện giờ. Ta cần nhớ rằng ở vùng này, trước kia cũng như bây giờ, Thượng Hộ là làng lớn nhất vùng, nên đã một thời được lấy tên để đặt cho tổng. Đó là tổng Thượng Hộ. Ngày nay, đơn vị hành chính không còn tổng nữa, chỉ có thôn, xã rồi huyện, tỉnh chứ không còn tổng và phủ nữa. Người đang viết đây còn nhớ rất rõ, hồi nhỏ đi học phải khai lý lịch như sau : Nguyễn văn Mỗ, làng Hội Kê, tổng Thượng Hộ, huyện Duyên Hà, phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình. Phải khai đầy đủ như vậy mới được coi là trúng cách.

          Khi được phép thành lập làng, các tổ phụ chúng ta đã đặt tên làng mới là HỘI KÊ. Theo sự diễn tả nôm na thì HỘI có nghĩa là sự hội họp của bốn họ sau đây :

          1. Nguyễn Hữu              3. Nguyễn Huy     2. Nguyễn Đình             4. Lương Huy

          Sau này có thêm một họ nữa là họ Trần ở bên kia sông Hồng thuộc Tảo Môn, Phương Trà, lúc đầu đến ngụ cư và sau này mới chính thức là dân làng, và Kê là địa danh của khu đất của xã Thượng Hộ, phía trên khu đất tân bồi. Nhưng sự thật bên trong, chữ Hội Kê còn hàm ý nghĩa rất sâu xa, chỉ con cháu dòng họ Nguyễn Hữu mới được nhắc nhở và hiểu rõ ý nghĩa. Ngày xưa, thường khi đặt tên cho một làng mới, các cụ đều có dụng ý sâu xa, ngầm nói lên được nguyện vọng của mình và để nhắc nhở, thúc đẩy tinh thần con cháu sau này luôn luôn nhớ đến trách nhiệm đối với tổ tiên.

          Theo chữ Nho thì chữ HỘI còn được đọc là CỐI. Vậy HỘI KÊ cũng có thể đọc là CỐI KÊ mà người đặt tên cố ý đọc là HỘI KÊ để che đậy thâm ý khỏi bị triều đình nghi kỵ.

          Cối Kê là nơi Việt vương Câu Tiễn bị quân nước Ngô đánh bại phải chạy về đó (thời Đông Chu liệt quốc). Câu Tiễn thế cùng lực kiệt phải đầu hàng nước Ngô và cả hai vợ chồng Câu Tiễn bị bắt giam lỏng ở đó. Hằng ngày Câu Tiễn phải đi chăn ngựa và có khi phải đi dắt ngựa cho Phù Sai khi cưỡi ngựa đi chơi. Còn vợ thì đi cắt cỏ cho ngựa. Người ta kể rằng Câu Tiễn phải nuốt nhục chịu đựng và đã có lần phải chịu nhục nếm phân cho Phù Sai khi Phù Sai đau để đoán bệnh, cốt để lấy lòng tin yêu của Phù Sai. Câu Tiễn đã đạt được ý nguyện và được vua Ngô tha cho về nước. Câu Tiễn liền về Cối Kê, chọn nơi này làm kinh đô nước Việt. Ở đây, Câu Tiễn nuôi chí phục thù, và sau một thời gian nằm gai nếm mật, ra sức chiêu binh mãi mã, tạo được một đội quân hùng mạnh. Rồi Câu Tiễn mang quân diệt được nước Ngô, trả được mối thù xưa. Sau này trong văn chương, người ta dùng chữ CỐI KÊ để chỉ sự nằm gai nếm mật, nuôi ý chí phục thù, khôi phục lại cơ đồ sự nghiệp như hai câu thơ nổi tiếng sau đây :

            “Cối kê cựu sự quân tu ký

Hoan, Ái do tồn thập vạn binh”.

(Bạn hãy nhớ lại việc cũ ở Cối Kê. Hai châu Hoan và Ái, tức là vùng Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay hãy còn mười vạn quân).

          Hai câu này nói về nước Việt Nam, mỗi khi bị quân Tàu xâm lăng, lúc đầu quân Việt thường là bị thua, nhưng sau khi đã rút được vào rừng Hoan, Ái, dựa vào địa thế địa lợi, củng cố lại được thực lực, sau cùng cũng đánh bại được quân xâm lăng, khôi phục được chủ quyền đất nước. Tổ phụ ta ngày trước dụng ý đặt tên làng là CỐI KÊ (ngụy trang là HỘI KÊ) là cốt để con cháu mai sau đoàn kết lại, hầu khôi phục lại cơ đồ sự nghiệp. Ngày nay lịch sử đã đổi thay, mục đích của hai chữ CỐI KÊ đã không còn nữa, vì nước Việt cả Nam lẫn Bắc đều bị quân Pháp xâm chiếm và thống trị. Sự khôi phục lại quyền tự chủ cho đất nước, là đánh đuổi thực dân Pháp cũng đã hoàn thành.

---ooo0ooo---